Wednesday, January 11, 2012

HOÀNG LIÊN * ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI



Ánh Sáng và Bóng Tối -
CÁC BIỆT KÍCH TRỞ VỀ TỪ CỔNG TRỜI

Tg : Hoàng Liên
Ngày 19-6-1996 Thượng Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận một ngân khoản- tối đa là 20 triệu Mỹ kim- để trả lương cho những chiến sĩ biệt kích Việt Nam nhảy dù hoặc đổ bộ ra miền Bắc để thực hiện công tác gián điệp và phá hoại kể từ 1961. Phần đông họ đã bị Việt cộng bắt và cầm tù. Họ được quân đội Hoa Kỳ và cơ quan Tình Báo Trung Ương Mỹ tuyển mộ, huấn luyện và sử dụng.

Nhưng các viên chức Hoa Kỳ đã xóa tên họ và loan báo cho gia đình họ rằng họ đã chết ở Bắc Việt để khỏi trả lương cho họ khi họ trở về. Trong buổi điều trần tại thượng viện, phát ngôn viên của nhóm biệt kích ông Hà văn Sơn đã khẳng định:”Chúng tôi tranh đấu cho danh dự của chúng tôi, chứ không phải vì đồng tiền.”Từ năm 1968, nhà văn Hoàng Liên bị Việt cộng bắt trong vụ Tết Mậu Thân và bị đưa ra Bắc.

Sau nhiều năm bị biệt giam, ông được đưa ra khỏi xà lim về giam chung với các chiến sĩ biệt kích cho đến ngày được phóng thích (1980). Trong cuốn hồi ký “Ánh Sáng và Bóng Tối”, xuất bản năm 1990, ông đã dành khá nhiều trang cho những người bạn tù biệt kích. Có lẽ đó là những tài liệu sớm nhất mà chúng ta có về tâm tư và cuộc sống lao tù của những người, vì chính nghĩa quốc gia, đã mạo hiểm đi vào đất địch.

Chúng tôi xin trích đăng hai đoạn trong cuốn hồi ký, một đoạn viết chung về các chiến sĩ biệt kích và một đoạn về ông Hà văn Sơn mà vì lý do an ninh, tác gỉa Hoàng Liên nguỵ trang dưới nhân vật Văn trong tác phẩm.Nhà văn Hoàng Liên tên thật là Nguyễn văn Đãi, tốt nghiệp Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

Khi bị Việt cộng bắt tại Huế trong vụ Tết Mậu Thân, ông đang phụ trách chức vụ Đại Biểu Chính Phủ Miền Trung.Ông cũng là thân phụ của nhà văn Nguyễn Quý Đức, chủ trương nhóm Mực và Máu, người viết bình luận cho đài BBC và cũng là một chuyên viên nghệ thuật cho cuộc triển lãm “Nghìn Trùng Xa Cách”.Những Ngày Tù Tối Tăm Của Nhóm Biệt Kích Nhảy Bắc

( Việt Nam Thời Báo) số 1798. Thứ Bảy, Chủ Nhật 29, 30 tháng Sáu 1996



CÁC BIỆT KÍCH TRỞ VỀ TỪ CỔNG TRỜI: Tuần vừa qua nhân dịp họp mặt tại San Jose đón bạn mới đến, Tcác biệt kích sở Bắc có dịp hàn huyên. Từ trái qua phải Nguyễn Xuân Sang mới đến Hoa Kỳ tháng 6 - 96, Bùi Quang Cát ở San Jose; Hà văn Sơn từ Atlanta qua và Mai văn Học, San Jose. Tuổi từ 48 đến 62 , cộng chung bốn người là 80 năm tù. Tất cả đều về từ Cổng Trời là tên một trại tù khắc nghiệt nhất thế giới.( hình Tin Biển)

Hoàng Liên

Ánh Sáng và Bóng Tối
Chương VI
Hoàng Liên Sơn, Hà Tây, Nam Hà
ĐOẠN XXVI
Trích từ trang 341-371

Tôi lại chìm vào bóng tối và cô đơn, hai yếu tố trường cửu tạo thành thực trạng ảm đạm của những năm tháng biệt giam dằng dặc. Như những tiếng than thầm không dứt, gió mùa Đông Bắc rên rỉ ngoài bức thành cao và gia tăng nỗi giá buốt và hiu hắt của một đêm Đông trên miền thượng du Bắc Việt. Mặc hết quần áo vào người - kể cả chiếc áo trấn thủ được cấp thêm ở Thanh liệt trong mấy ngày chờ đợi được phóng thích – tôi vẫn run rẩy không ngừng để chống lại không khí lạnh lẽo toát ra từ những bức tường đá của căn xà lim kiên cố.

Kinh nghiệm lao tù do mấy người bạn hình sự trao lại cho tôi biết rằng tôi đang ở trong khu kỷ luật của trại giam dùng để câu lưu những người vi phạm nội quy. Nhà kỷ luật thường được xây cất ở một nơi kín đáo, xa những ngôi nhà khác, có tường bao quanh và cổng vào riêng biệt.

Trong mỗi xà lim đều có cùm. Tùy theo tội nặng hay nhẹ, trong thời gian bị phạt, tù nhân bị cùm một hoặc hai chân, và khẩu phần bị giảm xuống đến mức tối thiểu. Xà lim nào cũng nhiều muỗi, nên tù nhân không ngủ được vì suốt đêm phải xua đuổi những đàn muỗi liên tục tấn công. Dần dần những nốt muỗi đốt biến thành ghẻ và gây lở lói khắp cơ thể.

Chiếc cùm xiết chặt vào chân làm đau nhức trong xương tủy; mu bàn chân sưng húp lên và người tù không đi đứng được nữa. Sau vài tháng bị hành hạ như thế, khi bò về phòng, tù nhân chỉ còn là một bộ xương mất hết sinh khí.Nhưng tại sao Việt cộng chuyển chúng tôi lên đây? Sau mấy đợt oanh tạc, viễn ảnh hòa bình tan biến rồi chăng?

Không còn có dự định trao đổi tù binh và tù dân sự, nên họ không cần giữ chúng tôi ở gần Hà nội nữa?Chiều hôm đó men theo con đường cũ, đoàn tù nhân đi lánh nạn lũ lượt kéo nhau từ Phú thuỷ trở về Thanh liệt; máy bay Mỹ đã ngưng ném bom. Không biết hòa bình đã thực sự trở lại chưa? Nhưng chúng tôi đinh ninh rằng sẽ lưu lại Thanh liệt một thời gian, khi tình hình chưa ngã ngũ. Đột nhiên, vào lúc đêm khuya, lúc Xuân và tôi đang ngủ say, Sự bỗng bước vào xà lim, bảo tôi lấy quần áo để chuyển trại ngay.

Tôi chỉ kịp nhìn Xuân và thốt ra một lời từ biệt ngắn ngủi:
- Anh ở lại. Rất tiếc không ở lâu được với anh.Tâm trí bàng hoàng, tôi nặng nề cất bước bên cạnh Sự. Tối hôm qua, Hà nội được yên tĩnh. Nếu cuộc không tập chấm dứt mà các bên lâm chiến chưa đạt được một thỏa hiệp, thì có lẽ, trong khi chờ đợi, Việt cộng sẽ đưa tôi trở lên Thái nguyên. Mà khởi hành sớm như thế này, chắc là sẽ đi xa. Tôi ngồi đợi ở trạm gác cạnh cái cổng ra vào được một lát thì Sự quay trở lại với hai anh Tứ và Lộc.

Bên ngọn đèn dầu bịt giấy màu đỏ để che bớt ánh sáng, chúng tôi nhìn nhau, dò hỏi. Lộc lặng lẽ xếp lại hành trang; anh Tứ lắc đầu lộ vẻ chán nản, có lẽ vì gần đây anh hy vọng quá nhiều.Không bị bịt mắt và còng tay, cùng với một vệ binh vũ trang, chúng tôi leo lên phía sau một chiếc quân xa. Ra khỏi cổng chiếc xe rẽ trái, ngược lại hướng Phú thuỷ, chậm chậm chạy quanh co một lúc trên một con đường hẹp vắng vẻ len lỏi giữa hai dãy nhà thấp.

Có lẽ đây là xóm gia cư và buôn bán của khu Văn điển.Rẽ vào một con đường rộng hơn, chiếc xe tăng tốc độ, lắc mạnh vì đường xấu. Không bị nhức đầu và buồn nôn như lần di chuyển lên Thái nguyên trong chiếc xà lim lưu động ba năm trước đây, lòng tôi vẫn nặng ưu tư. Tiếng bánh xe quay nhanh, tiếng gió rít bên ngoài và cái cảm giác được lao đi trong không gian không tạo được hương vị kỳ thú của một chuyến xê dịch.

Còn đâu nữa những buổi sáng sớm ngồi trên chiếc tắc xi hay xe ca để ra sân bay, tâm trí lâng lâng, vừa bịn rịn lưu luyến những hình ảnh, và màu sắc của nơi đang rời bỏ, vừa rộn ràng xao xuyến vì linh cảm những gì sắp gặp?.. Dù sao, những năm tháng cũ đã đột ngột trở về, trộn lẫn với hiện tại và gợi lên một niềm xót xa khó nguôi, khi tương lai còn u ám như bóng đêm đang phủ xuống con đường phát vãng dẫn vào một nơi vô định.

Trời sáng dần. Hai bên đường, những thửa ruộng mới cấy xong cho kịp vụ Đông Xuân mờ ảo hiện ra trong màu sương sớm, sau những dẫy bạch đàn rũ những ngọn lá dài tha thướt. Xa hơn, bên kia cánh đồng, những lũy tre già xanh thẫm bao quanh một vài thôn xóm: hình ảnh muôn thuở của quê hương, một quê hương cũng chưa biết đi về đâu trong cuộc tranh chấp trường kỳ giữa hai ý thức hệ. Con đường nhựa hun hút chạy dài trước mũi xe.

Tôi đang cố nhận định hướng đi thì Lộc bấm nhẹ vào cánh tay: Tôi đọc được hai chữ Vĩnh yên trên một cột cây số. Thì ra chúng tôi không lên Thái nguyên như lần trước. Vậy sẽ đi đâu? Quá Vĩnh yên, chúng tôi rẽ qua Việt trì rồi hướng về Tuyên quang. Thị xã này còn mang nhiều vết tích tàn phá của chiến tranh. Nhiều nhà cửa bị sụp đổ chưa được xây cất lại. Ngừng lại bên đường, dưới một gốc cây, trước mặt Ty Nông nghiệp Tuyên quang, chúng tôi ngồi luôn trên xe để ăn trưa, rồi khởi hành ngay.

Có lẽ lộ trình còn dài, nên phải đi gấp, không chần chừ như lần lên Thái nguyên. Đường vắng; thình thoảng mới có một vài chiếc xe vận tải chở đầy tre nứa chạy ngược chiều. Từ sáng đến giờ, không nghe tiếng bom đạn. Chiếc xe lao nhanh liên tục leo dốc, đổ dốc, vượt qua những quả đồi thấp trồng chè, dứa….

Xa xa đã thấy hiện ra những ngọn núi cao màu chàm và những thửa ruộng bậc thang; chúng tôi đang dần dần rời khỏi vùng trung du để đi sâu vào miền thượng du Bắc Việt. Lần này sẽ lên đến biên giới Trung quốc chăng?Mặt trời đã khuất sau những dãy núi cao nhưng không gian vẫn còn sáng. Càng lêncao càng lạnh. Gió mùa Đông bắc thổi mạnh, dồn những đám sương mù như đang từ tư chui ra khỏi những sườn núi hùng vĩ.

Trong bóng chiều đang đổ xuống núi rừng hoang vắng, hai chữ Lao cai in rõ nét trên cột cây số ven đường. Tôi nhìn anh Tứ; anh chỉ lắc đầu, không nói. Tại Phú thuỷ, một người tù hình sự cho hay rằng tại Lao cai có trại Trung ương số I, một trại rất lớn, giam giữ 5,6 ngàn người và chiếm một khu vực đất đai khá rộng để tù nhân canh tác.

Ngày trước, người dân miền xuôi bị đưa lên vùng rừng sâu nước độc này đã không giấu nỗi lo âu và than vãn:Ai đem ta đến nơi đâyBên kia Cốc lếu, bên này Lao cai!Hoàn cảnh của chúng tôi, nếu phải lên trên ấy chắc còn bi đát hơn.

Những đường nét sắc cạnh và những mảng màu xanh của đồi núi chập chùng đang mờ dần, chìm dần trong lớp sương mù mỗi lúc một dày đặc. Đồi gần, núi xa, bóng hoàng hôn bàng bạc, màn sương huyền ảo và tiếng gió vi vu trong cành lá không gây được cảm giác thơ mộng thanh thoát, mà chỉ gieo vào lòng kẻ lưu đày một nỗi hoang mang ray rứt. Chiếc quân xa chọc thủng lớp sương xám đục như lao vào một thế giới mịt mù, bí hiểm và đầy bất trắc. Mãi đến lúc đêm tối đã hoàn toàn rũ xuống núi đồi và con đường trước mặt, nó mới ngừng lại trước một cái cổng lớn trông còn bề thế, vững chắc hơn cái cổng của trại Phú sơn

IV. Dưới ánh sáng của một ngọn đèn bão treo trên vòm cổng, thủ tục nhập trại được hoàn tất nhanh chóng. Một cán bộ của trại mới hướng dẫn chúng tôi đi một lúc khá lâu trên một con đường rải đá mà tôi đoán là rộng rãi. Đến trước một bức tường cao, anh chiếu đèn pin vào tấm cửa, mở khóa và bảo chúng tôi bước vào. Đi tiếp một quãng ngắn nữa, chúng tôi gặp một bức tường khác. Tấm gỗ cửa nặng nề được mở ra, rồi chúng tôi tiến vào một hành lang tối om của một ngôi nhà kiên cố. Nương theo ánh đèn pin, mỗi người chúng tôi lọt vào một xà lim riêng biệt.



Khoảng một tuần sau, một buổi sáng, chúng tôi được gọi dậy thật sớm để chuyển trại. Chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên. Trại này đã nằm sát biên giới rồi, nếu phải đi xa hơn nữa thì chắc sẽ qua Trung quốc. Hồi ở Phú thuỷ, chúng tôi nghe nói một số tù binh Mỹ được đưa qua giam giữ bên nước “đồng chí vĩ đại“ ấy.Khi chúng tôi ra đến cổng trại, người cán bộ hướng dẫn hỏi:- Di chuyển lần này, các anh có e ngại gì không?Chúng tôi thản nhiên đáp:- Không.Không ngờ người cán bộ nói rõ ra:- Lần này các anh sẽ về Hà nội.Tại sao lại trở về Hà nội?

Chắc tình hình đã biến chuyển, mà biến chuyển đột ngột. Nếu Việt cộng tiên liệu được hoặc biết sớm hơn họ đã giữ chúng tôi ở lại Thanh liệt khỏi phải đưa chúng tôi lên đây rồi lại đưa về. Chúng tôi quay trở lại con đường cũ nhưng không về hẳn Hà nội, mà rẽ qua Hà tây. Vào khoảng năm giờ chiều, chúng tôi tiến vào một trại giam đang được xây cất giữa một bãi đất rộng bằng phẳng Ngôi nhà dài trống trải, chưa có cửa, tường chưa được quét vôi.

Tre nứa vôi vữa còn để ngổn ngang trên sân cỏ. Xuân và một số tù nhân miền Nam đã có mặt ở đây. Không phải thi hành thủ tục nhập trại và được tự do đi lại trong phạm vi của trại sau hàng rào tre đơn gỉản, chúng tôi đoán rằng hiệp định Ba lê đã được ký kết. Niềm hy vọng trở về quê hương sáng lên trong lòng chúng tôi.

Xuân và mấy người bạn tù khác cũng có một cảm tưởng như vậy. Sáng hôm sau, vào khỏang 10 giờ, một chiếc xe ca lớn tiến vào và đổ xuống chừng 20 người. Chúng tôi vội chạy ra. Là những tù nhân miền Nam từ trại Phong quang ở Lao cai và từ Quảng ninh về, họ tỏ vẻ lạc quan và tin tưởng sẽ được phóng thích.

Tụ họp thành từng nhóm nhỏ, chúng tôi làm quen với nhau, trao đổi những hiều biết về tình hình các trại giam, kinh nghiệm lao tù và nhắc đến quê hương ở trong Nam. Không khí thật thân mật, vui nhộn và ai cũng nghĩ rằng ngày về sẽ không còn xa nữa.Chúng tôi tưởng rằng sẽ lưu lại trại Hà tây này để chờ đợi kết qủa của cuộc hòa đàm nhưng không ngờ hai hôm sau tất cả chúng tôi được chuyển đến trại Ba sao ở Nam hà.

Là một khu riêng biệt của traị Ba sao rộng lớn, chỗ ở mới của chúng tôi là một ngôi nhà gạch dài, khang trang và sạch sẽ dành riêng cho những tù binh Mỹ vừa được chuyển đi nơi khác. Trên một ngọn đồi thấp, căn nhà nằm sau một mảnh sân rộng, trong một khuôn viên có thành cao bao quanh, với một cái cổng sắt chắc chắn. Phía sau ngôi nhà, ngoài bức thành, đứng sừng sững một ngọn núi đá cao.

Dưới chân đồi một ngọn suối nhỏ chảy ra cánh đồng thấp trải dài đến tận con đường đất chạy về Chi nê. Cũng như tại Hà tây, ở đây không có thủ tục nhập trại. Người cán bộ hướng dẫn chúng tôi từ Hà tây về vừa quay lưng đi thì người cán bộ của Ba sao dặn chúng tôi;- Các anh ra suối rửa ráy rồi chuẩn bị ăn cơm chiều.Ra khỏi cổng, lần theo con đường dốc hẹp, chúng tôi đến cạnh con suối nhỏ. Nước khá trong nhưng khi được múc vào ca, chỉ một lát sau, đã có một lớp vôi màu trắng đục đọng ở dưới đáy ca: đây là vùng núi đá vôi.

Trước khi vào đến trại, tôi đã thấy mấy ngọn núi đá nằm lẻ loi giữa cánh đồng rộng.Chúng tôi trở vào nhà được một lúc thì hai người thường phạm gánh cơm vào: toàn cơm trắng, không độn bắp hoặc sắn, thức ăn khá đầy đủ. Người cán bộ phát cho mỗi tù nhân một gói thuốc lá thơm hiệu Tam Đảo. Chế độ ăn uống được “cải thiện” có nghĩa là Việt cộng có thay đổi cách đối xử nên chúng tôi càng vững tin rằng sắp được trả lại tự do.

Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy người cán bộ dẫn hai người thường phạm đi ra mà không đóng cửa phòng và cái cửa sắt nặng nề.Ăn cơm xong chúng tôi chia thành từng nhóm nhỏ, đi dạo quanh sân, hoặc ra khỏi cổng, xuống suối hay đi về phía văn phòng của trại. Từ lâu bị giam hãm, nay được tự do ra ngoài, ai cũng muốn thực hiện những điều trước đây bị cấm đoán.

Được ra khỏi phòng lúc hoàng hôn đã là một biến cố đáng kể.Khi bóng tối bắt đầu buông xuống, mấy ngọn đèn điện trong phòng được bật sáng lên: Việt cộng không cần áp dụng biện pháp phòng không nữa vì những vụ oanh tạc đã hòan tòan chấm dứt. Hòa bình đã thực sự trở lại rồi chăng? Trừ một vài người còn đứng ở ngoài sân, chúng tôi chia nhau ngồi trên hai cái sạp gỗ chạy dọc theo hai bức tường dày.

Ngoài anhTứ, Lộc, Xuân và vài ba uỷ viên hội đồng xã, số tù nhân tập trung tại đây gồm những nhân viên biệt kích tình báo từ các trại khác chuyển về. Họ vượt vĩ tuyến 17 bằng đường bộ hay đổ bộ bằng thuyền vào những bờ bể hẻo lánh, hoặc nhảy dù xuống những vùng rừng núi không có người ở.

Một vài người ra Bắc đã lâu; phần đông mới bị bắt trong vòng ba bốn năm trở lại đây. Hầu hết họ còn khá trẻ và khỏe mạnh, mặc dầu bị giam giữ lâu ngày và đã chịu đựng nhiều gian khổ. Sau một thời gian ngắn bị biệt giam, họ được học nghề, tham gia lao động và được ra ngoài khá nhiều nên biết rõ tình hình miền Bắc và tất nhiên kinh nghiệm lao tù của họ rất phong phú.Từ ngoài sân bước vào, Văn đến gần chỗ tôi ngồi:-

Sạp bên cháu còn rộng, bác lại nằm với cháu cho vui.Rồi không đợi tôi trả lời, anh nhanh nhẹn mang cái giỏ xách tay và lấy tấm chiếu của tôi qua trải sát chiếc chiếu của anh. Cao lớn, rắn rỏi, Văn thuộc nhóm đồng bào Thái di cư vào Nam sau hiệp định Geneve. Học xong cấp trung học tại trường Trần Hưng Đạo ở Đà lạt, Văn gia nhập ngành thám báo vào năm 1968, và sau khi qua một khóa huấn luyện cấp tốc, anh được đưa lên hoạt động tại vùng sơn cước tỉnh Quảng trị , giáp biên giới Lào, và bị bắt tại đó.

Trong những năm “cải tạo”, công tác tuyên truyền của Việt cộng đã không lừa gạt được anh; những hành vi bỉ ổi của đám cán bộ và những nhận xét về hiện tình miền Bắc càng làm cho anh chán ghét và thù oán Cộng sản. Văn khẳng định:- Bốn năm trong trại giam đã giúp cháu hiểu biết khá nhiều về chế độ và con người Cộng sản. Hồi còn ở trong Nam, cháu không ngờ chế độ miền Bắc tàn ác và xảo quyệt đến thế.Đã từng biết tôi hồi ở Đà lạt, Văn rất mừng khi chúng tôi bất ngờ gặp nhau và nhận ra nhau.

Nằm sát bên tôi, Văn nhắc lại những ngày tháng cũ. Giọng anh ấm áp, chân thành đôi lúc thiết tha:- Ở trong tù, nhiều lúc cháu nhớ Đà lạt quá. Làm sao quên được những ngày học ở Trần Hưng Đạo, những tháng nghỉ hè ờ Tùng Nghĩa, những đêm ngồi ở quán cà phê Tùng rồi trở về ngôi nhà nhỏ trên ngọn đồi sau trường Yersin, trong lúc sương phủ xuống thành phố, và Hồ Xuân Hương huyền ảo dưới ánh điện quanh hồ.

Rất tự nhiên, tôi thấy không cần phải cảnh giác đối với Văn và không giấu cảm tình đối với người bạn trẻ. Chúng tôi cùng chia xẻ nỗi lòng yêu mến miền Nam, nhất là Đà lạt, với khung cảnh thơ mộng và con người hiền hòa. Rồi tôi trở lại với nỗi thắc mắc cũ:- Anh có tin rằng chúng mình sẽ được trở về Nam trong dịp này không?- Sắp đặt cho chúng ta ở đây được tự do thế này có nghĩa là chúng nó chuẩn bị trao đổi tù binh và tù dân sự.- Anh có dự định gì sau khi được phóng thích?-

Cháu sẽ gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa để tiếp tục chiến đấu vì cháu tin rằng dù hòa bình có lập lại cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt.Chúng tôi im lặng nghĩ đến những ngày sắp tới. Ở phía cuối sạp, chỗ cửa ra vào, mấy người biệt kích trẻ tuổi chợt phá lên cười. Họ đang kể cho nhau nghe một câu chuyện vui xảy ra trong một trại giam.

Tôi ngạc nhiên nhận ra rằng, kể từ ngày bị bắt cho đến nay tôi mới nghe được một chuỗi cười hồn nhiên và sảng khoái như thế. Trong xã hội Cộng sản, đặc biệt là trong thế giới lao tù, con người luôn luôn lo sợ bị theo dõi và tố cáo, nên dè dặt, kín đáo, và gỉa dối đã trở thành một thói quen, một bản tính thứ hai.

Họa chăng, trong mấy ngày sống chung với những tù nhân hình sự tại Phú thuỷ, tôi mới thoáng thấy những cái nhếch mép mỉa mai và những nụ cười mỉm không thành tiếng vì được kìm hãm kịp thời.Văn quay hẳn người về phía tôi thì thầm:- Không biết từ đây cho đến ngày chúng trả tự do, chúng còn giở trò gì nữa không? Cũng có thể lắm..Tôi đang suy nghĩ về nhận xét của Văn thì một người thanh niên thấp và gầy tiến đến gần. Văn ngồi dậy, giới thiệu:- Nhân, người Tùng nghĩa.Nằm cách quốc lộ 20 từ Sài gòn lên Đà lạt, gần sân bay Liên khương, đại xã Tùng nghĩa quy tụ đông đảo những sắc dân thiểu số từ miền Bắc di cư vào Nam khi đất nước bị chia đôi: Thái , Nùng, Thổ, Mán..

Trên vùng đất đỏ phì nhiêu , họ phát triển nông nghiệp, trồng lúa, khoai, bắp, củ năng, hành tỏi… và buôn bán khá phồn thịnh. Trong khi tôi bắt tay Nhân, Văn cho biết thêm:- Nhân đã can đảm chống cự đến phút cuối cùng trước khi bị bắt.- Anh hoạt động ở vùng nào?- Bên kia vĩ tuyến 17- Anh nhảy dù ra đó?- Không chúng tôi thuộc một toán thám báo công tác ở biên giới Lào và không có nhiệm vụ đi sâu vào địa phận miền Bắc.Văn giải thích thêm.- Nhân được huấn luyện đầy đủ nên có trình độ chuyên môn cao.

Tôi nhìn kỹ người bạn mới đến: trên khuôn mặt dài của một thư sinh, đôi mắt đen sắc sảo đem lại một vẻ cương quyết bất ngờ. Khi biết tôi đã từng sống nhiều năm ở Đà lạt, Nhân tỏ vẻ vui mừng, và cũng như Văn. Anh nhắc lại những ngày đi học ở thành phố ấy với những lời trìu mến. Cởi mở và chân thành, chúng tôi cùng ôn lại sinh hoạt ở miền Nam, nhắc đến những người quen biết chung… cho mãi đến khuya mới ngủ

Sau bữa cơm sáng, một người cán bộ đem vào cho chúng tôi một qủa bóng chuyền, một cái lưới, một bàn cờ tướng với một hộp cờ và một cỗ bài xì lát. Lập tức, lưới được căng lên ở giữa sân, và một nhóm người bắt đầu tung bóng. Trên sạp, bên cửa sổ, hai người đứng tuổi bày bàn cờ và chăm chú nghiên cứu những nước đi, cạnh một số người khác quây quần đánh bài ăn thuốc lá. Các anh em biệt kích còn lại kéo nhau đi dạo trên sân, trên con đường đất dẫn đến khu nhà ở của tù hình sự, hoặc xuống suối giặt giũ.

Chưa biết rồi đây có được trả tự do hay không, nhưng ai cũng vui vẻ đùa cười như trong một cuộc cắm trại.Lộc rủ tôi đi ra ngoài, Cách bức thành cao và cái cổng sắt vững chãi độ ba mươi thước, một ngôi nhà cũ kỹ nằm sau một mảnh sân hẹp ở lưng chừng đồi. Leo lên mấy bậc cấp, chúng tôi bước vào bên trong. Dưới mái tranh, chỉ có mấy cái bàn bào đầy bụi, một trại mộc không còn được sử dụng nữa. Quay trở ra, chúng tôi dừng lại trên sân.

Đằng trước mặt, mấy triền đồi thấp lượn dài đến cánh đồng rộng mà hôm qua chúng tôi đã nhìn thấy trước khi vào trại. Lộc nhắc lại:- Bác có nhớ một ngôi nhà gạch khá lớn nằm bên cạnh con đường ngoài xa không? Xung quanh, trồng toàn nhãn xanh um. Đó là an dưỡng đường của bộ đội.Nhìn quanh không thấy ai lai vãng, tôi hỏi:- Anh có dò hỏi được tin gì về hiệp định Ba lê không?- Những người từ Phong quang về cho biết hiệp định đã được ký kết.- Họ lấy tin ở đâu?- Cán bộ ở Phong quang cho hay trước khi họ rời khỏi trại.- Chỉ ngại mừng hụt như lần trước ở Thanh liệt.- Nếu hôm nay có báo xem thì chắc có tin.

Chúng tôi đi thẳng ra phía ngoài. Bên phải, gần trại mộc là một căn nhà bếp, và xa hơn chút nữa, một dãy nhà dài thấp thóang bóng người. Những bộ quần áo ka ki màu vàng phơi trên một sợi dây thép cho biết đây là nhà ở của các cán bộ. Đi một quãng nữa, chúng tôi gặp một con đường rẽ dẫn vào một ngôi nhà gạch thấp, âm u như một tòa miếu cổ.

Ba tấm ảnh lớn của Mác, Lê nin, Hồ chí Minh choán hết bề cao của căn phòng chính giữa và nhìn xuống mấy cái bàn viết đơn giản kê ngay ngắn ở hai bên. Chưa thấy có người đến làm việc, nhưng chắc hẳn đây là văn phòng của trại Ba sao. Đang đứng nhìn xem địa thế, chúng tôi chợt nghe có tiếng người nói: hai anh biệt kích đang khiêng một nửa cái bàn dùng để đánh bóng từ phía trong đi ra. Họ gọi chúng tôi:- Bác và anh mang hộ hai cái chân bàn để ở trong sân. Bàn này của cán bộ cho mượn. Cái bàn được kê ngay trên mảnh sân trước trại mộc. Một trong hai người biệt kích trở lại lấy vợt và bóng.

Căng lưới xong anh hỏi:- Bác và anh có chơi không?- Các anh cứ bắt đầu trước.Anh quay qua người kia:
- Vũ vào đây dợt với mình.Một lát sau, Vũ mời Lộc:- Anh vào đây, để Phan chơi với bác sau.Phan chạy ra ngồi trên thềm nhà, cạnh tôi. Người tầm thước, có lẽ còn trẻ hơn Văn, Phan có dáng dấp của một học sinh, nước da trắng, khá đẹp trai.

Anh nhìn tôi một lúc rồi hỏi:
- Bác ở trong quân đội?- Không , tôi là công chức. Bị bắt từ Tết Mậu Thân ở Huế.- Cháu bị bắt sau đó ít lâu, ở gần khu phi quân sự. Hồi đó cháu đi theo toán Lôi Hổ.- Anh quê ở đâu?- Cháu quê ở Đà Nẵng.- Nghe giọng nói của anh, tôi cũng đoán là như thế.

Tôi làm việc ở Đà nẵng trước khi bị bắt.- Cháu học ở Đà nẵng, trong một trường Công giáo. Cháu ham chơi, bỏ học, rồi vào ngành thám báo.- Anh ở Phong quang về?- Ở Phong quang khổ lắm, nhưng chưa khổ bằng ở trại Quyết tiến. Nếu được về Nam, cháu sẽ làm lại cuộc đời. Mấy năm sống trong tù, cũng học được những bài học hay. Bọn cán bộ Việt cộng đểu cáng lắm, nhưng không đàn áp bọn cháu được. Bọn cháu đoàn kết chặt chẽ, chống lại chúng, chống một cách hợp pháp, nên chúng phải chịu. Giọng nói Phan rất thành thực.

Anh không chín chắn, không nghệ sĩ như Văn, nhưng lanh lợi và cởi mở. Tôi ngồi yên nhìn ánh nắng vàng lên cao, tràn ngập cánh đồng trước mặt và cảm thấy lòng mình ấm áp; đã qua rồi, những ngày cô đơn lạnh lẽo trong xà lim u ám. Giờ đây, bên cạnh tôi, có những người bạn có thể tin cậy được.

Tiếng lóc cóc vui tai của quả bóng nhựa rơi trên mặt bàn gỗ đã im bặt. Vũ gọi:- Phan vào chơi với bác đi.Phan đưa bóng dài, mạnh và tấn công ào ạt. Cảm thấy hứng thú trước lối chơi của đối thủ, tôi nói to:- Tôi rất thích lối đánh của anh.Đứng bên ngoài Vũ cổ vũ:- Cặp này đấu với nhau cân lắm!Nửa giờ sau, chúng tôi nhường bàn cho những người mới đến. Với một cử chỉ thân mật, Phan rủ tôi vào phòng uống nước:
- Hôm nay chơi đã lắm, chỉ tiếc cặp vợt không được tốt.



ĐOẠN XXVII
CHUẨN BỊ TRAO TRẢ TÙ NHÂN: NHỮNG NGÀY CHỜ ĐỢI

Năm nay chúng tôi ăn một cái Tết thật đặc biệt. Trong những ngày đầu Xuân, Việt cộng cố ý tạo ra một không khí vui tươi cởi mở trong trại giam. Họ muốn chúng tôi quên những ngày gian khổ, ”xóa bỏ hận thù” để cùng họ chung sống trong tinh thần “hoà hợp hòa giải dân tộc”, và khi trở về quê hương, không đem theo những ấn tượng đen tối.

Trong điều kiện sinh sống vô cùng thiếu thốn của miền Bắc, họ đã cố gắng trong ba ngày Tết trọng đại, cung cấp những bữa ăn khá đầy đủ: cơm trắng không độn sắn, thịt ngỗng, thịt dê, thuốc lá thơm, rượu mơ do trại sản xuất… Nhưng điều làm cho chúng tôi chú ý hơn cả - và đồng thời cản giác – là thái độ củaq cán bộ Việt cộng trong những cuộc tiếp xúc hàng ngày.

Trại cắt cử Chung, một cán bộ trẻ tuổi trực tiếp phụ trách nhóm chúng tôi. Rõ ràng là đã được huấn luyện trước, anh ta tỏ ra hoà nhã, thân mật. Hằng ngày, Chung vào đánh cờ, chơi bài, uống trà với anh em chúng tôi. Rất vui tính, anh gọi những người tù trẻ bằng anh, những người lớn tuổi bằng chú, bằng bác, và hay rủ rê một vài người ra chơi nhà anh, một căn phòng nhỏ trong dãy nhà tranh dành cho cán bộ ở cạnh nhà bếp cũ.

Sau vài ba ngày theo dõi, chúng tôi nhận ra thâm ý của Chung; sống trà trộn với chúng tôi như thế, Chung để ý tìm hiểu từng người một, dò xét thái độ của mỗi người trước tình hình mới. Sáng nay, trong lúc mọi người đang chơi bóng chuyền, đánh bài, cờ tướng hay chuyện gẫu, thì Chung bước vào, mấy tờ báo cầm ở tay.

Ngừng ngay các hoạt động khác, chúng tôi chia ra từng nhóm đọc bốn tờ Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân.Nhân Dân loan tin hiệp định Paris đã được ký kết và đăng tải những điểm chính yếu của bảnhiệp định. Cùng đọc chung với nhóm chúng tôi có Hải, một trung uý biệt kích bị bắt ở Lào. Còn khá trẻ, Hải có vẻ thân với Lộc và Lộc cho biết Hải là người tốt, có thể tin cậy được. Hải đọc to nội dung của hiệp định rồi dò tìm những điều khỏan liên quan đến việc trao đổi những người bị bắt:- Đây rồi! Điều 8 ấn định việc trao trả sẽ hoàn tất trong vòng 60 ngày cho tù binh và 90 ngày cho tù dân sự, kể từ 28-1-1973.


Điều mà ai cũng mong đợi từ mấy năm qua nay sắp trở thành hiện thực. Đáng ra mọi người đều phải reo mừng nhưng ai cũng giữ im lặng, cò vẻ bình tĩnh suy nghĩ và không để lộ cảm xúc của mình: những năm tháng sống chung với Cộng sản đã tạo ra cho chúng tôi thói quen cảnh giác. Tôi liếc nhìn Chung. Anh gỉa vờ cúi đầu, nhìn vào bàn cờ tướng đánh dở, nhưng thật ra đang lặng lẽ quan sát và lắng nghe.

Một lát sau, hiểu rằng không thể dò được phản ứng của chúng tôi, Chung tiến vào giữa phòng cất tiếng nói lớn:- Các bác, các chú và các anh nên nghiên cứu kỹ bản hiệp định. Nếu cần cán bộ sẽ giải thích thêm.Rồi anh nhanh nhẹn bước ra ngoài. Hải nhìn theo, và khi thấy Chung đã ra khỏi cổng, anh cầm tờ báo, bấm tay Lộc và tôi. Chúng tôi cùng đi ra một góc sân vắng người. Hải lên tiếng trước:- Bác và anh nhận định thế nào?

Tôi nghĩ rằng hiệp định này bất lợi cho Việt nam Cộng hòa. Cứ duy trì quân đội giải phóng miền Nam, nghĩa là quân đội miền Bắc, cho chúng đóng tại chỗ, thì chúng sẽ tiếp tục phá hoại.Anh Lộc phát biểu:- Phải xét kỹ bản văn đầy đủ của hiệp định mới biết chắc được. Nhưng ngay từ bây giờ, có thể nói rằng hiệp định này chỉ là một giải pháp tạm thời, không giải quyết dứt khoát cuộc tranh chấp giữa hai miền.- Đúng thế.

Cho nên chuyến này mà về Nam được thì thật là may mắn. Biết đâu sau này tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn.- Điều đình trong bốn năm trời, leo thang chiến tranh, mà rồi kết quả không được như ý muốn.- Còn có điều này nữa: ký kết hiệp định là một việc, tôn trọng hiệp định là một việc khác. Từ trước đến nay, có bao giờ Việt cộng tôn trọng những gì họ cam kết đâu!Về vấn đề trao đổi những người bị bắt, Hải tỏ vẻ lạc quan:- Mình bắt của chúng nó khá nhiều người. Chúng nó phải thả người của chúng ta về, chúng ta mới thả người của chúng nó. Nhưng thôi, chúng mình nên giải tán. Đứng ở đây lâu, chúng nó sinh nghi.

Trong số anh em của chúng ta ở đây, thế nào cũng có người làm ăng ten cho bọn áo vàng. Bác và anh ra chơi bóng bàn đi. Tôi sẽ ra sau. Trong tù áo vàng là danh từ tù nhân dùng để chỉ bọn công an, áo xanh dùng để chỉ bọn cảnh vệ vũ trang. Tôi nhìn vào trong phòng; một vài người đã xúm lại quanh bàn cờ tướng; năm ba người khác quay lại với cỗ bài Tây, và số đông còn lại đang ngồi trên sạp bàn tán. Lộc và tôi tiến về phía trại mộc. Phan, Vũ và mấy người khác bắt đầu giao đấu. Thấy chúng tôi đến, Phan reo lên:- Địch thủ đây rồi! Mời bác và anh vào đây!

Tôi nhường cho Lộc chơi trước với Vũ. Phan kéo tôi ngồi trên thềm trại mộc, theo dõi hai người đang giao bóng rồi phê bình:- Đường banh của anh Lộc dài, đẹp, nhưng không xoáy, không hiểm. Vũ thì thích đưa banh ngắn, chặt mạnh cho banh xoáy xuống mặt bàn, chuyên về thế thủ hơn thế công. Vũ chơi rất cẩn thận, ít khi phí banh. Người như thế nào thì đường banh như thế ấy.

Phan nheo mắt nhìn ánh nắng mới lên làm cho hàng cây thấp chạy dọc theo con suối trở nên linh động hơn trong gío sớm, rồi đột nhiên hỏi:
- Chuyến này được về, bác đã có dự định gì chưa?- Dự định thì có, nhưng chắc phải nghỉ ngơi một thời gian.- Bác về lại Đà nẵng chứ?- Có lẽ. Cũng còn tuỳ gia đình hiện nay ở đâu. Trong mấy năm qua, có thể có nhiều thay đổi.- Cháu sẽ về Đà nẵng với ba cháu.

Cháu sẽ đi học lại.- Anh còn trẻ tương lai còn dài, phải cố gắng nhiều. Đời sống lao tù đã tôi luyện ý chí cho mình.- Bác biết không, hồi trước cháu hút thuốc phiện.Tôi sửng sốt quay đầu nhìn Phan. Anh cười rất tự nhiên:
- Hút ít thôi, mỗi ngày một lần, vào khỏang mười giờ sáng . Nhưng hút đều, nên đâm ra nghiện. Vào tù, người ta giúp cho cháu cai, và cai được. Bây giờ thì cháu khỏe lắm.Mà trông Phan khỏe thực, với vóc người hơi gầy nhưng rắn rỏi. Tôi khuyên anh nên chọn một ngành học có công dụng thiết thực.Lộc và Vũ đã ngưng tay, bỏ vợt và banh xuống bàn:- Bác và Phan vào làm vài ván đi.Tôi chơi với Phan được hai ván thì Hải từ cổng bước ra.


Nhường cho Vũ trở lại đấu với Phan, tôi kéo Hải ngồi xuống thềm với Lộc:
- Anh em có ý kiến gì thêm về bản hiệp định không?- Phần đông đều phấn khởi lắm. Họ đang tìm hiểu kỹ hơn.Nhận thấy ngồi ở đây nói chuyện rất tiện, vì có ai đi ngang qua, chúng tôi thấy được ngay, và vì ai cũng tưởng chúng tôi ngồi chờ đến phiên vào chơi bóng, tôi rủ Hải:- Anh nên ra đây chơi bóng thường xuyên với chúng tôi.- Cháu chơi kém lắm, không đấu với nhóm này được.- Hay với dở gì, cốt cho vui thôi. Này anh Hải, có phải trước đây anh đã ra Bắc một lần rồi không ?Hải trố mắt nhìn tôi:- Sao bác biết?- Thì có người biết và cho tôi hay.Chính Văn đã cho tôi biết chi tiết này.

Tôi nói rõ thêm:
- Tôi biết có người nhảy dù xuống miền Bắc nhiều lần. Tôi có quen một trung tá gốc người Thái đã ra ngoài này hai lần.- Một lần cháu nhảy dù ra ngoài này để tham gia một vụ gỉai thoát những phi công Mỹ bị giam giữ ở Sơn tây.- Kể cho nghe với- Trước hết chúng cháu cắt đứt giây điện thoại để cô lập trại Sơn tây, sau đó, đột nhập trại mà không gặp trở ngại đáng kể. Chúng cháu đã mang theo dụng cụ mở khóa, mở cùm, quần áo, thuốc men….


Nhưng bọnViệt cộng đã di chuyển các phi công đi nơi khác, chúng cháu chỉ bắt được tên giám thị. - Việc xảy ra vào khoảng thời gian nào?- Cuối năm 1969.Tôi bỗng nhớ ra. Hồi đó, trước khi tôi rời Thanh liệt để lên Thái nguyên, Lâm cho hay là “chiến tranh phá hoại” đang lan rộng và không quân Mỹ có thể ném bom vào Thanh liệt. Lâm giải thích như thế khi đưa chúng tôi đi nơi khác, nhưng có phải Việt cộng không muốn để xẩy ra một vụ Sơn tây thứ hai nữa không? Thanh liệt vốn là một trại giam tập trung nhiều tù nhân Mỹ.

Sau giờ nghỉ trưa, thấy trời nắng to, Văn rủ tôi ra suối tắm giặt. Tối hôm qua, nằm cạnh nhau trên sạp gỗ, chúng tôi đã phác họa những dự định cho ngày tự do sắp tới. Say mê văn học, Văn thuộc khá nhiều thơ và anh đã ngâm cho tôi nghe bài “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm. Ngoài tâm sự của thi sĩ, anh ưa thích âm điệu trầm hùng và không khí cổ kính của bài thơ. Giọng ấm áp của Văn nhắc tôi nhớ đến Hoàng, người bạn cảnh sát đã ngâm thơ trong một đêm mưa gió trên dãy Trường sơn. Hoàng, bây giờ anh ở đâu?

Anh đã trở về Huế để phụng dưỡng bà mẹ gìa hằng lo lắng cho anh khi anh đến tuổi phải thi hành quân dịch hay còn lưu lạc tại một trại giam nào trong rừng núi miền Trung?Bên con suối nhỏ len lỏi giữa mấy phiến đá vôi, đã có đông người tắm. Trời lạnh, chúng tôi tắm nhanh và giặt qua bộ quần áo bạc màu.

Nhìn tôi đang vắt khô bộ quần áo tù đã gần rách, Văn cười:
- Hôm nào được về, chắc bác phải mang bộ y phục này theo để làm kỷ niệm. Chúng ta lên phơi ngay trong sân rồi đi ra phía dưới này có nhiều hoa rừng lắm.Tôi bước theo Văn, lách mình giữa những đám cây thấp mọc chằng chịt dọc bờ suối.


Sau khi đi một quãng khá xa và hái được mấy cành lan rừng trắng muốt, Văn kéo tôi ngồi trên một mỏm đá khuất sau một bụi cây rậm:- Bác cháu mình ngồi đây nói chuyện một lúc. Sáng nay lên nhà bếp chơi, cháu được một anh tù hình sự cho biết bọn cán bộ trại này đang mua thức ăn để khỏan đãi một số cán bộ trung ương về công tác.

Chắc là có liên quan đến chúng mình. Chúng nó phải có kế hoạch trước khi trao đổi tù nhân.- Ví dụ như…?- Chúng nó sẽ chọn trong số những người sắp được phóng thích một vài người mà chúng nghĩ là có thể tin cậy được để cài vào miền Nam làm nội tuyến cho chúng.- Điều đó có thể xẩy ra nhưng liệu trong số anh em chúng ta, có ai hưởng ứng không?- Thế nào cũng có. Việt cộng sẽ hăm dọa; không theo chúng thì chúng không cho về, hoặc chưa cho về. Có người có thân nhân ở ngoài Bắc này.

