Tuesday, January 17, 2012

PHONG TỤC NGÀY TẾT

TẾT

Tết Nguyên đán, còn gọi Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ truyền, năm mới hay chỉ đơn giản Tết, là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch hay Tết Tây, thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch và nói chung kéo dài khoảng 5–6 ngày, tạo điều kiện cho những thành viên gia đình sinh sống làm ăn ở nơi xa có thể về quê vui cảnh đoàn viên ít ngày. Nhưng ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết ở chỗ nó là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.

Hai chữ "Nguyên đán" (元旦) có gốc chữ Hán; "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "đán" là buổi sáng sớm. Tết Nguyên đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết (春節, chữ Tết là từ chữ Tiết), Tân niên (新年) hoặc Nông lịch tân niên (農曆新年)

Thời gian cử hành Tết

Ngày đầu năm này cũng gọi là ngày Mồng Một Tết, ngày bắt đầu của một dịp lễ cổ truyền long trọng nhất trong năm của người Việt. Có những thời điểm trước đây chuỗi ngày Tết được kéo dài hơn hiện nay, người ta "ăn Tết" (tận hưởng Tết) đến Mồng Tám, Mồng Chín tháng giêng (tháng một Âm lịch); nói chung khi nào những công sở, trường học còn nghỉ thì còn Tết. Tết là dịp hội hè vui chơi sau một năm lao động vất vả, và là dịp để những người tha phương tìm về sum họp với gia đình, cùng nhau tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Người Việt Nam tin rằng vào ngày Tết mọi thứ đều phải mới, phải đổi khác, từ ngoại vật cho đến lòng người, vì vậy khoảng mươi ngày trước Tết họ thường sơn, quét vôi nhà cửa lại. Họ cũng tất bật đi sắm sửa quần áo mới để mặc trong dịp này. Trong những ngày Tết họ kiêng cữ không nóng giận, cãi cọ. Tết là dịp để mọi người hàn gắn những hiềm khích đã qua và là dịp để chuộc lỗi. Mọi người đi thăm viếng nhau và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa. Trẻ em sau khi chúc Tết người lớn còn được lì xì bằng một phong bì đỏ thắm có đựng ít tiền dành cho chúng tiêu xài ngày Tết.


Bao lì xì
Sắp dọn bàn thờ

Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay còn gọi ông Vải). Tùy theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Biền, bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phía sau 2 cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm "cành vàng lá ngọc" (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước.

Ở giữa có trục "vũ trụ" là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hương là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả (tùy mỗi miền có sự biến thiên các loại quả, nhưng mỗi loại quả đều có ý nghĩa của nó), phía trước bát hương để một bát nước trong với ý nghĩa để các cụ rửa chân tay sạch sẽ về đón tết cung con cháu. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới...


ông Táo

Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình. Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.


Giao thừa

Cúng Giao thừa hay lễ Trừ Tịch: Theo tục lệ cổ truyền thì "giao thừa" được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Trên chiếc hương án có bình hương, hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm: chiếc thủ lợn (đầu heo) hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã.

Đôi khi có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển. Lẽ trời đất có khởi thủy phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc. Bắt đầu vào lúc giao thừa, và cũng kết thúc vào lúc giao thừa. Theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Cao đài Từ điển giải nghĩa trừ tịch (除夕) thì trừ: bỏ đi, bớt ra, cuối năm ; tịch: đêm và Giao thừa (交承) thì giao: giao tiếp và thừa: tiếp tục. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để " khu trừ ma quỷ".

Sau khi cúng Giao thừa xong, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết. Ở Nam bộ, Thổ Công được thay bằng Ông Địa và thờ ở dưới đất. Sau khi cúng xong, xem như Tết thực sự đã đến với gia đình.


Pháo Tết

Trước đây, đúng vào phút Giao thừa, mọi người thường đốt pháo Tết. Theo lời truyền miệng dân gian, pháo được cho nổ vào dịp năm mới để xua đuổi ma quỷ của năm cũ (vì người xưa đã tin rằng ma quỷ sợ tiếng động lớn) và chào đón năm mới. Pháo càng dài và lớn, nổ càng lâu, kêu càng to, cháy ra nhiều xác phác pháo và cháy hết thì càng được cho là điềm lành của năm mới. Tuy nhiên do nguy cơ cháy nổ, sát thương và ô nhiễm môi trường mà từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, pháo nổ đã bị cấm ở Việt Nam. Nay được thay thế bằng hoạt động bắn pháo hoa do lực lượng quân đội Việt Nam trực tiếp thực hiện dưới sự giám sát của các bộ ngành liên quan. Pháo hoa chỉ được bắn tại các thành phố lớn vào dịp Tết cổ truyền, các ngày lễ lớn hoặc các sự kiện quốc gia đặc biệt.


Chúc Tết

Sáng mồng Một Tết còn gọi là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ Tổ Tiên và chúc tết ông bà, các bậc huynh trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổị, bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày con cháu "chúc thọ" ông bà và các bậc cao niên (ngày xưa, các cụ thường không nhớ rõ ngày tháng sinh nên chỉ biết Tết đến là thêm 1 tuổi).


Kiêng kỵ

Theo quan niệm trong ngày đầu năm (Nguyên Đán) mà có nhiều điều tốt đẹp thì cả năm đó chắc chắn sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến cho mọi người, do đó, người Việt có một số kiêng kỵ như sau:

  • Kỵ mai táng: Ngày Tết Nguyên Đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

    Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng Một đầu năm. Trường hợp chết đúng ngày mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng Hai làm lễ phát tang.

  • Ngày mùng Một Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió v.v.
  • Trong ngày này, người ta kiêng quét nhà vì theo một điển tích của Trung Quốc, nếu quét nhà thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất.
  • Ngày đầu năm cũng như ngày đầu tháng, người ta rất kiêng kỵ việc vay mượn hay trả nợ, cho vay.
  • Trong ăn uống, người ta kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt... Nếu ăn những thứ này bào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ xúi quẩy
  • Ngoài ra, người già cũng khuyên con cháu trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.
  • Người ta thường kiêng không nói tới điều rủi ro hoặc xấu xa trong dịp Tết.
  • Ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành. (Ca dao: "Mồng năm, mười bốn hăm ba. Đi chơi cũng lỗ lọ là đi buôn.")

  • height="360">





No comments: