Nhà báo N.K.Toàn: Đại lễ nghìn năm Thăng Long bị chính trị hóa
Mạc Việt Hồng: Hôm nay, 1/10/2010 là ngày khai mạc đại lễ, chúng tôi muốn hỏi anh với tư cách một người Hà Nội, cảm tưởng của anh như thế nào?
Nguyễn Khắc Toàn: Đúng như vậy, hôm nay là ngày 1/10/2010 là ngày khai mạc “đại lễ hội 1000 năm Thăng Long- Hà Nội” do chính phủ CSVN phối hợp cùng chính quyền thủ đô đứng ra tổ chức.
Đối với nhà cầm quyền trong nước thì họ đã có chủ trương và vạch kế hoạch cho sự kiện này từ gần thậm chí hơn chục năm nay rồi chứ không phải là mới đây. Tôi là người Hà Nội đã sinh ra và lớn lên tại thành phố này hơn nửa thể kỷ nay và chứng kiến nhiều thời mốc quan trọng trong chiến tranh, thời bao cấp, tem phiếu cũng như giai đoạn tạm thời hòa bình và gọi là mở cứa như hiện nay.
Trong giai đoạn này, tôi rất biết nhà cầm quyền CSVN họ rất muốn chính trị hóa các sự kiện này để củng cố quyền lực của họ trong buổi hoàng hôn của nhà nước CS độc tài toàn trị, đồng thời qua dịp này họ sẽ được khoác lên mình một manh áo mới mang màu sắc dân tộc tính hơn để che giấu đi bản chất vong bản, ngoại lai mà học thuyết Cộng sản Mác Lê nin đã làm tàn hại dân tộc và đất nước do chính họ du nhập vào. Tôi thấy lễ hội này đáng phê phán, tẩy chay hơn là hưởng ứng và chào mừng nó vì nhiều lý do nữa, đó là sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc rất trắng trợn và sự lãng phí, tốn kém hết sức phi lý.
Tôi có cảm giác nhà cầm quyền CSVN đang đi đúng con đường của chế độ thực dân Pháp đã cai trị đất nước ta trước kia đó là muốn ru ngủ mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội qua các cuộc vui chơi, lễ lạt liên miên để quên đi nỗi nhục cuộc sống không có dân chủ, tự do thực sự và cảnh ngộ đất nước đã bị mất rất nhiều các phần lãnh thổ, biển đảo của VN…
Mạc Việt Hồng: Anh thấy lễ hội đáng tẩy chay nhưng hàng trăm ngàn người, thậm chí cả triệu người đang rất náo nức, có những người vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số tới xem lễ hội. Vậy anh giải thích sao về điều này?
Nguyễn Khắc Toàn: Chị nhận xét về điều này thật đúng, rất chính xác mặc dù chị đang ở tận Ba Lan, ở Châu Âu xa xôi mà chị cũng đã rời Việt Nam khá lâu rồi và chỉ đọc qua các bài báo, nhìn qua các hình ảnh trên Mạng từ Việt Nam đã có những nhận xét thật tinh tế thú vị.
Điều phi lý này cũng rất đơn giản và dễ hiểu bởi vì đây là một trong những chế độ độc tài toàn trị mà người dân trong nước đã phải sống gần 60 năm nay đối với miền Bắc VN, còn miền Nam chỉ là 35 năm phải chịu đựng. Trong đó đặc điểm căn bản lớn nhất của xã hội này là hoàn toàn không có đời sống tự do về mặt văn hóa, tư tưởng, tư duy, mọi tầng lớp nhân dân bị chế độ CS ra sức bưng bít thông tin, bị đàn áp khốc liệt, triền miên bởi chế độ vừa mang tính chất đảng trị, vừa là công an trị rất nặng nề và bị nhồi sọ liên tục.
Vì thế tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ đã là số ít trong xã hội lại khó lòng có được những suy nghĩ hay nhận thức một cách độc lập, còn giới nhân dân lao động thì phải chịu cuộc sống bị nô dịch về mặt văn hóa, về đời sống tinh thần còn mù lòa khủng khiếp hơn nữa. Mặc dù đảng và nhà nước CSVN đã buộc phải mở cửa gọi là đổi mới một phần về đời sống kinh tế, văn hóa, cởi nới một bước nhỏ về thể chế chính trị để hội nhập vào cộng đồng nhân loại văn minh trong hơn 20 năm qua, nhưng hậu quả của cả xã hội bị trị do chế độ toàn trị cộng sản lâu dài như vậy là còn rất nặng nề.
Các cơ quan truyền thông, tuyên truyền như đài phát thanh, truyền hình, báo chí các thể loại vẫn hoàn toàn nằm trong tay nhà nước CS độc tài toàn trị này, vì thế nên có thể phần nào đời sống vật chất, kinh tế của dân chúng được cải thiện hơn trước một bước, nhưng đời sống văn hóa, tư tưởng, nếp tư duy của số đông dân chúng thì hầu như chưa được cải thiện là bao vẫn sống theo nền nếp cũ của thời kỳ cộng sản trại lính. Với sự kiện lễ hội ngàn năm Thăng Long đang diễn ra có rất đông người ở xa xôi về Hà Nội tham dự chính là hậu quả của một xã hội bị nền độc tài cai trị quá lâu dài, đời sống văn hóa của dân chúng thật nghèo nàn, đơn điệu, tẻ nhạt, lam lũ quanh năm nên đây là những dịp họ tự thưởng lãm cho mình được quyền hưởng thụ có tính cách giải trí như vậy.
Việc này nó cũng giống như hàng chục ngàn nông dân nghèo khổ ở các tỉnh xa xôi đã vượt bao xa cách để về Thủ đô vào thăm viếng lăng ông Hồ Chí Minh ngày ngày mà ta vẫn thấy mà thôi. Hàng trăm ngàn người có mặt ở lễ hội này thật nhưng đa số do hiếu kỳ, do nhu cầu giải trí tầm thường của cá nhân, trong khi đó nhận thức về văn hóa, kiến thức hiểu biết về lịch sử, đời sống tâm hồn và đặc biệt tinh thần tự hào dân tộc thì đa số là trống rỗng không có gì cả. Tôi tin là trong đó tuyệt đại đa số dân chúng trong số hàng trăm ngàn đồng bào đến lễ hội này không biết gì về việc nhà cầm quyền CSVN đã lựa chọn sai về thời điểm tổ chức lễ kỷ niệm không đúng với lịch sử đã diễn ra.
Tình hình này hoàn toàn trái ngược với bối cảnh được sống trong tự do thông tin, tự do báo chí, tự do tư tưởng của số rất nhỏ chỉ vài ba triệu người Việt tỵ nạn CS nơi hải ngoại nắm rất rõ về sự kiện vua Lý Công Uẩn rời đô vào chính xác thời gian nào, đó là chưa kể đến sự vô chính trị của họ khi mở màn lễ hội này vào ngày quốc khánh nước Trung Hoa cộng sản…Tôi nghĩ là số đông dân chúng trong nước đến với lễ hội không nói lên tính chính nghĩa của nhà cầm quyền CSVN, cũng không nói lên tính đúng đắn về mặt chính trị của sự lãnh đạo của họ.
Mạc Việt Hồng: Anh nói ĐCS chính trị hóa các sự kiện nhưng chính anh cũng đang nhìn mọi việc dưới con mắt rất chính trị?
Nguyễn Khắc Toàn: ĐCSVN lợi dụng dịp này để tô vẽ cho mình như là một chính đảng đang lãnh đạo đất nước và đại diện chân chính cho cả dân tộc, đặc biệt là giờ đây họ có tính dân tộc nhất. Bởi chính họ đã dùng mọi thủ đoạn chính trị để cộng sản hóa cả đất nước này bằng mấy cuộc chiến tranh hao người tốn của di hại còn nặng nề đến nay chưa hết. Họ đã theo đuổi đến cùng khuôn mẫu thể chế chính trị của một học thuyết ngoại lai, vong bản và phản dân tộc. Trong nhiều giai đoạn kể từ khi đoạt được quyền bính trên cả nước, họ đã rập khuôn theo hết mô hình chế độ chính trị Xô Viết, Đông Âu, đến cách thức đổi mới mở cửa một phần để sống còn theo kiểu Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình….
Để đạt được mục đích chiến thắng trong chiến tranh giữa 2 miền Nam- Bắc trước kia và giữ vững quyền lực độc đoán trong tay họ đã nhu nhược, ươn hèn ký các hiệp định với Trung Quốc làm mất nhiều phần lãnh thổ trên biên giới phía Bắc, Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông… Họ im lặng không dám hé răng phản ứng lại để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta, không dám lên tiếng bảo vệ ngư dân Việt Nam bị hải quân Trung Quốc bắn giết. Đó chính là những hành vi phản bội đất nước và nhân dân, phản bội dân tộc Việt Nam bị dư luận đồng bào ta cả bên trong lẫn bên ngoài lên án mạnh mẽ trong nhiều năm qua.
Khi cơ hội có sự kiện kỷ niệm 1000 năm ngày rời đô về Hà Nội của bậc tiền nhân thì chính đây là dịp họ không tiếc gì tiền bạc ngân sách quốc gia để làm thật rầm rộ, “hoành tráng” để khỏa lấp đi những sai lầm và những tội lỗi nghiêm trọng đó nhằm để mỵ dân và đánh lừa dư luận. Vì vậy tôi vẫn khẳng định là ĐCSVN đã tận dụng hết cỡ những sự kiện này để chính trị hóa chứ không còn đơn thuần là lễ hội mang tính văn hóa, kỷ niệm dấu móc lịch sử của nước nhà.
Tôi là một nhà quan sát chính trị, một nhà báo tự do đấu tranh cho nền chính trị mới văn minh, tiến bộ hơn của nhà nước CSVN độc tài toàn trị, tôi luôn phải có nhãn quan chính trị trước các diễn tiễn trong và ngoài nước xảy ra. Tôi nghĩ đó là điều hợp lý và không dung chứa điều gì khuất tất hay mờ ám. Sự nhận định, đánh giá qua quan sát của tôi là có sự phân tích khoa học, có những cứ liệu chắc chắn, thuyết phục mà không gán ghép hay khiên cưỡng. Tôi còn mong tất cả quần chúng yêu nước tha thiết với sự nghiệp dân chủ hóa đất nước nên có những tư duy, hay nhãn quan chính trị như vậy. Vì điều đó còn là trách nhiệm công dân chính đáng đối với quốc gia và sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội đi lên không ngừng.
Mạc Việt Hồng: Việc lựa chọn khai mạc đại lễ đúng vào ngày quốc khánh Trung Quốc và kết thúc vào quốc khánh Đài Loan liệu là sự vô tình hay có mang mục đích chính trị gì không, thưa anh?
Nguyễn Khắc Toàn: Như trên tôi đã nói, sự kiện bộ chính trị ĐCSVN lựa chọn ngày khai mạc và bế mạc “lễ hội ngàn năm Thăng Long” lại trùng vào 2 ngày quốc khánh của 2 nhà nước Trung Hoa, một là của Cộng sản lục địa, một của Đài Loan là có mấy khả năng như sau:
Thứ nhất là, có những nhân vật tay sai thật sự của CS Trung Quốc trong nội bộ ĐCSVN ở cấp cao nhất đã rắp tâm làm việc này để phục vụ quan thầy hòng mong được sự hậu thuận về mọi mặt từ Bắc Kinh để chúng tiếp tục trị vì lâu dài. Việc này nếu quả thật xảy ra đúng như vậy thì không còn gì để mà nói nữa, bởi vì bọn thái thú đã cam tâm làm tay sai này chính là những Việt Gian : Lê Chiêu Thống, Trần ích Tắc,…ngày nay nằm ngay trong bộ máy cầm quyền tối cao nhất mà toàn dân phải đấu tranh loại bỏ chúng càng sớm càng tốt để tránh những tổn hại nặng nề hơn nữa cho đất nước và dân tộc Việt chúng ta.
Thứ hai, đây là sự lựa chọn vô tình thôi, chỉ vì họ muốn kết thúc đại lễ trọng thể nhất vào ngày 10/10/2010 vì đây là kỷ niệm ngày họ vào tiếp quản TP Hà Nội từ tay người Pháp thực dân cách đây đúng 56 năm mà họ vẫn gọi là “ngày giải phóng thủ đô”. Thế nhưng điều đó cũng không thật ổn lắm vì sự kiện này hàng năm vẫn không được coi là quan trọng kể cả năm chẵn và rất ít khi chính phủ trung ương cũng như chính quyền TP Hà Nội kỷ niệm trọng đại, linh đình ngày này.
Mặt khác để chuẩn bị tổ chức lễ hội to tát này, họ đã tính toán, trù liệu mọi vấn đề liên quan rất kỹ càng từ trước cả chục năm rồi nên tôi nghĩ khó mà có thể là sự lựa chọn vô tình được, nó phải có ẩn ý thâm sâu nào đó của những thế lực đen tối trong nội bộ đảng CSVN. Hơn thế nữa khi bị dư luận phản ứng mạnh mẽ bất lợi như thế thì nếu tỉnh táo, khôn ngoan ra họ chỉ việc rời ngày lệch đi răm ba hôm lập tức mọi chống đối sẽ bị vô hiệu hóa ngay. Thế nhưng, họ đã kiên quyết tiến hành như lịch trình đã vạch ra mà không thay đổi gì, bất chấp sự đấu tranh rất mạnh mẽ của trí thức, quần chúng từ mọi phía.
Tôi cho là bộ chính trị của ĐCSVN rất kém cỏi, bảo thủ, lỳ lợm và hết sức vô chính trị, sai lầm nghiêm trọng khi quyết định trước một sự kiện lớn lao như thế, đây là việc không bình thường và không thể chấp nhận được.
Mạc Việt Hồng: Còn những đánh giá của anh trên góc độ văn hóa thì sao? Đây có thể là một dịp quảng bá hình ảnh của Việt Nam, giới thiệu văn hóa Việt với năm châu hay không? Bất kỳ thành phố nào trên thế giới thì sinh nhật 1000 tuổi cũng là dịp đáng để ăn mừng và kỉ niệm, dù thể chế chính trị nào đi nữa?
Nguyễn Khắc Toàn: Nhà tôi ở rất gần khu trung tâm chủ yếu của “lễ hội”, hàng ngày tôi có công việc phải đi qua đây khi chưa khai mạc lễ hội này nên tôi rất biết công tác chuẩn bị, tập dượt, tổng duyệt của ban tổ chức.
Thêm vào đó, hôm nay qua hệ thống truyền hình tôi được biết ngày đầu tiên của sinh hoạt lễ hội trong 10 ngày liên tiếp sẽ diễn ra. Nhà nước CSVN đã cho trình diễn trên sân khấu trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ trước Hồ Hoàn Kiếm trong hơn 2 giờ các màn ca kịch của các đoàn ca múa dân tộc đại diện cho một số vùng miền ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Có một số thể loại văn nghệ dân gian đã từng bị cấm đoán, ngăn cản, hủy diệt dập vùi thời kỳ họ thi hành chính sách cộng sản cực tả, cực đoan ở miền Bắc đã được khôi phục tái diễn công khai. Hình ảnh trang phục đặc trưng dân tộc Việt xa xưa trước kia đã tái hiện rất rõ nét trên sân khấu, như diễn viên nữ áo dài khăn đống, diễn viên nam dài áo the, khăn xếp trước kia bị coi là tàn dư của chế độ cũ, phong kiến lạc hậu, cổ hủ lại được tôn vinh ở vị trí trang trọng…
Tôi cho rằng, đấy là sự thể hiện nền văn hóa dân tộc Việt dù bị cộng sản hóa, bị văn hóa vô sản nô dịch trong nhiều năm nhưng nó vẫn trường tồn, bất tử. Trong khi đó hình ảnh người cán bộ vận đồ đại cán “Tôn Trung Sơn” cài kín cổ áo 4 túi, một thời thịnh hành và tưởng là vĩnh hằng cùng chế độ CS thì đã biến mất hẳn trong đời sống xã hội. Tôi cho rằng bản chất dân tộc và văn hóa Việt là đã có bề dầy văn hiến lâu đời mà mọi người Việt chúng ta luôn lấy đó làm niềm kiêu hãnh, tự hào, thế giới đã biết đến Việt Nam từ trước khi có sự xuất hiện của ĐCSVN, những giá trị đó không phải do đảng CS tạo nên.
Dịp này thành phố Hà Nội kỷ niệm sinh nhật tròn 1000 năm tuổi nói cho công bằng và đúng thì đây là niềm vinh dự và tự hào của cả dân tộc chúng ta. Chúng ta có quyền kiêu hãnh về điều đó, tuy nhiên nhà cầm quyền CSVN hiện nay đã có những sai lầm nặng nề về mặt chính trị, lịch sử, văn hóa, đã vung tay chi phi tốn kém khủng khiếp như vậy trong khi đời sống nhân dân nói chúng còn khốn khó, đất nước còn nghèo, vì thế đã làm giảm đi giá trị thiêng liêng của sự kiện trọng đại này rất nhiều.
Tôi nghĩ rằng, họ hoàn toàn không xứng đáng đứng trong hàng ngũ dân tộc để cùng dự niềm vui chung, lớn lao với toàn thể nhân dân ta. Họ lại càng không có đủ tư cách để đại diện cho cả dân tộc đứng ra tổ chức lễ hội ngàn năm Thăng Long như thế này vì suốt quá trình dài họ nắm quyền lực và kể cả hiện nay, họ là lực lượng chính trị phản dân tộc, phản dân chủ, thậm chí phản quốc. Tôi cũng đồng ý với chị là đây cũng là dịp tốt để chúng ta giới thiệu với bạn bè năm châu trên địa cầu nền văn hóa đa dạng phong phú của đất nước ta, nhưng nếu được tổ chức dưới quyền của một thể chế dân chủ do toàn dân xây dựng bằng lá phiếu tự do thì vẫn tốt hơn nền cai trị độc tài của ĐCSVN như hiện nay.
Mạc Việt Hồng: Xin cám ơn nhà báo Nguyễn Khắc Toàn.
© NKT, MVH
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment