Friday, October 15, 2010

ĐẶNG HỮU PHÚC * ẢO V ỌNG NGÀN NĂM THĂNG LONG






Đại Lễ Nghìn Năm Thăng Long !!! Ão vọng !!!
Tác giả: Đặng Hữu Phúc

Giống như sự kiện Ngô Bảo Châu và 5 triệu đồng lương nếu về Việt Nam,
lại thêm một sự thật đáng buồn về văn hóa nhân dịp kỉ niệm 1000 năm
Thăng Long, Hà Nội - Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc tâm tư.

LTS: Trong không khí Đại Lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Tuần Việt
Nam giới thiệu những bài viết lắng đọng hoài niệm văn hóa lịch sử, lối
sống thanh lịch của người Tràng An xưa. Những người đang sống ở Hà Nội
hôm nay và mai sau gìn giữ và phát huy thế nào để luôn mang trong mình
những giá trị đó?

Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Mời các
bạn cùng thảo luận chủ đề TẠI ĐÂY.

Xã hội đang chạy theo giá trị ảo?

Hà Nội ta đẹp... khủng khiếp!

Văn hóa đang xuống cấp so với chính ta?

Người ta nói Hà Nội là thanh lịch. Thanh lịch theo cách nói bây giờ là
văn minh. Hà Nội 1000 năm với tôi thấy có nhiều chuyện đáng để ta suy
ngẫm.

Tôi nhớ cách đây vài chục năm, sau khi chiếm miền nam, khi Hà Nội vẫn còn tàu
điện, chuyện nhường ghế cho người già, cho trẻ em là việc bình thường,
nhặt được của rơi đem trả, là chuyện tất nhiên. Giờ thì rất hiếm. Mạnh
ai người nấy hưởng. Thời kì mới hòa bình lập lại thì "giữa đường thấy
chuyện bất bằng chẳng tha", thấy ăn cắp là bắt ngay, thấy kẻ mạnh bắt
nạt kẻ yếu thì lập tức can thiệp. Bây giờ mà dính vào có khi còn bị nó
đánh, giờ thì người ngay sợ kẻ gian. Chuyện đánh nhau vì "nhìn đểu"
không còn lạ lẫm. Va chạm xe máy, hoặc một câu nói có thể vác dao vác
gậy đánh, giết nhau. Đi ngoài phố nhiều sự nguy hiểm. Tất cả những
điều kể trên, tôi nghĩ nó liên quan đến văn hoá.

Giáo sư Ngô Bảo Châu và nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

Một điều đáng buồn, đó là những đỉnh cao trí tuệ của chúng ta như Đặng
Thái Sơn, Ngô Bảo Châu lại không nhận được sự đãi ngộ hoặc hưởng ứng
mạnh mẽ ở trong nước. Có lẽ Đặng Thái Sơn mà biểu diễn tới đêm thứ 3 ở
Hà Nội bây giờ chắc cũng chẳng có mấy ai xem. Không thể "địch" lại với
Hương Lan, Tuấn Vũ, Tuấn Ngọc... Hồi cuối tháng 8 vừa qua, show diễn
hát theo yêu cầu của họ ở Nhà Hát Lớn giá 1 triệu rưỡi đến 1 triệu 7
cho 1 vé. Biểu diễn hàng nửa tháng trời mà vẫn kín chỗ, không có vé mà
mua. Mà hình như họ ăn khách Thủ đô đến ngỡ ngàng, vượt cả sự tưởng
tượng của chính họ, nên họ lại đã quảng cáo biểu diễn tiếp tại Nhà hát
lớn sau Đại lễ 1000 năm.

Như vậy, "sự kiện âm nhạc" nổi bật trong thời gian trước thềm Đại lễ
lại là những đêm nhạc "Sến" của Hương Lan, Tuấn Vũ (!!!) Những chuyện
này trước đây không thể xảy ra.

Còn nhớ năm 1970, dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh Beethoven, 10 đêm nhạc
Beethoven ở Nhà Hát Lớn lúc nào cũng đông nghịt người. Bây giờ chắc
không thể được như thế, ngay mới đây thôi, hai tối 17&18/9/2010,
chương trình hòa nhạc "VNSO Beethoven cycle Vol.5" với nghệ sĩ piano
nổi tiếng người Nhật Michie Koyama (Người đoạt cả 2 giải quốc tế vào
loại lớn nhất: Chopin và Tchaikovsky) thì vắng người xem.

Hàng năm nghệ sĩ Đặng Thái Sơn thường có ít nhất 10-15 buổi concert
tại Nhật, nhiều buổi tại Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc...và trên khắp
thế giới , còn tại Việt Nam nếu tính đêm diễn trọn vẹn thì 3 hay 4 năm
Sơn mới làm một concert tại Việt Nam. Đơn giản vì ngày nay không còn
nhiều khán giả biết thưởng thức thứ âm nhạc chuyên nghiệp tinh hoa, và
văn hoá nghe nhạc (im lặng tuyệt đối) còn rất thấp. Bây giờ thì số
đông người ta chọn nghe Hương Lan - Tuấn Vũ.

Vậy văn hóa Hà Nội đang xuống cấp so với chính ta?

Tại sao lại có hiện tượng này?

Xin lấy một câu chuyện thời sự sau để giải thích phần nào hiện tượng trên.

Thời gian gần đây, người Việt Nam theo dõi các chương trình thời sự
trên Ti vi không khỏi kinh hoàng về hiện tượng: hàng trăm con bò ở
Thái Nguyên và Long Xuyên được người dân chăn thả, nuôi theo cách cho
chúng đến ăn ở những bãi rác thải của thành phố. Rác thải (kể cả rác
thải y tế) này còn được phun thuốc diệt ruồi nên đến ruồi cũng tránh
xa. Vậy mà qua màn ảnh nhỏ, chúng ta thấy cả đàn bò hàng trăm con ăn
rác bẩn một cách ngon lành, béo tốt và điều khủng khiếp nhất ở đây là:
chúng không còn chịu ăn cỏ tươi nữa? Chúng đã thích nghi với món ăn
mới sau khi đã được rèn luyện thành thói quen. Tạo hoá sinh ra trâu,
bò hoặc voi ...vv chủ yếu ăn cỏ (trời sinh voi trời sinh cỏ mà), vậy
mà chúng không ăn được cả những thứ trời sinh đó nữa khác nào chúng đã
đi ngược lại với tạo hoá, ngược lại thiên nhiên, ngược lại quy luật,
vậy thì sẽ có sự trả giá thôi, chắc chắn là như thế!

Đấy là chuyện món ăn vật chất, còn món ăn tinh thần thì cũng có điểm
tương đồng: nếu ta cứ khuyến khích thế hệ trẻ nghe và ta cứ quảng bá
những loại nhạc "rác", nhạc bình dân, ca khúc quần chúng mãi, thì rồi
sẽ đến một lúc họ sẽ quay lưng lại với Bach, Beethoven, Chopin.. với
Quan họ, Chèo, Ca trù... với văn hoá đích thực. Đó sẽ là chuyện tất
yếu và đã xảy ra rồi.

Thăng Long và 1000 năm lịch sử

Ta nên tự hào như thế nào về lịch sử 1000 năm Thăng Long? Ở con số
1000 hay ở những gì ta đã làm được? Làm một phép so sánh. Châu Phi tuy
có lịch sử phát triển rất lâu đời, được coi là nguồn gốc của loài
người từ cả triệu năm nhưng đến giờ này vẫn là một lục địa chậm phát
triển nhất trên thế giới, vẫn đói nghèo và bệnh tật. Trong khi những
quốc gia trẻ như Mỹ, mới trên 200 năm, như Singapore với 30, 40 năm
lại là những đất nước có chỉ số phát triển con người rất cao, nằm ở
những vị trí hàng đầu. Vậy rõ ràng là không phải tự hào ở cái con số
30 năm, 200 năm hay 1000 năm... mà ở cái ta đã làm được cái gì, hiện
tại ta đang ở vị trí nào trên thế giới?

Tại những thủ đô văn minh cũng thường có rất nhiều khoảng không, không
gian xanh xen kẽ hợp lý với đô thị giúp người dân nghỉ ngơi, thư giãn.
Càng màu mè, ồn ào, lại càng là biểu hiện của văn hóa thấp, văn hóa
"chợ". Ở tầng văn hóa cao, con người thích sống gần với thiên nhiên,
thích yên lặng. Vì vậy ở những nước văn minh, việc quy hoạch tỉ lệ cây
xanh, tỉ lệ mặt hồ, tỉ lệ khoảng không cho con người hít thở không khí
rất lớn.

Tâm con người như mặt nước. Càng bình lặng thì đáy càng trong, con
người càng suy ngẫm được điều thiện, điều tốt. Nhưng sống giữa lòng
thủ đô, tâm người Hà Nội như một mặt nước luôn xao động, muốn vào công
viên để thư giãn thì trong công viên, quanh hồ cũng lắp biển quảng
cáo, lắp đèn màu nhấp nháy, nhạc "rác" mở ầm ĩ... Tai và mắt người Hà
Nội luôn bị khuấy động của chuyển động ánh sáng, âm thanh hỗn loạn.
Thật là không nơi nào bình yên mà ẩn nấp, thư giãn. Tâm người ta không
yên thì khó có thể làm được những điều tử tế.

Thủ đô to nhất hay thủ đô sạch nhất?
Như Singapore, họ không có lịch sử phát triển lâu đời, lại phát triển
kinh tế thị trường mạnh mẽ, nhưng tại sao họ vẫn văn minh?. Ảnh:
tin180.com
Chúng ta đang quá chú ý về lượng, về "thành tích" mà bỏ qua "chất".
Những "con đường gốm sứ dài nhất thế giới", "chiếc bánh chưng, bánh
dầy to nhất thế giới", "thủ đô to nhất" .... tại sao không cố để thành
"con đường đẹp nhất thế giới", "gạo ngon nhất thế giới", "thủ đô sạch
nhất thế giới"?... một điều gì đó ghi dấu ấn sự tinh túy và trí tuệ
của con người.

Văn hóa, giáo dục và y tế của ta đều đáng báo động. Chúng ta đang khôi
phục văn hóa lễ hội tràn lan. Nhưng những nét truyền thống đã bị đứt
đoạn do bị cấm nhiều chục năm, không ai còn nhớ được phiên bản gốc. Vì
vậy các lễ hội trong khắp cả nước na ná giống nhau và không có nét
riêng của vùng miền.

Ta đừng tự hào, nhưng cũng đừng tự ti. Cần nhìn vào thực tế xem văn
hóa chúng ta có gì. Nếu ta bình tĩnh nhìn sang xung quanh, di sản về
văn hóa của các nước bạn như Lào, Campuchia, Myanmar ... cũng có thể
thấy vốn liếng văn hóa của ta còn rất khiêm tốn. Họ có những di tích
hàng nghìn năm như đền Angkor, chùa Luang Prabang hay chùa Vàng, trong
khi kiến trúc Việt không có bao nhiêu những nét văn hóa truyền thống.
Còn các công trình văn hoá, tượng đài mới xây, mới sửa, thiên về chính
trị, các nhà thầu thuộc "cánh hẩu" với nhau thì chỉ có những sản phẩm
văn hoá chắp vá, lai tạp phá hỏng bao không gian công cộng vốn đã đẹp.

Làm sao để lấy lại nét văn hóa xưa?

Khác với nhiều người, tôi không cho rằng sự ảnh hưởng của kinh tế thị
trường sẽ giết chết văn hóa. Như Singapore, họ không có lịch sử phát
triển lâu đời, lại phát triển kinh tế thị trường mạnh mẽ, nhưng tại
sao họ vẫn văn minh? Tôi cho rằng do họ có chính sách đúng và giáo dục
của họ hiệu quả.

Môi trường giáo dục của ta đang hỏng nghiêm trọng. Từ chuyện học sinh
nữ đánh nhau, thầy mua dâm học trò, đổi tình lấy điểm, mua điểm...
Những người có điều kiện (ngay cả trong ngành giáo dục) đều tìm cách
cho con đi học ở nước ngoài

Những thầy giáo già vẫn còn tâm huyết đa phần thuộc về thế hệ cũ. Như
vậy bản thân họ cũng không phải nhận được sự giáo dục hiện tại, mà kết
quả của những đức tính này đã có từ lối sống cách đây nhiều năm. Các
em học sinh bây giờ ít ý thức tập trung nghiên cứu và cống hiến hơn.
Trong một xã hội đầy ắp công nghệ thông tin, nếu không tỉnh táo, con
người sẽ bị "phân mảnh" nhiều hơn, không có chiều sâu.

Thay đổi theo: "Chân lý thuộc về kẻ đúng!"

Chúng ta phải thay đổi từ cách nghĩ đến hành động. Tôi đọc được một
bài viết mới đây trên Vietnamnet mang tên "Trung Quốc: Cải cách hay là
chết!". Bài báo viết: "Bí quyết thành công của Mỹ không nằm ở phố Wall
hay thung lũng Silicon mà nằm ở hệ thống luật pháp tồn tại lâu đời và
cả hệ thống nằm sau nó". Ông tướng Lưu Á Châu của Trung Quốc cho rằng.
"Hệ thống của Mỹ được đánh giá là được thiết kế bởi những thiên tài và
dành cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành. Một hệ thống tồi
khiến cho một người tốt cũng hành xử tồi. Trong khi một hệ thống tốt
sẽ khiến ngay cả một người tồi có thể hành xử rất tốt"

Trong một đất nước có lịch sử lâu đời như Trung Quốc, Sử kí Tư Mã
Thiên ghi chép, từng cho rằng "Chân lý thuộc về kẻ mạnh" và Mao Chủ
tịch nói "súng đẻ ra chính quyền". Nhưng giờ đây, họ cũng phải thay
đổi. Khi nào "Chân lý thuộc về kẻ đúng" thì lúc đó mới có văn minh.

Vào dịp kỉ niệm 1000 năm, với một đất nước còn chưa phát triển, chúng
ta nên lắng nghe, suy nghĩ và tìm hướng thay đổi, hơn là ăn mừng khoa
trương, ồn ã, lãng phí. Làm thế nào để thủ đô của ta có thể tập trung
những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất, chứ không phải những gì màu mè, hình
thức nhất!

Chúng ta đang xây dựng một đất nước "dân giầu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh" đúng quá. Nhưng nếu chỉ là khẩu hiệu và ta
lại làm không như thế thì người gây nên "diễn biến hoà bình" là chính
chúng ta chứ không phải kẻ thù mà ta tưởng tượng ra./.



NGÀN NĂM THĂNG LONG

Rộn rả làm sao hội Thăng Long

Ngàn năm Bắc thuộc vẫn chưa thông

Hân hoan chào đón ngàn năm nữa

Cho chẳng hổ danh giống Tiên Rồng!


Rách mướp mồng tơi muốn hóa rồng

Tô son trát phấn bốc Thăng Long

Ngàn năm quá khứ, ngàn năm nữa

Ba triệu đảng viên đã làu thông!



Giẻ rách nhúng sơn cũng giống rồng

Ngàn năm Bắc thuộc có nhớ không?

Cứ như Lý ấy Trần Ích Tắc

Cũng là công lớn với non sông



Há! Há! Con giun lại tưởng rồng

Tưởng rồng rồi lại muốn chơi ngông

Rách như giẻ mướp mà cứ nổ

Rực rở ... như ngàn năm Thăng Long!



Hèn nhát ... ra trò mưu trí cao

Vinh thay ... khuyển mã của quân tàu

Ngàn năm ... quốc khánh cho phương Bắc

Quốc tổ Hùng Vương ... ông nghĩ sao?

No comments: