Tuesday, January 3, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * DANH NHÂN TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI




Trung Quốc là một quốc gia lớn rộng và có một nền văn minh lâu đời. Có hàng ngàn, hàng vạn danh nhân. Nhưng ở đây, tôi chỉ đề cập đến một vài người mà sử sách Việt Hoa ca tụng, nhưng tôi lại có cái nhìn khác. Tôi chỉ viết về những người xưa, không đề cập đến những người hiện đại, là những người cộng sản gian ác như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. . . .vì những người này thiên hạ đã biết tường tận bản lai diện mục của họ.

I . BÁ DI, THÚC TỀ

Hai ông Bá Di, Thức Tề đươc coi là biểu tương của lòng ái quốc, hành động của tôi trung không thờ hai chúa, người ẩn sĩ ở chốn rừng sâu, thanh cao, trong sạch không thèm hưởng vinh hoa phú quý, không cộng tác với quân thù. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nhiều lần ngợi khen hai ông Bá Di Thúc tề:
.逸民:伯夷、叔齊、虞仲、夷逸、朱張、柳下惠、少連。子曰:「不降其志,不辱其身,伯夷叔齊與?」
.Dật dân , Bá Di , Thúc , Ngu Trọng , Di Dật , Chu Trương , Liễu Hạ Huệ , Thiểu Liên . Tử viết , bất hàng kỳ chí , bất nhục kỳ thân , Bá Di Thúc dữ【 chương 18.8】 . ( Đời xưa trong thời Thương, Chu ) những người ẩn dật thì có Bá Di, Thúc Tề, Ngu Trọng, Di Dật, Châu Trương, Liễu Hạ Huệ , Thiếu Liên. Khổng Tử nói:"(Những người này ) không nhụt chí khí, không phải chịu nhục thân chỉ có hai ông Bá Di, Thúc Tề).

Trong Luận Ngữ, Tử Cống hỏi Khổng Tử: "Bá Di, Thúc Tề là người thế nào?"
Khổng tử nói: " Là người hiền đời xưa.(Ch. VII,14)
Trong Côn sơn ca, một bài thơ ca tụng cảnh nhàn, đề cao khí tiết bậc cao nhân ẩn dật, Nguyễn Trãi viết:

君不見董卓黃金盈一塢
元載胡椒八百斛
又不見伯夷與叔齊
首陽餓死不食粟

Quân bất kiến Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ ?
Nguyên Tải hồ tiêu bát bách hộc ?
Hựu bất kiến Bá Di dữ Thúc Tề
Thú dương ngạ tự bất thực túc ?

(Ngươi thấy không, Đỗng Trác vàng chất thành đống,
Nguyên Tải hồ tiêu chứa mấy kho.
Còn Bá Di, Thúc Tề chết đói ở Thủ Dương không thèm ăn cơm cháo nhà Chu.)

Bá Di , và Thúc Tề là hai anh em ruột, con vua nước Cô Trúc, là một quốc gia chư hầu nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Khi vua cha sắp mất, truyền ngôi lại cho Bá Di, Bá Di không chịu nhận, Thúc Tề cũng không chịu nhận. Hai ông là người con bất hiếu, người dân bất trung vì không tiếp nối sự nghiệp của cha, phế bỏ công việc phục vụ đất nước.

Nếu không muốn làm vua, tham gia chính trị thì nên chọn người khác làm vua, chứ sao lại bỏ mà đi, tạo ra một lỗ hổng chính trị và gây xáo trộn cho đất nước? Lúc bấy giờ nhà Thương cai trị, vua Trụ tàn ác, thì hai ông lại phải cố gắng đem lại an bình, thịnh trị cho đất nước, sao lại phế nước, bỏ dân mà trốn đi? Họ là con bất hiếu, tôi bất trung, là kẻ đào ngũ!

Sau khi hai ông bỏ đi, người trong nước bèn lập Á Bằng (亞憑) - người em của Bá Di và anh của Thúc Tề lên ngôi. Sau đó hai ông nghe tin Cơ Xương chiêu hiền đãi sĩ, hai ông theo phò tá Tây Bá Cơ Xương. Sau Cơ Xương mất, em là Cơ Phát đem quân đánh vua Tru, hai ông ra trước ngựa mà can gián rằng:
Cha chết không chôn lại gây việc can qua có thể gọi là hiếu không? Là bầy tôi giết vua có thể gọi là nhân không?

Cơ Phát không nghe, thủ hạ Cơ Phát muốn giết hai ông, Khương Tử Nha ngăn lại, sau hai ông bỏ đi . Cơ Phát giết Trụ, thâu phục nước Cô Trúc, lập nhà Chu. Hai ông không ăn thóc nhà Chu , bỏ lên núi Thủ Dương hái rau vi ăn qua bữa. Rau vi không thể nuôi sống được, cuối cùng ông và Thúc Tề đều chết đói tại núi Thú Dương. Trước khi qua đời, Bá Di và Thúc Tề làm bài ca:
Lên núi Tây chừ hái rau vi,
Lấy bạo đổi bạo chừ có hay chi?
Thần Nông, Ngu, Hạ chìm cả rồi,

ta biết nơi nào đi

Hai ông quả là vô trí, hành động mâu thuẫn. Làm vua không muốn lại muốn làm tôi. Đã ẩn dật, đã không thích chính trị sao lại ra phò Vũ Vương, Văn Vương? Đã theo Vũ vương, Văn Vương tất là phải biết Vũ vương, Văn vương muốn diệt Trụ và cai trị nước Cô Trúc của hai ông. Hơn nữa, vua Trụ tàn ác, tại sao lại còn can ngăn việc tiêu diệt Trụ vương? Thế có phải là tôi trung không? Có phải là bậc hiền triết, là kẻ thanh cao không?


II QUẢN TRỌNG

Quản Trọng 管仲 ( 725 TCN - 645 TCN) là một chính trị gia, nhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu (685 TCN). Tên ban đầu của ông là Di Ngô (夷吾). Trọng là tên hiệu. Được Bảo Thúc Nha tiến cử, Tề Hoàn Công phong ông làm Tể tướng năm 685 TCN. Ông có câu nói để đời:

"Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn
Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã
Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã
Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã"
"Kế một năm, chi bằng trồng lúa
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây
Kế trọn đời, chi bằng trồng nguời.
Trồng một, gặt một, ấy là lúa
Trồng một, gặt mười, ấy là cây
Trồng một, gặt trăm, ấy là người"

Thời loạn lạc, một số gia đình,, phe phái ,tôn giáo đều có sự chia rẽ, hoặc xung đột. Như thời chúa Trịnh, Ngô Thời Sĩ theo phe Trịnh Khải, con là Ngô Thời Nhiệm theo phe Đặng Thị Huệ, xử án các bạn bè của Ngô Thời Sĩ cho nên Ngô Thời Sĩ tự tử mà chết.Thời chiến tranh Việt Nam, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh theo Pháp nhưng con Phạm Quỳnh và con Nguyễn Văn Vĩnh theo Cộng sản. Song thân của Trần Đức Thảo , Nguyễn Mạnh Tường và Trương Như Tảng cũng đau lòng vì có những đứa con thông minh, tài giỏi thế mà chạy theo cộng sản!

Nhưng cũng có những cá nhân, những đoàn thể chơi cả hai mặt "tài xỉu", họ chia ra kẻ theo phe này, người theo phe kia để cả hai có thể tồn tại, hoặc ít nhất chỉ mất một nửa. Họ chủ trương "bắt cá hai tay", hoặc sẵn sàng đổi trắng thay đen nếu có lợi cho họ bất chấp đạo nghĩa! Và đó cũng là trường hợp Quản Trọng.

Quản Trọng và Bảo Thúc Nha là hai người bạn thân. Quản Trọng theo phò hoàng tử Củ, Bảo Thúc Nha theo phò hoàng tử Tiểu Bạch. Cả hai ước hẹn ai phò chúa nấy nhưng khi đắc thời thì người nọ sẽ kéo người kia cùng về một phe. Lúc bấy giờ nước Tề rất loạn, các hoàng tử đều lánh nạn sang các nước khác để chờ thời cơ. Quản Trọng hộ tống hoàng tử Củ tới nước Lỗ, còn Bao Thúc Nha hộ tống hoàng tử Tiểu Bạch tới nước Lã. Không bao lâu,vua Tề bị giết, hoàng tử Củ và Tiểu Bạch bèn cấp tốc lên đường về nước để giành ngôi.

Khi hai đoàn gặp nhau, Quản Trọng đã bắn một phát tên vào Tiểu Bạch, Tiểu Bạch giả chết rồi vào kinh đô làm vua còn được gọi là Tề Hoàn Công. Khi lên làm vua, Tề Hoàn Công liền bảo nước Lỗ giết hoàng tử Củ và bắt giam Quản Trọng.

Tề Hoàn Công muốn Bao Thúc Nha làm thừa tướng. Bao Thúc Nha từ chối mà đề cử Quản Trọng đang bị giam ở nước Lỗ. Tề Hoàn Công nói rằng: "Người này bắn ta một tên, làm sao có thể dùng hắn được? Đợi hắn về , ta sẽ xé hắn ra trăm nghìn mảnh." Bào Thúc Nha đáp "Dĩ nhiên vì công tử Củ, ông ta đã bắn bệ hạ, bây giờ nếu bệ hạ trọng dụng ông, ông sẽ vì bệ hạ mà đem mũi tên đó bắn cả thiên hạ!"

Tề Hoàn Công rất khâm phục Quản Trọng, hơn nữa ông còn rất thẳng thắn, ông nói với Quản Trọng rằng: "Trẫm có tật hơi thích nữ sắc, điều này có tai hại gì đối với quốc gia không?" Quản Trọng trả lời: "Không, ham mê nữ sắc không gây tai hại gì cho quốc gia, không nghe lời khuyên của những bậc thánh hiền mới có hại cho quốc gia và thiên hạ."

Ông nói cũng đúng, nếu một vị quốc vương không có khuyết điểm gì, thì sẽ không dùng người tốt, quốc vương điều gì cũng biết, mọi người sẽ không còn việc gì để làm nữa!

Bàn về Quản Trọng, Khổng Tử khen ngợi:
Người ấy có công ơn với dân Tề cho nên dân Tề bị Tề Hoàn Công lấy ba trăm mẫu đất Biền phong cho Quản Trọng mà dân chẳng oán than! (Luận Ngữ ,III, 22)

Có ai trong đời bị cướp ruộng đất mà vui vẻ ư? Chẳng qua ngày xưa người ta sợ tù tội nên phải im miệng đó thôi. Ngày nay tại các nước có những trường hợp trưng thu đất đai thì nhà nước phải đền bù xứng đáng chứ không phải như Việt Cộng một thước bán một ngàn đô chỉ trả cho dân một đô, hoặc cướp sạch không đền bù gì cả! Không biết ngày xưa vua chúa hành động như thế nào khi chiếm đất đai của nhân dân?

Trong Luận Ngữ, thiên Bát Dật, Khổng tử cũng chê Quản Trọng không biết lễ nghĩa và tiêu xài hoang phí như xây đài Tam Quy, trong khi ra lệnh cấm các quan kiêm nhiều chức vụ. Trái lại Nguyễn Du ca tụng Quản Trong, khen ngợi đài Tam Quy:

管仲三歸臺
舊臺湮沒草離離
曾以桓公霸一時
郡縣城中空九合
莓苔石上記三歸
在朝巧與君心合
沒世終憐相業卑
喜值聖朝公覆燾
往來臺下雜華夷Link
Quản Trọng Tam Quy đài
Cựu đài nhân một thảo li li
Tằng dĩ Hoàn Công bá nhất thì
Quận huyện thành trung không cửu hợp
Môi đài thạch thượng kí Tam Quy
Tại Triều xảo dữ quân tâm hợp
Một thế chung liên tướng nghiệp ti
Hỉ trị thánh triêu công phúc đảo
Vãng lai đài hạ tạp Hoa, Di.

Vịnh Đài Tam Quy của Quản Trọng
Đài cũ ngày xưa cỏ sắc thanh
Giúp Tề bá nghiệp đã nên danh.
Trong thành chín bận đồng minh hội,
Trên đá Tam quy rêu phủ xanh.

Điện tía thênh thang vua quý mến,
Sử xanh dè bỉu nghiệp mong manh.
Thánh hoàng rộng lượng ban ân đức,

Di Hán vui chơi chốn thị thành.

Chê như vậy là Khổng Tử chỉ thấy cái lỗi nhỏ của Quản Trọng mà không thấy cái lỗi to tày đình của Quản Trọng. Khổng Tử chủ trương Trung hiếu, nhân nghĩa mà lại không nói đến hành động bất trung của Quản Trọng. Chỉ có Tử Lộ và Tử Cống là phê phán đúng con người của Quản Trọng.

Trong Luận Ngữ, Tử Lộ hỏi Khổng Tử: Vua Hoàn công giết công tử Củ ( em Hoàn Công vì tranh quyền, bề tôi của công tử Củ có Thiệu Hốt và Quản Trọng). Thiệu Hốt tự tử, còn Quản Trọng không tự tử (sau làm tể tướng cho Hoàn công nữa). Như vậy, bảo (Quản Trọng) là nhân sao được?

Tử Cống nói: " Quản Trọng chẳng phải bất nhân sao? Hoàn công giết công tử Củ, chẳng chết theo chúa lại theo phò Hoàn công!

Khổng Tử bênh vực Quản Trọng:
Khổng Tử đáp: "Tề Hoàn công thống nhất chín nước chư hầu mà không dùng binh đao. Đó là do sức Quản Trọng. Thế chẳng đáng là bậc nhân nghĩa sao? .. . Quản Trọng làm tể tướng cho Hoàn Công, giúp Hoàn công thành bá chủ chư hầu. Chính nhờ tài cai trị mà thiên hạ được yên ổn, dân chúng hưởng ân đức. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc, vắt vạt áo bên tả như giống mọi rợ. Sao lại như kẻ thất phu vì lòng trung nhỏ hẹp mà tự treo cổ bên ngòi lạch, thành ra đời chẳng ai biết mình sao? (Luận Ngữ, chương XIV)

Khổng Tử bênh vực không đúng vì chiến trận nào, không giết nhiều thì cũng giết it, và đã xâm lược nước người thì sao là nhân được. Quản Trọng phò Tề Hoàn Công thống nhất thiên hạ tức là ông đã phò tá một tên đế quốc xâm lược, sao gọi là nhân! Ông chỉ là kẻ vụ lợi, tham quyền quý công danh, không có lòng trung nghĩa.

III.KHỔNG MINH

Ai cũng khen ngợi Khổng Minh là kẻ đa mưu túc kế. Đào Duy Từ viết Ngọa Long Cương có đoạn ca ngợi Khổng Minh :

Binh quyền việc những đương tay
Lâm cơ thể thắng, một này địch muôn.
Trên bày Bác Vọng thiêu đồn
Bạch hà dung thuỷ, Hầu Đôn chạy dài.
Bốn cờ biết mấy sức trai,
Có tài thiện chiến, có tài tâm công.
Dạ nghiêm truyền dựa vịnh song,
Mười muôn tên Ngụy nộp cùng Chu Lang.
Hỏa công dâng chước ra hàng,
Gió tàn Xích Bích thổi tàn Ngụy binh
Hoa dung khiến tướng phân doanh.
Gian cùng sớm đã nớp mình vỡ gan…

Trong văn học dân gian cũng lưu hành giai thoại :
Có một người học trò nhà nghèo, một hôm hết tiền ăn phải đem quần áo đến cầm ở nhà một ông quan. Ông này bảo : - Có thực là học trò thì tôi ra cho vế câu đối này, nếu đối được thì tôi sẽ cấp tiền cho ăn học”.
Rồi ông ta đọc luôn : - Quần tử cố cùng, Quận tử cùng, quân tử cố.

Nghĩa là: Người quân tử bền lòng lúc cùng, người quân tử cùng, người quân tử bền lòng. Người học trò đối ngày rằng : - Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm.

Nghĩa là : Ông Khổng Minh bắt, tha, ông Khổng Minh tha, ông Khổng Minh bắt. Lấy tích “Khổng Minh thất cầm thất túng” bảy lần bắt bảy lần tha Mạnh Hoạch để dùng lượng khoan hồng thuyết phục kẻ địch quy thuận. Ông quan khen phục câu đối vừa có nghĩa đen vừa có nghĩ bóng, vừa đối chữ, vừa đối tiếng (cùng, túng, cầm, cố), bèn cấp tiền cho anh ta ăn học.

Lịch sử Trung Quốc đời Tam quốc khởi đầu do Trần Thọ viết khoảng năm 280, nhan đề là Tam quốc chí, sau có nhiều người viết song quyển Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung ra đời khoảng thế kỷ XIV thì rất phổ biến , nội dung ca tụng Khổng Minh hết sức, trong khi các tài liệu khác thì có nhiều ý kiến sai biệt.
Cứ theo Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của La Quán Trung, chúng ta thấy Khổng Minh là bậc quân sư tài ba, nhưng ông cũng như con người thường khác, có thành có bại, có ưu điểm và cũng có khuyết điểm chứ không phải là thần thánh . Ông là quân sự toàn quyền quyết định mọi sự cho nên những thất bại do các tướng lĩnh, ông vẫn chịu trách nhiệm.

1.QUÂN SỰ THẤT BẠi

Thất thủ Kinh Châu

Năm 219, Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu đem quân tấn công Tào Tháo và chém Bàng Đức, nhưng không để ý Tôn Quyền đang có âm mưu lấy lại Kinh Châu. Kết quả Kinh Châu bị mất và Quan Vũ, Quan Bình (con Quan Vũ) đã bị giết chết. Nếu Khổng Minh để ý đến Đông Ngô thì đã không ra cớ sự.

Thất bại Hồ Đình, Tỷ Quy

Mùa hạ năm 221, vừa lên ngôi Lưu Bị đã muốn lấy lại Kinh Châu và năm đó, mượn danh nghĩa trả thù cho Quan Vũ nên đã tuyên bố tuyệt giao với Đông Ngô, đem đại quân tiến đánh Tôn Quyền, vi phạm sách lược “liên Ngô chống Tào” của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng biết rõ đánh Ngô hại nhiều hơn lợi, nhưng không can ngăn nổi Lưu Bị. Cũng không thể trách Lưu Bị, Đông Ngô giết Quan Vũ, không lẽ Lưu BỊ vui vẻ hòa hiếu với Tôn Quyền!

Không theo kế Nguỵ Diên chiếm Trường An

Khi Khổng Minh ra Kì Sơn lần thứ nhất, Nguỵ Diên đã hiến một kế là đi theo hang Tý Ngọ chỉ một trận là chiếm được toàn bộ Tây Trường An (Hạ Hầu Mậu trấn giữ vốn là tướng Ngụy vô mưu). Nhưng Gia Cát Lượng nhất quyết không nghe cho nên thất bại.

Làm mất Nhai Đình

Nhai Đình là yết hầu của Hán Trung. Hán Trung là địa bàn chiến lược của nước Thục. Gia Cát Lượng hiểu rất rõ tầm quan trọng của Nhai Đình, nên khi cử Mã Tốc trấn giữ, đã bắt ông này phải viết bản quân lệnh, nếu để mất là phải chém đầu.

Sự cẩn thận này không thừa, nhưng điều đó phỏng có ích gì khi Gia Cát Lượng đã nhìn người không đúng. Trước khi chết, Lưu Bị từng dặn Khổng Minh rằng : “Mã Tốc là kẻ lẻo mép, không có thực tài, quyết không được trọng dụng”. Vậy nhưng Gia Cát Lượng không nghe, vẫn trao yết hầu vào tay kẻ chỉ biết cúc cung tận tuỵ với mình, mà không có thực tài.

2. CHÍNH TRỊ SAI LẦM

Tự làm suy yếu đất nước

Với tham vọng lớn thống nhất Trung Nguyên, Gia Cát Lượng 6 lần ra Kỳ Sơn đều thất bại, do không tích trữ được quân lương, của cải, khiến đất nước suy kiệt nhanh chóng và lòng dân than oán.

Phò tá kẻ bất tài hoang dâm

Lưu Bị trước khi chết đã uỷ thác việc nước cho Gia Cát Lượng. Lưu Thiện nối ngôi Thục đế mới 17 tuổi không có tài, Gia Cát Lượng phải lo lắng toàn cục, chỉnh đốn nội bộ và chấn chỉnh lực lượng. Sau này Lưu Thiện hoang dâm vô độ, tin dùng nịnh thần, mặc dù có thể lên thay Lưu Thiện nắm quốc gia, đưa Thục lớn mạnh như di huấn của Lưu Bị, nhưng Gia Cát Lượng quyết giữ đạo nghĩa cổ hủ, làm bề tôi đến lúc chết. Kết quả Thục suy yếu rồi sau bị diệt vong. Điều này chứng tỏ người có tài chưa chắc đã dạy được kẻ bất tài, người mưu trí chưa chắc xoay vần được việc nước.

3. QUAN ĐIỂM LẬP TRƯỜNG KHÔNG KIÊN ĐỊNH

Khổng Minh không sáng suốt, không kiên định lập trường. Ông đã biết thế nước chia ba sao lại còn nghe lời cầu khẩn của Lưu Bị mà xuống núi . Như vậy là ông ưa nịnh hót, không kiên định lập trường của mình là xuất thế tiêu dao. Ông giỏi nhâm độn, há không biết Lưu Bị đến hay sao?Nếu biết trước, tại sao ông không lánh đi, dời đền một địa điểm khác thật xa, thật kín đáo? Dù có gặp Lưu Bị, ông cũng phải giữ lập trường sao lại để vướng trần tục để cuồi cùng thất bại? Tay ông dấy máu mà nào được gì đâu? Như vậy có phải ông tài giỏi, biết quá khứ vị lai, và có tài thần thông biến hóa, di sơn đảo hải?

4. TÍNH TÌNH NHỎ NHEN, ĐỐ KỴ

Với Ngụy Diên, Gia Cát Lượng cũng chứng tỏ sự đố kỵ của mình. Vừa mới gặp Ngụy Diên, Gia Cát Lượng đã thét quân chém đầu vì lý do : thuộc hạ mà phản chủ (trong khi đó, Gia Cát Lượng cũng thu nạp biết bao hàng tướng với lý do : từ bỏ chỗ tối về với chỗ sáng).Rồi sau đó Gia Cát Lượng liên tiếp trù dập Ngụy Diên. Trước khi chết, ông còn bày kế cho thuộc hạ giết Ngụy Diên.

Khổng Minh cho rằng Ngụy Diên có xương sọ đàng sau (hậu chẫm) nở lớn, nhô cao, đó là tướng phản chủ! Vì nhà tướng số phải sờ xương đầu và xem xét các tướng khác rất kỹ lưỡng bên ngoài lẫn bên trong rồi mới xét đoán. Khổng Minh có làm như vậy không? Hơn nữa có xương sọ đàng sau nhô lên chưa chắc là tướng phản chủ. Sách tướng có nói "Phú sinh thịt quý sinh xương" Có xương hậu chẫm nhô lên là tướng quý. Người có xương sọ nở ở hậu não là người thông minh, thẳng thắn, cương quyết chống đối bạo quyền chứ không phải phản chủ.

Ngày xưa, đàn ông để tóc dài, các tướng lại đội mủ, mặc giáp trụ, làm sao Khổng Minh biết mà kết tội Ngụy Diên có tướng phản chủ. Về phương diện pháp luật, muốn xứ ai phải có bằng chứng. Người ta chưa có hành động gì mà đã hô chém tức là Khổng Minh độc tài, đố kị và tàn ác.

Người ta đề cao Khổng Minh quá đáng. Ông cũng giỏi nhưng không phải là người hô phong hoán vũ. Ông cũng có thành, có bại, và những tính xấu của con người nhỏ nhen, đố kị, và tàn ác. Ông cũng như Lưu Bị, Quan công, Trương Phi ỷ mình sức mạnh có thể xoay đổi cơ trời nhưng họ đã thất bại vì cuối cùng cơ nghiệp Lưu Bị cũng suy vong. Ban đầu họ có thể có lý tưởng mưu giết kẻ gian ác Tào Tháo nhưng rồi lại phò kẻ tham dâm, bất tài Lưu Thiện. Tất cả mấy người này đã gây ra binh đao, làm nhân dân khốn khổ.


IV. QUAN CÔNG

6

Quan Vũ (關羽, 162? - 220), cũng được gọi là Quan công (關公), tự là Vân Trường (雲長), Trường Sinh (長生), là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, và sau là một vị đại tướng trong triều đình Lưu Bị. Hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được phổ biến trong văn học nghệ thuật dân gian như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh v.v Từ thời kỳ nhà Tùy (581-618), ông trở thành thần linh được nhân dân TrungQuốc kính trọng, thờ phụng.

Trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, La Quán Trung chép thơ người đời khen ngợi Quan Vân Trường:

Cuối Hán ai là giỏi?
Vân Trường mấy kẻ tày!
Thần oai, võ đã mạnh.
Nho nhã, văn cũng hay.
Lòng ngay tỏ như kính,
Khí nghĩa cao ngất mây.
Nghìn thu danh tiếng để
Không những nhất đời nay!

Lại có thơ rằng:

Anh hùng còn nhớ Giải Lương xưa,
Lẫm liệt Quan Công tiếng đến giờ.
Huynh đệ một ngày tình nghĩa nặng,
Đế vương muôn kiếp khói hương thờ.
Gương trung vằng vặc, soi trời bể,
Khí nghĩa ầm ầm, nổi gió mưa.
Đình miếu đến nay đâu chả có.
Trải bao nhiêu tháng vẫn trơ trơ!

Vua Lê Thánh tông và hội Tao Đàn có thơ vịnh:

QUAN THÁNH

Hây hây chính khí rạng non đông,
Ba nước danh lừng một tướng công.
Da táo hây hây con mắt phượng,
Mái son tôn tốt cái râu rồng.
Vườn đào chừ thuở nguyền trăng bạc
Ải tía đòi phen quét bụi hồng
Mường tượng oai nhan tranh mạc để
Ngửa trông càng kính, kính càng trông.

QUAN THÁNH
Phó
cho làm tướng lãnh Kinh châu,
Danh giá đà nên đấng trượng phu.
Chỉ thanh long tan đất Hứa
Giong xich thố bạt sông Ngô.
Tôn Quyền mấy phát buồng gan héo,
Tào Tháo ghe phen trái mật khô
Chẳng những anh hùng nghe kính phục,
Vẹn gồm hai chữ mấy quy mô.

Theo thiển kiến, người ta thần thánh hóa ngài quá đáng. Người ta tôn kính ngài là người đạo đức trong tích Quan công phò nhị tẩu, nhưng thức khuya mới biết đêm dài, mới một hai đêm sao đã biết ai đạo đức, không tham dâm? Ngoài ra ông cũng phạm nhiều khuyết điểm chung của con người:
1. Ông đã hàng và phò Tào Tháo chứ không quyên sinh cho trọn tiết. Việc này đa số ca tụng Quan Công biết đường tiến thoái, biết ẩn nhẫn, nhưng trong với một chế độ bạo tàn và vua chúa khắc nghiệt, Quan Vân Trường khó thoát tội hàng giặc, làm tay sai cho quân địch.
2. Ông kiêu mạn: Khi được Lưu Bị phong tước, ngang hàng với Hoàng Trung thì ông tức giận, không nhận phong.
3. Ông phạm quân lệnh, không theo lệnh Lưu Bị hòa cùng Đông Ngô.
4. Ông tự cao, tự đại, khinh người đến nỗi chết về tay Lục Tốn là một tướng trẻ vô danh.
5. Chuyện dân gian cho rằng sau này Quan Công hiển thánh, rằng Quan Công cầm đầu xuống kiện với đức Phật Tổ về việc Lục Tốn cắt đầu ông. Phật Tổ cười mà bảo: "Ông mất một cái đầu mà đi kiện cáo, Thế ông đã giết hằng trăm, hàng ngàn người thì sao?"Cuối cùng ông giác ngộ mà đi tu.

Quan công uy vũ, ra trận luôn đi trước. Đó là ưu điểm của ông. Về đạo hạnh, ông chỉ là thường nhân như mọi người chưa phải là thánh.


Nói tóm lại, trong sử sách và trong nhân thế, một số danh nhân vẫn có nhiều khuyết điểm, đôi khi phản lại khuôn mặt thần thánh mà con người tưởng tượng hoặc tô vẽ, quảng cáo.Nhà văn, triết gia, bậc thánh sư vẫn có những nhận định sai lầm, thiếu khách quan, và không công bằng.

No comments: