Monday, January 30, 2012

NHẬN XÉT VỀ TẾT TẠI VIỆT NAM

Đi chợ ngày Tết
Đi chợ ngày Tết DR

VIỆT NAM - NĂM MỚI
Việt Nam tưng bừng đón năm mới Nhâm Thìn, tạm quên đi nỗi lo lạm phát

Trọng Nghĩa

Cùng hòa chung nhịp với toàn thể châu Á, người Việt Nam đã chào đón năm Nhâm Thìn với những màn pháo bông rực rỡ, những hội Tết linh đình, chợ hoa nở rộ. Truyền thống ăn Tết – theo phương châm làm lụng cả năm, ăn ba ngày Tết - vẫn được tôn trọng, cho dù chính quyền không ngừng lên tiếng kêu gọi mọi người hạn chế chi tiêu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam bị lạm phát đe dọa.
Do lệnh cấm đốt pháo vẫn có hiệu lực, người Việt trên toàn đất nước đã đón giao thừa bằng những màn pháo hoa hoành tráng. Thủ đô Hà Nội chẳng hạn, đã đón xuân bằng những màn pháo bông đồng loạt tại 29 địa điểm, nhất là ở bên Hồ Hoàn Kiếm. Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thua kém, với các điểm bắn từ Thủ Thiêm, Gò Vấp đến Đầm Sen, Củ Chi … Tất cả các tỉnh thành hầu như cũng đều có pháo bông để người dân vui đón năm mới.

Vấn đề là các lễ hội đón xuân đòi hỏi nhiều chi phí vào lúc Việt Nam vẫn đang bị lạm phát phi mã. Ngay từ trước Tết, các cấp hữu trách, từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đều đã yêu cầu người dân bớt chi tiêu nhân dịp Tết. Trên trang web chính phủ Việt Nam ngày 14 tháng Giêng vừa rồi, ông Dũng đã kêu gọi mọi người ăn Tết trong tinh thần tiết kiệm. Còn ông Bình thì tỏ ý hy vọng là việc dè xẻn chi tiêu cho ngày Tết chi tiêu sẽ giúp kềm chế lạm phát.

Xin nhắc lại là theo số liệu chính thức, lạm phát tại Việt Nam vẫn vượt mức 17% trong tháng Giêng, một tỷ lệ cao nhất vùng châu Á Thái Bình Dương, vốn đã làm cho đồng nội tệ Việt Nam bị giảm giá xuống đến mức thấp nhất từ năm 2008 đến nay, và khiến cho khoảng một phần 10 doanh nghiệp bị sụp đổ trong năm 2011.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi tiết kiệm của chính quyền có phần vô ích vì không thể nào thay đổi thói quen chi tiêu của người dân. Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ Bloomberg, giới bán lẻ và các quan chức chính phủ đã xác nhận rằng việc mua sắm vẫn tăng vọt nhân dịp Tết. Theo dự báo của chính phủ Việt Nam, nhu cầu hàng Tết và giao thông vận tải nhân dịp này cũng sẽ tăng 10% so với năm ngoái.

Một ví dụ cụ thể : Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, doanh số bán lẻ trong dịp Tết tại đây được dự báo sẽ tăng 22%, đạt mức xấp xỉ 1,4 tỷ đô la, tương đương với khoảng 1% sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước vào năm ngoái.

Một ví dụ khác : Công ty rượu bia Sài Gòn, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, cho biết sẽ làm ra 120 triệu lít bia trong tháng này, tăng 20% so với cùng kỳ Tết năm ngoái. Tập đoàn bánh ngọt Kinh Đô, thuộc diện lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh, cũng dự kiến sức cầu tăng 15%, cho dù giá cả năm nay cao hơn năm ngoái 10%.


http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120123-viet-nam-tung-bung-don-nam-moi-nham-thin-tam-quen-di-noi-lo-lam-phat


Người Việt đón Tết Nhâm Thìn 2012

Không khí Tết đang tràn ngập mọi gia đình Việt Nam. Mùa lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt đã về với mọi nhà.

RFA photo

Hình chụp tại vườn hoa Lý Thái Tổ ở Hà Nội

“Đi đâu mặc kệ đi đâu
Đến ngày giỗ chạp phải mau mà về.”

Nhìn lại năm cũ, bước sang năm mới. Lễ Tết cũng là dịp người Việt mình nghỉ ngơi, sum họp, vui chơi, ôn cố tri tân, nhìn lại năm cũ và hướng sang năm mới với nhiều điều tốt lành hơn.

Đất nước ngày càng mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài, kinh tế tăng trưởng khả quan, thiên tai ít tàn phá hơn những năm trước… người Việt năm nay vì thế nhìn chung cũng có được cái Tết đầm ấm hơn.

banh-keo-tet-250.jpg
Một gian hàng bánh kẹo Tết ở Hà Nội. RFA photo.
Tuy vậy, cùng với kinh tế phát triển, khoảng cách giàu – nghèo cũng ngày càng lớn hơn. Trong khi một bộ phận các nhà kinh doanh, những người nắm bắt được cơ hội của thời mở cửa; nhanh chóng thành đạt; thì đại đa số người dân lao động vẫn còn phải vất vả chạy ăn, chạy mặc, lo toan cho gia đình, con cái.

Tuy nhiên, với người Việt Nam, Tết không phải là lúc để phân biệt nghèo hèn - giàu sang, phú quí; mà Tết là dịp để mọi người cùng ôn cố tri tân, vui chơi hội hè. Tết cũng là lúc để mọi người cùng dành cho nhau những tình cảm chân thành, những lời chúc tụng tốt đẹp nhất cho năm mới.

Ngày nay, Tết còn là dịp để sum họp với gia đình, làng xóm; là thời gian để những người phải đi xa mưu sinh lập nghiệp, học hành, buôn bán… trở về với cha mẹ, tổ tiên…

Và trong số hàng triệu triệu người về sum họp với gia đình trong những ngày Tết, dịp này Việt Nam cũng đón chào hàng trăm ngàn người Việt từ khắp nơi trên thế giới về quê đón Tết. Họ là những người Việt định cư ở nước ngoài, là những người công nhân lao động xuất khẩu, là những du học sinh, v.v…

Theo báo cáo của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong 5 năm gần đây trung bình mỗi năm có khoảng nửa triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước ăn Tết; trong đó, số người nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất vẫn chiếm đa số.

Hkg468623-200.jpg
Một Em Bé Việt Kiều về thăm Việt Nam dip Tết trước đây. AFP PHOTO.
Cũng theo các con số thống kế của chính phủ Việt Nam, kiều hối do người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, từ mức 3 tỷ đôla hồi năm 2004 lên đến 9 tỷ đôla trong năm 2011 vừa qua.

Hiện có hơn 3 ngàn dự án đầu tư của Việt kiều tại Việt Nam với tổng số vốn lên đến 6 tỷ đôla.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thì “nguồn tiền do người Việt kiều gửi về cho thân nhân cũng như đầu tư tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bù đắp vào thâm hụt cán cân thương mại, giúp giảm thiểu rủi ro trong việc huy động vốn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam”.

Và có lẽ, kính thưa quý vị, không có gì ý nghĩa hơn là ngay trong thời điểm chuyển giao từ năm cũ, sang năm mới, chúng ta cùng nghe những lời chúc Tết từ chính những đồng bào của mình, cả trong lẫn ngoài nước:

Kính thưa quý khán thính giả, hòa trong không khí Tết của mọi người Việt Nam, trước thềm năm mới Nhâm Thìn, Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chúc mọi nhà Việt Nam một năm mới hạnh phúc, an khanh, thịnh vượng và nhiều may mắn!

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-weekly-review-show-55-01222012093606.html



Ngày Xuân tản mạn với nhà văn Phạm Phú Minh
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-01-21

Trong không khí mùa xuân mới đang về, Mặc Lâm có buổi mạn đàm với nhà văn Phạm Phú Minh, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Thế Kỷ 21 về những kỷ niệm của ba ngày Tết trước năm 1975.

Photo courtesy of diendantrunghochnc.com

Chơi bầu cua cá cọp trong ngày Tết.

Câu chuyện đầu xuân này mong rằng sẽ gợi lại chút gì đó chừng như không còn hiện diện trong những ngày Tết hôm nay bởi đời sống công nghiệp ngày một lấn sâu vào xã hội Việt Nam chúng ta. Mời quý vị theo dõi sau đây.

Đời sống công nghiệp và phong tục ngày Tết

Mặc Lâm: Thưa anh, chúng ta có cái phong tục của Việt Nam từ bao đời nay, đó là chuẩn bị hoa Tết, những người đàn ông thì lo cho hoa, những cành hoa đẹp nhất, cũng như bàn thờ tổ tiên, còn người đàn bà thì lo gói bánh tét, bánh chưng cùng những chuẩn bị linh tinh khác mà cái cảm xúc văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết này.

Tuy nhiên, theo chúng tôi nhận thấy hiện nay trong đời sống công nghiệp ở trong nước bây giờ đã làm cho các bà nội trợ không còn cái cơ hội thực hiện những điều như ngày xưa nữa. Mọi thứ, chẳng hạn như bánh tét cũng ra siêu thị mua, rồi hoa quả bánh trái bất cứ cái gì cũng có siêu thị lo hết.

Có một nỗi lo ngại là nếu tình trạng đó xảy ra hoài, đời sống công nghiệp đè lên đời sống truyền thống, thì cái Tết sẽ dần dần mất đi những hình ảnh đẹp của nó như khi mà bà nội trợ ngồi chung với con cái canh nồi bánh tét thì sẽ có nhiều chuyện để nhắc nhở với con cháu. Theo anh, điều đó có lâu ngày chầy tháng sẽ làm mất hẳn nét Tết cổ truyền hay không, thưa anh?

goi-banh-chung-250.jpg
Gia đình quây quần gói bánh chưng ăn Tết . Photo courtesy of Wikipedia.
Phạm Phú Minh: Vâng. Anh đặt câu hỏi này tôi nghĩ là rất hay, bởi vì không chỉ thời đại này mà thời đại nào chúng ta cũng phải đương đầu với một sự thay đổi mà nó sẽ làm phai dần đi những sự việc quá khứ và nó sinh ra những cái mới trong đời sống, nhưng riêng về cái Tết thì hình như chúng ta đều biết – như anh vừa nói đó – thì lo cây kiểng, lo làm bánh trái, lo trang hoàng nhà cửa, tất cả những việc đó trở thành truyền thống với dân mình rồi, và dân tộc Việt Nam vẫn làm đều đặn mỗi khi năm hết Tết đến. Cái đó nó làm cho có không khí Tết.

Tôi công nhận là anh vừa nêu lên một vấn đề rất đúng, là những chuyện chuẩn bị Tết nó là nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Những đời sống công nghiệp như anh vừa nói đó thì tôi nghĩ là nó chưa đủ sức để mà làm thay đổi nét truyền thống của chúng ta đâu.

Những đời sống công nghiệp như anh vừa nói đó thì tôi nghĩ là nó chưa đủ sức để mà làm thay đổi nét truyền thống của chúng ta đâu.

Nhà văn Phạm Phú Minh

Cái siêu thị theo tôi nghĩ thì nó chưa phá vỡ được cái truyền thống chuẩn bị Tết của người Việt Nam. Đó chỉ mới là một cái mảng của đời sống đô thị, trong khi đó thì đại đa số người dân Việt Nam nhất là ở nông thôn thì tôi nghĩ là họ vẫn giữ nguyên tập tục như là gói bánh tét bánh chưng, trồng hoa để chuẩn bị Tết, hay là trang hoàng nhà cửa, sửa sang vườn tược v.v. để đón Xuân. Thì chuyện đó tôi nghĩ là đại đa số dân mình vẫn còn giữ được.

Bây giờ quay về đời sống công nghiệp nó đương bắt đầu ở xã hội Việt Nam bây giờ đó thì tôi nghĩ là chỉ mới bắt đầu ở một số đô thị thôi, tôi cho là chưa đủ sức để thay đổi cái truyền thống của chúng ta một cách đáng kể.

Nhưng mà, thưa anh, bây giờ cái siêu thị thì sao? Thì nó cũng chỉ là một cái phiên chợ Tết thôi chớ gì? Nó cũng bán hoa quả, cũng bán bánh chưng bánh tét, cũng các loại bánh mứt kẹo. Hồi xưa thì ông bà chúng ta cũng đi chợ Tết, cũng đi mua sắm những thứ đó để về ăn Tết nếu như không làm ở nhà. Bây giờ cái siêu thị thì nó cũng là một loại chợ Tết, tôi nghĩ như vậy thôi, nhưng mà là một loại chợ Tết tân tiến hóa. Chính nó sẽ không làm gì thay đổi được cái Tết cổ truyền của chúng ta mấy đâu.

Truyền thống du Xuân

chua-huong-250.jpg
Du khách trên đường đến Chùa Hương. AFP photo/Hoang Dinh Nam.
Mặc Lâm: Thưa anh, trong thời gian gần đây người dân có khuynh hướng đi du lịch nước ngoài trong những ngày Tết thay vì chỉ loanh quanh trong nước như xưa. Anh có chia sẻ gì trước hiện tượng này ạ?

Phạm Phú Minh: Trước hết tôi rất cảm ơn câu hỏi này của anh bởi vì nó gợi cho tôi một tập tục rất là xưa của người Việt Nam, đó là du Xuân.

Du Xuân là một ý niệm và cũng là một sinh hoạt đã có từ lâu trong văn hóa Việt Nam, bởi vì trong nền văn minh nông nghiệp hồi xưa người ta quanh năm bám lấy ruộng vườn, không mấy khi được ra khỏi lũy tre làng, cho nên Tết là cái dịp duy nhứt trong năm để được đi chơi xa hoặc đi chơi gần, nhưng mà đó cũng có thể là một cuộc tham dự lễ hội ở làng bên, hay là đi viếng các đền chùa nổi tiếng, hoặc là những nơi có phong cảnh hữu tình, hoặc là đi về thăm quê ngoại, đi thăm bạn bè, bởi vì Tết thì được nghỉ, và được nghỉ thì người ta nghĩ đến chuyện đi chơi một nơi nào đó.

Thành thử du Xuân là một nhu cầu thoát ra khỏi cảnh trí quen thuộc nhàm chán mà mình đã ở và làm việc trong đó quanh năm suốt tháng, thì nó đã trở thành truyền thống của dân Việt Nam mình rồi.

Nhà văn Phạm Phú Minh

Thành thử du Xuân là một nhu cầu thoát ra khỏi cảnh trí quen thuộc nhàm chán mà mình đã ở và làm việc trong đó quanh năm suốt tháng, thì nó đã trở thành truyền thống của dân Việt Nam mình rồi. Tôi nghĩ là đi xa hay đi gần thì cũng vậy vì họ có nhu cầu phải di chuyển trong mấy ngày Tết.

Tôi nhớ là những cái Tết trước 1975 thì dân Sài Gòn có khuynh hướng đi chơi ở Đà Lạt, ở Vũng Tàu hoặc là Nha Trang, hoặc là ai có gốc gác ở miền Lục Tỉnh hoặc là Miền Trung thì thường là thực hiện một chuyến về quê ăn Tết. Về bản chất thì tôi cho đó cũng là một chuyến du Xuân. Việc đồng bào trong nước bây giờ đang có khuynh hướng đi chơi trong dịp Tết thì hay đi Thái Lan hay là các nước trong vùng Đông Nam Á thì tôi thấy đó cũng là chuyện tiếp nối truyền thống xưa nhưng trong khung cảnh và phương tiện của ngày hôm nay mà thôi.

Bản chất của những chuyến đi đó cũng là chuyến du Xuân, như ông bà chúng ta đã du Xuân ngày xưa nhưng mà bây giờ thì nó nới rộng cái địa bàn ra, và người dân có được cái khả năng, cái phương tiện để đi chơi xa hơn một chút, thì họ thực hiện một cuộc du Xuân mới vậy thôi, chớ tôi nghĩ thì nó cũng không khác gì cái truyền thống du Xuân ngày xưa.

Trò chơi Đỏ Đen

bai-choi-250.jpg
Hội đánh bài chòi trong lễ hội đền Lương Văn Chánh - Ảnh: KIM SA/Báo Phú Yên điện tử.
Mặc Lâm: Anh có thể nhắc lại những kỷ niệm mà anh nhớ nhứt trong những Tết của quê hương anh trong những lễ Tết của Miền Trung vào những năm xưa trước khi cuộc chiến kết thúc hay không, thưa anh?

Phạm Phú Minh: Vâng. Anh vừa nhắc đến Miền Trung thì tôi cũng là người Miền Trung, nói cụ thể hơn là người Quảng Nam, thì tôi có nhận xét là tôi sống ở Quảng Nam hồi còn nhỏ, tôi từ nhỏ lớn lên ở đó, cho nên tôi ăn nhiều cái Tết ở quê hương rồi.

Về phương diện xã hội thì tôi thấy nhiều cái tập tục đặc biệt trong ngày Tết, nếu mà so sánh với Miền Bắc thì nơi đất Miền Trung ít hơn, nó không có những lễ hội rầm rộ về mùa Xuân kia nọ chẳng hạn, thì tôi nghĩ cái đó là sự khác biệt tất nhiên thôi bởi vì Miền Bắc vốn là cái nôi văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam và ở đó đã nảy sinh và truyền lại cho đời sau nhiều tập tục cũ, trong khi đất Miền Trung và xa hơn nữa là đất Miền Nam thì là những đất mới cho nên bề dày văn hóa chưa dày lắm, cho nên những sinh hoạt, những tập tục ngày Tết chỉ có ít thôi.

Nhưng mà tôi có một nhận xét chung là người mình ở Việt Nam rất mê cờ bạc và Tết là một dịp thuận tiện để thực hiện những trò chơi làm thỏa mãn nhu cầu đỏ đen của người mình. Hầu như gia đình nào cũng có một sòng bạc nho nhỏ để chơi với nhau, hoặc là bạn bè tới cùng nhau gầy một sòng xâm hường, hay đánh các-tê, chơi sóc dĩa, vân vân ở trong gia đình đó vì tôi thấy hầu như gia đình nào cũng có.

Nhưng mà ở ngoài xã hội thì cũng có những trò chơi đỏ đen ở nơi công cộng, đại khái như ở Hội An là nơi chúng tôi đi học hồi nhỏ thì ngày Tết nơi nào trong phố cũng có những bàn bầu cua cá cọp, những bàn sóc dĩa. Nhưng mà có điểm đặc biệt mà tôi nhớ hoài, không quên được, là ở Hội An trong ngày Tết có một trò chơi gọi là Bài Chòi. Bài Chòi có nghĩa là đánh bài trong một cái chòi và đó là một trò chơi tập thể và Tết nào người ta cũng dựng lên nhiều cái chòi ở trong thành phố để bày trò chơi này.

Khi vào trò chơi thì người tham dự ngồi hai bên chòi trên những dãy ghé cao dần lên, ở giữa có một người xướng lên những con bài rút được, mà anh ta xướng lên bằng những câu thơ nghe rất thú vị. Những câu thơ đó đôi khi rất là ngộ nghỉnh. Cho nên Bài Chòi tôi nghĩ là một nét văn hóa hiếm hoi trong các trò chơi cờ bạc ở nước ta. Đó là những ký ức còn ghi được trong tôi từ tuổi nhỏ, đặc biệt là khi tôi đi học ở thành phố Hội An.

Pháo Tết

phao-tet-200.jpg
Đốt pháo ngày Tết. Photo courtesy of Nguyễn Hữu Tiến's Site.
Mặc Lâm: Vâng. Thưa anh, anh cũng vừa nhắc đến trò chơi bầu cua cá cọp thì thú thật với anh là nó đeo duổi tôi từ mấy chục năm nay, là vì hồi nhỏ tôi mong sao được ngày Tết để tôi ngồi trước bàn bầu cua cá cọp, là vì 6 cái hình trái bầu, con nai, con tôm, con cá, con cua, con gà nó đẹp lắm vì màu sắc sặc sở của nó, rồi cái tâm trạng hồi họp khi chờ đợi nhà cái giở nắp trình làng những con gì hiện ra có trúng với con gì mình đặt hay không. Hình ảnh bầu cua cá cọp đó nó làm cho ký ức mình gắn chặt với vùng quê hương của mình, mà nếu mất cái trò chơi đó thì cái Tết đối với tôi nó mất đi ít nhứt là 50%.

Bên cạnh bầu cua cá cọp còn có tiếng pháo nữa. Đón giao thừa mà không có pháo thì kể như không có giao thừa. Và sau này từ 1995 tới nay đất nước đã không còn cho đốt pháo nữa, thì khi cấm đốt pháo như vậy mình không còn nghe được mùi pháo, cái mùi thật quyến rũ đối với tuổi thơ. Như vậy là đời sống công nghiệp mỗi ngày nó làm mai một dần dần những ký ức đó. Có người nói đốt pháo không có lợi gì hết mà chỉ hại thôi. Theo anh thì đốt pháo có hại không?

Phạm Phú Minh: Tôi thì cũng giống như anh vậy. Tết với pháo là phải đi đôi với nhau. Từ hồi nhỏ mình nghe mùi pháo là mình thấy Tết rồi, vui lắm. Tôi cũng đã sống ở Sài Gòn một quãng thời gian từ năm 1988 cho đến lúc tôi đi Mỹ. Trong quãng thời gian này đời sống ở Việt Nam đã cởi mở nhiều lắm rồi cho nên người ta có đốt pháo.

Tôi đã chứng kiến những cái Tết người ta đốt pháo thật kinh khủng anh ạ, đến độ trong đêm giao thừa mình không thở được. Mình ở trong đường hẻm mà bốn phía khắp Sài Gòn đều nổ tung lên cả, khói tràn ngập không à. Khói pháo mà như trận cháy lớn vậy đó. Tôi nhớ hồi đó tôi ở trong nhà có một cô cháu mới sanh một em bé mà khói tràn ngập khắp nơi trong nhà và cô cháu phải bồng em bé chạy tuốt lên sân thượng để có một chút không khí loảng hơn để thở.

Qua những cái Tết như thế tôi thấy chuyện cấm đốt pháo cũng có cái lý do của nó chứ không phải không, ngoài cái chuyện nguy hiểm là gây hỏa hoạn hay là gây thương tật cho người đốt. Trong đô thị mà đốt pháo gây ô nhiễm trong cái đêm giao thừa như vậy thì tôi thấy là quá đáng thật.

Nhạc Xuân

pham-dinh-chuong-170.jpg
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Photo courtesy of cafevannghe.wordpress.com.
Mặc Lâm: Vâng. Nói tới pháo thì mình nghĩ tới âm thanh và nó cũng gợi cho tôi một nỗi nhớ khác là hình như trước 1975 bên cạnh tiếng pháo còn có tiếng nhạc nữa đó anh. Tôi cũng nhớ là hồi xưa có máy cassette nho nhỏ mở nhạc suốt từ đêm giao thừa cho tới mùng hai những bản nhạc Xuân làm cho không khí trong gia đình vui hẳn lên vì hình như người ta thích nhạc Xuân lắm. Anh có kỷ niệm nào về những bản nhạc Xuân trước năm 1975 không, thưa anh?

Phạm Phú Minh: Dạ, kỷ niệm thì nhiều anh ạ, bởi vì tôi cũng giống như anh, bởi vì mình đã được nuôi dưỡng trong cái nền âm thanh đó. Tết thì phải có những bản nhạc Xuân. Ngoài cái chuyện trang trí nhà cửa, bánh mứt rượu chè, thì cái âm thanh cũng đóng góp một phần nhưng mà cái này cũng không nằm trong truyền thống Việt Nam lắm bởi vì nó mới chỉ có sau này thôi.

Nhưng mà đúng là âm thanh là một yếu tố rất quan trọng. Nói thẳng ra là âm nhạc, là nhạc Xuân đóng góp vào không khí Tết rất quan trọng , nó làm cho không khí Tết tưng bừng lên thật vui vè, nó kích động tâm lý mình làm cho mình vui hơn trong ngày Xuân. Kể ra nhạc Xuân của mình tuy lịch sử tân nhạc Việt nam chúng ta cũng mới thôi, được khoảng bảy chục năm, nhưng mà tôi để ý nhạc Xuân cũng trở thành một yếu tố quan trọng đóng góp cho ngày Xuân, ngày Tết của dân tộc.

Nhưng riêng tôi thì tôi cho bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là bản nhạc quan trọng nhất đối với cái Tết của Việt Nam.

Nhà văn Phạm Phú Minh

Nhưng riêng tôi thì tôi cho bài Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là bản nhạc quan trọng nhất đối với cái Tết của Việt Nam. Nếu tôi nhớ không lầm thì bài đó được nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết khoảng năm 1955, tức là sau khi cuộc chiến Đông Dương kết thúc vào 1954, và cái Tết 1955 là cái Tết đầu tiên mà cả dân tộc được hòa bình, cho nên cái cảm hứng của tác giả lúc bấy giờ viết nên một bản nhạc mà tôi cho là rất quan trọng nói lên cái tâm thức của dân tộc mình được sống trong hòa bình, được vui với cảnh thanh bình và hướng về tương lai.

Tôi nhớ bài đó được hát trong cái Tết 1955 và bản nhạc đó được đăng trên một tờ báo Xuân ở Sài Gòn. Từ năm đó bài hát này luôn luôn được mọi người hát hay đón nghe mỗi khi Tết đến Xuân về. Theo tôi, đó là một nhạc phẩm rất là lớn, nó diễn đạt nỗi vui của mỗi tâm hồn Việt Nam trong dịp năm mới, nó diễn đạt cái tình thương yêu của mọi giới người trong xã hội, và nó cũng diễn đạt niềm hy vọng chứa chan của cả một dân tộc khi nghĩ tới bước đường tương lai.

Mặc Lâm: Vâng. Một lần nữa xin cảm ơn nhà văn Phạm Phú Minh đã cho chúng tôi buổi nói chuyện rất lý thú ngày hôm nay.
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/traditional-tet-mlam-01212012145607.html




Gia đình Đoàn Văn Vươn 'không Tết'

Nguyễn Hùng

bbcvietnamese.com

Cập nhật: 12:47 GMT - chủ nhật, 22 tháng 1, 2012

Ông Đoàn Văn Vươn trên Truyền hình Hải Phòng

Truyền hình Hải Phòng chiếu hình ảnh ông Đoàn Văn Vươn nói mình đã sai và xin 'khoan hồng'

Em dâu ông Đoàn Văn Vươn nói gia đình năm nay sẽ "không còn Tết" vì sự thiếu vắng của năm người đàn ông sau vụ cưỡng chế đất hôm 5/1.

Bà Phạm Thị Hiền, vợ của ông Đoàn Văn Quý, người hiện đang bị bắt giam cùng ông Vươn và ông Đoàn Văn Sịnh, cũng nói bà không cho rằng người nhà bà đã chống người thi hành công vụ mà chỉ "tự vệ quá mức" trong vụ mà bà nói bà coi là "cướp".

Nói chuyện với BBC hôm 20/1, tức 28 Tết, bà Hiền cho biết:

"Chúng em ngoài những tiếp khách, các đoàn thể về thì bọn em không còn thời gian nghĩ đến Tết nữa vì Tết này không trọn vẹn nữa nên bọn em cũng có nhiều cái phải suy nghĩ lắm.

"Mọi người cứ động viên là phải lo cho các cháu cái Tết đầy đủ mới lại chị em phải thế nọ thế kia nhưng mà em nghĩ rằng gia đình em sẽ không còn Tết vì gia đình rất lo lắng cho các anh ấy ở trong đấy."

Bà cũng nói: "Nhà em có năm người đàn ông thì đã ba người bị bắt, hai người phải trốn nên nhà bây giờ còn năm người đàn bà và những đứa trẻ con."

Hiện những người phụ nữ trong gia đình họ Đoàn đang ở nhà của người em út Đoàn Văn Thoại, người đang bỏ trốn.

Gia đình cũng nói với báo Bấm Giáo dục Việt Nam rằng họ muốn xây một chiếc lều trên diện tích 20 ha không bị cưỡng chế trong dịp trước Tết nhưng chính quyền chưa chấp nhận.

"Nhà em có năm người đàn ông thì đã ba người bị bắt, hai người phải trốn nên nhà bây giờ còn năm người đàn bà và những đứa trẻ con."

Bà Phạm Thị Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý

Hiện chính quyền Tiên Lãng đang quản lý toàn bộ 40 ha đất và đầm của gia đình ông Vươn trong khi báo Bấm VietnamNet đưa tin nhiều người 'lạ mặt' đã dùng các thiết bị điện để đánh bắt hải sản mà hộ ông Vươn nuôi thả từ đầu năm 2011 và dự định sẽ bán trong dịp Tết Nhâm Thìn.

Một thiếu tướng và cựu Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị của quân đội Việt Nam cũng đặt dấu hỏi với cách hành xử của chính quyền Tiên Lãng.

Tướng Bấm Huỳnh Đắc Hương nói ông cùng gia đình và một số quân nhân đã tới thăm khu đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn hồi năm 1999 và khẳng định ông Vươn là "tấm gương làm kinh tế" để noi theo.

Trong khi đó chính quyền Tiên Lãng nói ông Vươn "không phải là người tốt" và những hành động của chính quyền Tiên Lãng được sự ủng hộ của Mặt trận Tổ quốc huyện cũng như của lãnh đạo thành phố Hải Phòng.

Các quan chức Hải Phòng cũng nói người dân địa phương "ủng hộ" chính quyền trong vụ cưỡng chế đất hôm 5/1.

Sức khỏe thân nhân

Đoàn cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 19/1 đã có chuyến thăm Hải Phòng và cũng đã gặp gỡ gia đình ông Vươn.

Kể lại về nội dung trao đổi với đoàn, bà Hiền nói:

"Em cũng nói là nếu bây giờ để mà tin thì từ thành phố tới cấp xã bọn em chắc chắn không còn niềm tin nữa nhưng mà bọn em tin rằng tới cấp trung ương thì tất cả các ban ngành sẽ trả lại sự công bằng cho nhà em, tội đến đâu thì xử đến đấy nhưng mà xin là hãy giải quyết nhanh..."

"Và họ còn hỏi là 'có còn điều gì nữa không' thì em nói là 'bây giờ với gia đình em ở bên ngoài thì em cũng yên tâm phần nào rồi vì có rất nhiều mọi người đứng xung quanh. Nhưng em lo lắng nhất là tình hình sức khỏe của các anh ấy trong trại giam.'

"Đoàn cũng hứa là sau khi rời nhà em thì đoàn sẽ về khu trại giam Trần Phú và cũng có ý kiến là phải chăm sóc các anh ấy thật tốt và cũng hứa là ra ngoài Tết là sẽ giải quyết việc nhà em ngay."

Bà Hiền nói gia đình không được tiếp xúc với ba người thân của gia đình bị bắt từ tuần đầu của tháng Một. Bà cũng nói với BBC bà "không ân hận" về những gì xảy ra.

Bà nói: "Nếu gia đình em không chấp nhận hy sinh, không chịu mất thì không có gì được của xã hội cả.

Bà Phạm Thị Hiền



"Bây giờ với gia đình em ở bên ngoài thì em cũng yên tâm phần nào rồi vì có rất nhiều mọi người đứng xung quanh. Nhưng em lo lắng nhất là tình hình sức khỏe của các anh ấy trong trại giam."

"Gia đình em chấp nhận mất để xã hội được. Có nghĩa là thứ nhất là về Đảng của Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ loại bỏ được những u nhọt đứng trong hàng ngũ của Đảng.

"Thứ hai là nếu nhà em không chịu mất, không chấp nhận hy sinh thì tất cả bà con trên cả nước này, những người dân thấp cổ bé họng mà đang bị áp bức như nhà em không có chỗ nào để kêu cứu.

"Và cái được thứ ba nữa là các hộ nuôi trồng thủy sản của huyện Tiên Lãng, họ sẽ được rất nhiều vì họ sẽ không phải chịu cái cảnh như gia đình em nữa.

"Thế nhưng mà em thấy là gia đình em sai ở một chỗ là mình đã làm quá một chút.

"Nhưng mà em chỉ nghĩ là mình tự vệ quá giới hạn thôi chứ em không cho rằng gia đình em đã chống người thi hành công vụ bởi vì em nghĩ rằng đấy không phải là người thi hành công vụ, bọn em cho rằng đấy là cướp chứ không phải thi hành công vụ."

"Và để mà nói cái sai của chính quyền thì họ sai nhiều lắm bởi vì nếu như nói về luật thì họ sai ngay từ đầu đến đuôi. Như [cựu] thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ nói họ sai từ huyện đến xã, sai rất là nhiều."

'Mất lòng tin'

Chính quyền Tiên Lãng nói họ đã nhiều lần vận động gia đình ông Vươn trả đất cho chính quyền để giao lại đất theo hình thức đấu thầu trong đó gia đình ông Vươn sẽ được "ưu tiên".

Chính quyền cũng thừa nhận có nhiều phần đất do gia đình ông Vươn bồi lấn biển mà có.

Tuy nhiên chị Hiền nói gia đình không còn tin vào chính quyền và giải thích: "Vì sao mà chúng em mất lòng tin, vì sao mà chúng em không giao lại đất? Bởi vì thứ nhất là như đất nhà em là chỉ được cấp đổi lại chứ không được cấp lại.

"Cái thứ hai nữa là ở xã em đã xảy ra rất nhiều những trường hợp là chính quyền bảo 'giao đi rồi sẽ giao lại' nhưng giao đi và không có giao lại nữa. Rất nhiều trường hợp đã bị giao và người ta không ký lại nữa người ta đã bàn giao cho người khác."

Trang tin VietnamNet nói đầm của gia đình ông Vươn bị những người 'lạ mặt' đánh bắt cá sau khi cưỡng chế

"Rất nhiều trường hợp như thế ở xã em nên giờ bảo giao lại cho huyện thì chúng em tin rằng huyện sẽ không bao giờ bàn giao cho bọn em nữa nên bọn em đã không làm việc đó."

Đài truyền hình Hải Phòng mới đây đã chạy phóng sự về vụ giải tỏa đất đai hôm 5/1 và nói "không thể nói ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng sai" cũng như khẳng định chính quyền địa phương đã hành động đúng luật pháp.

Truyền hình thành phố cũng chiếu hình ảnh hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý nhận đã "sai" và xin "khoan hồng".

Tuy nhiên bà Hiền nói: "Em nghĩ rằng đến bây giờ họ quay TV của Đài Hải Phòng thì họ vẫn bảo thủ, họ không nhận sai mà họ cho rằng mình sai hoàn toàn.

"Họ chỉ quay mỗi cái câu ấy lên thôi thì em cho rằng không công bằng bởi vì chắc là gia đình em sẽ còn nói rất nhiều."

Vụ cưỡng chế đất tại Tiên Lãng cũng cho thấy sự khác biệt trong cách nhìn nhận của địa phương và trung ương.

Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam có quan điểm cảm thông với gia đình ông Vươn trong khi Mặt trận Tổ quốc Tiên Lãng bảo vệ việc thu hồi đất đai mà không có bồi thường của chính quyền huyện.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120122_doan_van_vuon_family_tet.shtml

No comments: