Saturday, October 30, 2010

SOPHIE QUINN-JUDGE * CHỐNG CỘNG ĐẢNG





Sophie Quinn-Judge
Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967-1968
Duy Tân Trẻ dịch
1 2
Tiểu luận này khảo sát mối liên kết giữa các cuộc đấu tranh hệ tư tưởng trong thế giới cộng sản và những sự kiện xung quanh quyết định phát động cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Nó dựa trên những hồi kí, tài liệu từ Văn phòng Thư khố ở London, và một số tài liệu từ các tuyển tập đã bị biên tập ở Việt Nam, cũng như các tạp chí Việt Nam trong giai đoạn này. Đối với những chuyên gia phân tích chính trị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) trong những năm 60, vẫn có khá ít các chứng từ có thể làm sáng tỏ bản chất sự lãnh đạo và quá trình ra quyết định của Đảng. Năm trước cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân cũng thế: như David Elliott đã chỉ ra trong nghiên cứu gần đây của ông về cuộc chiến ở tỉnh Mĩ Tho (2003), các bằng chứng trong nước trong giai đoạn này không rõ ràng và mâu thuẫn nhau.

Trong cùng thời điểm, những sự kiện chính trị ở Hà Nội vào nửa cuối của năm 1967, khi “vụ chống Đảng” bị phát hiện, mới chỉ được soi sáng qua các hồi kí không chính thức và thư ngỏ của các cán bộ lão thành gửi cho giới lãnh đạo. Chúng ta biết rằng đây là một trong những thời điểm căng thẳng của thế giới cộng sản, khi cuộc Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc đang tiến đến cao trào và mối quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng. Tuy vậy chúng ta vẫn biết rất ít về việc liệu sự căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến những quyết định về chính sách của Bắc Việt Nam như thế nào. Tác giả bài này kết luận rằng xung đột hệ tư tưởng trong nội bộ lãnh đạo Bắc Việt có một mối quan hệ chặt chẽ với các sự kiện trong những năm 67-68, và các xung đột này đã ảnh hưởng không chỉ đến các quyết định quân sự mà còn cả sự phát triển của Việt Nam thời hậu chiến.

Giới thiệu

Đối với các nhà phân tích chính trị Việt Nam những năm 60, có rất ít các bằng chứng có thể làm sáng tỏ bản chất quyền lãnh đạo cộng sản và quá trình ra quyết định của nó. Với sự bạch hoá một số tài liệu của Trung Quốc, Liên Xô và một số nước Đông Âu sau chiến tranh lạnh, chúng ta được biết thêm về quan điểm của Việt Nam trong các cuộc đàm phán và thái độ với các đồng minh. [1] Nhưng cho đến nay, chính quyền Việt Nam vẫn công bố rất ít các tài liệu về việc ra quyết định ở cấp cao hơn từ thư khố của chính họ. [2] Một số ít tài liệu thu giữ được trong giai đoạn trước cuộc tấn công Mậu Thân được lưu giữ tại Mĩ. [3] Những tài liệu này cho chúng ta biết một số thông tin về các nghị quyết của Đảng được thông qua năm 1967 và 1968, nhưng không cung cấp được một chỉ dẫn đầy đủ về việc ra quyết định và để lại nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Chỉ từ những hồi kí không chính thức và thư ngỏ của các cán bộ lão thành gửi cho giới lãnh đạo, xuất bản trong những năm 80 và 90, chúng ta mới có thể biết thêm một số chi tiết của sự rối loạn chính trị đã gây khó khăn cho Hà Nội vào cuối hè và thu 1967. [4] Bài viết này sẽ khảo sát bối cảnh và tầm quan trọng của các sự kiện này trong tiến trình của cuộc chiến.

Việc bóc tách cuộc đấu đá chính trị này có vẻ như là vô ích hoặc quá phức tạp vì hiện nay sức mạnh của hệ tư tưởng Mác-xít đã phai nhạt trong lòng Hà Nội. Ở Việt Nam, vụ này thường bị các nhà sử học của Đảng gạt đi như một sự kiện nhỏ, một vụ bắt bớ một số đảng viên thân Liên Xô, những người trước đó đã bị truất khỏi các vị trí cao cấp. Đây rõ ràng là lời giải thích không thoả đáng về việc đối xử với những người bị bắt, bao gồm Hoàng Minh Chính và một số người khác được đề cập dưới đây. Việc những cáo buộc đối với họ vẫn đang được thảo luận trong tài liệu nội bộ Đảng những năm 94-95 chứng tỏ rằng vụ chống Đảng có ảnh hưởng lâu dài. [5] Nếu các sử gia về chiến tranh Việt Nam muốn hiểu rõ hơn những hành động của Hoa Kì và bối cảnh quốc tế nói chung đã ảnh hưởng đến việc ra quyết định của giới lãnh đạo Đảng năm 1967 như thế nào, thì cần phải có một bức tranh rõ hơn về chính trị nội bộ và cuộc đấu tranh hệ tư tưởng trong lòng VNDCCH. Nếu không, chúng ta chỉ có thể xem xét cuộc chiến từ quan điểm lấy Mĩ làm trung tâm. Một cái nhìn tỉ mỉ hơn nữa về vụ chống Đảng là không thể tránh khỏi nếu muốn làm rõ bức tranh về cuộc chiến từ góc nhìn của phía Việt Nam. Ngoài ra, việc soi sáng những vấn đề này còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thực thể chính trị đã kí Hiệp định Hoà bình Paris và lên nắm quyền ở miền Nam Việt Nam cuối tháng 4 năm 1975.


Vụ chống Đảng

Vụ chống Đảng về cơ bản có thể được tóm tắt như sau. Cuối tháng 8 năm 1967, khi công tác chuẩn bị cho giai đoạn mới của cuộc chiến (cuộc tổng tấn công) đang được tiến hành, một số thành viên Đảng Lao động được cho là thân Liên Xô bị bắt. Trong số những người này có cả Vũ Đình Huỳnh, cựu thư kí riêng của Hồ Chí Minh. Một nạn nhân khác trong làn sóng bắt bớ đầu tiên là ông Hoàng Minh Chính. Ông Hoàng Minh Chính là một cựu chiến binh danh tiếng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và cho đến năm 1963, vẫn còn là Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin tại Hà Nội. Ông được đào tạo về triết học và hệ tư tưởng Mác-xít vào cuối những năm 1950 tại Moscow và được xem là một trong những người Việt đề xướng ý tưởng “chung sống hoà bình”. (Việc cách chức Viện trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính được phân tích trong bài tiểu luận của Martin Grosheim.)

Một nhóm người khác, không phải ai cũng là đảng viên, bị bắt vào tháng 10 và tháng 12. Các cuộc bắt bớ và những lời buộc tội sau đó rằng những người này có dính líu đến âm mưu thân Liên Xô chống lại Đảng Lao động được biết đến như “vụ Hoàng Minh Chính” hay “vụ chống Đảng” [6] . Khoảng 30 nhân vật cao cấp bị bắt, và có lẽ có tới 300 người tất thảy, gồm các tướng lĩnh, nhà lí luận, giáo sư, văn nghệ sĩ và phóng viên truyền hình được đào tạo ở Moscow. Hồi kí của Vũ Thư Hiên, con trai Vũ Đình Huỳnh, người bị bắt ngay trước Giáng sinh năm 1967, đã trở thành nguồn dữ liệu chính về vụ này.

Được xuất bản ở Đức vào năm 1997 dưới tiêu đề Đêm giữa ban ngày, hồi ức của ông về vụ bắt giữ và thẩm vấn ông chưa được xuất bản ở Việt Nam và không được các nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam coi là một nguồn đáng tin cậy. Tuy nhiên, về đại thể, nó được chứng thực bởi các lá thư và thỉnh nguyện xin phục hồi các quyền dân sự từ các nạn nhân khác của vụ này, cụ thể là bởi chính Hoàng Minh Chính, người hiện vẫn sống tại Hà Nội, sau nhiều năm bị tù đầy, biệt giam và quản chế. Lần ngồi tù đầu tiên của ông kéo dài tới năm 1972; sau đó ông bị quản chế đến năm 1978. Khi ông xin phục hồi các quyền dân sự của mình vào 1981, ông lại bị bắt giữ sáu năm nữa, lần này kéo theo ba năm quản chế. [7]

Trước khi những hồi kí và thỉnh nguyện thư này xuất hiện vào những năm 90, một trong vài nguồn hiếm hoi về các sự kiện 1967-1968 là cuốn sách Tet! của Don Oberdorfer. [8] Thậm chí tác giả Nga, Ilya Gaiduk cũng phải dựa vào miêu tả của Oberdorfer về nền chính trị của Hà Nội vào năm 1967, ví dụ về nghị quyết tháng Bảy 1967 của Bộ Chính trị phát động cuộc tổng tấn công, trong nghiên cứu của Gaiduk về vai trò của Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam từ 1964 đến 1973. [9] (Và mãi đến năm 1988 thì Đảng [Cộng sản] Việt Nam mới xác nhận rằng cho đến tháng 10 năm 1967 mới có quyết định phát động cuộc tổng tấn công vào đầu dịp Tết năm 1968.) [10]

Bên cạnh thông tin của Oberdorfer, hiện nay chúng ta đã truy cập được vào các báo cáo của nhân viên tại Lãnh sự Anh tại Hà Nội mà các phiên bản chính thức đã được bạch hoá vào 1997-1998. Những báo cáo này cho thấy những chỉ dấu rằng một cuộc cải tổ nào đó đang diễn ra trong Đảng Lao động vào cuối tháng tám 1967, bao gồm các vụ bắt bớ những đảng viên bị nghi là thân Liên Xô. Ông Tổng lãnh sự John Colvin, báo cáo vào ngày 22 tháng Tám rằng người Nga đã “dự báo về một cuộc cải tổ trong Đảng Lao động không có lợi cho họ [người Nga]”. Ông ta giải thích tiếp rằng vào ngày 21 tháng tám, một đại uý Liên Xô đã nói với đại sứ lâm thời Indonesia rằng các vụ bắt giữ “hàng loạt đảng viên đã diễn ra vào sáng nay”. [11]

Toà Lãnh sự Anh ghi nhận một tín hiệu khác về cuộc đấu tranh trong giới lãnh đạo cộng sản vào 30 tháng Ba 1968. Trong ghi chú này, Geoffrey Hirst, một nhà phân tích của lãnh sự quán, bàn về bài xã luận trên báo Nhân dân về việc phục hồi Sắc lệnh số 63, cái mà ông mô tả là một “phương tiện để loại bỏ một cách hợp pháp bất kì thành viên hay phe cánh bất đồng chính kiến nào trong Đảng”. Phân tích của ông đến từ một “nhà ngoại giao cấp cao trong khối Đông”, người nói với Hirst rằng, “có thể đã có phân ly trong Đảng vào lúc này, có thể giữa cánh bồ câu và cánh diều hâu, nhưng [ông ta] nghĩ rằng sắc lệnh này sẽ đủ để cảnh báo tất cả những đảng viên phải phục tùng”. [12] Oberdorfer lưu ý rằng sắc lệnh được Ủy ban Thường trực của Quốc hội ban hành vào tháng 11, mặc dù nó không được công bố cho đến tháng 3 năm 1968. Nó quy định “án tử hình, tù chung thân và các hình phạt nhẹ hơn cho một danh sách dài các “tội phản cách mạng”, bao gồm gián điệp, phá hoại, xâm phạm an ninh và tội chống hay ngăn cản các kế hoạch an ninh quốc gia.” [13]

Nhưng thiếu bình luận từ bất kì quan chức nào từ chính quyền Hà Nội trong nhiều năm, rất khó đánh giá được ý nghĩa của các sự kiện này đối với [giai đoạn] cuối 1967 và 1968. Một hệ luận rõ ràng, như Oberdorfer đã rút ra, là những đảng viên bị cho là chống việc leo thang chiến tranh và cuộc Tổng tấn công Tết đã bị tống giam để dập tắt mọi bất đồng trong lòng chế độ. Tuy nhiên, việc họ bị giữ trong tù cho tới tận 1972 và bị bắt lại nếu cố gắng đòi phục hồi khiến người ta tin rằng họ bị một phe cánh nào đó trong giới lãnh đạo coi là một mối đe doạ lâu dài. Vũ Thư Hiên, một người được đào tạo ở Moscow khác, không phải là đảng viên, nổi tiếng ở Hà Nội là một dịch giả văn học Nga tài năng, đã đưa ra hai cách giải thích cho làn sóng bắt bớ.

Thứ nhất là việc trong quá trình thẩm vấn trong tù, ông bị tra khảo rất kĩ lưỡng về quan hệ của cha ông với tướng Võ Nguyên Giáp. [14] Ông kết luận rằng Lê Đức Thọ và Lê Duẩn coi Giáp như là đối thủ quyền lực, và do đó dựng ra âm mưu lật đổ để hạ uy tín ông, cùng với các cán bộ trung cấp có ảnh hưởng khác, những người được coi là thân Liên Xô. Tuy nhiên, ở một chỗ khác trong hồi kí, Hiên viết rằng Lê Đức Thọ đã lái Lê Duẩn đi chệch hướng với câu chuyện về âm mưu của Liên Xô. [15] Như Hiên chỉ ra, lời buộc tội chính thức duy nhất cho “bọn xét lại hiện đại” được đưa ra 4 năm sau đó, tại một phiên họp của Ủy ban Trung ương Đảng vào tháng 1 năm 1972, khi Lê Đức Thọ tuyên bố rằng có một âm mưu lật đổ sự lãnh đạo của đảng. [16] Đại sứ Liên Xô, Ilia Shecherbakov và Bí thư thứ hai, Rashid Khamidulin bị cáo buộc là có liên hệ với những người lập mưu. [17]

Có một diễn giải khác về những lời buộc tội này trong một tài liệu có tiêu đề “Những hoạt động của một số thế lực phản động và thù địch”, được Trung ương Đảng phát tán trong đảng viên vào tháng tư năm 1994. Tài liệu này giải thích rằng vào tháng Bảy 1967, Hoàng Minh Chính và những người khác dính líu đến vụ chống Đảng bị phát hiện là nắm một biên bản mật về một cuộc hội đàm Việt-Trung. Họ tìm ra cách gửi các bị chú này ra nước ngoài, và vì lí do này, bộ phận an ninh bắt Hoàng Minh Chính và ba người khác. Cùng lúc đó, những người bị buộc tội cũng bị cho là thu thập tài liệu để tiến tới một chương trình hoặc phác thảo đối lập để chống đối Đảng. [18]

Bản thân Giáp thì chưa từng bị bắt, và vào tháng Mười 1967 ông bay sang Hungary, bề ngoài là để tìm kiếm thêm sự hỗ trợ cho nỗ lực chiến tranh của Hà Nội. Tuy nhiên, các tài liệu trong thư khố của Hungary chứng tỏ rằng Giáp ở Hung sớm nhất là từ 14 tháng Mười, nơi ông và con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm (được biết đến như là người có khuynh hướng “xét lại”) được điều trị y tế. Vào 19 tháng Mười, đại sứ Việt Nam tại Budapest báo cáo với người Hung là sức khỏe tướng Giáp đã được cải thiện. Đại sứ Hoàng Lương nói Giáp đã kiệt sức do viết một tiểu luận dài về chiến thuật và chiến lược cho cuộc chiến Việt Nam. [19]

Giải thích khác của Vũ Thư Hiên về việc chọn những người phải bắt giữ là ở mức độ cá nhân, rất điển hình kiểu giai thoại lịch sử vẫn được dùng thay cho phân tích ở Hà Nội. Ông nói rằng Lê Đức Thọ muốn loại trừ những chiến sĩ là đồng chí từng ngồi tù với ông ta trong Thế chiến thứ 2 ở Sơn La, những người biết vị trí được biệt đãi - làm hầu cận cho chúa ngục người Pháp - của ông. [20] Cách đối xử này được coi là một đặc ân cho gia đình giàu có của Thọ. Nếu câu chuyện kiểu như thế là đúng và được biết đến rộng rãi, nó có thể gây ra những vấn đề chính trị nghiêm trọng cho Thọ, người trong vai đứng đầu Ủy ban tổ chức Đảng phải chịu trách nhiệm giữ vững tính chất giai cấp lao động của Đảng Lao động.


Bối cảnh quốc tế và quyết định Tết Mậu Thân

Bối cảnh nổ ra các sự kiện trong năm 1967 là sự bất hoà giữa Liên Xô và Trung Quốc nổi lên sau khi Khrushchev lên án các tội ác của Stalin và tệ sùng bái cá nhân tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1956. Sau sự kiện này, Liên Xô bắt đầu thúc đẩy chính sách “chung sống hoà bình” và cạnh trạnh hoà bình giữa thế giới cộng sản và tư bản. Một đổi mới khác về mặt tư tưởng do Khrushchev đưa ra là quan điểm cho rằng các mâu thuẫn giai cấp không còn đóng vai trò chủ đạo trong xã hội Liên Xô. Theo Yang Kuisong, một nhà sử học Trung Quốc thì “Khrushchev đã thực sự phủ nhận đấu tranh giai cấp qua việc ủng hộ ý tưởng đất nước của mọi người và đảng của mọi người” [21] . Trong khi Việt Nam công khai tán đồng những cải cách của Khrushchev và kí một thông cáo ủng hộ các chính sách của Liên Xô cùng với 80 đảng cộng sản khác năm 1960, việc Liên Xô không sẵn lòng viện trợ quân sự cần thiết cho cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam đã khiến Hà Nội rất không hài lòng.

Sau khi tham khảo các nhà lí luận Trung Quốc và Mao Chủ tịch ở Vũ Hán mùa hè năm 1963, tại Hội nghị Trung ương 9 họp hồi cuối năm 1963, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua một nghị quyết lên án “chủ nghĩa xét lại” và đồng thời định hướng các chính sách đối nội và đối ngoại theo Trung Quốc. Cũng tại thời điểm đó, Trung Quốc đang chuẩn bị thiết lập một quốc tế cộng sản mới gồm các đảng cộng sản ủng hộ Bắc Kinh [22] . Việt Nam không xuất bản toàn văn nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9, nhưng đã công khai nó qua những lớp học tập [nghị quyết trung ương] trong nội bộ Đảng [23] . Dẫu sao đi nữa, Việt Nam cũng đã không thể hoàn toàn xa lánh Liên Xô.

Sự lạnh nhạt trong quan hệ với Liên Xô này không vĩnh viễn, khi Hoa Kì bắt đầu leo thang trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quan hệ Việt-Xô trở nên thăng giáng bất thường phụ thuộc vào mức độ sẵn lòng giúp đỡ của Liên Xô và cách cư xử của Trung Quốc. Sau khi Khrushchev bị hất cẳng vào tháng Mười năm 1964, thủ tướng mới là Alexei Kosygin đã tới thăm Việt Nam tháng Hai năm 1965. Chuyến viếng thăm này đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước. Khi việc ném bom Bắc Việt của Hoa Kì trở nên khốc liệt hơn, Liên Xô đã bắt đầu cung cấp đều đặn nguồn vũ khí hạng nặng và cố vấn quân sự. Trong khi đó, Trung Quốc, từng là một nguồn cung ứng đều đặn các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng, thiết bị quân sự và thậm chí cả ngoại tệ từ đầu những năm 60, bắt đầu chìm đắm vào cuộc đấu đá nội bộ của họ mang tên Cách mạng Văn hoá. Trung Quốc vẫn còn cung cấp hậu cần và lính cao xạ cho Bắc Việt cho đến năm 1968, tuy nhiên sự viện trợ của họ ngày càng giảm [24] .


Trong các cuộc nói chuyện với các nhà ngoại giao Đông Âu, các nhà ngoại giao Việt Nam thường thể hiện sự mất tinh thần khi cuộc Cách mạng Văn hoá đang làm biến đổi một hậu phương vững chắc thành một cảnh hỗn độn. Sức ảnh hưởng của Nghị quyết Trung ương 9 khẳng định đoàn kết tư tưởng của Việt Nam với Trung Quốc có vẻ suy yếu dần trong năm 1965 và 1966, khi kỹ thuật cao xạ của Liên Xô trở nên tối cần thiết đối với Bắc Việt. Thế nhưng phía Việt Nam vẫn công khai duy trì một đường lối “trung lập” đối với hai “đàn anh” xã hội chủ nghĩa của mình, và như Trần Quỳnh đã nói, đại đa số các thành viên trong Bộ Chính trị vẫn tiếp tục ngả theo Trung Quốc [25] . Tuy nhiên, người đại diện của Liên Xô tại Washington tin rằng đã có “những thế lực ôn hoà” trong Đảng Cộng sản Việt Nam muốn khởi động đàm phán với Hoa Kì, nhưng “họ không thể hành động trong khi bom vẫn đang trút xuống Hà Nội.” [26]

Các sự kiện có nguy cơ tuột khỏi vòng kiểm soát trong năm 1967 khi Trung Quốc rơi vào sự thống trị của quân đội và một cuộc nội chiến toàn diện bùng nổ. Khi Indonesia trục xuất Đại sứ Trung Quốc là Yao Tengshan vào tháng Tư, ông ta đã trở về Bắc Kinh với sự chào đón dành cho một anh hùng và đã giành quyền kiểm soát Bộ Ngoại giao từ tay Bộ trưởng Chen Yi. Sự lan tràn của xu hướng cấp tiến này đã gây ra những cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông, Campuchia và Miến Điện trong tháng Tư và tháng Năm. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã được triệu về nước trong mùa xuân và trở lại vị trí công tác vào tháng Sáu, khi việc xuất khẩu Cách mạng Văn hoá bắt đầu lên đến đỉnh cao [27] .

Hành động tuyên truyền chủ nghĩa Mao của các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Miến Điện và Campuchia đã được ghi lại trong các tài liệu. Chúng tôi không nắm rõ mức độ hoạt động của Trung Quốc ở Việt Nam trong việc quảng bá một giai đoạn mới của “cuộc cách mạng không ngừng”, nhưng chính trường Hà Nội chắc chắn đã nóng lên vào giữa năm. Điều này có lẽ liên quan tới việc Hà Nội triệu hồi ngoại giao đoàn vào tháng Bảy. Cuối tháng Sáu, Bộ ngoại giao Hoa Kì bắt đầu yêu cầu những báo cáo mật về các động thái của các nhà ngoại giao Hà Nội. Hoa Kì đã biết rằng các đại diện ngoại giao Việt Nam ở Paris, Bắc Kinh, Nông Pêng và Viên Chăn đều trở về nước, và có những lí do để họ tin rằng đại sứ Việt Nam tại Jakarta cũng đã bay về Hà Nội [28] . Lãnh sự Anh tại Hà Nội đã không thể cung cấp được bất cứ thông tin đáng tin cậy nào về nguyên nhân của lệnh triệu hồi.

Một sự kiện gây khuấy động ở Hà Nội vào đầu tháng Bảy là cái chết do suy tim của tổng tư lệnh quân đội chiến trường Nam Việt Nam Nguyễn Chí Thanh xảy ra ở Hà Nội. Ông ta được xem là người ủng hộ nhiệt thành chiến tranh chủ lực ở miền Nam và được coi là đối thủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Liệu cái chết của ông ta có mối liên quan nào đó tới các sự kiện sau đó trong tháng Tám và tháng Chín hay không vẫn là một điều bí ẩn. Một khía cạnh bất bình thường nữa trong tình hình tại Hà Nội lúc đó là đã không có một nhân chứng phương Tây nào trông thấy Hồ Chí Minh tại thủ đô kể từ khi ông được hai bác sĩ người Thuỵ Điển tới thăm ngày 13 tháng Tư. Ông cũng không xuất hiện trước công chúng trong ngày Quốc tế Lao động mùng 1 tháng Năm và sinh nhật 19 tháng Năm. (Bức hình của ông trên báo chí chụp tại một trận địa cao xạ trong trang phục mùa đông, khi nhiệt độ ở Hà Nội là 100 độ F, tức là khoảng 38 độ C) [29] . Ông Hồ quay lại Hà Nội để gặp hai phái viên hoà bình người Pháp tên là Raymond Aubrac và Herbert Marcovitch ngày 24 tháng Bảy nhưng sau đó đã trở lại Bắc Kinh trong tháng Chín để chữa bệnh cho tới tháng Mười Hai [30] .

Quyết định quan trọng nhất của Hà Nội ở thời điểm giữa năm 1967 liên quan tới tương lai của cuộc chiến. Trong bài viết này, tôi không chủ định phân tích chi tiết quá trình dẫn tới quyết định thực hiện cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Trong một nghiên cứu gần đây về cuộc chiến ở tỉnh Mĩ Tho, David Elliott đã chỉ ra nhiều kẽ hở và những bất thường trong biên bản chính thức [31] [của Việt Nam]. Sự mô tả của Elliott về quyết định Tết Mậu Thân như là một quyết định “không chủ định, gây tranh cãi và ngẫu hứng” đã truyền tải được trạng huống [chính trị] của giai đoạn đó và phản bác lại ý kiến cho rằng Đảng Lao động là một cỗ máy chính trị vững chắc và sắt đá. Rõ ràng là các quyết định chính liên quan đến Tết Mậu Thân đã được đưa ra trong tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Mười. Ralph Smith cũng đã có một nghiên cứu sâu về những sự kiện rất lộn xộn trong tháng Bảy năm 1967 mà ông miêu tả bằng cụm từ “có lẽ là cốt yếu”. Ông ta cho rằng, “do tình hình Nguyễn Chí Thanh vừa qua đời và quan hệ Liên Xô - Hoa Kì sáng sủa lên vào cuối tháng Sáu, một số quan chức lãnh đạo của Hà Nội đã có một cố gắng nghiêm túc để thăm dò khả năng đạt được một giải pháp bằng thương lượng.” [32] Sự cải thiện trong quan hệ Liên Xô - Hoa Kì có liên quan tới một cuộc gặp ở Glassboro, New Jersey vào ngày 23 đến 25 tháng Sáu giữa Tổng thống Johnson và Thủ tướng Liên Xô Kosygin. Trong cuộc gặp này, Kosygin đã nhận được lời cam đoan trực tiếp từ Phạm Văn Đồng ở Hà Nội rằng, nếu Hoa Kì chấm dứt ném bom miền Bắc vô điều kiện thì Bắc Việt sẽ đi tới bàn đàm phán ngay lập tức [33] . Nhiệm vụ của Aubrac và Marcovitch khi tới Hà Nội là chuyển một đề nghị do Tổng thống Johnson phê chuẩn và sau đó chuyển tới hai ông này ở Paris qua Giáo sư Henry Kissinger.

Nhưng trong tháng Tám và tháng Chín, các đầu mối giao dịch của Việt Nam trong sáng kiến hoà bình, với tên mật mã “Pennsylvania” này đã tắt lịm. Các phái viên Pháp không còn nhận được bất cứ phản hồi nào về đề nghị thứ hai gửi vào ngày 25 tháng Tám thông qua đại diện của Việt Nam ở Paris. Và họ cũng không được mời quay lại Hà Nội. Một trong những nhà ngoại giao Việt Nam biết rõ những thương thuyết này nhất là ông Lưu Đoàn Huynh báo cáo lại rằng ông ta có trách nhiệm phác thảo các tài liệu thương thuyết dùng cho các cuộc nói chuyện với Hoa Kì trong năm 1966 và 1967. Phần lớn các tài liệu này đã xong xuôi vào tháng Tám năm 1967, “vừa kịp thời” theo lời ông Huynh nói. Thế nhưng tại thời điểm đó, “vì ốm đau và kiệt sức tôi đã xin chuyển sang làm việc ở Ban Trung Quốc”, ông Huynh cho biết [34] . Đây là một cách nói ngoại giao ám chỉ rằng tiến trình đàm phám đã bị phía Việt Nam chấm dứt tại thời điểm này.

Sự kiện phi cơ Hoa Kì ném bom vào các mục tiêu xung quanh Hà Nội ngày 20 tháng Tám có thể có mối liên hệ với sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán. Cùng thời gian đó, kế hoạch tấn công Tết Mâu Thân đã tiến triển khá xa và có vẻ như bất cứ các ủng hộ cho những thương thuyết hoà bình đã từng tồn tại trong tháng Bảy giờ đây hoàn toàn sụp đổ. Từ ngày 20 đến ngày 24 tháng Mười, Bộ Chính trị họp và quyết định rằng họ đã có thể thực hiện cuộc tấn công sớm hơn kế hoạch ban đầu, theo biên sử chính thức của Quân đội Nhân dân Việt Nam viết năm 1988 [35] . Cuộc họp được chủ trì bởi Trường Chinh và có sự tham gia của Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn và Lê Đức Thọ. Một số uỷ viên Bộ Chính trị không có mặt tại Hà Nội lúc này, trong số đó có Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Lê Duẩn cũng không có mặt tại cuộc họp vì đã lên đường tới dự lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười tại Moscow [36] .

Tính nghiêm ngặt của cuộc hội đàm này và sắc lệnh phục hồi Sắc lệnh số 63 trong tháng Mười Một đã đặt ra câu hỏi liệu rằng các quyết định đạt được trong tháng Mười và Mười Một năm 1967 có thể được xem như một cuộc thâu tóm quyền lực trong Đảng hoặc cuộc đảo chính. Những lời bình luận của đại sứ Liên Xô tại Hà Nội Shcherbakov nói với quyền đại sứ Hungary, và sau đó được ông này báo cáo về Budapest tháng Giêng năm 1968, giải thích những cuộc bắt bớ trong năm 1967 là kết quả của “sự suy yếu dần tính dân chủ trong Đảng; quá trình suy yếu này diễn ra rất nhanh sau khi chiến tranh bùng nổ mặc dù thực tế đã bắt đầu trước đó.” Theo quan sát của bản thân nhà ngoại giao Hungary này, Ủy ban Trung ương Đảng lẽ ra đã tổ chức các phiên họp toàn thể ít nhất hai lần trong một năm theo nguyên tắc của Đảng Lao động. Tuy nhiên vào khoảng năm 1968 các phiên họp chỉ được tổ chức mỗi năm một lần và “chỉ mang tính chất thông tin” mà không hề có tranh luận về các vấn đề hiện tại [37] . Lời bình luận này có thể đã phản ánh một thực tế là nghị quyết số 14 tháng Giêng năm 1968 cho phép thực hiện cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã được phác thảo trong cuộc họp kín của Bộ Chính trị vào tháng Mười.




[1]Ilya Gaiduk và Mari Olsen đã tận dụng triệt để các tài liệu của Liên Xô trong nghiên cứu của họ; về phía Trung Quốc thì các công trình của Chen Jian và Qiang Zhai đã cho ta một hướng dẫn về các tài liệu Trung Quốc mới có được.
[2]Việc công bố các tài liệu liên quan đến việc ra quyết định trong trận Điện Biên Phủ vào mùa xuân 2004 có thể là một dấu hiệu của sự thay đổi. Một số lượng lớn các tài liệu của Đảng Lao động đã được in trong các tập Văn kiện Đảng gần đây nhất, gồm một số các nghị quyết (ở dạng đã bị sửa chữa) của Ủy ban Trung ương, nhưng vẫn còn thiếu nhiều tài liệu liên quan đến các quyết định vào năm 1967 về cuộc tấn công Tết Mậu Thân.
[3]Một loạt các tài liệu đã được Trung tâm Khai thác Tài liệu Hỗn hợp (CDEC) ở Sài Gòn tập hợp. Các tài liệu này hiện nay đã có ở dạng microfilm [vi phim] trong Thư khố Quốc gia Hoa Kì.
[4]Diễn Đàn, nguyệt san tiếng Việt có trụ sở tại Paris đã đăng một số tài liệu này, trong đó có một vài tài liệu được các quan chức Hà Nội tiết lộ.
[5]“Tài liệu phổ biến đến đảng viên và cán bộ các đoàn thể”, theo Kế hoạch số 38/KH-TƯ ngày 7-4-1994 của thường vụ Thành uỷ Hà Nội, gồm một phần điểm lại những lời buộc tội, dưới tiêu đề “Hoạt động của một số thế lực thù địch và chống đối”.
[6]Xem Stowe, “‘Xét lại’ ở Việt Nam” về tổng kết vụ chống Đảng. Dù tôi không đồng ý với tất cả các kết luận của bà, bà đã tổng hợp được một bản tổng kết đầy đủ duy nhất bằng tiếng Anh về những sự kiện này. Georges Boudarel viết một bản tổng kết khác trước đó về vụ này trong Cent Fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, 256-264.
[7]Xem, thí dụ, “Thư ngỏ của công dân Hoàng Minh Chính”.
[8]Oberdorfer, Tet!, 65-66.
[9]Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 139, chú thích 9 và 11.
[10]Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Victory in Vietnam, 214.
[11]PRO, FCO 15/481 Hà Nội đến Văn Phòng Ngoại giao, không đánh số, ngày 22 tháng Tám 1967, ngài Colvin kí.
[12]PRO, FCO 15/481, 1/1/68 Cof. Brit Congen, Hà Nội, 30 tháng Ba 1968 gửi SEAD, FO, G.S. Hirst kí.
[13]Oberdorfer, Tet!, 66. Oberdorfer nói rằng Hồ Chí Minh kí sắc lệnh vào ngày 10 tháng Mười một, nhưng bây giờ ta biết rằng vào lúc đó Hồ đang ở Bắc Kinh.
[14]Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, nhất là đoạn từ 271-279.
[15]Như trên, 297.
[16]Như trên, 297.
[17]Như trên, 297.
[18]“Tài liệu phổ biến đến đảng viên và cán bộ các đoàn thể”, theo Kế hoạch số 38/KH-TƯ ngày -4 của Thường vụ Thành uỷ Hà Nội [Tôi có giữ một bản sao].
[19]Xin cảm ơn Balazs Szalontai vì đã cung cấp cho tôi bản dịch của tài liệu này: Ghi nhớ: Chuyến thăm của Ngoại trưởng Việt Nam Hoàng Lương tới Thứ trưởng Ngoại giao Erdelyi (Thư khố Bộ Ngoại giao Hungary, VST 1967.93.doboz,146,001025/19/1967).
[20]Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, 176.
[21]Yang Kuisong, “Mao Trạch Đông và các cuộc chiến tranh Đông Dương”, 24.
[22]Trần Quỳnh, Hồi kí về Lê Duẩn, 18, mô tả các cuộc gặp ở Vũ Hán và nỗ lực của Trung Quốc nhằm hình thành một Quốc tế [cộng sản] mới. Trần Quỳnh đóng vai trò là cố vấn chính trị của Lê Duẩn từ 1950 đến 1965.
[23]Hoàng Văn Hoan và Hoàng Minh Chính cùng nhất trí với nhau ở điểm này trong các cuốn hồi kí viết riêng biệt của các ông. Trang 380 trong cuốn Giọt nước trong biển cả và trang 29 trong cuốn của Hoàng Minh Chính. Trong năm 2003, phía Việt Nam xuất bản toàn văn Nghị quyết 9 năm 1963 trong tập số 24 của Văn kiện Đảng.
[24]Để khảo cứu thêm hoạt động hỗ trợ của Trung Quốc cho VNDCCH, xem Chen Jian, Mao's China and the Cold War, 215 — 229.
[25]Trần Quỳnh, Hồi kí về Lê Duẩn, 30.
[26]Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 94.
[27]MacFarquar and Fairbank, The Cambridge History of China, 232-247.
[28]PRO, FCO 15/535, Priority Washington to Foreign Office, Telegram no. 2233, 30 June 1967.
[29]PRO, FCO 15/535, Secret, Immediate Hanoi to Foreign Office, tel. No. 421, 3 July 1967.
[30]Herring, The Secret Diplomacy of the Vietnam War, 717-725 về cuộc gặp gỡ giữa hai phái viên Pháp, Phạm Văn Ðồng và Hồ Chí Minh. Về Hồ Chí Minh, xem Duiker, Ho Chi Minh: A Life, 556.
[31]Elliott, The Vietnamese War, Chapter 19, 1054-1071.
[32]Smith, “The Vietnam War ‘From Both Sides’”, 25.
[33]Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 128.
[34]McNamara et al., Argument Without End, 227.
[35]Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Victory in Vietnam, 214.
[36]Một nguồn tin năm 2001 ở Hà nội cho biết rằng cả Giáp và Lê Duẩn đều vắng mặt trong buổi họp Bộ Chính trị ngày 20-24 tháng Mười năm 1967: nguồn tin này cho rằng “các đồng chí vắng mặt vì lí do sức khỏe, khi đó họ cùng ra nước ngoài chữa bệnh”. Xem Lịch sử kháng chiến chống Mĩ cứu nước, 1954-1975. 32. Cảm ơn Merle Pribbenow đã chỉ cho tôi nguồn tham cứu này.
[37]Kho Lưu trữ Quốc gia Hungary (Magyar Orszagos Leveltar), XIX-J-1-j, Vietnam SZT 1968.87.doboz, 001051/1968. Báo cáo từ ĐSQ Hungary tại VNDCCH, ngày 17 tháng Một năm 1968.

Nguồn: Tập san Cold War History, Vol. 5, No. 4, November 2005, pp. 479-500. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas với sự cho phép của tác giả.
Cuộc tranh luận về tư tưởng ở Hà Nội

Các quyết định trọng yếu được đưa ra ở Hà Nội tại thời điểm những cuộc bắt bớ liên quan tới vấn đề chống Đảng bắt đầu. Sự rối loạn ở Trung Quốc, các đề xướng của Kosygin với Hoa Kì, cuộc chiến tranh tàn phá ngày càng khốc liệt, và tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ của Hồ Chí Minh rõ ràng đã tạo nên sự căng thẳng trong giới lãnh đạo Việt Nam. Cái chết của Nguyễn Chí Thanh có thể đã gây tổn hại cho nhóm ủng hộ mạnh mẽ nhất việc tăng cường tấn công quân sự. Không những họ mất đi một chiến hữu đáng tin cậy và một người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm mà còn mất đi một lá phiếu trong Bộ Chính trị.

Suốt năm 1967 cuộc Cách mạng Văn hoá sôi sục ở Trung Quốc biến hậu cứ an toàn của Bắc Việt thành một nguồn bất ổn tiềm tàng. Một số Hồng vệ binh đã vượt biên giới vào Việt Nam; mặc dù tình nguyện đánh lại người Mĩ, họ đã không tuân theo luật lệ của Việt Nam cũng như Trung Quốc [1] . Đối với toàn thể người Việt Nam, cuộc chiến tranh trong năm 1967 đã trở thành cỗ máy thần chết không khác gì sự xuất hiện của đại dịch. Ở miền Nam, trong những khu vực chịu sự kiểm soát của Việt cộng, bằng các cuộc hành quân mang mật danh Cedar Falls, quân đội Hoa Kì đã trốc rễ toàn bộ làng mạc, đốt các ngôi nhà lợp rạ của nông dân, lật tung các thửa ruộng và di chuyển cư dân tới các ấp chiến lược bằng trực thăng (trừ phi họ muốn ở lại trong các khu vực sau này trở thành các vùng tự do bắn phá cho máy bay ném bom B52 của Hoa Kì [2] ). Tại vùng đất phía trên vĩ tuyến 17, các cuộc ném bom của máy bay Mĩ đã trở thành việc thường ngày. Lãnh sự quán Anh, trong một báo cáo ngày 9 tháng Mười Một năm 1967 đã nhắc tới việc ném bom các mục tiêu gần Hà Nội bao gồm các trạm điện và cây cầu chính bắc qua sông Hồng, gây ra một “cơn sốt điệp viên” ở miền Bắc Việt Nam [3] . (Thực tế, các học giả người Anh đã kết luận rằng nhân viên Anh quốc tại Hà Nội đã tham dự vào công việc thu thập tin tức tình báo [4] ). Báo chí Hà Nội đưa tin số máy bay Hoa Kì bị bắn rơi hàng ngày, và cho đến ngày kỷ niệm lần thứ 50 ngày Cách mạng Bôn-sê-vích tháng Mười Một, con số máy bay rơi đã lên tới 2500 chiếc, ít nhất là họ đã thông báo với dân chúng như vậy.

Do chúng tôi chỉ có những văn bản chính thức rất sơ sài hoặc các nguồn thông tin của Đảng từ phía Việt Nam về các vấn đề gây nên sự căng thẳng trong giới lãnh đạo, chúng tôi buộc phải sử dụng các công cụ phân tích thời chiến tranh lạnh. Một phương pháp để xác định giới lãnh đạo Hà Nội đã nghĩ gì trong những tháng cuộc chiến tranh leo thang là đọc lại các bài phát biểu của họ, một số bài đã được in lại trong tạp chí lí luận của Đảng, hoặc thỉnh thoảng xuất hiện trên báo Nhân dân. (Đây là một bộ phận của một nguồn hồ sơ đương thời có những điểm mạnh hơn hồi kí, vì nó không bị thay đổi theo các nhận thức sau này của tác giả). Một loạt các bài phát biểu được xuất bản trong năm 1967 và 1968 trong tạp chí Học tập đã tiết lộ một chiến dịch xác nhận lại “tính giai cấp” của Đảng đã ở giai đoạn cao trào nhất vào cuối năm 1967, một chiến dịch lặp lại các ý tưởng của chủ nghĩa Mao đề xuất ở Trung Quốc trong Cách mạng Văn hoá. Những tuyên bố chính thức về chính sách này không nhất thiết thể hiện quan điểm của một tác giả, trái lại chúng là một thoả hiệp được cân nhắc rất thận trọng của giới lãnh đạo cao cấp nhất [5] . Tuy nhiên, tại các thời điểm khác, tác giả của bài phát biểu đã có thể gây ra một cuộc tranh luận về chính sách theo một hướng nhất định bằng cách tranh thủ một sự ủng hộ rộng hơn từ các thành viên chức vụ thấp hơn trong Đảng. Sự thay đổi quan trọng này diễn ra từ cuối năm 1966 cho tới cuối năm 1967 và cả năm 1968 cho thấy những làn gió chính trị thịnh hành ở Hà Nội đã biến đổi trong giai đoạn đó. Dựa vào độ dài và mức độ sôi nổi của các bài diễn văn do hai nhân vật chính trong các sự kiện của năm 1967-68, Lê Đức Thọ và Trường Chinh, chúng ta có thể kết luận rằng họ thuộc phe thắng trong cuộc đấu, như những hồi kí sau này thực sự đã tuyên bố.

Nội dung của cuộc tranh luận diễn ra trong nội bộ giới lãnh đạo trong những năm 1967-68 có vẻ như hạn hẹp theo cách nhìn của chúng ta ngày nay. (Không hề có thảo luận về dân chủ đa đảng.) Nhưng theo các tiêu chuẩn hồi thập niên 60 thì đó là một cuộc tranh luận về các lựa chọn khác hẳn về tương lai của VNDCCH. Bản chất của cuộc chiến và cách mạng chính là tâm điểm của cuộc tranh luận này, và nó là một cuộc bút chiến trên nhiều lĩnh vực, từ việc lựa chọn đảng viên tới phát triển nông nghiệp. Vai trò của đàm phán hoà bình đối với việc kết thúc chiến tranh, do vậy, chỉ là một phần của bức tranh rộng lớn hơn. Đó là cuộc cạnh tranh giữa [một bên là nguyện vọng] thống nhất dân tộc (trong khuôn khổ liên minh yêu nước), phát triển khoa học và tiến bộ kĩ thuật với [phía bên kia là] khát vọng cách mạng của quần chúng và sức mạnh biến đổi của cách mạng bạo lực. Nhóm thứ nhất dựa trên quan điểm rằng trí thức có vai trò quan trọng trong xã hội cộng sản, trong khi nhóm kia đặt giá trị cộng sản lên trên tri thức. Nó cũng là cuộc tranh luận về sở hữu tư nhân và tốc độ hợp tác xã hoá nền kinh tế.

Quan điểm của một số nhà phân tích phương Tây cho rằng sự chia rẽ chính trong Bộ Chính trị thời kì này là mâu thuẫn giữa những người “ưu tiên miền Bắc” và các lãnh đạo kiên quyết tiến hành cuộc chiến tranh ở miền Nam, theo tôi, là sai lầm. Việc phân thành 2 nhóm này không phản ánh được bản chất của sự chia rẽ [6] . (Hồi đầu những năm 60, cả Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh đều hoài nghi triển vọng cuộc đấu tranh quân sự ở miền Nam Việt Nam, tuy thế, họ vẫn bị chia rẽ về bản chất của cuộc cách mạng ở miền Bắc Việt Nam.) Trong mắt giới lãnh đạo, bất đồng của họ nằm ở chỗ nhịp độ đưa đất nước thành một xã hội cộng sản hoàn toàn, và thoả hiệp thế nào với thế giới tư bản. Phần lớn các bất đồng này là một phần của các tranh luận Xô-Trung về “chủ nghĩa giáo điều” và “chủ nghĩa xét lại hiện đại”.

Trong phần kết luận, tôi sẽ khảo sát mức độ mà những vấn đề tư tưởng này đóng vai trò chính trong sự căng thẳng về chính trị. Một trong những nguyên nhân cơ bản hiển nhiên là sức khỏe ngày càng giảm sút của Hồ Chí Minh, và cuộc đấu đá quyền lực để xem ai là người kế nhiệm ông ngày càng quyết liệt. Nhưng liệu về bản chất, cuộc đối đầu giành quyền kế nhiệm có phải là đấu trường xác định tương lai của chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, hay chỉ là cuộc đấu đá quyền lực cá nhân? Câu hỏi thứ hai mà tôi sẽ khảo cứu là liệu cuộc tranh luận về hệ tư tưởng đã từng có những ảnh hưởng lâu dài đến diễn biến của cuộc chiến và nhà nước xuất hiện sau cuộc chiến vào năm 1975.

Một điều lạ lùng trong giai đoạn này là chúng ta có rất ít bằng chứng khẳng định việc Võ Nguyên Giáp đã từng có lập trường rất khác biệt với những người còn lại của Bộ Chính trị vào năm 1967. Trong các tư liệu mà ông viết, ông thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ chiến tranh nhân dân - một học thuyết Mao chính thống. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã giả định rằng bài viết của ông trên báo Nhân dânQuân đội Nhân dân, “Một chiến thắng vĩ đại, một nhiệm vụ to lớn” hồi tháng 9 năm 1967 đã cung cấp “một mô tả chung về đợt Tổng tấn công năm Mậu Thân”. [7] (Chúng ta phải xem xét khả năng những bài của tướng Giáp viết cho công chúng là một hình thức tự vệ và không phản ánh hoàn toàn các niềm tin sâu thẳm trong lòng ông.) Nhưng nghịch lí là cùng thời điểm đó, ông bị nhìn nhận là thân cận với Liên Xô, phần lớn là vì ông vận động cho một quân đội hiện đại và được đào tạo về kĩ thuật, nhưng cũng có thể vì ông đồng tình với các chính sách của Khrushchev. Vấn đề thực chất của Giáp có lẽ bắt nguồn từ uy tín của ông trong quân đội, với tư cách là người thắng trận Điện Biên Phủ, và vai trò lãnh đạo của ông trong việc sửa sai cuộc cải cách ruộng đất. Tướng Giáp đã đứng ra thay mặt Hồ Chí Minh gửi lời xin lỗi của Đảng tới dân chúng vào tháng Mười và Mười Một năm 1956. [8]

Lê Duẩn, người mà ngày nay được coi là phần tử cực đoan hàng đầu trong Đảng, từ các bài phát biểu của ông ta thể hiện ra là một phát ngôn viên của những quan điểm lừng chừng trong những năm 1967-68. Ông quê ở Quảng Trị, phục vụ với tư cách là lãnh đạo cao nhất của Bộ Chính trị ở miền Nam cho đến năm 1957. Mặc dù được nhiều người mô tả là thân Trung Quốc và thân Liên Xô trong từng thời kì nhất định, Lê Duẩn được chọn làm người lãnh đạo Đảng vào năm 1958 vì sự thoả hiệp giữa các phe phái của Hà Nội, phe đầu của tướng Giáp, và phe thứ hai của Trường Chinh - người lãnh đạo Đảng từ năm 1951 tới 1956. Trong Bộ Chính trị, Lê Duẩn luôn được nhìn nhận là người ủng hộ nhiệt thành nhất cho việc bảo vệ cuộc cách mạng ở miền Nam Việt Nam và được cho là người đứng sau việc chấp thuận lập trường thân Trung Quốc mạnh mẽ tại Hội nghị 9 của Trung ương Đảng năm 1963. Tuy nhiên, lập trường thân Trung hay thân Xô của ông này có vẻ như là kết quả của những toan tính xem nước nào có thể và sẵn lòng giúp sức nhiều nhất cho mục tiêu thống nhất [đất nước] trong từng giai đoạn. Vì thế, ông đã kịch liệt phê phán lập trường của Liên Xô trong các cuộc họp ở Moscow đầu năm 1964, năm cuối cùng trong giai đoạn tại vị của Khrushchev. [9] Tuy nhiên, vào cuối năm 1966, khi Bắc Việt Nam đã trở nên phụ thuộc nặng nề vào vũ khí của Liên Xô để tự vệ trước sự oanh kích của Mĩ, ông rõ ràng đã quay lưng lại với công thức của Mao về Cách mạng Văn hoá. Trong cuộc viếng thăm Moscow hồi tháng Ba năm 1966, ông còn nói Liên Xô là “tổ quốc thứ hai”, và vì thế chọc giận giới lãnh đạo Trung Quốc. [10]

Lê Duẩn trình bày quan điểm của mình về cách mạng Việt Nam trong một bài phát biểu dài được in trên tờ Học tập số tháng Năm, 1967. (Ông đã phát biểu bài này vào tháng Mười Hai năm 1966 tại cuộc hội nghị ban lãnh đạo của Tổng Công đoàn Việt Nam.) Trong bài phát biểu này, ông tỏ ra là một người thoả hiệp cẩn trọng, một phẩm chất phổ biến của các nhà lãnh đạo cộng sản thành công. Chủ đề của ông là “Vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam và nhiệm vụ của các công đoàn trong giai đoạn tới”. Ông phát biểu trước hội nghị: “Nếu chúng ta muốn giành thắng lợi cho cuộc cách mạng vô sản, giai cấp công nhân ở mỗi nước phải nắm chắc và giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc và dân chủ - chỉ bằng cách này chúng ta mới đoàn kết được dân chúng trong từng nước nơi cuộc đấu tranh đang bùng nổ”. “Ngày nay, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư bản trên toàn thế giới được tiến hành dưới khẩu hiệu “hoà bình, độc lập, chủ nghĩa dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.” [11] Không rõ cụm từ “chủ nghĩa dân tộc” và “dân chủ” có ý nghĩa thế nào đối với ông, nhưng có vẻ như ông nói về nhu cầu phải giữ cuộc đấu tranh ở miền Nam như là cuộc cách mạng “dân tộc, dân chủ”, thay vì [trở thành] cuộc đấu tranh giai cấp.

Nội dung rõ ràng nhất mà ông đề cập đến trong bài phát biểu là mục tiêu biến Việt Nam từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu thành một xã hội công nghiệp, ông khẳng định: “là sản phẩm của một nền nông nghiệp lạc hậu, tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta không có cách nào khác hơn là hợp tác hoá nông nghiệp và phát triển nền nông nghiệp một cách toàn diện để trở thành cơ sở cho sự phát triển công nghiệp”. Ông mô tả thêm về niềm tin này, làm rõ hơn rằng Việt Nam không có cơ sở kĩ thuật để phát triển các hợp tác xã trong ngày một ngày hai. (Trong một bài phát biểu quan trọng về nông nghiệp năm 1968, ông minh biện thêm về chủ đề này, chỉ ra tầm quan trọng của việc cung cấp cho nông dân các nhu cầu tiêu dùng và việc khuyến khích sản xuất trên các phần đất tư hữu, khi đó vẫn cung cấp 40% thu nhập cho họ.) [12]

Trong phần hai của bài phát biểu năm 1967, ông nói về “ba cuộc cách mạng” đang diễn ra ở Việt Nam: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, và cách mạng tư tưởng-văn hoá. “Trong ba cuộc cách mạng hiện nay, cách mạng khoa học kĩ thuật là then chốt”, ông nói, “vì mục tiêu của nó là tạo ra cơ sở vật chất và kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội, để xây dựng các lực lượng sản xuất thích hợp với các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.” [13] Ông nhấn mạnh cả giáo dục và khoa học kĩ thuật: “Tóm lại, nhiệm vụ của công đoàn trong giai đoạn hiện nay là triệt để nâng cao trình độ giáo dục và tinh thần làm chủ tập thể của công nhân, nâng cao trình độ tổ chức của công nhân lên mức chủ động tham gia quản lí công nghiệp, quản lí nền kinh tế, thực hiện cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, đồng thời, với toàn bộ sức mạnh của mình, quan tâm săn sóc đời sống công nhân.” [14]

Khi cuộc Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc đang phổ biến quan điểm “hồng hơn chuyên”, Lê Duẩn đã đặt cược vào một vị trí giống với quan điểm của Liên Xô trên vấn đề tiến bộ khoa học. Bằng việc khẳng định sự cần thiết phải tiến hành cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trước [khi tiến hành] cuộc cách mạng quan hệ sản xuất, ông đã cho thấy rằng một nền kinh tế được hợp tác xã hoá toàn diện sẽ phải chờ đợi cho đến khi Việt Nam có các phương tiện kỹ thuật [đủ] để xây dựng một cơ sở kinh tế hiện đại hơn. Đó là một trong những bài học mà nhiều người Việt Nam đã rút ra từ thảm hoạ “Đại nhảy vọt” của Trung Hoa. Vì thế, Lê Duẩn có thể được xem là người ôn hoà trong vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam.

Các bài viết của ông về chiến tranh ở miền Nam thường nhấn mạnh nhu cầu phải kết hợp các biện pháp quân sự với chính trị trong đấu tranh. Từ lá thư đầu tiên - trong số các Thư vào Nam được ấn hành - viết vào tháng Hai năm 1961, tới các hướng dẫn của ông đối với các nhà cách mạng miền Nam vào tháng Một năm 1968, ông vạch ra các chiến thuật bao gồm việc dựng nên các mặt trận chính trị thống nhất và các cuộc nổi dậy của dân chúng ở đô thị. Trong đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân, chúng được kết hợp với các cuộc đột kích của các lực lượng du kích vào đô thị. [15] Kế hoạch này phụ thuộc nhiều vào [tầng lớp] tiểu tư sản thành thị, đặc biệt là các sinh viên và trí thức. Kết quả là như mọi người đã biết, cuộc nổi dậy ở Sài Gòn đã bị ngăn chặn bởi sự thay đổi vào phút chót ngày diễn ra cuộc Tổng tấn công. [16] Một số tác giả đã chỉ ra rằng Trung Quốc không chấp thuận kế hoạch sắp xếp các cuộc nổi dậy ở đô thị vào năm 1968. [17] Họ cũng có thể đã phản đối chiến thuật kêu gọi thiết lập một chính phủ liên minh trung lập ở miền Nam, được đề xuất trong chương trình của Mặt trận Giải phóng miền Nam (MTGPMN) vào tháng 8 năm 1967. Việc thiết lập một chính phủ như vậy sẽ đòi hỏi một số hình thức đàm phán hoà bình. Trong suốt những năm 1967 và 1968, phía Trung Quốc vẫn duy trì thái độ triệt để phản đối đàm phán và tìm cách can ngăn phía Việt Nam không mở ra các cuộc thương thuyết với người Mĩ. [18] Từ năm 1965 tới cuối năm 1968, Mao đã cảnh cáo VNDCCH về cái mà ông ta coi là “âm mưu hoà bình” của Liên Xô, tức là các nỗ lực của Liên Xô nhằm khởi động các cuộc đàm phán hoà bình. [19]

Vào tháng Mười Hai năm 1967, sau việc bắt bớ “nhóm chống Đảng” và khi việc chuẩn bị cho đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân đang được gấp rút hoàn thành, Lê Đức Thọ - một nhân vật trong Bộ Chính trị, người từ năm 1956 đã nắm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - đã có một bài phát biểu với giọng điệu khác hẳn Lê Duẩn. Là một người nắm quyền kiểm soát mọi vị trí trong bộ máy Đảng, quan điểm của Thọ đối với việc “xây dựng một Đảng của giai cấp công nhân vững mạnh theo học thuyết Mác-xít Lê-nin-nít kiểu mới” phải được xem là quyết định đối với chính sách của Đảng Lao động trong tương lai. [20] (Ông có quyền bổ nhiệm các cán bộ làm việc cùng Lê Duẩn trong văn phòng Trung ương Đảng: năm 1965, ông chuyển thư kí chính trị của Duẩn là Trần Quỳnh sang làm nhiệm vụ khác. [21] ) Mặc dù trong bài phát biểu của mình, ông đã phản đối ý tưởng cho rằng Việt Nam sẽ đi theo một mô hình cộng sản [có sẵn] nào đấy, ông không nhấn mạnh khía cạnh dân tộc chủ nghĩa của cuộc cách mạng. Thay vào đó, ông nhấn mạnh đến cuộc đấu tranh giữa hai con đường: “chúng ta phải liên tục duy trì cuộc đấu tranh giữa hai con đường - con đường tập thể, xã hội chủ nghĩa và con đường chủ nghĩa tư bản cá nhân - trong mọi mặt của chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá và cuộc sống thường nhật.” “Chúng ta phải thường xuyên chống lại chủ nghĩa cơ hội cả từ phía tả và phía hữu”. [22] Khi nói về sự phát triển Đảng, ông không cần đếm xỉa đến việc nguỵ trang sự chống đối của mình đối với phe dân tộc chủ nghĩa trong Đảng. Ông nói: “Chúng ta phải chọn các đảng viên từ các thành phần cơ bản nhất của cuộc cách mạng: [đó là] bần nông”. [23] “Quan điểm hữu khuynh” trong việc xây dựng Đảng vẫn còn tiếp tục. “Gần đây, chúng ta không chú trọng đến việc phát triển Đảng trong các giai cấp công nhân, trung và bần nông, và ở nhiều địa phương, một số “các thành phần phức tạp cũng như một số thành phần thuộc giai cấp bóc lột đã được kết nạp vào Đảng.” [24] Ông cho rằng: “Khi chúng ta đang sửa chữa các sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã mắc sai lầm hữu khuynh là khôi phục tư cách đảng viên cho một số người mà lẽ ra chúng ta không nên kết nạp lại vào Đảng. Tình hình đó đã gây ra tác động xấu đối với sự trong sạch của Đảng.” Ông vạch ra [đội ngũ các cán bộ] cấp cao trong Đảng, trong đó theo ông “đại bộ phận đảng viên là các trí thức tiểu tư sản.” Ông nhấn mạnh rằng nguồn gốc giai cấp của cán bộ là một vấn đề rất quan trọng. (Ông không nói đến việc một số các trí thức tư sản này đã bị bắt và khi đó đang bị thẩm vấn. Ông cũng không nói gì đến nền tảng giai cấp của chính mình.) Cuối cùng, trong trường hợp có ai nghi hoặc về thông điệp của ông, ông đã chỉ ra rằng sẽ là sai nếu quá tập trung đến [yếu tố] “tài năng” trong việc tuyển chọn cán bộ. Ông ngầm chỉ trích những đảng viên “đặt nặng yếu tố tài năng, và nhẹ yếu tố đạo đức, những người thích năng lực mà ít chú ý tới đạo đức, hệ tư tưởng và thái độ chính trị”. Bằng sự phê phán quá trình sửa chữa các sai lầm của cải cách ruộng đất, ông đã gửi đi tín hiệu rằng đó là một cuộc tấn công vào Võ Nguyên Giáp và đồng minh của ông ta trong Đảng. (Giáp đã phê phán nghiêm khắc “giai cấp chủ nghĩa” trong cải cách ruộng đất và phong trào chỉnh đốn Đảng, được lãnh đạo bởi người tiền nhiệm của Lê Đức Thọ hồi đầu những năm 1950 là Lê Văn Lương - khi đó đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương.) [25]

Sau Lê Đức Thọ, Trường Chinh là người đem quan điểm của mình vào để làm rõ các vấn đề lí luận. Vẫn là một uỷ viên Bộ Chính trị cho dù đã bị giáng chức hồi năm 1956, ông đồng thời là chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một cương vị mà theo đó ông đã kí nhiều nghị định quan trọng của chính phủ [26] . Với tư cách là hiệu trưởng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ông là nhà lí luận hàng đầu của VNDCCH. Ông đã phát biểu hai bài dài vào tháng Chín và tháng Mười Một năm 1968, và cả hai bài này đều được giới truyền thông Việt Nam quảng bá rộng rãi. Có vẻ như hai bài này là những lời chốt lại cuối cùng của các vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ Đảng Lao động. Bài đầu tiên, phát biểu đánh dấu 150 năm ngày sinh Các Mác, được xuất bản một phần vào tháng Chín và tháng Mười năm 1968 trên tờ Học tập. Không rõ là ngày ông phát biểu bài này có thực sự gần hơn với lễ kỷ niệm ngày sinh của Mác vào tháng Năm hay không. Một bản đầy đủ hơn của bài phát biểu này cũng được phát sóng làm bốn phần trên sóng radio của Hà Nội (và được sự chú ý đáng kể của giới phân tích phương Tây vào lúc đó). Tờ báo Đảng Nhân dân gọi đó là “một đóng góp mới vào kho tàng lí luận của cách mạng Việt Nam”. [27]

Bài diễn văn đưa ra một sự nhấn mạnh khác về tầm quan trọng của “ba cuộc cách mạng" do Lê Duẩn phác thảo vào cuối 1966. Về căn bản, Trường Chinh kêu gọi thủ tiêu cả tài sản tư nhân và nền tư thương. Ông nói cuộc cách mạng về lực lượng sản xuất không thể bị giới hạn vào các “công cụ sản xuất”, mà phải mở rộng ra cả quản lí và phân phối. “Sau khi hoàn thành cuộc cải cách căn bản về quan hệ sản xuất và hệ thống tài sản, thì cuộc cách mạng trong công nghệ đóng vai trò then chốt”, ông nói. [28] Đây chính là lời kêu gọi xoá bỏ bất kì hoạt động kinh tế tư nhân nào, và có thể là một ám chỉ đến thị trường của nông dân cá thể, nơi nông dân có thể bán các sản phẩm từ mảnh ruộng tư của mình.

Một chủ đề khác trong bản tuyên bố dài về chính sách của Trường Chinh là bản chất của cách mạng miền Nam. Các bình luận của ông gợi lên câu hỏi liệu ông có phản đối những cố gắng của các cán bộ MTGPMN ở Sài Gòn nhằm mở ra đối thoại với đại sứ quán Mĩ để trao đổi tù binh vào năm 1967 hay không. (Trên thực tế, Trần Bạch Đằng sau này đã bị phê phán bởi đề xuất này, [cho dù] nó đã dẫn đến việc thả một số cán bộ MTGPMN). [29] Có cả những cuộc đối thoại khác nữa, có vẻ như không được VNDCCH chấp thuận, vào tháng Bảy năm 1966 ở Paris giữa Lê Văn Trường đại diện của MTGPMN và một nhà ngoại giao Mĩ về việc hình thành một chính phủ liên hiệp ở miền Nam. [30] Trường Chinh chỉ rõ rằng Đảng phải tiếp tục nắm “quyền kiểm soát không tranh cãi đối với mặt trận thống nhất trong mọi giai đoạn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và không vì bất kì lí do gì mà để nó rơi vào tay của "giai cấp tư sản” - Đảng phải luôn luôn bảo toàn bản sắc độc lập của mình trong mặt trận; mục đích duy nhất của cương lĩnh tối thiểu (độc lập và cải cách xã hội) của mặt trận là để thúc đẩy việc hiện thực hoá cương lĩnh tối đa của Đảng (xây dựng một nhà nước cộng sản). Đảng “phải tuyệt đối không cho phép tư sản dân tộc lãnh đạo mặt trận dân tộc thống nhất”. Trong các tuyên bố của ông về 1968, thật khó tìm ra bất kì một chỉ dấu nào cho thấy ông muốn giảm sự cam kết của VNDCCH với miền Nam, rằng ông là người “vì miền Bắc trước đã”. Điều đáng chú ý ở đây là sự khăng khăng của ông rằng cách mạng miền Nam phải dựa trên “các phương tiện không hoà bình” để tạo ra sự chuyển tiếp đến chủ nghĩa xã hội. [31] Điều này có vẻ hàm ý rằng một giải pháp thông qua thương lượng để dẫn tới chính phủ liên hiệp ở miền Nam sẽ không phải là một kết quả chấp nhận được cho cuộc chiến.

Trong cả bài diễn văn, Trường Chinh đã đưa ra một loạt các ám chỉ đến “các kẻ thù của nhân dân”. “Hiện nay ở miền Bắc Việt Nam”, ông nói, “cuộc đấu tranh giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa vẫn còn tiếp diễn, nhằm giải quyết câu hỏi "ai thắng ai?” Đây là một cuộc đấu tranh trường kì, khó khăn và phức tạp.” [32] Diễn văn tiếp tục trong dòng mạch ấy:

“Về chuyên chính, rõ ràng là chuyên chính của đại đa số nhân dân lao động sẽ được hiện thực hoá, và ngược với những thế lực phản cách mạng và bọn bóc lột, những kẻ là thiểu số và không chịu tự cải tạo… dưới chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, những kẻ thù của nhân dân và của chủ nghĩa xã hội sẽ không được phép hưởng các quyền dân chủ. Nhà nước chuyên chính vô sản kiên quyết ngăn chặn việc sử dụng các khẩu hiệu dân chủ hoá chế độ để làm suy yếu hay xoá bỏ chuyên chính vô sản, coi nhẹ hay phủ nhận quyền lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân và của Đảng Cộng sản, hay từng bước thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” và đẩy đất nước tiến dần đến hệ thống tự do tư sản và cuối cùng trở lại chủ nghĩa tư bản. Cùng lúc đó, việc đấu tranh chống mọi biểu hiện của tư sản dân tộc, kẻ thù của tinh thần quốc tế vô sản, cái cô lập và đẩy đất nước vào vòng tay của chủ nghĩa tư bản thế giới là rất cấp bách.” [33]

Một nhà phân tích của Văn phòng Ngoại giao Anh, Lydia Giles, cho rằng bình luận về “ai thắng ai” là đáng chú ý. Theo bà, “Có thể đoán được là điều này nói về sự khác biệt quan điểm ở miền Bắc về việc tiến hành cuộc chiến tranh như thế nào, về đàm phán và về toàn bộ câu hỏi liệu Bắc Việt Nam nên theo hình thức chủ nghĩa cộng sản giống Nga hay giống Tàu hơn.” [34] Bà cũng nhận xét rằng thời điểm công bố diễn văn này, sau cuộc xâm lược Tiệp Khắc vào tháng Tám của Liên Xô, có thể là quan trọng. Chúng ta không có đủ tài liệu về các sự kiện ở VNDCCH để biết liệu cụm từ “các khẩu hiệu dân chủ hoá” mà Trường Chinh dùng là liên hệ đến Mùa xuân Praha và thế giới cộng sản nói chung, hay nó là một lời bàn luận về những chuyện đã xảy ra ở Việt Nam.

Trường Chinh đọc một diễn văn có tính bước ngoặt khác của năm 1968 vào ngày mồng 6 tháng 11, trước các cán bộ tỉnh Vĩnh Phú. Bài diễn văn, với tiêu đề “Kiên quyết khắc phục nhược điểm, phát huy sức mạnh, để lãnh đạo phong trào hợp tác hoá đi đến tiến bộ vững chắc”, được in thành hai phần trên Nhân dân vào 29 và 30 tháng Một năm 1969. Đây là diễn văn đặt dấu chấm hết cho những thí nghiệm về kích thích sản xuất đối với nông dân làm ruộng. Vũ Thư Hiên kể lại trong hồi kí của ông, những thí nghiệm này đã được tiến hành ở nhiều tỉnh từ ít nhất là 1963. Hiên đề cập đến hai tỉnh phía Bắc, Hưng Yên và Vĩnh Phú, như là các địa phương thí nghiệm khoán sản phẩm, vốn cho phép nông dân giữ lại một phần của vụ mùa ngoài sản lượng mà họ đã cam kết trồng cho nhà nước. Hiên lưu ý rằng những thí nghiệm tương tự đã diễn ra ở Trung Quốc vào năm 1962, vì Mao Trạch Đông từng tuyên bố chống lại các hợp đồng (như thế) vào năm đó [35] . Trên thực tế, tranh cãi về khoán sản phẩm và “hệ thống trách nhiệm” của hộ gia đình trong nông nghiệp là một nét đặc trưng trong đời sống chính trị của CHND Trung Hoa trong sự trỗi dậy của Đại nhảy vọt và vào đêm trước của Cách mạng Văn hoá. [36] Trong nội bộ VNDCCH, có tin đồn phổ biến là Lê Duẩn chống lại phê phán của Trường Chinh, nhưng bất lực để can thiệp [37] . Trên thực tế, việc bắt giữ “nhóm chống Đảng” có vẻ như đã nâng vai trò và sự nổi bật của Trường Chinh cũng tương tự như của bất kì lãnh tụ nào khác. Chắc chắn là vào năm 1968, ông là nhà tư tưởng có tiếng nói cuối cùng. Ông chỉ ra rằng những thí nghiệm về khoán tương đương với việc quay trở lại nông nghiệp cá thể, rằng chúng “đi ngược lại con đường tập thể hoá của Đảng”. [38]

Công thức hệ tư tưởng của Trường Chinh phản ánh các thành tố của cuộc tranh luận chính trị, vốn vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc vào 1967-1968. Chu Ân Lai đã cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp một bài về những vấn đề này khi họ ở Bắc Kinh vào tháng Tư 1967 [39] . “Tôi xin nói với các anh rằng, cuộc Cách mạng Văn hoá của chúng tôi là nhằm lật đổ một nhóm lãnh đạo trong Đảng muốn theo con đường tư bản chủ nghĩa”, Chu giải thích. “Trong một bài phát biểu năm ngoái, đồng chí Lâm Bưu đã nói: trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải tiêu diệt “tư hữu” của tư sản, và xây dựng “công hữu” của vô sản“. Hơn nữa, “như tôi đã nói với các đồng chí, trong xã hội của chúng tôi, “tư hữu” vẫn còn tồn tại… vẫn còn tàn dư của tư bản, phong kiến, và bọn tư sản mới nổi, bọn đầu cơ, trục lợi… Và vẫn còn đó sở hữu tư nhân, đất tư, thị trường tự do, kinh doanh tự do. Cho nên, chủ nghĩa tư bản có thể tái diễn bất kì lúc nào… Tất cả các yếu tố vừa nói đó là mảnh đất màu mỡ cho sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản và sự xuất hiện của chủ nghĩa xét lại”. Chúng ta không biết có các kênh nào khác tồn tại giữa Việt Nam và Trung Quốc để truyền đạt hệ tư tưởng này, nhưng có vẻ như các lãnh tụ như Lê Đức Thọ và Trường Chinh có những đối tác ở Trung Quốc đóng vai người truyền tin trực tiếp về hệ tư tưởng của cuộc Cách mạng Văn hoá. Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội có vẻ cũng liên quan đến việc truyền bá các tư tưởng đó, hệt như các Đại sứ quán của Trung Quốc ở các thủ đô khác trong vùng Đông Nam Á. Bức tranh của chúng ta về các mối liên hệ bên trong phe xã hội chủ nghĩa như chỉ gồm trao đổi ở cấp cao nhất rất có thể là một cái nhìn thô sơ về cách mà mọi thứ vận hành.


Cuộc tranh luận dai dẳng và tầm quan trọng dài hạn của vụ chống Đảng

Mặc dù lãnh đạo Việt Nam luôn cẩn thận giữ hình ảnh đoàn kết, những bài diễn văn công bố vào 1967-1968 để lộ rằng các lãnh tụ như Lê Đức Thọ và Trường Chinh đã cực kì lo lắng về tình hình trong hàng ngũ cấp cao. Các văn bản được công bố những năm gần đây cho chúng ta thấy những mối lo ngại này đã được tiếp tục bởi các hành động chính trị cụ thể như thế nào. Sau khi nhận thông tin về các cuộc thẩm vấn những người bị bắt năm 1967, vào tháng Mười 1968, Bộ Chính trị đã lập một uỷ ban phụ trách các cuộc điều tra tiếp theo về vụ chống Đảng. Ủy ban này do Lê Đức Thọ lãnh đạo, với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn làm phó. Các thành viên khác bao gồm Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng và Song Hào. Một trong những lời buộc tội chính đối với “nhóm chống Đảng” là họ đã chống lại Nghị quyết 9 của Ủy ban Trung ương, được thông qua năm 1963. Họ cũng bị kết tội là chống lại chính sách đấu tranh vũ trang chống Mĩ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. [40] Cuối cùng, họ bị buộc tội là tuồn tài liệu mật cho một nước khác. Như chúng ta đã biết, những lời buộc tội này không được chính thức hoá cho đến 1972, khi uỷ ban hoàn thành cuộc điều tra.

Nhưng có vẻ như Ủy ban Trung ương Đảng Lao động tiếp tục tranh chấp về hệ tư tưởng và các chính sách theo lối mà giới lãnh đạo tối cao thấy lo ngại. Có thể thấy bằng chứng cho việc này từ một báo cáo về một phiên họp toàn thể của Đảng từ tháng Mười hai đến tháng Một năm 1970-71, một năm sau khi cái chết của Hồ Chí Minh khiến Đảng Lao động không có một nguyên thủ nổi bật và khả kính nào. Báo cáo do Hoàng Anh, thành viên Ban Bí thư, hiện nay có bản dịch tiếng Nga trong thư khố RGANI, báo cáo về phiên họp toàn thể lần thứ 19 của Đảng. (Theo cách tính của Liên Xô, đây là phiên họp thứ 20 - có thể có nghi ngờ về một phiên họp toàn thể thật đã được tiến hành vào cuối năm 1967 hay chỉ là các cuộc họp khác gộp thành một phiên họp. Bí mật về ngày tháng của các phiên họp toàn thể có thể là lí do khiến người Nga lẫn lộn về thứ tự. Như đã đề cập trước đó, các nhà ngoại giao khối Đông ở Hà Nội nhận ra rằng các phiên họp thưa dần kể từ khi chiến tranh nổ ra. [41] )

Báo cáo của Hoàng Anh đầy những nhận xét về sự thiếu đoàn kết trong Đảng. “Trong lịch sử bốn mươi năm của Đảng ta”, ông viết, “chưa bao giờ có sự bất đồng mạnh đến thế”.

“Như là hậu quả của việc nhiều đồng chí trong một thời gian dài đã phản đối quan điểm cơ bản về nông nghiệp của chúng ta, trong lãnh đạo Đảng đã có một cuộc đấu tranh liên tục, bắt đầu ngay từ Hội nghị 17, qua Hội nghị 18, và đến đỉnh điểm ở Hội nghị 19. Nhiều đồng chí có mặt ở đây không đồng ý với quan điểm của chúng ta. Họ muốn gì? Họ muốn theo con đường nào? Chúng ta sẽ giải quyết những vấn đề cấp bách này như thế nào? Chúng ta coi đây là hoạt động bè phái, xét lại. [42]

Rõ ràng, cuộc tranh luận mang tính hệ tư tưởng đã không chấm dứt vào năm 1968, mà tiếp tục thúc ép những nhượng bộ trong giới lãnh đạo Việt Nam mà nhiều người không hài lòng. Báo cáo của Hoàng Anh đề cập tới mâu thuẫn tiếp diễn về chiến tranh ở miền Nam, với một số đồng chí muốn mở một cuộc xâm lược quy mô lớn hay mời quân Trung Quốc vào, bất chấp sự thật là đất nước cần phục hồi từ những vết thương năm 1968 và 1969. [43] Dù sao, vào lúc đó VNDCCH đã rơi vào một quá trình “vừa đánh vừa đàm”, cứ tiếp tục đến tận Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh vào tháng Một năm 1973. Cuộc tấn công Tết [Mậu Thân] là một cú sốc tâm lí rõ ràng cho người Mĩ và thuyết phục Lyndon Johnson ngừng ném bom. Theo nghĩa này, các công trình sư của nó có thể nhận thành công về mình.

Nếu vậy, câu hỏi về các sự kiện chính trị 1967-68 mà người ta buộc phải đặt ra là, liệu chúng có tầm quan trọng dài hạn nào đối với VNDCCH không? Hiển nhiên, cuộc tranh luận dẫn tới sự bắt bớ có tầm quan trọng lớn hơn so với việc chọn lựa chiến thuật và chiến lược cho đợt Tổng tấn công Tết 1968. Trên bề nổi, các cuộc bắt bớ năm 1967 có thể có vẻ như là lời chào cuối cùng tới những người bảo trợ Trung Hoa của Việt Nam, nhất là Mao Trạch Đông, người đã đóng vai trò quyết định trong nhiều giai đoạn của cuộc đấu tranh giành độc lập và trong sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở VNDCCH. Nhưng tôi muốn xác nhận rằng những tiền lệ pháp lí hình thành năm 1967-68 về giải quyết bất đồng chính kiến trong Đảng Cộng sản có ảnh hưởng lâu dài. Nó tăng quyền của Ủy Ban Kiểm tra Đảng trong việc duy trì bí mật tuyệt đối về đời sống bên trong của Đảng, một quyền vẫn còn tiếp tục được tận dụng. Gắn cho các đảng viên không đồng ý hoặc phản đối một đường lối hoạt động như là những kẻ phản bội, chỉ vì họ thảo luận với các đại diện của đảng Liên Xô về chính sách của VNDCCH, là một bước tiến tới độc tài trong nội bộ Đảng. Bất kì sự chệch hướng nào khỏi nguyên tắc bí mật, bao gồm cả nỗ lực của Hoàng Minh Chính và những người khác để lấy lại thanh danh của chính mình, có thể bị diễn giải là phản cách mạng hay phản bội.

Một hậu quả khác của vụ chống Đảng là một nhóm các lãnh tụ đã từng xây dựng sự nghiệp của mình trên mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc và ủng hộ chính sách của nó đã tự cứu được mình khỏi trở nên lỗi thời, khi quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc bị suy yếu. Logic là, khi sự phụ thuộc của Việt Nam vào Moscow tăng lên, người ta có thể kì vọng một nhóm lãnh đạo thân Liên Xô sẽ nổi lên như là lực lượng thống lĩnh trong Đảng Việt Nam. Nhưng như các tài liệu Liên Xô cho thấy, giới lãnh đạo của Việt Nam vẫn duy trì một thái độ bí mật với những người Nga khi đụng đến chính sách ngoại giao và các kế hoạch quân sự. [44] Ví dụ, người Liên Xô không được báo trước kế hoạch tấn công dịp lễ Phục sinh vào năm 1972, theo các nguồn tài liệu của họ. Lê Đức Thọ và Trường Chinh vẫn là lực lượng mạnh mẽ bên trong Bộ Chính trị Việt Nam, thậm chí sau khi cắt đứt với Trung Quốc vào năm 1978. Một bằng chứng rõ rệt là trong báo cáo hội nghị của Hoàng Anh vào năm 1971, ông đã tuyên bố rằng Đảng Việt Nam chấp thuận các chính sách Mao-ít và tư tưởng đằng sau cuộc Cách mạng Văn hoá, dù rằng nó không chấp nhận các phương pháp được sử dụng ở Trung Quốc. [45] Có vẻ như những người này toàn tâm toàn ý cho những tư tưởng mà họ đã tán thành vào năm 1967-68, chứ không đơn giản chỉ bày mưu để giành quyền lực.

Giới lãnh đạo của VNDCCH đã điều hành một nước Việt Nam tái thống nhất vào năm 1975-76, theo quan điểm của tôi, sẽ khác đi nếu không có vụ chống Đảng. Vào cuối một cuộc chiến tranh kéo dài và gây chia rẽ, đáng lẽ phải kêu gọi nhượng bộ kinh tế và thống nhất dân tộc, thay vào đó, Việt Nam lại bị dẫn dắt bởi một hệ tư tưởng chính thống kêu gọi khẩn trương tiến lên chủ nghĩa xã hội. Phải thừa nhận rằng, các đe doạ quốc tế đối với Việt Nam đến từ Trung Quốc và một nước Mĩ đang bẽ mặt khiến cho tình hình mà giới lãnh đạo Hà nội phải đương đầu trở nên cực kì khó khăn. Sự tự tin thái quá sau khi đánh bại quyền lực quân sự mạnh nhất thế giới cũng đóng một vai trò quan trọng trong những gì đã xảy ra sau 1975. Nhưng cùng lúc đó, những tiền lệ về luật và hệ tư tưởng đặt ra từ 1967-68 đã hạn chế lựa chọn mà giới lãnh đạo cộng sản có thể có, và góp phần vào những khó khăn mà người Việt Nam phải trải qua trong những năm 70 và 80.


Tham khảo
  • Boudarel, Georges. Cent Fleurs écloses dans la nuit du Vietnam. Paris: Jacques Bertoin, 1991.
  • Chen, Jian. Mao's China and the Cold War. Chapel Hill, NC: University of North Carolina, 2001.
  • Dang, Phong, and Melanie Beresford. Authority Relations and Economic Decision-making in Vietnam. Copenhagen: NIAS, 1998.
  • Duiker, William. Ho Chi Minh: A Life. New York: Hiperion, 2000.
  • Elliott, David W. P. The Vietnamese War: Revolution and Social Change in the Mekong Delta 1930-1975. vol. 2. Armonk, NY: ME. Sharpe, 2003.
  • Gaiduk, Ilya V. The Soviet Union and the Vietnam War. Chicago: Ivan R. Dee, 1996.
  • Herring, G. C., ed. The Secret Diplomacy of the Vietnam War. Austin, TX: University of Texas, 1983.
  • Hoàng, Văn Hoan. Giọt nước trong biển cả: Hồi kí cách mạng. Beijing: NXB Tin Viet Nam, 1986.
  • Lê Duẩn. “Vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam và nhiệm vụ của công đoàn trong giai đoạn trước mắt”. Học Tập 5 (1967): 7-28.
  • Lê Duẩn. “Nắm vững đường lối Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, tiến lên xây dựng kinh tế địa phương vững mạnh”. Học tập 8 (1968): 12.
  • Lê Duẩn. “Gửi Trung ương cục và Quân uỷ miền Nam”, 18-1-1968, Thư vào Nam. Hà Nội: NXB Sự Thật, 1985.
  • Lê Đức Thọ. "Xây dựng Đảng kiếu mới Mác-xít-Lê-nin-nít vững mạnh, của giai cấp công nhân." Học tập 2 (1968): 189-196.
  • Mau Han Le, ed. Đảng Cộng sản Việt Nam: Các Đại hội và Hội nghị Trung ương (tái bản có sửa chữa và bổ sung). Hà Nội: NXB Chính Trị Quốc Gia, 1998.
  • Lịch sử kháng chiến chống Mĩ cứu nước, 1954-1975, Tập V: Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Hà Nội: NXB CTQG, 2001.
  • Lien-Hang T, Nguyen. "The Sino-Vietnamese Split in the Post-Tet War in Indochina, 1968-1975." In The Path to the Third Indochinese Conflict. Forthcoming 2005.
  • Roderick, MacFarquhar. The Origins of the Cultural Revolution, vol. 3: The Coming of the Cataclysm 1961-1966. Oxford: Oxford University Press and Columbia University Press, 1997.
  • Roderick, MacFarquhar, and John K. Fairbank. The Cambridge History of China: The People's Republic, Part Two, vol. 15, Revolutions Within the Chinese Revolution. Cambridge: Cambridge University Press, 1991.
  • McNamara, Robert, James Blight, Robert Brigham, Thomas Biersteker and Col. Herbert Schandler. Argument Without End: In Search of Answers to the Vietnam Tragedy. New York: Public Affairs, 1999.
  • Military History Institute of Vietnam. Victory in Vietnam, The Official History of the People's Army of Vietnam (1954-1975), translated by Merle L. Pribbenow Lawrence, KS: University of Kansas, 2002.
  • Moise, Edwin E. Land Reform in China and North Vietnam: Consolidating the Revolution at the Village Level. Chapel Hill, NC: University of North Carolina, 1983.
  • Ngo Vinh, Long. "The Tet Offensive and its Aftermath." In The American War in Vietnam, edited by J.Werner, and D. Hunt. Ithaca NY: SEAP, 1993.
  • Olsen, Mari. Solidarity and National Revolution: The Soviet Union and the Vietnamese Communists, 1954-1960. Oslo: Institut for Forsvarsstudier, 1977.
  • Oberdorfer, Don. Tet! New York: Doubleday, 1971.
  • Prados, John. Lost Crusader: The Secret Wars of CIA Director William Colby. Oxford: Oxford University Press, 2003.
  • Schell, Jonathan. The Village of Ben Suc. New York: Alfred A. Knopf 1967.
  • Schell, Jonathan. The Military Half. New York: Alfred A. Knopf, 1968.
  • Smith, Ralph. The Vietnam War "From Both Sides": The Crisis of 1967-68 in Perspective, paper delivered at the AAS conference in March 1998, Washington, DC.
  • Stowe, Judy. "Revisionism" in Vietnam. paper delivered at AAS conference in Washington DC, 1998 (published in French in Communisme, no. 65-66 (2001)).
  • “Thư ngỏ của công dân Hoàng Minh Chính.” Dien Dan [Forum], no. 23 October 1993.
  • Trần, Quỳnh. Hồi kí về Lê Duẩn (1960-1986).
  • Trường Chinh. “Đời đời nhớ ơn Các Mác và đi con đường Các Mác đã vạch ra” Học tập, 10 (1968): 10-53.
  • Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày. Cộng hoà Liên bang Đức 1997.
  • Westad, Odd Arne, Chen Jian, Stein Tonnesson, Nguyen Vu Tung and James G. Hershberg. 77 Conversations between Chinese and Foreign Leaders on the Wars in Indochina, 1964-1977. Washington DC: CWIHP, Woodrow Wilson Center, 1998.
  • Wirtz, James J. The Tet Offensive: Intelligence Failure in Time of War. Ithaca, NY: Cornell University Press, 1991.
  • Yang, Kuisong. 'Mao Zedong and the Indochina Wars'. Unpublished paper presented at an International Workshop on New Evidence on China, Southeast Asia and the Vietnam War, Hong Kong: 11-12 January 2000.
  • Young, John W "British Governments and the Vietnam War." In La Guerre du Vietnam et L'Europe, 1963-1973. Brussels: Bruylant, 2003.

Tác giả: Dr. Sophie Quinn-Judge, Temple University, Philadelphia, PA, USA. Email: Sophie_qj@yahoo.com

Xem thêm một số công trình nghiên cứu và bài viết của Tiến sĩ sử học Sophie Quinn-Judge:




[1]Westad et al., 77 Conversations, 25; “Mao Zedong, Zhou Enlai, and Pham Van Dong”, Beijing 10 April 1967, 104.
[2]Xem Schell, The Village of Ben Suc The Military Half, để biết về việc báo cáo không thống nhất về thực tế của Chương trình Pacification của Mĩ.
[3]PRO, FCO, 15/481, 1014/67, Báo cáo mật của Tuỳ viên Brian Stewart to DF Murray, FO, Hanoi 9 November 1967.
[4]Young, 'British Governments and the Vietnam War', 126 – xem phụ chú 29.
[5]Ralph Smith nêu điểm này lên trong bài viết của tác giả này, “The Vietnam War ‘From Both Sides’”, 10.
[6]Đã dẫn, 22-23, nói về cách nhìn của Philip Davidson trong lịch sử chiến tranh 1988 của ông như thể là đại diện cho phân tích này.
[7]Xem Wirtz, The Tet Offensive, 55.
[8]Moise, Land Reform in China and North Vietnam, 245-250.
[9]Gaiduk, The Soviet Union and the Vietnam War, 6-9.
[10]Chen Jian, Mao's China and the Cold War, 232.
[11]Học tập, 5 (1967): 11.
[12]Lê Duẩn, “Nắm vững đường…” 12.
[13]Đã dẫn, 20.
[14]Đã dẫn, 24.
[15]Lê Duẩn, “Gửi Trung ương Cục và Quân uỷ miền Nam”, 195.
[16]Ngo Vinh Long, “The Tet Offensive and its Aftermath”, 35.
[17]Lien-Hang T. Nguyen thảo luận về câu hỏi này trong “The Sino-Vietnamese Split in the Post-Tet War in Indochina, 1968-1975”, 4. Xem thêm Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 170-171, 178.
[18]Chen Jian, Mao's China and the Cold War, 233-234.
[19]Yang Kuisong, Mao Zedong and the Indochina Wars, 32-36.
[20]Lê Đức Thọ, “Xây dựng Đảng kiểu mới Mác-xít-Lê-nin-nít vững mạnh”, 29-39.
[21]Trần Quỳnh, Hồi kí về Lê Duẩn, 43.
[22]Học tập, 2 (1968): 31.
[23]Ðã dẫn, 32.
[24]Đã dẫn, 32-34.
[25]Moise, Land Reform in China and North Vietnam, 247.
[26]Phụ chú về việc ra quyết định?
[27]SWB - BBC Monitoring of Short Wave Broadcasts, FE/2899/A3, 12 October 1968 press review.
[28]Trường Chinh, “Đời đời nhớ ơn Các Mác”. 16.
[29]Tôn Thất Bình Minh (Mạnh Tường) trao đổi cá nhân với tôi.
[30]Prados, Lost Crusader, 177.
[31]Những đoạn trích này lấy từ một phân tích của Hoa Kì về bài phát biểu được ĐSQ Pháp lưu truyền ở London. Ministère des Affaires Etrangères, Série conflit Vietnam, 11 (FNL), Extraits d'un rapport de Truong Chinh, diffusé par Radio Hanoi du 16 au 20 sept. 1968.
[32]Học tập, 10 (1968): 17.
[33]SWB trans., FE/2903/C/7.
[34]PRO, FCO 15/481, Phân tích phát biểu của Trường Chinh tại hội nghị ở Hà Nội nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Các Mác, Lydia Giles, 29 August 1968.
[35]Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, 309-311.
[36]MacFarquhar, The Origins of the Cultural Revolution, “The Dispute Over Collectivization”, 209-233.
[37]Dang Phong and Beresford, Authority Relations and Economic Decision-making in Vietnam, 61 — 62.
[38]Nhân dân, 29 tháng Một, 1968, 2.
[39]Westad et al., 77 Conversations, 28; “Zhou Enlai, Chen Yi, Pham Van Dong, Vo Nguyen Giap,” Beijing, 12 April 1967, 114-115.
[40]Báo cáo về vụ án “Tổ chức chống Ðảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài” và thư của Nguyễn Trung Thành, Ban bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, 19-6-1995”: 3-8.
[41]Cục lưu trữ quốc gia Hungary, Báo cáo ngày 17 tháng 1 năm 1968 của Ðại sứ quán Hungary tại VNDCCH. Trong nhiều năm, ngày tháng tổ chức các phiên họp toàn Ðảng lần thứ 15, 16 và 17 được giữ kín, nhưng đến năm 1998 thì được công bố trong cuốn Ðảng Cộng sản Việt Nam, Lê Mậu Hân biên soạn, do nhà xuất bản của Ðảng ấn hành. Tài liệu này cho biết phiên họp toàn Ðảng lần thứ 15 được tổ chức vào tháng 8 năm 1968, phiên họp thứ 16 vào tháng 5 năm 1969 và phiên họp thứ 17 vào tháng 9 năm 1969.
[42]Cục lưu trữ Lịch sử hiện đại liên bang Nga (RGANI), collection 89, inventory 54, document 8; Báo cáo của thư kí Hoàng Anh tại Phiên họp toàn thể lần thứ 20 của Ðảng Lao động Việt Nam, tháng 12 năm 1970 – tháng 1 năm 1971 (bản dịch tiếng Nga), 8. Theo cách tính của Việt Nam, đây là phiên họp thứ 19.
[43]RGANI, collection 89, inventory 54, document 8, 9, 10.
[44]RGANI, fond 89, inventory 54, file 10, Báo cáo của I.Scherbakov, ngày 21 tháng 5 năm 1971, “The Policy of the Lao Dong Party regarding a Solution of the Indochina Problem and our Tasks arising from the Decisions of the 24th Congress of the CPSU”, 8.
[45]Hoàng Anh, Báo cáo tại phi ên họp toàn thể thứ 20 của Ðảng Lao động Việt Nam”, 27.

Nguồn: Tập san Cold War History, Vol. 5, No. 4, November 2005, pp. 479-500. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas với sự cho phép của tác giả.

No comments: