Nguyên Sa (sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội[1]- mất 18/4/1998) tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như "Áo lụa Hà Đông", "Paris có gì lạ không em", "Tuổi mười ba", "Tháng Sáu trời mưa", v.v.
Năm 1953, ông đậu tú tái Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này. Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước. Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời. Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998. [sửa] Dạy học Ở Sài Gòn, Nguyên Sa dạy triết tại trường Trung học Chu Văn An, đồng thời mở lớp tại nhà dạy triết cho học sinh chuẩn bị thi tú tài 2.
Ông cũng có thời gian dạy triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông mở hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi. Ngoài hai trường nhà, ông còn cộng tác với nhiều trường khác ở Sài Gòn như: Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền. [sửa] Báo chí Tại Việt Nam, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện Đại. Tạp chí này được xem là một trong ba tạp chí sáng tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Sáng Tạo và Thế Kỷ 20. Qua Hoa Kỳ, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Đời, trung tâm băng nhạc Đời và nhà xuất bản Đời.
Về phương pháp làm thơ, Nguyên Sa có thuyết cho rằng vần thơ nếu luôn luôn thật sát thì sẽ nhàm chán. Vần không sát hẳn, thậm chí lạc vận, nếu sử dụng đúng cách, đúng chỗ, vẫn ra một bài thơ hay. Ông nói nhiều về thuyết này trong Nguyên Sa - Hồi Ký. (Trích: "Vần thơ có vần chỉnh, vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vần chỉnh không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng sự sử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông trở thành vần chỉnh, vần cưỡng và ngày cả vần lạc cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời, giữa đất mênh mông.") Thơ Nguyên Sa có một số bài được biết đến nhiều hơn qua những bài hát do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc: Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Tháng sáu trời mưa.
Tác phẩm
Thơ
Thơ Nguyên Sa tập 1
Thơ Nguyên Sa tập 2
Thơ Nguyên Sa tập 3
Thơ Nguyên Satập 4
“Truyện dài”"
Giấc mơ 1
Giấc mơ 2
Giấc mơ 3
Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ
BIÊN KHẢO
Descartes nhìn từ phương Đông
Một mình một ngựa
Một bông hồng cho văn nghệ
Hồi ký
Cuộc hành trình tên là lục bát
Sách giáo khoa
Luận lý học
Tâm lý học
Mùa xuân buồn lắm em ơi
Mùa xuân buồn lắm em ơi
Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
Đạp xe qua nhà em
Nhìn vào ngưỡng cửa
Nhà số 20
Anh nhớ em má hồng ...
Anh nhớ nhà em có cửa sơn xanh
Có một hàng rào, có thầy, có mẹ ...
Có ngựa chạy trong trường đua, người đi ngoài phố
Nên anh đạp xe đi
Rồi đạp xe về
Mà chẳng có đôi ta ...
Mùa xuân buồn lắm em ơi
Mỗi lần đạp xe về anh vẫn nghe lòng bỡ ngỡ
Chiếc xe còn nguyên màu sơn xanh
Nhưng tâm hồn đã ngả sang màu sắt gỉ
Bởi vì từ Saigon lên tận trường đua Phú Thọ
Hết cả tiến uống một ly nước mía
Mà cũng không gặp em
Nên khát đắng linh hồn
Không phải anh ngại đường xá xa xôi
Anh cần gì đường dài
Anh cần gì nước mía
Anh cần gì hoa thơm và chim cười trong lá biếc
Cũng chẳng cần cỏ thêu xanh cánh đồng xa biền biệt
Nhưng làm sao không có bóng hai người đè lên cỏ úa
Để anh nghe em cười mà thấy cả mùa xuân ...
Làm sao chỉ có một mình anh
Vừa đạp xe, vừa ngâm thơ (mà đường vẫn dài)
Ngửa mặt lên cao, trời xanh biêng biếc
Làm sao em không ngó xuống linh hồn ?...
Sao mùa xuân mà chẳng có mưa bay
Chẳng có người đi bên cạnh cầm tay
Anh chẳng được hôn lên trán ái tình
Và nói năng những lời vô nghĩa ...
Paris Có Gì Lạ Không Em ?
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim
Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em ?
Em có đứng ở bên bờ sông ?
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng
Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
Mỗi lần tan một chút sương sa
Bao giờ sáng một trời sao sáng
Là mắt em nhìn trong gió đưa ...
Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay
Anh sẽ chép thơ trên thời gian
Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
Vì em hay một vừng trăng sáng
Đã đắm trong lòng cặp mắt em ?
Anh sẽ đàn những phím tơ trùng
Anh đàn mà chả có thanh âm
Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ
Để lúc xa vời đó~ nhớ nhung
Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về mắt vẫn lánh đen
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen ?...
Tháng Sáu Trời Mưa
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cứ lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng...
Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gởi cho nhau từng hơi thở muà thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ
Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn
Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời bằng những tối tân hôn
Nếu em sợ thời gian dài vô tận
Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa ?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc
Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu
Tương Tư
Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia ?
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay ?
Có phải mùa xuân sắp sửa về
Hay là gió lạnh giữa đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi ?
Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương
Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa
Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghề thường
Cho nên đôi mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em.
Tuổi Mười Ba
Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba .
Tôi phải van lơn: ngoan nhé đừng ngờ
Tôi phải dỗ như là tôi đã lớn
Phải thẹn thò như sắp cưới hay vùa sêu
Phải nói vơ vào, rất vội: người yêu
Nếu ai có hỏi thầm: ai thế ?
Tôi nói lâu rồi nhưng ngập ngừng khe khẻ
Để giận hờn chim bướm trả dùm tôi
Nhưng rồi lòng an ủi nắng chưa phai
Hình chưa cũ vì tình chưa mới ...
Má vẫn đỏ một màu con gái
Với những lời hiền dịu nhưng chua ngoa
Lòng vẫn ngỡ ngàng tóc ướp bằng thơ
Sao hương sắc lên mắt mình tình tứ
Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chim sẻ
Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
Tôi biết nói gì cả trăm phút đều thiêng
Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng
Chân dịu bước và mắt nhìn vương vướng
Nàng đến gần tôi chỉ dám quay đi,
Cả những giờ bên lớp học trường thi
Tà áo khuất, thì thầm: "chưa phải lúc..."
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím.
Chả có gì sao lòng mình cũng thẹn
Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ: hay là ai ...?
Trăm bức thư lót giấy kẻ dòng đôi
Mà nét chữ run run dù rất nhe.
Tôi đã viết hay chỉ thầm âu yếm kể
Tôi đã nhìn hay lặng lẽ say sưa
Và lo sợ khi lòng mừng quá đỗị
Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng, hư quá! sao mà kiêu ...
Nên đến trăm lần: "nhất định mình chưa yêu ..."
Hôm nay nữa ... nhưng lòng mình ... sao lạ quá ...
Hư Ảo Trăng
Nguyên Sa
Hư ảo nào như hư ảo trăng
Em đàn cung nguyệt hát cung vân
Ta về đúng lúc đêm đang tới
Tìm thấy trong thơ chiếc nguyệt cầm
Hư ảo nào như hư ảo mây
Em cười trong nắng, áo trong tay
Thơ trong tà áo, em trong gió
Ta nhớ mơ hồ mây trắng bay
Hư ảo nào như hư ảo em
Tiếng cười khua động những thân quen
Đời xưa ta nhớ mây tiền kiếp
Còn lúc bây giờ ta nhớ em
Hư ảo nào như hư ảo ta
Xòe tay năm ngón động âm ba
Nhìn quanh bất trắc cao thành núi
Đứng tựa vai làm tri kỷ xưa
Hư ảo nào như hư ảo trăng
Trời đưa ta tới chỗ em nằm
Em như huyền hoặc, đời như mộng
Ta ngả lưng làm một giấc trăng.
Thản Nhiên Như Vũ Trụ
Nguyên Sa
Khi ta cầm tay em
Ta bỗng nhiên
Muốn cất tiếng hát
Nghêu ngao
Tại sao
Làm sao ta biết?...
Khi cầm tay em
Ta bỗng như mây
Trôi lãng đãng
Trôi trên trời em
Trôi trên biển em
Trôi vào xứ sở em...
Chính nơi đó
Ta khám phá ra
Có chỗ sâu hơn biển
Và ta cất tiếng hát nghêu ngao ...
Ta bỗng khám phá ra
Ta biết làm thơ
Hơn thế nữa
Ta thấy mình là thi sĩ đời xưa
Ta cất tiếng hát nghêu ngao
Gọi em
Là em gái!...
Phía sau ta
Dường như có cả một tinh cầu xôn xao
Trong xứ sở em
Bàn tay em nằm im
Bàn tay ta nằm im
Ta yêu em, đúng thế, ta yêu em
Thản nhiên như vũ trụ ...
Cần Thiết
Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mờ ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc ...
Không có anh nhỡ một mai em khóc
Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi
Tóc sẽ dài thêm mớ tóc buồn thơ
Không có anh thì ai ve vuốt
Không có anh lấy ai cười trong mắt
Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
Ai cầm tay mà dắt mùa xuân
Nghe đường máu run run cành lộc biếc
Không có anh nhỡ ngày mai em chết
Thượng đế hỏi anh tại sao tóc em buồn
Sao tay gầy, sao đôi mắt héo hon
Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục ...
LỜI NĂN NỈ
Đừng bay nữa, con hảI âu dại khờ
Ở mãi tận cùng đại dương và trí nhớ
Mặt trời làm rã đám băng
Anh đã nhìn thấy trong môi em vừa thở
Trong thảo mộc và thịt xương
Trong chín cánh lộc non, trong mười trồi vị giác
Thân thể mùa xuân đã cựa mình huyền sử
Con nai vụng về còn di chuyển đi đâu
Miền đất mới đang reo vui dưới chân
Bài hợp ca đã nghe cất lên
Từ lớp tế bào tinh khôi của mắt em vừa mở
Còn bỏ chạy đi đâu, này con thỏ e dè
Khát khao đứng đợi trong từng khóm cây
Những vết lông ngỗng đã rủ nhau hiện ra
Trên những móng tay em rực đỏ
Năm ngón tay
Năm ngón tay
Trên bàn tay năm ngón
Cả ngón dài, ngón ngắn
Có ngón chỉ đường đi
Có ngón tay đeo nhẫn
Ngón tay tô môi
Ngón tay đánh phấn
Ngón tay chải đầu
Ngón tay đếm tiền
Ngón tay lái xe
Ngón tay thử corset
Ngón tay cài khuya áo
Em còn ngón tay nào
Để giữ lấy tay anh ?
(Nguyên Sa)
BÀI THƠ CỬU LONG
Có gì đâu em: có một đoàn người
Có một đoàn người góp sức góp vai
Cùng rủ nhau về góp một thành hai
Những bước chân góp đi làm đến!
Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!
Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen
Góp những giọng hò làm trống ngũ liên
Góp những bàn tay dựng thành đại hội
Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với
Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung
Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm...
Để sáng ngày mai làm sông làm biển.
Có gì đâu, có một đoàn người
Bên bờ Cửu Long gõ nhịp
Cả dòng sông gõ nhịp vịn bờ sông
Họ rủ nhau về sương gió vui chung
Dù có phút nước mắt chạy quanh
Hay miệng cười hớn hở
Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đê.
Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam
Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang
Nhưng dù má bừng lửa cháy
Trán đổ mồ hôi
Họ cùng không đóng cửa mừng vui
Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười
Không phải khóc
Một đời người tầm gửi
Nhớ không em?
Nhớ không em
Họ gặp nhau
Chờ nhau
Đón nhau
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Hội lòng người như nước nguồn xối xa?
Mưa trường thiên chảy ứ vào trào thơ
Mưa đời người trôi cả nghĩa vu vơ
Để lòng chúng mình
Và mạch máu Đồng Nai
Đập cùng một nhịp
Anh biết rằng:
Có người khóc vì mừng vui ước hẹn
Có người cười vì tủi cực phôi pha
Anh biết nói làm sao
Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà
Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh
Anh biết nói làm sao
Khi họ gặp nhau (anh đã bảo em)
Như sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Vẫn tiếng sóng về nước chảy triền miên
Vẫn Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Dòng sông dài dữ dội bản trường ca...
Phải, dòng sông dài dữ dội bản trường ca
Nên sông đã về làm tràn đầy mắt biển
Sông đã về rửa trắng lòng anh
Đợi từ chín kiếp giao thừa
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa dòng sông
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa mùng một Tết...
No comments:
Post a Comment