by Doi Thoai
Blog Tuongnangtien
Biết nhục không phải là điều đáng sợ, trái lại, khi nói về dân tộc mình,
không hiểu sao tôi cứ rùng mình ghê sợ trước một thái độ hơn hớn tự đắc.
Hà Sĩ Phu
Ngày 05 tháng 4 năm 2011, trên blog Một Cửa Sổ Nhìn Ra Thế Giới, có bài viết “Liên Xô đã nói dối về chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin vào năm 1961” (“Soviet Union lied about 1961 Yuri Gagarin space mission”) của Andrew Osborn – Phạm Nguyên Trường chuyển ngữ – toàn văn như sau:
“Các nhà lãnh đạo Liên Xô đã nói dối về thành công của chuyến bay lịch sử của Yuri Gagarin (1934-1968) vào vũ trụ vào năm 1961 và che dấu sự kiện là ông đã nhảy dù xuống địa điểm cách nơi dự kiến hơn 200 dặm, một cuốn sách vừa được xuất bản tiết lộ như thế.”
“Liên Xô đã trình làng sứ mệnh lần đầu tiên đưa được người lên vũ trụ như là một đòn tuyên truyền quan trọng nhất trong thời kì chiến tranh lạnh, đã mô tả nó như là một thành tựu không một vết gợn của hệ tư tưởng cộng sản.”
“Nhưng một cuốn sách mới vừa được xuất bản trước lễ kỉ niệm lần thứ 50 chuyến bay nổi tiếng của Gagarin đã tiết lộ rằng các nhà khoa học đã hai lần tính sai địa điểm nơi ông nhảy dù, vì vậy mà không có ai đón tiếp ông khi ông chạm đất tại một nơi nằm cách Moskva 500 dặm về phía Nam.”
“Trong suốt nhiều năm ròng sách báo Liên Xô đều tuyên bố rằng Yuri Gagarin và bộ phận tiếp đất của tàu Vostok đã hạ cánh đúng địa điểm dự kiến”, tác phẩm 108 phút làm thay đổi thế giới viết như thế.”
“[Nhưng] thông tin này khác xa sự thật”, tác giả nói thêm, vì các nhà lập kế hoạch vũ trụ của Liên Xô dự định rằng ông sẽ hạ cánh cách đó 250 dặm nữa về phía Nam. Thế là không có ai đợi và tìm Yuri Gagarin ở đó. Vì vậy mà việc đầu tiên ông phải làm sau khi tiếp đất là tìm người và phương tiện thông tin để nói với cấp trên là ông đang ở đâu”.
“Liên Xô còn nói dối về cách tiếp đất, họ tuyên bố rằng ông ngồi trong khoang tiếp đất, nhưng thực ra là ông đã nhảy dù ra ngoài. Lí do để họ nói dối – cuốn sách viết – là để tránh qui định nghiêm ngặt, không cho họ chính thức đăng kí chuyến bay vào kỉ lục thế giới.”
“Cuốn sách, do nhà báo Nga tên là Anton Pervushin chấp bút, còn công bố một bức thư rất cảm động gửi cho gia đình của Gagarin ngay trước khi ông lên đường thực hiện nhiệm vụ, trong đó ông có nói đến sự hữu sinh hữu tử của chính mình và bảo vợ ‘chớ có chết vì buồn’ nếu ông không trở về.
Ông nói rằng ông hi vọng là họ sẽ không bao giờ phải đọc bức thư này.”“Nhưng đôi khi người ta có thể trượt chân ngay trên đất bằng và gãy cổ”, ông viết. “Một cái gì đó cũng có thể xảy ra ở đấy. Nếu điều đó xảy ra thì anh xin em, Valyusha (tên thân mật của vợ ông), hãy đừng chết vì buồn. Dù thế nào thì cuộc sống cũng là cuộc sống và chẳng người nào có thể bảo đảm rằng ngày mai một chiếc ô tô không kết liễu cuộc đời của anh ta”. Có thể hiểu được vì sao ông lại viết bức thư từ biệt này. Năm 1957 các nhà khoa học Liên Xô đã đưa lên vũ trụ một con chó hoang tên là Laika, và chỉ sau vài giờ là nó đã chết vì nóng quá. Cuối cùng, vào năm 1968 bà vợ của Gagarin đã đọc bức thư đầy xúc động của chồng mình, đấy là sau khi ông chết trong một tai nạn hàng không đầy bí hiểm khi mới ở tuổi 34.”
Trời, tưởng gì chớ chết vì những tai nạn (“đầy bí hiểm”) là chuyện vẫn xẩy ra hàng ngày ở huyện, trong những xã hội cộng sản. Còn chuyện Yuri Gagarin vẫn ngồi trong khoang phi thuyền khi đụng đất, hay đã nhẩy dù – cách nơi dự tính 200, hay 2,000 dặm – đều là chuyện nhỏ.
Nó nhỏ lắm, nhỏ còn hơn con thỏ đối với những người cộng sản. Nói láo là nghề của họ. Họ đã từng dối trá cả hàng trăm ngàn chuyện tầy trời khác nữa, chớ sự sai lệch về khoảng cách chỗ phi hành gia nhẩy dù – so với nơi dự kiến – thì đâu có nhằm nhò gì (ba cái chuyện lẻ tẻ) để phải làm rầm rĩ, mấy cha.
Sự kiện chính là Yuri Gagarin – thực sự – đã bay vô vụ trụ, rồi an toàn trở về, mới là điều đáng kể, dù theo Gerard De Groot đây chỉ là một chuyến bay vô ích. Nó chỉ mang lại chút sĩ diện hảo cho Liên Xô (hồi đó) chớ không có tí gía trị thực dụng nào hết trơn hết trọi. Tác giả Dark Side of the Moon còn ví von một cách giễu cợt rằng:
“Chiến công của Gagarin chỉ là một màn trình diễn đẹp mắt, bắt chước những trò mạo hiểm theo kiểu ‘Sơn Đông mãi võ’ mà thôi” (Gerard De Groot. “Yuri Gagarin: Waste of space?” The Telegraph, March 28, 2011. Trans. Phạm Minh Ngọc).
Chi tiết duy nhất đáng nói, trong cuốn sách mà Anton Pervushin chấp bút (theo thiển ý) có lẽ là bức thư gửi lại cho gia đình của Gagarin, trước chuyến bay, với lời dặn dò vợ rằng “chớ chết vì buồn” nếu ông đi (luôn) vào vũ trụ không cùng!
Thiệt là cảm động, dù nghe có vẻ hơi bị tạch tạch sè và không được đúng đường lối chính sách gì cho lắm. So với đồng nghiệp thì phi hành gia Phạm Tuân của Việt Nam chấp hành nhiệm vụ nghiêm túc và bài bản hơn nhiều.
Trong chuyến du hành không gian vào ngày 23 tháng 7 năm 1980, ông không để lại nhật ký, hay thư từ (vớ vẩn) gì ráo cho bất cứ ai. Ông cũng không mang theo hình ảnh cha mẹ, vợ con hay anh chị em gì hết trơn hết trọi.
Hành trang lên đường của Phạm Tuân, do chính ông cho biết: “Tôi mang theo quốc kỳ, quốc huy, chân dung của bác Hồ, bản tuyên ngôn độc lập do bác viết, di chúc bác để lại, cùng với một túi đất của quảng truờng Ba Ðình (nơi xây lăng của Hồ Chí Minh) và nhiều phù hiệu nữa…” (Vietnam Marks Anniversary Of Giant Leap – BBC News).
Chớ vội kết luận rằng Phạm Tuân có (hơi) nhiều máu cải lương, hay thuộc loại người lẩm cẩm. Đi “quá giang” lên vũ trụ là chuyện (xưa nay) hiếm. Do đó, hành lý của đương sự lỉnh kỉnh hơn mức cần thiết là chuyện (phải) được thông cảm.
Phóng viên của Tuần Báo Tuổi Trẻ, Nguyễn Dũng Sĩ, còn cho biết thêm rằng ngoài chân dung bác Hồ – bữa đó – Phạm Tuân còn mang theo “một tấm ảnh của Tổng Bí Thư Lê Duẩn” nữa cơ.
Thiệt là quá đã, và … quá tải!
Tưởng tượng với chừng đó thứ của nợ (hoàn toàn vớ vẩn, và rất nặng phần trình diễn: đất cát, huy hiệu, huy chương, di chúc, tuyên ngôn độc lập, hình ảnh của qúi vị lãnh tụ kính yêu) mà ngày trở về Phạm Tuân cũng gặp “sự cố kỹ thuật” như Gararin – nhẩy dù cách nơi dự tính đến hơn 200 dặm – thì thiệt là lôi thôi lớn, lôi thôi lâu, và lôi thôi lắm, đúng không?
May là Phạm Tuân đã trở về suôn sẻ, và được đón tiếp tưng bừng – theo như tường thuật của báo Công An Nhân Dân, số ra ngày 4 tháng 2 năm 2011:
“Giây phút trở về với mặt đất cũng là những giây phút hạnh phúc thiêng liêng. Ông và Gorbatco trở về trong vòng tay chào đón trìu mến của nhân dân Liên Xô. Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô Brêgiơnhép đã gắn lên ngực ông Ngôi Sao Đỏ và danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lênin.
Ngày ông trở về Việt Nam, người dân đứng suốt dọc con đường từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội với những bức ảnh chân dung Phạm Tuân, cờ hoa, biểu ngữ chào đón. Lúc đó ông thấy một cảm xúc xúc động đến nghẹt thở cứ dâng tràn trong lòng.”
Phạm Tuân và Gorbatco. Nguồn: CAND Online |
.
Dù không có mặt ở Hà Nội – vào ngày lịch sử này – và dù đang sống dấm dúi ở một đầu đường hay xó chợ (nào đó) tận miền Nam xa xôi, nhà thơ Bùi Giáng cũng xúc cảm đến độ bật lên hai câu thơ bất hủ:
Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Khi không anh bỗng nhẩy tưng lên trời!
Ba mươi năm sau, sau ngày “anh bỗng nhẩy tưng lên trời,” TTXVN đi tin:
“Chiều 19/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức kỷ niệm lần thứ 30 ngày thực hiện thành công chuyến bay vũ trụ Việt-Xô (23/7/1980-23/7/2010). Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Bùi Đình Dĩnh nêu rõ chuyến bay chung thành công vào vũ trụ từ ngày 23 đến 31/7/1980 trên tàu Liên hợp-37 của Việt Nam và Liên Xô với sự tham gia trực tiếp của hai nhà du hành Phạm Tuân và Victor Gorbatko, đã trở thành sự kiện lịch sử đối với nhân dân Việt Nam.”
Tôi e rằng đối với phần lớn dân Việt Nam thì cái mà ông Đại sứ Bùi Đình Dĩnh mệnh danh là “sự kiện lịch sử” này, xem ra, chả là cái đinh gì cả – trong mọi lãnh vực. Vài chuyện tiếu lâm sau đây sẽ minh chứng điều đó.
Truớc hết là lãnh vực khoa học:
“Từ phi thuyền buớc ra, với hai mu bàn tay sưng vù, Phạm Tuân vội vàng xin đi khám bệnh. Bác sĩ hỏi:
- Sao tay đồng chí có nhiều vết đỏ và vết bầm như vậy ?
- Em bị mấy thằng phi hành đoàn liên Xô chúng đánh vào tay liên tục…
- Sao lại thế ?
- Một phần cũng lỗi tại em. Tại em thấy cái gì cũng lạ, cũng muốn rờ thử cho biết nên chúng bực mình.”
Trong lãnh vực kinh tế, chuyến đi của Phạm Tuân cũng để lại nhiều giai thoại thú vị. Xin đơn cử một:
“Chuyến bay vào không gian lần thứ hai của Phạm Tuân được tổ chức không kém phần đình đám. Ðại diện tất cả các nuớc xã hội chủ nghĩa anh em đều đuợc mời đến chứng kiến. Chả may, có trục trặc kỹ thuật nên nên đã quá muời phút theo thời biểu mà phi thuyền vẫn cứ nằm im trên giàn phóng. Hốt hoảng, tất cả chuyên viên kỹ thuật cừ khôi nhất của khối cộng liền đuợc điều đến xem xét, tìm cách sửa chữa nhưng vô hiệu. Ngồi trên khán đài Lê Duẩn sốt ruột vẫy tay gọi Phạm Tuân lại gần, ghé tai nói nhỏ vài câu. Phạm Tuân chui trở vào vào phi thuyền. Không bao lâu, ông ta trở ra và buồn bã tuyên bố:
- Xong rồi!
Quả nhiên là xong thật. Phi thuyền bỗng phun khói lửa tùm lum rồi vọt lên không trung trong nháy mắt, trước sự ngạc nhiên và thán phục của đám đông. Với rất nhiều nghi ngại, Gorbachev quay sang Lê Duẩn:
- Tụi bay hay quá há ?
- Dạ, có hay ho mẹ gì đâu anh. Chả qua vì chúng em đói quá, thế thôi.
- Mày nói sao chớ? Rõ ràng là mày ‘bỏ nhỏ’ có vài câu là thằng Phạm Tuân nó sửa được cái phi thuyền, vụ này thì có mắc mớ gì đến chuyện đói với no?
- Chật…thì em chỉ nói với nó là cái cục ‘chip’ hay cục sắt gì đó mà nó gỡ ở đầu máy phi thuyền trong chuyến bay lần rồi tụi em đã mang đi dọ giá ở chợ trời Sài Gòn rồi. Không có ma nào nó thèm mua cả, nên thôi mang ráp lại cho nguời ta đi!”
Cuối cùng, về phương diện chính trị, đảng Cộng Sản Việt Nam cũng không có thêm được bao nhiêu “uy tín”– sau chuyến bay lịch sử của Phạm Tuân:
“Lần thứ ba, Phạm Tuân bay chung với một con khỉ. Chuyến bay đuợc trực tiếp truyền thanh và truyền hình cho mọi nguời xem về những hoạt động của phi hành đoàn. Khán thính giả được cho biết rằng khi nào cái nút đỏ nhấp nháy và những tín hiệu hoặc âm thanh từ cái máy đỏ phát ra là lúc con khỉ đang làm việc. Còn cái nút xanh và máy màu xanh thuộc về Phạm Tuân.
Từ sáng đến trưa nút đỏ nhấp nháy lia lịa, con khỉ làm việc túi bụi. Quá trưa, nút xanh mới bắt đầu chớp chớp nhẹ nhàng mấy cái. Có nguời chờ mãi nên sốt ruột lên tiếng:
- Bây giờ mới đến lượt đồng chí ấy đấy.
Ngay sau đó, có tiếng Phạm Tuân rè rè trên máy:
- Ðã đến giờ ăn trưa của khỉ. Chúng tôi xin tạm ngưng hoạt động trong giây lát.
Rồi đèn đỏ lại tiếp tục chớp nháy không ngừng. Mãi đến chiều, đèn xanh mới bật lên. Khán thính giả lại ngong ngóng chờ xem. Ðèn xanh chớp đúng ba cái thì có tiếng của Phạm Tuân:
- Ðã đến giờ ăn tối của khỉ. Xin cho thêm một ly nước và hai quả chuối nữa. Chúng tôi lại xin tạm ngưng hoạt động trong mười lăm phút.
Quá thất vọng, có nguời đã phải thốt lên:
- Thì ra nó đi làm bồi cho khỉ. Bố khỉ!”
Những mẩu chuyện cười (buồn) vừa được ghi lại không phải để cười chơi, cũng không phải để chọc ghẹo ai đâu mà chỉ để minh chứng một điều giản dị: “thái độ hơn hớn tự đắc” không phải là thuộc tính của dân tộc Việt, như bác Hà Sĩ Phu lo ngại, đó chỉ là “đặc tính” của một số ít người Việt (không được bình thường) mà thôi.
Tưởng Năng Tiến
7/2011
Filed under: Tác Giả Ngoài Nước, Tưởng Năng Tiến
No comments:
Post a Comment