Ai làm chủ đất đai của nông dân?
15:47 GMT - thứ hai, 9 tháng 1, 2012

Dân Ô Khảm đã tự quản trong nhiều ngày biểu tình

Vụ bạo lực ở Tiên Lãng, Hải Phòng bùng lên dịp đầu năm đúng vào khi đợt đấu tranh của dân làng Ô Khảm bên Trung Quốc lại vừa lắng xuống.

Dù có sự khác biệt về chi tiết, cả hai vụ đều liên quan đến tranh chấp đất đai và cách hành xử của quan chức địa phương.

Ngoài ra, đây cũng là chủ đề đang phản ánh các vướng mắc nảy sinh từ khái niệm đặc thù về sở hữu đất đai chỉ có́ ở các hệ thống pháp luật và chính trị như Trung Quốc và Việt Nam.

Thắng lợi ‘ngoài luật’?

Cho đến ngày 9/1/2012, đợt biểu tình nhiều ngày của dân làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông đòi công lý cho cái chết của một người đại diện của họ đấu tranh khiếu kiện chống chiếm đất được coi là thắng lợi.

Hai quan chức địa phương, cụ thể là bí thư thành phố Lộc Phong, và chủ tịch xã Ô Khảm đã bị cách chức.

Chính quyền cũng đồng ý mở cuộc điều tra các khiếu nạn về chuyện quan chức và nha lại địa phương “cướp đất của dân”, theo các báo tiếng Quảng Đông ở Hong Kong, nơi chỉ cách Ô Khảm 120 km.

Nhưng các nhà quan sát từ bên ngoài nhận xét rằng vụ việc đi đến hồi kết thúc tạm gọi là yên ả lại không hề nhờ vào hệ thống pháp luật của Trung Quốc.

Trái lại, tất cả là nhờ vào quyết định chính trị, thậm chí có thể mang tính cá nhân của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, ông Uông Dương.

Các bình luận thì ông Uông muốn xoa dịu vụ việc nhằm đánh bóng hình ảnh của mình trong cuộc chạy đua vào Bộ Chính trị tới của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn giải pháp mềm cho vụ Ô Khảm

Kent Ewing trong bài tiếng Anh trên Asia Times cho rằng dù hai vị trí Chủ tịch Đảng và Thủ tướng gần như đã được bố trí (cho ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường), các chức vụ đầy quyền thế khác vẫn còn chưa ngã ngũ trước Đại hội Đảng tháng 10 này.

Bí thư Quảng Đông, Uông Dương được cho là người đang cạnh tranh với Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai trong cuộc chạy đua vào những chức còn lại.

Trong lúc ông Bạc muốn cổ vũ cho đường lối Đỏ, cứng rắn kiểu Mao và nhấn mạnh đến công bằng kinh tế, trừng trị thẳng tay xã hội đen, ông Uông muốn tỏ ra là người gần dân, cởi mở.

Quảng Đông là tỉnh trù phú bậc nhất Trung Quốc và đi đầu trong cải cách kinh tế từ chuyến Nam Du hồi xưa của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, mở màn cho công cuộc Khai Phóng tức mở cửa.

Chọn biện pháp “thí quân” – hai quan chức cấp huyện và xã cũng đã cầm quyền hàng chục năm – ông Uông nay ghi điểm với Đảng vì đã nêu cao nguyên tắc “Của dân, do dân, vì dân”.

Nhân danh lãnh đạo tối cao (thường anh minh, theo một cách hiểu truyền thống về quân vương của Trung Quốc thời phong kiến), ông Uông đã “trừng trị” những quan lại cấp dưới làm sai.

Nhưng thực sự lãnh đạo Trung Quốc ở cấp trung ương cảm ơn ông Uông chính là vì ông giải quyết ôn hòa một vụ có nguy cơ tiềm ẩn đánh vào hệ thống chính trị cả Trung Quốc.

Bởi tại Ô Khảm, nói là biểu tình nhưng thực chất toàn bộ một xã 20 nghìn dân ở Trung Quốc lần đầu tiên từ năm 1949 đã hoàn toàn xóa bỏ hệ thống chính quyền và chuyển sang tự quản.

Các phóng viên nước ngoài đến Ô Khảm trong đợt biểu tình ngạc nhiên thấy người dân tổ chức cả một trung tâm báo chí liên lạc thường xuyên với Hong Kong và nối mạng xã hội để làm chủ luồng tin tức về họ.

Nhưng phép tính của Uông bí thư cũng cho thấy chính quyền Trung Quốc bất lực trong việc dùng pháp luật để giải quyết vụ Ô Khảm.

Nhà bình luận Willy Lam từ Hong Kong cho rằng trong vụ này, chính quyền của Đảng Cộng sản cũng chỉ có cách xoay chuyển giữa hai thái cực: “di chuyển từ nặng tay sang nhẹ tay, tùy vào hoàn cảnh”.

"Mãi đến ngày 28/4/2011 Thủ tướng Chính phủ mới ký quyết định về cảng hàng không quốc tế Hải Phòng nhưng ngay từ 2005 người dân đã khiếu nại về quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng "

Báo Đất Việt

Đối đầu hay đối thoại?

Trong một bài trên Wall Street Journal, Stanley Lubman, giáo sư chuyên về luật Trung Quốc tại Đại học California, Berkeley cho rằng vụ Ô Khảm đặt ra hai mô thức cho chính trị Trung Quốc trong quan hệ Nhà nước với Nhân dân.

Theo ông, một mô thức là “ta – địch” hoặc “được ăn cả ngã về không”, hướng tới xung đột trực diện, xảy ra cả ở hai phía.

Còn mô thức kia là nhấn mạnh đến quyền dân sự của xã hội.

Tại Việt Nam, hiện cũng đang có hai xu hướng mô tả vụ gia đình kỹ sư Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng chống đối lại đợt xung kích của hàng trăm công an và quân đội nhằm 'cưỡng chế' giải toả hàng chục ha đất nông nghiệp hôm 5/1.

Đa số các báo chính thống nhắm vào hướng mô tả mang tính hình sự và nhấn mạnh đến chuyện gia đình họ Đoàn dùng vũ khí chống đối lại đội cưỡng chế chính quyền.

Một số tờ báo khác, tuy thế, cũng nêu ra các căn nguyên của vụ việc và chỉ ra bối cảnh dẫn tới đợt bạo lực hiếm có này.

Một luật sư không nêu tên từ Hà Nội cho BBC hay vấn đề sở hữu đất đai 'toàn dân' nhưng do Nhà nước quản lý là nguyên nhân của nhiều vụ tranh chấp nghiêm trọng những năm qua trên cả nước.

Nhưng ông cho hay, dù giới luật gia ý thức được chuyện đó, đây lại là chuyện "thuộc phạm trù thể chế" nên rất khó giải quyết.

Nhà nước cử đội cưỡng chế vũ trang vào khu vườn của dân ở Tiên Lãng

Cũng như ở Trung Quốc, một khi quyền sở hữu và sử dụng đất không rõ ràng thì cũng vụ việc như ở Tiên Lãng sẽ còn xảy ra.

Tương tự như vậy, ý kiến của nhà kinh tế Trung Quốc, ông Hồ Đức Bình (con trai cố TBT Hồ Diệu Bang) mà truyền thông nước ngoài trích đăng cho rằng vụ Ô Khảm làm nổi lên cách nhìn nhận sai trái về quyền sở hữu và sử dụng đất đai ở nước này.

Theo ông, khái niệm sở hữu toàn dân về đất ở Trung Quốc thường xuyên bị diễn dịch thành sở hữu của nhà nước chứ không phải của một tập thể người dân.

Chính vì Nhà nước Trung Quốc tự cho mình quyền định đoạt về đất đai, bất chấp quyền tập thể (collective rights) của người dân nên các vụ tranh chấp đất liên tục xảy ra, nhiều khi đầy bạo lực.

Ông Hồ Đức Bình, ngay trong bài trên báo Đảng, tờ China Daily cho rằng bài học từ Ô Khảm là chính quyền Trung Quốc cần cổ vũ cho “nhà nước pháp quyền” và luôn lấy đàm phán làm đầu để hóa giải các vụ tranh chấp đất.

Câu hỏi là liệu Đảng Cộng sản, trong năm bản lề vì kỳ Đại hội, có ý chí và đủ sức làm theo ý này không, trong bối cảnh số liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói chỉ trong năm 2011 có 50 triệu người dân nước này bị cưỡng chế chiếm đất.

Nhưng ít ra là báo chí nước này, kể cả các tờ chính thống, đều bình luận khá rộng vụ Ô Khảm và cân nhắc các mặt hơn thiệt cho một vấn đề sâu rộng.

Còn tại Việt Nam, ngoài một số tờ như Pháp Luật và Bấm Đất Việt còn cố gặ́́ng giải thí́ch căn nguyên khác như quyết định xây sân bay, cuộc đấu tranh từ 2005 của người dân Tiên Lãng, đa số các báo xem ra đang chạy theo chỉ dẫn, hoặc gợi ý của cơ quan công quyền và hình sự hóa vụ việc một cách chóng vánh.

Làm như thế, họ có nguy cơ thúc đẩy xu hướng đối đầu và trừng phạt hơn là đối thoại trong các vụ việc trong tương lai.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/01/120109_wukan_lands_seizures_lessons.shtml