Tên thật Nguyễn Viết Quang. Sinh ngày 11.11.1938 tại Vĩnh Long Việt Nam. Ðịnh cư tại Pháp từ 1977.
Ðã xuất bản :
- Lớp Sóng Phế Hưng
- Phấn Bướm
- Hợp Lưu
- Nửa Chợ Nửa Quê
- Lúa Tiêu Ruông Biền
- Ngát Hương Mật Ong
- Giai Thoại Hồng
- Chuyện Quê Nam
- Cõi Ký Ức Trăng Xanh
- Tạp Chủng
- Thông Ðiệp Hồng
- Lối Bướm Ðường Hương
- Tình Trong Nhung Lụa
- Ðêm Chong Ðèn
- Còn Tuôn Mạch Ðời
- Ngát Hương Hoa Bưởi Bông Trà
- Chuyện Miệt Vườn
- Trang Trại Thần Tiên
- Tình Ðẹp Ðất Long Hồ
- Vùng Thôn Trang Diễm Ảo
- Chân Trời Lam Ngọc
- Ðồng Không Mông quạnh
- Hội Rẫy Vườn Sông Rạch
- Gả Thiếp Về Vườn
- Bãi Gío Cồn Trăng
- Ðêm Xanh Huyền Hoặc
- Thuở Sen Hồng Phượng Thắm
- Chân Trời Mộng Ðẹp
- Tình Sen Ý Huệ
2010-10-16
Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh năm1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long.
Nhà văn Hồ Trường An (phải) và soạn giả Nguyễn Phương
Ông viết truyện ngắn, thơ, điểm sách, viết tạp ghi. Và sau này ông viết các bài nhận định về kịch ảnh, tân nhạc. Hồ Trường An cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Minh Tinh, Sinh Hoạt Nghệ Thuật, với các nhật báo Tranh Thủ, Tiền Tuyến...
Sự nghiệp sáng tác của Hồ Trường An khó thể nói là khiêm nhường, với 22 truyện dài, 10 tập truyện, 16 bút khảo, ký sự, bút ký và 3 tập thơ được xuất bản, đó là chưa kể những bài viết rời ông cộng tác với các tạp chí trong nước và hải ngoại suốt gần 50 năm cầm bút.
Lãng mạn miệt vườn
Văn phong Hồ Trường An gần gũi với những cây bút miền nam nổi tiếng từ Hồ Biểu Chánh tới Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và cả Lê Xuyên. Người đọc ông có thể tìm thấy cái hương vị miền Nam đậm đặc trong từng hơi thở của nhân vật nhưng người đọc cũng dễ dàng phát hiện ra cái sâu thẳm hơn trong Hồ Trường An bởi tính chất lãng mạn của một ngòi bút bật ra quá nhiều tỉ mẩn của một cô con gái dính liền với thôn dã.
Là một người đồng tính, Hồ Trường An không hề có ý định che giấu giới tính của mình; văn chương của ông như sợi lụa mỏng manh nhưng dai dẳng cột chặt người đọc từ trang này sang trang khác qua những lời kể dông dài nhưng quyến rũ về các câu chuyện của một thời xa xưa, lúc đồng bằng sông Cửu trong giai đoạn hình thành.
Hồ Trường An làm cho nhiều người đọc say sưa bởi tính chi li tỉ mẩn của ông qua từng trang sách. Tả về người đàn bà hay bất cứ điều gì có liên quan đến công dung ngôn hạnh là chừng như rồng gặp nước, ông không biết dừng và chính tính chất đặc biệt này đã giúp ông đứng riêng một cõi.
“Cô Hai Phụng vóc mình dong dỏng, nước da ngăm đen nhưng tóc cô mềm và nhuyễn, dợn sóng trước trán, mắt cô ướt rượt, nụ cười cô có duyên phô hàm răng trắng muốt như hột dưa leo. Cô mặn mòi xinh đẹp lắm. Hễ cô liếc tên trai làng nào thì tên đó bủn rủn mới có một, nhưng khi cô cười thì hắn bàng hoàng tới mười.
Ý là cô chỉ mới biết đọc biết viết, cô lại không biết đọc tiểu thuyết, không mấy khi được coi hát bội, hát cải lương, nhưng cách nói chuyện của cô vừa nhõng nhẽo vừa mơn trớn làm tự ái đờn ông được vuốt ve. Rốt cuộc hắn sướng rơn cả người, hồn phách tâm trí hắn bị cô hớp hết vô cái miệng xạo đía của cô.”
Khi viết về đồng quê hay những kỷ niệm trong gia đình, văn phong Hồ Trường An lại rẽ qua một hướng khác, thâm trầm và sâu lắng hẳn. Hồ Trường An làm người đọc cảm nhận được hương vị quê hương một cách rõ rệt như đang nhấm nháp và sờ mó chúng. Có lẽ đây là thế mạnh của ông, biết dằn một chút muối trong nồi canh quê để người thưởng thức tự cảm nhận cái đậm đà mà họ đã đánh rơi trên suốt quãng đường gió bụi.
“Ngoại tôi không nấu canh mồng tơi suông đâu. Bà cũng hái rất nhiều lá mồng tơi, rồi cùng với rau tập tàng, rau bồ ngót, rau cải trời, rau dịu để nấu canh tôm. Những con tôm he được ngắt đầu, bóc vỏ, bỏ đuôi, rút gân máu, đem quết nhuyễn và tra thêm tiêu, hành lá, nước mắm... rồi vo từng cục tròn tròn, dẹp dẹp thả vào nồi nước sôi, trước khi bỏ rau mồng tơi và rau khác vào. Canh rau do đó, thật ngọt, được múc vào những chiếc tô sành sản xuất từ Lái Thiêu, với một nét họa phóng bút bằng tay.
Chúng tôi nghỉ học. Tìm được tập giấy trắng và ngòi viết lá tre cũ, tôi hái trái mồng tơi pha chế thành mực tím chép những bài hát nổi tiếng đương thời. Trên nền giấy ố vàng, những hàng chữ gò gẫm, sắc nét và lối trình bày sạch sẽ cũng làm cho tập giấy có vẻ ngoạn mục riêng.
Rồi chúng tôi bỏ Ngã Ba Trung Lương, về Vĩnh Long sống nhờ ông nội chúng tôi. Chung quanh nhà, chúng tôi rào giậu mồng tơi, trồng bồ ngót, cao kỷ, bạc hà, cây lá giấm. Mâm cơm quê nội có bát dĩa sang trọng, nhưng thức ăn rất đạm bạc.
Việt Minh đã sung công hết ruộng đất của ông nội tôi. Sản nghiệp của ông dần dần khánh kiệt. Với tài chế biến khéo léo, má tôi làm những món đạm bạc nhưng ngon lành và tinh khiết: canh rau nấu bột ngọt, cá cơm kho tương ăn với dưa leo và rau thơm, cá linh, cá rô kho sả ớt, con ruốc chấy tóp mỡ... Giậu mồng tơi quê nội đã giúp cho mẹ con tôi chịu đựng cái nghèo trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh suốt chín năm.”
Viết phê bình, tiểu luận
Hồ Trường An không những sáng tác truyện dài, truyện ngắn hay tiểu thuyết…mà ông còn phê bình, viết tiểu luận văn chương và tiểu sử của những ngòi bút nữ nhân mà ông mến mộ. Hãy đọc một đoạn ông viết về Hồ Biểu Chánh:
“Cái ngôn ngữ dí dỏm, chót chét trong văn phong của Hồ Biểu Chánh thường làm cho chúng ta bật cười một cách thống khoái, dù cụ có cằn nhằn chì chiết nhân tình thế thái đi nữa. Chúng ta cảm nhận ngay sự thành khẩn của cụ. Chúng ta vụt cảm thấy tận đáy sâu của ngôn ngữ cụ, tận cái thiết tha của tình ý cụ có một hấp lực kỳ đặc, không dễ gì tìm gặp ở bút pháp kẻ khác….”
Nói về Bình Nguyên Lộc Hồ Trường An thân tình hơn, do đó có phần âu yếm:
“Văn chương Bình Nguyên lộc nồng nàn tình yêu quê cha đất mẹ. Đôi khi cái nồng nàn đó lên tới mức độ sôi nổi nên anh không làm chủ được ngòi bút của mình. Do đó văn chương ấy trở nên bộc tuệch, trống trải, cường điệu, bộc lộ cá tính Nam Kỳ.
Cái bộc lộ ấy chưa chắc là cái khuyết điểm hay nhược điểm gì. Trái lại, nó làm cho sự diễn đạt tình ý của anh thêm minh bạch, thêm tươi rói và cực kỳ quyến rũ. Anh để mặc cho tâm sự mình phơi bày hở hang, trần truồng, không ngụy trang, không úp mở. Độc giả đa số không cần ở văn chương anh cái mánh khóe tiềm ẩn hay cái phong niêm tinh xảo để làm cho sự diễn tả được hàm súc và ý nhị. Họ chỉ cần tấm lòng tươi son bền sắt của anh đối với quê hương của anh.”
“Quan niệm về nghệ thuật của Sơn Nam vẫn là quan niệm vừa sâu sắc vừa dí dỏm như quan niệm của Võ Phiến. Anh không phải là nhà văn tư tưởng. Nhưng văn chương anh rất cận nhân tình, gây lý thú bất ngờ cho người đọc qua những lời khề khà của một bợm nhậu hào sảng trong lúc rượu vào lời ra. Nhưng coi chừng đó, những lời theo hơi men tuôn ra từ cửa miệng anh thường làm chúng ta nghĩ ngợi.”
Lê Xuyên thì Hồ Trường An tỏ ra dè sẻn hơn khi viết:
“Lê Xuyên không viết văn dài dòng: không cần tả cảnh, tả người, tả vật, tả tâm trạng, tức là không tả những cái mà giới bình dân cho là lòng vòng không hợp với khiếu thưởng ngoạn của lớp độc giả với lòng dạ rổng rang, suông thẳng như ống nứa ống tre. Anh thích kể chuyện, ưa cho các nhân vật của mình chuyện trò vòng vo Tam Quốc, cằn nhằn dai dẳng, cà khịa rỉ rả, cãi lẫy tưng bừng, có khi chửi bới huyên náo. Anh không cần viết văn đâu.”
Hồ Trường An nói về những cây viết này:
“Anh Bình Nguyên Lộc thì ảnh ham đào sâu vào tâm trạng, tâm lý tâm linh của mình, tới khi đụng tới đồng tính luyến ái thì ảnh không biết. Ông Sơn Nam thì chỉ viết phong tục xã hội miệt vườn thì, ảnh không cần viết tâm lý của nhân vật ra sao. Lê Xuyên cũng vậy.”
Mãn nguyện với giới tính
Mặc dù được nhiều người công nhận ngòi viết Hồ Trường An tập trung vào đồng quê và những mẩu chuyện trữ tình lãng mạn của miệt vườn, nơi những chàng trai cô gái chân chất tỏ bày tình cảm của mình hồn nhiên như cọng lúa….thế nhưng phía sau cái mềm mại ấy là những bùng vỡ của tâm trạng, của giới tính, của khác biệt đôi khi khó thể phân bày.
Mặc dù cuồn cuộn và hừng hực như nham thạch, nhưng tâm trạng ấy phải bị đè xuống, dấu đi chỉ còn lại chút dư âm của cuộc tình đồng tính. Hồ Trường An kể về tác phẩm “Hợp Lưu” của mình, tác phẩm hiếm hoi viết hẳn về đồng tính luyến ái của ông:
“Người đầu tiên mà viết về đồng tính luyến ái là một người bạn của tôi tên là Đỗ Quế Lâm viết cuốn “Vết hằn rướm máu” nhưng cũng nói tới một chút thôi.
Nguyễn Văn Trọng viết : “L’Enfer Rouge et mon amour”” tức là “Hỏa ngục đỏ và người tình của tôi” sáng tác bằng tiếng Pháp rồi tự dịch ra tiếng Việt nhưng mà nói cũng qua loa vậy thôi không tả những cuộc làm tình tỉ mỉ được.
Anh Thảo trong lúc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo Văn bị người ta chửi dữ lắm. Những cú điện thoại, thơ rơi… nhưng tôi chỉ viết những khía cạnh tổng quát của một cuộc làm tình chứ đâu tả cái sex ra làm sao… không có! Chỉ tả nàng và chàng khỏa thân với nhau tạo ra những cảnh đẹp gặp nhau giữa hoàng hôn, hay dưới ánh trăng thanh rồi chỉ nói sơ qua hai người trần truồng với nhau cùng với hình ảnh thơ mộng vô trong đó chứ không phải để trắng trợn tục tĩu đâu.”
Nhà thơ
Hồ Trường An còn có hai tập thơ, và khi làm thơ, Hồ Trường An chắt lọc từng chữ từng ý. Cũng mặn mòi và thấm đẫm chất quê nhưng trong thơ Hồ Trường An người đọc nhận ra một mảng cảm nhận khác.
Trong bài thơ “Vườn cau quê ngoại” tác giả phải ky cóp kỷ niệm nhiều lắm, phải thương nhớ mảnh đất cố cựu một cách sâu nặng lắm mới cho chúng ta những cụm từ tuyệt đẹp mà chỉ người miệt vườn mới thấm, mới chia sẻ được nỗi thương nhớ quê nhà qua tàu cau bẹ chuối…
Đêm qua vườn ngoại tàu cau rụng
Vàng ố loang từng bẹ lá khô
Mo xám quắt queo bao cữ nắng
Hồn xanh phai lạt giữa mơ hồ.
Thềm vắng, xế nay ngồi vót chổi
Ngoại đưa cần mẫn chiếc dao dâu
Chừng nghe tiếng chổi khua sàn sạt
Quét rụng niềm vui tự thuở đầu.
Sống lá từng tàu cau chuốt mỏng
Dẻo mềm lạt buộc chổi tinh khôi
Ngoại từ xanh tóc nay đầu bạc
Vót chổi bao năm một chỗ ngồi.
Đêm qua bão rớt, bông cau rụng
Mai mốt buồng cau thưa trái non
Vững mạnh nọc trầu bên mé nước
Dài giây, tủa rễ, lá xanh rờn.
Từ hình ảnh của cây cối thân yêu sau vườn, Hồ Trường An chừng như muốn bật khóc khi gió chiều se lạnh, cái lạnh quê nhà tràn tới trong khi tác giả tha hương đã làm hồn vía của ông trở thành lạc lỏng cô đơn biết chừng nào…
Nắng tắt, hiên ngoài se sắt lạnh
Gió chiều quét sạch lớp mây giăng
Ngoại đưa đẩy chổi trên sân vắng
Quét lá, làm sao quét ánh trăng?
Làm sao quét nỗi buồn giăng mắc?
Đèn lửa đêm dài chong hắt hiu
Cau sấy ba canh, than cháy đỏ
Làm sao hong ráo lệ bao chiều?
Vườn cau quê ngoại thời niên thiếu
Ươm giữa hồn thơ nét đẹp buồn
Ký ức tháng ngày rung bóng lá
Thơm hương cau tỏa dưới trăng sương.
Vườn cau hòa tiếng tim châu thổ
Dựng mộ bia sau mái miếu đường
Có bóng ma người bao thuở trước
Suốt đời bám riết đất quê hương.
Hồ Trường An có thể chưa trở thành một cây viết ngang ngửa với Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, nhưng chắc chắn rằng ông đứng hẳn ra một cõi với văn phong và sự trăn trở dữ dội của một ngòi viết đồng tính gần như duy nhất của Việt Nam.
Trong suốt 50 năm cầm bút, ông luôn hãnh diện nhận mình là một người đồng tính luyến ái, vừa hãnh diện vừa ngại ngùng và đôi khi rụt rè, nhưng bất cứ khi nào nói đến bốn chữ “đồng tính luyến ái” thì chừng như giọng của ông cất cao hơn, hoàn toàn mãn nguyện đối với những gì thượng đế ban cho mình.
Đây cũng là một điểm đặc sắc nữa của Hồ Trường An, một người cầm bút hiếm hoi trong cộng đồng người đồng tính.
Hôm nay ông Nam Tảo đi lên Tân Ngãi đặt làm ba cái bài vị cho ông bà nội mình và cho bà đích mẫu của cha mình để thờ tại trung đường. Ông không ngại tốn kém, đặt làm bài vị sơn son thế vàng rực rỡ.
Bà Năm Tảo đang soạn một mâm cơm nho nhỏ để cúng cô em nhà chú dù hôm nay không phải là ngày giỗ của cô. Cô này từ trần cách đây mười năm. Số là cô chị bị gã sở khanh dụ dỗ đến mang bầu. Hắn hứa cưới cô và khuyên cô dưỡng thai. Ai dè chén thuốc hắn ân cần đứa cô uống, nói là thuốc dưỡng thai đó, thật sự là Càn Nguơn sắc đặc, chuyên dùng phá thai. Cô uống vào, thai ra cùng lúc với cơn băng huyết.
Mất máu nhiều nên cô vong mạng. Đêm qua trong cơn chiêm bao, bà Năm thấy cô hiện hồn về mách bảo:
- Tuổi em hạp với con Ba Tây Nguyệt. Từ nay em sẽ là vong cô phù hộ cháu gặp duyên ưa phận đẹp. Còn bà đích mẫu của anh Năm là vong cô của con Hai Túy Ngọc đó.
Ông Năm Tảo là một thầy lang giỏi, nhờ nghề xem mách hốt thuốc mà dư ăn đư để. Nhưng đối với người xung quanh, ông là kẻ trái đời. Vào những thập niên đầu thế kỷ, vợ không sanh con trai mà ông không nạp thiếp, nạp hầu. Chẳng những vậy, ông còn dùng những chữ huê mỹ đặt tên cho các con, và cho con học thêm chữ nho, chữ nôm, làm thơ làm phú ngoài việc học bếp núc, vá may.
Cô Hai Túy Ngọc trắng da dài tóc, nhan sắc bóng bẫy, phẩm cách cao sang. Cô Ba Túy Nguyệt nước da tuy mởn nhưng không trắng bằng chị, dung nhan mặn mòi, ăn nói có duyên.
- Trời sắp đúng ngọ rồi, bay liệu mà vô nhà đi!
Cô Hai vừa bước tới ảng nước điểm loáng thoáng bông cau rụng bởi trận gió đêm qua, vừa giục em gái:
- Thôi chớ. Tạm nghỉ để ăn cơm cái đã. Chiều mát, chị em mình làm tiếp.
Bà Năm bưng mâm cơm từ bếp lên chái bên trái, đặt trên bàn hột xoài bằng gỗ thao lao quang dầu bóng lộn. Bà ngó qua tấm phên mắt cáo, thấy con gái còn lảng vảng ngoài nắng, liền hét:
- Mau vô nhà nghe chưa! Bây còn làm giống gì ở ngoài vậy? Giờ đúng ngọ là giờ cực dương. Hễ cực dương thì hóa âm. Tao nói ít bây phải hiểu nhiều.
Cô Ba Túy Nguyệt lật đật xách chiếc cuốc vào nhà. Cô Hai Túy Ngọc cũng đã rửa tay chưn xong, nối ót em.
Khắp xóm lặng ngắt. Cây cỏ thiêm thiếp say nắng rực rỡ màu vàng ròng. Thỉnh thoảng có tiếng gà gáy lẻ tẻ vọng lên từ trong xóm. Đây là xóm Chuồng Gà nằm bên mặt con lộ Trần Minh Tại, ngoại ô tỉnh Vĩnh Long. Con lộ này từ dốc cầu Thiềng Đức đưa tới làng Long Thành, băng qua xóm Thiềng Đức, xóm Bánh Phồng, xóm Chuồng Gà, xóm Cầu Kè. Bắt đầu từ cuối xóm Thiềng Đức, con lộ đã xuyên vào vùng miệt vướn rợp bóng mát.
Lác đác có vài cây dâu miền dưới, cây phù quân, cây cốc, cây ô môi, vài bụi chuối hột mà tụi chăn trâu thường ghé vô hái trái, cạp ăn nghe rào rạo.
Bà Năm lấy chén gạo lưng thay thế bát nhang đặt lên bàn, cắm cây nhang huyền đàn vừa mới thắp. Bà vái van:
- Ưng ai, vong hồn dì nó sống khôn thác thiêng, nghĩ tình máu mủ mà phù hộ cho hai con cháu gái của dì.
Ven bàu, chỗ nước sâm sấp là những cọm bèo cánh tròn xinh xinh. Cả hai ngồi dưới bóng cây dâu miền dưới, buông cần câu, chăm chú nhìn vào mặt ao. Ngồi mãi, không hiểu vì sao hôm ấy cà không chịu cắn câu. Thời tiết nòng nực, chung quanh hoang vằng, cô Ba Túy Nguyệt cởi áo, kéo chiếc quần lá nem rộng đáy lên tới ngực, với chiếc rổ nhảy xuống bàu để xúc cá tép. Trời đang nắng chang chang bỗng đâu một cơn gió thổ tới, xua áng mây đen che khuất mặt trời. Cơn trốt nổi lên làm kẻ trên bờ, người dưới nước cảm thấy rát mí mắt. Đến khi con trốt thoảng xa và dịu lại, thì cả hai thấy trong bàu nước có một bà già tuổi ngoài sáu mươi cũng đang xúc sy tép. Sự xuất hiện đột ngột của bà làm hai chị em xững vững.
Cô Hai Túy Nguyệt lễ phép hỏi:
- Thưa bác, bác từ đâu tới?
Bà già nét mặt xanh xao, da dùn, tóc bạc dã dượi, cái nhìn lộ vẻ lãnh đạm, thờ ơ và đặc biệt có một nút ruồi đen, lớn bên mép. Bà nhìn kẻ trên bờ, người dưới nước, ấp úng:
Câu trả lời có vè kỳ cục, bí mật. Cô Ba Túy Nguyệt hỏi nà:
- Bác tới hồi nào mà cháu không thấy? Bác xuống nước cách nào mà cháu không hay?
Bà già lãnh đạm:
- Làm sao cô thấy được! Nhưng thôi, tui không thể ở đây lâu. Mình xúc cả thôi kẻo trễ.
Bỗng một con chim thằng chài lông xanh bay lướt qua bên kia đám điên diển trổ bông vàng sát mé nước. Bà già bảo hai chị em:
- Tui phải đi, đã tới giờ có người kêu tui đó! Vậy tui cho mấy cô mớ cá tôm này.
Bà trút cá tôm vô giỏ cá của hai chị em. Và trong nháy mắt, bóng dáng bà đâu mất biệt. Hai chị em sững sốt nhìn nhau, da thịt mọc ốc. Cô Hai hỏi em:
- Hồi bà bước lên bờ, sao tao không nghe thấy tiếng khuấy nước, tiếng lau sậy khua động?
Cô Ba rùng mình:
- Bả biến đi thiệt lẹ. Hay là...
Cô không dám nói tiếp, hối hả bước lên bờ mặc áo vào. Bỗng cô nhìn vô giỏ cá, ré lên:
- Chị Hai! Chị coi đây nè! Trời ơi, sao lạ như vầy!
Cô Hai Túy Ngọc dán mắt vào đáy giỏ. Cá tôm đâu không thấy, chỉ có rác rến và vài cánh bèo mà thôi.
Hai chị em vội vã về nhà, thuật lại cho mẹ mình nghe. Lúc đó bà Năm Tảo đang ngồi nói chuyện với bà Chín Thẹo ở bộ ngựa giáng hương. Bà Chín Thẹo vụt hỏi:
- Có phải hai đứa bay gặp bà già có mụt ruồi bên mép không?
Hai chị em gật đầu xác nhận. Bà Chín Thẹo vỗ đùi một cái bép:
- Vậy là hai con nầy gặp ma rồi! Hồn ma bà Bảy Cúc đó! Số là hồi năm Nhâm Tuất gì đó, quan Tây Bô- na đem quân đánh chiếm thành Vĩnh Long, đội hỏa pháp vô thành. Quan tổng đốc cho đốt trại lính rồi rút lui. Tây đuổi theo. Một số quân mình vừa chống cự vừa chạy tháo thân tới rạch Nước Lạnh, bỏ mình hàng chục người.
Con rạch đó ở sau vườn làng, cách bàu một đám sậy rộng cỡ hai mẫu. Trong số nghĩa quân liệt sĩ đó có ông Hai Phụng. Ổng chưa lấy vợ, nhà chỉ có một mẹ một con. Bà mẹ sau cái chết của con, đau đớn quá nên tới rạch Nước Lạnh khóc lóc than thở. Bà phải mượn rượu giải sầu. Một đêm nọ bà uống say rồi toan tới rạch khóc than với vong hồn con. Ai dè mới tới bàu nước, bà té quị, nhiễm sương mà chết. Dân trong xóm bèn chôn cất bả vẫn chưa siêu sanh, còn lẩn quẩn bên bàu.
Vừa vào nhà, bà Năm Tảo bắt hai cô xức dầu cù là ngay. Tiết trời viêm nhiệt, bịnh thơi khí xảy đến biết đâu mà lường, cho nên bà phải đề phòng, không cho cả nhà uống nước mưa chứa trong lu bầu, trong mái đầm để ngoài hành ba phải uống nước trà huế pha gừng, quế.
Bà nhắc nhở:
- Con Hai ăn cơm xong nhớ khuấy bột trứng sam cho tía bây đùng. Con Ba thì nấu cho má nồi chè đậu xanh khổ tai bột bán.
Vừa từ bép đi lên, tay bưng dĩa bàn đựng rau sam luộc và chén mắm nêm giã tỏi ớt, thì bà nghe cô Ba Túy Nguyệt kêu nhỏ, giọng run rẩy, nặt tái xanh:
Bỗng cô Út Thoại Huê, tên cô em nhà chú của bà Năm Tảo, ngóc đầu ngồi dậy, ngoắc bà Năm:
- Chị và hai cháu lại gần đây cho em bày tỏ câu chuyện. Tới giờ mùi hai mẹ con em phải trở về cõi âm.
- Thân em đây vốn vô định sở, nhưng vẫn ở trong cuốc đất Vãng nầy. Chỗ nào trong đất nầy cũng là nhà của em, vì bởi nghiệp lực oan trái em không ở một chỗ lâu dài. Thằng Hai Luyện khốn nạn dụ dỗ em cho tới mang bầu. Má con nhà nó còn bày mưu lập kế phá thai khiến em phải băng huyết mà vong mạng. Trót mười năm nay cái ác quả của gia đình nó chưa chín mùi nên ác báo chưa hiện hành. Ai gieo mạ tháng ba thì tháng chạp sẽ gặt lúa. Riêng dòng họ mình tu nhơn tích đức nhiều, anh chị ăn ở hiền lương sẽ gặp nhiều sung sướng về sau.
Em về thăm chị và cầu xin chị một điều: Cây da nầy hạp với vong hồn các sản phụ chết trong lúc lâm bồn và các thai nhi lỗi giờ sanh. Xin chị lập dưới gốc da một miếu nhỏ cao hai thước, ngang một thước rưỡi, dài hai thước, có hương án bên trong, liễn đối bên ngoài. Mỗi kỳ rằm Vu Lan nhớ cúng kiếng cho các vong hồn được hưởng. Có vậy em mới theo con Ba để phù hộ cho nó.
Bà Băm Tảo suýt soa khấn vái:
- Dì nó đã dạy thì mẹ con tui xin vưng. Chỉ mong rồi đây không lâu, vong linh mẹ con dì mau được tiêu diêu siêu thoát.
Cô Út Thoại Huê bảo:
- Chị nên giữ kín chuyện này, đừng để lối xóm hay biết. Thôi, chị và các cháu vô nhà đi. Em và các bạn ở đây vui chôi chốc lát rồi sẽ về cõi u linh.
Mẹ con bà Năm ngậm ngùi quay vô nhà. Cả ba nhìn qua tấm vách, về hướng cây da. Trên ngọn cây, khắp các cành, vài chị đàn bà xỏa tóc chuyền qua chuyền lại. Còn lũ con nít thì bay lượn như chim, cười nói líu lo nhưng âm vang chỉ văng vẳng mơ hồ, lẫn trong tiếng gió xôn xao từ cánh đồng bên kia con lộ đá thổi tới.
Cô Út Thoại Huê cất tiếng hát:
- Nắng lên cho là héo hon
Cho đáng kiếp chàng phụ rẫy nghĩa xưa
Một chị đàn bà ru theo:
- Thuở xưa quả báo thời chầy
Thời nay quả báo một giây nhãn tiền...
Những lúc hát những câu trách móc đó, cơn giận làm mặt họ xanh như chàm đổ, răng nanh dài ra, mắt sáng quắc như hai cục than ngún lửa. Rồi đám trẻ nít dần dần biến mất, sau đó mới đến lượt các chị đờn bà. Sự yên tĩnh rờn rợn phủ xuống.
Ông Năm Tảo tác người roi roi. Nhờ ông dượt võ Bình Định đều đặn, cũng như chịu khó làm vườn cuốc đất mỗi khi rỗi rảnh nên thân thể cường tráng, bụng săn chắc chia làm sáu múi. Mặt ông bặm trợn nhưng hòa huỡn, cằm vuông, mày sắc. Ông lớn hơn vợ một tuổi nhưng không giữ nét trẻ trung bền dai bằng vợ. Gần tới tuổi năm mươi mà tóc bà Năm vẫn đen láng như huyền, mặt không một vết nhăn, vóc mình hơi mập, tươi mát. Thương yêu vợ nên dù vợ không có con trai, ông vẫn không chịu nạp hầu, nạp thiếp. Nhớ ơn đó, bà chiều chuộng, săn sóc ông từng chút.
Trong khi cô Ba xuống bếp lấy đường cát mỡ gà và bột huỳnh tinh khuấy trứng cá cho cha thì bà Năm Tảo thuật lại giấc chiếm bao đêm trước và vận sự các oan hồn hiển diện cho chồng nghe. Ông cứ gật đầu chấm câu, không hề ngắt lời vợ. Nghe xong câu chuyện, ông nói:
- Má nó thấy tui có lý hay không? Hồi tui tính dọn về đây ở, má nó cứ cằn nhằn tui sao chọn nhà gần chốn tha ma mộ địa. Nay má nó rõ rồi đó: đức trọng quỉ thần kinh. Tui noi gương ông bà, giữ vững khí tiết. Má nó thì giữ dạ hiền lương, lại dạy con cái hiếu thảo, tiết trinh. Vậy thì ma quỉ nào nỡ lòng khuấy phá, hãm hại mình.
Bà Năm Tảo hạ thấp giọng:
- Để rồi ông coi, gia đình ông Bang biện Huỡn sẽ trả quả!
Ông Bang biện Trần Văn Huỡn là cha của cậu Hai Luyện, nhà ở xóm Cầu Đào, gần chùa Bảy Phủ. Ông nội của ông Bang biện vốn là bạn đồng hương với ông nội ông Năm Tảo, quê làng Mỹ Khê, huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Cả hai ông cùng vào Nam lập nghiệp. Nhưng trong khi ông nội ông Năm Tảo sống bằng nghề xem mạch hốt thuốc thì ông nội ông Bang biện theo tên Việt gian Trần Bá lộc chuyên đánh dẹp, bắt bớ các nghĩa quân chống Pháp ở vùng Tiền Giang.
Vào năm 1862, trong trận đánh chiếm Vĩnh Long, nhờ ông nội ông bang Biện Huỡn điềm chỉ mà quân Pháp đã tiêu diệt đám nghĩa quân của Lãnh binh Hồ Lực. Để trả ơn, ông ta được Pháp cho làm tri huyện tại huyên Duy Ninh. Cha ông Bang biện Huỡn là con trai duy nhứt, thừa hưởng một gia tài khổng lồ, ruộng đất cò bay thẳng cánh, trong tủ có trên ba trăm lượng vàng. Ông Bang biện Huỡn là thứ nam, không được coi sóc nhà thừa tự và hưởng ruộng đất hương hỏa. Nhưng ông thọ hưởng được tánh gian ác của ông nội cung như quyền biến và biển lận của tía ông nên ông lập cơ nghiệp to tát chẳng mấy chốc.
Cô Ba Cẩm Tú chơi thân với một cô bạn học cùng lớp trường Áo Tím. Thấy cô nọ có ông thầy thuốc tốt nghiệp trường y khoa Hà nội đi hỏi, cô tìm cách rù quyến vị lang tây kia khiến cô bạn thất vọng uống á phiện trộn dấm tự tử.
Cô Tư Cẩm Lệ, con gái út của ông Bang biện, nhảy vô làm bé một ông thầy kiện ở Sài gòn rồi lấn quyền vợ lớn khiến bà kia buồn rầu mà chết. Khi nắm quyền chủ phụ trong nhà, cô đối xử với con ghẻ tàn tệ còn hơn đối với kẻ thù.
Ông Bang biện Hưỡn và ông Năm Tảo vốn là đôi bạn thơ ấu. Dù tánh khí khác nhau, nhưng cả hai vẫn giữ tình giao hảo. Lý do thứ nhứt là bởi ông Năm coi mạch hột thuốc mát tay. Lý do thứ hai cũng là lý do chánh, ông Bang biện cần có người để khoe khoang. Riêng bà Năm và hai cô Túy chưa hề đặt chưn tới nhà ông Bang biện bao giờ! Hễ vô tình đụng đầu nhau ngoài đường, hai cô Túy chỉ chào hỏi lễ phép, nói vài câu rồi đường ai nấy bước.
Cô Hai Túy Ngọc mở nắp thố sứ, múc bột huỳnh tinh khuấy trứng sam vào cài chén sứ nhỏ bày lên mâm rồi mời ông Năm Tảo dùng. Bên ngoài, trời vừa tắt nằng. Ông Năm vừa ăn bột, vừa lắng nghê tiếng bìm bịp vẳng ngoài bến sông. Ông bảo cô trưởng nữ:
- Tía phải qua bên xóm Lò Rèn để trị bệnh cho cô Bảy Thược, con ông Hương bộ Hành, cuối canh hai tía mới về.
Người vợ vẫn thụt ống bể, người chồng vẫn đập búa lên thỏi sắt nung đỏ đặt trên đe, còn đứa con trai vẫn ngồi chồm hổm bên cha. Tiếng búa nện không chan chát như tiếng búa thường, nó chỉ văng vẳng mơ hồ, vọng vào cõi âm u từng loạt mong manh rời rạc. Cảnh lò rèn ma và ba chiếc bóng u lin cứ sinh hoạt như thế tới lúc gà gáy hiệp hai mới tan.
Mỗi khi nớ tới vận sự gia đình người thợ rèn, cô Hai Túy Ngọc nao nao tấc dạ. Cái chết giáng xuống thình lình biến hai vợ chồng và đứa con kia thành ba oan hồn uổng tử, tâm thần hoang mang mờ mịt. Bởi họ không biết rằng họ đã bước vào cõi chết, họ không hay xương thịt họ đã vùi trong lòng đất và đã vữa nát, hư hoại. Cho nên, nhiều đêm họ tái diễn cảnh sinh hoạt mà họ vẫn làm thuở còn sanh tiền. Có ai tụng cho họ bài chú vãng sanh và kinh cầu siêu để vong linh họ nhận biết được tình trạng của mình hầu sớm đầu thai kiếp khác!
No comments:
Post a Comment