Nếu không cộng tác với chúng nó thì cha mẹ, anh em ở đây sẽ bị khủng bố. Cũng có thể có người giả vờ nhận lời cho yên chuyện, rồi sẽ liệu sau. Cho nên phải cảnh giác đối với anh em chúng ta và phải chuẩn bị lý do để từ chối đề nghị của chúng nó.Văn táy máy bứt mấy ngọn lá, nhìn ra xa, có vẻ nghĩ ngợi. Một lúc sau tôi trở lại vấn đề:- Anh đã thấy một dấu hiệu nào chứng tỏ bọn chúng chuẩn bị công tác này chưa?- Bác có để ý rằng trong ba hôm nay, thằng Chung rủ rê một vài người trong số anh em chúng ta ra nhà nó chơi vào buổi tối không?

Và cả trung uý Khanh cũng gọi vài người ra đánh cờ tướng ở nhà không? Đáng nghi lắm.Trong tiếng gió vi vu hút vào thung lũng làm lay động đám lá ven bờ và trong tiếng suối róc rách không ngừng, tôi nghĩ đến không khí u uất đầy nghi kỵ bao trùm các trại giam và có lẽ cả xã hội miền Bắc; không ai tin ai được cả.

Và đột nhiên tôi so sánh Văn với Xuân. Xuân dè dặt, không thẳng thắn, đôi khi ngượng ngập, lúng túng vì đã nhận công tác theo dõi tôi. Văn hoàn toàn cởi mở và tỏ ra tin cậy tôi ngay từ lúc đầu. Từ ngày đến trại Ba Sao này, Xuân cố ý lẩn tránh tôi và chỉ hay tụ họp với mấy người uỷ viên hội đồng xã ở Quảng trị.

Tôi cũng nhận ra rằng, trong khi chờ đợi được phóng thích, anh em tù nhân, ở Thanh liệt cũng như ở đây, phải thường xuyên cảnh giác, và sống trong một tâm trạng bất định, luôn luôn e ngại một điều không hay sẽ xảy đến cho mình.Văn đứng lên. Cũng như Hải , anh tỏ vẻ cẩn thận:- Bác cháu mình hái ít hoa nữa rồi trở về. Đi lâu, bọn chúng sẽ ngờ vực.…..

Nguồn tin của Văn khá xác thực. Sáng nay, trong lúc Lộc và tôi đang ngồi ở trại mộc xem Phan và Vũ chơi bóng bàn thì từ phía văn phòng, Chung hướng dẫn ba người khách lạ vào trại; một người cán bộ công an đứng tuổi mặc đồng phục, xách một cái cặp da, và hai người mặc thường phục còn trẻ, một người đeo máy ảnh, một người mang máy quay phim.

Họ từ từ đi qua chỗ chúng tôi ngồi, rồi tiến vào trong sân. Chúng tôi cùng đi theo.Chung tập trung mọi người lại trong phòng và giới thiệu:- Hôm nay cán bộ từ trung ương về thăm các bác, các chú và các anh.Người cán bộ trung ương hỏi thăm sức khỏe, vấn đề ăn ở, rồi chuyển cho chúng tôi một số tài liệu; đó là bản hiệp định Ba lê và nghị định thư được in chung thành một tập mỏng. Chúng tôi ngồi chờ đợi người cán bộ giải thích tập tài liệu vừa được phát, nhưng anh ta không nói gì, chỉ đi một vòng để quan sát phòng giam rồi nói:- Các anh cứ tiếp tục sinh hoạt.Chung cùng người cán bộ đứng tuổi đi ra ngoài.

Chúng tôi chia nhau đọc bản hiệp định, trừ một vàingười trở lại chơi cờ tướng hoặc ván bài đang đánh nửa chừng. Thoáng thấy hai người cán bộ quay phim và chụp hình đưa máy lên, tôi vội vàng kéo Lộc ra ngoài, Lộc và tôi đều không muốn Việt cộng chụp ảnh và quay phim mình, nhưng hầu hết các anh em khác đều không tránh né.

Có người nhìn thẳng vào ống kính cười rất tươi. Từ ngoài sân nhìn vào, tôi thấy anh Tứ đứng yên bên cạnh bàn cờ tướng để có một tấm hình chụp chung với mấy anh biệt kích. Sau này anh phân trần riêng với tôi:- Những ảnh và phim này chắc chắn sẽ được phổ biến. Như vậy Việt cộng không có thể chối là họ không bắt mình và họ phải trả mình về miền Nam.Dù nhận thấy lời gỉai thích ấy không phải là không có lý, trong những hôm sau, tôi vẫn không muốn gặp người nhiếp ảnh viên.

Anh ta lưu lại trại này khá lâu và thỉnh thỏang bất thần tạt vào trong nhà hay sân bóng chuyền chụp vội vài pô. Có lần, anh nấp sẵn ở một góc nhà, và khi thấy Lộc và tôi bước ra, bấm tách một cái. Họ chụp ảnh và quay phim để làm gì? Có phải để cho quốc tế lầm tưởng rằng chúng tôi không lao động cực nhọc trong rừng sâu nước độc hay chết mòn trong xà lim tối tăm mà chỉ vui chơi trên sân bóng chuyền, bên cỗ bài hay bàn cờ tướng?Màn chụp ảnh và quay phim đã tạm chấm dứt. Chúng tôi nằm dài trên sạp đọc bản hiệp định và nghị định thư. Càng xét kỹ càng thấy rõ đây không phải là một thắng lợi ngoại giao của Việt nam Cộng hòa, và càng tin rằng cuộc tranh chấp giữa hai miền Nam Bắc sẽ còn tiếp diễn




Trong chờ đợi, chúng tôi vừa hy vọng vừa lo âu: biến cố nào sẽ xảy ra từ đây cho đến ngày lên đường trở về quê hương? Một số anh em tiếp tục những hoạt động giải trí hoặc đi câu cá, bắt rắn để cải thiện bữa ăn, vì sau mấy ngày Tết, mức ăn sụt xuống rõ rệt, dù có khá hơn mức bình thường ngày trước. Một số người thường liên lạc với các cán bộ, và lâu lâu có người được gọi lên văn phòng. Hải và Văn theo dõi tình hình rất sát.


Phan và Vũ chơi bóng bàn đều đặn nhưng cũng không quên ghi nhận mọi động tĩnh.Sáng nay, đang ngồi với Lộc ở trại mộc, tôi bỗng thấy Chung từ trong sân đi ra cùng với Văn. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Vũ và Phan ngừng giao bóng. Một lát sau, Hải từ trong sân bóng chuyền bước vội ra , nói nhỏ với Lộc:- Không biết chúng nó gọi Văn lên có việc gì.Có lẽ mỗi người đều có một gỉa thuyết nhưng chuư ai nói ra.

Tôi linh cảm một sự việc không hay. Bỗng Phan cầm quả bóng bóp nhẹ rồi nói lớn.- Bóng vỡ rồi. Tôi lên văn phòng mượn qủa khác.Chúng tôi hiểu rằng Phan mượn cớ để lên văn phòng tìm hiểu sự việc. Lúc Phan trở lại, anh đưa cho tôi xem quả bóng mới:- Loại này hơi nặng. Bác có thích bóng nặng không?- Bóng nặng thì khi mình chặt mạnh, nó xoáy nhiều.- Đúng.

Cháu cũng thích loại bóng này.Rồi anh nói rất khẽ:- Chẳng thấy Văn ở đâu cả. Sẽ phải tiếp tục theo dõi.- Trong lúc chờ đợi, chúng tôi vẫn ngồi ở trại mộc và thay phiên nhau dợt bóng. Mãi đến trưa, vẫn không thấy Văn trở lại. Lúc hai người thường phạm gánh cơm vào cùng với Chung, Chung gọi Nhân.- Anh lấy tư trang của anh Văn và đi theo tôi.Phan và Vũ sửng sốt nhìn tôi. Thế là Văn không còn được ở chung với chúng tôi nữa, và cũng không được quay về để lấy quần áo. Người ta định đưa Văn đi đâu? Chúng tôi lặng lẽ ăn cơm.

Không khí phòng giam trở nên nặng nề. Mọi người đều có vẻ dè dặt và có lẽ ai cũng đang tìm hiểu lý do của biến cố vừa xảy ra. Có người nhìn tôi với cặp mắt ái ngại. Ai cũng biết từ mấy hôm nay, sau bữa cơm tối, Văn và tôi nằm cạnh nhau, trò chuyện cho mãi đến khuya. Nhưng tôi tin rằng Văn không tiết lộ những gì anh và tôi đã nói với nhau.Chúng tôi ăn xong được một lát thì Nhân trở về. Một người ngồi ở cửa ra vào hỏi:- Anh có gặp Văn không?- Không. Tôi chỉ mang áo quần của Văn lên phòng kỷ luật rồi trở về.- Cán bộ Chung có nói gì không?- Không. Nhưng chắc chắn là Văn bị kỷ luật.Một người đứng tuổi nói bâng quơ:- Biết đâu là một vụ vạ miệng..Một người khác cãi lại:- Sao lại nói thế?

Có bao giờ Văn phát ngôn bừa bãi đâu!Một người thứ ba đứng ra hòa giải:- Xin các anh lưu ý cho: chưa nắm vững vấn đề, chúng ta không nên phát biểu quá sớm.Lời nhắc nhở ấy làm cho mọi người im bặt và phân tán đi các nơi. Nhưng chắc rằng trong các nhóm nhỏ, giữa những người thân và tin cậy lẫn nhau, họ sẽ thảo luận thêm về trường hợp của Văn. Phan gọi Vũ:- Lấy vợt và banh rồi ra sân luôn.Hải đưa mắt cho Lộc và tôi:Bác và anh có nghỉ trưa không?


Nếu không thì ra xem cặp Phan Vũ đấu.Ra đến trại mộc, Vũ nêu lên một nhận xét:- Có lẽ Văn bị kỷ luật thật. Vấn đề cần biết là Văn bị phạt trong bao nhhiêu lâu và hình phạt có ảnh hưởng gì đến việc trả Văn về miền Nam không?Cũng như Văn , Vũ di cư từ Bắc vào Nam từ khi còn nhỏ. Anh ít nói, trầm tĩnh và có vẻ già dặn, dù chỉ lớn hơn Phan có vài tuổi. Hải góp thêm ý kiến:- Nhưng trước hết, cần tìm hiểu lý do tại sao Văn bị kỷ luật.

Phan tán thành:
- Tôi nghĩ Vũ có thể làm được việc ấy. Tối nay Vũ sẽ đến chơi cờ tướng với cán bộ Khanh để dò hỏi




.ĐỌAN XXVIIITHAM QUAN HÀ NỘI


Anh Tứ ngừng nói, bỏ bản hiệp định Ba lê xuống và ra hiệu cho tôi nhìn lên: anh em biệt kích đang tập họp trên cái sạp đối diện. Anh Mạc, người lớn tuổi nhất trong bọn lên tiếng trước:- Chúng ta không thể để cho Văn bị thiệt thòi mà không can thiệp. Tôi đề nghị chúng ta cử ba người cùng lên văn phòng gặp giám thị trại để xin cho Văn trở về chung sống với chúng ta, ít nhất là trong mấy ngày đầu xuân này.Một người đưa ý kiến:- Trước khi can thiệp, cần phải biết rõ lý do tại sao Văn bị kỷ luật. Tôi nhận thấy Văn không vi phạm nội quy, mặc dầu bây giờ chúng ta được tương đối tự do và không bị buộc phải tôn trọng nội quy như trước.


Mạc trả lời:
- Nếu các anh đồng ý như thế, thì tôi nghĩ chúng ta nên gặp cán bộ Khanh để nắm vững tình hình trước, rồi sau đó sẽ xin gặp cán bộ trưởng trại.Có lẽ vì hai hôm nay anh em biệt kích đã thảo luận với nhau trong từng nhóm nhỏ rồi, nên họ đồng thanh chấp nhận đề nghị của Mạc. Một người khác phát biểu:- Chúng ta đã đồng ý can thiệp cho Văn. Vậy tôi đề nghị anh Mạc đại diện anh em lên gặp cán bộ.- Nên cử thêm hai người nữa.- Tôi đề nghị anh Vũ- Tôi đề ngị thêm anh Nhân.


Khoảng bốn mươi tuổi, Mạc là một người chín chắn và có uy tín đối với anh em. Trong các buổi mạn đàm, anh thường tỏ ra sắc bén, lý luận vững vàng. Theo Vũ cho biết, Mạc thuộc một hệ thống tình báo của ngành công an. Anh mở một tiệm may ở quận lỵ Cam lộ để làm nơi liên lạc và có nhiệm vụ theo dõi hoạt động của đối phương trong vùng.

Nhưng anh không được Vũ cho biết kết quả của vụ dò hỏi cán bộ Khanh. G iữa hai ván cờ tướng, Khanh để lộ cho Vũ hay Văn “có thái độ không thích hợp với đường lối của Cách mạng”. Vũ không tin rằng đó là lý do đích thực nên không thông báo cho anh em biết mà chỉ nói riêng với Phan , Hải, Lộc và tôi.Khi Mạc, Vũ và Nhân đi rồi, có người tỏ ý ngờ vực:- Can thiệp thì cứ can thiệp, nhưng nếu người ta đã có quyết định rồi, thì khó mà làm cho người ta thay đổi ý kiến.- Anh Tứ và tôi quay trở lại với bản hiệp định, đọc kỹ từng khỏan một.


Anh Tứ nhận xét:- Mặc dù các cường quốc đứng ra bảo đảm việc thi hành hiệp định, việc thực thi một số điều khỏan sẽ rất khó khăn. Quyền lợi xung khắc, quân đội hai bên đóng xen kẽ, làm sao mà tránh được sự xung đột?- Bác có nghĩ rằng lần này chúng mình sẽ được về Nam không?- Lần này thì chắc hơn lần trước vì hiệp định đã được ký kết và sẽ được thi hành.- Việc trao trả sẽ được thực hiện từng đợt.

Liệu chúng mình có được trao trả vào đợt này không?- Họ đã tập trung chúng mình về đây, thì chắc là họ cho mình về trong đợt này.- Miễn là từ đây đến ngày ấy không có gì rắc rối xảy ra giữa bốn bên đã ký vào hiệp định. Bác nghĩ thế nào về chủ trương hòa hợp và hòa giải dân tộc?- Khi người ta lấy căm thù giai cấp để làm căn bản cho hành động và để xách động quần chúng thì không thể chủ trương hòa hợp được. Đó chỉ là một chiêu bài bịp bợm có tính cách giai đoạn.- Còn chính phủ ba thành phần?

- Anh còn nhớ chính phủ liên hiệp được thành lập hồi năm 1945 giữa Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách không?- Tôi còn nhớ. Chính phủ được tuyên bố thành lập vào tháng Chạp 1945, thì qua tháng Giêng 1946, Việt Minh tấn công Việt Quốc tại Việt trì, Vĩnh yên, Phú thọ và Việt Cách tại Tiên yên.- Lịch sử chắc sẽ tái diễn…
*
http://vietduongnhan.blogspot.com/2012/01/anh-sang-va-bong-tg-hoang-lien-cac-biet.html


No comments: