Các bài cũ của Sơn Trung Thư Trang - http://vanhoavn.blogspot.com
Tuesday, October 5, 2010
KIM CHÂM * THĂNG LONG, QUÀ DÂNG GIẶC
Kim Châm
Sau gần 8 năm chuẩn bị và với chi phí trên dưới 4 tỷ rưỡi mỹ kim, tức khoảng10 phần trăm tổng sản lượng quốc gia, vài ngày nữa đại lễ Ngàn Năm Thăng Long sẽ diễn ra “hoành tráng” trên mặt hình thức đúng như “quyết tâm chính trị” của đảng Cộng Sản Việt Nam về ngày lễ “ngàn năm có một” này. Tuy nhiên, sự hoành tráng và “quyết tâm chính trị” đó đồng thời cũng sẽ là sự ô nhục muôn đời của đảng CSVN qua những ý đồ mà đảng đã dày công chuẩn bị để đại lễ này trở thành một món quà hoàn hảo cho Trung Quốc.
Điều bị dư luận đàm tiếu nhiều nhất về đại lễ Ngàn Năm Thăng Long là việc lựa chọn ngày tháng. Qua quyết định số 795/QĐ-TTg của thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng về việc phê duyệt Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, thì chương trình lễ hội sẽ được tổ chức trong 10 ngày từ ngày 1 đến ngày 10/10/2010.
Theo truyền thống Việt Nam, những ngày lễ trong lịch sử dân tộc (ít nhất là từ thế kỷ thứ 18 trở về trước) đều được tính theo ngày âm lịch. Từ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đến những ngày lễ kỷ niệm các vị anh hùng anh thư, cho đến ngày lễ Giỗ Trận Đống Đa đều theo truyền thống này. Thế nhưng, kỷ niệm ngày vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (thế kỷ thứ 11) thì CSVN lại đẻ ra một ngày dương lịch. Trong tháng 10 dương lịch, lịch sử Việt Nam không có một ngày nào quan trọng; nhưng với Trung Quốc thì có đến hai ngày quan trọng. Đó là ngày cách mạng Tân Hợi 10/10 (ngày Song Thập) lật đổ triều đình Mãn Thanh, được dùng làm ngày quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc (nay là Đài Loan). Một ngày khác là ngày 1 tháng 10, ngày quốc khánh của Trung Quốc.
Theo các sử liệu Việt Nam thì ngày Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đều ghi là “vào mùa Thu tháng 7 năm Canh Tuất (1010)”. Như vậy, theo truyền thống vừa nêu, lẽ ra đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long phải bắt đầu vào ngày 10/08/2010, chứ không thể vào tháng 10 dương lịch. Giới lãnh đạo CSVN có thể không nhớ hoặc không biết về những ngày kỷ niệm trong lịch sử của dân tộc ta (1), nhưng chắc chắn họ biết rất rõ ngày 1 tháng 10 là ngày gì. Vì vậy, việc CSVN chọn ngày 1/10 làm ngày khởi đầu của đại lễ Ngàn Năm Thăng Long hẳn nhiên là phải có lý do; cho dù tháng 10 là vào giữa mùa mưa, đường xá Hà Nội có nguy cơ ngập lụt và biến thành sông suối sau mỗi cơn mưa lớn, đến nỗi nhà nước CSVN còn tính là chi tiêu thêm cả tỷ mỹ kim cho việc “bắn mây” ngăn mưa. Đó đây cũng có biện minh cho rằng, đại lễ Ngàn Năm Thăng Long đúng ngày 10 tháng 10 là ngày kỷ niệm 66 năm “giải phóng thủ đô”; nhưng đây chỉ là nguỵ biện, vì ngày lễ chính luôn luôn là ngày đầu tiên chứ không thể là ngày cuối, ngày bế mạc (tương tự như 3 ngày tết thì ngày đầu năm là chính, chứ không phải ngày mùng 3 tết).
Với những nghịch lý vừa kể, người ta chỉ có một cách giải thích, sở dĩ CSVN cử hành lễ Ngàn Năm Thăng Long vào ngày 1 tháng 10, trùng với ngày quốc khánh Trung Quốc, là một cách tạo cớ để người Việt Nam “chung vui “ trong ngày quốc khánh nước Tàu, hầu chứng minh sự thần phục của lãnh đạo CSVN đối với Bắc Kinh. Trong thư ngỏ gừi chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết mới đây, ông Hà Sĩ Phu đã vạch rõ: “Một nhà nước biết tự trọng phải tránh sự trùng hợp ấy, nhất là trong tình trạng tranh chấp Việt – Trung hiện nay. Đọc diễn văn trịnh trọng vào những ngày ấy khác nào lăng nhục từng người dân Việt, tránh sao khỏi miệng thế mỉa mai về thân phận của kẻ chư hầu? Riêng điều này sẽ làm cho lễ kỷ niệm không nêu cao được truyền thống anh hùng chống ngoại xâm đáng tự hào của dân tộc, khiến kẻ thù phải kiêng nể, mà sẽ gây tác dụng ngược rất nguy hiểm.” (2)
Bên cạnh lý do vừa kể, cũng không thể loại trừ một lý do khác quan trọng không kém. Đó là với những hội rình rang, cố kéo dài cho đủ 10 ngày của lễ hội Ngàn Năm Thăng Long; nhất là những chi tiêu lại được phép “chi trước, tính sau”, không phải thông qua quốc hội, hầu thực hiện được “quyết tâm chính trị” của đảng, nên quan chức nhà nước sẽ nhân cơ hội tha hồ sà xẻo. Vì vậy phải tổ chức càng “hoành tráng” càng tốt.
Ngoài ra, nếu nhìn lại những “thành tựu vĩ đại” mà đảng CSVN đã cống hiến cho Trung Quốc thì người ta càng hiểu tại sao ngày đại lễ Ngàn năm Thăng Long phải tổ chức trùng với ngày quốc khánh nước Tàu mới mang đầy đủ ý nghĩa.
Trong suốt cả ngàn năm lịch sử, Trung Quốc luôn luôn dòm ngó, chiếm đoạt nước ta. Nhưng trước truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường của dân tộc Việt, họ chưa bao giờ chiếm được một gang sông tấc núi nào của ta. Nay nhiều vùng biên giới, biển đảo; đặc biệt là những vùng biên giới hiểm trở vốn là thành lũy thiên nhiên che chắn cho tổ quốc, đã bị đảng CSVN dâng cho Trung Quốc. Tây Nguyên trở thành tô giới của Tàu trong dự án khai thác bô-xít. Nhiều rừng đầu nguồn biên giới cũng đã bị đảng nhường cho Trung Quốc dưới danh nghĩa cho thuê dài hạn… Cũng trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nước Tàu lúc nào cũng lăm le tiêu giệt văn hoá của ta nhưng họ đều thất bại. Nay với nỗ lực quảng bá văn hoá Tàu của đảng CSVN, qua việc phim Trung Quốc, sách truyện Trung Quốc tràn ngập; cùng với Học viện Khổng tử truyền bá văn hóa Trung Quốc, học sinh Việt thuộc sử Tàu hơn sử Việt,… văn hoá Việt sẽ còn lại gì sau kỳ lễ hội ngoài những “đống rác văn hoá” như bức tường gốm sứ nứt nẻ mừng lễ? Hay chỉ còn lại sự “bức tử của văn hoá Việt” qua cuốn phim Tàu nói tiếng Việt “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long “, mà đảng định dùng làm “điểm nhấn” cho đại lễ? Quan trọng hơn cả là, nước Tàu lúc nào cũng muốn dân tộc Việt phải yếu hèn, thần phục họ, thì đảng CSVN cũng đã rất “thành công” trong việc tiêu diệt ý chí bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta, khi biến lòng yêu nước thành một trọng tội…
Tất cả những điều vừa kể cho thấy, những gì mà người Tàu đã từng tốn bao nhiêu xương máu trong suốt mấy ngàn năm trong ý đồ bành trướng và đồng hoá của họ đối với dân tộc Việt, đất nước Việt, mà không thực hiện được, thì chỉ trong vòng 20 năm qua đảng CSVN đã “hoàn thành xuất sắc” dùm tất cả cho Trung Quốc. Hồi đầu năm, đại sứ Tàu Tôn Quốc Tường lớn tiếng hăm he cả dân tộc Việt Nam ngay ở thủ đô Hà Nội, mà nhà cầm quyền CSVN không dám hé răng nửa lời phản đối, ngoài những tán tụng “16 chữ vàng” chính là một tổng kết chính xác nhất về “công trạng” mà đảng CSVN đã làm cho Tàu để kỷ niệm 60 năm “hữu nghị” Việt – Trung.
Với những sự kiện vừa kể, con cháu của bà Trưng bà Triệu, của Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…. nghĩ gì và phải làm gì?
Nếu ngày đầu năm âm lịch (Tết) thiêng liêng của dân tộc được đảng CSVN mở đầu bằng ca vũ “Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” trên truyền hình khắp nước, như báo hiệu ý nghĩa “núi liền núi, sông liền sông” của đại lễ Ngàn năm Thăng Long trùng với quốc khánh Trung Quốc, thì người Việt Nam có “lời kêu gọi ngàn năm Thăng Long” phổ biến rộng khắp trên nhiều tỉnh thành, khơi dậy hào khí cùng ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc trước hiểm hoạ ngoại xâm. Bất chấp những thủ đoạn của nhà nước CSVN biến lòng yêu nước thành một trọng tội, mọi giới đồng bào đã khẳng khái bày tỏ lòng yêu nước bằng nhiều cách trên các phương tiện thông tin hiện đại, với nhịp độ ngày càng nhiều, càng quyết liệt hơn. Trong đó nổi bật là hành động cụ thể qua việc viết, vẽ khẩu hiệu 6 chữ vàng dân tộc HS-TS-VN trên khắp nước.
Đây chính là những phản ứng đầu tiên của người Việt Nam trước tai họa bắc thuộc lần thứ năm đang lan dần một cách nguy hiểm khắp đất nước.
Ghi chú:
(1) Từ khi lên nắm quyền, cho mãi đến cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, đảng CSVN mới coi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày quốc lễ. Trước đó, hàng năm họ vẫn tổ chức trọng thể ngày cách mạng tháng 10 Nga nhưng không hề tổ chức bất cứ ngày lễ nào trong lịch sử dân tộc. Năm 1996, trong một cuộc thăm dò của báo Tuổi Trẻ, 48 phần trăm học sinh Việt Nam không biết Hùng Vương là ai.
(2) Ba đề nghị gửi Chủ tịch nước về tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Sĩ Phu, http://danlambao.wordpress.com/2010/09/25/ba-d%E1%BB%81-ngh%E1%BB%8B-g%E1%BB%ADi-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-v%E1%BB%81-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-d%E1%BA%A1i-l%E1%BB%85-1000-nam-thang-long/#more-4489
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment