Tuesday, January 17, 2012

TRUYỆN NGẮN HOÀNG HẢI THỦY

Truyện Tết Ba Đoạn Kết - Hoàng Hải Thủy

“Tối nay anh đi đâu?”
  • Xuyến mở sắc tay – cái sắc tay bằng da đen mua ở Paris của nàng trị giá bằng cả một tháng tiền lương của một ông công chức hạng trung – lấy son tô lại vành môi. Ngọn đèn trên bàn ngủ tỏa làn ánh sáng xanh xanh, dịu và ngọt, làn sáng xanh đượm trên mái tóc, trên bờ vai và đôi bàn tay có những ngón tay thon của nàng.

    Thành nằm dài trên giường. Chàng gắn điếu thuốc lá lên môi, châm lửa hút – Xuyến nhận thấy người yêu hút thuốc lá quá nhiều nhưng nàng không lên tiếng phản đối, nàng biết lời ngăn không đi đến đâu và lời ngăn chỉ có tác dụng làm cho người yêu của nàng thêm phiền muộn, làm chàng mất hứng thú trong việc hút thuốc – rồi chàng lại với tay lấy tập tiểu thuyết ngoại quốc. Xuyến nhìn tờ bìa cuốn sách, đọc nhẩm:

    “Tropic of Capricorn. Henry Miller…”

    Thành nói:

    “Anh chẳng đi đâu hết. Ðêm nay anh ở nhà, viết bài cho báo Xuân.”

    Xuyến hơi ngạc nhiên mặc dầu nàng đã quen với lối viết bài sớm của những người làm nghề viết truyện ngắn, truyện dài cho các báo. Thành, người nàng yêu, là một người viết trẻ khá nổi tiếng của làng báo Sài Gòn. Nàng nhìn lên tờ lịch trên cái bàn viết của người yêu: Lịch Tháng của Hãng Phim Mỹ Paramount, nhưng nàng cũng biết còn lâu mới đến Tết:

    “Mới tháng Mười Ta. Hai tháng nữa mới Tết. Bài Xuân, truyện Tết gì mà viết sớm vậy anh?”

    “Báo Xuân làm sớm lắm. Năm nào cũng thế. Cứ đến tháng Mười Ta là các báo đã làm số Tết. Báo Tết in trước Tết hai tháng, bán trước Tết một tháng.”

    Thành cười nhẹ:

    “Vì anh nổi tiếng là đưa bài muộn, giục mãi mới viết, có khi nhận tiền bài đưa trước rồi mà vẫn không chịu viết bài trả nợ… quỵt luôn… nên các báo họ ngán, họ cứ phải giục anh viết thật sớm và đưa bài thật sớm. Mình cứ nhận tiền đặt mua bài bừa đi, bắt buộc phải viết trả nợ, không thì mang tiếng.”

    Chàng lại nói:

    “Anh đã có cốt truyện rồi. Chỉ cần ngồi vài tiếng đồng hồ là viết xong một truyện ngắn. Ðêm nay thể nào anh cũng viết xong một truyện.”

    Chàng và nàng yên lặng một lúc khá lâu. Tô xong vành môi, Xuyến cất thỏi son vào sắc rồi không biết làm gì hơn, nàng ngồi tư lự nhìn ra cửa sổ. Căn phòng nhỏ chàng và nàng đang ở bên nhau nằm trên lầu ba một bin-đinh. Bin-đinh không có thang máy nên họ rất ngại mỗi khi lên xuống, đã lên phòng là không muốn xuống dưới đường nữa. Nhiều khi đã xuống tới đường mới thấy là bỏ quên bài vừa viết và bài đó cần phải được đưa ngay tới tòa báo, Thành cũng chặc lưỡi bỏ đi luôn.

