Tuesday, June 12, 2012

TIN BIỂN ĐÔNG


 

Bài đăng : Thứ bảy 02 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 02 Tháng Sáu 2012

Mỹ sẽ chuyển phần lớn lực lượng hải quân qua vùng Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore (Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore (Reuters)

Trọng Nghĩa
Từ tỷ lệ đồng đều - một nửa cho Thái Bình Dương và một nửa cho Đại Tây Dương - như hiện nay, trong thời gian từ giờ cho đến năm 2020, 60% hạm đội Mỹ sẽ được bố trí tại vùng Thái Bình Dương. Trên đây là nội dung tuyên bố vào hôm nay, 02/06/2012, của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, trong bài phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Singapore, diễn đàn an ninh và quốc phòng thường niên của vùng châu Á Thái Bình Dương.

Trước các lãnh đạo quốc phòng và quân sự cao cấp đại diện cho 28 quốc gia tham dự hội nghị, người đứng đầu Lầu Năm Góc xác định là quyết định triển khai thêm lực lượng qua vùng Thái Bình Dương, kèm theo với việc mở rộng mạng lưới các quan hệ đối tác quân sự, là một phần trong các nỗ lực « đều đặn và kiên quyết » của Hoa Kỳ nhằm củng cố vai trò của mình trong một khu vực được đánh giá là quan trọng đối với tương lai của nước Mỹ.

Một cách chi tiết, ông Panetta cho biết là lực lượng Hải quân Mỹ ở vùng Thái Bình Dương sắp tới đây sẽ bao gồm sáu tàu sân bay, phần lớn các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu cận chiến duyên hải, và tàu ngầm. Hải quân Mỹ hiện thời có một hạm đội gồm 285 tàu, mà khoảng một nửa được giao nhiệm vụ hoạt động tại Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ cũng đã lên kế hoạch để mở rộng các cuộc tập trận trong vùng, và xúc tiến những chuyến ghé cảng hữu nghị của Hải quân Mỹ trong một khu vực rộng lớn hơn hiện nay, trải dài đến tận Ấn Độ Dương.

Kể từ khi Tổng thống Barack Obama loan báo chiến lược châu Á mới của Mỹ vào tháng Giêng vừa qua, Lầu Năm Góc chưa cho biết nhiều chi tiết về việc thực hiện kế hoạch này. Theo hãng tin Pháp AFP, thông báo hôm nay về tương lai của hạm đội Mỹ là dấu hiệu rõ ràng nhất về sự chuyển hướng qua châu Á đó. Bài diễn văn của ông Panetta có thể được xem là nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ trong vùng, cho thấy là Washington đang cụ thể hóa chiến lược mới bằng những hành động thực tế.

Mối lo ngại của các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ ở châu Á là liệu Washington có đủ phương tiện tài chánh để thực hiện chiến lược mới của mình hay không, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ bị buộc phải cắt giảm như hiện nay. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho là khủng hoảng ngân sách ở Washington sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch hướng về châu Á của quân đội Hoa Kỳ.

Theo ông, nước Mỹ đang dự trù đầu tư thêm vào các loại phương tiện cần phải có để nâng cao năng lực tung nhanh các lực lượng hùng hậu đến hiện trường, cũng như tăng cường khả năng tác chiến tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong số các phương tiện này có « các loại chiến đầu cơ tàng hình, tránh được radar, một loại oanh tạc cơ đường trường, các vũ khí dùng trong chiến tranh điện tử và các hệ thống phòng thủ tên lửa. »

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng rõ nét, trong những cuộc trao đổi riêng tư, các quan chức Mỹ thừa nhận là việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á có mục tiêu củng cố thêm cho ngành ngoại giao Mỹ khi phải đối mặt với thái độ quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong diễn văn của mình vào hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh là việc Hoa Kỳ đổi mới chiến lược hoàn toàn không phải là nhằm thách thức Trung Quốc. Theo ông cả hai nước đều có lợi trong việc thúc đẩy an ninh và thương mại trong khu vực.
tags: Châu Á - Cộng hòa Séc - Quốc tế

Chiến lược châu Á mới của Mỹ : Tăng cường hiện diện quân sự nhưng không có căn cứ thường trực

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói chuyện tại Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Honolulu, Hawai, 31/05/2012
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói chuyện tại Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Honolulu, Hawai, 31/05/2012
REUTERS

Trọng Nghĩa
Trên đường từ Hawaii đến Singapore vào hôm nay, 01/06/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã tiết lộ một số đường nét chính trong kế hoạch củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát biểu với các nhà báo tháp tùng theo ông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác định là sự tăng cường tiềm lực quân sự này sẽ được tiến hành thông qua các liên minh thay vì dựa vào các căn cứ thường trực mới.

Theo nhận định của ông Panetta, chiến lược mới của Mỹ tập trung vào châu Á sẽ được cụ thể thể hóa bằng việc quân đội Mỹ hiện diện hùng hậu hơn trong vùng trong một thập kỷ tới đây. Đi kèm theo lực lượng đó là các loại vũ khí và trang thiết bị tối tân nhằm nâng cao năng lực chuyển quân nhanh chóng đến những nơi cần thiết.

Chiến lược chung của Lầu Năm Góc, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là trải rộng “dấu chân” của quân đội Mỹ trong vùng Đông Nam Á, và thậm chí ra cả ngoài khu vực này. Tuy nhiên, kế hoạch sẽ được thực hiện trong khuôn khổ phối hợp với các đồng minh và các đối tác mà không cần xây dựng các tiền đồn thường trực mới.
Ông nói : " Chúng ta đang thực hiện một chiến lược rất mới trong khu vực này. Chúng ta đang rời bỏ chiến lược thời Chiến tranh Lạnh - tức là xây dựng các căn cứ cố định, lâu dài – mà về cơ bản, chỉ tìm cách khẳng định uy lực của chúng ta trên khu vực mà thôi ".
Bộ trưởng Panetta giải thích thêm, thay vì thiết lập các căn cứ đồ sộ, lực lượng Mỹ - bao gồm cả tàu hải quân, phi cơ và quân lính sẽ chỉ được triển khai tại chỗ trong những nhiệm vụ tạm thời như huấn luyện, tập trận và tham gia chiến dịch chung với các nước đối tác. Các quốc gia này sẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng bến cảng, sân bay cũng như các phương tiện khác.
Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thì Hoa Kỳ đang hướng tới một hình thức quan hệ rất sáng tạo khi thúc đẩy các chiến dịch luân phiên triển khai lực lượng. Hình thức này còn mang lại cho Washington hai mối lợi : Một là ít tốn kém hơn việc thành lập căn cứ cố định, và hai là không bị dân chúng tại chỗ chống đối như điều từng xẩy ra với căn cứ Okinawa tại Nhật Bản chẳng hạn.
Ông Panetta đã nêu bật một ví dụ về việc tiến hành chiến lược mới này. Đó là kế hoạch triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến ở miền bắc nước Úc theo một thỏa thuận mới, ký kết với Canberra. Theo Bộ trưởng Mỹ, kế hoạch tại Úc chỉ là bước đầu thử nghiệm chiến lược mới, và quân đội Mỹ đang xem xét để áp dụng hình thức này tại Philippines và những nơi khác.
Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại vùng Thái Bình Dương vốn đã hùng hậu, nhưng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường và củng cố uy lực này trong vòng từ 5 đến 10 năm tới đây.
Việc Hoa Kỳ chuyển hướng đặt trọng tâm vào châu Á được giới quan sát là nhằm đối phó với đà vươn lên về kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa nhấn mạnh rằng mục tiêu của Washington hoàn toàn không phải là ngăn chặn Trung Quốc.
tags: Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Phân tích - Quân sự - Quốc tế
 http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120601-chien-luoc-chau-a-moi-cua-my-tang-cuong-hien-dien-quan-su-nhung-khong-co-can-cu-thuo

 

Bắc Kinh tỏ ý gay gắt trước việc Mỹ sẽ dồn Hải quân qua Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta  (AFP)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (AFP)

Trọng Nghĩa
Ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ loan báo tại Singapore về quyết định triển khai 60% hạm đội Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương, hôm nay Trung Quốc đã lập tức có phản ứng gay gắt và nêu đích danh vấn đề Biển Đông. Trong một bài xã luận, Tân Hoa xã đã khuyến cáo Mỹ là "Không nên làm Biển Đông dậy sóng".

Theo các nhà phân tích, khi nêu bật tại Singapore các bước đi sắp tới đây của Hoa Kỳ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong vùng Thái Bình Dương, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho thấy rõ là Washington sẽ chống lại mọi cố gắng của Bắc Kinh muốn đơn phương áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, nơi họ đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

Theo ông Panetta, các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đàm phán giữa tất cả các nước có liên can, và dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. 
Chỉ ít lâu sau tuyên bố kể trên, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã, trong một bài xã luận, đã cảnh cáo Mỹ là không nên làm Biển Đông dậy sóng. Với giọng điệu gay gắt, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc đã khuyên « một số người nào đó là nên tránh khuấy động nước bùn để thả câu ».
Bài báo đã không ngần ngại cho rằng chính một số nước có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại vùng Biển Đông đã cố tình gây ra căng thẳng trong vùng. Bài viết khẳng định : « Liên quan đến các mối căng thẳng tại vùng biển Nam Hải (tức là Biển Đông), chính một số nước có đòi hỏi chủ quyền, không rõ là đã trở nên bạo dạn hơn vì lập trường mới của Mỹ hay không, đã châm lửa rồi thổi cho lửa bùng lên ». 
Ngược lại, cũng theo tờ báo, « mong muốn chân thật » của Bắc Kinh là biến Biển Đông thành một vùng biển « hòa bình, hữu nghị và hợp tác ». 
Hiện nay, Trung Quốc là nước tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp đòi hỏi của các láng giềng. Trong thời gian qua, chính Trung Quốc là nước thường xuyên có những hành động lấn lướt các láng giềng, mà gần đây nhất là vụ đưa cả chục chiếc tàu đến trấn tại khu vực bãi đá ngầm Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Chiến lược quốc phòng Mỹ ở châu Á-Thái bình dương

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta
CỠ CHỮ
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã bắt đầu chuyến công du 9 ngày đến châu Á – Thái Bình Dương để thúc đẩy cho các kế hoạch của chính quyền Tổng thống Obama chuyển trọng tâm chính về quân sự qua khu vực này.

Ông Panetta sẽ đọc bài phát biểu quan trọng tại hội nghị an ninh châu Á thường niên diễn ra tại Singapore ngày mai, phác thảo các kế hoạch của Washington nhằm tăng cường quân số và thiết bị quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong chặng dừng tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tại Hawaii hôm qua, ông Panetta nói rằng bất chấp các cắt giảm ngân sách có thể phải thực hiện, lực lượng quân sự của Hoa Kỳ cần phải linh hoạt hơn để có thể đối phó với nhiều thách thức của thế kỷ 21.

Lịch trình chuyến công du của Bộ trưởng Panetta còn bao gồm chuyến thăm đến Việt Nam và Ấn Ðộ. http://www.voatiengviet.com/content/article/1146058.html
 

Vì sao Mỹ 'chuyển hướng' sang châu Á?

Cập nhật: 15:28 GMT - thứ bảy, 2 tháng 6, 2012
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta khẳng định điều chuyển cán cân hạm đội Mỹ ở châu Á - TBD
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói nước này đang có kế hoạch điều chuyển phần lớn các chiến hạm của mình tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020.
Ông Panetta nói tới năm 2020, khoảng 60% hạm đội của Mỹ sẽ được triển khai ở đây, trong một dấu hiệu rõ ràng nhất về chiến lược mới của Mỹ ở châu Á.
Ông Bộ trưởng khẳng định với Hội nghị an ninh khu vực ở Singapore rằng bước chuyển hướng này không nhằm ngăn chặn thế lực của Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tỏ ra không hài lòng với việc Hoa Kỳ thúc đẩy sự hiện diện của mình ở khu vực.
Tháng Mười Một năm ngoái, Tổng thống Barack Obama tuyên bố rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là "ưu tiên hàng đầu" của chính sách an ninh của Mỹ.
Bình luận của ông được xem như là một thách thức đối với Trung Quốc, nước đang phấn đấu trở thành cường quốc chính ở khu vực.

"Đến năm 2020, hải quân sẽ điều chuyển lực lượng của mình từ tỷ lệ khoảng 50-50% của ngày hôm nay giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sang tỷ lệ 60-40 giữa hai đại dương", ông Panetta nói tại hội nghị Đối thoại thường niên Shangri-La.
"Điều chuyển này sẽ bao gồm sáu tàu sân bay trong khu vực này, đa số các tàu tuần dương của chúng tôi, các tàu khu trục, tàu chiến và tàu ngầm."
"Thật vậy, gia tăng tham gia của Mỹ trong khu vực này sẽ có lợi cho Trung Quốc vì nó nâng cao an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta cho tương lai"
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta
Ông Panetta nói rằng Mỹ sẽ nhằm mục đích tăng số lượng và quy mô các cuộc diễn tập mà nước này tiến hành cùng với các đồng minh trong khu vực.
Ông nói các vấn đề về ngân sách và cắt giảm sẽ không chặn bước các thay đổi, và nói thêm rằng rằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã có kinh phí trong kế hoạch ngân sách năm năm để đạt được các mục tiêu của mình.

"Sẽ phải mất nhiều năm để các khái niệm và nhiều công việc mà chúng tôi đang đầu tư được thực hiện đầy đủ," ông nói.
"Nhưng không mắc sai lầm, bước đi một cách chắc chắn, quả quyết và bền vũng, quân lực Hoa Kỳ đang tái cân bằng và mang lại cho khu vực quan trọng này những khả năng được nâng cao, tăng cường."
Trung Quốc có các tranh chấp lãnh thổ lâu dài với các đồng minh của Mỹ, bao gồm Philippines, trên các nhóm đảo ở Biển Đông (hay Biển Nam Trung Hoa).
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh trở nên quả quyết hơn về vấn đề này.
Kích thích
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta
Ông Panetta nói sẽ có đủ kinh phí để điều 60% lực lượng các hạm đội Mỹ tới khu vực vào năm 2020


Sự tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực do đó có thể khuyến khích các quốc gia khác và làm Bắc Kinh bị kích thích.
Ông Panetta đã phủ nhận bất kỳ căng thẳng nào có thể và nói ông đang chờ đợi thăm viếng Trung Quốc vào cuối năm nay.
"Một số người coi việc nhấn mạnh gia tăng của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như một loại thách thức nào đó đối với Trung Quốc," ông nói.
"Tôi bác bỏ quan điểm đó hoàn toàn. Nỗ lực của chúng tôi đổi mới và tăng cường sự tham gia của mình ở châu Á là hoàn toàn thích ứng với phát triển và tăng trưởng của Trung Quốc.
“Thật vậy, gia tăng tham gia của Mỹ trong khu vực này sẽ có lợi cho Trung Quốc vì nó nâng cao an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta cho tương lai".
Hồi tháng Giêng, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng nói sự gia tăng hiện diện của Mỹ trong vùng có thể thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng.
Nhưng nó cũng cảnh báo Mỹ không nên "phô diễn sức mạnh của mình" và nói bất kỳ chủ nghĩa quân phiệt nào của Mỹ cũng có thể "gây nguy hiểm cho hòa bình".

Bộ trưởng Panetta hiện đang trên đường thực hiện một chuyến công du dài chín ngày tại châu Á, trong đó bao gồm các chuyến thăm Việt Nam và Ấn Độ.
Phóng viên của BBC Jonathan Marcus có mặt tại Hội nghị ở Singapore cho biết thêm rằng bên cạnh động thái chuyển hướng chiến lược, Mỹ còn đang cố gắng đưa ra một cơ chế mới điều tiết các xung đột trong khu vực dựa trên các quy tắc.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không chắc việc tăng cường hiện diện, cùng với tiếp cận mới về cơ chế điều tiết xung đột trên ở Biển Đông và khu vực có thể sẽ được Bắc Kinh hoàn toàn chào đón.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/06/120602_us_military_swift_asia.shtml 
 

Hoa Kỳ 'tái cân bằng' quyền lực ở khu vực

Cập nhật: 05:08 GMT - thứ bảy, 2 tháng 6, 2012
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã hé mở những chi tiết đầu tiên trong chiến lược chuyển dịch trọng tâm về hướng châu Á-Thái Bình Dương.
Đối diện sự cắt giảm mạnh về ngân sách, Mỹ buộc phải tìm cách đưa ra một chiến lược quốc phòng mới nhằm duy trì ảnh hưởng với tư cách cường quốc của mình trên thế giới.
Trong bài tham luận đầu tiên tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 ở Singapore, ông Panetta nói với cử tọa đến từ 28 quốc gia rằng "thúc đẩy vai trò trong khu vực được coi là sống còn đối với tương lai của nước Mỹ".
Ông bộ trưởng tái khẳng định điều mà người tiền nhiệm của ông, Bộ trưởng Robert Gates, từng nói cũng tại nơi này cách đây đúng một năm: "Hoa Kỳ là cường quốc Thái Bình Dương".
Tuy nhiên ông nói: "Có ý kiến cho rằng việc chuyển dịch trọng tâm này là nhằm thách thức Trung Quốc. Tôi hoàn toàn bác bỏ quan điểm này".

Di chuyển hải quân

Điểm mới đầu tiên trong chiến lược 'tái cân bằng' của Mỹ là dịch chuyển phần lớn tàu chiến và lực lượng hải quân tới khu vực Thái Bình Dương trước năm 2020.
Ông Panetta nói: "Tới năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ chuyển dịch cán cân lực lượng ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thành 60-40 thay vì 50-50 hiện nay".
Tới lúc đó, Mỹ sẽ đặt ở Thái Bình Dương sáu hàng không mẫu hạm, đa số khu trục hạm và tuần dương hạm, các tàu thân cạn và tàu ngầm.

Chiến lược tái cân bằng của Mỹ

  • Hiện tại Mỹ có 285 chiến hạm các loại, phân bổ 50-50 giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương
  • Tới 2020, tương quan sẽ là 60-40 nghiêng về Thái Bình Dương
  • Mỹ sẽ đặt ở Thái Bình Dương sáu hàng không mẫu hạm, đa số khu trục hạm và tuần dương hạm, các tàu thân cạn và tàu ngầm.
  • Mỹ cũng sẽ đưa vào nhiều chiến đấu cơ tránh radar đời mới, máy bay ném bom tầm xa và tên lửa phòng thủ...
  • Tăng cường tập trận, thăm hải cảng và mạng lưới đối tác trong khu vực
Trong khuôn khổ chiến lược mới, Mỹ cũng sẽ đưa vào khu vực các chiến đấu cơ đời mới có khả năng tránh radar, các máy bay ném bom tầm xa và tên lửa phòng thủ...
Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay hiện nước này có tổng cộng 285 tàu chiến các loại, khoảng một nửa đặt tại Thái Bình Dương.

Ngoài con số chiến hạm, Hoa Kỳ còn muốn tăng thêm số các cuộc tập trận, thăm hải cảng các nước và quan trọng nhất, là phát triển mạng lưới đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm ngoái, Hoa Kỳ tham gia tổng cộng 172 cuộc tập trận lớn nhỏ với 24 quốc gia trong khu vực.
Tuy nhiên ông Panetta cảnh báo sẽ mất nhiều tháng và nhiều năm để thực hiện kế hoạch chuyển dịch trọng tâm về hướng châu Á -Thái Bình Dương.

Tranh chấp Biển Đông

Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ không ít lần khẳng định tầm quan trọng của điều mà họ gọi là 'tự do hàng hải' trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Thượng nghị sỹ Joe Lieberman

Ông Lieberman nói Mỹ "giống như đạo đức giả" khi chưa tham gia Unclos
Thượng nghị sỹ Joe Lieberman nói với các nhà báo tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La hôm thứ Bảy 2/6, rằng khoảng 1,3 nghìn tỷ đôla hàng hóa của Mỹ đi qua khu vực này mỗi năm, và do vậy Mỹ quan tâm đặc biệt tới việc tìm giải pháp cho căng thẳng ở Biển Đông.

Bộ trưởng Panetta thì nhận định rằng điều mà ông cho rằng có thể giúp duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực biển nhiều biến động này, là Trung Quốc và các nước Asean đưa ra được một bộ Quy tắc Ứng xử (Coc) và tạo ra được một diễn đàn để các nước liên quan có thể cùng thảo luận giải quyết các bất đồng.

Ông bộ trưởng nói rõ Mỹ phản đối các hành động đơn phương của Bắc Kinh tại Biển Đông, và bất cứ tranh chấp nào, theo ông, cũng phải được giải quyết giữa các bên liên quan và dựa theo luật lệ quốc tế.
Quan điểm này một lần nữa được Thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain khẳng định khi nói chuyện với BBC sáng thứ Bảy.

Ông nói: "Hoa Kỳ cho rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán đa phương, không qua đàm phán song phương".

Trong khi đó, tuy cho rằng Hoa Kỳ có thể trợ giúp quá trình tìm giải pháp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, Thượng nghị sỹ Joe Lieberman bày tỏ quan ngại trước việc Washington vẫn chưa tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (Unclos).
Ông nhận xét điều này khiến Mỹ "trông như một kẻ đạo đức giả" và nói ông hy vọng Mỹ sẽ thông qua Unclos vào cuối năm nay, "chắc là sau kỳ bầu cử tổng thống tháng 11".

Tokyo xem chính sách quốc phòng của Bắc Kinh là một mối đe dọa

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Shu Watanabe và bộ trưởng Quóc phòng Mỹ Leon Panetta (Reuters)
Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Shu Watanabe và bộ trưởng Quóc phòng Mỹ Leon Panetta (Reuters)

Tú Anh
Tại diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore, hầu như mọi quốc gia đều nhìn Trung Quốc với cặp mắt cảnh giác. Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Shu Watanabe tuyên bố ngân sách quốc phòng của Trung Quốc mỗi năm mỗi tăng là mối đe dọa cho đất nước Nhật Bản.

Hôm nay, trong phần phát biểu của Nhật Bản tại cuộc Đối thoại Shangri-La, thứ trưởng quốc phòng Shu Watanabe nhấn mạnh là ngân sách quân sự của Bắc Kinh đã tăng 11,2% trong năm ngoái, lên đến 106 tỷ đôla. Ông thẩm định « sự gia tăng này, và những phương tiện và mục tiêu của nó đều không minh bạch. Điều này là một mối đe dọa » cho Nhật Bản. Thứ trưởng Quốc phòng Nhật nghĩ rằng đây mà mối ưu tư chung mà nhiều quốc gia trong vùng lo ngại và chia sẻ.

Ấn Độ, qua lời tuyên bố của bộ trưởng Quốc phòng A.K.Anthony, cũng bày tỏ cùng mối quan ngại này đối với sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Ông nói là Ấn Độ « không nghĩ là đang có một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng vì Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự và chi phí quốc phòng nên chúng tôi cũng tăng cường phòng thủ ở biên giới để bảo vệ quyền lợi quốc gia ».
Cũng tại cuộc đối thoại an ninh khu vực, bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith cũng bảo vệ chiến lược « tái định vị » của Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình dương. Theo bộ trưởng Quốc phòng Úc thì sự kiện Hoa Kỳ bố trí 2500 Thủy Quân Lục Chiến tại Darwin không gây bất ổn định mà ngược lại sự hiện diện của Mỹ là « yếu tố hòa bình và an ninh ».
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120602-tokyo-xem-chinh-sach-quoc-phong-cua-bac-kinh-la-moi-de-doa

No comments: