Thursday, January 5, 2012

GÁI NHA MÂN



Nha Mân, miền quê nội

Phạm bá Hoa

Nha Mân, gối đầu lên một nhánh bên hữu ngạn Sông Tiền, và duỗi mình về hướng Sông Hậu. Ðó là quê nội tôi. Từ thời Pháp cai trị đến năm 1955, thuộc quận Châu Thành, tỉnh Sa Ðéc. Năm 1956 đến năm 1965, Sa Ðéc trở thành quận bằng cách phân chia lại lãnh thổ của tỉnh thì Nha Mân thuộc quận Ðức Tôn, và quận lỵ tại Cái Tàu Hạ. Năm 1966, tỉnh Sa Ðéc được tái lập và Nha Mân trở lại trực thuộc quận Châu Thành.

Trụ sở xã cạnh đầu cầu Nha Mân, sát đường liên tỉnh Vĩnh long–Sa đéc–Vàm cống. Tôi không biết địa danh Nha Mân do đâu mà có, và ranh giới từ đâu đến đâu nữa. Chỉ biết là con sông trải dài theo quê Nội tôi có tên là Nha Mân. Tôi nhớ trên bản đồ quân sự ghi là "rạch" nhưng tôi xin gọi là "sông" để phân biệt với những con "rạch nhỏ" dọc hai bên bờ sông. Không biết có phải do vậy mà tên Nha Mân trở thành miền quê này hay không? Nhưng về mặt hành chánh từ xa xưa, thì Nha Mân là xã Tân Nhuận Ðông do sự kết hợp 3 xã Phú Nhuận, Tân Hựu, và Tân Hựu Ðông khoảng năm 1940 hay 1941 gì đó.





Và cho dù tên hành chánh của xã có là gì đi nữa, thì Nha Mân vẫn là cái tên rất thân thương đối với những người sinh sống trên vùng đất hiền hòa và trù phú này, một vùng đất được dòng phù sa bồi đắp quanh năm, nhất là vào mùa nước dâng cao từ thượng nguồn sông Mékong đổ xuống với lưu lượng trung bình 90.000m3/giây.

Cũng trong 1 giây đồng hồ, lưu lượng đó chuyên chở trung bình 5/10.000 trọng lượng phù sa trong mùa khô và khoảng 15/10.000 trọng lượng phù sa trong mùa mưa cung cấp cho các tỉnh vùng hạ lưu. Sông Nha Mân, bắt đầu từ một nhánh của Sông Tiền (còn gọi là Tiền Giang), rồi quanh co uốn khúc như hằng trăm con sông khác, góp phần tạo nên hệ thống sông rạch trên miền quê thân thương của vùng đất "cù lao" giữa Sông Tiền với Sông Hậu.




Phần cuối của sông Nha Mân, nối vào rạch Ba Càng (trên đường Vĩnh Long-Cần Thơ) và ra Sông Hậu, ngang chợ Cần Thơ. Dọc bờ trái sông (từ cầu Nha Mân vào) có nhiều rạch nhỏ. Những rạch này cách nhau từ vài trăm thước đến vài cây số. Rạch đầu tiên có tên là Rạch Chùa Ông Chiêm. Nhà Nội tôi ở rạch này. Khoảng giữa rạch, có chùa Hội Phước, xây cất vào cuối thế kỷ 19, và được xem là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất của đồng bằng Cửu Long.

Con đường từ vàm Rạch Chùa vào đến chùa Hội Phước, tuy nền đất nhưng đủ rộng và chắc cho xe du lịch và xe ngựa đưa thiện nam tín nữ vào lễ Phật trong những ngày hội lớn của bà con trong vùng. Những lễ lớn tại chùa, có xe du lịch và xe ngựa, đưa các thiện nam tín nữ từ Sa Ðéc xuống, từ Cái Xép, Mù U, và Cái Tàu Hạ lên dự. Khỏi Rạch Chùa Ông Chiêm khoảng 500 thước là rạch Bà Thiên. Từ vàm rạch, có nhiều nhà khá giả với những ngôi nhà nền đúc cao, vách tường hoặc vách ván, lợp ngói. Rồi đến rạch Cầu Xoay, nhưng bà con quen gọi là Cầu Xây.

Theo lời Ba tôi kể lại (Ba tôi sinh năm 1903 và lớn lên tại Nha Mân), thì cây cầu nguyên thủy "xoay được 1/4 vòng tròn" để ghe lớn chở lúa ra vào rạch. Xa khoảng 2 cây số nữa, sẽ đến Chợ Dinh, và cạnh đó là rạch Ông Ðại. Khoảng giữa Cầu Xoay với Chợ Dinh, có nhiều ngôi nhà nền đúc theo kiểu xưa, của những vị đại điền chủ.

Một số vị trong những ngôi nhà đó, đã một thời phục vụ trong ngành hành chánh và quân sự dưới thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa. Ðó là ông Lê công Chất, Ðốc Phủ Sứ, một thời là Tổng Trưởng Nội Vụ. Ðại tá Phạm văn Út, một thời là Tỉnh Trưởng An Xuyên, về sau là Dân Biểu Hạ Viện. Ngang Chợ Dinh là rạch Ông Yên, có giáo sư Học viện quốc gia hành chánh Nguyễn văn Tương, năm 1967 là Ðặc Ủy Trưởng Hành Chánh, tức Tổng Trưởng Nội Vụ. Ông là em của Y sĩ Ðại tá Nguyễn văn Nhu, bác sĩ giải phẫu của ngành Quân Y.

Cứ tiếp tục theo bờ trái sông Nha Mân, bà con sẽ đến Rạch Tre. Tại sao có tên Rạch Tre thì tôi không biết, chỉ biết rằng, trong ngọn rạch này có ngôi chùa mà chung quanh là hàng rào tre bao bọc. Qua khỏi Rạch Tre là Ngã Ba sông, tên địa phương là Ngã Ba Phú Nhơn. Nếu rẽ phải là lên Bình Tiên, và từ đây vào Phú Nhơn, theo dòng nước lên Rạch Rắn, rẽ phải sẽ ra đến chợ Sa Ðéc. Cũng từ Ngã Ba, nếu đi thẳng, bà con sẽ đến rạch Cái Ngổ.




Nơi đây nổi tiếng về những nhà giàu với những vườn cam, quít, xoài, bưởi. Ðoạn sông này bắt đầu hẹp bề ngang khi qua khỏi ngã ba sông. Tiếp tục đi sâu vào sông Nha Mân, sẽ là Rạch Chùa và rạch này cũng có ngôi chùa. Qua khỏi Rạch Chùa là Rạch Gia. Ngay đầu rạch, có cây gia cổ thụ với "râu ria" dài ngoằn xuống đến tận mặt nước, và rất có thể do vậy mà rạch này mang tên đó cũng nên. Một đoạn nữa là Rạch Cầu.


Ngọn Rạch Cầu thông xuống một nhánh của ngọn sông Cái Tàu Hạ. Gần Rạch Cầu là rạch Bằng Lăng, và cách đó không xa là rạch Mương Khai. Khu vực này là xã Hòa Tân do sự kết hợp xã Hòa Hưng và Tân Hựu Trung cũng khoảng thời gian hình thành xã Tân Nhuận Ðông, cũng thuộc quận Châu Thành, tỉnh Sa Ðéc. Tiếp tục về hướng ngọn sông Nha Mân là Xẻo Mát, với đoạn sông càng lúc càng hẹp bề ngang, cho đến cuối ngọn thì thông vào rạch Ba Càng.






Nha Mân trước chiến tranh (tức giữa năm 1945 về trước). Bờ trái sông Nha Mân có đưng trải đá vào đến Hòa Tân. Lề đường bên phải -tức phía bờ sông- có hàng cây me ăn trái. Những cây này trồng theo khoảng cách đều nhau và cùng lứa với nhau, nên tán cây cùng cỡ, trông như những cái nấm khổng lồ dọc hành trình thủy bộ. Vào mùa me vừa chín, đám choai choai trong làng thường "ăn cắp" chấm muối, ngon ơi là ngon. Tôi nói "ăn cắp", vì hàng me dọc lề đường Nha Mân-Hòa Tân là tài sản của Xã, và hằng năm Ban Hội Tề xã đấu thầu bán cho những ai trả giá cao nhất.

Ban Hội Tề hay Hội Ðồng Hương Chức (về sau gọi là Ủy Ban Hành Chánh xã) theo thứ tự từ cao xuống thấp: Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ, Hương thân, Hương hào, Xã trưởng, và Chánh lục bộ. Hương Cả là vị đứng đầu Ban Hội Tề với vị phụ tá là Hương Chủ, và 2 vị cố vấn là Hương Sư Hương Trưởng. Hương Chánh trông coi đường sá cầu cống. Hương Giáo trách nhiệm về trường học.

Hương Quản lo về an ninh trật tự. Hương Bộ ghi chép và lưu giữ sổ bộ của làng. Ba vị Hương Thân, Hương Hào, và Xã Trưởng, hợp lại thành Ban Chấp Hành thường trực điều hành công việc của Xã. Riêng Xã Trưởng có thêm trách nhiệm thuế má.

Chánh Lục Bộ trách nhiệm về bộ đời, như: khai sanh, khai tử, lập hôn thú,... Hằng ngày có xe đò loại nhỏ, chạy đường Sa Ðéc-Nha Mân-Hòa Tân, và ngược lại. Từ hàng cây me ra đến bờ sông, còn một khoảng cách chừng 5 thước. Ðồng thời, trên sông Nha Mân có "đò máy" chở khách, xuôi ngược trên thủy trình Xẻo Mát-Hòa Tân-Ngã Ba-Nha Mân.

Ðó là phương tiện chuyên chở công cộng. Ngoài ra, bà con trong làng còn có phương tiện di chuyển riêng là ghe, xuồng, xe đạp (thuở đó nông thôn chưa có xe mô tô hay xe gắn máy), và vài xe du lịch của khu nhà giàu gần chợ Vinh. Ngay vàm rạch Ông Ðại, có ông bà chủ hãng xe đò Tân Phát chạy đường Sa Ðéc-Sài Gòn.

Vì vậy mà những chiếc xe loại 40 chỗ ngồi, sơn màu vàng, thường ra vào đường này, và mặt đường đủ rộng cho hai xe xuôi ngược. Chợ Nha Mân được xây cất giống như những chợ nông thôn miền Nam. Ðó là ngôi chợ hai mái, đòn dông hướng ra bờ sông, mái thoai thoải về hai dãy phố trệt buôn bán bên hông chợ.

Chung quanh có trải đá lởm chởm. Họa đồ tổng thể của khu chợ, gồm: Nhà chợ, dành cho những gian hàng áo quần vải vóc, tạp phẩm, quày thịt, trái cây. Hai dãy phố hai bên, là những tiệm tạp phẩm, tiệm thuốc bắc, hớt tóc, tiệm rượu, tiệm ăn, có cả tiệm bán và hút thuốc phiện nữa,......

Phía trước hướng ra bờ sông, là nơi dành cho người mua gánh bán bưng trong những giờ "nhóm chợ". Sau khi "tan chợ" thì sân này trống trơn. Bờ sông là bến đậu cho ghe xuồng, có chiếc cầu ván mặt rộng dành cho "đò máy" cặp vào để khách lên xuống. Phía sau chợ là "Nhà Việc" (sau này gọi là trụ sở xã) nơi mà Ban Hội Tề (sau này là Ủy Ban Hành Chánh xã) điều hành những công việc của xã Tân Nhuận Ðông.

- Một bến xe nhỏ, vừa đủ cho vài xe hành khách trên đường Nha Mân-Sa Ðét đậu chờ khách. Vị trí của chợ gần bờ sông, cạnh đầu cầu Nha Mân phía đi xuống bắc Mỹ Thuận. Chợ nhóm mỗi ngày, từ khoảng 3 giờ sáng đến khoảng 10 giờ trưa và lác đác đến 1-2 giờ trưa thì tan, nhưng những gian hàng trong nhà chợ thì buôn bán suốt ngày. Ngôi trường sơ cấp có 3 lớp: lớp đồng ấu, lớp dự bị, và lớp nhất, với chương trình Việt Pháp.

Học sinh bậc sơ cấp đã học Pháp ngữ, và học xong 3 lớp là qua kỳ thi tại Sa Ðéc. Bài thi tiếng Việt và bài thi tiếng Pháp. Bằng cấp có cái tên dài thoòng là "Việt Nam Sơ Ðẳng Tiểu Học Văn Bằng". Học trò 10 tuổi (7 tuổi mới vào học lớp đồng ấu) đã có thể nói lai rai những câu thông thường bằng Pháp ngữ sau khi đậu văn bằng này.

Hằng năm, người Nha Mân có 3 lễ hội lớn, là: Tết Nguyên Ðán, cúng đình, và cúng rằm tháng 7 âm lịch tại chùa Hội Phước. Tết Nguyên Ðán.

Chắc chắn rằng, vui Tết ở thành phố không thể nào sánh bằng nông dân Nha Mân vui Tết được. Nha mân vui Tết trong không khí sum vầy của từng đàn anh em con cháu khắp nơi trở về, quây quần bên nhau, và cùng nhau ăn những món ăn đậm đà hương vị của những ngày đầu năm, như: bánh tét bánh ích, bánh tráng báng phồng, dưa giá dưa cải, củ cải củ kiệu, cá kho thịt kho, mứt dừa mứt bí, mứt khoai mứt gừng. Rồi tiếng pháo lạch tạch pha lẫn tiếng pháo đì đùng đó đây trong xóm. Chỗ này chơi bầu cua cá cọp, chỗ kia tụm năm tụm ba đánh bài ba lá,...v... v...

Sa Ðéc đã một thời nổi tiếng về làm pháo bông, pháo thăng thiên, mà Bác Hai tôi là một trong số ít những làm hai loại pháo nói trên. Trong những thức ăn ngày Tết, hầu như nhà nào cũng có vài chục "nem chua Nha Mân". Nem chua của bà Tư Ton là đặc biệt nổi tiếng. Cái quán của bà cạnh đầu cầu sắt (Nha Mân), rất đông khách địa phương cùng những khách từ các làng xã lân cận. Khi xe chạy đường Sa Ðéc-Sài Gòn dừng lại cho khách lên xe, cũng đủ cho khách trên xe mua được vài chục nem lên Sài Gòn tặng bà con lối xóm.

Sau những giờ thăm và chúc Tết bà con lối xóm, quay về nhà ăn một tô bún nem của bà Tư Ton, là đủ sức đi đánh bầu cua cá cọp ngay. Một cái tô cỡ lớn, phía dưới là rau ghém xanh vàng, kế đó là những lọn bún tròn trịa, bên trên là những chiếc nem có những cọng trăng trắng của da heo chen lẫn màu hồng hồng của thịt heo với vài hột tiêu đen và miếng tỏi màu ngà, xé vội từng miếng nhỏ, muỗng nước mắm pha chế sẵn cho vào, những miếng ớt xanh đỏ nằm tênh hênh trên những lọn bún nõn nà, trông "dễ thương" biết chừng nào.


Thế là, tay trái cầm cái tô ngon lành đó và tay phải cầm đôi đũa thon dài. Ôi chao, chuyện gì xảy ra khi mà những thứ đó lần lượt trôi vào cái bao tử đang "cơn giận" sau một buổi chỉ ăn toàn mứt? Ðêm giao thừa, những ngôi chùa -nhất là chùa Hội Phước- đều đông nghẹt thiện nam tín nữ đến lạy Phật và cầu nguyện điều tốt lành trong năm mới. Mọi người già trẻ lớn bé đều mặc áo quần đẹp nhất, và thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau bằng những lời chúc tốt lành nhất. Rõ ràng là mọi người đều gác sang một bên mọi ưu phiền của năm cũ, và tất cả đều vui mừng khi gặp nhau trên đường đi hay nơi gọi là phòng khách.

Trong những ngày Tết, đường đi dọc hai bờ rạch lúc nào cũng nườm nượp kẻ vào trong ngọn người ra ngoài vàm. Gặp nhau, hầu như không ai hà tiện nụ cười kèm theo lời "chúc mừng năm mới" cả. Chiều 30 Tết, nhà nào cũng có mâm cơm "cúng đón ông bà", đồng thời "dựng cây nêu" tượng trưng bắt đầu vui Tết. Ðến Mồng 7 Tết mới hạ nêu, có nghĩa là thuở ấy vui Tết đến 7 ngày lận. Ban đêm, mọi nhà đều đốt đèn treo trên các thân cây dọc theo đường đi trước nhà để cung cấp ánh sáng cho người người đi lại vui xuân.

Tùy theo đoạn đường chạy ngang trước nhà dài hay ngắn, mà số đèn treo có thể từ 5 đến 10 chiếc. Ðó là những chiếc đèn dầu loại nhỏ, được gọi là "đèn cóc" vì nó có hình dáng tựa như con cóc đang ngồi. Tim đèn cao để chịu được gió ở tốc độ thông thường. Giữa đêm, người nhà phải châm thêm dầu hoặc đốt lại ngọn đèn đã tắt. Tết Nha Mân về đêm, với những ánh lửa lập lòe ở khoảng cách không đều nhau, cao thấp cũng chênh lệch nhau, và chính "ánh sáng đèn đường" này đã góp phần tạo nên cái dáng vẻ của người Nha Mân mừng xuân là vậy. Cúng đình.


Ngôi đình tọa lạc bên kia sông, trên đường từ cầu Nha Mân ra ngoài vàm. Mỗi năm cúng thần một lần theo nghi thức cổ truyền và trong ba ngày liên tiếp. Ban Hội Tề xã Tân Nhuận Ðông là cơ quan trách nhiệm tổ chức. Người dân nông thôn nói chung và người Nha Mân nói riêng, rất tin vào sự chở che và phò độ của "vị thần trị vì" làng mình, nên mọi người lớn bé trong làng đều háo hức tham gia lễ cúng.

Trong kế hoạch tổ chức lễ cúng, bao giờ cũng mời một đoàn "hát bộ" về trình diễn những vở tuồng thường là loại tuồng dã sử Trung Hoa. Ðoàn hát bộ (cũng như các đoàn hát cải lương vùng đồng bằng Cửu Long) thường dùng chiếc ghe lớn gọi là ghe chài hay ghe cà dom, để chuyên chở tất cả những gì cần cho một rạp hát lưu động cùng tất cả nghệ sĩ của đoàn, do tàu kéo đến. Rạp hát lộ thiên, sân khấu thì bằng gỗ và ván được dựng bên cạnh sân đình, với những phông màn nhiều màu sắc nhưng cũ kỹ. Bà con đến cúng thần và xem hát, đều ăn mặc tươm tất chẳng khác gì những ngày vui Tết.

Người xem đều đứng hoặc ngồi trên những chiếc ghế mang từ nhà đến, còn những vị "chức sắc" trong làng là có những hàng ghế riêng và ngồi gần sân khấu nhất. Cúng đình cũng là cơ hội tốt cho các thanh niên thiếu nữ trong làng, gặp gỡ hàn huyên tâm sự và cũng là dịp để các cô cậu ngắm nhìn nhau. Trong những ngày cúng đình, hầu như lúc nào cũng đông người chen lấn trên sân đình nhỏ hẹp. Tiếng cười nói ồn ào, chen lẫn tiếng rao hàng rộn rã, tạo nên một hoạt cảnh đậm đà tình tự dân tộc của người Nha Mân.

Cúng rằm tháng 7 âm lịch. Chùa Hội Phước tọa lạc giữa Rạch Chùa, tổ chức cúng rằm tháng 7 rất lớn. Rất đông bà con Nha Mân, vùng lân cận, và có cả bà con từ Sa Ðéc và Cái Tàu Hạ đến dự nữa. Không có đốt pháo như những ngày vui Tết, cũng không có hát bộ như lễ cúng đình, nhưng cúng rằm tháng 7 có "thí thực" (thường gọi là thí vàng) vui ơi là vui.

Lễ cúng xong, thanh thiếu niên nam nữ trong "tư thế xung phong" chờ tiếng hô: "Xong". Lập tức tràn vào đụng gì giành cái nấy. Một khu vực khá rộng trước sân chùa, gạch lót đã mốc meo, được để sẵn những thức ăn, có cả những đồng xu bằng đồng đỏ ao treo lủng lẳng, ai tranh được món nào thì món ấy thuộc về họ.


Thuở đó, 1 xu đã mua được gói xôi đậu xanh là vững bụng đi học rồi. Tất cả những món dành cho "lễ thí" này là do thập phương bá tánh mang đến cúng, và được kết vào những "cái đụn" hoặc để rời tùy theo loại. "Cái đụn" làm bằng những thanh tre nhỏ cột vòng tròn, dưới lớn trên nhỏ theo hình kim tự tháp, và cao độ 1 thước. Dán giấy màu, trông rất đẹp mắt. Chung quanh hình tròn, được cột dính trên đó, là bánh, kẹo, mía, những đồng xu hay đồng cắc, những khúc vải,..........


Ðây là hoạt cảnh ồn ào nhất, vui vẻ nhất, và tuổi trẻ là thích nhất. Kinh tế. Lúa là nguồn thu chính của bà con Nha Mân, và những vườn cây ăn trái cũng đem lại nguồn lợi rất đáng kể. Ðồng ruộng không đến mức "cò bay mỏi cánh", nhưng những vườn cam vườn quít, vườn chuối vườn xoài, cũng đủ "cho người mỏi chân".

Những trái cam sành cam mật tròn trỉn, mượt mà, những trái quít vàng ánh, bóng loáng. Những trái "xoài hòn" vừa tròn vừa lớn, lúc xoài chín, vừa giòn vừa ngọt lại vừa thơm. Những trái chuối xiêm, ăn dưới dạng "chuối chát" kèm theo mắm chưn đậm đà hương vị miền Nam, ăn dưới dạng "chuối chín" rất ngọt ngào, và ăn dưới dạng "chuối khô" phảng phất vị ngọt của mật.

Nha Mân với những vườn cây ăn trái, cung cấp cho cơ thể con người nhiều sinh tố C, một loại sinh tố không thể thiếu trong nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của mỗi người chúng ta. Ðó là niềm tự hào của người Nha Mân về khả năng, kỹ thuật làm vườn, và lòng kiên nhẫn của mình.

Ngoài ra, bà con trong làng còn những nguồn thu nhập từ hoa màu phụ, là rau cải đậu cà, khoai dưa bắp mía. Rồi đánh bắt cá trên sông, rạch, và trên đồng ruộng vào mùa nước lên. Chăn nuôi heo, gà, vịt. Và những công việc thuộc các ngành nghề khác. Dọc theo đường lộ Nha Mân-Hòa Tân, có 5 nhà máy xay lúa cỡ vừa tại các địa điểm sau đây: -1 gần rạch chùa Ông Chiêm.
-1 cạnh đầu cầu rạch Bà Thiên.
-1 ngang Chợ Dinh.
-1 tại Ngã Ba Phú Nhơn.
- Và 1 tại Hòa Tân. Khả năng những nhà máy này chỉ đủ giải quyết nhu cầu cho người Nha Mân xay lúa ăn và mang ra chợ bán từng thúng một, chớ không có khả năng cung cấp gạo cho những vựa ngũ cốc lớn trên Sài Gòn. Nói chung, xã hội Việt Nam chúng ta chớ không riêng gì Nha Mân, là xã hội nông nghiệp, mà nông nghiệp có nhanh cách mấy đi nữa cũng kém xa xã hội kỹ nghệ. Vì vậy mới có bài ca dao gói ghém công việc nông dân sau đây: Tháng giêng là tháng ăn chơi. Tháng hai trồng đậu trồng khoai trồng cà.

Tháng ba thì đậu đã già. Ta đi ta hái về nhà phơi khô. Tháng tư đi tậu trâu bò. Ðể ta sắp sửa làm mùa tháng năm. Sáng ngày đem lúa ra ngâm. Bao giờ mọc mầm ta sẽ vớt ra. Gánh đi ta ném ruộng ta. Ðến khi lên mạ thì ta nhổ về. Sắp tiền mướn kẻ cấy thuê. Cấy xong rồi mới trở về nghỉ ngơi. Cỏ lúa dọn đã sạch rồi.

Nước ruộng vơi mười còn độ một hai. Ruộng cao đóng một gàu giai. Ruộng thấp thì phải đóng hai gàu sòng. Chờ cho lúa có đòng đòng. Bây giờ ta sẽ trả công cho người. Bao giờ cho đến tháng mười. Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta. Gặt hái ta đem về nhà. Phơi khô quạt sạch ấy là xong công. Chẳng khi nào nghe nói đến trộm cắp. Dân làng sống với nhau rất thuận hòa vui vẻ.


Những tiệc tùng như; cúng giỗ, cưới gả, những chuyện đau buồn, hay công việc đồng áng, đều được bà con lối xóm đến góp vui hay chia buồn bằng cách trợ giúp công sức hay phẩm vật hoặc bạc tiền. Vì vậy mà cuộc sống của người Nha Mân thời bấy giờ, nói chung, rất an bình, thanh thản, tuy đời sống kinh tế chưa dám gọi là giàu nhưng chắc chắn không phải là nghèo, và nhất là về tình cảm, người dân Nha Mân sống với nhau như một đại gia đình nông thôn. Nha Mân trong chiến tranh 1945-1954. Tháng 9.1945, quân Pháp trở lại chiếm đóng Sài Gòn.

Lần lượt chúng tiến quân xuống các tỉnh đồng bằng Cửu Long. Nha Mân cũng trong tình trạng đó. Hầu hết người Nha Mân từ ngoài vàm và Rạch Chùa Ông Chiêm, đều bồng bế gia đình "tản cư" vào sâu trong ngọn sông Nha Mân. Trong số này có gia đình Ba Má tôi. Chúng tôi sống ở ngọn Rạch Cầu. Gần 1 năm, thì gia đình Ba Má tôi cùng nhiều gia đình khác, "hồi cư" về lại nhà cũ. Nhưng phần lớn nhà cửa từ vàm sông Nha Mân vào đến Rạch Chùa Ông Chiêm và một phần ở rạch Bà Thiên, đều bị quân Pháp đốt hết.

Thay vào đó là những mái chòi hoặc mái lá đơn sơ để sống cho qua thời khói lửa. Trong khi đó, thì Việt Minh -tức Việt cộng- đập phá toàn bộ những ngôi nhà bằng gạch mà chúng gọi là "tiêu thổ kháng chiến", nhiều nhất là những ngôi nhà đồ sộ ở giữa rạch Cầu Xoay với rạch Ông Ðại, và toàn bộ khu phố Chợ Dinh. Bắt dân (có tôi trong số này) chở đi đắp đập ngang sông Nha Mân, đoạn qua khỏi Ngã Ba Phú Nhơn vài trăm thước. Ðập này, Việt Cộng nói là ngăn không cho hải quân Pháp tiến sâu vào trong.

Nhưng chỉ một loạt chất nổ của quân Pháp, là chúng vào ra thong thả. Bên nào cũng phá theo mục đích của họ, trong khi bao đau thương, mất mát, đều trút lên đầu người dân hiền hòa Nha Mân! Các cầu trên đường bên trái sông Nha Mân vào đến Hòa Tân, đều bị Việt cộng phá sập. Từng đoạn đường bị đào làm hầm hố, cùng với những đám chuối được trồng trên mặt đường để ngăn đường tiến quân của giặc, và mọi người không được sử dụng đường này nữa, mà tất cả phải đi từ vườn này sang vườn kia hoặc đi ngoài ruộng.

Nhiều "trạm gác lưu động" của Việt cộng bố trí dọc bờ sông Nha Mân. Gần rạch Bà Thiên 1 trạm. Rạch Cầu Xoay 1 trạm. Bên kia Chợ Dinh 1 trạm. Nửa cuối năm 1945, tôi được chứng kiến (lúc đó tôi làm thơ ký cho ông đại đội trưởng du kích hoàn toàn mù chữ) ít nhất là 3 lần khi họ kiểm soát những ghe xuồng qua lại trạm gác gần rạch Bà Thiên.


Họ lục soát toàn bộ những gì có trên những chiếc ghe xuồng và cả trên người của những người đi trên đó. Bất kỳ có bao nhiêu màu sắc, nhưng chỉ cần có 3 màu "xanh trắng đỏ" và bất kỳ 3 màu đó rải rác trên các vật dụng khác nhau, là họ ghép vào tội "Việt gian" và người đó bị bắt ngay. Không thể biện minh bất cứ điều gì. Chỉ đêm đó thôi, hay chậm lắm là đêm sau đó, người bị ghép tội "Việt gian", bị giết và thả trôi sông. Những năm đầu cuộc chiến 1945-1954, rất nhiều xác chết -phần lớn là vô thừa nhận- thả trôi trên sông Nha Mân.

Nhiều đến nỗi không ai dám ăn tôm tép vì loại này háu rỉa thịt người. Ba màu xanh trắng đỏ là màu quốc kỳ của Pháp. Việt cộng cho rằng, 3 màu đó trên vật dụng của người bị kết tội Việt gian, là dấu hiệu để Việt gian với thực dân Pháp nhận nhau. Người dân Nha Mân, từ đó, từ dạo chiến tranh tràn đến, biến đổi nhanh chóng cuộc sống của họ theo cái nghĩa điêu tàn, đau khổ, và u buồn!


Không còn những cái Tết vui vầy bên cha mẹ họ hàng với bà con chòm xóm, không còn những ngày cúng đình rộn rã với những hồi trống mời gọi của đoàn hát bộ, cũng không còn những lễ cúng rằm tháng 7 (âm lịch) vừa trang nghiêm vừa ồn ào náo nhiệt!

Một cái đồn ngay cạnh đầu cầu Nha Mân, với khoảng 20 tên lính Pháp (toàn là gốc Bắc Phi) trấn đóng. Ngày đêm chúng tuần tiễu chung quanh hai bên cầu ra đến vàm sông. Ðôi khi chúng đột nhập vào hướng Rạch Chùa, bất kỳ ai thấy trước là hô to: 'Tây vô. Tây vô". Thế là mọi người túa chạy vào chùa, lên hướng rạch Bà Thiên, và chạy ra đồng.

Cái đồn chẳng khác "cái pháp trường" và những tên "lính gạch mặt" chẳng khác "tên đao phủ" đối với người Nha Mân. Rất nhiều người Nha Mân đã bị tra tấn, bị giết, thậm chí sau khi chết, chúng còn chặt làm nhiều khúc đem quẳng trôi sông nữa. Ðó là trường hợp con trai của ông Tư Tàng ở gần vàm Rạch Chùa (ông Tư Tàng, trước kia là Ông Quản trong Ban Hội Tề xã Tân Nhuận Ðông). Bạn tôi tên Lợi, bị bắt và ném xuống sông sau khi chúng cột tảng đá vào chân anh ấy!


Ðáng sợ hơn hết là những cuộc hành quân lớn với quân Pháp từ Sa Ðéc xuống và Vĩnh Long lên. Cho nên mọi người, già trẻ lớn bé, lúc nào cũng sẵn sàng tay xách nách mang để "chạy giặc", nhất là khi nửa đêm về sáng mà nghe có tiếng động cơ xe rầm rì ngoài lộ liên tỉnh, thì cầm chắc là có cuộc hành quân càn quét của Pháp vào làng.





Chạy đi đâu khi giặc đến? Ðàn ông con trai thì chạy sâu vào phía trong sông Nha Mân, có người chạy ra giữa đồng nhờ những đám cỏ lớn che dấu. Ðàn bà con gái, những người khỏe bơi xuồng vào các ngọn rạch lẩn trốn trong những mái chòi ngoài đồng, những ngời già yếu và trẻ con chạy vào ẩn trú trong chùa Hội Phước, vì chùa có vách gạch khá dày có thể ngăn được lằn đạn bắn thẳng, với hy vọng cao nhất là nhờ Phật Trời che chở.

Không biết Phật Trời có che chở hay không, nhưng có điều chắc chắn là những người vào chùa ẩn trú, khi có cuộc hành quân của Pháp từ đầu đến cuối cuộc chiến, không một ai bị bắt hay bị giết trong khuôn viên chùa cũng như trong chùa cả. Sau Nguyên Ðán đầu năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc hành quân vào Nha Mân lớn hơn bất cứ cuộc hành quân nào từ trước đến lúc bấy giờ. Mờ sáng ngày thứ nhất, chúng tung hai cánh quân tiến dọc bên trái sông Nha Mân và sông Cái Xép (phía dưới Nha Mân khoảng 2 cây số).



Cả hai cánh quân cùng tiến sâu vào ngọn sông. Chúng bắn bất kỳ ai mà chúng gặp, không có vấn đề già trẻ gái trai lớn bé trước nòng súng của những tên lính thực dân này cả. Mọi người đều kinh hoàng tột độ, và tuôn chạy ra đồng. Nhờ còn lại những cánh đồng đang mùa lúa chín, mà nương vào đó nhờ che dấu được phần nào. Ðàn bà trẻ con ở Rạch Chùa lẫn rạch Bà Thiên, đều ùa vào chùa Hội Phước. Tôi cũng chạy, nhưng Ba tôi kéo lại bảo chui vào đống cây sau chùa.

Lò gạch phía cồn An Hiệp, huyện Châu Thành

Còn Ba tôi thì chui vào vựa lúa thật lớn của chùa. Ba tôi vùi người xuống lớp lúa, chỉ chừa một khe hở thật nhỏ để thở. Nửa đêm hôm đó, một người đàn bà (tôi không nhớ tên) từ rạch Bà Thiên chạy xuống chùa ẩn trú, và cho biết là rất nhiều người ẩn trú trong vườn cũng như ngoài đồng, đã bị bắn chết. Mọi người càng kinh hoàng! Gần sáng ngày thứ nhì, tôi theo Ba tôi và một số thanh niên cùng ẩn trú trong chùa, chạy ra đồng.

Trời sáng hẳn thì ra đến giữa đồng -tức là giữa Nha Mân với Cái Xép- thấy thấp thoáng lố nhố đầu người từ hướng trong ngọn chạy ra, và xa xa sau lưng họ là tiếng súng ròn rã. Ðịnh thần một lúc, càng hoảng hơn, vì thấy hai cánh quân của Pháp cùng ra đồng và đang từ hướng trong ngọn tiến ra hướng lộ liên tỉnh, cho nên lằn đạn véo véo trên đầu.


Không ai nói với ai lời nào, nhưng tất cả cùng nhanh chân nhắm hướng vườn Cái Xép mà chạy. trong khi chiếc phi cơ "bà già" (loại phi cơ quan sát) cứ lượn vòng trên vùng ruộng để hướng dẫn các cánh quân của chúng. Vào được bờ vườn, ai nấy đều dừng lại để thở. Chỉ chốc lát là cùng chạy đến bờ sông, và cùng lội qua bên kia bờ. Buổi chiều, chúng ra đến lộ liên tỉnh, và lên xe. Theo lời thuật của những người có kinh nghiệm "chạy giặc" đã chạy ngược ra hướng lộ ẩn trú (vì cho rằng khu vực đó chúng ít lục soát), thì chúng không bắt theo một người nào khi chúng lên xe.

Rõ ràng là chúng bắn chết tại chỗ hết rồi! Khoảng nửa đêm, khi về đến, tôi theo Ba tôi ra vàm Rạch Chùa, thấy những cây cột của tất cả nhà chung quanh đang còn cháy, chẳng khác những cây đèn cầy cắm trên bàn thờ rộng lớn, mà ở đó như có những linh hồn vừa thoát xác đang phảng phất chung quanh! Mái nhà đơn sơ của Bà Nội tôi cũng trong tình trạng như vậy, nhưng Bà thoát chết nhờ chui vào bụi hoa ngải vừa cao vừa rậm bên hông nhà. Bóng đêm dày đặc, yên ắng.

Cái yên ắng đến nghẹt thở trong ánh lửa lập lòe trên đầu những cột nhà còn cháy, đã tạo nên bức tranh mờ mờ ảo ảo, trông thê lương ảm đạm vô cùng!Càng thê lương ảm đạm hơn nữa, khi hai chiếc xuồng từ vàm rạch bơi vào thật nhẹ nhàng, vì sợ "những tên đao phủ" từ ngoài cầu Nha Mân bắn khi nghe tiếng động. Trên hai chiếc xuồng có 5 xác chết, là thân nhân của hai chị bơi xuồng.

Ðó là cha, anh, và em trai của hai chị ấy, đã bị quân Pháp bắn ngoài đồng (trong ngọn rạch Bà Thiên). Trong khi gia đình của hai chị này -và những gia đình cùng thảm cảnh- chỉ sống nhờ vào những cánh tay khỏe mạnh của đàn ông con trai, nay bỗng dưng cha chết, anh em chết, từ nay biết trông cậy vào đâu. Ôi! Còn đau thương nào hơn đau thương này nữa, hỡi người Nha Mân trong chiến tranh! Và từ năm đó, hằng năm, sau Tết Nguyên Ðán, người Nha Mân nói chung, và người xóm Rạch Chùa, rạch Bà Thiên, nói riêng, đều cúng giỗ cùng ngày cùng tháng. Tình cảnh người Nha Mân rất khốn đốn.


Ðồng ruộng tuy vẫn được canh tác nhưng diện tích đều thu hẹp lại, và canh tác trong một tinh thần luôn luôn sợ sệt, lo âu! Không biết lúc nào "Tây vào". Không biết lúc nào đại bác của chúng từ Sa Ðéc bắn xuống và từ Cái Tàu Hạ bắn lên. Không biết khi nào bị máy bắn xối xả từ trên cao. Cũng không biết khi nào tàu Pháp chạy vào bắn loạn lên để khủng bố tinh thần. Cho nên thiếu trước hụt sau là điều không tránh khỏi. Có những gia đình phải dùng bao bố (loại đựng lúa gạo) để may áo quần cho con trẻ.

Và loại áo quần này sản sinh những con rận, cắn đến đâu là ghẻ lở đến đó. Trẻ con ngoài vàm còn có mái trường xiêu vẹo, nhưng bên trong thì trẻ con chẳng được học hành gì cả. Tôi tình nguyện dạy mấy đứa bé trong xóm, bằng cách nhờ mái hiên chùa làm chỗ dạy và học. Nhưng sau cuộc hành quân tàn sát đó, tôi rời Nha Mân lên sống ở Sài Gòn.

Những cánh đồng mượt màu xanh mạ lúc vào mùa và óng ánh màu vàng khi lúa chín, cùng mảnh vườn bát ngát cây trái thuở nào, nay hư hại nhiều vì bom đạn của quân Pháp, vì đốn phá của Việt cộng, mà sự chăm bón ruộng vườn cũng hạn chế. Số người mua cam quít bưởi xoài chỉ còn lại trên đầu ngón tay, vì chuyên chở ra khỏi Nha Mân là điều hết sức khó khăn nguy hiểm. Ở Rạch Chùa Ông Chiêm có một người mà hàng xóm gọi là bà "Ba Quán", cố gắng vượt hiểm nguy để chở lên bán cho người dân Sài Gòn, kiếm chút tiền sinh nhai.

Bà mướn những thanh niên trong xóm chuyên vận chuyển những bao những giỏ đầy cam quít, bằng cách đêm đêm hì hà hì hục khuân vác băng qua lộ liên tỉnh Sa Ðéc-Vĩnh Long, cho lên xuồng xuống Mỹ Thuận và lên xe vận tải.

Những ai cần phải đi chợ tỉnh để mua thuốc hay những gì tối cần thiết, thì tháp tùng theo bà, chừng như bà là người có khả năng che chở an toàn trên đoạn đường đêm ngắn ngủi nhưng đầy tai ương bất trắc này vậy. Có những lần bị đám quân "gạch mặt" từ đồn xuống phục kích, bắn chạy tóe khói. Những lần như vậy, cam quít đổ hết trơn, nhưng may mắn là không ai bị bắn chết. Nguy hiểm vô cùng! Nhưng sống mãi trong hiểm nguy đau khổ, rồi cũng quen thôi! Nha Mân trong chiến tranh 1955-1975.


Hiệp định đình chiến ký kết tháng 7.1954 tại Genève (Thụy Sĩ) đã chia đôi nước Việt Nam chúng ta thành 2 quốc gia: "Vĩ tuyến 17 trở lên phía bắc do cộng sản cai trị theo chế độ độc tài, vĩ tuyến 17 trở xuống phía nam được quản trị bởi chế độ dân chủ tự do".

Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, có một chánh phủ được tổ chức và quản trị theo kiểu phương Tây. Và từ đó, người Nha Mân lần lượt hồi cư, xây dựng lại cuộc sống. Dần đà, cuộc sống trên đà hồi sinh. Nhưng niềm vui chưa tròn vẹn, nếp sống ngày trước chưa khôi phục, thì người Nha Mân -cùng người dân toàn quốc- một lần nữa, bị Việt cộng đẩy vào cuộc chiến tranh kế tiếp.


Vì khi tập kết ra bắc, chúng đã để lại hằng chục ngàn cán bộ để tiếp tục chiến tranh. Hàng me dọc lề đường từ cầu sắt Nha Mân vào đến rạch Bà Thiên, dần dần bị cuốn xuống sông hết trơn, do đất lở. Nguyên nhân chính của đất lở là do tàu của hải quân Pháp vào ra thường xuyên, tạo nên những đợt sóng vào bờ đất mềm. Có đoạn lở vào gần hết mặt đường trải đá, nên chỉ còn xe hai bánh sử dụng được thôi, nhất là đoạn từ cầu sắt Nha Mân vào đến rạch Bà Thiên. Các cầu được sửa chữa lại theo dạng "cầu khỉ", chỉ có một tấm ván cho người đi bộ. Những năm về sau, một số cầu đã tu bổ lại và xe bốn bánh hạng nhẹ sử dụng được.


Ngôi chợ trước kia đã hoang tàn, nay ngôi chợ mới được xây cất tạm thời. Trụ sở Hội Ðồng Xã xây cất cạnh đầu cầu sắt. Ngôi đình cùng những ngôi chùa, được trùng tu đôi chút sau những năm tiêu điều. Những lễ hội của dân làng, tuy vẫn tổ chức hằng năm, nhưng không còn đúng nghĩa lễ hội như thời trước chiến tranh, bởi du kích cộng sản trà trộn phá hoại cuộc sống của dân làng.

Chỉ có chùa Hội Phước còn có người tham dự, vì ở khu vực được xem là tương đối an ninh. Rất nhiều thanh niên nam nữ lứa tuổi 20-30 của Nha Mân, đã vào quân đội, hoặc tìm sống trên Sài Gòn hay các tỉnh lân cận. Cũng có người bị Việt cộng cưỡng bách theo chúng. Về phần tôi, những tháng trước khi đình chiến, tôi đã nhập học trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt.

Cuối năm 1967, ông Lê công Chất rủ tôi (và nhiều bạn quê ở Nha Mân), sẽ cùng về Nha Mân ngay sau Tết Nguyên Ðán, vừa thăm quê vừa bàn thảo xem làm được gì cho Nha Mân. Lúc bấy giờ, anh Lê thọ Trung là Tỉnh Trưởng Sa Ðéc, cũng có kế hoạch xây dựng xã Tân Nhuận Ðông phát triển về nông nghiệp. Nhưng cuộc tấn công bất ngờ của cộng sản trong Tết Mậu Thân (đầu năm 1968), đã cắt đứt ý định của chúng tôi vì nhiệm vụ trở nên bận rộn hơn.


Thỉnh thoảng tôi về thăm Bà tôi (ba má tôi sống ở Vĩnh Long), cũng để có cái nhìn về cuộc sống của bà con trong làng. Sinh hoạt của người Nha Mân có thể xem là bình thường, nhưng là cái bình thường trong cuộc chiến tranh giữa chế độ độc tài với chế độ tự do, mà hai bên đối phương đều là người Việt Nam. Do vậy mà có hình ảnh trái ngược nhau, chẳng hạn người dân ban ngày sống với cơ quan chánh quyền, ban đêm bị Việt cộng buộc phải đóng thuế cho chúng hoặc nghe chúng tuyên truyền, nhất là vùng sâu trong ngọn sông Nha Mân.


Gia đình có người bị cộng sản lôi kéo theo chúng, Những gia đình khác có con em gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa chống lại chúng. Trong quân sự có danh từ "vùng xôi đậu", theo nghĩa đen là xôi với đậu lẫn lộn nhau, còn nghĩa bóng là để chỉ trong cuộc sống của người dân, có chánh quyền và có cả việt cộng. Bà con đã có phần ăn nên làm ra, có được xe gắn máy nhiều hơn, có "máy đuôi tôm" đẩy những chiếc xuồng chiếc ghe nhanh chóng hơn, và máy đuôi tôm còn dùng trong đồng ruộng, như tát nước vào ruộng, bơm nước tưới rẩy, tát nước trong đìa ra để bắt cá.

Luật "người cày có ruộng" đã giúp một số bà con Nha Mân làm chủ vài ba mẫu ruộng. Có máy móc dùng trong nông nghiệp, có phân bón cho đồng ruộng nương rẫy. Nhưng vẫn không thấy lại được nếp sống êm đềm thanh thản của "ngày xưa ấy"! Hình ảnh người Nha Mân trong một đại gia đình của thời trước chiến tranh, đã trở thành cái quá khứ xa xôi dù mới chỉ vài chục năm, bởi những mất mát lớn lao và những đau thương trong 9 năm chiến tranh với thực dân Pháp, cộng với chiến tranh 1955-1975 giữa dân chủ tự do với cộng sản độc tài, chẳng những không hồi phục lại được, mà trong một chừng mực nhất định, đã đưa đến sự phân hóa giữa người bên này với người bên kia.

Nha Mân, sau chiến tranh (từ giữa năm 1975 về sau) Tháng 6.1975 tôi vào tù, đến cuối năm 1987 tôi ra khỏi tù. Giữa năm 1991, vợ chồng tôi rời Việt Nam sang định cư tại Houston. Trong hơn 3 năm đó (1988-1991), chúng tôi thường về Nha Mân và Hòa Tân thăm gia đình thân quyến, nhờ vậy tôi mới hiểu được -ở một mức độ nào đó- cuộc sống của bà con trong làng. 16 năm (1975-1991) dưới chế độ độc tài của cộng sản Việt Nam, chẳng riêng gì người Nha Mân nghèo, mà là mọi người trên mọi miền đất nước đều nghèo.

Nói cho thật đúng là rất nghèo, nghèo đến tận cùng danh sách các quốc gia trên thế giới theo thống kê của Liên Hiệp Quốc. Nhưng tôi xin tách riêng Nha Mân ra, đê có cái nhìn về nỗi khổ của bà con trong làng dưới sự cai trị của cộng sản. Quê nội tôi (Nha Mân) rất nghèo. Nghèo vật chất và nghèo cả tình người. Ðây là niềm đau chưa bao giờ xảy ra từ thời phong kiến, thực dân, đến thời chiến tranh 1945-1975.

Về vật chất, trước đây người Nha Mân nghèo nhưng chút ít tài sản có được là của mình, còn bây giờ mọi người trở nên trắng tay, không còn quyền sở hữu ruộng đồng vườn tược, cũng không còn cơ sở buôn bán làm ăn, tất cả đã bị cưỡng bách đưa vào hợp tác xã do chúng quản trị, dưới lớp vỏ mị dân nghe rất kỳ cục là "nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo".

Với chính sách này, người Nha Mân vẫn làm nhưng không đủ mức ăn, người Nha Mân vẫn sống nhưng không đủ sức sống. Về tình người, trước đây người Nha Mân sống với nhau như trong một đại gia đình, còn bây giờ sự phân hóa giữa người Nha Mân là hết sức lớn lao, trong khi tình người là nền tảng của đời sống. Người theo cộng sản trong chiến tranh không bao nhiêu, nhưng người hùa theo cộng sản sau khi chúng chiếm Việt Nam Cộng Hòa thì nhiều.

Chính những người này đã tạo nên sự phân hóa đó! Gặp nhau, không dám nói hết lời, vì không ai biết rõ ai là người đang rình rập mình để tố cáo với công an xã. Trong chiến tranh, nỗi đau là mất người. Sau chiến tranh, người trông thấy nhau nhưng không biết rõ người là ai.

Ðau là vậy! Bởi vì b ản chất của cộng sản là nghi ngờ. Họ nghi ngờ tất cả mọi người chung quanh, nghi ngờ cả vợ con họ, thậm chí họ cũng không thể không nghi ngờ bản thân họ nữa, như không dám nói thật những điều họ nghĩ chẳng hạn. Vì điều họ nghĩ chẳng may không đúng theo điều đảng của họ dạy thì vào tù là cái chắc. Bản chất của đảng lãnh đạo như vậy, tạo nên xã hội như vậy là điều tất nhiên thôi!

Tóm lại, từ xa xưa cho đến năm 1991, gồm cả 9 năm chiến tranh với thực dân Pháp, 20 năm chiến tranh giữa tự do với độc tài, và sau 16 năm gọi là "hòa bình" dưới chế độ cộng sản, Nha Mân vẫn còn đó, nhưng Nha Mân đã thay đổi quá nhiều. Ruộng đồng, vườn tược, nương rẫy, đều xác xơ già cỗi, và nhất là tuột khỏi tầm tay sở hữu tư nhân.

Dọc bờ sông bị lở sâu vào trong, và phần còn lại của con đường trải đá đã bị cạy lên từng mảng, trông chẳng khác những ống chân ghẻ lở với chiếc quần bằng "vải bao bố" của thời chiến tranh 1945-1954. Cũng không còn những chiếc cầu ván thô kệch mà ngày trước mỗi khi xe chạy qua nghe như tiếng pháo nổ lúc vui xuân.

Cảnh trí ngày nay, không còn sức quyến rũ như sức quyến rũ diệu kỳ của người con gái Nha Mân, từng nổi tiếng là đẹp của tỉnh Sa Ðéc, qua lời truyền tụng của dân làng: "Gà nào hay cho bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân". Và nỗi buồn sâu nhất của người Nha Mân là "trong hòa bình dưới chế độ cộng sản", đã mất hẳn cái tình thân trong một đại gia đình thời trước chiến tranh. Nha Mân, quê nội tôi, trước chiến tranh, trong chiến tranh, và sau chiến tranh, theo nét nhìn của tôi là như vậy đó.

Phạm bá Hoa
Houston, mùa xuân 1997
Bổ túc 1999
Miền gái đẹp Nha Mân:

Huyền thoại mỹ tần Ở ĐBSCL có lẽ câu ca dao “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân” là đúc kết khá chính xác về những miền gái đẹp vùng này. Con gái Nha Mân đẹp nhờ sống ở vùng đất trái ngọt cây lành hay đẹp vì là hậu duệ của lớp cung tần mỹ nữ khắp vùng miền hội tụ vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng… Nha Mân là địa danh thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Hàng trăm năm nay, Nha Mân nổi danh là vùng đất có nhiều người đẹp


Thiếu nữ Nha Mân bên hoa mai ngày tết.
Trận thủy chiến trên sông Tiền Theo những bậc cao niên ở Nha Mân và một số tài liệu ghi lại, khoảng giữa năm 1784 mượn cớ giúp Chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, khoảng 2 vạn quân Xiêm đã theo hai đường thủy bộ tiến vào địa phận Kiên Giang. Liên quân này có thêm 4.000 lính của Chúa Nguyễn Ánh. Đến cuối năm 1784, liên quân Xiêm - Nguyễn chiếm được một số vùng đất ở phía tây thành Gia Định.

Họ cho đóng quân ở vùng Trà Tân (nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để dự trữ lương thảo, khí tài chuẩn bị đánh thành Mỹ Tho và Gia Định. Lúc này, Chúa Nguyễn Ánh cùng bầu đoàn thê tử hàng trăm người cũng trú tại đây.

Cuối năm 1784, khi liên quân Xiêm - Nguyễn uy hiếp cả thành Mỹ Tho và Gia Định thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ liền đưa 2 vạn quân từ Quy Nhơn xuôi xuống thành Mỹ Tho quyết chiến với quân Xiêm. Sau khi điều nghiên địa hình, Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Tiền từ rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 6-7km (nay thuộc địa phận huyện Châu Thành, Tiền Giang) làm chiến trường quyết chiến với liên quân Xiêm - Nguyễn.

Đêm 18 tháng 1 năm 1785 (ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Thìn), lợi dụng con nước đang xuôi, cả hai đạo thủy bộ quân Xiêm cùng rầm rộ tấn công Mỹ Tho. Khi liên quân Xiêm – Nguyễn vừa lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn, từ hai bờ sông Tiền và dọc bờ cù lao Thới Sơn, các đại bác cùng pháo hỏa hổ của bộ binh Tây Sơn bắn ra uy hiếp dữ dội.

Những chiến thuyền Tây Sơn từ những nhánh rạch nhỏ kéo ra chặn đánh đầu, số khác xông ra đánh vỗ hông nhằm chia cắt đội hình và đánh chặn đường lui, dồn đoàn thuyền của đối phương vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cùng lúc ấy những thuyền nhẹ chở đầy những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào những chiến thuyền đang rối loạn làm cho số bị chìm, số bị cháy...

Trời vừa rạng sáng, thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Kết quả là 300 chiến thuyền và gần 3 vạn quân Xiêm – Nguyễn bị phá tan.

Chúa Nguyễn Ánh cùng bầu đoàn thê tử và một ít tùy tùng đang đóng quân ở Trà Tân nghe tàn quân báo hung tin thất trận vội quay thuyền chạy theo sông Tiền tìm đường thoát thân. Bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, hàng trăm cung tần mỹ nữ chân yếu tay mềm bỗng chốc trở thành “của nợ”. Nhiều người trong số này chịu đựng không nổi cực khổ trên đường trốn chạy nên Chúa Nguyễn Ánh đành gạt nước mắt, bấm bụng bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ dọc đường.



Để “nhẹ gánh loạn ly”, những mỹ nhân được ban cho ít vàng bạc rồi lên tá túc ở các làng bên bờ sông Tiền, nay thuộc Nha Mân (Châu Thành, Đồng Tháp) và cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang). Theo lời kể của các cụ cao niên, những nhan sắc khuynh nước khuynh thành này nói đủ các giọng ở nhiều vùng miền, nhưng lại hiếm người miền Tây Nam Bộ.

Ông Tám Khai – một người sống gần cả thế kỷ bên bờ Nha Mân cho rằng, chính nhờ nguồn “gen” cung phi mỹ nữ lưu truyền mà xứ Nha Mân mới có nhiều thiếu nữ đẹp như hôm nay. Tương truyền, những mỹ nhân bị “bỏ rơi” đều lấy chồng là người địa phương, trở thành nông dân nhưng con cái do họ sinh ra đều đẹp như tiên đồng ngọc nữ.

Theo nhận xét của nhiều người, nhóm mỹ nữ dạt vào cù lao Ông Chưởng cũng lấy chồng, cũng tạo được một “miền gái đẹp” nhưng không nổi tiếng bằng con gái Nha Mân. “Hồi nhỏ, tôi nghe ông bà kể lại người đẹp xứ Nha Mân đếm không kể xiết. Khoảng đầu thế kỷ thứ 20, các vua xứ Cao Miên mang vàng bạc châu báu xuôi dòng sông Tiền sang tận “miền gái đẹp” Nha Mân để tìm ý trung nhân” – ông Tám Khai quả quyết.

Cho đến nay, người Nha Mân vẫn tự hào vì đàn bà xứ này đẻ 10 đứa con gái thì hết 9 đứa là người đẹp, đứa còn lại cũng trên trung bình. Trong những ngày xuân, trên những con đường dọc theo các bờ kênh, bờ rạch đi dọc hai bờ rạch lúc nào cũng nườm nượp đàn bà con gái đẹp quần là áo lượt muôn màu sắc ngược xuôi, kẻ vào trong ngọn, người ra ngoài vàm thăm viếng thân nhân, bạn bè, nhìn không chán mắt.

Theo Hữu Danh
Dân Việt

1 comment:

Unknown said...

gốc Bắc, đi qua Trung, hiện tại sống ở Miền Nam đây