Thursday, January 5, 2012

TƯƠNG LAI VIỆT NAM NĂM 2012



Cảm quan và dự báo cho Việt Nam 2012
BBC Tiếng Việt
Cập nhật: 15:14 GMT - thứ sáu, 30 tháng 12, 2011

Nhân dịp cuối năm, một số trí thức, nhân sỹ, văn nghệ sỹ trong nước cho BBC biết cảm quan khác nhau của họ về năm 2011 đang sắp qua đi và nêu ra dự đoán cùng hy vọng cho tình hình đất nước trong năm mới 2012.

TS Lê Bạch Dương

Đất nước vẫn đang tăng trưởng nhưng có hướng đi của nền kinh tế 'đang vào ngõ cụt', theo ông Lê Bạch Dương.

Tiến sỹ Bấm Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết đánh giá của mình về năm 2011:

"Tôi nghĩ là năm vừa rồi ở Việt Nam nhiều mối lo hơn là tín hiệu đáng mừng... So với năm trước, gần đây những bức xúc xã hội càng ngày càng gia tăng và niềm tin cũng suy giảm ở trong người dân. Rất nhiều hiện tượng thể hiện sự bức xúc của người dân," nhà nghiên cứu xã hội nói.

"Chẳng hạn trước đây chưa từng thấy những hiện tượng như người dân chống lại người thi hành công vụ đánh lại cảnh sát, lao xe vào cảnh sát. Tất cả những cái đó không phải là những hành động mang tính tự nhiên mà có. Nó cũng có thể là bột phát nhưng về bình diện rộng, nó thể hiện được sự bất bình của người dân, sự bức xúc của họ và họ buộc phải thể hiện nó ra khi bị đẩy đến tình thế, tất nhiên, cũng có những người sai.

"Thế nhưng những cái đó bắt đầu trở nên những hiện tượng lặp đi lặp lại, chưa dám nói là phổ biến. Báo chí đã nói rất nhiều, phê bình, thậm chí đưa ra xử những vụ như là tát cảnh sát hay chống người thi hành công vụ. Thực ra chống người thi hành công vụ ở nước nào, về cơ bản cũng không được chấp nhận.

"Nhưng nó thể hiện sự bức xúc của người dân. Và niềm tin vào bộ máy nhà nước có thể bảo vệ người dân hay thực thi luật pháp cho đúng đã bị suy giảm, nên người ta mới có những hành động như vậy."

Về triển vọng năm mới, đặc biệt liên quan tới người nghèo ở Việt Nam, ông Dương cho biết:

"Về mặt kinh tế vẫn là đang tăng trưởng, cho nên về cơ bản mọi người vẫn đang được hưởng những lợi ích nhất định. Thế nhưng những vẫn đề về công bằng, phân bổ những thành quả về mặt kinh tế từ trước đến nay vẫn không mang tính công bằng.

"Nhiều báo cáo kinh tế ở Việt Nam cho thấy kinh tế đang đi vào những ngõ cụt"

TS Lê Bạch Dương - Viện trưởng ISDS

"Việt Nam hiện nay đứng trước những thách thức rất lớn về mặt kinh tế. Kinh tế có khả năng sụt giảm sâu nữa. Nhiều báo cáo kinh tế ở Việt Nam cho thấy kinh tế đang đi vào những ngõ cụt. Nên tôi e rằng trong năm tới, những vấn đề cải thiện đời sống cho người nghèo, nếu như không thụt lùi thì cũng không có bước tiến nào đáng kể cả."

'Toàn vẹn lãnh thổ'

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, blogger có sự hiện diện trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong năm, nhấn mạnh đến thái độ bảo vệ lãnh thổ của người dân:

"Nhìn lại năm 2011, thì điều đáng mừng nhất là người dân. Rất nhiều người dân Việt Nam đã lo lắng đối với vận mệnh của đất nước và băn khoăn, lo lắng, mong muốn được góp phần tìm hiểu, bày tỏ thái độ và phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc đã liên tục gây hấn trên biển Đông," ông Diện nói:

TS Nguyễn Xuân Diện

Nhiều người dân Việt Nam muốn cùng nhà nước giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, theo ông Nguyễn Xuân Diện

"Người dân Việt Nam rất lo lắng và muốn cùng với chính phủ, nhà nước, bày tỏ sự quyết tâm trong việc gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Đấy là điều mà chúng tôi thấy là đáng mừng.

"Còn điều đáng lo, thì lo nhất trong năm 2011 là sự băng hoại của các giá trị văn hóa và đạo đức. Lễ hội được mở tràn lan, các vụ giết người ngày càng nhiều và những sát thủ thì ngày càng trẻ tuổi. Học sinh, sinh viên ở nhiều trường phổ thông và trường đại học có nhiều biểu hiện xấu về mặt đạo đức, làm cho rất đáng lo."

"Những mặt khác về mặt văn hóa xã hội như nạn đạo văn, đạo các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, các sáng tác vẫn chưa chấm dứt. Các lễ hội mở lan tràn, mù quáng, đã không phát huy được hết những tác dụng để khơi dậy truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, văn hiến của người Việt Nam; mà lại cổ vũ cho những điều mê lầm như thăng quan, tiến chức, cầu tài, cầu lộc, hoặc chưa được định hướng tốt đẹp."

Về kỳ vọng năm 2012, ông Diện, người giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho hay:

"Trước thềm năm mới, bao giờ người ta cũng hy vọng những điều tốt đẹp, sáng sủa hơn và chờ đợi những điều tốt đẹp hơn và chúng tôi cũng hy vọng với hội nghị trung ương vừa rồi của đảng, sẽ có chỉnh đốn đảng, nhìn nhận ra những sai lầm, những khuyết điểm và đảng sẽ phát huy nội lực và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, minh bạch để cùng nhau xây dựng đất nước tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn," ông Diện nói.

'Còn phải chờ đợi'

GS Vũ Cao Đàm

Khoa học có tiến bộ, giáo dục vẫn còn nhiều lo lắng trong năm 2011, theo Giáo sư Vũ Cao Đàm từ Đại học Quốc gia

Từ Sài Gòn, Giáo sư Vũ Cao Đàm, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Khoa học, nhìn nhận năm 2011 từ góc độ phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục:

"Trong năm qua, những cố gắng của các cơ quan chức năng đang hướng rất mạnh vào việc xây dựng chiến lược phát triển khoa học và cải cách hệ thống giáo dục," Giáo sư Vũ Cao Đàm nhận xét.

"Hiện nay đang thảo luận chiến lược khoa học công nghệ, cuộc thảo luận đang thúc đẩy rất nhiều những tư duy để làm sao đưa ra được một phương án phát triển tốt đẹp, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội,"

"Còn về giáo dục, trong năm vừa qua, xuất hiện rất nhiều hiện tượng tiêu cực đã nêu ở trên báo chí. Tôi thấy các nhà lãnh đạo đang đặt rất nhiều quyết tâm để cải cách hệ thống giáo dục.

"Năm qua có rất nhiều thảo luận để phát triển kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước nên mối quan tâm đối với khoa học trong chừng mực nào đó chưa đủ mạnh"

Ông Vũ Cao Đàm

"Năm qua, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã dành được giải thưởng Fields về toán học và Thủ tướng Chính phủ cũng đã dành nhiều ưu ái với Giáo sư Châu. Và tôi thấy là hiện nay các vị ấy cũng đang triển khai các công việc của Viện Cao Cấp về Toán. Năm qua Việt Nam đã ghi nhận được những sự kiện đáng mừng như thế."

Về dự đoán năm mới, Giáo sư Đàm nói: "Năm tới có khá hơn không thì tôi cho rằng vẫn chưa có đủ thông tin để mà nói được. Bởi vì ở Việt Nam trong năm qua có rất nhiều thảo luận để phát triển kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước, mọi cố gắng lôi cuốn vào trong đó rất nhiều, nên mối quan tâm đối với khoa học trong chừng mực nào đó chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với các cố gắng về tái cơ cấu hệ thống kinh tế."

Về điều được gọi là "quan trí" ở trong Quốc Hội Việt Nam hiện nay, so với các khóa Quốc hội gần đây, đặc biệt qua bình diện "các phát biểu" trên nghị trường của các nghị sỹ, ông Vũ Cao Đàm bình luận:

"Chưa muốn so sánh các cuộc họp lần này với các cuộc họp lần trước. Vì mỗi cuộc họp có những bối cảnh khác nhau. Ví dụ những lần trước có những chuyện nóng, gây ra bức xúc, còn hiện nay cũng đang nổi lên một số vấn đề, nhưng mức độ bức xúc chưa chắc đã cao bằng thời điểm nổ ra các cuộc tranh cãi rất mạnh ở trong Quốc hội."

Nói về triển vọng năm mới, đặc biệt về đối thoại bang giao Trung - Việt sau chuyến thăm của Phó Chủ tịch Nước của Trung Quốc, Tập Cận Bình, Giáo sư Đàm, người từng tu nghiệp ở Trung Quốc nhận xét:

"Quan hệ với các nước, cũng có lúc khá lên, có lúc kém đi. Còn hiện nay, tôi nghĩ có thể dùng cái chữ "dịu đi một chút," nhưng còn biến động và bản chất như thế nào, tôi nghĩ chúng ta còn phải có thời gian."

'Đất nước bỏ ngỏ'

Nhà văn Võ Thị Hảo

Nhà văn Võ Thị Hảo băn khoăn về tham nhũng trong năm qua và hướng về những người bị 'tù oan' vào dịp năm mới này.

Từ Hà Nội, nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng năm 2011 là một năm "hết sức đáng buồn" đối với người Việt Nam, bà nói:

"Tôi cảm giác như là đất nước bị bỏ ngỏ. Sự tham nhũng lên đến tột đỉnh. Quyền lực nhóm đã cấu kết với những thế lực có quyền lực lớn ở trong bộ máy, hệ thống nhà nước, cho tới các tỉnh thành. Người ta đều thấy là không có ai thực sự muốn ngăn chặn nó. Tôi nghĩ rằng ngăn chặn tham nhũng, không phải là không thể ngăn chặn được," nhà văn bình luận.

"Tất cả quyền lực nằm ở những người lãnh đạo đứng đầu đất nước, nhưng tôi cảm thấy chưa ai thực sự muốn ngăn chặn tham nhũng. Qua sự phá sản của hơn 50.000 doanh nghiệp trong năm 2011, có thể thấy những quyết định điều hành kinh tế hết sức bất thường làm tổn thương cho nền kinh tế rất lớn.

"Về mặt văn hóa, báo chí bị chặn, không cho nói đến những vấn đề cốt tử của người dân. Và cuối cùng báo chí vượt qua khó khăn bằng việc đưa tin những vụ 'cướp, giết, hiếp' rất nhiều.

"Đúng là một năm không có gì vui, nhưng có vui chăng thì chỉ có điều là năm 2011 là năm mà người dân Việt Nam bắt đầu bộc lộ, bày tỏ thái độ của mình. Họ dám xuống đường biểu tình, bày tỏ thái độ ôn hòa, rất lịch sự và nhã nhặn về việc bảo vệ chủ quyền đất nước, trước nguy cơ ngoại xâm.

"Tôi thấy một số người Việt Nam đã bắt đầu biết thể hiện mình. Biết bày tỏ quyền tối thiểu của con người. Nhưng họ lại bị đàn áp. Đó là sự đàn áp từ phía những người lãnh đạo. Tôi thấy dù là ai thì đó vẫn là sự tác trách và không được phép làm như vậy."

Một năm không có gì vui, nhưng có vui chăng thì chỉ có điều là năm 2011 là năm mà người dân Việt Nam bắt đầu bộc lộ, bày tỏ thái độ của mình qua biểu tình"

Bà Võ Thị Hảo

Về cảm nhận cho năm mới, nhà báo kiêm họa sỹ này chia sẻ: "Năm mới, tôi nghĩ tới những người ở trong tù bị tù một cách oan uổng. Họ bảo vệ đất nước, họ bày tỏ thái độ và Hiến pháp cho phép điều đó. Tôi nghĩ tới những người còn bị ở trong tù một cách oan uổng.

"Và nếu muốn nói có một mong muốn gì đó cho năm mới, thì tôi mong rằng năm mới đến và những người đồng bào của tôi, kể cả tôi nữa, phải có một nghị lực, phải nhớ lại, nghĩ lại rằng mình vốn là con người. Chúng ta có còn bình thường không và còn là con người nữa không khi thấy những người cướp bóc của công, cũng như những kẻ cướp ngang nhiên đi lại trên đường và tước đoạt quyền sống, quyền mưu sinh của người khác," nhà văn Võ Thị Hảo đặt câu hỏi.

'Khía cạnh đáng mừng'

Một tiếng nói nữ giới khác, từ Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Thạc sỹ Phạm Quỳnh Hương, cho BBC biết cảm nhận của mình:

"Tôi cảm thấy đáng lo là thực sự điều kiện kinh tế, giáo dục... nói chung hiện trạng của đất nước nói chung rất là thấp, so với khu vực và các nước khác trên thế giới.

"Tôi cảm thấy chưa ổn ở chỗ chính người dân Việt Nam và kể cả những người lãnh đạo nữa chưa nhìn thấy rằng mình 'ở thế thấp', nhiều người vẫn hoang tưởng về địa vị của mình, cứ tưởng mình ở thế cao, trong khi các nước ở chung quanh họ tiến rất nhanh. Cho nên không chú tâm vào sự phát triển," chuyên gia về các vấn đề đô thị và y tế của Viện Xã hội học nói.

"Khi người dân quan tâm đến các khía cạnh xã hội nhiều hơn, chứ không chỉ chú tâm vào làm kinh tế cho bản thân, gia đình, thì cũng là một cách tốt hơn để xã hội tiến lên"

Bà Phạm Quỳnh Hương

Tuy nhiên, bà Phạm Quỳnh Hương, người có tham gia các cuộc biểu tình vì Hoàng Sa - Trường Sa mùa Hè 2011 cũng cho rằng năm qua có một khía cạnh đáng mừng:

"Đáng mừng nhất tôi cảm thấy trong năm nay, có thể nói là có một cái gì đó cởi mở hơn trong cuộc sống của người dân, mặc dù hoàn cảnh của đất nước hiện nay cùng với xu thế suy thoái, về mặt kinh tế khó khăn, nhưng bù lại mọi người cũng nghĩ đến nhau nhiều hơn, cưu mang những người khó khăn hơn mình và cũng nghĩ về cái chung nhiều hơn.

"Trong thời gian qua, nhiều người mải miết làm ăn kiếm tiền thật nhiều cho mình, gia đình mình, nhưng bây giờ khi việc kiếm ăn khó khăn hơn, người ta chững lại và người ta bình tĩnh nhìn lại và cho rằng mình có thể thể dừng lại để duy trì một mối quan hệ nào đấy, để cho xã hội được bình ổn hơn.

"Và khi người dân quan tâm đến các khía cạnh xã hội nhiều hơn, chứ không chỉ chú tâm vào làm kinh tế cho chính mình hay gia đình mình, thì cũng là một cách tốt hơn, điều kiện tốt hơn để xã hội tiến lên trong thời gian tới," nhà nghiên cứu nói với BBC.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/12/111218_vn_review_2012.shtml



Lạm phát giáng vào cả chục triệu người'

Cập nhật: 13:15 GMT - thứ sáu, 30 tháng 12, 2011

TS Quang A cảnh báo bất ổn xã hội không thể kiểm soát được do bất ổn kinh tế và lạm phát cao.

Tiến Sỹ Nguyễn Quang A nói sự tăng trưởng kinh tế sẽ không có ý nghĩa nếu chính phủ Việt Nam không giải quyết được thực trạng lạm phát quá cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC tiếng Việt nhìn lại một số vấn đề trong kinh tế Việt Nam năm 2011, ông Nguyễn Quang A nói lãnh đạo Việt Nam đã nhận ra được những vấn đề lớn dẫn tới bất ổn kinh tế.

'Lạm phát quán quân'

Ông Nguyễn Quang A nói "Lạm phát ở mức 18.58% đã giáng xuống hàng chục triệu người ở Việt Nam, không chỉ người nghèo mà tầng lớp thu nhập trung bình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều".

Truyền thông Việt Nam vào những ngày cuối năm nhìn lại một số điều được mô tả là "Bấm những con số và sự kiện gây sốc" tác động mạnh tới người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Tổng kết một năm nền kinh tế Việt Nam, tờ VietnamNet bình luận, "như nhận định của lãnh đạo Chính phủ lạm phát Việt Nam không chỉ cao nhất châu Á mà còn thuộc hàng quán quân thế giới".

Bài của báo này mô tả "Nguyên nhân của lạm phát được cho là bắt nguồn từ những bất ổn của chính sách tiền tệ" và rằng "đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bất ổn kinh tế vĩ mô".

Chính phủ Việt Nam phá giá tiền đồng ở mức 9,3% trong năm 2011. Mức phá giá, được Chính phủ gọi là "điều chỉnh tỷ giá" được xem là mạnh nhất trong lịch sử qua một lần điều chỉnh.

"Các doanh nghiệp nhà nước rất kém trong cái họ gọi là nhiệm vụ chính trị của mình"

Tiến sỹ Nguyễn Quang A

Thực trạng lạm phát và bất ổn về chính sách tiền tệ đã có hệ lụy tới một loạt biến động khác trong đó có việc các ngân hàng thương mại đua nhau đẩy lãi suất lên cao thậm chí tới 24-25% khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

VietnamNet dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói "tính đến tháng 9, có gần 49.000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa trong khi bình quân trước đây, trong mỗi năm trước bình quân có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể".

Tiến Sỹ Nguyễn Quang A tỏ ra hoài nghi về con số này và nói điều ông gọi là "số doanh nghiệp đã chết mà chưa chôn có thể còn nhiều hơn".

Ông Quang A cũng tỏ ra ngoài nghi về việc Bấm truyền thông trong nước đưa tin 20 trong số 21 tổng công ty/tập đoàn nhà nước kinh doanh có lãi, trừ Vinashin.

"Khi mà nghe người ta báo cáo thì cũng cần phải kiểm tra chéo năm lần bảy lượt".

"Báo cáo trong hội nghị này hội nghị kia nhiều khi là được tô hồng hay bóp méo để phục vụ cho một mục đích gì đó".

'Rất kém về chính trị'

Mới đây ông Nguyễn Quang A có bài viết bàn về điều ông gọi là "Bấm nhiệm vụ chính trị" của doanh nghiệp nhà nước.

Trả lời BBC ngày 30/12 ông nói "Việt Nam người ta hay nói về cái gọi là nhiệm vụ chính trị".

"Những nhà lãnh đạo ở Việt Nam từ ông Thủ tướng trở xuống, cho tới ông thứ trưởng hay cán bộ vụ...cho đến các doanh nghiệp nhà nước đều nhận họ là công cụ để thực hiện chính sách vĩ mô của nhà nước, có các nhiệm vụ xã hội, nhiệm vụ chính trị".

"Nhiệm vụ quan trọng nhất của một doanh nghiệp là làm ăn có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, đóng nhiều thuế cho nhà nước"

"Nếu xét về ý nghĩa như thế thì các doanh nghiệp nhà nước là rất kém trong cái họ gọi là nhiệm vụ chính trị của mình"

Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong các nhân vật có tiếng nói phản biện được dư luận chú ý nhiều cũng cảnh báo về điều ông mô tả là những bất ổn xã hội không thể kiểm soát được từ hệ quả của thực trạng bất ổn kinh tế và lạm phát cao.

"Tại Hội nghị Trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Tổng Bí thư phải nói rằng nếu đảng này không tự thay đổi thì có nguy cơ đến sự tồn tại của chính nó".

"Chính sách là ai đưa ra vẫn là các vị ấy, vậy thì cần phải thay đổi chính sách".

"Nhìn nhận được ra những vấn đề đó là quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất là phải thay đổi cách nghĩ",

"Nếu cứ gắn tư duy vào những chính sách, chủ trương tính bằng 5 năm...và không dám thay đổi thì tương lai sẽ rất mờ mịt" Tiến Sỹ Nguyễn Quang A khuyến cáo.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2011/12/111230_vn_econ_2011_facts.shtml

No comments: