Chuyến Vượt Biên Thứ Nhất
Vĩnh Khanh
Trích: "Hồi Ký Vượt Biên"
Thương tặng con trai L.V.S.
Vĩnh Khanh
Trích: "Hồi Ký Vượt Biên"
Thương tặng con trai L.V.S.
Giữa năm 1980, gia đình tôi từ rẩy đã bỏ về Saigon ở, tuy cũng rất vất vả, nhưng chuyện sinh kế có phần dễ thở hơn trước. Trước đó không lâu, có người bà con giúp cho em trai tôi đang ở vào tuổi nghĩa vụ đi vượt biên, và chuyến đi đó đến được Mã Lai thành công. Mấy tháng sau, lại có một gia đình ở miền Tây đang tổ chức vượt biên, trước đây chịu ơn của gia đình tôi rất nhiều, thấy tình cảnh của gia đình tôi khó khăn nên thật lòng giúp đỡ lại. Họ dành một chổ cho tôi và đứa con trai đi không lấy tiền. Con gái của tôi lúc đó chưa tròn một tuổi, tôi thật không đành lòng bỏ vợ và con gái ở lại, nhưng mọi người kể cả vợ tôi cũng khuyến khích và đồng ý để hai cha con chúng tôi ra đi.
Khoảng tháng 10 năm 1980, một người dẫn đường hướng dẫn cha con chúng tôi xuống ếm tại Kinh 5, gần Rạch Giá. Chúng tôi hẹn nhau tại Xa Cảng Miền Tây lúc 5 giờ sáng ngày hôm đó, rồi cùng nhau đón xe đi Rạch Giá, độ 6 giờ chiều thì tới kinh 5. Dân địa phương ở đây hầu hết là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, được chính phủ Ngô Đình Diệm đưa về đây lập nghiệp, vùng này ngày xưa còn hoang vắng lắm, sau đó dưới sự hổ trợ của chính phủ đã được khai phá dần, những người dân miền Bắc định cư dọc theo những con kinh đào với mục đích dẫn thủy nhập điền. Từ đó kinh 1, kinh 2, 3, 4, 5… cho đến kinh 11 đã trở thành những cột móc địa lý quen thuộc của người dân ở đây. Đi xe đò mà bảo tài xế, hoặc lơ xe cho xuống kinh 5, 6… thì họ ngừng ngay tại chổ mình muốn liền.
Xuống xe chúng tôi được một người khác chờ từ trước, đưa xuồng đi dọc theo con kinh thật lớn thêm khoảng hơn tiếng đồng hồ nữa mới tới chổ ếm chờ ngày đi, đến nơi thì trời tối mịt rồi.. Chúng tôi được đưa vào nhà của hai vợ chồng còn rất trẻ, độ khoảng 20 tuổi là cùng. Sau khi giới thiệu lẩn nhau, được biết người chồng tên B. sẽ đi cùng chuyến sắp tới với chúng tôi. Hai vợ chồng này rất nhiệt tình và hiếu khách, đã dành cho cha con tôi một chổ tạm trú tươm tất. Hai ngày tạm trú tại đây, mặc dù không đi đâu được và rất lo lắng, nhưng nhờ sự tử tế của gia đình trẻ này, hai cha con chúng tôi cũng thấy bớt căng thẳng.
Hai ngày sau, chưa tới 4 giờ sáng, B. và cha con tôi đã được sắp xếp từ trước đi trên một chiếc xuồng ba lá nhỏ. Tôi ngồi phía trước chèo mũi, B. ở phái sau chèo lái, con trai tôi ở chính giữa. Thật sự thì tôi có biết chèo xuồng hồi nào đâu, lúc còn học sinh có đôi lần đi cắm trại, cũng có dịp ngồi lên xuồng chèo chơi, nhưng đó là chuyện đi chơi, chiếc xuồng đôi lúc quay vòng vòng cũng không sao.... còn bây giờ là lúc phải chèo thật. Nói thì nói vậy, chứ tôi ngồi phía trước là để ngụy trang thôi, lâu lâu cũng quơ quơ phụ mấy cái cho ra vẻ một chút, chứ ngoài ra anh chàng B. "thầu" hết.
Đúng là ở đâu thì quen đó. B. chèo gần như một mình từ kinh 5 đi len lỏi theo các sông rạch chằng chịt - chứ không dám đi theo con sông lớn - từ sáng sớm như vậy cho đến chạng vạng tối thì gần đến cửa biển mà không thấy anh ta than mệt một lần nào, trong khi đôi cánh tay tôi như muốn rã ra hết.
Chúng tôi tấp vào một vùng dừa nước rộng, núp sau các tàng lá ô rô lớn nghỉ ngơi và ăn uống chờ trời tối hẳn mới dám đi tiếp. Đoạn đường từ đây đi ra cửa biển là đoạn mà chúng tôi lo lắng nhất. Có bị bắt dọc đường từ sáng đến giờ thì còn có lý do để chống chế, chứ từ chổ này đi ra cửa biển mà bị bắt thì hết chối cải. Bao nhiêu giấy tờ giả như cán bộ, công nhân viên chức đi công tác, đi phép… từ đoạn này trở đi, khi bị bắt thì giấy tờ thiệt cũng trở thành giấy tờ giả cả,vì đi đâu mà ra cửa biển giờ này, ngoại trừ đi vượt biên thôi... Chúng tôi yên lặng chèo, cố lợi dụng bóng tối và các khoảng có ô rô, dừa nước để tránh tầm quan sát của công an biên phòng, lòng thật hồi hợp, căng thẳng. Tôi phải dặn con tôi từ trước là không được lên tiếng hỏi han, không được ho, ngay cả muỗi cắn thì ráng xua tay đuổi chứ đừng lên tiếng. Xuồng cứ thế hướng ra điểm hẹn ngoài cửa biển. Gió lúc này đã có pha hương vị mặn và mát lạnh của biển lúc ban đêm rồi.
Chúng tôi đến điểm hẹn an toàn. Không nhận thức được lúc đó khoảng mấy giờ nữa, trời tối đen như mực, chúng tôi tắp xuồng vào một khoảnh rừng tràm nhỏ đầy bùn trên một doi đất nhô ra biển mà B. đã biết từ trước. Đây là điểm dừng chân chờ "con cá lớn" của chúng tôi. Lúc còn chèo xuồng, muỗi đã nhiều rồi, nhưng khi tắp vào chổ này, muỗi còn nhiều gấp bội nữa. Cứ giơ tay ra rồi nắm lại thật nhanh, ít nhất cũng bắt được một vài con muỗi trong lòng bàn tay, ngay sát biển mà tiếng muỗi bay vo ve nghe rõ mồn một. Cũng may B. đã lo liệu từ trước nên có mua sẵn thuốc thoa chống muỗi, nhờ vậy nên cũng đỡ. Tôi ôm con trai tôi vào lòng, phủ kín mít lên người nó thêm một bộ đồ của tôi mang theo, vậy mà thỉnh thoảng nó vẫn xuýt xoa khe khẻ vì bị muỗi cắn. Chúng tôi ngồi trên xuồng mà hai tay hoạt động lia lịa để đuổi muỗi.
Đến thật khuya "con cá lớn" từ từ lộ dạng. Từ trong bãi núp, chúng tôi có thể thấy bóng của nó lù lù trên nền trời đen. B. đập đập nhẹ trên xuồng ra hiệu cho tôi. Chúng tôi yên lặng chờ cho đến khi thấy một ánh đèn nhỏ chớp lên 3 lần báo hiệu bãi đáp an toàn. B. và tôi hối hả chống xuồng ra khỏi rừng tràm đầy muỗi đó, bao nhiêu sức lực đổ dồn vào tay chèo hướng về phía “cá lớn”. Cũng ngay trong lúc đó, từ các khu rừng tràm nhỏ gần bên, khoảng mấy chục chiếc ghe, xuồng đến núp từ hồi nào trong đó cũng túa ra như đàn ong, tranh nhau cặp vào "cá lớn"… Tài công và mấy người trên "cá lớn" hình như đã tiên liệu được tình trạng lộn xộn có thể xảy ra, cho nên ở hai bên hông "cá lớn" đã có người đứng cầm sẵn mấy cây tre thật dài ngăn không cho các xuồng nhỏ tấp vào sát, mỗi bên họ chỉ chừa một lối vào duy nhất cho một chiếc ghe hoặc xuồng được cặp vào mà thôi, sau khi kéo người trên xuồng nhỏ lên "cá lớn" xong, họ giở cao thanh tre lên và đạp chiếc xuồng đó ra, để chiếc kế tiếp vào… cứ thế cho đến chiếc cuối cùng, mọi người được kéo lên xuồng trong vòng tương đối trật tự theo phương pháp này và sự việc chỉ xảy ra trong vòng 15 phút là xong.Trên cửa biển lúc bấy giờ trôi lềnh bềnh những chiếc xuồng không người bị đạp ra lúc nảy, trông thê thảm như một bãi chiến trường.
Sau đó "con cá lớn" nổ máy hết ga hướng ra biển, mấy người địa phương rành đường nằm ngay trước mũi "cá lớn" cầm đèn pin rọi phía trước, lâu lâu la lớn lên:
- Coi chừng vướng đáy ở đằng trước, coi chừng vướng đáy ở đằng trước...
Mọi người la chuyền câu đó ra phía sau để báo cho tài công tránh các đáy cá của ngư dân đóng ở những bãi cát bồi, chờ nước lớn lên bắt cá kẹt lại trong đáy…
Hoặc thỉnh thoảng mọi người lại chuyền nhau la lên:
- Bẻ qua trái, bẻ qua trái … có bãi cát bồi đàng trước.
Ai nấy đều phấn khởi ra mặt, la hét rùm trời mặc cho gió lạnh ào ào thổi. Chúng tôi đã ra giữa biển rồi. Gió mát lạnh hòa lẩn mấy giọt nước biển văng lên bắn tung toé vào mặt làm tôi tỉnh hẳn. Bao nhiêu lo âu, căng thẳng cả ngày bây giờ hình như đã được trút bỏ hết. Tôi ôm con trai vào lòng, hòa chung niềm vui với mọi người mà lòng không khỏi chạnh nghĩ về gia đình. Như vậy bây giờ chúng tôi đã thật sự xa gia đình rồi sao??
Chúng tôi bắt đầu ổn định lại vị trí cho mọi người. Đa số đàn bà và trẻ em đã được sắp xếp xuống dưới khoang hầm ngay sau khi được kéo lên “cá lớn” trước rồi. Tôi bế con tôi bước xuống mấy bực thang gổ ngay miệng hầm. Một ngọn đèn bão treo lủng lẳng giữa khoang tõa ra những vệt sáng vàng vọt tù mù, nhưng cũng đủ để thấy được khắp cả khoang. Ở dưới hầm đông nghẹt người nằm, ngồi chen chúc nhau, tuy chật chội nhưng ai nấy đều vui vẽ lắm, tiếng dổ con nít và tiếng người thân gọi hỏi thăm nhau ơi ới, ồn ào khắp cả khoang. Vì xuống dưới hầm sau, nên cha con tôi ở ngay vị trí gần dàng máy, trên đầu là cửa lên xuống. Tuy có hơi ồn vì gần ngay khoang máy, nhưng được cái thoáng mát và không bị ngộp. B. cũng xuống hầm một lượt với tôi, anh ta nằm cạnh tôi, ngay sát dàng máy nên được giao nhiệm vụ phụ máy, châm nước giải nhiệt vào máy từ các “can” nylon 30 lít khi cần thiết. Phía trên khoang có ai đó chuyền xuống mấy cái thau nhựa để rải rác dưới khoang hầm cho những ai bị say sóng ói mửa, hoặc tiểu tiện … thì có thể xử dụng ngay vào đó. Trật tự ổn định dần và mọi người sau một ngày mệt mỏi cũng bắt đầu ngủ. Nhìn thấy con trai tôi đã ngủ say, tôi cũng thấy an tâm. Lúc này thì tôi thấy mệt mỏi thật sự, nằm lim dim nghe tiếng máy nổ đều đều và tiếng người nói loáng thoáng phía trên, tôi rơi vào giấc ngủ hồi nào không hay.
Khi giật mình tỉnh dậy, con tôi vẫn còn ngủ say, nghe tiếng dỗ và tiếng con nít khóc đâu đó ở phía trong. Tôi không ngủ lại được nữa, cánh tay tê cứng vì ôm đứa con trong một tư thế quá lâu. Tôi rón rén đặt nó nằm xuống sát bên B., anh chàng này cũng đang ngủ say sưa, thằng bé trở mình ú ớ gì đó nghe không rõ rồi ngủ lại, nhìn nét mặt của nó thật dễ thương. Tôi leo lên trên khoang thuyền nhìn ra phía trước. Trời đã mờ mờ sáng trên biển, gió lạnh đập vào mặt ào ào làm tôi tỉnh hẳn. Tôi đi ra phía sau cabin nói chuyện với tài công và mấy người nữa đang đứng hút thuốc, thấy tôi đi tới, họ mời tôi hút thuốc rồi cười hỏi:
- Bộ nhớ nhà không ngủ được hả??
Tôi cười cười không trả lời và thật ngạc nhiên khi một người nhìn đồng hồ rồi cho tôi biết chỉ mới có hơn 4 giờ sáng thôi mà trời đã sáng, thấy rất rõ trên biển. Anh chàng tài công tên H. là người địa phương, gia đình sống bằng nghề đánh cá trên biển ngay từ khi anh chưa ra đời và cứ thế truyền tới anh cũng lập nghiệp bằng nghề này. Anh H. cho tôi biết trên biển trời sáng sớm lắm. Lúc mọi vật sáng tỏ hẳn, tôi có dịp quan sát kỷ thì ra con "cá lớn" chỉ là một chiếc ghe đánh cá dài độ 16 thước, ngang độ 3 thước. Trong giới vượt biên lúc bấy giờ, một con cá "lớn"“ như vậy là ngon lắm rồi. Nhiều chuyến tổ chức khác ghe còn nhỏ hơn nhiều. Chuyến đi này, gần như toàn bộ đám tổ chức vượt biên rút hết, mang theo gia đình đi cùng, hơn phân nữa hành khách là dòng họ bà con của mấy tay tổ chức, cho nên được chuẫn bị khá chu đáo. Tổng cộng số người trên ghe kể cả trẻ em là 106 người. Họ đem theo khoảng 3 thùng phuy nước, chưa kể mấy "can" nhựa 30 lít nước giải nhiệt có thể dùng để uống khi cần thiết… thực phẩm rất đầy đủ gồm bánh tét, bánh ú, củ sắn, cơm vắt, chả lụa… ngoài ra mấy người địa phương còn thủ sẳn một nồi cơm và một nồi thịt kho bự tổ chảng, ngay cả hơn một chục cây thuốc lá thơm Sa Mít của Thái Lan và 3 kí lô cà phê cũng được dự trù… máy chính thì là máy 2 blocks đầu bạc và một máy F10 "sơ cua", nhiên liệu cũng được tính toán mang đủ cho cả những tình huống xấu… cho nên phải nói là trong vấn đề tổ chức lần này, không gì có thể chê trách được.
Anh T., người đứng đầu trong nhóm tổ chức cho chúng tôi biết, anh và các anh em khác đã chi ra hơn 20 cây vàng, chỉ để lo lót cho đám công an biên phòng và công an địa phương, bằng nhiều ngã khác nhau vận chuyển số nhiên liệu và thực phẩm “khổng lồ” đó đến nơi an toàn, đợi đến giờ G thì bốc lên ghe. Khi nghe anh T. cho biết như vậy, tôi thấy rất yên lòng và cảm thấy mình may mắn đi trong một chuyến được tổ chức kỷ càng như vậy.
Chính gia đình anh T. này là người trước đây chịu ơn gia đình chúng tôi, Má của anh và rất nhiều bà con dòng họ anh đã được cô em tôi chữa hết bệnh mà gia đình tôi không lấy một khoảng thù lao nào. Cho nên khi Má của anh biết gia đình tôi khó khăn, chính bà đã dẫn anh T. lên Saigon đến gặp và giới thiệu anh với Má tôi. Trước mặt chúng tôi, bà này đã nói với anh T. là anh phải cố gắng giúp cho chúng tôi, vì nhờ gia đình tôi mà bà và nhiều bà con còn sống đến ngày hôm nay… anh T. có hứa bằng mọi cách sẽ lo cho chúng tôi, đồng thời khi anh biết tôi "đọc được đồng hồ và xài được giấy, thước kẻ …" (tiếng lóng của dân vượt biên nói về việc sử dụng được hải bàn, hải đồ và thước đo tọa độ), thì anh thích lắm vì anh cần một người như vậy, chứ còn mấy tài công đánh cá thì đánh cá ven biển theo kinh nghiệm, chứ không biết sử dụng những đồ nghề đi biển này.
Trước đây, khi còn trong quân trường, tôi có được huấn luyện căn bản về chuyện này, mặc dù không chuyên môn về hải hành, nhưng những căn bản sử dụng hải bàn và la bàn thì như nhau thôi. Vả lại sau khi nghiên cứu trên hải đồ cho lộ trình sắp tới, tôi đã vẽ một hải trình 220 độ từ điểm xuất phát đi qua Mã Lai theo hướng Tây Nam... Khi anh T. nghe tôi giải thích những tình huống bẻ góc để tránh chướng ngại phía trước, sau đó tính toán để đi lại hướng củ, anh có vẻ tin tưởng tôi lắm. Anh bàn với tôi để tài công lái từ cửa biển đi ra, sau đó tôi sẽ hướng dẫn tài công đi theo đúng như lộ trình tôi đã vẽ… Từ đó chúng tôi liên lạc nhau thường xuyên mỗi khi anh T. lên Saigon bốc thêm khách… cho đến ngày đi.
Ghe chúng tôi đi đến trưa không có gì quan trọng xảy ra, ngoài một vài lần thấy xuất hiện trước mặt một chấm đen của một tàu hoặc thuyền nào đó đang di chuyển, thì chúng tôi bẻ góc về phía trái hoặc phải… đối nghịch lại hướng của chiếc trước mặt, sau đó đợi khi nó khuất dạng thì tôi nói tài công bẻ góc ô vuông, tính thời gian từ lúc bắt đầu bẻ góc lần đầu tiên đi, sau đó trở lại hướng củ trực chỉ về hướng Mã lai.
Trời xanh trong, sóng lúc này khoảng cấp 2, 3 tương đối yên, dưới khoang mọi người tuy vật vả vì mệt và say sóng, có vài người ói mửa, nhưng chưa thấy ai than phiền gì cả.. Chúng tôi bày ra ăn uống, tôi mang một ít cơm xuống hầm cho con tôi. Thằng bé có vẻ mệt mỏi, khóc rấm rức và không muốn ăn, tôi ép nó ráng ăn mấy muỗng cơm và cho nó ngậm một viên kẹo Vitamin C mà chúng tôi mang theo, sau đó tôi nhờ B coi chừng nó dùm rồi lên phía trên ngồi với tài công H và anh T. Khoảng 2 giờ sau thì bên tay trái chúng tôi xuất hiện xa xa một hòn đảo mà tài công H cho biết đó là Hòn Sơn Rái.
Chúng tôi tiếp tục đi đến khoảng gần 4 giờ chiều thì gặp một chấm nhỏ xuất hiện bên tay phải, chúng tôi bẻ góc tránh nhưng bị rượt theo, sau vài lần bẻ góc như thế mà vẩn bị rượt theo, chúng tôi biết là nguy rồi. Không biết tàu đó là ai, nhưng chắc không phải hải tặc Thái Lan, vì chúng tôi còn ở sâu trong hải phận VN, hải phận quốc tế còn xa lắm... Mọi người nhốn nháo hẳn lên, anh T chuyền xuống hầm tàu cho biết nếu ai có vàng bạc gì thì hảy tìm cách dấu đi.. Nhiều người trong khoang hầm đã bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Con trai tôi cũng sợ quá mếu máo khóc, tôi ẳm nó lên phía trên với tôi và dỗ dành nó, lòng lo lắng vô cùng. Chiếc tàu đó đuổi theo càng lúc càng gần, ban đầu chúng tôi nghĩ rằng đó là tàu tuần của công an biên phòng, nhưng đến khi đến gần thì chúng tôi nhận ra đó là tàu đánh cá KIÊN GIANG 2 qua cái tên được vẽ thật lớn ở hai bên mũi. Chiếc tàu đánh cá này rất lớn so với thuyền của chúng tôi, ít nhất là lớn hơn gấp 5, 6 lần và có trang bị súng đại liên M60 ngay trước mũi, một tên đang đứng sau khẩu đại liên, tay lăm lăm trong tư thế sẵn sàng . Chúng tôi chưa biết phản ứng ra sao thì một loạt súng đại liên nổ chát chúa lướt qua đầu làm mọi người hoảng hồn nằm sát xuống boong thuyền, một tên bên tàu này cầm loa nói to:
- Ai nấy nằm im úp mặt xuống sàn, hai tay ngược ra đàng sau, ai ngước mặt lên hoặc rục rịch tao bắn chết mẹ hết. Đ. M. tụi bây dám đi vượt biên hả.
Hắn lập đi lập lại lệnh này và chưởi thề lung tung, sau đó lại thêm mấy tràn súng thị uy nữa vèo vèo trên đầu chúng tôi. Rồi tiếng loa vang lên:
- Tụi tao cho người qua đây, đứa nào nhúc nhích tao bắn bỏ liền.
Tôi kéo thằng con tôi nằm xít lại gần, an ủi nó:
- Không sao đâu con, đừng sợ.Con đừng khóc nghe, đừng khóc thì họ không làm gì con đâu.
Tội nghiệp nó sợ quá, nhưng không dám khóc lớn, chỉ thút thít:
- Mẹ ơi, Mẹ ơi... con sợ quá. Ba dẫn con đi làm chi, con muốn ở nhà với Mẹ mà Ba dẫn con đi làm chi vậy.
Nó cứ nói như vậy và khóc thút thít hoài. Trong lòng tôi, một niềm đau xót khôn tả, mỗi lời của con thơ như dao đâm vào lòng tôi. Thấy thương nó và tự nhiên ân hận vô cùng. Lúc đó tàu Kiên Giang 2 đã cặp sát vào ghe chúng tôi. Hai tên bên đó nhảy qua, chúng mang theo một bó dây nylon, ra lệnh tất cả đàn ông thanh niên ở dưới hầm lên hết bên trên. Con trai tôi vì đã ở trên sẵn rồi nên chúng để yên cho nó ngồi cạnh tôi, còn bao nhiêu đàn bà con nít khác thì ở dưới hầm không dược lên. Chúng lần lượt trói thúc ké chúng tôi lại, sau đó cho chúng tôi ngồi dậy. Cũng may chúng không trói con trai tôi. Con tôi thấy hai tên kia thì sợ hải lắm, ngồi nép vào tôi trốn.
Chúng bắt đầu lục xét ghe khiêng đi cái máy F10 sơ cua và lấy đi cả chục can dầu. Thậm chí những thức ăn để lâu được như bánh tét, chả lụa… cũng bị bọn chúng mang qua tàu chúng nó. Bọn cướp vừa chuyền nhau ăn bánh tét vừa cười cợt khả ố lắm. Ban đầu tưởng chúng đuổi theo để bắt chúng tôi, nhưng bây giờ vỡ lẻ ra, chúng chỉ là những tên hải tặc bẩn thỉu, không khác gì hải tặc Thái Lan cả. Sau đó chúng xét đến chúng tôi, nhưng không phát giác được vàng bạc gì cả. Chúng nó bắt đầu nổi cáu lên, hỏi chúng tôi đi vượt biên mang theo bao nhiêu vàng bạc thì tự động khai ra đi, nếu không khai, tụi nó xét thấy được thì sẽ bắn bỏ. Ai nấy đều im lặng, chờ một lát, chúng nó hỏi ai là tài công, ai là chủ ghe, ai là người tổ chức trong chuyến đi này…
Chúng tôi đã sắp xếp từ trước khi phát giác ra mình bị rượt đuổi, cho nên ai nấy đều trả lời là:
- Không ai thực sự là tài công, cũng không biết chủ chiếc ghe này là ai, và người tổ chức thì lại càng không biết, vì khi mới xuất phát từ ghe nhỏ ra thì bị bể, mọi người bỏ chạy tán loạn…và người lái ghe bây giờ cũng chỉ là một người khách đi thường thôi, vì biết lái nên đành phải ngồi vào cabin lái chứ anh ta không phải là tài công thực sự của chuyến đi.
Lúc đó trời đã chiều lắm rồi, mấy tên cướp của tàu đánh cá Kiên Giang 2 sốt ruột lắm, chúng quát tháo, chưởi thề liên tục. Tên đang ở sau cây đại liên bên tàu Kiên Giang 2 nóng lòng lắm, cứ thúc dục hai tên bên ghe chúng tôi lẹ lên, lẹ lên… Cuối cùng không tìm được gì thêm, chúng định rút lui và cho biết sẽ để chúng tôi đi. Anh T lúc đó lên tiếng xin lại cái máy F10 và mấy "can" dầu, nói rằng:
- Mấy anh cho chúng tôi đi mà lấy hết dầu thì có khác nào giết chúng tôi.
Chúng nó nói nếu chúng tôi có vàng đổi lấy máy F10 và dầu thì tụi nó sẽ cho đổi.
Anh T hỏi:
- Các anh muốn bao nhiêu??
- 10 cây.
- 10 cây nhiều quá, chúng tôi đi vượt biên đâu có ai mang theo nhiều vàng như vậy??
- Vậy thì 8 cây….
Cuộc mặc cả tiếp tục như vậy cho đến khi chúng chấp nhận 2 cây vàng đổi lấy lại máy F10 và mấy can dầu. Chúng nó cắt dây trói cho anh T để anh chui xuống dưới khoang gom góp vàng của tất cả bà con cho đủ số 2 cây vàng, anh bảo tụi nó đừng xuống, vì bà con thấy chúng sẽ sợ hải và không dám đưa ra. Một lúc sau anh đi lên đưa cho chúng 10 cái khâu, mỗi cái 2 chỉ mà sau này anh cho chúng tôi biết là đã dấu ở dưới đáy ghe, đàng sau một miếng ván, không ai có thể biết được.
Lúc bấy giờ, trời đã chạng vạng tối, chúng nhận được vàng từ anh T. rồi, thì cười hô hố và chưởi thề:
- Đ.M. Tụi bây đi vượt biên mà sao nghèo quá vậy?? Có hai cây thì còn khuya mới đổi máy F10 cho tụi bây. Bao nhiêu dầu còn lại cho tụi bây, đủ đi tới Thái Lan rồi, còn đòi gì nữa.
Xong chúng nhảy trở về tàu Kiên Giang 2 và quay mũi đi mất. Chúng tôi ai nấy còn bàng hoàng về diễn tiến vừa qua, mọi người cởi trói cho nhau và kiểm điểm lại dầu nhớt, lương thực xem còn bao nhiêu. Tình trạng quả thật thê thảm! Lương thực không còn nhiều chỉ có một nồi cơm to, cũng đã bị hai thằng hồi nảy đá đổ vương vãi trên sàn ghe, một ít củ sắn, một ít bánh tét và bánh ú… ngoài ra đã bị chúng nó cướp đi hết rồi. Dầu thì chỉ còn lại 3 can, trong máy vẫn còn nhiều. Theo như sự tính toán của tài công H. với lộ trình mới tôi vẽ và đo lại thẳng qua Thái Lan thì cũng đủ cho chúng tôi đi được tới Thái Lan. Nước còn nguyên nên không sợ thiếu, mọi người họp lại bàn bạc và quyết định đổi hướng đi Thái Lan. Chúng tôi sẽ dè sẽn lương thực, nếu không có xảy ra thì nhịn đói 2, 3 ngày nhằm nhò gì, ưu tiên lương thực cho trẻ em và đàn bà. Cái chúng tôi lo lắng là nhiên liệu, nhưng chuyện đã tới nước này rồi thì đành liều thôi.
Ghe chúng tôi đi thêm không bao lâu thì trời nổi gió càng lúc càng lớn, từng cơn gió giật mạnh dữ dội, những đợt sóng dâng cao như một tòa nhà đen thui khổng lồ đổ ập xuống chiếc ghe nhận chìm nó rồi thình lình nâng bổng nó lên lại, như thể ghe chúng tôi là một chiếc lá trong một thau nước lớn và có ai đó giơ tay quậy mạnh thau nước lên. Đây là điều mà trong khi nói chuyện hồi sáng sớm, tôi có nghe anh T. và tài công H. đề cập và lo sợ: Đó là mùa này thỉnh thoảng có gió chướng nổi lên. Không ai biết được chính xác lúc nào có gió chướng. Đôi khi trời đang tốt đẹp, thình lình gió nổi lên thật dữ dội như một cơn bảo lớn trong một thời gian ngắn chừng mấy tiếng đồng hồ, sau đó trở lại êm như không có gì... Cái nguy hiểm của gió chướng là gió giật mạnh từ nhiều hướng khác nhau, cho nên rất khó nương theo chiều gió để lướt sóng… và thiệt là xui xẻo, chúng tôi đang lâm vào cảnh này đây!!!
Trừ tài công H. và một tài công phụ ở trên cabin, mọi người rút xuống hết dưới hầm. Ghe chòng chành như muốn lật và rung chuyển thật dữ dội theo từng đợt lên xuống như vậy. Trong hầm chúng tôi nghe tiếng răng rắc chuyển mình của thân ghe vang lên mà không khỏi hải hùng. Chúng tôi có cảm tưởng chiếc ghe chỉ đứng một chổ chịu trận với sóng gió chứ không tiến thêm được chút nào cả!! Trong hầm ai nấy đều hoảng hốt lo sợ, tôi ôm con trai trong lòng miệng lâm râm cầu nguyện không ngừng, một số người đạo Công giáo bắt đầu hát thánh ca cầu xin Đức Mẹ, nhiều người đã ói mửa tùm lum, ban đầu còn chuyền cho nhau những thau nhựa để hứng, nhưng ghe chòng chành quá mạnh, mọi người ngã chúi vào nhau, nên bao nhiêu đồ ói mửa văng tung toé cả lên, sau đó thì ai buồn nôn thì cứ việc ói mửa tại chổ, không ai còn để ý đến những tiểu tiết gì nữa. Tiếng con nít khóc la, tiếng người nhốn nháo khắp nơi hoà lẩn với tiếng hát thánh ca cầu nguyện đã bắt đầu tạo nên một sự hổn loạn, mất trật tự trong khoang hầm!!
Sau khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ như vậy tình trạng chẳng những không khá chút nào mà xem ra còn có phần tồi tệ hơn. Chúng tôi bàn với nhau là phải tính như thế nào chứ không thể tiếp tục đi như vầy được nữa. Về phía bên tay phải, chúng tôi có thể thấy mờ mờ đảo Phú Quốc nhưng còn quá xa , bên tay trái thì Hòn Sơn Rái gần hơn. Chúng tôi quyết định phải tìm cách tránh bão trước rồi mới đi tiếp. Nếu đi về phía đảo Phú Quốc thì chúng tôi vẫn tiến về phía đàng trước của lộ trình, nhưng xa quá không biết chiếc ghe có thể chịu nổi với cơn bão không. Còn quay lại Hòn Sơn Rái bên phía trái gần hơn, nhưng quay trở lại như vậy là ngược với lộ trình sẽ phải tốn nhiều nhiên liệu hơn. Vì số đàn bà trẻ em trên ghe đông quá, chúng tôi không dám liều nên sau khi bàn bạc chúng tôi quyết định bẻ trái quay về Hòn Sơn Rái với dự tính núp tránh về hướng dưới gió, chờ qua cơn bão rồi sẽ đi tiếp.
Chiếc ghe vượt sóng, lê lết mãi cũng tới được Hòn Sơn Rái, lúc đó đã khoảng 11 giờ đêm rồi. Tài công vòng lại phía sau và ép sát từ từ vào hòn đảo để núp gió. Bổng ghe va chạm vật gì, trườn lên nó vang lên những tiếng động liên tục nghe thật khiếp vía. Có tiếng nhiều người la lớn:
- Đụng đá ngầm rồi, đụng đá ngầm rồi. Coi chừng, lùi lại mau.
Tài công H. cố lui ghe trở lại, nhưng bị mắc kẹt không xoay chuyển gì được cả, chúng tôi ngồi trong hầm nghe tiếng lườn ghe chạm đá dưới nước vang lên những tiếng rợn cả người. Té ra vì trời tối không thấy đá ngầm dưới nước và vì không rành vùng biển chung quanh Hòn Sơn Rái, nên tài công đi lạc vào vùng đá ngầm hồi nào không hay, đến khi bị kẹt thì đã muộn rồi, xoay trở cách nào cũng không ra được. Cuối cùng chân vịt chém vào đá ngầm cũng bị gảy luôn. Ghe vẫn nổ máy nhưng không điều khiển được nữa cứ thế lắc lư theo sóng lớn đập ra đập vào trên đá. Nước bắt đầu tràn vào dưới lườn ghe, mọi người nhốn nháo, náo động hẳn lên.
Chúng tôi đưa một số đàn bà và trẻ em lên trên khoang cho trống chổ rồi thi nhau tát nước bằng tất cả dụng cụ có thể kiếm được trong lúc đó: thau nhựa, lon, các can nhựa cắt ra phân nữa… nhưng không thể nào tát hết nổi. Cuối cùng chuyện tới phải tới: Ghe bắt đầu bể ! Mọi người được kéo nhau rời khỏi khoang hầm lên trên, cũng may nước lúc đó tràn vào nhưng vẫn còn ở dưới lườn ghe, mới vừa ngấp nghé lên khoang hầm chứ chưa ngập nhiều. Tôi dựng con trai tôi ngồi dậy vì nó đang say sóng, nằm dật dờ. Con tôi mở mắt ra nhìn tôi và trong cảnh hổn loạn như vậy, nó hỏi tôi một câu mà suốt đời không bao giờ tôi có thể quên được:
- Tới rồi hả Ba??
Tôi ứa nước mắt, trả lời con:
- Không phải đâu con, ghe bị vô nước rồi mình sẽ phải nhảy xuống…
Tôi cố giữ bình tĩnh dặn dò thằng bé:
- Con phải nhớ kỷ. Ôm Ba cho chặt, không được buông tay ra, con nhớ chưa?? Ba sẽ bơi vào bờ, dù có xảy ra chuyện gì con cũng phải ôm chặc cổ Ba nghe. Nếu con buông tay ra là bị trôi đi mất, Ba không cứu được, con biết không??
Tôi dặn đi dặn lại thằng bé như vậy, nó sợ hải quá đến độ không khóc nổi nữa, chỉ biết trả lời dạ dạ và gật đầu lia lịa. Tôi chụp một can 30 lít nước dùng để giải nhiệt máy, đổ nước ra hết với ý định sẽ dùng nó như một cái phao. Vừa đổ nước trong can ra, tôi vừa nói thầm với con như thay cho một lời trối:
- Con ơi nếu có mệnh hệ nào, xin con đừng trách Ba. Ba muốn cho tương lai con tốt đẹp mới dẫn con đi theo, chứ Ba đâu muốn dẫn con vào chổ chết đâu... - Rồi tôi bắt đầu cầu nguyện liên tục -.
Lúc này mọi người trong hầm hầu hết đã lên khoang trên, có nhiều người đã nhảy xuống biển rồi. Ghe thì nghiêng bên này, lật bên kia theo nhịp sóng đập vào, rút ra… Tiếng la hét, tiếng gọi tên nhau ơi ới… chen lẩn với tiếng gào thét của sóng gió thành một cảnh tượng hải hùng chưa từng có. Tôi cõng con lên vai, bắt nó bám thật chặc cổ tôi, xong ôm cái can không 30 lít, dặn dò thằng bé một lần nữa rồi loạng choạng bước ra mép ghe để chuẩn bị nhảy xuống. Khi đến mép ghe nhìn xuống, tôi thấy một thanh niên trẻ đang đứng dưới nước, mực nước chỉ ngang đến ngực cậu ta mà thôi. Té ra chiếc ghe đã vào đến gần bờ quá mà không hay, mực nước không có sâu như tôi đã lo sợ. Tôi mừng quá la lên và gọi cậu ta thật to, chàng thanh niên ngước lên nhìn chúng tôi. Tôi la lớn:
- Em ơi ! Em làm ơn đỡ dùm con tôi một chút cho tôi nhảy xuống…
Cậu ta đưa hai tay lên đón, tôi nằm sát xuống sàn ghe, chuyền thằng con xuống an toàn xong xuôi rồi mới nhảy xuống nước.
Nếu phải kể hết những giây phút vui mừng, sung sướng nhất trong đời mà tôi đã từng trãi qua, thì đây chính là một trong những giây phút này! Tôi cõng con lại trên vai mà lòng tràn ngập một niềm vui không tả được, mặc dầu vẫn còn trong vòng nguy hiểm nhưng cái cảm giác sợ hải lúc nảy tự nhiên biến mất, khi biết mình còn hy vọng sống sót .
Trời tối thui! Chung quanh lúc bấy giờ bà con cũng đã nhảy xuống đầy hết, mọi người dắt dìu nhau lội nước đi vào bờ. Tiếng la hét gọi tên người thân ầm ỉ náo động cả một vùng. Đoạn đường từ chổ chúng tôi nhảy ra khỏi ghe vào đến bờ không xa, nhưng vì sóng lớn quá và lổ chổ đầy đá ngầm dưới nước nên rất khó đi, cứ nương theo sóng đi vào được mấy bước, lại bị sóng cuốn ngược trở ra, đôi khi bị té chúi nhủi xuống nước. Chật vật thật lâu cuối cùng cha con tôi cũng vào được ghềnh đá lớn tiếp giáp với bờ. Nơi đây không có bờ cát, chỉ toàn là đá với đá. Tôi loay hoay leo lên ghềnh đá đó, mặt đá trơn tuột và đầy những con hào bám vào làm tay tôi bị cứa đứt hết, mà vẫn không leo lên được, định đi vòng kiếm chổ thấp hơn, nhưng sau một hồi mò mẩm, không thấy có chổ nào thấp hơn cả. Tôi quặp ngược và cõng con tôi về phía trước bụng, rồi một tay giữ nó, một tay lần mò cởi áo, sau đó tôi cõng con ra lại sau lưng, xé áo cuộn vào hai cánh tay và tìm cách leo lên lại ghềnh đá để vào bờ. Nhờ vải áo cuộn chung quanh đôi tay nên tôi bám vào những con hào trên đá không còn bị tuột xuống nước nữa, tôi nương theo một đợt sóng lớn vổ vào, trườn lên được trên ghềnh đá, sau đó tiếp tục trườn về phía trước cho đến khi sóng không còn tới chổ chúng tôi nữa, tôi mới đứng dậy, lần mò đi vào bờ.
Đến đây thì đã qua cơn nguy hiểm. Tôi hỏi thăm con tôi thì may mắn quá nó không bị gì cả , ngoài cái lạnh làm nó cứ run lên bần bật không ngừng và vì sợ quá nó cứ ôm chặt lấy tôi, rấm rức khóc chứ không dám kêu ca tiếng nào. Còn tôi thì người mệt rã rời, hai cánh tay và cả người rát rạt vì bị hào cứa nát như có ai lấy vật gì bén nhọn cắt ngang dọc cùng khắp . Tôi kiếm một hốc đá to khuất gió cởi áo quần con tôi vắt khô và phơi trên đá, sau đó ôm thằng bé vào lòng lấy thân nhiệt trong người hơ ấm nó và cố dỗ cho nó ngủ.
Chúng tôi trãi qua một đêm lạnh giá trong hốc đá như thế, cũng may thằng bé mệt quá nên cuối cùng cũng ngủ được. Tôi ôm con trong lòng nằm chờ trời sáng mà lòng dạ rối bời, đầu óc cứ nghĩ ngợi lung tung không biết số phận mình rồi sẽ ra sao?
Trời mới vừa tờ mờ sáng, đã nghe tiếng người nói chuyện, gọi nhau inh ỏi làm con tôi giật mình thức giấc. Quần áo của nó phơi trên tảng đá bên cạnh nhờ gió nên cũng ráo hết nước, tôi lấy mặc lại cho con. Đến lúc này thằng bé mới xuýt xoa kêu đau. Té ra hai chân và đầu gối của nó cũng bị trầy trụa khá nhiều mà đêm qua có lẽ vì sợ quá nên nó không biết đau và tôi cũng không phát giác được. Nó vừa đau đớn vừa sợ khi thấy cả người tôi bị chằn chịt những vết cắt nát bấy nên cứ khóc rấm rức hoài, miệng thì cứ kêu Mẹ ơi, Mẹ hỡi nghe thật là não lòng... Tôi vỗ về an ủi và bồng nó ra khỏi hốc đá.
Mọi người đang đứng trên các ghềnh đá chỉ trỏ xôn xao. Tôi đến gần thì thấy chiếc ghe đêm qua đã bị sóng đánh, đập vào đá tan nát hết, những mảnh gỗ và đồ vật cá nhân trôi lềnh bềnh cả một khoảng rộng. Cũng may tôi tìm lại được cái túi xách nylon đựng vài bộ quần áo, thuốc tây và những thứ cần thiết mang theo cho chuyến vượt biên đang trôi gần đó. Mọi thứ còn y nguyên trong túi xách nhờ thế tôi có áo để thay. Chúng tôi hỏi thăm từng người xem có ai bị gì không… rồi chia nhau ra các hốc đá kêu tìm những người còn ẩn núp đâu đó. Mặt trời bắt đầu lên, chúng tôi tập họp lại và thật là may mắn, không một ai trong chúng tôi bị thương nặng cả. Đa số chỉ bị trầy trụa do đá và hào cắt mà thôi.
Chưa một ai trên đảo phát giác ra chúng tôi. Té ra phía sau của Hòn Sơn Rái này đầy đá và địa thế hiểm trở, cho nên không có ai ở phía này cả. Lan ra xa cả 2 phía là vách đá dựng đứng và biển, không có đường nào đi vòng. Chúng tôi bàn tán một hồi rồi quyết định leo núi đi lên, sau đó sẽ tìm đường đi vòng ra phía trước tìm gặp cơ quan địa phương trên đảo để nộp mình, chứ không còn cách nào khác hơn. Anh T. và hai người trong đám tổ chức dặn dò mọi người khi trình diện sẽ khai y như lời anh ta dặn, đại khái giống như lúc nói với đám hải tặc của tàu Kiên Giang 2 là chuyến đi này không biết ai tổ chức, không biết ai là tài công… các ghe nhỏ trên đường ra cá lớn thì bị bể nên những người tổ chức và tài công trốn mất rồi… Anh T. nói rằng giá nào anh cũng sẽ trốn vào đất liền để lo cho cả ghe trong đó có gia đình và bà con của anh nữa… Nếu anh bị kẹt thì không có ai lo được… anh cho biết là những chuyến tổ chức vượt biên bị bắt mà không có chủ chốt thì sẽ dễ lo hơn…
Qua chuyến đi này, mọi người đã biết là gia đình của những người tổ chức chiếm hơn phân nữa, trong đó có cả vợ con họ… và biết những người tổ chức này rất thật lòng cho nên chúng tôi tin lời các anh. Chúng tôi nói có cơ hội tới thì cứ trốn, còn chúng tôi sẽ khai y như vậy. Sau đó già trẻ lớn bé 106 người bắt đầu leo núi tìm đường vòng ra phía trước đảo để trình diện cơ quan địa phương. Người lớn bồng bế con nít, người khoẻ dìu người yếu… chúng tôi cứ thế men theo những tảng đá, đi lên núi sau đó tìm đường mòn đi vòng ra phía trước như đã bàn tính.
Khi những người dân đầu tiên trên đảo nhìn thấy chúng tôi thì mặt trời đã lên cao lắm rồi. Họ ngạc nhiên nhìn chúng tôi bồng bế nhau đi cả đoàn như thể từ một hành tinh xa xôi nào lạc loài tới. Sau khi nghe kể vắn tắt câu chuyện bị nạn bể ghe đêm qua… họ hướng dẫn chúng tôi đi xuống làng. Dọc đường đi, dân chúng trên đảo túa ra xem, họ nhìn đám đàn bà trẻ con chỉ trõ bàn tán xôn xao và tỏ vẻ thương hại lắm. Một người nào đó mang nước ra, lập tức tiếp theo nhiều người khác cũng chạy vào nhà mang nước, bánh trái, có nhiều người chặt dừa cho chúng tôi uống nữa... được một lúc thì có hai tên công an đi tới giải tán đám đông dân chúng và hướng dẫn chúng tôi đến trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xã Sơn Rái. Tại đây chúng tôi kể lại câu chuyện vượt biên bị nạn, chúng tôi cũng kể luôn vụ bị tàu đánh cá Kiên Giang 2 cướp… và khai y như đã sắp đặt từ trước.
Lúc này tôi để ý thì anh T. và hai người khác thuộc nhóm tổ chức đã trốn đâu mất hồi nào không biết, trong khi dân chúng túa ra xem và cho chúng tôi ăn uống, họ đã nhân cơ hội này lặn mất tiêu… nên chính thức trình diện kể cả trẻ em chỉ còn có 103 người. (Sau này mới biết anh T và hai người kia móc nối được một ngư dân trên đảo trong khi ngồi uống nước, họ đã tung vàng ra mua chuộc được người này, đưa trước cho ông ta 2 cây vàng và bảo đảm nếu đưa được họ vào bờ an toàn, ông ta sẽ được thêm 6 cây vàng nữa… nên nhớ là vào thời bấy giờ 1 cây vàng rất lớn).
Làm thủ tục "nạp mạng" tại UBND Xã xong, vì không có chổ chứa hết tất cả mọi người, họ cho chúng tôi đi vào làng xin dân chúng chổ tá túc, dặn chúng tôi mỗi ngày hể nghe loa thì phải tập hợp lại điểm danh, chờ tàu trong đất liền ra đón về nhốt.
Dân cư trên Hòn Sơn Rái này chỉ độ mấy chục nóc gia, hầu hết sống bằng nghề đánh cá hoặc làm nước mắm. Dân chúng trên đảo khá sung túc và không ai tha thiết tới chuyện vượt biên cả . Công an hoặc nhân viên trong Xã đa số là thân nhân của dân trên đảo, họ lập nghiệp nhiều đời nên mọi người đều quen biết lẩn nhau và thân tình lắm. Một điều chúng tôi không bao giờ quên là người dân ở đây rất hiếu khách và tốt bụng. 103 người chúng tôi tãn mác ra, ai ai cũng được đón tiếp rất niềm nở, chúng tôi chia nhau ra xin tá túc khắp làng. Cha con chúng tôi được gia đình của bác Bảy cho tá túc. Tôi không bao giờ quên được gia đình này, bác Bảy lúc đó đã hơn 70 tuổi rồi mà còn khoẻ mạnh lắm, Bác gái thì lúc nào cũng vui vẽ, hai con của bác lập gia đình rồi cũng cất nhà ở sát bên cho nên gần như là một đại gia đình. Mọi người nhìn thấy con tôi đều thương lắm và cứ trách tôi là nó còn nhỏ quá, dẫn nó đi vượt biên làm chi cho khổ dữ vậy. Bác Bảy nói:
- Mấy người chính quyền ở đây không dám làm khó tụi tui đâu. Họ mà rục rịch một cái là ngủ một đêm tới sáng đảo này trống trơn liền. Nhà nào cũng có ghe cộ và sống với biển cả từ nhỏ đến lớn. Chuyện vượt biên đối với tụi tui quá dễ, nhưng mà còn làm ăn được thì đi làm chi. Mấy "ổng" cũng biết vậy nên không dám khó dễ tụi tui chút nào hết.
Chúng tôi ở nhà hai bác được cho ăn uống thoải mái, tôm cá mực tươi rói. Bác gái còn bảo con dâu của bác may gấp cho con trai tôi hai bộ quần áo và cho tôi hai cái quần đùi. Con trai của hai bác mang cho tôi một bộ quần áo còn mới tinh. Chúng tôi từ chối hoài không được. Hai bác nói:
- Mấy ngày nữa đây, tàu sẽ ra đón hai cha con vào tỉnh Kiên Giang nhốt chưa biết chừng nào mới được về, nếu không nhận thì ở trong tù lấy gì mà thay đổi.
Tôi thật sự cảm động vô cùng, trong bước đường sa cơ, hoạn nạn của chúng tôi vẫn còn có những tấm lòng bác ái, nhân đạo đáng quý như gia đình bác Bảy đây cứu giúp.
Chúng tôi ở trên đảo Sơn Rái mỗi buổi sáng nghe loa tập hợp điểm danh một lần, sau đó lại tản mác khắp nơi. Được ba ngày thì tàu của tỉnh Kiên Giang ra. Sau khi làm thủ tục bàn giao với những tay công an trên tàu , chúng tôi bị lùa lên tàu rời đảo ngay. Dân chúng trên đảo tụ tập thật đông trên bờ chia tay với chúng tôi. Tất cả những người trong gia đình Bác Bảy đều có mặt. Trước khi đi bác Bảy Gái cho chúng tôi một chai nước mắm nhỉ đặc sản của gia đình bác, một trăm đồng mà bác dặn là để dành mua thêm gì cho con trai tôi ăn khi vào trong tù… bánh trái để ăn dọc đường và khi chúng tôi lên tàu rồi, bác Bảy trai còn thảy lên cho tôi thêm một cái mền nữa. Tôi đã ứa nước mắt trước buổi chia tay thật cảm động đó.
Chúng tôi được đưa về giao cho công an Xã ở kinh thứ 11, về đến nơi thì đã chiều rồi. Tại đây chúng tôi bị phân ra làm hai: đàn ông thì bị nhốt vào những cái chuồng trông giống y như chuồng khỉ đóng bằng cây tràm lớn bằng 2 cườm tay, vuông vức mỗi cạnh khoảng 5 mét, bề cao khoảng hơn 1 mét cho nên không đứng thẳng người được, khi di chuyển phải lom khom đi mà thôi. Những chuồng này được dựng lên gần nhau, trong đó đã lố nhố người ta đầy ra rồi. Đàn bà và trẻ em thì được ở trong một căn nhà chứa rơm cách đó không xa. Con trai tôi lẽ ra ở bên căn nhà rơm đó, có mấy người đàn bà đi chung ghe đồng ý chăm sóc dùm, nhưng nó cứ khóc và nhất định không rời tôi một bước. Cuối cùng thì công an đành phải cho nó ở chung trong chuồng với tôi.
Khi thấy chúng tôi bước vào, mấy người trong chuồng tỏ vẻ bất mãn lắm, vì không gian đã chật chội rồi, nay lại thêm người thì càng chật thêm. Mọi người trong chuồng ai nấy đều nằm dưới đất, trừ một người có một cái giường gỗ nằm tuốt trong góc. Chổ cửa ra vào có để một thùng dùng để tiểu tiện, một miếng các tông đậy trên đó nhưng mùi hôi thối nồng nặc không thể nào tránh khỏi được. Theo luật "bất thành văn" ở đây, ai vào sau thì sẽ phải nằm ở gần chổ thùng tiêu tiểu này… Cha con tôi và 16 thanh niên khác bị chọn vào chuồng này. Mấy người tù củ nhích dần vào trong để cho chúng tôi vào sau tuần tự sắp xếp nằm ở phía ngoài chung quanh chổ tiểu tiện. Trong chuồng lúc này đã chật chội lắm rồi, tất cả mọi người chia làm 4 hàng nằm đâu chân lại với nhau mà vẫn chật như nêm. Tiếng chưởi thề, càu nhàu của các người tù cũ vang lên không ngớt, qua đó chúng tôi được biết từ trước tới giờ chưa bao giờ chuồng này bị chật chội như vậy.
Trong khi những người cũ và mới loay hoay sắp xếp chổ như vậy thì người đang nằm trên chiếc giường bên trong bổng lên tiếng gọi cha con chúng tôi:
- Cái cậu có con nhỏ đó, lại đây dzới tôi.
Tôi ngước mắt lên nhìn kỷ, thì ra đó là một người đàn ông độ khoảng 55 – 60 tuổi đang giơ tay ngoắc ngoắc. Tôi còn đang ngơ ngác, thì ông ta gọi tôi một lần nữa và ra dấu bảo tôi lại gần. Trên mặt đất lúc đó đầy cả người mà ai cũng đang loay hoay tìm cho mình một tư thế thoải mái trên phạm vi chật hẹp, tôi chần chừ vì không có chổ bước đi tới. Ông ta bổng nạt ngang:
- Tụi bây nép ra một chút cho người ta đi tới được không?
Mấy người dưới đất gần chổ ông này nghe nạt như vậy vội nép sát vào nhường chổ cho tôi bước tới. Gọi đó là cái giường cho có vẻ đặc biệt so với hoàn cảnh hiện tại, chứ thật ra chổ của ông này nằm chỉ là mấy miếng gỗ tạp nhạp được đóng sơ sài thành một mặt phẳng nhỏ vừa đủ cho một người nằm, nhưng như vậy cũng chứng tỏ sự đặc biệt của ông này ở đây lắm chứ không phải đùa. Trong bụng tôi liên tưởng tới mấy tay anh chị giang hồ đàn anh, một loại Đại Bàng trong tù mà tôi có dịp đọc trong sách truyện hoặc nghe kể trước đây… nhưng qua hình dáng của ông này, ngoài cái vẻ ông ta có thể là người lớn tuổi nhất trong chuồng, còn lại thì thấy bề ngoài cũng hiền hậu chứ đâu có gì đâu mà mọi người lại có vẻ sợ ông ấy như vậy.?
Khi tôi tới gần, ông ta ra dấu bảo tôi ngồi xuống ngay sát giường của ông, lúc này tôi mới để ý thấy hai chân của ông bị một sợi lòi tói xiềng ngang, ăn luồn với một cái cùm to xuyên luôn ra ngoài chuồng. Ông ta vò đầu con trai tôi hỏi:
- Cháu bao nhiêu tuổi rồi??
Thằng con tôi thấy chân ông ta bị xiềng như vậy thì sợ quá, lí nhí trả lời:
- Dạ con 5 tuổi rưỡi.
Ông ta cười lớn ra vẻ thích thú lắm, nói giọng miền Nam rặt:
- 5 tuổi thì nói 5 tuổi, còn có dzụ 5 tuổi rưỡi nữa.
Rồi ông hỏi thăm tôi về gia cảnh, công ăn việc làm… về chuyến vượt biên vừa rồi… sau đó lấy một cái mùng nhỏ dưới đầu nằm ra đưa cho tôi và bảo mấy người dưới đất nhường chổ để cho cha con tôi nằm sát chân giường của ông ta, một chổ tương đối sạch sẽ... Lúc này trời đã bắt đầu sập tối, một vài người tù cũ thắp lên mấy ngọn đèn dầu trong hũ chao nhỏ, tim đèn được se bằng vải, ánh sáng heo hắt rọi lên một lũ người lúc nhúc trong một cái chuồng lớn như vầy, thật không biết phải tả làm sao hết cái cảm khái của một kiếp người !
Đồ đạc của mọi người đều phải treo tòn ten dọc theo các cây tràm trên đầu nằm. Không có gì trải dưới nền đất cả, tôi phải lấy cái mền gia đình Bác Bảy trên đảo cho ra trải dưới đất cho con tôi nằm. Phạm vi dành cho cha con chúng tôi chỉ khoảng 7 tấc bề ngang, nhưng nhờ ăn gian vào dưới lòng chiếc giường nhỏ, khi nằm chân tôi chéo vào dưới gầm giường nên khoảng co giãn tương đối rộng rải hơn các người khác. Tội nghiệp anh chàng B. và những thanh niên khác vào chung chuồng với tôi, chổ nằm đã chật chội lại còn vướng vào cái thùng tiêu tiểu rất là khổ sở.
Sau khi tạm ổn định thì chúng tôi trò chuyện làm quen với nhau. Qua câu chuyện, tôi được biết tất cả những người tù ở đây là người địa phương, đa số bị tội hình sự cướp giật, đâm chém người khác… chờ ngày giải ra Tỉnh Kiên Giang xử. Riêng trường hợp của ông già nằm trên giường có hơi khác một chút. Ông ta tên Thời, là một người khá giả có tiếng tăm ở địa phương. Đất ruộng của ông khá nhiều, đa số bà con hoặc con cháu của ông là công an hoặc cán bộ chức sắc rải rác khắp tỉnh Kiên Giang chứ không riêng gì địa phương ở kinh thứ 11 này. Ông có tới 3 bà vợ và an bài mỗi bà một cuộc sống tương đối sung túc lắm. Một hôm ông ta phát giác tại trận bà vợ thứ ba ngoại tình với một người khác. Ông ta lấy mã tấu chém hai người chết liền tại chổ, sau đó bình tĩnh cầm mã tấu còn vấy máu đi ra trụ sở công an đầu thú. Gia đình ông và tất cả dân trong vùng khi hay tin đều sửng sốt, vì bình thường tuy ông ít nói nhưng hiền hậu lắm.
Lẽ ra ông đã bị di chuyển đi ra tỉnh nhốt chờ ngày ra tòa lâu rồi, nhưng vì gia đình chạy chọt và các công an ở đây đa số đều là bà con, nên ông mới còn được giữ tại chỗ này, đến khi chúng tôi vào thì ông ở trong chuồng cũng được hơn nửa năm rồi. Ban đầu thì ông không có bị xiềng, nhưng một buổi sáng công an mở cửa cho người trong tù ra ngoài đi vệ sinh và khiêng thùng phân tiểu đi đổ… thì có một tên công an, vai vế là cháu gọi ông bằng cậu, nói gì đó làm ông nổi giận quất cho nó một đấm vào mặt, máu mũi phun tùm lum… hai tên công an khác nhào vô can bị ông rượt đánh luôn, chúng nó có súng nhưng không thằng nào dám bắn, vì tay công an trưởng đồn ở đây cũng là bà con gì đó với ông. Từ đó tay trưởng đồn dù muốn che chở nhưng cũng phải ra lịnh xiềng ông lại. Ngay cả mỗi sáng khi cho tù ra ngoài, chúng cũng chỉ cởi còng để ông đi ra, chứ chân vẫn bị xiềng. Mấy người tù trong chuồng ai cũng sợ ông, cái thành tích giết người lạnh lùng cộng với chuyện rượt đánh công an đủ làm cho biệt danh Thời Mã Tấu nổi tiếng từ đó.
Nhờ có cái mùng nhỏ của ông Thời cho mượn nên cha con tôi khỏi bị muỗi đốt, nhưng đêm đó tôi không tài nào ngủ được. Sau khi an ủi,vổ về thằng con ngủ xong, tôi cứ thao thức hoài, phần vì chật chội, lại không dám động đậy sợ đánh thức con tôi dậy, phần vì lo lắng đủ thứ, đã vậy chuột ở đâu ban đêm ra nhiều quá, lâu lâu lại có tiếng người bực bội la lên vì bị chuột chạy lên mình… rồi thỉnh thoảng lại có người len lỏi đi ra phía cửa để đi tiểu, đạp nhằm lên chân hoặc đầu của ai đó đang nằm … thì lại nghe tiếng càu nhàu chưởi thề vang lên… cả đêm cứ tiếp diễn như vậy, đến khi chính tôi mắc tiểu, tôi phải ráng nhịn, không dám đi .
Anh chàng B. và mười mấy thanh niên nằm như cá hộp thành bốn hàng phía gần cửa cũng không ngủ được, tôi thấy họ lăn qua trở lại và giơ tay phe phảy tờ báo làm quạt đuổi muỗi liên tục mà thấy thương cảm vô cùng, đã vậy thỉnh thoảng có người bên trong lom khom ra đi tiểu, họ lại phải ngồi nép dậy chừa chổ cho người đó đi tiểu, thật là khổ! Tôi ngồi trong mùng chứng kiến những cảnh đó qua ngọn đèn tù mù mà lòng lo buồn vô hạn. Nếu cứ bị nhốt ở đây với điều kiện tồi tàn như vầy thì sớm muộn gì cũng bị bệnh. Lo nhất là cho con tôi, lỡ mà bị bệnh lúc này thì quả thật là khổ.
Trời mới tờ mờ sáng, xa xa vừa nghe có tiếng gà gáy đợt nhất, thì trong chuồng đã có người lục đục dậy rồi. Tiếng ho khọt khẹt đâu đó và tiếng diêm quẹt mồi thuốc gây cho tôi cái cảm giác bớt cô đơn trống trải hơn đêm vừa qua. Lòng tự an ủi rằng sau tai nạn bể ghe cha con tôi vẫn còn sống... sau đêm dài, trời lại sáng, không có gì phải buồn lo cả… Với ý nghĩ đó, tôi tự tin hơn và chuẩn bị chờ đón một ngày mới.
Một lúc sau, mấy người đàn bà ở trong căn nhà chứa rơm gần đó túa ra mấy cái chuồng nhốt tụi tôi hỏi thăm tíu tít. Ôi thôi vợ chồng con cái người trong chuồng, kẻ bồng con đứng xa xa bên ngoài nói chuyện, có người khóc lóc trông thật hết sức thương tâm. Được chẳng bao lâu thì một tên công an chạy ra xua đuổi mấy đàn bà trẻ con trở vào lại trong nhà chứa rơm. Khoảng hơn 6 giờ sáng, chúng đìểm danh chúng tôi bằng cách đếm số người. Người ngồi bên ngoài đếm 1, người kế tiếp đếm 2 …cho đến số 36 là hết. Sau đó chúng mở cửa cho chúng tôi ra ngoài phía sau ruộng tiểu tiện và tắm rửa tại một cái ao lớn, mỗi lần như vậy khoảng 8, 9 người ra ngoài và chỉ được khoảng 15 phút là phải trở vào, hai thanh niên đi chung ghe với tôi được cử khiêng thùng nước tiểu ra ngoài đổ và rửa thùng, họ được ưu tiên nữa tiếng đồng hồ cho việc này và làm vệ sinh cá nhân .
Trong khi chúng tôi ra ngoài, có mấy tên công an cầm súng đứng canh xa xa. Cha con chúng tôi được dẫn ra phía ruộng đàng sau, tôi bảo con tôi phải ráng tiêu tiểu, không mắc cũng ráng đi, chứ đừng để khi vào trở lại, rủi mắc đi lúc đó thì khổ lắm… Thằng bé chắc cũng hiểu được hoàn cảnh khó khăn hiện tại như thế nào cho nên tôi bảo gì nó cũng nghe, không dám cãi lại. Mọi chuyện vệ sinh cá nhân, tắm rửa qua loa rồi cũng xong. Khi chúng tôi vào lại hết bên trong rồi mới tới phiên ông Thời, một tên công an mở khóa và rút còng từ phía ngoài chuồng, với sợi lòi tói còn xiềng ngang hai chân, ông lom khom đi ra. Riêng ông ta, chúng cho ở ngoài gần cả tiếng đồng hồ mới vào tra còng lại như cũ. Sau đó chúng điểm số người lại.
Buổi sáng tình hình có vẻ khá hơn, mấy người tù cũ xem ra thông cảm và thân thiện hơn hôm qua nhiều, họ mời thuốc lá và nói chuyện với chúng tôi cởi mở lắm. Riêng ông Thời hình như mến cha con tôi thật sự, ông lấy bánh in trong túi xách treo trên đầu nằm cho con trai tôi ăn. Bên ngoài, mấy tên công an bày ra một cái bàn nhỏ, pha cà phê và bán bánh ú, bánh tét, thuốc lá cho tù... Mấy người tù bên chuồng này gọi qua chuồng kia hỏi thăm lẩn nhau, chen lẩn tiếng gọi mua cà phê thuốc lá tạo nên một không khí sôi động hẳn lên. Ông Thời mua cho tôi một ly cà phê, chúng tôi phì phèo thuốc lá thơm Sa Mít, nhấm nháp cà phê nói đủ thứ chuyện trên đời ra vẽ nhàn hạ lắm. Trong đời tôi đã gặp không biết bao nhiêu là cảnh ngộ đặc biệt, nhưng phải nói buổi sáng hôm đó là một buổi sáng tôi không thể nào quên được. Hảy thử tưởng tượng cái khung cảnh mà mấy chục con người chen chúc nhau trong lồng củi y như một chuồng thú vật, một cảnh tượng mà hình như chỉ có thể nghe nói trong một thời đại dã man xa xôi nào đó, chứ không phải là ở vào thế kỷ hai mươi văn minh này, vậy mà tôi đã hiện hữu ở đó và vẫn có thể ung dung ngồi nhâm nhi cà phê thuốc lá… lại còn tán gẩu với một tên tù sát nhân ra chiều tương đắc lắm, thì hỏi không đặc biệt sao được?? Cảm giác của buổi sáng hôm ấy bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy như phảng phất đâu đây. Không biết ông Thời Mã Tấu đó giờ này có còn trên dương thế hay không. Tôi viết lên mấy dòng này như là một phút hồi tưởng đến ông, tâm trí vẫn còn nhớ rõ dáng ông ngồi trên chiếc giường nhỏ, tay phe phẩy cái quạt mo cau vào một buổi sáng cuối tháng 10 năm 1980 tại kinh thứ 11, tỉnh Kiên Giang.
Trong lúc nói chuyện, chúng tôi mới cảm thông cho những người tù cũ về thái độ không mấy thân thiện hôm qua. Trước khi chúng tôi vào, trong tù đã chật rồi, nhưng ít ra vẫn còn có thể di chuyển qua lại tương đối dễ dàng. Chổ để thùng tiêu tiểu ngay góc gần cửa ra vào riêng biệt một nơi và ai cần thì có thể đến đó tiểu mà không phiền đến các người khác, ngay cả ban đêm. Nhưng hôm qua hai cha con tôi cùng 16 thanh niên khác vào, con số bổng trở thành quá sức đông cho một không gian nhỏ hẹp như thế, sự di chuyển trong chuồng trở nên khó khăn, đã vậy thêm số người thì thêm đồ dùng cá nhân treo lủng lẳng chung quanh càng làm cho chật chội thêm, cho nên hầu như không ai muốn giăng mùng, vì không có đủ chổ cho tất cả mọi người, vả lại giăng mùng hết lên nóng lắm họ chịu không nổi. Riêng ông Thời, vì bị còng chân nên ông ta đi tiểu vào một cái bình nhựa nhỏ có nắp đậy, còn việc đại tiện thì ngoại trừ trường hợp "chẳng đặng đừng" ông sẽ kêu to lên để công an mở còng cho ông đi, ngoài ra thì đợi đến buổi sáng lúc được mở cửa chuồng …
Qua tin tức của mấy tên công an bán cà phê thuốc lá cho hay, chúng tôi chỉ ở tạm đây mấy ngày thôi, sau đó sẽ được chuyển ra nhà tù Cầu Ván ở Rạch Sỏi. Nghe như vậy tôi cũng hơi yên tâm, chứ với hoàn cảnh khó khăn thế này, tôi sợ con tôi sẽ sinh bệnh thì thật là khổ.
Khoảng hơn 9 giờ sáng, từng người trong nhóm chúng tôi bị gọi lên căn nhà dùng làm văn phòng Công An để thẩm vấn, họ chỉ lấy khẩu cung lý lịch sơ sài thôi. Tôi khai
Trong lúc nói chuyện, chúng tôi mới cảm thông cho những người tù cũ về thái độ không mấy thân thiện hôm qua. Trước khi chúng tôi vào, trong tù đã chật rồi, nhưng ít ra vẫn còn có thể di chuyển qua lại tương đối dễ dàng. Chổ để thùng tiêu tiểu ngay góc gần cửa ra vào riêng biệt một nơi và ai cần thì có thể đến đó tiểu mà không phiền đến các người khác, ngay cả ban đêm. Nhưng hôm qua hai cha con tôi cùng 16 thanh niên khác vào, con số bổng trở thành quá sức đông cho một không gian nhỏ hẹp như thế, sự di chuyển trong chuồng trở nên khó khăn, đã vậy thêm số người thì thêm đồ dùng cá nhân treo lủng lẳng chung quanh càng làm cho chật chội thêm, cho nên hầu như không ai muốn giăng mùng, vì không có đủ chổ cho tất cả mọi người, vả lại giăng mùng hết lên nóng lắm họ chịu không nổi. Riêng ông Thời, vì bị còng chân nên ông ta đi tiểu vào một cái bình nhựa nhỏ có nắp đậy, còn việc đại tiện thì ngoại trừ trường hợp "chẳng đặng đừng" ông sẽ kêu to lên để công an mở còng cho ông đi, ngoài ra thì đợi đến buổi sáng lúc được mở cửa chuồng …
Qua tin tức của mấy tên công an bán cà phê thuốc lá cho hay, chúng tôi chỉ ở tạm đây mấy ngày thôi, sau đó sẽ được chuyển ra nhà tù Cầu Ván ở Rạch Sỏi. Nghe như vậy tôi cũng hơi yên tâm, chứ với hoàn cảnh khó khăn thế này, tôi sợ con tôi sẽ sinh bệnh thì thật là khổ.
Khoảng hơn 9 giờ sáng, từng người trong nhóm chúng tôi bị gọi lên căn nhà dùng làm văn phòng Công An để thẩm vấn, họ chỉ lấy khẩu cung lý lịch sơ sài thôi. Tôi khai
CHU TẤT TIẾN * CHUYỆN MỘT NGUỜI TÙ CẢI TẠO.
CHUYỆN MỘT NGUỜI TÙ CẢI TẠO.
Chu Tất Tiến.
Lời tác giả: Có những điều tưởng không nên nói, vì có thể biến mình thành khoe công, phô trương thành tích. Gần đây khi người viết đang bảo vệ danh dự cho Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện và Luật Sư Bùi Kim Thành, đột nhiên nhận được những lá thư tố giác trên diễn đàn là Việt Tân, sau đó, đổi thành "ăng ten" và hàng chục những chiếc mũ khủng khiếp khác.. Những lời tố giác vu vơ này, đã gây thắc mắc cho nhiều độc giả. Vậy, khi không còn chọn lựa nào khác, phải kể lại vậy.
Trên thế giới có lẽ không có trại giam nào khủng khiếp hơn các nơi gọi là Trại Tập Trung Cải Tạo, bởi vì kẻ giam giữ đối xử với những người tù như những con vật, không cấp thuốc men, chỉ cung cấp lương thực để khỏi chết đói tại chỗ, trong khi bắt làm việc cật lực từ sáng đến tối. Các tù nhân phải dựng nhà cho cán bộ, khai quang, làm đường cho xe bộ đội chạy, trồng rau cho cán bộ vưà ăn vưà bán. Ngoài ra, còn phải làm dụng cụ, tiện nghi cho cán bộ, như rèn dao, làm vali bằng tôn, đóng bàn ghế, và đan giỏ mây. Trong khi đó, kẻ giam giữ có toàn quyền sinh sát, muốn hành hạ, muốn bắn muốn giết lúc nào cũng được, không cần tòa án. Không kể những lần xử bắn tù nhân vì trốn trại, mà tù nhân lúc nào cũng có thể bị đạn bay vào mình. Tôi nhớ có lần đang gánh củi, một anh nói đùa với bạn:
-Mày trông như xì-ke.
Tên lính gác đang dẫn toán đi làm việc, đột nhiên nổi giận, lấy súng ra khỏi vai, nhắm luôn vào chân anh kia bắn một tràng:
-Ð. M. mày! Nói ai xì-ke?
Lần khác, toán chúng tôi đi làm rừng. Tới chỗ cổng gác, không thấy ai đứng đấy, anh trưởng toán bảo "thôi, cứ đi!" Vừa ra khỏi cổng chừng 10 thước, tên lính gác núp sau một thân cây, nhẩy ra, chĩa súng vào đám người ngơ ngác, nổ liền mấy phát, vừa nổ, vừa chửi:
-Ð.M. chúng mày! Ði mà không báo cáo ông à?
Anh em chúng tôi vừa thấy mũi súng chĩa ngang, liền nhẩy ngay xuống cái rãnh cạnh đấy, nghe đạn nổ trên đầu veo veo. Bắn hết một tràng, tên gác quát nạt chúng tôi leo lên, đứng xếp hàng cho hắn chửi đã đời.
Khi được thăm nuôi, anh em chúng tôi cứ phải đi từng đoàn, ra về lẻ tẻ, phải có anh em đi đón, kẻo gánh quà đi một mình, thì nhất định sẽ bịbộ đội bao vây, lột hết đồ thăm nuôi, rồi bị đuổi về trại, tay không:
-Ð. M. Ðằng sau quay, đằng trước bước! Chạy về trại, đứng lại láng cháng, ông bắn bỏ mẹ!
Tụi lính gác trấn lột hết quà của anh em như thế, nhưng đến đêm, lại bò vào trại, cầm từng gói đường, gói đậu mà bán lại cho anh em, lấy tiền!
"Ðường đây! Một kí lô ba đồng! Ðậu xanh đây! Ba đồng một kí!"
Có một đêm, anh bạn T. vừa mua xong kí đường, giận dữ kêu lên:
-Mẹ nó! Ðúng cái hộp Ghi gô đựng đường này, vợ tớ mới cho tớ hồi sáng! Nó cướp của tớ, giờ đem bán lại.
Trong Cà Tum, vì bộ đội ra vào trại rất thường, anh em có nhờ một tên bộ đội mua giùm đường, đậu. Tên này nhận lời, nhắn anh em gom tiền lại, hắn mua giùm. Lần đầu sòng phẳng, tiền trao cháo múc. Lần thứ hai, anh em gom lại, gần như toàn trại một số tiền lớn, nhờ mua giùm. Tên bộ đội hẹn giờ ra lấy hàng. Hai anh đại diện gánh một cái sọt lớn, ra rừng chờ đợi. Hàng trao xong, hai bạn gánh về. Chưa được trăm thước, thì một lũ lâu la hiện ra, tay súng gườm sẵn, hò hét um xùm:
-Bỏ gánh xuống! Hàng ăn trộm! Biết điều bỏ xuống, chúng ông bắn bỏ mẹ!
Thế là hai bạn đành bỏ hàng, chạy lấy người.
Cuộc sống truân chuyên như thế, ngày tháng dài bất tận như thế, ăn uống thiếu thốn như thế, lại thêm mỗi tối tẩy não, khiến cho đời sống tù ngục căng thẳng hơn. Năm 1975, tôi ở Trảng Lớn. Năm 1976-1978, tôi ở Kà Tum, Khối 2, L 1 T 2 (?) có anh Mừng, Quân Cảnh, làm khối trưởng, Ngô Phước Cương (ca sĩ), Ngô Phuớc An (nhạc sĩ chơi Mandoline), Tuấn (Hải quân, độc tấu ghi-ta), Hùng "rống" (ca sĩ). Tôi làm Trưởng ban văn nghệ, kiêm quản ca.
Chu Tất Tiến.
Lời tác giả: Có những điều tưởng không nên nói, vì có thể biến mình thành khoe công, phô trương thành tích. Gần đây khi người viết đang bảo vệ danh dự cho Thi Sĩ Nguyễn Chí Thiện và Luật Sư Bùi Kim Thành, đột nhiên nhận được những lá thư tố giác trên diễn đàn là Việt Tân, sau đó, đổi thành "ăng ten" và hàng chục những chiếc mũ khủng khiếp khác.. Những lời tố giác vu vơ này, đã gây thắc mắc cho nhiều độc giả. Vậy, khi không còn chọn lựa nào khác, phải kể lại vậy.
Trên thế giới có lẽ không có trại giam nào khủng khiếp hơn các nơi gọi là Trại Tập Trung Cải Tạo, bởi vì kẻ giam giữ đối xử với những người tù như những con vật, không cấp thuốc men, chỉ cung cấp lương thực để khỏi chết đói tại chỗ, trong khi bắt làm việc cật lực từ sáng đến tối. Các tù nhân phải dựng nhà cho cán bộ, khai quang, làm đường cho xe bộ đội chạy, trồng rau cho cán bộ vưà ăn vưà bán. Ngoài ra, còn phải làm dụng cụ, tiện nghi cho cán bộ, như rèn dao, làm vali bằng tôn, đóng bàn ghế, và đan giỏ mây. Trong khi đó, kẻ giam giữ có toàn quyền sinh sát, muốn hành hạ, muốn bắn muốn giết lúc nào cũng được, không cần tòa án. Không kể những lần xử bắn tù nhân vì trốn trại, mà tù nhân lúc nào cũng có thể bị đạn bay vào mình. Tôi nhớ có lần đang gánh củi, một anh nói đùa với bạn:
-Mày trông như xì-ke.
Tên lính gác đang dẫn toán đi làm việc, đột nhiên nổi giận, lấy súng ra khỏi vai, nhắm luôn vào chân anh kia bắn một tràng:
-Ð. M. mày! Nói ai xì-ke?
Lần khác, toán chúng tôi đi làm rừng. Tới chỗ cổng gác, không thấy ai đứng đấy, anh trưởng toán bảo "thôi, cứ đi!" Vừa ra khỏi cổng chừng 10 thước, tên lính gác núp sau một thân cây, nhẩy ra, chĩa súng vào đám người ngơ ngác, nổ liền mấy phát, vừa nổ, vừa chửi:
-Ð.M. chúng mày! Ði mà không báo cáo ông à?
Anh em chúng tôi vừa thấy mũi súng chĩa ngang, liền nhẩy ngay xuống cái rãnh cạnh đấy, nghe đạn nổ trên đầu veo veo. Bắn hết một tràng, tên gác quát nạt chúng tôi leo lên, đứng xếp hàng cho hắn chửi đã đời.
Khi được thăm nuôi, anh em chúng tôi cứ phải đi từng đoàn, ra về lẻ tẻ, phải có anh em đi đón, kẻo gánh quà đi một mình, thì nhất định sẽ bịbộ đội bao vây, lột hết đồ thăm nuôi, rồi bị đuổi về trại, tay không:
-Ð. M. Ðằng sau quay, đằng trước bước! Chạy về trại, đứng lại láng cháng, ông bắn bỏ mẹ!
Tụi lính gác trấn lột hết quà của anh em như thế, nhưng đến đêm, lại bò vào trại, cầm từng gói đường, gói đậu mà bán lại cho anh em, lấy tiền!
"Ðường đây! Một kí lô ba đồng! Ðậu xanh đây! Ba đồng một kí!"
Có một đêm, anh bạn T. vừa mua xong kí đường, giận dữ kêu lên:
-Mẹ nó! Ðúng cái hộp Ghi gô đựng đường này, vợ tớ mới cho tớ hồi sáng! Nó cướp của tớ, giờ đem bán lại.
Trong Cà Tum, vì bộ đội ra vào trại rất thường, anh em có nhờ một tên bộ đội mua giùm đường, đậu. Tên này nhận lời, nhắn anh em gom tiền lại, hắn mua giùm. Lần đầu sòng phẳng, tiền trao cháo múc. Lần thứ hai, anh em gom lại, gần như toàn trại một số tiền lớn, nhờ mua giùm. Tên bộ đội hẹn giờ ra lấy hàng. Hai anh đại diện gánh một cái sọt lớn, ra rừng chờ đợi. Hàng trao xong, hai bạn gánh về. Chưa được trăm thước, thì một lũ lâu la hiện ra, tay súng gườm sẵn, hò hét um xùm:
-Bỏ gánh xuống! Hàng ăn trộm! Biết điều bỏ xuống, chúng ông bắn bỏ mẹ!
Thế là hai bạn đành bỏ hàng, chạy lấy người.
Cuộc sống truân chuyên như thế, ngày tháng dài bất tận như thế, ăn uống thiếu thốn như thế, lại thêm mỗi tối tẩy não, khiến cho đời sống tù ngục căng thẳng hơn. Năm 1975, tôi ở Trảng Lớn. Năm 1976-1978, tôi ở Kà Tum, Khối 2, L 1 T 2 (?) có anh Mừng, Quân Cảnh, làm khối trưởng, Ngô Phước Cương (ca sĩ), Ngô Phuớc An (nhạc sĩ chơi Mandoline), Tuấn (Hải quân, độc tấu ghi-ta), Hùng "rống" (ca sĩ). Tôi làm Trưởng ban văn nghệ, kiêm quản ca.
Ðúng ra, Tuấn được anh em đề cử làm Trưởng ban, nhưng trong lần đầu tiên, tập hát cho anh em, bị kẹt vì thiếu sư phạm, nên đánh nhịp tới lui, cũng không ai biết hát. Anh em la ó ầm trời. Thấy Tuấn vất vả, toát mồ hôi, tôi vì biết nhạc lý, nên nhẩy vào "cứu bồ", giữ nhịp cho anh em hát êm xuôi. Tối hôm đó, Tuấn qua lán tôi, thuyết phục tôi làm Trưởng Ban, và hứa sẽ đàn hát "số dách" cho tôi nhẹ gánh. Tuấn còn biểu diễn cho tôi nghe những bản nhạc Flamenco bất hủ cuả anh. Anh đánh đàn tay trái. Tay phải vưà gẩy dây đàn, vưà kẹp dây lại, biến thành trống. Những ngón tay trái vừa nhấn phím, vừa móc dây! Nghe anh đánh đàn, từ "Chinese Rose, đến "La Cumpasita".. hồn nguời nghe như bay vút đến một thiên đuờng nào. Dĩ nhiên là tôi nhận lời và sau đó, buổi trình diễn văn nghệ đầu tiên, lại là hát nhạc vàng! Tôi vừa được thăm nuôi, có đậu, có đường, nên nấu một nồi chè khổng lồ, mời Tuấn, Cương, An, Hùng đến hát "chui". Ban nhạc ngồi ở chiếc bàn tre thấp, quay ra sân trống, truớc cửa B1. Tuấn chơi ghi-ta, An chơi Mandoline, Cương và Hùng thay nhau hát. Tôi đứng đằng sau ban nhạc, dặn đi dặn lại các anh là nếu thấy tôi đá chân vào bàn, lập tức chuyển "tông" sang "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" và các bài khác. Ðể tránh bị bộ đội đột kích bất ngờ, tôi cử hai anh làm "lính gác giặc", đứng ở cuối sân, chỗ gần cổng ra vào.
Tối hôm đó, trăng sáng mông mênh. Cả vài trăm anh em ngồi xếp bằng ngoài sân, nghe những ca sĩ "tù" hát "Love Story", "Anh đến thăm em một chiều mưa"... Trong ánh trăng bàng bạc, cảnh tượng một nhóm đông người ngồi yên lặng nghe nhạc, gợi lên trong chúng tôi, những tình cảm bàng hoàng không thể tả được. Tôi đứng lặng người, say sưa nghe hát. Bất ngờ, cảm giác thấy có hơi thở dồn dập gần tai, tôi vội quay lại, và điếng người khi thấy tên Chính Ủy đang đứng sát tôi, chăm chú lắng nghe! Vội vàng, lật bật, tôi đá chân vào bàn "lạch cạch, lạch cạch". Tuấn nhận ra dấu hiệu trước nhất, anh chuyển "tông" ngay sang "Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi dép không mòn..."
Cả ba bạn kia lập tức họa theo. Tên chính ủy đứng thêm một lúc, thấy hát nhạc "cách mạng" thì thở dài:
-Tưởng gì! Nghe nhạc này, chán bỏ mẹ!
Rồi quay đi. Cả bọn tôi thở dài. Phen này, cả lũ xuống hố rồi! Hai ông bạn làm "lính gác giặc" vì mê say nghe nhạc quá, đã từ từ bỏ vị trí vào tuốt bên trong, nên khi tên chính ủy vào, chả ai biết. Chương trình văn nghệ chấm dứt. Anh em lục tục về lán.
Ngày hôm sau, anh Mừng đi họp sớm về, gọi tôi vào:
-Này, tên chính ủy nó hỏi tôi, ai tổ chức, tôi đành phải bảo tên ông, vì không thể nói tên anh em khác. Nó bảo tôi : "Bảo thằng Tiến dẹp đi! Lần sau mà còn tổ chức hát nhạc đồi truỵ nữa, tao bắn bỏ mẹ!"
Thái độ hăm dọa nhẹ nhàng đó, có lẽ vì anh em hát hay qúa! Nhất là Ngô Phước Cương, giọng ca điêu luyện hơn các ca sĩ ngoài rất nhiều. Khi anh hát bài "Love Story" đến đoạn điệp khúc, giọng anh cao vút, khiến ai cũng mê mẩn.
Ban Văn Nghệ cuả chúng tôi, hồi đó, còn Ðiền, một nhạc sĩ trẻ. Anh chơi ghi-ta sôlô hay lắm, nhưng rất tiếc, anh không thuần nhịp. Khi vào ban nhạc, có bass, có ghi-ta "lead", có đàn "accord", tiếng đàn solo cuả anh lạc điệu. Tuấn cố gắng chỉnh hoài, nhưng không đuợc, nên đành cho anh ra ngoài ban, chỉ chơi solo một mình. Ðiền buồn lắm. Anh chỉ còn một nguời bạn thân, là con chim trắng có ngù, đẹp tuyệt, mà anh đã dậy bao ngày. Con chim cứ nằm trong túi áo cuả anh, thỉnh thoảng thò đầu ra, duơng ngù lên như chiếc mũ cuả lính La Mã. Số phận đắng cay không tha anh, khi qua Suối Máu, anh bị ung thư ruột. Những ngày cuối đời, tôi cứ phải sang anh vào buổi tối để làm massage cho anh ngủ, nếu không, thì anh đau lắm, gào thét kinh hoàng. Ðiền ra đi, khi anh vưà mới độ ba muơi.
Không được tổ chức nhạc vàng nữa, mỗi tối, tôi bắt đầu kể chuyện phim cho một số bạn bè thân thiết nghe. Trong số đó có Thanh, Huệ, Tập (Khối Phó Khối 3), Nguyễn Vũ (họa sĩ), Ngô Ngọc Trác (QGHC), Thắng và vài anh em khác. Nếu tôi nhớ không lầm, trong khối 3 có nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Hữu Ủy. Vì việc kể chuyện phim như vậy, mà anh em gọi tôi là "Máy chiếu phim" hay "Nhà sản xuất phim ảnh". Mỗi lần kể, là được một chén trà "quặu", đặc quánh. Kể chuyện phim mãi cũng hết, tôi quay sang chuyện "chưởng". Tôi thuộc hai bộ "Lộc Ðỉnh Ký" và "Cô gái Ðồ Long" như húp cháo. Từ khi kể chuyện "chưởng", số người nghe tăng lên dần. Từ 5, 6 bạn đến vài chục người. Mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, là anh em giục giã:
-Nhà chiếu phim đâu rồi! Ra đây! Ra đây mau lên! Khán giả đang chờ!
Và cứ thế, tháng ngày ở Kà Tum trôi qua, trôi qua!
Ðến năm 1978, chúng tôi chuyển trại về Suối Máu. Tôi được bổ vào Ðội 3, Nhà 12, K 4. Anh Mừng vẫn làm Ðội (Khối ?)Trưởng. Số tôi vất vả, nên sau khi các đội, khối họp lại, anh em vẫn chỉ định tôi làm Trưởng Ban Văn Hóa, Văn Nghệ, nghĩa là vừa Múa, hát, đóng kịch, vừa làm Bích báo mỗi khi có lễ, tết. Cùng làm việc với tôi có Tống Châu Khôi, Tham Sự Hành Chánh, làm Trưởng Ban Thể Thao. Tôi kiêm luôn Trưởng Ban Vũ, phải lựa 5 bạn có chân tay dẻo cùng với tôi làm thành một ban Vũ gồm 6 ngươiø, đi múa cho các trại bạn coi chơi. Với anh Hùng làm cố vấn, chúng tôi tập cho anh em múa Sạp bằng thanh tre. Vì không có nữ, nên tôi chuyên giả gái! Múa Guatamela, thì làm cô Mễ, múa Lơ thơ tơ liễu buông mành, tôi làm cô thôn nữ, vấn khăn mỏ quạ, áo tứ thân, yếm hồng, tay cầm quạt giấy, uốn éo. Cùng với Minh "lùn" (chuyên viên làm ảo thuật), cặp chúng tôi làm anh em cười bò lăn, vì cô thôn nữ quá cao, trong khi anh chàng kia qúa thấp. Sau khi tôi múa xong, bạn bè chạy vào nắm tay, sờ má tôi, nói:
-Mẹ kiếp! Cô này là cô Tây Lai, chứ con gái Việt nam sao mà cao quá!
Vài anh chạy lại, quơ tay quơ chân. Tôi giả bộ uốn qua uốn laị, tránh né.
Chúng tôi cười nghiêng ngả cho quên buồn.
Thực tế, những niềm vui ấy chỉ hiếm họa mới xẩy ra một năm hai, ba lần, còn lại lao động cật lực.
Những ngày tháng buồn tẻ, mệt mỏi duờng như dài hơn thuờng lệ. Tôi trở lại với chuyện "chuởng", với Ðồ Long Ðao, Truơng Vô Kỵ và Triệu Minh. Nhà 12 cuả tôi, buổi tối, biến thành sân khấu. Tôi ngồi trên võng đầu nhà, anh em ngồi nghe chăm chú. Bên cạnh tôi, luôn luôn có một ly nuớc trà, hay một chén chè ngọt. Kể chuyện như thế, đời tôi qua đi trong hạnh phúc. Nhưng cũng có lúc tái nguời.
Một hôm, tôi đang kể đến khúc Truơng Vô Kỵ đang ở nhà cuả hai chuởng môn phái Côn Lôn là Hà Thái Xung và Ban Thục Nhàn để chưã bệnh cho nguời vợ thứ năm cuả Hà Thái Xung bị hai con Kim Ngân, Huyết Xà cắn, bỗng nhìn thấy mặt anh em tự nhiên căng thẳng lạ lùng, cứ nhìn lên đầu võng mình chăm chăm. Tôi giật mình quay lại, thì thấy tên Chính Uỷ đang đứng ngay đầu võng cuả mình. Phen này thật khó sống yên. Trong một tích tắc, não tôi làm việc không ngừng, tôi cứ tỉnh bơ, coi như không có gì, tiếp tục kể, nhưng về các phuơng thuốc Nam! May mắn là đúng vào lúc mà Vô Kỵ đang tìm cách chữa bệnh cho cô Năm, nên tôi nặn óc tiếp theo:
-Mỗi buổi sáng, với nguời bị loại rắn Kim Ngân này cắn, phải tìm cho ra các vị sau đây: Lan linh chi, một gói, tì suơng hai chỉ, lạc đỉnh hồng, một cân, khổng tuớc đàm một chỉ. Hoà tất cả vào trong một ly nuớc. Cất chừng 3 tiếng đồng hồ, còn lại một chút cặn, đổ thêm nuớc vào, nấu tiếp cứ 3 thành 1. Cho nguời bệnh uống... Với nguời bị Huyết xà cắn thì khác hơn, buổi sáng ra ngoài vuờn , tìm ra cây Nhị tiên Hồng, có hoa mầu đỏ mềm, cánh nhỏ, đào xuống ba tấc...
Tôi cứ vừa mở miệng nói, vưà dùng óc, nặn ra các toa thuốc không có trên thế gian này, vưà nhìn thẳng vào anh em, như đang mở lớp dậy thuốc Nam vậy. Tên Chính Uỷ nghe mấy danh từ quái đản này khoảng 15 phút thì chán, bỏ đi. Sau khi hắn vưà ra khỏi nhà, tôi gục xuống liền. Vì động não quá sức, cứ cố tìm ra các tên thuốc tầm bậy tầm bạ, nên mệt lử, nằm thẳng cẳng.
Nhưng không vì vậy mà chuơng trình chuyện "chuởng" chấm dứt. Tôi kể hết nhà 12 thì sang nhà 16, đội 4, kéo dài cả năm trời. Mỗi buổi chiều, sau khi ăn xong, Tống Châu
Khôi, nhà 16, chạy qua nhà 12:
-Sư phụ! Sư phụ qua mau, anh em đang chờ.
Tôi còn mệt mỏi, tần ngần chưa qua, thì Tống châu Khôi tiến lại:
-Sư phụ để đệ tử cõng qua.
Việc phục vụ anh em hình như đã nằm trong máu tôi, nên không có cơ hội nào bảo vệ đuợc anh em, mà tôi lại không làm.
Một buổi tối, khoảng 7 giờ, đột nhiên tên Chính Uỷ mặt nám (mặt tên này bị một miếng nám đen ngay má), cho gọi tôi ra hội truờng, nơi treo bích báo kỷ niệm 2 tháng 9. Nhà tôi ngay cạnh hội truờng, nên vưà buớc ra khỏi cửa đã thấy anh Trần Ðức Thịnh, Ðại diện trại và tên mặt nám đứng đó. Anh Trần đức Thịnh, giáo sư Nguyễn bá Tòng, (hiện đang ở Canada) là nguời cứu mạng tôi hôm đó. Không có anh, đời tôi đã tiêu diêu miền nào rồi.
Tên mặt nám vẫy tôi vào chỗ treo tờ bích báo cuả Ðội, gằn giọng:
-Anh vẽ gì đây? Bôi bác chế độ hả? Vẽ gì mà tay què, tay cụt? Chê công nghiệp mất cân đối hả?
Nhìn lại tờ bích báo, thấy trên phần tưạ đề "Quyết Tâm", có hình một anh công nhân đội mũ bảo hiểm, một tay giơ lên, tay kia bỏ xuống, nhưng vì chỉ có một khung ngang, nên phần duới không có. Tôi nhún vai:
-Anh coi lại đi! Nếu tôi vẽ giơ cả hai tay lên, thì anh nói là "đầu hàng", nếu để cả hai tay xuống, thì lại là cụt cả hai tay sao? Ở đây, cái khung ngang, hẹp, nên tôi chỉ có thể vẽ một tay giơ lên thôi. Ðâu có gì là công nghiệp mất cân đối đâu!
Tên chính uỷ lại chỉ vào một logo cuả anh Minh vẽ hình chiếc xe máy cầy:
-Còn cái này nữa, bánh xe gì mà bị dây kẽm gai cuốn vào? Ý đồ muốn ám chỉ là công nghiệp Xã hội chủ nghĩa bị trì kéo lại hả?
Tôi bắt đầu mất bình tĩnh:
-Anh nói sao? Ðây là cái xe mới cáo. Bánh xe còn nguyên gai cao su, chúng tôi chỉ vẽ đại khái thôi, làm sao mà có kẽm gai ở đây?
Chưa thôi, tên Mặt Nám lại gõ tay vào bài viết cuả anh Giáo Sư Nguyễn văn Phú, (sau làm giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật Thành Phố):
-Này, xem này! Ðúng là kêu gọi anh em Trở Cờ, chống phá cách mạng. Còn cãi cái gì nữa?
Tôi đọc lại bức thư. Thì ra, đó là hai câu viết cho bạn bè ở nhà. Câu trên viết: Tôi mong có ngày chúng ta cùng "Trở". Hết hàng, xuống dòng, câu sau: để cùng nhau có cơ hội mà chơi "Cờ"... Hai chữ "Trở" và "Cờ" viết ở cuối hàng một cách vô tình, nhưng tên Mặt Nám này cố tình hãm hại nguời ngay. Thái độ cố tình gán ghép này để tìm ra một con dê tế thần đây. Ðột nhiên, tôi nổi điên lên:
-Tôi nói cho anh biết. Anh chỉ bới bèo ra bọ! Chẻ sợi tóc làm tư làm tám. Kiếm cớ hại nguời. Chúng tôi đâu có ngu. Ở tù như cá nằm trên thớt, anh muốn bắn, muốn giết lúc nào chả đuợc. Chúng tôi có chống anh, thì chống ở trong đầu đây nè, đâu có ngu mà chống trên giấy trắng mực đen như thế! Hai chữ này ở hai hàng khác nhau. Vô tình mà viết ra như thế. Anh muốn kiếm cớ để bắn tuị tôi chứ gì? Mẹ kiếp! Ðã thế, tôi nói cho anh biết, bắn thì bắn mẹ nó đi, đừng nói lòng vòng. Tôi đây này. Muốn bắn muốn giết thì cứ ra tay nhanh đi!
Thấy tôi nổi cơn nói một tràng, tên Mặt Nám cũng nổi cơn theo. Hắn chụp tay xuống bao súng, quát lên:
-À, thằng này chống đối cách mạng hả!
Anh Thịnh, cứu tinh, ngay trong phút giây ấy, vội giơ tay cản tên Mặt Nám:
-Khoan! Khoan! Cán bộ! Anh Tiến chiều nay bị "ấm đầu". Anh ấy mê sảng, nói tầm bậy, tầm bạ. Cán bộ đừng để ý.
Rồi anh quay về phiá nhà tôi, nói to:
-Anh em ơi! Ra cạo gío cho anh Tiến đi này! Anh ấy bắt đầu nói sảng rồi!
Trong khi tôi bị gọi lên hội truờng, một số anh em đã đi theo, đứng ngoài cưả ngó vào. Vưà nghe thấy anh Thịnh gọi ầm lên như thế, hai ba anh chạy ra ngay. Mấy anh đè ngay tôi ra đất, lột áo lên, làm massage liền, trong khi đó, A Cửu, Vua đan giỏ, đổ dầu gió vào lưng tôi, cạo soẹt soẹt.
Tên Mặt Nám đứng ngớ nguời ra, tay buông khỏi cây súng, rồi phải bỏ về. Anh Thịnh trách tôi:
-Anh nóng quá! Phải bình tĩnh để sống còn. Mai mốt trả thù không muộn. Hồi nãy, tôi không nhanh trí, thì anh mất mạng rồi! Còn đâu mà trả hận nữa!
Tôi cám ơn anh Thịnh và dặn lòng đừng làm Truơng Phi nữa. Ngày hôm sau, tên Mặt Nám kêu tôi lên phòng, chỉ vào mặt, mắng:
-Anh là thằng phản động, nhưng may mắn. Lần sau mà còn thế nữa, tôi bóp cò không tha!
Tôi chỉ mím môi, không nói chi, và gật đầu, đi về. Không làm Truơng Phi, đôi khi cũng hay.
Nhưng chỉ đuợc một thời gian, tính nào tật ấy, không bỏ đuợc, xém mất mạng. Lần này, đau đớn hơn, không mất mạng, mà mất danh dự.
Hôm ấy, như mọi ngày, nhà 12 chúng tôi trách nhiệm gánh phân tuơi ra đổ ngoài ruộng rau cho cán bộ. Khoảng gần 30 nguời lê buớc duới nắng gắt cuả trại Suối Máu, Biên Hoà về đến cổng trại cỡ 1 giờ trưa, đói lả. Vưà tới cổng trại, bỗng nhiên tên Sáu Méo, (chúng tôi đặt tên thế vì miệng hắn bị méo) quản giáo đội 3, hô lớn:
-Ðứng lại!
Tất cả ngơ ngác đứng nhìn tên Sáu Méo. Hắn tiếp tục hô to:
-Dàn hàng ngang ra, nguời này cách nguời kia một thuớc.
Lại đứng dàn hàng ngang, cách nhau một thuớc. Tôi cũng đứng theo lệnh, nhưng đến khi lệnh kế tiếp thì khựng lại:
-Tất cả quỳ xuống, dang tay ra!
Anh em chới với, trợn mắt. Thấy chưa ai thi hành, Sáu Méo gào to:
-Tôi "lói": quỳ xuống! Dang tay ra!
Sáu Méo rờ tay vào cây súng lủng lẳng bên hông:
-Nghe không? Quỳ xuống!
Ở đầu hàng bên kia, sát với chỗ Sáu Méo đứng, một vài anh lục tục cử động, có vẻ muốn quỳ. Ðột nhiên, tôi lại lên cơn điên. Tôi giơ tay, nói lớn:
-Chúng tôi không quỳ! Yêu cầu anh cho biết lý do.
Thấy một tên phản động lớn tiếng, Sáu Méo nhẩy ngay lại, tay phải rút súng, tay trái chỉ mặt tôi:
-A! Thằng "lày"! Mày chống đối cách mạng hả?
Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn:
-Không chống đối chống điếc gì cả! Nhưng chúng tôi không quỳ! Anh có thể cùm giam chúng tôi, nhưng không đuợc làm nhục nhân phẩm chúng tôi.
Tên kia cũng bắt đầu nổi điên. Hắn lên đạn cái xoẹt, chiã ngay súng vào mặt tôi:
-Mày dám?
Nhìn thấy họng súng đen ngòm chĩa ngay vào mặt, tôi nổi xung thiên:
-Bắn hả? Bắn đi! Tôi nói cho anh biết, có bắn thì cứ bắn ngay mặt nhé! Ðừng bắn sau lưng, đừng bịt mắt! Tôi không sợ! Chỉ tức cái vô lý thôi! Tự dưng bắt quỳ mà không có lý do, muốn nhục mạ nhân phẩm Sĩ Quan Quân Lực Cộng Hoà à? Ðừng hòng! Chuyện gì cũng phải có lý do.
Sáu Méo, dân Bắc Kỳ vùng cao, thấy tôi cứng cưạ, cũng tự nhiên chùn tay. Hắn hậm hực:
-"Ní" do hả? "Lói" thì "nắm", "nàm" thì "nuời". "Nàm" không chất "nuợng". Ði đứng uể oải, như một lũ công tử bột!
Tôi chỉ tay vào đống quang gánh:
-Nhìn kià! Sáng nào tụi tôi cũng gánh đúng 50 kí lô phân tuơi, đi bốn lần, mỗi lần 5 cây số, tổng cộng là hai muơi cây số, mà cho ăn chỉ có hai củ khoai mì bằng hai ngón tay chéo. Lấy sức đâu mà làm? Anh chạy xe gắn máy, cũng phải đổ xăng thì xe mới chạy. Tụi tôi không có ăn, làm như vậy là quá sức rồi, còn thế nào nưã mới đủ chất luợng?
Nghe tôi nói một tràng như bắn ra-phan, tên Sáu Méo ngẩn nguời ra. Hắn đứng suy nghĩ một hồi, rồi hậm hực đút súng vào bao, hất hàm:
-Ðuợc rồi! Ðể đấy, về trại đi, tôi kiểm tra, anh mà "lói náo", tôi xử lý anh ngay.
Tôi cũng hất hàm:
-Cứ kiểm tra. Nếu tôi nói không đúng, anh cứ việc bắn liền. Thoải mái!
Tên Sáu Méo ra lệnh cho anh em nhà 12 về. Tôi vưà ngồi, thở ra đuợc một lúc, thì đã thấy Sáu Méo đến gọi "ra đây!" rồi đi truớc, tới nhà bếp. Tôi lẳng lặng theo sau, đầu cúi xuống, vì mệt mỏi. Con đuờng từ nhà 12 , đội 3 đến nhà bếp phải qua đội 2 gồm 4 dẫy nhà đâm ngang ra con đuờng đi chung. Sau đó, tới đội 1, gồm 4 căn nhà nữa, mới tới bếp. Ðây là con đuờng đau khổ nhất cuả cuộc đời tôi, vì chính nó đã làm cho tôi "thân bại, danh liệt". Ðang lầm lũi đi theo sau tên Sáu Méo đến nhà bếp để chứng minh, đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng nói nhỏ, phát lên từ một căn nhà đội 2:
-Ð.M. Ăng ten đi báo cáo!
Nghe mấy tiếng ấy, tôi rùng mình, muốn ngừng thở. Tôi liếc về dẫy nhà đội 2, thấy mấy cặp mắt đang trừng trừng nhìn tôi. Lạy Chuá! Sao lại có chuyện như vậy đuợc? Chân tôi như tê dại đi. Tim đập thật mạnh đến nỗi tôi hơi lảo đảo. Tôi muốn kêu lên, nhưng miệng tắc nghẽn. Nhưng tôi vẫn phải đi theo tên quản giáo kia. Không thể đứng lại và phân bua...
Tôi không trách loài nguời, không trách Chuá, nhưng chỉ trách số phận tôi không may mắn. Oan ơi! Oan!
Run rẩy mãi cũng đến nhà bếp. Sáu Méo gọi to tiếng:
-Quản cơm đâu?
Anh Hai "néo", bếp truởng chạy ra. Quản giáo Sáu Méo chỉ tay vào một trong những cái xô nhôm đựng khoai mì mà hỏi:
-Mỗi cái xô này cho mấy nguời ăn?
Hai "néo" trả lời:
-Thưa cán bộ, 10 nguời.
Sáu Méo tiến lại, thò tay vào đếm số khoai, mỗi miếng chỉ dài hơn ngón tay giữa một chút. Tổng cộng có 19 miếng, không đuợc 20. Sáu Méo không nói gì, lẳng lặng ra về.
Ngày hôm sau, hắn tập họp đội 3 lại, phân công theo "tua", mỗi nhà đi một ngày. Ngày chẻ củi, ngày lấy phân, ngày gánh nuớc.. Nhà 12 chúng tôi không còn phải mỗi ngày mỗi đi lấy phân như truớc. Anh em hả dạ, nhưng riêng tôi, đau xót như có ai đâm vào tim mình. Thà nó bắn tôi lúc trưa ngày hôm qua... Trời ơi! Nuớc mắt tôi ứa ra. Tính tôi không hay khóc, nhưng khi đó, thì nuớc mắt chẩy đầy môi, mặn đắng. Tôi mà làm ăng ten ư? Trời! Bố tôi bị đấu tố, mẹ tôi bỏ xứ ra đi, chịu nghèo khổ kinh hoàng. Nhà có ba anh em, hai anh tôi thì động viên. Còn tôi, lính tình nguyện. Tôi đã từng làm đơn xin đi Nhẩy Dù mà bị bác. Sau đó, lại xin đi Bến Hải, Cà Mâu, cũng bị bác đơn. Giờ này, lại bị mang tiếng "ăng ten"! Ðau hơn dao cắt thịt.
Nhưng số phận đã như vậy rồi, đành chấp nhận khi không thể tránh. Tuy thế, sự nghiệt ngã vẫn chưa buông tha. Chắc kiếp truớc tôi làm ác, nên kiếp này, đành trả.
Một buổi trưa nắng, tôi mang cái long ghi-gô vào bếp, để hâm lại môn "cháo khoai mì", cháo làm bằng khoai mì, trộn thêm nuớc, rồi bóp cho mềm, đổ thêm muối, bỏ vào lòng bếp, một lúc sôi lên, thì là một món ngon lành. Vì bếp rất cao, tôi ngồi xổm một mình ở đó, không ai thấy, nên tình cờ tôi mới rõ một sự việc khiến cho tôi bị hoạ lớn.
Vừa lúc lon ghi-gô sôi sùng sục, tôi nguớc lên về phiá cổng gác, tới chỗ nhà cuả quản giáo, tôi thấy Tống Châu Khôi, Tham Sự Hành Chánh, nguời vẫn xưng là "đệ tử" với tôi, nguời vẫn cõng tôi đi kể chuyện "chuởng", vưà lùi lũi buớc ra khỏi nhà cuả tên Sáu Kéc, quản giáo đội 4, trên tay còn cầm quả banh! Tống Châu Khôi liếc tới liếc lui, không thấy ai, nên dọt lẹ vào cổng. Hắn không nhìn thấy tôi ngồi thấp hơn cái bếp. Tôi muốn nổi cơn lên nưã...
Ðợi cho Khôi hấp tấp buớc qua chỗ núp, tôi gọi lớn:
-Khôi! Ðứng lại!
Tống Châu Khôi giật mình, nhìn quanh. Thấy tôi, hắn lúng búng:
-Tớ.. tớ đi bơm banh!
Tôi nghiến răng, vung tay vào mặt hắn, chửi liền:
-Ð.M. Mày làm ăng ten phải không? Mày đâu có nhiệm vụ bơm banh. Bơm banh đã có Thịnh lo, không phải mày. Mày báo cáo cái gì đó?
Tống Châu Khôi sợ hãi, xuống giọng:
-Tớ.. tớ nói thật mà! Ðây, banh nè!
Tôi nổi nóng, tiến tới, tính dọng cho hắn một quả. Hắn co cẳng chạy tuốt.
Ðã tính ruợt theo, rồi thôi. Ðã tính báo cho anh em hay, rồi cũng thôi. Tôi nghĩ rằng tên này sẽ hết dám. Thôi, tha Tào! Ðâu có ngờ vì sự yếu đuối cuả tôi, mà đời tôi tan nát.
Cuối năm 78, bộ đội bỏ đi, bàn giao lại cho Công An. Khi Công an tới, chúng khôn ngoan, không tỏ thái độ gì, chỉ xào lại danh sách. Từ K4 sang K3, từ K1 qua K2... Nghĩa là không cho bạn bè gần nhau nữa. Trại K4 nơi tôi ở toàn mặt mới. Không còn mấy nguời cũ đã từng nghe tôi kể chuyện, đã từng chứng kiến tôi đối đầu với quản giáo, hoặc ca hát, muá may cho anh em coi. Không khí căng thẳng hẳn lên. Nhiều xung đột xẩy ra, dẫn đến đánh nhau. Khi nghe báo cáo có mấy việc đánh nhau, tên quản trại chỉ nói:
-Việc cuả các anh, tôi chỉ quản lý nhân số thôi.
Thế là bùng lên một làn sóng dư luận sôi nổi. Nào là "công an sắp bàn giao cho Mỹ rồi", "Cờ ba sọc đã đuợc kéo lên ở Dinh Ðộc lập rồi", "Nguyên soái Nguyễn Cao Kỳ đã về đến Trảng Bom rồi"...Nghe tin này, nhiều anh em hùng khí nổi lên, đi đánh "ăng ten" lia chia. Tôi thấy tình hình hỏng bét, lên tiếng báo động:
-Anh em không biết đâu. Công an có nghề cuả chúng. Bây giờ, mới bàn giao, chúng cần tìm hiểu xem ai là ăng ten, ai chống đối. Chúng chờ cho ta ra mặt là chúng vớt, y như vớt bèo trong ao. Ðừng có nóng vội!
Ðang lúc xung động, đang hăng say đi đánh ăng ten mà không gặp trở ngai, những lời khuyên chí tình cuả tôi, như dầu đổ vào lửa. Mấy nguời mới đến nhìn tôi, nghi hoặc. Một chiều, nguời nằm sát tôi nhiều năm là Hưá Sang, Thiếu Uý Nhẩy Dù, ghé tai tôi nói nhỏ:
-Chết mẹ! Chúng nó định đánh anh rồi! Tôi cố cản, nhưng coi bộ không xong!
Tôi hỏi Sang:
-Cậu nằm trong ban "hành động", vậy mà cậu không bênh vực cho công lý ư?
Sang buồn bã:
-Anh hiểu cho tôi. Cả băng chúng nó, toàn thằng mới, có mình tôi, nói ai nghe.
Thuyết mập, ở nhà 16, nguời say mê nghe tôi kể chuyện, cũng chạy sang:
-Ông cẩn thận, có thằng nó tố ông là ăng ten. Tôi đang thuyết phục tụi nó.
-Ai tố tôi vậy?
-Không biết ai nữa!
A Cửu thì cẩn thận hơn:
-Tôi đi lanh quanh gần ông. Ðưá nào đụng đến ông, tôi nhẩy vào can thiệp.
Còn Hùng, Hoàng (Ðại Uý Công Binh) là những nguời cùng ở với tôi một thời gian dài thì chỉ nhìn tôi, thở dài. Nhìn quanh, toàn khuôn mặt mới lạ, đằng đằng sát khí.
Tôi vẫn cố khuyên bạn bè:
-Các bạn nhớ là công an nó sẽ vớt các bạn đó. Nên cẩn thận.
Còn cá nhân tôi, bình tĩnh chờ đợi. Khi không thể tránh đuơc rủi ro, thì cứ nhìn thẳng vào mặt nó.
Ðêm ấy, tôi hơi buồn. Bạn bè ra ngoài hội truờng hết rồi. Không khí căng như dây đàn. Tôi lấy cây đàn thân yêu ra ngồi xổm duới đất, chơi mấy bài nhạc cũ. Bất ngờ, đèn tắt phụp. Vưà ngơ ngác nguớc lên, thì "bụp", một cú đá bay vào giưã mặt! Với phản ứng quen, tôi lộn nhào ra sau, tránh đuợc cú thứ hai, và đứng dậy luôn. Trong ánh sáng mờ mờ, tôi thấy có bốn khuôn mặt lạ hoắc, chưa hề biết là ai, đứng nhìn tôi chằm chằm.
Bình tĩnh lau máu từ mũi chẩy ra, tôi hỏi:
-Các anh là ai? Tại sao lại đánh tôi?
Mấy nguời kia không nói nửa lời. Họ không tấn công nữa, khi thấy tôi thủ tấn vững vàng. Nhìn tôi chừng vài phút, nhóm nguời lẳng lặng bỏ đi. Tôi buồn bã lê buớc về chỗ ngồi. Vừa lúc ấy, Hưá Sang chạy về, hốt hoảng:
-Chúng nó đánh anh rồi hả?
Tôi gật đầu. Hưá Sang đẩy tôi ngồi xuống, lấy khăn mù xoa ra thấm máu cho tôi, rồi vắt khăn đi. Vì bị đá bằng một bàn chân rất mạnh, mũi tôi bị vỡ toang, xuơng bị dập, máu ra nhiều đến nỗi vắt đuợc thành giòng. Cùng lúc đó, A Cửu cũng chạy về, thấy máu tôi ra đầy áo, A Cửu lột áo tôi, và thay áo mới. Hùng kinh nghiệm hơn, giục Hứa Sang:
-Mày ra lấy nuớc, tao đun cho ảnh một chậu nuớc nóng.
Cả ba chăm sóc tôi kỹ luỡng như những Ma Sơ. Tôi bồi hồi nhìn các bạn, cám ơn nghẹn lời. Liếc qua cửa, tôi thấy ba bốn khuôn mặt vưà đánh tôi cũng đang ngạc nhiên nhìn vào, không hiểu sao một tên ăng ten lại đuợc anh em thuơng như vậy.
Sau khi thay quần áo xong, Hưá Sang, với hai bàn tay cứng cáp, bóp tay chân, lưng, cổ cho tôi. Mãi một lúc sau, Thuyết mới về tới. Cả Thắng "ròm" nữa. Bạn thì sưả lại cây đàn, bạn xếp dọn chỗ nằm cho tôi. Tôi vừa nói lời cám ơn thì tất cả đều gạt đi. Cùng lúc ấy, điều tôi tiên đoán đã xẩy ra. Sau nhiều ngày bỏ mặc, Công an đã bất ngờ nhẩy vào, bắn súng ầm ĩ, đạn chạm vào mái tôn, bật ra, kêu leng keng. Bọn chúng tràn vào như chó sói:
-Ở đâu, yên đó. Nhúc nhích, bắn chết mẹ!
Thế là anh em bị dính trấu. Không chạy kịp về phòng mình, một số anh bị còng ngay. Lần luợt, công an vào từng nhà, lôi các nguời bị đánh đi hết sang K.30 là khu bệnh xá. Tới luợt nhà 12, hai tên công an buớc vào hỏi ầm ĩ:
-Nhà này! Có ai bị đánh không?
Vì tôi không muốn xa anh em, nên lẳng lặng gục đầu xuống, dấu bộ mặt máu me. Ðã tuởng thoát nạn, tên công an sắp buớc ra, thì anh Hoàng, nhà truởng, lại đột nhiên đứng dậy, chỉ tay vào tôi. Tên Công an tiến tới:
-Anh này, quay mặt ra đây coi!
Không còn cách nào khác, tôi phải quay ra, và phải đi theo tên công an kia, sang K 30 bên cạnh. Lòng buồn như chết.
Ngay buổi sáng hôm sau, bọn công an uà vào trại, bắt ráo những nguời trong ban "hành động". Chúng khai thác tôi rất kỹ, nhưng tôi nhất định không khai. Tôi nói vì tắt đèn tối thui, tôi không nhìn thấy ai. Vì thế, mà chỉ đến ngày thứ ba, sau vụ đánh, thì anh em mới hiểu là họ đã mắc mưu kẻ chia rẽ rồi. Lý do đơn giản: tất cả những ai ở trong ban Hành Ðộng, lập danh sách, và đi đánh nguời đều bị nhốt con-nếch hết. Còn nhóm đánh tôi đều bình an! Tối hôm thứ ba, anh Nguyễn Lê Tuấn, gốc K.3, liều mạng chui rào qua thăm tôi! Anh là một chủ chốt trong nhóm "hành động". Việc anh liều chui qua hai lần hàng rào để thăm tôi là một hành động nguy hiểm, lính canh mà thấy là ăn đạn ngay.
Anh nói nhỏ:
-Tôi thay mặt nhóm để xin lỗi ông! Bây giờ, hỏi thăm anh em cũ, mới biết mình lầm. Ông chính là anh hùng của trại, lại bị oan, rồi kiên quyết không khai anh em, bọn tôi xin lỗi.
Tôi bồi hồi, xúc động:
-Không sao! Ở đời, ai chẳng có lúc nhầm. Biết đuợc mình nhầm, mà nhận lỗi, mới là anh hùng thiệt. Cám ơn các bạn.
Nguyễn Lê Tuấn trầm ngâm một lúc, rồi đưa ra đề nghị làm tôi tá hoả tam tinh:
-Tuị tôi.. mong ông trở về trại, lãnh đạo anh em!
Nghe Tuấn nói, tôi ngẩn nguời, lắp bắp:
-Ông nói sao?
Tuấn nghiêm mặt:
-Tụi tôi muốn ông làm lãnh đạo. Ông vừa can truờng, vừa tình cảm. Mong ông nhận lời.
Tôi bối rối quá, không biết nói sao, chỉ biết ú ớ:
-Nhờ ông chuyển lời giùm tôi, cám ơn anh em. Ðã hiểu nhau, là vô cùng cảm động rồi, lại đuợc anh em thuơng mến, tôi xúc động lắm. Xin anh em tha thứ cho tôi, khi hiện giờ, tôi không thể làm chi đuợc. Xin chờ cho tôi có cơ hội về lại trại nhe.
Cầm lấy tay Tuấn, tôi muốn khóc:
-Ông cẩn thận khi về trại. Bọn gác mà biết, nó bắn ông, không tha.
Nhìn theo bóng Nguyễn Lê Tuấn len lách, chui bò qua hàng rào, mà ruột gan tôi nóng bỏng. Tôi run nguời, chỉ sợ nghe thấy tiếng la "Ðứng lại" là một anh hùng ngã xuống.
May sao, không có chi. Bóng tối đã che chở. Ðuợc thể, tối hôm sau, Thắng "ròm" chui qua, dúi vào tay tôi mấy viên thuốc đau nhức:
-Ông cầm lấy, tôi biết ông bị đau lắm!
Tôi ôm lấy bạn hiền, mà nuớc mắt ưá ra.
Tối hôm ấy, tôi phải một phen lo sợ. Vưà lúc sắp đưa Thắng về, tự nhiên, tên gác nghi ngờ, buớc vào phòng, la to:
-Ở đâu, yên đấy! Không đuợc di chuyển.
Không biết làm sao hơn, tôi đẩy Thắng chui ngay xuống gầm cái chõng tre tôi đang nằm, rồi giải tấm chăn ra, cho thòng xuống hai bên. Tôi nằm trong chăn, trợn mắt méo mồm, như đang bệnh nặng. Tên gác đi qua, nhìn tôi rồi bỏ đi. Tim tôi đập mãi như trống làng cho đến khi biết chắc tên gác đã về, tôi mới đẩy Thắng ra.
Ngày kế tiếp, vì không muốn cho anh em lây hoạ về mình, tôi quyết định cũng vuợt rào về trại cũ. Ðợi khi khuất bóng trăng, tôi chùi xuống đất, vưà bò vưà gạt kẽm gai, vào tới đất trại cũ, tôi vui mừng đi kiếm bạn. Gặp ngay Trần Ðức Thịnh, anh kều tôi vào nhà, rót cho tôi một ly trà nóng, và xác nhận:
-Có tên... lập danh sách đánh ông để trả thù cá nhân. Nguời cũ, ai cũng biết nó là ăng ten, chỉ trừ có những anh em mới, không rõ, nên mới mắc mưu nó. Bây giờ mới hiểu, họ cô lập nó rồi. Nó không dám gặp mặt ai, cứ trốn trong nhà như chó cún.
Tôi cuời:
-Thôi, kệ nó với Trời. Kẻ nào gieo ác thì sẽ gặp ác.
Rồi tôi chaỵ đi kiếm Hưá Sang, Hùng, A Cửu, Thuyết. Gặp nhau .. băng đã đánh tôi hôm nọ. Mấy anh đang ngồi chơi, thấy tôi vào thì giật mình. Tôi vẫy tay chào họ, mỉm cuời. Họ hơi gật đầu chào lại. Không muốn làm cho họ khó chịu, tôi đi chỗ khác chơi.
Bắt tay, trò chuyện một hồi, đã tới nửa đêm, tôi phải chui rào về lại K.30. Biết một đi là không có dịp gặp lại, lòng tôi nao nao.
Rồi K. 30 cũng giữ chân tôi thêm vài năm, thêm bao kỷ niệm, truớc khi đuợc tha vào cuối năm 1980.
Sau đó, không ngờ lại gặp Nguyễn Lê Tuấn, bán vật liệu xây dựng ở Lý Thuờng Kiệt, Tân Bình. Gặp Trần Ðức Thịnh, gặp Phạm Thanh Tâm, đội 2, Mùi "rỗ", Truờng "lắc", Hùng "Rống". Qua Mỹ lại gặp biết bao nguời xưa. Mừng mừng vui vui. Kể chuyện về trại tù như một thời gian rèn luyện tâm hồn. Từ đó, mà tôi liều mình đứng ra tổ chức Cây Mùa Xuân H.Ô năm 1991 và 1992. Với sự tiếp tay cuả các bạn đồng tù, các bạn H.Ô, lại tổ chức Tù Ca năm 1993 và 1994.
Tối hôm đó, trăng sáng mông mênh. Cả vài trăm anh em ngồi xếp bằng ngoài sân, nghe những ca sĩ "tù" hát "Love Story", "Anh đến thăm em một chiều mưa"... Trong ánh trăng bàng bạc, cảnh tượng một nhóm đông người ngồi yên lặng nghe nhạc, gợi lên trong chúng tôi, những tình cảm bàng hoàng không thể tả được. Tôi đứng lặng người, say sưa nghe hát. Bất ngờ, cảm giác thấy có hơi thở dồn dập gần tai, tôi vội quay lại, và điếng người khi thấy tên Chính Ủy đang đứng sát tôi, chăm chú lắng nghe! Vội vàng, lật bật, tôi đá chân vào bàn "lạch cạch, lạch cạch". Tuấn nhận ra dấu hiệu trước nhất, anh chuyển "tông" ngay sang "Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi dép không mòn..."
Cả ba bạn kia lập tức họa theo. Tên chính ủy đứng thêm một lúc, thấy hát nhạc "cách mạng" thì thở dài:
-Tưởng gì! Nghe nhạc này, chán bỏ mẹ!
Rồi quay đi. Cả bọn tôi thở dài. Phen này, cả lũ xuống hố rồi! Hai ông bạn làm "lính gác giặc" vì mê say nghe nhạc quá, đã từ từ bỏ vị trí vào tuốt bên trong, nên khi tên chính ủy vào, chả ai biết. Chương trình văn nghệ chấm dứt. Anh em lục tục về lán.
Ngày hôm sau, anh Mừng đi họp sớm về, gọi tôi vào:
-Này, tên chính ủy nó hỏi tôi, ai tổ chức, tôi đành phải bảo tên ông, vì không thể nói tên anh em khác. Nó bảo tôi : "Bảo thằng Tiến dẹp đi! Lần sau mà còn tổ chức hát nhạc đồi truỵ nữa, tao bắn bỏ mẹ!"
Thái độ hăm dọa nhẹ nhàng đó, có lẽ vì anh em hát hay qúa! Nhất là Ngô Phước Cương, giọng ca điêu luyện hơn các ca sĩ ngoài rất nhiều. Khi anh hát bài "Love Story" đến đoạn điệp khúc, giọng anh cao vút, khiến ai cũng mê mẩn.
Ban Văn Nghệ cuả chúng tôi, hồi đó, còn Ðiền, một nhạc sĩ trẻ. Anh chơi ghi-ta sôlô hay lắm, nhưng rất tiếc, anh không thuần nhịp. Khi vào ban nhạc, có bass, có ghi-ta "lead", có đàn "accord", tiếng đàn solo cuả anh lạc điệu. Tuấn cố gắng chỉnh hoài, nhưng không đuợc, nên đành cho anh ra ngoài ban, chỉ chơi solo một mình. Ðiền buồn lắm. Anh chỉ còn một nguời bạn thân, là con chim trắng có ngù, đẹp tuyệt, mà anh đã dậy bao ngày. Con chim cứ nằm trong túi áo cuả anh, thỉnh thoảng thò đầu ra, duơng ngù lên như chiếc mũ cuả lính La Mã. Số phận đắng cay không tha anh, khi qua Suối Máu, anh bị ung thư ruột. Những ngày cuối đời, tôi cứ phải sang anh vào buổi tối để làm massage cho anh ngủ, nếu không, thì anh đau lắm, gào thét kinh hoàng. Ðiền ra đi, khi anh vưà mới độ ba muơi.
Không được tổ chức nhạc vàng nữa, mỗi tối, tôi bắt đầu kể chuyện phim cho một số bạn bè thân thiết nghe. Trong số đó có Thanh, Huệ, Tập (Khối Phó Khối 3), Nguyễn Vũ (họa sĩ), Ngô Ngọc Trác (QGHC), Thắng và vài anh em khác. Nếu tôi nhớ không lầm, trong khối 3 có nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Hữu Ủy. Vì việc kể chuyện phim như vậy, mà anh em gọi tôi là "Máy chiếu phim" hay "Nhà sản xuất phim ảnh". Mỗi lần kể, là được một chén trà "quặu", đặc quánh. Kể chuyện phim mãi cũng hết, tôi quay sang chuyện "chưởng". Tôi thuộc hai bộ "Lộc Ðỉnh Ký" và "Cô gái Ðồ Long" như húp cháo. Từ khi kể chuyện "chưởng", số người nghe tăng lên dần. Từ 5, 6 bạn đến vài chục người. Mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, là anh em giục giã:
-Nhà chiếu phim đâu rồi! Ra đây! Ra đây mau lên! Khán giả đang chờ!
Và cứ thế, tháng ngày ở Kà Tum trôi qua, trôi qua!
Ðến năm 1978, chúng tôi chuyển trại về Suối Máu. Tôi được bổ vào Ðội 3, Nhà 12, K 4. Anh Mừng vẫn làm Ðội (Khối ?)Trưởng. Số tôi vất vả, nên sau khi các đội, khối họp lại, anh em vẫn chỉ định tôi làm Trưởng Ban Văn Hóa, Văn Nghệ, nghĩa là vừa Múa, hát, đóng kịch, vừa làm Bích báo mỗi khi có lễ, tết. Cùng làm việc với tôi có Tống Châu Khôi, Tham Sự Hành Chánh, làm Trưởng Ban Thể Thao. Tôi kiêm luôn Trưởng Ban Vũ, phải lựa 5 bạn có chân tay dẻo cùng với tôi làm thành một ban Vũ gồm 6 ngươiø, đi múa cho các trại bạn coi chơi. Với anh Hùng làm cố vấn, chúng tôi tập cho anh em múa Sạp bằng thanh tre. Vì không có nữ, nên tôi chuyên giả gái! Múa Guatamela, thì làm cô Mễ, múa Lơ thơ tơ liễu buông mành, tôi làm cô thôn nữ, vấn khăn mỏ quạ, áo tứ thân, yếm hồng, tay cầm quạt giấy, uốn éo. Cùng với Minh "lùn" (chuyên viên làm ảo thuật), cặp chúng tôi làm anh em cười bò lăn, vì cô thôn nữ quá cao, trong khi anh chàng kia qúa thấp. Sau khi tôi múa xong, bạn bè chạy vào nắm tay, sờ má tôi, nói:
-Mẹ kiếp! Cô này là cô Tây Lai, chứ con gái Việt nam sao mà cao quá!
Vài anh chạy lại, quơ tay quơ chân. Tôi giả bộ uốn qua uốn laị, tránh né.
Chúng tôi cười nghiêng ngả cho quên buồn.
Thực tế, những niềm vui ấy chỉ hiếm họa mới xẩy ra một năm hai, ba lần, còn lại lao động cật lực.
Những ngày tháng buồn tẻ, mệt mỏi duờng như dài hơn thuờng lệ. Tôi trở lại với chuyện "chuởng", với Ðồ Long Ðao, Truơng Vô Kỵ và Triệu Minh. Nhà 12 cuả tôi, buổi tối, biến thành sân khấu. Tôi ngồi trên võng đầu nhà, anh em ngồi nghe chăm chú. Bên cạnh tôi, luôn luôn có một ly nuớc trà, hay một chén chè ngọt. Kể chuyện như thế, đời tôi qua đi trong hạnh phúc. Nhưng cũng có lúc tái nguời.
Một hôm, tôi đang kể đến khúc Truơng Vô Kỵ đang ở nhà cuả hai chuởng môn phái Côn Lôn là Hà Thái Xung và Ban Thục Nhàn để chưã bệnh cho nguời vợ thứ năm cuả Hà Thái Xung bị hai con Kim Ngân, Huyết Xà cắn, bỗng nhìn thấy mặt anh em tự nhiên căng thẳng lạ lùng, cứ nhìn lên đầu võng mình chăm chăm. Tôi giật mình quay lại, thì thấy tên Chính Uỷ đang đứng ngay đầu võng cuả mình. Phen này thật khó sống yên. Trong một tích tắc, não tôi làm việc không ngừng, tôi cứ tỉnh bơ, coi như không có gì, tiếp tục kể, nhưng về các phuơng thuốc Nam! May mắn là đúng vào lúc mà Vô Kỵ đang tìm cách chữa bệnh cho cô Năm, nên tôi nặn óc tiếp theo:
-Mỗi buổi sáng, với nguời bị loại rắn Kim Ngân này cắn, phải tìm cho ra các vị sau đây: Lan linh chi, một gói, tì suơng hai chỉ, lạc đỉnh hồng, một cân, khổng tuớc đàm một chỉ. Hoà tất cả vào trong một ly nuớc. Cất chừng 3 tiếng đồng hồ, còn lại một chút cặn, đổ thêm nuớc vào, nấu tiếp cứ 3 thành 1. Cho nguời bệnh uống... Với nguời bị Huyết xà cắn thì khác hơn, buổi sáng ra ngoài vuờn , tìm ra cây Nhị tiên Hồng, có hoa mầu đỏ mềm, cánh nhỏ, đào xuống ba tấc...
Tôi cứ vừa mở miệng nói, vưà dùng óc, nặn ra các toa thuốc không có trên thế gian này, vưà nhìn thẳng vào anh em, như đang mở lớp dậy thuốc Nam vậy. Tên Chính Uỷ nghe mấy danh từ quái đản này khoảng 15 phút thì chán, bỏ đi. Sau khi hắn vưà ra khỏi nhà, tôi gục xuống liền. Vì động não quá sức, cứ cố tìm ra các tên thuốc tầm bậy tầm bạ, nên mệt lử, nằm thẳng cẳng.
Nhưng không vì vậy mà chuơng trình chuyện "chuởng" chấm dứt. Tôi kể hết nhà 12 thì sang nhà 16, đội 4, kéo dài cả năm trời. Mỗi buổi chiều, sau khi ăn xong, Tống Châu
Khôi, nhà 16, chạy qua nhà 12:
-Sư phụ! Sư phụ qua mau, anh em đang chờ.
Tôi còn mệt mỏi, tần ngần chưa qua, thì Tống châu Khôi tiến lại:
-Sư phụ để đệ tử cõng qua.
Việc phục vụ anh em hình như đã nằm trong máu tôi, nên không có cơ hội nào bảo vệ đuợc anh em, mà tôi lại không làm.
Một buổi tối, khoảng 7 giờ, đột nhiên tên Chính Uỷ mặt nám (mặt tên này bị một miếng nám đen ngay má), cho gọi tôi ra hội truờng, nơi treo bích báo kỷ niệm 2 tháng 9. Nhà tôi ngay cạnh hội truờng, nên vưà buớc ra khỏi cửa đã thấy anh Trần Ðức Thịnh, Ðại diện trại và tên mặt nám đứng đó. Anh Trần đức Thịnh, giáo sư Nguyễn bá Tòng, (hiện đang ở Canada) là nguời cứu mạng tôi hôm đó. Không có anh, đời tôi đã tiêu diêu miền nào rồi.
Tên mặt nám vẫy tôi vào chỗ treo tờ bích báo cuả Ðội, gằn giọng:
-Anh vẽ gì đây? Bôi bác chế độ hả? Vẽ gì mà tay què, tay cụt? Chê công nghiệp mất cân đối hả?
Nhìn lại tờ bích báo, thấy trên phần tưạ đề "Quyết Tâm", có hình một anh công nhân đội mũ bảo hiểm, một tay giơ lên, tay kia bỏ xuống, nhưng vì chỉ có một khung ngang, nên phần duới không có. Tôi nhún vai:
-Anh coi lại đi! Nếu tôi vẽ giơ cả hai tay lên, thì anh nói là "đầu hàng", nếu để cả hai tay xuống, thì lại là cụt cả hai tay sao? Ở đây, cái khung ngang, hẹp, nên tôi chỉ có thể vẽ một tay giơ lên thôi. Ðâu có gì là công nghiệp mất cân đối đâu!
Tên chính uỷ lại chỉ vào một logo cuả anh Minh vẽ hình chiếc xe máy cầy:
-Còn cái này nữa, bánh xe gì mà bị dây kẽm gai cuốn vào? Ý đồ muốn ám chỉ là công nghiệp Xã hội chủ nghĩa bị trì kéo lại hả?
Tôi bắt đầu mất bình tĩnh:
-Anh nói sao? Ðây là cái xe mới cáo. Bánh xe còn nguyên gai cao su, chúng tôi chỉ vẽ đại khái thôi, làm sao mà có kẽm gai ở đây?
Chưa thôi, tên Mặt Nám lại gõ tay vào bài viết cuả anh Giáo Sư Nguyễn văn Phú, (sau làm giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật Thành Phố):
-Này, xem này! Ðúng là kêu gọi anh em Trở Cờ, chống phá cách mạng. Còn cãi cái gì nữa?
Tôi đọc lại bức thư. Thì ra, đó là hai câu viết cho bạn bè ở nhà. Câu trên viết: Tôi mong có ngày chúng ta cùng "Trở". Hết hàng, xuống dòng, câu sau: để cùng nhau có cơ hội mà chơi "Cờ"... Hai chữ "Trở" và "Cờ" viết ở cuối hàng một cách vô tình, nhưng tên Mặt Nám này cố tình hãm hại nguời ngay. Thái độ cố tình gán ghép này để tìm ra một con dê tế thần đây. Ðột nhiên, tôi nổi điên lên:
-Tôi nói cho anh biết. Anh chỉ bới bèo ra bọ! Chẻ sợi tóc làm tư làm tám. Kiếm cớ hại nguời. Chúng tôi đâu có ngu. Ở tù như cá nằm trên thớt, anh muốn bắn, muốn giết lúc nào chả đuợc. Chúng tôi có chống anh, thì chống ở trong đầu đây nè, đâu có ngu mà chống trên giấy trắng mực đen như thế! Hai chữ này ở hai hàng khác nhau. Vô tình mà viết ra như thế. Anh muốn kiếm cớ để bắn tuị tôi chứ gì? Mẹ kiếp! Ðã thế, tôi nói cho anh biết, bắn thì bắn mẹ nó đi, đừng nói lòng vòng. Tôi đây này. Muốn bắn muốn giết thì cứ ra tay nhanh đi!
Thấy tôi nổi cơn nói một tràng, tên Mặt Nám cũng nổi cơn theo. Hắn chụp tay xuống bao súng, quát lên:
-À, thằng này chống đối cách mạng hả!
Anh Thịnh, cứu tinh, ngay trong phút giây ấy, vội giơ tay cản tên Mặt Nám:
-Khoan! Khoan! Cán bộ! Anh Tiến chiều nay bị "ấm đầu". Anh ấy mê sảng, nói tầm bậy, tầm bạ. Cán bộ đừng để ý.
Rồi anh quay về phiá nhà tôi, nói to:
-Anh em ơi! Ra cạo gío cho anh Tiến đi này! Anh ấy bắt đầu nói sảng rồi!
Trong khi tôi bị gọi lên hội truờng, một số anh em đã đi theo, đứng ngoài cưả ngó vào. Vưà nghe thấy anh Thịnh gọi ầm lên như thế, hai ba anh chạy ra ngay. Mấy anh đè ngay tôi ra đất, lột áo lên, làm massage liền, trong khi đó, A Cửu, Vua đan giỏ, đổ dầu gió vào lưng tôi, cạo soẹt soẹt.
Tên Mặt Nám đứng ngớ nguời ra, tay buông khỏi cây súng, rồi phải bỏ về. Anh Thịnh trách tôi:
-Anh nóng quá! Phải bình tĩnh để sống còn. Mai mốt trả thù không muộn. Hồi nãy, tôi không nhanh trí, thì anh mất mạng rồi! Còn đâu mà trả hận nữa!
Tôi cám ơn anh Thịnh và dặn lòng đừng làm Truơng Phi nữa. Ngày hôm sau, tên Mặt Nám kêu tôi lên phòng, chỉ vào mặt, mắng:
-Anh là thằng phản động, nhưng may mắn. Lần sau mà còn thế nữa, tôi bóp cò không tha!
Tôi chỉ mím môi, không nói chi, và gật đầu, đi về. Không làm Truơng Phi, đôi khi cũng hay.
Nhưng chỉ đuợc một thời gian, tính nào tật ấy, không bỏ đuợc, xém mất mạng. Lần này, đau đớn hơn, không mất mạng, mà mất danh dự.
Hôm ấy, như mọi ngày, nhà 12 chúng tôi trách nhiệm gánh phân tuơi ra đổ ngoài ruộng rau cho cán bộ. Khoảng gần 30 nguời lê buớc duới nắng gắt cuả trại Suối Máu, Biên Hoà về đến cổng trại cỡ 1 giờ trưa, đói lả. Vưà tới cổng trại, bỗng nhiên tên Sáu Méo, (chúng tôi đặt tên thế vì miệng hắn bị méo) quản giáo đội 3, hô lớn:
-Ðứng lại!
Tất cả ngơ ngác đứng nhìn tên Sáu Méo. Hắn tiếp tục hô to:
-Dàn hàng ngang ra, nguời này cách nguời kia một thuớc.
Lại đứng dàn hàng ngang, cách nhau một thuớc. Tôi cũng đứng theo lệnh, nhưng đến khi lệnh kế tiếp thì khựng lại:
-Tất cả quỳ xuống, dang tay ra!
Anh em chới với, trợn mắt. Thấy chưa ai thi hành, Sáu Méo gào to:
-Tôi "lói": quỳ xuống! Dang tay ra!
Sáu Méo rờ tay vào cây súng lủng lẳng bên hông:
-Nghe không? Quỳ xuống!
Ở đầu hàng bên kia, sát với chỗ Sáu Méo đứng, một vài anh lục tục cử động, có vẻ muốn quỳ. Ðột nhiên, tôi lại lên cơn điên. Tôi giơ tay, nói lớn:
-Chúng tôi không quỳ! Yêu cầu anh cho biết lý do.
Thấy một tên phản động lớn tiếng, Sáu Méo nhẩy ngay lại, tay phải rút súng, tay trái chỉ mặt tôi:
-A! Thằng "lày"! Mày chống đối cách mạng hả?
Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn:
-Không chống đối chống điếc gì cả! Nhưng chúng tôi không quỳ! Anh có thể cùm giam chúng tôi, nhưng không đuợc làm nhục nhân phẩm chúng tôi.
Tên kia cũng bắt đầu nổi điên. Hắn lên đạn cái xoẹt, chiã ngay súng vào mặt tôi:
-Mày dám?
Nhìn thấy họng súng đen ngòm chĩa ngay vào mặt, tôi nổi xung thiên:
-Bắn hả? Bắn đi! Tôi nói cho anh biết, có bắn thì cứ bắn ngay mặt nhé! Ðừng bắn sau lưng, đừng bịt mắt! Tôi không sợ! Chỉ tức cái vô lý thôi! Tự dưng bắt quỳ mà không có lý do, muốn nhục mạ nhân phẩm Sĩ Quan Quân Lực Cộng Hoà à? Ðừng hòng! Chuyện gì cũng phải có lý do.
Sáu Méo, dân Bắc Kỳ vùng cao, thấy tôi cứng cưạ, cũng tự nhiên chùn tay. Hắn hậm hực:
-"Ní" do hả? "Lói" thì "nắm", "nàm" thì "nuời". "Nàm" không chất "nuợng". Ði đứng uể oải, như một lũ công tử bột!
Tôi chỉ tay vào đống quang gánh:
-Nhìn kià! Sáng nào tụi tôi cũng gánh đúng 50 kí lô phân tuơi, đi bốn lần, mỗi lần 5 cây số, tổng cộng là hai muơi cây số, mà cho ăn chỉ có hai củ khoai mì bằng hai ngón tay chéo. Lấy sức đâu mà làm? Anh chạy xe gắn máy, cũng phải đổ xăng thì xe mới chạy. Tụi tôi không có ăn, làm như vậy là quá sức rồi, còn thế nào nưã mới đủ chất luợng?
Nghe tôi nói một tràng như bắn ra-phan, tên Sáu Méo ngẩn nguời ra. Hắn đứng suy nghĩ một hồi, rồi hậm hực đút súng vào bao, hất hàm:
-Ðuợc rồi! Ðể đấy, về trại đi, tôi kiểm tra, anh mà "lói náo", tôi xử lý anh ngay.
Tôi cũng hất hàm:
-Cứ kiểm tra. Nếu tôi nói không đúng, anh cứ việc bắn liền. Thoải mái!
Tên Sáu Méo ra lệnh cho anh em nhà 12 về. Tôi vưà ngồi, thở ra đuợc một lúc, thì đã thấy Sáu Méo đến gọi "ra đây!" rồi đi truớc, tới nhà bếp. Tôi lẳng lặng theo sau, đầu cúi xuống, vì mệt mỏi. Con đuờng từ nhà 12 , đội 3 đến nhà bếp phải qua đội 2 gồm 4 dẫy nhà đâm ngang ra con đuờng đi chung. Sau đó, tới đội 1, gồm 4 căn nhà nữa, mới tới bếp. Ðây là con đuờng đau khổ nhất cuả cuộc đời tôi, vì chính nó đã làm cho tôi "thân bại, danh liệt". Ðang lầm lũi đi theo sau tên Sáu Méo đến nhà bếp để chứng minh, đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng nói nhỏ, phát lên từ một căn nhà đội 2:
-Ð.M. Ăng ten đi báo cáo!
Nghe mấy tiếng ấy, tôi rùng mình, muốn ngừng thở. Tôi liếc về dẫy nhà đội 2, thấy mấy cặp mắt đang trừng trừng nhìn tôi. Lạy Chuá! Sao lại có chuyện như vậy đuợc? Chân tôi như tê dại đi. Tim đập thật mạnh đến nỗi tôi hơi lảo đảo. Tôi muốn kêu lên, nhưng miệng tắc nghẽn. Nhưng tôi vẫn phải đi theo tên quản giáo kia. Không thể đứng lại và phân bua...
Tôi không trách loài nguời, không trách Chuá, nhưng chỉ trách số phận tôi không may mắn. Oan ơi! Oan!
Run rẩy mãi cũng đến nhà bếp. Sáu Méo gọi to tiếng:
-Quản cơm đâu?
Anh Hai "néo", bếp truởng chạy ra. Quản giáo Sáu Méo chỉ tay vào một trong những cái xô nhôm đựng khoai mì mà hỏi:
-Mỗi cái xô này cho mấy nguời ăn?
Hai "néo" trả lời:
-Thưa cán bộ, 10 nguời.
Sáu Méo tiến lại, thò tay vào đếm số khoai, mỗi miếng chỉ dài hơn ngón tay giữa một chút. Tổng cộng có 19 miếng, không đuợc 20. Sáu Méo không nói gì, lẳng lặng ra về.
Ngày hôm sau, hắn tập họp đội 3 lại, phân công theo "tua", mỗi nhà đi một ngày. Ngày chẻ củi, ngày lấy phân, ngày gánh nuớc.. Nhà 12 chúng tôi không còn phải mỗi ngày mỗi đi lấy phân như truớc. Anh em hả dạ, nhưng riêng tôi, đau xót như có ai đâm vào tim mình. Thà nó bắn tôi lúc trưa ngày hôm qua... Trời ơi! Nuớc mắt tôi ứa ra. Tính tôi không hay khóc, nhưng khi đó, thì nuớc mắt chẩy đầy môi, mặn đắng. Tôi mà làm ăng ten ư? Trời! Bố tôi bị đấu tố, mẹ tôi bỏ xứ ra đi, chịu nghèo khổ kinh hoàng. Nhà có ba anh em, hai anh tôi thì động viên. Còn tôi, lính tình nguyện. Tôi đã từng làm đơn xin đi Nhẩy Dù mà bị bác. Sau đó, lại xin đi Bến Hải, Cà Mâu, cũng bị bác đơn. Giờ này, lại bị mang tiếng "ăng ten"! Ðau hơn dao cắt thịt.
Nhưng số phận đã như vậy rồi, đành chấp nhận khi không thể tránh. Tuy thế, sự nghiệt ngã vẫn chưa buông tha. Chắc kiếp truớc tôi làm ác, nên kiếp này, đành trả.
Một buổi trưa nắng, tôi mang cái long ghi-gô vào bếp, để hâm lại môn "cháo khoai mì", cháo làm bằng khoai mì, trộn thêm nuớc, rồi bóp cho mềm, đổ thêm muối, bỏ vào lòng bếp, một lúc sôi lên, thì là một món ngon lành. Vì bếp rất cao, tôi ngồi xổm một mình ở đó, không ai thấy, nên tình cờ tôi mới rõ một sự việc khiến cho tôi bị hoạ lớn.
Vừa lúc lon ghi-gô sôi sùng sục, tôi nguớc lên về phiá cổng gác, tới chỗ nhà cuả quản giáo, tôi thấy Tống Châu Khôi, Tham Sự Hành Chánh, nguời vẫn xưng là "đệ tử" với tôi, nguời vẫn cõng tôi đi kể chuyện "chuởng", vưà lùi lũi buớc ra khỏi nhà cuả tên Sáu Kéc, quản giáo đội 4, trên tay còn cầm quả banh! Tống Châu Khôi liếc tới liếc lui, không thấy ai, nên dọt lẹ vào cổng. Hắn không nhìn thấy tôi ngồi thấp hơn cái bếp. Tôi muốn nổi cơn lên nưã...
Ðợi cho Khôi hấp tấp buớc qua chỗ núp, tôi gọi lớn:
-Khôi! Ðứng lại!
Tống Châu Khôi giật mình, nhìn quanh. Thấy tôi, hắn lúng búng:
-Tớ.. tớ đi bơm banh!
Tôi nghiến răng, vung tay vào mặt hắn, chửi liền:
-Ð.M. Mày làm ăng ten phải không? Mày đâu có nhiệm vụ bơm banh. Bơm banh đã có Thịnh lo, không phải mày. Mày báo cáo cái gì đó?
Tống Châu Khôi sợ hãi, xuống giọng:
-Tớ.. tớ nói thật mà! Ðây, banh nè!
Tôi nổi nóng, tiến tới, tính dọng cho hắn một quả. Hắn co cẳng chạy tuốt.
Ðã tính ruợt theo, rồi thôi. Ðã tính báo cho anh em hay, rồi cũng thôi. Tôi nghĩ rằng tên này sẽ hết dám. Thôi, tha Tào! Ðâu có ngờ vì sự yếu đuối cuả tôi, mà đời tôi tan nát.
Cuối năm 78, bộ đội bỏ đi, bàn giao lại cho Công An. Khi Công an tới, chúng khôn ngoan, không tỏ thái độ gì, chỉ xào lại danh sách. Từ K4 sang K3, từ K1 qua K2... Nghĩa là không cho bạn bè gần nhau nữa. Trại K4 nơi tôi ở toàn mặt mới. Không còn mấy nguời cũ đã từng nghe tôi kể chuyện, đã từng chứng kiến tôi đối đầu với quản giáo, hoặc ca hát, muá may cho anh em coi. Không khí căng thẳng hẳn lên. Nhiều xung đột xẩy ra, dẫn đến đánh nhau. Khi nghe báo cáo có mấy việc đánh nhau, tên quản trại chỉ nói:
-Việc cuả các anh, tôi chỉ quản lý nhân số thôi.
Thế là bùng lên một làn sóng dư luận sôi nổi. Nào là "công an sắp bàn giao cho Mỹ rồi", "Cờ ba sọc đã đuợc kéo lên ở Dinh Ðộc lập rồi", "Nguyên soái Nguyễn Cao Kỳ đã về đến Trảng Bom rồi"...Nghe tin này, nhiều anh em hùng khí nổi lên, đi đánh "ăng ten" lia chia. Tôi thấy tình hình hỏng bét, lên tiếng báo động:
-Anh em không biết đâu. Công an có nghề cuả chúng. Bây giờ, mới bàn giao, chúng cần tìm hiểu xem ai là ăng ten, ai chống đối. Chúng chờ cho ta ra mặt là chúng vớt, y như vớt bèo trong ao. Ðừng có nóng vội!
Ðang lúc xung động, đang hăng say đi đánh ăng ten mà không gặp trở ngai, những lời khuyên chí tình cuả tôi, như dầu đổ vào lửa. Mấy nguời mới đến nhìn tôi, nghi hoặc. Một chiều, nguời nằm sát tôi nhiều năm là Hưá Sang, Thiếu Uý Nhẩy Dù, ghé tai tôi nói nhỏ:
-Chết mẹ! Chúng nó định đánh anh rồi! Tôi cố cản, nhưng coi bộ không xong!
Tôi hỏi Sang:
-Cậu nằm trong ban "hành động", vậy mà cậu không bênh vực cho công lý ư?
Sang buồn bã:
-Anh hiểu cho tôi. Cả băng chúng nó, toàn thằng mới, có mình tôi, nói ai nghe.
Thuyết mập, ở nhà 16, nguời say mê nghe tôi kể chuyện, cũng chạy sang:
-Ông cẩn thận, có thằng nó tố ông là ăng ten. Tôi đang thuyết phục tụi nó.
-Ai tố tôi vậy?
-Không biết ai nữa!
A Cửu thì cẩn thận hơn:
-Tôi đi lanh quanh gần ông. Ðưá nào đụng đến ông, tôi nhẩy vào can thiệp.
Còn Hùng, Hoàng (Ðại Uý Công Binh) là những nguời cùng ở với tôi một thời gian dài thì chỉ nhìn tôi, thở dài. Nhìn quanh, toàn khuôn mặt mới lạ, đằng đằng sát khí.
Tôi vẫn cố khuyên bạn bè:
-Các bạn nhớ là công an nó sẽ vớt các bạn đó. Nên cẩn thận.
Còn cá nhân tôi, bình tĩnh chờ đợi. Khi không thể tránh đuơc rủi ro, thì cứ nhìn thẳng vào mặt nó.
Ðêm ấy, tôi hơi buồn. Bạn bè ra ngoài hội truờng hết rồi. Không khí căng như dây đàn. Tôi lấy cây đàn thân yêu ra ngồi xổm duới đất, chơi mấy bài nhạc cũ. Bất ngờ, đèn tắt phụp. Vưà ngơ ngác nguớc lên, thì "bụp", một cú đá bay vào giưã mặt! Với phản ứng quen, tôi lộn nhào ra sau, tránh đuợc cú thứ hai, và đứng dậy luôn. Trong ánh sáng mờ mờ, tôi thấy có bốn khuôn mặt lạ hoắc, chưa hề biết là ai, đứng nhìn tôi chằm chằm.
Bình tĩnh lau máu từ mũi chẩy ra, tôi hỏi:
-Các anh là ai? Tại sao lại đánh tôi?
Mấy nguời kia không nói nửa lời. Họ không tấn công nữa, khi thấy tôi thủ tấn vững vàng. Nhìn tôi chừng vài phút, nhóm nguời lẳng lặng bỏ đi. Tôi buồn bã lê buớc về chỗ ngồi. Vừa lúc ấy, Hưá Sang chạy về, hốt hoảng:
-Chúng nó đánh anh rồi hả?
Tôi gật đầu. Hưá Sang đẩy tôi ngồi xuống, lấy khăn mù xoa ra thấm máu cho tôi, rồi vắt khăn đi. Vì bị đá bằng một bàn chân rất mạnh, mũi tôi bị vỡ toang, xuơng bị dập, máu ra nhiều đến nỗi vắt đuợc thành giòng. Cùng lúc đó, A Cửu cũng chạy về, thấy máu tôi ra đầy áo, A Cửu lột áo tôi, và thay áo mới. Hùng kinh nghiệm hơn, giục Hứa Sang:
-Mày ra lấy nuớc, tao đun cho ảnh một chậu nuớc nóng.
Cả ba chăm sóc tôi kỹ luỡng như những Ma Sơ. Tôi bồi hồi nhìn các bạn, cám ơn nghẹn lời. Liếc qua cửa, tôi thấy ba bốn khuôn mặt vưà đánh tôi cũng đang ngạc nhiên nhìn vào, không hiểu sao một tên ăng ten lại đuợc anh em thuơng như vậy.
Sau khi thay quần áo xong, Hưá Sang, với hai bàn tay cứng cáp, bóp tay chân, lưng, cổ cho tôi. Mãi một lúc sau, Thuyết mới về tới. Cả Thắng "ròm" nữa. Bạn thì sưả lại cây đàn, bạn xếp dọn chỗ nằm cho tôi. Tôi vừa nói lời cám ơn thì tất cả đều gạt đi. Cùng lúc ấy, điều tôi tiên đoán đã xẩy ra. Sau nhiều ngày bỏ mặc, Công an đã bất ngờ nhẩy vào, bắn súng ầm ĩ, đạn chạm vào mái tôn, bật ra, kêu leng keng. Bọn chúng tràn vào như chó sói:
-Ở đâu, yên đó. Nhúc nhích, bắn chết mẹ!
Thế là anh em bị dính trấu. Không chạy kịp về phòng mình, một số anh bị còng ngay. Lần luợt, công an vào từng nhà, lôi các nguời bị đánh đi hết sang K.30 là khu bệnh xá. Tới luợt nhà 12, hai tên công an buớc vào hỏi ầm ĩ:
-Nhà này! Có ai bị đánh không?
Vì tôi không muốn xa anh em, nên lẳng lặng gục đầu xuống, dấu bộ mặt máu me. Ðã tuởng thoát nạn, tên công an sắp buớc ra, thì anh Hoàng, nhà truởng, lại đột nhiên đứng dậy, chỉ tay vào tôi. Tên Công an tiến tới:
-Anh này, quay mặt ra đây coi!
Không còn cách nào khác, tôi phải quay ra, và phải đi theo tên công an kia, sang K 30 bên cạnh. Lòng buồn như chết.
Ngay buổi sáng hôm sau, bọn công an uà vào trại, bắt ráo những nguời trong ban "hành động". Chúng khai thác tôi rất kỹ, nhưng tôi nhất định không khai. Tôi nói vì tắt đèn tối thui, tôi không nhìn thấy ai. Vì thế, mà chỉ đến ngày thứ ba, sau vụ đánh, thì anh em mới hiểu là họ đã mắc mưu kẻ chia rẽ rồi. Lý do đơn giản: tất cả những ai ở trong ban Hành Ðộng, lập danh sách, và đi đánh nguời đều bị nhốt con-nếch hết. Còn nhóm đánh tôi đều bình an! Tối hôm thứ ba, anh Nguyễn Lê Tuấn, gốc K.3, liều mạng chui rào qua thăm tôi! Anh là một chủ chốt trong nhóm "hành động". Việc anh liều chui qua hai lần hàng rào để thăm tôi là một hành động nguy hiểm, lính canh mà thấy là ăn đạn ngay.
Anh nói nhỏ:
-Tôi thay mặt nhóm để xin lỗi ông! Bây giờ, hỏi thăm anh em cũ, mới biết mình lầm. Ông chính là anh hùng của trại, lại bị oan, rồi kiên quyết không khai anh em, bọn tôi xin lỗi.
Tôi bồi hồi, xúc động:
-Không sao! Ở đời, ai chẳng có lúc nhầm. Biết đuợc mình nhầm, mà nhận lỗi, mới là anh hùng thiệt. Cám ơn các bạn.
Nguyễn Lê Tuấn trầm ngâm một lúc, rồi đưa ra đề nghị làm tôi tá hoả tam tinh:
-Tuị tôi.. mong ông trở về trại, lãnh đạo anh em!
Nghe Tuấn nói, tôi ngẩn nguời, lắp bắp:
-Ông nói sao?
Tuấn nghiêm mặt:
-Tụi tôi muốn ông làm lãnh đạo. Ông vừa can truờng, vừa tình cảm. Mong ông nhận lời.
Tôi bối rối quá, không biết nói sao, chỉ biết ú ớ:
-Nhờ ông chuyển lời giùm tôi, cám ơn anh em. Ðã hiểu nhau, là vô cùng cảm động rồi, lại đuợc anh em thuơng mến, tôi xúc động lắm. Xin anh em tha thứ cho tôi, khi hiện giờ, tôi không thể làm chi đuợc. Xin chờ cho tôi có cơ hội về lại trại nhe.
Cầm lấy tay Tuấn, tôi muốn khóc:
-Ông cẩn thận khi về trại. Bọn gác mà biết, nó bắn ông, không tha.
Nhìn theo bóng Nguyễn Lê Tuấn len lách, chui bò qua hàng rào, mà ruột gan tôi nóng bỏng. Tôi run nguời, chỉ sợ nghe thấy tiếng la "Ðứng lại" là một anh hùng ngã xuống.
May sao, không có chi. Bóng tối đã che chở. Ðuợc thể, tối hôm sau, Thắng "ròm" chui qua, dúi vào tay tôi mấy viên thuốc đau nhức:
-Ông cầm lấy, tôi biết ông bị đau lắm!
Tôi ôm lấy bạn hiền, mà nuớc mắt ưá ra.
Tối hôm ấy, tôi phải một phen lo sợ. Vưà lúc sắp đưa Thắng về, tự nhiên, tên gác nghi ngờ, buớc vào phòng, la to:
-Ở đâu, yên đấy! Không đuợc di chuyển.
Không biết làm sao hơn, tôi đẩy Thắng chui ngay xuống gầm cái chõng tre tôi đang nằm, rồi giải tấm chăn ra, cho thòng xuống hai bên. Tôi nằm trong chăn, trợn mắt méo mồm, như đang bệnh nặng. Tên gác đi qua, nhìn tôi rồi bỏ đi. Tim tôi đập mãi như trống làng cho đến khi biết chắc tên gác đã về, tôi mới đẩy Thắng ra.
Ngày kế tiếp, vì không muốn cho anh em lây hoạ về mình, tôi quyết định cũng vuợt rào về trại cũ. Ðợi khi khuất bóng trăng, tôi chùi xuống đất, vưà bò vưà gạt kẽm gai, vào tới đất trại cũ, tôi vui mừng đi kiếm bạn. Gặp ngay Trần Ðức Thịnh, anh kều tôi vào nhà, rót cho tôi một ly trà nóng, và xác nhận:
-Có tên... lập danh sách đánh ông để trả thù cá nhân. Nguời cũ, ai cũng biết nó là ăng ten, chỉ trừ có những anh em mới, không rõ, nên mới mắc mưu nó. Bây giờ mới hiểu, họ cô lập nó rồi. Nó không dám gặp mặt ai, cứ trốn trong nhà như chó cún.
Tôi cuời:
-Thôi, kệ nó với Trời. Kẻ nào gieo ác thì sẽ gặp ác.
Rồi tôi chaỵ đi kiếm Hưá Sang, Hùng, A Cửu, Thuyết. Gặp nhau .. băng đã đánh tôi hôm nọ. Mấy anh đang ngồi chơi, thấy tôi vào thì giật mình. Tôi vẫy tay chào họ, mỉm cuời. Họ hơi gật đầu chào lại. Không muốn làm cho họ khó chịu, tôi đi chỗ khác chơi.
Bắt tay, trò chuyện một hồi, đã tới nửa đêm, tôi phải chui rào về lại K.30. Biết một đi là không có dịp gặp lại, lòng tôi nao nao.
Rồi K. 30 cũng giữ chân tôi thêm vài năm, thêm bao kỷ niệm, truớc khi đuợc tha vào cuối năm 1980.
Sau đó, không ngờ lại gặp Nguyễn Lê Tuấn, bán vật liệu xây dựng ở Lý Thuờng Kiệt, Tân Bình. Gặp Trần Ðức Thịnh, gặp Phạm Thanh Tâm, đội 2, Mùi "rỗ", Truờng "lắc", Hùng "Rống". Qua Mỹ lại gặp biết bao nguời xưa. Mừng mừng vui vui. Kể chuyện về trại tù như một thời gian rèn luyện tâm hồn. Từ đó, mà tôi liều mình đứng ra tổ chức Cây Mùa Xuân H.Ô năm 1991 và 1992. Với sự tiếp tay cuả các bạn đồng tù, các bạn H.Ô, lại tổ chức Tù Ca năm 1993 và 1994.
Qua các cơ hội này, gặp thêm bao nhiêu bạn bè, chỉ nhớ mặt, mà không nhớ tên. Lần đông đảo nhất là lần cùng với Nam Lộc và Tổng Hội Sinh Viên tổ chức gây quỹ xây Tuợng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Những khuôn mặt phong suơng nhưng quả cảm cuả nguời Chiến Sĩ Quân Ðội Việt Nam Cộng Hoà lúc nào cũng toát lên niềm kiêu hãnh cuả một quân đội Bách Chiến, nhưng thua vì chính trị đểu cáng. Thôi, đành mong lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ thân yêu mãi mãi tung bay khắp miền thế giới. Mọi tranh chấp rồi cũng qua đi. Con nguời rồi cũng qua đi. Chỉ còn lịch sử tồn tại muôn đời.
PHỤ NỮ ANH THEO IS
Lữ đoàn tóc dài của IS
Daily News
Nước Anh không khỏi đau đầu trước tình trạng những “bông hồng” trẻ tuổi của họ bỏ gia đình tới Syria theo tiếng gọi của các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS). Các cô gái đến từ xứ sở sương mù nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của các thủ lĩnh IS và trở thành lực lượng nòng cốt của lữ đoàn al-Khanssaa khét tiếng ở Raqqa - Syria.
Các cô gái đến từ Anh được thủ lĩnh IS hết sức tin tưởng Ảnh: Daily Mail
Công cụ chiêu mộ cực kỳ nguy hiểm
Biệt đội cảnh sát tôn giáo này quy tụ những “cô dâu” nước ngoài, phần lớn ở độ tuổi từ 18 - 22 với nhiệm vụ trừng phạt những phụ nữ có hành vi đi ngược với khuôn phép của đạo Hồi. Họ cũng đang nổi lên như những công cụ chiêu mộ cực kỳ nguy hiểm của IS.
Nhà nghiên cứu Melanie Smith thuộc Trung tâm Quá trình cực đoan hóa quốc tế (ICSR) của Trường ĐH King’s College (Anh) cho biết: “Al-Khanssaa chính là lữ đoàn cảnh sát thực thi luật sharia. Chúng tôi cho rằng thành phần gồm các cô gái đến từ Anh và Pháp nhưng các tài khoản mạng xã hội của họ đều viết bằng tiếng Anh và do người Anh điều hành”.
Các chuyên gia của King’s College ước tính khoảng 60 phụ nữ Anh đã gia nhập IS. Thuộc hàng nhỏ tuổi nhất phải kể đến cặp sinh đôi Salma và Zahra Halane, 16 tuổi, đến từ Manchester.
Ngoài ra, hồi đầu tháng 9, cơ quan tình báo MI6 của Anh tuyên bố săn lùng Khadijah Dare - kẻ đang gây chấn động với tuyên bố “muốn trở thành nữ chiến binh thánh chiến đầu tiên chặt đầu một tù nhân phương Tây ở Syria”.
Bà mẹ 1 con mới 22 tuổi này rời London sang Syria từ năm 2012, kết hôn với chiến binh IS gốc Thụy Sĩ Abu Bakr và mở chiến dịch tuyển quân qua mạng xã hội Twitter.
“Mối đe dọa bởi các phần tử khủng bố xuất phát từ trong nước như Dare là rất lớn” - một quan chức MI6 cảnh báo. Chính quyền London ước tính đã có 500 công dân nước này tới Syria và Iraq để gia nhập IS trong thời gian qua.
“Chị gái bí ẩn” của IS
Không còn nghi ngờ về sự quan trọng của “Quý bà al-Qaeda” Aafia Siddiqui (người Pakistan) đối với IS khi tự do của người phụ nữ đang thụ án 86 năm tù ở bang Texas - Mỹ này liên tục được IS đưa ra làm điều kiện trao đổi tù ninh.
Aafia Siddiqui. Ảnh: Ceasefire Magazine
Chính nhà báo bị chặt đầu James Foley cũng là đối tượng mà IS đem ra để trao đổi và sau khi thất bại, IS tiếp tục đòi chính phủ Mỹ trả tự do cho Siddiqui để đổi lấy mạng của một nữ nhân viên thiện nguyện người Mỹ 26 tuổi đang bị chúng bắt làm con tin.
Vốn là tiến sĩ thần kinh học tốt nghiệp Viện Công nghệ MIT danh giá của Mỹ, Siddiqui đến nay vẫn là một ẩn số khó giải đối với giới phân tích. Bà ta vừa được IS tôn làm “chị gái”, lại từng được chính phủ Pakistan ưu ái gọi là “người con gái của quốc gia”. Không chỉ IS, al-Qaeda, Taliban mà ngay cả chính quyền Pakistan cũng tận dụng mọi cơ hội để trao đổi tù binh nhằm tìm lại tự do cho Siddiqui.
Trong số 7 tội danh khiến “Quý bà al-Qaeda” không thể ra tù trước năm 2083 không hề có tội khủng bố.
Lần đầu tiên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để mắt tới Siddiqui là trước khi bà ta cùng người chồng đầu tiên, bác sĩ Amjad Mohammed Khan, rời khỏi Mỹ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Cặp đôi bị thẩm vấn vì lô hàng áo chống đạn và kính nhìn trong đêm trị giá 10.000 USD mua qua mạng mà họ giải thích rằng để săn bắn và cắm trại.
Song, người chồng thứ hai (kết hôn năm 2003) của Siddiqui mới đáng chú ý. Đó chính là Al-Baluchi - một phần tử al Qaeda và là cháu trai của Khalid Sheikh Mohammed, kẻ tự xưng là một trong các chủ mưu vụ khủng bố 11-9.
Trước khi bị bắt vào năm 2008 ở TP Ghazni - Afghanistan rồi bị kết án tại tòa án New York vì tội hành hung với vũ khí sát thương và âm mưu giết nhân viên hành pháp Mỹ, Siddiqui cùng 3 đứa con biến mất bí ẩn suốt 5 năm. Nhiều người tin rằng họ bị chính quyền Pakistan bắt giữ trong khi gia đình khẳng địnhbà trở thành “tù nhân ma” của Mỹ và bị giam tại nhà tù bí mật ở căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan.
Tại sao tự do của người phụ nữ đang thụ án tại nhà tù dành cho phạm nhân cần điều trị tâm thần này lại quan trọng đến thế?
Chuyên gia phân tích Michael Kugelman thuộc Trung tâm Woodrow Wilson (Washington - Mỹ) cho rằng IS chỉ muốn lợi dụng cái tên Siddiqui vốn đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa khủng bố để khuếch trương tiếng tăm.
Thêm vào đó, việc phô trương nỗ lực giải cứu một phụ nữ được thế giới Hồi giáo cho rằng đang ngồi tù oan sẽ ít nhiều lôi kéo “chị em” trên khắp thế giới đến với IS.
Nữ chiến binh phòng ngủ
Hôm 3-9, gia đình của “bông hồng Scotland” Aqsa Mahmood, 20 tuổi, tha thiết cầu xin cô con gái đã bỏ nhà gia nhập IS trở về.
Không kìm được những giọt nước mắt, cha mẹ Aqsa cảnh báo nếu cô con gái vốn chỉ biết đến sách vở và theo đuổi ước mơ làm bác sĩ của họ có thể biến thành “nữ chiến binh thánh chiến phòng ngủ” của IS thì bất cứ gia đình nào trên thế giới cũng có thể gặp phải bi kịch tương tự!
Hồi tháng 11-2013, gia đình thông báo với cảnh sát về sự mất tích của Aqsa khi cô gái đang theo học trường ĐH danh giá Shawlands ở Glasgow. Cô bặt vô âm tín cho tới khi nổi lên như một “ngôi sao” trên Twitter gần đây sau khi kết hôn với một chiến binh IS và ráo riết mời gọi các cô gái khác theo gương mình.
Dưới cái tên Umm Layth, Aqsa hô hào thảm sát ngay trên quê nhà với hình mẫu là vụ sát hại binh sĩ Lee Rigby ở Anh, vụ đánh bom giải marathon Boston hay thảm sát tại căn cứ quân sự Fort Hood ở Mỹ.
TRUNG CỘNG * THOẠI KỊCH * THẾ GIỚI * DU HỌC* TRUYỆN TÙ* HỌA SĨ
Tuesday, November 15, 201M HỌ PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI
VC phi tang bằng chứng
Pete Tân Hoàng hay là Hoàng Tấn Phùng, con trai của ông Hoàng Quốc Chí, là chú ruột của phó thủ tướng CSVN Hoàng Trung Hải đã bị bắt tại Úc vì mang trên người số tiền 1.2 triệu USD.
Hoàng Tấn Phùng còn tuyên bố là số tiền KHỔNG LỒ là 90 triệu USD đã KIẾM ĐƯỢC ở Úc trong 5 năm qua là nhờ ĐÁNH BÀI thắng được.
Thời gian nhiều năm trước đó, Hoàng Tấn Phùng đã thua cho các sòng bài với số tiền là 8 triêu USD, một số tiền quá lớn trong cuộc đời của một người khó lòng làm ra được số tiền nầy.
Hoàng Tấn Phùng còn tuyên bố là số tiền KHỔNG LỒ là 90 triệu USD đã KIẾM ĐƯỢC ở Úc trong 5 năm qua là nhờ ĐÁNH BÀI thắng được.
Thời gian nhiều năm trước đó, Hoàng Tấn Phùng đã thua cho các sòng bài với số tiền là 8 triêu USD, một số tiền quá lớn trong cuộc đời của một người khó lòng làm ra được số tiền nầy.
Tờ OnlineCasino tại Úc đã đưa tin Hộ chiếu cao của tay cờ bạc cao cấp Pete Hoàng đã bị tịch thu.
Một thẩm phán tại tòa án Melbourne đã từ chối trả lại hộ chiếu cho Hoàng , nói rằng ông sẽ không được phép về Việt Nam cho một kỳ nghỉ hoặc để thăm cha mẹ nuôi của mình.
Thẩm phán Susie Cameron đồng ý rằng không cho Hoàng được phép đi ra nước ngoài vì có thể Hoàng sẽ không trở lại cho phiên tòa phúc thẩm trong tháng Sáu tới đây.
Công tố viên Andrew Buckland nói rằng Hoàng không có quan hệ với ai tại Úc, mặc dù là một công dân Úc, tuy nhiên Hoàng không có bất cứ quan hệ gia đình và không có tài sản thuộc sở hữu trong nước Úc.
Hoàng đang đối mặt với cáo buộc liên quan đến xử lý tài sản, bị nghi ngờ đây là số tiền thu được của một tổ chức tội phạm. Trước đó, Hoàng đã từng bị bắt tại một Casino ở Thailand vào năm 2012 trong khi đang có trong người gần 1.5 triệu USD tiền mặt.
Các công tố viên nói rằng Hoàng có thể phải đối mặt với một bản án lên đến ba năm nếu bị kết tội .
Theo Công tố viên Buckland , Hoàng không có bất cứ nguồn tài chính nào để chứng minh tài khoản với một lượng lớn tiền mặt mà anh ta đã mang vào một sòng bạc ở Úc Châu.
“Ngoài việc đánh bài, ông không có nguồn thu nhập hợp pháp nào khác ” Buckland nói.
Và theo Buckland , hơn 12 năm, Hoàng đã thua mất gần 8.000.000 USD tại sòng bài Crown – tất cả mà không có bất kỳ thu nhập nào được ghi lại.
Trường hợp của công tố chủ yếu vào phân tích về nguồn gốc tài chính của Hoàng. báo cáo đưa ra, ở xung quanh 7.100.000 USD, số tiền mà Hoàng đánh bạc trong sòng bạc của Úc là ” dẫu không có nguồn . ”
Theo Grace , Hoàng đã giành thắng hơn 2,5 triệu USD tại sòng bài SkyCity Adelaide trong những tuần gần đây, cũng được cho là đã thắng được hơn 600,000 USD tại 2 lần sổ Tattslotto trong năm ngoái. Trong tất cả tài sản, Hoàng tuyên bố kiếm tiền được qua cờ bạc là 90 triệu USD trong 5 năm trước khi ông bị bắt .
Tóm lược theo báo Casinoonline Úc
1. COCC đem tiền cha mẹ cướp được của dân sang Úc ăn chơi đã bị bắt
( COCC- Con Ông Cháu Cha ) - Hoàng đã bị cảnh sát Úc theo dõi 1 thời gian dài và bị chặn bắt khi xách 1 vali đựng 1.2 triệu đô tiền mặt đi vào Crown Casino. Hoàng không thể giải thích được số tiền này từ đâu có, hắn chỉ nói là do ” cha mẹ nuôi ” ở Việt Nam gửi cho.
Peter Hoàng sang Úc năm 1990 bằng visa du học và làm việc, sau vài năm thì xin nhập quốc tịch Úc. Nhưng hắn chỉ học hành qua loa vài năm và làm nhân viên bán điện thoại cho công ty Telstra 1 thời gian ngắn.
Tuy vậy Peter Hoàng lại có rất nhiều tiền mặt, hàng triệu đô, mà không biết nguồn gốc từ đâu. Hoàng ăn chơi trác táng, chơi rất lớn tại các casino của Úc. Riêng tại Crown Casino ở Melbourne, trong vòng 12 năm Hoàng đã thua 8 triệu đô.
Nghi ngờ đây là tiền của phi nghĩa (tiền tham nhũng hối lộ đem từ nước ngoài vào cũng bị coi là bất hợp pháp) nên Hoàng đã bị bắt và truy tố ra tòa. Tòa án đã tịch thu hộ chiếu của Hoàng, không cho hắn trốn về Việt Nam.
Nếu bị kết tội, Hoàng có thể sẽ bị tù 3 năm.
Một thẩm phán tại tòa án Melbourne đã từ chối trả lại hộ chiếu cho Hoàng , nói rằng ông sẽ không được phép về Việt Nam cho một kỳ nghỉ hoặc để thăm cha mẹ nuôi của mình.
Thẩm phán Susie Cameron đồng ý rằng không cho Hoàng được phép đi ra nước ngoài vì có thể Hoàng sẽ không trở lại cho phiên tòa phúc thẩm trong tháng Sáu tới đây.
Công tố viên Andrew Buckland nói rằng Hoàng không có quan hệ với ai tại Úc, mặc dù là một công dân Úc, tuy nhiên Hoàng không có bất cứ quan hệ gia đình và không có tài sản thuộc sở hữu trong nước Úc.
Hoàng đang đối mặt với cáo buộc liên quan đến xử lý tài sản, bị nghi ngờ đây là số tiền thu được của một tổ chức tội phạm. Trước đó, Hoàng đã từng bị bắt tại một Casino ở Thailand vào năm 2012 trong khi đang có trong người gần 1.5 triệu USD tiền mặt.
Các công tố viên nói rằng Hoàng có thể phải đối mặt với một bản án lên đến ba năm nếu bị kết tội .
Theo Công tố viên Buckland , Hoàng không có bất cứ nguồn tài chính nào để chứng minh tài khoản với một lượng lớn tiền mặt mà anh ta đã mang vào một sòng bạc ở Úc Châu.
“Ngoài việc đánh bài, ông không có nguồn thu nhập hợp pháp nào khác ” Buckland nói.
Và theo Buckland , hơn 12 năm, Hoàng đã thua mất gần 8.000.000 USD tại sòng bài Crown – tất cả mà không có bất kỳ thu nhập nào được ghi lại.
Trường hợp của công tố chủ yếu vào phân tích về nguồn gốc tài chính của Hoàng. báo cáo đưa ra, ở xung quanh 7.100.000 USD, số tiền mà Hoàng đánh bạc trong sòng bạc của Úc là ” dẫu không có nguồn . ”
Theo Grace , Hoàng đã giành thắng hơn 2,5 triệu USD tại sòng bài SkyCity Adelaide trong những tuần gần đây, cũng được cho là đã thắng được hơn 600,000 USD tại 2 lần sổ Tattslotto trong năm ngoái. Trong tất cả tài sản, Hoàng tuyên bố kiếm tiền được qua cờ bạc là 90 triệu USD trong 5 năm trước khi ông bị bắt .
Tóm lược theo báo Casinoonline Úc
1. COCC đem tiền cha mẹ cướp được của dân sang Úc ăn chơi đã bị bắt
( COCC- Con Ông Cháu Cha ) - Hoàng đã bị cảnh sát Úc theo dõi 1 thời gian dài và bị chặn bắt khi xách 1 vali đựng 1.2 triệu đô tiền mặt đi vào Crown Casino. Hoàng không thể giải thích được số tiền này từ đâu có, hắn chỉ nói là do ” cha mẹ nuôi ” ở Việt Nam gửi cho.
Peter Hoàng sang Úc năm 1990 bằng visa du học và làm việc, sau vài năm thì xin nhập quốc tịch Úc. Nhưng hắn chỉ học hành qua loa vài năm và làm nhân viên bán điện thoại cho công ty Telstra 1 thời gian ngắn.
Tuy vậy Peter Hoàng lại có rất nhiều tiền mặt, hàng triệu đô, mà không biết nguồn gốc từ đâu. Hoàng ăn chơi trác táng, chơi rất lớn tại các casino của Úc. Riêng tại Crown Casino ở Melbourne, trong vòng 12 năm Hoàng đã thua 8 triệu đô.
Nghi ngờ đây là tiền của phi nghĩa (tiền tham nhũng hối lộ đem từ nước ngoài vào cũng bị coi là bất hợp pháp) nên Hoàng đã bị bắt và truy tố ra tòa. Tòa án đã tịch thu hộ chiếu của Hoàng, không cho hắn trốn về Việt Nam.
Nếu bị kết tội, Hoàng có thể sẽ bị tù 3 năm.
Các COCC đừng tưởng có thể ngang nhiên đem tiền của ăn cướp được của người dân sang xứ giẫy chết mà chơi bời phung phí nhé. Luật pháp của xứ tự do, dân chủ rất nghiêm minh không như luật rừng bao che lẫn nhau như ở VN đâu nhé.
Bị 1 bản án tù ở xứ tự do thì coi như tương lai đóng lại, vì đi đâu cũng sẽ bị tẩy chay, và cái lý lịch xài tiền ăn cướp này sẽ đeo theo cho đến cuối đời, đừng hòng ngóc đầu lên được.
Bài báo nói về việc Peter Hoàng bị từ chối tại sân bay
Nguồn: Chinhluanvn.org
(Visited 471 times, 471 visits today)
This entry was posted in Tin Việt Nam and tagged Con ông cháu cha, tiền tham nhũng hối lộ. Bookmark thepermalink.
1. VC Thủ tiêu để phi tang
‘Vua bạc’ gốc Việt bị bắn chết ở Australia
Cảnh sát phát hiện thi thể một người đàn ông gốc Việt từng tiêu tốn 90 triệu USD vào các sòng bài tại Australia trong công viên ở thành phố Sydney.
Peter Tan Hoang xuất hiện bên ngoài một tòa án tại thành phố Melbourne, Australia hồi tháng 4. Ảnh: SMH
Cảnh sát phát hiện thi thể của Peter Tan Hoang, 36 tuổi, ở đường Dunmore tại công viên Croydon, thành phố Sydney hôm 7/9. Nhân viên y tế không thể cứu Hoang vì các vết thương quá nặng khiến anh chết ngay tại chỗ, tờ Sydney Morning Herald (SMH) đưa tin ngày 10/9.
Cảnh sát chưa bắt nghi phạm nào. Tuy nhiên, họ đang truy lùng hai người đàn ông xuất hiện cùng Hoang tại một cửa hàng McDonalds' vào thời điểm vụ án mạng xảy ra.
Hoang từng hai lần trúng giải xổ số Tattslotto vào năm 2013. Cảnh sát cho biết, trong 5 năm qua, Hoang chi hơn 90 triệu USD trong các trò đỏ đen ở sới bạc. Dù vậy, Hoang khẳng định anh chỉ làm những công việc bình thường với mức thu nhập thấp, như bồi bàn và nhân viên bán hàng tại tập đoàn viễn thông Telstra.
Thi thể của Hoang tại công viên.
Ảnh: Sydney Morning Herald
Nhân viên tại sòng bài Crown nói Hoang là một trong những "khách hàng giá trị cao" và quen thuộc nhất của họ. Hoang từng "đốt" tới 13 triệu USD trong một lần tại sới bạc.
Cảnh sát liên bang từng bắt Hoang ngay tại sòng bài Crown ở Melbourne cùng khoản tiền mặt 1,5 triệu USD vào năm 2012. Họ cáo buộc số tiền ấy có nguồn gốc từ những hành vi phạm pháp và Hoang đang rửa tiền. Hoang sẽ hầu tòa tại Melbourne vào tháng 8/2015 dù phủ nhận các cáo buộc rửa tiền.
Hoàng là một trong những khách quan trọng tại sòng bài Crown ở Melbourne. Ảnh: Sydney Morning Herald
Một số người xác nhận với tòa án rằng Hoang thường mang về một khoản tiền mặt rất lớn, lên tới 1-2 triệu USD, sau mỗi lần rời sòng bạc. Tòa án đã tịch thu hộ chiếu và cấm Hoang xuất cảnh vì lo ngại anh sẽ không trở về Australia để hầu tòa. Anh đã về Việt Nam ít nhất 12 lần từ năm 2000 để thăm bố, mẹ nuôi.
Andrew Buckland, một công tố viên, cho biết Hoang không khai thuế thu nhập suốt 12 năm. Nhưng anh nhận khoản tiền trợ cấp 50.000 USD của chính phủ trong khoảng thời gian từ năm 2001 tới 2007.
Ngoài các khoản tiền đánh bài, anh ta không có nguồn thu nhập chính đáng nào", Andrew nói.
David Grace, luật sư của Hoang, nói nghề nghiệp chính của anh là chơi bài. "Đó là cách anh ấy kiếm sống”.
TS. PHAN VĂN SONG * TRUNG QUỐC RA ĐẠI DƯƠNG
Nửa năm 2014, thử nhận định tình hình chánh trị ( 2 kỳ): Bài 2
Thừa Nước Đục, Hổn Loạn Quốc Tế
Trung Cộng Cũng Cố Tham Vọng Ra Đại Dương.
Phan Văn Song
Tham vọng Đại Dương
(đúng theo chương trình của Lui Huaqing vẽ năm 1980 )–
(cf Alexandre Sheldon-Duplaix, “La Marine de l'Armée populaire de libération de 1949 à nos jours” Revue historique des Armées, n°230, Paris, 2003 – Ông Liu cũng là ông Tướng Tổng Chỉ huy Hải quân đầu tiên của Trung quốc chánh thức viếng thăm Huê kỳ năm 1985).
Ra khơi, nghĩa là làm sao thoát qua khỏi “vòng đai” chạy từ Nhựt bổn xuống đến Mả lai Á, chạy ngang Đài loan và Phi luật Tân. Vòng đai ấy do Nhựt bổn trấn giữ, Beijing đã cho “thử” đụng chạm vài lần rồi bằng cho thử tàu lặn len lỏi. (tai nạn với một tàu lặn nguyên tử trung hoa năm 2004).
Ra khơi, nghĩa là làm sao ra khỏi vùng biển nông của các biển phiá Đông và phía Nam, để ra Đại Dương, nghĩa là một vùng biển bao la đi từ Nhựt bổn đến Indonésia ngang qua Đảo Guam, điểm tựa của lực lượng Hải và Không quân Huê kỳ, vùng Tây Thái Bình Dương. Đau khổ của Tàu là cái chìa khóa then chốt để trấn ải giữ Vòng Đai và cửa ngõ thông thương giữa các biển cạn và Đại Dương, nơi có Hạm đội 7 Huê kỳ đang tuần tiểu, là … Đảo Đài loan. Đầu năm 2008 nầy, Ông Ko Cheng-heng Thứ trưởng Quốc phòng Đài loan đã lớn tiếng phản đối những hoạt động quân sự của Hải quân Tàu chung quanh eo Bashi, eo biển nằm giữa Đài loan và Phi luật Tân.
Khi nào tháo gởi được các chướng ngại vật ấy, Hải quân Tàu mới có thể nghĩ đến bài toán sau đây: bảo toàn các hải lộ tiếp tế nhiên liệu vùng Nam Á.
Đường số 1 do các tàu chở dầu loại nhỏ dưới 100 000 tấn, đi từ Phi châu hay Trung Đông đến Trung Quốc qua eo Malacca.
Đường số 2, cùng một xuất xứ, qua hai eo biển Sonde và Gaspar.(2)
Đường tiếp vận số 3, từ Nam Mỹ đi qua hải phận Phi luật Tân, và
đường số 4, một đường đề thay thế, xuất phát từ Trung Đông và Phi Châu, len lỏi giữa những eo biển của Indonésia Lombock và Macassar, Phi luật Tân và tiến vào vùng Tây Thái bình Dương để vào các hải cảng Tàu. Cái quan trọng là làm sao :
Bảo toàn các cửa ngõ nhập cảng nhiên liệu:
Nguy hiểm nhứt của các hải lộ nầy là nút thắt Malacca. 80 % đường tiếp vận nhiên liệu Tàu đều đi qua nút thắt nầy. Ai cũng có thể chận được cả. Vì vậy, Beijing tìm cách tổ chức những cửa ngõ bằng mọi giá để dẫn dầu vào Trung quốc :
-Xây dựng và tổ chức một hệ thống đường sắt xuất phát từ các quốc gia các nước ASEAN với Trung hoa.
-Lắp đặt một ống dẫn dầu từ Sittwe (3) trên bờ biển Miến Điện ở Ấn độ Dương nối liền với Kunming tỉnh Sichuan trên đất Tàu. Con đường tiếp vận bằng ống dẫn dầu nầy đang « bị » thương thuyết lại. Chánh phủ Miến Điện mới đang đặt lại những ký kết giữa Tàu và chánh phủ quân phiệt Miến điện cũ ;
-Tài trợ các chương trình sản xuất ngoài biển (off shore) khai thác khí đốt của các quốc gia Á châu ( đặc biệt Thái lan và Miến Điện ).
-Đang cho đào một con kinh xuyên bán đảo Kra của Nam Thái lan ( iện nay phải thương thuyết, lại vì những đòi hỏi của các dân tộc thiểu số bản xứ hồi giáo).
Kinh đào nầy sẽ giúp các tàu chuyên chở dầu, không qua ngã eo Malacca nữa mà đi thẳng từ Ấn độ Dương đến Vịnh Thái Lan để đến cảng SihanoukVille của Cao Miên. Từ đấy hoặc ống dẫn dầu, hoặc xe vận tải đi về phía Bắc bằng xa lộ Trường Sơn Tây đến Côn Minh.
Mặc dù có những chương trình đầy khó khăn nầy, yêu cầu hiện nay là phải cũng cố sự độc lập và an toàn của 4 hải lộ chiền lược tiếp vận nầy. Trước mắt là Hải tặc, sau đó là những tham vọng, có thật hay nghi ngờ của Huê Kỳ, Ấn độ và Nhựt bổn. Đây cũng là Chương trình Chánh trị hàng đầu của Trung Ương Đảng Cộng sản Tàu. Beijing đã xây một lô cơ sở được gọi là “vòng Ngọc trai” (collier de perles), các cơ sở thường trực nầy nằm dọc theo tuyến đường tiếp liệu của Trung hoa:. trên các hải cảng của Ấn độ Dương,
quần đảo Cocos thuộc hải phận Miến Điện, ngay trong vòng thương thuyết lại.
Chittagong và Gwadar thuộc Pakistan.
Trung quốc cũng sửa soạn thương thuyết vơi các nước Phi châu để mở thêm những hải cảng để yểm trợ đường tiếp liệu của mình. Tất cả những phương tiện từ tài chánh đến nhơn sự đều được cung cấp tối đa cho các quốc gia đồng minh để tạo nhựng cơ sở bảo vệ an toàn cho hải lộ tiếp liệu.
Ngoài Huê kỳ là một quốc gia Thái binh Dương, Trung quốc đang e ngại hai cường quốc khác: Nhựt bổn và Ấn độ. Đặc biệt là Ấn độ với tham vọng biến Ấn độ Dương là Đại dương của mình. Tổ chức “Vòng Ngọc trai” của Trung quốc, Ấn độ xem như là một cuộc “xâm phạm chủ quyền” của mình.
Và để bảo vệ Đại dương của mình, Ấn độ đã có ba Hàng không Mẫu hạm, chiếc đầu tiên ra đời năm 2010, chiếc thứ ba, mua lại của Nga,. Giàn tầu lặn trang bị bởi Pháp, (theo mẫu chiếc Scorpène), tân tiến hơn giàn tầu lặn Trung quốc. Đến ngày hôm nay, hai anh vừa láng giềng vừa địch thủ nầy cố sống chung hòa bình và cố tránh mọi đụng chạm..
Với Nhựt bổn, thời gian vừa qua rất khó khăn và căng thẳng, Hải quân Nhựt bổn, tân tiến hơn, mạnh hơn Hải quân Tàu, và vì nhờ đã thường tham dự tập trận với Hải quân Huê kỳ, kỹ thuật chiến đấu của Nhựt cao hơn Tàu nhiều. Những kỳ đụng độ vừa qua chung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkiku, Nhựt ở thế thượng phong
Các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, Mả lai Á, Indonésia, Singapore bắt đầu lo sợ tham vọng bành trướng nầy của Tàu. Các ngân sách trang bị Hải quân đều gia tăng vùn vụt, tất cả đều lo ngại rằng Mỹ, e vì bị sa lầy ở Irak và A phú Hản, sẽ không còn sức đảm nhận vai trò bảo vệ những quyền lợi của mình ở Thái Bình Dương nữa, mặc dù ngoại trường John Kerry đã xác nhận hướng chánh trị cũng cố Thái Bình Dương của Tổng thống Obama.
Trung quốc cũng nhận thấy cái khó khăn của Huê kỳ. Và đây là một cơ hội ngàn năm một thuở, nên các hảng đóng tàu của Trung quốc làm việc ráo riết, từ các cảng miền Bắc trên Hoàng Hải, đến cực Nam vùng Nam hải. Những hải cảng, những cảng trên sông, những đê điều, những hầm trú ẩn của tầu lặn ( cảng quân sự Sanya trên Đảo Hainan) được trang bị, tân tiến hóa. Nênnhớ 90 % của Phát triển Trung quốc dựa Hàng hải.
Về mặt sản xuất Thương thuyền, và kiến trúc đóng tàu dân sự, năm 2005, Trung quốc đã đứng hàng thứ ba vế sản xuất đóng tàu thương mãi và chuyên chở, sau Nam Hàn và Nhựt bổn.
Cũng nên nhớ là đối với một nhà cầm quyền Cộng sản, đóng thuyền thương mãi hay đóng thuyền chiến đều do một kỹ thuật cả, đều do một cơ xưởng cả.
Việt Nam trước tham vọng bành trướng của Hải quân Tàu :
Để kết luận, sau khi đã đi một vòng “xem dân cho biết sự tình”, chúng ta cũng phải nhận định là ngày nay, Việt nam là một nhược tiểu vế mặt Hải quân.
Hoàng Sa, Trường Sa không mong gì Anh Tàu trả lại. Đó là Sanh mạng của Tàu, đó là Huyết lộ Sanh tử của Tàu.
Không thể làm gì hơn, là phải làm sao chứng minh cho những cường quốc Âu Mỹ và các quốc gia láng giềng trong khối ASEAN phải hiểu rõ tham vọng của Tàu; là sẽ bóp chết các nước có mặt ở bờ biển.
Muốn Chung sống Hoà bình và Hài hòa phải biết nhường nhịn nhau để sống. Đó là lời tuyên bố của Tàu, còn việc làm là khác. Tàu không chia chác với ai cả. Về Sanh tồn Tàu sẽ phải xâm chiếm để có đường sanh sống. Việt Nam trên đường đi của Tàu. Lịch sử Việt Nam đã bao lần chứng minh những tham vọng bành trướng của Hán tộc về hướng Nam. Bắc thuộc đã hai lần, xâm lăng cũng đã nhiều lần. Một lần nữa e
rằng cũng gần kề.
Phải vận động các cường quốc Âu Mỹ và các nước láng giềng phải giúp đở Việt Nam giữ nước, để giữ cân bằng và an toàn cho khu vực.
Việt Nam phải biết dựa vào Ấn độ, Nhựt bổn để tạo thêm đồng minh để chia sẻ những quan tâm đối với láng giềng khổng lồ.
Một SEATO (Hiệp Ước Phòng Thủ Đông Nam Á ) phải được lập lại như xưa để chống bành trướng Cộng sản Tàu, thì ngày nay phải được dựng trở lại để cản Bá quyền Trung quốc.
NATO đang bảo vệ Âu châu chống Bá quyền Nga, tại sao SEATO không ra đời lại ?
Việt Nam hãy dựa vào Đài loan, dựa vào Nhựt, vào Nam Hàn, vào Indonésia, Mả lai Á , Singapore, Phi luật Tân để chận tham vọng Tàu, phải biết dựa vào ba cường quốc Thái bình Dương là Mỹ, Tân Tây lan và Úc Châu. Úc châu và Tân Tây Lan cùng Mỹ cũng phải tồ chức lại khối ANZUS( Australia, New Zealand, USA).
Bổn cũ soạn lại ư ? Tại sao không ? Sau Đệ nhị thế chiến, trừ Việt Nam và Triều Tiên là những cuộc nội chiến do các Cộng sản địa phương tạo thành.Ở những quốc gia còn lại phương thức nầy thành công .
Thuyết của Ông Obama là lo cho nước Mỹ và người Mỹ trước. Hy vọng Ông đừng quên cái oai hùng của Huê kỳ và Bổn phận của nước Mỹ đối với thế giới. Ông cũng đừng quên phía bờ bên kia của Thái Bình Dương, phía bờ Tây của Thái Bình Dương, phía bờ của chúng tôi.
Hồi Nhơn Sơn, V ào Thu 2014
Phan Văn Song
Ghi chú:
1/ Tám quốc gia có Hải quân hùng hậu:
- Huê kỳ : 2, 900, 000 tấn.
- Nga : 1, 100, 000 tấn
- Trung Hoa : 850, 000 tấn
- HG Anh : 470, 000 tấn
- Nhựt bổn : 432, 000 tấn
- Pháp : 307, 000 tấn
- Ấn độ : 240, 000 tấn
- Ý đại lợi : 143, 000 tấn
(Bernard Ptrézelin: Flottes de Combat 2008 Éditions maritimes et d'outre mer, Rennes 2008)
2/ Eo Sonde ranh giới chia Đảo Java và Sumatra (Nam Dương Quần Đảo). Eo Gaspar ranh giới chia ĐảoBangka và Đảo Belitung. Tất cả 4 đảo nầy đều thuộc Indonésia.
3/ Sittwe nằm ở bờ Tây Miến Điện bên bờ Ấn độ Dương.
Kunming (Côn Minh) là một cảng trên sông tỉnh Sechuan (Tứ Xuyên ) Nam Trung quốc.
GS. NGHIÊM HOÀNG LY * SỰ DIỄN TIẾN CỦA THOẠI KỊCH MỚI
SỰ DIỄN TIẾN CỦA THOẠI KỊCH MỚI
QUAN NIỆM KỊCH NGHỆ CỦA ANTONIN ARTAUD (1896- 1948 ) VÀ CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO CỦA SAMUEL BECKETT ( 1906-1989)
GS. NGHIÊM HOÀNG LY
Trước 1975, bà Nghiêm Hoàng Ly, giáo sư Pháp văn tại Đại học Văn Khoa Saigon gửi cho chúng tôi bài biên khảo này để đăng vào tạp chí Văn khoa, nhưng rồi Saigon thất thủ, anh em bè bạn chúng tôi mỗi người đi một phương. Hôm nay tìm trong đống sách cũ, thấy bài này, bèn đánh máy để đăng vào Bên Kia Bờ Đại Dương số 329. Xin giới thiệu cùng độc giả bốn phương, một bài biên khảo cách đây gần nửa thế kỷ nay mới xuất hiện dưới ánh mặt trời.
Sơn Trung.
I. ANTONIN ARTAUD (1896- 1948 )
Là một thi sĩ, bị rối loạn thần kinh, từ thuở nhỏ và mãi tới năm 24 tuổi mới lành bệnh, Antonin Artaud lên Paris hội kiến với Breton và tham gia cuộc " Cách mạng Siêu thực". Nhưng sau đó,
Artaud tách rời khỏi khóa này, trở thành diễn viên để kiếm ăn cho tới năm gần 40 tuổi. Ông đã từng cộng tác với Pitoeff và Jouvet. Năm 1926, ông thành lập nhóm kịch Alfred Jarry ( cùng với Aron và Vitrac ); ông quay về lý thuyết, " vì không mấy thành công về phương diện thực hành và ông cho in nhiều bài khảo luận phác họa một cuộc canh tân kịch nghệ dựa theo kịch nghệ Á Đông.
"Tuyên ngôn của kịch tàn bạo"(trong cuốn Le Theatre et son Double-1938) trình bày chủ thuyết của Artaud, là một công trình được soạn thảo tỉ mỉ, chủ trương gạt bỏ những phương cách cổ truyền của kịch nghệ Pháp đã đi đến ngõ cụt, đến bước đường cùng vì không thoát khỏi những khuôn phép kịch cổ điển làm tê liệt hết năng khiếu sáng tạo của các tác gia. Theo ông, cuộc cải cách phải toàn diện và kịch mới phải làm cho cảm súc của khán giả trở nên thật là nhạy cảm:" Kịch chỉ có thể trở thành chính nó, nghĩa là nó phải thành lập một phương pháp gây ảo giác thật sự, khi nào nó đã cho khán giả những hố sâu đich thực của mộng ảo khiến sự cưa thyich gây tội ác nơi khán giả, những ám ảnh về dục tình, những sự dã man, những mộng mơ, mà ở một bình diện nội tâm. " (Le Theatre et son Double).
Artaud còn muốn đưa một cải tiến xa hơn: ông từ bỏ kịch tâm lý, ngôn ngữ và bản văn, thoát ra ngoài địa hạt lý tính để đạt đến một cái gì sâu hơn, nghĩa là tới thật gần với con người. Ông đã xây dựng cả một phương pháp rõ rệt và thực tế để đổi thay toàn diện kịch cổ điển của Pháp.
-kịch phải có những thành phần vật chất và khách quan ( tiếng la hét, than vãn, những bất ngờ, những màu sắc rực rỡ của lễ phục, âm điệu hay của giọng nói, sự hòa hợp, một vài nốt nhạc khác lạ, nhịp điệu cdủa động tác, sự xuất hiện của những vật mới lạ...)
-Phải có một đạo diễn cộng tác thật sát với tác gia tạo dựng chung một vở kịch.
-Ngôn ngữ kịch nghệ phải bao gồm cả nhạc, cử động, dáng điệu, đèn và ánh sáng . Những thứ đó tác dụng thẳng vào khán giả, gây cho họ cảm giác thấy sợ, thấy nóng, thấy lạnh, thấy rùng mình.
- Y phục phải theo đúng nghi lễ, dựa trên căn bản những tập tục đã khiến chúng nảy sinh.
-Sân khấu và khán giả được nhập lại làm một với nhau. Khán già ngồi ở giữa phòng trên ghế xoay hầu giúp họ theo dõi vở kịch dễ dàng được trình diễn ở bốn góc phòng. Tuy nhiên có thể thành một điểm trung tâm để tập hợp hay kết cấu những phần cốt yếu của vở kịch.
- Sẽ không có vở kịch viết sẵn mà chúng ta tìm cách tạo dựng thẳng một vở kịch dựa trên những chủ đề, những hành động hay những tác động.
-Diễn viên là thành phần chính yếu. Sự thành công của vở kịch phần lớn tùy thuộc vào họ. Tuy nhiên, họ cũng chỉ là một thành phần thụ động và trung lập, vì mọi ý chí chủ động của họ đều bị khai trừ.
-Sự tàn ác: Theo Artaud, không thể có kịch nếu không có sự tàn ác làm móng, làm nền. " Tính thiện là điều được ước mong, nó là thành quả của một hành vi. Tính ác thì thường xuyên có mặt".
Artaud đã đưa ra làm mẫu kịch nghệ bình dân theo cổ tục xứ Bali, một loại kịch tổng hợp tất cả các thành phần như dáng điệu, ca, vũ, y phục, trang trí, âm nhạc và ánh sáng.
Như chúng ta đã thấy, tư tưởng của Artaud rất quyết liệt và tác phẩm của ông đã gây nhiều tiếng vang. Artaud đã loại bỏ kịch xây dựng trên nền tảng tâm lý, dựa trên ngôn ngữ, những vấn đề xã hội và các đòi hỏi của con người. Ngược lại, ông đã trình bày một quan niệm mạnh bạo và tàn khốc, vượt qua mọi quy luật và phương cách cổ truyền. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thấy phát sinh một cuộc "cách mạng". Kịch nghệ toàn diện hưởng ứng lời ông kiêu gọi. Các tác gia hiện đại cũng không chịu công nhận ông là người đi tiên phong như thi phái Siêu thực công nhận Breton là người chủ xướng sau bài Tuyên ngôn của thi sĩ. Ta chỉ thấy họ vay mượn của ông một vài ý kiến, tuy xác đáng thật nhưng chưa có ai noi theo ông để thành lập một nhóm kịch Tàn Ác. Ta phải nhận thấy giữa Artaud và các kịch tác gia co một cách biệt rõ ràng.
Ở một điểm duy nhất, ta thấy Artaud đã tự mâu thuẫn với chính mình:
- Một mặt ông gạt bỏ kịch tâm lý, xã hội và loại đối thoại Văn chương. Như vậy, nghệ thuật tàn ác của ông đã loại trừ chính Văn chương và không chấp nhận nó là một thực thể của con người.
-Mặt khác, ông bắt buộc Văn chương ( được coi như là một thực tế thiên nhiên ), phải theo đuổi nhiệm vụ khai thác tính Ác để phô bày ra trước mắt mọi người những đòi hỏi, ham muốn vô ý thức.
Sự chống đối của ông nhắm vào đối tượng chính là Văn chương nhưng vẫn đòi hỏi ở văn chương một cố gắng phi thường, phải vượt ra ngoài cả ngôn ngữ. Chấp nhận và theo đuôi Artaud là chấp nhận sự phá sản của ngôn ngữ trong ý niệm đào tạo văn chương lấy phê bình làm nền tảng chủ yếu. Nhưng các năng khiếu và khả năng sáng tạophải thoát khỏi sự phê bình ấy mới phát huy được trọn vẹn. Tài sáng tạo vẫn tùy thuộc ở cá nhân, ở người nghệ sĩ, thi sĩ mà không ở trong tay các lý thuyết gia như Antonin Artaud.
Đặc biệt ta nên ghi nhận giá trị tư tưởng và lý thuyết kịch nghệ củaArtaud có một sắc thái độc đáo dị thường. Trong cuốn Psychodrame et Theatre Modern (Kịch Phân Tâm và Tân Kịch) -Ed.Buchet Chastel,1971-Jean Fanchette, một bác sĩ phân tâm, đã ca ngợi quan điểm của Artaud mà ông coi là một cuộc cách mạng hoàn toàn trong kịch nghệ. Kịch, theo chiều hướng Artaud vạch ra, sẽ quay trở về nguồn gốc nguyên thủy của nó. Đó là những phương cách trị liệu tâm bệnh giải thoát những ẩn ức của con người ( khán giả ). Fanchette coi Artaud như một nhà phân tâm kỳ tài, với loại kịch giải thoát ẩn ức (Psychodrame ) rất gần với quan niệm phân tâm nổi tiếng của Jacob LevyMreno ( một đồ đệ của Freud ) đã sáng tạo ra loại kịch Phân tâm trị liệu mệnh danh là Stegreiftheater (Théatre de la Spontanéité- thoại kịch tự phát ).
II. SAMUEL BECKETT ( 1906-1989 )
Sinh trưởng ở Doublin trong một gia đình theo đạo Tin Lành, Beckett học và tốt nghiệp Đại Học Dublin với bằng Bachelor về sinh ngữ Pháp và Ý. Khoảng 1928 trở đi, ông sống ở Paris và dạy tiếng Anh tại trường Cao đẳng Sư phạm (Ecole Normale Superieure ). Ông bắt đầu dịch những tác phẩm của J oyce và kết thân với các thi sĩ như Breton, Eluard.Ông được bồ nhiệm làm phụ khảo văn chương Pháp tại đại học Dublin nhưng ông từ chức, và bắt đầu đi du lịch qua Ái Nhĩ Lan, Luân Đôn, Đức. Những tác phẩm của ông gồm có : Murphy (1947), Molly (1951), Malone meurt (1951), L'Innombrable (1953)...Sau đó ông chuyển sang địa hạt kịch nghệ với các kịch phẩm En Attendant Godot, Waiting for Godot (1953),Watt (1953), Endgame (1957), Krapp's Last Tape (1958), How It Is (1961). Năm 1969, ông được giải Nobel. Những vở kịch của Samuel Beckett ngay tự lúc đầu đã cho ta cảm giác đồng nhất: tất cả đều gợi ra sự phân hóa của mọi tiêu chuẩn cổ truyền: chủ đề, động tác, kết cấu đều bị giản lược hóa đến mức tối đa, và ngay cả ngôn ngữ cũng trở thành rời rạc. Sự phân hóa những phương thức kịch nghệ cổ truyền mặc nhiên gây sự hủy hoại của thuyết nhân bản và kịch bản Beckett mang nặng sắc thái bi quan.
A.En Attendant Godot (Trong khi chờ đợi Godot)
Trong vở tuồng Trong khi chờ đợi Godot, động tác được giản lược hoàn toàn, chỉ còn lại chủ đề CHỜ ĐỢI nhìn dưới nhiều khía cạnh.
Không gian trống vắng : bối cảnh thu gọn là một thân cây duy nhất biểu hiện sự hiện diện của thiên nhiên bất động trong một vũ trụ chỉ có những đường nét và hình thể tạo dựng tùy ý, vì tác giả đã muốn ta cảm thấy " sự chờ đợi ", một thái độ đặc biệt của tâm trí hội tụ về một điểm duy nhất trong khi ngoại cảnh xem như vô định. Bối cảnh ở đây chỉ có giá trị tượng trưng, thân cây có thể đưọc thay thế bằng một dòng sông hay một tảng đá. Sự vật không quan trọng bao nhiêu và chỉ chứng tỏ sự hờ hững của ngoại cảnh mà thôi.
Thời gian với tính cách tuần hoàn của nó, cũng vô định như không gian, không khởi tiếp cũng không chấm đứt, thời gian điược kéo dài bằng một số chu trình liên tục không ngừng. đo thời gian là vạch một đường thẳng dài trên đó ta cắt ra từng khoảng 24 tiếng đồng hồ đồng nhất rồi cgia ra thành sáng, chiếu tối. Vậy động tác của vở kịch theo thời gian này cũng không có khởi điểm và cũng không có điểm ngưng lại. Hồi II của vở kịch diễn tiến y như hồi I khi cuộc hẹn được tuyên bố dời lại hôm sau, bắt buộc hai nhân vật chính lại phải chờ đợi y như họ đã chờ đợi lúc mở màn.
Trong vở kịch, tác giả xây dựng nòng cốt căn cứ vào những vai tuồng. Họ là những người đang lấp cái khoảng trốngcủa không gian và sự im lặng của thời gian. Phương cách duy nhất áp dụng để tạo dựng sự sống cho vở kịch là ngôn ngữ, thể thức của sự truyền đạt tư tưởng thông thường và suốt vở kịch, ngôn ngữ trải qua mọi giai đoạn, từ lời nói chuyện phổ thông đến loại ngôn ngữ thuần túy triết lý.
- Ngôn ngữ đối thoại ngắt quãng tuỳ thuộc ở nhịp tư tưởng và tình cảm:
ESTRAGON: Hành trang! Tại sao lúc nào cũng xách! Không bao giờ đặt xuống ! Tại sao?
+ Ngôn ngữ lý luận, câu được đặt khúc chiết hơn nhưng vẫn có nhịp mau và hiệu nghiệm:
VLADIMIR: Điều chắc chắn là trong những điều kiện ấy thời gian có dài thật, và nó bắt chúng ta phải lấp nó bằng những hoạt động ma nói sao bây giờ ! Thoạt đầu thấy có vẻ hợp lý nhưng lại là những hoạt động chúng ta đã quen rồi. Mày sẽ bảo tao rằng đó chỉ để ngăn chận đừng cho lý trí mình chìm sâu. Điều ấy đã đành. Nhưng phải chăng lý trí của ta đang vẩn vơ trong đêm đen thường xuyên của đáy đại dương Tại sao thỉnh thoảng ta vẫn tự hỏi như vậy? Mày theo kịp lập luận của tao không hử?
+Nhưng ngôn ngữ cũng có thể bị tan rã. Chủ đề triết lý chỉ còn là những mảnh vụn gần như vô nghĩa tuy vẫn bao hàm rất nhiều khôi hài đen ( humour noir ).
VLADIMIR -"Không phải ngày nào người ta cũng cần đến mình. Nhân loại là chúng ta, dù chúng ta thich hay không thich...Chúng ta sinh ra đều điên cả. Một số người mãi mãi vẫn còn điên".
+ Ngôn ngữ có thể diễn tả những dọ dẫm của tâm trí đi tìm sự thật:
VLADIMIR- " Tại sao hắn ta lại không lấy vẻ tự nhiên? Mình tìm hiểu xem tại sao? Hắn ta không có quyền à? Có chứ!Vậy là hắn ta không muốn. Đó mới là đúng theo lý luận. Và tại sao hắn ta lại không muốn? Tại hắn muốn áp đảo tinh thần chúng ta chăng? Có lẽ tao đã diễn tả sai điều tao nghĩ.
+ Ở thềm chót của mức hiểu biết, ngôn ngữ trở thành máy móc và lấp đầy khoảng trống của tư tưởng:
VLADIMIR - Nói cái gì đi ! Tao tìm đã! Nói bất cứ cái gì đi! Bây giờ chúng ta làm gì? Mình cho Godot!
Sự lập đi lập lại vẫn là phương sách duy nhất gây hài tính, mặc dầu là khôi hài đen.
B. FIN DE PARTIE ( Tàn cuộc)
Trong Fin de Partie, kịch một hồi trình diễn năm 1957, ngay động tác cũng không còn nữa. Tác già đã tạo dựng một màn kịch đặc biệt, bất kể những quy luật thường có.Chủ đề phác họa một cuộc sống thảm não cùng cực. Bối cảnh là một căn phòng trống trải, không bàn không ghế. Beckett đã ghi nhận phần trang trí như sau:
"Ánh sáng xám ngắt. ở hai bên tường bên phải và bên trái, hai cửa sổ nhỏ có rèm đóng kín được đặt trên cao. Cửa ra vào ở bên phải tiền hí đài ( avant scene). Trên tường gần cửa ra vào treo một bức ảnh lật úp. Ở tiền hí đài bên trái, hai thùng rác kê sát nhau được phủ bằng tấm trải giường cũ kỹ. ngay chính giữa... một ghế bành có xe lăn cũng được phủ bằng một tấm trải giường không mới mẻ gì hơn."
Khi lật tấm trải giường ở ghế bành ra thì khán giả mới nhận thấy trên ghế có người ngồi. Đó là Hamm, một nhân vật mù hai mắt, có vẻ buồn nản vì bắt buộc phải dính liền vào ghế lăn. Hắn chỉ còn lại cách duy nhất là hành hạ Clov, đứa con nuôi còn dùng được vì đủ chân, đủ mắt. Cả trăm lần, hắn đòi cho kỳ được đúng một đồ vật, ra lệnh cho Clov đẩy ghế bành của mình di chuyển, hay mở nắp hai thùng rác, ở đấy ló ra hai cái đấu và một thân mình không thấy chân của hai vị thân sinh ra Hamm là Nagg và Nell. Đây là những bộ mặt nhăn nhó chỉ thoáng linh động khi thèm ăn bột hoặc khi trong tân đáy lòng, họ sống lại một it kỷ niệm cũ nào. Cả bốn người tàn tật này cùng ngắm nhyìn sự khổ đau của nhau. Họ không còn gì để chờ đợi, ngay đến cả cái chết đáng ra phải là sự giải thoát cuối cùng. Vở kịch được cực tả sự kiện không gian và thời gian tan rã.
HAMM - Đoạn kết nằm trong đoạn đầu rồi, vậy mà mình vẫn tiếp tục. Vở kịch không thiếu chất hài hước và Beckett thành công hoàn toàn với hài tính đen của ông. Ngay từ lúc vở kịch bắt đầu đã làm ta chú ý những hoạt động của Clov. Với dáng đi cứng cỏi, và chập choạng, anh ta đi tới và nhìn vào cửa sổ bên phải rồi đi lại phía này. Xong rồi hắn tìm một cái ghế đẩu, đặt đặt ghế dưới cửa sổ bên trái, xong lại nhắc ghế sang chửa sổ bên kia, cuối cùng nhìn ra ngoài, cười gằn một tiếng ngắn. Sau đó hắn quyết định thu dọn nhà cửa. Hắn lật tấm trải giường bao phủ hai thùng rác gấp lại, cắp dưới nách, mở nắp một thùng rác, đậy lại rồi cười gằn nữa, tiến lại ghế bành lật tấm trải giường thì Hamm hiện hình.
Tuy chưa một lời nào được thốt ra, người ta đã có cảm giác đang chìm đắm trong một không khí khủng hoảng bất bình thường , giữa một vũ trụ thê thảm và thế gian phi lý, tàn ác, bất nhân. Hài tính rất rõ rệt đúng như lời nói một nhân vật trong vở kịch:
NELL-Không có gì tức cười bằng sự đau khổ! Đó là điều khôi hài nhất ở đời..."
Người ta khó tìm một ý nghĩa rõ rệt cho vở kịch này, vì ở muôn ngàn khía cạnh, chỉ là sự phủ định của triết lý, của tình cảm và tư tưởng mà thôi.Nhân vật tuy sống thực nhưng người ta vẫn có cảm giác chắc chắn là chỉ có khôi hài đen. Beckett cũng nhận thấy tính chất khó khăn, tối nghĩa trong vở kịch của mình, vì tác phẩm cô đọng quá.
-Tác phẩm của tôi là vấn đề phát ra âm thanh căn bản một cách trọn vẹn nhất nếu được, và tôi không chịu trách nhiệm về bất cứ cái gì khác. Nếu thiên hạ muốn nhức óc về những giai điệu (harmoniques) của âm thanh căn bản ấy , thì đó là việc của họ, chứ đâu phải là việc của tôi.
( VILLAGE VOICE 29-12-1957)
Như thế ta phải công nhận vở kịch mang nhiều hài tính đúng như ý tác giả mong chờ, tất cả những vấn đề triết lý, suy luận đều tùy theo khán giả mà không liên quan gì đến vở kịch của ông. Trong chiều hướng này, vở Fin de partie được coi như đáp ứng đầy đủ hoàn toàn những đòi hỏi căn bản để tạo dựng một vở hài kịch đúng nghĩa của nó vậy.
C. LA DERNIERE BANDE (Cuộn băng cuối cùng )
Vào năm 1960, ở rạp hát Récamier Roger Blin cho diễn vở La Dernière Bande ( Krapp's Last Tape ) bằng tiếng Pháp. Vở kịch chỉ còn có vai Krapp, ông già cận thị, ngồi một mình trong vòng ánh sáng chói lọi, chung quanh đầy những cuộc băng ghi âm thu lại kỷ niệm mỗi kỳ sinh nhật. Màn mở lên : Krapp kéo ngăn hộc lấy một cuộn băng, xong lại xếp vào, mở hộc khác lấy quả chuối bóc vỏ, ngoạm, nhai, nuốt, rồi lật sổ tìm sổ cuộn băng, cho vào máy nghe lại tiếng nói của chính mình trong những năm qua. Vở kịch không muốn ghi nhận sự khác biệt giữa Krapp ngày trươc và Krapp bây giờ vì con người vẫn là một với những cá tính đặc biệt (thích uống rựu, nghiện chuối v.v..) không hề đổi thay, mà chỉ nhấn mạnh vào một điểm là " theo thời gian Hy vọng và Trí khôn" đã mất. Krapp bây giờ phải tìm lại trong tự điển nghĩa những chữ đã dùng hồi trước và theo tuổi già, con người đã yếu dần ( cận thị hơn, điếc hơn, mệt mỏi hơn ), chỉ còn lại sự ưa thích duy nhất: nghe lập đi lập lại chữ " BOBIINE ".
Cuối vở kịch, sau khi nghe từng lớp ký ức chồng chất trong những cuộn băng, Krapp ngồi bất động nhìn khoảng trống ở trước mặt mình. Ngày sinh nhật hôm nay không còn gì phải ghi lại.
Riêng với vở kịch này, ta nhận thấy mối cảm hoài của tác giả qua những kỷ niệm trong đời người như đôi chút hương vị còn sót lại cho một cuộc sống đầy ác mộng kinh hoàng.
D. OH! LES BEAUX JOURS (Ôi ! Những Ngày Vui )
Đây cũng là vở kịch với một nhân vật chính và một nhân vật phụ. Ở hồi đầu, Vinnie xấp xỉ tuổi 50, bị ngập đến nửa người giữa một cồn cát nắng chang chang. Trong khi bà từ từ tụt xuống, đi dần đến cái chết thì xung quanh thế gian đã gần ngày tận thế. Chính ở lúc này mà bi kịch bắt đầu sau lớp màn che của một tấn tuồng hài hước.
Winnie giả tảng như không hiểu gì cả ,không vtrông thấy và không cảm thấy gì và bà tự xây dựng cho mình một thế giới của tâm tưởng với những lời lẽ dùng để lấp khoảng trống vô nghĩa. Bà hồi tưởng những ngày mình vui sướng, nói chuyện, hoạt động lăng xăng. Bà ôn lại những kỷ niệm cũ của một thời xa xưa qua nhiều hình ảnh rời rạc, không liên tục. Tuy nhiên, trò chơi không thể tiếp diễn được vì " sự thật " vẫn cón đó`, và bà phải níu kéoVillie tham dự, nhưng Villie chỉ là một người chồng bất động ở quá tầm tay bà và có mặt ở đây như một nhân chứng bất đắc dĩ, không giúp ich gì được cho bà.
Màn mở lên thì, trước mặt chúng ta, người đàn bà đang ở trong tư thế bất động, chỉ còn nửa người tự do trên mặt đất mà thôi. Bên cạnh bà là một túi xách tay đen, có đủ vật liệu trang điểm tùy thân phụ nữ thường dùng như gương soi mặt, bàn chải đánh răng, kính đeo mắt, chai, lọ,son, và một khẩu súng lục nhỏ, xinh dường như để ghi nhận tư tưởng của nhân vật muốn tự tìm cái chết cho chính bản thân mình nhưng lại là ý định không bao giờ thực hiện.
Bà lập lại từng động tác hằng ngày với một cuộc độc thoại kỳ diệu và không bỏ qua bất kể sự kiện nào dù vô nghĩa nhất ( như theo dõi con kiến đi qua trước mặt ). Bà còn can đảm ngân nga một điệu hát xa xưa quen thuộc ( La Veuve Joyeuse ) trước khi đi vào giấc ngủ ngàn thu.
Với nhân vật Winnie, tác giả đã nhấn mạnh đến sự phi lý của thân phận, của hành động và ngôn ngữ con người. Thượng đế vắng mặt, thiên nhiên bất động và đáng sợ, xã hội khép kín với mỗi tâm hồn là một thế giới riêng tư, con người đối diện với thân phận của mình, đó là những điều mà tác giả muốn nói với chúng ta qua vở kịch. Và ta ý thức một cách rõ rệt sự sâu sắc của bài học tâm lý ấy. Vở kịch chẳng qua chỉ là tấn bi kịch của mỗi người trong chúng ta khi chúng ta cảm thấy sức lực mình suy kém và cuộc sống càng ngày càng rút ngắn. Chúng ta nào có khác gì người đàn bà kia mỗi ngày một tụt xuống nơi cát bụi để mai kia sẽ hoàn toàn bị ngập chìm. Tuy nhiên, vở kịch không hẳn chỉ yếm thế, bi quan. Tất cả sự thê thảm đều được che đậy dưới nụ cười, nụ cười êm dịu, guượng ép, mỉa mai, nhưng vẫn biểu lộ cái cố gắng phi thường của nhân vật chánh: một người đàn bà kiên tâm, can đảm. Đó chính là sự xác nhận tự do của con người trong thế gian hiện thời đang tan rã, bằng cách chấp nhận gần như một thách đố số mạng của chính mình.
WINNIE: Phải, it chuyện nói quá, mà cũng quá it chuyện làm.Cái sợ hãi tột độ thấy: ngày nào đó mình... kiệt lực, có biết bao nhiêu là tiếng đồng hồ trước mặt mình, trước khi đến giờ đi ngủ, mà chẳng có gì để nói, chẳng còn gì để làm, ngày lại qua ngày, có những ngày trôi đi mắt tăm, đến giờ đi ngủ rồi đây mà vẫn chẳng, hay gần như là chẳng nói được điều gì, chẳng làm được việc gì, mối nguy là ở chỗ đó! Mà mình phải tránh.
E. COMEDIE - 1964- ( HÀI KỊCH)
Vở Comédie còn độc đáo hơn nữa . Chủ đề vẫn là một bộ ba thường tình : người chồng ở giữa vợ và tình nhân. Người vợ tin rằng chồng phụ bạc bèn cho theo dõi ông ta, người chồng hứa hẹn thủy chung với vợ và được bà vợ tha thứ nhưng ông này vẫn đi tìm người tình và bị ép buộc phải bỏ vợ.Trong lúc người vợ tưởng mình đã tìm lại được chồng và trong lúc người tình nhân yên chí mình
thành công đắc thắng thì người đàn ông biến mất và ông ta đã tìm thấy sự thanh thản. Thật giản dị, nhưng tác giả không theo lối trình diễn thông thường: và tất cả được xếp đặt như sau:
Ở tiền hí đài, nơi ch ính giữa là ba thùng cao một thước kê liền nhau: ba đầu người hiện ra ở miệng thùng, cổ kẹt ngang: đó là ba nhân vật: F2 người tình, H người chồng, F1người vợ. Ba bộ mặt luôn nhìn về phía trước và bất động. H ọ nói nhưng không nói với nhau mà đây là ba độc thoại được ghép xen kẽ. Một ngọn đèn chiếu thẳng vào mặt người nào thì người đó phát ra tiếng nói. Họ bị bó buộc phải nói, nói rời rạc, và khi nói xong lại phải bắt đầu trở lại. Dần dần, tiếng phát a76m càng ngày nghe không rõ, rồi thì chỉ còn lại những tiếng động và ánh sáng di chuyển. Comédie là vở kịch chứng tỏ tài năng sáng tạo của Beckett và cách trình diễn khác lạ chưa từng thấy bao giờ.
Ngoài những vở kịch trên, ta nên ghi nhận một số tác phẩm nhỏ được truyền thanh: TOUX CEUX QUI TOMBENT ( Những Người Nằm Xuống ), FROM AN ANBANDONED WORK (Từ Một Tác Phẩm Bỏ Dở ), CENDRES (Tro Tàn), PAROLES ET MUSIQUES ( Lời và Nhạc ) là một loại kịch có cử động mà không có lời: ACTES SANS PAROLES (Hành vi không lời nói ).
KẾT LUẬN:
Đối với một công trình đang tiếp tục, chúng ta ghi lại vài chủ đề quan trọng nhất, có thể tiêu biểu cho vũ trụ Beckett : -không gian và thời gian chỉ là những thực thể không có nghĩa: tác giả không cần nhấn mạnh rõ rệt về hai điểm ấy: một con đường với một thân cây (EN ATTENDANT GODOT), một căn phòng giữa đất và biển (FIN DE PARIE ), một cồn cát (OH! LES BEAUX JOURS ). Thời gian vô cùng tận chỉ thực sự có đối với con người không thể chế ngự được nó. Không gian, thời gian, Thượng đế sẽ lập thành một vũ trụ khép kín, không còn ở tầm tay con người.
-Đối với vũ trụ này, lạnh lùng dữ tợn, Con người chỉ là một bộ mặt của Khổ đau: Cả một loạt nhân vật từ Didi, Gogo cho đến Hamm, Clov, Krapp đều là những người khốn khổ mà tác động, lời nói không có nghĩa lý gì, ngoài chú ý bày tỏ sự tan rã tâm lý của chính họ. Họ đã trở thành những người máy có suy tư, nhưng là một sự suy tư khô cằn không đem lại kết quả. Những cử động chỉ dùng để mô tả sự ngu ngốc và vô nghĩa của hành động và mọi thái độ làm nổi bật sự thảm hại của thể xác con người:Vladimir đi những bước nhỏ và cứng đơ, Clov thì chập choạng, và hấp tấp vội vàng, Nagg, Nell, Vinnie thì bất động ở một chỗ, Krapp thì nghễnh ngãng, và những nhân vật này đều gò bó, đóng đô tại những thùng rác, xe lăn...
- Ngôn ngữ không phải là một lối thoát vì nó bất lực hoàn toàn, ngay cả ở chủ đich của nó là sự liên lạc với tha nhân. Ngôn ngữ không bao gồm một ý nghĩa nào, và không thể bảo đảm sự liên lạc, sự thông cảm giữa người với người. Dưới ngòi bút của Beckett, ngôn ngữ chỉ còn là lời lẽ rời rạc, vu vơ, một thứ tiếng không cần thiết cốt để lấp đầy khoảng trống của tư tưởng.
Vũ trụ của Beckett hoàn toàn bị phân hóa và nụ cười của ông thật ảm đạm. Beckett đã lấy sự đau khổ làm nền tảng vcho các vở kịch, một hành động không suy nghĩ, sự tàn tật, mkột tiếng nói vấp đều có thyể làm cho người ta cười qua những vai hề bất đắc dĩ của đời sống thường ngày trong vũ trụ này.
Người ta phải ghi nhận là Beckett không chịu lập luận và bày tỏ quan niệm hay triết thuyết của mình, công trình kịch nghệ của ông thuần túy thiên về kịch tính khôi hài. Những chi tiết nhỏ nhặt nhất liên quan đến vai trò đều được toan tính tỉ mỉ, tinh vi. Ông muốn chúng ta cảm thấy sự phi lý của thân phận con người trong cõi nhân sinh qua những tiếng than, tiếng hét. Trong một tác phẩm nào, kịch Beckett đã tiếp nối công trình của Artaud trong đường hướng xây dựng một loại kịch tàn ác. Phần lớn kịch Beckett khó nghe, khó hiểu. nó chỉ gây ảo giác : phô bày một vũ trụ tàn khốc, nơi mà con người chìm đắm. muốn xây dựng thành công loại kịch này, phải là một thiên tài, khắc phục được ngôn ngữ qua tâm hồn tế nhị, săc sảo và nghệ thuâ kỳ diệu. Beckett thành công nơi chính Artaud thất bại vì không đem ra một công trình sáng tạo đáng giá nào.
Nghiêm Hoàng Ly
SƠN TRUNG * TRUNG CỘNG -VIỆT CỘNG
TRUNG CỘNG -VIỆT CỘNG
Trung cộng và Việt cộng đều xuất thân từ lò sát sinh Lenin, Stalin, và cùng là dân Á châu cho nên có nhiều điểm giống nhau. Nhất là Trung cộng lại là thầy , là cha đỡ đầu, là mẫu quốc của Việt cộng thì hai bên càng giống nhau. Giống nhau cái gì? Xin thưa họ giống nhau về tính tàn ác và gian trá.
I. TRUNG CỘNG
Từ khi Đặng Tiểu Bình lên thay Hoa Quốc Phong, thì ông từ bỏ nhiều chính sách giáo điều và phản khoa học của Mao Trạch Đông. Đặng Tiểu Bình bỏ chính sách "thành phần", " lập trường giai cấp " khi ông chủ trương " mèo trắng mèo đen nếu bắt được chuột đều tốt " , và ông dẹp bỏ kinh tế chỉ huy mà xoay qua kinh tế thị trường, kêu gọi tư bản đầu tư thì kinh tế Trung cộng khởi sắc. Sự cải cách của họ Đặng chỉ là về kinh tế, còn chính thể vẫn theo cộng sản độc tài chuyên chế.
Tâm lý con người ta khi trong túi rủng rỉnh đồng tiền thì sinh ra kiêu căng và tham lam. Họ có một triệu, họ lại muốn có thêm vài triệu nữa. Nhân dục vô nhai là thế. Họ tìm mọi cách để làm giàu. Gian manh, trộm đạo, hiếp đáp đều có đủ cho những anh chàng có máu gian tham và tàn ác. Trung Cộng cũng không ngoại lệ.
Sự thực tính ác của Trung Cộng, của Mao Trạch Đông vốn là bản chất và truyền thống của những gian thương và bọn đầu trộm đuôi cướp Trung Quốc. Lã Bất Vy là một tên đại gian thương, Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt là những kẻ xâm lược khát máu. Chu Nguyên Chương là một tên cướp. Trung Quốc sản xuất được một vài triết gia nhưng có hàng triệu bọn Lương Sơn Bạc. Khắp Trung quốc mọi thời đều có loạn lạc, đói khát và đầy rẫy bọn cướp cho nên từ thời Vương Mãng, người Trung Quốc từ hạng giàu có, trí thức cho đến dân nghèo đều bỏ nước mà sang đất Giao châu.
Cộng đảng của Mao Trạch Đông cũng là một đảng cướp Lương Sơn Bạc. Họ cũng cướp của, giết người với danh nghĩa " thế thiên hành đạo " và "lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo" cho nên được nhiều người theo. Mao Trạch Đông cũng như Lenin, Stalin luôn tuyên bố yêu hòa bình, chống thực dân, đế quốc nhưng thâm tâm y lại muốn đánh Mỹ, thay Mỹ cai trị thế giới, và muốn nuốt Mông Cổ, Mãn châu,Tây Tạng, Việt Nam. Vì tham vọng này, y đã ủng hộ Việt Cộng để Việt cộng trở thành đội quân lê dương của Trung Cộng trong việc xâm chiếm châu Á và thế giới. Và vì mục tiêu này Trung cộng nuôi dưỡng Nguyễn Tất Thành, Hoàng Văn Hoan, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp v.v.. để bọn chúng trở thành những tôi tớ ngoan ngoản, đẩy Việt nam vào cuộc chiến tranh cho dù đốt cả Trường sơn, cho dù chỉ còn lại người Việt cuối cùng, để rồi Trung Cộng tiến vào tiếp thu Việt nam một cách dễ dàng. Đã thế, Trung Cộng còn biến Hồ Tập Chương thành Nguyễn Tất Thành để việc xâm chiếm Việt Nam dễ dàng hơn.
Không những Trung Cộng muốn chiếm Việt Nam mà Trung cộng còn muốn chiếm cả châu Á. Việt cộng thời Lê Duẩn tố cáo âm mưu của Mao Trạch Đông:
Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:
“Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo…Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”.
So với các khu vực khác trên thế giới, Đông nam châu Á là khu vực mà Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, có nhiều phương tiện và khả năng nhất (hơn 20 triệu Hoa kiều, các chính đảng lệ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc, Đông nam châu Á có đường đất liền với Trung Quốc…) để thực hiện chính sách bành trướng và bá quyền nước lớn của mình. Cho nên trong 30 năm qua, những người lãnh đạo nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện chính sách bành trướng ở khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng của họ.[1].
Nay thì Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đã hung hăng vẽ ra bản đồ lưỡi bò 9 đoạn, nay thành 10 đoạn, và ra mặt đe dọa các nước lân cận trong đó có Việt Nam. Thế giới khắp nơi lên án Trung cộng xâm lược. Báo Điện Tử Dân Trí viết về âm mưu xâm lược của Trung Cộng:
Trong bài viết đăng trên tờ Times of India số ra gần đây, ông SD Pradhan, Chủ tịch Ủy ban Tình báo, kiêm Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ đã phân tích sự phi lý của bản đồ khổ dọc mà Trung Quốc vừa phát hành.
Bài báo viết: Ngày 28/6 Trung Quốc công bố một bản đồ dọc mới cho thấy những khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền bao gồm cả toàn bộ bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và các bộ phận của bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Sự kiện này phản ánh động cơ sâu xa của "Rồng Trung Hoa" muốn phá vỡ tan tành thế cân bằng địa chiến lược ở vành bên ngoài của nước này cũng như mưu đồ bành trướng và thiết lập sự bá quyền ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tấm bản đồ dọc khác biệt đáng kể với các bản đồ trước đó. Trước đây các phiên bản bản đồ cho thấy những khu vực nói trên nằm riêng trong một ô thuộc về Trung Quốc. Lần này các vùng này được chỉ rõ là các khu vực của Trung Quốc.Hai nhân tố quan trọng cần phải tính đến khi xem xét lý do Trung Quốc cho ra tấm bản đồ này.
Thứ nhất, đó là phản ứng đối với tấm bản đồ về Trung Quốc mà Thủ tướng Đức Angela Merkel trao cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 3/2014 khi ông Tập tới thăm Đức. Khi ấy bà Merkel trao cho ông Tập một tấm bản đồ Trung Hoa năm 1735 do nhà bản đồ học Jean-Baptiste Bourguignon d’Anville vẽ và được một nhà xuất bản Đức ấn hành. Tấm bản đồ thể hiện phần lõi của Trung Quốc với dân số chủ yếu là người dân tộc Hán mà không hề có Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông hay Mãn Châu. Các đảo Đài Loan và Hải Nam (cái thứ 2 thì rõ là một phần của Trung Hoa hiện đại, còn đảo thứ nhất thì gây tranh cãi nhiều) được thể hiện bằng một đường biên có màu khác.
Thứ hai, Trung Quốc đang tìm kiếm một cơ hội chứng tỏ cho thế giới một điều rằng Trung Quốc thời nay bao gồm tất cả các vùng mà nó tuyên bố chủ quyền. Và chuyến thăm của Phó Tổng thống Ấn Độ mang lại cơ hội đó.
Tuy nhiên bối cảnh của tấm bản đồ dọc này rộng lớn hơn rất nhiều. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã cố gắng xác lập các yêu sách chủ quyền tại các vùng xung quanh nước này. Chủ nghĩa dân tộc hung hăng và tư tưởng thu hồi lãnh thổ của Trung Quốc là một nét nổi bật trong chính sách đối ngoại và sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc. Quan điểm cho rằng Trung Quốc phải rửa nhục trong các thế kỷ trước đang chiếm vị trí trung tâm trong quá trình xây dựng chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc. Đáp lại điều này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố nước ông phải nhớ mình từng là “nạn nhân của ngoại xâm” và hối thúc người Trung Quốc tăng cường phòng thủ biên giới cả trên bộ lẫn trên biển [2].
Tại Diễn đàn An ninh khu vực Đông Nam Á Shangri-La (Singapore), quy tụ hàng trăm nhân vật lãnh đạo chính trị, ngoại giao, quân sự và chuyên gia quốc tế, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel trong bài phát biểu ngày hôm qua 31/06 tuyên bố Hoa Kỳ không chấp nhận « thái độ gây bất ổn » của Trung Quốc và « sẽ không điềm nhiên tọa thị » nếu trật tự thế giới bị đe dọa. Hoa Kỳ « mạnh mẽ chống lại bất kỳ hành động đe dọa, cưỡng chế, uy hiếp bằng vũ lực để khẳng định yêu sách », bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi « mọi quốc gia phải tôn trọng luật pháp », khi nói về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông, một cách để gián tiếp để lên án Trung Quốc lấy sức mạnh đè người.[3]
Tham lam, ngông cuồng như thế mà người Trung quốc vẫn tuyên bố họ yêu hòa bình, không có tinh thần thực dân đế quốc. Bản tin trên của RFI cũng nhận định về tính chất dối trá của Trung Cộng, một sự dối trá lộ liễu, sỗ sàng:
« Khi tiếp thủ tướng Malaysia Najib Razak khi ông viếng thăm Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa không khuấy động tình hình tại Biển Đông. Tuy nhiên nếu như Việt Nam hay Philippines gây hấn, thì khi đó Bắc Kinh sẽ có phản ứng. Trên thực tế, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng sức mạnh để kiểm soát những vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh luôn khẳng định là thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ nhiều thế kỷ qua.
Cụ thể là qua việc Trung Quốc vào đầu tháng 5/2014 đã đưa giàn khoan dầu đến ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, một vùng biển mà Hà Nội khẳng định là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một thí dụ khác cho thấy thái độ bành trướng của Trung Quốc được thể hiện qua việc Bắc Kinh đã cho xây một phi đạo trên một bãi đá thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, nơi Manila khẳng định là thuộc chủ quyền của Philippines.
Bắc Kinh khẳng định quyền kiểm soát đối với cả một khu vực chiến lược như Biển Đông, nhưng đồng thời lại luôn tuyên bố là không muốn để xảy ra xung đột trong vùng. Về mặt chính thức, Trung Quốc luôn hô hào duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. [3]
Tại Đối thoại Shangri-La (Singapore), cũng như tại nhiều quốc gia, bọn đầu gấu Trung Cộng vẫn không ngượng miệng khoe khoang yêu chuộng hòa bình, không có dã tâm bá quyền xâm lược.
Hôm 03.09.2014,một quan chức cấp cao Trung Quốc hôm thứ Tư (3 tháng 9) cảnh báo các nước láng giềng châu Á chớ ngả theo một "đại cường" để tìm cách làm đối trọng với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải cao của họ, một cảnh báo dường như nhắm vào Mỹ.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời ông Vương Gia Thụy, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, nói rằng nước ông sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ bất kể Trung Quốc sẽ hùng mạnh ra sao.
Phát biểu tại một diễn đàn của Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, ông Vương nói mối lo ngại của các nước láng giềng về sự gia tăng sức mạnh quân sự và chính trị của Trung Quốc trong khu vực là “hoàn toàn không có cơ sở.”
Ông Vương nói việc Trung Quốc trở nên hùng mạnh không nhất thiết là sẽ mang tới vấn đề cho những nước láng giềng.[4].
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron tại London vào ngày 17 tháng 6 năm 2014 đã tuyên bố ngon lành: Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và chủ nghĩa bành trướng không nằm trong huyết quản của người Trung Hoa.[5]
Ngày nay, Tập Cận Bình đem hình ảnh Đặng Tiểu Bình để làm bùa hộ mạng, nhưng Đặng Tiểu Bình khôn ngoan che giấu móng vuốt, còn Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình giương móng vuốt hù dọa Á Châu. Hai bên khác nhau làm sao mà giống được mặc dầu cả hai đều mang tham vọng thực dân đế quốc!
Trung cộng hung hăng với Úc, Ấn, Nhật nhưng đến khi Mỹ, Nhật, Uc và Ấn Độ lập liên minh thì bắt đầu sợ cho nên họ Tập vác mặt dầy sang vuốt ve Ấn độ song Ấn Độ dại gì đi theo bọn cướp![6]
Ngọt ngào mà người ta chưa tin huống hồ đã lớn tiếng hăm dọa và ra tay cướp bóc thì làm sao người ta tin!
Trung cộng luôn tuyên bố bản đồ 10 đoạn là không thể đảo ngược, và cho rằng biển Đông là hải phận của họ. Bao nhiêu năm, Trung cộng đã tốn tâm huyết, tiền bạc, thời giờ để chế tạo vũ khí, hỏa tiễn, tàu sân bay.. để thực hiện tham vọng đế quốc. Lẽ nào họ dễ dàng từ bỏ tham vọng đó. Tình hình căng thẳng như thế đó mà Tổng thống Indonesia muốn đứng ra làm trung gian hòa giải [7]. Trong các cuộc tranh chấp, người đứng ra hòa giải phải là người có sức mạnh tinh thần lẫn vật chật cao hơn hai cậu bé giành trái bứa trong Quốc văn giáo Khoa Thư. Indonesia nói mà Trung Cộng nghe ư? Indonesia là cái thá gì mà lớn lối vậy?
Một cái gian manh khác của Trung Cộng là muốn đàm phán song phương để bọn họ bẻ từng chiếc đũa. Bọn Nguyễn Phú Trọng cam tâm chấp nhận nô lệ, chấp nhận bán nước cầu vinh nên đã thỏa thuận hai bên hợp tác khai thác. Đó là một hình thức đầu hàng và phản quốc. Biển Đông là vấn đề quốc tế, phải theo luật quốc tế chứ không phải dùng sức mạnh và gian kế. Tàn ác và gian manh, Trung Cộng sẽ bị cả thế giới tiêu diệt.
II. VIỆT CỘNG
Người ta cho rằng Việt cộng nay chia hai phe, một phe theo Trung Cộng, một phe chống Trung Cộng. Nguyễn Tấn Dũng chống Trung Cộng còn hết thảy là nô lệ Trung Cộng. Nhưng có người vẫn nghi ngờ con người thật của ông y tá chich thuốc tây hay thuốc tàu?
Cả hai phe đều khát khao TPP, vũ khi sát thương, nhưng cả hai cũng lập lờ trong vấn đề cải cách chế độ và từ bỏ chính sách nô lệ Trung Quốc. Nguyễn Tấn Dũng bị phe Trung Cộng áp chế hay y cũng chỉ là một kịch sĩ đóng tuồng yêu nước? Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Gia Kiểng v.v.. cho rằng bọn họ một duộc mà thôi. Đã là cộng sản tất nhiên chúng nó có ý chí căm thù, ý chí chiến đấu hăng say. Khẩu hiệu của họ là " Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghĩ" như Tố Hữu kêu gào. Họ giết tất cả cho dù là đồng chí anh em, cha me con cái như cộng sản Bolchevish ( phe đa số) giết cộng sản Menchevish (phe thiểu số ), cộng sản đệ tam quốc tế tàn sát cộng sản đệ tứ quốc tế. Tại Việt Nam, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã giết Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái v.v.. Và nay phe Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần toan quật ngã Nguyễn Tấn Dũng cũng là trò đấu đá nội bộ. Trong tháng 9 này, một trung tướng Nguyễn Xuân Tư - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an bị đụng xe mà chết và Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc bằng phóng xạ cũng là trò cọp beo cắn xé nhau. Và bên kia mẫu quốc , Tập Cận Bình triệt hạ phe Giang Trạch Dân cũng không ngoài sự dã man của lang sói
Việt Cộng có nhiều phe đảng mà tay nào cũng nắm quyền cho nên ta không rõ phe nào thực hiện chính sách này, phe nào chủ trương chính sách kia. Tất cả đều bát nháo, mâu thuẫn, trống đánh xuôi kèn thổi ngược...
Việt Cộng đầu hàng Trung cộng nhưng vẫn tỏ ra ta đây yêu nước để che mắt nhân dân ta và thế giới. Trương Tấn Sang nay luôn miệng nói " bất biến ứng vạn biến" để biện hộ cho việc y, Nguyễn Phú Trọng, và Nguyễn Sanh Hùng câm miệng hến, cúi mặt không hề lên tiếng chống Trung Quốc khi Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào lãnh hải Việt nam . Bất biến thì sao lại sai Công an đánh dân và bắt bớ các nhà dân chủ? Bất biến sao biết chạy vạy xin vào TPP? Bất biến thì sao lại sai Phạm Quang Nghị sang Mỹ và Lê Hồng Anh sang Trung Quốc ? Bất biến sao cũng biết đu giây? trò đu giây chỉ là nhất thời không thể kéo dài.Tất cả chỉ là xin xỏ, nịnh bợ và dối trá.
Dân chúng đã nhìn rõ tinh thần đầu hàng và trốn tránh của Việt Cộng. Cộng sản giả dối khi đề xuất khẩu hiệu "ngư dân bám biển " . Khẩu hiệu này chỉ là khẩu hiệu, nghĩa là chỉ nói bằng mồm, nhưng cũng có mục ich thu tiền vì Việt cộng hứa hẹn sẽ xuất ra một số tiền giúp đỡ ngư dân. Nghe mùi cá thịt tanh tao, Việt cộng đàn em bu tới trục lợi:
- Chồng đại gia Diệu Hiền, ông Trần Văn Trí đề nghị cho công ty Trí Việt được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 ngày 7-7-2014 của Chính phủ để nhập, đóng mới 220 tàu vỏ thép (tàu nhập đã qua sử dụng dưới 15 năm). Đồng thời, công ty muốn được hỗ trợ, vay vốn, xây dựng 2 cầu cảng loại I và khu neo đậu tránh bão tại huyện đảo Phú Quốc - Kiên Giang và cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.
- Công ty Đức Khải đưa ra kế hoạch nhập 100 tàu cá cũ và xin vay ưu đãi 1.350 tỉ đồng,[8]
GS. Nguyễn Văn Tuấn viết về chủ trương " ngư dân bám biển" của Việt Cộng:
Nhân dân đã phát biểu tình hình Việt Nam hiện tại: lãnh tụ bám ghế, ngư dân bám biển, quân đội bám bờ, tàu bè, vũ khí bám kho...
Trước tình hình như vậy, thế mà gần đây tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh công bố quyết định thành lập Lữ đoàn 950 đóng trên huyện đảo Phú Quốc với nhiệm vụ phòng thủ đảo và vùng biển phía tây nam Việt Nam [10]
Tại sao chỉ phòng thủ Phú quốc? Thế Hoàng sa, Trường sa thì sao?
Trung cộng luôn tuyên bố bản đồ 10 đoạn là không thể đảo ngược, và cho rằng biển Đông là hải phận của họ. Bao nhiêu năm, Trung cộng đã tốn tâm huyết, tiền bạc, thời giờ để chế tạo vũ khí, hỏa tiễn, tàu sân bay.. để thực hiện tham vọng đế quốc. Lẽ nào họ dễ dàng từ bỏ tham vọng đó. Tình hình căng thẳng như thế đó mà Tổng thống Indonesia muốn đứng ra làm trung gian hòa giải [7]. Trong các cuộc tranh chấp, người đứng ra hòa giải phải là người có sức mạnh tinh thần lẫn vật chật cao hơn hai cậu bé giành trái bứa trong Quốc văn giáo Khoa Thư. Indonesia nói mà Trung Cộng nghe ư? Indonesia là cái thá gì mà lớn lối vậy?
Một cái gian manh khác của Trung Cộng là muốn đàm phán song phương để bọn họ bẻ từng chiếc đũa. Bọn Nguyễn Phú Trọng cam tâm chấp nhận nô lệ, chấp nhận bán nước cầu vinh nên đã thỏa thuận hai bên hợp tác khai thác. Đó là một hình thức đầu hàng và phản quốc. Biển Đông là vấn đề quốc tế, phải theo luật quốc tế chứ không phải dùng sức mạnh và gian kế. Tàn ác và gian manh, Trung Cộng sẽ bị cả thế giới tiêu diệt.
II. VIỆT CỘNG
Người ta cho rằng Việt cộng nay chia hai phe, một phe theo Trung Cộng, một phe chống Trung Cộng. Nguyễn Tấn Dũng chống Trung Cộng còn hết thảy là nô lệ Trung Cộng. Nhưng có người vẫn nghi ngờ con người thật của ông y tá chich thuốc tây hay thuốc tàu?
Cả hai phe đều khát khao TPP, vũ khi sát thương, nhưng cả hai cũng lập lờ trong vấn đề cải cách chế độ và từ bỏ chính sách nô lệ Trung Quốc. Nguyễn Tấn Dũng bị phe Trung Cộng áp chế hay y cũng chỉ là một kịch sĩ đóng tuồng yêu nước? Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Gia Kiểng v.v.. cho rằng bọn họ một duộc mà thôi. Đã là cộng sản tất nhiên chúng nó có ý chí căm thù, ý chí chiến đấu hăng say. Khẩu hiệu của họ là " Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghĩ" như Tố Hữu kêu gào. Họ giết tất cả cho dù là đồng chí anh em, cha me con cái như cộng sản Bolchevish ( phe đa số) giết cộng sản Menchevish (phe thiểu số ), cộng sản đệ tam quốc tế tàn sát cộng sản đệ tứ quốc tế. Tại Việt Nam, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ đã giết Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái v.v.. Và nay phe Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần toan quật ngã Nguyễn Tấn Dũng cũng là trò đấu đá nội bộ. Trong tháng 9 này, một trung tướng Nguyễn Xuân Tư - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng - Bộ Công an bị đụng xe mà chết và Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc bằng phóng xạ cũng là trò cọp beo cắn xé nhau. Và bên kia mẫu quốc , Tập Cận Bình triệt hạ phe Giang Trạch Dân cũng không ngoài sự dã man của lang sói
Việt Cộng có nhiều phe đảng mà tay nào cũng nắm quyền cho nên ta không rõ phe nào thực hiện chính sách này, phe nào chủ trương chính sách kia. Tất cả đều bát nháo, mâu thuẫn, trống đánh xuôi kèn thổi ngược...
Việt Cộng đầu hàng Trung cộng nhưng vẫn tỏ ra ta đây yêu nước để che mắt nhân dân ta và thế giới. Trương Tấn Sang nay luôn miệng nói " bất biến ứng vạn biến" để biện hộ cho việc y, Nguyễn Phú Trọng, và Nguyễn Sanh Hùng câm miệng hến, cúi mặt không hề lên tiếng chống Trung Quốc khi Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào lãnh hải Việt nam . Bất biến thì sao lại sai Công an đánh dân và bắt bớ các nhà dân chủ? Bất biến sao biết chạy vạy xin vào TPP? Bất biến thì sao lại sai Phạm Quang Nghị sang Mỹ và Lê Hồng Anh sang Trung Quốc ? Bất biến sao cũng biết đu giây? trò đu giây chỉ là nhất thời không thể kéo dài.Tất cả chỉ là xin xỏ, nịnh bợ và dối trá.
Dân chúng đã nhìn rõ tinh thần đầu hàng và trốn tránh của Việt Cộng. Cộng sản giả dối khi đề xuất khẩu hiệu "ngư dân bám biển " . Khẩu hiệu này chỉ là khẩu hiệu, nghĩa là chỉ nói bằng mồm, nhưng cũng có mục ich thu tiền vì Việt cộng hứa hẹn sẽ xuất ra một số tiền giúp đỡ ngư dân. Nghe mùi cá thịt tanh tao, Việt cộng đàn em bu tới trục lợi:
- Chồng đại gia Diệu Hiền, ông Trần Văn Trí đề nghị cho công ty Trí Việt được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 ngày 7-7-2014 của Chính phủ để nhập, đóng mới 220 tàu vỏ thép (tàu nhập đã qua sử dụng dưới 15 năm). Đồng thời, công ty muốn được hỗ trợ, vay vốn, xây dựng 2 cầu cảng loại I và khu neo đậu tránh bão tại huyện đảo Phú Quốc - Kiên Giang và cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng.
- Công ty Đức Khải đưa ra kế hoạch nhập 100 tàu cá cũ và xin vay ưu đãi 1.350 tỉ đồng,[8]
GS. Nguyễn Văn Tuấn viết về chủ trương " ngư dân bám biển" của Việt Cộng:
Hôm trước có người (và tôi) thắc mắc ai bảo vệ ngư dân khi họ ra vùng biển nguy hiểm như Hoàng Sa? Bây giờ thì chúng ta đã có câu trả lời: chẳng ai bảo vệ họ cả. Tuần trước, một bộ trưởng nói “Xin ngư dân yên tâm bám biển”. Nhưng hôm qua, khi được hỏi về vấn đề này, một quan chức kiểm ngư, Nguyễn Ngọc Oai, cho biết “Không, không.
Chúng tôi không theo bảo vệ vì lực lượng chúng tôi có hạn. Cả vùng biển rộng lớn chúng tôi chỉ có 30 tàu. Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, quan sát ở xa để theo dõi, để hỗ trợ thôi, chứ chúng tôi không phải theo để bảo vệ tàu cá”. Ôi, trời đất ơi, ở thế kỉ 21 mà vẫn còn tuyên truyền! Mà, tuyên truyền từ xa! [9].
Nhân dân đã phát biểu tình hình Việt Nam hiện tại: lãnh tụ bám ghế, ngư dân bám biển, quân đội bám bờ, tàu bè, vũ khí bám kho...
Trước tình hình như vậy, thế mà gần đây tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh công bố quyết định thành lập Lữ đoàn 950 đóng trên huyện đảo Phú Quốc với nhiệm vụ phòng thủ đảo và vùng biển phía tây nam Việt Nam [10]
Tại sao chỉ phòng thủ Phú quốc? Thế Hoàng sa, Trường sa thì sao?
Tóm lại, Trung cộng và Việt cộng đều là một lũ man rợ, tán ác và dối trá, nhân dân ta và thế giới phải tiêu diệt chúng..
__CHÚ THICH
[1]. SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM -TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA.Sự thật, 1979.
[2]. Sự phi lý của bản đồ “đường 10 đoạn”. http://dantri.com.vn/the-gioi/su-phi-ly-cua-ban-do-duong-10-doan-898326.htm
[3].http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140601-dien-dan-shangri-la-trung-quoc-cong-kich-my-nhat-khieu-khich
[4]. Trung Quốc tuyên bố không theo đuổi bá quyền trong khu vực.
http://www.voatiengviet.com/content/trung-quoc-tuyen-bo-khong-theo-duoi-ba-quyen-trong-khu-vuc/2437732.html
[5]. Trung Quốc yêu hòa bình và chống chủ nghĩa bành trướng?
http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/cn-love-peace-06192014094705.html
[6]. Ấn Độ hòa hoãn nhưng cứng rắn với Trung Quốc.http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140912-an-do-hoa-hoan-nhung-cung-ran-voi-trung-quo
[7].http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140912-bien-dong-tong-thong-indonesia-muon-dung-ra-lam-trung-gian-hoa-gia.
[8].http://nld.com.vn/vnmoney/dai-gia-vay-ngan-ti-mua-tau-ca-xin-uu-dai-qua-da-20140814112040267.htm
[9]. Ai bảo vệ ngư dân?http://bolapquechoa.com/ai-bao-ve-ngu-dan.quechoa/
[10].http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/09/140905_vn_bridgade_phu_quoc.shtml
No comments:
Post a Comment