?
Quốc Phương
BBC Tiếng Việt
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia am hiểu tình hình nội bộ của Việt Nam, cho BBC hay hội nghị trung ương đảng lần thứ tư, khóa XI vừa bế mạc đã lựa chọn chủ đề "chỉnh đốn đảng" dưới áp lực trong nước và tác động của biến động quốc tế năm qua.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, cho rằng nếu đảng không thực sự sửa đổi thì "đất nước càng ngày càng lụn bại đi" và có thể dẫn tới "sụp đổ."
"Nếu đảng thực sự ý thức được điều này, thì đó là điều tốt không những cho đảng mà còn cho tương lai của đất nước nữa," học giả chuyên về các vấn đề Đông Nam Á nói với BBC hôm 01/01/2012.
Về việc liệu có áp lực nào buộc đảng phải tuyên bố chỉnh đốn nội bộ hay không, ông Long nhận định:
"Đây là sức ép của không biết bao nhiêu người chính ngay trong đảng vì họ không muốn đảng này bị suy yếu đi. Và ngoài sức ép trong đảng, còn có sức ép trong xã hội, sức ép của nhiều tầng lớp trong đất nước.
"Và còn có các sức ép trên thế giới, từ Miến Điện, đến Ả-rập, đến Nga v.v. Và người ta thấy trào lưu đổi mới bằng cách dân chủ hóa là cái phải làm chứ không thể để nước đến chân mới nhảy được... Tôi nghĩ người ta nhìn vấn đề trong nước, rồi trên thế giới và thấy rằng đến lúc phải thay đổi thôi."
Năm 2001, trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã phát động một cuộc vận động quy mô "xây dựng và chỉnh đốn đảng" dưới thời cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Trước câu hỏi vì sao lần này đảng lại cần thêm một cuộc chỉnh đốn đảng nữa, Giáo sư Long cho hay:
"Cuộc (hội nghị) vừa rồi nói là chỉnh đảng, nhưng thực chất ra, từ trước tới nay, bao nhiêu cuộc chỉnh đảng từ những năm 1950 đến gần đây, chỉ là các phe phái đánh nhau.
"Không phải là chỉnh đốn một cách đàng hoàng. Mà trong khi đó thì một số người càng ngày nắm quyền càng nhiều, cho nên vấn đề chuyên quyền ở Việt Nam càng ngày càng lớn."
"Nếu thực tình chỉnh đốn từ trên xuống dưới thì tôi nghĩ đây là vấn đề không những tốt cho đảng thôi mà tốt cho đất nước là bởi vì không ai muốn sụp đổ mà cũng không ai muốn có những rắc rối nguy hại cho đời sống của dân thường"
Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng 'chuyên quyền' gắn chặt với các vấn đề 'phát triển kinh tế' thì chuyên quyền sẽ càng lớn thêm vì "bao nhiêu lợi ích vào tay một nhóm người nhỏ."
"Và lần này, nếu thực tình chỉnh đốn từ trên xuống dưới thì tôi nghĩ đây là vấn đề không những tốt cho đảng mà tốt cho đất nước là bởi vì không ai muốn sụp đổ, mà cũng không ai muốn có những rắc rối nguy hại cho đời sống của dân thường."
'Làm thật hay nói suông?'
Giáo sư Long cho rằng để cho một cuộc "chỉnh đảng" thực sự hiệu quả, cần phải có "dân chủ hóa" ngay trong đảng và ông cũng cảnh báo về hậu quả có thể có của việc chỉnh đốn bất thành.
"Mọi người trong đảng phải có tiếng nói thì mới được. Còn nếu chỉ có một vài người muốn, thì nó chỉ chia phe, chia phái thôi... Nếu những người lãnh tụ của đảng nghĩ rằng vấn đề chỉnh đốn đảng là vấn đề sống còn không những của đảng mà còn của đất nước, thì phải có dân chủ hóa thực sự.
"Nếu không thì tôi nghĩ rằng sẽ chẳng đi đến đâu... Bởi vì không nói (chỉnh đốn đảng) thì thôi, nhưng đã nói mà không làm đến nơi đến chốn, thì đảng sẽ mất tính chính danh, đã yếu lắm rồi mới tính đến chỉnh đáng, mà nay lại nói mà không làm thì sẽ lại càng khó khăn."
Tuy nhiên, ông Ngô Vĩnh Long cũng lưu ý rằng lộ trình dân chủ hóa đất nước của Việt Nam, đặc biệt liên quan tới phương án mở rộng đa đảng, đa nguyên như một số ý kiến trong nước từng đặt ra, có thể không hẳn khả thi trong tình hình hiện nay.
"Ở trong nước, vấn đề đa đảng, tôi nghĩ bây giờ có cho lập đảng cũng khó mà lập được. Thành ra từ từ thôi.
"Trước hết, nên dân chủ hóa trong đảng. Rồi xem các nhóm lợi ích, hay nhóm này nhóm kia đối đãi với nhau như thế nào. Rồi từ đó mở ra cho những người khác, một là tham gia trong các nhóm khác nhau đó, hai là họ có thể lập ra các tổ chức có lợi cho dân chúng."
"Trước hết, nên dân chủ hóa trong đảng. Rồi xem các nhóm lợi ích, hay nhóm này nhóm kia đối đãi với nhau như thế nào. Rồi từ đó mở ra cho những người khác, một là tham gia trong các nhóm khác nhau đó, hai là họ có thể lập ra các tổ chức có lợi cho dân chúng"
Giáo sư Ngô Vĩnh Long
Ông cho rằng không cần thiết phải thành lập ngay các "tổ chức đảng" nhưng nếu có thể, nên cho "tổ chức ngay những nhóm xã hội" - thực chất của xã hội công dân: "Đấy là sự mở đầu cho cuộc dân chủ hóa đất nước mà tôi tin là sẽ làm cho đất nước càng ngày càng mạnh thêm."
Giáo sư Long cũng nhắc đến khả năng có một thay đổi, điều chỉnh về nhân sự cấp cao của đảng, vốn có thể xảy ra vào dịp Đại hội giữa kỳ của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới đây. Ông nói: "Sau này Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng sẽ gộp lại thành một vị trí. Còn Đảng thì riêng rẽ. Có lẽ đây là lúc họ nghĩ phải tách rời Đảng khỏi nhà nước."
Hội nghị toàn thể lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, được nhóm họp từ ngày 26-31/12/2011 ở Hà Nội, vừa ra nghị quyết trong đó đặt ra ba việc cấp bách phải xử lý.
Ba việc này bao gồm "ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ và đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình hội nhập quốc tế, nhất là các cán bộ ở cấp trung ương; và làm rõ thẩm quyền của người đứng đầu các cấp ủy đảng đến đâu và mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền."
Đảng cộng sản Việt Nam đặt quyết tâm thực hiện cho bằng được việc chỉnh đốn các đảng viên trong Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương lần thứ tư vừa kết thúc ở Hà Nội.
Hội nghị trung ương 4 lần khóa 11 của Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn tất chương trình làm việc trong sáu ngày và kết thúc hôm Thứ bảy 31/12 chỉ vài giờ trước thời điểm chuyển giao năm mới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài diễn văn bế mạc mà trong đó ông kêu gọi toàn đảng quan tâm đến công việc mà ông mô tả là ‘mang tính sống còn’ đối với đảng và chế độ.
Ông cho biết là trong hội nghị lần này ‘không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ’ cho nên các ủy viên trung ương có ‘ý kiến thường rất khác nhau’ trong khi ‘trình độ nhận thức, trí tuệ của chúng ta có mặt còn hạn chế’.
Ba việc cấp bách
Việc chỉnh đốn xây dựng đảng đã từng được Đảng cộng sản nhấn mạnh và đặt quyết tâm thực hiện rất nhiều lần trong nghị quyết các kỳ đại hội đảng, các phiên họp trung ương đảng và bộ chính trị, nhất là trong suốt thập kỷ qua.
Tuy nhiên, ông Trọng nhìn nhận rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công việc này ‘bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém’ và ‘có mặt còn phức tạp thêm’.
Trong khi đó, ông nói ‘các thế lực thù địch’ đang ‘ra sức xuyên tạc, vu cáo đảng’, 'đánh thẳng vào hệ tư tưởng, đường lối chính trị của đảng’, ‘chia rẽ đảng, nhà nước với nhân dân’ để ‘hòng làm tan rã đảng, chế độ từ gốc, từ bên trong’..
Ban chấp hành trung ương đảng đã ra nghị quyết có tên gọi ‘Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay’.
Vấn đề cấp bách trước hết là ‘ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống’ của cán bộ và đảng viên.
Tình trạng mất niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã diễn ra trong nhiều năm nay trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Tình trạng này vốn đã không thể đẩy lùi mà ngày càng lan rộng.
Trong khi đó, Đảng cộng sản Việt Nam luôn gắn kết tình trạng suy thoái tư tưởng với sự tha hóa đạo đức lối sống của các đảng viên và xem hai vấn đề này như là hai mặt không thể tách rời.
"Tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại."
Ông Nguyễn Phú Trọng nhắc các đảng viên
Vấn đề cấp bách thứ hai là xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình hội nhập quốc tế, nhất là các cán bộ ở cấp trung ương.
Thứ ba là làm rõ thẩm quyền của người đứng đầu các cấp ủy đảng đến đâu và mối quan hệ giữa cấp ủy với chính quyền.
Hệ thống chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam lâu nay đã xảy ra tình trạng chồng chéo giữa cơ quan đảng và chính quyền. Trong nhiều trường hợp, cơ quan đảng có quyền quyết định cuối cùng và ‘làm thay’ các công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trung ương Đảng xác định việc ngăn chặn tình trạng suy thoái tư tưởng đạo đức là ‘trọng tâm xuyên suốt’ trong khi hai vấn đề cấp bách còn lại là ‘giải pháp để thực hiện vấn đề thứ nhất’.
Mục tiêu của việc đề ra ba việc cấp bách này là để ‘tạo chuyển biến thật sự’ để ‘củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân’.
Quyết tâm thực hiện
Tổng bí thư Trọng cho biết ba việc cấp bách này sẽ được chỉ đạo và tổ chức thực hiện với ‘quyết tâm chính trị cao’ trong toàn đảng, Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị và Ban bí thư, tức là trong toàn thể hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Đảng sẽ thực hiện việc chỉnh đốn với tinh thần ‘tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn’ nhằm nhằm ‘tạo ra một bước chuyển biến mới’ và ‘củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng’, ông Trọng nói.
“Xác định rõ lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, làm từng bước vững chắc, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ,” ông Trọng yêu cầu các ủy viên trung ương.
Ông cũng đề nghị từng đảng viên, trước hết là đảng viên cấp cao, phải ‘nhận thức sâu sắc và đầy đủ’ tính cấp bách của việc xây dựng đảng trong tình hình hiện nay.
Bộ chính trị, ban bí thư và cá nhân từng ủy viên Bộ chính trị cũng đã được xác định trách nhiệm cụ thể và rõ ràng trong việc thực hiện ba vấn đề cấp bách này, ông Trọng cho biết.
Hội nghị trung ương 4 cũng đề ra bốn nhóm giải pháp để thực hiện ba việc cấp bách nói trên, bao gồm sự gương mẫu của cấp trên, công tác tổ chức và sinh hoạt đảng, cơ chế chính sách và cuối cùng là giáo dục chính trị tư tưởng.
“Ở đây, sự gương mẫu của trung ương [đảng] là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định,” Tổng bí thư Trọng nói vày yêu cầu các ủy viên trung ương và ủy viên Bộ chính trị ‘tự giác, gương mẫu làm trước’, ‘tự phê bình, kiểm điểm nhìn lại mình’ để phát huy mặt tốt và ‘gột rửa’ mặt xấu.
“Tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại,” ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đảng phải ‘bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội cực đoan’ khi thực hiện chỉnh đốn đồng thời ‘cũng không được chậm trễ’ để cho ‘các thế lực thù địch đả kích, gây rối nội bộ’.
“Đây là công việc không đơn giản, dễ dàng; trái lại, vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go trong mỗi cá nhân và mỗi tổ chức,” ông nói.
Phê và tự phê
Trong bài diễn văn bế mạc của mình, Tổng bí thư Trọng cũng dành thời gian đáng kể chỉnh đốn lại việc phê bình và tự phê bình – phương thức chủ yếu để giữ gìn kỷ cương trong đảng.
“Đây là khâu mấu chốt nhất nhưng thực hiện cũng có nhiều khó khăn nhất,” ông phân tích.
“Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình,” ông nói.
“Nếu không hết lòng vì sự nghiệp chung, không có dũng khí, không thật sự cầu thị thì không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên,” ông nói thêm.
Ông nêu lên hai tình trạng biến tướng của phê và tự phê trong đảng – đó là thái độ nể nang với tinh thần ‘im lặng là vàng’ và thái độ cực đoan mượn phê bình để tấn công người khác làm rối nội bộ.
“Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để đấu đá, hạ bệ nhau với những động cơ không trong sáng,” ông nói.
Tổng bí thư đảng yêu cầu các cán bộ, đảng viên tự đánh giá một cách trung thực và khách quan về các mặt công việc, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỷ luật và quan hệ với người dân và phải ‘hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ’.
Đánh giá năm 2011 vừa kết thúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng đảng và chính phủ đã ‘giải quyết thành công không ít vấn đề về đối nội và đối ngoại’.
Đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế gần 6%, ông cho biết.
“Chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị…được tăng cường. Vị thế nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao,” ông nói.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120101_vcp_fourth_conference_closes.shtmlói.
No comments:
Post a Comment