Saturday, October 30, 2010

NGUYỄN VĂN SÂM * TRUYỆN NGẮN


Vô Đề

Truyện Ngắn của Nguyễn Văn Sâm




Ngữ cặp nách cái bao thơ đựng bản thảo mới in hồi tối, cầm lo le ly cà phê bước ra khỏi tiệm. Thói quen thường ngày của Ngữ là vô Starbucks mua một ly Frappuccino, kiếm chỗ ngồi xuống ở một cái ghế sofa nào đó trống, nhắm nháp từng chút từng chút, thưởng thức chầm chậm hương vị thơm tho đặc biệt của loại cà phê nầy rồi đứng dậy lửng thửng ra cửa khi ly còn độ nửa phần. Gió buốt tháng cuối đông thổi ù ù lạnh cắt tai như thì thầm rũ gọi về nơi miên viễn. Ngữ rùng mình kéo cao cổ áo hơn, co ro bước lần đến chỗ đậu xe.

Như là hơi choáng váng, như nghe đâu đó đau đau nhè nhẹ trên nửa đỉnh đầu bên mặt. Đứng lại một phút để định thần và nín thở để cơn đau lướt qua. Chẳng biết có gì quan trọng không mà chuyện bực mình nầy xảy ra hoài hoài, khám bệnh với biết bao thử nghiệm chẳng thấy gì, mất thời giờ mà triệu chứng trở đi trở lại hằng xuyên như những lời quảng cáo rao hàng trên mấy đài phát thanh địa phương lúc nầy nở rộ trên khắp đất nước định cư.


Ngữ nói với căn bịnh bằng cái mỉm cười hơi meo méo miệng: ‘Mầy đã lớn, đã ngon lành thì hiện ra đi, chớ mờ ớ ẩn ẩn hiện hiện tao chán quá rồi, chắc tại hồi tối tao nhâm nhi mấy ly rượu với ba con tôm khô cũ mốc để từ thời cố Hỉ cố Lai tới giờ chứ gì?’ Lại có cơn đau nữa nhoi nhói. Ngữ tiếp: ‘Hay là tại ăn uống mỡ mòng, lòng heo, lòng gà bao nhiêu năm trước khi qua đây? Lâu rồi bạn ơi, bỏ qua đi Tám.’ Ngữ cố tình khôi hài với căn bịnh của mình.

Có tiếng ai đó hỏi trước mặt: ‘Sao nói lẩm bẩm một mình vậy chàng, uống cà-phê mà cầm ra ngoài trời lạnh còn đâu là hương vị?’ ‘Muốn vào lại không, trong đó còn cái sofa trống, tao thích ngồi chỗ đó hơn’ ‘Nghe nói độ rày mầy buồn lắm, tới độ chán đời lận, vậy mà còn chọn chỗ ngồi nữa sao? Thôi vô lại nói chuyện đời chút chút chơi.’ Hai người bạn ngồi yên, nhìn bâng quơ ra ngoài cửa kính, tôn trọng sự suy nghĩ của nhau.

Chừng mười phút, Ngữ phá tan bầu không khí quá tĩnh lặng: ‘Nói tao chán đời là sai. Tao vẫn yêu đời, vẫn còn sẵn sàng đón nhận những thực phẩm của trời đất, vẫn chia sẽ vui buồn của cuộc đời với người chung quanh, vẫn làm tròn bổn phận với các thành viên của gia đình. Nhưng hơn một năm nay tao không còn tha thiết với chính đời sống nầy nữa cũng như không thấy quí cái con người của tao nữa. Nó lạnh băng nằm đó, hay hóa hư không cũng chẳng còn quan trọng gì.’


Đôi mắt thằng bạn ngạc nhiên mở to chăm chú nhìn Ngữ. ‘Nghĩa là tao cảm nhận cái chết chẳng có gì đáng sợ hải và sự hiện hữu của cá nhân anh chàng Ngữ bằng xương bằng thịt được cái tâm linh vô ảnh gọi là Ngữ đón nhận một cách hững hờ, băng giá.’ ‘Mầy làm cho cuộc đời rắc rối ra thêm. Cá nhân bằng xương thịt và tâm linh vô ảnh phải kết hợp làm một mầy mới hiện hữu, mới hoạt động được. Không có chuyện tách ra làm hai của hai thứ nầy đau con, đừng nghèo mà ham.’ Một cái cười phá hơi lớn như khỏa lấp câu chuyện đang có vẽ nặng nề. ‘Ông đi đàng ông, bà đi đàng bà là không có tui à nhe!’

‘Có thể tao không lý giải được tâm trạng mình nhưng tao dửng dưng và vô cảm với sự chết sống. Hồi đó nghe những chuyện tự kết thúc đời cách đặc biệt như Ernest Hemingway của Mỹ, Kawabata của Nhật, gần đây nghe Keven Carter của Nam Phi, Nguyễn Tất Nhiên của Việt Nam tao nghĩ là mấy ông văn nghệ sĩ nầy vô lý bỏ mẹ, nhà văn nhà thơ, nhà nhiếp ảnh nghệ thuật mà, mầy biết đó, lộn xộn rắc rối kinh khủng, họ có những ý nghĩ khác thường lắm, giờ mới thấy họ có cái lý mà mình không thông hiểu được.’


Ngữ đổi tư thế ngồi, đưa chưn thẳng ra trước mặt, thoãi mái chờ đợi một câu hỏi. Người bạn húp một ngụm chocolate nóng, ngó đăm đăm vô mắt Ngữ: ‘Cuộc đời nầy luôn luôn có lý và quí giá đối với đa số chúng sanh, nhưng tới lúc nào đó, đối với một cá nhân đặc biệt nào đó, chẳng đáng một đồng xu ten.


Phải không?’ Ngữ mỉm cười gật đầu, nói nhỏ: ‘Nhưng tao không đặc biệt!’ Người bạn đổi giọng thân mật và nghiêm chỉnh: ‘Làm bác sĩ mình không giải quyết được ý tưởng khác thường của cậu, nhưng mình nghĩ cậu có bịnh gì đó cậu dấu thin thít không nói ra cho anh em. Cũng có thể cậu đang bị bịnh … xuống tinh thần, bệnh trầm cảm. Đây cũng là một thứ bịnh cần bác sĩ chuyên môn chẩn đoán. Phòng mạch mình luôn luôn mở cửa đối với bạn bè, hôm nào hưỡn huỡn bạn ghé tới. Lựa lúc hơi chiều chiều tụi mình đi ăn cơm luôn. Đừng để lâu không tốt.’

Ngữ xiết chặt cái bàn tay mập tròn và trắng trẻo của bạn thay lời cảm ơn. Anh nói trong khi từ tốn mở cái bao thơ đựng bản thảo nảy giờ để trên đùi: ‘Thôi chuyển đề tài! Khoe với mầy đứa con tinh thần mới của tao, sắp hoàn thành chỉ còn chương cuối và kết luận ngăn ngắn là xong.’ Người bạn nhìn sơ qua cái tựa, lật lướt vài trang, đọc đứt khoản thật mau, nói: ‘Nhân vật lịch sử nầy cần phải được những người như mầy viết để sự thật về biến cố đau thương vừa qua được đánh giá đúng mức.’

‘Tao say mê đề tài nầy nhưng viết rồi lại sợ. Sợ ý nghĩ của mình nổ ra những tranh luận vô ích. Xưa còn trẻ viết nhiều khi không cần đọc lại và hãnh diện vì điều ngang ngạnh đó, bây giờ lớn tuổi rồi đâm ra sợ chính những điều mình viết. Sợ lắm mà cái nghiệp nó bắt cứ viết hoài.’

Chia tay bạn, Ngữ loay hoay với ý nghĩa mình đang bị bịnh xuống tinh thần, một căn bịnh tâm lý do cuộc sống quá nhiều chuyện thị phi không đâu kéo tới hằng ngày. Anh lý luận với chính mình, mình có lo lắng gì đâu, đã gọi là dửng dưng làm sao có lo lắng, còn nói chuyện cười vui bình thường sao gọi là trầm cảm được? Và Ngữ lúc lắc đầu như muốn xua đi những điều lẩm cẩm… Anh đong đưa gói bánh ngọt người bạn nài nĩ cầm về để ăn buổi xế xế trưa khi buồn miệng.


Một người da trắng râu quai nón, cao lỏng khỏng bước tới xe trước khi cửa được mở, ông ta mỉm cười đau khổ khi Ngữ ngừng tay lại. Ngữ lên tiếng trước: ‘Chào anh, trời lạnh ha! Mấy hôm nay trời lạnh đột ngột quá!’ Lại cái cười làm thân như thường thấy của những người chưa quen. ‘Lạnh thì có lạnh, nhưng lạnh bên trong lòng kẻ không nhà tê tái hơn nhiều.’ Anh ta vừa nói vừa ngó chăm chăm ly cà phê trên tay Ngữ.

‘Xin lỗi, tôi uống dang dỡ, bạn có thể dùng mấy cái nầy.’ Ngữ đưa nguyên gói bánh cho người không nhà. ‘Lạnh quá chớ không thì tôi đi vào mua ly khác cho bạn.’ ‘Tôi là Cựu Chiến binh Mỹ ở Việt Nam, Từng đóng ở Cat Lo, Vung Tau. Có nhiều kỷ niệm thời trẻ của tôi với cái xứ dễ thương của anh….’ ‘Chúng ta là những người đã tham dự một cuộc chiến kỳ quặc, anh thấy đó, đất nước tôi đến bây giờ vẫn chưa khá gì hơn xưa.’ Ngữ lục lọi trong túi mấy tờ giấy bạc nhăn nhíu, tránh móc bóp trước mặt người lạ. ‘Anh bạn cầm đở vui mùa Christmas nầy. Chỉ được có bấy nhiêu vì tôi cũng chẳng may mắn gì hơn bạn lắm đâu.’


Người đàn ông râu quai nón tiếp lấy tiền, bàn tay run run vì cảm động. ‘Cám ơn ông, ông dễ tin người quá, đứng nói chuyên thân mật kiểu nầy ông có thể bị nguy hiểm như chơi.’ Ngữ mở cửa xe, leo lên chỗ ngồi, quay cửa xuống nói ra, giọng thiệt vui: ‘Vậy đó, tôi thà bị nguy hiểm hơn là bỏ lỡ dip giúp một người mình có thể giúp.’

Hai người vẫy tay như đôi bạn thân thiết lâu ngày. Ngữ quay kiếng xe lên, ngó theo cử chỉ co ro của người kia vừa đi vừa thưởng thức cái bánh của mình mà thấy thơ thới trong lòng, cảm giác thanh thản trước những hành vi thiệt bình thường của cuộc sống. Trong kiếng chiếu hậu Ngữ thấy anh ta còn cố quay người lại để chào lần nữa bằng cánh tay cầm gói bánh giơ lên cao và giọng hét thiệt lớn như muốn át đi tiếng gió: ‘Chào ông Già Noel, chúc ông Già Noel vui….’

Ngữ chép miệng: ‘Cám ơn thực phẩm của đời.’ Mở mắt ra Ngữ thấy mình nằm ở chỗ lạ. Chỉ nhớ được là mình đã té lúc sáng sớm khi thức dậy đi tiểu vài lần như mọi đêm. Cái té chẳng khác trời giáng và anh nằm mẹp dưới đất luôn, Bà ấy dắt con Ki đi ra công viên sớm, lúc ấy kêu cứu cũng chẳng có ai ở nhà. Bây giờ thức giấc thấy mình nằm trong một căn phòng hơi xập xệ như là một nhà thương dưỡng lão.

Cùng phòng có cái giường của một ông già cũng dây nhợ chằng chịt như mình. Đầu óc tỉnh táo, Ngữ đão mắt quan sát tuy hơi chóng mặt một chút. Cố gắng nhúc nhích cái đầu qua một bên để nhìn rõ hơn chung quanh nhưng không thể được. Thử ểnh ngực hay chuyển động phần bụng cho đở mõi cũng không xong. Ngó xuống chưn thì thấy bít bùng, thử nhúc nhích bàn chưn thì cứng ngắc như thân thể tạc bằng đá. Chỉ có bắp thịt mặt và hai bàn tay là còn cử động chút chút được thôi.

Những người của gia đình ông già nằm giường bên tưởng Ngữ mê man nên mặc sức bàn tán cò kè nhau về số tiền bảo hiểm sẽ nhận được. Ngữ nghe mà ngao ngán, muốn tỉnh dậy để khám phá thêm nữa những thực phẩm chua chát của đời. Con chị lớn cong cớn nói với đứa em Út vốn lâu nay nuôi cha mình: ‘Mầy lấy tiền già của ổng mầy đóng tiền bảo hiểm thì tiền nhận được ít nhứt phải chia cho ba chị em mình, sao mầy đòi lấy hết? Mầy giàu mà còn tham.’


‘Tôi phải nuôi ổng mấy năm nay, vợ con cằn nhằn cực khổ biết là bao nhiêu, tiền đóng bảo hiểm đó là tiền của tôi bỏ ra vì tiền già của ổng bỏ vô chi phí ăn uống, thuốc men và đưa ổng gỡi về Việt Nam cho má và bà con. Bộ chị tưởng tám trăm hằng tháng đủ sao chớ? Hồi đó giao cho chị nuôi chị lấy tiền đó sao không chiu lãnh?’

Tiếng người khác, như là người anh của thằng Út: ‘Mầy nói vậy mà nghe được sao, cha là cha chung thì tiền bảo hiểm của ổng là của chung phải chia ba mới công bình. Mầy làm bác sĩ giàu quá rồi còn đòi lấy hết coi sao được.’ ‘Giàu thì sao, tôi học là tiền vay nợ chứ đâu có học bằng tiền của ba đâu, khá chút đỉnh là nhờ bên nhà vợ, hồi đó ba giàu nuôi mấy người ăn học, không lo học bây giờ than nghèo, khó nghe quá…’

Ông già chợt trở mình, thở hắt ra, cái máy chỉ nhịp đập tim của ông bây giờ biểu diễn một lằn xanh dài nằm ngang, tiếng bip bip cũng êm ru…. Cuộc cải vả xào xáo tạm tan, còn lại là sự ồn ào của tiếng khóc than không nhiều tình cảm. Ngữ nhắm mắt giả tình không hay biết gì về hoạt cảnh chung quanh. Tôi bỗng nhiên thấy mình muốn sống hết sức. Hình như tôi chưa biết tình đời kỳ khôi như vậy của ba chị em trong một gia đình mà người nào người nấy cũng lớn hết, cũng thành nhơn chi mỹ hết.


Lỗ mũi ngứa quá muốn đưa tay lên gãy mà dòm lại thì thấy tay mình không nhúc nhích được. Tôi nhắm mắt, vận dụng hết sức bình sanh để điều khiển bàn tay, nó cũng trơ trơ, chắc là tôi bị liệt toàn thân rồi. Cổ họng khô rang, khát nước như đương đi trong sa mạc và đói bụng quá chừng. Đói còn hơn lúc linh đinh ba bốn ngày trên biển cả.


Tôi nhớ lại ông bà mình nói người sắp chết thường khao khát sống, hiện tôi muốn sống quá chừng qua đổi đi. Phải cầu Phật Bà Quan Âm, Phật Tổ độ cho tôi đươc sống. Tôi chưa hiểu hết cuộc đời nầy mà. Chiến trận. Tù đày. Nhục nhã. Đạp xích lô. Vợ bỏ. Con bỏ. Tôi nhớ hết từng chuyện từng chuyện với thiệt là đầy đũ chi tiết như có khúc phim video chiếu chậm trong đầu. Nghe văng vẳng người bạn nói ‘buông xã, buông xã, đừng nhớ chuyện cũ, nhứt là chuyện đau khổ thù hằn’. Tôi nhắm mắt lại một lúc thiệt lâu.


Nhớ đến những chuyện mình làm tốt. Cứu đồng đội. Giúp người khổ nạn. Sống chết hết mình với bạn đồng thuyền trên biển cả. Hổ trợ cho bạn bè thất cơ lỡ vận…Tiếng người bạn tiếp tục: ‘Buông xã, buông xã, cũng đừng nghĩ tới đến chuyện mình làm tốt ngày trước nữa vì càng nghĩ nhớ thì hồn linh càng bám víu vào đời.’ Như là người bạn hát nho nhỏ bài ca chúng tôi rất thích hồi đó, lâu lắm rồi.Tôi đưa tay lên tắt bài hát…. Ngữ mở mắt ra thì thấy mình đương ở phòng khác, người nhà và bạn bè đứng lố nhố quanh giường, không có vợ Ngữ, chỉ có thằng bạn thân. Người bạn nắm tay Ngữ thân thiết, bịnh nhân cảm giác mình sắp chảy nước mắt. Người bạn hỏi: ‘Biết ai đây không?’ Tiếng trả lời không biến thanh và phát ra với đầy đủ yếu tố tình cảm chứa trong ngôn ngữ nhưng thiệt yếu như mõn hơi, gần sát bên mới nghe được.


‘Phòng mạch đóng cửa sớm đi thăm bạn hả?’ Người bạn bóp tay Ngữ như từng được bóp cách nay ba tháng trong tiệm cà phê Starkbucks, cười gượng gạo: ‘Vậy là cậu ngon lành rồi, ráng tỉnh lại để viết cho xong quyển sách đi nhe, mọi người chờ đó. Cậu viết được lắm. Số một!’ ‘Còn bốn quyển nữa chứ không phải chỉ có quyển đó thôi.’ Ngưòi bạn buông tay Ngữ ra, xoa xoa dài theo cánh tay trần của Ngữ, mắt nhìn thẳng vào mắt anh lúc nầy đã từ từ nhắm lại, gương mặt xanh xao thất thần.


“Cậu nói với tôi đi, cậu muốn gì, điều cần nhứt là phải thanh thản, buông xã, buông xã. Đừng nghĩ ngợi lung tung. Đừng nghĩ tới hận thù hay điều bất hạnh trong đời.’ Người bịnh mắp máy đôi môi, tiếng nói đã biến âm và rất nhỏ, thì thào xa xăm… ‘Khát nước và đói bụng lắm cậu à. Mình chắc sẽ đi vì đói khát. Buồn ghê!’ ‘Cậu không nên nói vậy, nên nghĩ đến những điều đã làm tốt trong đời. Nhân duyên tốt được gợi về làm cho tâm thức mình phấn chấn hơn, nhiều khi bịnh lại lui.’

Ngữ nhớ tới những lúc giúp người, những khi xã thân và lúc dốc túi mình vì ngưòi thiên hạ không quen. Anh thấy thanh thản tuy rằng khát nước quá độ. Anh thiếp đi, bàn tay trơ trơ trong tay người bạn, cố nói câu: tôi không biết mình đương ham sống hay đương buông đời sống. Nhưng tiếng nói không phát ra được, mắt anh nhắm nghiền mệt mõi thiệt là mệt mõi.

Người bạn áp mặt mình sát tai Ngữ nói buông xã, buông xã rồi hát nho nho: Hãy nói về cuộc đời. Khi tôi không còn nữa. Sẽ lấy được những gì. Về bên kia thế giới, Ngoài trống vắng mà thôi, Ngữ ơi và tình ơi.[1]

Có tiếng đàn bà hơi lớn giọng trước phòng. Người bạn đứng dậy, thở dài, im lặng bước ra, rữa tay bằng chất tẩy trùng được gắn gần bên cửa ra vào. Vô tình anh thấy tấm bảng dán ở đây bằng hai thứ tiếng mà lúc vào vô ý chẳng thấy: ‘Vì sức khỏe của bệnh nhân, xin bà con bè bạn đừng vào phòng.’


Người bạn chợt húng hắng ho, anh nhìn hàng cây xơ xác trước cổng bệnh viện, gió đông lạnh thổi bay trần trụi thêm những chiếc lá trên cành vốn đã lơ thơ…. San Jose, CA, Dec 22, 09 Nguyễn Văn Sâm
__

[1] Thơ Du Tử Lê, nhạc Anh Bằng.

No comments: