Wednesday, August 4, 2010

BBC * NHẬT TUẤN & HỘI NHÀ VĂN

MỘT THỜI ĐÃ QUA


Ông Nhật Tuấn nói nhà văn không còn đóng vai trò 'phản biện xã hội'

Đại hội toàn thể toàn quốc của Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra trong tuần này, từ 4 đến 6-8.

Điểm đặc biệt của lần họp này là cả 922 hội viên cả nước đều được tham dự, khác với những lần trước chỉ là đại hội đại biểu.

Trong loạt bài của BBC về sự kiện này, có những nhà văn như Bấm Nguyễn Phan Hách cho biết ông mong đợi sự kiện này và hy vọng nhân sự lãnh đạo mới là "nhà văn có uy tín" và đồng thời, phải có những "người trẻ, đội ngũ trẻ, những nhân tố trẻ".

Nhưng cũng có những nhà văn không tham dự, như Nguyên Ngọc, Nhật Tuấn...

Trả lời phỏng vấn của BBC qua điện thoại hôm 3/8, nhà văn Nhật Tuấn, tác giả của Đi về nơi hoang dã (1988) và hiện sống ở Sài Gòn, cho biết lý do không dự đại hội Hội nhà văn lần thứ Tám.

Nhật Tuấn: Tuần trước, tôi có gặp nhà văn Nguyên Ngọc. Nhìn thấy ông như nhìn thấy cả một thời đã qua. Tôi ghé tai ông nói nhỏ: Anh ơi, một thời đã qua rồi.” Nguyên Ngọc nhìn tôi cười cười: “Nhưng mà thời mới chưa tới…”

Vâng, một thời đã qua rồi, cái thời nhà văn còn là “lương tâm thời đại”, “thư ký thời đại”, là bộ phận “nhạy cảm nhất của dân tộc”, cái thời ấy đã qua rồi.

Vào thời đó, nhà văn còn đau đáu những nỗi buồn dân tộc, còn rung cảm với những nỗi đau thời đại và họ “lập ngôn” bằng văn chương chứ ít ai đăng đàn phát biểu hoặc viết bài nghị luận.

Vào thời đó nhà văn đồng thời cũng là tác giả, nhắc tới tên nhà văn thường kèm theo tên tác phẩm. Như Hà Minh Tuân với “Vào đời”, Vũ Bão với “Sắp cưới”, Văn Linh với “Mùa hoa dẻ”…

Nếu văn chương thường được mùa vào thời điểm xã hội được xả xú páp thì ở Việt Nam đã có hai lần như vậy.

Lần thứ nhất, sau năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, ở Việt Nam không khí cởi mở đến độ chỉ trong vòng 10 năm văn học VN đã có Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Tuân … và cả một nền nghệ thuật ta vẫn gọi là “tiền chiến”. Tiếc thay, sau năm 1945, cái xú páp đã đóng lại rồi. Nhưng cũng còn may, giả thử Đảng CS Đông Dương cướp được chính quyền từ năm 1930, liệu chúng ta có được “Số đỏ”, “Chí Phèo”, “ Thiên Thai “, “Đêm Đông”, “Giọt mưa thu”…?

Đợt xả xú páp thứ 2 cho văn học chính là năm 1989 khi ông Tổng Bí thơ Nguyễn văn Linh lên tiếng cởi trói cho văn nghệ sĩ và lập tức một dòng văn học “phản kháng”, “phản tỉnh” đã ra đời với nhiều tác phẩm của nhiều tác giả mà cho đến nay vẫn là bộ phận sáng giá nhất trong kho lưu trữ văn học.

Rất tiếc cánh cửa mở hé năm 1989 chỉ hai năm sau đã đóng sập lại cho tới ngày nay.

Có thể biết trước cái đại hội nhà văn lần thứ 8 này chẳng có tác dụng gì trong việc thúc đẩy cái xú páp ấy mở ra nên tôi không tham gia.

Nhật Tuấn

Cái thời đó qua rồi và “cái thời mới” như nhà văn Nguyên Ngọc nói chắc phải chờ tới lần xả xú páp thứ ba thì văn học may ra có cơ hội được mùa.

Có thể biết trước cái đại hội nhà văn lần thứ 8 này chẳng có tác dụng gì trong việc thúc đẩy cái xú páp ấy mở ra nên tôi không tham gia.

BBC: Theo quan điểm của ông, Đại hội Hội nhà văn có tác động, ảnh hưởng gì đến dư luận xã hội hiện nay hay không?

Ai cũng biết Hội nhà văn là hội quần chúng của Đảng, là cơ quan để quản lý tư tưởng, sáng tác của nhà văn. Vào cái thời đã qua như tôi vừa nói, các nhà văn còn có “ý thức công dân”, có trách nhiệm với “lương tâm thời đại”, có đôi chút dũng cảm để “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Vào cái thời đó, Đảng đổ tiền bạc, công sức ra để làm công tác “quản lý nhà văn” là đúng rồi.

Thời nay vai trò “phản biện xã hội” dường như các nhà văn đã nhường cho các luật sư. Chính các luật sư mới là đối tượng Đảng cần phải lưu tâm, lo lắng tới chứ không phải các nhà văn. Ta cứ thử coi Cù Huy Hà Vũ, Lê thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Trần Đình Triển…Chính những luật sư đó mới là những người “phản biện” một cách sâu sắc, quyết liệt nhất.

Chính vì lẽ đó, tôi đề nghị Ban tuyên giáo tổ chức lại Hội nhà văn sao cho gọn nhẹ, thiết thực, rút bớt đến mức tối thiểu tiền tài trợ cho Hội. Ban chấp hành cần thiết phải am hiểu văn học Việt Nam để có thể tổ chức những cuộc hội thảo, định đúng giá trị những tác phẩm hiện nay còn nằm trong vùng “nhạy cảm” như “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Miền hoang tưởng” và “Trư cuồng” của Nguyễn Xuân Khánh, “Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn, “Đêm thánh nhân” của Nguyễn Đình Chính, “Người dẫn đường thọt chân” của Bùi Việt Sỹ, “Ngửa mặt kêu trời” của Tô Hoàng, vân vân…Mặt khác, cần kịp thời phát hiện những tài năng mới để quảng bá cho bạn đọc.

BBC: Xin hỏi ông nghĩ gì về thế hệ nhà văn trẻ gần đây?

Sau đại chiến lần thứ Hai, thế giới phục hưng, văn học nghệ thuật nở rộ những trào lưu “hiện đại” như chủ nghĩa hiện sinh, siêu thực, biểu hiện, cấu trúc…Tiếc thay khi đó văn nghệ sĩ miền Bắc lại kéo nhau lên rừng để học “đề cương văn hoá Diên An”, còn người đọc thì được giáo dục một thứ thẩm mỹ “văn hoá công nông” hoàn toàn xa lạ với thế giới bên ngoài.

Do mất cái gốc đó, nên sang thời kinh tế thị trường những thể nghiệm “hậu hiện đại” vừa khó được công chúng tiếp nhận vừa giống như trò nhăn mặt bắt chước Tây Thi đau bụng thời xưa. Tài năng lớn để có thể cho ra đời kỳ hoa dị thảo thì chưa thấy nhưng đã xuất hiện những tài năng trẻ thực sự như Nguyễn Ngọc Tư, Lynh Bacardi, Bùi Chát, Lý Đợi, Đinh thị Như Thuý…

Hy vọng họ sẽ vượt qua được cơn hồng thuỷ của sự dối trá đang diễn ra làm đảo lộn các giá trị để cho ra đời những kỳ hoa, dị thảo.



No comments: