Wednesday, January 11, 2012

TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ





Nhà cổ"


Nguyễn Ngọc Tư

Mùa chướng xổ cửa đất Phương Điền. Nửa đêm cả nhà tôi tốc mùng ngồi nghe tiếng ngói dịch lắc cắc, rờn rợn trên mái nhà phía Đông Nhân Phủ. Má tôi mở cửa sổ, kêu vọng qua bên đó, "Thằng Tứ Hải đem mấy đứa nhỏ qua ngủ với má con tao nì. Để không may ngói rớt trúng đầu, tội nghiệp tụi nó lắm nghen".



Dứt tiếng thì cái đầu tóc ngái ngủ bù xù của ông chủ trẻ của "Nhân Phủ" lù lù trước sân, tay na con Tha, chị Thể vợ anh dắt con Tho đi sau, thả hai đứa nhỏ vô mùng tôi, anh làu bàu, "Cha, điệu này biết nhà mình có qua được mùa gió này không đây, Út Nhỏ ?".
Tôi thở dài cái thượt như cũng đang nặng lo cho "nhà mình" (mặc dầu hơi ngẩn ngơ, mình có vai gì trong ngôi nhà cổ sắp xiêu đổ ấy đâu ?).



Má tôi cằn nhằn khi tiễn đôi vợ chồng hàng xóm ra cửa, "Mắc cái gì mà tụi bây giữ hoài cái nhà oan chướng đó, sao không bán đi cho rồi, cất nhà mới, sống cho bình thường như con người ta".

Anh Tứ Hải không trả lời, chỉ nghe anh cười khà khà khà.
"Nhân Phủ" của anh cách nhà tôi một hàng rào cặm bằng cây bình bát, đó là ngôi nhà cũ kỹ, già nua nhất làng cổ Phương Điền. Nghe kể, ông Tổ nhà anh Tứ Hải đã đứng ở dưới cây dông nem trước nhà, bảo tốp thợ ông muốn làm một ngôi nhà đẹp nhất, rộng nhất xứ này, một ngôi nhà thật lớn cho tất cả con cháu ông khi sinh ra đều có chỗ cho mình.



Ròng rã hơn ba mươi năm, những người thợ xứ Quảng đã làm nên một kiệt tác nhà rường Nam Bộ, nghiêm cẩn, công phu chạm trổ từng chi tiết nhỏ, từ cây cột cái tới ngạch cửa, từ những cánh cửa tới mấy cái bậc tam cấp lối vào… Nghe kể, khi làm "Nhân Phủ", người ta đã cúng đủ mười lễ, nên nó điềm nhiên đi qua hai cuộc chiến tranh mà không có một vết tích nào.

Năm 1972, Mỹ Nguỵ cho bom đạn cày xới dữ dội vùng này, nhưng chỉ có quả bom rớt sau nhà, thành một cái ao bông súng.
"Nhân Phủ" được trao cho anh em Tứ Hải, Tứ Phương khi hai người mới mười tám, hai mươi tuổi. Lúc đó, nó đã khọm rọm, bệu bạo như răng người già. Hồi nhỏ, tôi ở "Nhân Phủ" còn nhiều hơn ở nhà, tính tình năng động, phá phách nên hợp anh em Tứ Hải hơn bà chị ruột, má rầy hoài, có lúc nghe má kêu Út Nhỏ ơi, tôi hộc tốc chạy chui rào qua đất nhà mới dạ. Nhờ vậy, tôi mới phát hiện bên anh Tứ Hải có nhiều cái lạ, về cười nắc nẻ với má tôi.

Lồng bàn đan bằng tre đậy mâm cơm được lợp thêm một lớp vải, nếu không, trứng mọt trên trần nhà rắc xuống thức ăn như người ta rắc tiêu xay. Đít quần của anh em anh Tứ Hải mặt vải luôn luôn nhăn nhúm, trầy xước vì mấy bộ ván mọt gặm lởm chởm. Trời mát rượi, đi trong nhà mà phải chụp cái nón lá sùm sụp lên đầu, đề phòng ngói rớt. Mấy cây cột chạm rồng chạm phượng bị mối cắn bộng than, búng ngón tay nghe kêu bộp bộp.

Còn trẻ, lại nghèo, anh Hải phải đi bán bánh bao dạo, nuôi em ăn học, nên điều mà họ có thể làm được là giữ cho đồ đạc trong ngôi nhà bóng như gương. Năm mười sáu tuổi, qua "Nhân Phủ" chơi, nhìn vào đó, tôi thấy cả đám mụn cám lấm tấm trên cánh mũi mình.
Năm tôi mười sáu tuổi, qua bên đó chơi, biết hai anh đều lặng lẽ để bụng thương chị Thể mất rồi. Chị Thể mồ côi, từ nhỏ về ở nhờ trong "Nhân Phủ", đẹp nết, đẹp người. Sinh thời, má anh Hải hay nắm tay trìu mến, "Má có hai thằng con trai, chừng nào lớn, bây chọn một đứa, làm con dâu má nghen".

Chị Thể chỉ cười cười, không nói. Chị hiền, dịu dàng như chiếc lá me, con trai xóm khác gặp một lần còn nhớ, huống chi ba người họ lớn lên cùng nhau… Nhưng nhường qua nhường lại hoài, mãi không ai mở lời. Chú em nhịn ăn sáng, ốm ròm, mặt mày xanh ẻo cắc củm dành tiền tha về cho chị Thể nào kẹp tóc, vòng bạc, dép, giày… Ông anh chẳng mua gì, nhưng thấy chị vo cơm thì nhảy vào thổi lửa, thấy chị sắp giặt đồ, anh xách nước để sẵn mấy thùng. Những buổi sớm mai, hai người cùng nhau xào nhân, nhồi bột, hấp bánh bao.

Khói quây lấy cả hai, khói thơm ngây dại mùi lá dứa. Người em thức sớm học bài, thấy cảnh đó, đọc lung tung những câu chẳng có nghĩa gì.
Nên chị Thể chọn ai tôi đều thương người còn lại.

Ở ngoài cuộc, hai má con tôi phân tích kỷ lưỡng, tôi nói anh Phương đáng để thương, anh Phương cao ráo, thanh mảnh miệng nhỏ, mắt sâu, trán cao, ăn nói nhỏ nhẻ là người thông minh. Má nói thằng Hải mới tội nghiệp, tính tình hịch hạc, ruột để ngoài da mà nhiệt thành, lúc nào cũng xởi lởi thưa gởi nói cười với người trên trước.

Cãi qua cãi lại, hai má con ngã ngửa ra, ủa, hơi đâu mà nói chuyện của người ta.
Tốt nghiệp trung học xong, anh Tứ Phương xung phong đi bộ đội. Anh đi mà không nói gì với chị Thể, tôi cứ nằng nặc đi theo hỏi tại sao, anh nói, "Thương anh Hai quá, Út Nhỏ à. Mười bốn tuổi ảnh đã thay cha mẹ nuôi anh, quán xuyến trong ngoài, học hành lỡ dỡ…". Tôi ờ há, ờ hen, hiểu rằng "Nhân Phủ" từ khi dựng lên luôn đủ chỗ cho hết thảy mọi người sinh ra ở đó, chỉ vì nặng lòng yêu thương mà anh phải ra đi. Hôm xe đưa quân chạy qua nhà, tôi khóc bù non bù nước, tội nghiệp Phương quá.

Anh Tứ Hải thấy vậy, tưởng đâu tôi đã để lòng yêu, nên coi tôi như em dâu anh vậy, như tôi là người của Nhân Phủ mất rồi. Mấy bữa chị Thể đi chợ, ở nhà kiếm không ra cái tô, cái dĩa anh Tứ Hải cũng chạy qua hỏi tôi. Mà ngộ, hỏi gì tôi cũng biết hết. Bữa Phương gởi thư về, anh Hải rủ tôi qua đọc. Từ đầu tới cuối Phương nhắc tới tôi chỉ một câu chín chữ, "Út Nhỏ có qua nhà mình xin giấm không (?!)", vậy mà anh Tứ Hải vẫn ân cần căn dặn, "Ráng chờ thằng Phương nghen, Út Nhỏ. Ba năm, tưởng dài mà mau lắm". Tôi mắc cười, nhưng giả đò quá hay, thắc thỏm than nhớ thương, cho anh yên tâm.

Ba năm, tưởng dài mà mau, Anh Tứ Hải cưới chị Thể, hai năm sinh hai đứa con gái. Anh Tứ Phương về, ngó chị Thể nuôi con gầy ngẳng, lặng lặng mà đau. Nhiều khi lỡ miệng kêu : - Thể à… Chị Thể nhỏ nhẻ cắt ngang : - Chú Út hỏi chị chi đó ? Anh Tứ Phương cười cười, ờ ờ, tính nói gì mà quên mất tiêu rồi. Nói gì bây giờ, cả cách xưng hô cũng vời vợi ngăn cách rồi. Má tôi nói (giọng như là cảnh cáo tôi vậy), thằng Tứ Phương khác thường, nó trầm tính, sâu sắc, người như vậy thương ai là thương tới chết mới thôi.

Tôi rành sáu câu nên đâu có dại, nên nhiều bữa từ bên nhà ngó sang thấy chị Thể lúi cúi thổi lửa nấu cơm trong gian bếp là đà khói, tôi hỏi lòng, có thích vị trí của chị ấy không. Câu trả lời là không.
Rủi quá, ba mươi hai tuổi tôi vẫn chưa lấy được chồng, vẫn chưa yêu ai.

Mỗi lần có anh chàng chạy lại coi mắt tôi là anh Tứ Hải buồn rượi, lo chắc tôi thôi chờ em anh rồi, chàng nọ dạt ra, anh sướng quá, cười mười bữa chưa thôi. Má tôi tức lắm, bảo, "Con Út Nhỏ chắc mắc nợ anh em thằng Tứ Hải. Để coi, thể nào mầy cũng ế chồng. Mà, bà ngờ ngợ, con nhỏ ngông này, có thương thằng Tứ Phương thiệt hôn ?"

. Tôi cười, "thiệt đâu mà thiệt, má coi, trên mặt con có vẽ chữ Phương nào không ?".
Đương nhiên là không rồi, tình nhân gì hai đứa tôi, tình nhân gì như tôi, ngồi uống rượu với người ta, nghe người ta than thở "anh quên không được chị Thể". Phương ra quân, xin được một chân bảo vệ cơ quan tòa án thành phố, buổi tối, anh phụ chạy bàn cho quán cà phê truớc cổng, anh nói, phải kiếm tiền để phụ giúp anh Hai sửa lại nhà.

Một năm anh về Phương Điền chừng năm ba lần. "Nhân Phủ" sẽ xáo trộn đôi chút, anh Tứ Hải ghé quán chú Sồi mua rượu, đổ vô cái hủ đựng đầy nhóc xác trái nhàu, trái khế. Chị Thể mua thức ăn ngon hơn, nấu bữa cơm canh tươm tất hơn thường ngày. Mấy đứa nhỏ được chú Út giảng nghĩa những chữ ghi trên mấy tấm hoành phi kia. Hai chữ treo giữa nhà là "Vạn cổ phương", còn kia là "Ái sở thân", kia nữa là "Đức Lưu thiên cổ"…

Hai đứa nhỏ ngẩn người ra, vỗ tay cười, chú Út nói sai bét, ba con nói chữ đó là "Anh hùng náo", chữ kia là "Bao Thanh Thiên", còn lưu thiên cổ gì đó, ba nói là "tứ tử đăng khoa" (toàn là tên mấy tuồng cải lương).

Tứ Phương nghe, ôm cháu vô lòng, ngậm ngùi thương người vì anh mà chịu nhiều thua thiệt. Rồi chạng vạng, tôi qua, cả nhà mở tiệc. Trẻ con no bụng chạy đi mở ti vi coi, còn lại bốn người cùng nhau uống rượu tới khuya xa. Mà không, chỉ ba người uống, còn chị Thể thì ngồi lui ra sau chừng năm ba thước như xưa rày vẫn vậy (tôi ngờ rằng cũng ở vị trí đó, một hôm chị chọn được người trăm năm của mình), lặng lẽ, cười cười.

Cũng cảnh này, người này nhưng trong lòng đã đánh mất sự bình yên, trong trẻo xưa rồi. Tôi nói, nghe bù xè nhai gỗ trèo trẹo buồn thiệt. Anh Tứ Hải bảo, ngói trên mái nhà lăn lóc cóc xuống máng xối kìa. Anh Tứ Phương chắc lưỡi, anh mới kiểm tra chừng một chục cây cột, thấy vậy chớ mấy cái ngàm mục hết rồi, chắc là không chịu được bao lâu nữa. Rồi nghĩ, mai mốt không còn căn nhà cũ kỷ này, biết lấy gì mà nói với nhau ?

Vì vậy mà phải giữ, quyết giữ nhà cho bằng được. Yêu và đau đã làm cho anh em họ nhọc nhằn ở bên nhau thì căn nhà cổ với những kỷ niệm ngọt ngào ngày thơ ấu níu lòng họ lại. Tôi mấy bận khổ lây, có bữa mưa gió lớn, bỏ nồi cơm nấu dỡ chạy qua, thấy anh Tứ Hải một tay vịn quần một tay chạy đi đốn cây chống đỡ, tôi nhào vô cùng chị Thể lấy dây chằng mấy cây cột cái. Rồi bưng thau đi hứng dột, rồi tiếp chị đùn mấy bọc nước trên nóc mùng. Lúc về tới nhà nhìn tôi loi ngoi ướt, má chép miệng, giọng như mỉa mai, như hờn tủi "Ông bà mình nói có sai đâu, con gái là con người ta …".

Tôi cười, nhìn má, "trời ơi, má nói kỳ, hàng xóm với nhau, rảnh thì giúp", mà lạ, sao tôi nhìn thấy mình trong mắt má lại lủi thủi, đáng thương thế kia.
Không biết có phải vì vậy mà má tôi trở nên buồn bực. Có bữa đi dự đám cưới ở cuối xóm về, thấy tôi đang ngồi lặt bông so đũa, má cay đắng hỏi "mầy bây giờ già đầu rồi, còn ngóng ra cửa trông ai nữa ?". Đâu, tôi cãi lại, con ngó mấy cái bông mà. Rồi má thở dài, "Sao lóng rày, thằng Tứ Phương ít về…"

. "Kệ thằng chả, má ơi", tôi đáp, chợt nghĩ, ừ, thì cũng lâu rồi anh Tứ Phương không về. Những lần xe đò cho khách xuống "Nhân Phủ" trước thì nhặt, bây giờ thưa lắm. Có về, anh Tứ Phương cũng ở lại nhà chừng hai ngày rồi đi, anh nói với tôi, ở lại một bữa là lòng đau một bữa.

Tôi gật gù, ờ, em hiểu chớ sao không. Hai đứa tôi ngồi đâu đó (chỗ mà ai cũng nhìn thấy) nói chuyện chơi, có lúc, chẳng cần nói gì. Tôi cố gắng đóng vai trò cô em gái nhỏ như lúc còn bò lủm đủm, anh bồng đi mua kẹo cho ăn, như lúc tám chín tuổi anh chặt giùm bó đũa chơi chuyền, như lúc mười bảy tuổi, hai anh em chở nhau ra chợ thị xã, chọn đẫm mồ hôi mới được cây kẹp tóc cho anh tặng người yêu…
Anh đi rồi, tôi nói với má, " Trời ơi, ngồi với thằng chả mỏi lưng quá, má coi, yêu đương chi cho mệt vậy không biết, bởi vậy, con đâu có thèm.

Mà, sao ảnh không quên chị Thể phứt cho rồi, để con khỏi mắc công nghe than thở". Rồi nghĩ, mai mốt đi lấy chồng, ai ngồi chia thương sẻ nhớ với anh, hả Phương.
Lụi hụi rồi gió lại đổi mùa. Tôi gà gật ngồi cho con bé Tho giết trứng tóc. Nó kêu trời ơi, cô Út Nhỏ, cô có tóc bạc rồi nè. Chú Út con cũng có, nhiều lắm. Mà, chú Út con sắp cưới vợ rồi. Tôi hỏi, vậy hả, vậy hả, vậy sao. Dạ, con bé nhỏ nhẻ, con chưa biết mặt, con hỏi giống ai, chú nhìn vòng vòng một hồi, mới nói, cổ hơi giống má. Tôi bảo, ờ, giống má con cũng được, vừa đẹp vừa hiền. Rồi nghĩ, sao mình không có gì giống chị Thể hết vậy ta, tệ thiệt.

Nhưng giống mà làm gì ? Anh chị Tứ Hải qua nhà, cúi đầu chịu lỗi với má tôi, nói vì người của "Nhân Phủ" mà tôi phải chịu lỡ dỡ. Tôi cười nắc nẻ, cười ha ha ha, nói, "Em với anh Tứ Phương giả đò đó, tụi em đâu có tình cảm gì". Mà, dường như họ không tin, chị Thể nắm tay, nhìn tôi chua xót, còn anh Tứ Hải trầm ngâm ngậm một bụm khói thuốc, quay mặt thở dài. Nhìn thái độ anh chị vậy, tôi tính, điệu này chắc mình cũng phải buồn một chút. Nhưng không phải buồn Phương lấy vợ, tôi buồn là vì chiều nay, Nhân Phủ đã sụp đổ trong lòng.
Rồi họ, và cả má tôi đều bảo tôi khóc đi.

No comments: