Tuesday, January 3, 2012

THẢO TRƯỜNG * TRUYỆN NGẮN


Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào
Thảo Trường


“Đi tơ xong, con đực con cái
đều bị kẽm gai cào rách da thịt!”

Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào.

Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay…
Cũng như khi có ai lỡ miệng hỏi những người nữ tù đó án gì thì thường được trả lời “cháu giết chồng!” Trong khu B trại giam nữ phần đông các nàng đều khoái mang cái án giết chồng và họ thường trả lời như thế nếu bị hỏi, mặc dù có người chưa có chồng bao giờ và bị tù vì một chuyện tào lao nào khác.


Ảnh: Thảo Nguyên


Đó là một câu trả lời theo mốt của khu B. Trại giam bắt các bà mẹ đi cuốc đất, lũ trẻ con bị gom lại trong một căn buồng và gọi đó là nhà trẻ. Một người coi sóc chúng nó thì được gọi là cô giáo. Lũ trẻ ở với mẹ trong buồng giam, chúng cũng bị sắp hàng điểm danh cùng với mẹ và các nữ tù khác mỗi sáng tối. Chúng là những tù nhân không có án và không có tên trong danh sách tù của bộ nội vụ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa ưu việt.






Sáng ra buồng, chúng ùa chạy theo cô giáo sang nhà trẻ để có ăn trong ngày hôm ấy. Tối, khi cô giáo dẫn về khu B chúng ùa chạy về với mẹ để kịp vào buồng giam có chỗ ngủ. Lũ trẻ cũng phải sống theo tiếng kẻng, nghĩa là chúng cũng phải chạy theo nội qui trại giam. Chúng sinh ra và lớn lên trong trại giam. Chúng không có trách nhiệm gì về tội phạm và luật pháp nhưng chúng lại là những kẻ bị tù đày. Như thiệt vậy. Và cũng không ai thắc mắc. Đến bữa cô giáo xách xoong xuống bếp trại lãnh cơm cho chúng nó y như các trực đội đi lãnh cơm cho đội.

Ngày nào có thức ăn thì chúng cũng được lãnh, ngày nào cơm không hoặc có củ khoai củ sắn thì chúng cũng sắn khoai như các tù nhân khác. Những đứa còn nhỏ cô giáo lấy cơm nấu thành cháo cho nó ăn hoặc uống nước. Đứa nào biết đi biết nói gặp công an phải khoanh tay lại “chào cán bộ”. Đứa nào không chào sẽ bị phê bình là “mất dạy” và cô giáo sẽ bị khiển trách là không hoàn thành nhiệm vụ. T ừ căn nhà trẻ buổi sáng cũng như buổi chiều thường vang ra tiếng hát “ai yêu bác Hồ” hoặc “chúng cháu chào cô ạ”. Bác Hồ thì công an bắt cô giáo phải dạy còn chào cô thì cô giáo thích được chào như vậy, cho nên hai đấng tối cao ấy được suy tôn trong nhà trẻ rất có tổ chức và thể thống! Bác Hồ thì không hiểu do cái quyền lực ma quỉ nào ở đâu chi phối, nhưng cô giáo thì thực sự do quyền lực của cô tại chỗ, đứa nào hỗn cô bắt quỳ hoặc không cho ăn là sợ ngay.


Ban ngày ở nhà trẻ chúng cũng được học chữ và học múa hát, chúng cũng có thời gian chơi đùa với nhau. Đó là những lúc cô nấu ăn, tắm rửa cho mấy đứa còn nhỏ hoặc lúc cô bận nói chuyện với anh y tá… Trong sáu đứa thì ba đứa lớn hơn thích chơi trò công an. Con Ti bảy tuổi tù, khôn vô cùng, mẹ nó không kể chuyện về bố nó cho ai nghe bao giờ, chắc là tình buồn, chỉ thấy mẹ con nó chuyển đến trại này lúc con Ti còn bế ngửa. Thằng Bắc cũng bảy tuổi nhưng phải gọi con Ti là chị xưng em đàng hoàng nếu không con Ti nó chửi cho. Kế đến là thằng Cọp, sáu tuổi, khoe có bố, người Thượng, nên mẹ nó đặt tên như thế cho có vẻ nhớ rừng.




Thiên tình sử của mẹ nó rất là ly kỳ. Mẹ nó có chồng có con, chồng mẹ nó tập kết ra Bắc 54 khi đứa con của hai người mới đẻ. Đại thắng mùa xuân, chồng bà ấy trở về làm cán bộ huyện ủy ngay tại quê nhà, bà ấy hãnh diện được mấy tháng, đứa con đã hơn hai mươi tuổi cũng hãnh diện được mấy tháng, thế rồi mẹ đi tù chung thân sau giảm xuống hai mươi năm, thằng con bị tử hình. Hỏi mẹ thằng Cọp tội gì, lần nào và bao giờ bà ấy cũng nói: - Tôi chỉ cầm cái đèn. - Chỉ cầm đèn mà tù chung thân? - Tôi cầm đèn soi cho thằng con tôi nó bổ. - Bổ? - Dạ.

Nó cầm búa bổ vào đầu cha nó!
- Chồng bà? - Đúng. Chồng tôi. Cha nó. Bị ổng đánh tôi hoài, đánh đau quá, con tôi nó thương tôi, tôi thù ông ấy, nên hai mẹ con phải… giải quyết. Buổi tối như mọi tối, ông ấy say rượu về chửi mắng tôi một hồi rồi cầm cây rượt đánh tôi. Tôi bỏ chạy ra đồng, con tôi chạy theo mẹ. Ở ngoài đồng mẹ con tôi khóc với nhau. Trước kia, khi ông ấy đi làm cách mạng, hơn hai mươi năm không có ông ấy ở nhà, mẹ con tôi sống yên ổn. Đại thắng trở về, ông ấy đem theo một bà vợ Bắc, tật uống rượu đế và đánh đập vợ con. Tôi nghĩ khổ quá, thà ông ta cứ đi kháng chiến, thà ông ta cứ làm cách mạng, thà ông ta cứ đi xa, thà ông ta đừng trở về…


Thằng con tôi nó nói: “Thì lại cho ông ấy đi xa, hai mẹ con lại sống với nhau như xưa.” Thế rồi mẹ con tôi mò mẫm trong đêm tối trở về nhà, ông ấy ngủ say trên bộ ván ngựa, thằng con tôi đi lấy cái búa, tôi đốt đèn dầu, cầm giơ cao soi cho nó thấy rõ. Mà bổ. Con tôi nó bổ cả chục nhát, ông ấy không kêu được tiếng nào. Ngày hôm sau vợ hai của ông ấy từ trên huyện về nhận xác chồng tôi đem an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Nghe nói đám tang lớn lắm, có nhiều vòng hoa, có người đọc điếu văn nữa, tôi chỉ nghe nói thế vì ngay đêm hôm đó mẹ con tôi bị bắt giam ở công an huyện. Ở tù cho đến bây giờ vẫn… chưa hết tù.
- Nghe nói thằng con…


- Ờ, nó bị tử hình vì tội ám sát cán bộ nhà nước. Bắn ngay. Bà ta nói đến đó kéo thằng Cọp vào lòng ôm cứng: - Mất thằng đó tôi có thằng này. Ở tù được gần mười năm tôi buồn quá sẵn có người đàn ông gạ gẫm, tôi bèn cho, mấy lần thì có thằng này. - Trại giam nữ biệt lập làm sao có bầu? - Hỏi ngớ ngẩn, bà ta nói, trong trại toàn nữ nhưng ngoài trại cũng có đàn ông chứ. Có đực, có cái là có thể có con được. - Cái bên trong hàng rào kẽm gai, đực bên ngoài hàng rào kẽm gai. Làm sao? Bộ thằng cu này nó đầu thai ngay giữa hàng rào kẽm gai à?

Vô lý! Mới chỉ có thụ tinh trong ống nghiệm chứ làm gì có thụ tinh giữa hàng rào kẽm gai.
Mẹ thằng Cọp dắt con đi, bà quay lại nói câu chót: - Làm sao có con thì thôi, mình mất một lấy lại một, tôi sẽ sống với thằng này khi ra tù cũng như trước kia tôi đã sống với thằng lớn. Tôi vẫn hai mẹ con. Và chỉ hai mẹ con. Không có kẻ nào chen vào phá vỡ được tình mẹ con tôi. Mẹ con thằng Cọp được tiếng là thương nhau nhất trong sáu cặp mẹ con trong trại giam. Người ta kể rằng bà ta thường để dành đồ ăn của bà cho thằng con, bà thường ngồi quạt cho con ngủ trong những đêm hè nóng nực ở buồng giam…

Thằng Cọp cũng thương mẹ nó, ban ngày ai cho gì nó thường để dành đến tối cho mẹ. Những lúc được nghỉ mẹ con thường quấn quýt nhau hơn là đi chơi với ngừơi khác.
Ba đứa lớn là con Ti, thằng Bắc và thằng Cọp thường chơi trò làm công an hoặc diễn tuồng cải lương. Chơi trò công an thì con Ti nhận vai cán bộ chấp pháp, thằng Bắc làm trật tự, thằng Cọp làm tù… do đó con Ti được quyền chửi thằng Cọp: “Tao còng đầu mày”. Thằng Bắc được quyền trói thằng Cọp.

Thằng Cọp thì phải nói với con Ti là “Thưa cán bộ”. Hằng ngày chúng nghe công an nói năng quát mắng tù làm sao thì chúng lại diễn in như thế. Cũng có khi ba đứa lớn diễn tuồng cải lương thì con Ti làm hoàng hậu, thằng Bắc làm vua, thằng Cọp làm quân sĩ. Vua gọi “quân sĩ đâu” thằng Cọp phải “dạ” thật lớn. Hoàng hậu sai làm gì quân hầu phải quì xuống “tâu vâng”. Được cái thằng Cọp cũng dễ bảo và nó làm tuồng cũng có vẻ dễ ợt.



Khán giả là ba đứa nhỏ mới biết bò trên nền nhà hoặc nhốt trong cái cũi bằng gỗ gọi là cái nôi. Chuyện tưởng không ai biết nhưng ở trại giam sao cái gì cũng bị báo cáo lên cai tù hết, cho nên cán bộ chấp pháp đã rình xem được đủ cả cảnh ba đứa trẻ diễn trò chức năng và nghiệp vụ của mình một cách rất sống thực. Anh ta tức quá bèn “cách chức”cô giáo cho đi cuốc đất, tuyển một nữ tù khác coi nhà trẻ.
Đứa nhỏ nhất trong đám là con bé mới tám tháng tuổi. Mẹ nó trước kia khiêu vũ rất đẹp, chơi tứ sắc cũng rất bền lì, ở tù vì vượt biên có tổ chức và có súng.

Cũng tính một ăn cả ngã về không. “Một là nuôi cá, hai là nuôi má, ba là má nuôi”, chẳng may má nuôi thật. Trong tù buồn quá bèn yêu một anh chàng tù nam ở khu A. Anh này là dân giang hồ, không chịu được cảnh đàn áp chơi cha thiên hạ của nhà cầm quyền nhà quê ngoài kia vào cưỡi đầu cưỡi cổ, trong một lần xích mích ở khu phố anh bèn lụi mấy dao… thế là cũng chung thân. Ở Chí Hòa, gây lộn, anh ta lại lụi mấy cái dùi, thêm một cái chung thân nữa!


Một chung thân nếu được giảm may ra còn có ngày về, hai cái kể như “thua” luôn, anh ta nói thế, cho nên sống trong trại giam anh ta “xù” tất cả. Muốn cái gì là làm cái ấy, muốn nghỉ là nghỉ, nhưng được cái anh ta vốn dân giang hồ cho nên nhiều lúc rất dễ thương. Anh gặp chị ngoài sân trại mấy lần. Nhìn. Cười. Cười lại. Nhìn lại. Thế là thân nhau. Khi hai người ở hai khu A và B nhìn nhau cách một cái sân bèn nghĩ ra kế truyền tin cho nhau bằng cách dùng cây chỉ lên những chữ thích hợp trong các chữ ở những khẩu hiệu trên tường nhà giam.


Những chữ “thương nhiều, nhớ nhiều; thương hoài, nhớ mãi” được hình thành qua những xê dịch của đầu gậy trên những khẩu hiệu chữ lớn màu đỏ sặc sỡ. Chị đánh tín hiệu xong anh đánh trả lời. Những buổi chiều đẹp như thế là những kỷ niệm họ không bao giờ quên. Một lần gặp nhau ngoài sân trại anh nói:
- Những khẩu hiệu hoan hô đả đảo sơn đầy rẫy trên tường tưởng vô bổ hoá ra cũng có ích. Chị nói: - Đừng tưởng bác Hồ vô tích sự, nhờ những khẩu hiệu hoan hô bác, hoan hô đảng mà mình thông tin được cho nhau. Anh buột miệng: - Bố tiên sư nhà nó! - Anh nói gì? - À, không, anh chửi cái cột đèn… - Em không thích anh văng tục lúc này. - Được thôi.




Trong những giờ phút ngắn ngủi được ra ngoài sân gặp nhau vào những buổi chiều nghỉ, dưới bao nhiêu con mắt theo dõi canh chừng của trật tự và công an trại, tù nhân cần phải tranh thủ, cái gì cũng thật nhanh, thật gấp, hết giờ là phải trở về khu của mình nhìn nhau từ xa mà thôi. Một lần anh ta nói với chị:
- Anh thèm em quá.
- Biết rồi. Ở đây ai cũng thiếu cũng thèm cả.
- Bây giờ làm sao?
Anh cầm đại bàn tay chị nhét vào giữa hai đùi mình mà kẹp và nghiến răng mà đay, chị nhẫn nại gỡ ra:
- Tụi nó đang nhìn kìa.
Anh thả tay chị ra thở dài:
- Đau thật. Giữa thời này mà cầm tay nhau cũng không được, mẹ nó, nếu ở Sài Gòn lúc này tụi mình chơi nhau đã đời.
Chị huých khuỷu tay vào sườn anh mắt thì lườm, dài ra, có đuôi. Anh nói:
- Anh chẳng có ngày về. Chắc chắn là như vậy. Em còn mấy năm nữa?
- Tám.
- Như vậy nhiều lắm em cũng chỉ phải ở sáu năm nữa mà thôi.
- May ra là như vậy.


Sau lần gặp ấy chị thương anh vô cùng, chị diễn tả “không biết thế nào mà nói”. Thế rồi chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn dây thung nhẹ. Chị thử kéo lên tuột xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử khom khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho anh ta hành sự. Thời gian không có nhiều. Tất cả chỉ trong nhấp nháy. Chớp mắt. Là phải xong. Thời giờ là vàng bạc.

Cái này cũng giống như chiến thuật mà các anh cán bộ cách mạng hay khoe “đánh mạnh, đánh mau, rút lẹ”. Phải dùng sách của các anh mới được. Sách của giới giang hồ chúng tôi là “bắn chậm thì chết”. Lớ ngớ còn đang thập thò mà các anh bắt được thì… tù mọt gông. Chị cũng bàn trước với anh để về phần anh cũng phải chuẩn bị không để một cái gì cản trở, như “Mỹ họ lắp ráp phi thuyền trên vũ trụ ấy”, như pháo binh “nhanh chóng, chính xác và hiệu quả”, như cán bộ vẫn leo lẻo “tư tưởng thông hành động đúng” ấy, anh hiểu chưa, khổ quá! Phải tập cho thuộc để khi có dịp là bập liền nghe chưa anh yêu!


Như vậy mà được đấy. Những mấy lần cơ. Có lần chiều sắp tối, trời lại lất phất mưa, chị tình nguyện đi lãnh cơm cho đội. Từ bên khu A theo dõi anh thấy và cũng mặc áo mưa đi xuống bếp trại. Khi trở về hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơn thưa thớt mấy sợi, chị bèn đứng lại khom lưng xuống chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới…

Chị nghe có tia nước ấm áp phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển, chị đứng thẳng người lên, vẫn ôm xoong cơm của đội nơi bụng, chị liếc nhìn sang anh, miệng cười như mếu rồi bước vội về buồng giam của mình. Anh ta cũng lật đật cài áo mưa lại, cầm cái xoong cơm treo trên cột hàng rào rồi cũng quay bước về phòng mình. Hai người hai hướng câm lặng và xót xa. Đứa con được tạo thành trong những cơn mê mẩn ấy.


Khi biết mình có bầu, chị giấu kín không giám cho ai biết. Giám thị trại giam biết được họ sẽ bắt chị phá thai và cùm ở nhà kỷ luật cả hai người.

Chị giấu kín cho đến khi nào không giấu được nữa. Chị nói cho anh biết là chị sẽ không nói ai là bố đứa bé, chị sẽ giữ bí mật làm kỷ niệm đời mình. Chị sẽ có nó bên mình khi ra tù và dù không bao giờ anh về, không bao giờ được sống chung với anh thì cũng có đứa con với anh để mà thương mà nhớ.

Chị sẽ bảo vệ nó để nó được ra đời làm người. Chị nói với anh rằng bí mật này chỉ anh biết và anh sẽ không lo bị liên lụỵ. Mình chị sẽ đối phó với tất cả bạo quyền để chị và con chị được tồn tại. Chị sẽ ra khỏi tù với một đứa con của tình yêu giữa một xã hội bất nhân, bất nghĩa và độc ác! Và rồi khi ra được ngoài chị cũng sẽ lại tìm cách dẫn con chị đi tìm một xứ sở khác mà sống. Chị sẽ đưa con chị đi, đi đâu cũng được, miễn là không phải sống trong cái chế độ khốn nạn này.


Chị giấu giếm được sáu tháng thì bị lộ. Cái bụng chị lớn phình ra, mang “ghen” nó cũng vượt mặt. Trong phòng bàn tán, rồi trong khu bàn tán, rồi cả trại bàn tán. Chúng hỏi chị, rồi chúng gọi y tá khám thai, chúng nhốt chị trong nhà kỷ luật, chúng cùm một chân chị, chị vẫn không khai ra anh. Tức quá tên thượng úy Ban đá vào bụng chị chửi:

- Địt mẹ, không khai ra tao đá chết cha cả mẹ, cả con mày. Mày ngủ với thằng nào hả?
Chị ngồi co quắp, dùng hai chân hai tay bảo vệ cái bụng, chị nghĩ chết thì chết cả mẹ lẫn con cũng được. Tên Ban đấm đá chị nhiều nhất vì hắn là K trưởng. Coi trại tù mà để cho tù có bầu thì hắn sẽ bị mất điểm thi đua hằng năm, hắn sẽ không khá lên được. Nhưng thấy chị lỳ quá, chỉ ngồi khóc mà không chịu khai, hắn chửi:

- Địt mẹ, phải có một thằng nào chứ? Không có thằng nào thì làm sao có con “loăng quăng” trong bụng mày được? Tại sao mày không nói?
Thấy chị vẫn chỉ khóc hắn hét lên:
- Tao cho mày đi bệnh viện nhà nước móc cái của nợ ra, chết ráng chịu.
Chị hoảng quá lạy tên Ban:
- Lạy ban, xin ban cho tôi nuôi, nó là con tôi, đẻ ra tôi nuôi con tôi.
Hắn hét lên:

- Địt mẹ mày, mày có biết mày đang ở tù không? Cái thân mày nhà nước còn phải nuôi, bây giờ mày nói mày nuôi con mày, vậy lấy cái máu đẻ mà nuôi à? Mày có biết mày sướng có một tý mà bao nhiêu người khổ vì mày không? Tao ăn làm sao nói làm sao với lãnh đạo bên trên, hả?
Nói rồi hắn lại đấm đá túi bụi vào người chị. Hắn cố ý đá vào bụng chị cho cái thai phải ra, hắn thù đứa nhỏ trong đó hơn là ghét chị, chị cố chịu đòn để bảo vệ con.


Khi còn một mình trong nhà cùm, chị thiếp đi rồi tỉnh lại, tỉnh lại rồi thiếp đi. Có lúc chị kêu lên với mình:
- Con ơi!


Nửa đêm một tên cầm đèn pin vào phòng giam, hắn để cái đèn pin đứng chĩa thẳng lên trần, ánh sáng đèn dội xuống đủ cho chị nhìn thấy hắn là cán bộ giáo dục, hắn cũng đội mũ kết… cũng phù hiệu đỏ của ngành công an nhân dân… cũng sao thượng uý trên cổ áo… cũng mang dép râu ở chân…

Hắn đạp dép bình trị thiên lên mặt chị… hắn giẫm cái dép kháng chiến vào bụng chị… chị co mình ôm lấy bụng che chở cho cái bào thai, hắn bèn đạp thí mạng lên người chị, chỗ nào cũng được. Đau quá chị la lên hắn bèn cúi xuống vả vào mồm chị, đấm vào mắt chị nẩy đom đóm, hắn nhổ nước bọt vào mặt chị, hắn chửi “địt mẹ” um sùm. Rồi hắn vạch quần chĩa cái dương vật đen đủi lủng lẳng đái tè tè vào mặt chị làm chị sặc sụa.

Chị lợm cổ ói mửa ra nước mật đắng. Chị ngộp thở và khóc oà nức nở. Hắn vẩy vẩy con cu cho những giọt nước đái chót văng xuống rồi mới nhét vào trong quần. Nước mắt và nước đái lại khiến chị tỉnh ra. Chị nghe hắn nói:
- Như thế cho mày tiến bộ hơn lên.
Tiếng tên Ban nói ngoài cửa:
- Thôi đi ra, thối quá, chắc đồng chí đánh nó vãi cứt ra rồi. Thử ít đòn trên da thịt người đẹp Sài Gòn xem nó thế nào thôi.


Sáng sau khi chúng lôi chị ra khỏi nhà cùm thì tóc tai mặt mũi chị dính đầy cứt. Chúng đưa chị đi bệnh viện tỉnh để nạo thai, chị vùng vẫy chống cự không chịu ra xe, tên Ban lại đấm đá chị túi bụi, những người trông thấy đều xót xa cho chị. Tên Ban quát:
- Đi tống nó ra rồi còn về lao động, một đứa đẻ nằm đó là trại mất một công lao động, hiểu chưa?
Bọn chúng túm chị lôi ra xe rồi còng tay chị vào ghế xe chạy đi. Nhưng bệnh viện không dám nạo vì họ nói cái thai đã quá lớn, sắp đến ngày đẻ, họ trả chị về trại. Chúng không làm gì được cái thai nên nhốt chị trong nhà cùm, chúng còn dọa cùm cho đến chết luôn.


Chị nằm trong nhà tối lạnh lẽo đau đớn đói bụng nhưng chị lại thấy mình hạnh phúc. Cái thai cựa quậy chị cũng vui. Cái thai đạp vào da bụng chị lồi lên làm chị phì cười. Chị cười và chị vui trong bóng tối. Đến một hôm chị nghe tiếng anh ở gian kế bên gọi, lúc đầu chị sợ quá, sau thì chị cũng cảm động. Hai bên không trông thấy nhau mà chỉ nghe tiếng nói của nhau, như thế, chị nghĩ cũng được an ủi lắm.

Hai người có lúc đã thông tin với nhau bằng cách chỉ chữ trên khẩu hiệu thì bây giờ tuy không thấy mặt nhưng trao đổi bằng chính tiếng nói của nhau thì cũng đã mãn nguyện lắm. Chị được anh cho biết là anh đã nhận là cha của đứa con, chúng nghi ngờ anh và chúng gọi anh lên hỏi, anh thấy là anh cần phải nhận, nhận không phải vì anh sợ chúng mà vì anh là bố của con anh, anh nhận vì anh có trách nhiệm với nó và anh phải xác nhận điều đó. Chúng trói anh lại đánh anh thừa sống chí chết. Tên thượng úy Ban vừa đấm đá anh vừa chửi rủa thậm tệ, làm như chúng đánh ghen không bằng, anh nói với chị như thế.


Nhờ thời gian bị giam chung trong phòng tối nhà kỷ luật hai người có thêm những kỷ niệm. Buổi sáng chị hỏi:
- Anh uống cà phê đen hay cà phê sữa?
- Cà phê sữa.
- Anh ăn hủ tiếu hay ăn mì?
- Hủ tiếu.
- Nấu khô hay nước?
- Khô.
- Thôi em đừng hỏi nữa, anh thèm quá.
- Em cũng thèm quá và đói bụng nữa. Tiên sư chúng nó!
- Cũng đừng chửi nữa, không có đứa nào nó nghe thấy đâu.
- Dạ.
Im lặng hồi lâu.
- Nó đạp em.
- Đứa nào dám đạp em?
- Con.
- À, thích không?
- Dạ, thích lắm.
Lại im lặng.
- Buồn không?
- Buồn.
- Đưa em đi phố nghe?
- Được thôi.
- Coi phim nhé?
- Xong ngay, coi phim cũ, Lost Command, Anthony Quinn đóng, được không?
Sau đó đi nhảy ở Queen Bee. OK?
- Thế… không ăn gì à?
Cả hai cùng cười khúc khích.
- Có. Trước khi đi nhảy mình ăn cơm Tàu, nửa đêm ăn bánh cuốn và cháo sườn bàn cờ. Có thích phở Lạng Sơn không, phở chua ấy?
Có khi giữa ban ngày cũng:
- Chúc ngủ ngon nghe.
- Good night…


Sau một tháng cùm kẹp, chúng thả chị ra nhưng chúng đưa anh sang một trại giam khác, chia cách hai người. Chúng bắt chị đi lao động đến tận ngày đẻ. Đứa con ra đời ban đêm trong trại tù, trong sự đùm bọc của rất đông nữ tù đồng cảnh với mẹ nó. Một tháng sau chị phải gửi con bên nhà trẻ và chúng bắt chị đi cuốc đất như trước.


Đứa trẻ lớn dần lên trong trại giam cùng với những đứa đồng cảnh của nó. Tù trong trại khi nói đến chúng có người hỏi không biết những đứa này, đứa nào sẽ là chủ tịch, tổng thống, nữ hoàng, thủ tướng, vua, quan, sư sãi, cha cố, thầy bà, tướng tá, đồng chí, đảng viên, cướp giật, buôn lậu, hiếp dâm, ăn tục nói phét, dân biểu, nghị sĩ, trí thức, mù chữ, tù nhân, cai tù… đứa nào sẽ là bác là đảng… đứa nào sẽ là anh hùng, là nhát gan… đứa nào sẽ là nhà văn, nhà báo… Đứa nào? Trong số tụi bay, ừ, đứa nào trong số tụi bay sẽ là chính nhân quân tử, nhỏ nhen, hèn mọn? Cứt chó khô ba nắng! Và còn lại đứa nào, ừ, còn lại đứa nào nhỉ, để làm dân đen?


■ Bác già cầm cái quạt nan ra ngồi băng gỗ ngoài vườn trước bệnh xá. Bác phe phẩy cái quạt nhìn những toán tù nhân lũ luợt kéo nhau về. Bác nhớ lại mình trước đây cũng thế, có khi mặc luôn quần áo ướt mà về trại cho tiện khỏi phải thay đổi mang theo mất công. Ở tù phải thu xếp sao cho càng giản tiện gọn nhẹ càng tốt. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già thường trú chờ ngày về. Một bác bị tai biến mạch máu não. Một bác lao phổi thời kỳ chót.

Một bác cắt ruột dư vết mổ nhiễm trùng chảy mủ hoài không lành. Một bác bị lác đồng tiền sần sùi khắp mình mẩy. Một bác bị sốt cấp tính thể não phát điên khùng xém chết. Một bác trụy tim… Các bác tự gọi mình là tù binh hưu trí không có chính quyền nào nhận lãnh! Mỗi tháng các bác chờ gia đình vợ con họ hàng lên thăm nuôi tiếp tế và nghe hỏi “bao giờ về”, để rồi trả lời “sắp”. Tháng nào cũng vậy!


Lũ trẻ kéo nhau sang chào ông ngoại. Ba đứa lớn, nguyên gánh hát, không có đám khán giả tí hon. Bắt buộc, giờ này chúng đã được cô giáo bế về trả cho mẹ chúng nó bên phòng giam. Ba đứa lớn biết hôm nay có một ông ngoại có thăm nuôi nên chúng chạy sang chào. Và chờ.

Thông cảm, chúng còn nhỏ nhưng chúng cũng là người nên cần những thứ mà cơ thể đòi hỏi. Ông ngoại cũng biết thế và ông ngoại có những thứ mà chúng thèm, dù không thừa thãi, nhưng ngoại già rồi, ngoại ăn nhiều rồi, ngoại hưởng thụ nhiều rồi, ngoại đã nếm đủ thứ mùi đời, ngoại đã từng đi Tây, Tàu, Nhật, Mỹ, ngoại đã được “nhất dạ đế vương”… thì ngoại có thể nhín ra cho chúng chút ít.

Chúng mới ra đời, lại ra đời trong một cái nhà tù, lại là cái nhà tù cộng sản lấy khoai sắn làm nền tảng chiến lược dinh dưỡng và sự giả dối lừa bịp là văn hoá sáng tạo trí tuệ… chúng thiếu ăn mà chúng còn thiếu những điều kiện làm người, chúng là những kẻ đã bị tước đoạt tất cả mọi thứ kể cả cái quyền ra đời của chúng.

Chúng mà ra được cái cõi đời oe oe khốn khổ này đã là một sự thoát chết. Chúng thèm ăn thèm uống thèm mặc thèm chơi đùa cho nên ngoại ngồi chờ sẵn ở đó. Với lại ngoại cũng buồn chán cô đơn bỏ mẹ. Ngoại cũng muốn thấy chúng, cũng muốn nói và nghe chúng nói. Mấy câu. “Cũng đủ lãng quên đời”. Sau nghi lễ chào hỏi, ông ngoại cho phép chúng ngồi trên băng ghế với mình, ngay ngắn rồi, con nữ hoàng vào đề ngay:
- Hôm nay ông ngoạicó thăm nuôi?
Thằng Cọp quân sĩ:
- Hồi chiều ở bên nhà trẻ chúng con trông thấy ông ngoại mặc đồ đẹp.
Ở trại giam khi mặc đồ đẹp là đi gặp gia đình. Thấy ông ngoại cứ ờ ờ thằng vua sốt ruột:
- Sắp đến kẻng nhập buồng rồi ông ngoại.
Ông ngoại phì cuời nhìn đám trẻ tương lai của đất nước nói riêng, nhân loại nói chung:
- Xong rồi, quí vị đừng có lo, tôi đã biết phải làm gì và tôi đã sắp sẵn, quí vị nói chuyện tôi nghe mấy câu đi.


Con cán bộ chấp pháp lại khôn:
- Thằng Bắc đừng có vòi vĩnh ông ngoại. Hỗn. Cô giáo bảo trẻ con không được đòi hỏi.
Ông ngoại lên tiếng hỏi:
- Ở đây mới có ba đứa, còn ba đứa nữa đâu?
Thằng trật tự can thiệp ngay:
- Chúng con mang về cho các em ấy.
Con nữ hoàng kể lể:
- Mẹ chúng ẵm chúng ra ngoài khu vui chơi nói chuyện với bồ.
Thằng vua:
- Má con Tiểu Hỉ cũng có bồ rồi.
Thằng quân sĩ:
- Má con không có bồ.
Con chấp pháp thẩm vấn:
- Ai thăm ông ngoại?
Thằng tù Cọp:
- Bà ngoại thăm ông ngoại?
Ông ngoại buồn:
- Bà ngoại ở bên Mỹ.
Thằng quân sĩ phỏng vấn:
- Thế ai thăm ông ngoại?
Ông ngoại khai:
- Bà hàng xóm của bà ngoại lên thăm ông ngoại.
Lũ trẻ nhâu nhâu:
- Ông ngoại có thăm thêm giờ không?
- Thăm thêm giờ là “bà ngoại nhí” có bầu.
- “Bà ngoại nhí” sẽ đẻ ra em bé.
- Ông ngoại sẽ có con như tụi con.
Con nữ hoàng chợt la nhỏ:
- Ông ngoại đừng thương “bà ngoại nhí” nghe.
- Tại sao?
- Để ông ngoại thương tụi con.


- Ừ, cũng được, tụi bay ở tù miết hóa ma mãnh hết. Ngồi chờ đây tao vào lấy quà cho.
Bác già vào phòng mang ra một cái bị cói đưa cho ba đứa trẻ:
- Trong này có sáu gói bằng nhau và giống nhau cho sáu đứa, lớn nhỏ gì như nhau hết, ông ngoại cho các con mang về chia nhau. Ngoan, ông ngoại thương.


Ba đứa trẻ nhảy từ trên ghế xuống đứng khoanh tay cám ơn ông ngoại. Thằng vua và thằng quân sĩ khiêng cái bị đi trước, con nữ hoàng hay con đệ nhất phu nhân gì đó đi sau. Kẻng vào phòng đổ hồi, ba đứa trẻ cũng rảo bước chạy nhanh về phòng giam của chúng như những tù nhân khác trong trại. Cái bị cói ông ngoại xách thấy nặng thế mà mấy đứa trẻ mang như bay.

Bác già cầm quạt nan che lên đầu dù là trời sắp tối, chậm chạp đi vào phòng bệnh. Bác ở tù đến năm thứ muời bảy và vì là tù binh không có án cho nên bác cũng không biết đến bao giờ mới hết. Bác không thuộc một chế độ nào nữa cả, bác thuộc về lịch sử.
Vào phòng bệnh bác chui vào mùng cho khỏi muỗi, nghĩ tới những người tù trẻ mới bị bắt và những đứa bé mới sinh ra đời.
(HB/09. 6. 19

No comments: