LÊ BÌNH * VĂN HÓA VIỆT NAM
Văn hóa Việt trong cách ăn |
Lê Bình | |
Ông bà thường nói “có thực mới vực được đạo”. Cái ăn cái mặc là nhu cầu thực tế trong đời sống. Tuy nhiên, việc ăn uống đối với người Việt còn nhiều điều rất tế nhị và cần phải học hỏi. Qua ở xứ người, có nhiều gia đình cho rằng người tây phương có các ăn uống “văn minh”, và người Việt của mình chằng có gì cả… Mà thực vậy, nều chúng ta hời hợt nhìn các nhà hàng, quán ăn, các gia đình…hoặc nhớ lại những bữa ăn “cơm đùm, cơm nắm” ra đồng, hoặc nhìn thấy, nghe nói “Cá lóc nướng trui”, “Mắm và rau” hổ lốn rồi cho rằng Việt Nam không có cách ăn “nên mâm nên bát:. Cứ nhìn vào tục ngữ ca dao…có hàng tá câu hò, ca dao, đồng dao…đủ nói lên việc ăn uống của người Việt có lắm nhiêu khê mà bà con mình chưa “hiểu” hết. Thử đọc vài câu“Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn vóc, học hay”, “Ăn nên đọi, nói nên lời”, .. Qua đó ta thấy rằng, đối với người Việt Nam, ăn uống không phải chỉ để no mà còn thể hiện cả hình thức và phép tắc trong việc xã hội, con người, nền luân lý, cách xử thế của mỗi người. Vì vậy, cách thế hay, hình thức tốt, phép tắc hợp lý trong ăn uống sẽ tạo ra những con người có tư cách trong một xã hội có tôn ty trật tự, thì mới đúng với đạo nghĩa của người Việt Nam. Bữa Cơm Gia Đình Việt Nam Bữa cơm gia đình Việt Nam rất ấm cúng, và phép tắc. Mọi người mời nhau, nhường nhịn nhau. "Học ăn, học nói, học gói, học mở". "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng!". Ăn uống cũng là bài học, là một nét của văn hoá Việt. Hầu như những tinh hoa của văn hoá trong việc ăn uống. Rất may, người Việt Nam vẫn còn giữ ở trong nhiều gia đình dù ở nước trong hay nước ngoài. Ăn uống của người Việt Nam bắt nguồn từ quan niệm vũ trụ âm dương. Con người và vũ trụ không hề cách biệt. Con người là tiểu vũ trụ, hay “tiểu thiên địa”. Con người sống trong thiên nhiên, chịu ảnh hưởng của thiên nhiên môi trường, con người chịu ảnh hưởng của tương khắc, tương sinh âm dương. Trong mỗi con người phân ra âm dương, ngũ hành theo qui luật , tương sinh tương khắc. Trong bữa ăn, món ăn có nhiều vị, nhiều chất; rất cân bằng âm dương, vừa ngon vừa lành, ít gây tật bệnh… Thử nhớ lại tại sao chúng ta ăn hột vịt lộn cần rau răm, muối tiêu? Thịt vịt chấm mắm gừng?... Chính vì vậy mà khi ăn cơm trong gia đình người ta rất dễ chịu hơn là đi ăn hàng quán nhiều dầu mỡ dễ sanh bịnh. Việc ăn uống ngoài sự dinh dưỡng nuôi cơ thể còn cần sự cân bằng âm dương, cân bằng giữa con người với ngoại cảnh. Ăn uống của người Việt có đầy đủ âm dương. Chẳng những vậy, việc ăn uống của Viêt Nam còn sự cân bằng giữa âm và dương trong cơ thể con người. Thức ăn đối với con người cũng thể hiện sự cân bằng giữa âm và dương. Bên cạnh đó người Việt còn chú trọng đến sự ảnh hưởng của ngũ quan: Tai mắt mũi miệng….qua cách trình bày. Chúng ta ăn bằng các giác quan: An bằng mắt, ăn bằng mũi, ăn bằng vị giác, ăn bằng thính giác. Trước nhất nhìn thấy dĩa thức ăn con mắt sẽ tạo nên sự thèm ăn, muì của thức ăn tạo cho khứu giác cảm giác muốn ăn, tiếng động khi ăn như bẻ bánh tráng, cuốn rau sống.. khi ăn vào thì vị giác nếm được thức ăn. Đó là giai đoạn cuối cùng. “Ăn nên mâm nên bát”, trong mâm cơm thông thường có 3 món canh, mặn, xào hoặc kho, mỗi thứ bày ra đều có chỗ nhất định. Chén nước mắm đặt giữa bàn. Không nên để những thức ăn không ngon trước mặt người cao tuổi, người trên. Còn chỗ ngồi thì “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”, Con trẻ ngồi mâm với người lớn thì ngồi dưới, hoặc gần chỗ nồi cơm, người nhỏ tuổi, con cái trong gia đình phải lấy đũa so cho mọi người, đôi đủa thì đặt đầu đũa to ngoài. Ông bà, cha mẹ ngồi trên, anh chị em ngồi giữa, cùng với trẻ con - nếu ông bà hay cha mẹ chiều chuộng, cho con bé cho cháu ngồi cạnh; vợ chồng có ý tứ không ngồi bên nhau, cũng như nàng dâu và con gái thì ngồi gần nồi bới cơm cho cả nhà. Khi đưa chén cơm cho người vai trên phải dùng hai tay. Trong bữa ăn, không chăm bẩm gắp liền một món. Khi thức ăn chấm nước mắm không đưa thẳng lên miệng, mà đặt thức ăn chén rồi mới ăn. Khi ăn, nhai kín miệng, nhai không thành tiếng lép nhép, không chép miệng, liếm môi, mút đũa…v.v. Người lớn dạy con cái khi ăn không nhai nhồm nhoàm, nhai tóp tép và không nên vừa ăn vừa nói chuyện. Còn thêm vài điều kiêng kỵ mà ông bà cha mẹ thường dạy dỗ là không gõ đũa vào chén, không cắm đũa vào giữa chén cơm (như những chén cơm cúng đám ma), không vét nồi cơm sồn sột (điềm mất mùa), không cầm muỗng húp canh xùm xụp (điềm đói nghèo)…v.v.
Vào bàn thì con cái, người nhỏ mời người lớn, ông bà cha mẹ. Mọi người lần lượt mời bậc cao tuổi trước. Ăn xong, phải ăn cho sạch chén, để ngang đôi đũa, nói: “Cháu (con) xin phép…” rồi mới đứng dậy uống nước, khi xỉa răng, không được hếch môi xỉa tăm xèn xẹt như đánh răng…v.v.
Đại để việc ăn uống của người Việt Nam tựu chung là như vậy; cũng có nơi nầy vùng nọ có khác chút ít. Cũng tùy theo tôn giáo cũng có đọc kinh trước khi ăn…v.v. Người ta nói “Nhìn cách ăn uống biết giáo dục của gia đình.” Nhất là ra chốn đình trung, chốn công cộng. Sách có câu “Miếng ăn là miếng tồi tàn”. Ngày xưa, ở làng xã có những buổi cúng đình, cúng kỳ yên…Bữa ăn dọn tại đình làng thì việc ăn uống có phân chia thứ bậc. Ngày nay tục ấy không còn nữa. Nhân ngày giáp tết, chúng ta có dịp ăn uống; hãy thử làm một bữa ăn có đầy đủ mùi vị, đủ chén bát….trong một buổi chiều Chúa Nhật, cả gia đình cùng quây quần bên bàn ăn, mâm cơm, con cháu, ông bà, cha mẹ cùng nhớ về quê hương bản quán, cùng nhắc cho nhau nghe những kỷ niệm ngày xưa…Biết đâu nhờ vậy mà con cái ngoan hơn, vợ chồng hạnh phúc hơn, và ông bà không cô đơn trong nhà dưỡng lão. Biết đâu! Trong dịp cuối năm Tây, tôi được nhà thơ Triều Nghi và anh Hàng Phong Cao mời đến Las Vegas đón “giao thừa” Tây, gọi là count down. Tôi có mấy câu ghi lại cảnh đó. Nó như vầy: Tôi đi giữa hai bờ mưa nắng Giữa đêm giao thừa của Tây có một anh da vàng đến dự Người đông trẩy hội đủ mọi sắc dân Trắng đen vàng đỏ khắp xa gần Anh râu rậm, anh mặt mày nhẵn thín Tóc có anh dài, anh cạo trọc như nhà tu Người mang mặt nạ, kẻ dắt lông chim Các chị quần thoa xiêm áo Các bà là lượt thước tha Người có của giàu sang Lẫn lộn cũng có anh không nhà nằm trên hè phố Tiếng nhạc trên loa phát ra như sấm Tiếng kèn, còi, gọi nhau, la hét Đủ mùi, đủ vị, đủ âm thanh Rượu, bia, thuốc, nước uống, vung vãi Người người chen lấn chờ đến phút đếm thời gian. Đèn hoa rực rỡ giăng giăng như sao sa Nơi đó là “thiên đường hạ giới”? Chốn ăn, chơi hưởng lạc thú ở đời Người đến đó dường như… bỏ sự khó tại nhà Chỉ có một điều duy nhất: Hưởng thụ. Cờ bạc, đỉ điếm, sát phạt, cười đùa Bao nhiêu ham muốn được phô ra cho hết. Mọi người chuẩn bị Ba mươi giây…mười, chín, tám Ba, hai, một….Bùm! Bùm! Bùm! Pháo bông rực sáng bầu trời. Người ta chúc tụng, cụng ly… Một năm đã qua, một năm đã bắt đầu… Happy New Year! Chúc Mừng Năm Mới! Happy New Year! Chúc mừng năm mới! 明けましておめでとうございます! Joyeux Nouvel An! สวัสดีปีใหม่! Feliz Ađo Nuevo! 新年快樂! .... Nhiều khuôn mặt, ngôn ngữ nhưng chỉ một trái tim Mọi sự dường như thay đổi? Hy vọng bắt đầu. Ranh giới thời gian cũ mới Được bắt đầu chia cho từng năm… Có những gì khó khăn sẽ qua Bắt đầu làm lại, hy vọng chào mời. Đêm giao thừa tôi đi giữa hai bờ mưa nắng Một chân năm cũ, một chân đã bước qua Đón năm mới lòng người phơi phới Ai không hy vọng đổi đời? Thật có cùng không? Như mưa nắng chuyển đổi xoay vòng Được mất hơn thua thay đổi Đứng giữa hai bờ mưa nắng Tôi phân vân! Thật khó. Tôi chỉ còn tôi. Cô đơn! Lê Bình (Las Vegas Tân Niên 2012) |
No comments:
Post a Comment