Wednesday, December 29, 2010

TRUYỆN SƯU TẦM * SƯ VÀ RẮN






CON RẮN, ÔNG THỊ TRƯỞNG VÀ NHÀ SƯ



Trong tám năm tu học ở Thái Lan, tôi thường trú trong tự viện giữa

rừng già, nơi có nhiều rắn rít. Chín mươi chín phần trăm cái loài rắn

ở đây rất độc, một số có thể quấn chết người như không - tôi nghe nói

vậy từ lúc tôi mới tới hồi năm 1974.



Bấy giờ tôi gặp rắn hầu như hàng ngày. Có lần tôi đạp nhầm con rắn dài

trên thước rưỡi ngay trong cốc tôi; may quá, rắn cũng như tôi, cả hai

nhảy ra hai phía. Lần khác tôi thấy rắn mà tưởng cành khô [xin lỗi rắn

nha, rắn đâu đến đỗi vô tri như vậy!] Một lần nữa - lần này mới lạ -

có con rắn làm sao không biết mà có thể bò lên lưng của một sư bạn

đang ngồi tụng kinh chung với các sư chúng tôi. Lúc thấy thì rắn đã

lên tới vai sư rồi. Tôi ngưng ngang câu kinh trong lúc rắn và sư đưa

mắt nhìn nhau. Sư bạn tôi nhẹ hất vạt áo và rắn bò đi một cách tự

nhiên. Tôi tiếp tục bài kinh, nhưng tâm vẫn chưa thật định tĩnh.



Là sư tu học trong rừng, chúng tôi được dạy trải tâm từ bi đến mọi

loài vật, nhứt là rắn rít. Chúng tôi phải bảo vệ chúng. Đó phải chăng

là một trong những lý do chúng tôi chưa ai bị rắn cắn.



Tại Thái, tôi có dịp thấy con trăn dài cả bảy thước, to bằng bắp vế;

tôi vô cùng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng nổi. Tôi thấy con trăn

này một lần nữa cùng với các bạn đồng tu, nhưng sau đó nghe nói trăn

đã chết. Con rắn thứ nhìn mà tôi thấy làm tôi rợn tóc gáy luôn. Lúc ấy

tôi đang đi trong rừng, tôi chợt thấy một khúc đen ngòm vừa to vừa dài

chắn ngang đường với đầu đuôi khuất trong bụi rậm hai bên đường. Biết

là con rắn thật lớn, tôi theo dõi và tính sơ nghĩ nó dài ít nhứt phải

mười thước. Tôi thuật lại cho dân làng nghe, họ nói đó là con rắn hổ

mang chúa - rất to và rất nguy hiểm!



Một đệ tử của Ajahn Chah, nay là một sư rất nổi tiếng, thuật lại câu

chuyện sau: Sư đang tọa thiền với một số sư khác trong rừng. Có tiếng

động cho biết có một con vật to đang tới gần. Các sư mở mắt và thấy

con rắn hổ mang to lù lù bò đến. Nhiều nơi ở Thái gọi rắn hổ mang là

"rắn một bước", có nghĩa là khi bị nó mổ rồi nạn nhân chỉ bước được

một bước là sụm xuống chết ngay chớ không còn đường thoát thân nào cả.

Rắn bò tới vị sư cả, vươn đầu cao ngang đầu sư cả, phùng mang và bắt

đầu kêu phì phì. Đứng vào thế của sư, bạn sẽ làm gì nè? Chạy? Vô ích,

vì hổ mang phóng rất nhanh, nai còn chạy không kịp và bị mổ, huống hồ

gì bạn!

Sư cả điềm nhiên, mỉm cười, từ từ đưa tay lên vỗ nhẹ lên đầu rắn, nói:

"Cảm ơn bạn đã đến viếng sư." Tất cả các sư đều sửng sốt. Càng sửng

sốt hơn khi các sư thấy rắn xếp mang, hạ đầu và bò tới một sư khác. Sư

"có duyên" này kể lại rằng sư điếng người, chớ còn hồn vía đâu mà vỗ

đầu rắn như sư cả.



Sư cả vỗ đầu rắn nổi tiếng là một chơn tu rất từ bi. Ngài có đến Úc và

an trú tại tự viện của chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đang xây chánh

điện và xúc tiến nhiều công trình kiến trúc khác. Một hôm, ông Thị

Trưởng sở tại đến viếng để thanh tra công trình xây cất. Ông này làm

thị trưởng thì chắc chẳng ai bằng. Ông sanh ra và lớn lên tại địa

phương. Ông còn là một nhà nông rất thành công. Tướng ông dềnh dàng,

bệ vệ, với cái bụng quá khổ khiến chiếc áo vét ông mặc hôm ấy không

gài nút được. Gặp ông, sư cả thản nhiên đưa tay vỗ nhẹ lên bụng "trống

chầu" của ông. Tôi không kịp cản nên đành lặng câm trố mắt. Tôi nghĩ,

"Thôi chết rồi, các công trình dở dang của tự viện khó thể hoàn tất!"



Trong lúc vỗ bụng ông, sư cả nhìn ông mỉm cười. Ông cười theo và cười

càng lúc càng đắc ý hơn. Rõ ràng ông thích được sư cả vỗ bụng. Thế là

tất cả các công trình đều được chấp thuận và sư cả trở thành người bạn

rất thân của chúng tôi và rất nhiệt tình đối với tự viện.

Tâm từ bi là nền tảng của mọi hành động của các sư chúng tôi. Sư cả có

tâm từ bi nên ông có thể vỗ đầu rắn hổ mang và vỗ bụng ông Thị Trưởng,

và cả hai đều quý mến sư. Dĩ nhiên tôi không dám khuyến khích các bạn

làm như vậy nếu các bạn chưa nhập vào dòng Thánh.




Thầy rắn lưỡi đen và nhà sư cứu người

Ở đâu có rắn độc thì vùng đó sẽ xuất hiện những thầy trị rắn cắn đại tài. Vùng Bảy Núi (An Giang) ngày xưa nổi tiếng nhiều thú dữ. Ngày nay tuy thú dữ không kéo thành bầy thấy phát sợ như thuở trước nhưng ở những cánh rừng ngút ngàn trên Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngọa Long Sơn (núi Dài) thuộc Bảy Núi vẫn còn là nơi trú ẩn của các loài rắn từng gây kinh hãi cho bao người.

Đến khu vực núi Dài hỏi ông thầy thuốc rắn lưỡi đen hầu như ai cũng biết. Cái biệt danh này xuất hiện khi những nạn nhân bị rắn độc cắn và được ông cứu sống. Ông là Chau Phol (65 tuổi), nhà nằm sâu trong sóc Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang).

Chiếc lưỡi đen gia truyền

Trong gia tộc ông Phol đời nào cũng có một người sở hữu chiếc lưỡi đen. Những anh em còn lại có lưỡi bình thường, màu đỏ. Và chỉ người có lưỡi đen mới được gia tộc giao sứ mệnh chữa rắn cắn. “Hồi còn sống ba tui từng kể nhiều đời trước nhà tui có truyền thống trị rắn cắn. Ba tui nói người có lưỡi đen đưa miệng hút nọc độc thì không sao. Còn người lưỡi đỏ mà bắt chước làm theo thì coi chừng toi mạng. Ban đầu đốm đen chỉ xuất hiện một vệt trên thân lưỡi. Hút càng nhiều độc thì cái lưỡi càng đen. Tui cũng không lý giải được vì sao nó như thế nữa” - ông Phol kể.

Như bao người Khmer khác, thuở nhỏ ông Phol vào chùa tu. Đến năm 20 tuổi, ông hoàn tục, về nhà cưới vợ và lam lũ kiếm sống. “Cũng năm đó ba tui bị bệnh và đột ngột qua đời. Tui kế thừa nghề chữa bệnh và trị rắn cắn” - ông Phol hoài niệm.

Không thể chối bỏ sứ mệnh gia truyền, ông Phol bắt đầu ngày đêm đọc sách, học thuật trị bệnh. Ông nghiên cứu các loại sách, trong đó còn lưu lại những bài thuốc kinh điển của Tàu, được người đi trước dịch sang tiếng Khmer.

Thoạt đầu ông Phol chỉ dám nhận điều trị các loại bệnh thông thường, chưa dám nhận trị rắn cắn, bởi nó nguy hiểm đến tính mạng. Thế rồi lần nọ, người con trai thứ ba tên Chau Quêl nhà ông Phol bị rắn cắn. Thấy cái hang ngỡ là hang cua, Quêl thọc tay vào, từ bên trong một con rắn hổ chuối đưa miệng phập vào tay đau điếng. “Giật mạnh tay ra khỏi hang, Chau Quêl vừa chạy về nhà vừa la hớt hải. Tui đưa miệng vào vết thương hút nọc rắn ra. Sau đó hái bảy đọt thị non ở chùa Rô gần nhà đem giã nhuyễn, đắp vào vết thương. Khoảng 20 phút sau, thằng nhỏ chạy băng ra đồng đùa giỡn với đám bạn. Bảy ngày sau thì vết thương hết hẳn. Đó là lần đầu tui trị rắn cắn” - ông Phol kể về lần đầu khởi nghiệp chữa nọc rắn.

Ông Phol hái thuốc chữa bệnh cho dân nghèo (trái). Chiếc cối giã thuốc được thần y Chau Sôm truyền lại cho sư Kol. Ảnh: VĨNH SƠN

Nhìn vết thương biết loài rắn

Chỉ bằng cách chữa trị đơn giản trên mà hơn 30 năm qua, ông Chau Phol đã cứu sống hàng trăm người. Ông tâm sự: Chỉ cần nhìn vết thương là biết ngay nạn nhân bị rắn gì cắn. Ở Bảy Núi này có rắn hổ mây, hổ mang, hổ sơn, hổ chuối, chàm oạp, lục đuôi đỏ… nhưng nạn nhân chủ yếu bị hổ chuối, chàm oạp cắn. Nếu bị rắn chàm oạp hay hổ chuối cắn thì để từ ba đến bảy ngày vẫn còn cứu được. Còn nếu bị hổ mang hay hổ sơn cắn thì phải lập tức đưa bệnh nhân đến ngay. “Nọc độc các loại rắn này lan rất nhanh trong cơ thể nạn nhân. Chỉ trong 24 tiếng đồng hồ, người bệnh có thể tắt thở. Chỉ cần cơ thể chưa tím tái hoặc chưa ngừng thở là tui trị được” - ông Phol khẳng định.

Mấy chục năm làm nghề, ông chỉ để chết một người ngoài ý muốn. Đó là trường hợp của nạn nhân ở thị trấn Nhà Bàn (Tịnh Biên), bị con rắn hổ chuối cắn (năm ngoái). Sau khi hút nọc độc và đắp thuốc xong cho nạn nhân, ông dặn họ vài ngày sau phải trở lại đắp thêm thuốc. Tuy nhiên, về nhà thấy hết đau nhức, họ không trở lại điều trị tiếp nên tử mạng.

Ông Phol trị bệnh không lấy tiền, chỉ cần người bệnh tuân thủ chuyện điều trị của ông để tránh điều đáng tiếc xảy ra. “Bà con ở đây nghèo, đường sá đi đến bệnh viện thì xa, trường hợp nào tui thấy trị được thì nhận trị liền. Nhà tui cũng nghèo nhưng có khi phải bỏ tiền thuê mấy đứa trẻ trong sóc lên núi chặt thuốc để trị cho bà con. Cứu được một mạng người, tui mừng lắm” - ông Phol bộc bạch.

Huyền thoại thần y Chau Sôm…

Mấy mươi năm trước, ở ngôi chùa Phnôm Pi Lơ (còn gọi là chùa Nam Quy trên) từng có một vị sư được nhiều người tôn là “thần y” bởi biệt tài trị rắn của ông. Ông chính là cố Hòa thượng Chau Sôm, người từng bỏ công mày mò thuật trị bệnh cho đồng bào vùng Bảy Núi.

Ngày chúng tôi đến chùa Phnôm Pi Lơ, vị sãi cả đương nhiệm Chau Sóc Kol đang ngồi trà đạo với một người từng là nạn nhân của loài rắn độc, ông Chau Chhim. Sư Kol kể nghe sư thầy Chau Sôm nói lại thì những ngày đầu sư Sôm đến đây tu học, ngôi chùa còn hoang sơ. Chung quanh chùa là rừng núi, vắng bóng người lui tới. Thú dữ và rắn độc nhiều vô kể.

Theo lời thuật của sư Kol thì khoảng nửa thế kỷ trước, mỗi buổi sáng thức dậy người trong chùa thỉnh thoảng thấy rắn hổ mây, hổ mang nằm lổn ngổn quanh chùa. “Sư sãi trong chùa cũng như dân làng ngày ấy bị rắn độc cắn rất nhiều. Không ít người vĩnh viễn ra đi. Các hang đá, bụi rậm và trên thân cây đều có rắn trú ngụ. Nạn nhân chết vì rắn cắn từng trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân khu vực Nam Quy” - sư Kol kể.

Đứng trước cảnh sinh ly tử biệt của dân lành, thầy Chau Sôm không thể làm ngơ. Ông quyết tầm sư học thuật trị rắn. Nghe bên chợ Sà Tón cách chùa một cánh rừng có người biết chữa rắn cắn, sư thầy liền băng rừng sang bái sư học nghệ. Thấy ông có chí hướng giúp đời nên ngài Tà Huôl đã hết lòng truyền dạy. Được thầy giỏi dạy nên sư thầy cũng giỏi - sư Kol kể về vị thần y quá cố của chùa.

Như bao ông thầy khác, lúc nhận trị trường hợp rắn cắn đầu tiên, sư thầy Chau Sôm cũng không khỏi lo lắng. Ông bốc những loại thuốc có ở núi y như lời chỉ dạy, nọc độc được loại trừ, giữ được mạng sống cho người. Đó chính là năm vị thuốc gồm: trái trút, thuốc xỉa ăn trầu, củ môn rừng, phèn xanh và rượu. Lấy bốn vị cho vào một cái cối giã nhuyễn, rồi dùng rượu đổ vào một ít, vắt lấy nước cho nạn nhân uống. Lát sau nạn nhân lập tức ói mửa và nọc độc theo đó mà đi ra ngoài.

Vị đệ tử chân truyền

Đại đức Chau Sóc Kol (28 tuổi), hiện là trụ trì chùa Phnôm Pi Lơ. Năm 23 tuổi đã lên nắm sắc tôn sãi cả (trụ trì), sau khi Hòa thượng Chau Sôm qua đời vào năm 2005. Ông là đệ tử duy nhất được sư thầy Chau Sôm hết lòng yêu mến, truyền dạy nghề trị bệnh.

Sư Kol kể cách đây vài năm, vùng núi Nam Quy vẫn còn nhiều rắn độc và mỗi năm có vài chục người bị chúng gây hại. “Đa số dân bị rắn cắn ở vùng lân cận chứ người ở đây thì đã quen giờ đi kiếm ăn của các loài rắn nên ít khi gặp nạn” - sư Kol nói.

Mặc dù tuổi đời cũng như tuổi nghề trị rắn còn ít nhưng nhờ lĩnh hội được chân truyền từ vị sư phụ thần y nên sư Kol cũng rất giỏi. Sư Kol cho biết ngoài năm vị thuốc thường dùng trị rắn cắn, trước khi viên tịch sư thầy còn để lại cho ông thêm vị thuốc vô cùng quý giá. Đó là thuốc Pro-ti-puốt, mà Đông y gọi là ngãi rừng.

Anh Chau Khanh, Phó ấp Vĩnh Thượng, nhận xét: “Thầy Chau Phol trị rắn cắn đại tài. Có lần tôi bị rắn hổ chuối cắn và đến ổng trị. Kết quả là bây giờ tôi vẫn ngồi nói chuyện với mấy anh đây, nếu ổng dở thì tôi đã theo ông bà lâu rồi”.

Sư Kol nhớ lại: Một hôm, có đến ba người bị rắn hổ đất (hổ mang) cắn được đưa đến chùa cùng lúc, sư thầy Chau Sôm cho họ nằm trước sà la (nơi cúng lạy tại chùa). Trong số đó có một người mình mẩy đã tím tái vì nọc độc lan phát khắp thân. Dù hết lòng cứu chữa nhưng vẫn không kết quả, đành để một người ra đi. Hai người còn lại được sư thầy kịp cứu khỏi tay thần chết trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thầy buồn vô tận sau cái chết đó. Rồi một lần buồn bã đi lang thang trong rừng, sư thầy tình cờ thấy một con rắn nằm run lẩy bẩy khi bị vướng vào cây cỏ lạ. Thầy liền nhổ cây cỏ ấy về nghiên cứu, bởi ông nghĩ nó có khả năng chống được nọc rắn. Quả nhiên, khi ông kết hợp cây cỏ kia với năm vị thuốc thường dùng thì hiệu lực tăng lên rất rõ. “Đó là cây ngãi rừng. Nhờ có loại thuốc mới này mà những người bị rắn cực độc cắn có cơ may sống sót. Sư thầy đã cứu sống không dưới 1.000 người, kể cả dân từ Campuchia chuyển sang nên dân làng tôn kính xem ông như thần y. Tôi cũng may mắn trị được các loài rắn độc cắn nhờ thầy truyền thêm vị thuốc quý này” - sư Kol kể về người thầy quá cố.

Đạo sĩ và “thần y”

Từ xa xưa, vùng Thất Sơn (Bảy Núi- An Giang) là nơi xuất phát nhiều huyền thoại kỳ thú. Rất nhiều câu chuyện về đất và người vẫn còn lưu truyền đến nay. Tại Bảy Núi hiện vẫn còn nhiều “dị nhân”, góp phần làm nên điều kỳ thú cho vùng đất kỳ bí này.



Ông Ba Lưới - vị đạo sĩ 94 tuổi.

Đến núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) ở Bảy Núi - An Giang, vừa hỏi đến ông Ba Lưới, chúng tôi đã nghe nhiều người kể vanh vách những giai thoại của vị đạo sĩ năm nay đã 94 tuổi này. Trải qua hàng chục năm ẩn tu trên đỉnh núi Cấm, không chỉ diệt trừ thú dữ, ông còn làm thuốc trị bệnh cứu người.
Vị đạo sĩ cuối cùng

Vượt hết con đường dài cheo leo lên núi, tiếp tục băng rừng, qua mấy con dốc dựng đứng, chúng tôi mới tới được căn nhà gỗ ở hang Long Hổ Hội, nơi cư ngụ của ông Ba Lưới. Vị đạo sĩ ẩn tu tên thật là Nguyễn Văn Y, quê Chợ Mới - An Giang, đến ẩn dật nơi rừng thiêng núi hiểm này khi núi Cấm còn rất hoang sơ. Năm 1935, một thanh niên cường tráng khăn gói tìm lên núi Cấm, chỉ mang theo một cái chài và lưới để giăng bắt cá sống qua ngày. Ông Ba Lưới bảo: “Ai lại vác chài, lưới lên núi bắt cá bao giờ! Có vậy, người ta mới gọi tao là Ba Lưới”. Khi đó, người sống trên núi Cấm chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết là các nghĩa sĩ yêu nước và cư sĩ ẩn tu. Ban ngày, mọi người đi rừng, làm nương rẫy; đêm về tập trung trên đỉnh núi tu học, luyện tập võ nghệ. Chúng tôi thắc mắc về chuyện tu học, ông Ba Lưới giải thích: “Tu là tu thân để làm điều lành, tránh cái ác; học là theo điều đức hạnh, chứ không theo đạo giáo nào. Ở đây không có sư phụ, đệ tử, chỉ người đi trước dạy cho người đi sau, cứ nghĩ đến điều tốt đẹp mà làm. Những người sống trên núi lúc đó ai cũng phải rèn luyện võ công. Không có võ thì không tồn tại nổi ở chốn rừng thiêng nước độc này”.

Cuộc sống trên núi Cấm lúc ấy vô cùng gian nan, vừa chịu đựng bom đạn của giặc vừa chống chọi với cái đói và thú dữ. Vùng này hồi đó có rất nhiều thú dữ, luôn là nỗi khiếp sợ của dân lành. Ông Ba Lưới đã từng gặp vô số cọp, beo và rắn độc. Vị đạo sĩ kể về hai lần ác chiến với mãng xà của mình: “Một lần đang băng rừng, tao chạm trán một con rắn hổ mây cực lớn, nằm vắt ngang đường. Nghe tiếng động, con rắn quay lại phùng mang như muốn nuốt chửng tao. Tao liền lùi lại thủ thế, rồi dồn hết công lực bình sinh đánh một đòn quyết định vào đầu con vật. Cả thân hình đồ sộ của con mãng xà đổ nhào trên đá núi. Lần thứ hai, khi đang lên dốc núi, tao gặp một con rắn hổ mây lớn. Bất ngờ chạm mặt, tao không kịp tránh né. Tao vung cây gậy quật ngay đầu nó. Chưa kịp ngẩng đầu chống trả, con mãng xà bị tao bồi tiếp một đòn trí mạng, chết lăn ra”.

Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống trên núi Cấm cũng thay đổi dần. Những cư sĩ ẩn tu lần lượt xuất sơn, chọn nơi khác lập nghiệp. Năm 1976, ông Ba Lưới tìm đến vườn đá ở hang Long Hổ Hội dựng chòi sinh sống. Theo ông, nơi đây từng là nơi họp mặt của hổ và rắn vào những dịp trăng tròn. Thời gian này, ông gặp bà Huỳnh Thị Quang, ở Tân Châu, đi viếng núi. Như duyên tiền định, ông bà gá nghĩa với nhau và ở đây sinh sống đến giờ, sinh được bốn người con.

Ngày càng có nhiều người tìm đến núi Cấm khai khẩn đất hoang, làm nương rẫy. Những người dân địa phương khi có việc cần đều đến tìm ông Ba Lưới nhờ giúp, nhất là trị bệnh. Trong thời gian ẩn tu, ông Ba Lưới được truyền dạy những bài thuốc bí truyền và ông đã dùng nó để trị bệnh cứu người.

Người dân địa phương còn nhắc nhiều đến ông Ba Lưới với tượng Phật Di Lặc cao 33,6 m bằng bê tông cốt thép trên đỉnh núi Cấm trị giá tiền tỉ mà ông đã góp công xây dựng. Nay ở vào tuổi xế chiều, song ông Ba Lưới còn một tâm nguyện là hoàn thành công trình chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm.

Khắc tinh của rắn độc


Nhà sư Chau Kol - truyền nhân của "thần y" Chau Sum.

Người dân vùng Bảy Núi khẳng định không ai qua được hòa thượng Chau Sum ở chùa Nam Quy (Châu Lăng, Tri Tôn- An Giang) trong việc trị rắn cắn và xưng tụng ông là “thần y”. Chùa Nam Quy nằm bên một sườn đồi, dưới những tán cổ thụ xanh rì. Tiếp chúng tôi là sư trụ trì Chau Kol, năm nay mới 26 tuổi, truyền nhân của “thần y” Chau Sum.

“Thần y” Chau Sum mất cách nay 4 năm ở tuổi 84. Theo người dân địa phương, ông đã cứu sống không dưới 1.000 lượt người bị rắn cắn. Anh Chau An (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) thán phục: “Tôi bị rắn chàm quạp cắn vào chân, đưa đến chùa Nam Quy đã sắp tắt thở, lỗ chân lông rướm máu, người mềm oặt, toàn thân tím tái. Sau khi kiểm tra vết thương, hòa thượng Chau Sum ra hiên chùa hái lá thuốc cho vào cối giã, vắt lấy nước cho tôi uống; xác thuốc đắp vết thương. Chưa đầy 3 phút sau, tôi đã tỉnh lại”. Chúng tôi còn nghe nhiều người thêu dệt về cách trị rắn cắn của “thần y” theo kiểu mê tín dị đoan đầy huyền hoặc, song nhà sư Chau Kol khẳng định: “Chẳng có bùa phép gì đâu, chính những cây thuốc quý của vùng Bảy Núi này đã cứu sống người”.

Khi sư phụ qua đời, nhà sư Chau Kol kế thừa ông bài thuốc quý và cả tấm lòng nhân ái để cứu người. Anh Chau Rương, Trưởng ấp An Thuận, xã Châu Lăng, nhẩm tính: “Bình quân hằng năm, nhà sư Chau Kol trị rắn cắn cho khoảng 70 người. Qua tay của ông, những người bị rắn cắn, dù nặng cỡ nào, cũng đều bình phục”. Nhà sư Chau Kol cho biết từ nhỏ ông đã theo thầy Chau Sum trị rắn cắn. Nhìn một người bị rắn cắn, ông nhận biết ngay đó là loại rắn gì. Từ đó, ông đưa ra phương pháp và chọn bài thuốc để trị bệnh cho hợp lý.

Nhà sư tâm sự: “Vùng đất này rộng lớn, chủ yếu rừng núi nên bà con dễ bị rắn cắn. Đã có hai trường hợp nhà quá xa, khi đưa đến đây thì nọc độc đã thấm sâu nên không thể cứu được nữa, khiến tôi rất ray rứt. Do đó, tôi đã chọn một số người có tâm để truyền lại nghề, để những bài thuốc trị rắn sẽ không thất truyền”.






RẮN NÚI CẤM
Chuyện rắn chặn đầu xe khách

Người dân sóc Tà Đéc, xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) còn lưu truyền câu chuyện kể về cặp rắn khổng lồ bò từ núi Bà Đội Om sang núi Cấm.

Câu chuyện trên xuất hiện cách nay cũng trên 40 năm. Nhiều vị cao niên cho rằng đó chỉ là chuyện đồn chứ rắn thật ở Bảy Núi từ thập niên 60 của thế kỷ trước đến giờ chỉ thấy con nặng 100 kg đổ lại là to lắm rồi. Chẳng có ai bắt được rắn bằng khạp da bò (lu tráng men đường kính to cỡ năm, sáu tấc), cây thốt nốt như lời truyền.

Chuyện rắn chặn đầu xe khách

Sư Chánh Minh, 79 tuổi, đang tu tại chùa Long Định thuộc xã Châu Lăng (Tri Tôn) kể: Khoảng năm 1960 ông hay đi lấy thuốc Nam ở vùng Thất Sơn. Khi đó ông lui tới vùng núi Cấm hái thuốc, rồi tập kết xuống chân núi. Khoảng năm 1968 sư nghe kể có người từng gặp một cặp rắn khổng lồ, to bằng cây thốt nốt già, nặng chừng 300-400 kg bò chắn ngang tỉnh lộ 948, từ núi Bà Đội Om sang núi Cấm, chặn đầu một chiếc xe khách.


/userfiles/editor/image/Sites/ran-than.png

Con rắn hổ mây bị ông Tư Đậu bắn trọng thương lớn gấp đôi con trăn này.

Người ta không nhớ rõ là chiếc xe khách nào chạy tuyến đường này vào thời đó. Xe Tân Thành, Công Tạo hay An Giang, Tam Hữu gì đó. Khoảng nửa khuya thì chiếc xe khách xuất bến chợ Xà Tón (chợ Tri Tôn ngày nay). Khi đến khu vực núi Bà Đội Om gặp phải một vật đen sì như cây thốt nốt ngã vắt ngang lộ. Dân đi xe ai nấy run lập cập vì nghĩ bị sơn tặc dùng cây chặn đầu xe để cướp của. Chiếc xe giảm tốc độ, pha đèn thì thấy có ánh sáng phản chiếu.


Nhìn kỹ mới rõ ra là một cặp rắn to kinh khủng, chúng từ từ bò ngang lộ nhưng do thân hình dài quá cỡ nên cứ như nằm y một chỗ. Tài xế bóp kèn inh ỏi mới thấy cái đuôi rắn rút khỏi mặt lộ vào rừng. Nhiều người trên xe sợ muốn rớt tim. Sáng hôm đó, tin đồn lan khắp Bảy Núi. “Năm đó tôi khoảng 22 tuổi, được ba tôi dắt đi coi dấu rắn bò. Đến hiện trường còn thấy rõ cỏ trên đường 948 bị đè bẹp, bề ngang độ chừng hai chiếc xuồng ba lá kéo lướt.


Thời ấy đường Xà Tón đi Nhà Bàn là đường đất, do Pháp mở để lại chứ chưa trải nhựa như bây giờ. Do vậy, dấu vết để lại rất dễ nhận biết. Mình chỉ thấy vậy thôi chứ sau đó chưa nghe ai gặp thêm lần nào nữa” - ông Nguyễn Văn Tùng (Ba Tùng) nhà trên ấp Vồ Bà, xã An Hảo (Tịnh Biên) kể.

Sư Chánh Minh nói mình không biết chuyện đó có thật hay không vì chỉ nghe kể lại. Còn ông Ba Tùng cho rằng rắn lớn cỡ đó bản thân ông sống nơi núi rừng ngót 40 năm cũng chưa từng chứng kiến.

Đồn đại chuyện rắn thần để giữ yên chốn tu hành?

Ông Ba Tùng cho biết dù mình có gặp dấu vết khá giống dấu rắn bò nhưng đó là chuyện khó tin. Bởi chắc chắn từ đó đến nay cặp rắn phải di chuyển để kiếm ăn, thế nào cũng có người gặp lại.



/userfiles/editor/image/Sites/cai-so-mem.png

Kỷ vật một thời đi săn là cái sọ mễn của ông Huê.


Còn ông Hai Sở nhà dưới chân núi Cấm, là lơ cho nhà xe Tân Thành chạy tuyến Xà Tón-Châu Đốc vào những năm 1968 thì khẳng định: Chưa hề nghe thấy chuyện này. “Nếu tài xế xe khách khác có gặp rắn thì họ cũng kể tôi nghe. Tuy nhiên, sau đó ở Bảy Núi có xuất hiện chuyện đồn đại như kể trên” - ông Sở nói.


Sư Chánh Minh phân tích: Nếu đúng là có người gặp rắn thật thì phải là con người cụ thể, tên họ là gì, ở đâu. Mọi chuyện trôi theo thời gian và câu chuyện cứ thế mà đồn. Tôi nghĩ những năm đó trên núi Cấm có một số vị đạo sĩ ẩn tu nên truyền ra những câu chuyện như vậy nhằm ngăn dòng người di cư lên núi Cấm, làm xáo động sự yên tĩnh của các vị. Có thể vì thế mà đẻ ra câu chuyện cặp rắn sang núi Cấm rồi trú luôn ở đó. Người dân khi nghe chuyện vì sợ rắn ăn thịt nên không dám đến vùng núi Cấm.


Có người còn kể rằng cặp rắn ấy xuất phát từ điện Cây Quế của núi Cấm sang núi Bà Đội Om. Họ đồn ở điện Cây Quế có nhiều hang sâu nên rắn thần ngụ ở đó. Ngày trước, tại khu vực này có một cây quế khâu cổ thụ tỏa mùi thơm bát ngát cả núi rừng nên cọp, rắn quây quần giữ cây. Lâu lâu ở các chùa chiền trên núi Cấm tổ chức cúng bái, lễ lộc gì thì có một giai nhân đẹp tuyệt trần xuất hiện. Cô gái mặt xinh như hoa, da trắng như bông bưởi, từ cây quế đi xuống chùa dự tiệc. Tiệc tàn, một mình cô gái băng rừng ngược lên điện Cây Quế rồi mất dạng. Dân chúng cho rằng cô gái ấy là con rắn cái trong cặp rắn thần hóa thân xuống trần.


/userfiles/editor/image/Sites/nui-cam.png

Núi Cấm - nơi dân gian đồn có cặp rắn thần từ núi Bà Đội Om bò sang ở ẩn.

No comments: