Bác và Cha tôi
Bác và Cha tôi
Kính dâng hương hồn hai vị Cựu Hiệu Trưởng Cần Giuộc, cụ Đinh Văn Lô và Bến Lức, cụ Đinh Văn Triển.
Chỉ vài tháng tôi mất hai người thân, bác và cha. Vẫn biết ở cái tuổi này thì lần lượt lá úa sẽ rụng nhưng ai tránh khỏi ngậm ngùi ?
*********************************************************
Hai anh em kề nhau mà tính tình khá khác biệt. Bác tôi thích ăn, cha tôi thích mặc. Lên Hà Nội, mẹ cho riêng tiền tiêu vặt thì một người chi cho ăn, một người chi cho mặc.
Bác tôi:
-Bố con điệu lắm. Chỉ lo diện quần áo, đầu chải brillanntine bóng mượt.Thời xưa mà bố con tòan chơi phấn Coty, tối đến thì mò lấy trộm đồ ăn của bác!
Bố tôi nghe kể lại lời bác thì:
-Bác con dễ hiền à? có bao tiền toàn đi ăn. Ngày nào không phở thì xôi lúa. Lúc cần thì lén lấy bộ vía của bố đi với bồ!
Tôi thầm nghĩ, thế thì là …một sự kết hợp thật tuyệt vời, còn kêu ca cái gì? Ai cũng đuợc huởng cái mình thích và chỉ phải chi một còn thì huởng những hai! Bà nội tôi lời, xem như hai con, đứa nào cũng đuợc ăn ngon mặc đẹp và cụ không phải chi nhiều.
Bác tôi dáng cao lớn nhưng nói nào ngay không đẹp trai bằng bố tôi.
Bác có cái mũi lân. Mũi lân giàu nhưng hơi xấu. Không biết có phải vì
mũi lân mà …nhiều cô đeo chăng nhưng hiển nhiên hai năm rõ mười là bác
đào hoa. Khối cô theo và duờng như bác tôi cũng không nỡ chối từ? Trong
khi cha tôi điệu nhưng chỉ hình thức thế thôi còn ông rất nghiêm. Gì chứ
khoản bồ bịch thì mẹ tôi yên chí lớn.
Bác tôi thích các môn khoa học, đầu óc thực tế. Do vậy bác dậy tóan
lý hóa. Tôi còn nhớ sách Lý Hóa của bác sọan chung với hai người bạn
đuợc Bộ Giáo Dục Quốc Gia chọn cho các thập niên 60-70 của bậc
trung học. Chính vì thế, bác kiếm tiền nhiều hơn cha tôi. Cái mũi lân
cũng có lý nhỉ? Cha tôi ưa văn chương,thơ phú. Vì thế ông dạy Việt văn
và sinh ngữ. Ông chẳng viết đuợc cuốn sách văn nào mà chỉ in đuợc một số
những tờ buớm tóm tắt các văn phạm hay chia động từ của Anh Văn.Tôi
thấy những cái đó của cha hay mà chả biết vì sao không bán đuợc? Tội thì
thôi, sau 75, mớ giấy bướm đó đuợc cha tôi cắt nhỏ dùng vào việc châm
thuốc lào.
Bác tôi tính đằm và xã giao khéo với mọi người chung quanh.Đồng
nghiệp thích tính vui vẻ hay tếu của ông. Bộ Giáo Dục cũng ưa vì ông còn
bảo đuợc. Cha tôi tính thẳng và cứng như tre. Bạn bè, ai hiểu sẽ quý.
Ai hay giận sẽ không vì ông không nể nang gì ai cả.
Bác tôi kể rằng có một năm, cha tôi làm Chánh Chủ Khảo Hội Đồng Tú
Tài ở vùng X. Đổng Lý Bộ Giáo Dục đến xin cha tôi hạ điểm để vớt vì
…cháu bà Bộ Trưởng thi ở đó. Thời ấy, rớt tú tài thì đi lính. Cha tôi từ
chối thẳng thừng. Đổng Lý bảo bác tôi khuyên cậu em cứng cổ nhưng không
ăn thua. Kết quả là sau đó bộ đì cả hai anh em.Bác tôi thích ăn thì đuợc bác gái nấu ăn giỏi. Bà nội tôi vẫn khen tài gia chánh của con dâu trưởng. Bác gái tôi xinh đẹp, hiền hòa, chiều chồng và con rất mực. Tiếc thay, bác gái tôi mất sớm để chồng gà trống nuôi con khi ông mới ngòai 40.
Cha tôi thích văn chương thì trời gửi đến mẹ tôi,một phụ nữ cũng thơ văn lai láng. Nhưng bà không phục thơ ông. Vì thế thay vì xuớng họa thơ phú thì ông bà cãi cọ triền miên.Và ông vẫn ở bên bà cãi cho vui đến tận tuổi ngoài 80.Bà nội tôi thương sự thông minh, chịu khó của mẹ tôi mà bỏ qua cái gia chánh không lấy gì xuất sắc của con dâu thứ.
Bác tôi dạy khoa học nhưng sùng bái thánh thần. Ông kể rằng, cô ruột của ông, chỉ hơn ông vài tuổi, chết trẻ nên rất thiêng. Tội cho bà cô tôi. Vì Thiêng nên suốt ngày đuợc bác tôi réo để cầu khẩn xin đủ thứ. Năm 85, có lần bác ôm nguyên thùng đồ Mỹ do các con gửi về để lên bàn thờ “bắt đền”:
-Cô làm sao thì làm. Cháu sắp đi Mỹ, phải chi nhiều thứ mà mối lái đến trả thấp quá.
Sau đó ông hí hửng bảo tôi “ Bác bán đuợc thùng đồ có giá lắm. Bác mới bắt đền bà cô con hôm qua!”
Tôi phì cuời. Bác ngoài 60 chứ bé bỏng gì cho cam!
Cha tôi văn chương nhưng ít tin thần thánh. Về mặt này, cha tôi có vẻ
hạp với vợ. Hai ông bà ít đi chùa chiền. Giỗ chạp, coi như bổn phận chứ
ít khấn cầu xin xỏ như bác tôi.
Tuy vậy hai anh em có một tính khá giống nhau. Đó là thuơng cho roi
cho vọt. Cả bác và cha tôi đều nghiêm khắc với con cái. Cha tôi trội hơn
bác.Tôi đã từng ca cẩm với hai con “ Chúng bay bây giờ dễ thở hơn mẹ ngày xưa.Hồi đó mẹ bị ba tầng áp bức:xã hội, gia đình, học đuờng”
Cha tôi ra đi vào mùa đông 2004. Ra đi rất nhẹ nhàng, nhanh
chóng.Tuyết phủ băng giá trời Montreal. Tôi căm hận khi nghe tin cha
mất. Căm hận vì gia đình tan tác và tôi đã không gặp cha từ gần mười
năm.Tôi yêu cha vì cha yêu tôi nhất trong các con gái của người.Thuở bé
nghe kể lại, cha nuôi gà và trứng dành riêng cho tôi. Con bé có nước da
trắng hồng vì hàng ngày ăn trứng gà tươi mới đẻ. Cha chở tôi đi thi tú
tài. Cha nhờ người xem điểm thi trước cho tôi.
Tôi bay từ Mỹ sang Canada đưa tiễn cha lần cuối. Cha tôi nằm như ngủ.
Tôi nhớ khi cậu Tích của tôi mất, ông làm bốn câu thơ rất hay và mợ
Thảo đã cho khắc vào bia chồng. Giờ này cha mất mà tôi, đứa con gái đuợc
xem như thừa hưởng văn chương từ cha lại không thể viết đuợc câu thơ
nào. Duờng như khi nỗi đau quá lớn lao thì không ngôn từ nào có thể diễn
nổi.
Kỷ niệm về bác rưng rưng. Ngày đó, tôi cầm roi dọa đánh con trai, ông
giựt lấy “Cu Bi hư quá, để ông đánh thay mẹ.” Ông vút roi nghe chan
chát vào giường. Thằng bé hẳn suốt đời nhớ ông – đã thay mẹ nó đánh đòn
như thế bao lần.
Tôi cũng bay ngay từ Virginia về California thọ tang bác. Ông cũng
nằm như ngủ. Giống cha tôi. Hai anh em khi nằm trong quan tài, giống
nhau quá. Không ăn đuợc nhưng hai anh em đều mặc đẹp như nhau.
Chỉ đuợc nghỉ ba ngày và tôi dành trọn cho bác. Không đi đâu, không
thăm bạn, không shopping. Nhiều người đến viếng đã hỏi, tôi có phải là
con gái ông? Tôi thấy duờng như bác tôi mỉm cuời khi nghe thế.
Bác và cha tôi, hai anh em đã rủ nhau về nơi xa ấy, bỏ lại bao phiền lụy trần gian. Nhưng tôi biết, trong những phiền lụy ấy có những niềm thương mến, rất dạt dào của bao thế hệ học trò! Dù tính tình khác nhau nhưng cả bác và cha tôi đã sống hết mình cho nghề mà hai ông đã chọn và đi hết cuộc đời mình.
Bác ơi, cha ơi , đêm nay đây con xin gửi đến Bác và Cha, những giòng
chữ này, đuợc gõ cùng với nước mắt con đang lã chã trên bàn phím.
Viết tại Rừng gió VirginiaHòang Lan Chi
No comments:
Post a Comment