2010-10-07
Chỉ còn 3 ngày nữa là Lễ Hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long kết thúc. Ở thời điểm này, những cuộc vui chơi, triển lãm, thi đua... vẫn tiếp diễn, tất cả đều hướng về sinh nhật 1.000 tuổi của thủ đô ngàn năm văn vật.
Thế nhưng kẻ sĩ Bắc Hà nghĩ thế nào về cuộc lễ hội có một không hai trên thành phố của chính mình? Tường An phỏng vấn và ghi nhận tâm tư của nhà thơ và cũng là họa sĩ Trần Nhương.
Hà Nội những ngày này như lên cơn sốt, sốt người và sốt xe. Từng gốc cây, từng con phố đều được giăng đèn, kết hoa như để góp phần tạo nên một Đại lễ Thăng Long hoành tráng và ấn tượng với nhiều cái kỷ lục: chiếc áo dài kỷ lục, bức tranh thêu kỷ lục, bức tường kỷ lục… Hà Nội như cô gái mỹ miều đang lôi hết tất cả quần áo, nữ trang trong tủ ra để khoác lên người, khoe cái sắc hương rực rỡ. Nhà thơ-họa sĩ Trần Nhương là một cư dân tại Hà Nội cũng chia sẽ cái không khí tưng bừng của lễ hội, ông nhận xét:
Chủ yếu là khu vực bờ hồ là vui. Bà con ra đấy xem thì cũng chỉ “xem gáy” nhau là nhiều mà chẳng xem được gì mà cái giá “ăn theo” lên rất nhiều.
Nhà thơ Trần Nhượng
“Từ hôm bắt đầu lễ hội thì rất là tưng bừng, náo nhiệt. Nhiều bà con ở vùng xa cũng trở về thủ đô để hưởng một lễ hội cũng vào loại kỷ lục là 10 ngày. Phải nói là Hà Nội tổ chúc cũng rất khá, đường phố rực rỡ, cờ hoa, trang trí đèn các thứ rất đẹp. Đây là 1 lễ hội để nhớ lại tiền nhân đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đấy là việc mà Hà Nội đã thay mặt cả nước làm rất tốt. Theo đánh giá thì cũng là 1 lễ hội tương đối kỷ lục của Việt Nam.”
Tuy nhiên, có phải tất cả những người Hà Nội đều vui với cái vui chung của thủ đô? Chị Nhím ở Hà Nội đã phải lợi dụng công việc đi Thái Lan để trốn cái không khí ồn ào náo nhiệt, nhất là để tránh nạn ùn tắt xe cộ do đường phố bị đóng. Nhiều người đã phải về vùng quê hay ra biển để tránh tiếng ồn ào của xe, tiếng loa oang oang suốt ngày trên đường phố. Tâm trạng hồ hởi của những ngày đầu đại hội cũng đã dần dần lắng xuống. Bên cạnh đó, những tiêu cực do lễ hội mang tới, cái gọi là “hội chứng ăn theo” đã gây cho đời sống người dân rất nhiều khó khăn. Nhà thơ Trần Nhương chia sẻ:
“Nói chung thì đường phố vẫn nhộn nhịp, nhưng mà nhân dân ở vùng xa thì người ta cũng trở về bớt bởi vì cũng thế thôi! Xem chủ yếu hoa đăng, thế rồi ngày 10 có diễu binh. Chủ yếu là khu vực bờ hồ là vui. Bà con ra đấy xem thì cũng chỉ “xem gáy” nhau là nhiều mà chẳng xem được gì mà cái giá “ăn theo” lên rất nhiều. Có khi giữ xe giá bảy, tám mười nghìn 1 cái xe máy mà so với đồng lương thì nó cao quá. Cho nên là người ta không phải là háo hức quá như những ngày đầu. Bây giờ thì người ta cũng tản mác rồi. Thứ hai nữa người dân Hà Nội người ta cũng đi về vùng quê, vùng biển nghỉ ngơi, tránh những ngày ồn ào đông vui mà giá cả cũng đắt đỏ.
Một trong những tiết mục được nhiều người chờ đợi là chương trình bắn pháo hoa vào ngày 10/10 tại 29 điểm trong thành phố. Tại sân vận động Mỹ Đình sẽ tái hiện toàn bộ lịch sử của kinh thành Thăng Long. Màn hình nước cùng nghệ thuật trình diễn pháo hoa, hiệu ứng lửa và tia lazer sẽ thể hiện về truyền thuyết Rồng thiêng. Báo vnexpress cho biết là “chi phí cho việc bắn pháo hoa chưa được tiết lộ”.
Với truyền thống của dân tộc Việt Nam ‘ Lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng 1 gói khi no’ thì chúng ta nên giảm những chi phí cho đại lễ.
Nhà thơ Trần Nhượng
Nhà thơ Trần Nhương đã viết thơ cho Chủ tịch thành phố Hà Nội để kêu gọi cắt giảm 19 điểm bắn pháo hoa (thay vì 29 điểm) và các tiết mục khác không cần thiết để tiết kiệm tiền giúp đỡ bà con lũ lụt miền Trung. Ngoài ra, ông cũng đòi sau đại lễ, Hà Nội nên công khai cho dân biết số kinh phí chi cho đại lễ là bao nhiêu. Đây là tiền của dân, dân phải biết. Hà Nội nên làm gương về việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ông đề nghị :
“Tôi có cái đề nghị là bởi vì trong lúc này, ở miền Trung đang xảy ra lũ lụt. Với truyền thống của dân tộc Việt Nam ‘ Lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng 1 gói khi no’ thì chúng ta nên giảm những chi phí cho đại lễ. Vì thật ra 10 ngày cũng là quá dài. Thứ hai nữa là những chi phí cho đại lễ cũng quá tốn kém mà 1 nước nghèo thì chúng ta cũng phải khiêm nhường, cũng vừa phải thôi. Tôi có viết một lá thư cho lãnh đạo Hà Nội, tôi đưa lên trang web của tôi và được bà con hồ hởi, các trang khác copy rất nhiều và kể cả các bạn nước ngoài. Tôi nghĩ đây là ý kiến của một công dân đóng góp phần việc mình và mình thương đồng bào lũ lụt miền Trung thôi. Mình cũng làm việc với tư cách trách nhiệm công dân của mình thôi. Cũng không có vấn đề gì. Hai nữa là tôi muốn nó thiết thực hơn. Hà Nội nó nền nã, nó vốn là 1 nơi thâm nghiêm, thâm trầm, nền nã hào hoa chứ không phải là cái sự phân bình, toe toét đâu. Tôi có ý kiến đó, không biết là các vị lãnh đạo Hà Nội người ta có để ý đến không, nhưng được cái là cư dân mạng, người ta quan tâm và người ta đồng thuận.”
Lá thư gửi đi, nhưng dĩ nhiên không có sự trả lời của người nhận. Cũng là một sự khá tình cờ khi nghe tin 2 container pháo hoa bị nổ, sân vận động Mỹ Đình cách nơi làm việc của nhà thơ Trần Nhương khá xa, ông cho biết:
“Tôi đang làm ở 1 tờ báo. Tôi đang nghĩ trưa và tôi cũng không hề biết gì. Khi được bạn bè gọi điện đến tôi mới biết là có chuyện đó, tôi mới vào mạng xem, những mạng cá nhân thì còn, còn những mạng chính thống thì người ta đã gỡ hết tin rồi. Tin đó chắc là không lợi nên người ta gỡ đi rồi.”
Đọc trên một tờ báo bản tin thời tiết như sau: Thời tiết khu vực Hà Nội khá lý tưởng trong vài ngày tới Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ vẫn duy trì công tác dự báo thời tiết theo hình thức báo cáo liên tục trong dịp đại lễ. Lãnh đạo ngành khí tượng cũng khẳng định, bên cạnh đội ngũ chuyên gia được tăng cường nhằm phục vụ công tác dự báo thời tiết cho Đại lễ.
Lại có tin một chuyên gia tuyên bố sẽ đuổi mưa, ngăn bão cho suốt 7 ngày đại lễ. Thậm chí Chủ tịch Hà Nội còn dự định sẽ bắn mây để ngăn mưa trong 3 ngày, nhưng kinh phí trên 3 tỷ đô la đã làm họ bỏ ý định đó. Người ta có cảm tưởng mỗi giọt mưa rơi xuống thủ đô sẽ làm hoen ố hương sắc của cô gái mỹ miều Hà Nội. Trong khi đó, miền Trung, mưa đang rơi, không phải 1 giọt mà hàng tỷ tỷ giọt đang rơi xuống hàng vạn mái đầu, cuốn trôi đi những mái tranh che nắng che mưa cho những mảnh đời nghèo khổ. Có ai nghĩ đến việc đuổi mưa, ngăn bão cho họ? Nhà thơ Trần Nhượng giải bày tâm trạng của ông trước hai cảnh đời trái ngược:
“Riêng tôi thì tôi thấy một nơi thì tưng bừng lễ hội còn một nơi thì nước đang lũ, ở miền Trung thì đang chìm nổi nhân dân. Đấy cũng là tâm trạng riêng tôi và tôi cũng muốn gửi gấm đến mọi người là: chúng ta cũng nên nghĩ đến đồng bào của mình. Thế thôi!”
Và ông kết thúc bằng hai câu thơ:
“Chúng ta đang tưng bừng Hà Nội,
Ở miền Trung đang chìm nổi nhân dân.”
Nhà thơ Thái Hữu Tình cũng bày tỏ sự đồng cảm với nhà thơ - họa sĩ Trần Nhương qua những câu thơ trong bài “Mẹ bảo dừng ngay lễ hội”, xin trích:
Đứa Hà Nội cứ vui thú tiệc tùng,
Ngập trong rượu bia Lễ hội.
Đứa miền Trung,
Ngập trong phong ba lụt lội.
Sao chúng mày không biết thương nhau?
Hoa hậu Thăng Long áo dài lê trăm mét.
Nước mắt miền Trung,
Tuôn dài theo Lũ Quét!
Nước ngập băng mái nhà,
Dân chết!
Lý Thái Tổ về liệu có vui không?
No comments:
Post a Comment