Saturday, November 26, 2016

TRUYỆN TÙ -VƯỢT BIÊN - BIỂN ĐÔNG


Thursday, June 9, 2016

TRẦN VĂN * TÙ CẢI TẠO

 

LÓI ĐẦU CỦA NGƯỜI VIẾT:

Hơn 38 năm đối với đời người quả thật dài. Những vui buồn của ngày tháng cũ trong ký ức theo thời gian dài phải bị xóa nhòa, nhưng, đối với những người chiến sĩ QLVNCH bị gác súng tức tưởi mà kẻ thù chụp cho cái mũ có nhiều “nợ máu với nhân dân và cách mạng”, chúng trả thù và hành hạ thật ác độc, đê hèn, làm sao quên được?
Tháng 6 năm 1976, Ban Quân Quản Sài Gòn ra lệnh gom hết những người gọi là có nhiều nợ máu vào đợt “học tập cải tạo” đầu tiên, sĩ quan cao cấp từ tá đến tướng. Bên chính quyền với những vị công cử đầu não cùng với các vị dân cử trong Quốc Hội, Hội Đồng Tỉnh; các giới chức lãnh đạo các đảng phái chính trị và các tu sĩ có thành tích chống cộng…Sau đó chúng lùa hết quân cán chính VNCH vào rọ. Trại tù cải tạo được thiết lập trên khắp lãnh thổ từ miền cuối Việt Cà Mau đến tận vùng cực bắc Lào Cai, Sơn La..., và cả nước là một nhà tù khổng lồ. Đây quả là một giai đọan lịch sử bi thảm nhất trong hơn 4 ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Chuyện Tù Cải Tạo Nhiều Người Muốn Biết mà tôi đang viết sẽ phát hành vào năm tới, nhằm phơi bày và vạch trần tội ác của chế độc cộng sản Việt Nam đối với quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị “ngã ngựa” kể từ ngày 30.4.1975. Dưới đây, tóm lược bối cảnh các trại tù mà Trần Văn đã từng trải qua: Thành Ông Năm (Hóc Môn), Suối Máu (Biên Hòa), Sơn La (Bắc Việt), Hồng Ca - Yên Bái (Bắc Việt), Tân Lập - Vĩnh Phú (các trại gọi là K - 2 - 1 - 4 - 3 - Bắc Việt), Z30D - Hàm Tân (Bình Tuy - Rừng Lá - Miền Nam VN)).
Nhân Ngày Tù Nhân Chính Trị Việt Nam tổ chức ở Dallas – Texas từ 3 đến 5 tháng 10 năm 2008. Cá nhân tôi và trên 4 - 5000 người ở khắp nơi Hoa Kỳ & Canada hội tụ vê đây cùng tham dự 3 ngày đại hội do Hội Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị của bà Khúc Minh Thơ tổ chức. Đây là đại hội cựu tù nhân quy tụ đông đảo nhất cựu tù ở hải ngoại, đánh dấu sự thành công to lớn dù có người hô hào chống đối tẩy chay.
Xin mời quý độc giả đọc và suy gẫm, thế hệ chúng tôi phải làm gì để quên quá khứ bi thảm nhất trong cuộc đời của mình…?



NHỮNG NGÀY ĐẦU VÀO TÙ
TRƯỜNG TRUNG HỌC PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ

Theo thông báo của kẻ cưỡng chiếm miền Nam từ ngày 30.4.75, theo lời cộng sản nói, những thành phần "có nhiều nợ máu" phải trình diện 3 ngày 13, 14, 15 tháng 6 năm 1975 (tôi có thể nhớ sai ngày dương lịch), nhưng, chắc chắn là trong 3 ngày trình diện đó có ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch năm Ất Mão, vợ chồng chúng tôi trình diện vào buổi chiều ngày này.
Cư ngụ ở quận 8 nên chúng tôi trình diện một lúc với các anh em khác cùng cấp bậc Thiếu tá ở các quận 6, 7 (hình như có thêm quận 9 mới thành lập không lâu ở bên kia sông Sài Gòn - Thủ Thiêm) tại trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký ở đại lộ Cộng Hòa (VC gọi trường này là Lê Hồng Phong). Còn những qúy vị khác tùy theo cấp chức trình diện ở các địa điểm khác, hầu hết là các trường học. Thông cáo của kẻ cưỡng chiếm miền Nam nói rõ là chúng tôi phải mang theo tư trang (đồ dùng cả nhân) và đóng đủ tiền ăn 1 tháng, khoảng trên 13 ngàn mấy trăm (bằng 1/3 lương của một Thiếu tá. Sau đó, trình diện đi tù đợt 2: sĩ quan từ Đại úy trở xuống đóng tiền ăn 10 ngày…).

Sĩ quan cấp Thiếu tá trình diện ở trường Trung học Pétrus Ký ít hơn các nơi khác, trên dưới 100 người, vì các quận 6,7,8… nằm ở ven đô - Thủ Đô Sài Gòn. Người nữ quân nhân duy nhất tại điểm tập trung này, Thiếu tá Trần Thị Bích Nga, Chỉ Huy Trưởng Trường Xã Hội Quân Đội (trường nằm trong Trại Lê Văn Duyệt của Biệt Khu Thủ Đô). Thật đúng là hoa lạc giữa rừng gươm tua tủa của hai phía ta và địch.
Ngày đầu tiên trình diện, chúng tôi được “cách mạng” cho thưởng thức cách trị bệnh thần sầu quỷ khốc, nằm dài trên ghế học trò, được nhỏ nước tỏi tươi nồng nặc vào hai lỗ mũi. Ngày sau, truớc khi có “lệnh hành quân” chuyển đến trại tù chính , chúng tôi được nhà hàng sang trọng Ngọc Lan Đình ở Chợ Lớn đưa bàn ghế tới, cứ 10 người một bàn như “nhập đại tiệc”, có đến 7 món ăn mà chúng ta thường gặp trong các tiệc cưới… Khi nhân viên nhà hàng thân quen Ngọc Lan Đình đến “thết đải”, tự dưng tôi chảy nước mắt vì tháng 2 năm 1962, khi tôi được các giáo sư và nhà trường Phước Kiến (266 Đại lộ Khổng Tử, sau đổi tên là trường Phước Đức.Vụ Tết Mậu Thân, trực thăng xạ kích lầm nơi này làm chết và bị thương nhiều sĩ quan cấp tá) tổ chức một bữa tiệc linh đình để tiển đưa tôi nhập ngũ khoá 13 Thủ Đức tại nhà hàng Ngọc Lan Đình. Lúc bấy giờ tôi là Giám học trường trung học này [kể cả học sinh trung tiểu học có (3000 hay 5000 em?), học 2 thứ tiếng Việt và Tàu mà tôi làm Giám học đặc trách về các môn học Việt ngữ, Tiến sĩ Tăng Kim Đông làm Hiệu trưởng, sau TS Đông làm Tổng Trưởng Giáo dục thời Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc]. Tôi được TS Tăng Kim Đông mời phát biểu lời từ giã, sau vài lời cám ơn giáo sư và nhà trường, tôi sực nhớ đến 4 câu thơ xưa của Tàu và lên giọng to:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mạc vấn
Cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi.

Tự nhiên tôi chảy nước mắt và khi đó có một giáo sư người Hoa rất qúy mến tôi, anh cảm kích đọc lại bài thơ này bằng tiếng Hoa (Quan Thoại), cả thực khách đến mấy trăm người dự tiệc như lắng đọng, cảm kích chia xẻ với tôi “cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi”. Đó cũng là dấu ấn khó quên trong đời đi dạy học của tôi từ tiểu học đến trung học. Sau hơn 13 năm đi lính, nay cũng chính nhà hàng Ngọc Lan Đình đãi tiển chúng tôi vào một ngày mai mờ mịt…nên tôi xúc động thật sự. Bài thơ tứ tuyệt ấy lại đến với tôi và câu cuối cổ lai chinh chiến kỷ nhơn hồi, 13 năm trước cho đến ngày vào tù, tôi vẫn sống và thăng quan tiến chức. Tôi như thầy bói suy luận, biết đâu câu thơ này sẽ vận vào cuộc đời ở tù của tôi từ đây…

Trình diện “học tập cải tạo”, một danh xưng bịp của bọn CSBV mà chúng tôi tự ý đưa thân nạp mạng cho loài quỷ dữ, đúng ngày Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng 5 năm Ất Mão (1975).
Hai vợ chồng đèo trên 1 chiếc xe đạp, người tài xế trung thành của bà xã tôi, từ Hóc Môn đạp xe xuống để tiển đưa. Khi chúng tôi mang ba lô vào cổng trường Pétrus Ký, chú Nhuận tên người tài xế thân thương trung thành đó, một tay lái xe, một tay cố kềm đưa chiếc xe đạp thứ hai về nhà. Chúng tôi ở khu lao động, dốc cẫu Chữ Y, đường Hưng Phú - đường đi đến lò heo Chánh Hưng,. Bốn đứa con nhỏ của chúng tôi, từ 3 đến 9 tuổi, được cha mẹ chúng để lại chiếc xe đạp làm phương tiện và là một tài sản sau cuộc đổi đời này.
Viết đến đây, ký ức của tôi bỗng nhiên như thấy cảnh tượng hoang mang, lo sợ, giao động của hơn 38 năm trước như hiện rõ.
Khi Thủ Đô Sài Gòn thất thủ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, thời mạt vận của chánh thể VNCH đã ập đến nhanh quá. Nỗi nhục nhã ê chề của những người lính từng cầm súng chống quân xâm lược cộng sản Bắc Việt, nay đến thời điểm lâm vào cảnh cá chậu chim lồng. Tất cả chiến sĩ anh hùng của QLVNCH phải buông súng và sống trong cảnh phập phồng. Chúng tôi chờ đợi kẻ thù công bố chính sách đối xử với tù hàng binh mà CSBV rêu rao ra rả hàng ngày trên các hệ thống truyền thông suốt 2 tháng 5 và 6.1975. Sự phập phồng, lo âu như cảnh tượng quân Khơ Me đỏ sau những ngày tiến chiếm Thủ Đô Pnom Penh (Nam Vang) nhốt và giết sạch kẻ thù của chúng. Ý nghĩ này đã xâm nhập vào tâm tư tình cảm của mọi người, một tương lai mờ mịt u buồn, thê lương tràn ngập trong suy nghĩ của từng người từng gia đình mà gia đình chúng tôi cả hai vợ chồng đều là lính, bốn đứa con nhỏ dại sẽ nương tựa vào đâu để sống?.

THÀNH ÔNG NĂM – LIÊN ĐOÀN 5 CÔNG BINH KIẾN TẠO

Một trăm thiếu tá trình diện ở trường Pétrus Ký, khi chuyển đến thành Ông Năm ở Hóc Môn (bản doanh của Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo) được chia thành 2 đội 34 và 35. Tôi ở đội 34, đội 35 có 5 Y sĩ Thiếu tá. Bà Thiếu tá Bích Nga nhập cùng với quý chị cấp tá khác ở đội nữ, cách đội 34, 35 chỉ một con đường và gần sát hàng rào kẽm gai. Hàng ngày, chúng tôi có thể trông thấy nhau dùng ánh mắt chia xẻ sự lo âu sâu xa về tương lai của 4 đứa con nhỏ dại…
Những ngày đầu, nhiều chuyện quan trọng đã xảy ra tại lán của đội 34 và 35 ở trại tù Thành Ông Năm – Hóc Môn:
Chuyện khó tin, nhưng có thật, một tên cán bộ y tá, mặt rỗ khá rõ đến lán đội 34 và 35, tập hợp 5 ông thiếu tá bác sĩ Quân Y, dẫn ra khỏi lán bảo đứng nghiêm, 5 ông là bậc thầy của chúng, nghe tên cán ngố này giảng về vệ sinh phòng bệnh… Hắn dẫn 5 ông bác sĩ tội nghiệp của chúng ta phải đi xem “thanh sát” các đường mương, nhà cầu, cách làm sạch các chỗ này. Chưa hết cán ngố còn chỉ bảo cách chửa bệnh nữa cơ làm 5 ông bác sĩ phe ta cứ ngẫng mặt mà nhìn chịu trận, nín thở qua sông. Về lán, anh bác sĩ Tôn Thất Thận (lớn tuổi nhất trong 5 ông BS) nằm gần tôi, kể lại cho chúng tôi nghe mà cùng nhau cười ngất.
Chuyện mà tôi cũng khó quên, anh Hoàng Xuân Định (hiện ở San Jose), Thiếu tá Quân Cụ, anh em thúc bá với Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, nguyên Tư Lệnh QĐ1 & QK1, đứng ra nhận lãnh chức Trưởng Ban Văn Nghệ của trại tù Thành Ông Năm (Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo do Đại tá Dương Công Liêm làm Liên Đoàn Trưởng). Không biết ai giới thiệu với anh Định, chọn tôi vào ban văn nghệ, xung vào thành phần đóng kịch vì hát xướng, giọng vịt đực của tôi bù trất. Sở dĩ, tôi chấp nhận sự chọn lựa này vì hoàn cảnh bi đát của tôi, vợ chồng đều bị đi tù, ở gần nhau mà chẳng nói được lời nào với nhau. Tôi luôn bị ám ảnh tình cảnh 4 đứa con nhỏ dại làm sao mà sống với bà mẹ vợ già cả và thường bị nhiều thứ bệnh. Hơn nữa, trước khi đi tù, có tin, nhà đang ở của gia đình sẽ có một tiểu đội bộ đội CSBV “xin” được đến đóng chốt, làm sao mẹ vợ của tôi từ chối, các con chúng tôi sẽ chịu cảnh ở chật chội, mất tự do. Tôi cần phải làm cái gì để tạm quên sự lo âu dằn vặt đang ăn sâu vào tâm trí, tôi vào đội văn nghệ để giết thì giờ.
Suýt chút nữa, ban văn nghệ của anh Hoàng Xuân Định được cách mạng “chiếu cố” cho vào cùm. Với vỡ hài kịch mà anh Định viết nói về những ngô nghê, ngu dốt của đám khỉ từ rừng mới về Sài Gòn hoa lệ làm cuộc đổi đời, dân chúng từ sung túc xuống bần cùng. Dù anh Định viết rất khéo, nhưng đến buổi phúc khảo, có người trong phe ta làm ăng-ten lập công (nghe anh em kể lại) phân tích tỉ mỉ cái ý nghĩa của vỡ hài kịch “trình” với cán bộ “răng đen mã tấu” ngu dốt “đì” chúng tôi. Nhưng, lúc đó cán bộ cộng sản còn “nới tay” vì mới chiếm Sài Gòn, lòng dân còn nhiều hoang mang và người “tù cải tạo” vừa đóng tiền nhập trại tù chưa lâu nên toán văn nghệ chúng tôi thoát hiểm “trong đường tơ kẽ tóc” chỉ bị cảnh cáo dằn mặt và đuổi về đội.
Chính đội 35 “nổi tiếng” vì có hai chiến sĩ can đảm anh hùng nhất của chúng ta lúc bấy giờ. Ai bị nhốt ở Thành Ông Năm thời điểm đó đều nghe danh 2 Thiếu tá của QLVNCH là anh Quách Hồng Quang, cư ngụ ở vùng cầu Nhị Thiên Đường, Tiểu Đoàn Trưởng Biệt Động Quân ( tôi không nhớ rõ: TĐ 42 hay TĐ 44, có tên là Cọp Xám hay Cọp Ba Đầu Rằn, 2 tiểu đoàn vang danh anh dũng của vùng đồng bằng sông Cửu Long-V4CT, cộng quân khiếp sợ). Người thứ hai là Thiếu tá Phạm Hữu Thịnh, đơn vi cuối thuộc Ban Liên Hợp 4 Bên ở Sài Gòn, anh gốc là An Ninh Quân Đội, cư ngụ ở Dạ Nam Cầu Chữ Y. Cả hai chiến sĩ anh hùng của chúng ta đã can đảm “trốn trại” đầu tiên, tìm đường vượt thoát khỏi cảnh tù đày nhục nhã vào một đêm có gần nửa vành trăng trên bầu trời. Đây là vụ trốn trại đầu tiên khi CSBV lùa quân cán chính VNCH vào rọ tù của chúng, có thể nói là vô tiền khoáng hậu mà tôi chứng kiến.
Tôi chơi rất thân với hai anh Quang, Thịnh, vốn tôi quen biết anh Quang từ miền Tây, lúc ấy tôi là sĩ quan báo chí của QĐ4 từng theo ông Tướng Tư Lệnh QĐ4 đến thăm viếng đơn vị khi anh Quang còn là Trung đội trưởng. Anh Thịnh ở phía bên kia cầu Chữ Y, gia đình tôi ở phía bên này cầu Chữ Y, cả hai anh đều nhỏ hơn tôi 5-6 tuổi và tốt nghiệp trường Sĩ Quan Thủ Đức sau tôi nhiều khóa. Hai anh Thiếu tá trẻ này xem tôi là niên trưởng, năm 1975, tôi đã qua tuổi 40.
Trước khi thực hiện chuyện phi thường, liều lĩnh, anh Quang bị đau liên tiếp nhiều ngày, tôi có tặng nhiều viên thuốc cảm và trị sốt rét mà anh Quang cần. Còn anh Thịnh, hàng ngày mải mê tập thể dục, anh Thịnh còn tự chế một cái tạ để tập, hai tay của anh cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Một lần, tôi hỏi, anh Thịnh nói tôi tập tạ nhằm luyện cho thật khỏe 2 tay để có ngày sử dụng và ngày ấy là ngày N, giờ G, giờ định mạng của cả hai anh Quang và Thịnh?.
Khoảng từ 12 giờ khuya đến 2 giờ sáng của một đêm có mưa lất phất, trên nền trời và cảnh vật, ánh trăng sáng lờ mờ, hai anh Thịnh và Quang đi ra hướng cầu tiêu ở gần hàng rào kẽm gai, chọn thời điểm thích hợp này thực hiện cuộc vượt thoát. Nhiều tiếng súng nổ vang trong đêm khuya vắng lặng và tiếng kẻng báo động vang dội khắp nơi xa gần, đánh thức mọi người. Tôi choàng ngồi dậy bước ra cửa coi xem có chuyện gì xảy ra, lính tráng đơn vị canh gác trại tù này, rầm rập chạy với súng cầm tay la hét om sòm, bảo phải tắt đèn và mọi người ở trong lán không được đi ra ngoài…
Sáng hôm sau, cán bộ quản giáo cho biết có 2 anh trốn trại thuộc đội 35, một anh bị bắn chết tại vòng rào trại, một anh bị thương và bị bắt đang nằm ở y xá. Trong những ngày kế tiếp, chuyện trốn trại của 2 anh Quang, Thịnh đã được sáng rõ thêm. Khi quản giáo hỏi đội 34 và 35 có anh nào đem thức ăn cho anh Thịnh đang bị thương, không ai lên tiếng. Tôi tình nguyện mang thức ăn chánh thức của trại đến tiếp tế cho anh Phạm Hữu Thịnh. Sau khi mỗ lấy viên đạn còn ghim trong người ra, nay hồi tĩnh, anh Thịnh lại bị nhốt trong 1 connex, để gần chòi gác, còn bi thảm hơn, ngày thì nóng như thiêu như đốt, đêm khuya lạnh lẽo đến tận xương tủy. Mỗi lần đưa thức ăn đến anh Thịnh, trong đầu, tôi xếp sẵn những câu hỏi, phải thật nhanh và ngắn gọn vì lính gác trên chòi canh lúc nào cũng nhìn theo dõi tôi khi mang thức ăn đến connex. Nhờ vậy, tôi biết được khá nhiều về gia cảnh Thịnh, anh còn bà mẹ già, vợ anh gốc người Hoa. Anh Thịnh còn cho biết sở dĩ anh bị bắn trọng thương vì anh quay lại cứu bạn mình, anh Quang, quần áo đang bị vướng dây kẽm gai mà anh gỡ ra còn nhùng nhằng. Lính gác trên chòi canh phát hiện bắn anh Quang nhiều phát đạn, anh bị thương và nằm dán chặt vào hàng rào. Trong khi anh Thịnh đã chạy đến cây mít (chúng tôi thường thấy các chị ở Sài Gòn lên kiếm thăm chồng? đứng lấp ló ở khu cây mít này), cách hàng rào trại chừng trăm mét. Vừa tới hàng rào dây kẽm gai, anh Thịnh nghe tiếng súng nổ liên hồi vội quay lưng chạy và một viên đạn cấm vào lưng anh, té qụy. Theo lời anh Thịnh kể vắn tắt, anh Quang chỉ bị thương còn sống và cái áo của anh còn dính với mấy móc kẽm gai, đám cán độ trại đến nả bồi thêm vài tràng đạn nữa, kết liễu đời oanh liệt của một chiến sĩ BĐQ ưu tú can trường QLVNCH, Quách Hồng Quang, lúc nào 2 chữ sát cộng cũng đến với binh chủng anh dũng này.
Nếu gia đình chị Thịnh may mắn được sang định cư ở Hoa Kỳ, xin liên lạc, tôi kể lại những ngày cuối cùng của anh Thịnh từ Thành Ông Năm ở Hóc Môn cho đến trước 1 ngày anh Thịnh bị xử bắn tại trại Suối Máu - Biên Hòa mà tôi “làm gan” trò chuyện với anh đang ngồi hớt tóc. Anh Thịnh linh cảm sẽ khó sống vì đám cán bộ chấp cung thường tỏ vẽ muốn giết anh để dằn mặt đám tù còn lại. Anh Thịnh còn nhân mạnh với tôi, CSBV tàn ác lắm, chúng muốn giết anh, khi mỗ lấy đạn không có thuốc tê, thuốc mê gì cả. Anh đau đớn quá chết ngất không còn biết gì nữa, chúng muốn làm gì thì làm, may mà anh còn sống đến ngày bị xử bắn.
Thành Ông Năm ở quận Hóc Môn, trại tù đầu tiên đã nhốt chúng tôi, nhưng trại này chỉ là trại trung chuyển, sau mấy tháng lại chuyển tất cả bò tứ, bò ngũ (thiếu tá, trung tá) về Suối Máu. Đây là doanh trại của Trung tâm giam giữ tù phiến cộng của Quân Khu 3 để trao trả với phía bên kia.
Cũng chính trại tù Thành Ông Năm, sau ngày ra tù, một bác sĩ Quân Y/QLVNCH, Y sĩ thiếu tá Trần Đông A, đã làm cho nhà cầm quyền cộng sản khiếp phục vì tài mổ 1 cặp song sinh dính lại mà nhiều nước, lúc bây giờ, thập niên 80 không dám mỗ tách ra. BS Trần Đông A nhờ đào tạo dưới chánh thể VNCH đã tiến hành ca mỗ thành công và đến nay BS Trần Đông A vẫn là một trong những bác sĩ giỏi và nổi tiếng nhất của Việt Nam.

TRẠI TÙ SUỐI MÁU

Từ Thành Ông Năm ở Hóc Môn chuyển về Suối Máu, con đường dài 40 -50 cây số, với đoàn xe quân sự có hộ tống nghiêm chỉnh, theo lẽ di chuyển một tiếng hay tối đa 2 tiếng đồng hồ là đến nơi rồi. Đàng này, chúng tôi phải “khẩn trương” tập hợp hành quân từ 6-7 giờ tối mãi đến hơn 7 giờ sáng hôm sau mới trại Suối Máu – Biên Hòa. Mỗi lần di chuyển là mỗi lần chúng tôi bị ”bầm vập” thể xác và tinh thần. Chúng dồn nén đám tù này như con vật, một chiếc xe tải Molotova nhét cả 1 đội 50 người cùng với đồ đoàng lỉnh kỉnh, chen chúc ngồi bó rọ, dẫm trên chân trên người nhau. Các xe đều bỏ bạt phủ kín, không đủ không khí để thở, chỉ một cái đánh rấm của một anh nào đó kể như mọi người lãnh đủ cái mùi khó chịu không ai thích.
Lần chuyển trại đầu tiên, từ trường Trung học Pétrus Ký chuyển đến Thành Ông Năm ở Hóc Môn, chúng tôi đã lãnh đủ cái cơ cực khổ sở của cái vụ chuyển trại bi thảm này. Được lệnh hành quân khẩn trương, từ 9 giờ tối đã có tiếng tu-hít (còi) thổi gọi tập họp mọi người. Từ trường Pétrus Ký đến Liên Đoàn 5 Công Binh Kiến Tạo, mười mấy hai chục cây số. Cái dễ sợ nhất là mỗi đội chúng tôi bị nhốt trong một chiếc xe bít bùng, tiểu tiện phải đi trong quần vì từ 9 giờ tối đã lên xe, hành quân kiểu gì không biết của đám khỉ học làm người, mãi đến 6 giờ sáng mới tới Thành Ông Năm ở Hóc Môn.
Tại Suối Máu, tưởng tôi đã “bỏ mạng sa trường” vì cái bệnh kiết lỵ.
Xin nhắc lại, tôi từ giã ông Yamoto “đi cải tạo”, khoảng giữa tháng 5.1975, ông là Trưởng văn phòng nhật báo Asahi (Asahi Shimbun) tại Sài Gòn, một tờ báo lớn của người Nhật, có số phát hành các ấn bản sáng chiều và chữ Anh, trên dưới 10 triệu số mỗi ngày. Tôi đã cộng tác với ông Yamoto trên 3 năm, qua tài liệu, ông đã hiểu hơn tôi về chế độ “tù cải tạo” của cộng sản, ông biếu tôi vài trăm đô và đặc biệt tặng 2 “túi cứu thương” để tôi dấn thân vào cõi chết mà ông chỉ nói úp mở. Lúc bấy giờ, thời chiến cực kỳ khốc liệt, mỗi ký giả ngoại quốc ở Sài Gòn, gọi là ký giả chiến trường, đều kè kè bên mình một túi cứu thương, gồm đủ các thứ thuốc, trong đó có nhiều thuốc trị bệnh sốt rét, kiết lỵ, tiêu chảy…May mắn cho tôi, ông Yamoto và người phụ tá của ông có 2 túi cứu thương, ông tặng hết. Nhờ có nhiều thuốc nên ở trong trại tù, nhiều bác sĩ phe ta khám bệnh cho anh em, biết tôi có thuốc tốt, phụ nhĩ với bệnh nhân, đến tìm anh Ngà xin thuốc, tôi trở thành dược sĩ bất đắc dĩ mà chẳng cần học trường Dược ngày nào.
Khi tôi bị bệnh kiết lỵ ngặt nghèo, từ cầu lê lết về đến lán, tôi bước lên thềm không nổi phải bò mới vào được chỗ nằm và vận dụng hết sức lực còn lại mở túí balô lấy thuốc trụ sinh trị kiết lỵ uống 2 lần từ tối đến khuya, tôi không đi cầu nữa.
Tại trại Suối Máu, tôi gặp anh Phạm Đăng Có, Thiếu tá Quân Cảnh, Chỉ huy trưởng trại giam tù phiến cộng này. Anh Có là em ruột của Đại tá Phạm Đăng Tấn (đã từ trần cách nay chừng 8 năm ở Virginia, vợ chồng tôi có đến phúng viếng, tiển đưa), nguyên là Tham Mưu Trưởng QĐ4 & V4CT thời Trung Tướng Đặng Văn Quang làm Tư Lệnh, đó là hai ông sếp lớn của tôi. Người anh kế của anh Có là Trung tá An Ninh Quân Đội Phạm Đăng Năng, có vợ là bạn học với tôi ở Châu Đốc (anh Năng hiện còn ở VN). Anh Có rù rì với tôi, tụi VC này ác quá, hồi tôi làm sếp ở đây, đám cán binh của chúng được nằm giường sắt 2 tầng đàng hoàng, nay chúng cho bọn mình ăn chay nằm đất.

Tại trại Suối Máu, trước ngày lên đường đi ra miền Bắc “xã hội chủ nghĩa” chúng tôi gồm bò tứ và bò ngũ, được học tập chính sách “khoan hồng nhân đạo” 12 điểm của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để thông suốt mà hồ hởi phấn khởi ra miền Bắc nghèo mạt rệp. Cũng chính lúc này, một tòa án quân sự của quân khu 7 VC được thiết đặt, gần cổng ra vào trại. Cán bộ trại bắt loa gọi anh em “trại viên” lắng nghe theo dõi buổi xử án 2 người trốn trại, có trực tiếp truyền thanh. Mỗi đội phải cắt cử 2 người (thường là đội trưởng và đội phó) đi tham dự phiên xử anh Phạm Hữu Thịnh và một anh Thiếu tá nữa là Nguyễn Văn Đương thuộc ngành Tình Báo Quân Đội (tôi vừa mới bìết tên anh Thiếu tá này do một chiến hữu ở Úc Châu gọi điện thoại cho biết) cũng trốn trại tại Suối Máu. Anh này trốn được ra khỏi trại Suối Máu, đi xe đò bị chận bắt ở một chốt kiểm soát nào đó, chưa về tới Sài Gòn. Chúng tôi đang ngồi nghe ngóng, phiên xử khai mạc, nghe rất rõ, khi gọi tên anh Thiếu tá Đương ra xử. Sau khi luận tội và kêu án tử hình, vẫn trong tư thế bị còng 2 tay, anh chiến sĩ anh hùng của chúng ta hô lớn đả đảo cộng sản trước tòa, anh vừa mới nói đả đảo tiếp theo chắc là đả đảo hồ chí minh. Hai tên bộ đội dùng tay bịt miệng và sau đó anh bị nhét giẻ vào miệng, kéo sền sệt ra khỏi phòng. Chừng 2 phút sau nghe tiếng súng AK nổ một loạt mà anh em có tham dự chứng kiến từ đầu. Trong lúc đó, bất ngờ, dù còn nắng trời đổ mưa như sụt sùi khóc cho một chiến sĩ anh hùng của QLVNCH bị giết dã man trước họng súng của quân xâm lược. Được biết, đám cán binh VC không lôi anh chiến sĩ anh hùng này đến pháp trường cát đã thiết đặt trước mà chúng bắn anh khi ra khỏi nơi xét xử trước một ụ đất . Buổi chiều, bọn xét xử, rút kinh nghiệm buổi sáng, khi chúng luận tội, anh Phạm Hữu Thịnh bị nhét giẽ đầy miệng không cho nói lời nào và đưa đến pháp trường cát kết liễu đời anh, tội nghiệp anh Thịnh bị hành hạ đày đọa mấy tháng trong connex, thân hình tiều tuỵ, da bọc xương tái méc, nhưng sắc mặt anh vẫn bình thản, lạnh lùng và vui vẻ khi tôi hỏi chuyện.
Cộng quân đã đem xử bắn 2 anh em của chúng ta để dằn mặt đám tù còn lại, trốn trại bắt được là xử bắn, không có khoan hồng nhân đạo gì ráo trọi.

CHUYẾN TÀU THỦY RA BẮC

Qua 2 lần chuyển trại trước đây, nay lại chuyển trại lần nữa vào đêm 10 tháng 6 năm 1976, nghĩa là sau 1 năm chúng tôi nằm tù cộng sản ở miền Nam. Nay lại ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa nghèo khổ mạt rệp, cũng tập họp từ 7 giờ tối, bị kiểm tra "tư trang", chúng tịch thu vô số đồ dùng cũng như thuốc men của anh em chúng tôi. Khoảng 10 giờ tối, chúng tôi được dồn lên xe chật ních cũng như 2 lần chuyển trại trước, mãi đến 6 giờ sáng mới bị dẫn xuống tàu nhỏ, cũ kỹ bẩn thỉu, loại tàu chở vật dụng, heo, trâu, bò…đậu tại tân cảng Sài Gòn, gần cầu Sài Gòn, trên xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa.
Mỗi chiếc tàu loại nhỏ đó chỉ chở 5-7 chục người là nhiều, đàng này chúng dồn hình như xấp xỉ 3 trăm người vì chúng tôi chỉ nhìn thấy đầu đen và người nào người nấy, ở trần trùn trục, mặc vỏn vẹn chiếc quần đùi mà ngồi chen chúc chịu trận vì không có đủ chỗ nằm. Tôi mạo hiểm lấy ra một cái võng tự chế khi còn ở Hóc Môn, leo lên thành tàu cao hơn 2 mét mới có chỗ buộc dây 2 đầu căng võng nằm, còn ở sàn tàu, không ai có thể đặt lưng nằm được. Bắt chước làm theo tôi có đến cả chục người nữa mà đám bộ đội áp tải không nói năng gì.
Cái khổ nhất trần gian lúc bấy giờ là đi tiểu tiện trong 2 cái thùng thiếc miệng tròn dành cho mấy trăm người. Mỗi ngày, từ trên boong tàu mở nắp ra, thòng dây xuống để chúng tôi buộc vào thùng phân và nước tiểu lần lượt kéo lên. Vì ở trên cao, cách hơn 5-6 mét, cái thùng lại nặng, 2 tên bộ độ ì ạch kéo lên khơi khơi, làm chiếc thùng đầy lượn đảo qua lại bắn nước dơ tung toé, rơi xuống trúng người nào người đó chỉ biết kêu trời, lãnh đủ, nước không đủ uống làm sao mà có nước rữa nên phải “khắc phục”. Mỗi lần xếp hàng chờ “lấy tài” để tống hai cái của nợ, mất vài tiếng như chơi. Rủi hơn nữa tới phiên mình được phép trút cái nợ đời ra là lúc chiếc thùng đầy ắp, còn chỗ đâu mà chứa, đành gọi khan cổ xin kéo thùng lên. Chờ “bề trên” trông xuống hỏi lý do gì mà kêu cứu, họ mới thòng dây xuống kéo thùng lên, đồ phế thải dơ bẩn đó phải đổ xuống biển, còn rữa nữa mới thòng thùng xuống lại, thêm một lần nữa, thùng mới rữa lại văng nước tung toé. Anh em có dịp la lên chí choé, nhưng nước văng lần này tương đối “ thơm tho” hơn lần trước từ dưới kéo lên. Trong 4 ngày ở dưới hầm tàu này, có nhiều lần vì đợi tới phiên lâu quá, tôi lại không đi cầu được, đành rút lui để cho người khác làm “nhiệm vụ xã hội chủ nghĩa”.
Sau 4 ngày ngất ngư con tàu đi, nhiều người bị say sóng ói mữa tới mật xanh, may cho tôi, thể trạng tốt không bị ói mữa nên đở tiều tụy hơn nhiều anh em khác. Cũng vì cái còn khỏe đó mà tôi lãnh cái búa tạ, khi tàu cặp bến Vĩnh Linh - Đồng Hới, tôi được một thằng bạn mắc dịch lớn giọng đề cử tôi làm Đội trưởng để “quản lý” anh em trên toa xe lửa khi có 1 tên bộ đội bảo anh em đề cử đội trưởng.

CHUYẾN TÀU HỎA ĐỊNH MỆNH TRÊN ĐẤT BẮC

Trời đã bắt đầu tối, từng chiếc tàu cặp bến cầu, đổ người lên đông nghẹt, xếp hàng đôi “2 hàng dọc, đàng trước thẳng” lần lượt tiến bước có 4-5 con chó trận vừa sủa vừa dẫn đầu. Đèn dầu, đuốc được các người dân nghèo khổ cầm đứng 2 bên đường với các tên du kích cầm súng trường CKC có gắn lưỡi lê sáng loáng như hù dọa đám tù đói khổ đang lê lết từng bước nặng nề, sau 4 ngày nổi trôi lênh đênh trên sóng biển. Không biết dân chúng bị bắt buộc đứng trên con đường này bao lâu để “chào đón” chúng tôi. Họ nói chuyện râm rang, bàn tán, chữi đổng… rất ồn ào, bọn tù chúng tôi uể oải, mệt lã, lầm lũi bước đi như kẻ không hồn. Đến ga xe lửa, cứ 50 người lên 1 wagon (toa), hàng mấy chục cái toa, loại toa tàu lửa để chở súc vật, đồ đạc, không có ghế ngồi và hoàn toàn kín mít, không có một cái cửa sổ nhỏ nào cả, 50 người ngồi bó gối chen chúc nhau. Tôi nhận chân được cái văn minh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đường rầy xe lửa quá cũ kỹ từ thời Pháp thuộc để lại, những thanh sắt ngang, nay biến đâu mất tiêu, chắc cán bộ hỏa xa gỡ đem đi bán sắt vụn để “cải thiện’ đời sống. Thay những thanh sắt ngang bằng những thanh gỗ, khi bánh xe cán lên nghe âm thanh phập phình, khập khểnh, chúng tôi có cảm tưởng đường rầy sẽ “banh xà rông” và tàu hỏa sẽ trật bánh, đưa bao nhiêu con người cùng khổ xuống sông, xuống ruộng… Tàu hỏa chạy suốt đêm, đến gần trưa tới Nam Định, ngôi giáo đường Công Giáo giữa thị xã Nam Định loang lổ phong sương như các tín hữu của tôn giáo này đã từng bị chế độ cộng sản vùi dập không thương tiếc từ năm 1954 khi đất nước VN bị chia đôi.
Vì tôi là “xếp” toa này, nên được ngồi ngay cửa lên xuống mở hé, có 2 tên bộ đội ngồi chỉa súng ra ngoài, đó là ân huệ và cũng cái khổ cho tôi. Đến trưa, trời tháng 5 âm lịch, miền Bắc nóng khủng khiếp, hôm ấy có thể đến 100 độ F hay cao hơn, toa tàu đóng kín, qua khỏi Nam Định 2 tên bộ đội biến đâu mất và cửa này hoàn toàn bị đóng khóa chặt ở ngoài. 50 anh em chúng tôi mồ hôi mồ kê vã ra như tắm, có người ngất xỉu vì thiếu oxy. Tôi nảy ra sang kiến kêu gọi anh em nào có vật gì bén nhọn như cọng dây kẽm… ngồi xuống nạy các khe gỗ ở sàn tàu, may ra có kẻ hở để gió lọt vào mà thở.
May quá, trong balô của tôi còn sót một cái lưỡi cưa nhỏ xíu và cọng thép dài hơn 1 tấc mà khi còn ở Hóc Môn, tôi dùng trong việc chạm trỗ trên các cái lược bằng nhôm, đám cán binh xét tới xét lui, tịch thu biết bao cái “của quý” loại này rồi, nay còn sót 2 món bảo bối quý hiếm đó. Tôi miệt mài khơi cạy chừng 10 phút , tàu lửa ngừng lại một ga xép để nhận tiếp tế và tù được nhận 1 thùng nước để uống mà đội trưởng nhảy xuống toa tàu, khi 1 tên bộ đội đến mở cửa, phải chạy thật nhanh mang thùng nước về. Khi tôi ra khỏi toa, tên bộ đội lại khóa cửa, anh em luân phiên cạy, nạy, móc ra từng mảnh rác nhỏ, đất cát… và may mắn có luồng gió mát thổi vào khi tôi mang thùng nước nặng 20 lít đưa lên tàu vừa lúc tiếng còi tàu ré lên, từ từ lăn bánh. Anh em mừng quá vừa có nước uống đở khát vừa có luồng gió mát thổi vào một cái khe nhỏ bằng đầu chiếc đủa và dài hơn 1 tấc, gặp thanh gỗ bắt ngang nên tắt tị không “khựi” thêm được nữa. Bây giờ là cái khổ của người đội trưởng, ai cũng cần khí trời để thở cho khỏe nên anh em khó nhường nhau mà người đau yếu, nhất là các anh bị suyễn kinh niên ốm yếu chỉ nằm chờ chết, làm sao chen giành lại với các anh khỏe hơn?. Tôi bèn có quyết định, lựa 4 anh to con như tôi hoặc to khỏe hơn tôi, ngồi chung quanh cái lỗ thông hơi cứu tinh này. Ai ngất xỉu được ưu tiên chuyển tới lỗ thông hơi hít thở vài phút, nhường chỗ cho anh khác tới thay. Nhờ anh em toàn là cấp chỉ huy cũ nên dễ thông cảm và tự thấy mỗi người có trách nhiệm giúp đở nhau trong cảnh cùng cực này. Dù vậy, càng về trưa, càng oi bức mà trời lại đứng gió nên có nhiều anh em ngất xỉu, tôi phải vỗ cửa bình bịch kêu cứu khi xe ngừng lại tại một ga nào đó. Nhiệm vụ của đội trưởng là phải dìu hay phải cõng anh bị xỉu chạy nhanh đến toa cấp cứu. Toa này chỉ là toa có nhiều cửa mở toang 2 tên bộ đội ngồi ghìm súng trên đó, anh nào may mắn được đưa đến đây đều được thoát chết vì được thở không khí ở ngoài tràn vào. Tôi gặp một anh bò ngũ thân quen đang nằm tại đây và anh cho biết Trung tá Ngô Văn Hùng, Trưởng Khối Kế Hoạch Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã tắt thở, không đưa kịp đến toa cấp cứu này và xác anh ấy bộ đội áp tải cho khiên xuống rồi, cách đây 1 trạm. Tôi vốn quen biết Trung tá Hùng, vì khi ông đi làm đều phải đi ngang qua Khối Thông Tin Giao Tế mà tôi đang phục vụ, ở số 2 ter Đại lộ Thống Nhất – Sài Gòn. Sau này, tôi nghe còn có thêm vài bò tứ hay bò ngũ cũng qua đời trong chuyến tàu lửa định mệnh này. Nhờ những cái chết oan khiên của các anh ấy mà từ đó về sau khi chạy ngang Hà Nội cho tới ga cuối cùng Yên Bái, các cửa lên xuống đều được mở toang để có không khí lùa vào toa. Nhiệm vụ đội trưởng quá vất vả của tôi cũng chấm dứt tại bến phà Âu Lâu của tỉnh Yên Bái, sau đúng 1 ngày 2 đêm “nhậm chức”.

ĐƯỜNG LÊN SƠN LA GIAN KHỔ

Đến nhà ga Yên Bái gần sáng, ngày 16.6.76, bên nây bến phà Âu Lâu, chúng tôi được lùa đi cũng 2 hàng dọc đàng trước bước. Cán bộ giữ tù thông báo: Các anh được nhân dân địa phương đón tiếp và mời các anh uống nước vối cho mát để tiếp tục cuộc hành quân đến các trại. Hai bên vệ đường, có nhiều thùng nước vối đang còn lửa cháy phừng phực. Trong đời, lần đầu tiên tôi được thưởng thức nước vối có mùi khói phảng phất của đất Bắc, uống vào chả ra làm sao và tôi ao uớc nếu có một chén nước trà nóng trong đêm buồn thảm này uống chắc đả, phê lắm. Đi bộ xuống phà, nghe nhiều tiếng gà gáy sáng xa xa, báo hiệu một ngày mới nhục nhã và gian khổ đang chờ đón.
Lên bến bên kia thuộc địa phận khác, có nhiều đoàn xe molotova chờ sẵn, những người lính áp giải không phân biệt đội nào, cứ lùa tù lên đầy xe là được, hàng trăm xe lăn bánh đưa chúng tôi người về Hoàng Liên Sơn, người lên Sơn La, mãi đến chiều, tôi đến Sơn La, rừng núi ngút ngàn bất tận, đúng ngày 16.6.1976. Sau gần 6 ngày hành quân kỳ cục và khổ nhọc nhất, tôi đã nhận rõ tương lai mờ mịt của những người tù bị lưu đày lên xứ “nước Sơn La ma Hòa Bình”, đã đến đây chắc khó trở về sum họp với vợ con?.
Đoàn xe tù chúng tôi chừng vài chục chiếc, ước đoán cả 5-6 trăm người được đưa đến tận chân núi, nơi có 2 nhà tù lớn do Pháp khoét sâu vào vách núi, xây mấy chục năm trước để nhốt tù chánh trị. Sau này CSBV nhốt tù binh Mỹ và Đại Hàn mà vết tích còn ghi trên vách đá, nay nhốt chúng tôi. Trong đoàn tù này gồm toàn bò tứ, bò ngũ bên Quân Đội, bổng dưng có một xe toàn bò tam cũng đổ xuống , ngành cảnh sát đặc biệt, làm thành một đội riêng.
Chừng 2 tuần sau nhiều đợt tù kế tiếp được chuyển tới và tiếp tục chuyển tới nữa mà đa số là những anh em thuộc quân khu 9 của cộng sản, ở miền Tây. Chuyển từ Cần Thơ ra đây và nhiều anh em cấp đại úy trở xuống trình diện đợt 2 ở Sài Gòn cũng được chuyển đến xã Mường Cơi này, nơi mà không có đủ nước sinh hoạt hàng ngày cho cả chục ngàn tù binh mà CSBV gọi chúng tôi khi mới đặt chân lên xứ này.

Đợt tù đầu tiên đến đây lại gặp gần 100 anh em tù bị bắt từ mùa hè đỏ lửa 1972, ở trận Hạ Lào và đặc biệt có Trung tá Khương, Chỉ Huy Trưởng BCH Tiếp Vận V1CT bị bắt hồi Tết Mậu Thân 1968 ở Huế. Tình cờ, trong khi tôi đi lao động cất nhà mới để đón tiếp các anh em chuyển ra sau, gặp lại anh Nguyễn Văn Thuế, Thiếu tá Pháo Binh cùng học với tôi tại trường Sinh Ngữ Quân Đội ở đường Nguyễn Văn Tráng Sài Gòn, cuối thập niên 60 để chuẩn bị đi du học Hoa Kỳ, khi đó chúng tôi còn đeo lon Đại úy. Anh Nguyễn Văn Thuế bị bắt lọai hàng binh trong mùa hè đỏ lửa 1972 được CSBV cho ăn bánh vẽ, nghe nói cũng “le lói” trong hàng ngũ bộ đội CSBV cũng đeo “quân hàm” thiếu tá… Sau xin đổi qua diện tù binh để được trao trả theo Hiệp Định Ba Lê nên bị cộng sản đì, không những không trao trả mà còn bị nhốt tù để cùng với những anh em khác cất thêm trại chờ đón chúng tôi.
Một chuyện hi hữu và thương tâm làm nhiều anh em chúng tôi không cầm được nước mắt. Một anh Trung tá (quên tên) cùng ở một nhà với nhà thơ Hoàng Ngọc Liên, Tô Kiều Ngân, Văn Quang ở bên kia hàng rào, nhà bên này, nằm cạnh tôi có nhà báo Phan Lạc Phúc (đang ở Úc), chúng tôi chứng kiến một cuộc trùng phùng hi hữu giũa hai bố con truớc cỗng trại. Khi chúng tôi xếp hàng ra ngoài lao động “đốn tre đẵn gỗ trên rừng”, anh Trung tá gặp lại đứa con trai yêu quý của anh, cấp bậc Thiếu úy đã bị ghi nhận là mất tích trong một trận chiến mùa hè đỏ lửa 72, nay lù lù xuất hiện nhận diện được cha mình cùng đang ở tù chung trại.
Cũng tại trại Sơn La này, người tù chết đầu tiên là nhạc sĩ Thục Vũ, tôi lại quên tên, anh là Trung Tá làm Trưởng khối Chiến Tranh Chính Trị ở Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ hay là Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, anh chết vì đau và sau khi hút được 1 “bi” thuốc lào thoải mái, anh thanh thản ra đi. Người chết kế tiếp cũng tại K1 có 2 nhà tù đá kiên cố này là anh Trung tá Tường, nguyên Trưởng Phòng Tổng Quản Trị Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ mà tôi gặp anh hàng ngày khi chúng tôi cùng làm việc tại đây. Anh Tường chết vì uống thuốc tự tử, anh chán đời, chán cảnh tù khổ sai không biết ngày nào được thả ra…

Trại tù Sơn La, khi chúng tôi đến “tạm trú” đầu tiên chỉ vỏn vẹn có 2 nhà đá có từ trước. Với chừng 100 anh em tù cũ gồm có Biệt Kích nhảy ra Bắc bị bắt hàng chục năm trước còn sống sót cùng với anh em bị bắt vào mùa hè đỏ 1972, cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào, cấp bậc từ hạ sĩ quan đến Trung úy, cấp cao nhứt là Trung tá Khương bị bắt 1968 tại Huế. Chính toán tiền đạo tù cũ hướng dẫn anh em chúng tôi cách “lao động xã hội chủ nghĩa” cất thêm doanh trại mới để nhốt tù lần lượt sẽ được chuyển tới từ trong Nam ra tiếp, trong phạm vi chừng 10 cây số vuông. Liên trại 2 Sơn La lúc cao điểm có đến 6 trại được phân định nhốt tù rõ rệt từng cấp bậc. Khu nhà đá gọi là K1, ở sâu trong núi “chuyên trị” nhốt tù có cấp bậc cao nhất ở đây là Trung Tá, K5 ở đồi chè Mường Cơi, gần đường lộ chính lên hướng huyện Phù Yên, gồm toàn bò tam và K6 nhốt toàn bò tứ trong đó có tôi, K6 cũng nằm gần trục lộ chính huyết mạch của tỉnh Sơn La. Còn K2, 3, 4 mới cất vội vã sau này nhốt các anh em ở các trại giam từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tập trung tại các trại giam Cần Thơ và từ đó chuyển đến Sơn La. Tội nghiệp cho các anh em này đến Sơn La cũng là nơi trung chuyển để Liên trại ở Hoàng Liên Sơn cất thêm đủ chỗ, các trại K 2,3,4 của Sơn La sẽ chuyển về đó.
Ở tù cộng sản, trại nào cũng khổ, nhưng mỗi trại tù có cái khổ nhiều ít khác nhau. Các anh ở miền Tây chuyển trại liên tục và đường lại xa hơn chắc chắn mệt khổ hơn chúng tôi từ Sài Gòn lên thẳng Sơn La.

TRẠI TÙ HỒNG CA - YÊN BÁI

Chuyện ở tù cộng sản, chúng ta viết hoài viết mãi cho đến chết cũng chưa có thể chấm hết được. Có đến 1001 chuyện khổ nhục về sự đối xử dã man tàn bạo của chế độ lao tù CS, cùng hung cực ác dành cho những người ngã ngựa của chính thể VNCH.
Đến năm 1978, có tin Trung cộng sẽ dạy cho CSBV một bài học, như chúng ta biết hồng quân TC đã xua hàng chục sư đoàn bộ chiến cùng với không yễm và pháo yễm đã tấn công vào các tỉnh cực bắc VN, giáp biên giới TC vào năm 1979. Ba trại 1, 5 và 6 ở Sơn La đã có lệnh “di tản chiến thuật” trước từ gần cuối năm 1978. Một nửa trại 6 chúng tôi được chuyển về trại Hồng Ca-Yên Bái do công an quản lý. Đó cũng là thời điểm, chúng tôi được chuyển sang diện tù thường không còn là diện tù binh như chúng tôi đến Sơn La được học tập chính sách 8 điểm của bộ đội cộng sản đối với tù hàng binh.
Chúng tôi thấy có sự khác biệt rõ rệt. Bộ đội quản lý trại tù có phần dễ dãi đôi chút hơn là đám công an dùng kỹ luật sắt đối với chúng tôi, mỗi lần di chuyển bằng xe thì 2 người bị chúng khóa chung 1 cái còng số 8, còn bên bộ đội khi chuyển từ Nam ra Bắc không bị còng, ngoài trừ quý vị đi bằng máy bay. Tiêu chuẩn ăn uống hàng tháng bị công an xén bớt, ăn sắn quanh năm thay cơm. Chính sắn tươi quy ra gạo cũng bị công an tính gian lận. Thí dụ 1 ký gạo ở bên bộ đội quy ra thành 4 ký sắn tươi hoặc 2 ký sắn lát khô. Còn bên công an cứ 3 ký sắn tươi quy ra 1 ký gạo, có nơi công an chỉ tính có 2 hoặc 2 ký rưỡi sắn tươi thành 1 ký gạo, còn sắn lát khô, cứ 1 cân (ký) quy ra thành 1 cân gạo. Tiêu chuẩn về cung cấp đường, thuốc lá, thuốc lào bên công an cũng rút bớt của tù để chúng bồi dưỡng hoặc mua bán đổi chác với các hợp tác xã trong vùng.
Tóm lại, tại các trại tù do công an quản lý bắt người tù lao động cật lực chết bỏ, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm và có thể lao động cả ngày chủ nhật nữa mà bên bộ đội ít có xảy ra.
Chúng tôi ở trại 6 Sơn La, hơn một nửa chuyển về trại Hồng Ca-Yên Bái, số còn lại được chuyển về Nghệ Tĩnh. Còn trại 1 bò ngũ và trại 5 bò tam cũng vậy một số lớn chuyển lên trại Phù Yên gần quận lỵ Phù Yên-Sơn La, cách chỗ cũ chừng 20 cây số và một số chuyển về đâu đó, hình như cũng ở Nghệ Tĩnh.

TRẠI TÂN LẬP – VĨNH PHÚ KHÓ QUÊN

Bi đát nhất của cuộc đời ở tù cộng sản của tôi, gần đúng 10 năm, là K1 và K4 liên trại Tân Lập ở Vĩnh Phú. Vì vậy tôi không thể viết qua loa đại khái giai đoạn này, xin dành cho 1 bài khác vậy. Ở đây, chúng tôi chỉ tóm gọn, ở tù trại nào cũng khổ mà ai từng ở tù trại Tân Lập so sánh với các trại tù khác, quả trại này là địa ngục trần gian.
Từ Sơn La về Hồng Ca-Yên Bái, đây cũng là trạm trung chuyển, ở được vài tháng, ăn được một cái Tết tại Hồng Ca, tất cả “trại viên” được cho ăn 1 bữa khá no còn được tặng thêm gần 2 ký sắn luộc lại có kèm thêm đường cát trắng của Cuba.
Ôi! hạnh phúc biết bao! vì bao năm tháng ở tù cải tạo, lần đầu tiên tôi được ăn một bữa no và còn có sắn và đường để mang theo bồi dưỡng cho cuộc hành trình mới, chưa biết lành dữ thế nào?. Ngoài cổng trại Hồng Ca có nhiều chiếc xe đò loại nhỏ chừng 20-30 chục chỗ ngồi đậu sẵn để chở chúng tôi về trại Tân Lập Vĩnh Phú. Cứ 2 người đeo chung 1 cái đồng hồ số 8, tôi cùng đeo chung đồng hồ với Linh mục Trần Quý Thiện, ngài cùng ở chung với tôi tổ, đội 8 ở trại 6 Sơn La. Nay tôi được ngồi ghế gần ngài có dịp tâm sự nhỏ to suốt lộ trình dài nên cũng đở lo nghĩ, sốt ruột. Khi xe đến bến phà Âu Lâu, chúng tôi xuống xe và đi bộ hai người dung dăng dung dẻ có cặp song hành, lần lượt xe qua hết thì chúng tôi lại lên xe. Trên đường đi ngang qua khu chợ đang họp vào buổi sáng gần bến phà, bỗng nhiên tôi bị đau bụng quặn thắt dữ đội. Báo cáo cán bộ áp giải xin đi ngoài, tên này không cho, tôi làm liều lôi Cha Thiện vào cái nhà nhỏ bỏ hoang cạnh đường, xin Cha thông cảm giúp tôi cởi quần cho nhanh và chưa kịp ngồi xuống là cái của nợ của một bữa ăn no và cộng thêm sắn bồi dưỡng cùng với đường cát trắng biểu tình lần lượt dzọt ra tới tắp. Tội nghiệp Cha Thiện chỉ biết nhìn trời hiu quạnh mà hít phải mùi chua lòm của tôi vừa phóng ra. Quả Cha Thiện rất gentleman ngài xé 1 mảnh báo Nhân dân có sẵn trong túi đưa tôi làm nhiệm vụ sạch sẽ cuối cùng.
Lên xe, tôi cứ tiếc mãi được một bữa ăn no lại có thêm bồi dưỡng, nay của thiên trả cho địa mà thân xác tiều tụy của tôi chắng có hấp thụ được chút chất bổ dưỡng nào.
Về trại Tân Lập với các đồi sắn chập chùng vô tận do các người tù đến trước trồng trọt, đám tù sau tiếp tục sự nghiệp đào hóc trồng sắn mệt nghỉ và ăn sắn quanh năm. Một năm chỉ có 5 lần được ăn 1 chén cơm vào các ngày chiều 30 Tết, trưa Mồng Một Tết, lễ Lao Động 1.5, ngày 2.9 cái gọi là quốc khánh của CSBV và ngày 1 tháng giêng dương lịch (Tết Tây).
Cái khó quên của tôi, đội 16 rau xanh sau qua đội 5 trồng sắn mà tôi là thành viên, có 2 anh cùng đội chết vì trời nắng gắt, Trung tá Nguyễn Văn Lạc, Trưởng phòng An Ninh QĐ2, Thiếu tá Lê Xuân Hường Trưởng khối CTCT Liên Đoàn 1 BĐQ. Một ngày nắng cực gắt ấy làm cho các cây sắn như muốn rũ lá, chúng tôi mắt nổ đom đóm như bị ngộp thở. Ai cũng đội nón đàng hoàng thế mà anh Lạc, anh Hường và 1 anh Trung tá nữa lăn quay ra chết và còn một anh cũng bị say nắng được chuyển về trạm xá, đến tối mới chết. Chỉ một ngày bị say nắng đã 4 con người vô tội đáng thương từ giã cõi đời. Chính nhờ có 4 cái chết oan nghiệt của các anh ấy đã giúp chúng tôi từ đó về sau, không còn cảnh lao động trong lúc trời đổ nắng đom đóm nữa. Đây là cảnh trại K1 vừa kể ở trên, tôi ở Tân Lập từ K2 qua K1 rồi bị chuyển sang K4 và sau cùng là K3 . Từ K3, tôi được chuyển về Nam từ tháng tư năm 1982, trại Z 30D, thuộc huyện Hàm Tân-Thuận Hải, trại này ở khu vực có tên là Rừng Lá. Đến cuối năm 1984, tôi được thả ra cùng với một số đông gần 200 người gồm nhiều cấp tá mà trước đó cấp tá thả ra rất hiếm hoi.

TRẠI TÙ CHÓT: Z 30D – HÀM TÂN (RỪNG LÁ)

Đến năm 1982, khi tôi được quy hồi miền Nam, đóng chốt ở trại Z 30D – Hàm Tân (Rừng Lá), gặp lại nhiều anh em bò tứ bò ngũ trong lần chuyển ra đất Bắc đầu tiên ngày 10.6.1976. Khi tàu hỏa đến ga chót là Yên Bái, ai đi toa nào phải sang sông qua phà Âu Lâu sẽ trực chỉ Hoàng Liên Sơn và Sơn La, toa nào ở lại Yên Bái thì có xe tải đến đón đưa về các trại ở Yên Bái.
Đợt đi đầu tiên ra đất Bắc, gồm toàn những người mà cộng sản đã xếp loại nợ máu nhiều, khó mà được thả ra trong vòng 5 - 6 năm như tin đồn đoán, hầu hết là cấp tá đến cấp tướng bên Quân Đội và bên hành chánh là những công chức cao cấp đến hàng Tổng Trưởng, các lãnh tụ đảng phái, tôn giáo, dân cử…
Bên Quân Đội, những vị từ cấp Đại tá đến Tướng được đi bằng máy bay C130 của ta “bỏ của chạy lấy người”, cứ 2 người đeo chung 1 cái đồng hồ số 8. Bên công chức cao cấp cũng vậy được đi bằng máy bay và cũng đeo đồng hồ như bên quân sự. Còn cấp thiếu tá, trung tá, hàng Giám đốc nha sở trở xuống, các đại úy thuộc Cảnh sát đặc biệt hay nhiều người cấp chức nhỏ nhưng lọt mắt xanh xếp loại nợ máu nhiều của chúng cũng được ra Bắc đợt đầu.
Cái bịp của CSBV, không những chúng bịp các người tù mà chúng còn bịp đối với mọi người dân lương thiện trong nước và ngay cả nhiều thành phần cán bộ của chúng, quốc tế cũng bị chúng cho ăn quả lừa bịp.
Trưóc khi chuyển tù ra Bắc, tại trại Suối Máu-Biên Hòa, CSBV thiết lập tòa án quân sự bắn 2 anh Thiếu tá trốn trại. Tiếp theo, chúng cho tù học tập chính sách 12 điểm của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để mọi người tù an tâm hồ hởi phấn khởi sợ mà ở yên “học tập tốt, lao động tốt”.
Sau này, CSBV dùng tàu lớn như tàu Sông Hương chở 1 lần mấy ngàn người tù đổ xuống bến ở gần cảng Hải Phòng để có xe lửa hoặc xe tải đưa đến các trại tù khắp đất Bắc.
Tại Z 30D có 2 K1 và K2 mà tôi được “biên chế” về K2 ở trong sâu, còn K1 là nơi có BCH trại làm việc nữa. Z 30D là khu rừng lá buông bạt ngàn, người ta lấy lá làm đủ thứ chuyện. Đường vào K1 và K2 có trồng thật nhiều sua đũa tha hồ mà ăn bông, nếu ăn bông sua đũa nhiều quá dể bị “tào tháo” đuổi chạy trối chết.
Được chuyển trại về tới miền Nam, dù ở trại nào, tôi cũng vững tin là mình sẽ còn sống, lúc ấy quả thật chúng tôi rất vui mừng (hồ hởi phấn khởi) thấy được đoạn cuối của con đường hầm tối tăm bắt đầu có ánh sáng hé lộ. Khí hậu thời tiết không còn khắc nghiệt như các tỉnh ở vùng rừng núi miền Bắc, gần gia đình dễ thăm nuôi và được thông báo những tin tức hấp dẫn, tù cải tạo sẽ được thả hết qua sự vận động của Bà Khúc Minh Thơ với chánh quyền Hoa Kỳ. Tất cả tù cải tạo sẽ được qua Mỹ… Nghe vậy chỉ biết vậy và chúng tôi vẫn bán tín bán nghi, chắc gì Mỹ chịu rước của nợ các ông tù cải tạo bệnh tật đem qua nuôi báo cô. Chuyện gì đến đã xảy đến tốt đẹp cho mọi gia đình tù cải tạo từ 3 năm trở lên hoặc ở tù 1 năm và nếu có tu nghiệp ở Mỹ bất luận bao lâu, cũng được xếp vào diện HO ra đi đàng hoàng, ngẫng đầu mà đi dưới con mắt khó chịu của cộng sản.

KÉT LUẬN

Ai đã vào tù cộng trên đất Bắc từ Lào Cai, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Sơn Tây… ở tận cùng miền Bắc xuôi vào Nam qua Nam Đình, Nghệ Tĩnh, về miền Trung Bình Trị Thiên, Cao Nguyên, miền Đông Nam Bộ cho đến miền Tây đến vùng cuối Việt Cà Mau, CSBV đã thiết đặt hàng trăm trại tù lớn, khắc nghiệt, lao động khổ sai, thiếu ăn thiếu mặc, hàng ngàn tù lần lượt ra đi về bên kia thế giới. Chưa muốn nói là chánh sách nhân đạo của CSBV xuyên suốt nhằm trả thù cái vụ chúng sinh Bắc tử Nam trong thời chiến vì chúng đi xâm lược miền Nam nên chúng phải trả giá.
Nay miền Nam sụp đổ, CSBV trả thù một cách hèn hạ, tinh vi để cho những người ngã ngựa chết lần chết mòn trong các trại tù đói khổ, lao động khổ sai và bị hành hạ bỏ đói, đau không thuốc chửa trị…
Chuyện tù cộng sản không có bút mực nào mà viết hết và vì vậy mà tội ác của chúng tạo nên căn nghiệp mà luật quả báo của nhà Phật chỉ rõ “chủng quả đắc quả, chủng đậu đắc đậu” và tội nghiệp cho người dân lương thiện Việt Nam ở quê nhà cũng bị vạ lây vì luật nhân quả này./.

Trần Văn

THUYỀN NHÂN VIỆT NAM


 
Thuyền Nhân VN, quảng đời trong các trại tị nạn
Phương Anh, phóng viên RFA
28/04/2009


Hầu hết những ai đã từng là thuyền nhân, từng trải qua những ngày đối diện với bao hiểm nguy trên đại dương mênh mông và được sống sót đặt chân vào trại tị nạn, để chờ ngày định cư ở nước thứ ba, thì không thể nào quên được những ngày tháng cũ.

Phải nói đó là một kỷ niệm gắn chặt vào tâm hồn của họ cho dù đối với mỗi người có thời gian ở khác nhau. Có người chỉ vài tháng, có người kéo dài cả chục năm trời… Nhưng, tựu trung khi nhắc lại, thì ai cũng đều mang tâm trạng bùi ngùi và xúc động.
Cuộc sống ở trong các trại tị nạn ra sao mà đã để lại trong lòng thuyền nhân dấu ấn sâu xa đến như thế?
Vào những năm 1979 – 1980, khi làn sóng người vượt biên dâng cao, ở miền Nam lúc bấy giờ có câu nói truyền miệng: “Vượt Biên: một làm mồi cho cá, hai là má nuôi, ba là nuôi má”. Tải xuống để nghe


Chính sách thanh lọc Với những người đã may mắn sống sót, trải qua bao hiểm nguy và được các tàu vớt đưa về các trại tị nạn thì đây là thời gian an bình nhất vì chỉ còn chờ ngày được các phái đoàn của các nước đến phỏng vấn tiếp nhận cho tái định cư.
Anh Lưu Thành, một cựu thuyền nhân ở trại Pulo Bidong, Malaysia, hiện đang cư ngụ ở California cho hay:

“Tôi đến trại Bidong thì thấy thư thái lắm, vì thoát được Việt Nam rồi. Tuy là thiếu thốn, nhưng là vùng đất tự do, tâm hồn thoải mái vì có niềm hy vọng là mình sẽ định cư ở đệ tam quốc gia để lập lại cuộc đời mới.”
Nhưng, đến khi có chính sách thanh lọc do Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đề ra để nhằm ngăn chặn làn sóng người Việt bỏ nước ra đi, thì đời sống thuyền nhân vô cùng cực khổ.
Ngoài việc chấm dứt sự hỗ trợ về giáo dục, y tế, Cao Ủy LHQ cũng cắt giảm lương thực. Bên cạnh đó, tỉ lệ được công nhận là người tị nạn cũng chỉ có 1%. Vì thế, bắt đầu biểu tình rải rác ở các trại tị nạn.

Thượng tọa Thích Tâm Hòa, hiện trụ trì chùa Pháp Vân ở Toronto, Canada, từng là thuyền nhân ở trại Palavaan, Philippines kể lại:
“Vào thời điểm tôi đến thì có vẻ thoải mái một chút, nhưng sau thời gian thanh lọc thì khó khăn hơn. Trước đây, người dân tị nạn ở Palawan cũng được đi mua sắm này nọ, nhưng kể từ ngày thanh lọc thì kỷ luật gắt gao. 

Ngay đêm tôi nghe được Cao Ủy công bố chương trình hồi hương thì lúc bấy giờ tôi đã kêu goị các hội đoàn cựu quân nhân, tổ chức biểu tình và có 18 tăng ni tại Chuà tuyệt thực một tuần lễ.
Tôi chứng kiến cảnh người tị nạn bị phái đoàn từ chối họ rất khổ. Cũng may, nơi đó còn có nhà thờ, chùa, thánh thất nên giúp cho họ phần nào vượt qua khó khăn, khủng hoảng về tinh thần.
Trại tị nạn Palawan tương đối đầy đủ hơn các trại khác, chỉ khó khăn về nước thôi. Người dân phải sắp hàng lãnh nước. Mỗi gia đình họ được 2 can nước là 40 lít, rất khó khăn về nước. Về thực phẩm thì tương đối đầy đủ.”

Ảm ảnh hồi hương Bắt đầu từ giữa năm 1995 trở đi, càng ngày, chính sách cưỡng bức hồi hương ở các trại càng thêm gay gắt. Lúc này, người tị nạn phải đối diện với một tương lai vô định, sống trong sự mỏi mòn, trong sự hồi hộp, sợ hãi, không biết ngày mai sẽ ra sao…
Đến bao giờ thì tới lượt mình bị đẩy lên máy bay hay lôi xuống tàu chở về Việt Nam? Hàng lọat các cuộc biểu tình bất bạo động để chống cưỡng bức hồi hương xảy ra trong khắp các trại tị nạn Đông Nam Á.






Người tị nạn ở Hồng Kông chờ đi định cư. PHOTO by UNHCR Lúc này, phải chăng Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đã quá mệt mỏi với thuyền nhân Việt Nam nên cho dù có người mổ bụng, tuyệt thực, tự thiêu, treo cổ, tìm cái chết vì quá tuyệt vọng sau khi bị từ chối không được công nhận quyền tị nạn, thì họ vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Thậm chí, còn cho phép chính quyền bản xứ dùng vũ lực để đàn áp, dẹp biểu tình, đánh đập những thuyền nhân Việt Nam vô tội chỉ có bộ đồ dính trên người.
Ngay cả đất nước Philippines, vẫn được xem là quốc gia tử tế nhất cũng áp dụng chính sách cưỡng bức hồi hương. Từ Richmond, bang Virginia, Ni Sư Thích Nữ Diệu Thảo kể lại: 

“Đời sống thì rất cực khổ, vì lương thực không đầy đủ. Một ngày thì một người được một lon gaọ, hai người một cái trứng, ngày nào được thịt thì 3 người được một lạng thịt và một chút rau.
Thời gian đó thì thuyền nhân rất lo sợ, luôn luôn biểu tình để tranh đấu, vì sự thanh lọc rất bất công, ai có tiền thì được đi định cư. Lúc đó thuyền nhân chiếm văn phòng cao uỷ và biểu tình, lúc nào cũng bị lính Phi canh gác và họ luôn tìm cách để giải tán. Sau một thời gian dài thì Cao Ủy cho lính vào giải tán.
Mặc dù Phi là một nước Công Giáo nhưng cũng cưỡng bức, tôi là một tu sĩ mà cũng bị bắt tại Chùa, và đưa qua trại Westcome, bị nhốt chung với một số thuyền nhân. Sau đó, nhờ sự vận động của một số hội đoàn ở hải ngoại, can thiệp nên tôi được thả ra.”

Thân phận Thuyền Nhân Ở Indonesia, trại Galang, cuộc biểu tình kéo dài hàng mấy tháng trời. Trong những ngày ấy, cả ngàn người tuyệt thực, hàng trăm người mổ bụng tự sát. Đó là chưa kể phải tìm cách trốn chạy lính Indonesia vào cưỡng bức hồi hương. Từ San Jose, California, anh Phi Hổ kể lại:

“Mình chống cưỡng bức hồi hương, thì đào hầm trốn trong nhà, có một số người chui vào các thùng phuy, có số người leo lên “la phông” nhà, nhưng sau thì họ phát hiện được hết. Lính mang giầy “bốt đờ sô” lấy xà beng, dọng dưới đất, rồi họ dở miếng “simili” lên, nắm đầu mình kéo lên. Nó đánh dữ lắm….
Khủng hoảng lắm. Càng trở về sau càng khắc nghiệt, nó “gô” mình lại, kẽm gai quây lại, khẩu phần ăn cắt bớt hết. Thời điểm biểu tình người ta tự thiêu hai người, tự sát mấy trăm người, còn tuyệt thực thì cả mấy ngàn người lận.”

Còn ông Trương Văn Nhu, cũng ở San Jose, California cho hay:
“Mình đi sau ngày đóng cửa, họ muốn cưỡng bức mình về VN nên họ o ép giữ lắm. Cao Uỷ cũng cắt giảm gạo, mì gói. Mình phải tự lập trồng rau để ăn thêm. Họ làm căng lắm để ép buộc mình trở về.
Biểu tình 6 tháng trời, rất nhiều người mổ bụng tự sát, đặc biệt có hai người, anh Châu, và anh Thọ là tự thiêu, chết, và quan tài để tại hiện trường 6 tháng, canh gác chung quanh, ngồi suốt 6 tháng cạnh hai quan tài đó, ngồi biểu tình ngoài trời, họ làm kỹ thuật hay lắm, làm một ống đào sâu xuống dưới đất, chôn sâu, để rỏ nước xuống, không cho thoát hơi ra.
Rồi họ giải tán cuộc biểu tình đó, họ thả lựu đạn cay, cướp luôn hai xác đó. Họ đánh đập mình, bắt 219 người thành phần lãnh đạo, trong số đó có 76 cựu quân nhân và 43 người đàn bà trẻ em, nhốt 22 tháng tại nhà tù Tamahan, đảo Tandung, họ biệt giam, gắt lắm.” 

Có thể nói, vào thời điểm quốc tế đã mỏi mệt, Cao Ủy Tị Nạn LHQ đã nhắm mắt làm ngơ là những ngày tháng đau thương nhất, khốn khổ nhất của thân phận thuyền nhân Việt Nam.
Sau khi đã liều chết trên biển cả, thì lại bị giam hãm trong một nhà tù khác và cho dù chính biết bao người đem cái chết để làm chứng cho hai chữ “tự do” vẫn không làm lay thay đổi chính sách cưỡng bức hồi hương.
May mắn thay, khi bị trả về Việt Nam, một số được định cư theo chương trình ROVR hay còn gọi là Chương Trình Tái Định Cư Cho Người Hồi Hương và mãi đến năm 1999, 2000 thì họ mới thực sự được đặt chân đến Hoa Kỳ, một đất nứơc tự do và dân chủ, như họ hằng mong ước. Anh Trương Văn Nhu nói:

“Làm sao quên nổi, một thời gian tôi qua đây bị khủng hoảng luôn, vì ở đảo 6 năm, ăn uống thiếu thốn, rồi bị đưa về Việt Nam, cưỡng bức về, một thuyền nhân thì có 5 người police, khiêng xuống tàu và chở 1 tuần lễ thì về đến Việt Nam. Về Việt Nam thì bị làm khó dễ vì họ nói là cứng đầu, không chịu hồi hương. Về địa phương thì cứ bị làm khó dễ, biết tiếng Anh, xin dậy học không cho… "
-------------------------------
Trên đây là lời kể của một số thuyền nhân về đời sống của họ trong những ngày tạm dung tại các trại tị nạn. Riêng ở HongKong, nơi có số thuyền nhân Việt Nam cao nhất, đã được chính quyền bản xứ đối xử ra sao? Cuộc sống của họ như thế nào? Mời qúi vị nghe tiếp vào kỳ sau.

THÔNG TIN & BÌNH LUẬN QUỐC TẾ

 

Thượng đỉnh Obama-Modi : Mỹ và Ấn Độ gia tăng hợp tác quốc phòng

media 
 
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng hôm 07/06/2016.REUTERS/Jonathan Ernst
Nhân cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Trắng vào hôm qua, 07/06/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết biến quan hệ an ninh quốc phòng Mỹ-Ấn Độ hiện còn sơ khai, thành một cực « ổn định ». Một bước tiến cụ thể là ông Obama đã hậu thuẫn cho việc Ấn Độ muốn có công nghệ tên lửa hiện đại và gia nhập nhóm nước được quyền buôn bán nguyên liệu hạt nhân.
Trong một bản tuyên bố chung công bố sau cuộc gặp, hai bên đã xác định rằng « Quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn có thể trở thành một ‘cái neo’ giúp duy trì ổn định ».Hai bên cũng đã đúc kết các thỏa thuận song phương về hậu cần quân sự và chia sẻ « thông tin về việc thanh lọc khủng bố. »
Theo một thỏa thuận tháng Tư vừa qua, quân đội Mỹ-Ấn có thể sử dụng các căn cứ của nhau để sửa chữa tàu thuyền và tiếp liệu. Hai bên cũng thảo luận về việc hợp tác sản xuất thiết bị quân sự tối tân. Một tầm nhìn chiến lược chung đã được thông qua, có đề cập đến vấn đề bảo đảm tự do hàng hải, kể cả ở Biển Đông.
Riêng về mong muốn của Ấn Độ là được kết nạp vào nhóm các nước được phép kinh doanh vật liệu hạt nhân nhạy cảm, tổng thống Obama hôm qua xác nhận rằng Mỹ « ủng hộ việc Ấn Độ trở thành thành viên của nhóm các nhà cung cấp hạt nhân ».
Theo AFP, tuyên bố ủng hộ công khai của tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ bị Trung Quốc ghi nhận vì Bắc Kinh không muốn kết nạp New Delhi vào nhóm Quốc Gia Cung Ứng Hạt Nhân. Trung Quốc cũng không muốn Washington và New Delhi thắt chặt quan hệ, xem đấy là một mối đe dọa đối với Bắc Kinh.
Publicite, fin dans 33 secondes
Ngoài vấn đề hợp tác an ninh và hạt nhân, hai lãnh đạo Mỹ-Ấn còn thảo luận về việc thúc đẩy thực thi Hiệp Ước Paris về khí hậu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160608-thuong-dinh-obama-modi-my-va-an-do-gia-tang-hop-tac-quoc-phong

Washington tố cáo Trung Quốc ngăn chặn máy bay Mỹ một cách nguy hiểm

media 
 
Máy bay trinh thám Mỹ RC-135 đang hoạt động trên không phận Đông Nam Á (Ảnh chụp ngfay 14/03/2016)@wikipedia.com
 
Bộ Quốc Phòng Mỹ, ngày hôm qua, 07/06/2016, đã tố cáo tiêm kích Trung Quốc ngăn chặn máy bay trinh thám Hoa Kỳ một cách nguy hiểm trên không phận Biển Đông.
Theo phát ngôn viên Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, David Benham, trong lúc máy bay RC-135 của Hoa Kỳ đang đi tuần tra thì hai tiêm kích Trung Quốc J-10 đã bay ở cự ly gần và « một trong hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay cắt ngang quá gần » máy bay của Mỹ.
Đại diện quân đội Hoa Kỳ nhận định : Theo phân tích ban đầu, dường như đây là hành động « thiếu chuyên nghiệp » vì sau đó, các tiêm kích Trung Quốc không có những thao tác khiêu khích hoặc nguy hiểm nào nữa.
Theo báo The Wall Street Journal, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, hôm nay, cho biết sẽ tìm hiểu về trường hợp này, nhưng đồng thời tố cáo Hoa Kỳ « lại một lần nữa cố tình thổi phồng » vụ máy bay trinh thám Mỹ đi tuần tra ở Biển Đông. Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định là « các phi công Trung Quốc luôn luôn hành động phù hợp với các quy định và luật pháp, chuyên nghiệp ».
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chưa có phản ứng gì vụ này.
Ngày 17/05 vừa qua, bộ Quốc Phòng Mỹ cũng đã thông báo về một trường hợp tương tư.
Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định không đứng về bên nào, đồng thời liên tục nhấn mạnh đến quyền tự do lưu thông trong khu vực.
Trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và Kinh tế thường niên, kết thúc ngày hôm qua tại Bắc Kinh, Mỹ và Trung Quốc đã có những cuộc thảo luận về hồ sơ này.

Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tập trận ở Tây Thái Bình Dương

media 
 
Chiến hạm INS Satpura của Ấn Độ bên cạnh hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson trong cuộc tập trận Malabar 2012.@usnavy
 
 
Trong 8 ngày kể từ thứ Sáu 10/06/2016 tới đây, chiến hạm của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tham gia đợt tập trận chung trên quy mô lớn ở khu vực Tây Thái Bình Dương, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh. Cuộc tập trận mang tên Malabar, là sự kiện được tổ chức hàng năm giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, nhưng năm nay có thêm Nhật Bản tham gia, lần đầu tiên từ năm 2007 đến nay.
Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Nhật Bản được Reuters trích dẫn, cuộc tập trận lần này sẽ bao gồm các bài tập truy đuổi tàu ngầm và phòng chống máy bay. Trong số các chiến hạm Nhật tham gia, sẽ có tàu Hyuga, một trong ba chiếc tàu sân bay trực thăng thế hệ mới của Nhật.
Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động tranh giành chủ quyền ở vùng Biển Đông lân cận, Tokyo và Washington, theo giới quan sát, đang rất lo ngại trước việc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ở miền Tây Thái Bình Dương với đội tàu ngầm và tàu chiến càng lúc càng được triển khai đông đảo.


Chuỗi đảo phía tây nam Nhật Bản, nơi tập trung lực lượng Mỹ đông nhất ở Châu Á, có vị trí chiến lược là án ngữ đường đi từ bờ biển phía đông Trung Quốc ra khu vực Tây Thái Bình Dương. Quân đội Nhật Bản đã tăng cường hệ thống phòng thủ các hòn đảo miền tây nam này với các trạm radar và các dàn hỏa tiễn chống chiến hạm.
Vào hôm qua, 07/06, Trung Quốc đã nói với Hoa Kỳ là nên có một vai trò xây dựng, giữ gìn hòa bình ở vùng tranh chấp Biển Đông, trong lúc ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi đàm phán và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Trung Quốc đòi chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, nơi mà hàng năm có hơn 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại. Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng đòi hỏi chủ quyền tại đấy, và thắt chặt hơn quan hệ quân sự với Hoa Kỳ.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20160608-my-nhat-ban-va-an-do-tap-tran-o-tay-thai-binh-duong

Wednesday, June 8, 2016

VIỆT NAM! VIỆT NAM!

 

Món ngon Quảng Bình dân dã mà lạ miệng

A- A A+ ‹Đọc›
Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
Vùng đất đầy nắng và gió Quảng Bình không chỉ sở hữu bờ biển Nhật Lệ đẹp tuyệt, hay những hang động nổi danh thế giới, ẩm thực nơi này còn níu chân du khách bởi nhiều món ngon dân dã mà lạ miệng.

Món ngon Quảng Bình dân dã mà lạ miệng
ảnh minh họa
Bánh bột lọc
Đây là một trong những loại bánh nổi tiếng rất được ưa thích ở Quảng Bình. Món ăn dùng loại tôm nhỏ ở cửa sông làm nhân, tạo độ đậm ngọt vừa miệng. Vỏ bánh làm từ tinh bột sắn luộc lên rồi nhồi nhân. Cắn miếng bánh đầu tiên, người ăn cảm nhận sự dẻo dai ngay từ phần vỏ bánh, tiếp đến phần nhân tôm đậm đà có chút mộc nhĩ lật xật trong miệng. Đừng quên chấm bánh với món nước mắm ớt đỏ au hấp dẫn. Vị đậm của bánh hòa cùng ớt và nước mắm tạo nên hương vị khó quên. Quán mệ Xuân ở ngay trung tâm thành phố Đồng Hới là địa chỉ quen thuộc của người dân nơi này.

Ram rán giòn


Nếu người miền Bắc có nem rán, thì Quảng Bình lại có ram rán giòn. Điểm khác biệt của chúng chính ở lớp vỏ ngoài giòn rụm. Lớp vỏ của ram làm từ bột ngô hay bột gạo đỏ. Độ dày khá lớn lên khi cuốn bánh, người ta phải tấm qua nước. Khi rán, ram sẽ giòn tan và có màu cánh gián bắt mắt. Ngoài chấm với nước mắm ớt, người Quảng Bình thường ăn ram rán với cháo bánh canh để thay quẩy nóng như ngoài miền Bắc.

Lẩu cá khoai


Nếu như trước kia, cá khoai từng là món thực phẩm dành cho người ít tiền, thì nay nó đã trở thành đặc sản ưa thích của nhiều người. Lẩu cá khoai là món phổ biến ở nhiều quán hàng tại thành phố Đồng Hới. Món ăn thường thưởng thức vào dịp đông lạnh mới đúng điệu.
Cách chế biến cá khoai cũng khác so với những loại cá khác. Sau khi làm sạch ruột, bỏ đầu, cá khoai được cắt khúc hoặc để cả con nếu là loại nhỏ, rồi ướp chút gia vị cho ngấm. Nồi nước lẩu mang vị cua cay với nước cốt me, khế chua, dưa cải, nấm. Khi nước sôi, thực khách nhúng cá tới chín rồi vướt ra thưởng thức khi còn nóng. Cá vừa chín tới, không nát, từng miếng như tan ngay khi cho vào miệng.

Khoai deo


Từ món dân dã như khoai lang, người Quảng Bình đã chế biến thành món đặc sản nổi tiếng chỉ có ở vùng đất này: khoai deo. Người ta sẽ chọn loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, luộc chín tới rồi thái lát.
Tận dụng sẵn cái nắng chói chang đất Quảng, người ta mang những lát khoai lang ra phơi. Dưới trời nắng to, khoai được phơi khô từ 7-10 ngày, tới khi bề mặt se lại, từng lát có màu cánh gián, lúc ăn có vị dẻo và độ ngọt. Thưởng thức khoai deo phải từ tốn không nóng vội. Bạn hãy nhai chậm rãi để cảm nhận vị ngọt bùi từng lát khoai dẻo thơm. Có thể mua khoai deo ở các chợ truyền thống như chợ Đồng Hới, chợ Hoàn Lão, chợ Ba Đồn, chợ Quán Hàu…

Cháo canh


Người ta thường hình dung về cháo như một món ăn nấu từ gạo và có độ sệt. Nhưng cháo canh Quảng Bình lại giống với món phở hay mì hơn cả. Món ăn dùng sợi bánh canh được làm thủ công nên khá mềm và dai. Nước dùng được minh bằng xương và hải sản nên ngọt đậm tự nhiên. Tuy theo khẩu vị mỗi người, bạn có thể gọi loại cá lóc, tôm nõn, hay thịt nạc xào. Món cháo canh thường được ăn kèm rau cải xanh thái mỏng điểm vài lát ớt. Ngoài ra, người Quảng Bình có thói quen ăn cháo canh cùng ram rán g

Nghệ sĩ Bạch Tuyết - Từng ba lần tự tử

A- A A+ ‹Đọc›

Thích tắt quảng cáo hãy nhấn nút
“Người nổi tiếng như người lướt ván, phải có kỹ thuật thăng bằng để có thể lướt trên ngọn sóng, xuyên vào lòng con sóng, nếu không biết cách giữ thăng bằng tất phải té, bị hất khỏi ván thôi. Và tôi cũng phải học cách giữ thăng bằng khi đứng trên ván”. Tiến sĩ, NSƯT Bạch Tuyết đã chiêm nghiệm như thế về cuộc đời nhiều thành công nhưng cũng đầy sóng gió của mình.

Nghệ sỹ Bạch Tuyết
Nghệ sỹ Bạch Tuyết
Ba lần biếng… sống
- Mới theo nghề đã trở thành đào chánh, chưa đầy 5 năm đã gặt hái được tất cả vinh quang với những giải thưởng danh giá nhất, được gọi bằng mỹ danh “cải lương chi bảo”, được săn đón, chèo kéo với cát sê cao ngất - hiếm người được đời ưu ái như chị…?
- Trong đời tôi, bất hạnh lớn nhất là mất mẹ sớm, từ năm mới 8 tuổi. Nhưng đấy cũng là đại hạnh vì nhờ sự bất hạnh đó mà tôi nhận ra cuộc đời là phù du, mới có đó rồi sẽ mất đó, không có gì là bất biến, là tồn tại vĩnh viễn cả. Vì thế tôi tiếp nhận những thành công, những vinh quang, những lời tán tụng, khen ngợi với sự tỉnh táo, với tâm lý bình thản, cân bằng. Ngày trước, trong đoàn hát, đào kép chánh ít khi chơi với vệ sĩ, vũ nữ (diễn viên quần chúng) nhưng tôi lại chơi thân và học hỏi được nhiều điều từ những nhân vật âm thầm, lặng lẽ ấy…

- Có nghĩa chị không gặp khó khăn khi đối mặt với áp lực của một người đứng trên đỉnh vinh quang?
- Khi nổi tiếng thì cả cuộc đời phải sống với áp lực, phải sẵn sàng chịu mọi tai bay họa gởi thôi, đó là quy luật. Có cái này thì phải mất cái kia. Bạn nổi tiếng, được nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ, kiếm được nhiều tiền… thì ngược lại bạn cũng có thể đánh mất những điều quý giá như cuộc sống bình thường, thời gian bên gia đình, bạn bè, những niềm vui riêng…
Tôi hiểu ra điều này là nhờ triết học Phật giáo: không có gì là toàn bích, thiện - ác phải song song tồn tại. Tuy nhiên đó là chuyện về sau chứ hồi trẻ tránh sao khỏi khủng hoảng. Tôi rất thông cảm với làn sóng tự tử của những diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay vì tôi đã từng trải qua, trong 10 năm đầu của sự nghiệp tôi đã tự tử đến ba lần.

- Ba lần tự tử? Tại sao?
- Lúc đó tôi cảm giác mình như cái hỏa tiễn vậy, phóng nhanh quá mà bệ phóng không chắc thì vừa bay lên là bệ nổ tan tành, không có chỗ về nữa. Mặc dù đã làm việc như một cái máy 24/24 nhưng khi bạn quá nổi tiếng thì xã hội lại đòi hỏi ở bạn tới những 48 tiếng và bạn như bị đốt cháy trong cái khoảng thời gian ảo đó.
Chỉ có công việc, không có bạn bè. Và thế là không nghĩ ngợi gì sâu xa hết, tôi thấy thế giới này mệt quá, mình làm biếng quá nên muốn nằm xuống và ngủ thôi. Mà trời run rủi sao cả ba lần tôi tìm đến cái chết thì bạn bè đều phát hiện được mà cứu sống. Nghĩ lại thấy mình quá may mắn và thực sự biết ơn họ.

- Vậy lý do gì khiến chị quyết định không chết nữa?
- Ba lần tự tử mà không chết tôi thấy chắc số mình chưa chết được thì phải nghĩ cách sống thôi, mình không tính được thì thôi để ông trời tính vậy. Người nổi tiếng như người lướt ván, phải có kỹ thuật thăng bằng để có thể lướt trên ngọn sóng, xuyên vào lòng con sóng, nếu không biết cách giữ thăng bằng tất phải té, bị hất khỏi ván thôi. Và tôi cũng phải học cách giữ thăng bằng khi đứng trên ván.

Chuyện về những người đàn ông
- Đến tận hôm nay, những khán giả mộ điệu cải lương vẫn dành nhiều tình cảm cho cặp “sóng thần” Hùng Cường - Bạch Tuyết. Giữa anh chị có chuyện “tuồng giả tình thật” không?
- Ngày đó, những vở tuồng tôi hát với anh Hùng Cường tạo hiệu ứng khán giả rất tốt, khán giả đến lớp lớp như … sóng thần vậy nên báo giới mới gọi là cặp “sóng thần” Hùng Cường - Bạch Tuyết. Hùng Cường là một người cực kỳ giỏi. Trước khi đến với cải lương anh ấy là ngôi sao tân nhạc, là tài tử điện ảnh. Khi hát cùng anh thì tôi cũng được cả khán giả của anh biết đến và yêu thích, và anh cũng là cơ sở để tôi bước qua điện ảnh.
Đó là một con người tài hoa, có tri thức, đam mê nghề, hết sức nghiêm túc. Với một người như vậy, lại làm việc chung thì không cớ gì lại không đem lòng yêu mến được. Nhưng con người tôi lạ lắm. Tôi nhớ có lần nói với anh ấy: “Em rất thương anh, quý anh. Mọi khán giả yêu anh, muốn được gần gũi anh, muốn được anh yêu. Em lại được anh yêu trong nghệ thuật, em muốn mãi giữ những cảm xúc đẹp, thanh khiết này trong tuồng để dâng hiến cho khán giả”.

Phải đấu tranh nội tâm và kiềm chế dữ lắm chứ. Rất may là không có chuyện gì xảy ra nếu không chưa chắc cảm xúc và hình ảnh của chúng tôi trong nhau lại đẹp như thế.

- Chị không tự tin về mình sao?
- Anh Hùng Cường rất thương tôi và cũng hỏi không hiểu sao tôi lại cứng rắn như thế, nhiều lần chúng tôi “choảng” nhau mà. Tôi cười nói: “Bồ ông toàn người đẹp mà có ai ông yêu quá sáu tháng đâu. Tui đã không yêu thì thôi, chứ dính rồi thì tôi yêu hết mình. Tui mà yêu ông thiệt rồi lỡ bị ông bỏ chắc chết quá” (cười). Cái duyên của tôi không gắn với người trong nghề mà lại xuất hiện ở bên ngoài.

- Chẳng hạn như trên sân cỏ, cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang trong một bài báo đã tiết lộ như bị “sét đánh” khi lần đầu nhìn thấy chị...


- Anh ấy chưa bao giờ nói với tôi vụ này cả (cười). Lần đầu gặp tôi chưa biết nhiều về anh ấy, chỉ nghe người trong đoàn nói đấy là một cầu thủ rất lừng lẫy thôi. Ấn tượng ban đầu của tôi đấy là một con người lịch lãm, tài hoa và rất lành. Đến hôm nay vẫn vậy dù xuất hiện ở đâu, ở vị trí nào anh ấy cũng được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ.
Thời gian đó, cũng không thiếu những đại gia, những người quyền quý theo đuổi nhưng ở cái tuổi ngồi cửa sổ thấy mình thay đổi được cả thế giới, tôi có những suy nghĩ rất khác: nếu lập gia đình thì tôi sẽ chọn một người tốt, đàng hoàng, không cần nhiều tiền, cả hai sẽ cùng gầy dựng.
Nghề đào hát của mình dữ dội, bấp bênh quá, sáng nay ngủ dậy thấy bài báo đẩy mình lên tận mây xanh, vài bữa sau đã đạp mình xuống địa ngục, một nghề chứa quá nhiều sự bất ổn, cuộc sống không bình thường, tôi cần một người bạn đời bình thường “đầu đội trời, chân đụng đất”. Sau lần gặp gỡ với Tam Lang, tôi nghĩ nhiều về anh ấy và khi anh ấy cầu hôn thì tôi nhận lời ngay. Đó thực sự là một đám cưới đẹp trong mắt mọi người.

- Nhưng cuộc hôn nhân ấy lại không ổn định như chị nghĩ?
- Tôi chỉ thấy đời sống của anh ấy ổn định hơn mình thôi và đấy cũng là sai lầm. Cuộc sống và nghề nghiệp của hai chúng tôi quá khác biệt. 4, 5 giờ sáng anh ấy đã đi tập, rồi về trại, những trận đấu lớn thì phải cắm trại. Mình sáng đi tập tuồng, chiều đi thu đĩa, tối đi hát, khuya vẫn còn đóng phim. Nhiều khi về chỉ nhìn nhau rồi lại đi tiếp.
Mình đi lưu diễn ngoài Trung thì chồng đá trong Sài Gòn, mình về Sài Gòn hát thì chồng đi nước ngoài đá. Vợ chồng mà hai đứa cứ như đầu sông, cuối sông vậy, dù có yêu thương nhau thì cũng khó mà chịu đựng mãi tình trạng này. Hơn nữa, bác sĩ nói tôi không thể có con.
Tam Lang lại là người con rất có hiếu. Sau 3 năm, chúng tôi chia tay xem như cũng tạo cơ hội cho cả hai. Anh ấy có thể có một gia đình bình thường, một người vợ hiền hết lòng với chồng mà có thể phát triển sự nghiệp hơn nữa.
Chuyện của chúng tôi diễn ra rất lặng lẽ nên đến hôm nay nhiều người gặp tôi còn hỏi Tam Lang khỏe không mà (cười). Trong đời tôi, có hai người đàn ông mà tôi phải học. Đó là ba tôi, người luôn hiểu và hết lòng ủng hộ con cái. Và Tam Lang, người không sính coi hát nhưng yêu con người thật của tôi chứ không phải vì tôi là nghệ sĩ.

- Cuối cùng chị cũng đã tìm được hạnh phúc?
- Tôi đến với người chồng sau như một sự tình cờ, có thể xem như chuyện đại gia với ngôi sao vậy. Với người bạn này, tôi có lòng biết ơn và tin cậy vì nhờ anh ấy mà tôi đi trọn được con đường học vấn. Anh ấy là một tấm gương, là động lực củng cố quyết tâm học tập của tôi. Sống với một người chồng tri thức đầy quá (anh ấy có 2 bằng tiến sĩ), nếu mình thiếu thì cũng vừa thôi...
Và bất ngờ hơn nữa là cuộc hôn nhân này đã cho tôi một đứa con. Con trai tôi hiện đang làm việc cho một công ty lớn của Mỹ. Cháu sưu tầm những trích đoạn cải lương xưa thành băng để nghe trong xe, bạn bè hỏi thì cháu trả lời là “kinh của Việt Nam”.

- Chị hài lòng với những gì mình đã đạt được?
- Tôi hài lòng là đối với cải lương tôi vẫn là một người cần mẫn. Cuộc sống này giống như tuồng hát vậy, lên sân khấu tập cả tháng trời, mở màn ra hát là xong, cũ mèm rồi, nếu đem nó theo nữa thì còn gì là mới, tập tuồng khác thôi. Quan điểm của tôi sống và làm việc mới tồn tại. Bản thân mình không là gì cả cái quan trọng là công việc, sự làm việc của mình kìa.
Tin tức nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=207419#ixzz4B31IY2LH
doc tin tuc xaluan.com

Nhớ Về Cầu Thủ Phạm Huỳnh Tam Lang

TS.Trần Văn Đạt



Anh Phạm Huỳnh Tam Lang là người đồng hương với tôi và cả hai cùng lên Sài Gòn học tại trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký năm 1955. Chúng tôi học cùng lớp Đệ Tam B2 (lớp 10) thì anh rời bỏ trường vì đam mê nghề bóng đá. 52 năm sau, tôi gặp lại anh tại nhà góc đường Nguyễn Hoàng & Cộng Hòa và nghe anh tâm sự rất nhiều về bóng đá, nhứt là cuộc chiến thắng vẻ vang giải vô địch Merdeka ở Malaysia năm 1966. Nhân giỗ Anh – ngày 2 tháng 6 – tôi viết ít lời để tưởng nhớ về một người bạn rất đặc biệt, mê chơi banh hơn ham học.


Vào hậu bán thế kỷ 20, đất Gò Công được nổi tiếng nhiều với ca sĩ Phương Dung “Con nhạn trắng Gò Công” và Cầu thủ vàng Tam Lang. Anh Phạm Huỳnh Tam Lang là cựu cầu thủ của đội tuyển quốc gia Việt Nam Công Hòa và cựu Huấn luyện viên của Câu lạc bộ bóng đá Cảng Sài Gòn. Anh là một cầu thủ trung vệ xuất sắc của làng bóng đá Việt Nam và Á Châu . Anh nổi tiếng là người trong sạch, luôn đề cao đạo đức của người cầu thủ và phàn nàn về phẩm chất xuống dốc trong giới bóng đá hiện nay! Thời vàng son của Phạm Huỳnh Tam Lang là lúc anh làm Thủ quân của đội tuyển Việt Nam đọat chức vô địch cúp Merdeka năm 1966 và chuyện tình lãng mạn một thời với cô đào “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết trong Đệ nhứt Cộng Hòa Việt Nam.





Hình 1:Tam Lang với cúp Merdeka, 1966
Tiểu sử


Tam Lang sinh ngày 14-2-1942 tại Gò Công, con của một gia đình trung lưu sống ở Thị xã Gò Công và mồ côi cha lúc còn 3 tuổi. Năm 1955, Tam Lang trúng tuyển vào học trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay trường Lê Hồng Phong) ở Sài gòn, vì lúc đó chưa có trường Trung học công lập tại tỉnh nhà. Anh đam mê môn bóng đá từ thuở nhỏ. Khi lên Sài Gòn học, anh được Ông Nguyễn Văn Tư, một người có tên tuổi trong làng bóng đá Sài Gòn, hướng dẫn tập luyện chung với đội banh AJS (Association de la Jeunesse sportive) nổi tiếng bấy giờ. Sáng đi học chiều chơi banh và thi đấu cho đội tuyển trường Trung học Petrus Ký.


Năm 1957, Tam Lang được tuyển vào Đội tuyển học sinh trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, chơi banh cho đội Ngôi Sao Chợ Lớn lúc mới 15 tuổi.


Năm 1960, anh được chính thức tuyển vào đội banh thiếu niên quốc gia, cùng với Võ Bá Hùng, Phạm Văn Lắm, Nguyễn Văn Ngôn, Quan Kim Phụng… và sau đó là đội tuyển Miền Nam (1). Đó cũng là lúc Tam Lang chia tay với các đồng môn cuối niên học lớp Đệ Tam B2 (lớp 10 bây giờ) của trường Petrus Ký. Do quá ham mê nghệ thuật nhồi bóng trên thảm cỏ xanh, anh rời ghế nhà trường sớm hơn các bạn học cùng lớp.


Năm 1964, Anh thi đấu xuất thần trong trận thắng Israel 2-0 ngay trên sân đối phương ở lượt về vòng loại Thế Vận Hội – Olympic 1964 (1). Trước năm 1975, Tam Lang nổi tiếng trong các đội banh Cảnh Sát Đô Thành, Việt Nam Thương Tín, AJS và Cảng Sài Gòn. Anh sớm lấy vị trí trong đội hình chính thức và dần giữ vai thủ quân của đội tuyển miền Nam Việt Nam.


Trong một trận cầu giao hữu giữa đội banh Đệ Tam trường Trương Vĩnh Ký và đội học sinh Trung học Gò Công tại sân vận động tỉnh nhà, Tam Lang là học sinh Petrus Ký nhưng anh đá cho đội học sinh đất Gò. Tam Lang có lối chạy thần tốc và mạnh mẽ, từ vị trí trung vệ anh đưa banh lướt nhanh qua nhiều cầu thủ và thẳng tiến đến thành goal địch mau lẹ, ít ai theo kịp hoặc khó khăn ngăn cản anh. Lần đó, đội học sinh Đệ Tam Petrus Ký thua đậm! Trong giải Merdeka năm 1966, anh được giới truyền thông Malaysia khen ngợi là “Mũi tên vàng” của đội bóng VN, rất đúng với tài năng hiếm có của anh.
Sự nghiệp bóng đá


Có lẽ hào quang rực rỡ nhứt trong nghề bóng đá của Tam Lang là lúc đội banh tham dự và thắng vẻ vang cúp Merdeka ở Kualur Lumpur, Malaysia. Cùng năm đó, anh và Đỗ Thới Vinh được mời vào đội tuyển Ngôi Sao Châu Á (2) Xin nhắc lại giải vô địch Merdeka là một giải đấu bóng tròn danh tiếng, được thành lập năm 1957 để chào mừng Ngày Quốc Khánh của Malaysia, gồm những đội banh mạnh nhứt của châu Á. Các nước được mời tham gia là một danh dự lớn.


Tam Lang kể “Năm 1960, khi mới 18 tuổi, tôi được gọi vào đội tuyển miền Nam. Sớm chiếm được vị trí trong đội hình chính thức, nhưng chiếc băng đội trưởng thì chẳng bao giờ tôi nghĩ đến. Năm 1966, đùng một cái, trước giờ bay sang Malaysia, HLV Weigang họp đội và đề nghị bầu chọn đội trưởng mới thay cho tiền vệ nổi tiếng Nguyễn Ngọc Thanh. Cũng chẳng biết vì sao ngày ấy anh em lại tín nhiệm và dồn phiếu cho tôi giữ vai thủ quân (2).”


Cũng vào thời điểm này, mối tình của anh và Bạch Tuyết (Hình 2) bắt đầu khởi sắc trong chiều hướng tích cực. Trước đó, anh và vài người bạn như Lắm rỗ (Hải Quan) trong giới bóng đá thường đến hậu trường Rạp Quốc Thanh làm quen với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu và vài cô đào khác. Trước 3 ngày đội banh lên đường sang Malaysia dự giải Merdeka, cả đòan bổng nhận được vé mời xem xuất hát của đòan Cải lương Dạ Lý Hương trình diễn tại rạp Quốc Thanh trên đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi). Trước giờ mở màn, Đại diện đoàn hát nói vài lời phi lộ và chúc đội bóng đá lên đường thành công rực rỡ, đem chuông đi đánh xứ người vẻ vang. Ngay sau đó, cô đào Bạch Tuyết xuất hiện từ cánh gà tiến đến gắn huy hiệu và choàng vòng hoa cho thủ quân Tam Lang với lời chúc tốt đẹp. Tam Lang kể: “lúc đó tôi như bị Bạch Tuyết thu hút hết hồn vía rồi”.


Năm 1966, đội banh Việt Nam Cộng Hòa vào chung kết với đội Miến Điện, oanh liệt thắng 1-0 đọat cúp vô địch Merdeka và mang vinh dự về đất nước. Tất cả Miền Nam lúc đó bừng sống trong bầu không khí sôi động vui mừng. Mọi người khi gặp nhau đều bàn chuyện cúp Merkeda, cầu thủ Tam Lang, Vinh, Thanh … Khi trở về nước, đoàn bóng đá được đón tiếp trọng thể từ sân bay Tân Sơn Nhứt đến phố Sài Gòn. Anh kể trong niềm hân hoan: “Chúng tôi mỗi người đứng trên một xe jeep mui trần diễn hành từ sân bay Tân Sơn Nhứt qua các phố đến Tòa Đô Chánh, với sự hoan nghênh chào đón của hàng ngàn người. Các cầu thủ còn được các mạnh thường quân và Tổng Cuộc Túc cầu tặng mỗi người một tấm lắc vàng ròng để kỷ niệm và ghi nhận thành tích lớn.” Từ đó, tên tuổi của Tam Lang đạt đến đỉnh cao không những trong nước mà còn ở Châu Á.


Với chiến thắng vẻ vang đó, tình yêu của anh và Bạch Tuyết như được chất xúc tác nuôi dưỡng, bùng phát ngày càng lớn hơn. Cuộc hẹn hò của họ kéo dài hơn. Anh bắt đầu đưa rước Bạch Tuyết mỗi đêm và thỉnh thoảng cũng có những cơn ghen si tình không kiềm chế được. Cuối cùng hai người tổ chức một đám cưới đơn giản ở Thủ Đức để ra mắt hai họ và bạn bè vào đầu năm 1967. Nhưng sau đó, do nghề nghiệp và cuộc sống quá khác biệt, nhứt là hai người không có con dù muốn lắm, nên phải chia tay nhau năm 1970. Tam Lang tâm sự anh quá mệt mỏi với công việc đưa đón hàng đêm đến một hai giờ sáng mới về tới nhà, vì Bạch Tuyết sau mỗi buổi hát xong, phải ở lại thay đổi quần áo, điểm trang và gặp gỡ trò chuyện với khán giả ngưỡng mộ đang chờ đón ở hậu trường.


Ít năm sau, Bạch Tuyết có chồng khác và có một cháu trai với Charles Đức, Tiến sĩ Kinh tế, quốc tịch Pháp (mất 2010); còn Tam Lang lúc làm việc ở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín gặp cô Nguyễn Thị Minh Hồng rồi cưới làm vợ và có một cháu gái tên Anh Thư hiện làm việc trong ngành dược ở Úc Châu. Hai gia đình vẫn còn thân thiết và liên lạc nhau khi có cơ hội. Bạch Tuyết thú nhận trong một cuộc phỏng vấn: “Trong đời tôi, có hai người đàn ông mà tôi phải học. Đó là ba tôi, người luôn hiểu và hết lòng ủng hộ con cái. Và Tam Lang, người không sính coi hát nhưng yêu con người thật của tôi chứ không phải vì tôi là nghệ sĩ.”(4)


Tam Lang không những thành công là một cầu thủ bóng đá xuất sắc, còn là một Huấn luyện viên giỏi, tay nghề cao, rất nổi tiếng trong nước. Anh còn được giới truyền thông kính nể, thường gọi là “Tượng đài” Phạm Hùynh Tam Lang.


Sau 1975, anh quyết định ở lại quê hương vì nghĩ rằng nghề bóng đá của anh khó phát triển ở hải ngọai; vã lại, anh còn phải chăm sóc bà mẹ già yếu. Năm 2002, anh đi du lịch nước Mỹ trong 6 tuần lễ để thăm viếng bà con, bạn bè và đến nhiều thành phố như Atlantic city, Philidelphia, Virginia, Texas, San Francisco, San Jose, Santa Ana… Anh cũng đã đi thăm con gái ở bang Brisbane, Úc Châu trong hơn 3 tháng.


Năm 1981, sự nghiệp của Tam Lang bắt đầu chuyển hướng. Anh được chọn đi tu nghiệp huấn luyện viên bóng đá quốc tế (HLV) ở CHDC Đức. Khi hoàn tất khóa huấn luyện hơn hai năm, anh được cấp bằng hạng ưu. Sau khi trở về nước, anh giữ chức HLV Trưởng Cảng Sài Gòn và đã giúp đội banh này nổi tiếng, có một thời oanh liệt trong nước, giành bốn chức vô địch (1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002) cùng hai danh hiệu vô địch Cúp quốc gia (1992, 2000) và nhiều cúp khác ở Sài Gòn và cấp tỉnh (3). Anh cũng được đề cử làm phụ tá HLV người nước ngòai và giữ nhiều chức HLV cùng đội tuyển trong các giải SEA GamesTiger Cup. Chẳng hạn, năm 1997 Tam Lang chính thức giữ vai trò HLV phó đội tuyển quốc gia dưới thời Colin Murphy (HCĐ SEA Games 1997), Alfred Riedl (HCB Tiger Cup 1998, HCB SEA Games 1999, Tiger Cup 2000) rồi Dido (SEA Games 2001).


3. Giai đọan nghỉ hưu


Năm 2003, với tuổi đời 61 anh từ giã chức vụ HLV Cảng Sài Gòn, về làm cố vấn cho đội thanh niên Thành Phố của ông bầu Quách Thành Lai ở Trung tâm thể thao Thành Long (Đa Phước, Bình Chánh) trong chương trình đào tạo năng khiếu bóng đá Thành Phố. Ngoài ra, anh còn đóng góp chất xám trong các cuộc huấn luyện, cố vấn và giảng dạy các đội bóng trong nước, Tam Lang bảo “Dù ở đâu cứ nghe tiếng la hét trên sân cỏ là vui rồi!” Anh tâm sự muốn đào tạo một thế hệ cầu thủ trẻ giỏi để mong một ngày nào đó mang về đất nước thêm nhiều huy chương vàng. Nhưng lực bất tòng tâm!


Vào lứa tuổi thất thập cổ lai hi, phong độ ngày nào của Tam Lang đã suy giảm với tướng đi gập ghềnh do bệnh khớp xương thời kỳ khá nặng và trí nhớ cũng kém dần; nhưng tánh tình anh không thay đổi, vẫn điềm đạm, lời nói tuy không còn sang sảng ngày nào, nhưng nhỏ nhẹ khiêm nhường. Gương mặt anh luôn biểu hiện nét hiền hòa, hiếu khách, thỉnh thỏang tự trách mình lúc trẻ ham vui, thường không thể từ chối lời mời rượu của bạn bè nên bệnh Gout không trị dứt. Với ngày qua, bệnh trở nên nhiều hơn, các khớp xương bàn tay, cổ tay bị sưng to, làm cánh tay mặt ít nhiều đổi dạng và anh cảm thấy không thỏai mái trong người (Hình 4, 8-2011). Anh sống yên lặng trong một chung cư ở góc đường Trần Phú (Nguyễn Hòang cũ) và Nguyễn Văn Cừ (đường Cộng Hòa cũ) và qua đời do đột quỵ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn ngày 2-6-2014, hưởng thọ 72 tuổi.


Anh Phạm Huỳnh Tam Lang đã gắn bó cả đời với sự nghiệp bóng đá sân cỏ trong 15 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa và tiếp tục hơn 3 thập niên sau đó. Ở đâu anh cũng được mọi người kể cả giới chuyên môn và người hâm mộ kính trọng. Anh đã tạo dấu ấn đặc thù trong nền bóng đá Việt Nam qua nửa thế kỷ nhân sinh.
  1. Sĩ Huyên. 2006. Phạm Huỳnh Tam Lang – ký ức một thời vang bóng. Việt Báo (Theo Tuổi Trẻ), Thứ ba, 10 Tháng mười 2006.

Đồ tể xứ HUẾ sắp đi gặp bác.


.KHI ĐỒ TỂ LÂM BỆNH NẶNG
Bảng Đỏ
Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường – một nhà văn nổi tiếng của chế độ cộng sản hiện đã lâm bệnh nặng do bị tai biến hô hấp.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời gia đình cho hay, tình trạng bệnh của ông Tường hiện nay là rất nặng.
Cơn tai biến đã xảy ra chỉ 1 tuần sau khi ông này được gia đình đưa từ Sài Gòn về lại Huế - nơi ông Tường bị cáo buộc là thủ phạm gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng do quân đội cộng sản gây ra vào dịp tết Mậu Thân năm 1968.
                   Thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế

http://farm8.staticflickr.com/7054/6913272279_58a4676a7a_b.jpg
Tết Mậu Thân 68 CS chiếm Huế 26 ngày. CSBV & Nhóm SV tranh đấu nằm vùng theo CS cho treo các tấm Banner :
   " Tinh thần Cách Mạng 1-11- 63 BẤT DIỆT "

Cùng thời điểm này, Tạp Chí Văn Chương Da Màu đã cho đăng một bài phỏng vấn đặc biệt, trong đó Hoàng Phủ Ngọc Tường phủ nhận vai trò liên quan trong cuộc thảm sát Mậu Thân 68.
“Mình không có giết ai trong chiến tranh” ông Tường khẳng định trong bài phỏng vấn vừa được công bố sau 7 năm.
Tại thời điểm quân đội cộng sản ra tay thảm sát dân thường vô tội, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng ông ta không có mặt tại Huế:
“Họ dự định sau khi vụ Mậu Thân thành công thì sẽ đưa chúng tôi về ra mắt công chúng. Nhưng cuộc tiến công bị chặn lại vì phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa phản kích dữ dội quá…”
“Vì việc không thành nên tôi không được đưa về Huế để ra mắt quần chúng.”


Đồ Tể Hoàng Phủ Ngọc Tường

Đối với người dân Huế, đặc biệt là người nhà của những nạn nhân vô tội, đây chỉ là những lời dối trá và chạy tội của Hoàng Phủ Ngọc Tường lúc cuối đời.
Đồ tể
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 29/2/1982, Hoàng Phủ Ngọc Tường lại khẳng định đã có mặt tại Huế vào tết Mậu Thân năm 1968.
Video cho thấy, ông này nhiều lần nhấn mạnh vai trò của mình như một ‘chứng nhân’ tham gia công việc ‘thi hành bản án cách mạng’ đối với những thường dân.
Ông này còn kể rõ tường tận như: “Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu... Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra...”
Sau 25 ngày kinh hoàng, quân đội cộng sản đã dùng nhiều biện pháp man rợ để giết hại khoảng 6 ngàn người dân Huế vô tội.
Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng em trai mình là Hoàng Phủ Ngọc Phan, cùng với Nguyễn Đắc Xuân… bị coi là những đồ tể gây ra vụ thảm sát.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn đăng trên Da Màu, ông Tường lại nói rằng bản thân ông này ‘không chứng kiến’ những vụ giết người tại Huế:
“Còn những vụ giết người hàng loạt, tôi chỉ nghe nói chứ không chứng kiến, nhưng tôi biết là mình không thể hành động như thế” , Hoàng Phủ Ngọc Tường nói.
Chối tội
Sau năm 1975, cũng như nhiều nhân vật đi theo ‘mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam’, Hoàng Phủ Ngọc Tường gần như bị chế độ CSVN loại bỏ. Đến năm 1987 thì ông này lại làm đơn xin gia nhập đảng.
Trong bài phỏng vấn, ông Tường nói rằng đã ‘thôi sinh hoạt đảng’ 3 năm sau đó – tức năm 1990, nhưng không có giấy tờ chính thức.
Năm 1989, ông này bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người và phải ngồi xe lăn. Sau đó, được gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống.
Trong suốt những năm tháng cuối đời, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã luôn tìm cách chạy tội cho cá nhân và đồng bọn của ông ta trong cuộc thảm sát Mậu Thân 68. Trong khi đó, chế độ CSVN vẫn tiếp tục dùng sự kiện này để ăn mừng trên xác những người dân vô tội, thậm chí chúng còn trơ trẽn dùng cả bộ máy tuyên truyền nhằm đổ lỗi cho ‘Mỹ-Nguỵ’ đã gây ra cuộc thảm sát.
Ở đời, con người thì ai cũng có lúc sẽ phải trở về với cát bụi. Tuy nhiên, sẽ thật là một điều bất công nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường được chết.
Không phải vì hận thù hay muốn trả thù, cá nhân tôi cho rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường và đồng bọn ông ta cần phải sống cho đến ngày công lý được thực thi.
Ngược lại, muốn được nhắm mắt ra đi, thì đây là cơ hội cuối cùng để Hoàng Phủ Ngọc Tường nói ra sự thật, xem như một lời tạ lỗi cuối cùng trước khi lìa đời.
Bảng Đỏ

No comments: