Saturday, December 25, 2010

DƯƠNG THU HƯƠNG *THƯ TỪ BIỆT




Bà Dương Thu Hương tại họp báo ở Paris hôm 8/12


Dương Thu Hương: Thư ngỏ gửi bạn đọc và nhà báo Huy Đức 16/12/2010

Dương Thu Hương
viết riêng cho DCVOnline

Phần 1 :

Trước hết, tôi xin lỗi độc giả vì hai nhầm lẫn trong bài viết “Để gọi tên sự vật một cách rõ ràng”:

1. Nguyễn Văn Hưởng tức Trần, sinh năm 1945, thứ trưởng bộ nội vụ, tổng cục trưởng tổng cục I không phải là đại biểu quốc hội.

2. Cha đẻ của công chúa Mỵ Châu là An Dương Vương Thục Phán chứ không phải Triệu Đà.

Sự nhầm lẫn thứ nhất do nhà báo Huy Đức phát hiện nên tôi phải cảm ơn ông cũng như phải chân thành xin lỗi ông nghị Trần Văn Hưởng (không là thứ trưởng bộ nội vụ, không có biệt danh Trần, và không nhảy lên bụng cô Hồ Thu Hồng).

Sự nhầm lẫn thứ hai được phát hiện do một người bạn đang sống tại Pháp và đối với tôi sự phát hiện này là vô cùng quan trọng vì nó là hồi còi báo động cho tôi biết đã đến lúc tôi phải rút khỏi vũ đài: tuổi già đã tấn công tôi.




Do đó, bài báo này sẽ là bài cuối cùng tôi viết để tham góp vào cuộc đấu tranh chung. Tuy nhiên, trước khi chia tay vĩnh viễn, tôi sẽ có đôi lời với độc giả, trước hết là đối với các anh em đang tiếp tục cuộc đấu tranh dầu sôi lửa bỏng này.

Sự nhầm lẫn gán ghép chức ông nghị cho Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Hưởng tuy đáng tiếc nhưng còn có thể tha thứ vì sự trùng lặp cả tên lẫn họ là vô cùng hiếm hoi. Bản thân tôi cũng từng chịu cảnh này. Tôi vốn coi chính phủ Việt Nam là ổ tham nhũng bẩn thỉu mà trong đó, người lương thiện không có chỗ đứng.



Vậy mà lại có một bà Dương Thu Hương chẳng những trùng tên mà còn trùng cả tuổi làm thống đốc ngân hàng, nghĩa là một chức quan không nhỏ trong cái hệ thống những kẻ đục khoét ấy. Khi mẹ bà thống đốc ngân hàng này chết, bạn hữu và anh em dân chủ mang hương hoa đến… viếng mẹ tôi trong khi bà cụ đang ngáy khò khò trên gác. Tôi ngỡ rằng trò chơi cắc cớ này chỉ xảy ra như là sự duy nhất, ai dè còn có trường hợp thứ hai.

Trái lại, sự nhầm lẫn giữa Triệu Đà với An Dương Vương là không thể và không đáng tha thứ. Đó là một sai lầm không thể biện minh: Không ai có thể biện minh cho tuổi già.

Ông tướng Charles De Gaulle có một định nghĩa “Tuổi già là sự chìm tầu”.

Đối với tôi, tuổi già là cây cầu thang dẫn từ ngôi lầu của cuộc sống xuống tầng trệt, nơi nấm mồ đang chờ sẵn. Ta trượt từng nấc trên cây cầu thang định mệnh, rụng rơi dần. Rụng tóc, rụng răng, da dẻ nhăn nheo dăn rúm, hình hài méo mó đi: hoặc nó teo tóp lại như con mắm lẹp, hoặc nó phì ra từ từ để biến thành một cái bị gạo rồi sau rốt, lăn tòm xuống huyệt.

Nhưng sự huỷ hoại thể chất cũng chưa đáng kể bằng sự mất mát này: chúng ta mất dần trí nhớ và sự sáng suốt. Não chúng ta sẽ vận hành với một tốc độ chậm chạp, khật khưỡng như bước đi của người thọt, bởi vì với tháng năm, rất nhiều lỗ hổng xuất hiện trong trí nhớ.

Cổ Loa là nơi tôi qua lại không biết bao nhiêu lần, Mỵ Châu và An Dương Vương là những cái tên từng gây biết bao xúc động trong tâm hồn tôi, vậy mà trong bài báo vừa rồi, tôi lại nhầm tên ông bố chí tình và rủi ro của nàng Mỵ Châu với ông vua Triệu Đà, kẻ thù của Thục Phán An Dương Vương, bố đẻ Trọng Thủy, kẻ đã dùng nam nhân kế để cướp nước Âu Việt.

Một sự nhầm lẫn kì cục đến như vậy chỉ có ông Trời mới tạo ra được thôi, và biết rằng không ai có thể chống lại luật trời, tôi sẽ thực hiện mệnh lệnh của thiên nhiên với sự ngoan ngoãn tuyệt đối: rút lui.


Các đồng đội, những người đấu tranh cho dân chủ sẽ chất vấn:

- Chị đã hứa sẽ đứng cùng chúng tôi cho đến hơi thở cuối cùng, bây giờ chị bỏ cuộc, chị nuốt lời?

Tôi trả lời:

- Tôi không nuốt lời, tôi cũng không bỏ cuộc, nhưng tôi sẽ góp sức vào cuộc đấu tranh bằng cách khác, tương hợp với khả năng, trừ phi tôi mắc bệnh Alzheimer.

Có thể họ sẽ nói:

- Chỉ có những lão già tham quyền cố vị mới bị người đời nguyền rủa, chị không quyền không chức, hà cớ chi phải rút lui? Dù già lão, dù bước đi khập khễnh chị cũng còn giúp được đôi chút, không nhiều thì ít trong cuộc đấu tranh này.

Tôi xin trả lời rằng:


- Những kẻ quyền cao chức trọng bám lấy cái ghế của họ vì những cái ghế ấy làm nảy ra những thỏi vàng, còn tôi, khi dấn thân vào tranh đấu, chỉ được hưởng tù đầy, đe dọa, tước đoạt, nhục mạ và vu khống. Họ và tôi đứng hai bên chiến tuyến. Nhưng chúng tôi có một điểm chung: thân phận người. Đã là con người thì phải suy tàn với thời gian. Hành động thuận theo lẽ trời thì không gây tổn thất cho đời mà cũng không đem lại sự hổ thẹn cho mình. Xứ sở chúng ta đã có quá nhiều người già chống lại lẽ trời, hành động không tính đến liêm sỉ, nói theo lối dân dã: già mà không biết nhục, tôi không thể làm thêm một con số cộng để đứng chung với bọn họ.

Như vậy, mọi sự đã rõ ràng.

Bây giờ, tôi xin trả nốt món nợ cuối cùng, trước khi đặt dấu chấm hết.




Nhà báo Huy Đức có trách tôi, đại ý là tại sao lại bàn quá nhiều về cô gái bao Hồ Thu Hồng, con người này không đáng để tốn nhiều bút mực.

Có thể ông Huy Đức đúng, theo cách suy nghĩ cổ truyền của các nhà nho Việt Nam, nhưng cũng có thể ông Đức sai, nếu tính theo hiệu quả.

Khi chúng ta mô tả một con cái ghẻ nó có mấy cái chân, nó hút máu theo cách nào, nó đào hang và sinh đẻ ra sao… không phải vì chúng ta quan tâm đến bản thân con cái ghẻ mà vì chúng ta quan tâm đến làn da đang bị ghẻ. Làn da ấy chính là hiện trạng của xã hội chúng ta đang sống giờ đây.

Bất cứ xã hội nào cũng được xem xét dưới hai góc độ: thành phần tinh hoa và đại bộ phận dân chúng. Hai bộ phận này không nhất thiết phải liên quan theo cùng một tỷ lệ trong mọi xã hội và mọi thời đại. Nhưng để hiểu một quốc gia, một xứ sở, một dân tộc, bắt buộc ta phải phẫu tích hai thành phần nói trên.

Tôi không cho cô Hồng là một trí thức đích thực, bởi có cố gán cho cô ta chức danh ấy cũng chẳng ai tin, nhưng sự thực là cô Hồng đang giữ chức tổng biên tập của tờ báo Thể Thao TpHCM, vậy thì muốn hay không cô Hồng cũng được xếp vào hạng tinh hoa xã hội. Cứ cho rằng cái ghế này cô có được là nhờ uy lực của tình nhân Nguyễn Văn Hưởng tức Trần, nhưng bấy lâu nay thiên hạ vẫn chấp nhận vị trí này theo cách chính danh, vậy qua đó, liệu ta có thể nhận thức được chất lượng xã hội hay không?




Hồ Thu Hồng là gái bao. Gái bao và gái điếm là nghề bán dâm, hoặc theo thời hạn dài, hoặc theo từng cú. Theo lẽ thường, đã hành nghề này thì phải náu mình trong bóng tối, bởi kẻ mua dâm có một gia đình với tất cả các mối liên hệ chằng chéo xung quanh nó. Y có một người vợ mà y không thể bỏ, bởi bà ta là những cơn si mê ân ái đầu đời, người đã chia xẻ với y những ngày cơm rau muối và là mẹ của những đứa con y, y có những đứa con và những đứa này sẽ phải lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Không một ai muốn thấy chồng mình, bố mình, ông nội hay ông ngoại mình chường mặt ra ở nơi nhà thổ, bởi hình ảnh đó sẽ gieo những tổn thất không thể cứu vãn.

Tôi không rõ cô Hồng thuộc loại nào, nhưng tôi đề nghị nhà báo Huy Đức suy nghĩ lại: Thứ nhân cách như vậy được xếp vào bộ phận tinh hoa thì xã hội của chúng ta được xếp vào loại nào, và điều ấy liệu có khiến mọi người hổ thẹn hay không?Vì những lý do cổ truyền ấy mà ngay ở nơi tự do tình ái có thể trượt quá đà như nước Pháp, cũng chẳng có một thứ gái bao nào kêu ổng ổng lên khoe khoang “chiến lợi phẩm” như cô Hồ Thu Hồng. Sự khoe khoang này chỉ có thể xảy ra do hai duyên cớ:

- Hoặc một sự vô liêm sỉ ngoại hạng, ca tối ư đặc biệt.

- Hoặc một bộ não vô năng mà sự vận hành hoàn toàn tuân theo chỉ thị của cái dạ dày và phần dưới rốn. Tôi định nghĩa vắn tắt hơn: suy nghĩ bằng dạ dày và hai quả cật.

Tôi không rõ cô Hồng thuộc loại nào, nhưng tôi đề nghị nhà báo Huy Đức suy nghĩ lại: Thứ nhân cách như vậy được xếp vào bộ phận tinh hoa thì xã hội của chúng ta được xếp vào loại nào, và điều ấy liệu có khiến mọi người hổ thẹn hay không?


(Từ trái) Đông Trình, Nguyễn Duy, Dương Thu Hương, Nguyễn Quang Lập. tại Đại hội Nhà Văn Việt Nam 1995 tại Hà Nội. Nguồn ảnh: Tư liệu văn học của gia đình Nguyễn Hữu Hồng Minh

Sự hổ thẹn là một trong các phẩm tính của con người, theo nghĩa chân chính của từ này. Nó là kết quả của quá trình giáo dục và sự tự nhận thức, là rào cản vô hình để nhắc nhở con người dừng lại một khi các ham muốn không lành mạnh thúc đẩy họ. Khi cái bộ phận kiềm chế dục vọng này bị mất đi, con người sẽ trượt xuống dốc như chiếc xe không phanh, vô thức hay hữu thức.

Vô thức, nếu họ không đủ trí khôn để hiểu sự việc. Hữu thức, khi họ không chống nổi bản thân: quyền, tiền, tình dục trở thành các ông chủ tuyệt đối khống chế họ. Theo sự quan sát của tôi từ mấy chục năm nay, sự hổ thẹn là thứ thiếu vắng nhất trong xã hội Việt Nam, điển hình ở tầng lớp lãnh đạo. Xin nhắc lại ba sự kiện gây ấn tượng đặc biệt đã khắc sâu vào trí não tôi.


Một.

Trước khi bị bắt (1991) vài năm, tôi giao du với một số đại biểu quốc hội. Một lần, họ kể rằng ông Đỗ Mười lên đọc diễn văn, nửa chừng, bỗng nhiên sửa gọng kính chăm chú cúi xuống nhìn văn bản rồi dõng dạc nói: “A! Chỗ này chúng nó bảo nghỉ”.

Không cần giải thích, bạn đọc cũng sẽ hình dung ra sự việc. Diễn văn do thư kí viết, người này hẳn biết rõ trình độ ngôn từ của thượng cấp, với nhã ý giúp cho nghệ thuật hùng biện của nhà cầm quyền được nâng cao nên ông ta chua dấu “(nghỉ)” để nhắc nhở đấng bề trên. Chẳng ngờ đức vua dốt đến mức đọc oang oang “A! Chỗ này chúng nó bảo nghỉ” trên diễn đàn.

Nghe xong chuyện, tôi hỏi “Thế lúc ấy, mọi người phản ứng ra sao?” Hai nghị sĩ này cười bảo “Cúi đầu bấm bụng cười chứ còn biết làm sao”. Tôi hỏi tiếp “Vua ngu thế mà các quần thần không biết hổ thẹn à?” Họ im lặng.

Chúng ta biết danh từ “nghị gật” vốn đã có từ lâu, không cần đợi đến thứ “đại biểu quốc hội” của chế độ này. Nó là sản phẩm ở những xã hội mà nền dân chủ thực sự chưa hiện diện.





Hai.

Năm 1986, ông Tố Hữu bay mất chức phó chủ tịch thứ nhất phụ trách kinh tế, bởi trong năm năm cầm quyền (1981-1986) ông đã dẫn đất nước đến tình trạng lạm phát, cơn lạm phát này khiến toàn dân phẫn nộ bởi trong chốc lát họ trở thành kẻ trắng tay.

Hồi đó, một bà già khóc lóc bảo tôi “Mấy chục năm trước bán nhà, nghe chính phủ dụ dỗ gửi tiền vào ngân hàng, đổi tiền đi đổi tiền lại, giờ cả cái nhà gỗ năm gian chỉ còn đủ mua một gói mì chính 500 gram”.

Tuy nhiên, mất chức cũ ông Tố Hữu lại chuẩn bị để leo lên chức cao hơn: tổng bí thư, theo thông lệ đá hất lên của đảng.

Thế nào là đá hất lên? Tôi sẽ giải thích vắn tắt vì biết rằng các thế hệ sinh sau không hiểu nổi ý nghĩa của cụm từ này.

Đá hất lên nghĩa là bổ nhiệm một kẻ vừa bị huyền chức do các lý do vô năng hoặc vô đạo đức (ăn cắp, ăn cướp, giả mạo giấy tờ, ngủ với vợ người khác…) ở một chức cao hơn, quan trọng hơn, nhiều lợi nhuận hơn chức vừa mất.

Ví dụ: Vụ phó tại bộ văn hoá vì hủ hoá mà mất ghế thì sau đó vài tháng sẽ được bổ nhiệm làm Vụ trưởng tại Bộ Giao thông vận tải. Hoặc là, cục trưởng thuộc bộ Y tế phạm tội tham nhũng thì sau thời gian “kỷ luật đảng” sẽ được đẩy lên thành thứ trưởng Bộ Ngoại thương, vân vân và vân vân…Vì sao?




