Sunday, December 26, 2010

ĐỖ NAM HẢI * NGỤC TRUNG NHẬT KÝ




Một vài suy nghĩ sau khi đọc lại tập thơ
NHẬT KÝ TRONG TÙ

Phương Nam (Đỗ Nam Hải)


Nhân dịp kỷ niệm 118 năm, ngày sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2008), nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, địa chỉ: 24, Quang Trung, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã tái bản tập thơ "Nhật Ký Trong Tù" (còn được gọi là "Ngục Trung Nhật Ký"). Người chịu trách nhiệm xuất bản là Tiến sĩ Nguyễn Duy Hùng và người chịu trách nhiệm về nội dung là Tiến Sĩ Nguyễn Minh Nghĩa. Thơ được in xong và nộp lưu chiểu năm 2008.



Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản trên, ở trang 7, thì:

đây là một tập thơ chữ Hán gồm hơn 100 bài thơ, phần cuối có ghi chép về quân sự và thời sự, được Chủ Tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian hơn 1 năm(29/8/1942-10/9/1943), người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép tại các nhà tù ở tỉnh Quảng Tây Trung Quốc…Tập thơ được đánh giá là một văn kiện lịch sử quan trọng, một tác phẩm văn học xuất sắc, có tác dụng giáo dục sâu sắc; phẩm chất và đạo đức cách mạng cho nhiều thế hệ.

Như nhiều người Việt Nam ở trong nước, tôi cũng đã từng học, từng đọc và từng nghe nhiều về tập thơ ấy. Trong tháng 8 năm 2008 nầy, tôi cũng có dịp đọc lại nó. Tuy nhiên, mục đích của tôi khi viết bài nầy không phải là để đi phân tích về phong cách nghệ thuật của tác giả tập thơ. Bởi một lẽ đơn giản: tôi không phải là nhà thơ, nên dẫu có muốn thì tôi cũng không có đủ khả năng để làm công việc ấy.

Mục đích chính của tôi khi viết bài nầy là muốn nêu lên một nhận xét lớn nhất, bao trùm nhất của mình đối với quí vị đọc giả, rằng: dường như tâm hồn của tác giả tập thơ "Nhật Ký Trong Tù" là tâm hồn của một người Trung Hoa chứ không phải là tâm hồn của một người Việt Nam! Mà Chủ tịch Hồ Chí Minh như chúng ta đã biết thì cả quê nội và quê ngoại của Ông đều thuộc Xã Kim Liên, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An, thuộc miền Trung Việt Nam. Điều đó có nghĩa Ông là một người Việt Nam 100%, thì theo tôi rất khó có cơ sở để nói rằng ông là tác giả của "Nhật Ký Trong Tù" được. (Trừ khi Ông là người Việt Nam nhưng lại hoàn toàn mang tâm hồn của người Trung Hoa khi làm thơ thì thôi, không nói làm gì).

Để chứng minh cho nhận xét trên của mình, tôi xin được đi vào phân tích nội dung của một số bài trong tập thơ ấy. Trước hết là bài "Tết Song Thập Bị Giải Đi Thiên Bảo", trang 68:

Nhà nhà hoa Tết với đèn giăng
Quốc Khánh reo vui cả nước mừng
Lại đúng hôm nay ta bị giải
Oái oăm gió cản cánh chim bằng

Theo tôi, với một người đang bị tù thì việc người đó hồi tưởng về quá khứ, kể cả việc hồi tưởng về ngày Quốc Khánh của tổ quốc mình thì đó là chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, hai chữ "Song Thập" có trong tựa đề của bài thơ trên có nghĩa là gì? Theo chú thích ở trang 293 của chính tập thơ trên thì: "Song Thập tức là ngày mùng 10/10 là ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Dân Quốc trước đây."

Như vậy là đã rõ: Ngày Quốc Khánh ở đây là ngày Quốc Khánh của Trung Hoa chứ không phải là ngày Quốc Khánh của Việt Nam. Và cái việc nhà nhà kết hoa, giăng đèn ấy dĩ nhiên cũng là nhà nhà Trung Hoa chứ không phải là nhà nhà Việt Nam!

Để rõ hơn, chúng ta hãy cùng trở lại với lịch sử Trung Quốc đầu thế kỷ thứ 20 vừa qua: ngày 10/10/1911, tại Vũ Xương, Trung Quốc đã diễn ra cuộc khởi nghĩa của nhiều tổ chức cách mạng Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa dành thắng lợi tại Vũ Xương đã mở đường cho sự thắng lợi toàn diện của cuộc cách mạng dân chủ tư sản, kết thúc chế độ quân chủ lập hiến ở Trung Quốc. Hai ngày sau, nước Trung Hoa Dân Quốc được thành lập và cuộc cách mạng đó còn được gọi là cuộc Cách Mạng Tân Hợi.

Sự hồi tưởng về quá khứ của nhà thơ thì đã là như vậy, thế còn những chiêm nghiệm về hiện tại của ông thì sao? Trong bài "Kỷ Niệm Họ Hầu Tặng Một Cuốn Sách" trang 267, tác giả viết:

Sách ngài chủ nhiệm mới đưa sang
Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang
Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ
Chân trời một tiếng sấm rền vang

Theo chú thích ở trang 298 thì "Hầu chủ nhiệm tức Hầu Chí Minh là chủ nhiệm chính trị chiến khu 4, người đã trực tiếp thả Hồ Chí Minh theo lệnh của Tưởng Giới Thạch."

Còn theo lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam thì: tháng 1/1941, Chủ Tịch Hồ Chí Minh về nước, sau gần 30 năm xa tổ quốc. Ông ở tại hang Pắc Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tháng 5/1941, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) ra đời, do ông làm lãnh tụ. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là: bản thân ông Hồ Chí Minh đã là lãnh tụ rồi thì cái sự "Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ" là lãnh tụ nào nữa? Tôi đã thử đưa ra những giả thiết có thể, nhưng bằng phương pháp loại trừ đã cho phép tôi kết luận: cả vị lãnh tụ lẫn nhà thơ trong bài thơ trên chỉ có thể là hai người Trung Hoa, chứ không thể là hai người Việt Nam được!

Mặt khác, đọc hết toàn bộ tập thơ, người đọc tuyệt nhiên không hề thấy tác giả đề cập gì đến những tên sông, tên núi, tên người Việt nam đã từng đi vào sử sách, thơ ca. Đâu rồi những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa? Đâu rồi những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám? Và đâu rồi những sự kiện lịch sử chỉ mới diễn ra ở Việt Nam một vài năm, trước khi ông Hồ Chí Minh bị bắt như: Hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9/1940), Nam Kỳ (11/1940) và cuộc binh biến Đô Lương (01/1941), với máu của bao người Việt Nam đã đổ xuống vì nền độc lập dân tộc? Ngay cả những đồng chí cộng sản của ông như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, v.v... Tất cả đều không thấy xuất hiện trong "Nhật Ký Trong Tù".

Đọc đến đây, có thể có người sẽ nêu ý kiến phản biện cho rằng: vì Chủ Tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang bị tù ở Trung Quốc nên rất có thể ông đã tạm quên Việt Nam đi trong tâm thức của mình chăng? Nhưng theo tôi, ý kiến nầy là rất khó thuyết phục. Bởi vì, thực tế sau đây sẽ chứng minh cho điều ngược lại: trong cuốn sách "Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch", do Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội phát hành vào năm 2001, tác giả Trần Dân Tiên người đã viết lại theo lời kể của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, vào tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, về giai đoạn nầy của ông ở trang 105 và 107 như sau:

Đi liền 10 đêm và 5 ngày, Cụ Hồ đến một thị trấn Trung Quốc, chưa kịp nghỉ chân thì chiều hôm đó Cụ bị bắt. Và gian khổ lại bắt đầu. Quốc Dân Đảng giam Cụ vào nhà lao T.H.S hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm đeo cùm… Trong khi Cụ Hồ lê lết tấm thân mệt lử từ nhà giam nầy đến nhà giam khác, có lẽ những việc lớn đang dồn dập trong nước và trên thế giới. Ai khuyên bảo đồng chí? Ai giúp đỡ và đẩy mạnh việc tổ chức? Có lẽ các nước đồng minh đã đổ bộ lên Đông Dương? Có lẽ Pháp-Nhật đã cắn nhau? Có lẽ các đồng chí trong Đảng Cộng Sản Đông Dương và các hội viên Việt Minh đang đau đớn hỏi nhau Cụ Hồ bị tai nạn gì? Lòng Cụ Hồ rối như tơ vò vì phải ngồi im vô ích, trong khi công việc đang đòi hỏi Cụ mà thời gian đi qua không chờ người.

Như vậy cũng là đã rõ: thế thật vô lý nếu như những mối lo gan ruột kia lại không hề được nhà thơ Hồ Chí Minh thể hiện gì, dù chỉ là một dòng trong "Nhật Ký Trong Tù"? Ngoài ra, tôi còn có thêm thắc mắc nữa là: tại sao lần nầy đi tù tại Quảng Tây- Trung Quốc, thời gian là hơn một năm (08/1942 đến 09/1943) thì Chủ Tịch Hồ Chí Minh lại nổi hứng làm thơ? Trong khi, lần đi tù trước ở Hồng Kong, thời gian là gần hai năm (từ 06/1931 đến 01/1933) lâu hơn thì lại không thấy ông làm thơ? Tôi tin rằng, nếu ai đọc kỹ tập thơ trên thì cũng đều có những thắc mắc tương tự như tôi hoặc nhiều hơn tôi.

Nói tóm lại, viết về Chủ Tịch Hồ Chí Minh, lại viết về một vấn đề có tính nhạy cảm như thế này, tôi hiểu rằng là cần phải hết sức thận trọng. Nhưng theo tôi, dù vấn đề có là nhạy cảm và cần phải thận trọng đến đâu đi chăng nữa thì không có nghĩa là không nên viết, không nên phản biện lại những gì liên quan đến ông. Tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, kể cả những ý kiến phản biện của đọc giả xa gần. Mục đích là để có thể sớm đưa ra được kết luận chính xác về vấn đề nêu trên. Tôi xin chân thành cảm ơn trước.

Điều đáng buồn ở Việt Nam từ trước đến nay, nhất là ở lĩnh vực khoa học xã hội là tình trạng phản biện phổ biến theo kiểu "Một chiếc máy bay chia thành hai tốp máy bay!?". Điều đó hoàn toàn là hình thức và phản khoa học. Nó vừa gây mất thời gian, tiền bạc của xã hội; vừa tạo ra sự xuê xoa, nể nang, thậm chí là lừa dối lẫn nhau, rất tai hại.

Đề cập đến vấn đề này, nguyên tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Sô (giai đoạn 1985-1991) M. Gorbachev đã có những nhận xét rất xác đáng trong cuốn sách "Cải Tổ Và Tư Duy Mới" – Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội 1988, trang 24 như sau:

Trong khoa học xã hội nẩy nở thói lý luận kinh viện. Những tư tưởng sáng tạo bị loại trừ ra khỏi ngành khoa học xã hội. Những sự đánh giá và phán đoán hời hợt, duy ý chí trở thành những chân lý không thể bác bỏ được mà chỉ cần thuyết minh. Những cuộc tranh luận khoa học, lý luận và những cuộc tranh luận khác bị cướp mất nội dung sinh động, mà không có những cuộc tranh luận nầy thì không thể phát triển tư tưởng, không thể có sinh hoạt sáng tạo được. Những khuynh hướng tiêu cực không chừa các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính trị và các lĩnh vực giáo dục, y tế. Và ở đây nổi lên chủ nghĩa trung bình, chủ nghĩa hình thức, lối nói trống rỗng,…

Khoảng giữa năm 2001, khi còn đang sinh sống tại Australia, tôi có viết bài "Viết Về Chủ Tịch Hồ Chí Minh", với bút hiệu là Phương Nam. Trong đó, tôi có đặt ra một số vấn đề nữa, liên quan đến Chủ Tịch Hồ Chí Minh như sau:

1/ Chủ Tịch Hồ Chí Minh có phải là danh nhân văn hóa thế giới đã được tổ chức UNESCO công nhận, nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của ông (19/5/1890-19/5/1990) như các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt nam đã nêu hay không?

2/ Ở thủ đô Paris của nước Pháp vào đầu thế kỷ thứ 20 vừa qua là chỉ có duy nhất một ông Nguyễn Ái quốc- Nguyễn Tất Thành hay là có đến 5 ông Nguyễn Ái Quốc khác nhau?

3/ Tác giả Trần Dân Tiên viết cuốn sách "Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch", nói ở trên có phải là Chủ Tịch Hồ Chí Minh hay không?

v.v…

Nay xin được trân trọng giới thiệu lại cùng quí vị đọc giả quan tâm, trong phần phụ lục ở dưới bài viết này. Xin trân trọng kính chào.

Phương Nam - Đỗ Nam Hải

Thành phố Sài Gòn - Việt Nam
Tháng 8 năm 2008

Phụ lục: Phương Nam, Viết Về Chủ Tịch Hồ Chí Minh, 2001.

Ghi chú: Vì tôi phải nhờ Nhóm phóng viên Dân Chủ Khối 8406 đánh máy bài nầy bằng cách đọc qua điện thoại, nên chắc chắn khó tránh khỏi những sai xót. Kính mong quí đọc giả thông cảm.

(Nguồn: Đối Thoại, http://www.doi-thoai.com/baimoi0908_009.html)


Đọc thêm:

Đỗ Thông Minh, Tác giả Ngục Trung Nhật Ký là ai? 2008.
Lê Hữu Mục, về HUYỄN THOẠI Hồ Chí Minh, 2003.
Phan Thanh Tâm, Hai Tập Thơ Tù: Nguyễn Chí Thiện & Hồ Chí Minh 2008.
Tâm Việt, Ngục Trung Nhật Ký của Hồ Chí Minh? 2007.

No comments: