Làng cổ Phước Tích Huế

Làng cổ Phước Tích - Thừa Thiên Huế. Ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam. Nếu như làng Việt cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dáng dấp đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, thì làng Phước Tích xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung. Đây là ngôi làng thứ 2 của Việt Nam được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Lễ công bố quyết định quan trọng này diễn ra song song với "Festival nghề truyền thống Huế - 2009" (ngày 13/06), mở ra cơ hội phát triển mới cho làng cổ Phước Tích. 

Tọa lạc trên ranh giới tỉnh hiện nay giữa Quảng Trị và Thừa Thiên, nằm cách trung tâm Huế khoảng chừng 45 cây số, làng Phước Tích nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hoà bốn mùa trong xanh. Vị thế ngôi làng đã là gợi ý cho nhiều hình ảnh ví von sống động, mà “chiếc túi rút” hay “cái hầu bao” là một trong những hình ảnh để nói lên sự giàu có của ngôi làng này trong một thời kỳ lịch sử. Khác với những ngôi làng khác ở vùng miền Trung gió Lào cát trắng, cái làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của Phước Tích chính là vẻ đẹp hiền hoà, bình yên của những ngôi nhà cổ đã trên trăm năm tuổi và nghề làm gốm vốn đã trở thành thương hiệu của mảnh đất này.

Hiện nay làng Phước Tích có 117 nóc nhà và 452 nhân khẩu. Nét đặc trưng chủ yếu và cũng là nét đặc sắc nhất của làng là quy hoạch không gian kiến trúc, được tổ hợp bằng các nhà vườn truyền thống, bố cục theo ba xóm gắn bó với nhau. Hệ thống đường sá, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động của một vùng sinh thái độc đáo, kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người.

Giữa các khuôn viên của ngôi nhà không ngăn cách bằng hàng rào kín (bằng gạch xây hoặc gạch mộc hay tường trình) và có cổng, mà bằng các hàng rào hở bằng cây chè tàu, uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ đối với môi trường sinh sống làm cho con người gắn bó với cảnh quan thiên nhiên.Ðiều đó vừa chứa đựng triết lý nhân bản sâu sắc vừa mang tính sáng tạo độc đáo của con người, nhằm tổ chức một không gian sống lý tưởng cho cộng đồng cư dân từ thời xa xưa còn tồn tại đến ngày nay.

Với cấu trúc và tổ chức không gian được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ, làng Phước Tích đang ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. GS GS Hiromichi Tomoda - người phụ trách dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững ở VN thông qua du lịch di sản” - dự án điều tra tổng hợp về làng cổ Phước Tích, cho biết: làng Phước Tích hiện còn 24 ngôi nhà cổ có giá trị, trong đó nhà cổ nhất dựng năm 1850, kế đến là nhà dựng năm 1870. Tất cả đều xây dựng trên khu vực cao 3,5m so với mực nước biển, độ cao vừa đủ để ít chịu ảnh hưởng bởi các trận lụt hằng năm. Mọi ngôi nhà cổ đều nằm trong một khu vườn rộng xanh mướt bao quanh. Đây chính là những giá trị tiềm ẩn cần được đầu tư khai thác nhằm phát triển thế mạnh du lịch của vùng đất này.

Làng cổ Phước Tích còn được biết đến với sản phẩm gốm cổ truyền vốn từ lâu đã trở thành thương hiệuTrước đây, gốm Phước Tích còn trở thành một sản phẩm đặc biệt cống nạp cho các triều đại nhà Nguyễn để nấu cơm cho vua ăn. Ngày nay, Trải qua nhiều thời kỳ, sản phẩm gốm Phước Tích đã có mặt trong cuộc sống của người dân quê hương cũng như ở khắp các vùng của miền đất Thuận Hóa.

Mới đây, Nhằm giới thiệu, quảng bá nét hương xưa ở ngôi làng cổ độc đáo này, Tổ chức JICA phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu tại Festival Huế 2012.

Ngoài ra còn có hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni va Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm), đền Văn Thánh... Miếu Ðôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần Hoàng của làng. Tất cả mang đậm nét tâm linh của cư dân làng cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Mặt khác, do ở cạnh làng mộc cổ truyền Mỹ Xuyên, nên Phước Tích được thừa hưởng nghệ thuật độc đáo của điêu khắc kiến trúc, chạm trổ trên các bộ khung gỗ của ngôi nhà, càng làm đậm nét tính chất dân gian mang đầy đủ bản sắc.

Nằm ở ranh giới giữa Huế và Quảng Trị, nơi có con sông Ô Lâu xanh ngắt hiền hòa, Phước Tích là điểm dừng chân yên bình cho du khách thập phương tại Festival Huế 2012. Theo tin từ Trung tâm Festival Huế, làng cổ Phước Tích, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền là một trong những điểm đến của tour du lịch "Hương xưa làng cổ" tại Festival Huế 2012.
Sản phẩm gốm của làng cổ Phước Tích


Bản đồ về Làng Phước Tích Huế

Làng cổ Phước Tích nằm giáp ranh với Quảng Trị, dọc theo dòng sông Ô Lâu hiền hòa ... 


Dòng sông Ô Lâu hiền hòa



Hai hàng chè ven ngõ dẫn vào một ngôi nhà rường, nét đặc trưng ở Phước Tích. 

Đình làng Phước Tích
Theo lời báo chí nhan nhãn khắp internet đồn đại rằng: " Làng cổ Phước Tích thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông, được đánh giá vào hàng vẹn nguyên, quý giá không chỉ ở miền Trung mà còn của cả nước. Kết quả điều tra bước đầu cho biết trong số 117 ngôi nhà của làng Phước Tích hiện còn 27 ngôi nhà rường - vườn truyền thống, trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ.

Không những vậy, làng còn có hàng loạt hệ giá trị văn hóa được xem là đầy đủ, độc đáo và hiếm hoi. Cụ thể như: hệ thống thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng như đình, chùa; hệ thống nhà thờ họ, đền, miếu, am...; cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan xóm làng nhuần nhị, xanh tươi ngút ngàn; đặc biệt là không gian và văn hóa sống cộng đồng đặc trưng, thuần khiết của làng quê Việt còn được tiếp tục bảo tồn, duy trì tại làng... "


Những ngôi nhà này nằm rải rác khắp làng, đặc biệt là đều hướng về phía sông

Một trong số các bến dọc đường đi

Tại mỗi bến đều được tạc lại số năm xây dựng. Nghe đồn mấy cái bến này rất linh thiêng và đều có đền thờ. Người dân ở đây thường ra đây để làm lễ cúng, bái. Ngoài nhà rường cổ ra, ở đây có rất nhiều nhà thờ họ, tộc








Lò gốm cũng được đặt cạnh sông, gió thổi mát lồng lộng ... một khung cảnh rất hài hòa, bình yên:






Lò nung gốm


Một trong những sản phẩm Gốm từ làng cổ Phước Tích - Huế


Cái bàn để làm gốm cổ xưa, bây giờ người ta toàn dùng điện, không xoay như lúc trước nữa
Thường ngày ở đây luôn có thầy để hướng dẫn cho những ai muốn học hỏi cách làm gốm, rất nhộn nhịp và thú vị.


Một lò Gốm củ

Theo lời các học trò gốm ở đây, nghề gốm có rất nhiều điều hay ho, ko chỉ là một nghề, một loại nghê thuật mà còn là một liệu pháp tốt để thư giãn. Con người một khi đã đắm mình cho một tác phẩm nào đó, thì có nghĩa là họ đang phiêu thật sự trong thế giới của nghệ thuật tạo hình. 
 LÀNG PHƯỚC TICH
BS. HỒ VĂN CHÂM


Báo chí trong nước gần đây (tháng sáu năm 2003), ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, và đài Truyền hình Huế, có đăng bài và chiếu băng hình phóng sự về một ngôi làng nằm trên bờ nam sông Ô Lâu, thuộc miền Trung Trung Bộ, cách Huế chừng 40 kilômét về phía bắc. Đó là làng Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Trọng tâm của các bài viết và băng hình phóng sự xoay quanh vấn đề làm sao bảo trì những ngôi nhà cổ trong làng, có cái gần 200 năm tuổi, mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam qua khảo sát buổi đầu đã đánh giá là di sản văn hóa rất đáng trân trọng. Nổi ưu tư của các nhà văn hóa không phải là sự lo sợ các ngôi nhà rường bị thay thế bằng những ngôi nhà bê tông cốt sắt, mà là viễn tượng rành rành trước mắt làng Phước Tích đang dần dà đi vào dĩ vãng. Thật vậy, dân làng bây giờ còn rất ít, chỉ có khoảng 300 người, mà hầu hết là ông già bà lão. Thanh niên không mấy người ở lại làng, mà trẻ em cũng rất ít. Cả làng chỉ có chừng 15-20 đứa trẻ. Lớp người thuộc lứa tuổi lao động, nam cũng như nữ, đều đã bỏ làng đi xa kiếm sống, phần đông đã an cư lạc nghiệp nơi quê hương mới, không còn tính đến việc trở về làng cũ. Người làng Phước Tích ngày nay làm ăn sinh sống khắp nơi trong nước, ở Huế, ở Đà Nẵng, trên Tây nguyên, trong Nam, ngoài Bắc, từ chổ núi rừng u tịch như A Lưới, Dầu Tiếng, đến nơi đô hội phồn hoa như Hà Nội, Sài Gòn. Số người thiên di ra nước ngoài cũng không phải là ít, và họ có mặt khắp nơi, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc Châu. Không một ai có ý định trở về làng sinh sống, bởi một lẽ giản đơn là về làng sinh sống thì khó có thể kiếm được việc gì làm khả dĩ kiếm đủ lợi tức mà sống qua ngày. Bởi vậy dân làng ngày nay chỉ toàn là người già. Họ sống một phần nhờ vào sự trợ cấp của con cháu đang đi làm ăn xa, và một phần nhờ vào hoa lợi thu hoạch từ khu vườn cây ăn trái bao quanh nhà.
            Tác giả các bài báo cũng như Kiến Trúc sư Hoàng Đạo Kính trong băng hình phóng sự đưa ra nhận xét là những khu vườn này không khác gì những khu vườn ở Huế, cũng bình phong bể cạn trước sân, cũng hàng chè tàu xanh bao quanh nhà, cũng những dây trầu quấn quanh gốc cau, cũng những hàng cây ăn trái đủ loại mà có phóng viên cho là còn phong phú và quý hiếm hơn cả các khu vườn trong Huế, như bồ quân, trần bì. Ngoài ra, nhà nào cũng trồng hoa, hoa thân thảo như tường vi, tỷ muội, hồng bạch, thiên lý, leo dọc thừa ly (1) hay bò trên giàn, hoa thân mộc như mai, lựu, hàm tiếu, hải đường, bích đào, hoàng lan, ngọc lan, trồng rải rác ven sân và ở đầu hồi, bốn mùa thi đua nhau khoe hương, khoe sắc, khiến cho toàn bộ ngôi làng chìm ngập trong một không gian màu xanh lục tươi mát. Trong một làng ít người, không quá 300 dân, mà 80% là ông già bà lão, hội Kiến Trúc sư Việt Nam đã kiểm kê sơ khởi được 27 ngôi nhà cổ, cái trẻ nhất cũng đã hơn trăm năm, cái già nhất thì đã 180 năm tuổi đời. Những ngôi nhà cổ này là loại nhà rường, giàn trò làm bằng gỗ nguyên cây, cột kèo, xuyên trính, bản khoa, vách đố, rầm thượng rầm hạ, tất cả được nối ráp với nhau bằng mộng, chứ không dùng đinh hoặc bù lon. Má kèo, đuôi trính, liễn ba, đòn lương, cửa buồng, tất cả đều được chạm trổ tinh tế. Sự tươi tốt mượt mà của cây trái, hoa cỏ ngoài vườn tương phản rõ rệt với vẻ củ kỹ tàn tạ của ngôi nhà và nhất là với nét già nua khô héo của chủ nhà. Điều này cho thấy làng Phước Tích đang dần dà tàn lụi. Vườn cây lá mỗi ngày một xanh nhưng mái đầu chủ nhân tóc mỗi ngày một bạc. Rồi đây họ nằm xuống, không còn người thay thế trông nom nhà cửa vườn tược, những ngôi nhà cổ in đậm dấu ấn một thời vàng son này sẽ ra sao?
Nhưng nỗi ưu tư đó là việc của các nhà văn hóa muốn bảo lưu di sản dân tộc. Đối với chúng ta, vấn đề được đặt ra là thử tìm hiểu tại sao giữa một vùng thôn ấp miền Trung nghèo khó, nắng lữa mưa dầu, ruộng vườn cạn kiệt nước tưới mùa khô và ngập úng nước lụt mùa lũ, người dân vất vã một nắng hai sương cày sâu cuốc bẩm mà cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, lại đã từng phát sinh một ngôi làng giàu có và văn vật nhường ấy. Cứ nhìn những ngôi nhà vườn kiểu Huế ở Phước Tích thì hình dung được ngay dân cư làng này ngày trước đã từng có cuộc sống phong túc đến mức độ nào. Khơi dậy tro tàn quá khứ để tìm hiểu họ đã làm ăn sinh sống ra sao, cách nghĩ cách làm của họ có gì khác biệt với dân cư các làng khác trong vùng, là có thể thu lượm được một số nhận thức thực tiễn để phác họa những nét đại lược cho sách lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền Trung đất mẹ cày lên sỏi đá.
            Làng Phước Tích tọa lạc ở xứ Cồn Dương, trước là đất quận Nhật Nam của Giao Châu, từ đời Đường về sau là châu Ô của Chiêm Thành, đời Trần đổi làm châu Thuận. Khi vùng đất này được chuyển giao cho Đại Việt, thổ dân đều bỏ đi, hoặc vào Amaravati (Quảng Nam ngày nay), hoặc lên miền núi. Đời Hồ và Lê sơ, trong vùng lác đác đã có một số làng mạc người Việt được thành lập : Phò Trạch, Ưu Đàm (Ưu Điềm), Đường Long (Chí Long), nhưng xứ Cồn Dương vẫn chưa có người ở. Năm 1470, quân Chiêm Thành xâm phạm Hóa Châu, vua Lê Thánh Tông sai quan quân đi đánh dẹp. Năm sau, 1471, niên hiệu Hồng Đức thứ 2, nhà vua ngự giá thân chinh, tiến chiếm kinh đô Chà Bàn (Vijaya), cắt đất Chiêm Thành lập Thừa Tuyên Quảng Nam. Trong đạo vương sư chinh phạt Chiêm Thành có người họ Hoàng tên Minh Hùng, người huyện Quỳnh Lưu xứ Nghệ An, giữ chức Thượng Tướng quân Cẩm Y vệ Đô Chỉ Huy sứ Quản trị Phó Tướng. Vì có quân công, Hoàng Minh Hùng được vua phong quan tước là Hùng Minh Hầu đặc tấn Phụ Quốc Thượng Tướng quân, và ban cho xứ Cồn Dương làm thái ấp. Hoàng Minh Hùng cùng với 11 thuộc tướng, tất cả đều là người Quỳnh Lưu, chung nhau khai khẩn xứ Cồn Dương, lập ra làng Cảm Quyết, còn được gọi là Dũng Quyết, thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, Thừa Tuyên Thuận Hóa. Đời Nguyễn, Hoàng Minh Hùng được sắc phong Khai Canh, các thuộc tướng được sắc phong Hậu Khai Khẩn, tất cả 12 người đều được phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần.
            Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, mang theo một số dân Thanh Hoa và Bắc Hà. Vì làng Cảm Quyết quá rộng, cư dân chỉ quần tụ ở vùng cồn cao giữa làng, chung quanh có sông Ô Lâu uốn khúc, nên các vùng đất trống bên ngoài bị chính quyền đương thời trưng dụng để định cư đám dân mới đến, lập nên các làng Mỹ Xuyên, Mỹ Can, Hội Kỳ, Mỹ Chánh. Do đó mà ngày nay miếu thờ Khai Canh tọa lạc ngay trong làng Phước Tích còn lăng mộ Khai Canh lại ở mãi tận làng Mỹ Xuyên. Sau khi các chúa Nguyễn cát cứ Nam Hà, Thừa tuyên Thuận Hóa được chia ra làm Cựu Dinh và Chính Dinh. Huyện Kim Trà được đổi tên thành huyện Hương Trà và huyện Đan Điền thành huyện Quảng Điền. Cảm Dũng Quyết cũng được đổi tên là Phước Giang, thuộc huyện Hương Trà, Chính Dinh. Đời Tây Sơn, Phước Giang được đổi làm Hoàng Giang. Đây chính là trạm Hoàng Giang nơi Thái sư Bùi Đắc Tuyên đày Trung Thư lệnh Trần Văn Kỷ ra chăn ngựa cắt cỏ nói trong sách Hoàng Lê Nhất Thống chí. Đầu đời Nguyễn, vua Gia Long lấy đất Phú Xuân xây Kinh thành Huế, cho dân Phú Xuân thấy nơi nào đất bỏ trống là có quyền cắm mốc lập làng. Một bộ phận dân Phú Xuân thấy cồn đất bồi trồng thuốc lá của Hoàng Giang có vẻ là nơi đất lành chim đậu nên đứng đơn xin chính quyền sở tại chiếu mệnh vua buộc dân Hoàng Giang cắt đất để lập làng mới Phú Xuân. Niên hiệu Minh Mạng thứ 15 (1835), huyện Phong Điền được thiết lập do đất của hai huyện Quảng Điền và Hương Trà cắt tách ra. Hoàng Giang được đổi lại là Phước Tích, thuộc tổng Phò Trạch, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên, thuộc về Kinh Sư. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền bỏ tổng lập xã, làng Phước Tích thuộc xã Phong Lâu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thời Việt Nam Cộng Hòa, Phước Tích hợp với Phú Xuân thành ấp Phước Phú, thuộc xã Phong Hòa, quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1975, các quận Phong Điền, Quảng Điền, Hương Điền, Hương Trà hợp nhất thành huyện Hương Điền; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên; ấp được đổi thành thôn; do đó thôn Phước Phú thuộc xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày nay, các tỉnh và huyện cũ được tái lập, thôn Phước Phú lại thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Từ đầu năm 1947 trở về sau, vì tình hình chiến tranh giằng co giữa Pháp và Việt Minh trong vùng huyện Phong Đíền, dân cư Phước Tích lâm vào cái thế một cổ hai tròng. Ban ngày quân Pháp từ đồn Mỹ Chánh bên kia sông Ô Lâu kéo qua ruồng bố, bắt bớ những người bị nghi là Việt Minh. Ban đêm Việt Minh từ chiến khu Hòa Mỹ kéo về đốt nhà và dùng mã tấu chém chết những người bị kết tội là Việt gian. Thế là cuộc di tản âm thầm của cư dân làng Phước Tích bắt đầu. Một số lén lút chạy về các thành phố, chủ yếu là vào Huế. Một số di chuyển lên các mật khu dọc Trường sơn hay xuống vùng duyên hải an toàn mà báo chí đương thời đặt tên là con đường buồn thiu (2). Đến năm 1950, Tướng Lebris, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại Trung Việt, tổng tấn công an toàn khu con đường buồn thiu và bình định vùng bắc Phong Điền. Những người Phước Tích theo Việt Minh rút sâu vào các chiến khu Trường sơn hoặc tập kết ra Nghệ Tịnh. Những người Phước Tích khác, bấy lâu bị cầm chân trong vùng quê Phong Điền, nay nhân dịp vỡ mặt trận, rần rần kéo toàn bộ gia đình chạy vào Huế. Tiếng là đã được bình định, không còn là vùng xôi đậu nữa, nhưng Phước Tích vẫn không phải là nơi tuyệt đối an toàn. Đối với lớp người thuộc lứa tuổi lao động, nhất là giới thanh niên nam nữ, muốn cho tính mạng khỏi bị đe dọa thì tốt nhất là nên bỏ làng ra đi. Ở lại làng chỉ còn các ông già bà lão.
            Trong số những người bỏ làng ra đi, sau này không có mấy người trở về quê cũ sinh sống. Năm 1954, hòa bình lập lại, nhưng đất nước chia đôi, những người Phước Tích theo Việt Minh, bấy lâu lẫn lút trong vùng mật khu, nay phải tập kết ra bắc đã đành, mà những người Phước Tích theo phía quốc gia cũng không thấy có ai trở lại sinh sống ở làng. Đến năm 1975, đất nước thống nhất, những người Phước Tích thuộc phe chiến thắng từ miền bắc trở về thăm làng thì có chứ trở về sinh sống ở làng thì cũng không thấy một ai. Sự kiện này có vẻ kỳ lạ đối với khách bàng quan, nhưng đối với cư dân làng Phước Tích thì là điều dễ hiểu : về sống ở làng thì khó có thể kiếm được việc làm để nuôi thân. Nhưng tại sao trước năm 1945 làng Phước Tích lại giàu có phồn thịnh, mà bằng cớ rành rành là trong làng vẫn còn những khu vườn kiểu Huế và những ngôi nhà rường cũ kỹ trên dưới 150 năm tuổi đời, chạm trổ tinh vi, tuy con cháu không có khả năng và phương tiện bảo trì đúng mức, nhưng vẫn trơ gan cùng năm tháng tồn tại mãi đến ngày nay. Những người Phước Tích giàu có thuở trước đã làm ăn như thế nào, theo đuổi những nghiệp vụ gì, áp dụng những phương thức kinh doanh đặc biệt gì mà ngày nay làng nước thanh bình trở lại mà con cháu lại không có đủ khả năng hoặc không có điều kiện kế tục sự nghiệp, để đến nổi không thể trở về quê cũ làm ăn mà phải tiếp tục tứ tán ly hương tìm đất mới sinh sống?
            Từ năm 1945 trở về trước, nghề nghiệp căn bản của dân Phước Tích là nghề gốm. Gốm Phước Tích làm bằng đất sét nung già lửa, không tráng men. Phước Tích không sản xuất gốm mỹ thuật, không sản xuất lu mái, mà chỉ sản xuất những loại vật dụng trong nhà như vại, thạp, ghè (đột), hủ, âu, chậu, nồi, om, trách, và gạch ngói. Hiện trong làng còn miếu Đào Nghệ (dạy nghề), thờ người dạy dân làng kỷ thuật làm gốm. Tên họ của ngài không ai biết. Dân làng chỉ truyền tụng với nhau tên tục của ngài là Nồi (3), bởi thế, người Phước Tích kiêng tên húy của ngài nên gọi cái nồi là cái nghẹ. Nghề gốm tạo nên những thành phần nghiệp vụ khác nhau về nhiều mặt : giới chủ lò nung, tức là những người xuất vốn sản xuất; giới thợ đất chuyên đi lấy đất sét chở về làng bằng thuyền; giới thợ rừng lên núi đốn cây kết bè thả trôi sông đưa về nung lò; giới thợ xên chuốt nhào nặn đất sét thành vật dụng ở dạng gốm sống; giới nung đột xếp gốm sống vào lò rồi đốt lửa nung chín; và cuối cùng là giới phân phối đưa gốm thành phẩm ra thị trường tiêu thụ. Trong các thành phần trên thì hai giới chủ lò nung và phân phối gốm thành phẩm là hưởng lợi nhiều nhất. Họ có những cửa hàng gốm ở khắp các chợ lớn nhỏ trong vùng, từ Đông Ba An Cựu ở Huế đến chợ Sòng chợ Sãi ngoài Quảng Trị. Họ chở gốm thành phẩm (hàng đột) đến nơi tiêu thụ bằng thuyền lớn gọi là nôốt nên làng Phước Tích có tên nôm là Kẻ Đột và dân Phước Tích có biệt danh là dân nôốt đột. Họ làm ăn bận bịu quanh năm :
Sáng chợ Cần, chợ Kệ,
           Tối Thủ Lễ, Hạ Lang.
           Ba mươi Tết anh ở chợ ra về,
           Rạng ngày mồng một anh còn lề mề trên phá Tam Giang.
           Hiếu trung chi bên anh, anh cũng phải bỏ, huống chi bên                           nàng, nàng ơi!
           
Nghề nghiệp căn bản thứ hai của dân Phước Tích là đi học và thi đậu để ra làm việc nhà nước, tức là làm quan và làm công chức hay làm thầy cô giáo. Việc học rất được xem trọng. Trong lúc còn có những tỉnh chưa có miếu thờ Khổng Tử thì làng Phước Tích, ngoài Đình thờ Thành Hoàng và Chùa thờ Phật, lại có cả Văn chỉ thờ Vạn Thế Sư Biểu. Những người học hành đỗ đạt ra làm việc nhà nước hầu hết cưới vợ người làng. Cho dù thuyên chuyển đi các tỉnh xa hay làm việc ngay tại Huế, họ đều để vợ con ở nhà, và dành dụm tạo mãi nhà cửa ở làng. Do thói quen phong nhã của những người theo học chữ nho thường thích chơi cây cảnh và ưa ngâm hoa vịnh nguyệt, cũng như do địa thế cao ráo và có sông uốn khúc bọc quanh rất thuận lợi cho việc lập vườn trồng cây ăn trái mà làng Phước Tích có những khu vườn kiểu Huế sum sê tươi tốt và những ngôi nhà rường chạm trổ với bể cạn bình phong còn tồn tại mãi tới ngày nay. Với bản tính cần kiệm, người dân Phước Tích ra làm việc nhà nước, cho dù là đường quan thuộc quan hay thừa phái lại mục, là tham tá phán sự hay ký lục thông ngôn, là đốc học đốc trường hay trợ giáo hương sư, vị nào cũng chỉ để ra một khoản tiền khiêm tốn dành cho việc ăn ở, lương bổng còn lại bao nhiêu đều chắt chiu gửi về làng để vợ mua ruộng cho thuê tá canh, hay làm vốn buôn bán hàng nằm.
Làng Phước Tích là làng vườn, không có ruộng, nhưng dân Phước Tích đứng tên sở hữu rất nhiều ruộng ở các làng trong vùng thuộc huyện Phong Điền và phủ Hải Lăng. Các địa chủ Phước Tích không trực tiếp canh tác mà cho nông dân sở tại thuê tá canh, đến mùa thu hoạch thì đóng tô bằng lúa. Thành phần địa chủ có nhiều gốc gác khác nhau, từ quan lại và viên chức nhà nuớc, chủ lò nung và chủ cửa hàng gốm, chủ các cơ sở buôn hàng nằm và chế biến nông sản dự trử, đến các ông con nhà giàu thừa hưởng ruộng đất cha mẹ để lại. Cho dù là địa chủ chuyên nghiệp hay địa chủ tài tử, họ giống nhau ở một điểm là nhà cửa cao ráo rộng rãi để tiện việc cất giữ lúa. Một khu dinh cơ địa chủ điển hình gồm có nhà chính để ở, để tiếp khách và thờ tự, nhà ngang để sinh hoạt gia đình, nhà lẫm (nhà lậm) để cất giữ lúa, nhà bếp để nấu ăn, nhà cối để xay lúa giả gạo. Ngoài ra còn có nhà cầu nối liền nhà chính với nhà ngang và nhà lẫm, chuồng heo chuồng gà xây sát nhà bếp, và đụn rơm đằng sau vườn. Trước nhà chính là sân rộng lát gạch hay bằng đất nện để phơi lúa và nông sản các loại. Ngoài nhà lẫm, lúa còn được cất giữ ở nhà chính và nhà ngang, trên rầm thượng sát nóc nhà (dân Phước Tích gọi là cái tra), và trong các gian buồng có lót rầm hạ đã được cải biến thành vựa quây bằng những tấm cót tre. Ngoài lợi tức thu tô tá canh, các địa chủ còn hưởng tiền lời quy ra lúa trong dịch vụ cho nông dân mượn tiền và vay lúa để làm mùa và ăn giáp hạt.
Trong các nghề làm ăn mang tính chất đặc thù và phổ biến rộng rãi của dân Phước Tích trước nhất phải kể đến nghề buôn hàng nằm. Hàng nằm là hàng hóa được tích trử. Buôn hàng nằm là bỏ vốn mua hàng lúc giá rẻ rồi tích trử lại đợi lúc khan hiếm bán ra với giá cao. Nhưng buôn hàng nằm của dân Phước Tích không mang ý đồ xấu xa của gian thương đầu cơ tích trử. Ngược lại, nghề buôn hàng nằm của dân Phước Tích vừa làm giàu cho dân Phước Tích, vừa giúp cho dân quê lân cận suốt bốn mùa trong năm có đủ nhu yếu phẩm sinh hoạt. Thật vậy, dân quê quanh vùng, lúa gạo còn không biết cất giữ để ăn cho giáp hạt, còn nói chi đến chuyện muối đường cá mắm. Tích trử hàng nằm đi đôi với kỷ thuật chế biến và bảo quản. Ớt đậu, khoai sắn, hồ tiêu, cau tươi, thuốc lá v.v., đương mùa thu hoạch, nếu không có dân Phước Tích mua về phơi phong, sàn sãy, hoặc chế biến thành ớt bột, khoai khô, sắn lát, tiêu hột, cau khô, thuốc bánh, rồi tích trử trong những cái hủ gốm cao cổ nút kín, hay trong những lu mái đằng đậy kỹ càng bằng giấy báo và con cúi rơm, thì nhất thời không tiêu thụ hết sẽ ung thối mốc meo phải đổ bỏ đi. Muối, đường, cá khô, mắm ruốc, do ghe mành Quảng Ngãi, Bình Định, nhân mùa gió thuận, chở ra bán cho dân Phước Tích nguyên cả ghe, nếu không có dân Phước Tích thông thạo kỷ thuật bảo quản trong những lu mái và những cái kiệu khổng lồ cao quá đầu người, thì đến mùa mưa bão, dân quanh vùng tìm đâu ra các nhu yếu phẩm đó cho sinh hoạt hàng ngày. Bởi vậy, buôn hàng nằm của dân Phước Tích khác với đầu cơ của gian thương. Đầu cơ của gian thương là dìm giá, ép giá, tạo giá mua vào bán ra để trục lợi. Buôn hàng nằm của dân Phước Tích, ngược lại, thuận theo quy luật cung cầu của thị trường, mua vào lúc dân quê cần bán ra, và bán ra lúc dân quê có  nhu  cầu  tiêu  dùng  qua  các  hình  thức mua sắm bằng tiền,
 đổi chác lấy lúa, hoặc vay mượn quy ra lúa.
Cũng như nghề gốm, nghề buôn hàng nằm tạo ra nhiều thành phần nghiệp vụ phụ thuộc. Ngoài thành phần chủ cơ sở hàng nằm là những người có vốn, có phương tiện chế biến, và có kho vựa lu mái tích trử, đội ngũ chủ yếu của nghề buôn hàng nằm là các gánh hàng bày bán ở các chợ và các gánh hàng đi đổi lấy lúa vào các ngày mùa. Hình thức đổi hàng lấy lúa này quả tình rất là đặc biệt. Vào những ngày dân quê các làng lân cận thu hoặch lúa, đàn bà con gái Phước Tích từ sáng tinh mơ gánh hàng nhu yếu vượt mươi mười lăm cây số đường trường đến tận các sân đạp lúa đổi hàng lấy lúa. Họ chịu khó đi hết nhà này đến nhà khác, từ làng này đến làng khác. Chiều tối, họ cho lúa đổi được vào bao đệm đem gửi ở nhà quen. Liên tiếp chừng tuần lễ, lúa đổi được đã khá nhiều, họ thuê thuyền đi chở lúa về. Trong dịch vụ đổi chác này, mặt hàng đắt khách nhất là đường, muối, vải vóc, guơng lược. Sẵn lúa mới gặt về đầy sân, người dân quê hào phóng đổi lấy đường nấu chè cùng bầu bạn ăn tại chổ, và mua sắm cho vợ con không một chút đắn đo dè dặt.
            Nét sinh hoạt đặc thù khác của cư dân Phước Tích là lập vườn trồng cây ăn trái. Thật ra đây không hẳn là nghề làm ăn mà là một thú vui tiêu khiển có phát sinh hoa lợi. Vườn tược ở Phước Tích không rộng, trung bình chỉ chừng dăm ba sào (sào Bắc bộ và Trung bộ = 360 mét vuông). Rất hiếm có những khu vườn trên một mẫu. Vườn không rộng nhưng canh tác theo lối mật thận. Gia dĩ, đất thịt gò đồi cao ráo, lại có sông uốn khúc bọc quanh, nên cây cối trong vườn cành lá tươi tốt, hoa quả sum sê. Vườn nào cũng có trồng cau trầu. Chung quanh gốc cau, người ta đắp đất thành bồn tròn, bên trong bón phân chuồng và cắm 4 dây trầu. Các cây ăn trái thông thường là mãn cầu, cam, quýt, chanh, ổi, vã, khế, chuối, bưởi, trồng rải rác khắp vườn. Dọc hàng rào quanh vườn là mít và chung quanh gốc mít là thơm (dứa). Chỉ những khu vườn thật rộng mới trồng một vài cây có tán rộng như nhãn, dâu gia, hồng quân, giáng châu (măng cụt), trần bì, chùm kết, và trồng tre bao quanh vườn. Các cây hoa thân mộc thì trồng quanh sân và đầu hồi. Cây cối trong vườn mỗi năm được bón phân chuồng một lần, được tưới nước gánh từ dưới sông lên khi trời làm khô hạn, và mùa hè các gốc cây được tủ bổi (cành lá sim) để che nắng và giữ hơi ẩm. Các chủ vườn thường chỉ lo việc chăm bón các khóm hoa, luống cải, bụi trầu, còn mọi công việc nặng nhọc như rào dậu, tủ bổi, ra phân, ủ phân, đào lỗ trồng cây, đều thuê người làm.
            Các phương thức làm ăn kể trên đây không chuyên biệt dành cho giới nào hay cho gia đình nào. Chỉ riêng nghiệp vụ làm gốm mới có những gia đình chuyên ngành, còn lại thì trong bất kỳ gia đình nào người cha có thể là quan lại kiêm địa chủ, người mẹ buôn hàng nằm, con trai lớn làm thầy giáo, con trai thứ làm công chức, con dâu bán hàng xén, con gái ngày mùa gánh hàng nhu yếu phẩm đi đổi lúa và ngày thường thu hoạch hoa lợi trong vườn đem bán ở chợ làng bên. Gặp lúc công việc dồn dập, tất cả mọi người xúm lại, mỗi người một tay: thu góp lúa, cất muối, cất đường, chế biến nông sản, bửa cau khô, làm mắm cá v.v. Rộn rịp nhất trong năm là vào mùa hè. Đó là mùa thu hoạch lúa và các loại nông sản, và là mùa các ghe Quảng chở muối, chở đường ra bán. Đó cũng là mùa nắng nóng rất thuận tiện cho việc phơi phong để tích trử nhưng lại hay có mưa giông vào buổi xế chiều. Hàng hóa đang phơi mà trời chuyển giông là cả nhà náo nhiệt hẳn lên, rầm rập chạy mưa, chớp mắt lúa đã vào vựa, khoai đã vào bồ, đường đã vào mái, ớt đã vào hủ để ngày hôm sau lại được đưa ra sân phơi tiếp. Im vắng nhất trong năm là vào mùa đông, mùa mưa dầm gió bấc. Dăm bảy ngày mới có một buổi bạn hàng mua sỉ đến lấy hàng hóa, mươi bữa nửa tháng mới có một vài nông dân các làng bên đến vay lúa ăn giáp hạt hay mượn tiền làm mùa. Kỳ dư thì vô cùng rỗi rãi. Có những ngày mưa lớn quá, chợ không họp, cả nhà đóng sòng ngồi nhìn mưa và chờ ăn. Được cái là người Phước Tích rất giỏi chế biến và bảo quản thực phẩm, nên dù thời tiết thất thường mấy ngày liền không có chợ búa, suốt mùa mưa gíó họ vẫn có đầy đủ thức ăn dự trữ từ mùa hè, béo bổ và ngon lành.
Từ sau năm 1945, cuộc sống của cư dân Phước Tích bắt đầu khó khăn. Trừ nghề gốm và làm vườn, các phương thức kinh doanh buôn bán khác đều không phù hợp với đường lối chính trị của chính quyền cách mạng. Quan lại cũ của Nam triều là phong kiến phản động. Công chức cũ của Bảo hộ là Việt gian bán nước. Chủ ruộng cho nông dân tá canh là địa chủ bóc lột. Nhà giàu cho nông dân vay mượn là phú nông cho vay nặng lãi. Người buôn hàng nằm là gian thương đầu cơ tích trử. Đa số đàn ông con trai Phước Tích có học lực từ trung bình trở lên. Ngoại trừ những người được tuyển chọn vào Vệ quốc đoàn, vào Thanh niên cứu quốc, vào văn phòng các Ủy ban hành chánh Xã và Huyện, những người trẻ tuổi khác đều bị theo dõi vì là trí thức chao đảo không được tin cậy. Đầu năm 1947, quân trú phòng Pháp ở Huế được tăng viện, đánh bung ra, đến đóng đồn ở Mỹ Chánh bên kia sông. Ngay tối hôm đó, rất nhiều trí phú địa hào Phước Tích bị trói ké đưa ra các đồi cát làng Mỹ Xuyên chém chết với tội danh toan tính chạy theo Tây. Mấy hôm sau, nguyên Lý trưởng làng Phước Tích (4) bị đốt nhà, bản thân và con trai nhanh chân trốn chạy nên thoát chết trong đường tơ kẻ tóc, trong lúc con gái bị chém chết, vợ bị chém cụt tay, vợ hầu bị bắt dẫn đi mất tích. Sáng sớm hôm sau, viên Lý trưởng dẫn lính Tây đến thẳng một nhà trong làng, lùa mọi người ra ngoài rồi châm lửa thiêu rụi ngôi nhà. Được cái là ông ta biết rõ ai là đầu sỏ gây ra tai vạ hôm qua cho gia đình mình, nhưng nay kẻ kia đã cao chạy xa bay rồi, ông ta chỉ đốt nhà trả đủa chứ không nhẫn tâm giết hại người nhà của hắn để trả thù. Thế là từ đó, ban ngày lính Tây đi bố ráp, bắt người, đốt nhà, ban đêm Việt Minh cũng đi lùng sục, chém người, đốt nhà. Để tránh tai họa, người Phước Tích âm thầm bỏ làng ra đi. Ở lại làng chỉ còn một số ông già bà lão, điếc không sợ súng, hoặc là dù muốn đi cũng không biết đi đâu, đành liều mạng tra (già) ở lại giữ nhà.
            Từ đó, đã bao nhiêu nước chảy qua cầu, nhiều chế độ chính trị liên tiếp đã cai trị làng Phước Tích, nhưng dân làng không bao giờ tìm lại được cuộc sống vàng son ngày trước. Những người dân đã bỏ làng ra đi, không có mấy người trở lại làng sinh sống. Những nghề nghiệp ngày xưa đã từng làm giàu cho cha ông họ, ngày nay không còn hợp thời hợp cảnh. Ruộng đất đã bị truất hữu, chế độ tá canh không còn, nên thành phần địa chủ đương nhiên biến mất. Những người làm việc nhà nước quen với nếp sống tiện nghi ở thành thị, ngày nay không ai lại để vợ con sinh sống ở làng. Gia dĩ, luơng bổng chỉ vừa đủ ăn tiêu, không còn dư dã để dành dụm làm nguồn cung cấp tư bản cho việc kinh doanh như trước năm 1945. Các bà các cô buôn bán đổi chác hàng nằm ngày trước, nay con cháu muốn nối nghiệp thì có thể kinh doanh tại chỗ cư trú, không cần phải trở lại làng. Huống hồ thương nghiệp là độc quyền nhà nước, buôn bán nhỏ cũng bị ngăn trở, nói chi đến chuyện đầu cơ tích trử. Ngay cả nghề gốm, dù không liên can gì đến các biến cố chính trị, cũng tàn tạ không thể phục hồi. Thật vậy, gốm sành nung chín của Phước Tích tuy bền nhưng nặng nề, thô kệch, không cạnh tranh nổi với vật dụng đun nấu bằng nhôm và vật dụng chứa đựng bằng nhựa của Sài Gòn, hoặc với om trách Quảng Nam tuy cũng bằng đất nung nhưng mỏng và nhẹ. Từ thời cộng hòa, việc chuyển hướng sang sản xuất gạch ngói vại khạp cũng không thành công vì vướng mắc chuyện an ninh và nạn sách nhiễu đóng thuế chui, lên rừng lấy củi hay xuống vùng dưới lấy đất sét là đụng đầu với Việt Cộng. Thời hiện tại thì gặp khó khăn với các vấn đề công đoàn và hợp tác hóa. Cũng đã có những nổ lực gửi người vào Biên Hòa và ra Hải Dương học hỏi bí quyết làm gốm tráng men, nhưng nguyên liệu sở tại không thích hợp với kỷ thuật tráng men đang áp dụng tại các nơi đó. Rút cục, chỉ còn nghề làm vườn là còn thoi thóp. Thoi thóp vì lẽ làm vườn trước đây là thú tiêu khiển, là nghề làm chơi, ngày nay  với  nghề  làm  vườn  tài  tử  như  vậy thì  làm  sao  thư thả
kiếm sống được, nói chi đến chuyện làm giàu?
            Xuyên qua việc phân tích các phương thức làm ăn của dân làng Phước Tích trước năm 1945, chúng ta có thể rút ra nhận xét tổng quát là : mặc dầu ở vị trí địa lý thuộc miền Trung Trung Bộ, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, nhưng dân làng Phước Tích giàu có, văn vật, chứ không nghèo khổ, vất vả như dân các làng khác trong vùng, là vì dân làng Phước Tích không có ruộng nên không chú trọng nông nghiệp, ngược lại chuyên tâm vào công nghiệp sản xuất đồ gốm, vào công nghiệp chế biến nông sản, vào thương nghiệp mua bán, tích trử, đổi chác nhu yếu phẩm và một số mặt hàng tiêu dùng. Mặt khác, dân làng Phước Tích xem trọng việc học hành, cung cấp dịch vụ hành chánh và giáo dục cho nhà nước, để đổi lấy đồng lương, chắt chiu dành dụm gửi về làng cho người nhà làm vốn. Lương bổng thời đó rất hậu, lương tri huyện, tham tá, 80 đồng, lương phán sự, trợ giáo, 25 đồng, trong lúc giá một lượng vàng chỉ có 5 đồng. Vì vậy, đi làm việc nhà nước và để dành tiền gửi về cho vợ làm vốn là một nguồn cung cấp tư bản dồi dào và đều đặn. Còn việc địa chủ thu tô và cho nông dân vay mượn không phải là hoạt động nông nghiệp mà có thể được xem như là những hình thức đầu tư tư bản và vật tư sản xuất.
Sau năm 1945, dân làng Phước Tích gặp khó khăn, trở nên nghèo khổ, vất vả có phần hơn cả dân các làng lân cận, là vì dân làng Phước Tích ở tại làng không còn có điều kiện hoạt động công nghiệp, thương nghiệp, cung cấp dịch vụ trí tuệ, đầu tư tư bản và vật tư sản xuất như trước đây. Mặt khác, cùng với tình trạng thiếu thốn lao động vì người trẻ bỏ làng ra đi, người già ở lại cũng thất nghiệp chỉ biết sống nhờ vào một ngành nông nghiệp vốn dĩ là một hoạt động nghiệp dư là nghề làm vườn. Nhưng nghĩ cho cùng thì cuộc sống sa sút của cư dân Phước Tích sau năm 1945 không phải đơn thuần do các yếu tố khách quan chiến tranh và cách mạng xã hội chủ nghĩa gây nên, mà còn do một số nguyên nhân nội tại tiềm tàng trong cách nghĩ cách làm của chính bản thân cư dân Phước Tích. Thật vậy, nói rằng dân Phước Tích hiếu học, nhưng lại là thứ hiếu học từ chương, học để thi đậu ra làm việc nhà nước, cung cấp dịch vụ trí tuệ để đổi lấy lương bổng, chứ không phải là cái học thực dụng để mưu cầu kiến thức thực tế liên hệ với cuộc sống hàng ngày. Đáng lẽ dân Phước Tích phải có người đi tìm học những tinh hoa nghề nghiệp của ngành gốm, cải tiến mẫu mã, kỷ thuật tráng men, thị hiếu khách hàng, quy luật thị trường v.v. Đáng lẽ dân Phước Tích phải có người nghĩ đến việc áp dụng bài học hóa học hữu cơ lớp 9 về sự thủy phân đa đường saccharốt thành đơn đường glucốt để chế biến tinh bột khoai sắn (khoai lang và khoai mì) thành đường maltốt dùng làm kẹo theo quy trình công nghiệp, thay vì cứ đời này qua đời khác, chế biến khoai sắn thì chỉ có thái lát phơi khô. Sông Ô Lâu uốn khúc bọc quanh làng, những đoạn vành cung của giòng sông, bên lở nước sâu thăm thẳm, rất thích hợp với việc nuôi cá bè, đáng lẽ dân Phước Tích phải cho con cái theo học ngành ngư nghiệp, gia tâm nghiên cứu cách ép cá, cách sản xuất cá bột, cách nuôi dưỡng cá, cách tuyển chọn giống cá v.v. Dân Phước Tích có nghề làm đậu tương gia truyền rất ngon, sản xuất thứ nước tương còn nguyên hột đậu, tức là loại tương Nam Đàn rất khác biệt với tương Bắc và tương Huế, đáng lẽ dân Phước Tích phải biết khai thác nguyên liệu tại chỗ để đưa vào sản xuất đại trà, gửi ngưòi đi nghiên cứu kỷ thuật đóng chai, quảng cáo chiêu hàng, để tung ra thị trường bên ngoài, thay vì chỉ sản xuất theo quy mô gia dụng. Đằng này cha dạy con, anh khuyên em cố gắng học hành theo lối từ chương để thi đậu làm ông phủ ông huyện, ông tham ông phán, hay ít ra thì cũng đi dạy học, làm ông đốc trường, ông trợ giáo. Lại nữa, dân Phước Tích chỉ cho con trai đi học, còn con gái từ nhỏ đã phải theo mẹ học việc bán buôn. Cũng có một số đàn bà con gái đỗ đạt, nhưng rồi cũng đi làm cô giáo, không có người nào đem sở học phục vụ lãnh vực kinh doanh.
            Kiểm điểm lại cung cách làm ăn và lề lối sinh hoạt của cư dân làng Phước Tích trước và sau năm 1945, xuyên qua các thời kỳ phát triển thịnh vượng và suy thoái nghèo khó, chúng ta đã có thể thu lượm được một số nhận thức thực tiễn giúp chúng ta phác thảo những nét đại lược về sách lược phát triển vùng Phước Tích nói riêng và miền Trung Bộ nói chung. Đứng về phương diện kinh tế mà xét, tương quan giữa Phước Tích với các làng chung quanh cũng na ná như miền Trung Bộ với hai miền Bắc, Nam kế cận. Phước Tích không có ruộng, trong lúc các làng chung quanh có nhiều ruộng tốt, cũng như Trung Bộ đất đai khô cằn, trong lúc hai miền Bắc Bộ và Nam Bộ đất đai mầu mỡ, ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Trước đây dân làng Phước Tích đã không theo đuổi nghề nông mà chuyên tâm vào công nghiệp và thương nghiệp nên đã phát triển và thịnh vượng hơn các làng khác trong vùng. Còn Trung Bộ, trước kia cũng như ngày nay, ngày đêm than vãn “quê em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu cơm”, là bởi cứ lạch bạch chạy theo hai miền Bắc, Nam, lễ mễ ôm cứng lấy khối đá nông nghiệp. Sở dĩ gọi là khối đá nông nghiệp bởi lẽ đối với miền Trung, nông nghiệp quả tình là một gánh nặng. Đất hẹp người đông, ruộng nương đã xấu mà khí hậu lại khắc nghiệt, mưa nắng bất thường, nay lụt mai bão, đời sống người nông dân thật là cơ cực. Huống hồ nông nghiệp miền Trung xưa nay chủ yếu là nông nghiệp trồng cây lương thực, có được mảnh đất nào là gieo lúa gieo bắp, trồng đậu trồng khoai, chỉ lo có cái ăn, quần quật quanh năm mà tay làm không đủ cho hàm nhai! Người miền Trung trước đây hầu như không nghĩ đến trồng cây công nghiệp. Trà, cà phê, cao su, chỉ từ thời Pháp thuộc mới thấy trồng ở các đồn điền của người Pháp. Với các đồn điền trồng cây công nghiệp, người dân miền Trung cũng chỉ làm công việc người phu đồn điền, ăn nhẹ vác nặng, hay cùng lắm là sắm vai tiểu chủ cung cấp nguyên liệu mà giá cả hoàn toàn nằm trong tay người mua, tuyệt nhiên không có lấy một người xung phong len lỏi vào lãnh vực chế biến nguyên liệu và phân phối thành phẩm ra thị trường. Bao nhiêu mối lợi lọt hết vào tay người nước ngoài.
            Miền Trung khư khư giữ chặt nếp sống nông nghiệp đã đành là do dân ta bảo thủ, nhưng chủ trương chính sách của nhà cầm quyền không phải là không dự phần chủ yếu. Chẳng hạn, nghị quyết 9 của đảng Cộng sản vào đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 nhấn mạnh phương hướng hoạt động “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”, và vạch rõ chỉ tiêu thực hiện là “ mỗi huyện là một đơn vị quốc phòng có thể tự lực chiến đãu, mỗi tỉnh là một đơn vị kinh tế có thể tự túc lương thực”. Do đó mà các phân hạt hành chánh được tổ chức lại, nhiều huyện được gom thành một huyện mới, hai ba tỉnh cũng được sát nhập lại thành một tỉnh lớn hơn. Sau tháng tư 1975, miền nam nước ta thống nhất với miền bắc, nên Phước Tích trước đây thuộc huyện Phong Điền, nay thì 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Điền, Hương Trà gộp lại thành một huyện thôi gọi là huyện Hương Điền, và 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế gộp lại thành tỉnh Bình Trị Thiên. Theo tinh thần nghị quyết 9, huyện Hương Điền (mới) là một đơn vị quốc phòng, tỉnh Bình Trị Thiên là một đơn vị kinh tế. Vì không còn chiến tranh nên huyện Hương Điền không có cơ hội thể nghiệm khả năng tự lực chiến đãu, trong lúc đó thì tỉnh Bình Trị Thiên bắt buộc phải gồng mình để thực hiện chỉ tiêu nuôi ăn cho dân trong tỉnh mà không cần nhập lương thực từ bên ngoài. Bình Trị Thiên rất ít ruộng trồng được lúa nước, còn thì chỉ có thể trồng sắn và cây công nghiệp ở miền ven Trường sơn, và trồng khoai và cây ăn trái ở miền ven biển. Cây công nghiệp và cây ăn trái mang lại những mối lợi lớn nhưng không thể quy ra thóc. Khoai sắn nếu chế biến thành tapioca xuất khảu cho Tây nấu xúp, hoặc thành đường maltốt chở vào Đà Nẵng hoặc Sài Gòn làm kẹo công nghiệp, thì cũng thu được những mối lợi lớn, nhưng lại không thể quy ra thóc. Thành thử, đất đỏ basalt mầu mỡ là thế, đáng lẽ trồng cà phê xuất khẩu thì chỉ được trồng sắn để thái lát phơi khô; các bãi cát Đại Trường sa, Tiểu Trường sa, mênh mông là thế, nếu được cải tạo với đất sét Thái Mỹ chở từ trong nam ra thì sẽ trở thành những vườn cây ăn trái bất tận, nhưng cũng chỉ được trồng khoai để thái lát phơi khô mà thôi! Phải trồng khoai trồng sắn, bởi lẽ khoai sắn thái lát phơi khô mới được quy ra thóc. Có vậy nghị quyết 9 mới được thi hành, chỉ tiêu tự túc lương thực mới được thực hiện, đảng ta lập thêm thành tích vẻ vang, mặc cho dân chúng quanh năm ăn độn khoai sắn, và ngày càng thêm nghèo thêm khổ.
            Như vậy, người dân miền Trung, nếu muốn có đủ cơm áo, gạo tiền, sống cho ra sống, thì đừng theo đuôi hai miền Nam Bắc mà cứ khư khư ôm cứng khối đá nghìn cân là nền nông nghiệp truyền thống trồng cây lương thực. Muốn được ăn no và ăn ngon thì cần có nhiều tiền, chứ không phải cần có đủ lúa trong vựa, đủ khoai sắn trong bồ. Hãy khai thác hợp lý các thế mạnh của miền Trung để có tiền, có thật nhiều tiền, đổi lấy thóc gạo, thịt cá, và hàng tiêu dùng. Đất đai và khí hậu miền Trung rất thích hợp với một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đừng dừng lại ở khâu cung cấp nguyên liệu mà nhất thiết phải phát triển công nghiệp chế biến ra thành phẩm tiêu thụ song hành với việc kiện toàn khâu phân phối xuyên qua việc phát triển thương nghiệp cả trong nước lẫn ngoài nước. Miền Trung có bờ biển dài, nhiều vũng sâu, nhiều vịnh kín gió, rất thuận lợi cho vìệc hải hành, cho việc vận chuyển trao đổi hàng hóa. Sắn Quảng Trị chế biến thành kẹo, mía Quảng Ngãi chế biến thành rượu, chở vào trong Nam đổi lấy gạo. Đất sét Thái Mỹ trong Nam chở ra Nghệ Tịnh, Bình Trị Thiên, cải tạo các đồi cát ven biển thành vườn mãn cầu (quả na), đem ra ngoài Bắc đổi lấy hàng công nghiệp tiêu dùng. Phải chú trọng phát triển ngành đánh cá xa bờ, song hành với việc phát triển công nghiệp chế biến và đóng gói hải sản xuất khẩu. Đã tới lúc tiến hành việc thử nghiệm nuôi cá nuôi tôm nước ngọt, nước lợ, nước mặn trong các bè, các ao vũng, đầm phá ở miền Trung. Cũng đã tới lúc khuếch trương việc nuôi dê nuôi cừu ở Quảng Trị, Phan Rang, nuôi bò nuôi trâu ở Nghệ An, Ban Mê Thuột thành phong trào chăn nuôi đại trà, trên quy mô công nghiệp.
            Nói tóm lại, muốn khỏi đói khỏi nghèo, miền Trung trước mắt phải lập tức chuyển hướng cách nghĩ cách làm trong lãnh vực nông ngư nghiệp đi kèm với việc cải tiến công nghiệp chế biến nông hải sản, chú trọng sử dụng các phương tiện vận chuyển đường biển để phát triển thương nghiệp trong nước nhằm mục đích trao đổi sản phẩm, và khuyếch trương ngoại thương với các quốc gia láng giềng cũng như với các quốc gia thân hữu khác để bước đầu chen chân xâm nhập thị trường thế giới. Thực hiện thành công những bước đi đầu tiên đó, nhiên hậu mới tính đến việc khai thác những thế mạnh khác của miền Trung trong các lĩnh vực công nghiệp và thương nghiệp liên hệ đến các tài vụ phức tạp mang tính chất đa quốc gia như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp luyện kim, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch, sản xuất vật liệu xây cất (nhất là xi măng với vĩa đá vôi khổng lồ Bình Trị Thiên kéo dài từ Long Thọ ra Kẻ Bàng lan qua Hạ Lào). Nhưng bao trùm lên tất cả những chương trình đó là việc cải cách chính sách giáo dục, nhẹ về chiều hướng từ chương mà nặng về chiều hướng thực dụng, và việc thay đổi chính sách kinh tế trên cơ sở tôn trọng quyền sở hữu cá nhân và khuyến khích tinh thần tự do cạnh tranh trong kinh doanh.
Cải cách giáo dục không chỉ giản đơn thu gọn trong việc tăng gia mức độ đầu tư vào lãnh vực giáo dục, mà chủ yếu là việc tập trung công sức vào việc áp dụng tất cả các biện pháp cứng rắn nhằm mục tiêu thay đổi triệt để tư duy và hành động của các giới giáo chức, phụ huynh, học sinh và sinh viên các cấp các ngành. Phải bài xích việc giáo sư soạn thảo và giảng dạy theo giáo án khuôn mẫu. Phải chấm dứt việc giáo sư đọc bài giảng cho học sinh sinh viên chép đem về nhà học thuộc lòng. Phải tẩy xóa đầu óc ham chuộng hư danh và bằng cấp trong quần chúng. Vì lòng ham chuộng không đúng chỗ này mà các bậc phụ huynh ngày trước cũng như hôm nay cứ mong muốn và ép buộc con em theo học nghề bác sĩ. Cũng vì lòng ham chuộng tai hại này mà thời Pháp thuộc câu nói cửa miệng “phi cao đẳng bất thành phu phụ” có giá trị quyết định đến nỗi các cậu ấm, con quan, nhà giàu, nhưng học không giỏi, phải phát minh ra cái bằng cấp candidat au Bac (Bac là baccalauréat, là bằng tú tài). Tinh thần ham chuộng hư danh và tôn trọng bằng cấp đó ngày nay vẫn tồn tại, vẫn phổ biến, nên rất nhiều sinh viên Việt Nam tại hải ngoại lận đận nghiệp sách đèn bèn theo gương các đàn anh ngày trước mà tự phong là Ph.D. candidate, hoặc bỏ tiền ra mua bằng Ph.D. giả mạo của một số trường ma giáo để loè bịp thiên hạ. Cuối cùng việc cải cách giáo dục nói ở đây chủ yếu có nghĩa là cần tìm mọi cách tiêm nhiễm vào đầu óc sinh viên học sinh tinh thần phát huy sáng kiến, ham chuộng học hỏi tìm tòi sự mới lạ, để đưa vào thực tế đời sống, nghĩa là có thể áp dụng vào cuộc sinh hoạt hàng ngày của chính bản thân mình và của những người chung quanh mình.
            Việc thay đổi đường lối kinh tế trên cơ sở tôn trọng quyền tư hữu cá nhân và tinh thần tự do cạnh tranh trong kinh doanh đòi hỏi những đổi mới về đường lối chính trị, về tổ chức hành chánh và phối trí lãnh thổ, và về mức độ tương quan quyền hành và trách nhiệm giữa trung ương và địa phương. Những chương trình chính yếu trong sách lược phát triển miền Trung nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo phác họa trên đây không thể nào thực hiện được với chính sách hiện hành là chính sách kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là kinh tế 5 thành phần trong đó các công ty quốc doanh là thành phần chủ yếu. Các công ty quốc doanh là gánh nặng cho xã hội, có còn tiền bạc lời lãi gì mà mong góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho dân chúng miền Trung. Như vậy, nhất thiết phải thay đổi chính sách kinh tế hiện hành sang kinh tế tự do cạnh tranh, nghĩa là phải thay đổi định chế chính trị hiện thời thành một định chế chính trị xây dựng trên cơ sở dân chủ pháp trị. Lại nữa, muốn phát triển kinh tế thì phải cho địa phương tự trị rộng rãi. Địa phương biết rõ nhu cầu và khả năng của mình, vì vậy phải cho địa phương có đủ quyền hành để tự mình hoạh định và thực hiện kế hoạch phát triển. Lấy thí dụ miền Trung nguyên Trung phần thời cộng hòa, hàng ngoại nhập phải qua cửa khẩu Sài Gòn nên tại thị trường Đà Nẵng giá cao hơn ở Sài Gòn. Từ 1971 trở đi, bộ Kinh Tế VNCH cho hàng ngoại vào miền Trung được nhập thẳng qua cảng Đà Nẵng, nhờ đó mà giá cả bằng với giá cả trong Nam, đời sống dân chúng miền Trung bớt khổ được nhiều phần. Như vậy, tản quyền cho địa phương là yếu tố quyết định trong kế sách phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến phản bác, sợ rằng tản quyền rộng rãi về địa phương sẽ đưa đến tệ nạn địa phương phân cát. Do đó, cần phải đặt lại vấn đề tái phối trí lãnh thổ, theo chiều hướng vùng hành chánh kinh tế tự trị không được quá rộng như các miền Trung, Nam, Bắc để có thể tách riêng ra độc lập, nhưng nhất thiết không được quá nhỏ như các tỉnh hiện nay, vì không đủ tài nguyên nhân lực để thực hiện các chương trình tự túc phát triển kinh tế, cải tiến dân sinh. Trong tinh thần đó, các vùng hành chánh kinh tế tự trị có thể có quy mô như các quân khu trước đây, miền Bắc 3 vùng, miền Trung 3 vùng, miền Nam 2 vùng.
Nhân chuyện mấy ngôi nhà cổ ở làng Phước Tích mà tìm hiểu cái lẽ thịnh suy bĩ thái của dân làng này suốt năm trăm năm qua, để rồi nghiền ngẫm về thân phận đói nghèo cố hữu của dân chúng miền Trung, cái thân phận bất hạnh mà họ có thể tránh khòi nếu họ được tự do tìm một lối đi riêng, dứt khoát không đi theo con đường mòn có sẵn. Trong hai thế kỷ 17 và 18, Đàng Trong phát triển thịnh vượng hơn Đàng Ngoài, vì tranh thủ được độc lập với miền Bắc nên tự do mở tung cửa nhìn xa ra thế giới bên ngoài, bớt chú trọng nông nghiệp mà chuyên tâm vào việc chấn hưng công nghiệp và khuyếch trương thương nghiệp. Từ thế kỷ 19 trở đi, đất nước thống nhất, tuy miền Trung vẫn là trung tâm quyền lực của cả nước, nhưng từ chính quyền cho đến dân chúng lại quay về nề nếp suy nghĩ xưa cũ phát xuất từ miền Bắc, khiến cho bánh xe tiến hóa của đất nước cứ luẫn quẫn mãi trong vòng thành xã hội phong kiến nông nghiệp, không theo kịp bước chân thế giới bên ngoài.
 
 Tóm lại, tất cả cốt lõi của sách lược phát triển miền Trung là sự thay đổi toàn diện cách nghĩ cách làm, từ cả phía chính quyền lẫn phía dân chúng.
                                             Tháng mười, 2003
                                         Minh Vũ Hồ Văn Châm 
Chú thích:
1.       Thừa ly, danh từ gốc Hán, đúng ra là sơ ly, là hàng rào bằng tre chẻ nhỏ dựng quanh sân trước nhà
2.      Con đường buồn thiu (la route sans joie) là danh từ báo chí đương thời gọi đoạn đường từ Diên Sanh trên Quốc lộ 1 đi về Kế Môn, Đại Lược, Thế Chí, bên kia bờ phá Tam Giang, thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vùng này, thời kháng chiến chống Pháp là khu an toàn dưỡng quân của Việt Minh.
3.      Nồi, biến âm của Lồi, là tiếng dân ta gọi người Chăm.
4.      Viên Lý Trưởng này con nhà giàu, có học, bản thân là địa chủ, anh em đều làm quan, mặc Âu phục rất thời thượng, giày golf và nón kết gửi mua tận bên Pháp, có việc xuống huyện hầu quan là vào thẳng bàn giấy bắt tay quan huyện và nói chuyện với quan toàn bằng tiếng Pháp, trong lúc Lý Trưởng các làng khác khăn đóng áo dài phải chầu chực, khúm núm trước mặt quan.
BS.HỒ VĂN CHÂM