NGÀN NĂM THĂNG LONG - NHÌN LẠI
Có một số quan chức hay nhấn mạnh mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc… Truyền thống ở đây được hiểu theo mối quan hệ anh em, đồng chí, mối quan hệ “môi răng”. “Môi hở răng lạnh”.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi vẫn nghĩ như vậy, tin son sắt mối quan hệ “Núi liền núi, sông liền sông”, mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” như vậy.
Nhưng rồi, qua năm tháng tôi dần nhận ra, không có sự giúp đỡ vô tư giữa các dân tộc. Giữa các dân tộc chỉ có quyền lợi. Một thời ấu trĩ, chúng ta chưa một lần hoài nghi ,chưa một lần biết cảnh giác ! Trong không khí cách mạng sôi sục tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa tư bản chúng ta luôn tự hào là người lính ở tuyến đầu chống Mỹ, là tiền đồn xã hội chủ nghĩa, là ba dòng thác cách mạng! là đội quân cảm tử giữ thành trì chủ nghĩa xã hội!
Giá tỉnh táo hơn, chúng ta không khó để nhận ra chúng ta đang bị những nước lớn có cùng thể chế chính trị biến thành phên dậu, thành người lính xung trận trên tuyến đầu chống đế quốc. Chúng ta đã gắn kết công cuộc chống đế quốc và giải phóng dân tộc làm một , cái này là tiền đề cho cái kia . Ở thời điểm sau 1945 không dễ nhận ra nhầm lẫn lịch sử này … Công cuộc giải phóng dân tộc là cao cả là thiêng liêng. Vì nó mà chúng ta sẵn sàng đương đầu với cả phe đế quốc dù phải hy sinh tất cả, kể cả xương máu. Và sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác là vô cùng quý giá. Uống nước nhớ nguồn! Đấy là tư tưởng Nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi đã dạy chúng ta. Biết ơn để trả ơn chứ không phải trả oán.
Nhưng nếu vì ơn nghĩa mà nhân nhượng, mà im lặng, hoặc không dám nói rõ, không dám làm sáng tỏ, công khai minh bạch mọi âm mưu của kẻ thù khi lợi dụng lòng tin của nhân dân ta để “cho Việt Nam bài học!” để lấn đất, lấn biển của chúng ta, thì đấy lại là sự xúc phạm đến lòng tự tôn của dân tộc ta.
Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long là cơ hội tốt nhất để tôn vinh tổ tiên đã vượt qua mọi thử thách, gian lao hết đời này đến đời khác giữ vững giang sơn, gấm vóc như ngày nay chúng ta thừa hưởng. Và đây cũng là dịp ôn lại những bài học mà cha ông đã đúc kết qua trường kỳ lịch sử. Một trong những bài học ấy là không bao giờ được mơ hồ trước kẻ thù.
2/ Kẻ thù của chúng ta …
Lịch sử còn ghi lại rành rẽ chúng ta có hai kẻ thù chính. Đó là “nghìn năm đô hộ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây!”
Về thời gian, giặc Tàu đô hộ dân ta gấp mười lần giặc Tây, và tàn bạo chắc cũng nhiều lần hơn giặc Tây. Đơn giản, một đằng là sự tàn bạo phong kiến, một đằng là sự tàn bạo của tư bản.
Tổng kết một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, may mắn chúng ta chưa bị biến thành phiên bang của họ.
Nhưng về mặt văn hóa tư tưởng, chúng ta bị ảnh hưởng rất nặng Khổng giáo. Ảnh hưởng ấy đã thấm vào máu thịt, xương cốt của từng người Việt cho đến hôm nay – cả mặt mạnh và mặt yếu của nó.
Một trăm năm đô hộ giặc Tây, dẫu sao ngoài sự bóc lột tàn bạo, người Pháp vẫn còn để lại cho chúng ta một nền văn hóa phương Tây, một nền triết học phương Tây, một nền tư tưởng phương Tây tôn trọng Tự do – Bình đẳng – Bác ái, tôn trọng quyền con người… Ở mặt vật thể, người Pháp để lại cho chúng ta một đất nước tiền công nghiệp với những quy hoạch kiến trúc khoa học, tiến bộ, chặt chẽ hòa hợp từ hệ thống hạ tầng như đường bộ, đường sắt, đường biển với các cảng, hệ thống thoát nước và các đô thị từ Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cần Thơ, An Giang… Hôm nay nhìn lại, những nhà kiến trúc, quy hoạch Việt Nam vẫn còn không hết lời ca ngợi.
Đấy là sự thực khách quan không ai tôn trọng sự thực mà nói khác được!
3/ Âm mưu và tội ác của kẻ thù
Không ai hơn Nguyễn Trãi, khi ông tổng kết tội ác của giặc Tàu trong “Đại cáo bình ngô”. Trong Bình Ngô, Nguyễn Trãi chỉ ra nguyên nhân việc mất nước, đó là
“Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.”
Bọn này thời nào cũng có. Đừng nghĩ chỉ có thời cổ, cận đại mới xuất hiện bọn ôm chân kẻ thù mà thời hiện đại không có. Đúng ra ở thời hiện đại nhờ mạng Internet, nhờ toàn cầu hóa, nhân dân nhận ra chân tướng bọn này dễ hơn, rõ hơn, chính xác hơn. Thật ấu trĩ khi nghĩ rằng trong thời đại bùng nổ tin học hôm nay mà hy vọng dấu được dân những điều ẩn khuất!
Và đây là bản án mà Nguyễn Trãi đã tố cáo trước bàn dân thiên hạ tội ác của giặc phương Bắc:
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối Trời, lừa dân đủ muôn ngàn kế”
………
Độc ác thay trúc Nam Sơn khôngi ghi hết tội,
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha
Ai bào thần dân chịu được”.
(Bản dịch của Bùi Kỷ)
Ở thời cận đại, giữa lúc thực dân Pháp đang xâm chiếm nước ta thì Tổng đốc lưỡng Quảng Trương Thụ Thanh tâu với Thanh Triều: “Nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau, mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy các tỉnh bắc sông Hồng.” Và cũng chính Thanh triều sau đó lại ký hòa ước Giáp thân (1884) với Pháp giao cho nước Pháp tự do xếp đặt mọi việc ở nước Nam” (1)
Đến thời hiện đại. Ai quyết định ở hiệp định Giơ ne vơ chia đôi đất nước ở vĩ tuyến 17, tấp kết, chuyển quân,…Hai năm sau tổng tuyển cử … Pham Văn Đồng hay Chu Ân Lai? Có thể Phạm Văn Đồng còn cả tin sau hai năm tổng tuyển cử, đất nước sẽ thuộc về ta, chứ Chu Ân Lai thì hiểu rõ điều này … Tại cuộc họp ở Liễu Châu, đầu tháng 7 năm 1954 khi nghe Chu Ân Lai trình bày việc phân chia Việt Nam thành hai miền từ vĩ tuyến 17 “Bác và chúng tôi đều ngỡ ngàng” (2).
Hãy chưa muộn , nếu nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan với trách nhiệm trước lịch sử cho những thế hệ sau biết rõ vì sao, sau hiệp định Giơ ne vơ khi khôi phục con đường sắt từ Đông Anh đến cửa ải Nam Quan do người anh em “môi răng”giúp lại làm ga Đồng Đăng cách ải Nam Quan 500 m, như ông đã nói với hơn 200 nhà văn chúng tôi ở hội trường Ban tuyên huấn TW, 10 Nguyễn Cảnh Chân Hà Nội trước đây. (lúc ấy Vũ Khoan là thứ trưởng bộ ngoại giao).
- Rồi việc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974.
- Xúi dục , hỗ trợ Khơ me Đỏ quấy phá biên giới Tây Nam Việt Nam sau 1975.
- Năm 1979 đem quân qua “dạy cho Việt Nam bài học!”
- Năm 1988 tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa!
…………
Cho đến hôm nay, lúc tôi viết bài này, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc như một dòng sông êm ả… ở bên trên, nhưng ở dưới tầng sâu thì đang dậy sóng. Đúng ra, chưa bao giờ mối quan hệ Việt – Trung mang tính hữu nghị thực lòng. Mọi sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Việt Nam bao giờ cũng ẩn chứa những ý đồ, những mưu toan cho quyền lợi dân tộc họ.
Trong lúc hết mình giúp ta đánh Mỹ như vậy, cuộc họp “ bóng bàn” ở Thượng Hải năm 1972 diễn ra tưởng như vu vơ, nhưng hàm chứa sự mở đường cho Mỹ đánh phá nước ta. Ở mặt nào đó, cuộc họp bóng bàn không khác hòa ước năm Giáp thân 1884: “Nước Tàu để cho nước Pháp được tự do xếp đặt mọi việc ở đất nước Việt Nam” (3)
Tôi hiểu, bây giờ là thời “nhạy cảm” để đòi lại đất và đòi lại đảo. Nhưng trước lịch sử chúng ta phải chịu trách nhiệm về đất và đảo đã mất. Và bằng mọi cách chúng ta phải đòi lại cho được những gì mà “người đồng chí, anh em chung một chiến hào” một thời và cho đến nay vẫn đang cùng một thể chế chính trị cùng với những khẩu hiệu thật đẹp: “16 chữ vàng”, “4 tốt” đã dùng vũ lực để chiếm và đang hợp thức hóa và khai thác tài nguyên trên biển đảo của ta.
Lịch sử quan hệ Việt – Trung chưa bao giờ mang thực chất tính truyền thống tốt đẹp như một số người nào đó cố tình “ép dòng sông chảy ngược”.
Nếu có lúc nào đó, chúng ta thấy mối quan hệ Việt – Trung mang truyền thống hữu hảo, thì đấy là sự ngộ nhận, hoặc là sự nhầm lẫn vì cả tin, vì vô tư, vì trái tim trong sáng … của ta. Nhưng với Trung Quốc, trước sau, tư tưởng đại Hán vẫn là tư tưởng chính thống!
Lúc này đòi hỏi việc giữ toàn vẹn lãnh thổ đất nước – khi đã bị Trung Quốc đánh chiếm, hay lươn lẹo mà lấn chiếm rồi hợp thức hóa bằng nhiều con đường – là điều cực khó. Nhưng vì cực khó mà chúng ta không có kế sách, thiếu bản lĩnh và trách nhiệm trước lịch sử mà e dè, ấp úng… thì mối nguy hại thật khôn lường! Bác Hồ đã từng dạy: “Việc khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
4/ Lòng yêu nước là thứ của quý được hun đúc qua ngàn năm lịch sử
Con đường cứu nước là con đường khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân. Mỗi người có cách yêu nước của riêng mình. Có người bức xúc mang khẩu hiệu đến đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam. Có người viết báo, viết sách lên án hành động cướp đảo, bắt tàu đánh cá của ngư dân đánh bắt cá trên lãnh hải của mình. Có những cuộc hội thảo của các nhà khoa học, lịch sử… về Hoàng Sa và Trường Sa… Đấy là tiếng nói của một nhân dân có trách nhiệm trước đất nước bị xâm phạm. Đấy là điều đáng tự hào, đáng trân trọng và tôn vinh. Nhà nước nên khuyến khích và tôn vinh họ hơn là ngăn cản họ.
Con đường của nhà nước ta hôm nay là phải tìm cách của mình để, không phải chỉ giữ đất nước ổn định mà trước tiên đủ lực để đòi lại đất của tiền nhân để lại. Một tấc đất cũng là xương máu của tiền nhân. Vì thấy khó mà đùn đẩy cho thế hệ sau là thiếu trách nhiệm. Người thiếu trách nhiệm với đất nước không thể gọi là người yêu nước!
Người yêu nước là người khi đất nước lâm nguy, biết lắng nghe ý kiến muôn dân, phải hiểu sâu sắc dân là nước, lật thuyền là nước và đỡ thuyền cũng là nước. Phải coi dân là gốc của nước. Còn dân là còn nước. Khi dân ngoảnh mặt đi với chính quyền đấy là lúc vận nước lâm nguy. Trước họa nước nhân dân mong được minh bạch và trong sáng. Đừng bao giờ có thể nghĩ ngăn được sức mạnh của lòng yêu nước trong nhân dân. Khi đến đỉnh điểm, lòng yêu nước là những ngọn thác! Nguyễn Trãi từng nói:Chìm thuyền mới biết dân như nước ,Chở thuyến ,đắm thuyền cũng lại là dân.
Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long gợi ta nhớ về cha ông trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Ta nhớ chí căm thù mãnh liệt vượt qua tính cách yếu đuối của thân phận nữ nhi. Trưng Trắc và Trưng Nhị lật đổ ách đô hộ man rợ của nhà Đông Hán đầu công nguyên (năm 40-43). Lý Thường Kiệt và Tôn Đản mang quân qua đất Tống chặn ngay âm mưu cướp nước ta của Tống Thần Tôn và Vương An Thạch. Rồi cuộc chiến tranh dữ dội nhất trong lịch sử 3 lần chống đế quốc Nguyên Mông của triều Trần gợi cho Trần Hưng Đạo những suy nghĩ sâu sắc về kế sách giữ nước “cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả”“… Khi thấy công danh khó thành, việc dễ hỏng, thì cần nghĩ việc giữ nước trước khi có nguy.” (5) Quang Trung đại phá quân Thanh chỉ có 3 ngày đêm. Trở về Phú Xuân Người nhờ Trần Văn Kỷ, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thảo ngay “chiếu lập học” và “chiếu cầu hiền”. Thời hiện đại, Hồ Chí Minh vừa diệt giặc đói, vừa diệt giặc dốt vừa diệt ngoại xâm. (4) . Lê Lợi và Nguyễn Trãi nằm gai nếm mật hàng chục năm để đuổi quân Minh về nước. Nguyễn Trãi đã đúc kết cho muôn đời nhiều bài học vô giá. Điều quan trọng là lòng phải thành, tâm phải sáng. Tôi đọc đi đọc lại bài “Chiếu giáng tư tề làm quận vương mệnh thứ tử Nguyên Long ; kế vị” mà cảm như Nguyễn Trãi đang đọc hết lòng dân thời hiện đại;
Giặc đói, giặc dốt nay đã tạm ổn, điều còn lại là ngoại xâm. Ai là kẻ thù hôm nay? Câu hỏi không khó trả lời mà vì… tế nhị… vì nhạy cảm. Lịch sử vẫn còn rõ như in những anh hùng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước : Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Tôn Đản, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi – Nguyễn Trãi, Quang Trung… Đến thời hiện đại là Hồ Chí Minh là Võ Nguyên Giáp … Thế hệ như chúng tôi sinh ra và trưởng thành trong chế độ mới, đáng lẽ phải thõa mãn với nền độc lập vừa giành được,nhưng sao lòng vẫn man mác buồn , bởi nền độc lập ấy chưa trọn vẹn . Hãy bắt đầu từ Hiệp định Giơ-ne-vơ, rồi đến câu chuyện con đường sắt Đông Anh-Ải Nam Quan, thời chống Mỹ là cuộc hội nghị bóng bàn Thượng Hải, là cuộc chiến giành lấy đảo Hoàng sa năm 1974 giết hại hơn 50 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa. Thời sau chiến tranh năm 1975 là Khơ me Đỏ với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, cuộc chiến năm 1988 chiếm một số đảo ởTrường Sa giết hại hơn 80 binh sĩ của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN!!!
Lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là lịch sử giữa nước lớn và nước nhỏ. Nước lớn luôn tìm mọi cơ hội để thôn tính nước nhỏ, nếu không thì cũng bắt lệ thuộc, cống nạp như thới phong kiến. Thời hiện đại thì tinh tế hơn, khôn ngoan hơn …Nhưng chương cuối cùng của thể chế chính trị vẫn là bắt nước nhỏ lệ thuộc và làm phên dậu cho nước lớn , chờ khi có điều kiện thì hoặc dùng mưu mẹo ,hoặc dùng vũ lưc xâm chiếm.
Bây giờ thì tôi lại nhớ nỗi lo sợ từ “Diễn biến hòa bình”. Chính thái độ không rõ ràng, thiếu minh bạch của một số quan chức như nêu trên là mối nguy hiểm to lớn từ “Diễn biến hòa bình”.
Nguyễn Trãi đã nói :Triều đình mà đặt lòng tin không đúng chỗ thì đấy là cái họa vô cùng của đất nước!
Và CẢNH GIÁC, đấy là bài học không bao giờ cũ!
TP.HCM ngày 19/8/2010
HLG
_______________________________________________
(1) An Nam sử lược – Trần Trọng Kim tr 540 – Tân Việt – Sài Gòn.
(2) Điểm hẹn lịch sử – Võ Nguyên Giáp . Tr 407
(3) An Nam sử lược – Trần Trọng Kim tr 540 – Tân Việt – Sài Gòn
(4) An Nam sử lược – Trần Trọng Kim . tr161
(5) Ức Trai tập – tạp thượng – tr167
——
* Nhà văn Hoàng Lại Giang – Tiểu sử.
- Các bài viết liên quan: Tôi đang viết về ông Sáu Dân (Người lao động – 28/6/2008); Nhà văn Hoàng Lại Giang:Người chiêu tuyết cho Trương Vĩnh Ký (Văn nghệ Trẻ/Phong Diệp); Số phận của ‘Chân dung Nhà văn’ (BBC News – 5/6/2008); Hành trình tìm lại cội nguồn : một công trình lịch sử đáng được quan tâm (Văn chương Việt – 10/11/2008); Kỉ niệm trong một chuyến đi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Tuần VN-29/5/2009).
- Các bài trên trang BS: + 450. Đôi lời gởi hai ông đại sứ TQ tại VN; + 556. BẢN CHẤT CỦA LỊCH SỬ.
No comments:
Post a Comment