    Buổi chiều cuối năm xuống trên thành phố. Ngoài cửa sổ có vòm lá me xanh, mầu xanh dịu của vòm lá đó cản và ảnh hưởng đến ánh sáng của buổi chiều qua cửa sổ vào phòng. Nhiều khi trời chưa tối mà mầu xanh của vòm lá me đã làm cho căn phòng nhỏ này có màu tối. Nhưng mầu xanh của lá cũng làm cho căn phòng đẹp hơn, lạ hơn, mộng hơn.

  • Những buổi sáng sớm, khi họ vừa ngủ dậy và nắng sớm vừa lên – nói sáng sớm đây là sáng sớm đối với chàng và nàng, những người được quyền ngủ muộn đến lúc nào chán không ngủ được nữa mới dậy, sáng sớm đây là khoảng bẩy rưỡi, tám giờ sáng – nắng vàng chiếu lên vòm lá hắt màu xanh nõn vào phòng.

    Ðến đây với người yêu và ngủ lại đây, ngoài những cuộc ái ân nồng say, ngây ngất, người thiếu phụ đa tình này thích nhất phút mở mắt dậy sau đêm ngủ êm, nàng nằm trên giường, cảm thấy có người yêu nằm bên, mắt nàng mơ màng nhìn thấy ánh xanh và ánh nắng, cả người nàng nằm trong làn ánh sáng xanh huyền ảo. Nhiều lần Xuyến phải nói:

    “Em yêu vòm cây ngoài cửa sổ phòng này.”

    Và chàng nói:

    “Anh sẽ ở lại phòng này mãi mãi để em thưởng thức vòm cây. Mai sau dù anh có nhiều tiền, anh có trở thành chủ báo, anh có vi-la, anh vẫn cứ giữ căn phòng này. Ðể mỗi lần em đến với anh, chúng mình vẫn được gặp nhau ở đây.”

    Bây giờ từ dưới đường vẳng lên tiếng xe cộ. Tiếng động cơ của đủ loại xe đó cho Xuyến biết đã đến giờ tan sở và dưới đường kia, người ta đang tranh nhau đi nhanh về nhà sau những giờ dài dằng dặc trong những công, tư sở.

    - Còn em? Tối nay em đi đâu?

    Nàng thẫn thờ:

    - Em về.

    Thành, tay vẫn không buông quyển tiểu thuyết, chỉ mỉm cười với Xuyến khi nàng bước ra khỏi phòng. Nhưng khi cánh cửa gỗ sơn trắng đã khép lại, ổ khóa gắn vào nhau phát ra một tiếng cách nhỏ, chàng bỗng buồn rã rời, chàng thấy chán chường chính mình như kẻ vừa phạm một tội gì tồi bại, hèn hạ để bị người đời sỉ nhục. Chàng hối hận vì đã thản nhiên để người yêu ra về, chàng đã cố ý tạo ra vẻ thản nhiên đó, chàng muốn làm cho Xuyến biết là chàng không cần nàng, nàng ở lại càng vui mà nàng về thì cũng vậy thôi, nàng về rồi chàng sẽ ngồi một mình bên đèn để viết tiểu thuyết, sự ra về của nàng như vậy là còn có ích cho chàng. Nhưng thật ra, trong thâm tâm, chàng rất muốn nàng ở lại, chàng rất cần nàng ở bên chàng và đêm nay không có nàng, chàng sẽ không thể viết được một chữ, chàng sẽ không thể làm gì được ngoài việc buồn sầu, ra khỏi phòng vắng, đi vào thành phố, đi chơi trác táng cho quên sầu buồn, cho quên nàng.

    Chàng quẳng quyển tiểu thuyết xuống giường – từ nẫy chàng đã lật đến ba bốn trang nhưng thật ra, chàng không đọc được lấy một dòng – chàng nằm úp mặt xuống gối như mỗi lần chàng gặp chuyện gì rất buồn phiền. Mặt chiếc gối vừa nâng mái tóc nàng, còn thơm mùi tóc và mùi da thịt dịu dàng nhưng ngây ngất của nàng.

    “Em của anh. Xuyến ơi… Anh yêu em…”

    Chàng gọi nhỏ vào lòng gối thơm mùi tóc nàng như trong những phút giây hoan lạc cảm thấy toàn thân xác và linh hồn nàng rung động như một sợi dây đàn căng tột độ dưới vòng tay ghì chặt của chàng, chàng vẫn thường gọi nàng, vẫn nói với nàng câu đó.

    “Xuyến ơi, anh yêu em. Anh yêu em nhất… Anh không bao giờ yêu ai như yêu em.”

    Một vị đắng chát như một thứ nước ác-xít ác ôn dâng lên từ tim chàng văn sĩ trẻ khi chàng nghĩ đến chuyện nàng bỏ chàng để trở về với người chồng ngoại quốc của nàng

    Chưa bao giờ Thành cảm thấy thù ghét bọn đàn ông giầu tiền trong cái xã hội quá tôn trọng đồng tiền này bằng giây phút nằm úp mặt trên gối hít thở một cách tham lam, thèm thuồng và tiếc rẻ mùi tóc, mùi da thịt của người đàn bà chàng yêu. Bọn có tiền ở đời này quả thật “có tiền mua được cả tiên” như cổ nhân đã nói. Chàng đã vài lần gặp anh Tây chồng của Xuyến. Anh trạc 50 tuổi, bụng đã phệ, đầu hói, anh là đại diện một nhà nhập cảng hàng vải của Pháp. Nội số hàng échantillon anh tặng không hàng tháng giá tiền cũng nhiều hơn số tiền Thành kiếm được với những truyện ngắn, truyện dài đăng báo của chàng.

    Một điều cần phải kể là Thành thuộc loại văn sĩ “ăn khách” hiện nay, những truyện chàng viết ra dù hay hoặc tầm thường, đều được các báo đăng ngay và trả tiền hậu nhất. Anh Tây Nhà Buôn giầu tiền, góa vợ thực sự yêu thương cô vợ trẻ Việt Nam mà anh cho là đẹp hơn phụ nữ xứ anh.

    Có hai giống người trong cái gọi là xã hội Sài Gòn Kim Tiền tồi bại này bị Thành thù ghét nhất. Ðó là Tây và Tầu. Những anh Tây, anh Tầu giầu tiền, những chủ nhân ông, làm giầu trên đất nước của chàng, bọn có điều kiện hưởng thụ những người đàn bà đẹp nhất đất nước chàng. Bọn đó dùng tiền để mua, và mua được, thể xác của quá nhiều người đàn bà đẹp của đất nước đã nuôi sống chúng, đất nước bị chúng bóc lột.

    Thành yêu Xuyến và Xuyến yêu chàng. Nhưng cuộc tình của họ chỉ là một cuộc tình phù du. Yêu nhưng họ không thể chung sống được với nhau như vợ chồng. Thành không có đủ can đảm nói lên đề nghị Xuyến bỏ người chồng ngoại quốc để sống với chàng, để làm vợ chàng. Số tiền người viết tiểu thuyết cho các báo Sài Gòn kiếm được hàng tháng không đủ cho riêng chàng, không cho đời chàng có xe hơi, nhà riêng, tiền ở ngân hàng, không cả bảo đảm cho mai sau. Còn khỏe mạnh, còn viết được, chàng còn có tiền. Chỉ cần chàng đau một trận tuy không chết nhưng nằm bệnh ngày nào là ngày đó chàng đói. Bắt nàng bỏ cuộc sống giầu sang với những ve nước hoa giá đắt bằng tiền tác quyền một truyện dài của chàng bán cho nhà xuất bản, muốn nàng về làm vợ để nàng áo bà ba, xách giỏ đi chợ, nấu ăn, quét nhà, đổ rác, giặt ủi v.v… là một sự phi lý và khôi hài, vô duyên.

    Vì vậy, chàng buồn. Chiều nay chàng còn buồn phiền nhiều hơn mọi lần trước khi họ từ giã nhau vì chàng biết Xuyến sắp theo chồng về Pháp. Nàng sắp đi xa chàng và họ sẽ có thể không còn ngày nào gặp lại nhau nữa.

    Xuyến chưa nói cho Thành biết chuyện nàng sắp đi khỏi Việt Nam. Nhưng thái độ của nàng đã xác nhận với Thành câu chuyện nói về vợ chồng Xuyến do một cô bạn cũng lấy chồng Tây của Xuyến nói với chàng.

    Trong những giây phút sau khi cảm thấy đau nhói ở trái tim và nằm úp mặt trên gối kêu tên người yêu, Thành bỗng chuyển lòng căm thù ngoại nhân ra sự khinh ghét những người đàn bà Việt Nam lấy chồng ngoại quốc, chàng cố ý đánh hạ giá Xuyến, người đàn bà vừa làm cho chàng khổ sở. Chàng nhìn nhận họ đẹp, họ đa tình, nhưng họ nghĩ đến tiền, họ coi trọng tiền hơn tình. Họ không yêu chồng họ nhưng họ vẫn cứ sống chung vợ chồng với những người đàn ông mà họ không yêu đó. Không yêu mà chịu làm vợ để được sống sung sướng về vật chất là một việc đáng khinh bỉ. Một cuộc bán mình.

    Rồi chàng nghĩ lan man – một ý nghĩ thật nghệ sĩ và chỉ những nghệ sĩ mới có – chàng nghĩ đàn bà đẹp là của chung của quốc gia, như những người đàn ông tài giỏi, bác học vậy. Ðàn bà đẹp không có quyền lấy chồng ngoại quốc… Ðàn bà đẹp mà lấy chồng ngoại quốc là một thiệt thòi đồng thời là một sỉ nhục cho tự ái quốc gia.

    Dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, dù có bị bắt buộc – đa số đàn bà Việt lấy chồng ngoại quốc là tự nguyện chứ không phải bị bắt buộc – việc làm của những người như Xuyến không thể tha thứ được.

    Những người đàn bà đẹp và đa tình tại sao lại chỉ biết có tiền? Tại sao họ lại coi Tiền nặng hơn Tình?

    Ðó là một thắc mắc, một câu hỏi đến với Thành từ ngày chàng được gặp Xuyến, được yêu Xuyến, được Xuyến cho yêu. Từ đó cho tới nay thắc mắc đó vẫn ám ảnh chàng. Chàng vẫn chưa trả lời được câu hỏi đó dù chàng đã tìm hiểu nhiều về tâm tình của Xuyến.

    Nằm một mình trên giường còn đượm mùi da thịt nàng, trong căn phòng vừa vắng nàng còn phảng phất hình bóng, hơi hướng nàng, câu hỏi trên lại trở lại ám ảnh Thành. Trong căn phòng bin-đinh nhỏ này, trên mặt giường này, chàng và nàng vừa qua những giây phút ái ân nồng nàn: họ yêu nhau như cả hai người cùng sắp chết đến nơi, yêu như đến sáng mai, đến lát nữa… họ sẽ không còn được yêu nhau nữa… Tại sao nàng có thể thản nhiên ra về? Thản nhiên như trước đó giữa họ không có xẩy ra chuyện gì đáng kể cả?

    Có lẽ chỉ có Thành và Xuyến hiểu tại sao trong những truyện ngắn, truyện dài, những phóng sự Thành viết về giới vũ nữ, về những người đàn bà đẹp, ăn chơi ở Sài Gòn lại có giọng văn hằn học tàn nhẫn, cay cú đến như thù hận. Ngoài đời Thành là một thanh niên hiền hậu, giầu tình cảm, nhiều bao dung và không thích làm ai mất lòng, không cả muốn nói nặng bất cứ ai, nhưng giọng văn của chàng lại rất tàn nhẫn. Trong truyện, chàng không từ bỏ một dịp nào để “sát sà bông đen, bôi thuốc ghẻ” lên mặt những người đàn bà đẹp.

    Có một đêm, Thành ngồi nói chuyện với một vũ nữ trong “đăng xinh”. Nàng đã có tuổi nhưng vẫn còn hành nghề được và còn kiếm tiền được nhờ nhẩy giỏi và có duyên, nhờ có những người khách quen, những ông khách đứng tuổi đến đăng-xinh nhẩy vài bản thích ngồi nói chuyện với những cô ca-ve biết nói chuyện. Thành mến nàng và nàng cũng dành nhiều cảm tình cho chàng. Nàng đã tâm sự vụn về đời tư của nàng cho chàng nghe: trong trường hợp nào từ con nhà lành nàng trở thành gái nhẩy, – ca-va, ca ve – vì sao nàng lấy một anh Ba Tầu…?


  • Ðúng hơn là vì sao nàng để cho một anh Tầu Chợ Lớn bao nàng. Nàng không phải là vợ bé mà là vợ bao. Về sau Thành viết một phóng sự mà nhân vật vũ nữ trong đó rập mẫu theo nàng. Lẽ tự nhiên là chàng “thêm mắm, thêm muối” và thay đổi nhiều sự kiện, thêm vào nhiều tình tiết nhưng khi nàng đọc nó, nàng vẫn thấy hình ảnh của nàng trong đó. Nàng có đọc cái phóng sự ấy của chàng. Ðêm ấy, khi họ nói chuyện về bài phóng sự đã đăng báo, người vũ nữ buồn buồn bảo chàng:

    “Những gì anh viết về chúng em đều đúng. Nhưng đó là những chuyện mà bọn em bắt buộc phải làm để sống, anh viết ra làm gì? Có lợi gì cho ai đâu? Ai cần biết những chuyện ấy? Có khi người đọc tưởng là anh cố tình bôi xấu chúng em.”

    Thành hỏi lại nàng:

    “Em trả lời anh: bây giờ có hai thằng đàn ông cùng yêu thương em ngang nhau. Một tên yên trí em là con nhà lành, em hãy còn nguyên si. Còn tên kia biết rõ những thói hư, tật xấu của em, biết em đã.. sống không được đẹp, biết đã có nhiều đàn ông đi qua dời em, nhưng nó vẫn yêu em. Vậy thì trong hai tên ấy, em cho tên nào yêu em nhiều hơn?”

    Nàng Ca-ve trả lời ngay:

    “Lẽ tự nhiên là người biết rõ em yêu em hơn.”

    Rồi nàng nói:

    “Nhưng người yêu em phải quên những chuyện cũ trong đời em. Khi yêu… người ta phải… quên đi chuyện cũ của nhau. Quên đi cho người mình yêu sống. Khi yêu, người ta phải tha thứ, không tha thứ cho nhau, người ta không thể yêu được. Em thấy yêu những người đàn bà đã có.. sống, đã có …. đàn ông, người ta phải quên.”

    Thành nhìn người vũ nữ bằng đôi mắt thán phục:

    “Em nói đúng. Em lý luận hay đấy. Nhưng anh là người khó quên, anh không thể quên được.”

    Người vũ nữ nhìn chàng với ánh mắt thương hại:

    “Nếu anh không quên, anh chỉ khổ thôi.”

    Câu hỏi của Thành là một câu hỏi đã được nghĩ sẵn. Không phải dễ dầu gì trong lúc ngẫu hứng, người văn sĩ nghĩ ra được những câu hỏi ác liệt, những câu hỏi làm cho người đàn bà bị hỏi thấy nhói tim đến có thể khóc thét lên được. Tuy nhiên, chàng không giả dối khi đặt với đàn bà những câu hỏi loại đó. Quả thực chàng có yêu họ nhưng cùng một lúc chàng cũng đòi hỏi nhiều ở họ, có thể là quá nhiều.

    Quan trọng hơn cả là chàng không quên những chuyện xẩy ra trong đời tư của người chàng yêụ trước khi nàng gặp chàng.

    o O o

    Gót giầy đặt nhẹ trên những bực cầu thang, bước xuống, bước xuống. Vòm thang vắng, tối, không ánh đèn. Lòng người thiếu phụ đau như bị dao cắt. Bốn mươi nhăm bực cầu thang từ tầng lầu có phòng người nàng yêu xuống tới vỉa hè. Ðã bao nhiêu lần, Xuyến hấp tấp đi lên những bực thang này, trái tim rộn rã đập theo nhịp vui sống và vui sướng. Ðã bao nhiêu lần, nàng tới đây đem tình yêu theo nàng, nàng tới đây tìm tình yêu, tìm nguồn sống mát rượi và nồng nàn ở đây. Nhưng đêm nay nàng ra về, lòng buồn và đắng như người vừa uống ly thuốc độc.

    Tà áo xanh bay phất phới giữa hàng gốc cây me già sần sùi. Một chiếc tắc-xi rà tới. Người tài xế bắt mạch biết người thiếu phụ có thể là khách, cho xe chạy chậm lại và dơ tay ra hiệu. Nhưng Xuyến lắc đầu. Nàng có cần gì về mau nơi nàng phải về để đi tắc-xi?

    Lang thang như người mất hồn, Xuyến đi bộ về phía Chợ Cũ. Những bước chân nàng nặng trĩu như mỏi rời, lòng nàng cũng nặng như bước chân nàng. Nàng có cảm giác như bị người yêu bỏ rơi, bị hắt hủi, bị phụ bạc.

    Ðường Hàm Nghi, Sài Gòn, khoảng tám giờ đêm cuối năm nhưng chưa phải là những đêm gần Tết. Bốn con đường vắng, lưa thưa bóng người, bóng xe. Nơi ngã tư Hàm Nghi-Pasteur, vài anh xích lô đạp áp xe vào vỉa hè ngồi chờ khách ở mấy nhà hàng ăn gần đó. Mấy anh mong cô khách đi ngang ra hiêu gọi xe, nhưng cô khách đi thẳng.

    “Xuyến… Chị đi đâu đó?”

    Có tiếng người đàn bà gọi nàng. Xuyến quay lại. Dưới làn ánh sáng vàng của ngọn đèn treo trên một ngõ hẹp dẫn vào một dẫy nhà đâu mặt vào nhau, Xuyến nhìn thấy Hoa – người bạn gái trước đây từng đi làm ở một đăng-xinh với nàng. Trong lối đi của ngõ hẹp đó, người ta đặt hai cái bàn nhỏ, thấp, vài cái ghế gỗ không có lưng dựa, làm thành một tiệm bánh cuốn. Lò bánh cuốn được đặt ngay ở đó. Người đàn bà đang ngồi tráng bánh đặt vào đĩa cho khách, đứa con gái gầy ốm của bà ta làm bồi bàn.

    Trong tiệm bánh cuốn đầu ngõ chỉ bán vào buổi tối có vẻ bình dân nhưng bán toàn cho khách kén ăn và chỉ đến ăn chơi ấy, Hoa đang ngồi với Hữu, chồng nàng. Hoa bận áo bà ba vải phin, quần thâm, đi guốc mộc, mặt nàng không có qua một chút phấn son nào – Hoa lấy Hữu và đã giải nghệ nhẩy nhót để ở nhà đi chợ, nấu cơm, đẻ con, nuôi con từ hai năm nay – Hữu – đặc biệt bình dân và có vẻ “Nam Kỳ” hơn vợ – bận bộ pi-dza-ma sọc vằn trông rất Ba Tầu.

    Xuyến bước vào tiệm. Mầu áo xanh của nàng trở thành mầu sám bạc dưới ánh đèn vàng, những mặt kim cương nơi chiếc nhẫn trên ngón tay nàng óng ánh. Nàng vén áo ngồi xuốngcái ghế thấp trong lúc Hoa cười vui, má lúm đồng tiền:

    “Chị sang quá. Trông như bà hoàng… Ðẹp ơi là đẹp…”

    Hoa ít tuổi hơn Xuyến vài năm. Hoa lại ngây thơ, ít học, kém kinh nghiệm sống nên vẫn tự coi là một thứ đàn em và được các đàn chị như Xuyến coi là đàn em, chỉ bảo, giúp đỡ. Riêng với Xuyến, Hoa rất mến Xuyến. Có nhiều lần Hoa trầm trồ khen Xuyến:

    “Chị đẹp quá. Em chắc đàn ông ai cũng phải mê chị. Ðến em là đàn bà mà còn phải mê chị nữa là.”

    Xuyến chưa kịp ngồi yên, Hoa đã nắm lấy tay nàng, nắn vuốt. Trong lúc Hữu, đúng điệu đàn em, lăng xăng mời:

    “Chị ăn bánh cuốn với chúng tôi, nghen? Chẳng mấy khi được mời chị. Bánh ngon lắm. Chắc chị ít có dịp thưởng thức món ăn rẻ tiền này?”

    Hữu đêm nay có cặp kiếng trắng lấp lánh trên sống mũi làm cho anh chàng càng tăng thêm vẻ nghệt và cả đẫn. Xuyến nhìn Hữu và thắc mắc không nhớ những lần gặp Hữu trước đây, anh đã đeo kiếng trắng hay chưa. Tuy không hỏi gì Hoa về Hữu, nàng biết Hữu không phải la dân chơi, không phải là khách nhẩy. Rất có thể Hữu không biết nhẩy đầm, Hữu chưa một lần vào đăng-xinh. Hữu không gặp Hoa trong đăng-xinh. Hữu làm thư ký trong một nhà băng ngoại quốc, nhà Hữu ở gần nhà Hoa. Hữu biết Hoa từ cả mười năm trước, Hữu yêu thương Hoa và Hoa cảm động vì tình yêu của Hữu.

    Sự thắc mắc về cặp kính trắng và vẻ mặt khôi hài của Hữu làm Xuyến chậm trả lời lời mời của anh.

    Nàng nhìn Hoa:

    “Hai vợ chồng từ Phú Nhuận lên tận đây ăn bánh?”

    “Chồng em mới mua được cái Mô Bi Lết.”

    Hoa chỉ tay ra vỉa hè, cái xe mới được dựng ngay trước mặt cặp vợ chồng trẻ vậy mà Hữu vẫn cẩn thận dùng sợi xích sắt dằng bánh xe sau, khóa lại.

    “Hên quá chị Xuyến ơi… Bọn em vừa mua được cái xe này thì xe lên giá… Chậm một tháng thì chắc bọn em chẳng biết đến đời kiếp nào mới mua nổi cái xe mà đi.

    Hoa cười rinh rích:

    “Có Mô Bi Lết, chúng em mới chở được nhau đi ăn, đi chơi. Cứ cái xe đạp cọc cạch thì em làm sao đi theo ảnh được. Xe đạp ngồi sau ê mông lắm. Ảnh đạp xe cũng mệt.”

    Hoa suýt soa:

    “Trời… chị đẹp quá… Càng ngày càng đẹp, càng sang. Chị trẻ nguyên hà… Còn em, sao em mau già quá đi!”

    Xuyến nhìn cô bạn gái mà nàng coi như em, tủm tỉm cười:

    “Cô có con, cô trẻ ra thì có. Gái một con trông mòn con mắt.”

    “ Chị nói rỡn em. Coi em có già lắm không, chị?”

    Muốn rỡn bạn, Xuyến nhìn kỹ mặt bạn:

    “Ờ… Ờ… Coi bộ cô già thật mất rồi… Coi nào.. Mới có mấy năm mà cô mau già quá đi… Bây giờ… trông cô như đàn bà… hai mươi tuổi…”

    Hoa cười ré lên sau dây phút bị “suýt păng” rồi phát nhẹ vai Xuyến:

    “Bà nội… Phá người ta… Làm người ta sợ…”

    “Ai bảo người ta đã nói không già mà cứ hỏi mãi…! Muốn già thì cho già.”

    Hoa hết sờ nắn cánh tay Xuyến lại sờ sờ nắn nắn đùi Xuyến. Thái độ trìu mến của Hoa như người lâu ngày mới được gặp lại tình nhân.

    Xuyến gỡ tay Hoa ra:

    “Làm chi mà sờ sờ vuốt vuốt người ta kỳ vậy…?”

    “Sờ chị tại chị… đẹp. Sờ sướng tay.”

    Cuộc gặp gỡ bất ngờ vợ chồng Hoa làm cho Xuyến linh động trở lại và vui vẻ cười nói. Nàng ăn ngon một đĩa bánh cuốn. Nhưng cuộc vui quên quá ngắn. Khi hai vợ chồng Hoa từ biệt nàng, họ lên chiếc Mô Bi Lết bỏ nàng lại trên vỉa hè vắng, nỗi buồn của Xuyến nặng và mênh mang hơn khi nàng chưa gặp họ, chưa được cười nói và quên buồn trong giây lát với họ.

    Hình ảnh cặp vợ chồng trẻ, chị vợ áo bà ba, quần đen, anh chồng pi-dza-ma sọc rẻ tiền, đồ may sẵn gọi là hàng tú phe – Tout fait –chở nhau trên xe Mobylette mầu vàng, chị vợ choàng tay ra ôm eo ếch anh chồng một kiểu rất quê không cần che dấu – hình ảnh ấy vương vấn mãi ttước mắt Xuyến. Không cần hỏi, không cần nhìn kỹ hơn, Xuyến cũng thấy Hoa sống có hạnh phúc, Hoa đang sống sung sướng.

    Một thứ hạnh phúc rất thường mà cũng rất quí trong một cuộc đời người thường có đủ vui buồn, nhưng Xuyến cay đắng biết nàng sẽ không bao giờ được gặp, được có cái hạnh phúc rất thường trong cuộc đời người thường đó…

    o O o

    Chiều 10 Tháng Giêng Mỹ, 2011.

    Truyện “Xuyến” tôi viết 50 hay 60 năm xưa có đoạn kết. Chiều nay tôi bỏ Ðoạn Kết xưa ấy để thay vào đây Ba Ðoạn Kết.

    Ðoạn Kết Một: Người thiếu phụ đi qua con đường tối vắng như đi trong giấc mơ. Nàng không thấy chiếc xe taxi chạy tới. Nàng chỉ tỉnh lại khi nàng nghe tiếng xe thắng két. Nàng nhìn lên tòa nhà trước mặt. Khung cửa sổ trên tầng lầu kia sáng ánh đèn. Ông chồng nàng đang chờ nàng về.

    Ðoạn Kết Hai: Chiếc taxi ngừng lại. Người thiếu phụ vào xe. Anh taxi thấy trong xe anh bỗng có mùi thơm làm anh dễ chịu.

    “Cho tôi về đường Hai Bà Trưng.”

    Xe ngừng trước Bin-đinh Cửu Long.

    Chiếc xe chạy đến cửa chợ Tân Ðịnh, anh taxi vẫn thấy dễ chịu vì mùi thơm trong xe anh.

    Ðoạn Kết Ba: Chàng về đến bin-đinh lúc 1 giờ sáng. Ðêm cuối năm trời lạnh. Bin-đinh vắng tanh, không một tiếng động. Lên đến thang lầu tầng thứ hai chàng ngửi thấy một thứ mùi lạ, mùi hương như mùi da thịt của nàng.

    Nàng ngồi trện đầu cầu thang tầng lầu thứ ba. Chàng lên đến, nàng vịn tay chàng đứng lên. Chàng dìu nàng vào phòng.


No comments: