Tuesday, July 19, 2011

TIN BIỂN ĐÔNG



TRUNG QUỐC - VŨ KHÍ -
Bài đăng : Thứ tư 13 Tháng Bẩy 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 13 Tháng Bẩy 2011

Hệ thống vệ tinh quân sự của Trung Quốc gây lo ngại

Trung Quốc từng công khai phô trương vệ tinh của mình, như nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tháng 10 năm 2009
Trung Quốc từng công khai phô trương vệ tinh của mình, như nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tháng 10 năm 2009
David Gray/Reuters
Thanh Phương

Theo hãng tin Reuters, trích một báo cáo sắp đăng trên tạp chí chuyên về quân sự và ngoại giao của Anh Quốc, Journal of Strategic Studies, Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống vệ tinh có thể giúp hoàn thiện một tên lửa đạn đạo có khả năng bắn chìm các hàng không mẫu hạm của Mỹ ở tầm xa. Thông tin này được đưa ra vào lúc Trung Quốc chuẩn bị cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này.

Trong những năm gần đây, Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều để hiện đại hóa, ngoài hàng không mẫu hạm, còn phát triển chiến đấu cơ tàng hình J20 và tên lửa Đông Phương -21D, có khả năng bắn chìm các hàng không mẫu hạm của Mỹ trong phạm vi 1.600 km.

Theo bài báo nói trên, hệ thống vệ tinh của Trung Quốc đang chuyển từ việc thu thập thông tin chiến lược sang một khả năng mới, đó là yểm trợ các chiến dịch quân sự, cụ thể là dò tìm và chấm toạ độ mục tiêu cho các tên lửa đạn đạo đối hạm.

Nói chung, theo bài báo, khả năng dọ thám của hệ thống vệ tinh quân sự Trung Quốc nay gần như đã ngang bằng với hệ thống của Mỹ về khả năng chụp tọa độ tĩnh, và có thể qua mặt Mỹ trong hai năm tới.

Từ mấy năm qua, Trung Quốc đã cố trấn an thế giới về cái gọi là « sự trỗi dậy hòa bình » và về chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nhưng gần đây Bắc Kinh lại tỏ ra ngày càng hung hăng trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm nay ra tuyên bố cho rằng việc Trung Quốc từ chối để cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử tranh chấp lãnh hải Biển Đông cho thấy những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh là « không vững chắc ». Theo Ngoại trưởng Philippines, Trung Quốc từ chối như vậy là vì họ không thể chứng minh được những đòi hỏi chủ quyền dựa trên luật với quốc tế.

Manila muốn đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển, một cơ chế độc lập được thiết lập trong khuôn khổ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết các tranh chấp lãnh hải.

Nhưng hôm qua, Trung Quốc, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi, đã bác bỏ đề nghị nói trên của Philippines. Theo phát ngôn viên Hồng Lỗi, Trung Quốc vẫn chủ trương là tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết qua thương lượng giữa các nước có liên hệ, dựa trên các luật quốc tế đã được thừa nhận. \

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110713-he-thong-ve-tinh-quan-su-cua-trung-quoc-gay-lo-ngai

Sự thật mối quan hệ Việt-Trung
2011-07-13

TQ ngày càng kiên quyết áp đặt “đường lưỡi bò” ở Biển Đông bằng mọi cách mà VN là một mục tiêu chủ chốt.

AFP photo

Người Việt hô to khẩu hiệu chống TQ trong cuộc biểu tình tại HN hôm 03/7/2011

Thái độ né tránh của chính quyền

Trong khi giới cầm quyền trong nước tỏ ra mềm yếu với Phương Bắc như dạo nào và – nói theo lời blogger Sự thật và Công Lý “VN tăng cường lực lượng chống nhân dân”, thì nhiều ngày nay, người dân Việt tiếp tục thắc mắc về chuyến “đi sứ sang Tàu” của “đặc phái viên” Thứ trưởng Ngọai giao Hồ Xuân Sơn, bất an về thực chất thỏa thuận Việt-Trung dựa trên tình nghĩa “16 chữ vàng” và "4 tốt” này.

Đó là lý do khiến 18 nhân sĩ trong nước kiến nghị Bộ Ngoại giao VN yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ về vấn đề vừa nói, nhất là khi gần 3 năm về trước, 1 bản kiến nghị của một số cựu chiến binh gởi tới giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN đề nghị xóa bỏ tính pháp lý của “công hàm Phạm Văn Đồng” dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ nhưng bị giới lãnh đạo VN lờ đi khiến Bắc Kinh bây giờ luôn viện dẫn “công hàm Phạm Văn Đồng” như một bằng chứng Hoàng Sa và Trường Sa là của Hoa Lục.

Qua bài “Một bản Kiến nghị bị bỏ quên” được nhiều nhật ký trên mạng, kể cả các blog Hoàng Quang, Bô-xít VN, phổ biến, tác giả Lê Bảo Sơn thắc mắc:

"Không rõ ông “phái viên đặc biệt của Việt Nam” đã nói điều gì với Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc mà sau đó, Tân Hoa xã đã phát đi một bản tin trong đó nhấn mạnh: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam [tức Biển Đông] và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.

Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam [Biển Đông] như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai."

Từ đó, tác giả Lê Bảo Sơn không khỏi không thắc mắc về “điều kỳ lạ” liên quan thái độ né tránh của Đảng và Nhà nước VN, qua đó, Hà Nội luôn im hơi bặt tiếng, không giải thích cũng như không nhắc tới “công hàm Phạm Văn Đồng” dù Bắc Kinh luôn viện dẫn công hàm này như là một trong nhiều cái cớ để họ xâm chiếm lãnh hải VN.

Bị đàn áp vì yêu nước

Qua bài “Câm mồm để cho tao ăn cướp”, blogger Quê Choa tỏ ra “rất thú” với bài “Định hướng dư luận” của GS Nguyễn Văn Tuấn, và đưa ra nhận xét:

000_Hkg5073300-250.jpg
Hai nhạc sĩ chơi các bài hát yêu nước trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 03/7/2011. AFP photo

"Sở dĩ bác Tuấn phải cất công diễn giải…chỉ vì sau chuyến viếng thăm TQ của ông Hồ Xuân Sơn, chả biết ông Hồ Xuân Sơn hứa hẹn những gì mà Tân hoa xã dẫn lời ông Hồng Lỗi: “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước.”

Sau đó BBC dẫn lời ông tướng Mã Hiểu Thiên:“Tình hình căng thẳng sau các diễn biến tại đây trong cuộc gặp khi nhấn mạnh rằng ông "hy vọng phía Việt Nam sẽ xử lý các vấn đề tế nhị một cách thích đáng và hướng dẫn dư luận cũng như cảm tính xã hội một cách đúng đắn”.

Tướng Mã Hiểu Thiên cũng khuyến cáo phía Việt Nam “không nên để cho các diễn biến leo thang và tránh làm phức tạp thêm tình hình, khiến các vấn đề bị trầm trọng hóa, dẫn tới đa phương hóa và quốc tế hóa chúng…”

…. Bao nhiêu năm giao thiệp khúm núm, gọi dạ bảo vâng, tóm lại, Biển Đông càng ngày càng dậy sóng, TQ càng ngày càng lộ nguyên hình một tên cướp biển, chứ chẳng đồng chí đồng chéo gì sất, điều đó thì đến đứa con nít nó còn biết, huống hồ là ông Hồ Xuân Sơn."

Giữa lúc giới lãnh đạo VN “giao thiệp khúm núm, “gọi dạ bảo vâng” trước Phương Bắc “ngày càng lộ nguyên hình một tên cướp biển”, thì lòng ái quốc của người dân Việt thể hiện qua hành động biểu tình bị công an đàn áp, “công an đủ sắc phục kín đặc như bức thành lũy thép kiên cố cố bảo vệ trại Tàu”, trong khi các quan chức VN, qua phát ngôn nhân Bộ Ngọai giao Nguyễn Phương Nga, cáo giác rằng lòng ái quốc ấy bị kẻ xấu lợi dụng. Bức xúc trước cáo giác oan ức như vậy, blogger Mẹ Nấm có “Thư gởi chị Nga”:

"Lòng yêu nước, như chị nói đã bị lợi dụng (“kẻ” lợi dụng ở đây là Việt Tân). Vậy trong những “cuộc cách mạng” trước đây mà sứ mệnh là của dân bắt đầu từ lòng yêu nước có bị lợi dụng không ạ? Em đi học, chỉ được nghe nói, được dạy và hiểu rằng “kêu gọi tinh thần yêu nước”, “khích lệ tinh thần yêu nước” thôi chị ạ. Những người tỏ thái độ và hành động vừa rồi để chống lại phía Trung Quốc có hành vi như đã nói, họ bao gồm nhân sĩ trí thức, học sinh sinh viên…và các tầng lớp nhân dân là tỏ lòng yêu nước.

Hy vọng phía Việt Nam sẽ xử lý các vấn đề tế nhị một cách thích đáng và hướng dẫn dư luận cũng như cảm tính xã hội một cách đúng đắn.

Tướng Mã Hiểu Thiên

Họ có bị lợi dụng hay kích động không thưa chị? Nếu cấu trúc câu trên hợp lý, vì chị đã nói ra thì tức là chị đã trả lời câu hỏi này của em. Trời đất? Chị ở đâu ra mà dám coi thường nhân dân thế? Nhân dân họ dễ bị lợi dụng và kích động lắm sao? Ngay cả khi ở vào chỗ cùng cực nhất, lịch sử đã từng ghi như chị biết, dân tộc bị lợi dụng và kích động hay chưa? Với chị, lòng yêu nước có thể bị lợi dụng (chưa cần biết ai lợi dụng), nhân dân ta dễ bị kích động? Nếu vai trò “nhai lại của chị” phát huy hết khả năng rồi, câu hỏi này em nhờ chị chuyển giùm tới chỗ mà theo chị có “thẩm quyền và chức năng” trả lời. Em biết ơn chị về điều này."

Diễn biến dồn dập hiện nay khiến blogger Quê choa, theo lời ông, “đã rõ ra phần nào” rằng TQ có vẻ như “thả cho VN một cái phao” và cho rằng “đám biểu tình là do bọn phản động nó xúi giục”, và VN “vội vàng ôm ghì lấy cái phao” ấy. Bài “Ông Nguyên và ông Nghị” trên blog Quê Choa nhận xét rằng nếu quả đúng như vậy thì cái phao đó “cực kỳ nguy hiểm”:

"Đó là kế ” thả mồi bắt bóng” TQ vẫn hay dùng, một mặt lấy cớ đó dẹp tan biểu tỉnh, mặt khác làm cho ta vui vẻ ôm lấy cái bóng tưởng bở để họ lại lùa ta vào cái vòng kim cô “Đồng chí bốn tốt”, “16 chữ vàng” hòng dễ bề thao túng. Có phải vì e ngại chuyến công du của ông Hồ Xuân Sơn là để ôm cái phao này về nên 18 nhân sĩ Việt Nam mới vội vàng Kiến nghị Bộ ngoại giao minh bạch hóa bí mật của chuyến đi này chăng?"

16 chữ vàng và song phương?

Giữa lúc “sơn hà nguy biến” ngày càng lộ rõ trên quê hương và cho dân tộc Việt thì một trong những nỗ lực của Bắc Kinh – nói theo lời blogger Tô Hải – là nhồi nhét “sự thật giả” cho 60 triệu đảng viên và hơn 1 tỷ dân Tàu về điều gọi là “sự thật uất ức căm hờn” khi Bắc Kinh cho rằng lãnh hải và quyền lợi của họ bị các nước ngoài, nhất là VN và Philippines, liên tục xâm hại. Nhưng, vẫn theo blogger Tổ Hải, “Khốn thay! Ở VN, cái sự thật đắng cay lại… ngược lại !”. Sự thật đắng cay đó là gì? Theo nhận xét của Nhạc sĩ Tô Hải:

000_Hkg5036527-250.jpg
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN Nguyễn Phương Nga trả lời những câu hỏi trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 6 năm 2011. AFP photo
"Mất cướp trên đất cả một tỉnh Thái Bình rồi, người Tàu đang hành động công khai và cụ thể “đòi lại” cái vùng “lưỡi bò của họ” rồi, dân Tàu nhập cư lập làng trương bảng hiệu, thầu hết các công trình trọng điểm của ta, đang đổ tiền thu mua thượng vàng hạ cám của ta rồi!... Đó là sự thật.

Nhưng Sự Thật này, đến giờ vẫn chưa là Sự Thật cần nói lên, kêu to lên, cần động viên toàn dân trong cũng như ngoài nước cùng góp sức chung tay với Nhà Nước với những cơ quan Luật pháp Quốc Tế, Tòa Án Quốc tế giúp đỡ thì Sự Thật đắng cay và tủi nhục này lại được các cơ quan, những người lãnh đạo cao nhất ủy nhiệm cho đặc phái viên chính phủ sang tận Bắc Kinh xin được giữ vững 4 tốt,16 chữ vàng và “cấm không cho một nước thứ ba dính líu vào!”...

Và ngay trong cuộc họp T.Ư lần đầu, Tổng Bí thư mới kiêm bí thư Quân Ủy T.Ư, trong diễn văn khai mạc cũng không một lần dám động đến hai chữ Biển Đông (mà đối tác 4 tốt luôn gọi là Biển Hoa Nam đã được chính VN công nhận?), còn về an ninh quốc phòng thì ông Trọng chỉ nói đến bảo vệ vững chắc lãnh thổ! Không một chữ lãnh hải, biển đảo!?"

Qua bài tựa đề “Không thể đi ngược ý chí nhân dân” của nhà văn Phạm Đình Trọng viết vào “những ngày buồn của lịch sử VN” hồi tháng 6 vừa rồi và được rất nhiều mạng nhật ký phổ biến, tác giả lưu ý rằng “Mỗi lần nghe lãnh đạo đảng Cộng sản và lãnh đạo nhà nước Việt Nam thành kính nhắc lại lời lãnh đạo Đại Hán tán tỉnh, tâng bốc mối quan hệ với Việt Nam là Láng Giềng Hữu Hảo, Đồng Chí Tốt, người dân Việt Nam lại ngậm ngùi, tê tái như bị phản bội và càng âu lo cho vận nước”. Vẫn theo nhà văn Phạm Đình Trọng thì thực tế từng diễn ra trong quá khứ và rồi hiện tại là 1 bằng chứng hiển nhiên, không thể phủ nhận, rằng “Đảng CSVN đang đi ngược ý chí của nhân dân VN!”.

Triển khai những tiểu tựa như “Chủ nghĩa xã hội: Lòng dân không thuận, hào kiệt tan tác”, “Một chủ trương mất gốc: Đối lập với dân, liên minh với ác”, “Ý chí nhân dân VN”, nhà văn Phạm Đình Trọng mở đầu bài “Không thể đi ngược ý chí nhân dân” với tiểu tựa mở đầu “Nhà nước không mang ý chí nhân dân”, và nhận xét:

... những người lãnh đạo cao nhất ủy nhiệm cho đặc phái viên chính phủ sang tận Bắc Kinh xin được giữ vững 4 tốt,16 chữ vàng và “cấm không cho một nước thứ ba dính líu vào!”...

Nhạc sĩ Tô Hải

"Người dân Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phẫn nộ biểu tình trước trước cơ quan đại diện nhà nước Trung Hoa không phải chỉ vì hành động gây hấn mang rõ bản chất xâm lược, thôn tính của những chiến hạm Trung Hoa giả dạng tàu dân sự, tàu đánh cá, tàu giám sát biển mà còn vì ứng xử nhu nhược đến tủi nhục làm mất thể diện quốc gia, làm nhụt ý chí dân tộc của các cơ quan chức năng nhà nước Việt Nam!…

Nếu cơ quan chức năng nhà nước Việt Nam có ứng xử thỏa đáng, bảo vệ dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, có tư thế hiên ngang của một nhà nước độc lập, tự chủ, khôn khéo và cương quyết đòi Trung Hoa chấm dứt xâm phạm vùng biển Việt Nam, thực hiện những lời tốt đẹp họ đã nói về mối quan hệ hai nước thì người dân Việt Nam hoàn toàn yên tâm, tin cậy giao vận mệnh dân tộc và vận mệnh đất nước cho những người xứng đáng ở vị trí quản lí đất nước, lãnh đạo nhà nước.

Người dân chỉ còn bình tĩnh trong tư thế sẵn sàng đáp ứng mọi sự huy động sức dân, đáp ứng cả xương máu cho sự nghiệp giữ nước! Nhưng thực tế đã không như vậy! Vì nhà nước không phải do dân bầu ra nên không mang ý chí nhân dân!"

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReadingBlogs/really-bhind-vn-sino-relationship-tq-07132011131712.html


Hy vọng gì ở Biển Đông?
2011-07-13

Tình hình Biển Đông trở nên phức tạp khi Trung Quốc ngày càng có hành động tùy tiện và gây hấn đáng ngại trong khu vực, nhất là đối với VN.

AFP photo

Các tướng lĩnh quân sự hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc trong một cuộc họp ở Bắc Kinh vào ngày 11 tháng 7 năm 2011 giữa lúc căng thẳng gia tăng ở biển Đông

Hiện, xem chừng như có dấu hiệu Hoa Kỳ cùng các nước trong khu vực, kể cả Úc, xúc tiến hợp tác trước mối đe dọa của Bắc Kinh.
Những diễn tiến đó có ý nghĩa ra sao? Và có thể có lợi cho VN như thế nào? Thanh Quang và Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason, Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ có cuộc trao đổi quanh vấn đề này.

Thanh Quang: Thưa GS, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản vừa phối hợp tập trận ở Biển Đông sau khi Philippines đã kết thúc 11 ngày thao dợt hải quân với Mỹ ở vùng biển gần Biển Đông, và VN cùng Hoa Kỳ cũng có kế họach tập trận ở Biển Đông nội trong tháng này. Những diễn tiến khá dồn dập như vậy, theo GS, có ý nghĩa ra sao liên quan đến hành động gây hấn ngày càng đáng ngại của TQ ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Về những lời tuyên bố chính thức, vì Trung Quốc đã chỉ trích những hành động như vậy là không tốt, thì Hoa Kỳ nói rõ là những hoạt động này đã được chuẩn bị từ lâu rồi, và diễn ra vào thời điểm này là chuyện trùng hợp thôi.

Nhưng trên thực tế chúng ta thấy đây là sự biểu dương lực lượng Hoa Kỳ để chứng tỏ lời tuyên bố từ lâu của Hoa Kỳ là không chấp nhận Biển Đông là vùng đặc quyền của ai cả, mà phải mở vùng này cho tự do lưu thông, và Hoa Kỳ vẫn là cường quốc ở vùng Á Châu-Thái Bình Dương.

Chính Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, Đô Đốc Mike Mullen đã nói rõ trong chuyến viếng thăm TQ mới đây rằng Hoa Kỳ là cường quốc hiện diện ở trong vùng, và Hoa Kỳ chỉ thực thi quyền này thôi. Đây là một sự biểu dương lực lượng để chứng tỏ Hoa Kỳ quyết tâm thi hành, bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ lập trường của mình.

000_Hkg5102253-250.jpg
Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bính Đức (thứ hai từ phải) trong cuộc họp với Đô đốc Mỹ Mike Mullen tại Bắc Kinh ngày 11 tháng Bảy năm 2011. AFP photo

Thanh Quang: GS vừa nhắc tới Đô Đốc Mike Mullen, Tổng Tham Mưu Trường Liên Quân Hoa Kỳ, thì đúng là ông có khẳng định với Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ quyết tâm duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực. Theo GS thì cụ thể Đô Đốc Mike Mullen muốn nhắn gởi điều gì với Bắc Kinh ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hoa kỳ thứ nhất đã khẳng định mình là cường quốc ở Á Châu-TBD, thứ hai là Hoa Kỳ quan tâm đến tự do lưu thông ở Biển Đông, và thứ ba là Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng này. Thì qua những cuộc tập trận hỗn hợp đó, Hoa Kỳ muốn chứng tỏ sức mạnh của mình ở vùng này.

Thanh Quang: Thưa GS, những diễn tiến tập trận vừa nói có phải là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng can thiệp quân sự một khi xung đột võ trang xảy ra ở Biển Đông, dù đó là cuộc hải chiến giữa VN và TQ ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hoa kỳ không nói rõ như vậy. Hoa Kỳ để cho TQ tự đóan lấy. Đó là một ẩn ý về chiến lược.

Thanh Quang: Thưa GS, tình hình xem chừng như Hoa Kỳ và những nước trong khu vực, kể cả VN, xúc tiến hợp tác nhằm đối trọng hành động gây hấn và tùy tiện ngày càng trắng trợn của Bắc Kinh có thể giúp ích cho VN ra sao trước hiểm họa của Phương Bắc ?

GS Nguyễn Mạnh Hùng: Giúp ích một phần nào, bởi vì khi những nước nhỏ ở bên cạnh nước lớn thì họ muôn luôn phải tìm cách một mặt hòa hõan với nước lớn này, mặt khác thì tìm những đồng minh ủng hộ cho mình. VN cũng trong trường hợp như vậy. Vậy thì sự hiện diện hải quân Hoa Kỳ, và nhất là VN ngày càng muốn có sự hiện diện hải quân của nhiều nước khác là một hình thức giúp VN giảm bớt những áp lực từ phía TQ.

Thanh Quang: Cảm ơn GS Nguyễn Mạnh Hùng rất nhiều.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/any-hope-f-scs-disputes-tq-07132011181217.html





Tranh chấp Biển Đông:
Phỏng vấn Thạc sĩ Hoàng Việt về
'Công hàm Phạm Văn Đồng'

Trong vài ngày qua, dư luận Việt Nam lại xôn xao bàn tán về bức công hàm ngoại giao mà Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gởi vị tương nhiệm Chu Ân Lai của Trung Quốc năm 1958, sau khi bản tin hôm 28 tháng 6 của Tân Hoa Xã nhắc đến văn thư này như một bằng chứng cho thấy Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ban Việt ngữ VOA đã tiếp xúc với Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, để tìm hiểu thêm về vấn đề được một số người Việt Nam cho là "làm sôi sục cả tim gan" này.

VOA: Xin cảm ơn giáo sư đã có nhã ý cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này. Trước hết, xin ông trình bày sơ qua về nội dung của lá thư thường được gọi là "công hàm Phạm Văn Đồng" và cho biết văn kiện ngoại giao này được đưa ra trong bối cảnh như thế nào?

Hoàng Việt: Thưa anh, trước hết là về bối cảnh đưa ra công hàm mà năm 1958 ông Phạm Văn Đồng đã ký. Thứ nhất là lúc đó quan hệ Việt Nam-Trung Quốc vẫn còn như là anh em, vừa là đồng chí vừa là anh em. Năm 1949, Quân Giải phóng Việt Nam còn tấn công và chiếm vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, sau đó trao trả lại cho Trung Quốc. Thế rồi sang năm 1957 Trung Quốc chiếm lại từ tay một số lực lượng khác đảo Bạch Long Vĩ và sau đó đã trao trả lại cho Việt Nam.


Muốn nói tới câu chuyện đó để làm gì? Đấy là lúc đó hai nước tình cảm rất là chặt chẽ với nhau. Và năm 1958 nó có bối cảnh là gì? Sau sự thất bại của hội nghị La Haye về luật biển năm 1930 để pháp điển hóa luật biển, đến năm 1958 – từ khoảng tháng 2 đến tháng tư, đã có hội nghị đầu tiên về Công ước Luật biển. Và sau đợt họp này đã ra được 4 công ước khác nhau, trong đó có Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải. Tuy nhiên, hội nghị này thất bại vì đưa ra được giới hạn là lãnh hải tối đa 12 hải lý nhưng không thống nhất được là 12 hải lý. Và mỗi quốc gia lại đưa ra một yêu sách khác nhau: Mỹ yêu cầu lãnh hải là 3 hải lý, có một số nước là cho 4,5 hải lý, còn Trung Quốc đưa ra quan điểm là 12 hải lý, và một số nước Nam Mỹ còn đưa ra quan điểm là 200 hải lý.


Trong bối cảnh đó Trung Quốc đưa ra tuyên bố của ông Chu Ân Lai về lãnh hải và tuyên bố lãnh hải là 12 hải lý, và vận động quốc tế, trong đó có Việt Nam, là nước có mối tình thân thiết với Trung Quốc, để yêu cầu ủng hộ cho tuyên bố 12 hải lý đó. Còn nội dung công hàm thì có một số điều cơ bản như thế này. Thứ nhất, ông nói rằng dựa vào tuyên bố của ông Chu Ân Lai cho rằng lãnh hải Trung Quốc kéo dài 12 hải lý ông Đồng nói rằng chúng tôi tán thành và chấp nhận “hải phận” 12 hải lý. Đấy là bối cảnh và nội dung của công hàm Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên sau này người ta diễn giải, đặc biệt là Trung Quốc. Chắc có lẽ ông Đồng cũng không ngờ là sau này công hàm của ông lại được Trung Quốc diễn giải một cách khác nhau rất nhiều như vậy.


VOA: Thưa giáo sư, theo chỗ chúng tôi được biết thì phải mất mấy mươi năm sau Trung Quốc mới lấy lá thư năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng làm một luận cứ để hỗ trợ cho đòi hỏi của họ về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông. Ông nghĩ sao về việc Trung Quốc giờ đây lại đề cập tới "công hàm Phạm Văn Ðồng" vào thời điểm như thế này?


Hoàng Việt: Chính sách của Trung Quốc là tuyên truyền bằng mọi cách để làm sao bảo vệ được luận cứ của họ ở Biển Đông. Có lẽ là bắt đầu từ cuộc căng thẳng mà hai bên tranh chấp với nhau ở quần đảo Trường Sa năm 1988. Tôi cũng chưa có thời gian để coi lại xem trong các tuyên bố chính thức của Trung Quốc họ đưa ra cái luận điểm, cái công hàm này, từ khi nào. Nhưng trong tất cả các sách sử của Trung Quốc, ngay từ các cuốn sách như cuốn “Ngã quốc Nam hải chư đảo sử liệu hối biên”, vân vân.. một loạt các sách khác của Trung Quốc, khi nào nói về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa họ cũng đưa cái công hàm này vào trong đó. Và tôi có kiểm tra lại thì ngay cả trong năm 2000 trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa lên những thông tin như vậy. Có lẽ là trong bối cảnh vừa rồi, trong vụ cắt cáp tàu Bình Minh và tàu Viking, cũng như sự xung đột va chạm căng thẳng lên, Trung Quốc đưa ra những lập luận để bảo vệ yêu sách biển của họ, trong đó có yêu sách đường lưỡi bò.


VOA: Thưa giáo sư, giới nghiên cứu Biển Đông ở Việt Nam nhận định như thế nào về giá trị của "công hàm Phạm Văn Ðồng" trong vụ tranh chấp pháp lý với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông? Và giới học thuật quốc tế, không kể tới Trung Quốc và Đài Loan, nghĩ sao về văn kiện này?


Thạc sĩ Hoàng Việt
Thạc sĩ Hoàng Việt

Hoàng Việt: Đương nhiên, các học giả quốc tế cũng có hai trường phái. Một trường phái, ví dụ như ông Daniel J. Dzurek cố vấn pháp lý của công ty Crestone Oil, là công ty được Trung Quốc cấp phép để thăm dò khai thác dầu trên bãi Tư Chính năm 1992. Ông ấy cho rằng như vậy có nghĩa là đã được công nhận rồi. Còn một số các học giả khác, như Monique Chemillier- Gendreau thì cho rằng nó chưa thành một cái công nhận.

Còn quan điểm của bên Việt Nam, như tôi là một học giả bình thường, tôi cho như thế này:

Thứ nhất, ông Đồng hay bất cứ ông nào ở miền Bắc lúc đó cũng chẳng có quyền gì mà có thể nói chuyện công nhận hay cho ai cái gì được cả. Bởi vì theo hiệp định Geneve 1954 thì [Việt Nam] đã chia đôi, từ vùng vĩ tuyến 17 trở về bên ngoài là chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý lãnh thổ đó, từ vĩ tuyến 17 vào trong là chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Và như vậy là rõ ràng là các ông ở miền Bắc, dù có là ông nào đi chăng nữa, tôi nghĩ rằng cũng chẳng có quyền gì mà lại tuyên bố được với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang thuộc một chính quyền khác quản lý. Thế Việt Nam Cộng hòa có phải là một quốc gia không? Là một quốc gia chứ! Là một quốc gia bình thường và thậm chí năm 1957 Liên hiệp quốc còn định đưa trở thành một thành viên chính thức của Liên hiệp quốc, nhưng mà sau đó có một phiếu phủ quyết của Liên Sô. Nếu không thì [đã được gia nhập Liên hiệp quốc rồi]. Thật ra Việt Nam Cộng hòa vẫn là một quốc gia bình thường. Và rõ ràng là anh không thể tuyên bố hay cho nhận cái gì của cái không phải là của mình, không do mình quản lý. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai là công hàm này cũng chỉ nói chung chung là công nhận hải phận 12 hải lý. Cho nên sự diễn giải đấy có lẽ nếu đưa ra tòa án quốc tế thì người ta phải xem trong bối cảnh nào, có đúng là ý chí tự nguyện không, và xem xét như thế thì sẽ thấy rằng có nhiều vấn đề mà như tôi đã trình bày với anh – trong bối cảnh như thế và với những tuyên bố như thế và với hiệp định Geneve chia như thế, thì có khả năng là tuyên bố này chẳng có giá trị pháp lý gì nhiều cả.

VOA: Thưa ông, trong vài ngày qua chúng tôi đọc được trên internet lời kêu gọi của một số người Trung Quốc đòi thực hiện những cuộc biểu tình ở các thành phố lớn ở Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... vào ngày chủ nhật tới đây để phản đối điều mà họ cho là Việt Nam xâm phạm chủ quyền biển đảo của họ ở Biển Đông. Những người này cũng nói tới chuyện gọi là "lấy lại" đảo Bạch Long Vĩ, nơi mà năm ngoái Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã đến thăm và đưa ra một tuyên bố cứng rắn để bày tỏ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ. Ông nghĩ sao về diễn tiến này?

Hoàng Việt: Trước nhất, tôi không hiểu vì sao những người đó họ nói như vậy. Bời vì như vậy thì có hai khả năng xảy ra: thứ nhất là họ không hiểu gì vấn đề liên quan tới luật pháp quốc tế cả, và thứ hai là họ có thể bẻ cong nó đi. Bởi vì đảo Bạch Long Vĩ cho đến bây giờ chưa bao giờ có tranh cãi pháp lý chính thức về chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ cả. Bạch Long Vĩ là hoàn toàn của Việt Nam. Năm 1957 lúc đó Trung Quốc chiếm nhưng rồi trao lại cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Và mới đây nhất là năm 2000 Việt Nam và Trung Quốc đã ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ. Hiệp định này trong luật pháp quốc tế được coi là hình thức pháp lý cao nhất, ràng buộc cả hai bên. Và trong hiệp định này qui định rõ có 21 điểm nối ở đường phân định biên giới trên Vịnh Bắc Bộ. Hiệp định đó còn kèm theo hai hải đồ. Hải đồ thứ nhất nói tới đường kéo dài phân chia vịnh bắt đầu từ cửa sông Bắc Luân. Và bản đồ thứ hai vẽ đường phân chia Vịnh Bắc Bộ gồm có 21 điểm, trong đó điểm thứ nhất kéo dài từ cửa sông Bắc Luân và kết thúc ở cửa Vịnh, xuống ngang tới đảo Cồn Cỏ. Và trong đường vẽ đó, đảo Bạch Long Vĩ hoàn toàn nằm ở phía Việt Nam. Và với một cái hiệp định đã được đại diện của hai quốc gia, hai nhà nước cùng ký kết thì tính chất pháp lý của nó là tuyệt đối rồi. Tức là không có gì để tranh cãi nữa.

Chưa bao giờ có tranh cãi pháp lý nào về chủ quyền trên đảo Bạch Long Vĩ cả, và Bạch Long Vĩ hoàn toàn là của Việt Nam rồi. Cho nên người mà họ nói ở đây tôi không hiểu là họ nói với duyên cớ gì, nhưng khẳng định với anh một điều là không có chuyện tranh chấp trên đảo Bạch Long Vĩ.


VOA: Chúng tôi xin thay mặt ban Việt ngữ, các thính giả và độc giả cám ơn giáo sư đã có nhã ý dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/focus/south-china-sea-dispute-07-08-11-125223929.html





Liên minh quân sự nên chăng?

Trước tình trạng Việt Nam bị Trung Quốc ức hiếp trong vấn đề chủ quyền lãnh hải trên biển Đông, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể liên minh với các nước phương Tây để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Sách lược đó liệu có hiệu quả hay không?

AFP photo

Hải quân Việt Nam tập huấn tác xạ đại liên 12 ly 7 trên đảo Phan Vinh, Trường Sa, 13 tháng 6, 2011- AFP photo .


Trong một kỳ phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, TS Vũ Cao Phan đương kim chủ tịch Hội hữu nghị Việt Trung đã kể lại cùng quý vị câu chuyện ông trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Phượng Hoàng. Kỳ này ông sẽ cho chúng ta biết nhận định về vấn đề liên minh với các nứơc phương Tây để bảo vệ lãnh thổ khỏi áp lực ngày một mạnh hơn của Trung Quốc có những mặt được mất như thế nào. Bài phỏng vấn cũng do Mặc Lâm thực hiện.

Lòng yêu nước của đồng bào xa xứ

Mặc Lâm: Thưa ông có rất nhiều ý kiến của người Việt cả trong lẫn ngoài nước đều mong rằng Việt Nam nên liên minh với một hay nhiều nước Tây phương kể cả Hoa Kỳ để làm đối trọng chống lại sức ép của Trung Quốc. Theo ông đây có phải là một giải pháp tốt nhất cho Việt nam hay không?

Tiến Sĩ Vũ Cao Phan- RFA file
Tiến Sĩ Vũ Cao Phan- RFA file


TS Vũ Cao Phan: Về điều này thì tôi xin mở rộng ra một chút, có vẻ như ý kiến của những đồng bào ở nước ngoài nghiêng về khả năng này. Tôi chia sẻ như thế này, những người yêu nước nhất là những người hiện nay ở xa quê hương. Chính đồng bào ở nước ngoài là những người yêu nước nhất. Tôi đã từng ở nước ngoài năm bảy năm cho nên tôi hiểu lắm. Hồi nhỏ đi học tôi rất nhớ là trong sách vở có một bài văn của một nhà văn Nga nổi tiếng Ilia Erenburg, mà bây giờ thì không thấy học sinh học nữa, có nói về lòng yêu nước. Ông giải thích lòng yêu nước là gì: Lòng yêu nước là lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông.
Họ không thấy được điều khó khăn ở trong nước bên một quốc gia lớn nhất thế giới
TS Vũ Cao Phan

Và bây giờ chúng ta cũng thấy trong một bài thơ, bài ca nối tiếng "quê hương là con diều biếc, là chùm khế ngọt", thế thì những người Việt Nam xa quê, đặc biệt là những người có tuổi, luôn luôn da diết nhớ về những kỷ niệm đó, cho nên lỏng yêu nước của họ bùng cháy hơn người trong nước. Chính vì thế cho nên những ý tưởng của họ, ý nghĩ của họ đôi khi nó cực đoan hơn. Họ cho rằng Việt Nam phải liên kêt quân sự với ai đó, hay là như anh nói "lập hàng rào quân sự để chống lại nước khổng lồ Phương Bắc". Họ đề ra những giải pháp ấy là có phần cực đoan. Họ không thấy được điều khó khăn ở trong nước bên một quốc gia lớn nhất thế giới, một quốc gia có rất nhiều áp lực.


Tôi có thể chia sẻ với đồng bào ở nước ngoài cái sự chậm trễ, cái quan điểm để thế hệ sau giải quyết, những chậm trễ như thế là không được. Nhưng giải quyết một cách vội vàng và với những biện pháp như vừa rồi, chúng ta cứ tưởng có thể có một liên minh vững bền nhưng người ta không thấy rằng làm như thế sẽ khiến Việt Nam ở một thế bất lợi hơn, khó khăn nhiều hơn. Cho nên tôi nghĩ là không nên có một liên minh quân sự với một nước khác.

Hòn Ông, nơi hải quân Việt Nam tập trận bắn đạn thật- RFA file
Hòn Ông, nơi hải quân Việt Nam tập trận bắn đạn thật- RFA file
Liên minh? Chẳng lợi gì

Cái việc tuyên bố của chính phủ Việt Nam, từ khi tuyên bố như thế, là tôi đồng ý. Từ lâu rồi Việt Nam muốn làm bạn bè với toàn thế giới, cái đó là rõ ràng và tôi hoàn toàn ủng hộ. Làm bạn bè, thậm chí chúng ta có những bạn bè tốt để chúng ta có thể cân bằng được. Chúng ta không phải làm đối trọng nhưng chúng ta cân bằng lại được những sức ép mà chúng ta chịu đựng, cái đó là cần.

Một quốc gia như Mỹ chẳng hạn, dù nói gì thì nói, Mỹ hiện nay là một quốc gia mạnh, là một quốc gia đang lãnh đạo thế giới, Mỹ có trách nhiệm với thế giới. Trong rất nhiều hành động của Mỹ mà tôi thấy được là Mỹ có trách nhiệm. Việc chúng ta có quan hệ với Mỹ rất tốt, thậm chí là một quan hệ chiến lược, tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng một liên minh quân sự thì Việt Nam không đặt ra, và người Mỹ họ cũng không nghĩ đến, đó là điều chắc chắn. Có thể nói rằng cả về kinh nghiệm lịch sử lẫn tư duy logic đều cho thấy là Việt Nam phải tự lực cánh sinh là chính.

Không bao giờ lợi ích Mỹ - Trung nó thấp hơn lợi ích Mỹ - Việt cả. ... Lợi ích của Pháp-Trung với lợi ích của Pháp-Việt, thì họ bao giờ cũng trọng cái lợi ích lớn hơn.
TS Vũ Cao Phan

Kinh nghiệm lịch sử ta có thể nói như thế nào? Năm 1978 Việt Nam và Liên Xô ký một hiệp ước phòng thủ lẫn nhau, nhưng khi chiến tranh biên giới 1979 xảy ra thì Liên Xô có làm gì không, chúng ta đều biết là họ không làm gì, mà lúc đó Việt Nam và Liên Xô cùng ý thức hệ nhé, được gọi là những nước anh em nữa.


Huống hồ ví dụ Việt Nam liên kết với các nước Phương Tây, với Pháp, với Mỹ, hay với Nhật chẳng hạn, tư duy logic cho ta thấy là làm như thế không được. Bởi vì sao? Không bao giờ lợi ích Mỹ - Trung nó thấp hơn lợi ích Mỹ - Việt cả. Người Mỹ không quan niệm như thế. Lợi ích của Pháp - Trung với lợi ích của Pháp - Việt nó khác nhau, họ bao giờ cũng trọng cái lợi ích Pháp - Trung lớn hơn. Rõ ràng như thế rồi.


Vấn đề thông tin và tập quán dân chủ.

Mặc Lâm : Theo ông thì Việt Nam có thể nhân rộng ra những hoạt động truyền thông như ông vừa thực hiện để cho nhân dân Trung Quốc biết rõ hoàn cảnh của Việt Nam hay không? Và với tình trạng mà người nước ngoài cho là chính phủ Việt Nam đang co cụm hiện nay nó sẽ làm cho cách nhìn của thế giới đối với vấn đề Biển Đông sẽ sai lệch đi hay không?

TS Vũ Cao Phan : Câu hỏi của anh rất hay. Câu hỏi của anh chia sẻ suy nghĩ của tôi. Nhân đây tôi có thể kể một chuyện? Gần đây tôi mới có dịp xem được băng hình cuộc phỏng vấn của Đài Phượng Hoàng, bởi vì như tôi đã nói trước đây là ở không gian quá xa tôi nghe không rõ nhưng mà xem lại băng hình thì tôi có thấy một nữ học giả của Trung Quốc. Bà này tôi quen, đã từng gặp nhau, và học giả này ở ngay Quảng Tây. Bà ấy phát biểu rất là oai, rất là to tiếng.

Cái thứ nhất là bà ấy phản bác ý kiến của tôi về chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc thế nọ thế kia thì bà ấy nói là Việt Nam đối với ngư dân Trung Quốc còn tệ hơn thế, thậm chí bỏ đói chết. Tôi có thể nói rằng tôi không biết có chuyện ngư dân Trung Quốc chết hay không, cũng có thể có, và họ chết vì lý do gì đó, bệnh tật chẳng hạn nhưng trong lòng tôi tôi có thể bảo đảm rằng "không bao giờ có chuyện Việt Nam bỏ đói chết!", nếu có thì Trung Quốc đã có công hàm phản đối rồi. Bà ấy nói như thế là không đúng.

Hai nữa bà này nói là hai mươi năm nay Việt Nam luôn nuôi âm mưu đánh chiếm các đảo của Trung Quốc, và toàn nói về chiến tranh chống Phương Bắc thôi, toàn nói lại các cuộc chiến tranh với Phương Bắc cả nghìn năm mà không nói gì đến cuộc chiến tranh với người Mỹ. Điều đó chứng tỏ rằng Việt Nam chỉ nghĩ đến chiến tranh với Trung Quốc.


Và cái chủ trương của Việt Nam mà bà gọi là "viễn giao, cận công", là giao thiệp với các nước phương xa, chủ trương đánh nước ở gần. Tất cả những việc này hoàn toàn không đúng. Không đúng sự thật một tí nào. Ngay một học giả Trung Quốc ở một tỉnh liền kề với Việt Nam còn nghĩ như thế thì … Trung Quốc có câu thành ngữ “giá họa vu nhân”, tức là "gán họa cho người khác", "gán tai ương cho người khác", thật đúng là trường hợp này !

Qua những lần như thế tôi thấy rằng nhân dân Trung Quốc không tiếp cận được sự thật. Ngay cuộc trả lời phỏng vấn của tôi như thế, tôi nghĩ là với một đài truyền hình tương đối trung lập, không phải của chính phủ như thế, mà cũng còn bị cắt khúc thì làm sao mà người Trung Quốc có thể hiểu được. Cho nên điều rất cần là Việt Nam phải có một sự tuyên truyền như thế nào đó để cho nhân dân Trung Quốc thấy được sự thật.

làm sao để chính nghĩa của chúng ta mọi người đều hiểu, các bạn Trung Quốc hiểu, nhân dân thế giới hiểu.
TS Vũ Cao Phan
Một trong những khiếm khuyết rất lớn của những người có trách nhiệm ở trong nước là không làm được cái việc tuyên truyền cho thế giới, cho nhân dân Trung Quốc thấy được chính nghĩa của chúng ta. Ta chỉ cần đưa ra những cái gì là sự thật thôi, ta không phải thổi phồng thêm một cái gì cả, rồi dần dần người ta sẽ hiểu.

Vừa rồi cuộc trả lời phỏng vấn của tôi với Đài Phượng Hoàng, tôi có cả bản trả lời bằng tiếng Hán và gửi sang bên Hồng Kông. Tôi có đề nghị là nên đưa cái này vào mạng. Họ bảo họ sẽ xem xét. Cho đến bây giờ những lời nói của tôi cũng còn không đưa được đến nơi đến chốn huống hồ là làm sao hy vọng được cả những cái này đước đưa thêm vào!

Cũng may là khi tôi trả lời cuộc phỏng vấn thì những người có trách nhiệm lập tức người ta có chỉ đạo những cổng thông tin, những kênh thông tin có tiếng Hán đưa kênh tiếng Hán vào, kênh tiếng Hán của cổng thông tin của chính phủ Việt Nam, kênh tiếng Hán của Thông tấn xã Việt Nam, và thậm chí cả kênh tiếng Hán của tờ báo điện tử của Đảng CSVN cũng rất là hào hứng đưa vào.

Tôi thấy như thế là được. Nhưng nói tóm lại nhìn một cách sâu xa là chúng ta thiếu sự tuyên truyền, thiếu cách làm cho thế giới, làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu được bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung này là gì, chính nghĩa của chúng ta ở đâu. Thế cho nên tôi rất chia sẻ với ý kiến của anh là chúng ta phải làm, nếu chúng ta chưa làm thì bắt đầu làm, mới làm một ít thì phải làm nhiều, làm sao để cái chính nghĩa của chúng ta mọi người đều hiểu, các bạn Trung Quốc hiểu, nhân dân thế giới hiểu. Đấy là ở đây tôi chưa muốn nói, việc im hơi, lặng tiếng chính là một cách không ngồi thẳng !

Tàu chiến HQ-375 của Việt Nam- Ảnh báo QĐND
Tàu chiến HQ-375 của Việt Nam- Ảnh báo QĐND


Mặc Lâm: Theo ông thì những cuộc biểu tình vừa qua tại Hà Nội và Sài Gòn có tác dụng gì đến công cuộc chống lại những việc làm sai trái của Trung Quốc hay không và ông có ủng hộ những cuộc biểu tình như thế trong tương lai?

TS Vũ Cao Phan: Biểu tình là một cách tuyên truyền, như câu chuyện ta vừa nói với nhau. Mặt khác, mọi công dân đều có quyền chọn cách thể hiện phản ứng, biểu thị thái độ của mình trong sự cho phép của luật pháp. Như tôi được biết thì cách ứng xử của những người tham gia cũng như nhà chức trách trong những cuộc biểu tình vừa qua là có thể hiểu được và chấp nhận được. Hơi tiếc là Việt Nam ta chưa quen lắm với tập quán dân chủ này.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-best-answer-to-china-s-ambition-07112011140508.html

No comments: