Tuesday, July 19, 2011

TIN BIỂN ĐÔNG


Im lặng mặc cả bằng tổ quốc?
Phan Nguyễn Việt Đăng, viết riêng cho RFA từ Sài Gòn
2011-07-04

Tối 2 tháng 7, mọi người nhắn nhau rằng ngày mai, Chủ nhật 3 tháng 7, nhà nước sẽ bật đèn xanh cho một cuộc biểu tình. Tin nhắn điện thoại được chuyển đi từ Hà Nội đến Saigon với sự háo hức.

Source Blog-boxitvn7

Đoàn thanh niên biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 3-7-2011.

Nếu để ý đến cái tin ngắn được khởi đăng từ ngày 24 tháng 6 này trên các tờ báo, về chuyện thủ tướng CSVN sẽ tìm cách phê chuẩn giảm, giãn, miễn thuế đến gần 20.000 tỷ đồng trong năm 2011, không thể không suy đến hiện tình Việt Nam lúc này.

Số tiền này được đưa ra, chia đều cho hàng triệu người Việt Nam, có phải như là một món quà nhỏ cho việc mọi người đang hừng hực vì vấn đề xâm lấn của Trung Quốc, xoa dịu và làm lãng quên đi vụ án Vinashin?

Hay là số tiền này, là món quà Giáng sinh đang đến sớm từ ông già Noel đội nón đỏ với 5 ngôi sao, nhằm xoa dịu và giúp cho nhiều người quên lãng vấn đề rất thời sự trong nước lúc này?

Từ câu chuyện thỏa hiệp mập mờ giữa 2 Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều nhà bình luận ở các quán cafe vỉa hè đùa rằng chắc hẳn ông thứ trưởng bộ ngoại giao Hồ Xuân Sơn cùng với những đồng sự, đồng chí của ông cũng đang bước vào buổi tiệc Giáng sinh đen, chia phần biển, xương máu và nước mắt của cả dân tộc Việt Nam.

Giáng sinh đến sớm để quên đi biển, quên đi đảo. Và quên luôn những người yêu nước đang sục sôi, biến họ trở thành những kẻ phản loạn. Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ kiểm soát đất nước như thế nào, giả sử họ coi tối thiểu hơn phân nửa dân số Việt Nam là những kẻ phản loạn?

Ai còn dám biểu tình?

Tin không được kiểm chứng, vào buổi tối ngày 2 tháng 7, mọi người nhắn nhau rằng trên blog của ông Nguyễn Xuân Diện lộ một ý rằng ngày mai, chủ nhật 3 tháng 7, nhà nước sẽ bật đèn xanh cho một cuộc biểu tình.

Tin nhắn điện thoại được chuyển đi từ Hà Nội đến Saigon với sự háo hức.

Nhưng phía Nam thì dè dặt hơn. Những cuộc trấn áp tàn bạo từ “các âm binh của Thái Thú” - nói như trang tin Dân Làm Báo - đã giới thiệu cho biết một thái độ dứt khoát của ngành an ninh.
Nhưng phía Nam thì dè dặt hơn. Những cuộc trấn áp tàn bạo từ “các âm binh của Thái Thú” - nói như trang tin Dân Làm Báo - đã giới thiệu cho biết một thái độ dứt khoát của ngành an ninh.
Đoàn người biểu tình tuần hành trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội sáng Chủ nhật 03-07-2011. NguyenXuanDien's blog.
Đoàn người biểu tình tuần hành trên đường Điện Biên Phủ, Hà Nội sáng Chủ nhật 03-07-2011. NguyenXuanDien's blog.
Quả là điều không ngoài dự đoán của các blogger khi nói trước rằng sẽ không thể có gì vui cho ngày 3 tháng 7 này.

Ở Saigon, an ninh lại tiếp tục dày đặc, và lần này ngành an ninh thậm chí còn tỏ ra tự tin hơn khi cho phép các quán cafe quanh khu vực Tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc được mở cửa như bình thường.

Hà Nội có vẻ “thoáng” hơn với cuộc biểu tình nhỏ được diễn ra.

May mắn hơn khi một vài thanh niên đứng đọc tuyên cáo phản đối Trung Quốc đã bị công an nhảy vào chụp bắt, còn may mắn hơn nữa khi đám đông đã thành công trong một màn vật lộn cứu 2 thanh niên đó giữa rừng an ninh mật vụ. Thực tế cho thấy chẳng có cái “đèn xanh” nào cả.

Bản tin về chuyện suýt tí nữa tàu Bình Minh lại bị cắt cáp lần 3 vào 30 tháng 6 vừa qua, lại góp thêm những chứng cứ quan trọng về những điều mờ ám trong chuyến đi của ông thứ trưởng Hồ Xuân Sơn.

Vì sao, khác với lần trước, Việt Nam chủ trương im lặng, không phản ứng? Ngay cả các quan chức của Petro Times cũng được lệnh không được nói gì về chuyện này. Đài BBC, đài RFA, RFI...v.v khi gọi điện đến các quan chức này, đều được một câu trả lời chung là không biết và không thể bình luận.

Rõ ràng sau cuộc họp xác định vai trò 16 chữ vàng 4 tốt của ông Hồ Xuân Sơn, dù có tuyên bố chính thức, nhưng Bắc Kinh vẫn không tin tưởng và quyết định phải làm một bài “thử” xem Việt Nam có tráo trở hay không.

Lần này, chắc hắn Bắc Kinh đã hài lòng vì thấy Việt Nam đã một mực xuất sắc trong vai trò đàn em ngoan ngoãn.

Ai còn dám yêu nước?

Kể từ thời giặc phương Bắc xâm lược, cho đến thời thực dân Pháp... người ta lại thấy tái diễn trong lịch sử Việt Nam ý nghĩa yêu nước là một điều hiểm nguy cho bản thân mình và gia đình mình.

Sống trên một đất nước, mà việc cầm lá cờ của tổ quốc mình, tung hô chủ quyền đất nước mình, có thể bị công an, mật vụ bắt giữ, thẩm tra, sách nhiễu... không khác gì sống trong vùng tô giới của người Việt, thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, quả là một thách thức của lòng yêu nước.

Điều nực cười, là một khi các viên chức chính phủ, các nhà lãnh đạo vẫn lên truyền hình, lên mặt báo... kêu gọi phải yêu nước, phải biết tỏ thái độ nghĩa vụ của một công dân nhưng khi những người yêu nước bị bắt vỉ biểu tình chống xâm lược, công an lại thẩm vấn và luôn hỏi một câu “ai xúi giục”.

Ai sẽ còn dám yêu nước nữa, khi thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam lại hai mặt đến kinh sợ như vậy? Và như vậy, có phải hiện trạng yêu nước, tức là chống lại Đảng cộng sản Việt Nam?

Trong các bài giảng của ngành an ninh, dành cho các sinh viên, blogger... bị bắt, vẫn là một luận điệu cũ “Chúng ta muốn hòa bình, vì chúng ta đã trãi qua chiến tranh nên không muốn chiến tranh”.

Thật không ai muốn chiến tranh, nhưng im lặng chấp nhận cướp vào nhà trong hòa bình thì càng không ai muốn.

Điều mâu thuẫn ở đây, là các lực lượng quân đội, an ninh... được nhân dân đóng thuế, nuôi nấng trong việc huấn luyện nhằm sẵn sàng trãi qua mọi cuộc chiến tranh để bảo vệ đất nước, giờ đây lại rất giỏi trong các lý luận từ chối phải đối mặt với chiến tranh.

Ai sẽ còn dám yêu nước nữa, nếu chính những người lãnh đạo đang cho thấy họ không là những người yêu nước? Và yêu nước lúc này, có phải là một cuộc cách mạng đối với những kẻ im lặng mặc cả bằng tổ quốc?

(Phan Nguyễn Việt Đăng, Sài Gòn 03-07-2011)
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/silent-use-country-to-bargain-07042011054829.html


Trí thức Việt Nam kiến nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao
cung cấp thông tin về quan hệ với Trung Quốc

Biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông (Reuters)
Biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông (Reuters)
Thụy My

Tiếp theo bản tuyên cáo 25/06, ngày 02/07 vừa qua, nhiều trí thức, lão thành cách mạng Việt Nam đã ký tên vào bản kiến nghị gởi lên Bộ Ngoại giao, yêu cầu cung cấp các thông tin về quan hệ với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông. Kiến nghị đã được luật sư Trần Vũ Hải chuyển đến Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua 04/07/2011.

Bản kiến nghị bày tỏ những lo ngại về cuộc gặp ngày 25/06 của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn với các ông Trương Chí Quân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc. Bản tin tiếng Anh sau đó của Tân Hoa Xã đề ngày 28/06 về cuộc gặp gỡ này đã nói rằng : « Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam… »,đồng thời nhắc đến công hàm của ông Phạm Văn Đồng năm 1958 gởi ông Chu Ân Lai tán đồng tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc.

Các nhân sĩ ký tên trong bản kiến nghị đã yêu cầu làm rõ ba điểm. Trước hết, là xác định các thông tin do Tân Hoa Xã đã đưa như trên có chính xác hay không, nếu không thì đòi hỏi phía Trung Quốc phải cải chính. Kiến nghị tiếp theo là yêu cầu cho biết quan điểm về công hàm nói trên của ông Phạm Văn Đồng. Cuối cùng là đòi hỏi được thông tin về các thỏa thuận đã đạt được, nếu có, giữa ông Hồ Xuân Sơn và phía Trung Quốc.


Ông Lê Hiếu Đằng - Thành phố Hồ Chí Minh
05/07/2011

Trong số những người ký tên có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Hoàng Tụy, Chu Hảo, tiến sĩ Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, các nhà văn Nguyên Ngọc, Trần Nhương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…Trả lời RFI Việt ngữ, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong các nhân sĩ trí thức ký tên vào bản kiến nghị, đã cho biết :

Như trong tuyên cáo mà cho đến nay đã có hơn một ngàn hai trăm người ký rồi, chúng tôi hoan nghênh phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Khánh Hòa, là cương quyết không để một tấc đất nào rơi vào tay người nước ngoài. Sở dĩ chúng tôi nêu ra là để theo dõi, giám sát xem chính phủ Việt Nam có làm đúng như tuyên bố của người đứng đầu chính phủ hay không. Nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy chuyến đi của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn và sau đó là việc làm, hoàn toàn khác với lời tuyên bố đó.

Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng chuyến đi đó, và nhất là công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 cần phải được cho nhân dân biết. Như vậy người ta mới hiểu vì sao Trung Quốc hiện nay lại cứ nói những điều đó, và để xem thử về mặt pháp lý thì cái đó có giá trị đến mức nào. Bởi vì thực tế thì hồi đó Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa, tức là của chính phủ Sài Gòn, thì công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng theo tôi chẳng có giá trị gì cả.

Còn về chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn, tại sao mình đã cố gắng để quốc tế hóa, để đa phương hóa vấn đề Biển Đông, mà gần nhất là các cuộc hội thảo tại Mỹ, rồi tại một số nước người ta cũng hoan nghênh, ủng hộ chủ trương này của Việt Nam. Thì đùng một cái bây giờ trong buổi làm việc giữa ông Hồ Xuân Sơn với Đới Bỉnh Quốc của Trung Quốc, thì lại nói là song phương, và nói là nước thứ ba không được can thiệp vào tình hình Biển Đông để làm xấu đi quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng mà thật ra họ đâu có hữu nghị gì với mình đâu ? Họ liên tục khuấy phá, rồi không cho ngư dân của Việt Nam làm ăn trên vùng biển truyền thống của mình.

Tôi nghĩ là xưa kia tổ tiên chúng ta khi đánh thắng giặc xâm lược phương Bắc rồi, để thể hiện tinh thần hiếu hòa, mới cho sứ qua. Bây giờ ngược lại, họ khuấy phá mình, họ làm đủ thứ chuyện, thì mình lại cho sứ thần qua, mà sứ thần này lại hoàn toàn không nói được tiếng nói của một dân tộc bất khuất. Do đó mà chúng tôi với tư cách những công dân Việt Nam, chúng tôi thấy bị thương tổn.

Ngôn ngữ, rồi nội dung như vậy làm cho quốc tế người ta thấy rằng Việt Nam tại sao từ chỗ đa phương hóa, quốc tế hóa, bây giờ lại – anh em chúng tôi nói rằng – « đi đêm » với Trung Quốc. Như vậy có ảnh hưởng hết sức xấu trong lãnh vực ngoại giao, sau này người ta sẽ không tin cậy mình nữa. Những thỏa thuận chung, phối hợp chung trước đây với các nước ASEAN, rồi trong các cuộc hội thảo, bây giờ mình lại đi riêng, tách ra song phương với Trung Quốc như thế.

Do đó mà chúng tôi muốn biết thực sự chuyến đi của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn là như thế nào. Có phải như vậy hay không, hay là các báo chí, rồi người phát ngôn Hồng Lỗi của Trung Quốc lại xuyên tạc ? Vì vậy mà tôi ký tên chung với một số nhân sĩ trí thức để đề nghị phải công khai hóa về chuyến đi này.

RFI : Nếu nói là hoạt động ngoại giao không thể công khai thì sao ạ ?

Nếu là bí mật thì tại sao người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi của Trung Quốc lại nói ra ? Nếu bí mật thì phải tuyệt đối bí mật, cả hai bên đều không nói gì về nội dung đó. Nhưng Trung Quốc lại cho biết một số nội dung hết sức bất lợi cho Việt Nam, gây hoang mang dư luận và gây phẫn uất trong nhân dân Việt Nam. Thì bây giờ chúng ta phải công khai ra để trắng đen cho rõ ràng, chứ không thể mập mờ như vậy.

Xin rất cảm ơn ông Lê Hiếu Đằng.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110705-tri-thuc-viet-nam-kien-nghi-yeu-cau-bo-ngoai-giao-cung-cap-thong-tin-ve-quan-h

Yêu cầu chính quyền công khai chuyện nước

Thanh Quang, phóng viên RFA

2011-07-05

Làn sóng phẫn nộ, phản đối của dân Việt trong và ngoài nước trước hành động xâm lược, đe doạ, xuyên tạc sự thật của Phương Bắc – và cả cách ứng phó mập mờ của giới cầm quyền VN đang ngày càng mạnh mẽ.

AFP photo

Một phụ nữ trong đoàn biểu tình với khẩu hiệu "Chống Trung Quốc" tại Hà Nội hôm 03/07/2011.

Vào những ngày đầu tháng Bảy này, nhiều trang mạng nhật ký phổ biến các Tuyên cáo, Kiến nghị bày tỏ lòng dân quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải VN và yêu cầu nhà nước VN công khai nội dung mà Hà Nội đã thoả thuận với Bắc Kinh – trước đây cũng như bây giờ.

Chẳng hạn như Tuyên Cáo hôm mùng 3 tháng Bảy vừa rồi tại Nhà Hát Lớn Hà Nội phát xuất từ một thanh niên đi biểu tình gửi cho nhà cầm quyền TQ để phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ VN trên biển Đông, và khẳng định:

“Chúng tôi, những người dân yêu nước Việt Nam quyết tâm làm tất cả, nguyện đem tất cả sức mình để chống lại các hành động xâm lấn hiếu chiến của nhà cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất, biển, đảo của Việt Nam.

Đất nước Việt Nam muôn năm! Dân tộc Việt Nam muôn năm!”

Ưu tư vận mệnh đất nước

Đặc biệt là những trí thức luôn ưu tư cho vận nước, như cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các vị GS Hoàng Tuỵ, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, những TS Nguyễn Quang A, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Nguyên Ngọc, LS Trần Vũ Hải cùng nhiều nhà tâm huyết khác đã gởi Kiến Nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao VN cung cấp thông tin liên quan thực chất của mối quan hệ giữa VN với TQ, nhất là nội dung thoả thuận Việt-Trung “không thấy đăng trên báo chí của VN”, kể cả cuộc gặp gỡ mới đây nhất giữa Thứ trưởng Ngoại giao VN Hồ Xuân Sơn và các quan chức tương nhiệm Bắc Kinh. Kiến nghị Bộ Ngoại giao VN như sau:

1) Yêu cầu ông Hồ Xuân Sơn cho biết thông tin do Tân Hoa Xã đưa ra, đó là “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước” ( theo ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc). Trong trường hợp những thông tin trên của Trung Quốc không chính xác, yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi.

2) Cho biết quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958 ?

3) Thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa Ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc trong buổi gặp đó.

bieutinh070311-nhahatlon-250.jpg

Đoàn người biểu tình tập trung trước Nhà Hát Lớn Hà Nội hôm 03/7/2011. NguyenXuanDien's
blog
Những Tuyên cáo, Kiến nghị ấy được phổ biến giữa lúc cuộc biểu tình chống TQ xâm lược của người dân VN diễn ra ở Hà Nội – dù luôn không suôn sẻ - và bị ngăn chận gắt gao ở Saigòn cùng một số nơi khác trong nước. Hành động yêu nước của người dân Việt trước hoạ Phương Bắc tiếp tục gặp khó khăn ra sao? Chúng ta hãy nghe blogger

Cánh Cò mô tả qua bài “Giữ Lửa Trong Tim”:

“Lòng tôi đau đớn vô cùng trước thủ đoạn chỉ điểm của một cô gái len lỏi trong đoàn biểu tình để chỉ điểm cho công an bắt những người nhiệt huyết trong đoàn. Tôi lại bật khóc vì xúc động, khi một người trong đoàn biểu tình phát hiện ra một người anh em trong đoàn của mình đã bị “công an nhân dân” âm thầm dí roi điện rồi lén lút bắt đi.

Ngay lập tức, tất cả những người biểu tình tập trung lại bao vây trụ sở công an Tràng Tiền để đòi người. Qua đoạn video clip tôi nghe rất rõ, rất to, rất khí thế tiếng hô vang: “Thả người yêu nước. Thả người yêu nước. Thả người yêu nước... Đả đảo công an bắt người yêu nước, đả đảo, đả đảo...”.

Tiếng hô mỗi lúc một to như sấm dậy, rền vang. Lòng tôi phấn khởi và mừng vui trước sự đoàn kết của anh em mình. Tôi nhìn thấy rất nhiều công an nổi, lẫn công an chìm lúng túng, chưa biết nên xử lí ra sao trước làn sóng đấu tranh của những người biểu tình đang dương cao khẩu hiệu, đả đảo bọn xâm lược Trung Quốc, giờ đây chuyển sang đấu tranh, đả đảo công an bắt bớ người yêu nước.

Vậy là cùng lúc, đoàn biểu tình làm được hai việc: Vừa đấu tranh chống họa xâm lăng Trung Cộng lại vừa đấu tranh giành quyền tự do ngôn luận, quyền được yêu nước với bọn phản động, phản bội tổ quốc khi bắt bớ người yêu nước.”

Ứng xử của chính quyền VN

Qua bài “VN và Philippines”, blogger Nguyễn Hưng Quốc lưu ý rằng trong vấn đề biển Đông, TQ không phải chỉ uy hiếp VN mà còn gây hấn đáng ngại với Philipines, từ việc đe doạ tàu thăm dò MV Venture của Phi ở khu vực bãi Cỏ Rong mà Manila tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình cho tới chuyện Bắc Kinh liên tục gây hấn thô bạo các tàu thăm dò của Philippines trong khu vực.

Nhưng, theo GS Nguyễn Hưng Quốc, Manila đã phản ứng cụ thể và cương quyết chứ “không phải chỉ nói suông. Họ làm thật”, như tung trên các phương tiện truyền thông một cách chi tiết những chính sách và phát biểu mạnh mẽ của giới lãnh đạo Manila, kể cả Tổng thống Benigno Aquino, về hành động đe doạ, ngạo mạn của TQ; “vạch mặt chỉ tên” Hoa Lục xâm phạm lãnh hải Manila; phổ biến những bài đề cập thẳng “Kẻ du côn trong khu vực”, “kẻ đáng sợ, chứ không phải là quốc gia hiền lành”, “sống chung hòa bình” như Bắc Kinh từng “giảng đạo”. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nhận định:

“Một nước yếu và không trực tiếp đối diện với nguy cơ xâm lược của Trung Quốc như vậy nhưng cách phản ứng của họ rõ ràng là mạnh mẽ, quyết liệt, nhất quán và có tầm chiến lược hơn Việt Nam nhiều. Đó là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ.”

Bieu-tinh-HN-03072011-250.jpg
Đoàn thanh niên biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 3-7-2011. Hình: Blog-boxitvn7

Từ trước đến nay, lúc nào Việt Nam cũng tự hào là đi đầu trong các cuộc chống ngoại xâm và các cuộc bành trướng quốc tế: xưa, Việt Nam đi đầu trong việc chống lại đế quốc Mông Cổ đang dẫm nát gần trọn châu Á và một phần châu Âu; sau, Việt Nam đi đầu trong việc chống lại chủ nghĩa thực dân cả cũ lẫn mới.

Còn bây giờ? Đối diện với sự đe dọa trắng trợn từ Trung Quốc, Việt Nam lại chọn một thái độ nhịn nhục gần như bất động. Họ cố lừa dối dư luận trong nước là họ đang âm thầm giải quyết tranh chấp qua con đường đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Nhưng luận điệu ấy không thể dối gạt được ai cả. Người ta không thể ngồi vào bàn đàm phán mà không có một chiến lược rõ ràng và không có một sự hậu thuẫn nào hết, kể cả hậu thuẫn của dân chúng và quốc tế, hoặc ít nhất, trong khu vực. Sự im lặng và bất động của chính quyền Việt Nam, do đó, phải được hiểu như một sự đầu hàng.

Bài tựa đề “Hiểm hoạ TQ” của tác giả Huỳnh Trọng Hiếu được nhiều trang mạng nhật ký phổ biến nêu lên câu hỏi rằng trước thái độ bạo ngược, kẻ cả kiểu côn đồ của TQ, chính quyền VN đã làm gì? Tác giả Huỳnh Trọng Hiếu nhận xét:

“Một mặt, phát ngôn viên Bộ ngoại giao VN lên tiếng phản đối “mạnh mẽ” hành động của Hải quân TQ. Mặt khác, tại trong nước Chính quyền Hà Nội ra sức trấn áp thô bạo các cuộc biểu tình, tuần hành chống TQ của dân chúng VN tại Hà Nội và Sài Gòn.

Các phương tiện truyền thông quốc nội đưa tin về Hồ sơ Biển Đông với tất cả sự dè dặt và thận trọng khiến người dân VN không nhận thức hết được mối nguy hiểm đang đe dọa đến an nguy dân tộc.

Đối diện với sự đe dọa trắng trợn từ Trung Quốc, Việt Nam lại chọn một thái độ nhịn nhục gần như bất động. Họ cố lừa dối dư luận trong nước là họ đang âm thầm giải quyết tranh chấp qua con đường đàm phán trực tiếp với Trung Quốc.

Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc

Các nước có tranh chấp trong khu vực kêu gọi Hoa Kỳ tham gia đàm phán đa phương giải quyết hồ sơ biển đông. Philippins tập trận chung với HK và vận động Thế giới lên tiếng ủng hộ, chủ quyền biển đảo của Phi.

Ngược lại, VN và TQ đi đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng mối quan hệ song phương.Thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh từng lên tiếng từ chối việc tập trận chung với HK rằng VN chưa có ý định tham gia tập trận quốc tế.

Chúng ta nhận thấy hành động của chính quyền Hà Nội đang có sự mâu thuẫn, đối lập khó hiểu. Họ coi trọng mối quan hệ với Đảng CS TQ hơn cả quyền lợi và an ninh quốc gia... Qua những vụ việc trên người ta không ai biết điều gì đang thực sự xảy ra trong mối quan hệ “đồng chí, anh em “ giữa hai đảng CS, và quyền lợi quốc gia dân tộc VN đang ở vị trí nào trong mối quan hệ đó, tất cả là một sự mờ ám.”

"Ai xúi giục" yêu nước?

Có lẽ tình trạng như vậy là một lý do để công luận đồng cảm với nhận xét của blogger Phan Nguyễn Việt Đăng từ Saigòn qua bài tựa đề nghi vấn “ Im lặng mặc cả bằng tổ quốc?” với phân tích:

“Sống trên một đất nước, mà việc cầm lá cờ của tổ quốc mình, tung hô chủ quyền đất nước mình, có thể bị công an, mật vụ bắt giữ, thẩm tra, sách nhiễu... không khác gì sống trong vùng tô giới của người Việt, thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, quả là một thách thức của lòng yêu nước.


Điều nực cười, là một khi các viên chức chính phủ, các nhà lãnh đạo vẫn lên truyền hình, lên mặt báo... kêu gọi phải yêu nước, phải biết tỏ thái độ nghĩa vụ của một công dân nhưng khi những người yêu nước bị bắt vì biểu tình chống xâm lược, công an lại thẩm vấn và luôn hỏi một câu “ai xúi giục”.

Ai sẽ còn dám yêu nước nữa khi thái độ của Đảng Cộng sản Việt Nam lại hai mặt đến kinh sợ như vậy? Và như vậy, có phải hiện trạng yêu nước tức là chống lại Đảng cộng sản Việt Nam?”

Nhắc đến công an thẩm vấn người yêu nước và luôn hỏi “ai xúi giục?” khiến thầy Nguyễn Thượng Long nêu lên câu hỏi “Sao lại đối xử với nhân dân như thế”, được nhiều trang blog, kể cả Dân Làm Báo, phổ biến:

“Việc cơ quan công an đã ngăn chặn thành công các kế hoạch xuống đường một cách ôn hoà của SV – HS ở Sài Gòn, Vinh, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác trong những chủ nhật vừa qua và việc họ chủ động để có cuộc xuống đường ở quy mô kiểm soát được ở Hà Nội 4 chủ nhật vừa qua đã nói lên những gì?

Trước hết, không biết Công An làm thế thì hình ảnh họ sẽ thế nào trong con mắt của nhân dân Việt Nam? Họ đang tự giới thiệu họ đứng về phía nào giữa ranh giới Việt Nam và Trung Quốc? Với tình trạng như thế, lời dậy “Công An Nhân Dân vì nước quên thân vì dân phục vụ…” hỏi sẽ còn ý nghĩa gì?

Sau là… không chỉ ngăn cản, khống chế, xô đẩy người tuần hành mà còn cả những cú song phi, những cú Kung Fu rất hoàn hảo, những cú bẻ cổ, vặn sườn SV – HS ngay trên đường phố Sài Gòn. Hành xử như thế với những người dân biểu lộ lòng yêu nước một cách ôn hoà, họ đã chính thức phủ nhận vai trò của nhân dân, chính thức khai trừ nhân dân ra khỏi các yếu tố được gọi là tiềm năng, là nguồn lực để bảo vệ đất nước. Họ đã quên câu dân là “Biển Lớn”, dân có sức mạnh nâng thuyền và đẩy thuyền đi.”

Điều nực cười, là một khi các viên chức chính phủ, các nhà lãnh đạo vẫn lên truyền hình, lên mặt báo... kêu gọi phải yêu nước...công an lại thẩm vấn và luôn hỏi một câu “ai xúi giục”.

Blogger Phan Nguyễn Việt Đăng

Nhắc đến mối quan hệ Việt-Trung đang trong tình trạng “môi hở răng lạnh” dù hai bên, qua chuyến đi sứ sang Tàu mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, vẫn cố “nạm vàng” cho “16 chữ ” và “4 tốt”, blogger Hiệu Minh bỗng liên tưởng tới “Đạo Khổng và tình hữu nghị”, với nhận xét rằng “ Trong các bài giảng của Khổng Tử, có một Qui tắc vàng nổi tiếng. Tử Cống hỏi: “Có một chữ nào có thể dẫn dắt hành xử trọn đời không?”. Thầy đáp: “Có lẽ là chữ Thứ (恕) chăng? Cái gì mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác?”.

Về tình hữu nghị thời nay, “ Xem lại tranh chấp biên giới, hải đảo, đánh bắt hải sản trên biển Đông thì hình như đạo Nho không được đám con cháu 60-70 đời của Khổng Tử nhớ cho lắm. Lẽ ra, bản thân không muốn thuyền đánh cá bị đâm, họ lại thích thú làm thuyền người khác chìm giữa biển khơi. Vì thế, những bài giảng về Luận Ngữ hay chữ Thứ (恕) dù có hay đến đâu cũng không thể xây dựng và củng cố cho tình hữu nghị”.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hn-is-asked-tell-truth-tq-07052011173433.html

'Lãnh đạo TQ hành xử tiểu nhân với VN'

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho rằng Quốc Hội nên thông qua luật biểu tình của người dân.

Một Đại biểu Quốc hội của Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên và băn khoăn về việc lãnh đạo Trung Hoa có những hành xử thiếu quân tử, mà ông gọi là 'tiểu nhân' với Việt Nam.

Trao đổi với Quốc Phương của BBC Việt ngữ hôm 03/7/2011, nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (VN) đánh giá Trung Quốc chưa thể hiện được đúng mức vị thế của một nước lớn.

Ông cũng đưa ra lời khuyên cho Chính phủ VN cần đối phó ra sao đối với Trung Quốc (TQ) trước những căng thẳng biển, đảo hiện nay, cũng như trước tham vọng lâu dài của nước láng giềng phương Bắc.

Ông Quốc cũng đề cập tới kinh nghiệm phân định lãnh thổ với TQ có liên quan tới Thác Bản Giốc cũng như đề xuất việc Quốc hội và Nhà Nước VN nên mau chóng thông qua một đạo luật về biểu tình của người dân.

Trước hết, nhà sử học, đại biểu quốc hội này cho biết phản ứng của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trước những hành vi được cho là cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Là cơ quan nghề nghiệp, đương nhiên vấn đề về Biển Đông, chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất nhiều rồi. Trong thời điểm này chúng tôi cũng ra một số tạp chí để phù hợp với không khí chung, thể hiện rõ một lần nữa quan điểm của giới sử học về vấn đề Biển Đông, cả về góc độ khoa học cũng như thái độ của giới sử học. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa việc nghiên cứu biển, đảo VN, vấn đề chủ quyền và truyền thống của ông, cha ta đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước như thế nào.

Một trong nội dung vốn là nguyên lý của Trung Hoa là tính quân tử. Tại sao những người lãnh đạo TQ hiện nay lại đang hành xử với VN, một cách thiếu quân tử, hay nói cách khác là tiểu nhân như vậy?

Ông Dương Trung Quốc

BBC:Còn quan điểm cá nhân của ông trước thái độ, hành xử gần đây của TQ?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Thực ra VN và TQ có một lịch sử rất lâu dài. Và trong 1.000 năm tự chủ của mình, người VN vẫn lấy sự hòa hiếu làm trọng. Chỉ khi nào bị xâm lược, thì chúng ta mới cầm vũ khí. Có thể nói, thái độ của ông, cha chúng ta là hết sức khôn ngoan và minh bạch. Hầu như tất cả các triều đại ngày xưa đều chấp nhận sắc phong của Trung Hoa, nhưng chưa bao giờ có một ông Vua nào của VN bước chân qua bên kia biên giới để nhận sắc phong đó cả.

Tôi có suy nghĩa như thế này, với tư cách một nước nhỏ, VN luôn muốn giữ hòa hiếu, rất nhiều giá trị của văn hóa Trung Hoa, người VN vẫn gìn giữ. Chúng tôi vẫn còn thấy những đền thờ từ rất xưa, như đền thờ ông Sỹ Nhiếp. Mặc dù ông là một quan Thái thú, nhưng bởi vì ông cũng có công đưa vào một số văn minh của Trung Hoa, người VN cũng gọi ông là Nam Giao Học Tổ. Vì thế tôi nghĩ rằng thái độ của người VN từ trước đến nay hết sức là hòa hiếu.

Thế nhưng tất cả những gì diễn ra gần đây khiến chúng tôi suy nghĩ rằng TQ là một nước lớn và bây giờ họ đang càng mong muốn thể hiện mình là nước lớn. Thế nhưng càng là nước lớn, thì càng phải có trách nhiệm đối với Thế giới và phải thể hiện được tư cách của mình. TQ có một nền văn minh rất lớn, tác động, ảnh hưởng nhiều quốc gia, trong đó có VN.

Một trong nội dung vốn là nguyên lý của Trung Hoa là tính quân tử. Tại sao những người lãnh đạo TQ hiện nay lại đang hành xử với VN, một nước nhỏ luôn ở bên cạnh mình vốn luôn giữ hòa hiếu, một cách thiếu quân tử, hay nói cách khác là tiểu nhân như vậy? Đấy là một điều chúng tôi đang băn khoăn. Những việc 'cắt cáp,' đối xử với ngư dân ngoài biển, những người dân lao động bình thường. Họ cũng như VN đều nhân danh là một chế độ luôn nhân danh đứng về phía người dân, mà sao lại đối xử như thế?

Đương nhiên, đã là một quốc gia đứng cạnh TQ, thì người VN cũng hiểu thế nào là Trung Quốc.


Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

'Hành động yêu nước'

BBC: Lãnh đạo hội Khoa học Lịch sử VN có biết gì tới một cái gọi là 'đồng thuận chung' được đề cập trong chuyến thăm và hội đàm tuần cuối tháng Sáu vừa qua ở TQ của Thứ trưởng Ngoại giao VN Hồ Xuân Sơn với các đối tác nước này?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Đương nhiên tôi nghĩ rằng tìm cách tháo gỡ để giữ lấy hòa hiếu là mục đích chung và người dân chắc cũng mong muốn như thế. Nhưng còn cái đồng thuận chung là thế nào, cho tới giờ vẫn chưa có thông tin cụ thể. Mà theo các thông tin khác, thì mỗi phía đưa ra có phần chênh nhau, khác nhau. Tôi nghĩ rằng, trước sau như một, người VN vẫn mong muốn hòa hiếu như ông, cha của mình trước đây, nhưng phải giữ được chủ quyền của đất nước.

BBC: Đánh giá của ông về dư luận ở trong nước qua các cuộc biểu tình phản đối TQ vốn đã diễn trong suốt 5 tuần qua?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Sau các cuộc biểu tình đầu tiên, sau này dần dần, chúng tôi thấy trong truyền thông chính thức của nhà nước cũng đã xác nhận đấy là những hành động yêu nước của người dân. Cách thể hiện có thể chưa phù hợp lắm với chủ trương của Nhà nước về cách bày tỏ. Thế nhưng, dẫu sao việc người dân được thể hiện quan điểm của mình, tôi thấy là một điều hết sức cần thiết.

Đừng tranh luận 'biểu tình' hay 'tụ tập'. Vì bản chất biểu tình có cả hai mặt: biểu tình phản đối cũng có, biểu tình ủng hộ cũng có. Cho nên Nhà nước nên coi biểu tình là một lợi khí của mình. Nếu chúng ta biết dồn lòng dân vào một định hướng có ích cho đất nước, thì điều đó chỉ có lợi thôi.

Đại biểu Dương Trung Quốc

Tôi đã phát biểu trên một số phương tiện truyền thông trong nước rằng đừng tranh luận 'biểu tình' hay 'tụ tập'. Vì bản chất biểu tình có cả hai mặt: biểu tình phản đối cũng có, biểu tình ủng hộ cũng có. Cho nên Nhà nước nên coi biểu tình là một lợi khí của mình.

Nếu chúng ta biết dồn lòng dân vào một định hướng có ích cho đất nước, thì điều đó chỉ có lợi thôi.

Kể cả việc chúng ta mong muốn hòa bình, hữu nghị với TQ, thì việc lấy ý chí của người dân được thể hiện, tôi nghĩ cũng là một phương tiện. Vì thế tôi nghĩ rằng Quốc hội nên có một Luật Biểu tình.

Và nếu (biểu tình) đã trở thành một lợi khí, sẽ định hướng được lòng người phục vụ cho mục tiêu chung của đất nước. Và tôi nghĩ rằng điều này, nhân dân sẽ hết sức đồng thuận.

Biểu tình chống Trung Quốc

Ông Dương Trung Quốc khuyên Quốc hội Việt Nam nên thông qua một đạo Luật Biểu tình.

Lời khuyên với VN

BBC: Ông có lời khuyên gì cho Nhà nước, Chính phủ VN đối phó với các hành vi gây căng thẳng của TQ hiện nay, cũng như trước ý đồ, tham vọng lâu dài của họ đối với lãnh thổ, lãnh hải của VN về lâu về dài?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Từ góc độ của người làm sử học, đây là một vấn đề phức tạp, không đơn giản, tôi nghĩ rằng đương nhiên đã xảy ra sự đương đầu, thì cần tìm hiểu sức mạnh của VN ở đâu. Chắc chắn trong điều kiện hiện nay, đứng về mặt kinh tế cũng như quân sự, chúng ta chưa có một lợi thế nào. Nhưng như trong quá khứ, chúng ta thường đặt ra một câu hỏi là tại sao trong những thế kỷ xa xưa, thời kỳ nhà Lê, hay nhà Trần trước đó, ông cha chúng ta có thể đánh thắng những giặc ngoại xâm rất hùng mạnh như giặc Nguyên Mông, hay giải phóng khỏi giặc Minh. Lúc đó VN làm gì có điều kiện để có sự viện trợ quốc tế. Hoàn toàn là sự tự thân, tự cường của mình. Câu trả lời chính là bởi vì chúng ta có lòng dân.

Trong bối cảnh hiện nay, cái mạnh nhất của VN chính là phát huy dân chủ. Nếu phát huy được dân chủ, thì Nhà nước cũng mạnh mà đất nước càng mạnh. Tôi nghĩ TQ rất e ngại nếu có một nước VN dân chủ ở bên cạnh sườn họ

Đại biểu Dương Trung Quốc

Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, cái mạnh nhất của VN chính là phát huy dân chủ. Nếu phát huy được dân chủ, thì Nhà nước cũng mạnh mà đất nước càng mạnh. Tôi nghĩ TQ rất e ngại nếu có một nước VN dân chủ ở bên cạnh sườn họ. Ít nhất chúng ta cũng ghi nhận một thời kỳ lịch sử, tuy không dài lắm, đó là giai đoạn kể từ năm 1945 tới năm 1950, lúc đó người VN đã có thể tự mình làm cuộc cách mạng giải phóng, giành độc lập từ tay Thực dân Pháp và đánh đổ chế độ Phong kiến VN. Thế nhưng lúc đó làm gì có một ai đứng đằng sau? Không có ai, nhưng người VN vẫn duy trì được cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến năm 1950, sau Chiến thắng Biên giới, đương nhiên lúc đó hoàn cảnh quốc tế thu hút VN vào trong cuộc đụng đầu Đông - Tây, cuộc Chiến tranh Lạnh, sang một bước khác.

Nhưng rõ ràng với hoàn cảnh hoàn toàn chỉ có người VN, song với tinh thần phát huy dân chủ, tinh thần yêu nước, VN vẫn có một sức mạnh.

Thua thiệt hay không?

Thác Bản Giốc

Ông Dương Trung Quốc cho rằng Hiệp ước Biên giới Việt - Trung gần nhất đảm bảo sự yên ổn trước mắt.

BBC: Liệu VN có thua thiệt gì bất hợp lý trong các cuộc phân định biên giới lãnh thổ, lãnh hải với TQ, như trong trường hợp khu vực Thác Bản Giốc? Hội Khoa học Lịch sử VN có biết gì về những thỏa thuận bí mật cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, nếu có, và Hội có được Nhà nước tham vấn một cách thích hợp trong các thỏa thuận, phân định quan trọng cấp Nhà nước đó?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Phân định lãnh thổ là một vấn đề rất phức tạp, với những quốc gia như VN với TQ chẳng hạn. Giữa hai nước này, trong quá khứ lịch sử xa xưa, tinh thần vẫn phải nói là phân định Bắc, Nam rõ ràng. Thế nhưng trên quan niệm nhận thức về lãnh thổ cụ thể, trên những tọa độ cụ thể, chắc lúc đó chưa rõ ràng. Sau đó chúng ta có một thời kỳ mà người Pháp đại diện cho VN thỏa thuận với TQ trong việc hoạch định biên giới. Và sau này, chúng ta vẫn lấy cơ sở là đường biên giới Pháp - Thanh làm nền tảng ban đầu. Cho nên việc phân định là vấn đề hết sức phức tạp, vì nó vừa là vấn đề lịch sử, vừa là vấn đề thực tế ở diễn biến của cả trăm năm thay đổi. Phải tính tới các tiêu chuẩn có tính chất phổ quát của quốc tế trong vấn đề phân chia ở những địa hình cụ thể.

Việc có được một Hiệp định Biên giới, ít nhất đó là một cơ sở pháp lý thuận lợi hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, nhất là với Trung Quốc - là một quốc gia luôn luôn tìm mọi cách để lấn át, với tất cả rất nhiều các thủ đoạn

Đại biểu Dương Trung Quốc

Trong quá trình làm việc về vấn đề biên giới, những người làm sử học, trong đó có các cơ quan nghiên cứu về lịch sử, vẫn được tham khảo ý kiến, đương nhiên tham gia vào một số chương trình nghiên cứu thôi, còn việc phân định là việc của Chính phủ, của cơ quan ngoại giao. Và chúng tôi cũng được biết rằng ngay trong Quốc Hội, trong quá trình chúng ta tiến hành ký kết, cũng có các cuộc trình bày ở Quốc hội cho các đại biểu quốc hội nắm vững thực tế vấn đề như thế nào.

Còn việc ngồi tính toán xem được mất như thế nào, thì chắc chắn đây là điều hết sức cụ thể. Tôi không bình luận về việc đó, nhưng tôi nghĩ rằng cho tới thời điểm bùng nổ căng thẳng trong quan hệ giữa VN-TQ, việc có được một Hiệp định Biên giới, ít nhất đó là một cơ sở pháp lý thuận lợi hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, nhất là với Trung Quốc - là một quốc gia luôn luôn tìm mọi cách để lấn át, với tất cả rất nhiều các thủ đoạn.

Tôi nghĩ, ít nhất điều này bảo đảm sự yên ổn trước mắt. Còn vấn đề đánh giá quá khứ lịch sử, thế nào là được, thế nào là mất, tôi nghĩ phải hết sức cụ thể, chứ không thể võ đoán được.

No comments: