Friday, December 24, 2010

PHAN THANH TÂM * TRỊNH CÔNG SƠN




Phan Thanh Tâm


MAY ĐÃ CÓ MỘT THỜI NHƯ VẬY ĐÓ

TRỊNH CÔNG SƠN

HOÀNG NGỌC TUẤN




Hồi ký trích đoạn

Trưa ngày 30/4/75 lúc xe tăng Nga T54 tiến vào ủi sập cổng dinh Độc Lập thì trên đài Saigon, cả nước nghe Trịnh Công Sơn (TCS) hát bài Nối Vòng Tay Lớn: bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam. Nhưng ít ai biết tác giả với giọng ca đó đã từng bị đe dọa thanh toán giết vì một sáng tác sau vụ cán bộ nằm vùng nổ súng cướp micro ở Đại Học Văn khoa năm 1967 vì câu Anh nhân danh ai đến đây bắn vào người ; và mấy ai biết TCS đã ví Việt Cọng như đàn bò vào thành phố qua bản Du Mục?

Ngoài ra, cũng hiếm người biết rằng nhờ báo Saigon trước 75 đăng lệnh cấm phổ biến nhạc phản chiến họ Trịnh số 33 ngày 8/2/1969, đã cứu TCS khỏi vụ xét Trịnh Công Sơn có công hay có tội với cách mạng, tại Hội Văn Nghệ ở Huế sau ngày toàn VN bị nhuốm đỏ; khi Hội đặt vấn đề về câu hát Hai mươi năm nội chiến từng ngày và bài Cho Một Người Nằm Xuống thương tiếc đại tá phi công Lưu Kim Cương, một Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Bản Anh Nhân Danh Ai được dấu tiệt sau khi TCS nhận được lời cảnh cáo.

Phạm Phú Minh, chủ biên Diễn Đàn Thế Kỷ cho tôi biết như vậy khi chúng tôi nhắc tới Quasimodo, một nhân vật vô gia cư sống quanh Quán Văn, chỗ mà nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (HNT) gọi là Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau, cách Phủ Tổng Thống ba blocks. Vụ khủng bố có máu đổ trong trường học đã khiến TCS hết dám hát trước đám đông ở Saigon và Quán Văn đóng cửa luôn. Còn chuyện TCS thoát hiểm nhờ lệnh số 33 được Nguyễn Đắc Xuân kể lại trong Trịnh Công Sơn-Có Một Thời Như Thế. Sách này sưu tầm nguồn tư liệu đời TCS; có đề cập thời gian TCS về lại cố đô sau 1975, để tránh việc anh em Phong Trào không thích lập trường chung chung của họ Trịnh.

Nguyễn Đắc Xuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là hai người hay được nhắc đến khi nói về vụ thảm sát Mậu Thân 1968 Huế. Vào đêm nổ súng ở trường đại học Văn Khoa mới xây, khi phần trình diễn văn nghệ của Khánh Ly và TCS tạm ngưng để Ngô Vương Toại nói về việc bầu ban chấp hành sinh viên cho năm tới, thì một cặp nam nữ lên sân khấu cướp micro, tuyên bố kỷ niệm bảy năm thành lập Mặt Trận Gỉải Phóng Miền Nam. Ngô Vương Toại bị bắn quỵ ngay khi cố giữ micro lại. Nguyễn văn Tấn nhào lên bị bắn què giò. Chủ biên Diễn Đàn Thế kỷ kể, TCS vài ngày sau, một buổi trưa ôm đàn guitare hát bài có lời nói trên trong căn nhà tiền chế, trên nền Đại Học Văn Khoa cũ.

Phạm Phú Minh nói thêm, chẳng bao lâu họ Trịnh cho hay ông bị hăm dọa. Thời gian 1966-1967, khi phụ trách Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường ( CPS ), Bộ Giáo Dục giao cho Hà Tường Cát, Phan văn Phùng, Phạm Phú Minh điều hành khu đất trống sau trường; và chính Đỗ Việt Anh đưa ra sáng kiến lập Quán Văn.


HoangNgocTuanOMotNoiFrontHoangNgocTuanNgocMinh


Theo nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, người được coi như điều hành Quán Văn, tất cả khởi từ sự thành lập CPS vào khoảng 1965-66 tại Saigon, quy tụ những thanh niên, sinh viên, học sinh có tinh thần phụng sự xã hội. Trong đó có những khuôn mặt quen: Hoàng Ngọc Tuấn (HNT), Nguyễn Huỳnh, Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang, Cao Sơn v.v. Anh em ăn ở, sinh hoạt, rong chơi cùng một địa điểm như chung một nhà. Quán Văn được hình thành sau đó, đã đưa những tên tuổi Phạm Duy, Trịnh Công Sơn/Khánh Ly, Từ Công Phụng/Thanh Lan, Nguyễn Đức Quang/Ban Trầm ca… đến gần với giới trẻ Saigon. Trịnh Công Sơn/Khánh Ly chỉ là những thân hữu sinh hoạt lâu ngày nhất với Quán Văn. TCS và HNT là hai người tử thủ sau cùng khu CPS/Quán Văn trước khi địa điểm xây lại thành Thư Viện Quốc Gia năm 1970.

Nhân danh ai? Vẫn theo Hoàng Xuân Sơn, Nhóm Sinh Viên Văn Hóa đã góp tiền và tự quản quán Văn. Vì vụ bắn cướp và vì những lý do riêng tư cùng với lệnh giải tỏa khu đất để xây Thư Viện Quốc gia, anh em tan hàng. TCS đã sáng tác ca khúc Nhân Danh Ai, dành riêng cho Ngô Vương Toại. Bài ca lên án những ai dùng bạo lực để cướp lấy tính mạng của đồng loại. Khánh Ly và các bạn cùng nhóm – từng sinh hoạt chung ở quán cà phê vang danh một thời – đã đứng ca bài này trước đầu giường bệnh Ngô Vương Toại đêm Giáng sinh 1967; nhưng giờ, chỉ nhớ lỏm bỏm được một câu:

Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người – cho máu em cho máu anh tuôn trên da thịt này.

Hỏi NgôVương Toại thì cũng không nhớ trọn: Nhân danh ai anh đến đây bắn vào người Lũ dơi trời đêm nay vùng biết nói Nhân danh ai ? anh đến đây bắn vào người Trong mắt anh, trong mắt em, hãi hùng đầy Xin nhân loại một ngày, nhủ lòng thương mến nhau thôi Nhân danh ai, anh đến đây bắn vào người . . . .

Trong tim anh, mẹ Việt nằm Trên nôi chung một màu vàng Một niềm tin, một giận hờn . . Phạm Duy, trong Hồi Ký đã ghi, Tình khúc TCS ra đời, từ giữa giàn phóng là Quán Văn được hỏa tiễn Khánh Ly đưa vút vào phòng trà, rồi vào băng cassette và chỉ trong một thời gian rất ngắn đã chinh phục được tất cả người nghe. So sánh với những tình khúc ba bốn chục năm qua, ngôn ngữ trong nhạc TCS rất mới. Thật ra, các ca khúc của họ Trịnh tự nó đã dễ cảm nhận, dễ đi vào tim óc người nghe rồi vì nó là nỗi lòng của mỗi một con người trong cuộc sống.

Nó có sông, suối, núi đồi, có hoa lá bốn mùa, có tình yêu, tình bạn. Nó là nắng, là mưa, là nụ cười, là tiếng khóc. Nó chính là tiếng chim buổi sáng, tiếng gà gáy buổi trưa trên đồi mang âm vang của một nỗi nhớ nhung. Tôi đã vẽ ra những bầu trời có cánh bướm, cánh chuồn, có màu môi hồng ngọc. Đấy là những điều TCS (1939 – 2001) giải bày về nhạc của mình qua bài Phác Thảo Chân Dung Tôi viết năm 1987. Thiết tưởng, khi sưu tập về các tác giả đã sáng tác thơ tình ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, không thể không nhắc tới TCS. Vì sao? Tuy không hẳn làm thơ nhưng như họ Trịnh nói, các sáng tác của ông là cuộc hôn phối giữa thi ca và âm nhạc.

Nhiều người còn cho rằng TCS đích thực là một thi sĩ. Ngoài ra, có một nghệ sĩ khác, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn cũng nên được ghi nhận trong việc sưu tầm . Họ Hoàng cùng nổi tiếng một thời với họ Trịnh; cũng đã qua đời ở Việt Nam. Những truyện ngắn của HNT là những nhạc khúc, những bài thơ được trình tấu bằng văn xuôi. Tất cả đều là tiếng cười, điệu hát, giọt lệ hân hoan của một thời tuổi trẻ. HNT viết tập truyện ngắn Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau giữa lúc đại bác Cộng Quân đêm đêm rót vào thành phố; cán bộ nằm vùng gia tăng phá hoại, ám sát, đặt mìn, liệng chất nổ vào chỗ đông người rạp hát, chợ búa.

Lời văn, câu ca, điệu nhạc của họ chẳng những cho thấy hai tâm hồn nghệ sĩ của một thời đại mà còn phản ảnh được bi kịch của một giai đoạn lịch sử. Khi mọi người đã chia tay rã đám rồi, đôi bạn chân tình TCS/HNT là hai người cuối cùng rời bỏ cái quán cà phê lợp tôn và một dãy nhà thấp lụp xụp làm bằng những vật liệu thô sơ gỗ rơm cát tông. TCS về Huế; HNT khoác áo lính đi bốn vùng chiến thuật. CPS/Quán Văn ở góc đường Lê Thánh Tôn – Công Lý, thời Pháp thuộc là khám lớn Saigon. Theo mô tả của HNT, Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau là một khu cỏ dại, ngay trung tâm thủ đô. Về khuya, khi hết khách, trong hơi lạnh của sương đêm, cả bọn im lặng, dưới ánh đèn mờ, nghe Lệ Mai hát mấy bản nhạc của họ Trịnh. Giống như một gã lãng tử người Mễ Tây Cơ trong chiếc áo rộng thùng thình, chàng nhạc sĩ ngồi trong bóng tối ôm cây guitare đàn theo giọng hát.


TCS and KL at Quan Van 1967

Khánh Ly & Trịnh Công Sơn 1967



Lệ Mai ban ngày nghịch như một con chim rừng xanh; nhưng ban đêm khi cất tiếng hát cao, giọng nàng nghèn nghẹn một nỗi trầm buồn. Tiếng hát hoang đường hòa với tiếng đàn đêm khuya của TCS khiến cho thân thể người nghe sựng lại bất động; mọi cánh cửa của tâm hồn như mở ra để đón nhận những lời hát.

HNT viết tiếp, giọng hát làm cho giọt nước mưa tưởng chừng an phận trong đời sông hồ bỗng nhiên ao ước bay về trời làm mây trở lại. Lệ Mai tức Khánh Ly đêm nào, ở khu này, được tôn làm Nữ Hoàng Chân Đất hay Nữ Hoàng Sân Cỏ khi nàng bất thần bỏ giày bước lên thùng gỗ đựng beer, vịn vai TCS, mắt nhắm, mặt ngước cao, hát lên những địa danh vang ầm tiếng súng, đầy chết chóc ở Pleime, Đồng Xoài; và về gia tài của mẹ, về người con gái Việt Nam da vàng khiến hội trường lịm người rồi òa lên cỗ vũ cuồng nhiệt.

Có bài hát đến tám lần. Quá nhiều nợ Phụ lục nhật ký in sau tập truyện Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau cho biết, nếu ai tới Quán văn, hễ thấy một thằng người Huế, hơi gầy, tóc không chải, áo quần bê bối, miệng hay hát những câu kỳ cục, thường hút một thứ thuốc lá Lạc Đà hay bó gối ngồi một mình với dáng cô độc buồn bã thì người đó là HNT. Ông nổi tiếng ngay từ cuốn đầu tiên Hình Như Là Tình Yêu. Truyện viết về những kẻ bỏ học đường, những tâm hồn lang thang, những lãng tử, những tiếng hát đàn bà, những bé thơ ngây và những gái giang hồ. Ngỏ lời trong buổi ra mắt sách HNT nói, cái thế giới tôi yêu mến và hết lòng cố gắng thể hiện là cái thế giới tôi đang sống, tôi đang có.

Ông có gì? Nhiều bạn và nhiều nợ vì bỏ nhà đi hoang sớm; và vì xài nhiều hơn số tiền kiếm được. Ông chỉ mong có dịp lên hát song ca với Khánh Ly vài bản để trừ nợ của cô. Đó là chưa kể nợ ân nghĩa và nợ tình cảm. Nhật ký còn ghi HNT đặc biệt mang ơn cô thi sĩ nhỏ Minh Ngọc, đã tưới chan chứa cho tôi nguồn nước ngọt trong đời lao đao khô cạn. Trang mạng Gió-O cho biết hình như giữa họ còn mấy đám mây mù hệ lụy văn chương nào đấy với nhau. Cũng trên mạng đó có đăng một khúc chiêu niệm của Minh Ngọc dành tiễn người yêu cũ chia tay trần gian; trong đó có câu Kính thưa thầy, đây là bài toán của con; con không thể chứng minh đường thẳng là đường ngắn nhất nối giữa 2 đường; vì bao máu xương đã đổ rồi mà có nối được đâu Sàigòn-Hànội; cho dù có qua Paris, Washington D.C, Moscow, Bắc Kinh.

Con không thể, Bởi vì sáng nay Anh Con Vừa Chết. Hoàng Ngọc Tuấn sinh ngày 20/5/47 tại Huế và mất ngày 9/7/05 tại SàiGòn. Tác gỉa Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau không vợ con; quá túng thiếu trước khi lìa đời. Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn sau 75 còm cõi, xơ xác, thường ngồi trầm ngâm giữa mịt mù khói thuốc. Hoàng Ngọc Tuấn học Triết ở Đại Học Văn Khoa Saigon. Trước ngày “giải phóng” 30/4/75, ông in được sách khá nhiều và nhanh; bán rất chạy nhưng vẫn nghèo vì quá hào phóng; ăn xài xả láng với bạn bè. Sống một đời lãng tử; lang thang rày đây mai đó.


Mỗi sáng sớm tôi gói bót và kem đánh răng trong một cuốn sách vùa in của tôi, ra đánh răng rửa mặt “ké” ở “toilette” của quán cà phê đầu ngỏ. Tôi là nhà văn. Nhà văn hoạt động mệt hơn một người lao công cộng với một nhà triết học. Tôi viết văn và tác phẩm của tôi cảm hứng từ tất cả những mùi vị của cuộc đời.

Tôi sống và yêu, yêu và viết, viết và sống. Từ đau đớn và truân chuyên, tôi gửi đến cho mọi người hạnh phúc vững bền của chữ nghĩa. Những câu này trích từ nhật ký viết năm 1972 thời VNCH, họ Hoàng 28 tuổi đã có hơn 10 tập truyện. Sau đó, 30 năm sống trong thời đại văn “thiến” Hồ Chí Minh, ông không sáng tác được gì. Trong Văn Học Miền Nam Tổng Quan, Võ Phiến đã nhận xét, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn là thơ, là mộng, là tình.


Tác giả Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau đạt những gì ông mong mỏi nhưng không có duyên để hưởng. Qua hồi ký, HNT cho biết, ông sung sướng vì đã có ít nhiều độc giả lý tưởng, cảm thông và chia xẻ ước mơ của mình. Chuyện sau đây không phải Hình Như Là Tình Yêu đã chớm nở mà theo Hoàng Xuân Sơn như chuyện thần tiên đã xảy ra. Tôi đọc một lần là thương liền. Tất cả những dòng chữ trong cuốn truyện này là tiếng sét ái tình.



Đọc HNT tôi vừa nể trọng, vừa kính phục, vừa thương. Nữ độc giả Hoà Bình thố lộ như vậy qua bài Nói Với Hoàng Ngọc Tuấn; và còn cho hay, đã về Việt Nam hai lần cố tìm HNT để đáp ứng điều ông cần một năm đủ ăn, rảnh rang để có thể viết một tác phẩm nhưng không thành. Với sự đồng ý của gia đình HNT và để bày tỏ lòng quí mến, nữ độc giả đã in lại cuốn này. Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau ngoài Nữ Hoàng Sân Cỏ, với giọng hát làm cả hội trường thẩn thờ, còn có một Bông Hồng Quán Văn, xinh xắn, dịu dàng, bặt thiệp và một nụ cười dễ mến, nhờ chiếc răng khễnh ngộ nghĩnh, đã khiến nhiều chàng trai thành tình si.


Trên quầy lúc nào cũng có bông hồng của khách. Nhuệ Giang, em gái nhỏ, của bọn người từ những thành phố khác nhau đã chung sống như một gia đình, làm thâu ngân viên nên tiền thu của quán đêm nào cũng đầy. Hoàng Xuân Sơn đúng khi cho rằng, Quán Văn đã tạo nên phong trào mở quán cà phê đèn mờ, nhạc nhẹ, có tà áo dài thấp thoáng như Thằng Bờm, Hầm Gió, Hội Quán Cây Tre.. Những quán hàng này cùng với các tiệm nổi tiếng Givral, La Pagode, Brodard, Thanh Thế cùng nhà sách Khai Trí và Xuân Thu chuyên sách ngoại đã làm cho đời sống Saigon thêm phong phú, sinh động về mặt văn học, nghệ thuật.


Radio Catinat ở Givral là chỗ của chính khách, nghị sĩ, dân biểu, nhà báo. Họ là những thầy bàn về tình hình trong và ngoài nước. Tin tức tại đây 24 giờ sau mới bày hàng trên mấy sạp báo Saigon. Quán cái chùa La Pagode là tụ điểm giới văn nghệ; lúc nào cũng có vài nhà văn, nhà thơ thuộc loại cây đa, cây đề. Đi về hướng bờ sông vào tiệm Brodard sẽ thấy mấy nhà affair đang kỳ kèo bớt một thêm hai. Ngược về chợ Bến Thành, vô quán Thanh Thế, Thanh Bạch, Kim Sơn nghe chuyện thể thao kịch trường. Tới ngã tư quốc tế Bùi Viện- Phạm Ngũ Lão sẽ biết nhiều về hậu trường sân khấu của các đào kép cải lương. Muốn tâm sự nhỏ to, thì ghé tiệm cà phê ở cuối góc phố. Nên nhớ theo Võ Phiến, những giọt cà phê tự trọng là những giọt không bao giờ rơi nhanh. Chẳng hề có chuyện phân biệt đối xử theo giai cấp. Quán không lựa khách.


Khách chọn quán, tạo cho quán không khí riêng.


Giải phóng thành phỏng dái


Từ Thức Trần Công Sung trong bài Trịnh Công Sơn Và Những Ngày Văn Khoa trên Thế kỷ 21, cho biết từ 1963, sinh hoạt giới trẻ Sàigòn cực kỳ náo nhiệt. Hết biểu tình đến hội thảo. Họ quên rằng trong cái hỗn loạn Việt Nam chỉ là quân cờ thí. Họ tự hào thuộc giới trẻ, họa sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ. Đám sinh viên trong đầu đầy mộng cải tạo xã hội và trong túi không có đủ tiền uống một ly cà phê. Thỉnh thoảng chứng kiến những vụ pháo kích; thỉnh thoảng nhậu vài két la de, lạc rang, củ kiệu, tiễn bạn lên đường nhập ngũ. Chiến tranh còn xa, đại bác đêm đêm vọng về. Đám tuổi 20 kề vai nhau nghe Lệ Thu ngủ đi em mộng bình thường; nghe Thái Thanh ca mẹ Việt nam không son không phấn, và xúc động với cái viễn ảnh Việt nam quê hương đất nước sáng ngời. Họ tham gia các hoạt động xã hội cứu lụt, cải trang xóm nghèo, leo lên làng Thượng dạy học, đào giếng, chữa bệnh.


*


Cùng lúc đó, có một số người, lợi dụng những sinh hoạt dân sự trong sáng, giúp đời, giúp người, len vào các giai tầng xã hội thuộc mọi lãnh vực tôn giáo, văn nghệ, giáo dục, báo chí, tìm cách phá hoại, hỗ trợ cho sự xâm lăng của Cộng Sản Bắc Việt. Sách của Nguyễn Đắc Xuân, kể lại ngày 20/7/1965, Ủy ban Thanh niên Sinh Viên của Nguyễn Cao Kỳ mời sinh viên miền Nam về Saigon hội thảo “chuẩn bị giải phóng miền Bắc”. Dịp này, bà Ngô Bá Thành, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân đã công khai kêu gọi hòa bình. Trên đây là hình thời 60, Hoàng Phủ Ngọc Tường đang diễn thuyết, trên báo Sài Gòn TiếpThị tháng 7/2010, cho thấy một phần đời sống chế độ cũ. So với Cộng Hòa Xã Hôi Chủ Nghĩa của họ Hồ, VNCH từ 1954-1975 Độc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc hơn nhiều. Mấy ông thân cộng, phản chiến chui vào lỗ nào đâu hết rồi, không thấy “thách đố” như ngày xưa khi ngày nay mất đất, mất biển và đảng ta hèn hạ trước Đại Hán?




Thập niên 60 tôi làm gì? Là phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã, đã đi khắp các tỉnh miền Nam. Đi lắm có ngày gặp ma. Quả không sai. Một sáng, máy bay C-46 đến Quảng Tín thì bị Cộng quân bắn phát cháy, rớt ngoài phi trường. Trong khói mịt mù, tôi theo mọi người nhảy ra khỏi phi cơ, cố chạy một khoảng thì quỵ. Khi nghe tiếng trực thăng phành phạch, nhìn chung quanh chỉ có cỏ, cát. Cảm giác thiêu thiếu một cái gì, rờ mặt, kính cận mất đâu rồi. Sau đó, tôi thấy mặt đất nghiêng ngửa, trời xanh, mây trắng vần vũ.

Được chở về nằm ở bệnh viện Đà Nẵng, tôi mới ý thức sâu xa sự hy sinh vô bờ bến của thương bệnh binh. Trong khi về lại Saigon, đêm đêm tôi ghé các quán xá, tán dốc với bạn, ngắm nụ cười duyên của Bông Hồng; còn nghĩa quân, điạ phương quân, cả đời sống âm thầm vùng heo hút, giữ cho hậu phương có được những sinh hoạt bình thường trong thời khói lửa. Và nhờ ở lại sau 30/4/75, tôi mới thấy văn học truyền khẩu thiệt là tinh quái. Cái gì cũng có câu vè, câu hát. Trẻ em đồng ca ngoài đường rồi ù té chạy: như có bác Hồ trong nhà thương chợ Quán thay vì trong ngày vui đại thắng.


Giờ nghĩ lại, thấy đúng quá. Chỉ kẻ điên mới chui vào hậu phương lớn Trung Quốc, xem Đại Hán vừa là đồng chí vừa là anh em; gây cảnh nội chiến; để rồi Tàu Cộng chiếm đất, thuê rừng, vạch đường lưỡi bò, lưỡi trâu. VNCH còn thì làm sao có chuyện đó? Ngoài ra, lúc thay tên đường thì có câu Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do. Rêu rao bộ đội không lấy sợi chỉ cây kim. Nhưng đảng thì lột sạch dân Nam qua việc đổi tiền; học tập cải tạo... Năm đồng đổi lấy một xu, thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy. Nguyễn Ngọc Phách đã gom lại thành Việt-sử Đương-đại qua 200 câu vè bất hủ; có cả bản tiếng Anh Life in Viet Nam. Miền Nam là thuộc địa của đảng ta, tệ hơn thời Pháp, khiến giải phóng thành phỏng dái. Để tránh, chỉ biết nhào ra biển thôi.


Trong cảnh bát nháo những ngày đó, một hôm đi gần dinh Độc Lập thì nghe gọi. TCS bên kia đường đạp xe quẹo qua. Chúng tôi trao đổi tin tức về bạn bẻ và lo âu không biết ra sao ngày sau? Vài tháng kế, TCS gửi tôi bức thư bốn trang nhờ anh tôi từ Huế vào trao lại. Lúc đó lu bu quá, giờ không còn nhớ TCS đã viết những gì. Thật tiếc! Đó là liên hệ lần chót. Trước 75 chúng tôi hay đàn đúm ở khu Văn khoa. TCS ngụ nơi này.


Tôi chỉ mò tới tán dốc chớ không phải tới để vô lớp. Thời VNCH sinh viên có thể ghi danh nhiều trường khác nhau. Từ tiểu học tới đại học không tốn đồng xu cắt bạc nào. Nếu không, mồ côi như tôi, chắc khó biết trường học là gì. Trong các bản nhạc tình của họ Trịnh tôi thích Nắng Thủy Tinh. TCS có lần đã giải thích cho tôi câu ngàn cây thắp nến lên hai hàng; để nắng đi vào trong mắt em; tả những tia nắng chiều đọng trên ngọn cây; như ngàn cây thắp nến. Tuy không là sinh viên văn khoa nhưng theo Từ Thức Trần Công Sung, ở đây TCS là bạn của mọi người, mỗi người một cách rất tự nhiên. Đôi mắt tinh anh, láu lỉnh, nụ cười hiền lành như một thầy tu; ông có cái phong thái của một thi nhân, cái khiêm tốn của một người có thực tài.


TCS ở ngoài đời rất giống TCS người ta tưởng tượng khi nghe những bản nhạc tình của họ Trịnh. TCS một gã người Huế rất thanh nhã, rất ung dung, từ tốn. Cái ung dung, từ tốn quí phái của một con mèo; với nụ cười thường trực trên môi. Học chương trình Pháp, nhưng sử dụng tiếng Việt một cách rất tài tình. Nhiều chữ tầm thường, chợt trở nên truyền cảm; nhiều chữ bịa ra nhưng mang nhiều hình ảnh đến từ một trí tưởng tượng phong phú. Không nghe giải thích người ta vẫn xúc động, mặc dù không hiểu từng câu, từng chữ. Nhất là trong những bản nhạc tình.


image



Chính những năm này là những năm sôi động nhất của đời tôi. TCS viết như vậy trong bài Phác Thảo Chân Dung Tôi, đăng trong sách của Nguyễn Đắc Xuân, khi nói về 13 năm trốn lính trong đó có ba năm nhập cư nơi những căn nhà tiền chế tồi tàn bỏ trống ở khu đất rộng sau lưng trường. Thời gian ba năm, ăn uống thì ở các hàng quán dọc đường. Vệ sinh thì vào các quán cà phê quen thuộc. Nhưng cũng chính tại khu đất trường, TCS lần đầu tiên ra mắt trước mấy nghìn người 20 ca khúc nói về tình yêu, thân phận và quê hương.


Sau đó, các báo, đài truyền thanh, truyền hình tranh nhau phỏng vấn, thu hình, thu mặt. Làm gì, đi đâu cũng có mấy nhà báo đủ các màu da, xứ sở tìm đến ở tận cửa. Và tuy có lệnh cấm của chính quyền và bị kiểm duyệt, các tuyển tập ca khúc của ông vẫn được in ấn và phát hành khắp nơi. Người em Trịnh Xuân Tịnh, cũng trốn lính, chăm lo việc này.


Ngoài ra, những ai lui tới Quán Văn đều gặp nhưng tất cả đều mù tịt về tông tích của một người không tên. Anh ta ngọng, hơi bất thường, trạc 30 tuổi, dơ dáy, quần áo lôi thôi, cặp mắt sâu đen, lang thang khắp phố; tối về ngủ ở hiên trường góc Nguyễn Trung Trực-Gia Long. Riết rồi quen thân với mọi người Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau; nhưng anh không là bạn của bất kỳ ai. Phạm Phú Minh cho biết, có lần anh ta đem cho chúng tôi mấy đồng đô la. Chắc có từ lính Mỹ vì anh không biết làm gì vớí tiền đó. Một bữa, ngẫu hứng, Phạm Phú Minh đặt tên Quasimodo cho anh ta, tuy không gù như nhân vật trong Notre Dame de Paris của Victor Hugo.


Anh ta có vẻ khoái được gọi với cái tên Tây ngồ ngộ này. Phan văn Phùng, người cùng điều hành khu đất trống Văn Khoa, một hôm làm thầy bói tiên đoán, nếu vô sản thắng thì Quasimodo chắc sẽ là Đô trưởng Saigon; vì anh ta là vô sản thứ thiệt, biết hết ngõ ngách thành đô. Thế rồi, mọi người tứ tán. Bông Hồng Quán Văn trôi về đâu? Riêng Quasimodo thì xuất hiện trong một truyện ngắn của Nguyễn Thụy Long (1938-2009) năm 2001.


Nhà văn ở cùng trại với một tù nhân hình dạng dị hợm, hôi thúi. Y nằm sát cầu tiêu; bị bắt trong chiến dịch làm sạch thành phố, nhằm loại trừ những kẻ không giấy tờ. Cán bộ đặt tên cho y là Nguyễn văn Tèo. Một buổi sáng cán bộ trực phòng la lớn: thằng Ngợm Quái Vật trốn mất rồi. Thùng phân tung toé. Nó chui thoát qua lỗ cầu tiêu! Cuộc trốn trại không rùng rợn mà rùng mình. Bị bắt lại, cán bộ giám hiệu đứng trên thềm khung nhà vừa bịt mũi vừa hỏi mày tên gì? Ca.si.mo..do. Láo! Tên Tây! Nó bị lôi ra dìm dưới suối và cùm. Nhờ được giao dạy cho các tù nhân hình sự biết đọc, nên nhà văn lẽn đến chỗ cùm, cho y một tán đường và mì gói. Qua. Si.mo.do, tên của tôi trước kia. Tôi trốn đi, tôi muốn về nơi đó.


Chuyện xảy ra năm 1986. Sau 30/4/75 Tố Hữu dặn Nguyễn Đắc Xuân vào Saigon nói với Phạm Duy và TCS hãy cứ ở đó chứ đừng đi đâu cả. Nhưng nhiều anh em Phong Trào ở Saigon không thích quan điểm lập trường chung chung của họ Trịnh; vì thế TCS về Huế để có bạn bè và để thoát không khí nghi kỵ. Sách còn cho biết tiếp, TCS không ngờ về quê hương lại bị dội một gáo nước lạnh. Huế cũng có phong trào “Hạ bệ Phạm Duy- Hoàng Thi Thơ và Trịnh Công Sơn”.


Một buổi tối tọa đàm đã diễn ra tại Hội Văn Nghệ để trả lời câu hỏi “TCS có công hay có tội?”. Nhờ xấp tài liệu báo Saigon đăng lệnh cấm phổ biến nhạc họ Trịnh có tính thuyết phục nên buổi tọa đàm đi đến kết luận: TCS có công lớn hơn có tội với cách mạng và giao cho một bạn trao đổi với TCS viết tự nhận xét về mình. Chưa quen với lối sinh hoạt nên khi bị Hoàng Phủ Ngọc Tường kêu làm lẹ đi, TCS có ý trách là bị ép..


Thời gian ở Huế là một giai đoạn thử thách ghê gớm đối với đời sống của TCS. Sách của Nguyễn Đắc Xuân, nhằm chứng minh TCS thuộc về bên này hay bên kia, viết rõ thêm, TCS có đi lao động sản xuất như mọi người chớ không đi lao động cải tạo và vì “ăn ít uống nhiều”, ói mửa mật xanh mật vàng ngay tại chỗ nên càng ngày càng gầy rộc đi.



TCS là anh cả, vốn dĩ được má và 14 em trai gái, dâu r chăm sóc rất chu đáo nên chuyện phải tìm cách chuyển công tác về lại Saigon năm 1978 là chuyện tất yếu. TCS thích ăn ngon mặc đẹp; buổi sáng ra khỏi phòng quần áo đã tươm tất. Như Những Dòng Sông, sách của em rể Hoàng Tá Thích, do nhà xut bản Văn Ngh in, cho biết TCS có cả một tủ quần áo, toàn đồ hàng hiệu và giày thì nhiều không đếm xuể;


sắp hàng hàng lớp lớp; và thông thường có riêng hai người giúp việc; sau này còn có người thứ ba chuyên xoa bóp tay chân.


TCS chịu chơi



Tiện nghi vật chất quá dư thừa, lại có nhiều bạn mới thuộc đủ thành phần trong xã hôi ngưỡng mộ tài năng; nhưng theo Hoàng Tá Thích, những lúc buồn TCS hay để tâm trí quay về thời còn trẻ và chỉ ước ao có được một người bạn thuở xa xưa để cùng nhau tâm sự.

Còn Nguyễn Đắc Xuân thì cho rằng: TCS đã “chịu chơi” hơn Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán... là đã dấn thân vào thực tế, viết phục vụ chính trị của đất nước hòa bình độc lập; có sáng tác mới như Em ra nông trường, khóc cho những người bạn trẻ nằm xuống; nhưng hơi nhạc chưa nhập được với nhịp điệu của cuộc sống mới. Trên tờ “Cửa Việt" trả lời câu hỏi tại sao so với trước năm 1975, ông viết ít đi và yếu đi, TCS nói, ông thấy một cái gì đó đã lệch đi trong đời sống tinh thần và tình cảm của mình và không còn bị cám dỗ bởi những giấc mơ nữa; đồng thời mất đi việc muốn trình bày điều mới lạ.


Một bạn cũ thời Quán Văn và Văn Khoa cuối năm 1999 gặp TCS tại Hội văn nghệ Sĩ ở Saigon sau hơn 30 năm xa cách; thấy bạn mình vẫn nụ cười hiền lành, nhưng buồn bã, vẫn từ tốn, phong nhã, vẫn đôi kính đồi mồi, nhưng trước mắt là một TCS bệnh hoạn, mệt mỏi. Từ Thức Trần Công Sung kể lại, TCS cho biết rượu đã tàn phá lá gan đến độ không có thuốc trị. Gợi ý về một chuyến đi ngoại quốc chữa bệnh, thăm bạn bè, TCS giọng từ tốn đáp, sang đó, sợ các ông ấy đập; sự thực bên Pháp không có vấn đề; kỳ trước, anh em đãi ngộ rất tử tế. TCS tiếp: nói cho đúng mình mệt lắm, có muốn cũng không đi được. Đưa số điện thoại nhà và dặn: ráng đến chơi, mình có chuyện muốn nói. Thằng em mình, biết cậu về, chắc nó mừng lắm.


Em TCS cũng hay la cà ở Quán Văn. Có lẽ TCS muốn nói những gì không thể nói được ở một nơi có nhiều người qua lại. Từ Thức trong Trịnh Công Sơn và Những Ngày Văn Khoa, cho hay không có thì giờ tới nhà bạn nên chỉ gọi điện thoại giã từ. TCS giọng buồn: chắc mình không có dịp gặp lại anh em nữa. TCS ra đi ngày 1 tháng tư 2001, thọ 62 tuổi. Ngày tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng, theo em rể Hoàng Tá Thich, tại nghĩa trang, hàng ngàn người vây quanh mộ, vừa khóc vừa hát những ca khúc của anh từ Nối Vòng Tay Lớn, Diễm Xưa, đến Biển Nhớ, Mưa Hồng, Một Cõi Đi Về, Nhìn Những Mùa Thu Đi, hát mãi không ngừng.

Ca khúc Nối Vòng Tay Lớn cũng thường được hát trước 1975 trong giới sinh viên học sinh, khi quy tụ sinh viên hải ngoại trở về sinh hoạt ở miền Nam và trên đài Saigon ngày 30/4/75. Mộ TCS nằm cạnh Má, đúng với ý nguyện của anh trước khi nhắm mắt. Và Một Cõi Đi Về, Tiến Thoái Lưỡng Nan, Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng không ai hát qua được tác giả. Theo người em rể, những bạn bè mới sau ngày đất nước thống nhất không biết rõ cuộc đời anh mình. Đúng vậy.Trước năm 1975,Thiếu tá Không quân Bằng Phong Đặng văn Âu thường giao du với TCS. Một lần bàn về thời sự, Bằng Phong nói, lính tráng bọn này mới mong tiếng súng chấm dứt chớ đám phản chiến Ngô Bá Thành , Nguyễn Ngọc Lan, Nhất Hạnh .. chỉ là phản chiến bịp.


Họ có chết đâu? TCS trả lời là ông lên án cả đôi bên. Ông là một nghệ sĩ; không phải cán bộ tuyên truyền. Ông giải thích, Đàn bò vào thành phố, không còn ai hỏi thăm trong bài Du Mục nêu rõ cái nhìn của ông về cuộc nội chiến. Chuyện diễn ra năm 1972, thời mùa hè đỏ lửa tại nhà TCS trước chùa Vĩnh Nghiêm Saigon. Đặng văn Âu kể lại như vậy khi chúng tôi nhắc tới người bạn cũ, một nhạc sĩ tài hoa của miền Nam, có đủ tất cả tật xấu của con người; nhưng không đến độ như nhạc sĩ Phạm Tuyên, bố Phạm Quỳnh bị chết thảm, bị hạ nhục vẫn sáng mắt, sáng lòng ca tụng kẻ giết bố mình.

1

* * * *


May có một thời như vậy, nên từ 1954-1975, theo Võ Phiến , miền Nam đã có một nền văn học thành hình thật nhanh, phát triển tưng bừng, vội vã. Sau tháng 4/75 cùng với chiến lợi phẩm và hàng tiêu dùng từ Nam tràn ngập Hà nội, các băng nhạc TCS và nhạc vàng đã chinh phục miền Bắc; dù rằng Cộng sản Việt Nam đã đốt phá năm lần, bảy lượt.


Phỏng vấn của Thụy Khuê trong chương trình Văn học nghệ thuật RFI, ngày 14 và 21/6/2008 , nhà văn Vương Trí Nhàn đã thừa nhận Văn học miền Nam đã đi trước cũng như đã để lại những thành quả mà bây giờ chúng tôi không dễ gì vượt qua. Hơn 35 năm sau, một bài báo trên Báo Thể Thao Văn Hoá ngày 16/11/10 cho biết, ở Hà nôi và Saigon , công chúng vẫn còn yêu thích những dòng nhạc cũ vì nó đã ăn vào lòng người nghe từ bao thập niên.


Nó vẫn được đón chào, và giới trẻ còn thuộc lòng từng lời ca, điệu nhạc; cả tên tuổi của từng ca sĩ sở trường thể loại nào. Cũng trong thời gian đó, ở miền Bắc vì văn học và nghệ thuật phải phục vụ Đảng nên nhạc sĩ Tô Hải, qua Hồi Ký của một thằng Hèn phải la lớn: Văn Học Nghệ Thuật ở Miền Bắc: một lỗ hỗng lớn. Nhà văn Vương Trí Nhàn trong phỏng vấn của Thụy Khuê còn nói rằng, nếu công nhận Văn học miền Nam thì Văn học miền Bắc coi như là thua, là kém, là không ra gì cả, thậm chí là hỏng, là vứt đi. Vì đâu nên nỗi? Thay vì có một thời như thế lại có một thời bao cấp, nô lệ đàn anh Trung Quốc, Liên Sô, theo mô hình của họ: nắm bao tử, kiểm soát cái đầu.

Bác và đảng muốn Việt Nam có nhịp thở đập theo những tín điều nhập khẩu từ các nước Nga Tàu. Ngòai ra, còn bị thiến. Họ thiến của tôi bộn bàng. Cụ Vương Hồng Sễn, la hoảng trong Nửa Đời Còn Lại khi bị nhà nước cắt bỏ quá nhiều. Thời đại văn thiến Hồ Chí Minh chỉ còn rặt một loại người Nói dối lem lẽm như Nguyễn Khải đã viết.

Phan Thanh Tâm Sain Paul, 12/2010

http://www.gio-o.com/PhanThanhTam.html

© gio-o.com 2010


No comments: