Chu Tất Tiến
Hạ tuần tháng 8 năm 2010, đi ngang qua một ngôi chợ “Super Market” ở ngay trung tâm khu “Little Saigon” mà được quen gọi là “Thủ Đô Tị Nạn”, người ta ngạc nhiên thấy một tấm “pano” quảng cáo mầu vàng treo ngay trước cửa vào chợ, mời gọi người đi chợ mua “Thẻ Điện Thoại Duyên Dáng Việt Nam”. Người chủ tấm quảng cáo và người chủ chợ thật “gan cùng mình” khi công khai quảng cáo cho một chương trình được Cộng Sản Việt Nam đỡ đầu. Chương trình có tên này, trước đây vài năm, đã thất bại khi đoàn văn công Cộng Sản sang “nắn gân và chọc tức” bà con hải ngoại.
Sau khi bị cộng đồng tẩy chay và biểu tình ngay trước cửa rạp, chương trình lưu diễn “nắn gân và chọc tức” ấy bị đình bản tại Mỹ và Úc. Tuy nhiên, có lẽ vì có “máu”, không bao giờ chịu thua cuộc, như lời văn công Đàm Vĩnh Hưng đã trả lời cộng đồng trong một lần họp báo cũng tại Nam California, nên thỉnh thoảng, nhóm chữ “Duyên Dáng Việt Nam” này vẫn được gửi đi trong một chương trình văn nghệ tại khác tại Singapore, rồi bây giờ lại lén lút trở về khu Thủ Đô Tị Nạn như chương trình bán thẻ điện thoại ấy. Trên một chương trình truyền hình địa phương tại miền Nam California, khán giả cũng thấy đài cho chiếu quảng cáo cho thẻ điện thoại mang nhóm chữ khoe khoang “Duyên Dáng Việt Nam”. Dĩ nhiên cộng đồng tị nạn đau đớn lắm nhưng vì tính chất Dân Chủ và Tự Do, cộng đồng dù tức bực nhưng cũng đành nhắm mắt cho quên.
Trong tháng 9 này, dân Hà Nội đang chờ đón vũ hội “Ngàn Năm Thăng Long”, một chương trình tốn vài tỷ đô la được tổ chức vào tháng 10 sắp tới. Qua nhóm chữ khoe khoang một cách văn hoa ấy, Hà Nội một lần nữa lại chứng tỏ cho mọi người thấy tính chất tự kiêu về văn chương của mình. Tuy nhiên, một điều mâu thuẫn là các mô hình sinh hoạt lại mang đầy mầu sắc Trung Hoa, từ phim ảnh, điêu khắc, đến các vũ điệu và trang phục… đầy tính chất Tầu đến nỗi nhiều đảng viên Cộng Sản cũng phải lên tiếng yêu cầu là phải coi lại toàn bộ vấn đề, nhất là phải bỏ phim “Lý Công Uẩn” đi vì nó mang phiên bản nô lệ quá sức! Một điều đau đớn cho văn hóa và lịch sử dân tộc là thời gian kiêu hãnh khoe mẽ này lại trùng với ngày Quốc Khánh Trung Hoa! Không một lời biện hộ nào có thể chứng minh rằng đó là những trùng hợp ngầu nhiên, vì dự án tổ chức đã được bàn thảo liên tục từ vài năm trước.
Nhưng thôi, bỏ qua chuyện tổ chức “Ngàn Năm Thăng Long” như là lời chúc mừng Quốc Khánh Tầu đi, trở lại vấn đề “Duyên Dáng Việt Nam”. Khi nghe người hải ngoại lato phản đối ở trước cửa hí viện đang trình diễn “Duyên Dáng Việt Nam”, một số các bạn du sinh rất khó chịu và cho hải ngoại là những kẻ đầy hận thù cá nhân, những người mất bổng lộc của chế độ cũ, đang sống huy hoàng trong vương giả của một chế độ “người bóc lột người”, nên khi bị đẩy ra ngoài xã hội, mãi giữ lòng căm ghét chế độ mới, và bất cứ những gì do chế độ mới tạo ra, đều bị kiếm cớ chê bỏ. Theo lời biện hộ của những kẻ tổ chức, chương trình “Duyên Dáng Việt Nam” không có gì đề cao Cộng Sản cả, chỉ là những màn vũ dân tộc, những bài ca gợi tình quê hương, làm đẹp cho đất nước tại xứ người... mà cũng bị đả đảo um xùm. Nhiều người cho là sau nhiều năm tù đầy cải tạo, cộng đồng hải ngoại chỉ biết “ghét” mà không biết “thương”, biết “giận” mà không “quên”...
Thật ra, nếu chỉ nhìn vào một mặt nổi của vấn đề, điều biện hộ ấy có lý lắm. Nhưng rất tiếc, chỉ đúng khi chưa phân tích kỹ lưỡng những gì ẩn dấu sau cái bề ngoài sôi nổi ấy.
Đã là một con người, ai cũng có đủ “thất tình” cả. “Thất tình” đây là Bẩy tình cảm mà con người sở hữu từ khi có trí khôn: “hỉ, nộ, ái, ố, ai, dục, cụ”. Có nghĩa là: “Vui, giận, yêu, ghét, buồn, muốn, sợ”. Lớp cộng đồng thế hệ thứ nhất, dĩ nhiên, đều có “thất tình”, nghĩa là ngoài những vui, buồn, ham muốn... nhất định phải biết ghét những bất công, và yêu những điều đáng quý. Những người hải ngoại, khi đi xem các buổi trình diễn văn nghệ đều vui cười ầm ĩ hoặc nhỏ lệ thương đau đến nhạt nhòa son phấn tùy theo nội dung trình diễn. Với những nghệ sĩ đi riêng lẻ, đến trình diễn đâu đó, cộng đồng hải ngoai vẫn để họ thoải mái, tự do. Nếu chương trình “Duyên Dáng Việt Nam” là do một nhóm trẻ tổ chức, mà không có cán bộ đứng chỉ huy, không có công an núp trong cánh gà, không được chi trả bằng tiền của ngân hàng Nhà nước với con dấu đỏ au, người hải ngoại sẵn sàng ngồi chung với ban tổ chức và cùng chia xẻ những nụ cười hoặc niềm cảm xúc. Hải ngọai yêu lắm những câu Quan Họ Bắc Ninh lả lướt cánh cò bay, những câu hò miền Nam dạt dào sông nước.
Nhưng yêu hơn cả là những vè lục bình trôi giạt mông lung, các cọng rác lênh đênh, cái vó lưới cá nghiêng nghiêng, những bàn chân vội vã qua chiếc cầu khỉ chông chênh, gánh nặng oằn vai người thiếu phụ, nhất là khuôn mặt già nhăn nheo những rãnh đời của bà mẹ ngồi bên nải chuối cạnh đường. Gần đây, lại đau sót với các khuôn mặt trẻ thơ mà nét hồn nhiên không còn khi các cháu, các em giật áo Việt Kiều mà gọi: “Chú ơi! Ôm không, chú?” Hải ngoại thương đến xót xa tuổi thơ đáng lẽ phải đến trường, chơi với những con chữ, nhưng lại lang thang đánh giầy, bán vé số, lượm lon, nhặt bao ni-lông, hay “vồ, giật” qua ngày. Cũng yêu và đau đến nhỏ lệ khi biết nghe người bạn già kể lại, lúc về Cần Thơ, qua phà, gặp mấy em gái 17, 18 thủ thỉ với ông bạn rằng: “Chú ơi! Chơi... cháu không? Chú nhớ cho nhiều tiền Típ nhe! Cháu cần mua cho thằng em cháu cái quần dài mặc đi học!”
Chỉ nghe qua, mà chưa nhìn thấy, nước mắt đã trào ra dàn dụa rồi! Có phải “Duyên dáng Việt Nam” là thế chăng? Phải “Ngàn Năm Thăng Long“ đó chăng? Duyên Dáng Việt Nam” có đau đứt ruột không khi hàng ngàn cô gái bỏ quê, lên thành phố kiếm chồng ngoại, phải tập họp ở khách sạn, lột bỏ quần áo, đi qua đi lại, ưỡn ẹo cho những tên ngoại quốc đến sờ mó, nắn, bóp, bắt thè lưỡi, hả họng.. cho chúng khám đã đời rồi ra giá như mua một con chó. (Thật ra, giống chó ở bên
Mỹ này, khi được bán mua, cũng không đến nỗi bị xâm phạm tồi tệ như vậy. Một con chó quý có thể bán cả ngàn đô. Thiếu nữ Việt chỉ khoảng một, hai trăm đô.) Sau đó, hên nhờ rủi chịu. Lấy một chồng thì may, phải lấy nhiều chồng, hay què, mù, đui, sứt... thì ráng qua hết kiếp.
”Duyên Dáng Việt Nam” và “Ngàn Năm Thăng Long” ở đâu khi thiếu nữ Việt Nam phải rao bán ở nước ngoài, phải đứng trong lồng kính cho khách ngoại đến dòm ngó và trả giá? Các cô gái Việt ở Singapore có thể bị đem đi xài “thử” một tuần, bị bắt thực hành đủ trò dâm đãng rồi có thể bị trả lại, nếu chủ mua nô lệ không vừa ý. Mà nếu mua, cũng chỉ được trả có vài đồng Singapore mà thôi.
Ôi! Thân phận Việt Nam Bốn ngàn năm văn hiến! Sau ba mươi năm đảng độc quyền cai trị, những lý luận cho rằng kết quả tang thương của đất nước là do “tàn dư Mỹ Ngụy”, “nọc độc Tư Bản Đế Quốc” đã không còn được nhắc đến nữa, thì giờ đây, hầu như mọi con đường trong thành phố Sàigòn về đêm đã trở thành độc quyền của gái giang hồ. Đi xe gắn máy qua những con đường trước cửa Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, có thể bị giật tay áo bởi những ma cô, các em gái, em trai 13, 14, và những khuôn mặt nhòe nhoẹt phấn son trông rợn người như những xác chết biết đi.
Thực tế, họ đã là ma, bởi sống mà tương lai chỉ là giật dọc, dầy vò, xì ke, ma túy, Aids, trại cải tạo phục hồi... thì không còn là sống mà đã chết ngay khi còn hơi thở. Trên giải đất Việt Nam hình chữ S, có bao nhiêu con người “sống mà chết” đó? Họ lang thang, vất vưởng ở đâu? Tận cực Bắc, Sơn La, Lào Cai, Móng Cái, các mỏm đồi hoang cho thợ đào vàng, kiếm trầm, các chợ nghèo miền Trung; đến cực Nam, Cà Mâu và những đảo nho nhỏ chung quanh, vài nơi vẫn còn tục cho “mướn vợ” vì không có tiền để tự mua vợ cho mình.
“Duyên Dáng Việt Nam” và “Ngàn Năm Thăng Long” có lẽ chỉ tập trung tại những lầu đài tráng lệ, mới xây tinh khôi, từ vài trăm ngàn đô đến triệu đô la Mỹ. Em “Duyên Dáng” có người hầu, người “ở” vì em là “công chúa đỏ”.
Ba má của em là những vị “đầy tớ nhân dân” cắp cặp táp, đi xe hơi cả trăm ngàn đô, đánh bạc một lúc bằng chục chiếc xe “Van”, bằng tiền của “nhân dân”, hay đi nước ngoài buôn lậu từng chuyến tầu có hải quan hộ tống. Ba má của em có thể là “chú Tư”, anh “Ba” làm ngân hàng có quyền đem tiền ra chia chác, đánh số đề, cho vay nợ. Ba em có thể là chủ tịch quận, ngày trước đùng đùng ra lệnh cho công an, bộ đội, thanh niên, ém các ngả đường vào chợ Tân Bình, Bình Tây, Phú Nhuận... rồi tung tay chân vào vơ vét, cướp sạch đồ đạc, đem về nhà cất rồi tàn tàn đem bán lại, cho chuộc với giá tính bằng vàng ký...
Má em có thể là Bộ Trưởng, Bí Thư hay Giám đốc, đem tài sản đất nước đi cầm, đi bán tỉnh bơ. Anh chị của em có thể là Hải Quan, Công An giao thông cướp đường, chặn chợ, bắt tay với trộm cắp cho “chẩy máu văn hóa” ra nước ngoài: tượng, trống, chiêng... cả ngàn năm lịch sử. “Ngàn Năm Thăng Long”, thực tế chỉ là cái vỏ rỗng không, bao nhiêu di tích lớn nhỏ đã bị biến thành trụ sở Công an, bao nhiêu đồ gốm, đồ đồng, đồ sứ, đồ gỗ .. đã bị bán cho tư bản nước ngoài gần hết rồi.
Những quyền năng vô hạn, luật rừng ấy cho Em “duyên dáng” trong vũ trường, thuốc “lắc”. Em chi vài chục đô, hay vài trăm đô cho một tối vui chơi. Em đi xe láng coóng, cầm điện thoại di động, duyên dáng trong trên tuổi một minh tinh điện ảnh, một “môđen” nổi tiếng, và em sẵn sàng bán cái duyên dáng của em lấy trăm đô cho một lần ngủ hoang... Em làm ca sĩ nổi tiếng, tiền “cát xê” lên tới hàng ngàn đô, nhưng em phải “liên hệ” với cấp cao, Thủ Trưởng, Trợ Lý.. để được đi mây về gió, có bảo vệ kè kè. Và, em không bao giờ có cơ hội đi qua những bãi rác ngoại thành nơi nhung nhúc những con người không biết duyên dáng là gì, quần quật, suốt ngày cầm que cào cào, moi móc, nhặt bịch nylông đựng máu, chứa mủ, chứa tay chân người, ruột gan phèo phổi vứt bừa cho chó gặm...
Còn những em không có chút nào là “duyên dáng” thì ở trong các ký túc xá sinh viên ngập ngụa thuốc lá, bao cao su, trần nhà đen bóng vì bếp nấu, những con bài trôi nổi lập lờ trên vũng nước em bước qua. Em phải có “bồ” bao, nếu không, sẽ không thể trả tiền học, hiện nay cao gấp nhiều lần lợi tức của một công nhân viên. Xã hội “duyên dáng Việt Nam” cho em hai chọn lựa: một là làm vợ thuê, hai là bỏ học. Bố mẹ em có ba chọn lựa: tiếp tục cho con học với điều kiện phải bán nhà, bán xe, bán lợn; hai là mặc con tự tìm đường lấy; ba là gian tham, tham nhũng, vơ vét, gian lận, mánh mung, ăn chia với cán bộ. “Đầu đội, tay xách, nách mang, lưng quàng bao bị.” Đó là câu châm ngôn của các nhân viên nhà nước phải tự bương chải, chộp giật, lấy cắp của công đem về chia chác để sống còn. Công nhân cũng còn câu thần chú khác: “Đặt đâu ngồi đấy, bảo gì dạ nấy, thấy gì lấy nấy.” Tinh thần văn hóa của cả nước ta lại theo câu cách ngôn: “Tiền là Tiên, là Phật; là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, là ý nghĩa tình yêu.”
Tự những câu cách ngôn, châm ngôn, thần chú ấy đã nói lên hết cái “duyên dáng Việt Nam” và “ngàn năm Thăng Long” rồi. Duyên Dáng lại thể hiện rõ nét tại các cuộc tập họp, biểu tình trước Quốc Hội, trước “lầu đài” nghênh ngang của các vị Thủ Tướng, Chủ Tịch nước, để khiếu nại những “đầy tớ nhân dân” ức hiếp “những nguời “chủ đất nước!” Họ đã bị đuổi ra khỏi nơi chôn rau, cắt rốn; bị cướp nhà, cướp đất ngang xương; nhà thờ bị phá làm trụ sở công an; đền đình, nhà chùa biến thành nơi tụ họp văn nghệ, hát xướng; đất ruộng bao đời của tổ tiên để lại biến thành tư hữu của chủ tịch xã, phường... Gần đây nhất, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ra môt luật “cấm không được thưa kiện theo từng nhóm”, để cấm luôn quyền tập hợp lại để làm chung một đơn kiện.
Duyên Dáng Ngàn Năm đang lẩy bẩy trong các nhà tù khủng khiếp của Cộng Sản, nơi các nhà văn, các kỹ sư, giáo sư, luật sư, những người yêu nước bị giam nhốt tệ hơn các con chó trong chuồng.
Nhìn vào thực trạng Việt Nam, có còn ai cho là chế độ cũ “người bóc lột người” nữa không? Ai bóc ai? Ai lột ai trong 30 năm qua? Duyên Dáng Việt Nam, Ngàn Năm Thăng Long… đang là những túp lều tan nát mọc trên một xã hội vô cảm.
Chu Tất Tiến
No comments:
Post a Comment