Vì mọi thay đổi nhân sự đều nằm trong tay Ban tổ chức đảng, trực tiếp dưới sự chỉ huy của ông Lê Đức Thọ, mà ông Thọ, như mọi người đã biết, để củng cố quyền lực bản thân nên chỉ bổ nhiệm những kẻ tuyệt đối trung thành với ông ta. Vì thế, dù phạm tội nặng đến đâu, nhưng sau vài tháng làm kiểm thảo, đám cán bộ phạm tội đều được Anh Lớn đưa lên bệ phóng để tiếp nhận các chức vụ quan trọng hơn, nắm trong tay nhiều quyền lực hơn. Lối bổ nhiệm kiểu này tiếp thu từ các triều đình xưa (thuật dụng Nhân) và từ các băng mafia thời hiện tại.

Như thế, ông Tố Hữu sau khi ngã ngựa, liền hăm hở bắt tay vào việc chuẩn bị một cú “đá hất lên” bởi lúc ấy ông Lê Duẩn tỏ ra vô cùng sủng ái nhà thơ Huế. Để bày tỏ lòng trung thành với ông Lê Duẩn, ông Tố Hữu hạ lệnh cho ban tuyên giáo dẹp những lời ca ngợi “ông cụ” (Hồ Chí Minh) mà chuyển sang ca ngợi anh Ba (Sáng suốt như “nghìn ngọn nến” là biệt danh ông Lê Đức Thọ đặt cho ông Lê Duẩn từ đầu thập kỉ 60 để đánh dấu mối liên minh nhằm hạ bệ ông già họ Hồ).

Cùng với việc thay đổi thần tượng, ông Tố Hữu liên tục đi thăm các tỉnh để mở chiến dịch vận động cho mình. Một trong các địa điểm đầu tiên ông đến thăm là Hải Phòng, lúc đó ông Đoàn Duy Thành đang giữ chức bí thư thành uỷ.


Trong chuyến du ngoạn thành phố Hoa phượng đỏ nhà thơ lớn khoan khoái công bố bài thơ mới, trong đó có câu:

“Làm ăn” – hai chữ, à ra thế!

Bài thơ ấy được ngâm đi ngâm lại không nghỉ trên đài phát thanh với giọng thánh thót của các nghệ sĩ ưu tú nhất quốc gia. Mỗi lần nghe, một lần tôi sởn gai ốc. Tôi đang sống trong một chế độ mà những kẻ có quyền định đoạt số phận non sông là hạng người hoàn toàn vô năng và vô sỉ. Một ông quan đầu triều, kẻ nắm trong tay nền kinh tế quốc gia nghiễm nhiên công bố rằng ông ta không có chút hiểu biết nào về kinh tế, và sự ngu dốt này lại được trưng bầy một cách vô cùng duyên dáng qua con đường…nghệ thuật.




Thêm nữa, sau các tổn thất tầy trời gây cho dân chúng, ông quan này không mảy may hổ thẹn, không một ly sám hối, tiếp tục cuộc vận động để leo lên một chiếc ghế cao hơn. Nếu các công dân Việt Nam có ý thức, ắt họ phải rùng mình vì bấy lâu nay họ đang lênh đênh trên một con tầu mà các hoa tiêu là một đám người nham nhở suốt đời không hề đặt tay lên bánh lái.

Hoàn toàn vô năng và biết mình vô năng mà nhơn nhơn nắm quyền lực, hành xử đó vừa biểu đạt sự khinh bỉ dân chúng vừa chứng tỏ sự khinh bỉ chính mình. Nơi nào lòng hổ thẹn vắng mặt thì sự vô liêm sỉ lên ngôi. Sau các thất bại nghiêm trọng trên lĩnh vực tài chính, ông Tố Hữu không hề mở miệng nói một lời xin lỗi dân, đảng của ông ta cũng vậy.

Chỉ có ở một xứ sở điên như Việt Nam hoặc các nước trung phi vừa thoát thai từ tình trạng bộ lạc mới có loại lãnh đạo kiểu này. Chúng ta, những người được gọi là nhà văn nhà báo trong một quốc gia như thế, chúng ta có nên nhục hay không hở ông Huy Đức?



Ba.

Trước kia, cảng Hải Phòng là cảng quan trọng số một của đất nước, bởi hàng hoá xuất hay nhập đều dồn vào đó (đương nhiên, hàng nhập khẩu là chính). Khu vực nhà kho của cảng là khu vực được bảo vệ nghiêm cẩn nhất vì đó là tài sản quốc gia, đồng thời cũng là nơi tiếp nhận hàng viện trợ quân sự (vũ khí và quân trang).

Vào ngày mà hoả hoạn xảy ra tại Khu Nhà kho này, một cuộc hoả hoạn lớn chưa từng thấy, gây tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho nhà nước, ông thủ tướng Phạm Văn Đồng đi xuống thực địa để quan sát.

Hành động duy nhất của ông ta là khóc! Ông khóc ròng rã hồi lâu, chẳng nói một lời, trước sự im lặng của đám người tháp tùng và đám cán bộ phụ trách cảng.

Vì sao ông khóc? Chắc hẳn ông biết rằng vụ hoả hoạn này không thể xẩy ra do sơ sót ngẫu nhiên mà trái lại, nó được chuẩn bị một cách chu đáo trước khi thực hiện. Ai có thể làm được việc đó nếu không phải chính người của guồng máy quyền lực? Ăn cắp, sau đó gây hoả hoạn để phi tang.



Thủ đoạn này được nhắc lại nhiều năm sau tại Sài Gòn, nếu ai có trí nhớ tốt hẳn chưa quên vụ cháy ngôi lầu nhiều tầng, đó là khu trung tâm thương mại thành phố.

Sau khi khóc chán chê, trên đường về, ông Đồng thú nhận với các nhà báo tháp tùng rằng tuy là thủ tướng nhưng ông ấy chẳng có thực quyền, rằng ông ấy rất đau lòng nhưng chẳng biết làm gì cả…

Thông thường, các chính trị gia thích sắm vai khôn ngoan (sự khôn ngoan được chuẩn bị thường trực để trưng bầy) và đạo đức (đa phần là giả mạo). Họ cũng tìm mọi cách che dấu khuyết tật của mình.


Ông Phạm Văn Đồng trong phút xúc động đột xuất bộc bạch tâm tư. Kể ra, về phương diện con người, thế cũng đáng khen. Chỉ tiếc rằng sau khi thú nhận mình sắm vai con rối, rằng mình nhu nhược, vô năng, ông ấy vẫn tiếp tục ngồi ghế thủ tướng hàng chục năm nữa mà không mảy may có ý định về hưu, tưới hoa hồng, vun gốc mai như nhiều vị quan có tư cách thời xưa.

Như thế, hàng chục năm đất nước tiếp tục bị điều hành bởi một đám nha lại núp sau áo ông thủ tướng bù nhìn, bị đục khoét bởi các vụ tham nhũng mà ông thủ tướng bất lực kia không hề hay biết và sự thối rữa của bộ máy quyền lực xảy ra một cách bạo hành mà chẳng một ai đứng ra giải quyết.

Thưa bạn đọc, ba ví dụ trên liệu đã đủ để chứng mình rằng sự hổ thẹn đã thường xuyên vắng mặt trên đất nước chúng ta? Rằng sự vắng mặt này đã xẩy ra từ lâu, từ rất lâu, mà không một ai để ý đến?

Vì sao có tình trạng này ?
Vì hai duyên cớ. - Tính cường bá và lòng tham lam vô tận của kẻ cầm quyền.
- Sự cam chịu đến tê liệt của dân chúng.

Dân ta thường tự hào rằng mình đã thắng hai đế quốc lớn, mà quên rằng mục đích mọi cuộc tranh đấu đều chỉ nhằm mang lại tự do và hạnh phúc cho con người. Nếu không đạt được hai mục tiêu ấy, mọi cuộc đấu tranh chỉ là trò xẻo thịt, cắt đầu hoàn toàn vô nghĩa. Thế giới phương Tây quan sát xứ sở chúng ta, và họ liệt Việt Nam cũng như nhiều nước châu Phi vào loại nước hậu thuộc địa mà hiện tượng không tránh khỏi là hiệu ứng gương.

Thế nào là hiệu ứng gương?

Gương, theo nghĩa thông thường biểu hiện trung thành hình ảnh nó phản chiếu (loại trừ loại gương đặc biệt làm méo hình ở các nơi giải trí). Nếu mặt bạn tròn thì hình ảnh trong gương sẽ tròn, nếu bạn có chiếc nốt ruồi trên cánh mũi thì nốt ruồi đó sẽ hiện đúng vị trí ấy trên mặt bạn khi soi gương.

Hiệu ứng gương đối với các nước hậu thuộc địa là sau khi giành lại được độc lập từ tay các thực dân như Anh, Pháp, Tây Ban Nha… các chính quyền bản địa lại lặp đúng hình mẫu cũ. Có nghĩa là họ sẽ trở thành những tên thực dân cai trị dân tộc họ, nhiều khi còn độc ác hơn bọn thực dân chính thống do đặc tính cường hào, chánh tổng, tù trưởng bộ lạc (kẻ cầm quyền trong các cộng đồng nhỏ, cách biệt nền văn minh chung) thêm vào đó là lối hành xử dã man của những kẻ chưa có ý thức về quyền con người.



Anh em đấu tranh cho dân chủ đều biết tướng Trần Độ, khi còn sống đã nói “Nếu nhà tù Pháp thời xưa mà giống nhà tù cộng sản bây giờ thì bọn tớ chết lâu rồi, làm gì còn có người vượt ngục”.

Lời nhận xét này là một trong những lý do mà chế độ Hà Nội căm ghét ông, đương nhiên, cũng là lý do để chúng tôi cảm phục ông. Sự thành thật là điều vô cùng hiếm hoi dưới chế độ cộng sản.

Tại sao hiệu ứng gương xảy ra ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Phi?

Có nhiều lý do, nhưng lý do căn bản nhất là dân trí thấp. Để dễ dàng nô lệ hoá dân chúng, nhà cầm quyền Hà Nội đã áp dụng chính sách ngu dân một cách tối đa. Thời tôi còn trẻ, không một ai được nghe radio ngoại quốc, toàn dân chỉ được nghe đài Hà Nội, và lời lẽ của kẻ cầm quyền là nguồn thông tin duy nhất mà họ buộc phải chấp nhận. Chỉ các cán bộ cấp cao mới được ưu tiên nghe đài…


Trung Quốc.

Về mặt vật chất, hẳn nhiều người còn nhớ những thập kỷ triền miên dân chúng sống với mớ tem phiếu, với các khẩu phần thức ăn của súc vật, với tình trạng bị đầy ải, bị hành nhục vì mỗi miếng ăn.

Khi con người bị vây hãm giữa nỗi thiếu thốn trường niên và một đời sống tinh thần ảm đạm, họ không thể trở thành con người thật sự, bởi toàn bộ nghị lực và thời gian của họ chỉ dùng để vật lộn với sự bần hàn. Họ không sống mà sống sót. Từ tình trạng sống sót lay lắt này, họ sẽ dễ dàng thoả mãn một khi cái bụng được đầy hơn, manh áo mặc được ấm hơn.

Ở châu Phi, nơi cái đói rình rập thường xuyên, điều này dễ dàng minh chứng. Ở Việt Nam, sau hai cuộc chiến tranh, sau rất nhiều chết chóc, thương vong, bệnh tật, người ta dễ dàng đi đến sự chấp nhận này: “Miễn là được sống!”, “Dẫu sao cũng còn hơn thời chiến tranh, sốt rét quanh năm, ăn rau rừng xanh rớt mặt”.



Đó là một hiện thực mà chúng ta dẫu muốn chối bỏ cũng không được. Hiện thực đó là một miếng mồi ngon, một mỏ vàng lộ thiên mà kẻ cầm quyền không bỏ lỡ cơ hội, họ đã khai thác triệt để tâm lý tiêu cực này. Sự thèm khát một đời sống an toàn luôn luôn dẫn dân chúng đến sự hèn nhát, từ hèn nhát đến hèn hạ là một khoảng cách không xa.

Từ những năm 1780, cách chúng ta hơn hai thế kỉ, nhà cách mạng Pháp Jean-Paul Marat đã nói rằng “La trop grande sécurité des peuples est toujours l’ avant-coureur de leur servitude”.

Dịch đại khái là “Sự an toàn thái quá của dân chúng là kẻ dẫn đường cho sự nô lệ của họ”.

Khi đọc những dòng này, tôi không khỏi chua xót. Chúng ta đang ở giai đoạn mà các dân tộc văn minh đã bỏ qua từ hai trăm năm trước.




Nhưng chấp nhận sự thực không có nghĩa là cam chịu sự thực đó như một hiển nhiên. Một dân tộc chậm tiến muốn thoát khỏi tình trạng ấy trước tiên phải đủ dũng khí nhìn thẳng vào sự nhục nhã của mình. Không biết hổ thẹn, không có cách nào thay đổi được số phận. Tình trạng thiếu vắng sự hổ thẹn của những người cầm quyền Việt Nam xảy ra lâu nay là do, trước hết, cơ cấu xã hội độc quyền tạo nên và dung dưỡng tâm lý tham lam, kiêu ngạo. Thêm nữa, bản thân họ không có khái niệm về tinh thần trách nhiệm, không được giáo dục đầy đủ để thấu hiểu lòng tự trọng cũng như tính liêm sỉ. Sau cùng, vì dân chúng im lặng cúi đầu. Sự im lặng này chỉ có thể giải thích bằng hai lý do: hèn nhát và ngu dốt.

Hèn nhát, bởi chính phủ cộng sản đã thế chân những tên thực dân Pháp mà cai trị họ, theo một hình mẫu còn khốc liệt hơn, tàn bạo hơn hình mẫu cũ. Sự cai trị này khiến dân chúng tê liệt vì sợ hãi.

Người Việt Nam vốn là những người lính dũng cảm trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm lại là những công dân hèn nhát trước sự hà hiếp của những tên thực dân cùng nòi giống, bởi vì họ chưa hiểu biết về quyền công dân cũng như quyền con người.

Ngu dốt, bởi từ hàng ngàn năm nay họ bị ảnh hưởng một cách sâu sắc đạo Khổng. Lý thuyết của Khổng tử là loại dây trói bằng mây, vô cùng dai, buộc họ vào một hệ thống giá trị lỗi thời, nói chính xác hơn, một hệ thống giá trị phản động.


Phần 2 :



Nếu độc giả lật lại mớ báo cũ từ những năm 80, sẽ gặp mục “Thư bạn đọc”. Thời ấy, dù không phải người đọc báo thường xuyên nhưng cũng đã hai lần tôi bắt gặp tại mục trên, thư của các đảng viên kì cựu. Họ than thở, họ phàn nàn về tình trạng tham nhũng, về sự hà hiếp dân chúng của đám cán bộ sở tại, họ tha thiết đề nghị đảng sửa đổi chính sách, chấn chỉnh nội bộ và sau khi cầu khẩn bề trên dòm ngó lại đạo đức, họ cam kết lòng trung thành của mình bằng câu “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.

Khi đọc những dòng chữ này, tôi lặng đi vì kinh hoàng và mặt tôi nóng như hơ lửa vì nhục nhã. Dù đã biết từ lâu rằng dân ta bị ràng trói bởi các quan niệm phong kiến (điều này xảy ra trong chính gia đình tôi và tôi là nạn nhân đầu tiên), nhưng dẫu sao, tôi cũng không hình dung được cái di sản thối rữa kia còn khiến con người u mê đến thế.




Sau khi suy ngẫm, tôi đành công nhận rằng đạo Khổng đã trở thành khối u di căn trong xã hội Việt Nam, một căn bệnh nan y mà các con bệnh hoàn toàn không hay biết. Trong thâm tâm, các đảng viên coi đảng là vua hoặc thay thế vua nên họ phải thề thốt lòng trung với đảng. Rủi ro là vua cũng như chế độ phong kiến đã bị chính những người cộng sản tiêu diệt, nên sự dịch chuyển này lặp lại lần thứ hai: từ đảng trở thành cha mẹ hoặc ông chủ. Trong bối cảnh đó, các đảng viên cũng như các công dân nghiễm nhiên sắm vai con hoặc vai chó. Quá trình hoán chuyển trên xảy ra một cách hoàn toàn vô thức. Đa phần các đảng viên cộng sản mở miệng là tuôn ra những từ sáo rỗng như dân chủ, cộng hoà… nhưng thực chất họ chẳng có một mảy may hiểu biết về những điều họ nói. Đó là sự mỉa mai của lịch sử mà giờ đây nhìn lại, mỗi chúng ta không tránh khỏi đắng cay.

Ngày ấy, để có thể tiếp tục sống và đấu tranh, tôi đã tự an ủi “Những đảng viên này đều sinh vào những năm 1920-1930, họ bị trói buộc bởi đạo Khổng.


Đạo Khổng dạy con người làm nô lệ một cách thành công. Ta hy vọng ở các thế hệ tiếp nối”.

Tuy nhiên, hơn hai mươi năm sau, tôi biết mình nhầm. Sự mê muội này không chi phối riêng các thế hệ sinh vào những năm 20, 30 của thế kỉ XX mà nó có ảnh hưởng rộng lớn hơn tôi dự tưởng. Vào khoảng 2002, hay 2003 gì đó, khi chúng ta đã bước sang thế kỉ XXI, tôi được xem cuộc phỏng vấn ghi hình của một nhà báo nước ngoài, trong đó có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Bà Ngát vốn là biên kịch cùng xưởng phim truyện số 4 Thụy Khê với tôi, sau nhờ sự nâng đỡ của ông Nguyễn Khoa Điềm mà lên làm cục phó, trong cuộc phỏng vấn ghi hình nói trên, bà Ngát cũng tuyên bố: “Con không chê cha mẹ…”.

Tới đó, tôi rùng mình. Bà Ngát sinh năm 1950 hoặc 1951, đã từng học trường điện ảnh Vờ-gich ở Nga bốn năm, được liệt vào loại văn nghệ sĩ (tầng lớp tinh hoa của xã hội). Một người ở vào lứa tuổi ấy, nghề nghiệp ấy, mà điềm nhiêm coi quan hệ của mình với kẻ cầm quyền là con đối với cha mẹ hoặc là chó đối với chủ thì tình trạng thối nát hiện hành của Việt Nam là không tránh khỏi.

Một đất nước muốn phát triển phải có các công dân hiểu biết về phận sự và quyền lợi của mình, đảm nhận trách nhiệm của mình trước bản thân, gia đình và xứ sở. Người ta không thể xây dựng một nền văn minh với những kẻ có trí não con sen và tư cách thằng ở. Không ai có thể tạo nên một quốc gia hùng mạnh với những kẻ đi bằng hai chân nhưng trong thâm tâm lại chấp nhận mình là chó.

Bởi một khi đã chấp nhận mình là chó thì chẳng bao giờ có thể hiểu và đạt được cuộc sống thực sự của con người.

Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại đã rút ra kết luận này “Dân chúng nào, chính phủ ấy”.




Tôi là người Việt Nam, tôi không sung sướng gì khi nói ra những điều cay đắng, nhưng tôi cũng lại biết rõ rằng nếu không dám đối mặt với sự thật, con người sẽ tự giết mình theo cách thức loài đà điểu: nhắm mắt, rúc đầu vào cát, chờ kẻ thù đến kết liễu mạng sống.

Nếu có thể mở mắt được, thì trước hết chúng ta nên mở mắt và nhìn vào cơ quan đại diện cao nhất, Quốc hội. Bởi vì về mặt chính danh, quốc hội được coi là cơ quan có quyền lực đối chất, giám sát và phủ quyết các đề nghị của chính phủ, như thế quốc hội cũng là bộ phận tinh tuý nhất của dân tộc vì các thành viên của nó đeo biển hiệu người đại diện, người lãnh phận sự nói lên sở nguyện của dân chúng.

Ông Nguyễn Trần Bật đã có bài viết rất hay về thân phận của các nghị sĩ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Ông phân tích một cách rành mạch cái cơ chế độc đảng độc quyền khiến họ chỉ có thể tồn tại như những con rối, một thứ trang trí trong ngôi nhà quốc gia, một thứ thuốc giảm đau làm nguôi cơn phẫn nộ của đồng bào và một mánh khoé sân khấu nhằm tạo ấn tượng dân chủ giả hiệu để lừa dối dư luận quốc tế.




Bài viết của ông là một đóng góp đáng kể để nâng cao trình độ nhận thức cho đám đông cũng như thúc đẩy sự phát triển tư duy dân chủ.

Tôi chỉ xin bày tỏ nỗi băn khoăn về hiện thực đương thời: Giờ đây, liệu có bao nhiêu phần trăm nghị sĩ dám đứng lên thật sự chất vấn, thật sự giám sát hành vi của chính phủ, nói cách khác dám chống lại sự lộng hành của bộ máy cầm quyền? Bao nhiêu phần trăm cay đắng ngậm ngùi về thân phận bù nhìn trong cam chịu và câm lặng? Còn lại, bao nhiêu phần trăm an nhiên chấp nhận vai trò Nghị gật với nụ cười… dã nhân?”

Từ vài chục năm nay, nỗi băn khoăn này là nỗi băn khoăn lớn nhất đối với những người đang đấu tranh cho dân chủ. Sơ đồ phân loại các đại biểu quốc hội sẽ được coi như biểu đồ diễn đạt sự tiến bộ xã hội, nói cách khác cuộc tập dượt dân chủ ở nước ta.

Theo như tin tức của VNexpress và BBC ngày 2 tháng 11 năm nay (2010) thì trong phiên họp ngày mồng 1 tháng 11 năm 2010, nhóm đại biểu quốc hội đứng lên chất vấn chính phủ về vụ Vinashin gồm các ông bà Nguyễn Minh Thuyết, Vũ Quang Hải, Lê Văn Cuông, Huỳnh Ngọc Đáng, Lê Thị Nga, Phạm Thị Loan, Nguyễn Văn Sỹ, Dương Trung Quốc. Tám người trên tổng số bao nhiêu? Và ý kiến của họ có được chính phủ giải đáp không? So với nhiều năm trước, đây là một dấu hiệu đáng lạc quan. Chỉ có điều, sự lạc quan của chúng ta vô cùng nhỏ bé bởi sau khi các đại biểu trên lên tiếng thì ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch quốc hội lại dằn mặt họ “Vinashin thực chất đã phá sản chỉ có điều mình chưa tuyên bố mà thôi và đây là hình thức phá sản đặc thù của Việt Nam” rồi thì “Trong các lý thuyết về kinh tế thị trường thì phá sản là sự tàn phá sáng tạo, phá cái cũ để tạo ra cái mới, phù hợp với quy luật kinh tế ở thời điểm đó, thì hiện nay mình đang làm. Đừng vì vụ Vinashin mà kéo lùi tư duy đổi mới doanh nghiệp…”

Ông Kiên là tiến sĩ, uỷ viên uỷ ban kinh tế quốc hội, phó chủ tịch tỉnh Sóc Trăng. Tôi không hiểu ông nhặt cái bằng tiến sĩ này ở đâu?

Có thời, người ta tổng kết: Dắt một con bò qua biên giới khi trở về nó cũng trở thành tiến sĩ.

Ấy là vì nước đàn anh Liên Xô xưa kia sẵn sàng thí mảnh bằng này cho bất cứ công dân da vàng, da đen nào được cử đến Mạc Tư Khoa theo tinh thần “vô sản quốc tế” để họ có thể vênh vang quay về bản xứ thực hiện cuộc “cách mạng đỏ”. Hà Nội là mảnh đất đầu tiên được nếm các kinh nghiệm cay đắng với đám Tiến sĩ bò này.

Sau đó nhiều năm, đến lượt đảng cộng sản Việt Nam vinh quang có cảm hứng “trở thành trí thức” nên yêu cầu các cán bộ nòng cốt phải đủ bằng cấp. Vậy là các quan đầu tỉnh lũ lượt kéo về trường Nguyễn Ái Quốc học, kẻ học thật tính chưa đầy mười phần trăm, số còn lại nhét chữ không vào nên theo nhau nhậu nhẹt, chơi gái chán chê rồi khi hết thời gian “nâng cấp chất lượng đảng” thảy ra vài lượng vàng để đổi lấy tấm bằng vác về tỉnh lẻ.

Mặt khác, trong niềm kiêu hãnh cộng sản, các quan lớn nghĩ rằng họ đủ sức làm tất cả, kể cả việc lấy đá vá trời. Vì vậy, sự cư xử của họ nhiều khi ngây ngô đến mức thiên hạ khó hình dung nổi. Tôi nhớ rất nhiều lần, trong các buổi gặp gỡ tay ba, ông Trần Độ, ông Nguyễn Kiến Giang và tôi, tướng Trần Độ kể đi kể lại rằng ông Đỗ Mười đã hạ quyết tâm trở thành đại trí thức nên rủ ông Trần Độ “Tôi với anh bỏ ra hai năm học để lấy bằng tiến sĩ”.

Tướng Trần Độ liền đáp “Chúng ta học hai năm để hiểu được một phần những điều các tiến sĩ nói, thế cũng đã là tốt lắm rồi”.

Thứ hoang tưởng của trẻ mục đồng có thể khiến ta mỉm cười nếu đứa bé mơ mộng ấy ngồi trên lưng trâu nhưng một khi nó đã trở thành ý nghĩ thật sự của kẻ cầm quyền thì đó là tai họa tầy trời cho quốc dân, và lúc đó, chúng ta không còn cười mà phải khóc.

Sự “hạ quyết tâm hai năm giật mảnh bằng tiến sĩ” của ông Đỗ Mười khiến tôi nhớ lại cơn phẫn nộ thành thực của vua Tự Đức khi nghe Nguyễn Trường Tộ mô tả ngọn “đèn treo ngược” ở nước Pháp. Ông quan này suýt bị chém đầu vì cơn phẫn nộ thành thực và ngu xuẩn của nhà vua.

Khi óc hoang tưởng ngu ngơ kèm theo một quyền lực độc tôn không bị kiểm soát, ai hiểu các quan lớn cộng sản có thể làm những gì để vãi ra những tấm bằng tiến sĩ như mấy bà già nhà quê vãi thóc ra sân cho gà mổ? Bởi vì, chưa ai quên lời tuyên bố xanh rờn của ông Đinh Đức Thiện khi ông đương chức bộ trưởng bộ công nghiệp dẫn đoàn cán bộ lên tham quan nhà máy giấy Bãi Bằng “Cần bằng cấp hả? Thì in ra mà phát. Chúng tao đẻ ra bằng.”

Căn cứ vào lời phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên được BBC tiếng Việt trích lời mà tôi vừa nhắc lại trên thì hẳn ông đã nhặt mảnh bằng “giấy lộn” này ở biên giới nước Nga hoặc moi nó ra từ túi quần ông Đinh Đức Thiện.

Một đất nước không có đội ngũ trí thức thật sự, thì bọn lưu manh giả danh trí thức sẽ lên ngôi. Một đất nước không có những đại biểu quốc hội do chính dân bầu và bị dân bãi, do đó phải gánh trách nhiệm trước dân, đất nước ấy phải biến thành thứ bột nhão trong tay một nhóm cầm quyền tự coi mình là Thượng đế.

Một người đầy tự tin vì trí não sáng suốt và quá trình khổ học của mình như ông Nguyễn Trần Bật mà khi nói một điều hay phải kèm theo một lời dối láo thì đất nước ấy không thể coi là có tầng lớp trí thức thật sự. Ông Bật sau khi đã phân tích vô cùng chính xác tính bù nhìn và tình trạng bù nhìn bắt buộc của các đại biểu quốc hội Việt Nam lại phải chêm vài lời ca tụng ông Đỗ Mười, một trong những kẻ cầm quyền ngu dốt nhất, một con bệnh tâm thần (các bác sĩ viện Việt-Xô đã chỉ cho tôi xem cái cây mà ông Đỗ Mười thường trèo lên hô hét khi lên cơn điên), và chưa ai quên rằng chính sách của ông ta đã phá hoại nền kinh tế đất nước một cách không thể tính đếm.

Tôi biết ông Nguyễn Trần Bật đã lựa chọn “Chống đối một cách khôn ngoan” vì ông không muốn ngồi tù, không muốn con cái ông bị gạt ra lề xã hội, bị đe doạ, bị quấy nhiễu như con cái những anh em đấu tranh cho dân chủ. Nhưng, một khi ông Nguyễn Trần Bật đã uốn lưỡi hai chiều thì chưa thể định danh ông là trí thức thật sự dù ông khoe rằng mỗi tháng đọc sách mất bao nhiêu lít dầu.

Tôi cũng xin nhắc để ông Bật hiểu rằng ở nước ta không thiếu người đọc sách như ông hoặc hơn ông, có những người biết bốn thứ tiếng mà ngồi rũ trong tù vài thập kỉ đến khi ra thân tàn lực kiệt, gần như một phế nhân. Ông là trường hợp vô cùng hãn hữu, một con ruồi bay vọt khỏi cái vỉ đập của kẻ cầm quyền, ông chớ nên lấy sự may mắn của bản thân làm thước đo chung cho xã hội, trước hết là lớp người “muốn là trí thức thật sự mà bị dìm chết trong bóng tối ngục tù” ở Việt Nam.

Người trí thức thật sự là người chỉ tin và chỉ quy hàng chân lý mà thôi. Xã hội nào tạo được một lớp trí thức thật sự, xã hội ấy phát triển. Xã hội nào dùng nòng súng chọc vào họng người có chữ buộc họ uốn lưỡi hai chiều, xã hội ấy còn ở trong trạng thái man rợ, vì ở đó con người không thể sống xứng đáng với chính mình.

Chúng ta có thể tóm tắt tình trạng này bằng công thức:

Nhị Thể thì Nhất Tâm
Nhất Thể ắt Nhị Tâm.

Một xã hội dân chủ (gọi nôm na là nhị thể) nơi tồn tại các đảng đối lập, mỗi cá nhân mới có thể trung thực với chính họ và trung thực với đồng bào, bởi pháp luật đảm bảo cho nhân cách của họ được tồn tại. Xã hội nhất thể, tức xã hội độc tài, buộc con người phải nhị tâm, bởi pháp luật không đảm bảo cho họ được sống trung thực. Trong xã hội ấy, trừ những người ôm bom ba càng, liều mình như chẳng có, toàn thể đều nhị tâm, toàn thể đều bị nỗi sợ hãi làm biến hình, và sự dối trá ắt phải là món ăn thường nhật.

Phần trên, tôi có nhắc tới ông Tố Hữu và ông Phạm văn Đồng, họ quả là những kẻ tham quyền cố vị, vô năng, vô trách nhiệm nhưng theo sự hiểu biết của tôi họ không phải quân ăn cắp và ăn cướp. Nói cho đúng hơn, vào những năm đó chưa nhiều quân ăn cắp và ăn cướp trong chính phủ như bây giờ.

Ông Phạm Văn Đồng không xây nhà thờ họ năm bảy tỷ đồng như Nguyễn Tấn Dũng. Ông Tố Hữu cũng không trù dập báo chí như việc hạ lệnh tống giam hai nhà báo phanh phui vụ PMU18 mà ông Nông Đức Mạnh đã làm để che chắn tội tham nhũng của người thân.

Kể cả ông tổng bí thư “Đổi mới”, người đã kêu gọi các nhà văn “đừng uốn cong ngòi bút” rồi hơn một năm sau chính ta ông lại uốn cong lưỡi, người đã chửi tôi là “Con đĩ chống đảng” và đã tống giam tôi vào ngục năm 1991, ông ta – Nguyễn Văn Linh, cũng không phải thằng ăn cắp, hạng khốn nạn về nhân cách. Vợ và con gái ông ấy không nhảy lên nắm thị trường chứng khoán như ái nữ của ông Dũng xỉn. Khi thị trường này đổ bể, hàng bao nhiêu gia đình phá sản, vỡ nợ, ái nữ của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn nhơn nhơn chường mặt ra đó, cô ta không vào tù, không mất chức, không nói một lời xin lỗi đối với dân. Bố đẻ cô ta cũng vậy.

Vậy phải chăng dân Việt đích thị là một con gà để kẻ cầm quyền tha hồ vặt lông vặt cánh? Hay dân Việt là lũ trâu bò mà bao nhiêu ngọn roi quất lên lưng họ cũng… như không? Tuỳ theo cách nhìn của độc giả.

Tuy nhiên, dân tộc Việt đã từng chiến đấu một nghìn năm với Bắc phương để giữ được nền độc lập, vì lẽ ấy, tôi không muốn tin rằng họ tiếp tục câm lặng, tiếp tục cam chịu những khổ nhục này. Dân tộc Việt đã sản sinh ra những người lặn xuống lòng sông Bạch Đằng để cắm cọc sắt. Dân tộc ấy đã đẻ ra những chiến sĩ ôm bom ba càng. Cuộc cách mạng tháng tám năm Ất Dậu là cuộc cách mạng hào hùng để giải phóng dân tộc. Trước cuộc cách mạng ấy, khi chưa bị quyền lực làm hủ hoá nhân cách, ông Tố Hữu là người khởi nghĩa đầy can đảm. Ông đã mượn ý nhà cách mạng Pháp Jean-Paul Marat mà làm bài thơ Hãy đứng dậy (tháng 4 năm 1938):

Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Hỡi nhân dân, hãy đứng thẳng lên! (1)

Ý tưởng của Jean-Paul Marat mạnh như roi quất, loé như ánh chớp soi đường cho đám đông. Nhưng Jean- Paul Marat không chỉ khích lệ dân chúng can đảm đứng lên nắm vận mệnh trong đôi tay của chính mình, ông còn là người bạn đích thực và chân thành của dân chúng như ông thường tự nhận “L’ami du peuple”.

Ông chỉ ra cho dân chúng thấy rõ những cạm bẫy mà bất cứ kẻ cầm quyền nào cũng sẽ giăng ra: ru ngủ dân chúng; giam hãm họ trong ngu dốt và truỵ lạc; khích động họ bằng sự khoe khoang xuẩn ngốc và sau rốt, buộc họ phải ngoan ngoãn tuân phục.

Jean-Paul Marat cảnh báo rằng “Sự tuân phục mù loà của quần chúng được coi như sự ngu xuẩn của chính họ”

Nguyên văn: “Toujours une aveugle obéissance suppose une ignorance extrême.”

Tuy nhiên, sự cảnh báo đó cũng chưa quan trọng bằng định nghĩa sau đây: “Chính phủ là kẻ thù của dân chúng.”

Nguyên văn: “Le gouvernement est l’ennemi du peuple.” (2)

Định nghĩa này chiếu rọi ánh sáng vào sự vật, vô hiệu hoá mọi trò lừa đảo, loè bịp và mị dân của kẻ thống trị, đem lại xác tín cho dân chúng về quyền hành động chính đáng của họ.

Tại sao chính phủ lại là kẻ thù của dân chúng?

Đơn giản thôi, vì cái Ngã của con người là con quỷ vô cùng khủng khiếp, thường xuyên chiến thắng trong cuộc tranh đấu với lương tâm. Vì thế, bất cứ bộ máy cầm quyền nào cũng tìm mọi cách để thụ hưởng tối đa, tức là ngoạm phần bánh to nhất và buộc dân chúng gánh chịu mọi rủi ro, tổn thất. Lời hứa hẹn của kẻ cầm quyền là thứ thực phẩm dễ bị hư hại, nó sẽ thiu thối ngay sau phút cuộc bầu cử khoá hòm phiếu, xếp trống kèn.

Vì lẽ đó, ở các nước dân chủ người ta mới cần các hình thức biểu tình, bãi công, các đại nghị để bộc lộ sự bất bình của dân chúng và cứ năm năm hoặc bốn năm (tuỳ theo quốc gia) lại phải có một cuộc bầu cử để dân chúng thực thi quyền lựa chọn của mình.

Nhưng muốn có bầu cử thực sự phải có đảng đối lập, còn ở các nước độc tài như xứ Việt Nam ta, bầu cử là trò hề mà cả kẻ bầy trò lẫn kẻ buộc phải tham dự đều biết tỏng tòng tong. Những năm sống ở Hà Nội, mỗi lần bầu cử, tôi lại nghe các bà bán rau bán thịt ở chợ Khương Thượng gọi nhau oang oang: “Cứ mười quầy cử một đại diện đi bầu cho xong. Các ông ấy đã sắp xếp hết rồi, còn đâu mà chọn lựa”.

Có thể các độc giả sẽ nói rằng dân châu Á đã quen với ách thống trị độc tài, họ không cần nền dân chủ. Rằng dân chủ là thứ táo thứ lê chỉ có thể trồng ở châu Âu và châu Mỹ, còn ở xứ ta chỉ có rau muống rau cải mà thôi. Nếu thế, làm sao giải thích được tình trạng hai nước Bắc Hàn và Nam Hàn?

Cùng một dân tộc, cùng một văn hoá, cùng bị chi phối bởi một quá khứ, tại sao giờ đây hai xứ sở đó cách nhau một trời một vực? Phải chăng một thiết chế dân chủ có thể biến một công dân Hàn Quốc đang ăn cỏ dại ở miền Bắc trở thành một người văn minh, sung túc ở phương Nam? Phải chăng, một nửa dân nước Hàn là người tự do, nửa còn lại, cũng như người Việt chúng ta, bị loại khỏi vũ đài bởi họ không đủ tư cách ấy?

Xin độc giả tự trả lời.

Phần tôi, tôi không nghĩ rằng dân tộc chúng ta tót vời thông minh, nhưng tôi cũng chẳng tin rằng người Việt thuộc loại ngu dốt. Vấn đề cơ bản là thiết chế xã hội đã trói buộc họ trong sự thiếu hiểu biết, trong sợ hãi, trong đói nghèo. Một con chim bị buộc chặt hai cánh chỉ có thể nhảy lò cò trên sân mà không bao giờ bay lên được. Sự thành công của các thế hệ người Mỹ gốc Việt hiện nay chứng minh điều đó.

Cũng vì cái thực tiễn vô cùng cám dỗ ấy mà giờ đây biết bao gia đình bán nhà, bán đất, thắt lưng buộc bụng cho con cái ra nước ngoài học. Trong thâm tâm, ai cũng mong “Thoát Việt!”, ra khỏi mảnh đất bùn lầy tối tăm này bằng mọi giá.

Cũng tốt thôi, nhưng liệu bao nhiêu người sẽ thoát được Việt nếu tính trên tổng số dân chúng? Và liệu các thế hệ sau này có thể được sống một cách đàng hoàng với đầy đủ sự tự tin và lòng tự trọng hay không khi mà các cánh cửa ở biên cương càng ngày càng khép chặt, khi người da mầu bị lục soát một cách nhục nhã khắp nơi, và khi cánh Hữu đang dậy lên như sóng ở châu Âu cũng như các nước khác?

Đừng quá nhiều ảo tưởng. Ảo tưởng nào cũng sẽ dẫn đến sự đổ vỡ, không sớm thì muộn. Đời là dòng sông trôi chảy và nước không dừng lại dưới chân cầu. Những thuận lợi mà người Việt nhập cư được hưởng vào những năm Thuyền nhân không còn nữa. Cũng không còn nữa cái nhìn thiện cảm của thế giới đối với người Việt sau những năm Thuyền nhân và sau rất nhiều thất vọng qua quá trình chung đụng.

Rượu vang đang ở quá trình biến thành dấm. Bởi vậy, dù có muốn đại đa số người Việt cũng không thể thực hiện được giấc mơ đổi đời của họ ở xứ người. Điều họ có thể làm được là thay đổi cuộc đời của chính họ trên quê hương, là đấu tranh để xây dựng một thiết chế xã hội tiến bộ hơn, để họ có thể thực sự làm công dân, được sống với đầy đủ Quyền con người.

Nếu sự ù lỳ, sự cam chịu đã trở thành căn tính khiến người dân Việt tê liệt thì trong một tương lai gần, chắc chắn họ sẽ không còn là người Việt nữa. Với toàn bộ các căn cứ quân sự đã và đang tiếp tục xây dựng trên Tây Nguyên cũng như các khu vực biên giới dưới mọi thứ trá hình: khai thác mỏ, thuê đất trồng trọt…, con mãnh hổ Trung Hoa càng ngày càng cắm sâu móng vuốt của nó vào bờ cõi của chúng ta, tạo một vành đai chiến lược mà khi cần, các quân đoàn sẽ trùng trùng đổ xuống như thác.

Một sáng thức dậy, người dân Việt sẽ thấy lính Trung Hoa đứng đầy các phố phường, làng xóm, nương bản mà họ chưa kịp dụi mắt. Chính phủ của họ, chính quyền Hà Nội đã tiếp tay cho cuộc chuẩn bị này. Đảng thân yêu của họ từ lâu đã trở thành con chó của ông chủ Bắc Kinh, dùng tất thảy mọi biện pháp để bịt mắt đám đông, bóp mồm những ai dám lên tiếng. Bộ máy công an được huy động tối đa để dập tắt các sites internet, để bắt giữ những người dám đưa tin và đưa hình về các khu vực mà lính Tầu đang ồ ạt đổ xuống xây cầu đường, thiết lập doanh trại, lập làng mới để di dân Trung Hoa.

Cuộc tái chiếm Giao Chỉ đang được thực thi một cách quy mô và khẩn trương mà các thái thú Tô Định tân thời, những kẻ ngồi quanh bàn họp Bộ chính trị, trừ Tô Huy Rứa, đều mang tên Việt.

MỘT NGHÌN NĂM BẮC THUỘC LẦN THỨ HAI đang chờ đợi dân tộc chúng ta.

Nếu dân Việt không đứng lên hành động vào lúc này, nền độc lập chắc chắn sẽ tiêu vong. Họ sẽ trở thành người Tây Tạng của thế kỉ XXI. Thần Kim Quy không còn hiện ra lần nữa dù họ cầu khẩn ngàn lần.

“Hãy tự cứu mình trước khi Chúa trời cứu!”

Câu châm ngôn ấy không chỉ dành cho dân công giáo mà dành cho toàn bộ loài người. Trước thế kỉ XVI, nước Pháp là một trong các xứ mộ đạo, nơi quyền lực của Giáo hoàng lấn át quyền lực của nhà Vua, vậy mà nước Pháp ấy đã biến thành nước Pháp cộng hoà, nước Pháp thế tục sau một cuộc cách mạng long trời lở đất. Cũng chính cuộc cách mạng ấy đã khai sinh ra cái ý tưởng mà nhân loại phải biết ơn mãi mãi: Quyền con người.

Từ cuộc các mạng ấy đến nay hơn hai thế kỉ đã trôi qua, nhưng lời kêu gọi của Jean-Paul Marat vẫn luôn luôn là ánh sáng rọi đường cho các dân tộc yếu kém, các dân tộc bị dìm trong bóng tối của sự thiếu hiểu biết, bị tê liệt vì khiếp nhược.

Lời kêu gọi của nhà cách mạng này cũng còn nguyên hiệu lực đối với một dân tộc đang đứng trước nguy cơ tái nô lệ như người Việt giờ đây:

NGƯỜI TA LỚN BỞI VÌ NGƯƠI QUỲ XUỐNG
HỠI NHÂN DÂN! HÃY ĐỨNG THẲNG LÊN!

Lần cuối cùng, xin chân thành cảm ơn các độc giả. Xin lượng thứ cho những nhầm lẫn của tuổi già. Xin chào vĩnh biệt.

© DCVOnline

DCVOnline:
(1) Nguyên văn bài thơ “Hãy đứng dậy” của Tố Hữu

Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống
Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên!
(Ma-rat)

Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Có gì đâu ta cầu khẩn van lơn?
Có gì đâu ta ôm mối căm hờn?
Hãy đứng dậy, ta có quyền vui sống!

Ai đi gõ vào cửa lòng lạnh ngắt
Và thiết tha năn nỉ với hồn say
Trên muôn thây, tiệc rượu máu tràn đầy?
Không! Không thề sống như bầy hành khất!
Hãy đứng dậy! Ta có quyền vui sống!
Cứ tan xương, cứ chảy tuỷ, cứ rơi đầu!
Mỗi thây rơi sẽ là mỗi nhịp cầu
Cho ta bước đến cõi đời cao rộng.

Huế, tháng 4/1938

DCVOnline: Tuy Tố Hữu và nhiều người khác cho tác giả ý hai câu Người ta lớn bởi vì ngươi cúi xuống / Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên! là Jean-Paul Marat nhưng chưa khi nào trích dẫn nguồn và nguyên văn “ý tưởng của Marat” đã viết khi nào đăng ở sách, báo nào.

(2) Là bài viết thứ bẩy trong Tập (I) của tờ “L’ami du peuple”

L’ami du peuple (I)

Dénonciation contre Necker
Il faut créer un tribunal d’état
Les subsistances
Discours au peuple
Profession de foi de Marat
Réflexions sur les dettes du gouvernement devenues nationales
Le gouvernement est l’ennemi du peuple
Protestation contre la loi martiale
Sur le plan du comité militaire
Évasion d’une religieuse de l’abbaye de Pantemon

Trích, “Il est une vérite éternelle dont il est important de convaincre les hommes: c’est que le plus mortel ennemi que les peuples aient à redouter est le gouvernement.” (Le gouvernement est l’ennemi du peuple)

Nguồn: Journal “L’Ami du Peuple”; Charles Simond, Marat. Ed. L. Michaud, Paris 1906.

Source: DVCOnline

No comments: