Tết ở Việt Nam thì rộn ràng, nhộn nhịp không thể tả, với vô số sinh hoạt truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Còn các bạn trẻ Việt Nam ở Mỹ, quốc gia có rất đông người Việt sinh sống, họ đón Tết như thế nào? Chắc các bạn trong nước cũng thắc mắc lắm đây.

Để giúp giải đáp câu hỏi của các bạn, Trà Mi đã mời 3 người bạn trẻ sinh trưởng ở đây tham gia chương trình hôm nay là Gia Nghĩa từ miền Nam bang California, nơi tập trung đông người Việt nhất tại Hoa Kỳ, Tuấn Nghĩa ở Texas, tiểu bang đứng thứ nhì về số người Việt định cư, và một người bạn từ miền Đông-Bắc nước Mỹ, khu vực có ít người Việt hơn, là Uyên Hương, từ thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania.

Trà Mi: Các bạn ở những tiểu bang khác nhau thì chắc không khí đón Tết cũng có những nét riêng biệt. Xin được hỏi Nghĩa ở Texas, bạn đón Tết như thế nào?

Tuấn Nghĩa: Năm nay cộng đồng ở đây tổ chức Hội chợ Xuân 2010, có dâng hương, cúng tổ tiên, múa dân tộc, múa quạt, múa nón của Việt Nam, với sự tham gia của nhiều ca sĩ.

Trà Mi: Những hoạt động Nghĩa vừa kể tập trung tại Hội chợ Tết phải không?

Tuấn Nghĩa: Dạ.

Trà Mi: Bây giờ xin hỏi không khí Tết ở California. Người Việt ở California đón Tết như thế nào, thưa chị Gia Nghĩa?

Gia Nghĩa: Bên này người Việt mình rất đông, nhất là tại Orange County (Quận Cam), tập trung tại những thành phố như Westminster, Santa Anna, Garden Grove, Fountain Valley…v..v.. Ngay trên đại lộ chính của người Việt ở đây là đường Bolsa, lúc này không khí Tết đã nhộn nhịp lắm. Năm nay nhiều hội chợ Tết, hội hoa Tết. Đường phố kẹt xe, người đi lại mua sắm Tết rất đông. Năm nay ở đây cũng có nhiều sự kiện lớn trong ba ngày cuối tuần. Hằng năm ở đây có một điểm đặc biệt là diễu hành Tết, tức Tet parade.

Trà Mi: Nội dung cuộc diễu hành này như thế nào thưa chị?

Gia Nghĩa: Có nhiều mục khác nhau, như xe hoa, các hội đoàn, các dân biểu, các nhóm múa, nhóm võ Kungfu…

Trà Mi: Quy mô cuộc diễu hành này có lớn không, bao nhiêu người tham gia?

Gia Nghĩa: Cuộc diễu hành năm nay diễn ra ngày thứ bảy, 13/2, lúc 9 giờ 30 cho đến 11 giờ 30, rất đông, hàng chục ngàn người tham dự. Quy mô của nó cũng rất lớn cho nên khoảng 8 giờ 30 sáng là họ đóng các ngõ đường cuộc diễu hành đi qua.

Trà Mi: Bây giờ xin hỏi thăm khu vực Đông-Bắc Hoa Kỳ, nơi có người Việt ít hơn so với Cali và Texas. Chị Hương ở Philadelphia, chị có thể cho biết không khí đón Tết của người Việt vùng này như thế nào?

Uyên Hương: Cũng rất vui, cũng có Hội chợ Tết giống Texas và Cali, nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều. Ở đây, trong các nhà thờ họ tổ chức các hội chợ. Nhà thờ mình hay đi họ cũng làm 2 hôm. Có các gian hàng xuân, trò chơi cho các em tham gia có giải thưởng, bầu cua cá cọp cho người lớn, gian hàng bán thức ăn, vui xuân suốt 1 ngày. Sáng thứ bảy 13/2, nhà thờ cũng tổ chức văn nghệ cho các em. Các em học Việt Ngữ và giáo lý đựơc dạy múa, ca hát, và chúc xuân. Vui lắm!

Trà Mi: Ngoài cộng đồng Công giáo, ở khu vực này có những nét sinh hoạt nào vui Tết không?

Uyên Hương: Trong cộng đồng cũng có, ví dụ Phật giáo cũng tổ chức những sinh hoạt tương tự như vậy. Các trường đại học cũng có nhiều nhóm sinh viên tổ chức dạ tiệc mừng xuân, có ca nhạc, khiêu vũ.

Gia Nghĩa: Tết năm nay rơi vào cuối tuần, cũng may cho người Việt mình ở đây. Rồi thứ hai là ngày lễ của Mỹ, thành ra được nghỉ mấy ngày luôn.

Trà Mi: Còn những năm mà Tết không rơi vào cuối tuần thì sao?

Gia Nghĩa: Nếu không vào cuối tuần, những người Việt Nam giữ truyền thống thì họ xin ngày nghỉ ở chỗ làm để thức khuya cúng, đi chùa..v..v.. Ở đây nhiều chùa lắm, lớn nhỏ đều có. Mọi người thường đi chùa tối 30. Sau nửa đêm về xông đất.

Trà Mi: Ở Cali có nhiều chùa, còn ở Philadelphia ở miền Đông-Bắc thế nào? Sinh hoạt của chùa Việt Nam ngày Tết tại đây có gì đặc sắc không?

Uyên Hương: Ở đây cũng có chùa, cũng có nhiều sinh hoạt Tết. 30 Tết nhiều người đi chùa xin xăm, sau đó đón Giao Thừa tại chùa luôn.

Trà Mi: Chị Gia Nghĩa cho biết ở Cali có hội chợ hoa, không biết những nơi khác có hội chợ hoa không?

Uyên Hương: Tại Philadelphia không có.

Trà Mi: Những nơi không có như Philadelphia chắc mọi người cũng thắc mắc không biết hội chợ hoa ở Cali bao lớn. Chị Nghĩa có thể cho biết chợ hoa này tập trung tại một khu vực thật rộng và dài để mọi người đi tảo bộ, hay cũng chỉ rải rác thôi?

Gia Nghĩa: Đủ loại hết. Có một chỗ lớn nhất là ngay trên đường Bolsa, khu Phước Lộc Thọ. Hằng năm mình cũng có đi. Họ dựng những cái lều lớn thật lớn, trong đó cũng khoảng 4-5 chục sạp bán hoa nhỏ nhỏ. Rải rác trong các siêu thị cũng có bán hoa Tết.

Trà Mi: Nghĩa là không tập trung một vùng thật lớn như đường hoa Nguyễn Huệ, nhưng những loại hoa Tết ở đây mình có được, có giống bên nhà không, gồm những loại nào?

Gia Nghĩa: Có nhiều loại lắm, nhiều người đem hoa mai qua đây trồng, rồi đào, lan, rất nhiều. Ở đây cũng trồng tắc đựơc nữa. Vì không khí bên này rất ấm nên có rất nhiều vừơn hoa, vườn trái cây do người Việt hoặc người Châu Á làm chủ, nên có nhiều loại lắm. Họ cũng trồng được thăng long nữa.

Trà Mi: Thảo nào người Việt qua đây thích tập trung ở Cali vì không khí rất ấm và gần gũi.

Gia Nghĩa: Thay vì đi ra chợ Bến Thành như ở Việt Nam, ở đây cứ ra khu Bolsa là có đầy đủ hết.

Trà Mi: Chị rất may mắn là ở ngay trung tâm của người Việt, có đầy đủ những thông tục, tập quán, lẫn hương hoa của quê nhà. Bây giờ xin hỏi thăm ở Texas. Texas cũng nhiều người Việt lắm. Nghĩa ơi, người trẻ Việt Nam ở Texas vui Tết như thế nào?

Tuấn Nghĩa: Nghĩa mới dọn qua Austin ở. Thành phố Houston nhiều người Việt hơn Austin. Thường những người trẻ nếu các trường đại học không tổ chức gì thì họ cũng tự tổ chức một buổi tiệc nhỏ.

Trà Mi: Riêng Nghĩa, là một người trẻ Việt Nam, Tết bạn có đi chùa xin xăm hay thăm hỏi bà con chẳng hạn. Bạn có giữ những truyền thống ấy không?

Tuấn Nghĩa: Có, mình cũng đi thăm bà con, đi chùa thắp hương.

Trà Mi: Bạn thấy không khí đó có nồng ấm như Tết ở Việt Nam không?

Tuấn Nghĩa: Nhỏ hơn Việt Nam rất nhiều. Nghĩa chỉ đi các hội chợ thôi.

Trà Mi: Người Việt mình có rất nhiều sinh hoạt đón Tết, như nấu ăn ngày Tết, trang trí nhà cửa chẳng hạn. Các bạn ở đây có làm như vậy không?

Gia Nghĩa: Một điều mình sực nhớ ra là pháo. Điểm đặc biệt ở Tết Cali là gần những ngày Tết sẽ có đốt pháo.

Trà Mi: Việc này có phải xin phép hay không?

Gia Nghĩa: Trong khu Việt Nam họ cũng hơi lơ là một tí nên mấy năm nay mình đã nghe nhiều tiếng pháo rồi. Mọi người thi nhau đốt pháo.

Trà Mi: Tức là bày bán và đốt pháo công khai?

Gia Nghiã: Mấy năm nay họ dễ đi, nên mình đi chợ hoa có thể mua pháo ngay đó luôn.

Uyên Hương: Ở Philadelphia cũng có đốt pháo, nhưng phải xin phép trước. Hằng năm ở đây cộng đồng cũng xin được giấy phép đốt những dây pháo thật là dài. Các bạn trẻ ở đây thường tổ chức các buổi tiệc mừng xuân. Tuy nhiên, mình tới những địa điểm đó thì có được không khí Tết, khi vừa bước ra khỏi những nơi ấy thì tất cả mọi thứ đường phố như bình thường, không có một cái gì là không khí Tết cả, không được nhộn nhịp như cái Tết ở Việt Nam đâu.

Gia Nghĩa: Bên Cali này cũng vậy, nếu mình ở vòng vòng khu Little Saigon, mình sẽ thấy mùi vị Tết, nhưng nếu ra khỏi khu đó thì mọi thứ cũng bình thường thôi.

Trà Mi: Ngừơi Việt mình ở đây có giữ những phong tục như cúng ông Táo, cúng mùng 1, mùng 3 không?

Gia Nghĩa: Cũng có, nhưng nếu có thì cũng nhỏ nhỏ thôi. Sáng sớm mọi người cũng tụ tập lại chúc Tết, mặc áo dài khăn đóng.

Trà Mi: Còn truyền thống làm các món ăn ngày Tết?

Gia Nghĩa: Cũng có, trong nhà cũng có nấu ăn, trang trí cúng Tết.

Uyên Hương: Người Việt ở đây rất giỏi, đem tài nghệ làm bánh chưng, bánh tét từ Việt Nam qua đây. Dù ở Philadelphia ít người Việt hơn mọi nơi, nhưng họ vẫn nấu bánh chưng, bánh tét trong nhà. Nếu nhà nào không nấu thì các tiệm đều có đầy đủ hết tất cả không cần phải lo.

Trà Mi: Về món ăn truyền thống của ngày Tết, người Việt ở Mỹ có thiếu món nào không so với người Việt bên nhà?

Gia Nghĩa: Mình thấy không thiếu một món gì hết, dưa hành, bánh mứt ai cũng làm, ở nhà cũng có, ở chợ cũng có, đầy đủ hết.

Trà Mi: Không thiếu hương vị, chỉ thiếu bầu không khí chung của cả một xã hội hướng về ngày Tết. Theo các bạn, cái Tết ở hải ngoại so với ở trong nước thì được một phần mấy?

Gia Nghĩa: Dù không khí Tết ở Cali cũng hơn những nơi khác ở Mỹ nhưng so với Việt Nam chắc được 3-4 phần trên 10 thì cũng là nhiều đó. Trên TV, báo chí ai cũng nhắc tới Tết, nghe nhiều về Tết nên cũng thấy…

Trà Mi: An ủi phần nào đối với những ngừơi xa quê hương?

Gia Nghĩa: Dạ.

Trà Mi: Tết là dịp để mọi người ước nguyện. Ngoài ước nguyện cho gia đình, khi nghĩ về quê hương Việt Nam, các bạn có ước nguyện gì cho quê hương không?

Uyên Hương: Hương có theo dõi tình hình bên Việt Nam, mình ước nguyện mọi người được an bình, vì mình thấy còn rất nhiều người còn cực khổ, khó khăn. Hương mong mọi người được vui vẻ trong không khí xuân, tình trạng kinh tế khá hơn.

Trà Mi: Cảm ơn chị Hương. Tết cũng là dịp để trao đổi lời chúc cho nhau. Những người bạn trẻ bên này có những lời chúc gì cho các bạn đồng trang lứa ở Việt Nam?

Gia Nghĩa: Mình mong các bạn được an bình và nhiều tình thương với nhau, cũng như mạnh khoẻ trong năm mới.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian tham gia chương trình hôm nay nói về không khí đón Tết của người trẻ Việt Nam trên đất Mỹ.

Quý vị và các bạn vừa cùng chúng tôi “thưởng thức” một chút hương vị Tết Việt ở Mỹ. Các bạn trẻ ở Việt Nam đón Tết ngay tại quê nhà năm nay chắc là vui lắm, vì ngày đầu năm mới lại rơi đúng vào Lễ Tình Yêu, một dịp vui hiếm thấy, phải không các bạn?

Trong lời ca khúc “Xuân yêu thương”, Trà Mi thân chúc tất cả quý thính giả và độc giả của đài VOA một mùa xuân tràn đầy hạnh phúc bên cạnh những người thân yêu của mình, và một tân niên an khang-thịnh vượng.

Tạp chí Thanh Niên xin chào tạm biệt quý vị, hẹn gặp lại quý vị vào tối thứ ba tuần sau.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/Vietnamese-in-the-US-celebrate-their-traditional-Lunar-New-Year-84603012.html

Trải qua bốn Tết con RồnG
Cập nhật: 16:23 GMT - thứ sáu, 20 tháng 1, 2012

Nhâm Thìn năm nay là Tết Con Rồng thứ tư của người Việt hải ngoại từ sau biến cố 30/4/1975 vốn là cột mốc phân định thời gian trước sau với những đổi đời buồn vui trong lòng người Việt.

Năm rồng đầu tiên nơi xứ lạ, Tết Bính Thìn 1976, buồn như mùa đông buốt giá của tiết trời đất Mỹ khi xuân về. Cuộc đời đang xum vầy cùng bố mẹ và các em, bỗng dưng mất cả, bị đánh bật gốc rễ văn hoá, đẩy vào cuộc sống tha hương xa lạ, chung quanh không chút hương vị Tết.

Một con giáp sau cuộc sống nơi đất mới đã quen. Ngoái nhìn lại năm 1988 mà không nhớ là cái gì Thìn. Mười hai con giáp tôi thuộc vanh vách: Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ… nhưng chẳng rành về can, chi, quẻ trong âm lịch.

Năm đó tôi trở lại Hoa Kỳ sau nhiều năm dạy học ở nước ngoài. Về lại nơi đã cho mình hấp thụ nền giáo dục tiến bộ nhất nhưng chưa biết phải làm gì. Tiếp tục dạy học hay chọn một ngành nghề khác?

Trước Tết tôi nhận việc làm tại một cơ quan giúp người tị nạn và di dân, trụ sở ở đường số 3, Oakland, với cái tên nghe không liên hệ gì đến quá khứ học hành và làm việc của mình: Hội Ngư phủ Việt Nam, lúc đó anh Phạm Minh Chiếu làm giám đốc điều hành.

Tên cơ quan như thế, nhưng có nhiều phân bộ, ngoài chức năng giúp ngư dân Việt am hiểu luật lệ ngư nghiệp, còn có phân bộ dạy ESL và tìm việc. Tôi làm chung với anh Joe Đào trong công tác tìm việc làm cho người mới đến.

Hết hè tìm được việc dạy học. Các anh trong hội thấy tôi có tinh thần hoạt động nên mời vào hội đồng quản trị.

Từng bước trưởng thành

Hoa hậu Pearlynn Đặng tại hội chợ Tết 2012

Hội sinh hoạt nhiều năm, có đóng góp của các anh trong nhiều ngành nghề: anh Châu Thao là một ngư dân thứ thiệt, chủ tàu. Anh Tạo Lê có cửa hàng bên San Francisco, anh Nguyễn Đức Lâm hoạt động cộng đồng ở San Jose, anh Henry Lê làm việc cho một dân biểu ở Sacramento. Bác sĩ Phan Kim Nguyên có phòng mạch ở Oakland, anh mất cách đây hơn chục năm, là phu quân của chị Phan Anh Tú, tốt nghiệp U.C. Berkeley cùng năm với tôi. Anh Frank Young là chủ ga-ra sửa xe ở Berkeley. Anh Trương Bổn Tài là nhà nghiên cứu Việt học.

Anh David Dương có công ti rác hoạt động ở cả hai bờ Thái Bình Dương mà nhiều đã biết và là mạnh thường quân của cộng đồng và các dân cử. Gặp anh những năm cuối thập niên 1980, công ti mới phất lên, nhưng trong kí ức của tôi luôn in đậm hai hình ảnh về anh: một thanh niên sáng sớm lái xe pick-up đi lượm thùng cạc-tông ở các chợ và một nhà ảo thuật đã nhiều lần lên sân khấu biểu diễn cho đồng hương.

Đầu thập niên 1990 Hội Ngư phủ được biết đến nhiều qua vụ kiện đạo luật Jones Act về an ninh lãnh thổ Hoa Kỳ. Luật có từ cả trăm năm trước, bất thình lình đem áp dụng khiến nhiều ngư dân Việt bị phạt nặng, không thể tiếp tục công việc. Vì chưa nhập tịch nên không được hành nghề trên các tàu đánh cá lớn. Ngư dân và Hội Ngư phủ Việt kiện chính phủ Mỹ cản trở tự do mưu sinh của dân.

Vụ án kéo dài mấy năm qua nhiều tranh cãi trước toà liên bang. Với sự yểm trợ của dân biểu Norm Mineta, một đạo luật được Tổng Thống George Bush (cha) ký ban hành cho phép ngư dân Việt tiếp tục đánh cá và trong thời gian mười năm phải nhập tịch.

Tiếp tục vận động cho tiếng nói cộng đồng, hội và nhiều cá nhân đã gây quỹ cho các dân cử như Dân biểu Tiểu bang John Burton, Phó Thống đốc Leo McCarthy, Thị trưởng San Francisco Art Agnos, Thị trưởng Oakland Elihu Harris.

Từ cuối thập niên 1990, ngân sách dành cho di dân cắt giảm khiến nhiều cơ quan xã hội của người Việt đóng cửa, trong đó có American Việt League là hậu thân của Hội Ngư phủ.

Nhìn về quê hương, năm rồng 1988 là thời điểm đất nước Việt Nam mới mở cửa giao tiếp với Tây Phương. Chính sách “Đổi mới” ban hành hai năm trước làm bừng lên không khí tự do buôn bán trên cả nước.

Nhìn qua lân bang, năm 1988 Nam Hàn vươn lên thành rồng, trở thành quốc gia thứ nhì ở Đông Á, sau Nhật Bản, đứng ra tổ chức Olympics mùa hè.

Năm 2000 cũng là năm rồng, tôi nhớ giao thừa tây lịch hơn vì những xôn xao với Y2K. Máy điện toán đang được dùng hầu như ở mọi nơi, từ cơ quan công quyền đến doanh nghiệp, từ bộ quốc phòng, hãng hàng không sang thị trường tài chính. Nhiều gia đình đã có máy điện toán cá nhân nối mạng toàn cầu. Chuyện gì sẽ đến khi con số nhảy lên 00 cho niên lịch mới. Trở lại thời khắc ban đầu của nhân loại? Những bộ nhớ sẽ rối loạn?

Tổng lãnh sự Nguyễn Bá Hùng hát Quan họ cùng Ái Vân trên sân khấu

Giao thừa 2000 đến với Úc, Nhật, Bắc Kinh, Hồng Kông trước, sau là Paris, London, New York mà không có trục trặc kĩ thuật đáng quan ngại nào. Thế giới vẫn bình yên. Pháo hoa vẫn nở rực chào đón thiên niên kỉ mới.

Sau ngày nghỉ Tết Tây, ra máy ATM lấy tiền thấy tài khoản có gần trăm nghìn đô dư. Trong thoáng giây tôi mừng rỡ, mơ hồ tưởng trúng số. Bình tâm lại suy đoán đó là hệ lụy của Y2K. Vợ chồng nói đùa với nhau, cứ lấy hết ra, lên Las Vegas thử thời vận. Trúng thì lời. Xui nhà băng đòi lại cứ nói đã cúng hết ở sòng bài! Đến nay tôi cũng không rõ hư thực ra sao vì vài ngày sau số tiền được điều chỉnh lại chính xác từng xu, như số tiền dư chưa bao giờ lọt vào trương mục của tôi.

Cuối năm đó nước Mỹ trải qua những ngày căng thẳng chờ đợi kết quả bầu tổng thống đã không được định đoạt bằng lá phiếu của dân mà qua phán quyết của Tối cao Pháp viện. George W. Bush (con) lên làm tổng thống với số phiếu chỉ hơn Al Gore vài trăm ở bang Florida, nơi gặp khó khăn, tranh cãi về cách đếm phiếu. Tính tổng số phiếu phổ thông thì Bush thua Gore.

Ở nhiều nơi khác, với kết quả mong manh và nghịch lý như thế sẽ không tránh khỏi biểu tình, bạo động tranh giành quyền lực, nhưng Hoa Kỳ là xứ pháp trị, người dân tôn trọng quyết định của Tối cao Pháp viện là cơ quan cao nhất với thẩm quyền giải thích hiến pháp.

Năm 2000, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ bước vào tuổi 25. San Jose có nhiều sinh hoạt đón Tết, nhưng năm đó chia năm, xẻ bảy. Cùng năm, nhiều người Việt bước vào sinh hoạt chính trị dòng chính với thất bại và thành công. Ông Vũ Đức Vượng ứng cử Hội đồng Giám sát San Francisco không đạt. Luật sư Trần Thái Văn được bầu chọn vào hội đồng thành phố Garden Grove, là dân cử gốc Việt thứ hai tại Hoa Kỳ, sau Nghị viên Tony Lâm của Thành phố Westminster.

Văn hóa người Việt

Hôm Chủ Nhật đi chơi Hội Tết San Francisco gặp Giáo sư Lê Thức Lân đã gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Một mùa hè xưa ông phụ trách lớp Việt ngữ tại Đại học Berkeley với những buổi nói chuyện của giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Đình Hoà giúp sinh viên mở mang kiến thức văn hoá Việt. Bây giờ mỗi niên học trường có chục lớp Việt ngữ.

Nhớ hơn nữa là lần sinh viên Berkeley tổ chức văn nghệ đầu tiên vào mùa xuân năm 1980, khi đó có nhờ Đoàn Oanh Vũ dưới sự hướng dẫn của phu nhân giáo sư giúp đóng góp những điệu vũ cổ truyền dân tộc. Sinh viên còn cần khăn đóng áo dài để diễn kịch thơ “Hận Nam Quan”.

Vất vả đi tìm và được bác Nguyễn Phú Biên, chủ hãng phim Mỹ Vân ngày trước, và cụ Đào Đăng Vỹ cho mượn.

Quầy bánh tét tại chợ Tết năm Con Rồng 2012

Áo dài gấm, khăn đóng, nón lá, áo tứ thân rất hiếm trong những năm mới định cư ở Mỹ. Sự giúp đỡ của các bậc cha anh lúc bấy giờ thật đáng quý. Học giả Đào Đăng Vỹ qua đời đã lâu. Bác Biên nay hơn thất tuần, vẫn sinh hoạt cộng đồng, phụ trách nghi thức tế lễ tại Hội Tết San Francisco.

Rong chơi hội chợ gặp Nguyễn Khánh là chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Berkeley năm 1981-82. Lúc đó sinh viên vận động mở lớp học về cộng đồng người Mỹ gốc Việt và được đại học chấp thuận. Giáo sư Chung Hoàng Chương là người đầu tiên phụ trách giảng dạy.

Khánh đang giúp Trung tâm Văn hoá Âu Cơ, cùng với chị Tô Lệ Hằng, anh Trần Quốc Hùng lo chương trình Việt ngữ và văn hoá cuối tuần, giúp thiếu nhi giữ gìn văn hoá dân tộc. Từ năm 1986 đến nay trung tâm đóng góp nhiều cho cộng đồng và các sinh hoạt đa văn hoá của thành phố. Nhiều lần các em đã trình diễn ở Union Square.

Hội Tết Nhâm Thìn 2012 còn có sự tham gia của cộng đồng người Miến Điện, người Lào và người Hoa làm tăng thêm phong phú cho sinh hoạt văn hoá. Đây là một điểm son.

"Lãnh sự quán tặng nhiều lịch hoa sen và tân Tổng Lãnh sự Nguyễn Bá Hùng mặc khăn đóng áo dài"

Nhiều người đã góp công sức tổ chức Hội Tết trong những năm qua: Dược sĩ Phạm Đỗ Hùng, ông Nguyễn Phú, anh Huỳnh Lương Thiện, anh Đoàn Ngọc Thuỷ, cô Liên Nguyễn, cô Nguyễn Thuỷ Tiên, anh Lê Chí Lượng, ông Nguyễn Thanh Tâm, ông Tạ Thanh Phong, ông Huỳnh Khắc Minh và nhiều người nữa tôi không nhớ hết tên.

Gần hai chục năm qua, Hội Tết được tổ chức tại khu Little Saigon trên đường Larkin. Mỗi năm có nhiều dân cử dự lễ khai mạc. Năm nay Thị trưởng Ed Lee và Chủ tịch Hội đồng Giám sát David Chiu cũng đã đến. Ông Lee là thị trưởng gốc Á đầu tiên được bầu chọn vào tháng 11 năm ngoái.

Vận động bên trong cho sự thành hình của Little Saigon San Francisco, cho những yểm trợ tài chánh từ thành phố và sự có mặt tham dự của nhiều quan chức là nhờ anh Phạm Thư Đăng. Hoạt động từ thời sinh viên ở Boston, vào đời anh đi dạy học, tham gia sinh hoạt Đảng Dân chủ và đã được bổ nhiệm làm việc một thời gian trong bộ giáo dục của chính quyền Bill Clinton. Di chuyển về miền Bắc California, anh Đăng làm việc trong toà thị chính San Francisco đã nhiều năm.

Nhìn lại một con giáp, từ năm 2000 đến nay số dân cử gốc Việt đã tăng đáng kể. Cộng đồng người Việt hiện có Dân biểu Tiểu bang Hubert Võ ở Texas, Giám sát viên Janet Nguyễn ở Quận Cam, Phó Thị trưởng Madison Nguyễn ở San Jose và khoảng hai chục dân cử trong các hội đồng thành phố, sở học chính, các ủy ban tiện ích. Đông nhất ở California.

Năm Nhâm Thìn với tổng tuyển cử vào tháng 11. Liệu cộng đồng sẽ có đưa được người trở lại trong lập pháp bang California thay cho Dân biểu Trần Thái Văn và vào Quốc hội Hoa Kỳ như đã có Dân biểu Cao Quang Ánh là đại diện hai năm trước đây.

Tiếng hát nhà ngoại giao

Lễ đón Tết Nhâm Thìn tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco

Cuối tuần rồi gặp anh David Dương tại liên hoan đón Tết của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam. Hỏi thăm lúc này công ti rác ở Việt Nam còn gặp khó khăn. Anh nói thỉnh thoảng cũng có nhưng mọi chuyện được giải quyết theo khoa học và luật pháp.

Trước cũng như nay, khi trò chuyện hay phỏng vấn về quan hệ thương mại giữa hai nước, anh David luôn tỏ ra lạc quan và tin rằng Việt Nam sẽ phải vào sân chơi theo luật quốc tế. Tuy về Việt Nam làm ăn, giúp cải thiện đời sống dân Việt, nhưng anh không quên mình từng là người tị nạn và luôn tôn trọng những ưu tư, quan tâm của cộng đồng.

Liên hoan có chừng 500 khách, du sinh nhiều hơn, thương gia ít đi. Số người tham dự thay đổi, nhưng không năm nào thiếu bài diễn văn của Tổng Lãnh sự. Đó là một bản báo cáo tình hình phát triển trong nước, quan hệ với Hoa Kỳ, với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Năm qua kinh tế tăng 5.9%, mức đầu tư tăng, giao thương hai nước đạt gần 20 tỉ. Số người Việt về thăm, tiền gửi về mỗi năm mỗi nhiều. Năm nào cũng những con số, những lời mời gọi đầu tư, gắn bó với quê hương, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Dường như báo cáo là điều bắt buộc cho trưởng nhiệm sở ngoại giao của Việt Nam ở đây. Báo cáo thích hợp nơi hội nghị nhưng có cần thiết không trong liên hoan? Nếu những nét chính trong phát triển và quan hệ được in vào tờ chương trình để khách xem qua lúc thưởng thức văn nghệ, ăn uống, hoặc đem về thì tốt hơn là ông Tổng Lãnh sự đọc giữa tiếng ồn, khó nghe, khó nhớ.

Năm nay bừng lên hai nét truyền thống: Tổng Lãnh sự quán tặng nhiều lịch hoa sen, giờ là quốc hoa, và tân Tổng Lãnh sự Nguyễn Bá Hùng mặc khăn đóng áo dài. Hơn nữa cán bộ và du sinh còn tỏ ra rất văn nghệ qua các màn trình diễn văn hoá. Ông Hùng cùng phu nhân phô diễn thời trang tây và ta.

Ông hát quan họ với Ái Vân, song ca “Ai ra xứ Huế” với Kim Ngân. MC của chương trình là Giáo sư Chung Hoàng Chương và Phó Tổng Lãnh sự Thu Hà. Thày Chương sau những năm dạy học ở Mỹ giờ về sống ở Việt Nam nhiều hơn. Mấy năm nay thày làm MC cho liên hoan đón Tết.

Từ năm 1998, đây là lần thứ 15 Tổng Lãnh sự quán tổ chức liên hoan đón Tết. Năm đầu tiên thời ông Nguyễn Xuân Phong có hai trăm khách, ăn uống ngồi bàn trong đại sảnh cạnh toà thị chính. Sau này, lúc đông trên nghìn khách thời ông Trần Tuấn Anh. Năm nay số khách xuống theo tình hình kinh tế Việt Nam và ở Mỹ.

Hôm ở Hội Tết cộng đồng, ghé quầy ban tổ chức lấy tập chương trình để định hình tổng quát sinh hoạt hội chợ và đọc qua. Xem bài văn khấn do cụ Nguyễn Phú Biên phụng soạn mới biết năm Nhâm Thìn là Việt Nam Quốc niên Thứ 4891. Về nhà làm con tính, nếu đúng thế thì nước Việt khai sinh vào năm Dậu, tuổi con gà.

Qua lịch sử gìn giữ cõi bờ, mở mang biên cương, nước Việt có những điạ danh mang tên rồng: Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long. Liệu rồng Việt Nam có bay lên được trong năm Nhâm Thìn để con Rồng cháu Tiên tiến lên sánh vai cùng thế giới?

Tác giả Bùi Văn Phú hiện dạy học và là một nhà báo tự do đã sống và sinh hoạt cộng đồng tại vùng Vịnh San Francisco từ năm 1975. Bài viết phản ánh cách nhìn riêng của tác giả.