Friday, December 24, 2010

RFI * TRUNG QUỐC & MỸ






Trung Quốc 2010 : Rối bời nơi thiên đình


Lễ trao giải Hòa bình Khổng Tử tại Bắc Kinh ngày 09/12/2010. Một bé gái 6 tuổi được nhận 100.000 yuan tiền mặt vì ông Liên Chiến, người được giải, không thèm đến dự lễ.
Lễ trao giải Hòa bình Khổng Tử tại Bắc Kinh ngày 09/12/2010. Một bé gái 6 tuổi được nhận 100.000 yuan tiền mặt vì ông Liên Chiến, người được giải, không thèm đến dự lễ.
REUTERS/Jason Lee
Trọng Nghĩa

Dưới tựa đề đầy tính châm biếm “Rối bời nơi thiên đình” (Great disorder under heaven), tuần báo Anh The Economist số tất niên (16/12/2010), đã điểm lại điều được gọi là “thảm họa ngoại giao” của Trung Quốc trong năm 2010 sắp kết thúc. Theo The Economist, thảm họa này phản ánh tâm trạng bất an của chính quyền Bắc Kinh ngay trong nước.

"Tại sao môi trường bên ngoài lại thay đổi ?" Đây là câu hỏi một học giả Trung Quốc về quan hệ quốc tế tại Bắc Kinh đã đặt ra khi xem xét một vài tháng không tốt đẹp gần đây đối với nền ngoại giao Trung Quốc. Tình hình nội bộ Trung Quốc không có thay đổi lớn nào và chính sách đối ngoại của Bắc Kinh cũng không chuyển biến nhiều. Thế nhưng Trung Quốc lại liên tiếp gây sự với tất cả các đối tác quan trọng nhất của mình. Giới dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đang ngả theo xu hướng xem đất nước họ là nạn nhân của một âm mưu chèn ép đến từ phương Tây, vào lúc quốc gia này đang bắt đầu giành lấy vị trí đúng đắn của mình trên thế giới. Một giải thích hợp lý hơn cho tình trạng kể trên có lẽ là tình trạng lạc điệu của ngành ngoại giao Trung Quốc, thường dựa trên các hành vi bắt nạt và đe dọa.

Đối với các lý luận gia về âm mưu (của Tây phương) chống Trung Quốc, bằng chứng số một của điều này là việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, một nhà ly khai đang bị cầm tù. Theo Global Times, một tờ báo của đảng Cộng sản, lễ trao giải đã đánh dấu sự khởi đầu một "phiên tòa của lịch sử đối với Ủy ban Nobel". Nhưng chính Trung Quốc, thay vì dửng dưng coi khinh hành động bị cho là thiếu tôn trọng đó, thì lại biến việc tham dự lễ trao giải ở Oslo ngày 10/12 thành một bài trắc nghiệm tình hữu nghị theo kiểu ‘theo-ta-hay-chống-ta’. Theo chuẩn mực lệch lạc đó, hầu hết những nước được mời đến Oslo đều thuộc diện chống lại Trung Quốc). Một số nước, chẳng hạn như Ấn Độ, đã phải đối phó với áp lực có phối hợp Trung Quốc.

Danh sách 17 quốc gia nghe theo lời kêu gọi tẩy chay của Trung Quốc, khó có thể chứng minh cho lời phô trương của Bắc Kinh là lập trường của họ được đa số các nước ủng hộ. Một số quốc gia, ví dụ như Việt Nam, có thể là sẽ thích thú khi thấy Trung Quốc bị bối rối, nhưng Việt Nam chắc chắn sẽ đứng lên bảo vệ quyền của một chính phủ được cầm tù các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa. Cuba và Iran cũng thế. Một vài nước khác, như Pakistan, thuộc diện "bạn bè trong mọi thời tiết".

Điều thực sự ngạc nhiên duy nhất là Philippines, nước thường tự hào về nền dân chủ tự do của mình. Nhưng Bộ Ngoại giao của Philippines đã phải cố gắng vuốt ve Trung Quốc, sau vụ giải cứu con tin bị thất bại vào tháng Tám, đã khiến cho 8 du khách Hồng Kông bị thiệt mạng. Cho dù vậy, Văn phòng Tổng thống Philippines cũng đã viện lẽ "lịch trình làm việc chồng chéo" của vị đại sứ của họ. Báo chí địa phương đã đả kích chính phủ về thái đó khiếp nhược đó.

Thực ra giải Hòa bình Khổng Tử mới là “trò hề”

Giới bình luận chính thức tại Trung Quốc đã nhiều lần gọi lễ trao giải Nobel hòa bình là một "trò hề". Thực ra từ ngữ này sẽ chính xác hơn khi được áp dụng cho "Giải thưởng Hòa bình Khổng Tử" đầu tiên, được trao tại Bắc Kinh ngày 09/12. Người được giải là cựu phó chủ tịch Đài Loan Liên Chiến, một người được nhiều cảm tình của chính phủ Trung Quốc do cách tiếp cận hòa hoãn của ông.

Tuy nhiên, ông Liên Chiến đã tuyên bố rằng ông không hề hay biết về giải thưởng trao cho ông, và, tương tự như ông Lưu Hiểu Ba, ông Liên Chiến cũng không thể nhận giải. Do sự vắng mặt của ông Liên Chiến, giải đã được trao cho một "thiên thần của hòa bình", một bé gái sáu tuổi, tự nhiên được ôm một bó 100.000 nhân dân tệ (15.000 đô la) tiền mặt. Sự kiện này không được đón nhận tốt ở Đài Loan, một trong những nơi hiếm hoi mà chính sách của Trung Quốc gần đây dường như khá thành công (có lẽ vì Trung Quốc coi Đài Loan là một vấn đề trong nước).

Ở những nơi khác, Trung Quốc đã đối kháng với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bằng cách từ chối lên án Bắc Triều Tiên về các cuộc tấn công vào miền Nam. Bắc Kinh cũng đã làm cho một chính phủ thân thiện ở Tokyo xa lánh mình, khi phản ứng hung hăng trước vụ tạm giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc vào tháng 9 vì đã đâm vào một chiếc tàu tuần duyên Nhật Bản.

Trung Quốc cũng đã thành công trong việc thúc đẩy nhiều quốc gia vùng ven Biển Đông liên kết lại với nhau nhằm chống lại việc Bắc Kinh thẳng tay từ chối thảo luận về chủ quyền lãnh thổ tại vùng này.

Thậm chí qua tháng 11, Trung Quốc còn lao vào một cuộc chiến với Vatican, khi cho tấn phong một giám mục không được Đức Giáo Hoàng tán thành, và buộc một số giám mục Trung Quốc tham dự lễ tấn phong.

Ngoại giao Trung Quốc là một mớ bòng bong

Có lẽ trái với những lời cải chính của chính mình, Trung Quốc đã quyết định rằng họ thực ra không cần quan hệ êm xuôi với nước ngoài. Hoặc có thể là ngành ngoại giao Trung Quốc đang là một mớ hỗn độn. Vị học giả Trung Quốc đưa ra ba giả thuyết khả dĩ :

Giả thuyết thứ nhất là sự gia tăng can thiệp lộn xộn vào chính sách đối ngoại của các cơ quan "phi ngoại giao" và các nhóm lợi ích đặc biệt, từ các tập đoàn dầu hỏa cho đến quân đội, và trong trường hợp liên quan đến Nhật Bản, của các cơ quan hàng hải và thủy sản.

Thế nhưng có lẽ hai giả thuyết kia có nhiều ý nghĩa hơn : tầm quan trọng ngày càng tăng của dư luận Trung Quốc và sự thiếu vắng một nhân vật chính trị cao cấp phụ trách chính sách đối ngoại. Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì không nằm ngay cả trong số 25 thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, chứ chưa nói đến số 9 thành viên Ủy ban Thường vụ, bộ phận ra quyết định. Không hề có ai để vỗ bàn trong quan hệ đối ngoại. Nước ngoài không mấy quan trọng.

Tuy nhiên, các hành động đe dọa của Trung Quốc thường không hữu hiệu. Cho dù Ấn Độ chẳng hạn, đã không chịu khấu đầu trong vụ nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo vẫn tiến hành chuyến công du đã dự kiến.

Và Bắc Kinh đã xác nhận rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Robert Gates, sẽ viếng thăm Trung Quốc trong năm mới, kết thúc thời kỳ đình chỉ tiếp xúc quân sự cao cấp mà họ đă quyết định vào tháng giêng sau khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Người ta cũng không nghe thấy nói gì nhiều về các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các công ty Mỹ mà Trung Quốc từng đe dọa vào lúc đó.

Những người họ Lưu được blogger Trung Quốc vinh danh

Trong thực tế, đằng sau tất cả những lời đe dọa và thóa mạ các chính phủ nước ngoài, chính công dân Trung Quốc là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ở trong nước, hành động chính quyền Trung Quốc cứng rắn y như lời nói của họ. Họ lo sợ phong trào phản đối có tổ chức và ly khai còn hơn là sợ bị bối rối ở nước ngoài. Vợ của ông Lưu Hiểu Ba đã bị biệt giam. Các nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng hàng trăm người đã bị thẩm vấn hoặc bị giam giữ trước lễ trao giải Nobel. Nhiều người đã bị ngăn không cho rời khỏi đất nước, vì sợ rằng họ đến Oslo. Tin tức về buổi lễ đã bị ém nhẹm trên bình diện rộng.

Tuy nhiên, ngay cả tại Trung Quốc, chính quyền không phải lúc nào cũng buộc được mọi điều đi theo chiều hướng của mình. Giới viết blog đã đăng lời ca ngợi "những người mà họ ngưỡng mộ nhất". Tất cả đều mang họ Lưu, và có cuộc sống phản ánh cuộc đời người vừa đoạt giải Nobel Hòa bình : một tuyển thủ bóng bàn, một nữ diễn viên nổi tiếng, một nhà vô địch chạy vượt rào, một ngôi sao ca nhạc pop và Lưu Thiếu Kỳ, một cựu chủ tịch đã bị săn đuổi cho đến chết trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

Một bài viết ghi nhận : "Ông đã bị cáo buộc một cách bất công và phải trải qua nhiều năm trong tù". Tác giả bài này, tương tự như tờ Global Times, có cái nhìn về lâu về dài. "Nhưng tôi tin rằng tất cả điều này chỉ là thử thách của lịch sử, bởi vì ông (Lưu Thiếu Kỳ) từng nói rằng, may mắn thay, lịch sử là do nhân dân viết nên." Trừ phi là bị Đảng Cộng sản ngăn chặn.

http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20101219-trung-quoc-2010-roi-boi-noi-thien-dinh

Trung Quốc trong vòng "kềm nhẹ" của Mỹ và các láng giềng châu Á


Tổng thống Mỹ Barack Obama tại buổi tiệc chiêu đãi ở New Delhi ngày 08/11/ 2010.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại buổi tiệc chiêu đãi ở New Delhi ngày 08/11/ 2010.
REUTERS/Jason Reed
Trọng Nghĩa

Vòng công du châu Á vào tháng 11/2010 của Tổng thống Mỹ Barack Obama rất được chú ý. Không phải vì 4 nước ông ghé thăm (Ấn Độ, Indonesia,Hàn Quốc, Nhật Bản), mà vì quốc gia không có trong chương trình là Trung Quốc. Trong bài Containment lite trên tờ New York Times (09/11/10), Thomas L. Friedman cho rằng chuyến đi đó minh họa cho điều có thể gọi là "chính sách kềm chế hay ngăn chặn đang nhẹ nhàng áp dụng với Bắc Kinh.

Đừng tin tất cả mọi thứ bạn đọc thấy trên báo. Hãy xem tựa đề sau đây của bài viết trên tờ The Hindustan Times cách nay một vài tuần khi tôi còn ở New Delhi : "Mỹ không tìm cách kềm chế Trung Quốc". Tựa đề này nhắc đến một tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton trong vòng công du châu Á của bà.

Không, Washington không tìm cách ngăn chặn Trung Quốc theo kiểu mà họ đã từng làm đối với Liên Xô thời trước. Thế nhưng, Tổng thống Mỹ Obama đâu phải là đã dành ba ngày tại Ấn Độ để cải thiện kỹ thuật thiền yoga của ông.

Chuyến thăm của ông Obama có mục tiêu là để cho Trung Quốc biết rằng nước Mỹ biết rằng Ấn Độ biết rằng thái độ "hung hăng" gần đây của Bắc Kinh đã làm cho người láng giềng hơi lo ngại, như lời một bộ trưởng Ấn Độ đã nhận định với tôi. Không một láng giềng nào của Trung Quốc dám đề cập công khai đến từ ngữ "kềm chế". Trong thực tế, không một ai trong số họ muốn đi tới tình trạng đó, hoặc có ý định thúc đẩy một chính sách theo chiều hướng đó. Thế nhưng, bầu không khí tại châu Á lúc này đang nồng nặc một tâm trạng lo lắng mới.

Tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc đều muốn Bắc Kinh ghi nhận rõ tín hiệu sau đây : "Đừng mơ tưởng đến việc đỗ xe trên sân nhà tôi". Thậm chí đừng bao giờ nghĩ đến việc sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên để áp đặt đòi hỏi trong các tranh chấp biên giới và các hòn đảo dồi dào dầu hỏa ở Biển Đông. Bởi vì, nếu bạn làm thế, tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc- kể cả Ấn Độ - sẽ buộc lòng phải trở thành những người bạn mới tốt nhất của nước Mỹ.

Đó là lý do tại sao mọi láng giềng của Trung Quốc đều muốn thấy ảnh lãnh đạo của họ chụp chung với Ngoại trưởng Clinton hay Tổng thống Obama – kèm theo những lời chú thích ngầm : "Bạn Trung Quốc ơi, thật tình mà nói, chúng tôi không muốn xiết cổ bạn. Chúng tôi không muốn một cuộc chiến tranh lạnh tại châu Á. Chúng tôi chỉ muốn làm ăn buôn bán và quan hệ tốt đẹp. Nhưng, xin bạn vui lòng đi giữa các vạch trắng, thậm chí cũng đừng nghĩ đến việc đậu xe trong sân nhà tôi bởi vì, nếu bạn làm thế, tôi có người bạn này từ Washington, anh ấy thực sự to lớn.... Và có chiếc xe cẩu trục riêng của mình".

Tôi muốn gọi chính sách vừa kể là chủ trương "chặn trước" hoặc "kềm chế - nhẹ nhàng" – đã dấy lên từ năm ngoái sau khi Trung Quốc đột ngột tăng cường các đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ vùng Biển Đông. Điều này đánh dấu một sự tương phản hoàn toàn với không khí trong khu vực chỉ hai năm trước đây thôi.

Trong vỏn vẹn sáu tháng, Trung Quốc đã tự biến mình thành một kẻ bắt nạt

Như Christian Caryl, một biên tập viên tạp chí Foreign Policy, đã ghi nhận trong bài biên khảo ngày 4 tháng 8 : Trung Quốc trong nhiều năm đã được các chuyên gia Châu Á khen ngợi vì đã rất sắc sảo, thông minh, và khéo léo, trong việc xây dựng quan hệ văn hóa, kinh tế với tất cả các nước láng giềng - và qua mặt người Mỹ xuẩn ngốc. Nhưng chỉ trong vỏn vẹn sáu tháng, Trung Quốc đã tự đẩy mình vào vai trò một kẻ bắt nạt, qua đó thúc đẩy các nước láng giềng trải thảm đỏ đón chú Sam.

Caryl ghi nhận : "Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã nâng đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong vùng Biển Đông lên mức 'lợi ích quốc gia cốt lõi’ ngang bằng với Tây Tạng hay Đài Loan, và điều đó đã làm dấy lên phản ứng giận dữ đáng kể nơi các quốc gia khác trong khu vực - bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam – vốn cũng tuyên bố chủ quyền trên một phần của vùng biển...

Sau đó, như thể là để phòng ngừa khả năng là người Mỹ và Đông Nam Á chưa hiểu thông điệp, Hải quân Trung Quốc đã cho tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn trên biển, triển khai chiến hạm từ cả ba hạm đội của họ. Các vị đô đốc Trung Quốc đứng xem các chiếc tàu bắn ra hàng loạt tên lửa vào một kẻ thù tưởng tượng -.tất cả các hình ảnh đó đều được Truyền hình Trung Quốc ưu ái phát đi một cách chi tiết "

Trung Quốc cũng đã thúc ép, buộc Việt Nam phải ngưng thăm dò dầu khí tại những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc cũng buộc Nhật Bản thả thuyền trưởng một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc, bị bắt sau một vụ va chạm với hai tàu tuần duyên Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp giữa hai bên ở Biển Hoa Đông. Trung Quốc gây sức ép với Nhật Bản bằng cách tạm ngừng xuất khẩu qua Nhật Bản các nguyên liệu đất hiếm rất quan trọng cho công nghế sản xuất tiên tiến.

Brahma Chellaney, chuyên gia phân tích quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Delhi đã viết : "Với Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào quân đội để duy trì độc quyền về quyền lực và bảo đảm trật tự trong nước, các sĩ quan quân đội cao cấp đang công khai ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại".

Nhưng giống như các đồng hương châu Á của họ, người Ấn Độ - cho đến giờ - thực ra là không muốn đi quá chủ trương ngăn nhẹ đối với Trung Quốc. Chắc chắn là Ấn Độ và Trung Quốc đang bất đồng về vấn đề biên giới và Pakistan, nhưng Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất Ấn Độ.

Ngoài ra, không nên quên rằng chính sách ngoại giao của Ấn Độ có một lịch sử lâu dài theo hướng không liên kết. Chiến lược gia Ấn Độ C. Raja Mohan cho biết : "Cho đến cách đây một năm, các cuộc tranh luận lớn Ấn Độ vẫn còn là làm thế nào để đối phó với bá quyền Mỹ". Nhiều người trong giới tinh hoa kỳ cựu của Ấn Độ vẫn còn sợ "Chủ nghĩa đế quốc" và "Chủ nghĩa tân tự do" của Hoa Kỳ.

Sau cùng, nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ Kanti Basu nói rằng : "Trong thâm tâm, người Ấn Độ nào quan tâm đến chiến lược chung đều cảm thấy là Trung Quốc đang lên, còn Mỹ đang mờ dần - và không có dấu hiệu nào cho thấy là người Mỹ sẽ sửa chữa được vấn đề của họ trong thời gian tới." Như vậy, không nên đặt cược quá nhiều vào Mỹ.

Không, Ấn Độ sẽ không nhảy vào vòng tay của Mỹ. Vả lại, chúng ta không đòi hỏi điều đó. Dân chủ, địa chính trị, địa lý và kinh tế, tất cả sẽ kết hợp với nhau để Mỹ và Ấn Độ gần nhau hơn. Và đó là một điều tốt cho cả hai.

Nếu Trung Quốc xử sự thông minh, quan hệ Ấn-Mỹ sẽ không bao giờ đi xa hơn chiến lược ngăn chặn trước. Nhưng nếu Trung Quốc không thông minh, một ngày nào đó, Obama đối với Ấn Độ có thể trở thành một Nixon mới đối với Trung Quốc : kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn thân mới nhất của tôi.

tags: Ấn Độ - Chuyên mục trên mạng - Hoa Kỳ - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/tong-hop/20101206-trung-quoc-trong-vong-kem-nhe-cua-my-va-cac-lang-gieng-chau-a

No comments: