Tuesday, January 17, 2012

TÀI LIỆU TỔNG HỢP * CHÙA DƠI


CHÙA DƠI

NGUYỄN LINH GIANG

Trên đường từ trung tâm thị xã Sóc Trăng về thị trấn huyện Mỹ Xuyên, đi khoảng hai km, ta sẽ đến chùa Dơi, một ngôi chùa độc đáo và bậc nhất của nước ta. Chùa Khmer vốn kiến trúc đã đẹp nhưng đặc sắc hơn là ở trong khuôn viên chùa rộng lớn chính là nơi cư trú của hàng triệu con dơi từ bao đời nay. Chùa Dơi là tên gọi dân gian.

Tên chữ là chùa mã tộc. Theo lời kể của vị sư trụ trì thì chùa đã được xây dựng cách đây ngót 300 năm. Không biết từ bao giờ, đã lâu lắm rồi, dơi đã quần tụ về đây làm nơi cư trú. Đến thăm chùa vào ban ngày, bạn sẽ thấy cơ man là dơi đeo lủng lẳng trên cành cây. Đây là dơi quạ đen (còn gọi là dơi chó), không phải bé như dơi bình thường mà to như những con quạ. Vườn chùa đầy các loại cây ăn trái sum suê như vú sữa, xoài, ổi...

Dơi quạ không làm tổ như các loài chim mà treo mình bằng cách móc hai chân có móng nhọn vào cành, ngược đầu xuống đất. Từ xa, nhìn dơi bám cành ta tưởng như những tổ dòng dọc nối tiếp nhau. Ban ngày dơi ngủ, nếu cần di chuyển ngắn, chúng dùng hai móc nhỏ dưới hai khuỷu cánh. Khi trời mưa, dơi trùm hai cánh che kín thân, lúc trời nắng dơi phe phẩy hai phần đầu cánh để quạt mát cho giấc ngủ một cách thư nhàn.

Đầu dơi rất giống đầu chó thu nhỏ lại, hai mắt nâu đen hơi ánh vàng luôn long lanh. Dơi có khả năng phát hiện các vườn trái chín ngọt cách xa chỗ ở hàng chục cây số. Không riêng các loại trái chín mềm, có mùi thơm quyến rũ như nhãn, xoài, ổi... những loại trái cây cứng như dừa, goon cũng là thức ăn được dơi "quan tâm" để khoe hàm răng trắng, nhọn và sắc của mình. Có một điều lạ là dơi chỉ ở trong vườn chùa, bám chi chít trên các cành, làm trụi cả lá mà không hề bén mảng đến các khu vườn rậm ở xung quanh.

Người ta kể rằng ngày trước cả vùng đều có nhiều dơi nhưng do ở các vườn dân dơi bị săn bắn, tiêu diệt. Trong lúc đó dơi ở chùa được các sư bảo vệ, canh giữ nên dần dần hầu hết dơi đều quần tụ ở khu vực chùa. Vào thời chiến tranh, có thời gian vườn chùa bị bom đạn bắn phá, bầy dơi đồng loạt bỏ đi, mãi đến ba năm sau mới trở lại.

Về "sự kiện" này, vị sư trụ trì chùa đã lý giải một cách khác, nhuốm đầy màu sắc huyền thoại: Năm ấy, bầy dơi đồng loạt bỏ đi vị sư mới lên trụ trì ở chùa bấy giờ là người không đứng đắn, đã làm nhiều điều xằng bậy, ô nhiễm cả nước chùa tinh sạch, nên bầy dơi đã nhất loạt bỏ đi. Mãi đến lúc vị sư này bị chuyển qua chùa khác, bầy dơi mới lại trở về.


Chỉ có một điều rất thực, thú vị rằng: Dơi không ăn và phá trái cây trong khu vực chùa, nơi chúng nương náu! Phải chăng loài vật chuyên đi phá phách cây trái các nơi cũng biết chừa một chốn dung thân? Khi trời sụp tối, dơi kêu vang cả vùng như réo gọi nhau thức dậy, chuẩn bị cho hoạt động về đêm của chúng. Một con dơi lớn (có lẽ là con đầu đàn) sải cánh dài gần cả mét, bay lên trước, bầy dơi lần lượt kéo theo, tiếng quạt cánh rào rào như tiếng cối xay. Trước khi đi xa, chúng thường đảo quanh chỗ ở vài vòng, vừa bay vừa kêu "chít...chít" như thúc giục những con dơi còn chậm trễ vì ngái ngủ.
.


Sau đó, con dơi đầu đàn dẫn bay bay về hướng có thức ăn. Thường thường, vào buổi trưa, một vài con dơi vụt bay lên cao, lượn một lúc trên bầu trời rồi đáp xuống. Không hiểu có phải là những chú dơi "trinh sát" làm nhiệm vụ rà tìm, định hướng cho hoạt động về đêm cho cả đàn không? Khoảng hơn bốn giờ sáng, đều đặn như thế, đàn dơi lại trở về. Dân chúng quanh vùng không cần đồng hồ, chỉ nghe tiếng dơi về là thức giấc sửa soạn bữa ăn để ra đồng. Sóc Trăng là vùng tập trung nhiều người Khmer.

Nơi đây có những chùa đẹp và cổ kính nổi tiếng như chùa Khleang, chùa Sròlône, chùa Sam Rông và tất nhiên không thể quên được chùa dơi. Hỡi bạn, nếu một lần đến Soc Trăng, bạn hãy ghé lại chùa dơi. Đứng trong khuôn viên chùa đầy cây trái, nhìn bầy dơi cả triệu con bay cao, quần đảo trên đầu, cả vùng vang động tiếng kêu "chíp...chíp" bạn sẽ được sống trong không khí lạ lẫm, vừa ngạc nhiên thích thú vừa trầm trồ thán phục. Những ai đến Sóc Trăng mà chưa đi thăm chùa Dơi thì coi như bạn đã để phí mất một nửa thú vị của cuộc hành trình.
NGUYỄN LINH GIANG

(l) Tên chữ là Seray Techo Mahatup. Vùng này trước kia có tên Mahatop, lâu đọc trại ra Mahatup, rồi phiên âm ra Mã Tộc. Chùa cách xa chợ Sóc Trăng 3 cây số. Chỉ tả răng Chùa Dơi, nên tác giả không đề cập tới món ăn đặc biệt chế biến từ dơi ở chợ Sóc Trăng. Như dơi rô-ti, nướng lá cách, nấu xa tế, hoặc cháo đậu xanh. Dơi là món ăn đặc sản và quý hiếm, vì thịt dơi có được vị. Hẳn nhiên thịt dơi bán ở Sóc Trăng không bắt từ Chùa Dơi. Vì truyền thống đã thành tục lễ là cấm bắn giết dơi trong phạm vi đất Chùa. (Q.M. chú).

CHÙA MA-HA-TUP (CHÙA DƠI)

Chùa thường được gọi là chùa Mã Tộc, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVI và đã được trùng tu nhiều lần. Ơở các cây trong vườn chùa từ lâu đã có những đàn dơi sinh sống rất đông nên chùa còn được gọi là chùa Dơi. Chùa tôn trí pho tượng đức Phật bằng đá, cao 1,50m và nhiều bộ kinh luận viết trên lá cây thốt nốt. Nhà sư trụ trì Kim Rênh đã tổ chức trùng tu ngôi chùa trong 2 năm 1994-1995. Ngày nay, chùa là điểm chiêm bái và tham quan du lịch nổi tiếng ở Sóc Trăng.

Chùa Dơi ở Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long tên cổ là Mahatup, còn gọi là chùa Mã Tộc. Ngôi chùa nằm trong một khu vườn rộng khoảng 3 ha, um tùm các loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... Gọi là chùa Dơi vì ngôi chùa nổi tiếng với một đàn dơi hàng vạn con. Ban ngày dơi treo mình trên các cành cây ngủ yên lành. Có nhiều cây dơi treo dốc đầu ngủ, chi chít nhễ lá. Khoảng thời gian từ tháng năm đến tháng tám là mùa sinh sản, mỗi dơi mẹ ôm một dơi con mà ngủ. Đi lại trong vễờn chùa phải thật yên tĩnh, một tiếng ồn cũng có thể làm dơi mẹ giật mình, đánh rơi con.

Dơi trong chùa thuộc loại dơi quạ (Flying-fox). Con dơi mới đẻ sải cánh đã dài tới 50 cm, dơi trưởng thành sải cánh khoảng 1 m và nặng xấp xỉ 1,5 kg. Đã từ hàng trăm năm nay, đàn dơi chọn vườn chùa làm nơi cư trú và nghỉ ngơi ban ngày. Hoàng hôn xuống, chúng thức giấc bay lên, ríu rít gọi nhau, lượn qua lượn lại mấy vòng, rồi mới từ giã ngôi chùa đi kiếm ăn. Có một điều rất lạ là dơi không hề ăn một trái chín nào ở vườn chùa. Chúng tung cánh bay đi xa, kiếm ăn trên những miệt vườn khắp vùng sông Tiền, sông Hậu, để rồi sáng sớm lại trở về ngủ trong vườn chùa. Có những cành cây ăn trái của nhà dân ngả sang vườn chùa thì đàn dơi cũng tránh, không con nào chịu ngủ trên những cành cây đó.

Đây là một điều thực tế, không phải là huyền thoại. Trong tình hình môi trường đang bị hủy hoại, chim thú đang bị săn bắt tàn bạo như hiện nay, thì chùa Dơi vẫn còn là một môi tường tốt và thanh bình cho hàng vạn con dơi. Đất lành chim đậu, có thể nói các nhà sư ngày trước đã tìm được một nơi đất lành để dựng chùa, mời gọi được đàn dơi về đây.

Phía sau vườn chùa hiện nay có hai ngôi mộ chôn hai con heo, được xây bằng xi-măng và được vẽ hình khá trân trọng cùng ghi ngày chết, tuổi thọ của heo. Sư cả Kim Rênh, vị sư trụ trì đời thứ 19 của chùa Dơi cho biết, trước đây, một số hộ chăn nuôi ở Sóc Trăng có những con heo con mới sinh ra bàn chân có 5 móng, họ sợ, vì thông thường heo chỉ có 3 móng, không dám nuôi mà cũng không dám giết bèn đem gửi ở chùa.

Có đến 7, 8 con heo 5 móng như vậy - cả đực lẫn cái. Đặc biệt, cứ một vài tháng một lần, cả bầy heo lớn trước nhỏ sau tự động kéo nhau "đi dạo" một vòng từ chùa ra chợ Sóc Trăng cả vài cây số rồi tự động trở về chùa! Năm ngoái hai con heo lớn tuổi nhất (7 tuổi) già chết, chùa đem chôn sau vườn. Sau đó có người khách từ thành phố Hồ Chí Minh xuống viếng chùa đã bỏ tiền ra mua vật liệu thuê người xây mộ và vẽ hình hai chú heo. Hiện chùa vẫn còn nuôi 4-5 con heo 5 móng, con già nhất còn sống cũng đã 5 tuổi, khá mập và nặng nề, chỉ nằm một chỗ...

Nhưng chùa Dơi không chỉ nổi tiếng bởi những thứ đó. ở đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói mầu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút.

Đàn dơi treo mình trên những cành cây

Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng. Trong chính điện (sanctury) có một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng hai mét. Khắp trên tường chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Bên cạnh đó còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.

Trong khu vườn rộng còn có nhiều bảo tháp (stupa) chứa di hài các nhà sư quá cố, có lò hỏa táng, nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường...

Ban ngày đi thăm vườn chùa rợp bóng mát, nhìn hàng vạn con dơi treo mình ngủ trên cây mới thấm thía cái giá trị của sự bình yên, của một môi trường trong lành đang ngày càng trở nên cần thiết cho chim thú và cho chính con người.

CHÙA DƠI

Xuân Minh

Ở một vùng đất có sự hiện diện khá rõ nét của cộng đồng dân tộc gốc Khmer - Sóc Trăng có đến 89 ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc của người Khmer Nam Bộ. Cách thị xã Sóc Trăng chưa đầy 2 km có một ngôi chùa đã được nhiều khách thập phương trong nước và nước ngoài tìm đến là ngôi chùa mang tên Chùa Dơi được xây dựng vào năm 1569 (432 tuổi) với tên khai sinh theo ngôn ngữ Khmer là Sêrây Têchô Mahatúp (nên còn được gọi theo tiếng Việt là chùa Mã Tộc). Đây là ngôi chùa có thâm niên xếp vào hàng thứ 4 trên địa bàn thị xã Sóc Trăng, xếp sau chùa Wat Chruitưm - Chăs xây dựng năm 1464. Cao niên lâu đời nhất phải kể đến chùa Wat Prasath - Kong ở huyện Mỹ Xuyên - Sóc Trăng xây dựng năm 1224 - 777 tuổi.


Nhà sư Kim Rông pháp hiệu Rat-ta-na Xô-oa-nac trụ trì chùa đã lâu cho biết: khách thập phương tìm đến chùa, trước là lên điện Phật thắp hương, tham quan những bảo vật quý thờ trong trong chùa như tượng Phật và tượng tứ linh: long, li, quy, phượng... đều nặn từ đất sét, sau đó khách xin ra vườn chùa để được chiêm ngưỡng đàn dơi...

Chùa Mã Tộc đậm nét đặc thù cấu trúc Khmer và được biết đến nhiều hơn qua tên gọi quen thuộc Chùa Dơi do nét độc đáo của môi trường sinh thái, với sự hiện diện của hàng triệu con dơi lấy nơi này làm quê hương.

Sư cả Kim Rênh - pháp danh Rách Tắc NắSúvanh Nắ, Đại đức trụ trì đời thứ 19 chùa Sêrây Têchô Mahatúp cho biết "Đây là ngôi chùa thờ duy nhất một chư vị Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Diện tích ban đầu là 7ha nhưng nay chỉ còn tập trung khoanh vùng khu vực chùa quản lý 4 ha, còn lại dành cho dân canh tác. Được sự hỗ trợ và động viên của chính quyền sở tại chùa thường xuyên tổ chức lớp học chữ Khmer nhằm đa dạng hoá đồng thời gìn giữ bản sắc dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Trong khuôn viên chùa có hàng triệu con dơi. Theo gia phả để lại họ hàng dơi xuất hiện ở đây từ 200 năm về trước, dường như chúng đã chọn nơi này làm cửa sinh theo triết lý nhà Phật, là cửa sinh vì không hề bao giờ nhìn thấy một xác dơi chết (không có cửa tử).

?
Đàn dơi ngựa sống trong khuôn viên chùa Mahatup ngày một thưa thớt do nạn săn bắt trái phép.


Nếp sinh hoạt cộng đồng động vật này là chúng treo mình trên những cành cây trong khuôn viên chùa suốt từ 6 giờ sáng đến 6 giờ 30 chiều dơi bay đi kiếm ăn cách chùa khoảng 50 - 60 km sau đó trở về chùa vào đúng 4 giờ sáng. Đặc biệt là một sinh vật ăn trái cây nhưng tập đoàn dơi không bao giờ động chạm đến cây trái của chùa, thậm chí khi trở về cũng chỉ đeo bám vào các cành cây trong phạm vi chùa, không hề hiện diện ở bất cứ cành cây nào mọc chìa ra bên ngoài. Thông thường dơi ở đây sinh sản vào khoảng tháng 5 - tháng 9, và dơi nhỏ bao giờ cũng ôm theo mẹ ngay cả khi vận động kiếm ăn. Dơi lớn nhất ở chùa có trọng lượng từ 1 - 1,5kg với sải cánh rộng đến 1,5m.

Trong thênh thang đất trời của khuôn viên Chùa Dơi với thiên nhiên xanh và với đàn dơi đông đến kỳ lạ treo mình ngơi nghỉ, du khách cảm thấy vô cùng thích thú.

Chùa Dơi

TTO - Khi nói đến Chùa Dơi - Sóc Trăng bạn thường nghĩ ngay đến một ngôi chùa đầy dơi, nhưng ngôi chùa của người Khơme có nhiều ấn tượng không chỉ bởi những chú dơi thích cư ngụ tại đây.

Ngay từ cổng vào cho đến kiến trúc mái chùa đã cho thấy nét tinh xảo đặc trưng. Những họa tiết vẽ trên cột, trần khu nhà có tượng Phật nằm tuy không có nhiều tiểu tiết, nhưng cũng đủ mô phỏng tín ngưỡng của người Khơme. Những bức họa lớn do các phật tử từ nhiều nơi thực hiện gấn kín hết các bức tường phía ngoài.

Qua khu nhà có tượng Phật ngồi, bạn còn bất ngờ hơn bởi những họa tiết cực kỳ tinh xảo. Những chiếc cột được khắc họa tỉ mỉ, những bức tường vẽ miêu tả những câu chuyện về đức Phật cùng với cuộc sống của người Khơ-me cổ sẽ khiến bạn phán phục.

Chúng tôi lần lượt chụp ảnh bên các ô cửa hiếm hoi được thiết kế chỉ để ánh sáng lọt vào vừa đủ. Ánh sáng cộng với những họa tiết ấn tượng trên cánh cửa tạo khung cảnh rất huyền bí cho mỗi bức ảnh mà bạn chụp.

Gác lại những chi tiết về chuyện người ta lấy phân dơi để bán làm phân bón cây cảnh hay làm thuốc với giá khá cao, chúng tôi ghé thăm xem nơi đây còn bao nhiêu chú heo 5 móng như người ta kể. Bạn sẽ thấy những nấm mộ chôn những chú heo đáng thương. Chỉ còn một con heo 5 móng duy nhất sống chung với những chú heo “bình thường” khác.

Ngoài không gian để thờ cúng, Chùa Dơi còn có khoảng không gian rất rộng cho nhiều loại cây cối khác nhau. Chính nét thanh tịnh và độc đáo của chùa mà mỗi ngày đều có rất nhiều du khách viếng thăm nơi đây.

(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen)

Chùa Dơi

- Một kho tàng nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam bộ

Tỉnh Sóc Trăng có trên 200 ngôi chùa lớn nhỏ. Nếu du khách về Sóc Trăng muốn tham quan hết chùa chiền, tháp cũng phải mất cả tuần lễ. Tuy nhiên, du khách vẫn thường chọn những ngôi chùa lớn và kiến trúc đẹp nhất, để vừa chiêm ngưỡng nét nghệ thuật độc đáo về kiến tạo, vừa tìm hiểu phong tục tập quán của giới phật giáo người Việt, Khmer, vùng đồng bằng Nam bộ. Có lẽ ngôi chùa nổi tiếng được nhiều người biết đến ở Sóc Trăng là chùa Dơi.


Chùa tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường 3 thị xã Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cách trung tâm thị xã chừng 2 km. Đây là một ngôi chùa đẹp hài hòa trong khoảng không gian xanh bốn mùa. Cây cối ở đây cao to và là nơi cư ngụ của hàng trăm loài chim muông. Đặc biệt là trong khuôn viên của chùa khá rộng, nơi đây có hàng vạn con dơi quạ cư trú bao đời nay, chúng treo mình trên những cành cây cao vào ban ngày. Còn khi hoàng hôn buông xuống thì đàn dơi bay đi kiếm ăn khắp vùng, lúc trời sáng dơi lại trở về nơi đây. Chính vì vậy chùa có tên rất dễ nhớ và ấn tượng là Chùa Dơi. Điều thú vị nữa là dơi cư trú kín cả khuôn viên, nhưng không bao giờ ăn và phá hoại cây trái trong khu vực chùa nơi chúng nương náu. Chùa Dơi còn được gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatne. Chùa này được xây dựng vào thế kỷ 16 và được trùng tu nhiều lần. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Khmer. Du khách đến tham quan chùa không thể bỏ qua những giây phút ngắm nhìn pho tượng Đức phật cổ bằng đá cao 1,5 mét và nhìn bộ Kinh Phật viết trên lá cây Thốt nốt. Rất nhiều nam thanh niên đến tuổi trưởng thành đều vào chùa tu hành học kinh phật một thời gian sau đó mới trở về với đời thường.

Chùa Dơi – một ngôi chùa được kiến trúc, màu sắc khá đẹp. Sự hấp dẫn du khách không chỉ là lối kiến trúc chùa cầu kỳ, nhiều tháp nhỏ trên mái chùa, màu sắc rực rỡ, nổi bật trong khuôn viên xanh, rộng mà còn được chiêm ngưỡng một loại dơi quạ to con hơn dơi thường, trông rất lạ mắt. Quả thật, đây là một ngôi chùa có sức hấp dẫn du khách khá lớn. Người dân địa phương và chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã khai thác thế mạnh vùng đất nhiều chùa-tháp, lễ hội để phát triển du lịch.







(Hình ảnh trích từ trang:

http://zencomp.com/greatwisdom/uni/z-photos/chua_nguyenthuy/chua_km-doi.htm)

No comments: