Những cánh phượng khô ép trong trang vở
Lâu lắm rồi, có một lần trong đời tôi tìm lại được những cánh phượng
khô ép giữa những bài thơ, trong tập thơ có những trang giấy “pelure”
màu hồng, màu xanh dễ thương như cái tuổi học trò thơ mộng. Những kỷ
niệm thời học trò bị bỏ quên nằm lẫn lộn với những cuốn sách cũ trên kệ
sách, hình như không ai đụng đến. Rất, rất lâu tôi cũng không đụng đến,
cho đến một buổi chiều mưa tự nhiên tôi lại nhớ, những cánh hoa khô bất
ngờ rơi xuống lả tả đã trở màu nâu xậm là lúc ấy trong trí tôi, cũng
rưng rưng những cánh phượng màu đỏ thắm rơi trên mặt cỏ …
Cảm giác mênh mang buồn khi tìm gặp lại những cánh phượng khô ép
trong trang vở, khiến tôi nhớ đến anh, người “bạn” duy nhất trong đời
học sinh, đã nhặt những cánh phượng rơi trên thảm cỏ gần mé sông, ép vào
trang vở bọc trong giấy kính mờ rồi làm quà cho cô bạn nhỏ. Nét chữ bay
bướm cuả anh nghiêng nghiêng trên những tờ thư mỏng, anh vẫn thường
nhận phần trang trí hay chép hộ tôi những bài thơ hay. Chỉ vậy thôi,
ngày nào trên đường đi học về tôi cũng đã phải ghé vào nhặt vài bông hoa
cầm trên tay để làm duyên với anh bạn chung đường, hình như từ đó cũng
nảy nở một mối tình học trò, be bé xinh xinh như những cánh phượng đầu
mùa ép khô đã đổi màu với thời gian.
Mối tình ấy bao lâu tôi không nhớ, nó bắt đầu khi nào và kết thúc làm
sao vẫn chỉ để lại một nỗi buồn hờn giận nhẹ nhàng mà lại khó nguôi
trong trái tim nhỏ bé cuả tôi. Hai năm dài đi chung một con đường đến
trường, bỡ ngỡ xa lạ lúc ban đầu, êm đềm đằm thắm lúc về sau, để rồi sau
một mùa hè “người ấy” biến mất, như những cơn mưa mùa hè đã cuốn theo
những cánh hoa phượng rã rời trôi theo dòng sông biền biệt.
Tôi chỉ biết anh ở trọ nhà bà con trong suốt thời gian đi học, bà mẹ
quê phải vất vả tằn tiện từng đồng nuôi con đi học xa. Quê anh tít trong
vùng sâu ở bên kia sông, thời chiến tranh nằm giữa hai lằn đạn. Bà mẹ
chịu ở lại với mảnh vườn và ruộng lúa để nuôi các con ăn học, tình hình
chiến sự nhiều khi trở nên rất sôi động đến nỗi con cũng không dám về
nhà thăm mẹ cho nguôi lòng thương nhớ, mẹ cũng phải khó khăn mới chèo
chống được với sóng gió, bằng chiếc ghe nhỏ chở khẳm gạo và thức ăn bơi
qua sông lớn để nuôi con ăn học. Chính vì vậy mà tâm tư anh khắc khoải
một nỗi buồn, nhất là những đêm tiếng đại bác vọng về thành phố, ánh hoả
châu soi sáng vùng trời xa bên kia sông, tương lai tuổi trẻ ngày ấy mịt
mờ nặng trĩu những âu lo khiến anh nghĩ tới bà mẹ quê tội tình mà không
an tâm trong việc học. Năm đó anh thi rớt, một là học lại một năm nữa
để thi nốt mảnh bằng tú tài 2, sau đó lên Đại Học, nhưng đúng lúc đó
chiến trận leo thang, anh cũng đang độ tuổi tòng quân nhập ngũ.
Anh biến mất trong tôi kể từ mùa hè năm ấy không một lời từ giã. Có
lúc tôi nghĩ chắc anh đã nghỉ học về quê ở nhà với mẹ để trốn lính, hay
có khi lại chạy theo bên kia vì nhà anh thuộc vùng xôi đậu. Thôi thế là
hết, tình học trò còn non nớt như những bông hoa phượng đỏ, lắm nhớ
nhung để rồi tự nhiên bị đứt như dây tơ chùng xuống nốt nhạc buồn. Trong
tâm hồn người con gái tuổi mộng mơ mới biết yêu vẫn thổn thức khi niên
học mới một mình đến trường không còn ai đưa đón. Lật tập thơ tôi thấy
còn nhiều cánh hoa phượng khô của anh tặng năm xưa nằm xen trong những
trang giấy mỏng, lúc ấy tôi đã làm bài thơ “Ngày Tựu Trường”, ép vào đó
một cánh phượng khô với nỗi buồn của tôi, nỗi hờn giận đã làm tan nát
trái tim non nớt tuổi học trò.
Ngày Tựu Trường
Ngày tựu trường lòng tôi sao trống vắng
Đếm trên đường từng bước với cô đơn
Người ta vui sao chỉ có tôi buồn
Tình êm đẹp bây giờ không còn nữa
Lá phượng xanh , màu xanh nay đã úa
Ngày tựu trường trời sao vẫn nhiều mưa
Đường đi, về tôi cảm thấy bơ vơ
Nên cúi mặt tìm màu hoa đỏ thắm
Một người ra đi nơi nào xa lắm
Cánh phượng hồng khô héo đã từ lâu
Những bông hoa kỷ niệm buổi ban đầu
Vẫn còn đó không một lời hẹn ước
Ngày tựu trường có một mình tôi khóc
Đâu còn anh ai chép hộ bài thơ
Đâu còn anh mình tôi bước thẫn thờ
Trong buổi sáng đầu năm vào lớp học.
Bài thơ dễ thương ấy là một trong những bài thơ tuổi học trò, với
những cánh hoa ngả màu nâu buồn nằm thầm lặng trong góc tủ sách , hay
suốt đời nằm thầm lặng trong đáy hồn tôi.
Khi tôi nghĩ sẽ không bao giờ còn gặp lại “người ấy”, dù chia tay chỉ
vì hoàn cảnh nhưng đã vô tình làm tổn thương trái tim non nớt của tôi.
Vậy mà vài năm sau khi lập gia đình, tôi bồng đưá con gái nhỏ ghé vào
tiệm bách hoá mua đồ chơi cho con thì gặp anh. Trong bộ chinh y còn nhàu
bụi đường xa, hình như anh mới từ đơn vị về nên nét mặt còn hằn dấu
phong sương.
Ngỡ ngàng, bối rối, bồi hồi, ba cảm giác ấy trộn lẫn vào nhau khiến
tôi lúng túng thốt ra toàn những câu thật ngớ ngẩn khi hai bên chạm mặt
nhau. Má tôi nóng bừng lên lẫn lộn cảm xúc bất ngờ sung đột trong lòng,
khi nhớ đến chuyện ngày xưa, lại nửa như muốn cho anh nhìn thấy cái hạnh
phúc mà tôi đang có. Vẫn không bỏ được tính trẻ con, bất đắc dĩ tôi
phải hỏi, vẫn trống không như ngày xưa mỗi lần hờn giận:
“Mới về hả?”
Anh cũng mỉm cười gật đầu, ánh mắt nửa thương mến nửa giễu cợt khi nhớ lại cái tính hay hờn cuả tôi:
“Ừ, mới về!”
Rồi lặng thinh nhìn tôi rất lâu. Đôi mắt ấy chừng như đâu đó đọng lại
một niềm vui dịu dàng khi biết tôi đã có một đời hạnh phúc, xen lẫn
chút ân hận khi nghĩ đến chuyện cũ. Thời gian qua lâu rồi, những cánh
hoa phượng đã uá rồi vẫn nằm trong tập thơ tôi nhét kín trong kẹt tủ
sách. Trong bấy nhiêu năm trời tôi đâu biết anh đi đâu về đâu, bây giờ
nhìn anh trong màu áo trận, tôi ân hận là đã có lúc nghĩ sai về anh, vì
tưởng anh sợ đời lính nên trốn về quê núp bóng mẹ. Anh nựng đưá bé trên
tay tôi rồi hỏi:
“Cháu xinh và giống mẹ ghê, được mấy tuổi rồi?”
Tôi lí nhí trả lời nhưng tự nhiên một nỗi hờn giận dâng lên trong ánh
mắt, tôi có làm gì nên tội để ngày ấy anh bỏ đi không một lời từ giã.
Theo thời gian tình yêu ấy giờ đây đã khâm liệm rồi, nhưng niềm đau thì
hình như vẫn còn đó khi nhớ lại.
Nỗi đau tuổi đầu đời, in một dấu hằn
trong trái tim nhỏ bé, chưa kể những giọt nước mắt tủi hờn mỗi lúc lẻ
loi trên đường đi học, tôi vẫn phải đi ngang nhịp cầu và mé sông rưng
rưng tàn hoa phượng đỏ mỗi lúc sang hè.
Tự nhiên tôi bật hỏi:
“Hồi đó anh đi đâu?
Anh buồn buồn:
“Anh nhập ngũ, mẹ anh đâu còn bao nhiêu sức lực để nuôi anh học lại
một năm nữa, anh cũng không thể về cày cuốc nơi mảnh đất quê nhà. Đành
là ra đi mà không dám nói lời từ biệt, anh xin lỗi…”
Chúng tôi còn nói thêm vài câu chuyện nữa, đã hết giận anh rồi,
chuyện cũ đã được giải thích, dù sao hiện tại tôi đã ấm êm với một gia
đình hạnh phúc, riêng anh đời lính đẩy đưa qua những miền đất lạ, chỗ
nào cũng chỉ có đạn bom. Anh chưa lập gia đình dù mẹ anh mong mỏi, nhưng
đời lính luôn đối diện với sống chết lại ám ảnh chuyện “những kinh kha
một sớm chẳng quay về” nên anh ngại ngùng chưa nghĩ đến hôn nhân.
Tôi bế con ra khỏi tiệm bách hoá, trên tay con bé giữ chặt món quà
cuả người lính mua tặng, nó toét miệng cười khi anh đặt nụ hôn dịu dàng
lên vầng trán ngây thơ cuả đứa bé trước khi từ gĩa. Chuyện năm nao đã
lắng xuống rồi, ít ra cũng có một câu trả lời để “cô bé học trò” ngày ấy
khỏi tấm tức vì nghĩ mình bị bỏ rơi. Nụ hôn dịu dàng anh gửi lại trên
vầng trán đưá bé, khiến tôi chạnh nhớ đến lần cuối cùng, anh cũng dấu
kín lời từ biệt với nụ hôn nhẹ nhàng trên trán tôi rồi ra đi mà không
nói một lời. Món đồ chơi trẻ con đưá bé giữ chặt trong tay, khiến tôi
bật cười mà lại cảm động khi nghĩ tới những bông hoa phượng màu nâu khô
ép trong tập thơ nhét trong kẹt tủ, ngày xưa tôi cũng giơ tay nhận món
quà trời cho ấy mỗi độ sang hè, nhớ đôi mắt nồng ấm của anh nhìn tôi với
nụ cười xinh dấu trong vành nón lá.
* * *
Kể từ lần gặp ấy tôi không hề gặp lại anh nữa, cuộc đời cứ thế trôi
đi theo cái tan nát của nước non. Tôi may mắn cùng chồng rời khỏi quê
nhà trong những giờ thứ 25 của cuộc chiến, chẳng mang theo được gì,
huống chi là tập thơ tuổi học trò dấu trong kẹt tủ sách có những cánh
hoa khô ép trong cuốn vở.
30 năm sống ở quê người, lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ quê và
mong ước một lần trở về. Trở về để làm một người khách lạ trên chính
quê hương của mình, những gì trong quá khứ đã không còn, tôi chẳng tìm
đâu ra hai cây phượng nơi mé sông, tôi cũng không nhìn ra ngôi trường
mình đã học ngày xưa vì nó thay đổi hết rồi. Chị bạn đồng hành mời tôi
về thăm sông nước miền Tây cho biết đời sống và vẻ đẹp cuả những thôn
làng nằm ven bờ sông Hậu, tôi nhận lời ngay vì chợt nghĩ đến ngày xưa,
có lần tôi đã ao ước được theo anh về thăm nhà, nhưng anh nói:
“Em không biết chèo xuồng, không biết bơi làm sao dám về vùng sông nước.”
Anh nói vậy nhưng tôi hiểu cái mặc cảm trong lòng anh, một cô gái thị
thành “ăn trắng mặc trơn”, sao phù hợp được với cảnh đời cuả một thanh
niên cảnh nhà thanh bạch nơi quê mùa đầy những bất trắc cuả chiến tranh.
Lần trở về này tôi theo người bạn về thăm quê chị, nơi mà có lần mấy
chục năm về trước, tôi đã nhìn thấy nỗi bồn chồn cuả người yêu cũ khi
nhìn ánh hoả châu phía chân trời bên kia sông, mà nghĩ đến bà mẹ quê
nghèo đang lao đao giữa hai lằn đạn.
Đã bao nhiêu khuôn mặt thân hay sơ đi qua đời mình,bạn bè chung
trường chung lớp ngày xưa bây giờ mỗi người có một số phận khác nhau và
đời sống khác nhau. Tôi gặp một vài người bạn cũ còn sống ở quê nhà, có
người thành công có người lận đận an phận sống cho hết kiếp người. Tôi
thoáng nhớ đến anh người bạn thuở học trò, không biết bây giờ anh ra
sao, chỉ mong sao anh cũng thoát được nỗi vất vả cuộc đời mà qua hai
giai đoạn tôi biết, đời học sinh và đời lính tuổi nào anh cũng ắp đầy
nỗi khổ.
Chuyến đò xình xịch nổ máy rồi rời bến chở khách về thăm lại làng quê
miền đồng bằng sông Cửu Long, bây giờ cũng có một con đường nhỏ chạy
song song với dòng sông. Đa số người miền quê vẫn thích đi bằng đò vì
mát mẻ và vận chuyển được nhiều hành lý, còn người đi xa trở về lại muốn
hưởng cảm giác thanh bình cuả những làng mạc nằm dọc theo dòng sông.
Lòng tôi êm dịu quá, những đợt sóng nhỏ vỗ vào mạn đò êm như nhịp võng
và tiếng ầu ơ cuả những trưa hè trong một xóm nhỏ của miền Nam ngày xưa,
tôi để lòng trôi nổi theo những kỷ niệm một thời đã lắng xuống sau 30
năm tôi sống ở quê người.
Chập chờn theo tiếng sóng vỗ vào con đò tròng trành trên dòng sông,
gió mát miền quê ru tôi vào giấc ngủ, lúc ấy đò vừa cập bến nên mọi
người lao nhao đứng dậy để lên bờ, tôi mới ngây ngất nhìn thấy hai cây
phuợng thắm bên giẻo sông này đang mùa hoa tưng bừng nở rộ. Hoa đỏ chi
chít chen lẫn trong những cành lá xanh ly ty xanh biếc, lòng lại bồi hồi
xúc cảm vì bất chợt tìm lại những gì mất đã lâu nay bỗng dưng hiện ra
trước mắt. Ôi chao! Cũng những cánh hoa tả tơi rơi trên mặt đất, cũng
cây phượng hồng bên mé sông, chỉ khác là hôm nay tôi không còn là cô nữ
sinh tuổi mười bảy của những năm tháng trước. Hai cây phượng hồng che
bóng mát cho một cái quán nghèo nhà quê, bán trái cây và những thứ kẹo
bánh, đồ chơi cho trẻ con, người làng xã mỗi lần ra bến chờ chuyến đò ra
tỉnh.
Mỏi chân nên tôi ngồi nghỉ nơi cái bàn cuả quán nước ở ngoài hiên,
chờ chị bạn lấy hành lý về thăm nhà bà con, bảo người phụ nữ chủ quán có
nét mặt hiền hoà đôn hậu chặt cho tôi một trái dừa xiêm nhỏ.Biết tôi
khách phương xa, chị quày quả gọi vào bên trong lấy cho tôi một trái dừa
tươi nhất từ trên cây phía sau nhà. Khi người đàn ông chống đôi nạng gỗ
khập khễnh bước ra đem trái dừa cho vợ, mắt tôi loà nhoà một hình ảnh
rất thân quen, mặc dù thời gian và tuổi tác đã cày sâu trên khuôn mặt,
nhưng chắc chắn là tôi không lầm. Trời ơi!Anh đấy ư? Có thể nào như thế
nếu như trời vẫn còn bắt tôi gặp lại người xưa trong cảnh huống này, con
người quả có số phận, nhưng nỡ nào chiến tranh lại lấy đi cuả anh nhiều
như vậy? Một cái chân bỏ lại chiến trường, cộng thêm một con mắt khiến
anh khó lòng nhận ra tôi lúc ấy, chính tôi cũng thay đổi nhiều rồi,
nhưng so sánh giữa hai cảnh đời thì anh đã gánh chịu quá nhiều bất hạnh.
Không nén được cảm xúc, tôi uống một ngụm nước dưà nhưng lại không
cảm được cái ngọt lừ cuả nước mát quê hương. Thấy anh đi vào, tôi bật
đứng dậy chạy gọi với theo khiến người vợ cũng ngạc nhiên:
“Anh …anh gì ơi, cho tôi hỏi thăm”
Anh ngạc nhiên đứng lại, cây nạng gỗ dựa bên khiến dáng anh khập
khiễng làm lòng tôi càng thương cảm. Rồi nhìn tôi chăm chú bằng con mắt
còn lại, linh tính đã nhận ra tôi là người quen năm cũ, anh bình tĩnh
mỉm cười, nụ cười ấy tôi nhận ra ngay như ngày nào gặp lại nhau trong
tiệm bách hoá. Anh hỏi:
“Mới về hả?”
Tôi nhìn anh lòng rộn lên niềm vui, lí nhí nói:
“Ừ, mới về!”
Trong bao nhiêu năm cứ như thời gian không ảnh hưởng gì đến cái tình năm xưa trong quá khứ, anh nói tiếp:
“Không ngờ quả đất tròn thiệt, tôi không ngờ mình còn sống để có ngày gặp lại”.
Chúng tôi trở lại bàn dành cho khách uống nước, chờ chị bạn để về nhà.Vợ anh lăng xăng mừng rỡ:
“Cô đây quen với mình hả?”
Anh gật đầu vui vẻ:
“Quen, hồi anh còn đi học nhưng lâu rồi không gặp, cũng mấy chục năm
rồi mà còn nhận ra nhau. Bữa nay em chuẩn bị làm cơm mình đãi khách quý,
hình như cũng là bạn cuả cô Út cháu bà Hai trong xóm mới từ nước ngoài
về?”
Tôi gật đầu, chị bạn tôi cũng vưà đến, nhất định tôi phải thuyết phục
chị buổi chiều đến nhà anh ăn bữa cơm hạnh ngộ. Thấy anh lom khom với
cây nạng, tôi dò hỏi:
“Sao anh không dùng xe lăn cho khoẻ?”
Anh mỉm cười nhẫn nhục:
“Ở nhà quê đường xá gập ghềnh, chống nạng tiện hơn, cái chân này cũng vững vì nó biết phải bảo vệ cái chân kia cho mình khỏi té.”
“Ở nhà quê đường xá gập ghềnh, chống nạng tiện hơn, cái chân này cũng vững vì nó biết phải bảo vệ cái chân kia cho mình khỏi té.”
Trời ơi, bao nhiêu năm vốn văn chương vẫn còn nguyên trong trí nhớ
cuả người học trò, vẫn khí phách cuả người lính dám đứng thẳng đối phó
với hoàn cảnh. Chắc anh khổ nhiều mà không nói ra, nhưng tâm tôi đã
quyết phải làm một cái gì cho anh. Trả ơn những bài thơ chép trong cuốn
vở, trả ơn những cánh hoa khô ép trong thơ đã cho tôi những tháng ngày
mộng mơ tuổi học trò, trả ơn người lính đã đánh mất phần thân thể cho
tôi được bình yên trong thời chinh chiến.
Hai ngày theo chị bạn về quê, nơi này làng xóm thân cận nên ai cũng
biết nhau, cũng không ai biết gì về sợi dây thân tình cuả anh thương phế
binh với người phụ nữ trung niên từ xa mới về. Mẹ anh chết lâu rồi, anh
trở về sống trong căn nhà hương hoả cuả gia đình, an phận với nếp sống
đạm bạc rau trái trong vườn, mãi mới chịu lấy vợ để tuổi gìa đỡ hiu
quạnh. Hai đưá con anh lớn lên được cho ra tỉnh trọ học y như cha chúng
nó ngày xưa, nhưng khá hơn vì đã hết chiến tranh, ngày nghỉ vẫn theo đò
về quê thăm cha mẹ. Anh đối đãi tôi bằng mối thâm tình cuả người anh với
cô em gái, sau bữa cơm khá thịnh soạn có món gỏi gà trộn rau răm bắp
chuối, chị lưỡng lự chưa dám cầm món quà cuả tôi nhét vào túi áo chị dù
biết rằng nó sẽ giúp anh chị thực hiện những ước mơ, như làm lại cái
quán nhỏ để mưu sinh qua ngày, bán thêm vài thứ đồ chơi rẻ tiền cho trẻ
con trong xóm.
Anh thở dài rồi cũng phải nhận món quà của người em gái một thời còn
nợ anh những bông hoa phượng ép trong cuốn vở, nhưng vẫn nói:
“Cảm ơn cô đã nghĩ đến anh, sau chiến tranh anh được về với mảnh đất
quê nhà là may mắn rồi, còn biết bao đồng đội của anh què chân cụt tay
lê la ngoài đầu đường xó chợ không có ai giúp đỡ. Nếu có lòng, em cố
giúp những người ấy, phần anh như vậy đã quá đủ, còn có hai cây phượng
bên bờ sông nở hoa mỗi độ hè về, đâu ao ước gì hơn nữa.”
Xế trưa hôm sau nữa tôi và chị bạn trở ra tỉnh để lên Sàigòn chuẩn bị
chuyến bay. Lúc vợ anh bận bịu bán hàng cho khách trong quán, chị bạn
tôi cũng lăng xăng từ biệt gia đình người bà con, mắt ai cũng rươm rướm
hẹn lần tái ngộ. Lúc ấy tôi có dịp đứng một mình với anh dưới tàng cây
phượng vĩ, rực rỡ những bông hoa đỏ lung linh in bóng xuống dòng sông.
Vướng một chút hắt hiu khi nắng chiều rọi vào khuôn mặt đã hằn dấu vết
thời gian, anh nói nhỏ:
“Em vẫn còn giữ được nụ cười năm xưa. Bây giờ có hiểu tại sao anh lại
trồng hoa phượng, cũng chỉ bởi muốn giữ trong lòng những kỷ niệm thời
đi học.”
Tôi gật đầu không nói, nhưng mắt lại rưng rưng khi hiểu rằng trong
trái tim anh thấp thoáng vẫn còn hình ảnh cô bạn nhỏ thời đi học. Chắc
khó gặp lại nhau lần nữa, khi con đò tròng trành rời bến ra giữa sông,
bóng anh nhỏ dần nhưng mắt tôi vẫn ngoái trông những bông hoa phượng
rưng rưng nơi bờ sông lộng gió …
No comments:
Post a Comment