Monday, December 13, 2010

HỨA HOÀNH * NHÂN VẬT NAM KỲ


Nhà văn Hứa Hoành

________________________________________________________________________________________________
Thiên Minh

huahoanh.jpg (23599 bytes)

Nhà văn Hứa Hoành


Sinh ngày 01 tháng 01 năm1939 tại Vĩnh Long. Cựu giảng viên khoa nhân văn trường Võ Bị Quốc Gia, Ðà Lạt. Định cư tại San Antonia Texas USA

Tác phẩm đã xuất bản :
Nam Kỳ Lục Tỉnh (4 tập)
Các Nhà Giàu Xưa — Nam Kỳ
Sau Bức Cấm Thành Nhà Nguyễn
Du Lịch Trung Hoa
Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh (Ðại Nam Ha Kỳ)
Vĩnh Long : Ðất nước, Con Người (Minh Văn Hoa Kỳ)
Bảy Viễn: Xếp Sòng Chợ Lớn ( Văn Hoá Hoa Kỳ)

Cố nhà văn Hứa Hoành (1939-2003)
Và những ngày ở trại tạm cư Sungei Besi Malaysia
Thiên Minh



Trong những năm vừa qua độc giả Việt Nam ở khắp nơi đã biết đến tác giả Hứa Hoành như là một nhà văn chuyên viết về miền Nam. Nhiều bài viết và những công trình nghiên cứu giá trị của ông về lịch sử, về quê hương đất nước đã được đăng tải cũng như phổ biến và vẫn còn được lưu giữ trong website của nhiều tờ báo, đài phát thanh.


Là một độc giả có dịp biết qua ít nhiều tác phẩm của nhà văn Hứa Hoành, cũng như có dịp tiếp xúc với ông trước đây, nên nhân dịp kỷ niệm bốn năm ngày ông qua đời (11/7/2003 – 11/7/2007), chúng tôi xin mạn phép được viết đôi dòng (đặc biệt là một vài kỷ niệm) để tưởng nhớ về ông, người tác giả đã có công đóng góp rất nhiều vào nền văn học Việt Nam, nhất là về lịch sử cận đại có liên quan đến tình hình đất nước…


Có lẽ mỗi khi đề cập đến Hứa Hoành không ít độc giả vẫn nhắc đến ông như là một nhà văn chuyên viết nhiều về miền Nam. Theo tác giả Chính Ðạo thì:

- “Sở trường của Hứa Hoành là những biên khảo về miền Nam. Tác phẩm đầu tay của ông là Nam Kỳ Lục Tỉnh, gồm 4 tập, do nhà Văn Hóa ấn hành, nói về hình ảnh sáu tỉnh miền Nam theo lời truyền tụng trong dân gian. Tác phẩm này được sự ủng hộ nồng nhiệt của độc giả, đưa Hứa Hoành lên hàng ngũ của những chuyên viên về miền Nam như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, v.. v... Tiếp đó là các bộ Sau bức cấm thành nhà Nguyễn (Đại Nam, 1994), Bảy Viễn (Văn Hóa, 1997), Du lịch Trung Hoa (Văn Hóa, 1997), Những phú hộ lừng danh (Văn Hóa, 1999)...”.

Ðược biết ông đã qua đời tại San Antonio tiểu bang Texas Hoa Kỳ ngày 11 tháng 7 năm 2003, hưởng thọ 64 tuổi. Ông sinh ngày 10 tháng 10 năm 1939 tại Vĩnh Long. Thân phụ là ông Hứa Thắng, một di dân Quảng Đông, và thân mẩu là bà Nguyễn Thị Thu. Ông định cư tại thành phố San Antonio, Texas (khoảng năm 1985) cùng vợ, bà Bùi Thị Hồng, sinh quán tại Bến Tre, và ba con: một trai, hai gái.

Gia đình ông Hứa Hoành ở Houston

Chúng tôi được may mắn quen biết với ông Hứa Hoành trong những ngày còn ở trại tạm cư Sungei Besi bên Mã Lai vào những tháng cuối cùng của năm 1984. Thật ra lúc đó chúng tôi không được dịp tiếp chuyện nhiều với ông mà chỉ nghe ông nói chuyện cùng các Anh Chị, Cô Chú và các Bác ở chung. Những lần gặp ông thường là ở thư viện hay là khu nhà “long-house” nơi chúng tôi cư ngụ (Trại tạm cư Sungei Besi – Kuala Lumpur). Ông đến khu nhà long-house của chúng tôi vì nơi đó có những người bạn của ông. Qua những lần ông đến chơi, chúng tôi được dịp nghe ông cùng một vài người bạn của ông trao đổi chuyện trò. Ông là người rất hòa đồng và cởi mở cùng mọi người với bản tính hiền lành. Ðược biết, trước đây ông tốt nghiệp Cử nhân Sử Địa tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Năm 1968, sau khi bị động viên, ông Hứa Hoành dạy tại trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt. Năm 1973, ông được biệt phái về Vĩnh Long, dạy học tại trường trung học Vĩnh Long. Cũng theo tác giả Chính Ðạo thì ông Hứa Hoành được chỉ định vào ủy ban thành lập trường Đại học Long Hồ, nhưng kế hoạch này bỏ dở nửa chừng sau năm 1975.


Trại tạm cư Sungei Besi tháng 10 năm 1984 – Ông Hứa Hoành (người có dấu X)

Theo lời ông Hứa Hoành kể, là trước lúc rời khỏi Việt Nam ông có dịp đi nhiều nơi trên chiếc ghe buôn mà gia đình ông dùng làm phương tiện để sinh sống và tìm cách vượt biên. Có lẽ vì ông từng đi dạy về môn sử-địa nên đi đến đâu ông cũng có ý định tìm hiểu thêm về lịch sử và địa dư. Ông tiếp xúc với nhiều người ở những nơi ông đến. Mục đích của ông là để sưu tập về những địa danh và về những người nổi tiếng ở miền Nam. Những ngày ở trại tạm cư ông cũng tiếp tục sưu tập thêm tài liệu qua những người mà ông quen biết. Trong những người bạn thân quen mà ông tiếp xúc có cụ Nguyễn văn Vực, nguyên là Chánh sự vụ Sở Thông tin Ðô thành Sài Gòn ngày trước. Qua ông Vực, ông Hứa Hoành biết thêm nhiều dữ liệu sống và quí báo cho những biên khảo của ông sau này. Trong thời gian này ông Hứa Hoành có gặp lại ông Nguyễn Viết Nam cũng là một đồng nghiệp của ông ở trường Võ Bị Ðà Lạt. Ngoài ra trong căn nhà long-house đó còn có nhà văn Hải-quân Vũ Thất, một cựu sĩ quan Hải-quân đang chờ đoàn tụ cùng gia đình ở tiểu bang Maryland bên Hoa Kỳ. Cùng thời gian này còn có ông Lê Quế Lâm, một cựu sĩ quan Tổng Tham Mưu trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông Lâm từng là chuyên viên nghiên cứu tài liệu thuộc phòng 2 Bộ TTM về chiến tranh Việt Nam (cơ quan hổn hợp Việt Mỹ này do Hoa Kỳ thành lập). Ðược biết tác phẩm Việt Nam Thắng và Bại của ông Lâm đã được trao Giải thưởng Văn Học (Giải Los Angeles 1989) cùng ba tác phẩm khác của các ông Trần Gia Phụng (tác phẩm Án tích Cộng Sản VN 2002); ông Nguyễn Chí Thiệp (tác phẩm Việt Nam: Khát vọng Dân chủ Tự do - Giải Paris 1991); và ông Ngô Thế Vinh (tác phẩm Cửu Long cạn dòng, Biển Ðông dậy sóng - Giải Montréal 1987) do Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do tổ chức (lần đầu) vào tháng 8 năm 2002 tại Orange County California Hoa Kỳ.


Ông Hứa Hoành là người có tấm lòng với quê hương dân tộc. Lúc nào ông cũng nghĩ đến đồng bào bên quê nhà và đồng hương cùng cảnh ngộ. Những ngày tạm cư tại trại tị nạn ông thường bày tỏ tâm tình đó với những thân hữu của ông - họ là những người cũng có tấm lòng giống như ông và cùng tham gia vào những công việc chung trong trại. Ông nói:

- “Ở trong trại này chúng ta cùng góp tay vào những công việc chung. Ðây là một việc làm tự nguyện chứ có ai phong chức tước gì cho chúng ta đâu. Vì thế chúng ta cũng không có quyền hành gì đâu mà hãnh diện?!”

Có một lần trong trại tổ chức kỷ niệm ngày Quân Lực ông Hứa Hoành được mời lên phát biểu trước đồng hương và các cựu quân nhân. Ông bày tỏ tâm tình của ông là khuyên mọi người hãy cố gắng gìn giữ, bảo tồn văn hóa Việt Nam ở hải ngoại và đưa ra những cái hay của dân tộc. Ông khuyên những ca sĩ trong trại nên hát nhạc Việt Nam và cho rằng những bài hát ngoại quốc nếu tập luyện chưa kỹ, chưa hay thì đừng nên trình diễn. Vì theo ông, người ngoại quốc khi nghe qua sẽ không hiểu lời ca thì sẽ cười chê, và như vậy “vô tình chúng ta vạch áo cho người ngoài xem cái dở”. Nhận xét này của ông có người đồng ý nhưng cũng có người phản đối. Những người không đồng ý với ông thì cho rằng những người ngoại quốc ở trong trại cũng “đâu có dở gì đâu” khi họ mặc vào những chiếc áo dài Việt Nam trông rất là ngộ nghĩnh…

Ông Hứa Hoành và các thân hữu Võ bị của ông ở Houston

Thời gian qua mau, mới đây mà đã 23 năm từ ngày chúng tôi được biết ông Hứa Hoành . Không ngờ năm tháng lại thấm thoắt tựa thoi đưa, và đủ dài cho một thế hệ mới ra đời, giống như là “tre già măng mọc” đúng theo qui luật của tạo hóa. Bây giờ thì ông không còn nữa. Tuy nhiên hình ảnh ông, nhất là của những ngày ở bên trại tạm cư vẫn còn lưu lại trong lòng chúng tôi. Ðối với chúng tôi, đây là một may mắn được quen biết với ông. Chúng tôi học được ở ông sự chịu khó trong viết lách, đức tính khiêm-nhường trong giao-tiếp tìm hiểu, và sự khéo-léo trong lắng nghe, cũng như ghi nhận đóng góp từ người khác.


Rồi đây những công trình nghiên cứu của ông cho nền văn học Việt Nam vẫn còn lưu lại với thời gian. Những biên khảo về Nam Kỳ Lục Tỉnh, Những Phú Hộ Lừng Danh, Sau Bức Cấm Thành Nhà Nguyễn, Du lịch Trung Hoa…vv và vv… sẽ là những tài liệu quí báu cho thế hệ con cháu mai sau. Chúng tôi viết bài này để tưởng niệm ông Hứa Hoành và đặc biệt là để cám ơn ông: một nhà văn, một học giả chuyên nghiên cứu về miền Nam đã đóng góp rất nhiều vào dòng văn học Việt Nam hiện tại. Và để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin phép được mượn lời của chính ông Hứa Hoành đã gửi cho một thân hữu của ông : - “Mọi người, anh, tôi rồi cũng già và chết. Chỉ có những công trình văn hoá còn tồn tại với thời gian. Không phải mình hãnh diện, nhưng mình làm được việc phải làm để cho thế hệ sau hiểu lịch sử”.


Thiên Minh

Các Giai Thoại Về:
- TỔNG ĐỐC LỘC
- TỔNG ĐỐC PHƯƠNG
- PHỦ CA
- LÃNH BINH TẤN

Năm 1984 tôi đến trại tỵ nạn Mã Lai. Tình cờ tôi có quen với cụ Nguyễn văn Vực, nguyên Chánh Sự Vụ Sở Thông Tin Đô Thành Sài Gòn dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Lúc đó cụ Vực ngoài 60 tuổi, vượt biên có một mình, sống cuộc đời hiu quạnh của người già, gợi trí tò mò của tôi, nên tôi bắt đầu làm quen, bắt chuyện với cụ.

Mối giao tình lần lần đậm đà. Khi chuyển qua trại ở Philippines, cụ bị bịnh “hở valve tim”, phải ra điều trị tại bịnh viện Manila. Lại cũng tình cờ nữa, tôi được cử theo giúp đỡ trong khi cụ bịnh hoạn. Từ đó, chúng tôi một già một trẻ ăn chung, ngủ gần nhau. Hằng ngày cụ thường kể chuyện xưa tích cũ cho qua ngày đoạn tháng. Thấy cụ minh mẫn và cường kỳ, tôi xin phép ghi chép các chi tiết cụ kể ra. Có lẽ tự biết mình mắc một chứng bịnh khó trị, xung quanh không có thân nhân, lại tuổi cao, nên cụ sẵn sàng cho phép tôi sử dụng các chi tiết mà cụ đã kể với tôi trong thời gian chung sống nhà rỗi ở Manila.



Thỉnh thoảng tôi có dịp hầu chuyện với nhiều vị lớn tuổi ở miền Nam, tôi không quên kín đáo học hỏi thêm. Do đó, tôi có một số tư liệu tương đối ít người biết, hoặc không có sách vở đề cập tới. Trong một ngày rảnh rỗi, tôi lang thang ngoài phố. Tình cờ thấy trên vỉa hè trước tiệm bày bán sách báo cũ giá 10c một quyển. Tôi lựa một hồi tìm gặp một quyển sách bụi bặm nhăn nheo nói về thời kỳ Pháp mới chiếm Nam Kỳ với nhiều chi tiết mới lạ với tựa đề “The French present in Cochinchina and Cambodia 1859-1909″ của Milton Osborn. Trong sách có nhiều bức ảnh minh hoạ chân dung các nhơn vật tiếng tăm lừng lẫy ở Nam Kỳ mà từ trước đến giờ chúng tôi chỉ nghe nhắc tới, chớ chưa thấy được hình ảnh. Quan niệm rằng xã hội nào cũng có người tốt kẻ xấu, chớ không thể thuần nhứt được, cho nên nhắc lại những kẻ đã nổi danh một thời trong lịch sử cận đại với mọi khía cạnh tốt xấu của nó, đều góp phần làm sống lại một thời kỳ đen tối của lịch sử.


Các câu chuyện ấy gần như những giai thoại, một loại ngoại sử thiếu chính xác, nhưng không có cách gì khác hơn để kiểm chứng. Chúng tôi sưu tầm và viết lại người bài ký sự này như một loại kể chuyện đời xưa, còn việc khen chê để dành cho sử gia và các bậc thức giả. Với suy nghĩ như thế, tôi mạnh dạn viết loạt bài nầy cống hiến độc giả. Đây là tâm huyết của một người lưu vong còn nặng tình với quê hương. Mong rằng với lòng rộng lượng sẵn có, qúy độc giả sẽ sẵn lòng tha thứ cho những điều sai lầm, thiếu sót. Pháp đem quân gây hấn ở Bắc và Trung Kỳ, nhưng thật sự đặt chưn lên được phần đất Việt Nam trước tiên là ở Nam Kỳ. Điều đó có nhiều lý do: Thứ nhứt, Nam Kỳ ở xa kinh đô Huế, chắc sự phòng bị lỏng lẻo. Thứ nhì, đối với Pháp, Nam Kỳ là vị trí chiếm lược.


Chiếm lược Nam Kỳ là khai thông sông Cửu Long để chiếm Miên, Lào và dọn đường đến Hoa Nam. Đó là mục tiêu của Pháp để chạy đua với công ty Đông Ấn Anh đang chiếm Ấn Độ, bành trướng qua Miến Điện, tràn xuống Mã Lai. Sự thành công của Pháp ở Nam Kỳ dễ dàng một phần do nhơn tâm ly tán. Nam Kỳ là đất mới, Nho học chưa đủ thời gian để bắt rễ. Khoa cử chỉ mới tổ chức hoàn bị vài khoá tại trường thi Hương Gia Định thì người Pháp đến. Số ông Nghè, ông Cử đại diện cho Nho giáo ở miền Nam rất hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay. So với miền Trung và Bắc, dân trí miền Nam thấp, và họ cũng ít hưởng được ơn vua lộc nước như dân ở miền ngoài.


Có đọc truyện “Giai Thoại Làng Nho” của cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc mới thấy trong khoảng gần 100 giai thoại mà cụ sưu tập, chỉ có 4 hay 5 người miền Nam, còn bao nhiêu là những ông Cống, ông Nghè ở miền Trung và Bắc. Các đại thần ra giúp Nguyễn Ánh trung hưng cũng đều phát xuất từ Thanh Hoá trở vào. Chính những người đó vào Nam với khí tiết của kẻ sĩ, học vấn uyên bác của người đất kinh kỳ văn vật để pha trộn với lòng thẳng thắn bộc trực của người Nam. Pháp chiếm được miền Nam rồi, Nho học suy tàn mau chóng. Sĩ khí của người miền Nam phần lớn không phát xuất từ những tay khoa bảng, hay giữ những chức vụ cao trong triều đình. Các lãnh tụ chống Pháp như Nguyễn văn Lịch (Nguyễn Trung Trực), Thiên Hộ Dương, Lê Công Thành, Đoàn Công Bửu, Nguyễn Xuân Phụng, Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự …đều là những người ít học.


Dân Nam Kỳ rất phân hoá vì nhiều nguyên nhân kể trên. Hơn nữa, Nam Kỳ có nhiều họ đạo, mọc gốc rễ từ lâu đời ở những nơi khuất lấp, bất tiện về giao thông như cù lao Giêng, Bồ Ót (Long Xuyên), Cái Mơn, Cà Nhum (Vĩnh Long) là những chỗ dựa tin cẩn của người Pháp khi mới chiếm được miền Nam. Thi hành chính sách cấm đạo của triều đình, các quan lại địa phương bắt bớ, tra tấn, giam cầm và lưu đày các giáo dân, vô tình gây chia rẽ lương, giáo. Trường hợp ra cộng tác với người Pháp của Trần Bá Lộc, Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), Trần Tử Ca là những thí dụ điễn hình. Năm 1862, khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã được nhượng cho Pháp rồi, gây ra biết bao cảnh tượng thương tâm: nhiều nghĩa quân bị sát hại, gia đình tan nát. Có những gia đình bỏ cả nhà cửa ruộng vườn, bồng bế nhau qua ba tỉnh còn lại tá túc. Trong khi đó, một số người có đạo Thiên Chúa, sẵn mối ác cảm với triều đình, âm thầm ở lại, hoặc mạnh dạn ra hợp tác. Có lẽ bài “Thơ Nam Kỳ” của tác giả vô danh là áng văn cổ nhứt miền Nam, viết bằng chữ quốc ngữ, nội dung rõ ràng cổ võ cho sự hợp tác với Pháp vì sự bạc đãi của triều đình. Nội dung không có nói tới lý do tôn giáo, nhưng chúng ta có thể hiểu ngầm rằng chính lý do ấy đã làm cho một số giáo dân ở miền Nam ngả theo Pháp.


Pháp tìm ra được bài thơ này, nhờ Michel Đức Chaigneau, con ông Chaigneau, một phụ tá đắc lực cho vua Gia Long, dịch ra tiếng Pháp. Nội dung bài thơ tố cáo chính các quan lại địa phương làm cho mất nước vì chủ trương hẹp hòi, chia rẽ và khinh mạn họ. Trong “Thơ Nam Kỳ” có những câu: “…Các quan lại là những nhà hiền triết, những bậc anh hùng tài đức, “Họ coi chúng ta (dân) như cỏ cây, như rác rến, “Họ hay dùng roi vọt đánh đập chúng ta, hơn là kháng chiến chống Pháp. “Chúng ta như sống trong cảnh cá chậu chim lồng…nên chúng ta (phải như chim khô) tránh lưới, tránh dò.

“Hãy để chúng tôi bày tỏ lòng tôn kính đối với cường quốc Pháp, vì ‘tứ hải giai huynh đệ’ …” Bài “Thơ Nam Kỳ” tiếp theo do nhà in Tân Định tái bản lần thứ nhất năm 1903. Bài thơ đầu được dịch từ văn vần chữ quốc ngữ ra chữ Pháp, rồi tác giả khác dịch ra Anh văn. Chúng tôi căn cứ vào bản dịch tiếng Anh để quảng diễn lại nội dung. Tam sao thất bổn nhưng chắc chắn có những nét chính còn giữ lại, để chúng ta có một ý niệm rõ ràng: vì bạc đãi, chia rẽ, nghi kỵ giữa lương giáo của triều đình Huế, vô tình làm mất đi một hậu thuẩn lớn của dân chúng.


rõ đó là cơ hội tốt, Pháp liền nắm lấy. Họ dùng người Việt cai trị người Việt ngay từ buổi đầu . Pháp mở rộng vòng tay đón những người bất mãn ra hợp tác, đặt họ vào địa vị có tiền bc để họ tận tâm phục vụ. Để có thêm lý do vững chắc tin rằng người Công giáo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xâm lăng của người Pháp vào Nam Kỳ, chúng tôi xin dẫn chứng một khía cạnh khác. Khi đồn Chí Hoà thất thủ, triều đình Huế liền cử hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào thương thuyết với Pháp tại Sài Gòn Phái đoàn Pháp ngoài đại diện chính thức là người Pháp , còn có mấy người Việt sau đây: John Liễu, Trần Tử Ca và một người nữa không rõ tên họ, có đạo Thiên Chúa.



Vừa thấy mấy người bản xứ đứng trong hàng ngũ kẻ thù, cụ Phan Thanh Giản giận lắm. Phía họ, khi thấy cụ Phan đại diện cho triều đình vừa bước vào phòng họp thì đứng dậy và chắp tay xá theo lối chào kính nhà vua bằng lễ nghi truyền thống. Cơn giận của cụ Phan tạm nguôi ngoai khi người Pháp giải thích rằng những người Việt này theo Thiên Chúa giáo (có nghĩa là họ trung lập). Người Công giáo ngả theo Pháp từng giai đoạn. Buổi đầu họ đứng trung lập trong cuộc tranh chấp. Rồi các hội truyền giáo khuyến khích, giải thích với họ rằng người Pháp sẽ có mặt lâu dài ở đây để bảo vệ họ, quyền lợi của họ và con cái họ khi có sự trả thù của quan lại triều đình. Từ đó, lớp người ra cộng tác với Pháp càng ngày càng đông. Những khuôn mặt bản xứ mới xuất hiện hồi cuối thế kỷ 19 trên chính trường miền Nam hầu hết là Công giáo.


Ngoài ra còn có một hạng người khác cũng sớm ra đầu thú để xin hợp tác vì họ là những thành phần điền chủ giàu có. Gia đình họ trước đây nhờ các chức vụ như bá hộ, hộ trưởng, đội trưởng các đồn điền mà làm giàu mau chóng. Có thế lực dễ kiếm ra tiền. Có vốn cho vay sanh lời mau chóng. Có tiền họ mua thêm ruộng đất, hoặc siết ruộng đất của những người cầm cố không trả nổi. Họ cảm thấy cần được cái dù che chở của Pháp để bảo vệ quyền lợi cho gia đình và dòng họ. Nhớ lại những năm loạn lạc dưới thời Lê Văn Khôi chiếm cứ thành Phiên An, cũng như nhiều lần quân Xiêm cướp phá, vơ vét sạch tài sản của họ mà không ai can thiệp. Cho nên lần này họ rút kinh nghiệm và tìm một con đường mới để tiến thân và bảo vệ tài sản. Họ tự biết vốn không học nhiều chữ Hán, chỉ biết chữ Nôm và quốc ngữ, chắc chắn không được triều đình trọng dụng .

Vì lẽ đó, họ đổi hướng, mạnh dạn ra hợp tác với tân triều cho hợp với thời thế. Hơn nữa luật pháp của triều đình quá phong kiến và khắt khe. Hằng năm triều đình ra lịnh hành quyết từ 200 đến 300 người riêng tại Nam Kỳ… Nhưng khi người Pháp đã làm chủ ở đây, họ áp dụng luật nước Pháp tiến bộ hơn. Tình trạng xử tử các tội nhơn cũng giảm gần hết, chỉ trừ những trường hợp trực tiếp giết họ, bị họ bắt. Có lẽ đó cũng là dụng ý của thực dân trong giai đoạn đầu để mua chuộc những bản xứ. Trong phạm vi bài này, chúng tôi đề cập đến các nhơn vật tiêu biểu là Trần Bá Lộc và con là Trần Bá Thọ, Trần Tử Ca, và Đỗ Hữu Phương. Tôi tin chắc rằng quý độc giả từng đọc qua những quyển danh nhơn tự điển nước nhà xuất bản từ trước tới nay, không dễ gì tìm ra tiểu sử các ông ấy.

Lý do rất giản dị là vì quan niệm “văn dĩ tải đạo” (văn chương chở đạo lý) của người xưa. Các người trước tác sách vở ngày trước chỉ nhắc đến những gương danh nhơn, anh hùng liệt nữ mà thôi. Dụng ý của họ để răn dạy thế hệ mai sau. Đối với những nhơn vật kể trên, sĩ phu nước ta cho là những kẻ có tội với đất nước và dân tộc, nên không ghi chép lại những tấm gương xấu đó. Ngày nay, chúng ta quan niệm khác. Chúng ta muốn tìm hiểu sự thật và thành tâm, thiện chí làm công việc đó. Chúng ta muốn nhìn thấy những sự việc y như chúng đã xảy ra, dầu tốt hay xấu. Trong khi viết về những nhơn vật kể trên, chúng tôi lược bỏ những chi tiết mà các sách sử thường nhắc tới để tránh sự nhàm chán cho người đọc.

TỔNG ĐỐC TRẦN BÁ LỘC
(1838-1900)

Các bạn có biết trong tỉnh Mỹ Tho có hai ngôi mộ chôn đứng là của ai không ? Xin thưa rằng ngôi mộ thứ nhất của một người con bất hiếu bị “trời trồng” chôn trong xã Khánh Hậu, sau này thuộc tỉnh Long An. Ngôi mộ thứ hai là của Trần Bá Lộc, đi tàu gần tới Mỹ Tho thấy ngôi mộ sừng sững ở đầu ngã ba sông. Trần Bá Lộc là một trong những người oán hận triều đình Huế chỉ vì gia đình ông có đạo, đã bị ngược đãi.


Thân phụ Lộc là Trần Bá Phước, người Quảng Bình, đổ Tú Tài vào Nam lập nghiệp với tư cách một thầy đồ. Ban đầu cụ Phước dạy học tại Cái Nhum Rau Má (Vĩnh Long) sau đó đổi lên cù lao Giêng (Châu Đốc). Đây là các xứ đạo lâu đời nhờ vào vị trí khuất lấp với bên ngoài, nên các giáo sĩ vẫn lén lút truyền đạo. Trần Bá Lộc chào đời tại đây năm 1838, cuối đời vua Minh Mạng. Lớn lên nhằm lúc triều đình cho thi hành một chánh sách cấm đạo khắt khe vì sự khiêu khích của người Pháp. Nhiều cố đạo bị bắt giam, có vị bị hành quyết như Thánh Minh bị giết năm 1854 tại bến đò Đình Khao (Vĩnh Long). Nhiều tín đồ bị đánh đập tàn nhẫn buộc phải bỏ đạo. Có kẻ bị lưu đày. Thân phụ Lộc, cụ Trần Bá Phước bị bắt giam tại Châu Đốc một thời gian rồi đày đi Bình Định. Năm đó Lộc 16 tuổi. Bao nhiêu thù hận Lộc đổ trút lên đầu quan lại địa phương và triều đình Huế. Càng thương cha bao nhiêu, Lộc càng căm thù bấy nhiêu. Theo nhận xét của người Pháp lúc còn học ở trường nhà dòng, người Pháp nhìn nhận rằng Lộc tỏ ra thông minh, có chí khí, học hành tiến bộ. Trong thời gian cha bị phát lưu tại Bình Định, giáo hội tiếp tục nuôi nấng và dạy dỗ Lộc. Mối cảm tình với thực dân phát sinh từ đó. Sau khi cưới vợ, một người có đạo Công giáo, được hơn một năm Lộc bị quan lại địa phương bắt bớ, đánh đập rồi giam luôn. Nhưng sau đó Lộc trốn thoát được. Lúc đó Pháp cũng vừa làm chủ tình thế ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, cần mua chuộc người bản xứ ra hợp tác. Khai thác hận thù trong tâm của Lộc, giáo hội khuyên Lộc nên gia nhập hàng ngủ Pháp để tránh bị trả thù. Lộc âm thầm đem gia đình lên Mỹ Tho, rồi nhờ một ông cố đạo gọi là cha Marc che chở để sống trong lãnh thổ của Pháp. Cũng do sự tiến dẫn và giới thiệu của Marc, Lộc xin vào làm lính mã tà. Lộc lập nhiều thành tích nhờ dọ thám, điềm chỉ cho Pháp bắt các thân hào nhân sĩ ủng hộ nghĩa quân, nên Lộc được thăng Cai, rồi lên Đội rất nhanh. Năm sau, Lộc đã lập nghiệp vững chắc ở đây rồi, Pháp cấp cho Lộc một căn nhà lá, vợ thì nuôi heo kiếm thêm tiền.


Từ đó, tiền bạc và địa vị của Lộc thăng tiến nhanh như diều gặp gió. Vốn có ác cảm với quan quân của triều đình, Lộc đàn áp các nghĩa quân không nới tay. Nhờ biểu lộ lòng trung thành với thực dân qua các vụ đánh dẹp, chém giết, lại biết chữ quốc ngữ, chữ Hán, cho nên mới 26 tuổi, Lộc được bổ làm tri huyện, tức chủ quận Cái Bè năm 1865. Lộc là người Việt Nam đầu tiên được Pháp bổ làm chủ quận Nam Kỳ. Hai năm sau, Lộc được thăng Đốc Phủ Sứ. Lúc nầy Lộc vừa đóng vai trò võ quan để bình định các cuộc khởi nghĩa cho Pháp, vừa giữ vai trò cố vấn cho Pháp về vấn đề an ninh lãnh thổ, hành chánh và chánh sách cai trị nữa. Kinh nghiệm cho biết rằng hễ kẻ có tài hay tự phụ. Lộc không thoát khỏi thông lệ đó. Khi đã thăng phủ, vẫn còn ngồi ở quận Cái Bè, Lộc lấn quyền cả người Pháp.


Lộc coi như mình có quyền hành trên những người Pháp đang phục vụ tại đây. Ông ta viết đơn gởi cho Giám Đốc Nội Vụ đề nghị thăng cấp cho người Pháp trong quận, và coi đó như nhiệm vụ của mình. Ngồi quận Cái Bè trong 30 năm, công lao hãn mã đã nhiều, mà vẫn không còn tiến thân được nữa, điều đó chứng tỏ người Pháp không thích ông và dùng người có giai đoạn. Những cuộc đánh dẹp trong Đồng Tháp Mười, Vũng Liêm, Cầu Ngang, Rạch Giá, Phú Quốc…có thể nói bất cứ cuộc khởi nghĩa nào ở Nam Kỳ cũng có Lộc dẫn quân đi đàn áp dã man. Có một lần Lộc họp cùng Phủ Đức, ruồng bắt cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân ở vùng Gò Công lên đến Chợ Gạo, khiến cho cọp, chồn, nai chạy tán loạn vào các thôn xóm

Khi ngồi chủ quận Cái Bè, mỗi lần báo cáo điều gì lên Thống Đốc Nam Kỳ, Lộc luôn luôn dùng chữ “Phụng lệnh quan lớn Nguyên Soái”, nịnh bợ cấp trên hết lòng. Theo Lộc, nhà cầm quyền cần dạy dân chúng về luân lý, đạo đức của Pháp. Lộc nói người Công Giáo luôn luôn trung thành với Pháp, chỉ có các phần tử theo Nho giáo mới làm loạn. Ông Durrwell nhận xét về Trần Bá Lộc như sau: “Lộc đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa, và thẳng tay dùng bạo lực để dẹp các cuộc bạo động. Dưới con mắt của người Pháp, Lộc là một trong những viên chức Việt Nam ra hợp tác đáng tín nhiệm nhứt, và là một thí dụ điển hình để những người Việt khác noi gương!” Lúc chém giết các nghĩa quân dã man hơn cả người Pháp rất nhiều, nên dân chúng oán hận mà không làm gì được.



Có một lần Lộc đi dự lễ khánh thành một nhà việc làng ở Mỹ Tho, bị ám sát, nhưng thoát chết. Để dẹp tan các cuộc khởi nghĩa và dụ hàng, Lộc bắt cha mẹ, vợ con các lãnh tụ phải chỉ chỗ họ ẩn núp, kêu họ ra đầu thú, nếu không đạt mục đích, Lộc sẵn sàng hạ sát họ. Đối với Lộc, phương tiện nào cũng tốt miễn đạt tới mục tiêu thì thôi. Nhìn về nông thôn, theo báo cáo của Lộc với Thống Đốc Nam Kỳ, thì đó là một bức tranh ảm đạm: “Các viên chức làng xã thường thụt két, biển thủ tiền bạc để ăn xài riêng, hút á phiện và lạm dụng quyền hành. Mỗi khi bắt dân chúng làm sưu thì họ hàng với những người ấy được miễn, không ai dám kêu ca. Tiền bạc thâu góp trong các dịp lễ lạc, họ bỏ túi xài riêng” . Lộc nói thêm: “Các món tiền trợ cấp cho dân quê đều vô túi mấy ông làng. (Nên nhớ đây là tiền trợ cấp tử tuất cho gia đình những người lính đã theo Pháp bị tử trận). Khi trả lương cho họ, phải làm sổ sách hẳn hòi. Mỗi lần có lễ lạc như cúng đình là đóng góp tự nguyện, không bắt buộc. Sau cùng , làm sưu phải đồng đều”.


Với báo cáo đó, Lộc tỏ ra nắm vững tình hình ở thôn quê và am hiểu luật lệ hành chánh, vì lẽ đó nên Pháp rất tin cậy. Năm 1886, Lộc được Pháp điều động ra Bình Định để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng. Xong việc, Lộc được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh và thăng hàm Tổng Đốc Thuận Khánh, nên dân chúng gọi ông là Tổng Đốc Lộc. Sau đó, Lộc về quê tại Cái Bè và Mỹ Tho. Lộc rất tự phụ, chê cả người Pháp là bất lực, kém hiểu biết tình hình địa phương. Cũng chính vì thế người Pháp không ưa ông ta, nhưng phải nhìn nhận rằng:”Lộc là người dùng phương tiện cẩu thả, nhưng đạt mục đích chắc chắn”.


Tham Biện Mỹ Tho phê bình Lộc như sau: “người ta có thể phàn nàn lão già nầy về hành động dã man lúc trước nhưng tôi nghĩ trong hàng ngũ viên chức bản xứ hiện nay, khó tìm được người biết kính bề trên và tận tụy với quyền lợi của nước Pháp như hắn” . (Hồ sơ Trần Bá Lộc của Durrwell, năm 1931) Toàn quyền Paul Doumer vào Nam nhiều lần. Lần nào ông ta cũng có xuống nhà thăm Lộc. Theo P.Doumer vào những năm cuối đời của ông ta, Lộc là một trong những người giàu nhứt ở Nam Kỳ. Trước khi chết, Lộc còn hơn hai ngàn mẫu ruộng và làm chủ cả cù lao Qưới Thiện. Để tưởng thưởng công lao hãn mã của Lộc, năm 1899, P.Doumer cho Lộc làm thành viên của phái đoàn, tháp tùng với P.Doumer viếng thăm Bangkok. Ân huệ đó làm cho Lộc rất hãnh diện.


Ngoài ra P.Doumer còn cất nhắc Lộc trước khi chết được vào Hội Đồng Tối Cao Đông Dương, có nhiệm vụ lo về an ninh lãnh thổ. Lộc mất năm 1900 trong sự lãnh đạm của Pháp lẫn Việt. Trước khi chết, Lộc dặn con phải chôn đứng. Đám ma của Lộc quàn đủ 100 ngày để khách khứa xa gần viếng thăm. Mỗi ngày đều có làm heo, bò đãi khách khứa rần rần. Lễ động quan có binh lính bắt súng chào và đưa tới huyệt. Lộc chết không ai tưởng nhớ, nhưng người Pháp cho lấy tên Lộc để đặt tên cho một con kinh từ Bà Bèo tới Rạch Ruộng do chính Lộc chỉ huy dân phu đào. Công việc đào kinh rất nặng nhọc, giữa đồng nhiều muỗi, vắt, đĩa và thiếu nước uống, khiến cho nhiều người chết vì bệnh sốt rét và dịch tả. Kinh Tổng Đốc Lộc đã góp phần làm cho vùng hai bên bờ kinh được phong phú.

TRẦN BÁ THỌ

Phải chăng cây độc không trái, hay ít trái, nên Trần Bá Lộc chỉ có một người con duy nhứt là Trần Bá Thọ. Theo cuốn “Sự có mặt của người Pháp ở Nam Kỳ và Cam Bốt” thì từ năm 1886 trở đi Nam Kỳ đã bắt đầu gởi người du học qua Pháp. Bốn năm sau số du học sinh lên đến 90 người .


là một trong những người du học đầu tiên đó, cùng với Huỳnh Công Miêng con Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn (1). Thọ và người chú ruột là Trần Bá Hựu theo học trường Laseyne ở Pháp. Những người đi Pháp học trong buổi đầu không phải để lấy bằng cấp, mà chỉ học chữ Pháp đủ sức làm thông ngôn, giao dịch với Pháp mà thôi. Sau khi ở Pháp về, Trần Bá Thọ vừa làm Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, vừa lo quản lý ruộng đất khổng lồ của cha để lại. Cũng giống như cha, khi ra làm việc với Pháp, Thọ vẫn nóng tánh, hay có những ý kiến trái ngược với quyền lợi của Pháp.


Bá Thọ có một người con gái gả cho con trai út của cụ Trương Vĩnh Ký là Trương Vĩnh Tống. Trong thời gian làm hội đồng, Trần Bá Thọ có nhiều hoạt động đáng lưu ý. Trước hết, trong các phiên họp hội đồng, Thọ đưa ra nhận xét: “Vai trò cai tổng trong mỗi quận rất quan trọng, nhờ họ làm trung gian truyền lệnh từ quận xuống xã, và đốc xuất việc thâu thuế. Cai tổng do các làng bầu ra, nhưng phải được nhà cầm quyền cấp tỉnh hợp thức hóa. Mỗi cai tổng có phó tổng phụ tá. Thọ nói tìm và bổ nhiệm một cai tổng có khả năng không phải dễ, và Thọ cũng phàn nàn lương cai tổng quá thấp, nên khó kiếm người có khả năng, mà còn làm cho họ tham nhũng, hối lộ. Còn các ông làng, mỗi lần đi công tác lên tỉnh, lên quận mất nhiều ngày mà không có công tác phí, khiến họ phải ăn hối lộ” .


Trong một phiên họp hội đồng, Thọ nêu ý kiến báo chí sẽ tường thuật các phiên họp ấy cho dân chúng biết. Viên Thống Đốc Nam Kỳ chủ tọa trả lời rằng: - “Me-sừ Thọ rất thông minh, nhưng không hiểu biết nội bộ. Nếu cho dân chúng biết mọi cuộc thảo luận của Hội Đồng Quản Hạt, chúng ta sẽ khó đạt mục đích. Cần phải giấu họ.” Đã từng nghe dân chúng phàn nàn về việc làm của cha trước đây nên vào năm 1908, Trần Bá Thọ cho xuất bản quyển:”Nhị Thập Tứ Hiếu” bằng Pháp văn và Quốc ngữ để giáo dục dân chúng về luân lý, đạo đức của Nho giáo. Trong lời tựa sách, Thọ viết: “người Việt không kính trọng các kẻ hợp tác với Pháp và nói tiếng Pháp vì họ bị cô lập không nói được tiếng ấy và cũng không được giáo dục nữa.”

Trước kia, Lộc đã từng chủ trương dạy chữ Quốc ngữ cho người Công giáo . Thọ nói rằng vì thiếu sách nên ông phải soạn ra. Lập luận này bị ông Diệp Văn Cương không tán thành bằng cách nói rằng không có lý do gì mà không dạy Nho giáo bằng Pháp văn, trong khi tiếng Pháp chính là công cụ để khai hoá. Còn Hội Đồng Lê Văn Phát thì cho rằng cần duy trì tiếng Pháp để người Pháp hiểu sinh hoạt, lịch sử Nam Kỳ mà họ đang cai trị. Trong khi đó, Giám Mục Mossand phàn nàn nhờ hấp thụ văn hoá Pháp do nhu cầu cai trị, mà một số người tỏ ra ít trung thành với Pháp.


Ông Diệp Văn Cương, du học Pháp, đổ Tú Tài 2, về làm Hội Đồng đã phản đối: - “Lời tuyên bố xuất phát từ một vị đứng đầu Giáo Hội Truyền Giáo Nam Kỳ như một sự tố cáo tất cả người Việt du học bên Pháp đều chống lại Pháp, trong đó có tôi chẳng hạn. Điều đó không đúng.” Dư luận Nam Kỳ cho rằng Trần Bá Thọ giống cha, lúc làm Hội Đồng dám ăn nói, tỏ ra cứng đầu, không nể nang ai hết. Về sau Thọ qui dân lập ấp, xây chợ, cất nhà ở Sa Đéc, lúc ấy thuộc phủ Tân Thành, nơi Lộc từng trấn nhậm và có rất nhiều đất đai. Dân chúng Sa Đéc còn nhắc đến Trần Bá Thọ bằng hai câu liễn đối: Tân thị Mỹ Thành, chánh bổ Lục na sáng tạo
Quy dân lạc lợi, Hùng đường, Trần Bá Thọ kinh dinh Về sau, không biết buồn việc gia đình ra sao, Thọ dùng súng lục tự tử.

Trần Bá Lộc còn hai người em trai khác là Trần Bá Tường và Trần Bá Hựu. Cả hai đều ra cộng tác với Pháp rất sớm, vì nhờ lập được nhiều thành tích đàn áp, bắn giết các nghĩa quân, nên được Pháp rất tin cậy. Trần Bá Hựu làm chủ quận Long Thành, còn Trần Bá Tường ngồi quận tại Long Xuyên. Năm 1875, Trần Bá Tường tham gia vào cuộc càn quét nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Làng Linh do Phó Quản Cơ Trần Văn Thành lãnh đạo. Pháp nhiều lần dụ hàng, đem quan chức ra làm mồi câu nhử, mua chuộc nhưng Trần Văn Thành khẳng khái: Thà thua xuống láng, xuống bưng

Bỏ ra đầu giặc, lỗi chủng quân thần Trong trận nầy, Trần Bá Tường có người dọ thám trước, rồi tự mình dẫn một cánh quân, phối hợp với quân của Quản Hiếm (một người Việt theo Pháp) đánh úp đồn Bảy Thưa là bản doanh của lãnh tụ Trần Văn Thành. Khu vực này được tổ chức phòng thủ kiên cố, và tinh thần chiến đấu của binh sĩ rất cao. Từ đó về sau người ta không còn nghe nhắc tới Trần Bá Tường nữa. Có một giai thoại về Trần Bá Thọ như sau: “Tại Gia Định có một sĩ phu tên Nguyễn Văn Thạnh quê quán ở Định Tường, đậu khoá thi Hương (cử nhân) làm quan tại Bình Thuận. Ông Thạnh là một nhà Nho có khí tiết.

Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ , Cử Thạnh từ quan trở về tìm cách liên lạc với nghĩa quân để tham gia. Ghe bầu của ông vừa vào cửa Cần Giờ thì bị quân Pháp khám xét. Sau khi lục soát, chúng tìm được nhiều mã tấu, gươm giáo giấu dưới khoang hầm. Âm mưu bại lộ , Cử Thạnh bị bắt giải về Sài Gòn .

Nghe tin, Tôn Thọ Tường tới xin bảo lãnh, mời về nhà đãi tiệc để dụ dỗ. Thạnh khẳng khái từ chối. Tường không dám ép mà chỉ nói: - Nhân các hữu kỳ chí (Ai có chí hướng của người nấy) Mấy tháng sau, Cử Thạnh về quê sống ẩn dật. Lúc nầy Trần Bá Lộc đã ngồi chủ quận Cái Bè, nghe danh Cử Thạnh nên mời ông ta về nhà làm gia khách dạy con là Trần Bá Thọ. Cha nào con nấy, Trần Bá Thọ tuy còn là học trò, nhưng cũng bộc lộ nhiều cử chỉ ngang ngạnh. Một hôm thấy thầy đồ Nguyễn Văn Thạnh rậm râu, hay hút thuốc, Trần Bá Tọ liền tới gần và nói: - Thưa thầy, thầy có thể cho phép con ra một câu đối? - Được, trò cứ làm trước .- Cử Thạnh trả lời. Trần Bá Thọ liền đọc: “Râu ba chòm lém dém, miệng hút thuốc phì phèo”. Nhìn lại thấy Thọ tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đầu hói, tóc thưa, đi đâu cũng cầm ba-ton ra vẻ hống hách, nên Cử Thạnh ứng khẩu đối ngay: “Tóc vài sợi le the, tay cầm gậy ngúc ngắc.” Chưa thoả mãn, Thọ xin thầy đối một câu nữa của hắn: “Phụ từ, tử hiếu, sanh con thế ấy là vàng” Bực mình, thấy đứa học trò ngạo mạn, Cử Thạnh liền đáp: “Tham phú, phụ bần, đụ mẹ thằng nào ở bạc!” Xấu hổ, từ đó Trần Bá Thọ không còn xấc láo với thầy học nữa.

HÓC MÔN, BÀ ĐIỂM
VỚI 18 THÔN VƯỜN TRẦU

Địa danh Hóc Môn, cho tới nay vẫn còn nhiều ý kiến giải nghĩa khác nhau. Theo cách hiểu thông thường, người ta nói:” Hóc là chỗ xa xôi vắng vẻ (như ‘hóc bà tó’) có nhiều cây môn nước mọc”. Nhà văn Lê Trung Hoa trong tiểu luận phó tiến sĩ văn chương có cách giải thích khác: “Hóc là cổ ngữ, có nghĩa là dòng nước nhỏ. Hóc đồng nghĩa với ‘hói’ để chỉ nơi đấy sâu lõm xuống thành bãi dài có nước đọng”. Theo một vị cao niên là cụ Lương Văn Nên (1857-1937) ở Hóc Môn kể lại rằng:”Cách nay trên 100 năm, Hóc Môn là một khu rừng đất cao, có nhiều cọp và thú dữ. Ban đêm chúng thường ra con rạch ở gần chợ Hóc Môn ngày nay uống nước”. Lời kể ấy củng cố giả thuyết: “Hóc Môn là dòng nước nhỏ, có mọc nhiều cây môn nước”. Tưởng cũng cần nói thêm về cây môn nước. Môn là loai cây thân cao như cây bạc hà, lá lớn trên ngọn, mọc theo chỗ trũng hoặc bờ sông, bờ ruộng có nước.

Có hai loại môn: Môn ngọt ở chính giữa lá có chấm đỏ, có thể xào thịt ăn, hoặc làm dưa giống như dưa cải hay dưa mái dầm. Còn môn ngứa chỉ dùng lá gói đường, đậu mà thôi. Hóc Môn nằm phía Bắc Sài Gòn. Từ Phú Nhuận có đường cái quan đi lên Bà Điểm, Hóc Môn, Trảng bàng, cho tới Tây Ninh và biên giới Cam Bốt. Con đường này do Lê Văn Duyệt trong lúc làm Tổng Trấn Gia Định thành, chỉ huy dân phu đắp. Về sau Pháp mở rộng lên Gò Dầu gọi là quốc lộ số 1.

Khi người từ miền ngoài tới, Hóc Môn còn là rừng rậm. Họ phải chặt cây làm chỗ trồng trọt, rồi làm ruộng, rẫy. Dần dần nơi đây có thôn ấp. Sản phẩm được trồng nhiều nhất vùng Hóc Môn Bà Điểm là cau, trầu để ăn kèm với thuốc trồng rất nhiều ở Gò Vấp. Thuốc ở Gò Vấp nổi danh khắp Nam Kỳ một thời gọi là thuốc Gò. Trầu , cau Hóc Môn Bà Điểm cũng nổi danh khắp miền Đông.


Thuở đó, trầu, cau, thuốc lá rất cần thiết hằng ngày, vừa để ăn, vừa dùng trong việc xã giao. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, điều đó chứng tỏ trầu,cau, thuốc là món hàng rất có giá trị. Trầu là loại dây leo, phải cắm nọc cho nó bò lên. Hồi cuối thế kỷ 19, ở đây có một cái chợ chuyên môn bán nọc để trồng trầu, do ghe xuồng từ các nơi chở đến. Chợ đó là xã Tân Thới Nhì, có chợ Bến Nọc. Trầu và cau phải trồng lên liếp , nhưng không xẻ mương như ở miền giữa sông Tiền và sông Hậu, vì ở đây đất cao, chỉ có thể đào giếng lấy nước tưới mà thôi. Thị trường tiêu thụ trầu cau là chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu.

Mấy thập niên cuối của thế kỷ 19, dân chúng Bà Điểm, Hóc Môn thường gánh trầu xuống Gia Định bán. Họ đi thành đoàn hai, ba chục người để khỏi bị cọp vồ. Những năm sau đó, có xe ngựa chở trầu, cau và đồ hàng bông xuống bán ở Sài Gòn. Những ai từng cư ngụ trên đường Lê Văn Duyệt hồi những năm đó chắc sáng sớm sẽ bị đánh thức bởi tiếng vó ngựa lọc cọc trên mặt đường, hoặc tiếng xe bò cót két của người Hóc Môn, Bà Điểm chở trầu cau và đồ hàng bông xuống chợ. Vùng này , theo sách cổ, có đến 18 thôn chuyên canh trầu cau, nên gọi là “Thập bát phù viên”, tức 18 thôn vườn trầu.


Theo bản án của Toà Án Gia Định xử vụ Quản Hớn khởi nghĩa, giết vợ chồng Đốc Phủ Ca, có kể tên 18 thôn liên hệ phải bồi thường số tài sản thiệt hại do cuộc khởi nghĩa này gây ra. Các thôn đó là: 1. Bình Hưng 2. Vĩnh Lộc 3. Tân Thới Thượng 4. Tân Đông Thượng 5. Trung Chánh (Quán Tre) 6. Tân Thông Tân 7. Tân Thông Tây 8. Tân Thới Tam 9. Tân Thới Nhì 10. Tân Thới Tứ 11. Tân Đông 12. Tân Thành 13. Tân Đông Trung 14. Xuân Hoá 15. Bình Hưng Đông 16. Bình Nhạn 17. Mỹ Hạnh Hóc Môn là nơi hội tụ của những cuộc đời tao loạn miền Ngoài, tìm đến cuộc đất mới ấm no. Họ lập thành làng xóm trong cùng chung một hoàn cảnh, tạo ra một sắc thái riêng biệt của con người Hóc Môn: Giàu nghĩa khí (Nguyễn An Khuơng, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Ninh), giàu lòng yêu nước như Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá. Trong quá trình hình thành Hóc Môn, Bà Điểm, ban đầu họ lập các thôn xóm như Cây Lài, Bàu Xiêm…rồi dần xuống Hóc Môn, Bà Điểm, trở lên Củ Chi…


Năm 1982, tôi có lần lên thăm người bạn ở Suối Đá, tức quận lỵ của một quận mới: Dương Minh Châu. Đang lúc đó mùa khô, có phong trào làm thủy lợi, đắp con đê vòng quanh lòng hồ của đập Trị An. Sáu tỉnh xung quanh Sài Gòn đều phải gởi người đến làm sưu, tự túc cơm gạo. Bạn tôi kể, có một lần vào giờ giải lao, một người dân Hóc Môn vừa đốt điếu thuốc, nhả khói lên trời rồi ra câu đối: “Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc”. Lập tức bên cạnh có người đáp lại: “Gái Gò Công vừa gồng vừa co”

Dưới thời Gia Long (1802-1820), Hóc Môn là lỵ sở của huyện Bình Dương. Phạm vi huyện này lan rộng xuống tới Sài Gòn, và cả huyện Cần Giờ ngày nay. Hồi đàng cưụ, Trần Tử Ca (1823-1885) làm xã trưởng Hạnh Thông tới Gò Vấp. Sau Ca được thăng làm phó tổng Dương Hoà Thượng. Ban đầu Trần Tử Ca là một phú hộ, nhờ có chút ít học vấn nên được cử làm xã trưởng Hạnh Thông, chớ không phải là người xuất thân khoa bảng. Hồi đó Trần Tử Ca chưa theo đạo Thiên Chúa.

Năm 1860, đồn Chí Hoà bị hạ. Pháp chiếm luôn các vùng lân cận như Hóc Môn, Trảng Bàng, Tây Ninh. Lúc đó huyện Bình Dương còn dưới quyền tri phủ Hồ Huân Nghiệp, đang chỉ huy nghĩa quân kháng chiến. Đến năm 1865, Hồ Huân Nghiệp bị bắt và đem hành hình tại Phú Thọ rồi tri huyện Lưu Đình Lễ ở Hóc Môn cũng bỏ chạy. Pháp cử tên Lucien de Grammond lên trấn nhậm Hóc Môn.

nầy có râu quai nón, rất dài, mỗi khi giận, hắn nhai râu “trạo trạo”, dân chúng gọi là “ông nhai râu”. Trần Tử Ca dẫn vài tên nghĩa quân ra hang để chuộc tội. Pháp cần người bản xứ ra cộng tác , nên thâu dụng Ca, cho hắn cai trị Hóc Môn, báo cáo tình hình và giữ an ninh. Thấy Ca khôn ngoan lanh lợi, thạo đường đi nước bước, Pháp cho Trần Tử ca dẫn đường để chúng đi kinh lý các tỉnh miền Tây. Tháng tám năm 1867, Ca cùng Giám Đốc Nội Vụ Paulin Vial xuống tàu ở Gò Công, bắt đầu xuống Bến Tre. Tình hình ở đây cũng mới tạm yên. Rồi họ xuống Trà Vinh, quân Pháp còn giao tranh với nghĩa quân tại Cầu Nang.


Tên chỉ huy ở đây đã báo cáo:”Có làng tất cả dân chúng đều theo nghĩa quân.” Sau đó phái đoàn Pháp xuống Sóc Trăng, lên Rạch Giá, Long Xuyên. Chuyến đi thị sát vùng mới chiếm cho Pháp có ý niệm vững chắc về tình hình mấy tỉnh miền Tây cũng như địa thế của nó. Khi về, để củng cố lòng tin cậy của Pháp, gia đình Ca xin rửa tôi theo đạo Công Giáo. Thấy địa vị khá vững, Ca bắt đầu công việc làm ăn của mình. Trong lúc tình hình vùng mới bình định chưa hoàn toàn yên ổn. Ca tìm những gia đình giàu có bắt bớ để tra khảo vì nghĩ họ giúp đỡ tiền bạc cho nghĩa quân. Bắt họ, có lợi trước mắt là khi đánh đập, gia đình sẽ đem tiền đến chuộc. Mặt khác Ca lo củng cố an ninh, kiểm soát dân cư cựu trào, phân loại theo thành tích mà hắn biết rõ trước đây.


Thấy Ca làm được việc, Pháp cho Ca giữ chức Phó tổng lúc trước. Hồi năm 1983, có một lần ăn cơm trong một gia đình ở Chợ Lớn, tôi được nghe một vị bô lão, năm đó 81 tuổi, nhắc chuyện xưa về Phủ Ca:”Phủ Ca là người khôn ngoan, có lối làm việc theo kiểu đàng cưụ. Mỗi lần bắt nạn nhân để khảo của, hắn vừa uống trà vừa hỏi cung, để cho dân chúng bu xung quanh xem. Mỗi khi nạn nhân bị đánh đập tàn nhẫn, rên la, thân nhân đứng bên ngoài cũng đau đớn, xin đem tiền đến nạp để cứu người thân. Nhiều người quá nghèo, nhưng vì thương chồng, con, phải bán nhà cửa, trâu, heo đến chuộc mạng, rồi sau đó bỏ làng trốn đi. Với phương pháp này, Ca làm giàu nhanh chóng, cất nhà gạch ở chợ Hóc Môn đầu tiên.” Một nho sĩ xu nịnh lúc bấy giờ đã mô tả hình dung Phủ Ca như sau: “Ca thường bịt khăn nhiễu điều tứ cú, mặc áo lót song khai.


Trấn nhậm tại xứ Hóc Môn, tục danh Mười Tám Thôn Vườn Trầu. Đang thuở ấy, bốn phía xứ Hóc Môn, nhân dân phong tục nhiều người ngang ngạnh, phần thì liền với Trảng Bàng, đất gò rộng minh mông vô hạn, quân giặc giã, trộm cướp hay quần tụ ra vào.” Dựa thế lực của chồng, vợ Ca cũng tác quái nhiều việc. Bà độc quyền mua trầu cau rồi dùng xe bò chở xuống Gia Định bán. Bà còn sắp xếp việc mua bán trong chợ Cầu. Trước đó ở đây có chợ Bến Nọc. Năm 1871, Ca được thăng tri huyện, thế lực càng lớn, dân chúng nơm nớp lo sợ, coi ông như cọp. Đến năm 1879, Ca được thăng đốc phủ sứ, mở tiệc ăn mừng bắt quan làng, dân chúng đóng góp. Năm đó, Ca cất dinh quận, bắt dân phu phục dịch cả năm trời như tội nhân lao động khổ sai. Bà vợ, để mở mang công việc làm ăn, cũng cho cất mới ở tại chỗ Chợ Cầu bây giờ.

Chỗ đó về sau, dân địa phương gọi là “Chợ Quan Lớn Ca”. Trước bữa khai thị hai hôm, Ca cho dán bố cáo: “Mốt tới, coi chợ mới, tốt” Sáng sớm hôm sau, bên cạnh thông cáo đó, có một câu đáp của một sĩ phu, chơi xỏ Ca: “Mai lên thấy con Mên” (Miên lai) Hồi trước ở trong Nam, người Việt sống chung đụng với người Miên nhưng kỳ thị họ, coi họ kém văn minh. Khi nói đến “Cao Mên, Con Mên…” là có ý nghĩa kinh khi họ.

CUỘC KHỞI NGHĨA 30 TẾT

Vợ chồng Ca là người vừa tham vừa tàn ác. Sẵn quyền lực, được Pháp tin cậy, Ca không từ chốI bất cứ biện pháp làm tiền dã man nào. Giữa thập niên 1880, dân chúng Hóc Môn trảI qua những giấc mơ hãi hùng. Lúc nào họ cũng bị ám ảnh bởi :”nửa đêm thúc thuế trống dồn”. Bài “Vè Quản Hớn” nói lên tình cảnh ấy: “Đêm năm canh giấc ngủ chẳng an
Ngày sáu khắc, lo xâu cùng thuế (1)
Qua năm Dậu (1885) gẫm âu quá tệ,

Khổ người dân như khúc gỗ tròn …” (1) xâu : tức là sưu, hình thức đóng thuế bằng cách ra sức làm những công việc nặng nhọc như đắp đường, làm cầu, cất dinh…không được trả công. Qua bốn câu đó, ta thấy tình hình bất mãn lên đến cực điểm vào cuốI năm 1884. Hổ phụ sinh hổ tử. Hai người con của Phủ Ca cũng là những tên cường hào ác bá. Một tên gọI là Phủ Luông vừa gian ác, vừa hiếu sắc. Một tay hắn phá nát không biết bao nhiêu gái trinh tiết. “Thêm công tử Phủ Luông mỹ hiệu,



Bởi bội ước hồn phi yểu yểu…” Trong “Vè Quản Hớn”, dân gian dị nghị hai người con Phủ Ca như sau: “Hai chàng con đốc phủ Ca,
“Xóm làng bắt hết, khảo tra sự tình”
“Ai ai đều cũng thất kinh,
“Trẻ già lo sợ như hình cò ma.”
“Ngỡ là con trả thù cha,
“Nào hay bán máu, đổi ra bạc tiền.
“Làm oai: kẻ trói, người xiềng,
“Dẫn về trường bố, cho liền cửa quan”
“Ai mà muốn chối tai nàn,
“Bạc cây đem nộp, mới an thân mình.
“Kẻ làm thì dạ ưng tình,
“người không cũng bắt, hành hình dữ thay.
“Kẻ thì kết án lưu đày.
“người thì chém giết xứ này Hóc Môn” Bài “Vè Quản Hớn” đã tố cáo hành vi tàn ác của hai người con Trần Tử Ca. Tuy không giữ chức vụ gì, nhưng dựa lịnh cha, họ cũng bắt người tra tấn để khảo của , bất luận oan hay ưng. Ngoài ra, theo lịnh Pháp hồi đó, dân chúng đóng thuế dầu phộng để đốt đèn. Theo lịnh Ca, dân nạp dầu phộng nhiều, Ca cho lính ép lấy dầu, giữ lại một phần lớn, còn ít thì nạp vào kho. Tiếng dữ được loan truyền trong dân chúng: “Dân bần tiện lòng kia chẳng tưởng,
“Ép lấy dầu nộp thiểu , thâu đa…” Bao nhiêu tiền của, do công lao, sức lực của dân nghèo, gia đình Ca đều tóm thâu gần hết.

Gặp cảnh khổ của người dân, Ca cũng không động lòng. Trong lúc mọi người oán hận Ca thì Ca thản nhiên tổ chức lễ mừng lục tuần rình rang, bắt lính tráng, dân phu phục dịch suốt tuần lễ. Để giúp vui, Ca cho tổ chức đua ngựa, rước gánh hát bội về diễn , nhưng dân chúng phải góp tiền để trả. Các hương chức hội tề chia nhau gánh vác, đóng góp vàng lụa “mừng quan” “…Khai lục tuần địch thể giá vua, “Theo tân trào phá miếu đốt chùa” gây thêm khích động. Một người có tâm huyết, đứng về phía dân chúng là Phan Công Hớn tục gọi là Quản Hớn, đang coi việc an ninh trong làng. Hớn cùng Nguyễn Văn Quá âm thầm chuẩn bị gươm, dao, mác và bí mật chiêu tập một số nghĩa quân chờ cơ hội.

Dân chúng quá bất mãn vì bị bóc lột tàn nhẫn nên họ theo Quản Hớn rất nhiều. Như thường lệ, những ngày giáp Tết Ất Dậu (1885), người tụ tập ngoài đường, nơi vắng vẻ, luyện tập. Chiều 30 Tết, trong khi mỗi gia đình lo cơm nước, rước ông bà, quét dọn nhà cửa sạch sẽ , tươm tất. Gần đến giờ Giao Thừa, giờ phút thiêng liêng mà mọi người đang trông đợi như chậm lại. Nhà nhà đều mở cửa. Trên mỗi bàn thờ, đèn, nhang nghi ngút, sáng trưng. Bỗng môt hồi mõ hiệu lịnh nổi lên: -Có biến động! Mõ hồi một! Nhiều nhà hốt hoảng. Cửa đóng. Đèn tắt. Ngoài đường, tiếng chân ngưòi chạy sầm sập. Chỉ phút chốc, một đoàn người cầm đuốc, gươm dáo vừa tiến về dinh quận Hóc Môn, vừa la ó:”Giết Phủ Ca”, “Chặt đầu vợ chồng Phủ Ca”!

Rồi quân khởi nghĩa chia nhiều tốp, vừa phá cổng, vừa bắn giết nhóm giữ cửa, trong khi các nhóm khác leo tường lọt vào bên trong. Hồn phi phách tán, vợ chồng Phủ Ca bị nghĩa quân bắt trói trước sân đình quận. Phẫn uất, chúng liền chặt đầu, rồi sau đó đem bêu phơi trước dinh quận. Quân khởi nghĩa dưới quyền lãnh đạo của Quản Hớn thành công như nước vỡ bờ. Bao nhiêu thù ghét được dịp bùng nổ. Họ đốt phá, bắn giết những người trong gia đình Phủ Ca. Chỉ một vài người đàn bà, con nhỏ, gia nhơn chạy thoát được. Sáng mùng một Tết, dân chúng Hóc Môn ăn mừng. Tết rất lớn. Họ đem bánh tét, trà, thuốc đãi nghĩa quân, rồi reo hò . Trong khi đó, Quản Hớn vẫn chia quân phòng thủ. Khoảng 3 giờ chiều, toán quân tiếp viện đầu tiên tới. Họ giao tranh với nghĩa quân, nhưng không chiếm lại được dinh quận, vì họ cố thủ. Rồi quân Pháp từ Gia Định kéo lên, vây bốn mặt.



Đi tới đâu, quân Pháp bắn giết tới đó để dằn mặt. Dân chúng bắt đầu bỏ nhà chạy trốn vào rừng. Tuy quân số đông, nhưng chỉ là ô hợp, họ chiến đấu vì sự phẫn nộ lâu ngày như phá vỡ sự đè nén, chớ không biết cách chiến đấu. Lại nữa, súng đạn ít, gươm, dao không thể đương đầu với võ khí của Pháp nên cuộc chiến đấu chậm dần. Một số người bị thương, tử trận, một số bỏ trốn. Giặc Pháp kéo vô dinh quận bắt được Quản Hớn, Nguyễn Văn Quá, và hơn hai mươi người còn lại. Cuộc khởi nghĩa đã bị dẹp rất nhanh chóng. Trước đó chừng mười hôm, Đề Bường (Nguyễn Văn Bường) cũng chuẩn bị khởi nghĩa ở Phú Nhuận. Ý định của Đề Bường là tấn công chớ Xã Tài (Phú Nhuận) rồi kéo sang đốt chợ Đất Hộ (Đa Kao), liên lạc với nghĩa quân Hóc Môn để họ tiếp trợ.

Đề Bường cho người liên lạc với một nhóm tù bị giam tại khám lớn, hẹn đến đêm đó nổi lửa đốt khám, nghĩa quân sẽ đến giải cứu. Tuy nhiên khám vẫn nổi lửa đốt lên đúng hẹn, làm cho Pháp bỏ chạy , nhưng đợi mãi không có quân đến tiếp cứu vì Đề Bường đã bị bắt trước khi ra tay. Thế là cuộc khởi nghĩa của Đề Bường chỉ gây được tiếng vang mà thôi. Mặc dầu không có sự liên lạc, nhưng trước cuộc khởi nghĩa Hóc Môn, nghĩa quân ám sát tên Trần Bá Hựu, chủ quận Long Thành, em ruột của Tổng Đốc Trần Bá Lộc, khiến người Pháp có cảm tưởng rằng “phong trào Cần Vương lan rộng vào Nam”, làm cho họ ráo riết chuẩn bị đối phó. Ngoài ra ở làng Long Hội, giáp ranh giữa Mỹ Tho và Gò Công, có Nguyên Soái Hiền, phó Nguyên Soái Trần Công Chánh, cũng chiêu tập được hàng trăm người , đồng loạt nổi lên phá nhà việc làng. Họ kêu gọi dân chúng cùng đứng lên giết giặc. Cũng như nhiều nơi khác, nghĩa quân chỉ chiến đấu với lòng căm thù, nhưng thiếu tổ chức và võ khí, nên bị đàn áp nhanh chóng. Trong việc đem quân trở lại Long Hưng, Pháp bị chết mấy người lính làm cho họ càng thêm dã man, gặp ai nghi ngờ, chúng giết lập tức. Cuối cùng, những người cầm đầu như Nguyên Soái Hiền, Phó Nguyên Soái Trần Công Chánh đều sa vào tay giặc. Trước phong trào chống Pháp lên cao, Thống Đốc Nam Kỳ dùng biện pháp phạt tiền nguyên cả làng đó vì đã “chứa chấp bọn phiến loạn.” HẬU QUẢ: Sau tất cả các biến cố đó, tỉnh Gia Định bị giới nghiêm vào ban đêm hàng tháng trời. Pháp áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát an ninh, dập tắt các phong trào mới nhen nhúm. Những vụ khởi nghĩa nầy, Pháp đều đưa ra xử tại toà án Bình Hoà, Gia Định. Hồi đó, hạt Sài Gòn còn gồm luôn Gia Định. Từ năm 1875, dinh tham biện (Toà Bố) đặt tại làng Bình Hoà, nên gọi hạt Bình Hoà. Đối với người Pháp, họ rất khó phân biệt giữa “Bình Hoà” và “Biên Hoà”nên họ đổi ra Gia Định cho khỏi nhầm lẫn. Từ năm 1889, họ đổi danh từ “hạt” ra “tỉnh”. Phiên xử nghĩa quân ám sát Trần Bá Hựu, có một án tử hình dành cho người cầm đầu và ba án khổ sai chung thân. Vụ Đề Bường mưu toan khởi nghĩa ở Phú Nhuận và phá khám lớn bị bắt lúc chưa xảy ra, nên Thống Đốc Nam Kỳ áp dụng biện pháp hành chánh, ký lịnh lưu đày ngày 21 tháng Hai năm 1885. Nguyễn văn Bường chung thân khổ sai, biệt xứ ở Côn Lôn, còn những người khác bị từ năm đến mười năm. Năm sau, Đề Bường bị bịnh chết ở Côn Đảo. Sáu tháng sau, tỉnh Bình Hoà nhóm để xử vụ Hóc Môn. Vụ án liên quan đến nhiều người nên phiên xử kéo dài nửa tháng. Sau đó, thực dân tuyên án: 14 người tử hình trong đó có Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá. 16 người khác tù khổ sai có thời hạn. Phiên toà Bình Hoà xử vụ Quản Hớn kết thúc ngày 31 tháng Tám 1885. Thực dân muốn áp dụng hình phạt thật nặng nề để dằn mặt dân bản xứ. Tuy nhiên, bản án về tới Pháp, Tổng Thống Pháp được báo cáo dư luận dân chúng Gia Định bất mãn, nên hạ bản án xuống: chỉ 2 người cầm đầu tử hình, còn lại 12 người khác bị khổ sai chung thân. Sau đó chừng một tháng, ta thấy dưới bến tàu nhiều chiếc khởi hành chở tù đi đày ở các hải đảo xa xôi hằng ngày . Trong dư luận bấy giờ, dân chúng có câu ca dao: “Ngó ra ngoài biển mù mù,
“Thấy tàu ông Thượng chở tù về Tây” Về Tây là về phía Tây. Đi gần có Côn Nôn. Đày xa có Đại Hải hay đảo Bourbon tức đảo Réunion thuộc Ấn Độ Dương sau nầy. Cũng có một số ít bị đày sang đảo Tahiti, hay Cayenne Nam Mỹ như các nạn nhân trong vụ binh biến kinh thành Huế năm 1885. Sáng sớm ngày 30 tháng Ba 1886, tại chợ Hóc Môn, dân chúng chứng kiến cuộc hành quyết hai lãnh tụ cuộc khởi nghĩa “18 thôn vườn trầu” là Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá. Vẫn theo bản án của tòa Bình Hòa, 18 thôn liên hệ đã kể trên phải liên tục chung góp để bồi thường cho gia đình Phủ Ca số bạc gần hai vạn đồng. Thời đó, số tiền ấy quá lớn, nhiều người chịu không nổi cảnh chung góp trả nợ phải bỏ làng trốn đi nơi khác. Theo một nguồn dư luận khác, cuộc khởi nghĩa sở dĩ thành công nhanh chóng một phần do lòng phẫn nộ của dân chúng, và một phần do trong quân lính tham dự có một số theo Thiên Địa Hội, dùng bùa phép để trở nên gan dạ. Dầu sao cuộc khởi nghĩa ấy cũng biểu dương truyền thống bất khuất của dân tộc, và cũng là một cách để dằn mặt bọn thực dân. Qua vụ giết Phủ Ca, dư luận Hóc Môn phản ánh qua bài “Vè Quản Hớn”: “Quản Hớn dầu chết cũng rạng danh,
“Vì trừ được tham quan ô lại
“Quan đốc phủ thác đà cũng phải
“Khai lục tuần địch thể giá vu
“Theo tân trào phá miếu phá chùa,
“Thuở cựu trào làm cai phó tổng
“Ở một ngày một lộng
“Lầu ba từng lại có võ môn
“Nhựt nhựt thường kiểng đổ trống rung
“Xe song mã sướng đà quá sướng
“Dân bần tiện lòng kia chẳng tưởng
“Ép dầu nộp thiểu, thâu đa…” Sau vụ nầy, Pháp đưa Phủ Ngôn từ Gò Công tới thay thế. Phủ Ngôn ở một thời gian ngắn, Phủ Lê Tấn Đức kế nhiệm. Ông Đức cũng nổi tiếng cường hào ác bá ở Bạc Liêu, dân chúng, hương chức đều kêu ca hành vi của ông. (Xem thêm bài “Cà Mau tiền rừng bạc biển, nhưng cuộc sống khó khăn” cùng tác giả trong sách “Nam Kỳ Lục Tỉnh tập I”, Văn Hóa tái bản lần thứ nhất năm 1993). Từ đó, ở Hóc Môn có lưu truyền hai câu ca dao: “Mừng xuân có pháo, có nêu,
Có đầu quan phủ bêu nơi cột đèn” TỔNG ĐỐC ĐỖ HỮU PHƯƠNG
(1838-1914) Đại lộ sang trọng và sầm uất nhất Chợ Lớn được đặt tên là “Đại Lộ Tổng Đốc Phương”, có phải ông nầy là một người có công trạng đối với đất nước? Tên ấy được đặt ra dưới thời Pháp thuộc, vì nước Pháp coi ông ta như một người có công đóng góp lớn lao vào lịch sử nước Pháp. Đỗ Hữu Phương là một nhơn vật tiếng tăm lừng lẫy ở Nam Kỳ khi người Pháp mới chiếm miền Nam. Tuy ông Lê Phát Đạt, tức ông Huyện Sĩ nổi tiếng giàu nhứt, theo sự sắp hạng của dân chúng Nam Kỳ, nhưng tiếng tăm của ông ít ai biết bằng Đỗ Hữu Phương.


Tôi cũng nghe tên, “Rạch Ông Lớn”, “cầu Rạch Ông”, “chợ Rạch Ông” * là những địa danh nằm ở bên kia cầu chữ Y cũng nhắc nhở đến Đỗ Hữu Phương, vì đất đai đó trước kia là của ông ta. Thân phụ Đỗ Hữu Phương không phải là quan lại, nhưng là người giàu nhất Chợ Lớn, gọi là bá hộ, còn bà mẹ dòng dõi con quan. Sinh năm 1838 tại Chợ Đủi, Đỗ Hữu Phương sống và lớn lên chứng kiến sự kế tục của 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức với hoàn cảnh xã hội bất ổn triền miên. Khi Pháp đánh Gia Định, Phương đã đến tuổi trưởng thành, và cũng trốn lên Bà Điểm, Hóc Môn. Giống như trường hợp Trần Tử Ca, Đỗ Hữu Phương theo Pháp ngay khi đồn Chí Hòa thất thủ. Qua trung gian của người Việt có đạo, Đỗ Hữu Phương được tiến dẫn đến trình diện với Francis Garnier, lúc ấy đang là Tham Biện Chợ Lớn, rồi Phương theo Pháp luôn.

Theo tài liệu dẫn ở trên: “Đỗ Hữu Phương liên tục phục vụ trong nên hành chánh thuộc địa cả văn lẫn võ, và có đôi lúc làm trung gian áp-phe trong các dịch vụ đấu thầu, mua bán giữa Pháp và Hoa Kiều”. Chi tiết về cuộc đời của Đỗ Hữu Phương phần lớn rút trong tập hồ sơ cá nhân của Luro, có nơi Đỗ Hữu Phương làm Đốc Phủ Sứ hàm Tổng Đốc. Khi Pháp chiếm luôn 6 tỉnh Nam Kỳ, Phương từ chức bá hộ, lên làm Hộ trưởng ở Chợ Lớn. Lúc đó cả Sài Gòn, Chợ Lớn chia ra làm 20 hộ. Địa vị bá hộ lúc trước và chức hộ trưởng đương thời đã khiến Phương làm giàu rất nhanh. Phương là một trong những người cộng tác với tân triều không thuộc gia đình quan lại, chỉ thuộc hạng điền chủ giàu có mà thôi. Có thể nói cùng lãnh chức đội trưởng mã-tà một lượt, Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc cùng chạy đua để lập công với chủ mới. Năm 1861, Phương vẫn còn ngoại đạo.


Lý do khiến Phương đứng về hàng ngũ Pháp, theo Vial, Giám Đốc Nội Vụ là sự giàu có cần được Pháp che chở. Theo luật phong kiến của Việt Nam, tất cả tài sản và đất đai đều thuộc quyền tối thượng của Vua, nên Phương cũng như Ca, ra hợp tác với Pháp là để bảo vệ quyền lợi của mình. Đỗ Hữu Phương rất khôn ngoan, khi mới đầu quân với Pháp cũng tham gia vài trận đánh để tạo niềm tin. Phương đã dẹp cuộc khởi nghĩa do con Trương Công Định lãnh đạo ở Hóc Môn. Chỉ trong vòng 9 năm, Phương lên chức Đốc Phủ Sứ nhờ có công phủ dụ các cuộc khởi nghĩa, hoặc dẫn binh đi đánh dẹp các nơi như Vũng Liêm, Rạch Giá. Hai biến cố khiến Phương củng cố thêm lòng tin cậy của Pháp là cải đạo Thiên Chúa và gia nhập Pháp tịch trước tiên ở Nam Kỳ (năm 1881).


Nhiệm vụ quan trọng của Đỗ Hữu Phương là dọ thám, cấp báo tin tức những cuộc dự mưu khởi nghĩa, những nơi nào sắp gây náo loạn trong phạm vi Chợ Lớn, Cần Giuộc, Tân An. So với Trần Bá Lộc, Phương còn lương tâm đối với đồng bào. Có lẫn Đỗ Hữu Phương bảo lãnh cho Thủ Khoa Huân *, đem về nhà nuôi ăn ở dưới hình thức quản thúc. Trên nấc thang hoạn lộ, Phương tiến rất mau. Từ chức Hộ trưởng ban đầu, kế thăng Đốc Phủ Sứ, hàm Tổng Đốc, và năm 1872, qua sự đề nghị của Tham Biện Chợ Lớn, Thống Đốc Le Myre de Villers bổ nhiệm Phương làm hội viên Hội đồng Thành phố Chợ Lớn.


Đến năm 1897, Phương là phụ tá cho xã Tây (một chức vụ như thị trưởng). Bấy giờ Hoa Kiều bắt đầu buôn bán, giao dịch nhiều với người Pháp, thấy Phương có thế lực, quen biết với những người giữ chức vụ then chốt,nên nhiều người nhờ cậy Phương chạy chọt việc nầy việc kia với số tiền đền ơn hậu hĩ. Phương đóng thêm vại trò áp-phe. Bấy giờ có một lãnh tụ Phật Giáo Tứ Ấn là ông Năm Thiếp xuất hiện trong dân chúng miền Nam, làm cho Pháp phải điên đầu. Theo lời kể của một vị cao niên thì có một ngôi chùa Phật Giáo Tứ Ấn ở núi Tượng (có lẽ là chùa An Định?) là trung tâm xuất phát các cuộc mưu toan khởi nghĩa, tấn công đồn bót, để “phục hưng cho dân An Nam”.


Trong nỗ lực tìm cách phủ dụ hoặc bắt bớ lãnh tụ Năm Thiếp, Phương và Lộc đều ráo riết lập công. Trong những năm 1865-75, ông Năm Thiếp xuất hiện nay chỗ nầy, mai chỗ kia, nhờ dân chúng che giấu lúc ẩn, lúc hiện làm cho Pháp phải bối rối mà không sao bắt được. Phương nghĩ ra một cách mềm dẻo bằng cách sai một tay chơn thân tính tên Bửu, người Minh Hương mua 3000 xâu chuổi bồ đề ở Chợ Lớn, giả làm một tín đồ sùng đạo, len lỏi vào tận núi Tượng ở Châu Đốc xin cúng để phát cho đồng bào. Sẵn dịp nầy Bửu dò la tin tức ông Năm Thiếp nhưng không có kết quả. Trường hợp Phủ Lộc làm một trò khôi hài hơn. Lộc sai bộ hạ là ông Hai Phép đi dò la tin tức ông Năm Thiếp ở Thất Sơn.


Hai Phép gặp ông Năm Thiếp bị ông cảm hóa, trở thành tín đồ ngoan ngoãn, ở luôn, không về. Như vậy cả hai người thi nhau lập công đều thất bại. Đỗ Hữu Phương là người duy nhứt qua lại thăm viếng Pháp nhiều lần. Lần đầu tiên năm 1874, Phương qua Pháp dự hội chợ Paris. Ba lần đầu vào các năm 1884, 1889 và 1894 đi du lịch thăm con cái đang du học tại đó. Đỗ Hữu Phương đã “Pháp hóa hơn cả những người Pháp”, theo lời nhận xét của bạn bè người Pháp của ông.


Ông có tất cả 6 người con. Trưởng Nam là Đỗ Hữu Chẩn theo học trường Võ bị danh tiếng St-Cyr của Pháp sau làm Trung Tá trong quân đội Pháp. Ông là người Việt Nam đầu tiên và trẻ tuổi nhứt làm trung tá trong quân đội Pháp. Đỗ Hữu Chẩn mất vào Đệ Nhị Thế Chiến. Người con kế là Đỗ Hữu Vị, người phi công đầu tiên Việt Nam và cả Đông Nam Á. Ngay từ lúc thiếu thời, Đỗ Hữu Vị đã hấp thụ một nền văn hóa Pháp hoàn toàn. Tốt nghiệp trường Taberd, được thân phụ gởi qua Pháp du học tại trường Collège St.Barbe ở Paris. Đỗ Hữu Vị nói và viết Pháp văn như Pháp. Rồi Đỗ Hữu Vị chọn binh nghiệp như anh. Ba năm sau khi ra trường, Đỗ Hữu Vị mới xin theo học Không Quân. Lúc đó người Việt Nam làm sĩ quan cho Pháp rất hiếm.


Chỉ có hai anh em Đỗ Hữu Chẩn, Đỗ Hữu Vị và Nguyễn Văn Xuân sau lên Trung Tướng. Nên nhớ lúc bấy giờ máy bay mới được phát minh, cho nên làm phi công là một việc rất phi thường. Đỗ Hữu Vị lại làm phi công tác chiến trong phi đoàn ở Maroc. Để cổ võ tấm gương người dân thuộc địa phục vụ cho mẫu quốc, Pháp gởi Đỗ Hữu Vị về Việt Nam lái máy bay biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội, dân chúng khâm phục, hãnh diện và bàn tán sôi nổi. Thế Chiến Thứ Nhứt bùng nổ (1914-1918), Đỗ Hữu Vị trở qua Pháp tham dự các trận đánh với Đức. Trong một lần giao tranh tại sông Somme, Trung Úy Đỗ Hữu Vị bị thương nặng và từ trần sau đó.


Ông được tưởng thưởng nhiều huy chương và truy thăng Đại Úy. Pháp cho in hình Đỗ Hữu Vị trên con tem phát hành khắp Đông Dương, và lấy tên ông đặt cho trường Kỷ Thuật Cao Thắng sau nầy. Đỗ Hữu Phương còn một người con trai nữa là Đỗ Hữu Trí, cũng có chức vụ trong nền hành chánh thuộc địa nhưng không rõ. Trong 3 người con gái, có một người gả cho con trai Tổng Đốc Hoàng Cao Khải ngoài Bắc. Hai thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, theo sự nhận xét của người Pháp:”Nam Kỳ ổn định về mọi mặt như mặt nước hồ thu. Sự giao thiệp giữa các viên chức ra hợp tác với tân triều và quan lại người Pháp, có thể nói là thân mật, mở ra một thời kỳ huy hoàng ở Nam Kỳ”.


Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương, Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ) nổi bật hơn những người Việt Nam khác đã ra cộng tác với Pháp, được Pháp tin cậy hoàn toàn và có một đời sống văn hóa nửa Tây nửa ta. Phương tận tụy với chủ mới và coi đó là một bổn phận để giữ lấy địa vị giàu sang cùng lòng tin cậy mà thăng quan tiến chức. Trong vấn đề cai trị, Phương luôn luôn chú trọng đến trị an của Sài Gòn, Chợ Lớn. Năm 1895, trong một báo cáo về tình hình an ninh Sài Gòn như sau: “Khắp Sài Gòn, du đảng càng ngày càng lộng hành. Chúng liên kết với nhóm Thiên Địa Hội để ăn hiếp dân chúng, làm tiền những người giàu có. Ai giận ghét người nào cho tiền, mướn chúng đánh phá.


ai muốn ứng cử hội đồng mướn du côn canh chừng, nếu không bỏ thăm cho mình bị chúng chận đánh. Thậm chí chúng còn giả bộ mượn tiền nhà giàu từ năm ba chục trở lên, ai không cho mượn, chúng đốt nhà trả thù”. Thế kỷ trước cũng không khác thế kỷ nầy bao nhiêu. Đối với con gái trong nhà, Đỗ Hữu Phương giáo dục theo truyền thống Nho giáo. Ông được tưởng thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh nhiều lần vào những năm 1874, 1884, 1889. Năm 1899, Phương về hưu và dùng thời gian còn lại làm công tác từ thiện. Ông sáng lập trường Nữ trung học Sài Gòn. Sau khi hưu trí, Toàn Quyền Paul Doumer cất nhắc Phương vào “Hội Đồng Tư Vấn Tối Cao Đông Dương” cùng với Trần Bá Lộc.



Trước khi về hưu, Phương còn làm Phó chủ tịch “Hội Nghiên Cứu Đông Dương” (1883). Đây là nôi tập họp những người Pháp quan tâm đến Nam Kỳ, cùng với những người Việt Nam giàu có, giữ địa vị quan trọng trong chánh quyền thuộc địa hoặc là trí thức. Đến năm 1908, hội nầy có tất cả 260 hội viên, trong đó có 33 người Việt Nam, gồm những ông Hội Đồng Quản Hạt, nhơn viên hành chánh cao cấp, trong đó có Trần Bá Thọ. Riêng hai ông Pétrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Hùynh Tịnh Của là hội viên vĩnh viễn suốt đời. Một hội viên xuất sắc của hội nầy sau Pétrus Ký và Paulus Của là ông Lê Văn Phát. Chúng tôi được biết thêm tiểu sử một vị trí thức mới như sau:”Lê Văn Phát thuộc dòng dõi quý tộc, ra làm quan và hợp tác với Pháp rất sớm ở Nam Kỳ.

Tài liệu không nói rõ ông quê quán ở đâu nhưng cho biết ông nội làm quan ở triều đình Huế lúc Pháp mới xâm lăng Nam Kỳ. Nhưng cha mẹ ông không ngăn cấm ông ra hợp tác với người Pháp. Ông sống đồng thời với Trương Minh Ký, Trương Vĩnh Ký, Hùynh Tịnh Của, có sức học uyên thâm, nhưng rất tiếc không thấy còn để lại tác phẩm nào. Ông là cây viết thường trực cho “Hội Nghiên Cứu Đông Dương”(Bulletin de la Société des Études Indochinoises). Mục đích của ông là làm cho nhà cầm quyền Pháp hiểu thêm về người Việt Nam hơn. Ông cũng là hội viên của “Hiệp Hội Đồng Minh Pháp” (Pháp Văn Đồng Minh Hội sau nầy).

Theo ông, người Pháp đến làm chủ Nam Kỳ mà biết rất ít về xứ sở họ đang cai trị và sinh sống. Còn một số phụ nữ bản xứ có kiến thức văn hóa Pháp nhờ tiếp xúc với nền học vấn Pháp qua các trường Couvent, phần lớn là Công Giáo. Cùng vào năm 1908, có một hội viên mới là ông Bùi Quang Chiêu, về sau làm lãnh tụ đảng Lập Hiến. Ông nội và cha của ông Bùi Quang Chiêu làm quan cho triều đình Huế, chống lại Pháp. Chiêu được du học Algérie, và sau đó qua Pháp tiếp tục, đổ kỹ sư năm 1897. Những năm cuối đời của Đỗ Hữu Phương, Nam Kỳ rất ổn định. Miền nầy nhiều nhà giàu lớn, có thói quen ăn xài theo Pháp, khác với Trung và Bắc Kỳ.


Nhà hàng Continental là nơi gặp gỡ của các bạn bè Pháp Việt thượng lưu trí thức. Theo Pháp đó là chứng cớ rõ ràng về sự hòa hợp Pháp-Việt để pha trộn bản sắc giữa hai dân tộc. Riêng Đỗ Hữu Phương đã “Pháp hóa hơn cả người Pháp”. Ông có thói quen ngồi nhà hàng Continental tán gẫu với bạn bè Pháp và rất hiếu khách. Mỗi lần khách tới nhà chơi đều được Phương đãi rượu Xâm-banh, ăn bánh Petit Beurre và uống cà phê “De La Paix”. Cụ Nguyễn Văn Vực có nhắc lại hồi đó có một bài ca dao rất phổ thông nói về Đỗ Hữu Phương hay đến nhà hàng Continental, được cụ Trương Minh Ký dịch ra Pháp văn, đại khái như sau: “Các quan lại Pháp thường hay đến tửu quán “Cà phê De La Paix” …để gặp quan Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương và quan Bonnet đang ngồi tán dóc ở đó .

Bạn sẽ gặp ngài Paul Blanchy (Chủ tịch Hội Đồng Quản Hạt), cùng với ngài Morin ở đó nữa…” Bài này rất phổ thông hồi đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn , nay đã biến mất không còn dấu vết. Dịch giả cùng vài bạn Pháp cũng có đến đó chơi với Ðỗ Hữu Phương. Những người Pháp-Việt hội nhập ở đó, đã nhớ lại vẻ ấm cúng và thú vị của thuộc địa Nam Kỳ, so với bầu trời Paris luôn luôn ảm đạm lạnh lẽo. Một nhận xét khác về Ðỗ Hữu Phương trong quyển “En Indochine 1894-95″ của P. Barthelémy có nói đến một cuộc thăm viếng Ðỗ Hữu Phương tại tư gia, đã ca tụng sự hiếu khách của ông ta như sau: “Khi viếng Chợ Lớn, đừng quên ghé thăm một ông Phủ giàu có danh tiếng của thành phố này.


Quan Phủ bắt chước lối sống cực kỳ xa hoa của chúng ta. Ông là dân An-Nam, tuổi độ 50, tướng phốp pháp, có râu ngạnh trê, luôn luôn tự phụ. Ông không do dự trong việc cho con qua Pháp du học. Nhà ông nửa Tây, nửa ta.” Căn nhà ngói 5 gian rộng lớn của ông ở ngay vị trí khách sạn Thủ Ðô, Chợ Lớn lúc trước nằm trên đại lộ mang tên ông. Toàn Quyền Paul Doumer mỗi lần vào Nam đều ghé nhà ông ăn nhậu. “người ông giống hệt nhà ông, bên ngoài trang trí theo lối Pháp, nhưng bên trong trang trí giữ phong tục bản xứ” . (Lời nhận xét của Paul Doumer) Cũng trong những lần ấy, không biết Ðỗ Hữu Phương khéo léo thế nào mà xin được Toàn Quyền Paul Doumer cấp không cho 2223 mẫu ruộng ở làng Hoả Lựu (Chương Thiện)


Những người xu nịnh cho rằng Ðỗ Hữu Phương là người giàu có danh giá gồm đủ “Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh”: - Về Phú: ông giàu tột bực, chỉ thua ông Huyện Sĩ, đất ruộng hàng mấy chục ngàn mẫu. - Về Quý: làm quan đến tột đỉnh, tứ trụ triều đình của chánh quyền Pháp ở Nam Kỳ, được ân thưởng Bắc Ðẩu Bội Tinh đến 3 lần. - Về Thọ: ông mất ở tuổi 76 - Về Khang: ông có nhiều con cháu nối nghiệp làm quan lớn. Con trưởng làm Trung Tá đầu tiên trong quân đội Pháp, con kế làm phi công đầu tiên của Việt Nam , và một người con gái gả cho Tổng Ðốc Hoàng Trọng Phu. Sui gia với ông là Hoàng Cao Khải, dưới con mắt của Pháp và tay sai là người danh giá nhứt Bắc Kỳ.


Gia đình ông có 3 người đều làm Tổng Ðốc, ngoài hai người vừa kể, còn một người con nữa là Hoàng Mạnh Trí. Không biết ông Tổng Ðốc Hoàng Trọng Phu có công gì lớn đối với đất nước mà triều đình phong làm Thái Tử Thiếu Bảo, Hiệp Tá Ðại Học Sĩ. Riêng Hoàng Cao Khải được ban tước Quận Công, nhưng dưới triều vua Duy Tân (1907-1916) nhờ lập nhiều thành tích cho Pháp, nên thực dân đề nghị với triều đình phong cho ông làm Phó Vương. Rủi cho ông bấy giờ, Thượng Thư Cao Xuân Dục đang làm Phụ Chánh đại thần, đã phê vào đề nghị như sau:”Trên bầu trời không có hai mặt trời, thì trong một nước không thể nào có hai vua. Thần, Cao Xuân Dục không thể ký được “.

Tuy vậy, nhiều người nịnh bợ thỉnh thoảng vẫn gọi Hoàng Cao Khải là Phó Vương. - Về Ninh: ông sống ung dung nhàn hạ, hưởng thụ mọi tiện nghi và thú vui vật chất, không phải lo lắng bất cứ việc gì. Xin trích dẫn một giai thoại khác của cụ Vương Hồng Sển trong “Sài Gòn năm xưa” có viết: “Tết Nguyên Ðán, nhà ấy (Ðỗ Hữu Phương) có ra câu đối trao giải thưởng. Câu đối ra như vầy: “Ðất Chợ Lớn có nhà họ Ðỗ

“Ðỗ một nhà, ngũ phước tam đa”. không biết quả thật chăng có người về sau gởi đến câu đối lại như vầy: “Cù Lao Rồng có lũ thằng phung
“Phung một lũ: Cửu trùng bát nhã” nhưng người ấy không dám nhận giải thưởng. Khi Ðỗ Hữu Phưong mất , gia đình tổ chức đám tang rất trọng thể. Thi hài quàng nửa tháng mới chôn. Hàng ngày có hàng trăm khách viếng.

Tang gia cho vật trâu, bò, heo liên miên cúng và đãi khách. Báo “Ðông Phương tạp chí” ra ngày 7 tháng năm 1914 có đăng một đoạn tả cảnh đám ma ấy như sau: “Ðúng 4 giờ chiều một khắc (15 phút) nghe lệnh quan Vệ úy Thạch hô: - Bọt-tê-am! (Portez armes!) Thoạt thấy quan phó toàn quyền và quan nguyên soái Nam Kỳ đi giá (cáng) tới, vào nơi linh sàng phủ ủy ít lời. Kế học trò hô: - Triệt linh sàng! Tức thì nhạc “fanfare” giọng bi ai trổi lên . Rồi động quan ra linh xa, chặn trước linh xa có bày các bàn phúng điếu treo trướng và tràng bông của thiên hạ đi đến có trên vài trăm cái..” (trích lại trong “Việt Nam tạp chí” số ra mắt tháng bảy 1989) Chú thích: * Rạch Ong: Có thuyết cho biết nơi đó có nhiều ong lá, ong bần, nên sách cũ viết là “phong ngạn”, do đó chữ “rạch ong” viết không có dấu (^) * Trần Bá Lộc có người cháu là Trần Thành Huân, làm giáo sư và tổng giám thị trường Taberd. Ông là một nhà cách mạng chống Pháp. Khi ra toà, viên đại tá chánh thẩm hỏi: - Anh là cháu của Tổng Đốc Lộc, lại là người Công giáo, sao anh mưu đồ chống lại người Pháp? Ông Huân thẳng thắn trả lời : - Trước khi là người Công giáo, tôi là người Việt Nam. Tôi không hề tán thành việc làm của ông Tổng Đốc Lộc. Về sau ông Huân chết trong nhà tù Côn Đảo
(Theo nhà văn An Khê )



HUỲNH CÔNG TẤN


(1837-1874) Trước năm 1945, phía trước nhà lồng chợ Gò Công có một tấm bia đá lớn của Pháp dựng lên để kỷ niệm một người Việt có công tận tụy với nước Pháp : “À la mémoire de Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn, Chevalier de Légion d’honneur, fidèle serviteur de la France” (Tưởng nhớ Huỳnh Công Tấn, Lãnh Binh, Bắc Ðẩu Bội Tinh, công bộc trung thành với nước Pháp. Ngày 9 tháng Ba năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Dân chúng Gò Công phẩn uất, kéo tới đập phá tấm bia ấy để xoá tan dấu vết của thực dân. Huỳnh Công Tấn là người quê quán tại Gò Công, sinh năm 1837 trong một gia đình nông dân ít học.

Năm 1859 thành Gia Định thất thủ, Tấn mới 22 tuổi. Theo bức ảnh minh hoạ trong quyển sách :”Sự có mặt của người Pháp ở Nam Kỳ và Cam Bốt” nói trên thì Tấn có một dáng dấp rất khác biệt với Đỗ Hữu Phương hồi trai trẻ. Nếu Phương có dáng dấp một thư sinh thì Tấn là con người cục mịch, gương mặt thô, vuông, hằn lên nét đanh ác. Tấn mặc bộ đồ đen .

Lúc Gia Định mới thất thủ, Tấn gia nhập hàng ngũ nghĩa quân chống Pháp, dưới quyền chủ tướng Trương Công Định. Ba năm sau, phòng tuyến Chí Hoà bị hạ, triều đình Huế ký Hàng Ước 1862 nhường 3 tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường cho Pháp. Mất địa bàn kháng chiến, Trương Công Định dẫn quân về Gò Công, dựa vào địa thế hiểm trở vùng Vàm Láng (“đám lá tối trời”) để tiếp tục kháng Pháp. Trong một cuộc hành quân vùng Gò Công, Tấn gạt binh sĩ, rồi bỏ trốn qua Tân An.

May mắn cho Tấn, ở đây hắn gặp một người bạn cũ tên Nguyễn Hữu Nguơn, đã đầu thú Pháp, hướng dẫn Tấn về Sài Gòn trình diện. Còn theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Vực cho biết: “Tấn vốn đam mê đàn bà con gái, hay chọc ghẹo, nên bị chủ tướng Định cảnh cáo. Có lần Định tát tai Tấn về việc nầy, nên Tấn sanh tâm thù oán. Từ đó Tấn tìm dịp trốn đi ra hàng giặc” . Một tài liệu khác nữa nói rằng: “Trong lúc hai bên giao chiến, Tấn bị Pháp bắt. Để đoái công chuộc tội, Tấn xin cung khai đầy đủ mọi việc quân thư của Trương Công Định”. Tài liệu nầy do Vial, Giám Đốc Nội vụ ghi lại trong tập hồ sơ “Lãnh Binh Tấn ngày 31 tháng bảy 1869″. Để được Pháp tin cậy, Tấn ra tay dọ thám, chỉ điểm cho Pháp ruồng bố nghĩa quân. Chỉ một năm sau, Tấn lập được nhiều thành tích, Pháp cho Tấn làm đội trưởng.

Quê dốt, không tham vọng nhưng rất tàn ác, Tấn không từ bỏ một dịp may nào để tiến thân và làm giàu. Có quyền trong tay, Tấn bắt người tình nghi, đánh đập để khảo của. Tấn làm giàu bằng cách tổ chức sòng bạc, chiếm đất của các điền chủ bỏ chạy qua miền Tây lánh nạn. Đồng thời, Tấn bắt thường dân làm sưu cho mình. Chỉ trong 10 năm, Tấn trở thành một người giàu có nhứt Gò Công. Bằng cách cướp đoạt, Tấn có hàng ngàn mẫu ruộng. Tấn lập công với Pháp bằng cách đem quân qua Cần Giuộc bao vây, bắt được lãnh tụ nghĩa quân Bùi Duy Nhứt. Với thành công mới, Pháp phong cho Tấn chức Lãnh Binh, là chức quan đàng cựu, coi tất cả binh lính trong một tỉnh.

Có lẽ do lòng căm thù cá nhơn, Tấn coi nghĩa quân còn hơn kẻ thù, mặc tình bắt bớ, tra khảo, bắn giết không nương tay. Tấn làm nô bộc cho chủ Pháp rất hăng hái. Có lần Tấn dám chê bai Tham Biện Pháp là người bất tài vô dụng:”Bởi quan Tham Biện chúng tôi xưa nay là qua coi binh, chưa từng biết việc dân (hành chánh) cho nên việc quan làm thì làm bậy, nói thì chẳng thông lý sự, dường như kẻ ngu si dốt nát”.

Giáo Đốc Nội Vụ thấy Tấn lạm quyền quá đáng, muốn tìm cách đổi Tấn đi miền Đông, nhưng Tấn lại lập thêm nhiều công trạng mới, nên được giữ lại. Người Pháp dùng Tấn như một tay sai đắc lực chớ không ưa Tấn. Trong một chuyến từ Gò Công về Sài Gòn bằng ghe bầu, Tấn bị bịnh và chết trên ghe, lúc mới 37 tuổi. Tấn có hai người con trai là Huỳnh Công Miêng và Huỳnh Công Viễn. Để nuôi dưỡng tay sai trung thành, Pháp cho Huỳnh Công Miêng qua pháp du học.

Lúc về nước, Miêng theo Trần Bá Lộc đánh dẹp nhiều nơi. Sau đó Miêng chán nản, bỏ quan, trở thành một công tử ăn chơi khét tiếng miền Nam. Dân chúng gọi bằng “Cậu Hai Miêng”. Cậu Hai sống theo kiểu giang hồ hảo hán, lưu linh miễn tử khắp Nam Kỳ. Mỗi lần hết tiền, Cậu Hai vào thăm các tham biện, chủ quận để hỏi tiền xài. Pháp nhớ công ơn cha cậu, nên cũng nể mặt, cho cậu ít nhiều. Cậu sống ngang tàng, không ai dám làm gì dù có phạm tội chút ít (Xin xem thêm “Nam Kỳ Lục Tỉnh” tập I).

Cậu Hai mất năm 1895, chôn ở Sài Gòn. Cuộc đời Cậu Hai Miêng được dân chúng thán phục, truyền tụng sâu rộng bằng nhiều tập thơ “Cậu Hai Miêng”. Trong quyển “Quốc Âm Hiệp Tuyển” của Lê Quang Chiếu (người Cần thơ) có bài thơ điếu Cậu Hai Miêng như sau: “Số hệ ai làm hỡi cậu Miêng?
“Ba mươi tám tuổi, dõi huỳnh tuyền,
“Sao lờ Bến Nghé, xiêu người ngó,
“Khói toả Cầu Kho, thảm vợ hiền’
“Đứng bực phong lưu trời vội dứt,
“Những trang hào kiệt đất không kiêng
“Nhựt báo đòi nơi đã khắp truyền”.

huahoanh_sign


No comments: