Wednesday, January 11, 2012

HÁT XOAN



Hát xoan: Di sản Văn hóa phi vật thể của Việt Nam
2011-11-26

Cho tới nay một loại hình văn hóa dân gian được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho là cổ xưa nhất Việt Nam đó là Hát xoan.

Photo courtesy of lehoi.cinet.vn

Một buổi Hát xoan ở Phú Thọ

Thể loại này đang hiện diện tại Phú Thọ nơi có di tích Đền Hùng. Hát xoan được cho là xuất hiện từ thời vua Hùng với nhiều truyền thuyết còn lưu hành trong dân gian, sánh đôi với những câu chuyện chung quanh các thời đại Hùng Vương làm cho Hát xoan bao phủ thêm nét huyển hoặc của thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc.

Vốn quý chưa được xem trọng

Hát xoan tuy xuất hiện lâu đời nhưng trong dân gian cả nước lại ít có người biết thể loại này như Quan họ Bắc Ninh của miền bắc, Hát Cung đình của Huế hay thậm chí gần nhất là Đàn ca tài tử của miệt sông nước Nam bộ. Với bề dày như thế nhưng Hát xoan chỉ quanh quẩn tại khu vực Đền Hùng hay chỉ vài vùng chung quanh đang là câu hỏi lớn cho các nhà văn hóa của tỉnh Phú Thọ, nơi sở hữu di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO thừa nhận vài ngày trước đây.

Hát xoan còn có một tên khác là “Khúc môn đình” dành để hát vào các dịp lễ Tết trước các đình miếu mà tập trung nhất là Đền thờ vua Hùng tại Phú Thọ. Người dân dùng dịp này để tiến dâng lên Vua những nguyện vọng ngàn đời của họ là may mắn được mùa, nhà nhà an cư hạnh phúc, mọi tai ương bệnh hoạn sẽ tránh xa và những tâm nguyện ấy được diễn giải qua điệu hát xoan truyền thống của địa phương.

Trình tự một buổi hát xoan

hat-xoan-2-250.jpg

Một buổi Hát xoan ở Phú Thọ. Photo courtesy of lehoi.cinet.vn.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, người có hơn 50 năm theo đuổi hát xoan, hiện đang hướng dẫn một câu lạc bộ Hát xoan tại An Thái thuộc tỉnh Phú Thọ cho biết một buổi hát xoan sẽ diễn ra tuần tự như sau:

“Hát xoan khi bắt đầu vào thì chúng tôi tập trung ở đình làng hoặc là ở đền Hùng. Trong phần nghi lễ thì có giáo pháo, giáo trống. Phần hai là phần hát các quả cách, trong đó có 14 quả cách, sau khi hát hết 14 quả cách ấy tới phần thứ ba là phần hát hội. Trong phần hát hội thì có rất nhiều chương trình hay như hát đón đào, hát bỏ bộ hay hát đối chữ, cài huê, tát cá...đấy là chương trình của một buổi hát xoan tổ chức hàng năm vào dịp lễ Tết tại đền Hùng.”

Theo ông Lê Xuân Ngũ trưởng Phường Hát xoan Phù Đức thì mở đầu của một buổi hát xoan rất quan trọng, người đứng đầu một phường hát xoan hay còn gọi là ông trùm sẽ xướng lên bài hát tiến Vua trước tiên với những nội dung cầu mưa thuận gió hòa, ông cho biết:

“Hát xoan chỉ hát ở cửa đình cửa miếu thôi. Trong lời hát bài nào có chữ Vua hoặc là đến cuối có câu “giã tiệc này Vua là Đại vương” thì không thể hát trong công chúng được chỉ hát thờ Vua Hùng thôi chứ không hát công chúng bên ngoài, từ xưa nay như thế còn khi hát trước cửa đình thì nhân dân đến xem đến nghe thôi.”

Hát xoan khi bắt đầu vào thì chúng tôi tập trung ở đình làng hoặc là ở đền Hùng. Trong phần nghi lễ thì có giáo pháo, giáo trống. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch Theo yêu cầu của chúng tôi để quý thính giả có thể khái niệm một phần quả cách như thế nào nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch trình bày một đoạn ngắn sau đây....(nhạc)

Ông Lê Xuân Ngũ cho biết thêm về các lời hát của Hát xoan. Một phần được lưu truyền từ xưa qua ứng đối tại chỗ nhưng ngày nay các phường xoan đang tiến tới sáng tác và gìn giữ để phát triển bằng cách viết vào sách để lưu lại và trình diễn:

“Sau khi hát thờ thì có tiết mục gọi là hát đối với trai của cái làng đó có hai tiết mục, một là hát ném đúm, hai là cài huê thì trai của làng đó và nữ của xoan. Nhưng hát trong đình hết không ra bên ngoài.

Ngày xưa thì ứng khẩu thành văn chứ bây giờ thì ứng thành sách vì không viết thành sách thì không hát được. Tuy nhiên những người đến hát ở đình thì phải biết được các điệu hát thì mới hát đúng với đào tức là xoan của chúng tôi.”

Hát hội
Sau phần hát quả cách, phần hát hội có lẽ được nhiều người chờ đợi nhất. Đúng như tên gọi, hát hội thật sự là một dịp để trai gái trong làng trổ tài ứng đối với nhau trước đám đông. Hai toán nam nữ sẽ trình diễn những bài hát diễn tả các sinh hoạt thường ngày của đời sống dân dã trong đó có cả cách trao ý tứ của trai gái qua cách ném huê cho nhau. Hát đối chữ, hát bỏ bộ, hát mò cá cũng là dịp để mọi người nhận ra sự tinh tế của từng động tác múa theo nhịp trống con và phách.

Trong các loại hình nhạc dân gian có lẽ Hát xoan là thể loại có nhiều đặc điểm khác lạ và độc đáo nhất. Có dịp xem một buổi hát xoan tại đền Hùng mới thấy hết nét độc đáo của nó. Không giống với Chầu văn trong các dịp kỷ niệm Đức Thánh Trần luôn luôn có hình tượng đồng cốt đi kèm, Hát xoan rất đơn giản trong trang phục, âm nhạc thì chỉ hai chiếc trống và một cái phách nhỏ, cho đến khi khi buổi diễn bắt đầu thì sự tinh tế lan tỏa ngày một nhiều hơn qua điệu múa của xoan nữ, tức các cô gái được học tập về cung cách Hát xoan từ các phường xoan.

Tinh tế, duyên dáng và cuốn hút

hat-xoan-250.jpg
Các xoan nữ trong một buổi Hát xoan ở Phú Thọ. Photo courtesy of lehoi.cinet.vn.

Các xoan nữ được chọn lựa có chiều cao gần như ngang nhau và thể hình của họ khiến người xem có thể tưởng tượng là nhiều người trong một. Khi diễn tả những động tác cách điệu như cấy lúa, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa hay may vá thêu thùa, các xoan vừa là từng cá thể vừa là một cộng đồng khi động tác đều răm rắp như nhau.
Phải qua một thời gian lâu lắm thì nghệ thuật múa trong Hát xoan mới có thể tinh tế đến như thế. Tinh tế nhưng không dùng những động tác khó, tạo hình, hay ấn tượng của nghệ thuật múa hiện đại. Các cử động khoan thai, dịu dàng nhưng không kém tha thướt đầy nữ tính của xoan đã khiến người xem sống chung với không khí của miền trung du Bắc bộ một cách tự nhiên. Những đôi chân trần của xoan lúc nhanh lúc chậm, khi nhón gót lúc xoay chiều đã làm nao lòng những chàng trai đứng xem.

Cùng với chân là các bàn tay biết nói. Các xoan tận dụng những chức năng đa dạng của tay để cách điệu các sinh hoạt thường nhật một cách tài tình. Tay gửi tới người mà các xoan để ý những thầm thì của cô con gái trên cánh đồng đang gặt. Tay nói hộ cho các xoan về những ước ao đời thường của một mái ấm chân quê. Tay cũng dâng lên Vua Hùng những cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc.

Về múa thì đã có công thức sẵn từ xưa do các cụ cha truyền con nối để lại. Từ thuở ngày xửa ngày xưa đến giờ vẫn bảo tồn được điệu múa như thế. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch Cách di chuyển của các xoan nữ chứng tỏ đã qua nhiều suy nghĩ, sửa đổi của các phường trưởng mới trở nên hiệu quả như vậy.

Cách hoán chuyển vị trí cho nhau từ hình vuông biến sang hình tròn đã nói lên sự tích bánh dày bánh chưng một cách tự nhiên như nó vốn thế, khiến người xem khi chưa kịp nhận ra chủ ý của xoan thì các động tác lại chuyển hóa, trở về bình thường sóng đôi đối diện nhau. Các xoan múa như không biết mình đang múa vì mỗi cử động của họ gắn liền với thiên nhiên, với không khí trong lành của ruộng đồng, với niềm vui hồn nhiên của lễ hội dâng vua Hùng mỗi khi Tết đến xuân về.



Nghệ nhân Hát xoan Nguyễn Thị Lịch cho biết kỹ thuật múa của các xoan cũng như trang phục của họ như sau:
“Về múa thì đã có công thức sẵn từ xưa do các cụ cha truyền con nối để lại. Từ thuở ngày xửa ngày xưa đến giờ vẫn bảo tồn được điệu múa như thế. Riêng về trang phục thì hiện nay chúng tôi vẫn mặc trang phục theo kiểu của ngày xưa, riêng câu hỏi tại sao các phường không có trang phục đó đành phải mặc áo tứ thân đó là do các phường tự lo tự may mặc lấy chứ chính ra trang phục cổ của nó thì chính An Thái đang mặc.”


Trong một bài viết quá ngắn chúng tôi không thể chuyển tải hết những nét đặc sắc của Hát xoan. Không những đặc sắc vì cách hát cách trình diễn, Hát xoan còn mang đậm nét văn hóa cổ mà Việt Nam vẫn lưu giữ được tới nay. Trong khi xã hội đang chạy đua với đời sống hiện đại thì Hát xoan vẫn an nhiên tự tại chảy theo dòng sống với bản sắc truyền thống không hề thay đổi.

Nỗi lo sau niềm vui
Mới đây UNESCO đã chính thức công nhận Hát xoan là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần phải gìn giữ, đứng trước tin mừng này nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cho biết cảm tưởng của bà:
“Chúng tôi rất mừng, mừng vô cùng bởi vì mình đã mơ ước qua 1âu nay đã trở thành sự thật. Đó là điều chúng tôi phấn khởi vì trong những năm qua chúng tôi âm thầm gìn giữ và chỉ phục vụ cho địa phương, phục vụ cho nhân dân. Bây giờ được công chúng biết đến, được thế giới biết đến là điều vinh dự cho chúng tôi, cả quê hương rất rạng rỡ để chào đón cái tin vui này.”


Niềm vui từ UNESCO đem lại có thể khiến rất nhiều người Hát xoan và trong ngành du lịch phấn khởi, nhưng đối với các nhà văn hóa thì đây là nỗi lo trước mắt. Theo kinh nghiệm sau khi được công nhận thì một công trình văn hóa vật thể hay phi vật thể đều có biểu hiện giống nhau: xuống cấp vì khai thác, hay tô vẽ thêm cho cái công trình ấy bằng những đóng góp không thích hợp. Liệu Hát xoan có thoát được vết xe này hay không?
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/hat-xoan-mlam-11262011114509.html

Hát xoan
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam. Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.[1]

Mục lục

Giá trị nổi bật toàn cầu

Hồ sơ hát xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận là:

  • Tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác;
  • Sức sống mạnh mẽ của hát xoan cũng như các cam kết bảo vệ nghệ thuật này không bị biến mất trong đời sống hiện đại.
  • Đây là một số ít những hồ sơ nhận được toàn bộ sự ủng hộ của hội đồng tư vấn khoa học xét duyệt sơ khảo trước đó.

Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, hội tụ đa yếu tố nghệ thuật như nhạc, hát, múa... Nguồn gốc của Hát Xoan gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Các làng xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước...

Hát xoan được vinh danh góp phần tôn vinh các giá trị, đạo lý của Việt Nam, khẳng định vị thế dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Ngày 24/11/2011, Hát Xoan được chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể là một thành công rất lớn.

Đặc điểm

Thường vào mùa xuân, có các phường xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng. Vào ngày mùng 5 âm lịch thường hát ở hội đền Hùng. Thời điểm hát được quy định tại một điểm nhất định, mỗi "phường" chọn một vị trí cửa đình. Hát cửa đình giữ cửa đình mục đích nhân dân địa phương kết nghĩa với nhau. Theo lệ dân tại chỗ là vai anh, họ (làng khác) là vai em. Khi kết nghĩa rồi cấm trai gái hai bên dânhọ kết hôn với nhau do là anh em.

  • Phường hát xoan là một tổ chức văn nghệ của làng, phần lớn là những người có quan hệ họ hàng với nhau. Hát Xoan là tiếng hát dâng thần linh, cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho dân làng...
  • Đứng đầu một phường Xoan là ông trùm phường - người dạy nghệ thuật hát xoan, đồng thời là người tổ chức biểu diễn. Theo hầu ông trùm là các cô đào trẻ.
  • Trong hát xoan, múa và hát luôn đi cùng kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca
  • Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các Vua Hùng và thần thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội là hình thức để nam nữ hát trao duyên. Hát xoan có hát đối giao duyên nam nữ giữa đào xoan và trai làng, Hát múa mời rượu, hát tiều ngư canh mục - Còn gọi là mò cá, điệu múa hát của ước vọng sinh sôi.

Các làng xoan

Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau lan tỏa tới các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) từ xưa được cộng đồng của 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn. Vì thế hát xoan mới ghi dấu tại nhiều làng quê ngoài vùng Phú ThọVĩnh Phúc.

Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 70 nghệ nhân hát xoan, nhưng chỉ có khoảng 10 người có khả năng truyền dạy, toàn tỉnh có khoảng gần 100 người tham gia các phường xoan, nhưng chỉ khoảng 50 người biết hát. Các di tích như đình, miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt hát xoan từ xa xưa nay chỉ còn khoảng hơn 10 di tích.

hát xoan được công nhận Di sản phi vật thể của nhân loại


Hát xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới

11h trưa nay, Ủy ban Liên Chính phủ công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể đã thông qua quyết định ghi nhận hát xoan ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp.

10 trong số 23 đề cử tại 9 quốc gia đã được nhận danh hiệu này, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Iran, Trung quốc, Brasil, Mali, Mauritus, Mông Cổ, UAE. .

Theo báo cáo của Ban thẩm định hồ sơ tại hội nghị Ủy ban liên Chính phủ (tổ chức tại Indonesia), hồ sơ hát xoan là tài liệu duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ tốt nhất trong số được đệ trình.


Hát Xoan
Hát xoan là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Ảnh: web Đảng cộng sản.

Trong chiến lược bảo vệ di sản văn hóa của quốc gia, năm 2009, Chính phủ đã đồng ý lập hồ sơ cho di sản hát xoan để đề nghị UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chính quyền và cộng đồng các phường xoan ở Phú Thọ và các cộng đồng liên quan đã đồng thuận đề cử di sản này. Họ đã cùng Viện Âm nhạc, Cục Di sản văn hóa, khảo sát đánh giá hiện trạng di sản và lập hồ sơ. Hồ sơ gửi tháng 3/2010 và đến tháng 8/2011 nhận được ý kiến đánh giá của các chuyên gia quốc tế. Các chuyên gia đánh giá cao giá trị di sản, ghi nhận những cố gắng của cộng đồng Phú Thọ bảo vệ di sản những năm gần đây và khuyến nghị UNESCO ghi nhận đề cử của Việt Nam. Theo truyền thuyết dân gian vùng đất Tổ Phú Thọ, nghệ thuật hát xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Các làng xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm ở trung tâm nước Văn Lang xưa, vì vậy hát xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ. Đây cũng là loại hình âm nhạc có tính chuyên nghiệp, phản ánh trình độ, khả năng thụ hưởng văn hóa của người Việt. Đoàn Loan














No comments: