Vinashin chỉ là chuyện quá ư nhỏ nhoi
Đăng bởi bvnpost on 03/12/2010
Vũ Cao ĐàmCách đây không lâu, khi câu chuyện Vinashin sốt lên trên diễn đàn Quốc hội và ngay cả trên trang Bauxite Việt Nam, nhạc sỹ Tô Hải đã cảnh báo trên trang blog của mình rằng, các nghị sỹ coi chừng lạc hướng.
Ngay sau bài viết của cụ Tô Hải, trên Bauxite Việt Nam có bài hưởng ứng của hai tác giả Đâu Chăng Tá và Hy Tuệ, viết dưới dạng hơi hài một chút trong mục Thư giãn chủ nhật, nhưng khẳng định: Nhạc sỹ Tô Hải đã đúng. Lão cựu chiến binh, nhạc sỹ Tô Hải, tác giả bản hợp xướng bất hủ, từng làm rung động trái tim của cả triệu con người, Tiếng hát biên thùy, đã than rằng, các nghị sỹ đã kêu ca về chuyện ăn cắp vặt trong nhà, nhưng quên mất sự hiện diện của trái bom đặt trên nóc nhà chờ phút khai hỏa. Ngoài bài báo của Đâu Chăng Tá và Hy Tuệ, tôi chưa phát hiện thấy bài nào quan tâm tới lời cảnh báo của ông già chí sĩ Tô Hải ở tuổi bát tuần có dư này
Câu chuyện Vinashin đang được làm rõ. Tôi đặt tình huống như thế này cho dễ trao đổi: Cứ giả sử rằng món nợ không thể trả được của Vinashin hoàn toàn đúng như đã nêu trên công luận, và khoản tiền hơn tám mươi ngàn tỷ đồng kia đã được tuồn vào tài khoản của một nhóm lợi ích nào đó, thì tôi vẫn cho rằng đó vẫn là chuyện rất nhỏ so với nhiều sự kiện lớn lao nghiêm trọng khác, mà chúng ta mong mỏi các nghị sỹ Quốc hội sẽ quan tâm.
Vả lại, cứ giả sử rằng cái vụ Vinashin là có thật, thì với hệ thống hiện nay người ta vẫn có thể có cách chứng minh được là chẳng có chuyện gì. Tôi cứ lấy một chuyện vui vui để lý giải điều này: Khi ai đó tiết lộ khoản chi để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là 4,7 tỷ đô-la Mỹ, tức gần bằng khoản tiền Đài Loan bỏ ra để mua vũ khí của Mỹ trong năm nay, nhằm tăng khả năng quốc phòng cho đất nước mình, thì một quan chức đã nói trước công chúng rằng, khoản tiền chi cho Hội lễ ngàn năm Thăng Long chỉ có 5000 tỷ thôi.
Các cụ hưu tập thể dục ngoài công viên cười ngất, phán rằng, chỉ cần 1000 lượt cháu gái mặc 1000 bộ áo dài diễu lượn trên cầu Thê Húc đã tốn gần chục tỷ đồng rồi. Các cụ bảo, tính gì chẳng ra… tính khoản này dễ ợt. Các cụ ra tiệm may áo dài phụ nữ hỏi giá, thì được biết mỗi bộ loại đó phải tính khoảng 5 triệu. May 1000 bộ cho các cháu, vị chi là 5 tỷ. Khoản bồi dưỡng cho các cháu có sức tập luyện cộng với khoản tiền thuê các cháu từ các công ty người mẫu cũng phải 5 triệu nữa một lượt/cháu. Vị chi là chỉ cái chuyện 1000 bộ áo dài diễu lượn cũng đã phải 10 tỷ rồi… Và các cư dân mạng thừa hiểu, mỗi hợp đồng phải tính thêm khoản “lại quả” nữa chứ. Vậy thì làm sao mà tính chỉ 5000 tỷ?
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã lên tiếng mạnh mẽ vụ Vinashin. Dư luận đánh giá đó là tín hiệu đáng mừng cho một phong cách làm việc mới của Quốc hội. Nhưng dư luận đã đặt câu hỏi: “Liệu Quốc hội có tiếp tục phát huy tinh thần dám nói thẳng thắn vào những vụ việc nghiêm trọng hơn vụ Vinashin không? Dư luận đã đặt câu hỏi, cuộc phê phán dồn dập vào những tiêu cự quanh Tập đoàn Vinashin lần này liệu có làm lạc hướng dư luận khỏi những vụ tai tiếng hơn nữa không?
.
Trước hết là việc cho nước ngoài vào chiếm đóng Tây Nguyên với danh nghĩa khai thác quặng bauxite? Chúng ta chưa thấy ai hỏi các nghị sỹ Quốc hội vì sao không chất vấn vụ việc này? Đến khi vụ việc về bauxite nổ ra, thì tiếng nói về việc cho Trung Cộng vào khai thác bauxite chủ yếu được bàn từ khía cạnh kinh tế, văn hóa và môi trường. Nói về an ninh quốc phòng thì hầu như chỉ thoáng qua (rất có thể vì “nhạy cảm”). Tiếng nói về vụ bauxite Tây Nguyên lại rộ lên sau khi nổ ra vụ bùn đỏ do khai thác bauxite ở Hungary.
Toàn bộ chất vấn tại Quốc Hội về bauxite Tây Nguyên cũng chỉ quanh chuyện bùn đỏ, và cử tri cũng chỉ được nghe ông Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên hùng biện về sự chu đáo và kỹ thuật siêu đẳng để loại trừ thảm họa bùn đỏ của các “đồng chí mười sáu chữ vàng” từ bên kia biên giới. Nghĩa là cuộc tranh luận này chỉ đi đến chứng minh rằng các “đồng chí mình” đã rất chu đáo trong việc củng cố những con đê ngăn bùn đỏ, kết quả là vẫn nên giữ chân các “đồng chí mười sáu chữ vàng” tiếp tục ở lại Tây Nguyên.
Tôi cân nhắc thử, mới nhận ra rằng, những thứ mà các đại biểu Quốc hội cực kỳ bức xúc, ngẫm ra, chỉ đáng mấy “đồng xu” so với hàng trăm vụ việc khác tày đình hơn: Ai đã ba lần ký cho Trung Cộng vào chiếm đóng Tây Nguyên không tốn một viên đạn, và cũng không cần đến 31 ngày phát động cuộc chiến tranh tổng lực đánh chiếm Việt Nam như họ đã hăm dọa trên mạng? Ai là băm nát dự án khổng lồ Bauxite Tây Nguyên để thành mấy cái dự án nhỏ nhoi, không đáng là gì để qua mặt Quốc hội? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quy trách nhiệm: “Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng”, vậy Đảng là ai?
Là 1 người, 15 người, 181 người hay toàn thể ba triệu đảng viên? Tôi hỏi các bạn bè quen biết trong số ba triệu đảng viên, thì chẳng ai biết mô tê gì “cái chủ trương lớn … của mình”; Tôi cũng hỏi mấy ông bạn bè quen biết trong số 181 vị kia, thì cũng chẳng ai biết gốc tích vụ này. Với 15 vị còn lại thì tôi không có điều kiện để hỏi. Rồi đến ai là người đã bật đèn xanh cho người Tàu thuê đất rừng biên giới? Ai là người cho 90% gói thầu được thắng về tay các nhà thầu Trung Cộng?
Công luận chưa kịp tán dương các bạn phóng viên Duy Tuấn – Hoàng Sang – Trường Giang của ViêtnamNet đã quá dũng cảm đăng loạt bài về thực chất thuê rừng của Công ty Tàu InnoGreen: Công ty này đã khẳng định quyền chiếm hữu của họ bằng những cách làm rất quyết liệt, lấn át cả các cao điểm quốc phòng, xóa bỏ cả các di tích văn hóa và lịch sử, nhất là nơi đã diễn ra sự kiện chiến thắng biên giới năm 1950 ở các cứ điểm Đông Khê và Thất Khê mà Pháp trấn giữ, rồi họ xua dân ra khỏi quê cha đất tổ, rồi họ trả lương cho các quan chức địa phương để trông coi chăm sóc vùng nhượng địa này…, thì bỗng nhiên được tin VietnamNet bị hacker tấn công? Ai tấn công? Chẳng lẽ “an ninh của Đảng ta” lại đánh sập “mạng của mình” (?) Thật ra thì cư dân mạng không cần tốn nhiều thời gian lắm cũng đoán biết được cái bọn hacker ấy là ai rồi (!).
Thế mà chưa thấy các vị đại biểu Quốc hội hỏi đến hơn 300.000 hecta rừng cho Tàu thuê, một cách chuyển nhượng đất đai làm tô giới của bọn thực dân Trung Cộng trong suốt 50 năm. Diện tích ấy có đáng là gì không? Xin thưa nó xấp xỉ bằng diện tích của tỉnh Thái Nguyên đấy,… nghĩa là nó lớn gấp đôi tỉnh Tiền Giang, gấp bốn lần tỉnh Hưng Yên và gần gấp năm lần tỉnh Hà Nam.
Trong 50 năm chiếm đóng làm tô giới, Trung Cộng hoàn toàn có đủ thủ đoạn để tăng mật độ dân số vùng này ngang với Quảng Đông (khoảng hơn 600 người dân trên 1 km2), và như vậy, họ đã có được khoảng trên 2 triệu dân Tàu Cộng trên lãnh thổ Việt Nam, nghĩa là họ lập được một tỉnh trên đất Việt Nam với số dân gấp đôi số dân của Tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
Sau 50 năm ấy, mấy anh “chủ đầu tư” hoàn toàn có thể trả lại đất, nhưng Trung Cộng đã kịp sinh ra một lũ con đàn cháu đống, đã kịp mang mồ mả ông cha cụ kỵ của họ chôn trên những vùng nhượng địa này, nghĩa là đã lập xong trên đất nước này một tỉnh lớn bằng Thái Nguyên về diện tích, và gấp đôi Thái Nguyên về dân số.
Còn một điều nữa: chúng ta đừng quên rằng, những vùng được nhượng làm tô giới của Trung Cộng hiện nay là những miền quê mà các bà mế nghèo xác xơ xưa kia đã cưu mang lớp nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng trong thời còn trứng nước đấy ạ. Vậy mà quý vị hậu duệ của các thế hệ cách mạng đã nỡ biến thành tô giới của các “đồng chí” xâm lược ngoại bang.
Rồi đến những thông tin khác trên mạng: Trung Quốc liên tiếp thắng thầu ở Việt Nam. Chỉ riêng triển khai gói thầu xây dựng một nhà máy điện, Trung Quốc đã kéo vào hai ngàn công nhân.[1] Xin hãy tính thử, mỗi gói thầu Trung Quốc ém vào hai ngàn công nhân như hàng loạt công trình mà chúng ta thấy hiện nay, thì cứ 5 gói thầu Trung Quốc đã ém được một vạn công nhân.
Đã có dư luận trên mạng, tiết lộ rằng công nhân Trung Quốc gửi sang Việt Nam là những chiến binh xuất ngũ. Điều này hoàn toàn có thể đúng, bởi vì với chế độ nghĩa vụ quân sự (mà nước nào cũng có), thì thanh niên Trung Quốc nào chẳng từng phục vụ trong quân đội? Như vậy, cứ thắng 5 gói thầu, Trung Quốc, một kẻ thù xâm lược truyền thống vô cùng hiểm độc, đã có thể ém được một sư đoàn bộ binh (mỗi sư đoàn bộ binh tính vào khoảng 10.000 quân).
Thủ đoạn của họ là thắng thầu xong, ém quân vào, và ngâm công trình không thực hiện… Vậy hai ngàn anh Tàu khựa này đang làm gì trên đất Việt Nam? Họ ém binh? Họ đi nhậu nhẹt và chơi gái,… nhằm nhân giống để phát triển Hán tộc trên đất nước này? Tôi đọc được một số bài báo trên mạng giải thích rằng, trong các doanh nghiệp của Trung Cộng ở Việt Nam chỉ có các chuyên gia, các kỹ sư và kỹ thuật viên Trung Quốc làm việc thôi, thì bỗng nhiên lại được đọc một bài báo khác loan tin, có một “đồng chí” trong giai cấp “công nhân” của Trung Cộng bị tai nạn lao động chết ở Tân Rai. Thật là giấu đầu hở đuôi.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và mấy đại biểu Quốc hội lên án Vinashin đã được công chúng hoan hô vang dội. Đó là vì các vị đã đánh trúng vào cái tâm lý phẫn nộ trước cái họa tham nhũng đang trở thành quốc nạn,… và tâm lý tiếc đồng tiền mồ hôi nước mắt của dân chúng. Tôi ngồi với mấy cụ hưu trí, các cụ nói: Như tôi, thì tôi khác ông Thuyết, tôi sẽ kêu gọi cử tri cứ để các vị lãnh đạo lợi dụng cơ chế này để tham nhũng.
Dân tôi chấp nhận các vị tham nhũng. Các vị tham nhũng gấp mười lần khoản nợ Vinashin cũng được, nhưng các vị chỉ nên “ăn quẹn cối xay” của dân thôi, dân tôi chịu đựng được đói nghèo vì sự tham nhũng của các vị, con cháu tôi cam chịu còng lưng trả những khoản nợ nần vung tay ngất ngưởng của các vị, nhưng chỉ xin các vị đừng bán đất bán nước của Tổ Quốc để nhận những khoản tiền khổng lồ từ nước ngoài, để rồi một ngày nào đó, phải xuất hiện một anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ kêu gọi dân chúng nhất tề đứng dậy chống cái “đồng chí kẻ thù” đã xâm lược Tổ Quốc ta bằng “Mười sáu chữ vàng”.
Viết đến đây, tôi giật mình: Nếu như lần này Trung Cộng thực hiện chiến dịch xâm lược Việt Nam chỉ trong 31 ngày như họ đã rêu rao trên mạng, thì dân ta lấy đất rừng đâu để xây dựng những vùng căn cứ địa để kháng chiến? Nếu Tây Nguyên đã có mấy sư Trung Cộng chiếm đóng dưới danh nghĩa “giai cấp công nhân đồng chí”; nếu những vạt rừng biên giới mênh mông đã biến thành nhượng địa để làm tô giới của Trung Cộng, mà các “đồng chí mình” đã chốt hết những cao điểm chiến lược quân sự; nếu có tới 90 doanh nghiệp công nghiệp bị thắng thầu vào tay người “anh em đồng chí” Trung Cộng, cứ dăm bảy công trình, các “đồng chí” găm được cả sư đoàn bộ binh mai phục.
(Đấy là chưa kể đến những “mưu sâu kế hiểm” khác: người anh em đồng chí đã và đang tung những vật lạ vào tàn phá môi trường, như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, sâu đo, bọ xít hút máu người; các đồng chí đặt giá rất cao mua những của lạ như gỗ sưa, rễ hồi, móng trâu, khoai mì pha cát, sâm 7 lá, để xua dân ta lên rừng xuống biển tìm đồ lạ để bán cho các “đồng chí”, bỏ bê ruộng nương không người chăm sóc; rồi các “đồng chí” còn trao học bổng và tạo điều kiện học tập cực kỳ ưu đãi để kéo thanh niên thế hệ mới về phía “các đồng chí”, tạo ra một lớp người “của họ” để họ dễ bề sai khiến; không những trao học bổng mà các “đồng chí” còn lân la đến các trường đại học Việt Nam để làm nhiều chuyện mà chúng ta chưa thể lý giải, chẳng hạn, một vị bí thư tỉnh ủy Trung Cộng đến gặp Ban Giám hiệu của một trường đại học lớn ở Hà Nội tặng một giàn máy tính, rồi đề nghị Ban Giám hiệu viết thư cảm ơn, lại đề nghị Ban Giám hiệu cho lập một văn phòng đại diện của Trung Cộng trong trường đại học này, vì hiện đã có quá nhiều sinh viên Trung Cộng học ở trường này, nhưng may mà các vị trong Ban Giám hiệu đã rất tỉnh táo khước từ, vân vân và vân vân…
Trung Cộng đang căng Việt Nam ra để đánh một cách triệt để, từ kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, môi trường, tạo ra trên đất nước chúng ta một thế địa-quân sự rất hiểm yếu có lợi cho Trung Cộng). Thì khi Trung Cộng phát động chiến tranh xâm lược, chúng ta còn đâu những vùng rừng núi hiểm trở để lập chiến khu như thời Lê Lợi, Quang Trung? Chạy lên rừng: Trung Cộng đã chiếm. Rút về trấn trên vùng cao Tây Nguyên: Trung Cộng đã chốt mấy sư đoàn bộ binh trên đó. Chạy xuống biển: Trung Cộng bao vây. Ở lại các khu công nghiệp: Đâu đâu cũng thấy Trung Cộng.
Chúng ta không thể hiểu được, vì đâu đất nước ta bị Trung Cộng xâm lấn và giày xéo như hiện nay? Vì đâu chúng ta bị lâm vào một thế suy yếu kinh khủng về địa-quân sự như hiện nay?
Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một bài học thuộc lòng mà nhà trường thời niên thiếu của tôi đã có sức truyền cảm mạnh mẽ đến tình cảm của tôi, khi cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp bùng nổ. Tôi không còn nhớ bài thơ này của nhà thơ nào, nhưng tôi đã từng khóc vì những lời thơ đó. Hôm nay sắp đến 19 tháng 12, tôi xin chép lại bài học thuộc lòng thời niên thiếu để góp phần suy tư về những vùng căn cứ của kháng chiến, nay đã biến thành nhượng địa cho một kẻ thù xâm lược truyền kiếp:
Đất Việt miền trong đến ải ngoài
Một lượt núi sông vùng đứng dậy
Chung lòng phẫn uất quét chông gai
Cờ đỏ sao vàng rợp chiến khu
Lời ca giục giã ý chinh phu
Nguyền đem máu giặc … và đem cả
Sóng Thái Bình Dương … rửa quốc thù”
V.C.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment