Nguyễn Hồng Phúc –
Mạn đàm về Cải lương thời hiện đại
Cải lương khi nói đến tất cả người dân Nam bộ đều biết, thế nhưng nghệ thuật này từ nhiều thế hệ người dân Nam bộ đã phát triển lan dần ra Bắc bộ. Ngày nay người Việt Nam đều biết nghệ thuật cải lương này, xuất phát từ hơn một thế kỷ và đã dần bị mai một do thời hiện đại, thật chua xót và luyến tiếc cải lương của một thời vàng son.
Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ.[1]
Giải thích chữ “cải lương” theo nghĩa Hán Việt, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: “cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn”, thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản.
Lịch sử cải lương xuất phát từ Đờn ca tài tử, theo giáo sư học gia Vương Hồng Sển, người ta nghe hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai thét hóa nhàm thì các ban tài tử đờn ca xuất hiện. Buổi đầu, khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, các nhóm đờn ca được thành lập cốt để tiêu khiển, để phục vụ trong các buổi lễ tại tư gia, như đám tang, lễ giỗ, tân hôn…nhưng chưa hề biểu diễn trên sân khấu hay trước công chúng. Đến lối Ca ra bộ, qua lối năm 1910, ông Trần Văn Khải kể:
Ở Mỹ Tho có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, người Cái Thia, tục gọi Tư Triều (đờn kìm), Mười Lý (thổi tiêu), Chín Quán (đờn độc huyền), Bảy Vô (đờn cò), cô Hai Nhiễu (đờn tranh), cô Ba Đắc (ca sĩ). Phần nhiều tài tử nầy được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp. Khi về, họ cho biết rằng Ban tổ chức có cho họ được đờn ca trên sân khấu và được công chúng đến xem đông đảo…
Vũ Luân và Tú Sương trong vai Kim Trọng và Thúy Kiều (ảnh: Huỳnh Đức) |
Nghe được cách cho “đờn ca trên sân khấu”, từ đấy hình thành Cải lương.
Từ nghệ sỹ Năm Châu, Tư Út, Phùng Há, Ba Liên trong tuồng Khúc Oan Vô Lượng, gánh Trần Đắc (Cần Thơ) diễn trên sân khấu khoảng năm 1931
Qua năm 1918, cũng theo học gia Vương Hồng Sển, bỗng Tây thắng trận ngang (Đệ nhất thế chiến), mừng quá, toàn quyền Albert Sarraut nới tay cho phép phe trí thức bày ra một cuộc hát lấy tiền dâng “mẫu quốc” và cho phép lập hội gánh hát để dân bản xứ lãng quên việc nước, thừa dịp đó dân trong Nam bèn trau giồi nghề đờn ca và đưa tài tử salon lên sân khấu…. Nhân cơ hội ấy, ông Năm Tú (Châu Văn Tú) ở Mỹ Tho chuộc gánh của ông André Thận rồi sắm thêm màn cảnh, y phục và nhờ ông Trương Duy Toản soạn tuồng, đánh dấu sự ra đời của loại hình nghệ thuật cải lương. Cải lương ra đời năm 1918 ở miền Nam, nó phát triển được khắp các miền đất nước. Nơi nào cũng tiếp nhận dễ dàng. Khác với một số thể loại như chèo chỉ ở Bắc, cung đình chỉ ở Huế, ca kịch bài chòi chỉ ở Nam Trung Bộ…[2]
Đến năm 1920, cái tên “cải lương” xuất hiện lần đầu tiên trên bản hiệu gánh hát Tân Thịnh (1920) với câu liên đối:
Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh
NS Phượng Hằng sẽ có mặt trong đêm " dạ khúc tri âm"
Mặc dù học gia Vương Hồng Sển đã nói cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ, nhưng đã đi vào lòng người hơn một thế kỷ qua.
Nhân dịp xem một cuộc phỏng vấn cô ca sĩ Hương Lan trong chương trình tivi Việt Tiến Toronto về sự suy thoái của nền cải lương miền Nam, tôi cảm thấy ngậm ngùi vừa luyến tiếc cho một nghệ thuật đã làm say mê cả một dân tộc gần hơn một thế kỷ. Chắc hẳn tất cả những ai quan tâm đến nghệ thuật đều thắc mắc lý do gì đưa đến sự suy thoái của những nghệ thuật dân gian như hát chèo, cải lương, country music bên Mỹ…
Những dòng nhạc này lần lần trở nên kém phổ thông và dần dà bị thế hệ trẻ bỏ quên. Có lẽ nhịp sống xô bồ và công nghệ tiến nhanh của thời đại mới đã nhanh chóng làm dòng nhạc mới (nhịp sóng xanh) nhanh hơn với những loại nhạc techno, rap lấn áp và đẫy lùi về quá khứ những loại nhạc không còn thích hợp với thời đại mới như cải lương hay country music chăng!.
Lúc thuở nhỏ tôi không thích cải lương cho lắm. Khi nghe lần đầu tiên Ca sĩ Út Trà Ôn ca bản Tình anh bán chiếu, tôi cảm nhận được giọng điệu rất truyền cảm và ngọt ngào của vọng cổ. Tôi mới hiểu ra tại sao cải lương và vọng cổ có sức hút mãnh liệt với đời sống bình dị của quần chúng miền Nam. Ba má tôi và bà con dòng họ rất mê vọng cổ và cải lương đến nỗi họ vừa làm việc vừa mở radio để nghe vọng cổ mùi mẫn. Tôi ngưỡng mộ vọng cổ và cải lương nhưng không đam mê bằng họ.
“Kịch hát cải lương” đã hình thành và phát triển trong điều kiện một xã hội đang có nhiều biến động, trong đó cơ bản nhất vẫn là sự thay đổi trong đời sống xã hội, sự đòi hỏi phải có một loại hình nghệ thuật mới có khả năng đưa lên sân khấu những nhân vật mới của tầng lớp mới.
Lúc đầu hai chữ “cải lương” cũng chỉ mang một ý nghĩa, một ước vọng “đổi mới”, “cải cách” sân khấu tuồng, chèo cho phù hợp với thời đại. Như cách nói của thời bấy giờ là cải lương tuồng và chèo – hai loại hình sân khấu truyền thống lâu đời cho phù hợp với tầng lớp khán giả tân thời, quảng đại, tầng lớp trí thức, công chức, thị dân, bình dân ở các đô thị đang ngày càng phát triển, cũng túc là phải có một nền sân khấu không bạo liệt như tuồng, không trào lộng như chèo, cũng ca hát, nhưng bình sân hơn, hiện thực hơn, trữ tình hơn, dễ đi sâu vào mọi khía cạnh tâm lý của một tầng lớp xã hội mới.
Cùng một thi gian ra đời với sân khấu cải lương, trên diễn đàn văn chương, có tiểu thuyết với những tác phẩm mà tên gọi của nó như Hồn bướm mơ tiên, Lan và Điệp v.v… để đi vào tầng lớp thanh niên, sinh viên ; có thơ mới lớn nhanh thành một phong trào sôi nổi, làm xao xuyến cả một thế hệ thanh niên đương thời, có cả kịch nói – còn gọi là thoại kịch hay tân kịch, kịch thái tây, để phân biệt với kịch hát tuồng,chèo, nhiều đêm đã có chương trình biểu diễn tại các nhà hát lớn ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng. Sân khấu cải lương đã nhanh chống trở thành một kịch chủng và sớm tự khẳng định mình ở trong và ngoài nước.
Trong hai thập niên 60-70 ai ai ở miền Nam đều biết đệ nhứt danh ca vọng cổ Út-Trà Ôn,đặc biệt với bài Tình Anh Bán Chiếu, là một bài vọng cổ đã đưa vào lòng dân tộc chúng ta bất diệt, đã làm rơi nước mắt bao triệu khán giả mặc dù Út-Trà Ôn cũng như tác-giả bản ca Vọng Cổ do Ông Cao-Văn-Lầu (1892-1976) tức Sáu Lầu đã thực-hiện ngày nay không còn nữa. Ngoài ra, chúng ta còn thấy tuồng Tuyệt Tình Ca tức Ông Cò Quận 9 nghệ sỹ Út-Trà-Ôn đã thủ vai Ông Cò rất xuất sắc và trung-thực trong vỡ tuồng tình-cảm xã-hội.
Đây là một trong những tuồng hay nhứt đã trở thành bất tử đối với bà con đồng hương chúng ta. Vào năm 1991 nếu bà con đồng hương có dịp xem băng hình tuồng cải lương Nhạc lòng năm cũ, với vai Ông Hội Đồng do Út-Trà-Ôn thủ vai và Út-Bạch-Lan với vai Bà Hội Đồng nay đã già yếu, hợp cùng các nghệ sĩ hữu danh : Lệ-Thủy, Minh-Vương, Phượng-Liên, Phương-Quang, Hữu-Tài v.v cũng làm khán giả rơi lệ, không những về bố cục tác-phẩm mà do các vai của các nghệ-sĩ thủ tròn các vai.
Út Bạch Lan & Thành Được trong Nữa Đời Hương Phấn. Hùng Cường và Bạch Tuyết rất nỗi tiếng với điệu twiss khi trình diễn tân nhạc giao duyên. Minh Cảnh và Lệ Thủy với vọng hò truyền cảm. Thanh Nga và Thành Được với vở tuồng Tiếng hạt trong trăng, cho đến bây giờ đã hơn 40 năm và cũng có nhiều ca sỹ mới đóng diễn lại vỡ tuồng nỗi tiếng nầy nhưng tôi vẫn chưa thấy nghệ sỹ nào đóng diễn xuất sắc như cặp bài trùng này… Giờ đây, nghệ sỹ Út Trà Ôn đã nằm xuống, nhưng tiếng hát của Ông vẫn mãi mãi ghi tâm khảm của mọi người, nhất là quý bà con ở lục tỉnh Miền Tây đất nước chúng ta, rất thương nhớ và tâm đắc không khác “Bá Nha và Tử Kỳ” vậy.
So với tuồng và chèo, phải mất hơn một nghìn năm hình thành và phát triển, để có được những tác phẩm hoàn chỉnh về văn học và biểu diễn, trở thành những tác phẩm cổ điển như Sơn hậu, Quan Âm Thị Kính, thì, sự xuất hiện của cải lương chỉ trong vài mươi năm, từ dòng ca nhạc tài tử đến phong trào ca ra bộ dẫn đến những tác phẩm cải lương lừng danh như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, chỉ là một thời gian ngắn ngủi.
Chính vì lẽ đó, cho nên, không ít người xem nhẹ cải lương, thậm chí còn cho là lai căng mất gốc, hoặc xem cải lương như là một trò ca hát rẻ tiền, tầm thường, sặc sỡ, loè loẹt, kém chất văn học, biểu diễn tự nhiên phù hợp với đông đảo khán giả.
Ðội ngũ nghệ sĩ cải lương cũng có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, khi một số diễn viên tên tuổi vang bóng một thời tự đứng ra tổ chức những đêm diễn, những chương trình biểu diễn chọn lọc mang tính chất chuyên đề như Bài ca tặng mẹ, Dòng sông và nỗi nhớ, Hoài niệm trong tôi, v.v. tuy có gây xôn xao công chúng nhưng chỉ mang tính khua động nhất thời và gói gọn trong phạm vi tôn vinh, tưởng niệm sự nghiệp nghệ thuật của một cá nhân nên khó lay chuyển được tình trạng xuống cấp của hoạt động cải lương nói chung.
Bên cạnh đó lại có cách trở về dựng lại những tác phẩm tiêu biểu của cải lương như Lá sầu riêng, Sông dài, Tô Ánh Nguyệt, Ðoạt tuyệt, Lan và Ðiệp, Máu nhuộm sân chùa, Tình sử Dương Quý Phi, Mạnh Lệ Quân, v.v. nhằm thu hút sự chú ý của khán giả với nhà hát.
Ngoài ra còn có hướng đưa vào trong lòng vở diễn cải lương những nhân tố đang hấp dẫn công chúng như tăng chất hài, hoặc bổ sung tính tạp kỹ với sự tham gia của xiếc, của ca nhạc nhẹ, múa hiện đại… để đa dạng hóa mầu sắc biểu cảm bộ môn sân khấu này. Nhưng tất cả những nỗ lực như thế đều chỉ làm thay đổi bề mặt, hoặc chỉ đem thêm gia vị làm xôm trò từng tiết mục cụ thể, không động chạm tới toàn bộ hoạt động của sân khấu cải lương, không ngăn chặn được đà suy thoái của loại hình sân khấu này.
Sau năm 1975, các địa phương thi nhau lập đoàn cải lương, có đoàn do Nhà nước lập, có đoàn do tư nhân, người dân nông thôn lại được trực tiếp thưởng thức thể loại sân khấu này, vì trước đó do chiến tranh các đoàn hát không về địa phương diễn. Số lượng đoàn cải lương nhiều tới mức kỷ lục! Chỉ riêng tại An Giang đã có các đoàn cải lương: Văn Công, Hương Lúa Mới, An Giang – Khánh Hồng, Long Xuyên – Kim Chưởng, An Giang Thoại Sơn, Anh Đào, Châu Long, Quốc Hương, Lúa Vàng…
Trong giai đoàn này, các tuồng tích không hay, cũng không có gì mới, diễn viên cũng chỉ lặp lại những gì xưa cũ, không thoả mãn được sự yêu thích và nói được tiếng nói của quần chúng khán giả, hơn nữa theo tinh thần quá thực dụng kiểu “mì ăn liền” nên khán giả quay lưng với cải lương. Từ 1990 đến nay là thời kỳ suy vi của cải lương, ở An Giang chỉ còn Đoàn Hoa Anh Đào của bầu hề Thiện cũng sống lây lất qua ngày ở nông thôn.
Sân khấu cải lương hiện đang trong thời kỳ khó khăn. Sự khó khăn lần này kéo dài suốt từ cuối thế kỷ 20 sang tới tận thập niên đầu thế kỷ 21, càng lúc càng xuống cấp, chưa biết lúc nào dừng. Ðây cũng là thời kỳ khó khăn toàn diện của sân khấu cải lương, từ sáng tác kịch bản đến biểu diễn; từ đội ngũ nghệ sĩ đến khán giả… Thậm chí đã có ý kiến đặt vấn đề, phải chăng cải lương đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và đến lúc phải giã từ sàn diễn, chia tay công chúng, lui vào hậu trường, ”sống” với tư cách làm vật chứng cho quá khứ vàng son một đi không trở lại.
Cải lương suy là do không còn độc quyền trong việc thoả mãn nhu cầu thưởng thức văn nghệ của quần chúng, có nhiều thể loại khác hấp dẫn hơn và qua các hệ thông tin đầy đủ hơn. Về chủ quan, những nghệ sĩ cải lương sau này chưa hiểu hết được ý nghĩa hai chữ cải lương, chỉ còn lây lất sống dưới bóng của các tiền nhân tài hoa để lại. Nhu cầu của xã hội càng ngày càng cao, còn cải lương lại dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Các đoàn cải lương hiện nay đều hơn các gánh cải lương thời xưa về mọi mặt, nhưng lại thua một mặt duy nhất: Tấm lòng của quần chúng khán giả. [2]
Cải lương là bộ môn có sức phổ biến sâu rộng. Sự tồn tại và phát triển suốt gần một thế kỷ cho thấy khi nào cải lương biết phát huy ưu thế và điều chỉnh những hạn chế, lại bắt gặp hoàn cảnh xã hội, kinh tế thuận lợi thì sẽ vượt lên trước so với các bộ môn sân khấu khác.
Ngược lại, khi nào cải lương xa rời đặc trưng vốn có, cuốn mình theo cung cách làm ăn dễ dãi, tùy tiện, cộng thêm tác động bởi mục đích thương mại và bị các áp lực phức tạp khác chi phối thì sẽ sa sút, thậm chí đối mặt với nguy cơ tàn lụi. Tất nhiên bên cạnh sự thành công còn có nhiều thất bại, mà nguyên nhân của nó chính là còn thiếu những kịch bản cải lương hàm chứa đủ hai yếu tố: sức sống và hiện đại, một bài học mà chính cải lương đã làm nên. Cụ thể là chúng ta đang thiếu những tác phẩm đầy sáng tạo từ chất liệu cuộc sống hiện đại.
Bác Nguyễn Phương có cho ý kiến trong Thời báo Canada như sau: “Tuy trong xứ đang gặp buổi khó khăn nhưng vẫn có nhiều gánh hát mới thành lập, khán giả rạp hát cải lương thì đông hơn khán giả hát bội, đến các báo cũng thường bình phẩm tuồng hát cải lương và có nhiều ban tài tử lập ra để chấn hưng điệu hát cải lương. Hát cải lương của ta giống như Opéra Comique, Opérette của Tây, nghĩa là tuồng có hát lẫn nói chuyện.
Nhưng thường thường Opérette của Tây là những bản kịch ngắn, vui, hài hước, phần nhiều là những chuyện tưởng tượng, hiếu kỳ (Oeuvre d’imagination de fantaisie). Tuy mục đích của nó là giúp vui cho người ta nhưng cũng có ít nhiều triết lý cao thâm ngộ nghĩnh. Còn cải lương tuồng của mình thì khác, tuồng nào cũng có ý răn đời, dạy đời, lấy câu này làm kết cuộc: thiện ác đáo đầu chung hữu báo. Thế mới biết người mình còn thiệt thà lắm, còn tin nơi Thượng đế, tin nơi quỷ thần.
Muốn răn đời, dạy đời bày trên sân khấu nhưng cảnh không giống ở đời. Một bản tuồng, kịch mà có tính cách răn đời, dạy người, tả cái tâm lý của hạng người xấu, tốt; diễn một chuyện biểu hiện cái phong hóa trong xứ, nói tóm lại cái tranh xã hội thì phải giống sự thật ở đời người ta mới tin được. Thế chỉ có hí kịch (comédie), bi kịch (tragédie) hay bi hí kịch (tragic-comédie) mới mô tả được như thế.
Đào hát, kép hát thì chúng ta có nhiều người thật là tài tử thiệt thọ (de vrais artistes) như cô Phùng Há, cô Năm Phỉ, Messieurs Châu, Chơi, Danh, Nhiêu và một số khác khá đông nhưng thầy tuồng và người xếp cảnh (metteur en scène) thì quá ít. Thầy tuồng không phải ai cũng làm được. Phải có học vấn nhiều, phải có óc xem xét (esprit d’observation), suy đoán, sáng tác, có tài; nói tóm lại, phải là một nhà văn sĩ đúng đắn. Chính người thầy tuồng và người dàn cảnh (etteur en scène) là người chỉ dạy cho nghệ sĩ diễn tuồng có mạch lạc và đúng tính cách nhân vật như vở tuồng đã quy định.
Thời gian mấy năm nay, tuồng hát từa tựa như nhau, lúc này là ‘thọ hàm oan’ là cái đề được thạnh hành. Tuồng hát dài lắm vì tác giả không biết bố cục; viết như tiểu thuyết tràng giang đại hải, tả nhiều cái lặt vặt tỉ mỉ, văn chương rườm rà, bài ca đặt sai chỗ… Một con đòi, một đứa nhỏ, một ông chủ quán mà cũng mồm mép văn chương. Vở tuồng đầy những than khóc ríu rít, kể lể có dây có nhợ. Biết rằng người mình thì ưa như vậy nhưng mà lâu quá, kéo dài quá thì người ta chán, người ta bực mình muốn la lên ‘rồi chưa’.
Bà Nguyễn Thị Kiêm, người nữ ký giả kịch trường đầu tiên của miền Nam đã tiên đoán bộ môn hát cải lương của miền Nam là bộ môn văn nghệ của quảng đại quần chúng nên nó nhứt định ngày càng phát triển, nó sẽ có tuổi thọ dài lâu, phải chăng bà Nguyễn Thị Kiêm cũng đã tiên đoán rằng một khi bộ môn cải lương không còn là bộ môn văn nghệ của quảng đại quần chúng mà nó trở thành “Công Cụ Tuyên Truyền” thì nó sẽ không được quần chúng ưa thích nữa. Nó sẽ chết như hiện nay, tức là sau năm 1975.” [3]
Cũng như ký giả nữ Nguyễn Thị Kiêm viết trong báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1934:”Qua điệu hát cải lương, tôi liên tưởng đến mọi phương diện báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện thơ, truyện dài, truyện dịch, tiểu thuyết, các loại sách bình dân, các điệu hát chứng tỏ miền Nam có phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ nhất là truyền thống văn nghệ miền Nam bao giờ cũng nằm về phía quảng đại quần chúng. Bộ môn hát cải lương thuộc về bộ môn văn nghệ của quảng đại quần chúng nên nhứt định nó càng ngày càng phát triển. Cải lương sẽ có một tuổi thọ rất dài lâu…”. [5]
Ngày nay địa bàn hoạt động trình diễn của những tuồng cải lương bị giới hạn trong một vài địa điểm như Rạp Bến Thành, Trần Hưng Đạo và Thủ Đô, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ở Củ Chi, Tây Đô ở Cần Thơ.
Chúng ta còn nhớ những năm 90 nghệ sỹ hải ngoại như Phi Nhung & Mạnh Quỳnh và đoàn quay phim dày công trở về Việt Nam nhiều lần để hợp tác với các nghệ sỹ trong nước để cố gắng diễn lại những phim truyện cải lương nỗi tiếng như Tô Ánh Nguyệt, Lương Sơn Bá & Chúc Anh Đài. Những phim truyện này lúc đầu được hoan nghênh đón chào nồng nhịp. Rồi dần dần người ta nhận ra rằng nghệ sỹ hải ngoải, mặc dù có rất nhiều cố gắng nhưng tài nghệ có giới hạn và nghệ thuật diễn xuất chẳng bằng những nghệ sỹ già tràng đầy kinh nghiệm trong nước. Cộng thêm hiện tượng copy phim lậu hoành hành ở hải ngoại khiến những nghệ thuật phim truyện cải lương không còn khả năng tài chánh để thực hiện nỗi những bộ phim tuồng quá tốn kém….
Ngày nay khán giả Việt Nam hải ngoại nếu còn mê cải lương có thể mua DVD thực hiện ngoài trời thiên nhiên dưới dạng phim truyện chứ không còn trình diễn trong rạp với rợp ánh đèn mờ mờ ảo ảo cộng với tiếng vổ tay rộn ràng dưới sân khấu như ngày xưa nữa…Tâm lý khán giả ngày nay cho rằng những tuồng cải lương ít có giá trị nghệ thuật nên họ chỉ mua DVD giả rẻ tiền. Hiện tượng sao chép băng giả càng không giúp cải thiện tình trạng mai một của nền cải lương và ảnh hưởng đến nền nghệ thuật tổng quát trên thế giới. Nhưng nếu khán giả còn hâm mộ nền nghệ thuật Việt Nam và quyết tâm ủng hộ nó thì nên mua DVD chính gốc để cho nền nghệ thuật ấy được duy trì lâu hơn…
Trên đà phát triển của xã hội, sân khấu cải lương sẽ vẫn là một hình thức nghệ thuật nhạy bén, phản ánh được nhiều khía cạnh của con người và đời sống xã hội hiện đại. Sân khấu cải lương đã và sẽ tồn tại lâu bền với cuộc sống hiện đại nếu được cải tổ sáng tạo…Người ham mộ cải lương trong nước đa số là dân lao động vì thế cải lương cần sửa đổi và cải tổ mới mẻ hơn nửa để thu hút tầng lớp trí thức…
Ca sỹ cải lương trong nước trước 1975:
Út Trà Ôn & Út Bạch Lan (đào kép chính của đoàn Thống Nhất) 60-75
Hoàng Giang & Việt Hùng – kép độc
Bảo Quốc & Tấn Tài – kép trung trung
Thanh Nga – đào chính &Thành Được – kép chính trong đoàn Thanh Minh&Thanh Nga
Thanh Sang & Phượng Liên & Ngọc Giàu – Hữu Phước
Minh Cảnh & Lệ Thủy
Bạch Tuyết & Hùng Cường
Thanh Thanh Tâm & Hương Lan & Mỹ Châu, Mộng Tuyền
:
Ca sỹ cải lương trong nước sau 1975:
Minh Vương, Vũ Linh, Vũ Luân, Tài Linh, Hồng Nga, Kim Tử Long, Kiều Loan, Túy Hồng, Thanh Kim Huệ và Dương Đình Trí, v.v.v…
Ca sỹ miền bắc ngày nay đã hát cải lương rất hay, tuy có chất giọng dài nhưng không thể nào như giọng ca Nam bộ qua nhiều thế hệ qua.
Nửa Đời Hương Phấn (2 CD)
Nghệ sỹ: Thành Được, Thanh Nga, Bạch Tuyết...
Những vở diễn ngày nay ít hơn, người ra rạp hát lại càng hiếm hoi, các vở diễn phải đặc sắc và cảnh trí sang trọn, dàn diển viên phải trẻ đẹp và gạo cội thì mai ra thu hút đông đảo khán giả trở lại với sân khấu cải lương ngày xưa một thời vàng son.
Năm 2009 vở diễn nổi tiếng thu hút hàng vạn khán giả trở lại với sân khấu cải lương, Kim Vân Kiều vừa công diễn xong vẫn còn lưu lại sự mong chờ từ công chúng yêu nghệ thuật truyền thống. Cảnh trí hoành tráng và ánh sáng đầy màu sắc đưa người xem vào thế giới lung linh, song với một vở diễn dài hơi (3 giờ 40 phút) thì cần có sự thay đổi ít nhiều để tạo sự mới mẻ trong mắt người xem.
Thập niên 1990, “cơn bão video” quét qua sân khấu cải lương cuốn mọi thành phần làm nghề đến trường quay. “Bão tan” nhìn lại thì sàn diễn đã tan hoang tự bao giờ. Mọi người lục tục kéo về chấn hưng sân khấu thế nhưng khán giả thì đã bị đẩy ra xa, đã không còn thói quen đến rạp nữa. Và thế là cải lương bị khủng hoảng!
Sân khấu cải lương còn lại những gì? Sân khấu cải lương từng có một thế hệ vàng với những tên tuổi như: Út Trà Ôn, Phương Quang, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được, Hữu Phước, Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Mỹ Châu…
Và đến hôm nay dù đã lên tuổi ông bà (nhiều người đã mất), họ dường như vẫn không thể thay thế được, vẫn phải “cưa sừng làm nghé” diễn cảnh tình yêu tuổi trẻ của những cô cậu tuổi đôi mươi. Một nền nghệ thuật phát triển phải luôn hướng lên phía trước với những cái mới. Thế nhưng sân khấu cải lương thời gian qua lại có xu hướng đi thụt lùi khi hướng tới sự chuẩn mực là sân khấu của hơn 30, 40 năm về trước.
Những kịch bản đã từng “làm mưa làm gió” từ trước năm 1975 như: Nửa đời hương phấn, Tiếng hạt trong trăng, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Đoạn tuyệt, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa… vẫn luôn ăn khách mỗi khi được diễn lại (chưa kể các lớp diễn hay được rút ra biểu diễn trích đoạn trong các chương trình tổng hợp).
Sau hai năm mà chỉ có thể tiếp tục ra đời một vở diễn như Thiên đường tôi yêu, các vở diễn mới đặc sắc được ra đời thật sự là khó khăn, nhưng phim mì ăn liền thì hàng năm cho ra hơn 200 phim, phim bộ hay 3D đầu tư hơn hàng tỷ đồng thì ra đời rất nhanh, các cuộc thi hoa hậu hay người mẫu, ca nhạc thì xảy ra nhiều lần trong năm kinh phí là rất lớn. Cho ra đời một vở diễn cải lương hiện nay thật sự khó khăn vậy sao?.
Vài năm gần đây báo chí trong nước rộn lên những bài viết về phong trào đờn ca tài tử kết hợp với du lịch sinh thái. Loại hình nghệ thuật này đã biến mất rất lâu nay xuất hiện trở lại khiến nhiều người có hiểu biết lịch sử phát triển của nó không khỏi vui mừng và hy vọng cho loại hình nghệ thuật dân dã phát xuất từ vùng đất miền Nam này có cơ sống lại. Khách du lịch sinh thái ở Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ thường là người ngoại quốc và những nhóm nhỏ từ mười lăm tới hai mươi người. Một nhóm đờn ca tài tử thường là 5 người, hai ca sĩ và ba nhạc sĩ.
Buổi trình diễn của họ kéo dài khoảng nửa giờ và sau đó khách lại lên ghe đi tham quan những nơi khác. Tình trạng nghèo nàn từ bài hát tới người thưởng thức khiến nhiều người để ý tới với loại hình nghệ thuật dân gian này không khỏi lo ngại. Giáo sư Trần Văn Khê, người đã bỏ cả đời để nghiên cứu và giới thiệu nền dân nhạc Việt Nam ra khắp thế giới, khi chúng tôi hỏi thăm sự hiểu biết của ông về đờn ca tài tử xưa và nay có khác nhau nhiều lắm không!
Chúng tôi xin mượn lời của Giáo Sư Trần Văn Khê để kết luận về đờn ca tài tử:”Với niềm hy vọng mong manh là loại hình đờn ca tài tử này sẽ giúp cho nhiều người kiếm sống, tuy vất vả và khá nhọc nhằn nhưng dù sao thì việc làm của họ cũng giới thiệu được phần nào một nét đẹp văn hóa Việt Nam, văn hóa dân gian Nam Bộ.”[4]
Cảnh sân khấu xưa với phong cách sang trọng, cảnh trí được chăm chút đến từng chi tiết đã không còn được tìm thấy trên sân khấu nhiều ước lệ hiện nay. Ước mong cải lương thời kỳ hiện đại của người dân Việt Nam trên toàn thế giới, nên tôn trọng khán giả hơn, nên cho ra những vở diễn đặc sắc cảnh trí lộng lẫy và dàn diễn viên gạo cội cũng như diễn viên trẻ, thì sẽ thu hút nhiều hơn lượng khán giả đã lạnh lùng với nghệ thuật cải lương mai một này.
Gần hai năm nay sau khi du học ở Úc về nghệ sỹ Dương Đình Trí nảy ra sáng kiến tốt để làm sống lại nền vọng cổ và cải lương miền Nam bằng cách tổ chức các buổi trình diển Liveshow – Bước Chân hai Thế Hệ tại rạp Trần Hưng Đạo.
Nghệ sĩ Kim Tử Long và nhiều nghệ sĩ cải lương khác cũng cố hăng hái lên kế hoạch thực hiện live show hầu mong làm sống lại phần nào nền cải lương. Đã hơn ba lần ra mắt khán giả và được khán giả trong cũng như ngoài nước ủng hộ nhiệt tình. Cái hay và tiến bộ của những liveshow này là sự trà trộn tân nhạc và cổ nhạc một cách ăn khớp, bài hát được tỉ mỹ lựa chọn để tránh làm khán giả nhàm chán.
Cách dàn dựng sân khấu với màn ảnh điện tử to, thiết bị ánh sáng trông khá hấp dẫn thích thú khi xem. Nghệ sỹ này rất có đầu óc tổ chức, biết chọn những bản nhạc hay – tân cũng như cổ nhạc ca tụng quê hương, văn hóa dân gian trữ tình nhưng hiện đại, cách ăn mặc và trang phục cũng kém phần “cải lương hơn xưa. Hơn nữa anh nghệ sỹ trẻ này với kinh nghiệm học hỏi tại Úc biết khai thác tâm lý khá giả triệt để.
Trong các chương trình anh đều mời các ca sỹ cũng như tài tử diễn viên điện ảnh nỗi tiếng đến trình diễn như – Kim Anh, Chí Tài, Quốc Thái, Việt Trinh, Thanh Vân và nhất là nghệ sỹ ưu tú Bảo Quốc, Thanh Kim Huệ và Lệ Thủy (mẹ của anh), v.v…Hy vọng với những liveshow sống động như thế sẽ được khán giả trong và ngoài nước tiếp tục ưu ái ủng hộ để cho nền cải lương càng ngày chậm rải từng bước tiến lên…
Nguyễn Hồng Phúc
Tài liệu tham khảo:
No comments:
Post a Comment