Trung Tướng Nguyễn Hoà Phê Phán Tổng Bí Thư CSVN "Sai Phạm Nghiêm Trọng" Trung Tướng Nguyễn Hoà Nhiệm kỳ qua, đồng chí Nông Đức Mạnh cũng đã có một số cố gắng. Nhưng xem xét nghiêm túc về một người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta thì đồng chí Mạnh có nhiều lỗi, có nhiều sai phạm và sai phạm nghiêm trọng. Một số ví dụ: Là Tổng Bí thư, khi đồng chí Đào Duy Quát về vụ Năm Cam, Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh thì đồng chí Mạnh trả lời rằng hãy khoan, hãy chờ đã. Nhưng khi đồng chí Quát và đồng chí Hồng Vinh phổ biến lại cho các báo chí, báo chí phản ứng thì đồng chí Mạnh chối và nói rằng Tổng bí thư không bằng lòng, để cho đồng chí Hồng Vinh chịu trận. Khi báo chí đưa ra vụ Năm Cam v.v... thì đồng chí Mạnh (đứng đầu Ban Bí thư) triệu tập cuộc họp với Tổng biên tập các báo uốn nắn răn đe (Điều này cả nước và báo chí đều biết). Đến lúc xử xong Năm Cam chịu tội tử hình, Bùi Quốc Huy và Trần Mai Hạnh ở tù thì các cơ quan nội chính lại phải biểu dương báo chí. Là người nắm chức vụ cao nhất trong Đảng nhưng đồng chí Mạnh đưa con của đồng chí Mạnh không đủ tâm, tài làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, và có ý định đưa làm Bí thư thứ nhất Đoàn để cơ cấu vào Trung ương, vừa mưu cầu danh vọng, vừa có dụng ý gây dựng lực lượng của mình lâu dài trong Đảng. Đối với Nguyễn Chí Vịnh, mặc dù một số đông tướng lĩnh và lão thành cách mạng đòi kiểm tra các tội phạm của Vịnh xung quanh các vụ Sáu Sứ, T4, trước thềm Đại hội 9, đồng chí Mạnh vẫn bao che, chỉ giao cho Đảng uỷ quân sự Trung ương kiểm tra, không giao cho Uỷ ban kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng kiểm tra. Vì Đảng uỷ quân sự Trung ương điều tra thì đã có ông Phạm Văn Trà bao che rồi. Khi có thư từ yêu cầu kiểm tra Nguyễn Chí Vịnh gửi đại hội toàn quân và Ban chấp hành Trung ương thì đồng chí Mạnh cho qua. Đặc biệt Đảng uỷ quân sự Trung ương (đồng chí Mạnh là Bí thư) vẫn đề nghị lên Bộ Chính trị đề bạt Nguyễn Chí Vịnh làm Thứ tưởng Bộ Quốc phòng, nhờ sự phản ứng của lão thành cách mạng, tướng lĩnh quân đội và cán bộ, Đảng uỷ quân sự Trung ương mới rút lại đề nghị.
Một điều đặc biệt nữa là: đồng chí Mạnh là Trưởng tiểu ban nhân sự đại hội 10 đã đưa ra thảo luận tại Bộ Chính trị việc giới thiệu vào Trung ương Nguyễn Chí Vinh, một kẻ ăn cắp có hệ thống từ khi đi học ở Học viện Kỹ thuật quân sự, một kẻ chưa được kiểm tra nhiều vấn đề mà nhiễu tướng lĩnh, lão thành cách mạng yêu cầu. Trong cuộc họp Bộ Chính trị đó, nghe nói 10 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đồng ý (trong đó có đồng chí Mạnh), 4 đồng chí không đồng ý.
Như vậy, đồng chí Mạnh đã giới thiệu, đã bỏ phiếu cho Nguyễn Chí Vịnh một kẻ ăn cắp trước đây, một kẻ tòng phạm phá Đảng thì thử hỏi đồng chí Mạnh là người như thế nào? May thay, Ban chấp hành Trung ương đã sáng suốt, số đông đã gạt Nguyễn Chí Vịnh. Nếu Nguyễn Chí Vịnh, do sự bao che của đồng chí Mạnh được vào Trung ương, cứ thế mà leo mãi, làm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, rồi làm Tổng bí thư như ông Lê Đức Anh và ông Đỗ Mười đề xướng thì Đảng ta sẽ bị phá hoại nát, cán bộ trung kiên sẽ bị vu không và sát hại. Là Tổng bí thư, đồng chí Mạnh đã bao che cho ông Đào Đình Bình, trong khi dư luận bất bình với những hành động mua chức, mua quyền, mua uy tín của ông Bình thì nhân dịp giới thiệu ông Bình làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đồng chí Mạnh vẫn kiên trì giới thiệu ông Bình làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mà ngày nay, cả Quốc hội và người dân đều đã thấy hậu quả, đã thấy ông Bình và những kẻ thân cận như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến như thế nào? Là Tổng bí thư, Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội 10, đồng chí Mạnh đã giới thiệu những kẻ như Bùi Tiến Dũng, Tổng giám đốc PMU 18 thuộc Bộ Giao thông vận tải và Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông vận tải vào Trung ương. Như vậy con người đồng chí Mạnh là thế nào? Có thể làm một người đứng đầu Đảng và Nhà nước không? Là trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội 10, đồng chí Mạnh còn giới thiệu một số người như ông Bắc Sơn, một người tay sai của ông Lê Đức Anh, hoạt động vô nguyên tắc, được đồng chí Mạnh định đưa làm Phó Ban Tổ chức Trung ương nhưng bị phản đối, sau đó đưa về làm Phó bí thư trực Tỉnh uỷ Thái Nguyên và được Bộ Chính trị và Tiểu ban nhân sự (Nông Đức Mạnh đứng đầu) giới thiệu vào tỉnh uỷ và giới thiệu vào Trung ương Đảng. Đồng chí Mạnh giới thiệu Phan Trung Kiên, một người đã bị Quân khu 7 phát hiện về nhiều tội, trong đó có tội tham nhũng. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã báo cáo với Bộ Chính trị nhưng đồng chí Mạnh, và đôi đồng chí khác trong Bộ Chính trị gạt đi, cho qua, bao che cho Phan Trung Kiên. Trên thực tế, đồng chí Mạnh đã không chế Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, buộc Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phải theo quan điểm sai trái của đồng chí Mạnh. Có thể còn một số ví dụ khác. Đối với vụ Sáu Sứ, T4. Cơ quan chức năng đã báo cáo và cung cấp nhiều tài liệu cho đồng chí Mạnh. Nhưng khi thảo luận vụ này từ năm 2002, đồng chí Mạnh đã gạt vụ Sáu Sứ ra ngoài, đồng chí Mạnh đã không làm triệt để vụ T4, mà vụ T4 là do cả Cục 12, Cục 11, Viện 70 làm dưới sự chỉ đạo của Vũ Chính. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Đỗ Quang Thắng và một số đồng chí lão thành cách mạng đã có ý kiến không phải một lần. Trong thư tố cáo của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đã nói rõ từ năm 1996 Vũ Chính đã vu cáo chính trị đồng chí Võ Nguyên Giáp được sự chỉ đạo của CIA, năm 1996 phái cấp tiến theo Mỹ đã vào Viện 108 đã nắm đồng chí Phạm Song nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có ý đầu độc đồng chí Lê Đức Anh v.v... Nhưng đồng chí Mạnh phớt lờ, lại chỉ thị cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm điểm đồng chí Nam Khánh. Vụ đặc tình giả T4 do Tổng cục 2 dựng lên xuất hiện từ giữa năm 1997 đến giữa năm 1999. Vậy các tin vu khống ấy xuất hiện từ năm 1996, là do Vũ Chính chỉ đạo được bộ máy giúp việc của Tổng cục 2 (Cục 12, Cục 11, Viện 70...) thực hiện, sao đồng chí Mạnh lại bao che? Thư đồng chí Nguyễn Nam Khánh tố cáo các điều sai trái trong bản báo cáo Bộ Quốc phòng trước Hội nghị Đảng uỷ quân sự Trung ương mở rộng, thì đồng chí Mạnh bao che cho rằng đó chỉ là một cuộc giao ban. Ai cung biết trong Quân đội, giao ban là Ban trực trước bàn giao lại tình hình cho Ban trực sau (hoặc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng...) được tiến hành trong một thời gian ngắn. Làm gì có sự giao ban trong toàn quân, họp hết các đầu mối của toàn quân lại để giao ban, trong cả một ngày.
Thực chất cuộc Hội nghị toàn quân đó rồi các cuộc hội nghị Quân khu Quân đoàn kế tiếp có mời cả Chủ tịch Hội Cựu chiến binh là lợi dụng "Ngọn cờ chống Mỹ" để đánh vào đồng chí Nguyễn Nam Khánh, để đưa ra một dư luận đồng chí Nguyễn Nam Khánh có liên hệ với phái cấp tiến để răn đe lão thành (Đề nghị xem kỹ văn bản Báo cáo của Bộ Quốc phòng do Tổng cục 2 chuẩn bị vào báo cáo). Đồng chí Mạnh, chủ trị Bộ Chính trị và Ban Bí thư lại kết luận rằng: Vũ Chính chỉ có khuyết điểm là quản lý cán bộ không chặt chẽ. Thực chất Vũ Chính là người chỉ đạo vụ T4, dùng đặc tình giả để vu khống chính trị gần 30 đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chia rẽ phá hoại Đảng, huy động bộ máy Tổng cục 2 (gồm Cục 11, Cục 12, Viện 70...) làm việc đó. Nguyễn Chí Vịnh đã là cán bộ Cục 12 trước đây, tháng 2/1995 phụ trách Cục phó Cục 2, tháng 5/1995 được bổ nhiệm Cục phó Cục 12, rồi làm Cục trưởng Cục 12, Tổng Cục phó, Tổng cục trưởng Tổng cục 2. Việc vu khống đồng chí Trương Tấn Sang, chắp lý lịch đồng chí Trương Tấn Sang và Trương Hoàng để vu cáo đồng chí Trương Tấn Sang là làm cho CIA do cục 12 dựng ra, việc vu cáo đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Thường vụ Quận uỷ Quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh, việc làm và lưu giữ hồ sơ giả tại nhà Hứa Thành Công, người của Cục 12 là do Cục 12 chỉ đạo. Đặng Diệu Hà, cán bộ Công ty xuất nhập khẩu văn hoá phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (nay đã bị xử tù) là người của Cục 12. Vụ vu khống đồng chí Phạm Chánh Trực, Phó Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh là do Cục 12 dựng ra. Nguyễn Chí Vịnh phụ trách Cục 12, Ba Tây chỉ là Cục phó, đồng chí Mạnh và sự thực hiện của đồng chí Phạm Văn Trà đã bao che cho Nguyễn Chí Vinh thoát tội.
Lời ghi lấy được ở nhà Hứa Thành Công: "Hai nghĩa (tức đồng chí Trương Vĩnh Trọng) và Tư Sang bao che, giảm tội cho Phạm Chánh Trực và do sự chỉ đạo của CIA" là một bằng chứng về tội phạm của Vũ Chính và Nguyễn Chí Vịnh. Nhưng đồng chí Mạnh đã gạt ra ngoài. Lời khai của Võ Thị Sứ: Khi ra Hà Nội, đã đến 34 Trần Phú để gặp Vũ Chính và Tư Văn (thực chất là để nhận chỉ thị), đã bị bỏ qua. Võ Thị Sứ bí mật ghi âm 16 cuốn băng. Võ Thị Sứ đã khai là: "ở phía Nam thì các băng ghi thu được giao cho Ba Tây. ở phía Bắc, các băng ghi được giao cho chú Vịnh". Đồng chí Mạnh đã gạt vụ Sáu Sứ ra, thực chất là bao che tội lỗi cho Vũ Chính và Nguyễn Chí Vịnh (Lúc này Nguyễn Chí Vinh làm Giám đốc Công ty Đề ti tua, một Công ty kinh tế bình phòng, một Công ty ma của Tổng cục 2). Đồng chí Mạnh đã bưng bít sự thật, che dấu sự thật, đã không báo cáo hết sự thật các vụ việc xẩy ra, vụ Sáu Sứ, T4 trước thềm Đại hội 9 với Trung ương, từ đó mà thuyết phục Trung ương "khoanh lại", không tiếp tục làm rõ các vụ Sáu sứ, T4 và khai man lý lịch của ông Lê Đức Anh. Dư luận không trách Trung ương mà phê phán và rất bất bình với thủ đoạn của đồng chí Mạnh. Điều đáng nói nữa là dự thảo Bản kiểm điểm của Ban chấp hành Trung ương, mà đồng chí Mạnh là người chủ trì không làm rõ khuyết điểm, nhấn mạnh một chiều ưu điểm. Trong bản báo cáo đã cho rằng việc "khoanh lại", không giải quyết các vụ việc như Sáu Sứ, T4, vụ khai man lý lịch của ông Lê Đức Anh là sáng suốt. Đó là một thủ đoạn cực kỳ xấu, định lợi dụng danh nghĩa của tập thể Trung ương để lừa dối dư luận, bao che tội phạm, chống trả lại sự tố cáo của tướng lĩnh, lão thành cách mạng và cán bộ đảng viên. Riêng về lý lịch của ông Lê Đức Anh - Người được giao nghiên cứu lý lịch ông Lê Đức Anh từ khoá 5, khoá 6, khoá 7 đã có bản báo cáo rõ. Ông Lê Đức Anh đã có hai bản lý lịch, một bản trong hồ sơ Đại hội 4 và một bản trong hồ sơ Đại hội 6, hai bản đó khác nhau về ngày kết nạp và ngày kết nạp chính thức, về thành phần giai cấp. Một số cán bộ lão thành, bao gồm cả Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khoá 5, khoá 6 gặp đồng chí Mạnh, yêu cầu đồng chí Mạnh phải làm rõ vì có đơn từ khiếu nại của đảng viên. Nhưng đồng chí Mạnh phớt lờ, viện lý do trước đây không làm, nay khó quá không làm. Nếu nói là khó quá, thì tại sao lại cho ra bộ phim tài liệu về Lê Đức Anh? Khó quá thì tại sao lại cho xuất bản quyển sách "Đại tướng Lê Đức Anh", vừa khoe khoang, vừa nói không đúng sự thật, vừa biện minh bào chữa cho Lê Đức Anh, phát hành trên 7.000 cuốn? Trong đó người viết (dưới sự chỉ đạo của Lê Đức Anh) đã dùng một thông báo muôn màng (ra vào ngày 24/1/1997, sau 12 năm) gọi là thông báo số 72/TCTW về chính sách để bào chữa cho sự gian dối về tuổi Đảng của Lê Đức Anh. Xin lưu ý rằng: thông báo về chính sách, không phải là xác nhận chính thức về tuổi Đảng. Ai chịu trách nhiệm? Nhà xuất bản Quân đội nhân dân là của Quân đội. Nó là một công cụ của Đảng uỷ quân sự Trung ương. Bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương phải chịu trách nhiệm. Quan điểm quyển sách ấy phù hợp với quan điểm của đồng chí Mạnh. Một điều nữa là với trách nhiệm Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội 10, đồng chí Mạnh đã thông qua một danh sách ứng cử vào Trung ương, trong đó có đồng chí Nông Thị Ngọc Minh, (họ Nông, người dân tộc Tày) hiện về công tác ở Đà Nẵng vào Trung ương dự khuyết, được trúng với số phiếu rất thấp. ứng cử này có thành tích gì, có trình độ như thế nào?
Có uy tín với địa phương đến đâu? Hay là một thủ đoạn của đồng chí Nông Đức Mạnh đưa thêm họ Nông vào Trung ương như đưa con là Nông Đức Tuấn làm Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên và Sinh viên Việt Nam (Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên, Sinh viên Việt Nam chí ít cũng phải là một sinh viên có học vấn tốt, có quá trình đấu tranh chính trị trong phong trào học sinh, sinh viên được quần chúng biến đến). Đằng này, cái "lớn nhất" của Nông Đức Tuấn là con ruột đồng chí Mạnh. Tóm lại, qua thực tế việc làm, đồng chí Mạnh đã không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn là Uỷ viên Trung ương, càng không đủ tiêu chuẩn và uy tín là người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Đồng chí Mạnh đã "ăn theo" công lao của các đồng chí khác và vơ vào mình. Công phát triển kinh tế là công của đồng chí Khải. Công làm luật ở Quốc hội và bước đầu thực hiện quyền giám sát của Quốc hội là công của đồng chí An, công về nội chính, tư pháp của Công an, các cơ quan nội chính, của đồng chí Trương Vĩnh Trọng và đồng chí Trần Đức Lương... Còn ngoại giao thì đồng chí Mạnh đi Pháp, đi Nga, đi Nhật đều đạt kết quả thấp, nhạt. Cán bộ, có cả Uỷ viên Trung ương nói: đồng chí Mạnh chỉ ăn theo, vô tích sự. Trong khi đó, việc chính của đồng chí Mạnh là xây dựng Đảng, thì trải qua một nhiệm kỳ, xây dựng chỉnh đốn Đảng đạt được kết quả thấp, chưa đạt yêu cầu cơ bản. Lãnh đạo chống tham nhũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, nhưng không lãnh đạo thực hiện được chống tham nhũng có hiệu quả. Tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng. Ai chịu trách nhiệm? Đồng chí Mạnh phải chịu trách nhiệm chính. Đồng chí Mạnh cứ nói mãi: từng chi bộ, từng cơ sở phải xem xét. Tất nhiên rồi, nhưng trước hết phải hiểu cơ sở là ai? Phải xem từ Bộ Chính trị, các Ban Cán sự Đảng ở cấp Trung ương, các ban Thường vụ cấp tỉnh và tương đương. Chống quan liệu cũng vậy? Ai quan liệu? Đồng chí Mạnh và một số đồng chí trong Bộ Chính trị là những quan to và quan liệu của nước ta. Đi thăm các địa phương thì huy động đón rước, tốn tiền của, tốn thì giờ, chụp ảnh để "đánh bóng"; chỉ nghe báo cáo, chỉ nói mấy điều ai cũng biết, ai cũng nói được, những vấn đề phức tạp và xấu không phát hiện được. Đến khi đã xẩy ra rồi mới bắt đầu yêu cầu báo cáo... Đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp. Các vấn đề tồn đọng trong Đảng thì tránh né, bao che, không giải quyết được. Trong Bộ Chính trị thì nể nang, xoa dịu, lấy lòng nhau để rồi phô trương là đoàn kết, là dân chủ. Thực tế là không lắng nghe tiếng nói của nhân dân, của đảng viên, kể cả của một số đồng chí lão thành cách mạng có tâm huyết. Ngược lại tìm cách trù dập, răn đe người phát hiện tội phạm với cái cớ cho là "làm lộ bí mật". Là Tổng bí thư nhưng không gương mẫu chấp hành điều lệ, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Đảng, như nguyên tắc về quyền của đảng viên. Đầu óc xơ cứng, chỉ đọc những bài viết sẵn, nói những lời nói công thức, không sáng tạo, không năng động, không giải quyết những vụ việc nổi cộm, không thể đổi mới đúng hướng và toàn diện. Với những vấn đề nêu trên, đồng chí Mạnh không thể làm Uỷ viên Trung ương, làm Tổng bí thư một nhiệm kỳ nữa. Vả lại đã đến 66 tuổi. Cuối nhiệm kỳ đã 71 tuổi. Làm tiếp làm gì nữa, ngày càng tuổi cao sức yếu. Đồng chí Mạnh làm Tổng bí thư năm 61 tuổi, bây giờ hoàn toàn có người trong độ tuổi ấy, Uỷ viên Bộ Chính trị dưới 65 tuổi hoàn toàn có thể thay thế được đồng chí Mạnh.
Có uỷ viên Trung ương đã nói: như đồng chí Mạnh thì ai cũng có thể thay thế được. Ngay cả công việc Quốc hội trước đây, đồng chí An làm một nhiệm kỳ nhưng hơn đồng chí Mạnh làm cả hai nhiệm kỳ. Đảng không thiếu người để thay đồng chí Mạnh. Vấn đề là đồng chí Mạnh có thấy rõ mình để tự nguyện rút lui không? Đồng chí Mạnh là một tham quyền, tham chức, muốn ở lại. Riêng điều ấy là không đủ tiêu chuẩn Uỷ viên Trung ương rồi. Hội nghịTrung ương lần thứ 13 chỉ là một bước chuẩn bị, không phải dứt khoát đóng khung như tại cuộc bỏ phiếu tín nhiệm bước đầu tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13. Còn hội nghị Trung ương lần thứ 14 và đại hội Đảng toàn quốc nữa. Hội nghị Trung ương 14 mới là hội nghị quyết định chính thức số người mà Trung ương kiến nghị với Đại hội.
Xin nhắc lại, dù như thế nào cũng chỉ là kiến nghị mà thôi. Đề nghị Trung ương sáng suốt phân tích, nêu cao dũng khí đấu tranh để thực sự chọn lựa, giới thiệu với Đảng những đồng chí có đức, có tâm, có tài, có thực tế, trẻ hơn để cáng đáng công việc. Hai triệu bẩy đảng viên, 80 triệu dân, không lẽ người đứng đầu, ưu tú lại là đồng chí Mạnh? Thì Đảng ta, dân tộc là thế nào? Trên đây là ý kiến chân thành xây dựng./. Trung tướng Nguyễn Hòa Nguyên Trung ương uỷ viên khoá V, VI, VII
http://lenduong.net/spip.php?article16403
|
No comments:
Post a Comment