Posted by vietsuky on 22/05/2012
RFA Tiếng Việt
Nhân Văn Giai Phẩm
và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-05-19
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm giới thiệu tác phẩm
“Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” của nhà phê bình văn học
Thụy Khuê.
Tác phẩm đang có một tiếng vang lớn về công trình nghiên cứu của bà có
liên quan đến những điều mà nhiều người gọi sự giả dối của lịch sử, mời
quý vị theo dõi.
Nhà phê bình văn học nổi tiếng
Thụy Khuê là một nhà phê bình văn học nổi tiếng. Công việc chính của bà
trong nhiều năm là phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật trên đài
phát thanh Pháp Quốc RFI từ tháng 12 năm 1990 cho đến tháng 3 năm 2009
thì về hưu.
Những tên tuổi bà đã phỏng vấn đáng chú ý nhất là các thành viên quan
trọng trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó có nhân vật nổi
tiếng Nguyễn Hữu Đang vài năm trước khi ông trở về với cát bụi. Bà có
những tác phẩm phê bình văn học công phu như Cấu Trúc Thơ, Sóng Từ
Trường I, II và III, Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp.
Bà viết rất nhiều tiểu luận phê bình văn học xuất hiện trên các tạp chí
văn học hải ngoại.
Thụy Khuê tên thật là Vũ Thị Tuệ sinh năm 1944 tại làng Doanh Châu,
huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1954 bà theo gia đình di cư vào Nam.
Tháng 9 năm 1962 bà sang Pháp du học.
Hai mươi hai năm sau bà về nước lần thứ hai vào năm 1984 và trong chuyến
đi này theo bà kể lại đã để lại dấu ấn sâu đậm vì đã xa nhà từ lúc 18
tuổi. Cũng từ lần về nước này bà chạm mặt với những hình ảnh thật của
quê hương đã khiến bà có ý định viết lách.
Tìm lại dấu vết Nhân Văn Giai Phẩm
Tác phẩm “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” được bà hoàn
thành năm 2012 và do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tại Virginia Hoa Kỳ ấn
hành năm 2012. Sách dày 976 trang với 25 chương và phần phụ lục.
Năm 1984, khi trở về Hà Nội, tôi muốn tìm lại, dù chỉ một dấu vết
nhỏ, chứng minh sự hiện diện của Nhân Văn Giai Phẩm trong lòng người dân
Bắc. Nhưng vô ích.
Tất cả đều đã bị xóa sổ. Nhà văn Thụy Khuê.
Trong phần lời tựa tác phẩm “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái
Quốc” Thụy Khuê viết:
“Năm 1984, khi trở về Hà Nội, tôi muốn tìm lại, dù chỉ một dấu vết nhỏ,
chứng minh sự hiện diện của Nhân Văn Giai Phẩm trong lòng người dân Bắc.
Nhưng vô ích. Tất cả đều đã bị xóa sổ.
Kín đáo dò hỏi những người thân trong gia đình sống ở Hà Nội, thuộc thế
hệ ‘phải biết’ Nhân Văn, xem có ai còn nhớ gì không? Nhưng không, tuyệt
nhiên chẳng ai ‘nghe nói’ đến những cái tên như thế bao giờ: linh hồn
Nhân Văn đã bị xóa trong ký ức quần chúng, và như vậy, ‘nọc độc’ Nhân
Văn đã hoàn toàn bị tẩy sạch.
Ðó là lý do chính khiến vài năm sau, khi thực sự bước vào nghề cầm bút,
tôi đã coi Nhân Văn Giai Phẩm là một trong những nghi vấn văn học hàng
đầu, cần phải tìm hiểu. Bài viết đầu tiên của tôi về phong trào Nhân Văn
Giai Phẩm, đăng trên nguyệt san Văn Học, California, số 27, tháng 4 năm
1988; tiếp theo là những buổi phát thanh trên đài RFI, trong nhiều
chương trình từ 1991 đến 2004, trong số đó có những buổi phỏng vấn các
tác nhân chính của phong trào: Lê Đạt, Hoàng Cầm và Nguyễn Hữu Đang.
Cuốn sách này tổng kết công việc tìm kiếm và thu thập các dữ kiện xung
quanh phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong hơn 20 năm, từ 1988 đến ngày
nay.”
Chứng minh sự giả mạo lịch sử
Thụy Khuê dành 8 chương để viết về những nhân vật chủ chốt trong vụ án.
Đầu tiên là Thụy An, kế đến là Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng
Cầm, Văn Cao, Phùng Cung. Trong chương 21 dành cho Phan Khôi và chương
23 dành cho Nguyễn Mạnh Tường.
Có lẽ mục đích chính của tác phẩm “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn
Ái Quốc” của Thụy Khuê là bà cố gắng chứng minh vụ án Nhân Văn Giai Phẩm
xảy ra có nguyên ủy từ những ngày đầu khi Nguyễn Tất Thành dùng bút
hiệu Trần Dân Tiên để đánh bóng về mình mà sự đánh bóng ấy không mấy
lương thiện.
“Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” chứng minh sự “giả mạo
lịch sử” của nhân vật Nguyễn Tất Thành để từ đó như một vệt xăng dẫn
đường đến những vụ cháy sau này trong chính sách oan khiên áp dụng vào
Nhân Văn Giai Phẩm nhiều chục năm sau đó. Chúng tôi chú ý các điểm mấu
chốt chính mà tác giả nêu ra nơi trang 470 chứng minh những điều mà Trần
Dân Tiên khẳng định về vai trò của Nguyễn Tất Thành trong các hoạt động
chính trị quan trọng tại Pháp khi ông viết:
Thứ nhất: chính Nguyễn Tất Thành đã dựng nên nhóm Người An Nam yêu
nước.
Thứ hai, chính Nguyễn Tất Thành chủ động đưa ra ý kiến về bản Thỉnh
Nguyện thư ở Hội nghị Hòa Bình Versailles, năm 1919.
Kế đó, chính Nguyễn Tất Thành viết được những bài báo ký tên Nguyễn Ái
Quốc là do đã ở Pháp từ 1914 và đã hết sức cố gắng học tiếng Pháp.
Thụy Khuê đã chứng minh ngược lại rằng tất cả những điều mà Trần Dân
Tiên, tức Nguyễn Tất Thành viết ra đều trái với sự thật vì Nguyễn Tất
Thành đến Pháp vào tháng 8 năm 1919 trong khi Hội nghị Hòa Bình
Versailles đã được khai mạc vào ngày 18 tháng 1 năm 1919 tức là trước
khi Nguyễn Tất Thành đến Pháp bảy tháng. Nhóm Người An Nam yêu nước đã
hoạt động từ năm 1916 vì vậy không thể do ông Nguyễn Tất Thành gầy dựng.
Nơi trang 458 Thụy Khuê cũng phân tích tại sao tiểu sử của Hồ Chí Minh
luôn là những trang viết đầy bí mật.
Với những phân tích sâu sắc Thụy Khuê đã làm công việc của một sử gia,
lật lại những hồ sơ lâu năm trong thư khố quốc gia Pháp về những văn bản
như: Đơn xin học của ông Nguyễn Tất Thành vào trường Thuộc địa và rồi
lần tới trình độ học vấn thật sự của ông Nguyễn Tất Thành. Quan trọng
nhất Thụy Khuê chứng minh ngày mà ông Nguyễn Tất Thành đặt chân đến
Paris không phải như báo chí Việt Nam luôn viết là năm 1914 mà thật ra
là tháng 8 năm 1919 để từ đó mọi chứng cứ ngụy tạo đã bị đánh đổ bởi
những khám phá này.
Công trình hơn 20 năm
Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn với tác giả Thụy Khuê nhằm tìm hiểu thêm
những diễn biến trong lúc bà viết và thu nhặt chứng cứ, tài liệu về vấn
đề hệ trọng này.
Trước tiên bà cho biết thời gian mà bà thật sự bỏ ra cho bộ sách:
Thụy Khuê: “Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” nếu mà nói cuốn
sách này làm trong bao lâu thì quả tình tôi cũng không biết là bao lâu.
Từ ngày tôi bắt đầu chủ định viết về Nhân Văn Giai Phẩm cũng đã 20 năm
rồi. Trong suốt quãng thời gian đó dĩ nhiên tôi cũng làm những việc khác
nhưng luôn luôn để thời giờ thêm ra để viết nó nếu phát hiện ra thêm
một tư liệu gì đó. Cho dù nhỏ đến đâu hay là có một cuộc phỏng vấn gì
liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm thì tôi cũng tìm cách đưa lên đài phát
thanh hồi đó khi tôi làm cho RFI. Hoặc là tôi viết ra và đưa lên báo.
Như vậy có thể nói công việc này tôi đã ấp ủ và làm việc từ hơn 20 năm
rồi anh ạ.
Mặc Lâm: Không riêng gì tôi mà rất nhiều thính giả yêu quý chương trình
bà phụ trách trên đài RFI đều thấy rằng bà đặc biệt thích thú và mài
miệt với chủ đề Nhân Văn Giai Phẩm, tôi nghĩ là trong từng ấy chương
trình có lẽ những gì cần viết, cần khai thác về chủ đề này chắc cũng tạm
đủ…
Vậy bà có thể cho thính giả biết những yếu tố mới trong “Nhân Văn Giai
Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc” có phải tập trung vào ba chữ Nguyễn Ái
Quốc như tựa của cuốn sách hay không?
Như vậy có thể nói công việc này tôi đã ấp ủ và làm việc từ hơn 20
năm rồi anh ạ. Nhà văn Thụy Khuê.
Thụy Khuê: Trong khi mình tập trung nghiên cứu thì có những tình cờ nó
len vào. Riêng về vấn đề Nguyễn Ái Quốc lúc đầu tôi không chủ động để
viết về Nguyễn Ái Quốc nhưng khi tôi nghiên cứu Phan Khôi là một nhân
vật chủ chốt của Nhân Văn Giai Phẩm thì sau khi tìm kiếm tôi mới thấy
ông Phan Khôi có một giai đoạn liên hệ mật thiết với cụ Phan Chu Trinh,
và khi tìm hiểu cụ Phan Chu Trinh thì tôi lại thấy thời gian mà cụ ở
Pháp rất lâu.
Tất nhiên thời gian đó thì ai cũng biết là khoảng mười mấy năm.
Cụ ở Pháp từ 1911 trở đi thế nhưng không ai biết rõ trong thời gian đó
cụ làm gì và chúng ta chỉ biết sơ sơ là lúc đó cụ và cụ Phan Văn Trường
và Nguyễn Ái Quốc là ba người mà cho tới bây giờ người ta cứ kể như cột
trụ của phong trào ái quốc đầu tiên ở Pháp.
Tôi tìm đọc những văn bản ký tên Nguyễn Ái Quốc bằng tiếng Pháp thì tôi
thấy rằng những văn bản ký tên Nguyễn Ái Quốc viết tiếng Pháp rất tài
năng mà một tài năng như vậy không thể nào là của một người mới học
tiếng Pháp hay có một trình độ kém mà có thể viết được. Lúc đó tôi mới
liên kết tới những yếu tố trong một hồi ký của Hồ Chí Minh ký tên là
Trần Dân Tiên thì ông ấy nói là lúc sang Pháp ông ấy mới học tiếng Pháp!
Điều đó làm cho tôi hồ nghi và vì thế nên tôi phải đi vào vấn đề văn
bản Nguyễn Ái Quốc để tìm xem Nguyễn Ái Quốc là ai và những người viết
bài ký tên Nguyễn Ái Quốc là ai, sự tình là nó như thế.
Mặc Lâm: Trong khi tìm hiểu như vậy bà đã đi đến kết luận cụ thể bằng
những tài liệu khả tín mà các sử gia có thể chấp nhận phải không ạ?
Thụy Khuê: Thưa anh chắc chắn! Ở trong cuốn sách đó tôi chứng minh nhiều
khía cạnh lắm. Dĩ nhiên phương pháp khoa học thì không bao giờ dám nói
chứng minh của mình là cái cuối cùng, nhưng ít ra tôi nghĩ chứng minh
của tôi là chứng minh đầu tiên rằng những người ký tên Nguyễn Ái Quốc
thời đó là các ông Phan Văn Trường, ông Nguyễn Thế Truyền, ông Nguyễn An
Ninh chứ không phải ông Nguyễn Tất Thành tức là ông Hồ Chí Minh về sau
này.
HCM là người chịu trách nhiệm về vụ NVGP
Mặc Lâm: Quay trở lại với chủ đề Nhân Văn Giai Phẩm không biết những sự
mờ ám mà bà chứng minh về tư cách của ông Nguyễn Tất Thành có liên quan
gì đến bi kịch Nhân Văn Giai Phẩm sau này không thưa bà?
Thụy Khuê: Có thể gọi sự mờ ám của lịch sử trong lúc đầu thì mình thấy
là những sự kiện lịch sử đã được ít nhiều tráo lộn và thay đổi nguồn gốc
phát xuất. Tạm gọi là “người anh hùng” đi, tức là ông Hồ Chí Minh, thì
mình thấy là tất cả những nguồn gốc phát xuất đó nó đưa đến những hệ quả
như thế nào về văn hóa. Về sau này khi ông Hồ Chí Minh lên cầm quyền
ông ấy tiếp tục chính sách có thể gọi là không những coi thường văn hóa,
mà còn chà đạp lên văn hóa nữa. Đấy là hậu quả mà mình nhìn thấy về
sau.
Cái hậu quả có thể gọi là tàn khốc nhất về văn hóa là vấn đề Nhân Văn
Giai Phẩm. Cùng với Nhân Văn Giai Phẩm là tất cả những sự đối xử với văn
hóa miền Nam chẳng hạn thì đó là hậu quả.
Tố Hữu thi hành chính sách văn hóa của Trường Chinh đề xướng và nếu
mình nhìn sâu hơn nữa thì sở dĩ có cái chính sách của Trường Chinh là do
ông Hồ Chí Minh đã quyết định cho ông Trường Chinh, nghĩa là giao cho
Trường Chinh làm những việc như vậy. Nhà văn Thụy Khuê.
Mặc Lâm: Theo bà thì chính ông Hồ Chí Minh là người chịu trách nhiệm về
vụ đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm tuy nhiên khi theo dõi những ý kiến của
người trong cuộc thì hầu như ai cũng kết án Tố Hữu, cùng lắm đi xa hơn
một chút thì cho rằng những chính sách của Trường Chinh đã bị Tố Hữu lạm
dụng và bẻ cong để hãm hại văn nghệ sĩ theo khuynh hướng cải cách. Bà
nghĩ sao về điều này?
Thụy Khuê: Thưa anh từ chuyện ông Hồ Chí Minh tới ông Tố Hữu thì sự liên
kết của nó có thể về mặt chính trị. Khi bất cứ một chuyện xảy ra như
Nhân Văn Giai Phẩm nếu mình thấy ngoài mặt thì Tố Hữu có trách nhiệm
trực tiếp nhưng nếu nhìn sâu thêm một chút nữa thì Tố Hữu cũng chỉ là
người thi hành thôi. Tố Hữu thi hành chính sách văn hóa của Trường Chinh
đề xướng và nếu mình nhìn sâu hơn nữa thì sở dĩ có cái chính sách của
Trường Chinh là do ông Hồ Chí Minh đã quyết định cho ông Trường Chinh,
nghĩa là giao cho Trường Chinh làm những việc như vậy.
Trong chế độ toàn trị những người như ông Mao, ông Hồ không thể nói họ
không có trách nhiệm.
Mặc Lâm: Xin cám ơn bà Thụy Khuê.
Thưa quý vị vừa rồi là cuộc trao đổi ngắn giữa chúng tôi và nhà phê bình
văn học Thụy Khuê về tác phẩm mới nhất của bà mang tên “Nhân Văn Giai
Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc”.
Chúng tôi cũng được biết vào ngày 19 tháng 5 này tác giả có buổi ra mắt
sách tại Thủ đô Washington, mong rằng nhiều người Việt sẽ có tác phẩm
quan trọng này trong tủ sách gia đình để so sánh, đối chiếu một sự thật
lịch sử mà tác giả dày công chứng minh qua kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên
cứu của bà về đề tài này.
—http://ixij.wordpress.com/2012/05/23/rfa-nhan-van-giai-pham-va-van-de-nguyen-ai-quoc-phong-van-tac-gia-thuy-khe/
No comments:
Post a Comment