Chiều theo ý của tác gỉa, những họa phẩm của Thái Tuấn không ra mắt giới yêu hội họa dưới hình thức một phòng triển lãm. Tranh của anh được trưng bày tại phòng khách của nhà thơ Ðỗ Qúy Toàn. Tại đây, hầu hết các bạn văn nghệ, cũng như giới chơi tranh tại Montréal đều ghé đến thưởng ngoạn. Mặc dù không có cắt băng, không có diễn văn khai mạc, không có bài giới thiệu tác gỉa...nhưng "phòng tranh bỏ túi" của Thái Tuấn đầy chất lượng nghệ thuật và chan chứa thân tình. Sau những cuộc triển lãm rộng rãi, qui mô tại những phòng ốc đúng tiêu chuẩn nghệ thuật của các quốc gia Ba Tây, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Việt Nam...Thái Tuấn bày tranh giữa lòng bạn hữu, cùng ngồi với nhau để nói về chuyện vui buồn của người cầm cọ. Anh là lớp đàn anh của thế hệ họa sĩ trẻ Sàigòn năm xưa, một người anh cỡi mở và cận kề. Ngoài việc sáng tác, anh còn có công trong việc hình thành và phát triển không khí hội họa mới tại Việt Nam. Số họa phẩm có mặt tại Montréal là kết của những công trình sáng tạo say mê trong nhiều năm dài, anh tị nạn tại Pháp. Ngày anh trở lại St.Mesmin France, gìa nửa số tranh này, anh để lại cho bằng hữu, hoặc bè bạn giữ lại. Thưởng ngoạn tranh Thái Tuấn, những thành viên trong gia đình tạo hình Việt nam phát biểu: ..."Cũng như vẽ đẹp của tranh Thái Tuấn sẽ được nhìn ngắm vượt ngoài những giải pháp kỹ thuật mà ông có khuynh hướng giản lược trong số ít màu sắc và ánh sáng quen thuộc cùng với nét vẽ của riêng ông. Tôi bỗng nghĩ tới bức tranh Hóa Thân * , cách đây đã lâu rồi, mà tôi đã rất thích hồi đó. Ở phòng tranh Thái Tuấn ngày nay, trong từng bức tranh, tôi cũng có cảm tưởng như bắt gặp được sự hoá thân hay nhập thể của cảm thức mỹ thuật, trong mỗi trường hợp riêng lẻ. " Nguyễn Ðồng (Nhật báo Tiền Tuyến , ngày 18-1-1970) *họa phẩm Hóa Thân : bày trong Phòng triển lãm mùa xuân trên 10 năm trước ..."Anh luôn luôn ao ước vẽ một bức họa tinh giản, ít màu, ít nét và để nhiều khoảng trống rộng rãi. Những chi tiết như nếp nhăn trên khuôn mặt hay trên một tà áo thường bị loại bỏ, anh không ưa vẽ từng ngọn cỏ, đếm từng cái lá. Ở đây, chúng ta thấy rất rõ là Thái Tuấn tổng hợp tinh túy của nghệ thuật Á Ðông và kỷ thuật hội họa Âu Châu để vẽ nên những tấm tranh của mình, là sự khoáng đạt của những chấm phá giản dị nơi nghệ thuật thủy mạc cộng với nghệ thuật sơn dầu của phương tây. Anh thường xuyên suy nghĩ , chiêm nghiệm về những khoảng trống để tạo nên không gian mênh mông, hài hòa trong màu sắc trầm mặc" ......."Có nhiều đề tài anh vẽ đi vẽ lại thành nhiều bức, tưởng chừng như sao chép chính tranh mình, song thực ra mỗi lần vẽ thì lại có một nội dung mới tùy theo tâm trạng đổi thay trong khi vẽ. Những nhân vật hay cảnh trí anh vẽ, nếu quan sát và chiêm nghiệm kỹ, sẽ thấy thực đó mà lại không thực. Anh chẳng bao giờ dùng đến người mẫu, ngay cả những chân dung của bạn bè, là những tranh anh thường có vẻ ưng ý nhất. Cảnh vật và con người chỉ là sự chắp nối của những giấc mơ. Nói đúng hơn, anh muốn tạo ra một không gian cho sự vật và con người hoạt động trong đó. Cái chính yếu trong tranh anh là không gian. Một thứ không gian yên lặng, đơn giản, trống vắng , không có sự trang hoàng. Tính chất trừu tượng nằm ở cái nền tranh, anh phải làm việc nhiều với nền tranh hơn là với sự vật, với hình thể trong tranh. Chính từ những hình khối của sự vật mà nền tranh được tạo dựng cho phù hợp, nói một cách khác : sự vật chỉ là cái cớ để anh vẽ nền. Garden Grove, California thángXII,1995 Huỳnh Hữu Ủy (Màu Sắc và không gian trong tranh Thái Tuấn) (Trích đoạn bài in trong" TT Tuyển tập Tranh và Tiểu luận" do VAALA tại Hoa Kỳ ấn hành năm 1996)
Trong công việc sáng tạo, người họa sĩ không sử dụng hình sắc như nhà văn sử dụng chữ nghĩa . Không hề là những dấu hiệu quy ước, hình sắc không có khả năng diễn đạt chính xác minh bạch như chữ nghĩa. Hơn nữa vai trò của nghệ thuật không là sự "minh hoạt" cho tư tưởng, nó không chú trọng đến công việc "tải đạo" như văn chương. Ðối diện khung vải trắng, người làm nghệ thuật cố vượt khỏi thế giới của chữ nghĩa . Hắn tạm tước bỏ danh tính sự vật để bước vào cõi giới của hình sắc đơn thuần; ở đó sự vật chẳng còn hình tướng ý nghĩa như trong cuộc sống bình thường. Mối bận tâm duy nhất của hắn là làm thế nào tìm được thế hòa hợp quân bình cho sắc màu hình nét do sự hướng dẫn của cảm quan thẩm mỹ. Vùi đầu trong cơn sáng tạo, giây phút ấy không còn vấn đề nội dung và hình thức. Ðó là khía cạnh tích cực của công việc sáng tạo. Song dù muốn dù không, trong quá trình sáng tạo sắc màu đường nét sẽ khai mở, đánh thức những suy tư, những tâm sự cùng mọi ảnh hưởng mà nghệ sĩ đã thu nhận từ cuộc sống. Hết thảy những điều đó, có thể để lại những dấu ấn qua sắc màu hình nét, bút pháp trên tác phẩm thì cũng chỉ là sự phản ứng tự động; đôi khi vượt ra ngoài "ý muốn" nghệ thuật của tác giả. Có thể qua những vết tích ấy người ta sẽ tìm thấy những giá trị khác nhau giá trị về lịch sử, về tài liệu, về đạo đức, về chính trị vân vân... Ðó là khía cạnh tiêu cực của công việc sáng tạo đối với nghệ sĩ. " Trong thế kỷ hai mươi này, tôi có nghe nói về nhà danh hoạ Malevitch; ông đã vẽ một bức họa nhan đề : Carré blanc sur fond blanc" * Tranh ông không vẽ gì cả chỉ một khoảng trắng vô biên. Có thể là ông đã mong tự xóa bỏ hết dấu vết của mình. Các nha phê bình nghệ thuật khôn ngoan đều hết lời ca ngợi vẻ đẹp của bức họa. Riêng quần chúng thưởng ngoạn khi đứng trước họa phẩm đều yên lặng kính cẩn, như vị thiền sư nhìn ngắm bức vách trên ngọn núi cao. Trong chốn luận bàn nghệ thuật, thường ý sinh ra lời, song cũng đôi lần lời đẻ ra ý . Orleans 1991 Thái Tuấn (trích "Thái Tuấn, tuyển tập tranh và tiểu luận" do VAALA tại Hoa Kỳ xuất bản năm 1996) *Bức họa này thuộc sở hữu của viện bảo tàng Musie d'Art Moderne de New York (trích Thái Tuấn, Tuyển tập Tranh và Tiểu luận)
|
||||||||||||||||||||||||||
|
No comments:
Post a Comment