Tuesday, July 19, 2011

NGUYỄN QUỐC TRỤ * HIẾU CHÂN





Ông Anh Hiếu Chân
(03/16/2005) (Xem: 3753)
Tác giả : Nguyễn Quốc Trụ

Năm 1986 anh Hiếu Chân ở phòng 11, tôi ở phòng 10 khu ED Nhà Tù Chí Hoà, hai phòng sát vách nhau, có mấy lần ra hành lang xách nước tôi trao đổi được với anh mấy câu. Anh ấy đứng trong phòng tù, tôi ở ngoài hành lang, cách nhau hàng song sắt. Anh ấy mang theo cái veston, những tháng cuối năm trời lạnh anh ấy suốt ngày bận veston, và hút thuốc lào. Một lần anh ấy nói với tôi: “Lúc ra đi tôi dặn vợ con tôi nhớ ngày này làm giỗ tôi.”
[HHT]

2.
Ngay từ khi còn là một thằng bé, Gấu đã là kẻ ở giữa hai nền... văn minh, hấp thụ tới... hai nền văn hoá. Nói một cách khiêm tốn, và cụ thể, một mình Gấu có tới hai tấm bằng tiểu học, một của kháng chiến, một của tề ngụy.
Khi Tây nhẩy dù xuống cánh đồng Sơn Tây, tức đồng làng Gấu, gia đình Gấu theo dân làng bỏ vùng đồng bằng ven sông chạy về phía núi Tản, trước chạy vào làng Phú Hữu, làng của chú cử Côn, bạn của ông cử Chu văn Bình tức Chu Tử, người làng Thừa Lệnh kế bên.

Tây, sau khi nhảy dù xuống cánh đồng Sơn, tiếp tục toả rộng lực lượng, đồng thời dựng đồn bót ven sông Hồng. Bà cụ Gấu rắt ríu mấy đứa con chạy vào Phú Hữu, rồi chạy tới một cái làng sát ngay dưới chân núi Ba Vì, tức Tản Viên. Tây không tới được, nhưng cho máy bay tới, bắn phá, thả bom, mục đích là xua dân về làng cũ.

Đó là lần đầu tiên Gấu biết mùi máy bay oanh tạc. Sau đó, là tan tác. Khi ông anh Hiếu Chân đưa bà chị ruột của ông, Bá Thoả, cùng vợ, chị Giậu của Gấu, và hai đứa con gái, một đứa thực sự là cháu, cô PT, con của vợ chồng ông anh ruột, đều đã mất, gửi lại, leo lên mãi đỉnh thứ ba của núi Tản, lập khu Kinh Tế Mới, [Gấu còn nhớ, có lần ông anh khoe, đất ở trên đó dễ trồng trọt lắm!...], gia đình Gấu rắt ríu nhau chạy lên Phú Thọ. Bà cụ Gấu muốn tới Vĩnh Chân, là chỗ ông cụ ngày trước đó dậy học, trước khi đổì về Việt Trì, tức nhiệm sở sau cùng, và sau đó, bị một ông học trò làm cách mạng, làm thịt, cho đi mò tôm!

*
Lên tới Vĩnh Chân, Gấu được gửi lại nhà một người quen, như là trọ học. Bà cụ đem bà chị và mấy hai đứa em trở về xuôi, tìm cách về Tề. Mãi không thấy cụ lên, khổ chủ bèn đem Gấu trả cho ông bà ngoại, lúc đó ở làng Yẻn, cách Vĩnh Chân đâu vài dặm đường. Bà Ba, vợ kế thứ ba của ông ngoại lắc đầu không nhận. Nhờ cậu Toàn năn nỉ, Gấu được ở lại, ngày ngày còn được đi học, ở một cái trường gọi là Đình Đất, cho đến bây giờ Gấu vẫn còn nhớ tên, vì đã đi vào tác phẩm đầu tay của Gấu, một bài thơ, tả cảnh hàng ngày đi học, "Một đoàn quân đi ra Đình Đất, có một anh đầu húi móng lừa...", liệu đây có phải là tác phẩm đầu tay của Gấu?

Trong cuốn Nhật Ký của cậu Toàn, ngày Gấu trở lại Hà Nội, vào năm 2001, ông mở cho xem một bài thơ, cứ coi là tác phẩm thứ nhì, của thằng cháu, tặng ông cậu. Trong bài thơ, ông cậu bị trí tưỏng tượng biến thành ông anh, đi theo kháng chiến, và hai anh em gặp lại nhau ngày giải phóng thủ đô!

Tại sao lại hai anh em gặp nhau, mà không phải hai cậu cháu?
Bởi vì, cảnh đó thực sự xẩy ra, giữa ông cậu Toàn, và ông cậu Cầu của Gấu.
Cậu Cầu là con bà Ba. Ba cậu, Cầu, Tiệp, Phiệt, sau khi bố bị bắt vì tội địa chủ, theo mẹ trốn về Hà Nội. Địa phương không dám về bắt, sợ ảnh hưởng xấu tới thanh danh cách mạng đối với quốc tế. Bữa đó, ông Cầu đi lang thang ngoài đường thì gặp ông anh, vừa từ trên rừng trở về.

Tái ngộ ông cậu, chụp tấm hình, làm bài thơ tặng xong, là Gấu tìm cách chuồn lẹ xuống Hải Phòng, gặp ông anh Hiếu Chân, lúc đó đang lo cho đồng bào di cư vào Nam. Ông biểu đi vào trước, cho kịp năm học. Lúc đó, Gấu đang học trường công, trường Nguyễn Trãi, ở phố Huế, lớp Đệ Lục, đã được lên lớp. Nhưng vào Sài Gòn, vẫn trễ năm học. Tay tổng giám thị bắt học lại Đệ Lục, Gấu tiếc một năm học, bèn ra trường tư. Học trường thầy Kham, ở Ngã Sáu Sài Gòn, trong một con hẻm đường Ngô Tùng Châu, gần nhà thơ Huyện Sĩ.


Tác phẩm thứ ba, cũng là thơ, Gấu còn nhớ, đã được ông anh Hiếu Chân chạy xuống tận bếp, đọc hco vợ, tức chị Giậu của Gấu nghe, gật gù khen: Thằng Trụ nó làm thơ, mẹ nó ạ!
Câu đầu là như thế này:
Thu về tràn ngập cả miền quê...!

Sau Thu phải tới Đông, và có Đông thì mới ra cái tình cảm được:
Thương ai đói rách cơ hàn.
Thương người sống... đời tàn gì gì đó....

Còn bà chị, thì mãi tới giờ này, nghĩa là khi Gấu trở lại Sài Gòn vào năm 2001 thăm, vẫn còn nhắc cái kỷ niệm thằng em ngồi học, ở căn nhà hai vợ chồng ông anh thuê ngay mặt tiền Khu Bạch Mai, phiá đằng trước là đường rầy xe điện. Một bài học thuộc lòng, thằng bé vừa học, vừa đọc to từng câu, "Bác Xã Chính...". Bà chị đang nhặt rau ở dưới bếp la lên, "Ối giời ơi là giời, thằng em tôi nó học như là người đói ăn, học được chữ nào là nhét ngay xuống tận đáy dạ dày, học thế thì làm sao mà quên được cơ chứ!"

Gấu gặp lại ông anh bà chị, ở Hà Nội, khi về trọ học, vào năm 1952, sau khi đậu tiểu học, lần thứ nhì, tại Sơn Tây.
Lần thứ nhất, ở hậu phương, vùng kháng chiến Phú Thọ.


Nguyễn Quốc Trụ

No comments: