Nguồn: http://nguyenvantuan.net/online-dd/1096-nguy-co-bi-diet-vong-cua-mot-quoc-gia-
Câu hỏi thuộc loại “đao to búa lớn” này thật ra rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tôi “lượm” bài dưới đây của Song Chi và thấy có nhiều ý rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Bài viết hơi dài, nên tôi xin phép tác giả chỉ trích những ý mà tôi thấy tâm đắc. Nhân đọc bài này tôi nhớ đến một bài của Vũ Minh Khương vào năm ngoái trên Tuần Việt Nam. Trong bài “Việt Nam: chặt cầu để tiến lên” Vũ Minh Khương cũng bàn về những yếu tố và điều kiện cho một sự suy vi của một quốc gia. TS Khương viết:
“Một thước đo khác có tính cấp bách hơn là về nguy cơ mất nước. Người xưa gợi ý ba thước đo về nguy cơ mất nước của một quốc gia:
1. Thứ nhất, người trên sai mà quan chức dưới đều nín lặng.
2. Thứ hai, người được giao trọng trách không thấy việc mình đảm nhận là thiêng liêng và gian khó mà lại coi đó là đặc quyền đặc lợi để vinh thân, phì gia, và kết bè kéo cánh hưởng lộc.
3. Thứ ba, người người đua chen, từ quan đến dân, lao vào các làm ăn chụp giật và vụ lợi cá nhân trong sự xem thường đạo lý và sự tê liệt lòng tin vào công lý.
Theo người xưa, nếu điều 1 là đúng thì nước này đang ở vào thế suy vi; nếu điều 2 là đúng thì nước này sẽ khốn khó trong sự chia rẽ lục đục; nếu điều 3 là đúng thì nước này sắp loạn. Nếu cả ba điều trên đều đúng thì nước mất đến nơi rồi.”
Thử đối chiếu với tình hình hiện nay, không ai có chút quan tâm đến đất nước mà không lo ngại. Và, cũng đồng cảm với Song Chi và Vũ Minh Khương.
NVT
====
Khi nào một quốc gia bị diệt vong, một dân tộc bị mất nước?
Song Chi – Trong bài “Những suy nghĩ từ sự kiện bộ phim “Lý Công Uẩn-đường đến thành Thăng Long” tôi có viết rằng ở Việt Nam sự lệ thuộc về văn hóa nước ngoài, đâu phải đến bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, bài viết nói trên chủ yếu chỉ đề cập đến lĩnh vực phim ảnh, cụ thể là sự ảnh hưởng từ phim truyền hìnhTrung Quốc và cả Hàn Quốc đối với phim truyền hình Việt Nam. Song, phim ảnh chỉ là một lĩnh vực rất nhỏ trong đời sống mọi mặt của một quốc gia, thực tế là hiện nay, sau 65 năm dài, Việt Nam đang bị ảnh hưởng, phụ thuộc về mọi mặt từ phía nước láng giềng Trung Quốc.
LỆ THUỘC TRUNG QUỐC VỀ MỌI MẶT
Về kinh tế, cán cân thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc quá chênh lệch, (mọi người có thể dễ dàng vào google để tìm hiểu những thông tin chính xác về vấn đề này), nhập siêu từ Trung Quốc chiếm phần lớn tổng nhập siêu của Việt Nam, hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc thường là hàng thô, hoặc rau quả tươi sống, kim ngạch xuất khẩu thấp còn khi nhập về lại nhập những thứ như sắt thép, phân bón, vật tư nông nghiệp, hóa chất, vải sợi …, giá cao dẫn đến tổng kim ngạch nhập khẩu cao…Không chỉ những loại hàng hóa “nặng” tiền như vừa kể mà cái gì do Trung Quốc làm ra cũng có mặt ở Việt Nam, từ hũ xì dầu, gói bột nêm, rau quả tươi, đồ chơi trẻ em… cho tới cây tăm tre cũng có, tuồn qua Việt Nam bằng đủ mọi con đường từ chính thức đến buôn lậu, từ thành thị đến vùng quê hẻo lánh…góp phần làm cho đời sống của các doanh nghiệp nhỏ và bà con nông dân Việt nam thêm khó khăn.
Trong lĩnh vực đấu thầu thì Trung Quốc luôn luôn bỏ giá thầu thấp, lại biết chi “hoa hồng” rất đậm nên rất nhiều công trình lớn, trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất…ở Việt Nam đều rơi vào tay các công ty Trung Quốc, như hầu hết các công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn từ Bắc vào Nam-từ nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả, Hải Phòng, Quảng Ninh, Duyên Hải…trong đó nhà máy nhiệt điện Vĩnh Hưng tại tỉnh Bình Thuận có tổng số vốn đầu tư đến 1,75 tỷ dollars. Và người dân cũng không quên những dự án do Trung Quốc đầu tư bị dư luận lên án dữ dội nhưng nhà nước Việt Nam vẫn cho triển khai như dự án khai thác bauxite tại Lâm Đồng hay vụ nhiều tỉnh phía Bắc cho các công ty Trung Quốc, Đài Loan thuê rừng đầu nguồn dài hạn; mới đây nhà nước Việt Nam lại còn chuẩn bị cắt đất ở vùng biên giới để làm khu kinh tế chung giữa hai nước-cụ thể là vùng đất thuộc tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, mở đường cho hàng hóa Trung quốc càng dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam, chưa nói đến sự nguy cơ về an ninh quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ v.v…
Về văn hóa, phim Trung Quốc tràn ngập trên màn ảnh nhỏ cả nước, (đến mức có nhiều nhà giáo dục, nhà trí thức đã phải lên tiếng lo ngại rằng trẻ em Việt Nam bây giờ nhiều khi thuộc sử Tàu hơn cả sử Việt nhờ…xem phim lịch sử, dã sử của Tàu!), sách truyện Trung Quốc đủ các thể loại võ hiệp kỳ tình, điều tra phá án, tiểu thuyết tình cảm lãng mạn nhẹ nhàng hay táo bạo về sex… tràn ngập ở các hiệu sách lớn nhỏ. Vào tháng 4.2009 nhà nước Việt Nam còn chấp thuận cho mở thí điểm Học viện Khổng tử tại Việt Nam, đây thực chất là một cơ quan truyền bá văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài do nhà nước Trung Quốc tài trợ nhằm mở rộng ảnh hưởng của nền văn hóa Trung quốc…
Về chính trị? Điều này thì rất nhiều nhà trí thức cho đến đảng viên cộng sản lão thành, tướng tá trong quân đội của chính quyền đều đã lên tiếng cảnh báo từ lâu, và rất nhiều lần: chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có một nhà cầm quyền nào bị xỏ mũi dắt dây, bị chơi xấu, bắt nạt…bởi một nhà nước ngoại bang nặng nề trong suốt nhiều năm như thế, chưa bao giờ có một “triều đại” nào hèn hạ, khiếp nhược trước ngoại bang đến thế! Mất đất, mất đảo, mất biển…đã đành, tàu bè của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đánh chìm, ngư dân Việt Nam bị lính Trung Quốc đánh, cướp, bắt nộp tiền chuộc…nhà cầm quyền cũng chẳng dám lên tiếng mạnh, còn cấm báo chí đưa tin nhiều về những chuyện này, sinh viên học sinh biểu tình chống Trung Quốc thì bị công an đàn áp, những người viết báo, viết blog phản đối Trung quốc thì bị chính quyền gây áp lực làm cho mất việc, cuộc sống khốn đốn hoặc phải vào tù vì những tội danh ngụy tạo như tội “trốn thuế” của blogger Điếu Cày…
Sự mất cảnh giác, lệ thuộc từ trong ý thức hay tinh thần nô dịch ngoại bang đã từ từ thấm vào não bộ, linh hồn của những người lãnh đạo từ trên xuống dưới, khiến họ để xảy ra hàng loạt sự việc không thể hiểu nổi, từ vụ báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam lại đưa tin “theo quan điểm của Trung Quốc” về Hoàng Sa, pano kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam lại lấy hình lính Trung Quốc, trang phục mới thay đổi sau ngày 22.12.2009 của một số quân, binh chủng trong quân đội Việt Nam rất giống với quân phục của lính Trung Quốc, phim lịch sử Việt Nam lại để cho người Trung Quốc làm…, thậm chí những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam còn tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng long-Hà Nội đúng vào ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa!
LÒNG YÊU NƯỚC VÀ TỰ HÀO DÂN TỘC BỊ THUI CHỘT
Khi nào một quốc gia bị diệt vong, một dân tộc bị mất nước? Khi đông đảo người dân chỉ biết lo cho cuộc sống và quyền lợi của cá nhân và gia đình; khi nhà nước và những người lãnh đạo đất nước đó hèn hạ, khiếp nhược trước ngoại bang, thậm chí đã bị mua chuộc, nên chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng phái, của nhóm lợi ích mà không nghĩ đến vận mệnh đất nước.
Điều đó rõ ràng đang xảy ra tại Việt Nam hôm nay.
Về phía nhà nước Việt Nam, có lẽ không cần phải chứng minh nữa.
Về phía người dân, từ trước đến nay người Việt Nam vẫn tự hào rằng dân tộc mình có truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh liên tiếp chống lại các thế lực ngoại xâm để giữ vững quyền độc lập tự chủ cho quốc gia.
Song, thực tế hiện nay lại cho chúng ta thấy một sự thật đáng buồn rằng lòng yêu nước ở người Việt Nam vẫn còn nhưng không thể hiện được hết sức mạnh quật khởi của nó vì nhiều nguyên nhân: số đông người Việt đang sống trong nước do bị bưng bít thông tin, không nắm vững tình hình cũng như thực chất của mối quan hệ giữa hai nước Việt-Trung nên bàng quan, hoặc có biết mà mũ ni che tai, cho rằng chuyện chính trị, đối ngoại là chuyện của nhà nước lo, người dân chỉ lo chuyện kiếm sống cũng đã hết hơi rồi còn tâm trí đâu nghĩ đến điều gì khác; bên cạnh đó, chính sự khiếp nhược của nhà nước đã làm thui chột ngọn lửa nhiệt tình yêu nước ở người dân, khi họ bức xúc lên tiếng về những nguy cơ đến từ phương Bắc thì lập tức bị bịt miệng, cách này hay cách khác, khiến họ thêm nản lòng không còn muốn nói nữa. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng nước tuy nhỏ, yếu nhưng nếu lòng dân thu về một mối, quyết tâm chống lại kẻ xâm lược thì chúng ta sẽ chiến thắng, bảo toàn bờ cõi giang sơn và ngược lại. Làm nhụt chí khí, tinh thần quật cường của người dân, điều đó hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam!
Còn lòng tự hào dân tộc ở người Việt Nam? Nếu như tinh thần yêu nước của người Việt Nam hôm nay bị chính sách hèn hạ khiếp nhược của nhà nước Việt Nam làm thui chột đi, thì đời sống xã hội và thực trạng tụt hậu, thua kém về nhiều mặt ngay cả với các nước lánh giềng nhỏ bé chung quanh đã làm cho lòng tự hào của người Việt bị tổn thương, dẫn đến nhiều hiện tượng trái nghịch đáng buồn. Như tâm lý vọng ngoại ở rất nhiều người-cái gì của ngoại cũng tốt, từ cái tăm tre mà dán mác ngoại cũng dễ bán chạy hơn (!) cho đến làm phim cũng nhái theo phim Hàn phim Tàu, lời hát thì chen lẫn tiếng Việt và tiếng Anh, tên ca sĩ, nghệ sĩ cũng nửa Tây nửa ta mới sang…Đã có những bài báo kể những mẩu chuyện về cách ứng xử khác hẳn nhau đối với khách của các cô nhân viên trong các cửa hàng cho đến tiếp viên hàng không, khi thấy khách ngoại quốc thì nụ cười rất tươi, giọng nói dịu dàng hết mực, liên tục “sorry, thank you” mà với khách Việt thì…
Khi bài viết “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của nhân vật Đỗ Ngọc Bích xuất hiện trên báo BBC vào tháng 4.2010, đông đảo người Việt Nam từ trong và ngoài nước đã không thể không lên tiếng, bày tỏ sự phẫn nộ của mình trước những lập luận chứng tỏ một sự kém hiểu biết và một tâm thế nô dịch ngoại bang lộ liễu đến vậy ở một tác giả hoàn toàn là người Việt, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Còn tôi, tôi chợt nghĩ không biết liệu có những ai khác suy nghĩ kiểu như cô Bích này không?
Một nhà nước tự chọn cho mình con đường đi sai lầm trong quan hệ với ngoại bang đến nỗi bây giờ khó bề rút chân ra, mối nguy mất nước đã rất lớn. Nhưng khi một dân tộc thờ ơ với vận mệnh của chính nước mình, mất đi lòng kiêu hãnh, tự hào dân tộc là nguy cơ mất nước lớn hơn gấp bội. Thật ra tôi không tin rằng trong giai đoạn trước mắt Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam. Trung Quốc cần có thêm thời gian để lớn mạnh hơn nữa, vả chăng, trong thời đại ngày nay, có rất nhiều cách để khống chế, thu lợi, “bắt hồn bắt xác” một quốc gia, một dân tộc khác mà không cần phải dùng đến chiến tranh. Còn đến thời điểm cần dùng vũ lực, vừa để tìm chỗ luyện quân, vừa dằn mặt thế giới, chính thức lên tiếng với thế giới rằng một cường quốc quân sự mới, một đế chế lãnh đạo mới đã xuất hiện…thì với Trung Quốc, có sự chọn lựa nào dễ dàng, thuận lợi hơn Việt Nam?
Đụng đến các nước khác, từ Thái Lan nhỏ bé cho đến Nam Hàn, Nhật Bản, Nga, Ấn…đâu phải dễ chơi?
Lịch sử dường như cũng có những điềm báo của nó. Phải chăng vận nước đến ngày lao đao nên xui cho những người lãnh đạo Việt Nam mới dở khôn dở dại hết tính đến chuyện dời đô về tận chân núi Ba Vì, xây trục Thăng Long hình mũi tên bắn thẳng vào Trung tâm hành chính quốc gia (theo cách nói của Tiến sĩ kiến trúc sư Trần Trọng Hanh)…May mà vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận, nhà cầm quyền Hà Nội mới tạm lui bước nhưng ai mà biết sự tạm lui đó là bao lâu khi một ví dụ sờ sờ trước mắt: dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam tốn kém, đầy phiêu lưu mới bị Quốc hội bác bỏ trong tháng 6.2010 thì nay, trong Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 của Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN lại thấy có câu“Nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đường bộ và đường sắt cao tốc Bắc-Nam”!
Lại cũng là điềm báo: nước đến ngày tàn khi “triều đình” gạt bỏ mọi lời nói phải, bắt người yêu nước vào tù còn kẻ phá hoại bất tài thì trọng dụng, việc lớn không lo chỉ lo đi bịt miệng người dân bằng mọi cách; hết ra Quyết định 97/2009/QĐ-TTg bịt miệng giới trí thức, khoa học lại ra Thông tư số 04/2010/TT-TTCP Quy định Quy trình xử lý đơn khiếu nai, đơn tố cáo, đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong đó có quy định cấm khiếu nại tập thể, như vậy là bịt miệng người dân thấp cổ bị oan sai hết đường khiếu kiện; hết tìm cách chặn tường lửa, phá hoại các trang mạng “lề trái” lại bôi nhọ uy tín những cá nhân cất tiếng nói chỉ trích chế độ…
Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/293
No comments:
Post a Comment