Ngàn năm Thăng Long để phô diễn hay nhìn lại lịch sử?
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010-09-30
Cả nước Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang trong không khí đón mừng lễ hội ‘1000 Năm Thăng Long’ theo tổ chức của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương.
Trong các chương trình trước, chúng tôi đã gửi đến quí vị ý kiến của một vị trí thức có tiếng trong nước là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu qua bức thư gửi cho chủ tịch nước về những điều bất cập trong tổ chức đại lễ ‘Ngàn năm Thăng Long’.
Nay chúng tôi tiếp tục gửi đến quí vị trăn trở của một số trí thức và cả người dân trước sự kiện lịch sử trong đại đó.
Một trong những nội dung quan trọng của dịp mà cả một ngàn năm mới có như lúc này là thông qua các sinh hoạt lễ hội nêu bật lại những bài học giá trị của lịch sử suốt 1000 năm qua. Mục tiêu nhằm khơi gợi lại lòng tự hào dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ hiện nay về tinh thần quật cường chống ngoại xâm của cha ông.
Tuy nhiên mong mỏi đó dường như chưa được đáp ứng. Theo một người dân Hà Nội, dường như vẻ bề ngoài hào nhoáng đang lấn át đến nội dung quan trọng cần phải có:
Tôi nghĩ nhân dịp ‘Ngàn Năm Thăng Long’ phải nhìn lại cho cặn kẽ. Có điều tôi thấy không vui – hoặc người ta dè dặt hay e ngại điều gì đó- là không nhìn cho rõ những gì ông cha đã để lại. Người ta sợ hay không dám nhắc, theo tôi đó là điều không hay.
Nhà văn Hoàng Lại Giang
"Nói chung ngoài đường phố đèn hoa nhiều quá. Người Hà Nội thấy bình thường, chỉ có kẹt xe nhiều. Mong đợi làm sao đừng tiêu nhiều tiền quá vào những việc đó. Làm thế nào cải thiện được đời sống của nhân dân, mà hiện thiếu thốn đủ thứ: bệnh viện quá thiếu, trường học cũng thiếu, tất cả những cái cơ bản đều thiếu… Mong sao sau dịp này, nhiều người dân hiểu được cuộc sống ở đây thế nào! Lịch sử của Việt Nam học sinh học kém lắm. Người dân chỉ nói chuyện với nhau, lo bị ảnh hưởng… nhiều quá.
Dù có những hoạt động hướng về truyền thống, nhưng em có cảm giác thấy bị hiện đại nhiều quá. Còn hoạt động giúp người dân hiểu sâu hơn về lịch sử thì không có mấy, chỉ đi sâu vào phần ‘bề ngoài’ thôi."
Nhà văn Hoàng Lại Giang từ thành phố Hồ Chí Minh, người từng có bài viết với nội dung kêu gọi phải ‘nhìn lại’ nhân dịp ‘1000 Năm Thăng Long’, tỏ ra khá bi quan khi điểm lạn những hoạt động được thực hiện để chào mừng thủ đô ngàn năm tuổi:
"Tôi nghĩ nhân dịp ‘Ngàn Năm Thăng Long’ phải nhìn lại cho cặn kẽ. Có điều tôi thấy không vui – hoặc người ta dè dặt hay e ngại điều gì đó- là không nhìn cho rõ những gì ông cha đã để lại; ví dụ như đánh Tống, đánh Nguyên, đánh Minh, đánh Thanh. Những bài học lịch sử ấy không được nhắc mấy trong ‘Nghìn Năm Thăng Long’. Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ không bỏ sót điều gì cả; trong khi ấy lại quên đi rất nhiều điều của suốt thời kỳ 1000 năm Thăng Long. Người ta sợ hay không dám nhắc, theo tôi đó là điều không hay.Thế hệ trẻ bây giờ dường như không quan tâm nhiều lắm về việc đó.
Thế hệ trên chúng tôi và chúng tôi nghĩ nhiều về giặc Phương Bắc. Chúng ta phải rút ra bài học cho sự tồn vong của đất nước, của dân tộc hôm nay.
Nhân dịp ‘Nghìn năm Thăng Long’ phải nhìn cho thật kỹ kẻ thù, nhìn thật chính xác kẻ thù của chúng ta. Kẻ thù luôn ở bên nách chúng ta mà ta gọi là ‘đồng chí, anh em, 16 chữ vàng’; thực ra đó là kẻ thù mang tính chất truyền thống. Nếu không nhận ra, mà rụt rè, run sợ trước kẻ thù ấy, đó là một hiểm hoạ. Hình như người ta cố né tránh việc đó.
Việt nam mềm yếu đến mức tổ chức lễ vinh danh xây dựng thủ đô của mình mà làm toàn những động tác để chiều lòng Trung Quốc; đó là một sự đầu hàng, quốc nhục không thể chịu được.
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
Tôi còn có ý nghĩ là người ta đặt ra nhiều việc để lợi dụng về mặt vật chất; chứ còn về tinh thần không nhiều lắm. Vì thế quan tâm của nhiều thế hệ đối với ‘Nghìn năm Thăng Long’- dù tuyên truyền ầm ĩ- nhưng có gì đó chưa tương xứng."
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, từ Đà Lạt, cũng có ý kiến về phần nội dung quan trọng cần phải có của đại lễ Ngàn năm Thăng Long:
"Việt nam mềm yếu đến mức tổ chức lễ vinh danh xây dựng thủ đô của mình mà làm toàn những động tác để chiều lòng Trung Quốc; đó là một sự đầu hàng, quốc nhục không thể chịu được. Trong đợt này, do yếu kém đó nên nhân dân phản ứng; vậy các nhà trí thức, các nhà giáo dục nhân điều đó đem lại sức sống cho tuổi trẻ Việt Nam; đem bài học, hiện tượng trong đợt 1000 Năm Thăng Long này để nói rõ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngày xưa ra sao, bây giờ thế nào; bồi dưỡng tinh thần yêu nước; tinh thần yêu môn lịch sử chứ không phải là một môn nhạt nhẽo, dối trá, vứt đi… Từ những điều không hay sẽ bật ra những điều tốt đẹp: nhân đó thế hệ trẻ nhớ lại lịch sử Việt Nam đáng học chứ không phải điều vô vị. "
Lâu nay có nhiều ý kiến cho rằng có những lạm dụng nhân dịp đại lễ 1000 Năm Thăng Long để tiêu xài công quĩ; thế rồi nhiều việc làm bị cho là phản văn hoá, mang tính ngoại lai không thể chấp nhận được.
Theo dòng thời sự:
- Ngàn năm Thăng Long và những ý kiến phản biện
- 1000 năm Thăng Long - nhiều điều chưa thuận
- 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội: thi nhau xài tiền và phá!
- Hà Nội buộc học sinh phải về quê trong dịp lễ?
- Con đường gốm sứ ven sông Hồng
- Ngàn năm Thăng Long dưới mắt một nhà Hà Nội học
- Ráo riết chuẩn bị các lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
- Hà Nội đã sẵn sàng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long?
- Ngàn Năm Thăng Long trong mắt người nghệ sỹ
- Văn miếu được công nhận di sản tư liệu thế giới
No comments:
Post a Comment