Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-07-10
Không giống như 5 tuần trước, hôm Chủ Nhật 10-7 công an đã ra tay bất giữ nhiều người tiếp tục xuống đường để phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.
Lý do vì sao suốt năm chủ nhật vừa qua từ ngày 5 tháng 6 tiếp đến chủ nhật ngày 3 tháng 7, công an và lực lượng an ninh Hà Nội vẫn để cho những cuộc tuần hành biểu tình diễn ra, mà đến ngày 10 tháng 7 lại ra tay bắt người biểu tình và giải tán họ?
Thông tin cho biết có hơn chục người bị bắt đi làm việc trong ngày 10 tháng 7 tại Hà Nội vì vẫn tiếp tục tập trung biểu tình phản đối chống Trung Quốc.
Trong số những người bị bắt có một số khuôn mặt có thể nói không xa lạ gì với cơ quan an ninh. Đó là nhà báo tự do Dương Thị Xuân, phu quân của luật sư Lê Thị Công Nhân: anh Ngô Duy Quyền, vợ tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội: chị Nguyễn Thị Huyền Trang.
Cuộc làm việc với công an của số những người bị bắt kéo dài từ khi xảy ra sự việc và kéo dài cho đến chậm nhất là sau bốn giờ chiều, và cuối cùng công an cũng phải thả tất cả ra về.
Lý do công an ra tay?
Một người chứng kiến hoạt động bắt người trong sáng hôm nay cho biết lý do mà công an và cơ quan an ninh ra tay bắt người sau năm tuần lễ để cho các cuộc biểu tình vẫn diễn ra một cách sôi nổi là vì tuần này lượng người ít đi, người này cho biết:"Hôm nay người tham gia biểu tình không đông nên họ mới làm thế. Lực lượng công an chìm nổi, dân phòng… sử dụng các loại phương tiện để bắt đưa người đi. Họ cũng chặn hết mọi ngã đường đến Đại sứ quán Trung Quốc."
Một trong những người bị bắt là anh Vũ Quốc Ngữ đưa ra lý do về việc công an mạnh tay bắt người, chặn đứng biểu tình tại Hà Nội vào ngày 10 tháng 7 như sau:
Hôm nay người tham gia biểu tình không đông nên họ mới làm thế. Lực lượng công an chìm nổi, dân phòng… sử dụng các loại phương tiện để bắt đưa người đi.
Anh Vũ Quốc Ngữ
"Hôm nay ít người tham dự, ngoài ra không có những trí thức như ông Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Xuân Diện… tham dự. Theo tôi họ làm thế để dọa người khác."
Đúng là vào ngày 9 tháng 7, trên trang blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có thông báo sẽ nghỉ một ngày chủ nhật 10 tháng 7 không biểu tình.
Lý do được nói vì phía công an đã hứa không mời người thanh niên tên Phương đọc bản tuyên cáo trước Nhà Hát Lớn Hà Nội trong cuộc biểu tình ngày 3 tháng 7 vừa rồi. Lời hứa đó của phía công an được đưa ra như điều kiện là những người liên quan không xuống đường biểu tình trong ngày 10 tháng 7.
Tuy nhiên những người trong ngày 10 tháng 7 vẫn đến tại khu vực Công viên Lênin và Cột Cờ gần Đại sứ quán Trung Quốc vì lý do này hay lý do khác đã không nắm thông tin đó.
Nội dung làm việc
Những người bị bắt trong ngày 10 tháng 7 vừa qua ngay khi họ vừa bắt đầu giương biểu ngữ và hô khẩu hiệu phản đối Trung Quốc lấn chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được công an đưa về hai địa điểm khác nhau để làm việc.Những người từng quen thuộc với an ninh như chị Dương Thị Xuân và anh Ngô Duy Quyền được đưa về đơn vị bí số PA24 của Công an Hà Nội tại số 8 đường Quang Trung ở Hà Đông.
Những người còn lại như anh Vũ Quốc Ngữ được đưa về đồn công an huyện Từ Liêm.
Nội dung làm việc được những người trong cuộc cho biết chủ yếu xoay quanh hai câu hỏi ai là người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình, cung cấp những biểu ngữ để đi biểu tình và lộ trình tuần hành biểu tình qua những tuyến nào.
Nhà báo tự do Dương Thị Xuân thuật lại:
Họ hỏi tôi ai đứng ra tổ chức, ai đưa biểu ngữ cho người biểu tình, và họ tra vấn liên tục về danh sách 15 người yêu nước…
Bà Dương Thị Xuân
"Nội dung làm việc là họ hỏi tôi ai đứng ra tổ chức, ai đưa biểu ngữ cho người biểu tình, và họ tra vấn liên tục về danh sách 15 người yêu nước…"
Cuộc làm việc với anh Ngô Duy Quyền, phu quân của nữ luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân cũng cho biết nội dung cuộc làm việc của công an với anh trong ngày 10 tháng 7:
"Ông Ngô Quang Du hỏi tôi lý do vì sao bị bắt vào đây. Họ hỏi tôi về lộ trình cuộc biểu tình, ai đứng ra tổ chức…"
Đối với những người chưa phải làm việc với cơ quan an ninh trước đây như hai người vừa lên tiếng là anh Vũ Quốc Ngữ thì nội dung làm việc tại cơ quan công an huyện Từ Liêm nhẹ nhàng hơn. Anh Vũ Quốc Ngữ cho biết:
"Cuộc làm việc cũng chỉ là cuộc nói chuyện thôi. Họ ghi biên bản và yêu cầu tôi ghi bản không bị hề hấn gì, không bị thu giữ gì. Tôi nghĩ họ chỉ muốn dọa người khác thôi."
Quyết tâm của người biểu tình
Theo lời của nhà báo tự do Dương Thị Xuân và phu quân của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân thì trước khi được cho về phía cơ quan an ninh yêu cầu họ không được đi biểu tình nữa.Tuy nhiên bà Dương Thị Xuân trả lời:
“Tôi nhắc lại lời của cụ Phan Chu Trinh. Tuy nhiên họ nói luật pháp không cho phép biểu tình, và họ cũng nói nếu còn đi biểu tình sẽ bị bắt và có thể bị tống giam.”
Anh Ngô Duy Quyền cũng cho biết nội dung tương tự mà phía cơ quan công an cảnh cáo anh trước khi ra về:
“Họ hỏi tôi có đi biểu tình nữa không, và nói nếu còn đi sẽ bị xử lý."
Anh Vũ Quốc Ngữ thì lập luận cần phải kiên trì với hoạt động biểu tình cho đến khi có kết quả:
“Việc biểu tình phải liên tục để Trung Quốc thay đổi thái độ.”
Việc biểu tình phải liên tục để Trung Quốc thay đổi thái độ.
Anh Vũ Quốc Ngữ
Lâu nay cơ quan chức năng Việt Nam luôn cho rằng người dân không nên biểu tình mà hãy để chính quyền lo liệu về mối quan hệ giữa hai nước.
Hôm ngày 25 tháng 6 vừa qua, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn sang Trung Quốc gặp người tương nhiệm Trương Chí Quân và ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc.
Sau đó hai phía ra thông báo đạt được đồng thuận trong việc giải quyết tình hình tranh chấp tại Biển Đông.
Phía Trung Quốc còn yêu cầu chính phủ Việt Nam phải định hướng dư luận không gây ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Tuy nhiên người dân không bằng lòng với giải thích của chính quyền và họ vẫn muốn xuống đường bày tỏ lòng yêu nước, phản đối những hoạt động gây hấn, kẻ cả nước lớn của phía Trung Quốc.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-policedetain-anti-cn-protesters-gminh-07102011115823.html
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-07-10
Mới đây trong một chương trình talkshow liên tuyến của đài truyền hình Phượng Hoàng có trụ sở tại Hongkong đã mời TS Vũ Cao Phan tham dự chương trình để phát biểu ý kiến về tình hình tranh chấp Biển Đông hồi gần đây.
Những câu trả lời thích đáng của TS Phan tuy nhiên bị cắt bớt khá nhiều những đoạn chính yếu, Mặc Lâm phỏng vấn TS Phan để tìm hiểu thêm ý kiến của ông về vấn đề này. Cũng xin được nhắc lại TSVũ Cao Phan đương kiêm là phó chủ tịch hội Hữu Nghị Việt Trung, mời quý thính giả theo dõi sau đây.
Mặc Lâm: Thưa TS xin ông cho biết do đâu mà đài truyền hình Phượng Hoàng mời ông tham gia chương trình trực tuyến này. Chương trình này được thu trước hay trực tiếp và có bao nhiêu người được mời tham dự với tư cách diễn giả thưa ông?
TS Vũ Cao Phan: Đấy có thể gọi là một cuộc talkshow liên tuyến, nó nối với một số nước trong khu vực, và ở phòng thu có quay truyền hình trực tiếp có độ khoảng năm bảy người. Người dẫn chương trình, ông Hồ Nhất Hổ, là người dẫn nổi tiếng của Đài Phượng Hoàng, bởi vậy mới có tên chương trình là “Nhất Hổ nhất tịch đàm”.
Vấn đề đặt ra là vừa qua có một số các sự kiện nóng lên ở Biển Đông, và họ muốn làm một chương trình liên quan đến chủ để này. Cách làm của họ như tôi đã nói là liên tuyến đến các đầu cầu ở một số nước và có khách mời trên trường quay. Tôi không phải là khách mời trên trường quay mà là một khách mời liên tuyến, thế cho nên tôi không có hình ảnh trực tiếp mà chỉ gửi cho một một tấm ảnh và trong khi tôi nói thì hiện lên cái ảnh ở trên màn hình.
Gác tranh chấp, cùng khai thác
Mặc Lâm: Một trong những câu trả lời quan trọng nhất của TS về vấn đề “chủ quyền hay kinh tế” không được Phượng Hoàng phát đầy đủ, ông có thể lập lại cho thính giả biết nguyên văn câu trả lời này là gì không?TS Vũ Cao Phan: Câu hỏi của họ nguyên văn như thế này, tôi nhớ gần như nguyên văn, tức là quan điểm của tôi như thế nào về tranh chấp về kinh tế và chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, và quan điểm của Việt Nam về việc gác tranh chấp, cùng khai thác như thế nào, thì tôi trả lời câu này, tôi nghĩ cũng ngắn và tương đối đầy đủ: "Quan sát một cách khách quan thì ta thấy Trung Quốc có vẻ nghiêng về kinh tế, còn Việt Nam thì nghiêng về phía chủ quyền”. Nhưng tại sao lại có như thế thì tôi có phân tích với họ, liên quan sang tới vấn đề thứ hai là vấn đề "gác tranh chấp, cùng khai thác" thì tôi nói rằng Việt Nam không hưởng ứng cái này vì những lý do như sau:
Thế thì bây giờ nếu cùng khai thác, ta giả dụ tài nguyên cạn kiệt sau khi khai thác xong thì Trung Quốc vẫn còn nguyên cái gọi là "chủ quyền".
TS Vũ Cao Phan
Lý do cơ bản, ví dụ ta cùng khai thác đến khi cạn kiệt tài nguyên rồi, vấn đề là Việt Nam còn lại cái gì? Việt Nam không còn cái gì cả. Bởi vì câu nói họ đưa cho tôi chỉ là một nửa câu nói của ông Đặng Tiểu Bình mà ở Trung Quốc họ luôn luôn nhắc đến, tức là "chủ quyền của ta, gác tranh chấp cùng khai thác", đài Phượng Hoàng không nói đến câu "chủ quyền của ta". Thế thì bây giờ nếu cùng khai thác, ta giả dụ tài nguyên cạn kiệt sau khi khai thác xong thì Trung Quốc vẫn còn nguyên cái gọi là "chủ quyền", mà bản thân những vùng biển và đảo đó, lợi ích của nó mà người ta nhìn đến không chỉ là tài nguyên, nó còn những lợi ích chiến lược, chiến thuật, lợi ích vận tải, vân vân… những cái đó nhiều khi rất quan trọng và nó còn mãi mãi. Đó là lý do tại sao Việt Nam thấy không mặn mà với cái cách đề nghị của Trung Quốc "gác tranh chấp cùng khai thác".
Câu trả lời này tóm lại nêu được hai vấn đề: một là tôi nói rằng bạn đặt vấn đề đó chưa đúng bởi vì nó còn cái vế quan trọng nhất mà Trung Quốc luôn luôn nhắc đến, đó là "chủ quyền của ta"; và cái thứ hai là với cách đặt vấn đề như thế khi ta khai thác tài nguyên hết rồi Việt Nam không còn gì, Trung Quốc vẫn còn nguyên cái "chủ quyền" với những lợi ích chiến lược, với những lợi ích hàng hải, vân vân... Câu trả lời của tôi trên tinh thần là như vậy.
Đàm phán cấp cao
TS Vũ Cao Phan: Trong phần trả lời của tôi, tôi cũng nói đây là vấn đề không dễ dàng bởi vì trước hết hầu như chưa thỏa thuận được với nhau là đàm phán cái gì.
Có thể nói điều rất quan trọng đối với Việt Nam là vấn đề quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc coi như là không bàn đến, vì đây là vấn đề coi như là hoàn toàn của Trung Quốc rồi, không phải bàn đến. Thế thì nếu ở cấp kỹ thuật (cấp dưới) mà bắt đầu vào đàm phán thì vướng hai cái này rồi thì còn đàm phán gì nữa?
Phải ngồi lại với nhau ở cấp cao vì người ta biết những vấn đề này thì người ta có thể thỏa thuận với nhau được.
TS Vũ Cao Phan
Hơn nữa, tôi không phân tích sâu nhưng tôi cho rằng tranh chấp ở vùng Biển Đông có vấn đề về mặt chủ quyền, có vấn đề về kinh tế, nhưng sâu xa hơn thì đó là vấn đề chính trị. Với tất cả những dữ kiện mà tôi nêu ra như thế thì để cuộc đàm phán này có thể thực hiện được việc đầu tiên phải là các cấp cao ngồi lại với nhau, bởi vì sao, cấp cao là người hiểu bản chất của những vấn đề còn tồn tại, không phải chỉ mươi năm nay, không phải mấy chục năm nay, không phải chỉ sau 79 đâu, mà ngay cả trong chiến tranh chống Mỹ thì những vấn đề này đã xuất hiện.
Phải ngồi lại với nhau ở cấp cao vì người ta biết những vấn đề này thì người ta có thể thỏa thuận với nhau được. Cái thứ hai là ở cấp cao nhất người ta nói chuyện với nhau dễ dàng hơn. Nói thật là ở những cấp như thế thì bắt nạt nhau cũng khó, nói cho đúng như thế. Và cuối cùng là ở cấp cao nhất lả cấp đưa ra quan điểm, lập trường, đường lối, nên như thế nào. Thế nên họ có thể thỏa thuận với nhau được. Họ phải thỏa thuận với nhau những bước cơ bản, những vấn đề cơ bản thì sau đó đến các cấp kỹ thuật mới làm việc được.
Chiến tranh biên giới 1979 hay sự kiện?
Tôi lấy ví dụ thế này, sự kiện tháng 2 năm 1979 ở biên giới Việt Nam, thực tế là Trung Quốc họ coi đấy là một cuộc chiến tranh, còn phía Việt Nam không hiểu tại sao hơi ngọng nghịu thế nào mà người ta không nói đây là một cuộc chiến tranh mà người ta chỉ gợi là một sự kiện, nhưng thực tế đây là một cuộc chiến tranh. Cuộc chiến tranh đó cho đến hiện nay cách đặt vấn đề của hai bên vẫn khác nhau, tức là lý do đưa đến cuộc chiến tranh.Những tài liệu được công bố công khai gần đây, công khai và bán công khai, thì ngay phía Trung Quốc cũng đã cho thấy bản chất của cuộc chiến tranh đó như thế nào rồi. Nhưng, trên thực tế, Trung Quốc vẫn nói đây là "một cuộc phản kích tự vệ" đánh lại sự đột kích của Việt Nam, Việt Nam xâm lấn Trung Quốc thế nọ thế kia, còn Việt Nam, tất nhiên coi đây là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Ba chục năm nay Việt Nam hầu như không nói gì đến chuyện này nhưng Trung Quốc thì nói đến rất nhiều. Hai bên không thống nhất được với nhau về nguyên nhân của cuộc chiến tranh đó, thì ngay từ lúc bắt đầu làm sao xây dựng được cái mà người ta gọi là "lòng tin" được để mà ngồi vào đàm phán?
Thực tế là Trung Quốc họ coi đấy là một cuộc chiến tranh, còn phía Việt Nam không hiểu tại sao hơi ngọng nghịu thế nào mà người ta không nói đây là một cuộc chiến tranh mà người ta chỉ gợi là một sự kiện.
TS Vũ Cao Phan
Quan điểm của tôi là ở cấp cao người ta có thể thỏa thuận được với nhau như thế này: "Thôi, đó là vấn đề lịch sử. Ta có thể coi đấy như là một tai biến lịch sử, đóng nó lại, không nói nữa”. Ví dụ thỏa thuận với nhau như thế thì mới bắt đầu nói đến lòng tin cậy, xây dựng lòng tin cậy được. Và nếu không thỏa thuận được với nhau như thế, mỗi người nói một cách, tất nhiên Trung Quốc họ vẫn bảo vệ quan điểm của họ dầu những tài liệu công khai, bán công khai bây giờ đã nói rõ bản chất của cuộc chiến tranh như thế nào.
Thực tế là Trung Quốc cũng không muốn nhắc đến việc đó trong đàm phán, nhưng mà trong khi không muốn nhắc đến việc đó thì họ nói việc đó như một "cuộc phản kích tự vệ" của họ, điều đó là không đúng. Cái thứ hai nữa anh vừa đề cập đến cái chuyện ngồi thẳng, tôi đã giải thích cái ngồi thẳng này một cách đơn giản tức là thẳng lưng thì sẽ thẳng lòng, thẳng thắn và trung thực, và thẳng lưng thì nó sẽ giúp người ta nhìn cao hơn, thấy xa hơn. Nó cũng sẽ giúp người ta tự tin hơn, người ta thấy mình lớn hơn và bỏ đi cái mặc cảm nhược tiểu, nếu có, ví dụ như ở phía Việt Nam.
Tạo sự hiểu biết để đàm phán thành công?
Tóm lại tôi nói phải tạo được một sự hiểu biết thì mới có thể đàm phán, chứ không thì cuộc cãi cọ này sẽ xảy ra muôn đời.
Tôi sẽ lấy thêm một ví dụ nữa, trong cuộc chiến tranh Đông Dương cuộc đàm phán để đi đến Tạm Ước 14-9-1946 phải có ông Hồ Chí Minh, mặc dù ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu phái đoàn, nhưng phải ông Hồ Chí Minh sang Paris nằm ở đấy 3 tháng. Anh cũng biết là lúc đó tình hình rất là nước sôi lửa bỏng. Ở trong nước chiến tranh tới nơi rồi mà nguyên thủ quốc gia bỏ nước đi, tại sao? Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được, và phải là một người dũng cảm và có nhãn quan lớn như ông Hồ Chí Minh mới thấy được và dám làm.
Còn không thì sẽ không có đàm phán thành công và trong quá trình đàm phán như cái khái niệm "vừa đánh vừa đàm", người ta vẫn có thể có những động tác hù dọa nhau thế này thế khác.
TS Vũ Cao Phan
Lúc đó ông Hồ Chí Minh thấy việc đàm phán để có thể không xảy ra cuộc chiến tranh, hoặc trì hoãn nó để có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến cho nước cộng hòa trẻ tuổi là rất quan trọng. Cho nên trong tình hình nước sôi lửa bỏng đó ông phải đi, người cao nhất nước phải đi. Trên thế giới chưa có cuộc thăm viếng nào của nguyên thủ quốc gia kéo dài đến 3 tháng là như vậy.
Hay là ta nói cuộc đàm phán Việt Mỹ để dẫn tới Hiệp Định Paris cũng thế. Việt Nam có ông Phó thủ tướng Nguyễn Duy Trinh, rồi ông Bộ trưởng Xuân Thủy, vẫn chưa đủ, phải có một ông gạo cội nữa là ông Lê Đức Thọ. Ở những cấp như thế người ta mới nói được. Họ không chỉ đàm phán cấp cao ban đầu để phá vỡ bế tắc, mà còn đàm phán ở ngay cả cấp kỹ thuật.
Trở lại cái ý tôi nói là ngồi thẳng ấy, ở đây là ngồi thẳng cả ở cấp cao nhất lẫn cấp kỹ thuật, ở mọi cấp độ chứ không nói riêng ở một cấp nào. Tôi nghĩ là phải đạt được những điều đó thì mới có thể có hướng đàm phán thành công được. Còn không thì sẽ không có đàm phán thành công và trong quá trình đàm phán như cái khái niệm "vừa đánh vừa đàm", người ta vẫn có thể có những động tác hù dọa nhau thế này thế khác.
Để lại cho thế hệ sau giải quyết
Trước đây cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều nói tới chuyện chủ quyền thì gác lại để các thế hệ sau giải quyết, và Trung Quốc bây giờ vẫn kiên trì cái ý đó, tức là "chủ quyền của ta cứ tạm gác lại, gác lại tranh chấp để cùng khai thác".Việt Nam lâu nay không thấy nói đến điều đó, như thế là đúng. Nếu Việt Nam vẫn nói như thế là không được, bởi vì đối với phía chúng ta thì chúng ta cũng coi cái chủ quyền là của chúng ta. Ở đấy đàm phán để đi đến chủ quyền. Nếu mà thế hệ bây giờ chúng ta không làm thì chúng ta để lại ung nhọt cho thế hệ sau giải quyết à? Cho con cháu chúng ta giải quyết à? Tại sao chúng ta không đủ dũng cảm để giải quyết cái ung nhọt đấy?
Cho nên cái lối nói để lại cho các thế hệ sau giải quyết là một lối nói không chỉ thiếu dũng cảm, tôi có thể dùng khái niệm nặng hơn nhưng mà có lẽ cũng không nên nói. Anh có thể hiểu ý của tôi.
Mặc Lâm: Ông có một câu nói rất ấn tượng đó là Việt Nam không thể chống chiếc sào để đẩy con thuyền Việt Nam tránh xa Trung Quốc do hoàn cảnh địa lý tự nhiên mà tạo hoá đã sắp đặt, trong trường hợp hiện nay liệu Việt Nam có nên liên kết với các nước Tây Phương để lập một hàng rào tại biển Đông hay không? Và nếu việc này xảy ra thì theo ông thái độ của Trung Quốc sẽ ra sao?
Nếu mà thế hệ bây giờ chúng ta không làm thì chúng ta để lại ung nhọt cho thế hệ sau giải quyết à?
TS Vũ Cao Phan
TS Vũ Cao Phan: Tôi nói thái độ của Trung Quốc ngay bây giờ. Trong bài trả lời phỏng vấn của Phượng Hoàng tôi có nói một ý mà không biết các bạn Trung Quốc có hiểu không, là hiện nay ở Trung Quốc có một quan điểm không chỉ ở cấp dưới, không chỉ ở các trang mạng cá nhân và tổ chức phi chính phủ đâu mà cả những trang mạng, những tờ báo chính thức của cấp trung ương do chính phủ Trung Quốc quản lý đều nói rằng Việt Nam đang muốn liên minh với Mỹ, với các nước khác, lập thành "một liên minh ma quỷ" chống Trung Quốc. Cuối năm ngoái trong cuộc trao đổi với các bạn Trung Quốc ở bên Trung Quốc tôi có nói là chính Trung Quốc đẩy Việt Nam, cái cách làm của Trung Quốc sẽ đẩy Việt Nam ra xa Trung Quốc.
Việt Nam có nhảy vào lòng ai, có chui vào lòng ai, giả dụ nếu xảy ra điều đó, đó là Trung Quốc đẩy vào, chứ Việt Nam - một nước trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, một nước hiểu như thế nào là chiến tranh rồi, và cũng rất hiểu Trung Quốc là một nước như thế nào rồi, thì cách hành sử của Việt Nam rõ ràng không thể như thế được.
Mặc Lâm: Kính thưa quý vị thính giả, quý vị đang theo dõi buổi phỏng vấn giữa chúng tôi và TS Vũ Cao Phan về vấn đề lịch sử giữa các cuộc tranh chấp Việt Nam Trung Quốc. Vì thời gian có hạn hẹn gặp lại quý vị trong phần tiếp theo vào chương trình phát thanh tới để nghe ý kiến của ông về vấn đề Việt Nam có nên liên minh với các nước phương Tây đặc biệt là Hoa Kỳ để làm thành một vòng đai bảo vệ đất nước hay không. Xin cảm ơn và kính chào quý vị.
Theo dòng thời sự:
Nếu có một tuyên bố đang được nhiều nước châu Á trông đợi, thì đó chính là tuyên bố vào hôm nay, 10/07/2011, của đô đốc Mike Mullen, tham mưu trưởng quân đội Mỹ. Phát biểu tại Bắc Kinh, nhân ngày đầu tiên trong chuyến đi thăm Trung Quốc, ông Mike Mullen khẳng định là Hoa Kỳ kiên quyết duy trì sự hiện diện của mình tại Biển Đông, nơi mà tình hình đang căng thẳng sau một loạt hành động hung hăng của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam và Philippines.
Trong những tháng qua, Bắc Kinh đã gia tăng đáng kể các hành động nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông. Nổi cộm nhất là vụ đưa tàu vào sâu trong các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, rồi đổ lỗi cho Việt Nam khai thác trái phép vùng biển của Trung Quốc.
Đối với Manila, Bắc Kinh cũng hành động tương tự. Ngoài việc cho tàu vào hù dọa tàu thăm dò dầu khí cho Philippines, họ còn bắn dọa ngư thuyền Phi, cho chuyên chở vật liệu đến xây dựng tại các khu vực mà Manila xác định thuộc chủ quyền của mình.
Trong một cuộc họp báo, đô đốc Mike Mullen trước hết đã bày tỏ thái độ quan ngại của Mỹ trước khả năng các sự cố xẩy ra gần đây dẫn đến xung đột võ trang : “Lo ngại chính của tôi, trong số nhiều mối quan ngại khác, đó là nguy cơ các sự cố gần đây châm ngòi cho một sự tính toán sai lầm, và cho một tai họa mà không ai dự đoán được”.
Đối với lãnh đạo quân đội Mỹ, Hoa Kỳ đã hiện diện lâu dài trong khu vực châu Á, vì thế, Hoa Kỳ cũng có “một trách nhiệm lâu dài”. Trong tinh thần đó, ông Mike Mullen cho biết là Mỹ đang nỗ lực “ủng hộ mạnh mẽ cách giải quyết hòa bình các tranh chấp” trong khu vực.
Cho dù nhấn mạnh đến mong muốn của Hoa Kỳ về một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đô đốc Mike Mullen vẫn khẳng định : "Mỹ sẽ không rời khỏi khu vực. Sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực đã rất quan trọng với các đồng minh của chúng tôi trong nhiều thập kỷ qua, và sẽ tiếp tục đóng vai trò như vậy".
Theo các nhà quan sát, tuyên bố khẳng định sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại Biển Đông là thêm một lời đáp trả của Washington đối với một loạt những tuyên bố gần đây của Bắc Kinh, cho rằng Hoa Kỳ không được quyền can dự vào vấn đề Biển Đông, để yên cho các nước trong vùng giải quyết vấn đề trong khuôn khổ song phương.
Vấn đề là theo như nhận định của hầu hết các chuyên gia phân tích, chiến thuật đàm phán song phương do Trung Quốc chủ trương không ngoài mục tiêu “chia để trị” và dùng uy lực nước lớn để chèn ép các quốc gia nhỏ yếu hơn mình.
Trong một bài xã luận công bố hôm thứ sáu 08/07 vừa qua, nhật báo Anh ngữ China Daily của nhà nước Trung Quốc lại lên tiếng kêu gọi Hiệp Hội Đông Nam Á - ASEAN - là không nên chấp nhận cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào tranh chấp song phương. Theo giới quan sát, đó là một lời chỉ trích nhắm vào cam kết của Mỹ là sẵn sàng giúp đỡ Philippines, cũng như quyết định cử chiến hạm đến Đà Nẵng tham gia các “hoạt động” hải quân hỗn hợp với Việt Nam từ ngày 15/07 tới đây.
Ngoài thông điệp gởi tới Trung Quốc, lẽ dĩ nhiên, tuyên bố của đô đốc Mike Mullen còn nhằm mục tiêu trấn an các nước châu Á, đang lo ngại về nguy cơ bị Hoa Kỳ bỏ rơi vì cần phải hòa hoãn với Trung Quốc.
Trong những tháng qua, quan hệ quân sự Mỹ-Trung đã hòa hoãn trở lại một cách đáng kể so với cách đây một năm, và chuyến đi thăm Trung Quốc lần này của tham mưu trưởng quân đội Mỹ là một cử chỉ nối tiếp theo chuyến công du Hoa Kỳ của tướng Trần Bỉnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng về căn bản, quan điểm của Mỹ vẫn không thay đổi so với tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn An ninh Khu vực của khối ASEAN tại Hà Nội vào năm ngoái.
No comments:
Post a Comment